Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông 23-10-2016

Sunday, October 23, 2016 8:03:00 PM // , ,

Tin tặc TC âm mưu tấn công tàu sân bay Mỹ ở Biển Đông?

media
Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan. wikipedia
Một hôm trước khi Tòa Trọng tài Thường trực La Haye (Hà Lan) ra phán quyết về vụ kiện Biển Đông, tin tặc TC đã mưu toan tấn công mạng tin học trên tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan đang hoạt động trên Biển Đông vào khi đó. Sự kiện xẩy ra từ tháng 07/2016  nhưng mãi đến ngày 21/10/2016 mới được nhật báo Anh Financial Times (FT) tiết lộ.
Theo FT, tin tặc đã gửi một tài liệu nhiễm mã độc, nhìn giống như một lá thư chính thức gởi cho các quan chức ngoại quốc lên thăm tàu sân bay của Mỹ. Mã độc này mang tên Enfal, được cấu tạo để lọt qua các hệ thống an ninh, thu thập thông tin về các hoạt động diễn tập và chính sách hiện hành. Mã độc đó cũng có thể tải thêm các virus khác về máy tính.
Financial Times cho biết là vụ tấn công xảy ra vào ngày 11/07/2016, một ngày trước khi Tòa Trọng tài Thường trực ra phán quyết chống yêu sách của TC ở Biển Đông. Vào lúc ấy, tàu sân bay hạt nhân Ronald Reagan đang tuần tra ở vùng biển này.
Tuy nhiên, theo Hải Quân Mỹ, vụ tấn công của các tin tặc đã không thành công, và không thấy có dấu hiệu nào là thông tin mật của chiếc Ronald Reagan bị đánh cắp trong vụ tấn công.
Theo công ty an ninh mạng FireEye của Mỹ, một nhóm tin tặc tại TC là tác giả vụ tấn công, và trong quá khứ, nhóm này đã từng đánh vào một số mạng quốc phòng của Mỹ và Việt Nam. Tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy là chính phủ TC đứng đằng sau vụ tấn công kể trên.
Theo giới phân tích, phương thức dùng để tấn công tàu Ronald Reagan tương tự như những gì đã được sử dụng để đánh vào một số cơ quan chính phủ và quân sự Việt Nam vào năm 2014, và đã tiếp cận được môt số thông tin mật liên quan đến chiến lược quốc phòng của Việt Nam. – Theo RFI

TT Philippines hứa dùng phán quyết Biển Đông khi đàm phán với Bắc Kinh

media
Tổng thống Philippines Duterte họp báo tại Bắc Kinh ngày 21/10/2016. REUTERS/Wu Hong/ Pool
Ngày 23/10/2016, phủ tổng thống Philippines tái khẳng định lập trường của Manila : không bỏ qua phán quyết về Biển Đông của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye ( Hà Lan), trong vụ kiện TC. Tổng thống Duterte không loại trừ khả năng Nhật Bản tham gia đàm phán đa phương về Biển Đông.
Hãng tin Philippines GMA dẫn lời phát ngôn viên của phủ tổng thống, Martin Anadar, thông báo: tổng thống Duterte «đã nhiều lần cho biết ông sẽ không xa rời các phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực PCA (về biển Tây Philippines, tức Biển Đông)».
Phát biểu nói trên của phủ tổng thống Philippines được đưa ra một ngày sau khi thượng nghị sĩ Risa Hontiveros, bày tỏ lo ngại về việc Duterte dường như đã bỏ qua «chiến thắng lịch sử tại Tòa án La Haye» để chuyển sang đàm phán song phương với TC. Thượng nghị sĩ Risa Hontiveros nhấn mạnh là «nỗ lực đạt thỏa thuận riêng với Trung Quốc mà coi thường phán quyết La Haye là một sai lầm».
Thượng nghị sĩ trẻ đảng Dân Chủ Xã Hội Philippines cũng cho rằng việc Duterte yêu cầu Bắc Kinh cho phép ngư dân Philippines vào đánh cá tại bãi cạn Scarborough (tên địa phương là Panatag Shoal hay Bajo Masinloc), là điều «phi lý». Điều này khiến cho «chiến thắng hết sức khó khăn của chúng ta trở nên vô nghĩa và chủ quyền quốc gia bị xâm phạm nghiêm trọng».
Người phát ngôn phủ tổng thống Philippines bày tỏ sự tôn trọng đối với quan điểm của vị thượng nghị sĩ.
Biển Đông: Nhật có thể tham gia đàm phán đa phương
Báo chí Philippines ngày 23/10/2016 dẫn lại lời của tổng thống Duterte, theo đó, đàm phán đa phương về Biển Đông có thể có sự tham gia của Nhật Bản. Phát biểu của nói trên của tổng thống Philippines được đưa ra trong buổi họp báo tối thứ Sáu, 21/10, tại Davao. Trả lời câu hỏi của một nhà báo Nhật Bản, Duterte cho biết, «tùy theo diễn biến», bên cạnh các đàm phán song phương với TC về Biển Đông, có thể có các đàm phán đa phương, vấn đề chủ yếu là « đối thoại hòa bình để giải quyết bất đồng».
Ít năm trở lại đây, trong bối cảnh Bắc Kinh gia tăng tham vọng bành trướng tại Biển Đông, Nhật Bản và Philippines tăng cường hợp tác quân sự. Kể từ năm ngoái, hai bên bắt đầu thảo luận về một thỏa thuận thăm viếng quân sự VFA (Visiting Forces Agreement), cho phép các lực lượng Nhật sử dụng các căn cứ tại Philippines. Tokyo cũng đã hỗ trợ Manila nhiều phương tiện bảo vệ vùng biển quốc gia.
Trong bối cảnh chính quyền Duterte xích lại với TC và rời xa Hoa Kỳ, khả năng Manila duy trì các kế hoạch hợp tác quân sự với Nhật, được khởi động từ thời tổng thống Benigno Aquino, hiện là một vấn đề để ngỏ. Theo tổng thống Philippines, các thảo luận với Tokyo trong chuyến công du đầu tuần tới (từ 25-27/10/2016) sẽ tập trung vào « hợp tác kinh tế và những lợi ích mà hai bên cùng chia sẻ». – Theo RFI

Tàu Mỹ tiếp tục thách thức tuyên bố chủ quyền của TC ở Biển Đông

Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Josh Earnest.
Phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc Josh Earnest
Một tàu khu trục của hải quân Mỹ ngày 21/10 di chuyển gần các đảo TC nhận chủ quyền ở Biển Đông, khiến các tàu chiến TC đưa ra khuyến cáo yêu cầu rời khỏi khu vực.
Đây là hành động mới nhất của Mỹ để đối lại điều mà Washington xem là nỗ lực của Bắc Kinh muốn giới hạn quyền tự do hàng hải trong vùng biển chiến lược này, theo giới chức Hoa Kỳ.
Bộ Quốc phòng TC lên án hành động của Mỹ là “bất hợp pháp” và “khiêu khích,” đồng thời cho biết 2 tàu chiến TC đã cảnh cáo khu trục hạm của Mỹ phải ra khỏi khu vực.
Tàu khu trục USS Decatur thách thức “các tuyên bố chủ quyền hàng hải thái quá” gần quần đảo Hoàng Sa, giữa một chuỗi đảo nhỏ, rạn san hô, và bãi cạn mà TC đang tranh chấp chủ quyền với các nước láng giềng, theo các giới chức Mỹ không muốn nêu tên.
Tàu Mỹ di chuyển trong các vùng biển TC nhận chủ quyền, gần sát nhưng không vào trong phạm vi 12 hải lý giới hạn chủ quyền từ các hòn đảo, các giới chức nói.
Ngũ Giác Đài cho biết tàu khu trục Decatur thực hiện hoạt động này một cách thông lệ, hợp pháp, không có tàu hộ tống, và không xảy ra sự cố.
Tòa Bạch Ốc đã xác nhận tin này.
Trong năm vừa qua, đây là lần thứ tư Hoa Kỳ thách thức điều mà họ xem là các tuyên bố chủ quyền quá đáng của TC ở Biển Đông, lần đầu tiên được tiến hành hồi tháng 5.
Một thông cáo từ Bộ Ngoại giao TC nói tàu Mỹ đã không xin phép đi vào các vùng biển chủ quyền của Bắc Kinh và vi phạm luật TC lẫn luật quốc tế.
Bắc Kinh cũng tố cáo Washington cố ý tạo ra căng thẳng.
Tòa Bạch Ốc nói hoạt động này nhằm bảo vệ quyền của các nước được tự do hàng hải theo luật quốc tế.
“Hoạt động này biểu thị rằng các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, cũng như quyền được phép sử dụng biển hợp pháp mà Mỹ và tất cả các nước thực thi theo luật quốc tế,” phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường nhật hôm 21/10. – Theo VOA

Mỹ tiến hành hoạt động tự do hàng hải ở Biển Đông

Tòa Bạch Ốc vừa lên tiếng xác nhận một tàu hải quân Mỹ ngày 21/10 đã di chuyển gần các đảo TC nhận chủ quyền ở Biển Đông và nhấn mạnh rằng hoạt động này nhằm bảo vệ quyền của các nước được tự do hàng hải theo luật quốc tế.
“Hoạt động này biểu thị rằng các nước ven biển không được giới hạn một cách bất hợp pháp tự do hàng hải, quyền tự do, cũng như quyền được phép sử dụng biển hợp pháp mà Mỹ và tất cả các nước thực thi theo luật quốc tế,” phát ngôn nhân Tòa Bạch Ốc, Josh Earnest, nhấn mạnh trong cuộc họp báo thường kỳ. – Theo VOA

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.