Tranh chếp Biển Dông – 26/09/2016
Máy bay Nhật xuất kích khi phát hiện chiến đấu cơ Trung Quốc
Tokyo phản ứng mạnh mẽ sau vụ Không quân Trung Quốc tập trận trong vùng biển chiến lược ở Hoa Đông. Theo thông cáo ngày 26/09/2016 của bộ Quốc Phòng, 8 chiếc máy bay Nhật Bản đã xuất kích ngay khi phát hiện chiến đấu cơ Trung Quốc bay qua eo biển Miyako vào hôm qua.
Trả lời báo chí sáng nay tại Tokyo, phát ngôn viên phủ thủ tướng Nhật, Yoshihide Suga cho biết thêm : cho dù không vi phạm không phận của Nhật Bản nhưng đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ Trung Quốc bay qua khu vực eo biểu Miyako, cách không xa quần đảo có tranh chấp chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư. Đây là nơi từ năm 2013 Trung Quốc đã đơn phương tuyên bố thành khu vực « vùng nhận dạng phòng không AZID » bất chấp sự chống đối của Nhật Bản và đồng minh Hoa Kỳ.
Cũng trong buổi họp báo sáng nay (26/09/2016) phát ngôn viên của thủ tướng Nhật nhấn mạnh Tokyo « không thể chấp nhận để không phận trong vùng gần quần đảo Senkaku thuộc về Trung Quốc ».
Eo biển Miyako nằm giữa hai đảo Miyako và Okinawa của Nhật Bản, được Trung Quốc xem là một vùng chiến lược, cửa ngõ mở ra tây Thái Bình Dương.
Bắc Kinh hôm qua thông báo đã tiến hành một cuộc tập trận trên không ở Biển Hoa Đông, huy động hơn 40 máy bay, trong đó có chiến đấu cơ, máy bay oanh tạc và máy bay tiếp liệu, mô tả đây là một cuộc « tập trận thường lệ » trong vùng nhận dạng phòng không của Trung Quốc với mục đích « bảo vệ chủ quyền an ninh quốc gia và gìn giữ hòa bình ».
Hãng tin Bloomberg nhắc lại tháng 5/2016 một số phi vụ của Không quân Trung Quốc từng bay ngang eo biển Miyako, nhưng cuộc tập trận ngày 25/09/2016 đã huy động một số lượng máy « lớn chưa từng thấy ». Theo lời một viên tướng về hưu của Trung Quốc, « sự kiện chưa từng xảy ra » nói trên « nhằm tăng cường khả năng tác chiến ở biển khơi » của quân đội Trung Quốc.
Sự hiện diện của máy bay Trung Quốc và Nhật Bản trên bầu trởi Biển Hoa Đông một lần nữa cho thấy căng thẳng giữa Bắc Kinh và Tokyo chưa có dấu hiệu thuyên giảm.
Nhật nghi ngờ hoạt động của chiến đấu cơ Trung Quốc
Hôm thứ Hai, Nhật Bản cảnh báo Trung Quốc về việc nước này đưa chiến đấu cơ đến vùng lãnh thổ có tranh chấp, nơi cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, trên Biển Hoa Đông.
Hôm Chủ nhật, Trung Quốc đã đưa các chiến đấu cơ đến không phận khu vực eo biển Miyako, phía đông quần đảo Senkaku do Nhật Bản kiểm soát. Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền trên quần đảo này và gọi tên là đảo Điếu Ngư. Các giới chức Trung Quốc cho biết có khoảng 40 máy bay đã tham gia vào hoạt động trên.
Theo AP, Nhật Bản đã truy đuổi ít nhất một chiến đấu cơ sau khi máy bay của Trung Quốc bay qua khu vực này.
Nhật Bản nói chiếc máy bay trên không vi phạm không phận Nhật Bản, nhưng đây là lần đầu tiên chiến đấu cơ của Trung Quốc bay qua eo biển này.
Thủ tướng Nhật Shinzo Abe nói với quốc hội hôm thứ Hai rằng Nhật sẽ “không bao giờ tha thứ cho những nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng” trong những vùng biển có tranh chấp hoặc “bất cứ nơi nào khác trên thế giới”.
Philippines và Mỹ sẽ tập trận chung
Philippines và Mỹ sẽ tập trận chung vào tháng 10 ở Luzon và Palawan, gần khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Loan báo đưa ra hôm 25/9, trong bối cảnh Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte có những thông điệp trái ngược về chính sách ngoại giao.
1.400 lính Mỹ ở Okinawa, Nhật Bản, và 500 lính Philippines sẽ tập trận ở đảo Luzon và ở Palawan từ 4 đến 12/10.
Từ ngày nhậm chức hồi tháng Sáu, ông Duterte đã có những tuyên bố trái ngược về Trung Quốc và Mỹ.
Nhưng tuần rồi, ông nói Philippines vẫn cần quân đội Mỹ tuy trước đó tuyên bố sẽ chấm dứt việc tuần tra chung trên biển.
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte sẽ thăm Việt Nam từ ngày 28 đến 29/9.
Dự kiến ông Duterte sẽ thăm Trung Quốc, Nhật Bản vào tháng 10.
The Guardian :Chính sách « xoay trục »
sang châu Á của Obama thất bại
Trong những năm gần đây, Hoa Kỳ đã củng cố liên minh với các nước châu Á, gia tăng trao đổi mậu dịch và tăng cường sự hiện diện quân sự trong khu vực. Chính sách « xoay trục » sang châu Á của tổng thống Obama chính là nhằm kềm chế sự trỗi dậy « hoà bình » của Trung Quốc. Nhưng theo tờ nhật báo Anh The Guardian, trong một bài viết đăng trên mạng ngày 25/09/2016, chính sách « xoay trục » này đã thất bại.
Tờ báo này ghi nhận rằng, kế hoạch của ông Obama thúc đẩy tự do mậu dịch ở châu Á Thái Bình Dương mà không bao gồm Trung Quốc, thông qua hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương TPP, hiện đang bị đe dọa. Vào tuần trước, thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã tuyên bố rằng TPP là một « cột trụ » quan trọng của ảnh hưởng của Mỹ trong tương lai. Ông Abe cho rằng thành công hay thất bại của hiệp định này sẽ ảnh hưởng đến hệ thống tự do mậu dịch toàn cầu, cũng như đến môi trường chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương.
Lời cảnh báo của thủ tướng Nhật phản ánh mối lo ngại của Tokyo rằng một lần nữa ông Obama lại tỏ ra là một đối tác không đáng tin cậy và sẽ không thuyết phục được Quốc hội phê chuẩn hiệp định TPP. Chưa gì hiệp định này đã bị hai người có khả năng kế nhiệm ông Obama là Hillary Clinton và Donald Trump bác bỏ.
Cũng theo The Guardian, một bằng chứng khác cho thấy chính sách “xoay trục » của ông Obama đã thất bại, đó là Washington đã không ngăn chận được Trung Quốc xây các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Các cuộc tuần tra bảo vệ « tự do hàng hải » của các chiến hạm Mỹ, mà sắp tới đây sẽ có sự hỗ trợ của hải quân Nhật, chẳng có tác dụng gì đáng kể, mà chỉ làm gia tăng nguy cơ xung đột quân sự trực tiếp giữa Hoa Kỳ với Trung Quốc.
Chính vì thấy những dấu hiệu yếu kém của Mỹ mà một số đồng minh phải tự lo lấy thân. Vào tuần trước có tin là Đài Loan cũng đang củng cố phòng thủ trên đảo Ba Bình, đảo duy nhất mà Đài Bắc kiểm soát ở Trường Sa.
Đáng nói hơn cả là vào tuần trước tổng thống Philippines Duterte tuyên bố rằng Manila sẽ ngưng hợp tác với Hoa Kỳ về tuần tra trên Biển Đông và theo ông, Trung Quốc là đối tác mạnh hơn. Tất nhiên những tuyên bố nói trên của tổng thống Duterte phản ánh sự tức giận của ông trước chỉ trích của Mỹ về những vi phạm nhân quyền ở Philipines, hơn là một sự chuyển hướng chiến lược. Nhưng điều này dĩ nhiên làm Bắc Kinh hoan hỉ.
Các quốc gia khác trong khu vực thì thận trọng hơn, một thái độ được Bắc Kinh khuyến khích, theo đúng chiến thuật « chia để trị ». Trong tháng này, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình rằng « hợp tác trên biển thông qua đối thoại hữu nghị » là cách tốt nhất. Nhưng giống như Trung Quốc, Hà Nội cũng đang nhanh chóng xây dựng khả năng quân sự và củng cố liên minh với nhiều nước, trong đó có Ấn Độ, dự phòng cho thời kỳ sau này quan hệ với Bắc Kinh bớt « hữu nghị » hơn.
Cũng theo The Guardian, một dấu hiệu khác cho thấy các nước khu vực bớt tin tưởng vào Hoa Kỳ, đó là thượng đỉnh ASEAN ở Viêng Chăng trong tháng này đã tránh nhắc đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về Biển Đông.
Sự bất lực của Obama khiến dư luận ở Nhật và các nước khác đặt câu hỏi về tính đáng tin cậy của chiếc dù an ninh Mỹ, và khiến những thành phần dân tộc chủ nghĩa cực đoan ở nước này có thêm lý do để đòi chính phủ Tokyo phải nhanh chóng tái vũ trang, thậm chí triển khai vũ khí nguyên tử của riêng mình.
Lầu năm góc nay đã chính thức xem Trung Quốc là một « mối đe dọa », cho thấy kể từ nay ngày càng khó tránh xung đột quân sự giữa hai cường quốc hàng đầu thế giới. Một nghiên cứu gần đây đã đi đến kết luận là trong trường hợp xảy ra xung đột Mỹ-Trung, cả hai bên đều sẽ thiệt hại nặng nề. Nghiên cứu này đề nghị là nếu không tránh được chiến tranh, tốt nhất là Hoa Kỳ nên tấn công trước, trước khi Trung Quốc mạnh hơn và lợi thế quân sự hiện nay của Mỹ suy giảm.
Biển Đông: Chuyên gia Mỹ
đòi nghiêm trị hành vi phi pháp của Bắc Kinh
Được Hạ Viện Hoa Kỳ tham khảo ý kiến, ngày 21/09/2016, ba chuyên gia Mỹ về luật biển và Biển Đông đã khuyến nghị chính quyền là cần phải có một lập trường cứng rắn hơn, và những biện pháp mạnh mẽ hơn để trị các hành động phi pháp Trung Quốc tại Biển Đông. Họ kêu gọi gia tăng số lượng chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải trong khu vực, đặc biệt thách thức các yêu sách chủ quyền cũng như hành vi phi pháp của Trung Quốc, mà từ lâu nay chưa được chú ý.
Trang thông tin USNI News của Học Viện Hải Quân Mỹ ngày 22/09 đã lược ghi kế sách của các chuyên gia này trong bài « Các chuyên gia yêu cầu có lập trường cứng rắn hơn chống các yêu sách phi pháp tại Biển Đông » (Experts Advocate Harder Stance Against Illegal Claims In South China Sea).
Bài báo trước hết ghi nhận rằng trong cuộc điều trần tại Tiểu Ban Hải Lực thuộc Ủy Ban Quân Vụ Hạ Viện Mỹ, hai giáo sư James Kraska và Adam Erickson thuộc trường Hải Chiến Mỹ, cùng với bà Bonnie Glaser, cố vấn cao cấp tại Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS, đều nhất trí rằng sự tuân thủ pháp luật hàng hải ở Biển Đông là điều quan trọng, không chỉ đối với an ninh khu vực, mà còn đối với việc duy trì luật biển ở những nơi khác trên thế giới.
Ngoài việc nhất trí ủng hộ khả năng Hoa Kỳ phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, các chuyên gia cho rằng các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải của Hải Quân Mỹ (FONOPS) cần phải được tăng cường, cả về số lượng lẫn chất lượng, nhưng, như bà Bonnie Glaser đã góp ý, một cách «kín đáo và không phô trương.»
Đánh vào những yêu sách chưa hề bị thách thức
Một trong những kế sách độc đáo được đề xuất là cần phải đánh vào những yêu sách vô lý của Trung Quốc nhưng từ trước đến nay đã bị lơ là.
Tiến sĩ James Kraska, một giáo sư về luật quốc tế, luật đại dương và chính sách, ngoài việc yêu cầu chính quyền Mỹ kéo Nhật Bản vào cùng tham gia tuần tra, cũng đã khuyến nghị rằng : « các chiến dịch tuần tra nên ưu tiên đánh vào một số yêu sách bất hợp pháp (của Trung Quốc) vốn chưa bao giờ bị thách thức, chẳng hạn như các đường cơ sở thẳng cắt ngang Eo Biển Hải Nam mà Trung Quốc muốn tự nhận là vùng nội thủy của họ. Theo như tôi được biết, yêu sách đó chưa bao giờ bị thách thức, ít ra là từ thời Chiến Tranh Việt Nam đến nay. »
Ông Kraska ủng hộ việc Hoa Kỳ có thái độ cứng rắn hơn đối với các tuyên bố trái pháp luật của Trung Quốc về lãnh hải. Theo ông, nếu muốn tuyên bố một vùng lãnh hải, một nước trước hết phải thiết lập một đường cơ sở nơi bờ biển của họ kết thúc, từ đó mở rộng ra 12 hải lý để phân định lãnh hải của mình.
Vấn đề là không có bất kỳ đường cơ sở nào được vạch ra gần quần đảo Trường Sa và chỉ có đường cơ sở bất hợp pháp được thành lập gần quần đảo Hoàng Sa. Điều đó, theo giáo sư Kraska, có nghĩa là « không có lãnh hải hợp pháp nào xung quanh bất kỳ hòn đảo nào trong khu vực. » Đường cơ sở không thể được vẽ ra quanh các hòn đá, các bãi nửa chìm nửa nổi, do vậy, không thể có lãnh hải ở những nơi đó.
Giáo sư Kraska đã tự hỏi : « Tại sao chúng ta lại chấp nhận một giả định về lãnh hải xung quanh một bãi đá chỉ vì một số quốc gia khác tuyên bố rằng họ là sở hữu chủ của thực thể đó ? »
Để giải quyết vấn đề này, tiến sĩ Kraska kiến nghị : « Tôi sẽ đề nghị cho phi cơ bay ngang bãi Vành Khăn (Mischief Reef) ở quần đảo Trường Sa. Dù cho có nước nào đòi chủ quyền chăng nữa, thì thực thể đó vẫn không có không phận quốc gia bên trên, không có lãnh hải xung quanh, đó là những thực thể nơi mà quyền tự do lưu thông trên không và trên biển được áp dụng hoàn toàn ».
Hải Quân Mỹ sai lầm khi tuần tra theo thủ tục đi qua vô hại
Theo giáo sư Kraska, nhìn từ góc độ luật biển, Hải Quân Mỹ đã né tránh việc hành xử đầy đủ quyền trên biển của mình khi thực hiện chuyến tuần tra đầu tiên trong một loạt các chiến dịch tuần tra vì quyền tự do hàng hải vào năm ngoái với tàu khu trục có tên lửa dẫn đường USS Lassen (DDG-82).
Hải Quân Mỹ và Lầu Năm Góc đã xác nhận là họ đã hành động theo thủ tục « đi qua vô hại », với chiếc chiến hạm không sử dụng bất kỳ loại vũ khí hoặc radar nào, cũng như không thực hiện bất kỳ một thao tác tập trận nào khi đi qua một khu vực mà Trung Quốc tuyên bố là của riêng của họ.
Giáo sư Kraska nói : « Tôi thì tôi sẽ không chọn phương thức đi qua vô hại khi muốn thách thức một tuyên bố chủ quyền bất hợp pháp, vì đó là chế độ quá cảnh hạn chế nhất trong luật biển. »
Điều đáng tiếc hơn nữa, theo giáo sư Kraska, là chính quyền Mỹ lại chọn phương thức đi qua vô hại đối với một số thực thể địa lý mà không một nhà nước nào có thể tự nhận chủ quyền vì là bãi cạn nửa chìm, nửa nổi, và thậm chí, ngay cả khi bị một nước tuyên bố chủ quyền, cũng không được quyền có lãnh hải bao quanh.
Vì vậy, giáo sư Kraska cho rằng tuần tra theo cách thức mà Hải Quân Mỹ đã làm gần một thực thể như vậy là điều hoàn toàn vô nghĩa, thậm chí lại còn hàm ý công nhận sự tồn tại của lãnh hải bao quanh.
Phải đánh vào việc Bắc Kinh dùng dân quân biển
Ngoài việc nhất trí rằng Hoa Kỳ cần phải dứt khoát hơn trong việc chống lại các yêu sách chủ quyền bất hợp pháp của Trung Quốc, các chuyên gia cũng thảo luận về việc Trung Quốc đã cố gắng áp đặt những tuyên bố này – không phải chủ yếu thông qua các tàu chiến vỏ xám của Hải Quân, mà còn bằng đội tàu Hải Cảnh vỏ trắng, và đội tàu vỏ xanh của lực lượng dân quân biển, hiếm khi được nhắc đến.
Theo tiến sĩ Andrew Erickson, một giáo sư về chiến lược tại Viện Nghiên cứu về Trung Quốc Trên Biển thuộc trường Hải Chiến Mỹ, « Đừng nên ngộ nhận, đó là lực lượng do Nhà Nước Trung Quốc tổ chức, phát triển và kiểm soát, hoạt động dưới quyền chỉ huy trực tiếp của giới quân sự. » Tàu của lực lượng dân quân biển Trung Quốc, chủ yếu là tàu đánh cá với vỏ cứng được gia cố, có lan can bảo vệ khi đâm vào tàu khác, và vòi rồng để quấy rối đối phương.
Tại phiên điều trần, giáo sư Erickson khẳng định : « Đây là một lực lượng phát triển mạnh trong bóng tối mà Bắc Kinh có thể dễ dàng phủ nhận sự tồn tại…, nhưng chúng ta có đủ khả năng lôi lực lượng này ra ánh sáng… »
Theo ghi nhận của giáo sư Erickson, trong cuộc tuần tra vào năm ngoái, chiến hạm Mỹ Lassen đã bị vô số « tàu thương mại nhỏ mang đặc trưng của các tàu dân quân biển tiếp cận và khiêu khích, tựa như đã đoán trước được sự hiện diện của tàu Mỹ ».
Mỹ phải vạch trần tính chất thâm hiểm của việc dùng dân quân biển
Đối với giáo sư Erickson : « Không ai biết được những gì Trung Quốc đã từng dự định thực hiện, hoặc sẽ thực hiện sau này, dựa trên những hình ảnh mà họ đã thu được. Vì vậy, trước khi Trung Quốc có thể đẩy chúng ta hoặc một trong các đồng minh hay đối tác của chúng ta vào một hoàn cảnh tế nhị là phải đối đầu với những ‘ngư dân vô tội’, thì chính quyền Mỹ phải vạch trần trước công luận bản chất và hành động thực thụ của lực lượng trên biển thứ ba này của Trung Quốc ».
Giáo sư Erickson rất lo lắng trước nguy cơ lực lượng dân quân biển Trung Quốc có thể tấn công một tàu chiến của Hoa Kỳ, dẫn đến kịch bản trong truyện Gulliver phiêu lưu ký, với việc chàng Gulliver bị những người tí hon ở xứ Lilliput bắt giữ.
Đối với chuyên gia Erickson, để tránh bị hạm đội tàu vỏ xanh này ngăn trở, chính quyền Mỹ tới đây cần phải công bố một báo cáo chính sách toàn diện về tự do hàng hải và xem xét cách Trung Quốc sử dụng tất cả các phương tiện trên biển của họ để ngăn chặn tự do trên biển.
« Chúng ta không thể chấp nhận một tình huống theo đó Hải Quân của họ thì ôm hôn Hải Quân của chúng ta để học cách vận hành tốt nhất và để giả vờ làm một loại cảnh sát tốt, trong khi hai lực lượng biển khác của họ – Hải Cảnh và dân quân biển – thì đóng vai trò của những cảnh sát xấu, làm những công việc bẩn thỉu ở Biển Đông ».
Các đề nghị khác
Chuyên gia Glaser đã đề nghị tài trợ đầy đủ cho Sáng Kiến An Ninh Hàng Hải, dự kiến khoảng 60 triệu đô la trong tài khóa sắp tới. Giáo sư Kraska thì đề nghị đưa thêm tàu chiến Hoa Kỳ đến Biển Đông và Thái Bình Dương để tăng cường sự hiện diện và chứng minh quyết tâm duy trì pháp luật hàng hải. Việc đồn trú các chiếc tàu cận chiến duyên hải LCS tại Singapore là một khởi đầu tốt, nhưng số lượng tàu triển khai trên mặt biển cần phải được tăng thêm nhiều hơn nữa.
Ông Kraska cũng cho rằng, trong trường hợp Thượng Viện Mỹ chưa phê chuẩn Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, Mỹ nên tuân thủ một chính sách thời tổng thống Reagan, theo đó Mỹ « sẽ công nhận quyền của các nước khác, miễn là các nước đó tôn trọng các quyền hạn và quyền tự do của Mỹ được phản ánh trong Công ước ».
Giáo sư Kraska giải thích thêm : « Quan điểm của tôi là Hoa Kỳ phải trung thực hơn với chính sách của mình, và nếu cần, phải thực hiện các biện pháp đối phó hợp pháp, chống lại các nước như Trung Quốc, hầu tạo ra tình huống tuân thủ luật pháp quốc tế – có nghĩa là tôi khuyến cáo chính quyền Mỹ là không công nhận quyền của Trung Quốc được hoạt động trong lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ nếu tàu chiến, máy bay quân sự Trung Quốc cố phủ nhận quyền của Hoa Kỳ.
Hoa Kỳ cần thông báo cho tàu chiến và phi cơ quân sự Trung Quốc rằng họ không còn được quyền « đi qua vô hại » trong lãnh hải của Mỹ như từng làm ở vùng quần đảo Aleutian vào năm ngoái, hoặc tiến hành các hoạt động quân sự trong vùng đặc quyền kinh tế Mỹ như đang thường xuyên làm ngoài khơi Hawaii và Guam. Mỹ cũng cần thông báo với Trung Quốc rằng đó không phải là việc ăn miếng trả miếng, mà là một biện pháp đối phó, phù hợp với luật quốc tế.
Cuối cùng, Kraska gợi ý rằng nếu Trung Quốc không sẵn sàng chấp nhận phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực vào tháng Bảy 2016, cho rằng Trung Quốc đã vi phạm UNCLOS với các yêu sách bất hợp pháp của họ, thì các tổ chức quốc tế khác có thể xét xử các vi phạm của Bắc Kinh mà tòa án đã nêu lên.
Trung Quốc sẽ triển khai drone kiểm soát biển Đông
Báo chí Ấn Độ và Mỹ cùng đưa tin : Trung Quốc có kế hoạch bố trí máy bay không người lái ( drone ) để « quan sát » các vùng biển tranh chấp với láng giềng Đông Nam Á và Nhật Bản.
Trung Quốc từ nay đủ khả năng chế tạo và bố trí máy bay không người lái trên khắp vùng biển từ « Nam Hải cho đến quần đảo Điếu ngư ở biển Hoa Đông, nơi Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp chủ quyền, để theo dõi và vẽ bản đồ ». Thông tin này đến từ tổng giám đốc công ty công nghệ cao cấp TopRS Technology củaTrung Quốc, Lý Anh Thành với Nhân Dân Nhật Báo, được IANS của Ấn Độ và Washington Times trích lại ngày hôm qua 25/09.
Theo nhân vật này thì máy bay trinh sát của Trung Quốc ZC-5B và ZC-10 thuộc loại « tàng hình » khó bị ra-đa phát hiện. ZC-5B có tầm họat động 1400 km và bay suốt 30 giờ. Mục tiêu là để « bảo vệ chủ quyền Trung Quốc trong việc khai thác tài nguyên khoáng sản và dầu khí, cũng như theo dõi các hành động quân sự ».
Thật ra dự án sử dụng drone tăng cường sức mạnh thống lĩnh biển Đông của Trung Quốc không phải mới có và đã bị giới chuyên gia quốc tế theo dõi từ nhiều tháng nay. Một bài phân tích dài trên báo mạng The Diplomat của Nhật Bản ngày 01/06/2016, cho biết từ đầu năm 2016, Trung Quốc đã bố trí chiến đấu cơ J-11, tên lửa phòng không HQ-9 trên đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất của Hoàng Sa (chiếm của Việt Nam vào năm 1974). Đến tháng 04 năm nay, hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc điều thêm máy bay dọ thám không người lái loại BZK-005 ra Phú Lâm.
Philippines liệu có bỏ Mỹ theo Trung ?
Sau khi đi thăm Việt Nam trong tuần này, tổng thống Philipines Rodrigo Duterte vào tháng tới sẽ công du Trung Quốc lần đầu tiên, trong bối cảnh mà Bắc Kinh đang cố kéo Manila về phía mình, rời xa liên minh với Mỹ. Để thực hiện mục tiêu này, Trung Quốc tạm dừng công trình xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough mà họ đã chiếm đóng từ năm 2012, theo tờ New York Times ngày 25/09/2016.
Xây đảo nhân tạo trên bãi cạn này và đặt trên đó một căn cứ quân sự vẫn là mục tiêu kế tiếp của Bắc Kinh, nhưng việc tổng thống Duterte lên cầm quyền và liên tiếp đưa ra những lời đe dọa, chữi bới Hoa Kỳ đã làm thay đổi những tính toán của Trung Quốc. Tất nhiên là Bắc Kinh sẽ không bao giờ từ bỏ mục tiêu biến Scarborough thành một căn cứ quân sự lớn, nhưng hiện giờ kế hoạch này dường như đang tạm ngưng.
Theo các nhà phân tích Trung Quốc, điều quan trọng nhất với Bắc Kinh bây giờ là tạo một mối quan hệ hữu nghị với ông Duterte để cố lôi kéo Philippines ra khỏi liên minh với Hoa Kỳ. Xây đảo nhân tạo trên bãi cạn Scarborough vào lúc này sẽ phá hỏng cơ may đạt được mục tiêu nói trên. Một giáo sư về quan hệ quốc tế ở Hồng Kông được New York Times trích dẫn cho biết rằng chính phủ Bắc Kinh vẫn muốn ít ra là Manila giữ thái độ trung lập trong cuộc đối đầu hiện nay giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Tờ New York Times nhắc lại rằng vào tháng 7 vừa qua, Tòa án Trọng tài Thường trực đã ra phán quyết chỉ trích nặng nề những hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là hoạt động xây đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa, nằm không xa Philippines. Nhưng Bắc Kinh đã bác bỏ phán quyết đó. Chính quyền Obama đã tuyên bố phán quyết của Tòa Trọng tài mang tính bắt buộc thi hành, nhưng tránh nhấn mạnh quá nhiều vào điểm này.
Lý do là vì, theo New York Times, rất khó mà ngăn chận Trung Quốc tiếp tục xây những cấu trúc quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, trừ phi dùng vũ lực. Quân đội Mỹ cho biết là 3 trong số 7 đảo nhân tạo mà Trung Quốc xây ở Trường Sa được thiết kế như những căn cứ quân sự. Theo lời một nhà nghiên cứu quân sự Mỹ, Thomas Shugart, Đá Su Bi ( Subi Reef ) nay có một hải cảng lớn hơn cả Trân Châu Cảng. Cả ba đảo/căn cứ quân sự nói trên có thể được dùng là nơi đồn trú cho 17 ngàn binh lính và một đội phi cơ đủ khả năng chống lại một cuộc can thiệp của Mỹ.
Cũng theo lời ông Shugart, bãi cạn Scarborough có thể trở thành một căn cứ quân sự lớn hơn cả. Bãi cạn này có vị trí chiến lược đặc biêt vì nó chỉ nằm cách 250 km với bờ biển Philippines và Vịnh Subic, nơi đồn trú các chiến đấu cơ phản lực và chiến hạm của Mỹ.
Một khi biến bãi cạn Scarborough thành căn cứ quân sự, Trung Quốc sẽ có thể tung lực lượng ra khắp vùng Biển Đông, từ một « tam giác » căn cứ, cùng với quần đảo Trường Sa ở phía Nam và quần đảo Hoàng Sa ở phía Tây.
Theo lời một giáo sư quan hệ quốc tế ở trường Đại học Nhân dân Trung Quốc, cho dù đối thoại giữa Bắc Kinh với Manila đạt kết quả như thế nào, thì mục tiêu lâu dài của Trung Quốc vẫn là kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Hơn nữa, cũng theo vị giáo sư này, tuy ông Duterte đã có thái độ gay gắt với Mỹ, đòi rút lực lượng đặc biệt của Mỹ ra khỏi miền Nam Philippines và dùng những lời thô tục nói về tổng thống Obama, Trung Quốc không dễ gì mà thu phục được sự tin cậy của tổng thống Philippines. Vị giáo sư này cho rằng, thuyết phục Manila từ bỏ quan hệ mật thiết với Washington để ngả theo Trung Quốc, giống như họ đã làm với Lào và Cam Bốt, là chuyện không tưởng.
0 comments