Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tranh chấp Biển Đông – 27/09/2016

Tuesday, September 27, 2016 7:23:00 PM // , ,

Tin Biển Đông – 27/09/2016

Đô đốc Nhật Bản mời hải quân Trung Quốc ghé thăm

Khu trục hạm Nhật Bản Kongo (phía trước) và Chokai (sau), rời căn cứ Sasebo, Nagasaki, ngày 28/03/2009.JIJI PRESS / AFP
Trong bối cảnh Hoa Đông căng thẳng, tham mưu trưởng hải quân Nhật Bản đề nghị nối lại quan hệ gián đoạn với hải quân Trung Quốc. Tokyo lo ngại các họat động quân sự của Bắc Kinh càng ngày càng nhiều áp sát hải phận và không phận Nhật Bản.
Trong cuộc hội thảo do một cơ quan Nghiên cứu Đông Á tổ chức ngày 26/09/2016 tại Washington, đô đốc Tomohisa Takei, tham mưu trưởng hải quân Nhật Bản chìa nhánh « olive » với Trung Quốc : Quân cảng chúng tôi mở rộng, sẵn sàng đón tiếp chiến hạm, thủy thủ Trung Quốc trao đổi thăm viếng.
Sau bốn năm gián đoạn liên lạc, hai cường quốc Á châu vừa thỏa thuận tăng tốc đàm phán một phương thức liên lạc trên không và trên biển để tránh đụng độ quân sự.
Tuy vậy, theo AP, đô đốc Tomohisa Takei không dấu quan ngại về diễn biến tình hình gần đây : Trung Quốc gia tăng họat động trên không và trên biển, ở quần đảo Senkaku/ Điếu ngư và mới đây cho 40 máy bay quân sự vượt eo biển cực nam Nhật Bản ra Tây Thái Bình dương. Tham mưu trưởng hải quân Nhật lo ngại các hành động « nguy hiểm » của Trung Quốc có thể dẫn đến khủng hoảng nghiêm trọng.
Tokyo cũng chỉ trích thái độ của Bắc Kinh thao túng Biển Đông.
Tham mưu trưởng Tomohisa Takei cho biết thêm hải quân Nhật sẽ cùng với Hoa Kỳ « tập dợt » ở Biển Đông nhưng không có nghĩa là Nhật Bản có kế hoạch « tuần tra chung » với đồng minh.

Venezuela « bán đứng » vấn đề Biển Đông như thế nào

Vì sao phán quyết của Tòa Trọng Tài La Haye bị chận trong thượng đỉnh phong trào Phi Liên Kết ? Hoàn Cầu Thời Báo, thuộc xu hướng chủ chiến tại Trung Quốc chỉ trích Singapore gây áp lực đòi Phong Trào Phi Liên Kết (NAM) đưa phán quyết của Toà Trọng Tài vào bản tuyên bố chung nhân thượng đỉnh lần thứ 17 tại Venezuela. Chuyện gì đã xảy ra ? Hư thực ra sao ?
Trước hết, trong bài tổng kết về thượng đỉnh các nước không liên kết tại Venezuela trong hai ngày 17 và 18/09/2016, Hoàn Cầu Thời Báo cho là phái đoàn Singapore đã gây sức ép, buộc hội nghị phải đưa phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye, phủ nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc, vào văn kiện làm cơ sở cho tổ chức hoạt động trong ba năm tới. Đại diện của Singapore còn dùng lời lẽ nặng nề để công kích những thành viên chống lại ý định đưa phán quyết La Haye vào hồ sơ Biển Đông.
Theo trang mạng The Straites Times của Singapore ngày 27/09/2016, đại sứ Singapore tại Bắc Kinh đã cực lực phản đối cáo buộc của Hoàn Cầu Thời Báo và yêu cầu tờ báo này phải đăng cải chính « thông tin dối trá ». Đề nghị này không được đáp ứng.
Qua phóng viên của The Straites Times và đại sứ Singapore tại Bắc Kinh, độc giả biết rõ một số sự kiện mà dường như Hoàn Cầu Thời Báo không muốn cho công luận Trung Quốc am tường :
Một là chính nước Lào, với tư cách chủ tịch luân lưu của ASEAN, từ tháng 7, đã thông báo với Iran, chủ tịch Các Nước Phi Liên Kết về nhu cầu « cập nhật hóa » tình hình Biển Đông nhân thượng đỉnh vào tháng 9 tại Venezuela . Hồ sơ Biển Đông được ASEAN chuẩn bị từ hai tháng trước chứ không phải hấp tấp đưa ra vào giờ chót như báo đảng Trung Quốc cáo buộc.
Điểm thứ hai là khi Venezuela thay Iran làm chủ tịch, thì Caracas từ chối yêu cầu của ASEAN ghi thêm phán quyết La Haye vào chương Biển Đông.
Điểm thứ ba, là từ khi Biển Đông được đưa vào hồ sơ Đông Nam Á vào năm 1992, mỗi lần họp thượng đỉnh Phi Liên Kết, hồ sơ Biển Đông bao giờ cũng được « cập nhật hóa », trừ lần này.
Trước lập trường của Venezuela, xem thường quyền lợi của các thành viên ASEAN, trưởng đoàn Lào Kham-Inh Khitchadeth đã tỏ thái độ « thất vọng ». Ông nhấn mạnh, Biển Đông là vấn đề « sinh tử của hoà bình, ổn định, an ninh và hợp tác của Đông Nam Á ».
Câu hỏi đặt ra là vì sao Venezuela bất chấp quyền lợi của các thành viên Đông Nam Á trong nhóm Phi Liên Kết ? Vì sao cơ quan tuyên truyền của đảng Cộng sản Trung Quốc không đưa tin đa chiều ? Và vì sao không đăng bài phản bác của đại sứ Singapore cho người Trung Quốc suy xét ?
Theo Tân Hoa Xã, bên lề Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc ngày 22/09, ngoại trưởng Vương Nghị tuyên bố Trung Quốc sẽ gia tăng hợp tác giúp Venezuela đối phó với khủng hoảng kinh tế. Caracas được Bắc Kinh cho vay 50 tỷ đôla, trả nợ bằng dầu hỏa. Đầu năm 2015, tổng thống Nicolas Maduro bay sang Bắc kinh cầu cứu và xin triển hạn thời gian trả nợ.

Thăm Việt Nam,

tổng thống Philipines sẵn sàng thảo luận về Biển Đông

Ngày mai, 28/09/2016, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte bắt đầu chuyến công du chính thức đầu tiên, kéo dài 2 ngày, ở Việt Nam, nhân kỷ niệm 40 năm hai nước thiết lập bang giao. Trong chuyến đi này, tổng thống Philippines sẵn sàng thảo luận vấn đề Biển Đông với các lãnh đạo Việt Nam.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Philippines Charles Jose hôm thứ hai (26/09/2016) cho biết là theo lịch trình dự kiến, tổng thống Duterte sẽ hội kiến chủ tịch nước Trần Đại Quang ngày 29/09 và cũng sẽ đến chào xã giao hai lãnh đạo cao cấp khác của Việt Nam là thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Theo lời phát ngôn viên, lãnh đạo hai nước dự trù thảo luận về hợp tác song phương trong các lĩnh vực an ninh hàng hải, thực thi pháp luật và quốc phòng, thúc đẩy thương mại và đầu tư, tăng cường trao đổi về nông nghiệp và ngư nghiệp. Hai bên cũng sẽ trao đổi quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế.
Trước đó, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Charles Jose nói rằng tổng thống Duterte sẵn sàng thảo luận về tranh chấp chủ quyền Biển Đông trong chuyến viếng thăm Việt Nam. Nhưng theo ông, cuộc thảo luận về hồ sơ này « phải được đặt trong bối cảnh nhấn mạnh đến sự cần thiết phải duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực ».
Ông Jose cũng thận trọng nói thêm, lập trường của Manila về phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực trong vụ kiện Biển Đông, với nội dung có lợi cho Philippines, « phải được đặt trong bối cảnh tái khẳng định cam kết của chúng ta về một giải pháp hòa bình và thượng tôn pháp luật ».
Trong thời gian viếng thăm Việt Nam, tổng thống Duterte sẽ gặp gỡ cộng đồng người Philippines ở Việt Nam tại một khách sạn ở Hà Nội. Hiện có khoảng 3800 người Philippines sống và làm việc ở đây. Hà Nội và Manila đã thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 12/07/1976.

Singapore cáo buộc Trung Quốc dựng chuyện về biển Đông

27.09.2016
Đại sứ Singapore ở Bắc Kinh hôm nay cáo buộc một tờ báo lớn của chính phủ Trung Quốc đã dựng lên một câu chuyện về vị thế của Singapore ở biển Đông nhưng tờ báo này khăng khăng cho mình là đúng.
Theo Reuters, tờ Hoàn Cầu Thời Báo của Trung Quốc, dẫn chứng một nguồn tin vô danh, nói Singapore đã đưa vấn đề hải lộ gây tranh cãi ra trước một hội nghị thượng định của Phong Trào Không Liên Kết ở Venezuela hôm 21/9 và cũng đề cập đến phán quyết của tòa trọng tài quốc tế với những tuyên bố có lợi cho Philippines trong vụ nước này kiện Trung Quốc về những tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông.
Trong một bức thư gửi tổng biên tập của tờ Hoàn Cầu Thời Báo, Đại sứ Singapore Stanley Loh nói rằng những hành động và những ngôn từ viết về Singapore trong bài báo là “không đúng và không có cơ sở.” Ông Loh nói phái đoàn của Singapore không hề đưa vấn đề biển Đông hay phán quyết của tòa trọng tài quốc tế ra hội nghị này như tờ Hoàn Cầu Thời Báo đã viết. Ông bày tỏ sự thất vọng đối với một tờ báo có tiếng của Trung Quốc mà lại đăng một bài báo ‘vô trách nhiệm’ với những cáo buộc không có cơ sở và không trung thực.
Tổng biên tập của tờ báo, Hu Xijin, trong một tuyên bố đăng trên microblog của tờ báo, nói ông giữ lập trường ủng hộ bài báo và cho biết nguồn tin mà họ có là “nghiêm túc và đáng tin cậy” và bài báo là chính xác.
Mặc dù không phải là một nước có tranh chấp trên biển Đông, nhưng Singapore đã luôn đứng về phía Việt Nam và Philippines, nước này còn cho phép các máy bay của không lực của Mỹ dùng Singapore làm căn cứ chính, điều mà ông Hu nói “ai cũng biết nó nhắm tới Trung Quốc.”
Theo Reuters, bộ Ngoại Giao Trung Quốc không trực tiếp bình luận về cuộc tranh cãi giữa Singapore và tờ Hoàn Cầu Thời Báo và người phát ngôn của bộ này nói 2 nước nên hiểu và tôn trọng các quyền lợi cốt lõi của nhau.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên hầu hết biển Đông nơi có tuyến hải lộ thương mại thiết yếu trị giá 5 tỷ đô la hàng năm. Ngoài Việt Nam và Philippines, Malaysia, Đài Loan và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền một phần trên vùng biển này.
Tháng 7 vừa qua, tòa trọng tài quốc tế ở La Haye đã bác bỏ các tuyên bố của Trung Quốc trên tuyến hải lộ này trong vụ kiện của Philippines. Trung Quốc vẫn duy trì lập trường là không công nhận phán quyết của tòa trọng tài quốc tế.
Theo Reuters, The Straits Times

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.