Tin Thế giới – 27/09/2016
Bầu cử Mỹ: Thắng-thua sau vòng đầu tranh luận
Đó là cuộc tranh luận giữa luật sư và người bán hàng, và trong phần lớn cuộc tranh luận, luật sư luôn dẫn trước.
Có thể khó để nhớ ra, nhưng trước khi trở thành ngoại trưởng, thượng nghị sỹ, đệ nhất phu nhân, bà Clinton đã là một luật sư – và là một luật sư tài năng.
Sau chừng đó năm, bà vẫn như một luật sư. Kỹ càng, thận trọng, biết kiểm soát. Tuy nhiên, những gì hiệu quả trong phòng xử án, với những quy tắc, chuẩn mực trong tòa, lại thường không áp dụng vào các cuộc tranh luận chính trị một cách tự do được.
Về phần mình, ông Trump là một người bán hàng xuất sắc. Các quy tắc, truyền thống, thậm chí cả sự thật nữa, chỉ có ý nghĩa nếu như nó giúp ông bán được hàng.
Cuối cùng, sự chuẩn bị kỹ càng của luật sư đã đem lại thành quả xứng đáng cho bà Clinton, khi bà đã kiểm soát được hầu hết buổi tối với sự chuẩn xác rất cao.
Ông Trump có chiến lược và theo đuổi chiến lược đó, nhưng ông lại thường bị bà cựu ngoại trưởng bẻ gãy và có lúc bị chính bản thân ông đẩy vào thế kẹt khi tranh luận theo phong cách của người bán hàng rong.
Bà Clinton thỉnh thoảng tỏ ra là người cái gì cũng biết, nhưng hầu hết thời gian bà duy trì được thế dẫn trước so với ông Trump.
Dưới đây là ba vấn đề bà Clinton ghi điểm, hai chủ đề ông Trump lấy lại được thế cân bằng, và một lá bài rất quan trọng.
Không minh bạch về thuế
Sau phần nói về các kế hoạch kinh tế, chủ đề chuyển sang một nội dung cụ thể: hồ sơ khai thuế của ông Trump, và vì sao ông không theo gương các ứng viên tổng thống trước đây, công bố hồ sơ khai thuế của mình.
Sau khi ứng viên phe Cộng hòa lặp lại là ông không thể công bố trong lúc ông còn đang được cơ quan thuế kiểm tra (là cơ quan mà ông nói là đã kiểm toán ông suốt 15 năm), bà Clinton liền tấn công.
Câu nói quan trọng của bà: “Tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không đủ nhiệt tâm về việc để cả nước biết những lý do thực sự là gì, bởi đó hẳn phải là điều rất quan trọng, thậm chí khủng khiếp, mà ông ấy muốn giấu.”
Kết luận: Vị luật sư đã nghiên cứu rất kỹ càng.
Những bất lợi trong thương mại
Trước khi ông Trump bị công kích về vấn đề thuế và sau cú đánh mạnh của bà Clinton, ông đã dành quá nhiều thời gian tìm cách trình bày về bản thân và cuộc tranh luận cho tới lúc đó thực ra diễn ra rất suôn sẻ cho ông.
Phần thảo luận về kinh tế nêu ra các thỏa thuận thương mại, trong đó gồm việc bà Clinton từng ủng hộ cho Thỏa thuận Tự do Thương mại Bắc Mỹ (Nafta) và Thỏa thuận Hợp tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), là phần sẽ khiến lợi thế của ông Trump trong lĩnh vực bất động sản bị mất đi khi các công ăn việc làm liên quan tới lĩnh vực sản xuất sẽ được chuyển ra nước ngoài.
Câu nói quan trọng của ông: “Bà tới New England, tới Ohio, Pennsylvania, tới bất kỳ nơi nào bà muốn, thưa Ngoại trưởng Clinton, và bà sẽ thấy cảnh tan hoang ở những nơi ngành sản xuất bị giảm xuống 30, 40, thậm chí có lúc 50%. Nafta là thỏa thuận thương mại tệ nhất từng được ký ở bất kỳ đâu, và rõ ràng là tệ nhất từng được ký kết tại đất nước này.”
Kết luận: Người bán hàng biết thế nào là một thỏa thuận bất lợi.
Tranh luận về nơi sinh
Nếu bà Clinton giữ thế thượng phong ở phần tranh luận đầu tiên nhờ việc gây khó cho ông Trump với chủ đề hồ sơ khai thuế cá nhân, thì vòng hai cũng khó khăn không kém cho ứng viên của phe Cộng hòa.
Đây là vấn đề liên quan tới chủng tộc tại Hoa Kỳ, và ông Trump phải trả lời về việc ông từng lớn tiếng đặt câu hỏi về quốc tịch Mỹ của Tổng thống Barack Obama.
Ông Trump một lần nữa tìm cách quy trách nhiệm cho bà Clinton là trong cuộc chạy đua giành đề cử ứng viên tổng thống của phe Dân chủ hồi 2008, bà đã tung ra tin đồn này, và nói ông đáng được ông Obama cùng các cử tri da đen tin cậy vì đã giải quyết được tin đồn này.
Bà Clinton đã tận dụng khoảnh khắc này để đốt cháy đối thủ.
Câu nói quan trọng của bà: “Ông ấy đã thực sự khởi đầu hoạt động chính trị dựa trên lời nói dối về chủng tộc này, theo đó nói tổng thống da đen đầu tiên của chúng ta không phải là một công dân Mỹ. Hoàn toàn không có bằng chứng nào về chuyện đó, nhưng ông ấy cứ đeo đẳng năm này qua năm khác, bởi có một số ủng hộ viên của ông ấy, những người mà ông ấy định đưa vào cùng phe với mình, rõ ràng đã tin vào chuyện đó, hoặc là muốn tin vào chuyện đó.”
Kết luận: Vị luật sư đã có cơ hội đứng ra bảo vệ ông Obama, người hiện đang được lòng cử tri hơn cả hai ứng viên đứng trên bục tranh luận.
Trong cuộc – ngoài cuộc
Trong suốt cuộc tranh luận, khi không bị chọc tức khiến phải đáp trả những lời khiêu khích được lên kế hoạch cẩn thận của bà Clinton, ông Trump luôn tỏ ra rằng ông là người đứng ngoài còn bà Clinton thì gắn bó quá chặt với chính quyền đang không được lòng dân và tình hình thực tế hiện nay.
Với các cuộc thăm dò dư luận cho thấy 70% dân Mỹ không hài lòng về hướng đi của đất nước, thì việc là một nhân tố có khả năng đem lại những thay đổi chính là một lợi thế chính trị to lớn.
Hơn nữa, nếu như dân chúng Mỹ chuyển hướng từ đảng này sang đảng khác sau khi một đảng đã nắm Nhà Trắng được tám năm thì đó cũng là lẽ tự nhiên, và đây rõ ràng là một cơ hội giúp ông Trump có lợi thế giành lá phiếu cử tri.
Câu nói quan trọng của ông: “Quý vị đã làm vậy suốt 30 năm. Tại sao quý vị chỉ vào lúc này mới nghĩ về những giải pháp đó?”
Kết luận: Người bán hàng biết khi nào khách hàng cần có sản phẩm mới.
Tính khí, tâm trạng
Vào cuối cuộc tranh luận, chủ đề chuyển sang câu hỏi về tính khí và sức bền cần có của người giữ vị trí tổng thống.
Ai có đủ những phẩm chất này, ai không?
Ông Trump, người có vẻ như đã bị quần tả tơi trong buổi tối, coi đây là cơ hội tấn công. Ông đặt câu hỏi về khả năng phán đoán, ra quyết định của bà Clinton, về “dáng vẻ” và về sức bền của bà.
Bà Clinton, sau khi nói về những chuyến công du quốc tế trong vai trò ngoại trưởng, về các nỗ lực đàm phán ngoại giao và về buổi trình bày kéo dài nhiều giờ của bà trước quốc hội để chứng tỏ bà có khả năng chịu đựng bền bỉ khi trở thành tổng thống, tuyên bố rằng cách tấn công của ông Trump chính là bằng chứng cho thấy cách hành xử mang tính phân biệt giới tính của ông.
Câu hỏi quan trọng của bà: “Quý vị biết đấy, ông ấy cố tìm cách chuyển từ dáng vẻ sang sức bền. Nhưng đây là một người đàn ông đã gọi phụ nữ là heo, là kẻ vụng về, là chó, và là người nói rằng việc thai sản là điều bất tiện cho chủ lao động, người đã nói rằng phụ nữ không xứng đáng được chi trả tương đương trừ phi họ làm việc tốt như nam giới.”
Kết luận: Vị luật sư đẩy người bán hàng vào thế lắp bắp, than phiền về nội dung quảng cáo có tính tiêu cực của bà, về việc bà đã không cư xử tốt ra sao, và về việc các kết quả thăm dò dư luận vẫn cho thấy ông được đánh giá cao ra sao. Không mấy sáng sủa cho ông.
Nhân tố Holt
Và cuối cùng là ‘nhân tố Lester Holt’.
Đã có nhiều người nói về việc người dẫn chương trình của NBC lẽ ra cần phải giữ nhịp cuộc tranh luận ra sao, liệu ông đã làm tốt vai trò của người kiểm tra và công bố các thông tin ngay lập tức hay chưa, hay có cần phải có cách tiếp cận ít can thiệp vào nội dung tranh luận hơn hay không.
Một nhân viên của NBC nói rằng Hold không phải là một “cây cảnh”, và rõ ràng trong cuộc tranh luận vừa rồi cách mô tả này là hoàn toàn chính xác.
Trong toàn bộ những điểm trên, phần mở đầu với lợi thế cho bà Clinton được người dẫn chương trình tạo ra. Ông đã nêu ra vấn đề thuế của ông Trump trước tiên. Ông đã hỏi về cuộc tranh cãi quanh nơi sinh của ông Obama. Ông đã đẩy ông Trump vào Cuộc chiến Iraq và nêu ra bình luận của ông Trump về ‘dáng vẻ’ của bà Clinton, điều dẫn tới cuộc tranh luận kéo dài về tính khí và khả năng phán xét cần có của người giữ cương vị tổng thống.
Những điểm yếu của bà Clinton, nhất là về việc bà dùng email cá nhân và khả năng có những xung đột quyền lợi với quỹ thiện nguyện của bà, đã chỉ được nhắc tới sơ sài.
Nếu như chiến thắng của một bên trong cuộc xung đột chính trị được dựa vào nơi xảy ra xung đột, thì hầu hết cuộc tranh luận vừa rồi đã được thực hiện trên ‘địa hình’ mang nhiều lợi thế cho ứng viên Dân chủ.
Một số điểm là nhờ vào chiến lược và công tác chuẩn bị hiệu quả của bà, lợi thế của một luật sư. Một số là do ông Trump lạc bước và đi vòng vèo, sự thất bại của người bán hàng khi đưa ra sản phẩm muốn bán.
Nhưng rất nhiều điểm là do cách điều khiển cuộc tranh luận của Holt. Điều đó sẽ khiến phe Dân chủ nở nụ cười, còn các ủng hộ viên của ông Trump la ó.
Phản ứng về phiên tranh luận Clinton – Trump
Người đẹp gốc Nam Mỹ được bà Clinton nhắc đến trong cuộc tranh luận về vấn đề phụ nữ đã cảm ơn bà trên Twitter vì bà đã nhắc tên của cô trong nội dung tranh luận. Tên của cô là Alicia Machado.
Cựu Hoa hậu Hoàn vũ nói cô đã bị căng thẳng tâm lý nghiêm trọng sau khi ông Trump bị cáo buộc là đã gọi cô là Hoa hậu Heo (Miss Piggy). Cô Machado, người từng đoạt vương miện Hoa hậu Hoàn Vũ và vừa trở thành công dân Hoa Kỳ để được tham gia cuộc bầu cử này.
14:05
Có tin nói nhà sản xuất xe hơi Nhật Bản Honda đã xóa một nội dung đăng trên Twitter chính thức của hãng, ủng hộ bà Hillary Clinton nhưng lại viết sai chính tả. Không rõ liệu tài khoản Twitter này đã bị hack hay một quản trị viên say xỉn đã đăng lên trang này.
TWEET13:39
Donald J. Trump
Donald Trump nói với CNN rằng Lester Holt “làm việc rất tốt” và câu hỏi “rất công bằng”. Tuy rằng ứng viên Cộng hòa than phiền trong một tweet rằng tranh luận không nhắc vụ email, tổ chức Clinton hay Benghazi.
Nhưng một số người bảo thủ nghĩ khác. Cựu thị trưởng New York Rudy Giuliani nói Holt nên “xấu hổ” còn chuyên gia truyền thông của Fox, Howard Kurtz, cáo buộc ông thiên vị.
13:19
Bóp chặt tay?
Bạn nghĩ hai ứng viên đã bóp chặt tay nhau đến mức nào?
Và gương mặt biểu cảm của cả hai người trong cái bắt tay quá chặt mà hai người đã giành cho nhau, hay họ chỉ là thân mật thôi?
13:13
Cả hai ứng viên đều bị phát hiện nói sai bởi những người kiểm tra thông tin trong suốt cuộc tranh luận. Ông Trump chối bỏ cáo buộc của bà Clinton về việc ông nói biến đổi khí hậu là “trò lừa đảo của người Trung Quốc”.
Nhưng sau đó một nội dung trên Twitter của chính ông lại cho thấy ngược lại: “Ý tưởng về sự nóng lên toàn cầu là do người Trung Quốc tạo ra để khiến nền sản xuất của Mỹ không cạnh tranh được.”
Bà Clinton, trong khi đó, cũng chối việc bà từng gọi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương TPP là “chuẩn mực vàng cho các thỏa thuận thương mại”.
Tuy nhiên, trong thực tế, năm 2012 bà đã nói: “Hiệp định TPP này thiết lập chuẩn mực vàng cho các thỏa thuận thương mại.”
Và trang PolitiFact đã đánh giá sự trung thực trong các thông cáo của hai ứng viên trong chiến dịch tranh cử như sau:
Đã có 5 triệu nội dung đăng tải trên Twitter về cuộc tranh luận.
62% trong số đó là về ông Trump
444.000 nội dung Twitter là về người dẫn chương trình Lester Holt của Đài NBC
12:50
Cuộc tranh luận của hai ứng viên kéo dài 90 phút, các khảo sát cho thấy cuộc đua giữa hai người đang rất khốc liệt, trong đó bà Clinton dẫn trước với khoảng cách khá nhỏ.
12:50
Người dẫn chương trình và điều hành cuộc tranh luận Lester Holt hỏi Trump giải thích về bình luận gần đây nói bà Clinton trông “không ra dáng tổng thống”.
Ông Trump đáp “bà ấy trông không ra dáng vì bà ấy không có sức bền”.
Khi Holt cố gắng làm rõ câu hỏi là do ông Trump nói “ra dáng”, ông Trump ngắt lời Holt: “Anh vừa hỏi tôi một câu hỏi à?”
Khi Holt cố gắng làm rõ câu hỏi là do ông Trump nói “ra dáng”, ông Trump ngắt lời Holt: “Anh vừa hỏi tôi một câu hỏi à?”
Ông Trump nói bà Clinton không thể thương thảo được các hiệp định thương mại và lặp lại một lần nữa là bà không có sức bền.
Bà Clinton đáp: “Khi nào ông ấy phải đi qua 112 nước, thương thảo một hiệp định hòa bình, một cuộc ngừng bắn… hay thậm chí trải qua 11 giờ điều trần trước nghị viện, ông ấy có thể nói với tôi về sức bền.”
Ông Trump nói thêm: “Hillary có kinh nghiệm, nhưng đó là các kinh nghiệm xấu.”
12:50
Ông Trump nói: “Bà là ngoại trưởng khi chúng [IS] chỉ mới trong mầm mống.. giờ chúng có ở 30 quốc gia, và bà định chặn chúng lại à? Tôi không nghĩ vậy. Tôi không ủng hộ cuộc chiến tại Iraq – đó là sự vô nghĩa của truyền thông chính thống, do bà ủng hộ.”
“Tôi nói đó là điều kinh khủng và ngu ngốc và nó sẽ làm bất ổn Trung Đông… Tôi có đánh giá tốt hơn bà ấy. Tôi cũng có tư chất tốt hơn bà ấy. Tôi có tư chất của người thắng cuộc.”
Clinton: “Whew….OK!”
12:43
Website Fusion ghi nhận những điều mà công chúng không nghe thấy hai ứng cử viên tranh luận:
Tình trạng phá thai
Kiểm soát súng
Việc Trump đề xuất xây bức tường biên giới
Có lẽ chúng ta sẽ nghe họ nói về những chủ đề này trong hai cuộc tranh luận tiếp theo.
12:43
Đây là một trong những sự kiện nóng nhất trong cuộc tranh cử tổng thống Mỹ, một phần vì phong cách quá đối lập nhau của hai ứng cử viên.
Trong tuần qua, hai ứng viên đều tập trung phản ứng lại tình trạng cảnh sát bắn vào người Mỹ gốc Phi ở Tulsa, Oklahoma, và Charlotte, bang North Carolina, cũng như các cuộc biểu tình kéo theo.
Cuộc tranh luận của hai ứng viên kéo dài 90 phút, các khảo sát cho thấy cuộc đua giữa hai người đang rất khốc liệt, trong đó bà Clinton dẫn trước với khoảng cách khá nhỏ.
12:42
Hai ứng viên tổng thống Hoa Kỳ đã tranh luận trong một buổi truyền hình trực tiếp trong chiến dịch tranh cử.
Ứng viên Đảng Cộng hòa Donald Trump nói việc làm đang “thất thoát khỏi đất nước” và đổ lỗi cho những hiệp định thương mại nghèo nàn.
Đối thủ của ông, ứng viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton cam kết gia tăng đầu tư và hứa tăng 10 triệu việc làm.
Hai người xuất hiện trên một chương trình truyền hình tại New York, với 100 triệu khán giả đón xem.
“Chúng ta đang trong tình trạng bong bóng tràn ngập, đầy và xấu,” ông Trump nói, mô tả tình trạng kinh tế Hoa Kỳ, và ông nói bà Clinton “chỉ toàn nói, mà không làm gì”.
Ông cũng tự biện hộ cho vấn đề không công bố thông tin hồ sơ thuế, nhưng ông hứa sẽ công bố, nếu đối thủ của ông chịu công bố 33.000 email đã bị xóa trong cuộc điều tra về việc sử dụng hộp thư cá nhân của bà.
Bà Clinton tấn công ông Trump ở điểm ông ca ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin và đề xuất ông ta “tìm kiếm” các email của bà.
“Tôi bị sốc khi Donald công khai mời ông Putin dùng tin tặc tấn công người Mỹ. Đó là điều không thể chấp nhận được… Donald không xứng đáng với vị trí chỉ huy.”
Xả súng ở Washington: Nghi phạm ‘nhận tội’
Các công tố viên ở bang Washington của Mỹ nói rằng một người đàn ông 20 tuổi bị bắt giam đã thú nhận giết người hàng loạt tại một trung tâm mua sắm, khiến năm người chết.
Arcan Cetin bị bắt ở quê anh ta tại Oak Harbor vào thứ Bảy, gần 24 giờ sau khi vụ tấn công ở Burlington, cách đó 40 phút lái xe.
Anh ta sinh ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và có quốc tịch Mỹ hợp pháp, các công tố viên nói.
Các điều tra viên nói họ không loại trừ bất kỳ động cơ nào, kể cả khủng bố.
Cha dượng của Cetin cho biết anh đã có một lịch sử của các vấn đề sức khỏe tâm thần.
Theo hãng tin AP, Cetin đăng các bài trực tuyến bao gồm tài liệu liên quan đến một kẻ giết người hàng loạt và Adolf Hitler, cũng như hình ảnh của nhà lãnh đạo của tổ chức Nhà nước Hồi giáo, Abu Bakr al-Baghdadi, và lãnh tụ tối cao Ayatollah Khomenei của Iran.
‘Thú tội’
Năm người – một cô gái tuổi teen, ba người phụ nữ và một người đàn ông – đã bị giết bên trong cửa hàng Macy ở trung tâm thương mại Cascade vào ngày thứ Sáu.
Tài liệu tòa án đệ trình bởi các công tố viên cáo buộc rằng Cetin thú nhận bắn cả năm nạn nhân bằng một khẩu súng trường.
Cảnh sát nói trong giấy tờ của tòa án rằng tất cả năm nạn nhân bị bắn trong vòng một phút và súng trường bị bỏ lại trên một quầy mỹ phẩm trước khi tay súng chạy trốn.
Tại một cuộc họp báo, cảnh sát cho biết Cetin được xác nhận là nghi phạm sau khi một chiếc xe liên quan tới hắn được nhìn thấy trong cảnh quay của camera an ninh tại trung tâm mua sắm.
Trung úy Mike Hawley, cảnh sát trưởng của cục Island County , cho biết chiếc xe sau đó được phát hiện ở Oak Harbor. Ông cho biết ông đang trên đường đến hiện trường thì nhìn thấy nghi phạm bên đường và bắt hắn.
Trung úy Hawley cho biết người đàn ông “không nói gì, hắn như thây ma sống” và không mang vũ khí.
The Seattle Times đưa tin nạn nhân trẻ nhất là Sarai Lara 16 tuổi, người từng sống sót căn bệnh ung thư khi là một đứa trẻ.
Mẹ cô miêu tả cô là một người hạnh phúc, trách nhiệm, học sinh chăm chỉ.
Burlington khoảng 65 dặm (105 km) về phía bắc của Seattle.
Mỹ phạt công ty TQ do làm ăn với Bắc Hàn
Mỹ trừng phạt một công ty Trung Quốc và bốn người điều hành vì cáo buộc giúp đỡ Bắc Hàn né tránh lệnh trừng phạt.
Công ty Dandong Hongxiang bị cáo buộc thay mặt một ngân hàng Bắc Hàn nằm trong danh sách trừng phạt của Liên Hiệp Quốc nhằm ngăn việc tăng cường các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt.
Các biện pháp trừng phạt được áp đặt sau khi Bắc Hàn tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 gây làn sóng phản đối khắp toàn cầu trong tháng này.
Công ty công nghệ và những người điều hành cũng đang bị chính quyền Trung Quốc điều tra.
Quyết định của Mỹ kéo dài lệnh trừng phạt với doanh nghiệp bán buôn thiết bị công nghiệp nghĩa là các công ty hoặc cá nhân người Mỹ bị cấm làm ăn với công ty này hoặc bốn người điều hành.
Bên cạnh người sáng lập công ty, Ma Xiaohong, lệnh trừng phạt còn nhắm vào Zhou Jianshu, Hong Jinhua và La Chuanxu, những người bị cáo buộc âm mưu vi phạm lệnh trừng phạt và tham gia vào đường dây rửa tiền quốc tế.
‘Mắt xích’
Theo Adam Szubin, quan chức giám sát các lệnh trừng phạt của Bộ Ngân khố Mỹ, Dandong Hongxiang là mắt xích trong “mạng lưới bất hợp pháp trợ giúp Bắc Hàn phổ biến vũ khí,” và đại diện cho ngân hàng Kwangson của Bình Nhưỡng.
Doanh nghiệp Trung Quốc “tìm cách né tránh lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc và Mỹ, tạo điều kiện tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ thông qua một đối tượng chỉ định,” thông cáo của ông cho hay.
Bộ Tư pháp Mỹ cho biết các tài khoản ngân hàng liên quan đến công ty này và các công ty bình phong đã nhận chuyển ngân hàng trăm triệu đôla qua Mỹ.
Tuần trước, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết Hongxiang đang bị điều tra về giao dịch bất hợp pháp và tội phạm kinh tế.
Cùng thời điểm, Hoa Kỳ loan báo Tổng thống Barack Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhất trí đẩy mạnh hợp tác tại Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc và các kênh thực thi pháp luật sau vụ thử hạt nhân với quy mô lớn nhất của Bắc Hàn hôm 9/9.
Quốc gia cộng sản bị cô lập đang bị áp 5 lệnh trừng phạt của Liên Hiệp Quốc kể từ thời điểm tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006.
Các cuộc đàm phán của những cường quốc khu vực đã thất bại trong việc kiềm chế chương trình hạt nhân của Bắc Hàn.
Những tháng gần đây, Bắc Hàn tiến hành một loạt các vụ phóng tên lửa đạn đạo và công khai mục đích nhắm mục tiêu tấn công Mỹ.
Thỏa thuận hòa bình lịch sử ở Colombia
Chính phủ Colombia và quân nổi dậy cánh tả Farc hôm 26/9 ký thỏa thuận lịch sử kết thúc cuộc nội chiến 52 năm.
Cuộc xung đột lớn cuối cùng thời Chiến tranh Lạnh đã giết chết 260.000 người, làm sáu triệu người mất nhà cửa.
Tổng thống Juan Manuel Santos và lãnh đạo nổi dậy, Timoleon Jimenez, biệt danh Timochenko, dùng cây bút làm từ viên đạn để ký.
Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos nói hòa bình với nhóm nổi dậy Farc sẽ giúp thúc đẩy kinh tế và hàn gắn xã hội.
“Chiến tranh luôn tốn kém hơn hòa bình,” ông nói với BBC.
Ông Santos và lãnh đạo Farc Timoleon Jimenez, có biệt danh Timochenko, sẽ ký thỏa thuận hòa bình lịch sử trong ngày thứ Hai.
Nhưng Tổng thống Colombia nói sẽ mất thời gian để xã hội phục hồi sau hơn năm thập niên xung đột.
Thành đảng chính trị
Farc sẽ trở thành một đảng chính trị theo thỏa thuận.
Thỏa thuận hòa bình được thông qua tháng rồi sau gần bốn năm đàm phán ở thủ đô Havana của Cuba.
Ngừng bắn song phương đi vào hiệu lực năm ngày sau đó, chấm dứt xung đột trên thực tế.
Xung đột 52 năm đã làm chết khoảng 260.000 người, sáu triệu người mất nhà cửa.
Farc sẽ có 180 ngày để giải giáp, và đưa 7.500 lính vào khu phi quân sự do LHQ lập ra.
Ân xá sẽ dành cho “các tội chính trị” nhưng không áp dụng cho thảm sát, tra tấn, hãm hiếp.
Farc đồng ý ngừng sản xuất ma túy ở các vùng do họ kiểm soát.
Farc sẽ trở thành đảng chính trị, được 10 ghế trong quốc hội 268 thành viên.
Nhóm này sẽ ra khỏi danh sách tổ chức khủng bố của EU sau khi ký thỏa thuận.
Trung Quốc kết án tù treo ba nhà bảo vệ quyền người lao động
Ba nhà bảo vệ quyền lợi của người lao động đã bị tư pháp Trung Quốc kết án lần lượt từ 2 đến 4 năm tù và được hưởng án treo. Theo Tân Hoa Xã ngày 27/09/2016, họ bị cáo buộc tổ chức các cuộc biểu tình « gây rối trật tự xã hội ».
Ông Tăng Phi Dương (Zeng Feiyang), giám đốc một trung tâm trợ giúp người lao động đến từ các vùng nông thôn, bị kết án 4 năm tù treo. Hai cộng tác viên là Thang Hoan Hưng (Tang Huanxing) và Chu Tiểu Mai (Zhu Xiaomei) bị kết án hai năm tù treo.
Ba nhà hoạt động này đã giúp người lao động ở tỉnh Quảng Đông (Guandong), được coi là « công xưởng của thế giới », đòi lương khi xảy ra tranh chấp với giới chủ. Nhưng tòa án nhân dân quận Phiên Ngung (Panyu), nằm ở ngoại ô thành phố Quảng Châu, đã kết tội họ « phớt lờ luật pháp và tổ chức các cuộc tập hợp gây rối trật tự công cộng ».
Theo Tân Hoa Xã, ba nhà đấu tranh trên bị bắt vào cuối năm 2015 và bị kết án song không định kháng án. Vẫn theo hãng thông tấn nhà nước, trong vòng nhiều năm, ông Tăng Phi Dương có thể đã thu về hơn 5 triệu nhân dân tệ (khoảng 660.000 euro) từ các tổ chức và sứ quán nước ngoài.
Tại phiên xét xử, được Tân Hoa Xã trích dẫn, bị cáo chính khai đã « chấp nhận được đào tạo và được trả tiền bởi các tổ chức nước ngoài thù nghịch với Trung Quốc và theo yêu cầu của họ, ông đã xúi giục người lao động bảo vệ quyền lợi của họ một cách cực đoan đồng thời tổ chức một cuộc biểu tình cho họ ». Ông nói : « Tôi hy vọng những người khác sẽ rút ra bài học kinh nghiệm và không để bị các tổ chức như vậy lạm dụng ».
Vẫn theo Tân Hoa Xã, bị cáo Thang Hoan Hưng thừa nhận : « Chúng tôi ra vẻ đấu tranh để bảo vệ quyền của công nhân, nhưng thực chất, mục đích là tăng sức ảnh hưởng của chúng tôi, đặc biệt là ở nước ngoài ».
Bà Chu Tiểu Mại từng được vinh danh đầu năm 2015 vì đã giúp đỡ hàng chục nghìn người lao động làm việc tại nhà máy giầy Lide, ở Phiên Ngung, tổ chức một cuộc đình công lớn để đòi được trả lương.
Do sợ phong trào công nhân lan rộng, đảng Cộng Sản Trung Quốc chỉ cho phép một nghiệp đoàn chính thức và mọi hoạt động của tổ chức này đều bị chính quyền kiểm soát nghiêm ngặt, gần như đứng về phía giới lãnh đạo doanh nghiệp.
Vũ khí hạt nhân : Mỹ lo ngại Nga « bốc đồng » hơn Liên Xô cũ
Nước Nga của Vladimir Putin, trong một số mặt nào đó, nguy hiểm hơn Liên Xô thời chiến tranh lạnh. Trên đây là nhận định của bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ Ashton Carter ngày hôm qua 26/09/2016.
Trong cuộc thăm viếng căn cứ tên lửa hạt nhân liên lục địa tại Minot, Bắc Dakota, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ chỉ trích lời « diệu võ dương oai » của chủ nhân điện Kremli và chính sách tăng cường võ trang vũ khí hạt nhân của Matxcơva. Bộ trưởng Ashton Carter đặt câu hỏi liệu chính quyền Nga hiện nay « có đủ khả năng kềm chế như các ban lãnh đạo của Liên Xô cũ »ngày trước hay không ?
Trong thời chiến tranh lạnh, giới lãnh đạo Mỹ và Liên Xô đều ý thức dùng bom nguyên tử sẽ gây ra chiến tranh toàn diện cho nên bên nào cũng thận trọng. Bây giờ, sử dụng vũ khí hạt nhân không bắt buộc « dẫn đến chiến tranh toàn diện ». Kịch bản « khủng khiếp nhất » theo phân tích của bộ trưởng Ashton Carter là Nga hay Bắc Triều Tiên dùng vũ khí hạt nhân để bắt chẹt Hoa Kỳ, có sức mạnh vượt trội về vũ khí quy ước, phải bỏ rơi một đồng minh cho Bình Nhưỡng hay Matxcơva lấn chiếm.
Theo AFP, chủ nhân Lầu Năm Góc ám chỉ trường hợp tổng thống Nga, sau khi sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina, đã công khai tuyên bố đã sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch này. Các nhà chiến lược phương Tây lo ngại các dự án chế tạo tên lửa mới tầm ngắn và tầm trung. Matxcơva còn bị nghi ngờ đã thử nghiệm hỏa tiễn hành trình có khả năng mang đầu đạn hạt nhân, vi phạm hiệp định FNI năm 1987, cấm tên lửa hạt nhân tầm trung ở châu Âu.
Trái lại, bộ trưởng Quốc Phòng Mỹ khen ngợi Trung Quốc có thái độ « chuyên nghiệp » trong lãnh vực hạt nhân không khoa trương hù dọa như Nga. Theo AFP, sau nhiều năm bằng lòng với lượng vũ khí có sẵn, Hoa Kỳ chuẩn bị đầu tư ồ ạt để thay thế 400 tên lửa liên lục địa Minuteman III.
Tranh chấp biển với Úc:
Tòa Trọng Tài nhận đơn kiện của Đông Timor
Sau khi yêu sách chủ quyền quá lố của mình bị Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (PCA) ngày 12/07/2016 phán quyết là bất hợp pháp, Trung Quốc đã lớn tiếng gọi định chế pháp lý quốc tế là công công cụ của Mỹ và phương Tây. Thế nhưng ngày 26/09/2016, Tòa Trọng Tài La Haye đã chứng tỏ tính chất vô tư khi tuyên bố chấp nhận thụ lý đơn của quốc gia tí hon vùng Đông Nam Á là Đông Timor, kiện láng giềng khổng lồ là Úc đã chèn ép mình khi phân định lãnh hải. Và trong vụ kiện này, Tòa La Haye cũng đã bác bỏ lập luận của Canberra cho rằng Tòa Trọng Tài lâu đời nhất thế giới này không có thẩm quyền xét xử.
Vụ kiện bắt nguồn từ một hiệp ước về dầu khí mà Đông Timor và Úc đã ký kết sau khi Đông Timor giành được độc lập từ tay Indonesia năm 2002. Sau đó, Đông Timor đã yêu cầu Úc đàm phán lại vấn đề biên giới trên biển được nêu trong hiệp ước, nhưng bị Canberra bác bỏ và cho rằng phải đến năm 2056 mới có thể đàm phán lại.
Đông Timor đã đệ đơn kiện Úc trước Toà Trọng Tài Thường Trực vào tháng Tư 2016, và yêu cầu tòa phán xét theo Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển.
Úc đã cực lực phản đối với lý do Tòa La Haye không có thẩm quyền giải quyết tranh chấp vì Canberra đã ký với Đông Timor không đưa vấn đề ra trước PCA. Thế nhưng trong thông cáo ghi ngày 26/09/2016, PCA « duy trì quan điểm theo đó Tòa có thẩm quyền để tiếp tục tiến trình hòa giải » do Đông Timor khởi xướng.
Úc xứng tầm một nước thượng tôn luật pháp, không như Trung Quốc
Chính quyền Đông Timor dĩ nhiên là đã rất hoan nghênh quyết định của Tòa La Haye. Trong một thông cáo, cựu thủ tướng Xanana Gusmao, và cũng là lãnh đạo phong trào kháng chiến giành độc lập cho Đông Timor, cho rằng : « Người Timor Leste (tên chính thức của Đông Timor) vốn đã đấu tranh gian khổ để giành độc lập, sẽ không ngồi yên cho đến khi lấy lại được chủ quyền cả trên bộ lẫn trên biển ».
Phản ứng của Úc ngược hẳn thái độ coi thường luật lệ quốc tế của Trung Quốc trong thời gian qua khi lập trường bị Tòa Thường Trực bác bỏ. Theo lời Ngoại trưởng Úc Julie Bishop, Canberra « chấp nhận quyết định của ủy ban trọng tài sẽ tiếp tục dấn thân với thiện ý khi bước vào giai đoạn mới của tiến trình hòa giải ». Bà Bishop nói thêm : « Chúng tôi sẽ nỗ lực làm việc chung với nhau để thắt chặt quan hệ và vượt qua các bất đồng về biển Timor. »
Bất đồng lãnh hải Úc-Đông Timor ra sao ?
Đông Timor là một quốc gia nghèo, có vùng biển dồi dào dầu khí sát cạnh nước Úc. Sau khi giành được độc lập vào năm 2002, và tách ra khỏi Indonesia, Đông Timor đã đàm phán với Úc để giải quyết vấn đề tranh chấp lãnh hải của hai bên.
Theo phía các luật sư của Úc, Canberra đã bắt đầu trao đổi thư từ với Đông Timor ngay từ năm 2003 để giải quyết tranh chấp, và vấn đề đã có kết quả thỏa đáng với hiệp định năm 2006 mang tên « Một số thỏa thuận trên biển ở biển Timor » (CMATS – Certain Maritime Arrangements in the Timor Sea), bao trùm vùng mỏ khí đốt rất rộng Greater Sunrise, nằm giữa hai nước. Hiệp định này ấn định mức phân chia 50-50 từ việc khai thác các mỏ năng lượng nằm giữa Úc và Đông Timor, ước tính khoảng 36 tỷ đô la Mỹ.
Tuy nhiên, Tòa PCA đã cho rằng việc trao đổi thư từ giữa Canberra và Đông Timor « không phải là một thỏa thuận…vì thư từ không có ràng buộc về mặt pháp lý ». Ngoài ra, theo 5 thẩm phán của PCA trong ủy ban trọng tài, tranh chấp phải được đặt trong khuôn khổ Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển hơn là hiệp định năm 2006.
Hơn nữa, chính phía Đông Timor cũng từng đòi hủy bỏ hiệp định CMATS sau khi tố cáo Úc sử dụng gián điệp để thu lợi thương mại trong các cuộc đàm phán năm 2004, trước khi chính thức rút lại những lời tố cáo gián điệp trước Tòa án Quốc tế của Liên Hiệp Quốc vào tháng Sáu 2015, sau khi Úc trả lại một số tài liệu nhạy cảm.
PCA không sợ những xung đột ngoại giao phức tạp
Việc Tòa Trọng Tài Thường Trực nhận đơn kiện của Đông Timor, bất chấp phản đối của Úc, diễn ra chỉ hơn hai tháng sau khi PCA đã khiến Bắc Kinh nổi giận khi phán quyết rằng các đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông là không có cơ sở pháp lý.
Ngoại trưởng Úc Julie Bishop vào tháng Hai 2016 đã bị Trung Quốc đả kích vì đã tuyên bố rằng Philippines có quyền đưa Trung Quốc ra trước Tòa Trọng Tài PCA để nhờ phân xử về tranh chấp hai bên ở Biển Đông.
Hàn Quốc : Luật chống tham nhũng bị chỉ trích
Ngày mai, 28/09/2016, đạo luật mới về chống tham nhũng bắt đầu có hiệu lực tại Hàn Quốc. Đây là một nỗ lực mới của chính quyền nhằm diệt trừ nạn tham nhũng tràn lan trong mọi tầng lớp xã hội ở nước này. Tuy nhiên, đạo luật mới bị giới báo chỉ chỉ trích là có thể bị sử dụng để ngăn cản phóng viên săn tin, thậm chí đạo luật bị xem có một số điều khoản vi hiến.
Ở Hàn Quốc, người ta có thói quen « mua » giáo viên để con họ được điểm tốt, tặng quà cho một phóng viên quảng cáo dùm sản phẩm. Giới doanh nghiệp thì ai cũng rành cách hối lộ công chức để thủ tục giấy tờ êm xuôi trót lọt.
Vào năm 2010, một doanh nhân đã kể trên đài truyền hình rằng ông thường tặng tiền mặt cho 57 vị thẩm phán, mời họ ăn nhà hàng hoặc trả tiền dùm cho gái mãi dâm. Năm sau, một nữ thẩm phán đã bị điều tra do bị cáo buộc nhận từ một luật sư các phong bì đựng tiền, sách tay hàng hiệu và một chiếc xe loại sang.
Nhưng cả hai vụ nói trên đã không bị đưa ra xét xử, vì không có gì chứng minh là những món quà, những khoản tiền đó là hối lộ. Chính do sự phản đối của dư luận sau hai vụ này mà đạo luật chống tham nhũng mới đã được soạn thảo.
Kể từ ngày mai, chiếu theo luật mới, các công chức, giáo viên trường tư và phóng viên không được phép nhận các món quà trị giá hơn 50 ngàn won, còn tiền phúng điếu, tiền mừng đám cưới thì không được nhận quá 100 ngàn won. Những người nhận các món quà trị giá trên 1 triệu won có thể bị án tù đến 3 năm hoặc bị phạt tiền 30 triệu won.
Ba thành phần nói trên thậm chí cũng sẽ không được phép nhận lời mời ăn một bữa ăn trị giá trên 30 ngàn won ( 24 euro ). Với thời giá hiện nay ở Hàn Quốc, bữa ăn 30 ngàn won là chẳng nghĩa lý gì, cho nên, theo hãng tin AFP, chưa gì các chủ nhà hàng ở Seoul đã than trời, sợ rằng họ sẽ mất khách đến mức sẽ phải đóng cửa. Một số chủ nhà hàng khác thì tính toán trước để giá bữa ăn kể từ ngày mai không vượt quá 30 ngàn won, ví dụ như thay vì nấu bằng thịt bò Triều Tiên rất đắt, thì họ sẽ dùng thịt bò nhập từ Mỹ.
Nhiều tổ chức phi chính phủ ở Hàn Quốc đã lên tiếng khen ngợi luật mới về chống tham nhũng, hy vọng là luật này sẽ giúp đẩy lùi tệ nạn tham nhũng, nhất là vì những người tố giác tham nhũng có thể được thưởng đến 200 triệu won.
Tuy nhiên, Hiệp hội Nhà báo Hàn Quốc thì lo ngại là nhà chức trách có thể dùng luật này để ngăn cản phóng viên thu thập thông tin. Đối với một số người khác thì luật mới được đưa ra chỉ nhằm xoa dịu dư luận và trong luật này thậm chí có một số điều khoản vi hiến.
Ngân hàng Trung Quốc đứng trước « đại họa »
Bắc Kinh có nguy cơ phải đối mặt với khủng hoảng tài chính ngân hàng trong ba năm sắp tới. Nợ Trung Quốc cao gấp ba lần so với mức báo động của Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế BIS/BRI. Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, khủng hoảng tín dụng địa ốc subprime Trung Quốc là quả bom đang cận kề, với sức công phá nguy hiểm hơn so với khủng hoảng 2007 ở Mỹ.
Vụ Lehman Brothers vỡ nợ vào tháng 9/2008, với những hậu quả vẫn chưa hoàn toàn được khắc phục, không thấm vào đâu so với những gì sẽ xảy tới nếu ngành tài chính ngân hàng Trung Quốc vỡ tung.
Sau một loạt các tiếng chuông báo động từ phía Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế, từ phía Viện Nghiên Khoa Học Xã Hội của Trung Quốc, ngày 18/09/2016 đến lượt Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế BIS/BRI cảnh cáo Bắc Kinh trước nguy cơ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng trong vòng ba năm sắp tới.
Căn cứ vào tỷ lệ tín dụng so với tổng sản phẩm nội địa, Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế chỉ ra rằng, với Trung Quốc chỉ số đó đã lên tới 30,1 % trong quý 1/2016, biến nước này thành mối lo ngại hàng đầu trong số 43 quốc gia được BIS/BRI quan tâm trong báo cáo 2016, đứng trước cả Mỹ, Hy Lạp hay Anh Quốc.
Nợ tăng quá nhanh, trong thời gian quá ngắn
BIS/BRI quy định một nền kinh tế đứng trước nguy cơ khủng hoảng ngân hàng tài chính nếu như tỷ lệ tín dụng vượt quá ngưỡng 10 % so với GDP. Trong trường hợp của Trung Quốc, chỉ số này đã cao gấp ba lần mức báo động. Điều đáng lo ngại hơn cả trong mắt các chuyên gia Ngân Hàng Thanh Toán Quốc Tế là mức nợ của của Trung Quốc đã tăng quá nhanh trong một thời gian quá ngắn.
Theo báo cáo của Viện Nghiên Cứu Khoa Học Xã hội Trung Quốc, tổng số nợ của nước này vào cuối năm 2015 đã lên tới 168.480 tỷ nhân dân tệ, tức 25.000 tỷ đô la, tương đương với 249 % GDP của nền kinh tế lớn thứ nhì trên thế giới.
Tháng 8/2016 bốn ngân hàn thương mại Trung Quốc được đặt dưới sự quản lý của nhà nước cũng đã báo động vì nợ khó đòi tăng quá nhanh trong ba tháng đầu năm. Trong ba năm qua, ngân hàng nhà nước đã phải xóa nợ 300 tỷ đô la. Một chỉ số không mấy lạc quan khác là theo báo cáo của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cuối 2008 nợ của Trung Quốc tương đương với 147 % GDP của quốc gia này. Cuối 2015 tỷ lệ đó đã vọt lên tới 255 %. Thêm vào đó là cách nay 8 năm Trung Quốc cần huy động 1,5 đô la để tạo ra 1 đô la tài sản. Giờ đây Trung Quốc cần đến 3 đô la mới có thể tạo ra thêm được một đô GDP. Nói cách khác năng suất của đồng tiền đổ vào guồng máy sản xuất Trung Quốc đã tuột dốc đáng kể.
Trả lời đài RFI Việt ngữ, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nêu lên những yếu tố mới trong toàn cảnh Trung Quốc gây lo ngại, nhưng trước hết ông nhắc lại bức tranh u ám với hiểm họa khủng hoảng tài chính treo lơ lửng trên đầu nhân loại, mà ở đó Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất :
Nguyễn Xuân Nghĩa : Nói chung, thế giới chưa ra khỏi hiệu ứng của vụ khủng hoảng tài chánh năm 2008 khi tổ hợp đầu tư Lehman Brothers và nhiều doanh nghiệp tài chánh khác sụp đổ tại Hoa Kỳ và nạn tổng suy trầm lan rộng sau đó. Thế rồi, thất bại trong chánh sách kích thích của các nước khiến các ngân hàng trung ương đều hạ lãi suất tới số không, thậm chí xuống số âm, và ráo riết bơm tiền qua việc mua trái phiếu nên gây ra nhiều vấn đề khác, được che giấu dưới đà tăng giá của cổ phiếu.
Ngày nay, các nước đều cố thoát hiểm bằng cách gia tăng xuất cảng và tiết giảm nhập cảng nhưng chẳng thành công, vì xứ nào cũng muốn tăng xuất cảng vào Mỹ mà số nhập cảng của thị trường Mỹ cũng giảm.
Vì vậy, ta thấy nổi lên trào lưu chống toàn cầu hóa để lui về chủ trương bảo hộ mậu dịch, và các nền kinh tế lệ thuộc nhiều nhất vào xuất cảng đều bị rủi ro nặng. Đó là trường hợp của Đức và Trung Quốc.
Trong bối cảnh u ám đó, định chế tài chánh có chức năng theo dõi và cảnh báo là Ngân hàng Thanh toán Quốc tế BIS/BRI mới khuyến cáo rằng hệ thống tài chánh thế giới đang bị rủi ro lớn.
Một chỉ dấu đáng ngại là hiện tượng phân rẽ giữa lãi suất và hối suất hay tỷ giá ngoại tệ trên các thị trường quốc tế. Hiện tượng ấy phản ảnh mối lo của các hệ thống ngân hàng. Nhưng phúc trình của Ngân hàng BIS còn chú ý đến đà tăng tốc của lượng tín dụng tại Trung Quốc và cảnh báo rằng xứ này có thể bị khủng hoảng tài chánh trong vòng ba năm tới.
RFI : Vì sao lại có báo động liên tục của các tổ chức nghiên cứu và mới nhất là lời cảnh báo của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Nếu theo dõi tình hình kinh tế chính trị Trung Quốc từ lâu thì ta không nên ngạc nhiên về lời cảnh báo đó. Gần đây, hồi tháng 6/2016, Quỹ Tiền tệ Quốc tế khuyến cáo Bắc Kinh là phải giải quyết hồ sơ nợ nần càng sớm càng hay để tránh khủng hoảng.
Nói chung, từ đã lâu, Ngân hàng BIS vẫn so sánh số tín dụng và xuất lượng kinh tế của các nước và chỉ ra lằn ranh báo động: khi sai số giữa tín dụng và sản lượng lên tới 10 thì đấy là lúc dễ khủng hoảng. Nôm na cho dễ hiểu thì lý luận hàm chứa trong cách tính đó là người ta đi vay để sản xuất kiếm lời, nhưng khi vay quá nhiều so với sản lượng thì đấy là nạn đầu cơ đầy rủi ro, và quá cái ngưỡng đó thì đấy là tín dụng ảo của một cái tháp lừa đảo thể nào cũng sụp đổ. Trung Quốc đã lao vào đầu cơ và thổi lên bong bóng rồi lên tới gấp ba của mức hiểm tai đáng sợ.
RFI : Một cách cụ thể thì Ngân hàng Thanh toán Quốc tế này tính thế nào để chỉ ra dấu hiệu đáng lo ngại đó ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Ngân hàng BIS cảnh báo rằng hệ số tín dụng và sản lượng kinh tế của Trung Quốc đã tăng gấp ba trong ba năm, từ 6,7 vào năm 2011 vọt lên 22,1 vào năm 2014, là gấp đôi ngưỡng báo động. Đã vậy, đà cho vay còn tăng mạnh hơn từ hai năm qua vì hệ số hiểm tai đã lên tới 24,5 vào năm ngoái và tính tới tháng 3/2016 thì lên tới 30,1, là gấp ba cái ngưỡng báo động là số 10. Chúng ta không quên rằng Hoa Kỳ cũng đã vượt hệ số này, lên tới 10,6 vào năm 2007, trước khi bị khủng hoảng tài chánh năm 2008.
Dấu hiệu đáng lo ở đây là chẳng những lượng tín dụng đã tăng mà còn là tăng mạnh trong một thời gian ngắn và số dư nợ hiện lên tới ngạch số tương đương với 28 ngàn tỷ đô la, cao hơn tổng số nợ các ngân hàng thương mại Hoa Kỳ và Nhật Bản.
Hệ thống tài chánh Trung Quốc như con thiêu thân đang bay nhanh vào nơi nóng nhất. Khi xứ này bị khủng hoảng thì tất nhiên là các nền kinh tế khác cũng bị hiệu ứng và có người ví von rằng so với vụ khủng hoảng sắp tới của Trung Quốc thì vụ tập đoàn Lehman Brothers sụp đổ ngày 15/09/2008 chỉ là một chuyến du ngoạn. Thật ra, khi tìm hiểu thêm thì ta còn thấy ra nhiều chỉ dấu đáng ngại khác.
Về lượng thì tín dụng tăng mạnh – như theo báo cáo hôm 14/09/2016 của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc thì số tín dụng cấp phát trong thasng/2016 đã gấp đôi tháng 7, lên tới 142 tỷ đô la, trong khi các khoản tài trợ ngoại ngạch hay ngân hàng chui thì lên gấp ba với rủo ro mất nợ rất cao, mà số đầu tư lại chẳng tăng cùng mức độ.
Thế thì tiền trút vào đâu? Khi đó ta xét về phẩm: hơn 71% số tín dụng lớn lao ấy trút vào các hộ gia đình, mà đa số dưới dạng tín dụng gia cư. Tức là Bắc Kinh không bơm tiền để nâng đầu tư sản xuất mà để người dân có tiền mua nhà. Chiều hướng này đã lặng lẽ khởi sự từ hai năm qua. Điều ấy có nghĩa là Trung Quốc có thể lãnh một vụ khủng hoảng gia cư như nước Mỹ vào các năm 2007-2008. Mặt kia, nếu sản lượng sụt giảm và doanh nghiệp vỡ nợ, như tuần qua ta vừa thấy ở tỉnh Quảng Tây sau nhiều vụ vỡ nợ khác, thì thất nghiệp tăng và lợi tức sụt khiến nhiều hộ gia đình cũng không thể trả được nợ gia cư.
RFI : Câu hỏi sau cùng, thưa anh, nếu Trung Quốc đổ giàn thì sự thể sẽ ra sao ?
Nguyễn Xuân Nghĩa : Tất nhiên là khủng hoảng tài chánh sẽ dẫn tới suy thoái kinh tế và nền kinh tế thứ nhì thế giới mà suy thoái hay hạ cánh nặng nề thì các nền kinh tế khác cũng bị họa lây. Tuy nhiên, vì số nhập cảng của Trung Quốc đang tiếp tục giảm nên hậu quả ấy thật ra chẳng ghê gớm bằng trường hợp khủng hoảng của Hoa Kỳ tám năm về trước.
Thứ hai, đa số các khoản nợ đáng sợ của Trung Quốc đều là nợ nội địa, với hệ thống ngân hàng là tay chân của đảng và nhà nước, tài trợ các doanh nghiệp cũng của đảng và nhà nước, nên họ có thể cho áp dụng chánh sách đổi nợ thành vốn để chủ nợ sẽ thành chủ đầu tư và nhà nước mất ngàn tỷ đắp nợ. Tuy nhiên, khoản nợ gia cư cho các hộ gia đình lại khác.
Nếu quản lý không khéo thì nhiều hộ không chỉ xù nợ mà còn mất nhà. Chuyện ấy sẽ thành một vấn đề xã hội khi uy tín quốc tế hay thể thống quốc gia cũng suy sụp, là điều Bắc Kinh coi như vấn đề chính trị của chế độ.
Sau cùng, ta không quên là chế độ đã tung ra nhiều kế hoạch lớn lao như Con Đường Tơ Lụa trên lộ và ngoài biển, hoặc Ngân hàng Đầu tư Hạ tầng Cơ sở Á Châu, cho nên ngàn tỷ vào đây ngàn tỷ vào đó thì cũng làm hao hụt dự trữ và rốt cuộc vẫn trôi vào bài toán tiền tệ, hối đoái và thất nghiệp với những hậu quả chính trị đáng ngại khi lãnh đạo chuẩn bị Đại hội khóa 19 cho năm tới. Đây mới là chuyện ly kỳ nên theo dõi.
Cử tri gốc Việt:
không ai thắng rõ ràng trong tranh luận Clinton-Trump
Sau cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên tổng thống Mỹ là bà Hillary của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa tối 26/9, hai cử tri người Mỹ gốc Việt nói với VOA Việt ngữ rằng họ không thấy có người chiến thắng rõ ràng trong cuộc tranh luận.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, hiện sống ở bang Virginia, bờ Đông Hoa Kỳ, nói cuộc tranh luận không có gì hấp dẫn vì những câu hỏi và câu trả lời không có gì mới mẻ hay đặc biệt, và không gây tác động thay đổi suy nghĩ của các cử tri.
Ông nói:
“Những người họ chọn phía ông Trump là đã không thay đổi được cái sự nhìn của họ. Cái người họ chọn bà Clinton cũng không thay đổi được các ý kiến của họ. Còn những người đứng chính giữa, những câu hỏi này không có cái gì mới mẻ hết. Tối hôm nay, cuộc tranh luận này rất là chán, không có gì mới mẻ hết để mà có người lý thú”.
Ở bờ Tây, từ thành phố Oakland, bang California, ông Nguyễn Khoa Thái Anh, đưa ra nhận xét:
“Tôi nghĩ thì nó cũng một chín một mười. Tôi nghĩ là bà Clinton thắng thế hơn vì bà ấy đi vào vấn đề. Ông kia thì vẫn không trả lời vào vấn đề. Cái ấn tượng tốt nhất về bà Clinton là bà ấy giỏi về đối ngoại. Về những người trung dung, mình nghĩ là họ bị kẹt vì họ chán ngán cả hai, mà chẳng đặng đừng thì họ mới bỏ phiếu cho bà Clinton. Tôi nghĩ là bà ấy sẽ lấy được phiếu”.
Từ Hà Nội, ông Nguyễn Đại Phượng, một nhà bình luận quốc tế ở Việt Nam có 32 năm kinh nghiệm, nói với VOA rằng sau cuộc tranh luận tối 26/9, ông thấy ứng cử viên đảng Dân chủ Mỹ có sức thuyết phục hơn. Ông cho rằng bà Clinton sẽ giành được thêm sự ủng hộ từ các cử tri trung dung. Ông nói:
“Tôi nghĩ rằng họ sẽ ngả về Hillary Clinton nhiều hơn, bởi lẽ trong suốt cuộc tranh luận trực tiếp này, Hillary Clinton tỏ ra là hơn hẳn, vượt trội. Bà trở nên xuất sắc hơn hẳn so với lại các vấn đề mà hai người đã từng đấu với nhau trực tiếp ở trong quá trình tranh cử trong suốt thời gian vừa qua. Các cử tri trung dung còn ở giữa thì tôi nghĩ là họ sẽ hướng về Hillary Clinton”.
Ông Thái Anh, gần 60 tuổi, nói với VOA ông ủng hộ ứng cử viên Clinton. Vị cựu nhà giáo từng dạy tại nhiều trường ở học khu San Francisco đưa ra lý do:
“Bà ấy đại diện được cho một nước Mỹ mà thế giới nói chung sẽ thích bà ấy hơn là để cho một người như ông Trump lãnh đạo nước Mỹ và làm cho các liên kết giữa các nước như là NATO hoặc Liên hiệp Âu châu, hoặc nói chung là thế giới bị xâu xé ra nếu có một người lãnh đạo như ông Trump”.
Ngược lại, Trung tá Hải quân Mỹ hồi hưu Nguyễn Anh Tuấn, năm nay 51 tuổi, nói rõ ông ủng hộ ông Trump.
Lý giải vì sao bản thân ông và nhiều người ủng hộ ứng cử viên của đảng Cộng hòa, ông Tuấn cho rằng trước hết phải xét đến tâm lý chản nản, mệt mỏi của người dân Mỹ sau 8 năm qua với nền kinh tế chưa phát triển mạnh và đất nước vẫn dính líu vào một số cuộc chiến. Theo ông, ứng cử viên Trump đã làm nhiều người thấy lạc quan, có hy vọng trở lại khi ông tuyên bố sẽ làm cho “nước Mỹ này thịnh vượng trở lại”.
Một yếu tố nữa là cho dù ông Trump có nhiều phát biểu tranh cãi về vấn đề nhập cư, trong khi bản thân ông Tuấn và nhiều cử tri khác là người nhập cư, song họ thấy ông Trump có lý khi muốn hạn chế người nhập cư. Ông Tuấn lập luận:
“Ông Trump nói nếu mà cái nước mình mạnh thì mình mới giúp được những người nghèo. Còn nếu mình cứ đem những người nghèo vô để kéo thêm nghèo nữa thì mình không thể giúp được ai hết. Còn bên bà Clinton thì vẫn phải mở cửa ra cho bất cứ người gì ở trên thế giới này muốn tới đây thì cho họ vào đây. Chúng ta là những người tị nạn để qua Hoa Kỳ này để kiếm tự do, để cho cuộc đời tiến cao, qua đây để mình học hỏi, hấp thụ sự văn minh của đất nước này. Mình trở thành người Mỹ để tạo cơ hội cho thế hệ sau. Nhưng mà những người sau này họ vào đất nước này để họ trở thành những người gọi là, tôi có thể nói là những người ăn bám. Có nghĩa là cái gì cho tôi thôi chứ không phải là tôi cống hiến lại cho đất nước này”.
Vị cử tri ở bang Virginia đưa ra quan điểm cá nhân rằng có những nhóm người nhập cư trong thời gian gần đây có tâm lý rằng nước Mỹ dính líu vào chiến tranh ở nước họ nên nước Mỹ nợ họ. Khi những người tị nạn đó đến Mỹ, họ không muốn hòa nhập mà lại muốn nước Mỹ phải đi theo tôn giáo của họ. Ông Tuấn cho rằng lối sống như vậy gây ra khó khăn và nhiều vấn đề cho nước Mỹ và làm cho nhiều người ủng hộ ông Trump.
Vị trung tá Hải quân hồi hưu nói với VOA rằng yếu tố thứ ba làm nhiều cử tri ngả về ứng cử viên của đảng Cộng hòa là trong 8 năm qua nhiều sự kiện trên thế giới làm người Mỹ có cảm giác đất nước của họ mất đi vị thế cường quốc, trong khi ông Trump hứa hẹn sẽ mang lại thay đổi. Ông Tuấn nói:
“Trung Cộng hiện bây giờ cũng đàn áp các nước ở Đông Nam Á. Nước Nga Xô thì đi qua đảo Crimea để lấy lại cái đảo mà người Mỹ không đứng ra để nói gì hết. Nên cái tiếng nói của nước Hoa Kỳ này trong thời đại này rất là yếu. Không có ai có sự nể nang đất nước này. Nên những người đi theo ông Trump nghĩ rằng ông sẽ đổi đường hướng để tạo đất nước này thịnh vượng trở lại”.
Ông Tuấn nói thêm nhiều người Mỹ tin rằng bỏ phiếu cho ông Trump sẽ tốt vì ông là nhà kinh doanh, ông sẽ hành động nhiều hơn nói, không giống như các chính trị gia lâu năm chỉ giỏi hứa hẹn và thuyết phục nhưng các việc làm thực tế lại không nhiều.
Trong khi đó, nhận định về ai làm tổng thống Mỹ trong nhiệm kỳ tới sẽ phù hợp với lợi ích của Việt Nam hơn, ông Nguyễn Đại Phượng, cựu Trưởng ban Quốc tế báo Tiền Phong, phân tích:
“Donald Trump thì người Việt Nam ít hiểu biết ông ta, và những gì người ta hiểu biết được ông ta chủ yếu qua thời gian tranh cử vừa rồi, thì ông đưa ra một số tuyên bố thì tôi thấy nó cũng không thật phù hợp, nó không tương đồng với lợi ích của người châu Á và của người Việt Nam. Ví dụ, nếu ông lên làm tổng thống ông sẽ không hào hứng với các hiệp định thương mại tự do giữa Mỹ và với các nước ngoài. Nếu Donald Trump mà trở thành tổng thống quả thực ông sẽ thực hiện cái điều giống như ông từng tuyên bố, thì rõ ràng việc triển khai, đưa hiệp định TPP vào hoạt động cũng như là hoạt động một cách có hiệu quả chắc chắn sẽ gặp khó khăn hơn rất nhiều so với Hillary Clinton. Bởi vì Hillary Clinton là một trong những người tham gia vào xây dựng chính sách xoay trục sang châu Á của Hoa Kỳ, cũng như là tham gia vào chính sách tái cân bằng lại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cũng như chính sách TPP của chính quyền Barack Obama. Nếu Hillary Clinton trở thành tổng thống, thì rõ ràng nói riêng về người Việt Nam chúng ta, với các chính sách của bà và các chính sách của bà đưa ra trong thời gian vừa qua hầu hết là phù hợp với lợi ích của người Việt Nam chúng ta. Nếu Hillary Clinton lên làm tổng thống thì Việt Nam sẽ đón nhận dễ dàng hơn và sẽ chấp nhận các chính sách của bà dễ dàng hơn”.
Bà Clinton và ông Trump còn hai cuộc tranh luận nữa trước khi diễn ra bầu cử tổng thống. Cuộc tranh luận tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 9 tháng 10.
Công ty Palantir bị tố cáo kỳ thị người gốc Á
Bộ Lao động Mỹ ngày 26/9 nộp đơn kiện hành chính chống lại Palantir Technologies, tố cáo công ty an ninh và phân tích dữ liệu kỳ thị các ứng viên xin việc người gốc Á một cách có hệ thống.
Công ty tư nhân Palantir tại Thung lũng Silicon chuyên giúp các cơ quan nhà nước truy lùng manh mối khủng bố và phát hiện gian lận tài chính.
Đơn kiện tố cáo Palantir thường xuyên gạt bỏ các ứng viên gốc Á trong quá trình sàng lọc sơ yếu lý lịch và phỏng vấn dù các ứng viên này cũng hội đủ tiêu chuẩn như các ứng viên da trắng khác.
Chưa thể tiếp cận đại diện công ty Palantir để ghi nhận bình luận tức thời của công ty.
Trong một trường hợp được Bộ Lao động dẫn dụ, công ty Palantir xem xét đơn của trên 130 ứng viên đủ tiêu chuẩn cho một vị trí thực tập, 73% trong số đó là người gốc Á. Đơn kiện liệt kê cách hành xử của Palantir từ đầu năm 2010 tới nay cho thấy công ty này thuê mướn 17 ứng viên không phải gốc Á và 4 ứng viên gốc Á.
Đơn kiện đòi công lý cho những cá nhân bị ảnh hưởng, kể cả thiệt hại về lương bổng.
IS tái chiếm các cứ điểm ở Afghanistan
Các giới chức và nhân chứng tại Afghanistan cho biết các chiến binh có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo đã giành lại quyền kiểm soát hầu hết các hang ổ trước đây của nhóm này tại Afghanistan, nhiều tuần sau khi lui về hậu cứ miền núi xa xôi để đối phó với các cuộc hành quân lớn của Afghanistan.
Các khu vực bất ổn thuộc các huyện Achin, Naziyan, Kot và Haska Meena của tỉnh phía đông Nangarhar, giáp biên giới với Pakistan.
Tuần này, một thông tín viên Ban Afghanistan của đài VOA đã đến Achin, hang ổ chính của IS tại nước này, và cho biết các lực lượng an ninh chính phủ đã được chuyển đi khỏi nơi đóng quân trước khi khởi động cuộc không kích chống IS có tên “Qahr-e-Sellab” vào tháng Sáu.
Phát ngôn viên quân sự của khu vực Shreen Aqa khẳng định với đài VOA rằng các chiến binh IS đã quay trở lại nhiều nơi trong các khu vực bất ổn, nhưng ông Aqa cho biết các lực lượng Afghanistan đang chuẩn bị để thực hiện một cuộc tấn công mới để quét sạch IS khỏi những nơi này.
Anh vẫn là cái gai trong hợp tác quân sự của EU
Mặc cho quyết định gần đây về việc tách ra khỏi Liên minh châu Âu, Anh vẫn phản đối bất kỳ nỗ lực nào trong việc hình thành lực lượng quân sự riêng của liên minh, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Michael Fallon cho biết.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục phản đối mọi ý tưởng về đội quân EU hay trụ sở quân đội EU, đơn giản vì điều này sẽ làm suy yếu NATO”, ông Fallon nói trong một cuộc họp của EU tại Bratislava.
Phát biểu của ông Fallon được đưa ra khi các thành viên của EU đang cố gắng tìm ra một lộ trình lớn mới cho việc hợp tác quân sự giữa 28 quốc gia thành viên.
Pháp và Đức đã đưa ra các đề xuất, trong đó bao gồm việc tăng chi tiêu vào các nhiệm vụ quân sự, tăng sự hiện diện gìn giữ hòa bình của EU trên khắp toàn cầu và hợp tác chống tấn công mạng.
Ông Fallon nói ông phản đối ý tưởng về quân đội EU, nhưng sẽ không phủ quyết kế hoạch hợp tác quân sự vì “không có đa số” ủng hộ.
Ông nói thêm:
“Có nhiều nước cũng nghĩ như chúng tôi là điều đó xâm phạm chủ quyền của từng quốc gia thành viên”.
Anh lâu nay chống lại kế hoạch trên vì lo sợ một quân đội trung ương châu Âu mạnh mẽ được kiểm soát từ Brussels. Bộ trưởng Quốc phòng Ursula von der Leyen của Đức và người đồng cấp Pháp của bà là ông Jean-Yves Le Drian đã gạt bỏ những lo ngại của ông Fallon và nói không hề có một kế hoạch về một quân đội châu Âu.
Bà von de Layen nói:
“Ngược lại, đây là sự tổng hợp thế mạnh khác nhau của các nước châu Âu để sẵn sàng hành động cùng nhau một cách nhanh chóng”.
Ông Fallon nói Anh Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ quốc phòng châu Âu thông qua NATO, bất chấp kế hoạch tách khỏi EU. Ông cho biết thêm rằng binh sĩ Anh sẽ đồn trú tại Estonia và Ba Lan vào năm tới.
13 binh sĩ Afghanistan bị đồng đội nghi theo Taliban giết
Những kẻ bị tình nghi là theo Taliban đã giết chết 13 binh sĩ ở miền bắc Afghanistan.
Cuộc tấn công qua đêm diễn ra tại một tiền đồn an ninh tại tỉnh Kunduz đầy bất ổn.
Chỉ huy cảnh sát khu vực, ông Sher Aziz Kamawal, hôm thứ Ba nói với các nhà báo rằng các nạn nhân đang ngủ khi hai đồng đội nghi ngờ là có liên hệ với Taliban ra tay tàn sát họ.
Ông nói những kẻ tấn công dính líu trong “cuộc tấn công nội bộ” này đã đào tẩu và gia nhập quân nổi dậy Taliban.
Tuy nhiên, một phát ngôn viên của Taliban là Zabihullah Mujahid rêu rao rằng các chiến binh của Taliban đã thực hiện cuộc tấn công qua đêm vào đồn an ninh và đã vây hãm nơi này.
Tiền đồn này là một phần nằm trong vòng đai phòng thủ mà lực lượng Afghanistan đã thiết lập xung quanh thủ phủ của tỉnh để đối phó với những nỗ lực liên tục của phe Taliban tìm cách tiến chiếm thành phố miền Bắc này.
Các cuộc tấn công từ bên trong không phải là hiếm khi xảy ra ở Afghanistan, một đất nước bị chiến tranh tàn phá. Rất nhiều nhân viên an ninh Afghanistan và các đối tác quốc tế đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công nội bộ như vậy. Mặc dù vậy, các giới chức nước này nói các biện pháp phòng bị trong những năm gần đây đã làm giảm đáng kể tình trạng bạo lực này.
Taliban đã nhanh chóng tiến chiếm Kunduz một năm trước đây. Nhưng vài ngày sau đó, lực lượng Afghanistan đã tái chiếm quyền kiểm soát nơi này với sự hỗ trợ của không lực Mỹ. Đây là lần đầu tiên lực lượng nổi dậy Hồi giáo chiếm được thủ phủ một tỉnh trong cuộc nổi dậy ở Afghanistan. Đến nay, cuộc nổi dậy này đã bước sang năm thứ 15.
Pháp triệt phá các trại tạm bợ Calais
Calais, Pháp. (Reuters) – Tổng thống Francois Hollande cho biết hôm nay là Pháp sẽ đóng cửa các trại tạm bợ ở Calaise có biệt danh là Khu Rừng vào cuối năm nay.
Tuy nhiên các giới chức địa phương cho biết họ e ngại là sau đó làn sóng người nhập cư lại trở lại trong vòng vài tháng. Ông Hollande đã phát biểu trong chuyến thăm đầu tiên của ông đến thị trấn từ khi được bầu làm tổng thống vào năm 2012. Ông nói Pháp sẽ hoàn toàn tháo dỡ các trại trước cuối năm và hoạt động này phải được tiến hành một cách tôn trọng và nhân đạo.
Ít nhất 7,000 người di cư đang sống trong các túp lều và nhà ở tạm bợ bên ngoài cảng Calais. Họ thường tìm cách leo lên các xe chở hàng, tàu thủy và xe lửa để đến Anh. Chạy trốn khỏi chiến tranh và nghèo đói ở châu Phi và Trung Đông, nhiều người trong số các người nhập cư ở Calais cho rằng họ sẽ cuộc sống tốt hơn ở Anh so với trên lục địa châu Âu. Lên đến 80% những người này hội đủ điều kiện để được xin tị nạn tại Pháp. Thị trưởng Calais, Natacha Bouchart nói rằng ngay cả khi các trại bị gỡ xuống, các bước phải được thực hiện để bảo đảm bảo những người di cư không trở lại Calais sau đó. Pháp có kế hoạch để phân tán các người di cư thành các nhóm nhỏ trên khắp nước Pháp. (Lê Hoàng)
0 comments