Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tranh chấp Biển Đông - 1 ̣9/09/2016

Monday, September 19, 2016 6:05:00 PM // , ,

Tin Biển Đông – 19/09/2016

Nga, Trung Quốc diễn tập phòng không, chống tàu ngầm

Các lực lượng hải quân của Trung Quốc và Nga hôm qua, 17/9, tiếp tục cuộc thao dượt chung, chú trọng vào khía cạnh phòng thủ và chống tàu ngầm trên biển Đông ở ngoài khơi tỉnh Quảng Đông của Trung Quốc.
Tham gia cuộc tập trận này có các tàu khu trục trang bị tên lửa, các tàu chống tàu ngầm, máy bay trực thăng và các tàu ngầm thông thường.
Theo báo chí Trung Quốc, các tàu trên được chia thành hai nhóm, và cuộc đối đầu giả tưởng được tiến hành ngoài khơi bờ biển phía đông thuộc tỉnh Quảng Đông.
Một quan chức cấp cao tham gia cuộc thao dượt nói rằng cuộc diễn tập được thực hiện theo kịch bản thật, và đã đạt được mục tiêu đề ra.
Trung Quốc và Nga tiến hành cuộc tập trận kéo dài từ ngày 13 tới 19/9.
Trong khi các nước tranh chấp chủ quyền ở biển Đông như Việt Nam bày tỏ quan ngại về cuộc thao dượt chung giữa Bắc Kinh và Moscow, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói hôm 12/9 rằng nó “không nhắm vào một bên thứ ba nào”.
Một số chuyên gia cho rằng cuộc tập trận hải quân chung của Trung Quốc và Nga chỉ “có tính biểu tượng” và “chưa cho thấy sự tin cậy lẫn nhau” giữa hai nước.
Đây là cuộc tập trận thường niên thứ 5 giữa Trung Quốc và Nga kể từ năm 2012 sau khi hai nước thiết lập cơ chế hợp tác quốc phòng vào năm 2005.
Theo Xinhua, SCMP

Trung Quốc: Nhật Bản tìm cách ‘gây rối’ tình hình Biển Đông

Trung Quốc hôm thứ Hai, 19/9, cáo buộc Nhật Bản tìm cách “gây rối” tình hình ở Biển Đông, sau khi Tokyo cho biết sẽ đẩy mạnh hoạt động trong vùng biển tranh chấp này, thông qua những cuộc tuần tra huấn luyện chung với Mỹ.
Trong một chuyến công du tới Washington vào tuần trước, Bộ trưởng quốc phòng Nhật Bản cho biết nước này cũng sẽ giúp xây dựng năng lực của những quốc gia ven biển trong tuyến đường thủy nhộn nhịp này.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng nói rằng các nước trong khu vực đã đạt đồng thuận rằng vấn đề Biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên trực tiếp có liên quan, và rằng Trung Quốc và các nước Đông Nam Á nên cùng nhau duy trì hòa bình và ổn định tại đó.
Trong cuộc họp báo hàng ngày, khi được hỏi về phát biểu của quan chức Nhật Bản, ông Lục nói: “Hãy nhìn vào kết quả của việc Nhật Bản làm mọi việc lộn xộn trong cùng khoảng thời gian đó … tìm cách gây rối tình hình Biển Đông dưới chiêu bài hành động thay cho cộng đồng quốc tế.”
Ông nói thêm rằng hành động của Nhật Bản đã đẩy các nước khác tránh xa họ, và Nhật Bản đã thất bại trong việc bắt những nước khác nhìn theo quan điểm của họ.
“Trung Quốc kiên định trong quyết tâm bảo vệ chủ quyền và lợi ích hàng hải của mình,” ông Lục nói.
Quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, hai nền kinh tế lớn nhất Châu Á, lâu nay đã bị phủ bóng vì tranh cãi về lịch sử chiến tranh đau đớn và tranh chấp lãnh thổ ở Hoa Đông, cùng những vấn đề khác.
Trung Quốc đã nhiều lần lên án điều mà họ xem là sự can thiệp của Mỹ và đồng minh Nhật Bản ở Biển Đông.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, nơi mà tàu thuyền vận chuyển khoảng 5 ngàn tỉ đôla giá trị thương mại đi ngang qua mỗi năm.
Vào tháng 7, một tòa án trọng tài ở thành phố La Haye ra phán quyết rằng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với thủy lộ này là vô giá trị, sau khi Philippines đệ đơn kiện. Bắc Kinh đã từ chối công nhận phán quyết này.

Nga-Trung kết thúc tập trận Biển Đông

Cuộc tập trận chung giữa Nga và Trung Quốc vừa kết thúc ‘thành công’ sau một tuần ở vùng biển tỉnh Quảng Đông.
Tập trận bắt đầu hôm 12/9 và chấm dứt vào thứ Hai 19/9.
Tân Hoa Xã đưa tin lễ bế mạc vừa được tổ chức trên biển ngoài khơi thành phố Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông. Sau buổi lễ, các tàu chiến Nga tham gia tập trận đã lên đường về nước.
Theo hãng tin nhà nước Trung Quốc, cuộc tập trận đã giúp cải thiện khả năng phối hợp chỉ huy và chiến thuật thực địa của quân đội hai nước, tăng cường tình hữu nghị và tin tưởng chung.
Tân Hoa Xã ca ngợi thành công của cuộc tập trận, thông qua lời Phó Đô đốc Alexander Fedotenkov, chỉ huy trưởng quân Nga tham gia tập trận:” Nay chúng ta có thể nói rằng lực lượng vũ trang Nga và Trung Quốc có khả năng bảo vệ lãnh thổ của chúng ta cũng như đóng vai trò quan trọng trong gìn giữ hòa bình thế giới”.
Một trong những hoạt động chủ chốt trong cuộc tập trận là diễn tập chiếm đảo, mà các bình luận gia cho rằng sẽ khiến các quốc gia khác ở Biển Đông vốn đang có tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc lo lắng.
Trung Quốc đang kiểm soát bãi cạn Scarborough mà nước này giành từ tay Philippines; cũng như quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Cuộc tập trận có sự tham gia của 300 thủy quân lục chiến, hai tàu ngầm, 20 phi cơ và 12 xe vận tải có vũ trang.
Đây là hoạt động chung lớn nhất từ trước tới nay giữa hai bên.

Tập trận Biển Đông:

Nga Trung muốn phá thế thượng phong của Mỹ

Hôm nay, hải quân hai nước Nga và Trung Quốc vừa kết thúc các cuộc tập trận chung Joint Sea -2016 kéo dài 8 ngày, từ 13 đến 19/09/2016 ở Biển Đông, tại khu vực gần tỉnh Quảng Đông. Để tiến hành cuộc tập trận này, hải quân Nga Trung đã huy động tổng cộng 18 chiến hạm, tàu hỗ trợ, tàu ngầm, 21 chiến đấu cơ và 250 lính hải quân, tham gia thao dượt về phòng thủ và cứu hộ, thao dượt chống tàu ngầm và tấn công chiếm một đảo của nước ngoài.
So với các cuộc tập trận Joint-Sea những năm trước, cuộc tập trận năm nay tập trung hơn vào khả năng chiến đấu của tàu mặt nước, tàu ngầm và hệ thống phòng thủ trên đất liền.
Đây là cuộc tập trận hải quân chung lớn nhất từ trước đến nay giữa hai nước và đây là lần đầu tiên được tiến hành ở Biển Đông, một vùng đang rất nóng, cho nên đã thu hút sự chú ý đặc biệt của báo chí quốc tế, tuy rằng cả Bắc Kinh và Matxcơva đều khẳng định là cuộc tập trận này không nhắm vào các quốc gia khác.
Trang thông tin Sputnik của Nga trong bài viết đăng trên mạng ngày 18/09 lưu ý là cuộc tập trận chung hải quân Nga-Trung diễn ra vào lúc căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc với phuơng Tây trên vấn đề Biển Đông, tiếp theo sau phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực bác bỏ những đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc ở vùng biển này, một phán quyết mà Bắc Kinh xem là không giá trị.
Cũng theo Sputnik, được dự trù từ lâu, cuộc tập trận chung hải quân Nga-Trung cũng diễn ra đúng thời điểm Nhật vừa loan báo sẽ tiến hành tuần tra “tập huấn” chung với Hoa Kỳ để bảo đảm tự do hàng hải ở Biển Đông. Bắc Kinh đã cảnh cáo Tokyo rằng việc tham gia thao dượt với Mỹ ở vùng biển đang tranh chấp này là một “lằn ranh đỏ”, mà nếu vượt qua thì Nhật sẽ gánh chịu những hậu quả nặng nề. Hôm nay, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc còn tố cáo Nhật bản đang làm “rối loạn” tình hình Biển Đông qua việc tăng cường hoạt động ở vùng biển này.
Một trang thông tin khác của Nga là Vestnik ngày 18/09 thì đăng lại một bài nhận định của mạng thông tin Breibart News Network của Mỹ nhấn mạnh đến việc là trong khuôn khổ các cuộc tập trận chung trên biển, hải quân hai nước đã thao dượt đổ bộ và tấn công chiếm một đảo của một nước ngoài và điều này đặc biệt gây lo ngại cho một số nước trong khu vực, đặc biệt là Việt Nam và Philippines, hai nước tranh chấp gay gắt nhất với Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông
Breibart nhắc lại rằng trong ba năm qua, Bắc Kinh đã gia tăng nỗ lực áp đặt chủ quyền của họ lên phần lớn Biển Đông, nhất là qua việc xây các đảo nhân tạo ở Trường Sa, đặt trên đó các thiết bị giám sát, các dàn tên lửa địa đối không và các chiến đấu cơ phản lực.
Về phần tờ Washington Times số ra ngày 18/09/2019 đăng ý kiến của ông James A. Lyons, một đô đốc Mỹ về hưu, cho rằng cuộc tập trận chung Nga-Trung, gọi là “phối hợp phòng thủ đảo” thật ra có mục tiêu là bắn một tín hiệu đến Hoa Kỳ rằng Biển Đông là thuộc về Trung Quốc và nếu cầu Nga sẽ giúp Trung Quốc bảo vệ các đảo đang tranh chấp. Đây rõ ràng là một thách thức đối với truyền thống bảo vệ tự do hàng hải của Hoa Kỳ và đối với việc tôn trọng luật pháp quốc tế.
Một trang thông tin khác của Mỹ là Morning News USA trong bài viết đăng trên mạng ngày 19/09 thì trích lời một chuyên gia về châu Á-Thái Bình Dương, tiến sĩ Munir Majid, cho rằng việc cuộc tập trận chung Nga-Trung ở Biển Đông diễn ra cùng thời điểm với cuộc thao dượt chung Mỹ-Nhật bảo đảm tự do hàng hải ở vùng biển này cho thấy đây là một cuộc tranh giành quyền lực và ảnh hưởng giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ ở châu Á-Thái Bình Dương, mà trong đó Biển Đông là đấu trường chính. Theo tiến sĩ Majid, trong cuộc tranh đua này, Hoa Kỳ đang thua và Trung Quốc đang thắng.
Về phần trang The National Interest ngày 16/09 đăng lại một bài viết trang web của Viện Chính sách Chiến lược Úc ASPI, nhận định rằng đang có hợp tác ngày càng chặt chẽ giữa hải quân hai nước Nga Trung và điều này gây quan ngại cho các nhà quan sát trong khu vực và các nhà hoạch định chính sách hải dương, vì nó sẽ làm thay đổi cán cân lực lượng ở châu Á.
Tác giả bài viết, nhà nghiên cứu Ấn Độ, Abhijit Singh, ghi nhận rằng, trong cuộc tập trận chung lần này, không chỉ có nhiều phương tiện được huy động hơn, mà chất lượng các cuộc thao dượt cũng được nâng cao. Tác giả bài viết cho rằng, hợp tác hải quân Nga Trung xuất phát từ mong muốn của hai nước chống lại áp lực quân sự của Mỹ.
Nhà nghiên cứu Abhijit Singh nhắc lại rằng tại cuộc họp thượng đỉnh G20 vừa qua, tổng thống Putin đã tuyên bố ủng hộ lập trường của Trung Quốc bác bỏ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực về vụ kiện Biển Đông. Cũng theo tác giả bài viết, nhiều người ở Matxcơva nay bắt đầu xem các cơ sở hạ tầng trên các đảo nhân tại mà Trung Quốc xây ở Biển Đông là một phương tiện bảo vệ Nga khỏi bị Mỹ tấn công. Tác giả bài viết cho biết, đích thân tổng thống Vladimir Putin đã thúc đẩy phát triển đối tác quân sự Nga Trung. Bắc Kinh dĩ nhiên là rất vui mừng tìm thấy một đồng minh để cùng chống hải quân Mỹ.
Ông nhận định rằng qua việc tiến hành tập trận chung lần này ở Biển Đông, hai nước Nga Trung muốn tỏ cho thấy là thế thượng phong của Hoa Kỳ trên vùng biển châu Á nay đã chấm dứt.

Tranh chấp Biển Đông :

Vai trò các tập đoàn nhà nước Trung Quốc

Các chuyên gia phân tích cho đến lúc này vẫn giải thích rằng Trung Quốc bác bỏ phán quyết Tòa Thường Trực La Haye về những tranh chấp trên Biển Đông là do các chính sách chiến lược và an ninh khu vực của Bắc Kinh. Nhưng họ đã bỏ sót vai trò ngày càng lớn của các tập đoàn nhà nước Trung Quốc: Hoạt động của các doanh nghiệp này góp phần vào việc khẳng định chủ quyền, đòi hỏi lãnh thổ, nhưng đồng thời cũng dồn Bắc Kinh vào thế không thể lùi được trong hồ sơ Biển Đông.
Theo bài viết đề tựa « Chào mừng quý vị đến với du lịch xung đột : Các tập đoàn nhà nước Trung Quốc đang tận dụng tranh chấp Biển Đông ra sao ? » trên tờ South China Morning Post ngày 19/09/2016, hai lĩnh vực đang được hưởng lợi nhiều nhất trong các tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông là công nghiệp quốc phòng và du lịch.
Tranh chấp lãnh hải tại Biển Đông đã làm cho giá cổ phiếu các tập đoàn nhà nước trong lĩnh vực quốc phòng thời gian gần đây tăng đáng kể. Nhất là ngay trong tuần lễ Tòa Trọng Tài Thường Trực ra phán quyết, giá cổ phiếu cũng như lượng giao dịch của một số tập đoàn như Beifang Daohang Technological Corporation (một nhánh của China North Industries Group), China RACO (chuyên về vệ tinh viễn thông) và State China Shipping Corporation đã tăng lên 8,6% ; 6,6% và 19,6% trong khoảng thời gian 24/6-12/7/2016.
Nhưng điểm đặc biệt gây chú ý cho tác giả bài viết là sự tham gia tích cực của các tập đoàn lữ hành nhà nước trong việc chào mời các chuyến tham quan yêu nước bằng thuyền trên Biển Đông theo mô hình Sun, Surf và Patriotism (tạm dịch Tắm nắng, Lướt ván và Tinh thần Yêu nước), với các hoạt động tham quan bao gồm cả lễ chào cờ và tuyên thệ. Đây là một mô hình du lịch đang được nhiều học giả Trung Quốc khuyến khích. Họ kêu gọi chính phủ nên tận dụng các nguồn lực du lịch tại những đảo nhân tạo mới được Bắc Kinh bồi đắp tại Biển Đông.
Loại hình du lich này đã được Trung Quốc tiến hành khai thác vào năm 2012, tại quần đảo Hoàng Sa, với Hanan Strait Shipping, một công ty lữ hành địa phương, tổ chức đưa khách đến thăm các đảo như Toàn Phú Đảo (All Wealth Island) và Áp Công Đảo (Việt Nam gọi là đảo Ba Ba – Male Duck Island).
Ước tính đến nay đã có hơn 10.000 du khách, đã đến thăm quần đảo Hoàng Sa. Và mô hình du lịch này đang được đại bộ phận công luận Trung Quốc đón nhận và ủng hộ, nhất là sau khi có phán quyết của Tòa Trọng Tài. Đây là một hình thức giúp cho chính phủ Trung Quốc khẳng định chủ quyền lãnh thổ và các quyền của họ tại Biển Đông.
Một phần trong dự án « Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải
Theo tác giả bài viết, các tập đoàn nhà nước Trung Quốc là những tác nhân hưởng lợi nhiều nhất trong việc khai thác các nguồn lực du lịch tại Biển Đông. Một số tập đoàn lớn như Cosco (China Cosco Shipping Corporation) còn đang tìm kiếm cơ hội mở rộng các hoạt động du lịch từ quần đảo Hoàng Sa đến Đài Loan và nhiều đảo khác của các nước láng giềng, xem đấy như là một phần của chương trình du lịch văn hóa « Con Đường Tơ Lụa Hàng Hải ».
Ông Xu Lirong, tổng giám đốc và chủ tịch Hội đồng quản trị của China Cosco trong một cuộc triển lãm do China Nanhai Cruise tổ chức không ngừng khẳng định rằng các chuyến lữ hành đến Biển Đông là một phần phát triển của dự án. Ông còn nhấn mạnh rằng phát triển kinh doanh du lịch dọc theo « Một Vành đai, Một Lộ trình » còn là trách nhiệm của các tập đoàn nhà nước.
Lợi ích này của các tập đoàn Nhà nước lại gắn liền với hai nhiệm vụ : kiếm lợi và giúp quốc gia hoàn thành các mục tiêu chính trị-xã hội. Bằng cách đưa du lịch vào như là một phần chiến lược của Trung Quốc tại Biển Đông, việc phát triển các mục tiêu dân sự tại các vùng lãnh hải có tranh chấp nay được giao phó cho các tập đoàn nhà nước.
Đặc biệt, sau phán quyết của Tòa Trọng Tài, Trung Quốc dường như tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước đầu tư nhiều hơn nữa vào Biển Đông. Bắc Kinh tin rằng sự hiện diện của những doanh nghiệp này trong khu vực sẽ làm tăng thêm giá trị cho những yêu sách về chủ quyền lãnh thổ và hàng hải.
Có điều, « phóng lao thì phải theo lao ». Với việc bành trướng các lợi ích của những doanh nghiệp nhà nước trên Biển Đông, Trung Quốc rơi vào thế khó xử, không thể lùi bước hoặc có thể có lập trường mềm dẻo hơn trong các đòi hỏi về chủ quyền, lãnh thổ tại vùng biển này.

Bắc Kinh đòi cả Thái Bình Dương:

Tin vịt làm các chuyên gia bị lừa

Những đòi hỏi chủ quyền rộng khắp của Trung Quốc tại Biển Đông phải chăng đã trở thành nỗi ám ảnh của giới chuyên gia, khiến cho một thông tin dù rất phi lý cũng gây nên tranh luận sôi nổi ? Đây là điều đã xẩy ra tại một hội nghị khoa học về Biển Đông, được Đại Học Yale nổi tiếng của Mỹ tổ chức tháng 5/2016, tập hợp hầu hết các chuyên gia đẳng cấp thế giới, trước một tin đồn là Bắc Kinh đã công bố một tấm bản đồ 251 đường gián đoạn, đòi chủ quyền trên hầu như toàn bộ Thái Bình Dương, bao gồm cả Hawai và vùng Micronesia.
Trong bài phân tích đăng ngày 10/09/2016 trên trang web của tạp chí Mỹ The National Interest, được mạng Asia Times đăng lại ngày 18/09 (China’s Next Territorial Claim: Hawaii and Almost the Entire Pacific Ocean? Yêu sách chủ quyền sắp tới của Trung Quốc : Hawai và gần như toàn bộ Thái Bình Dương ?), nhà nghiên cứu Harry Kazianis đã hóm hỉnh thuật lại sự cố trên nhưng cho rằng chính các đòi hỏi chủ quyền phi lý của Trung Quốc tại Biển Đông đã khiến cho các chuyên gia tin rằng chuyện Bắc Kinh đòi cả Thái Bình Dương không phải là vô lý !
Bản đồ 251 đường gián đoạn !
Theo ông Kazianis, tại hội nghị về Biển Đông vừa qua ở Yale, điều gây sốt cao nhất trong các học giả có mặt, trong đó có cả bản thân ông, là tin đồn về yêu sách lãnh thổ mới nhất của Trung Quốc gọi trong một tấm bản đồ 251 đường gián đoạn bao trùm gần như tất cả khu vực Thái Bình Dương.
Căn cứ theo một « bản tin » đăng trên trang mạng Elitereaders chuyên về các tin giựt gân, Bắc Kinh giờ đây đã quay sang đòi chủ quyền trên tiểu bang Hawaii của Mỹ và hầu hết quần đảo Micronesia. Thế là các đại biểu về dự hội nghị đã ồ ạt chia sẻ cho nhau bài viết, và các chuyên gia đã đỏ mặt tía tai tranh cãi với nhau về thông tin vừa đọc được.
Nhiều người đã tự hỏi là phải chăng « sự kiện » đó chỉ đơn giản là một sách lược đàm phán của Bắc Kinh, một mưu đồ được tính toán cẩn thận để làm cho các yêu sách chủ quyền – vốn dĩ đã rất quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông – trở nên cực kỳ nhỏ bé so với các đòi hỏi cực kỳ to lớn trên vùng Thái Bình Dương.
Theo chuyên gia Kazianis, điều thú vị hơn nữa là bên lề cuộc hội thảo, một nhà làm phim người Việt đang thực hiện một bộ phim tài liệu về Biển Đông, đã đề nghị ông Kazianis trả lời trước ống kính về nhận định của ông liên quan đến yêu sách chủ quyền đó.
Đẩy cuộc chiến tranh bản đồ lên một cấp độ mới
Điểm đáng nói là chuyên gia Kazianis đã đồng ý với đề nghị đó. Ông thú nhận : « Do không thể tìm hiểu sâu hơn hoặc kiểm chứng thông tin đó, tôi đã bày tỏ hy vọng rằng nguồn tin đó không đúng sự thật, nhưng nếu vì một lý do nào đó mà Bắc Kinh dám có yêu sách như vậy, thì điều đó lại càng chứng minh cho luận điểm hiện nay, theo đó Trung Quốc là một kẻ bắt nạt quốc tế, đã nâng một hình thức chiến tranh mà tôi đã gọi là Mapfare – Chiến Tranh Bản Đồ – lên một cấp độ mới ».
Nội dung bản tin đó ra sao mà đã khiến các chuyên gia mắc lỡm như vậy ? Đối với chuyên gia Kazianis, cách trình bày rất chuẩn đặc biệt trong phần mở đầu :
« Trong một động thái được cho là sẽ làm dấy căng thẳng leo thang trên thế giới, bộ Giáo Dục Trung Quốc đã phát hành một bản đồ thế giới mới, trong đó Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên những mảng lớn của Thái Bình Dương, bao gồm cả Hawai và hầu hết vùng Micronesia.
Theo Tân Hoa Xã, Bộ Giáo Dục cũng đã ban hành một chỉ thị ra lệnh cho “tất cả các cơ sở giáo dục và cơ quan chính phủ thay thế các bản đồ đã lỗi thời bằng ấn bản hiện tại.”
Mặc dù Mỹ vẫn chưa đưa ra bất kỳ bình luận nào, Tổng thống Liên Bang Micronesia Manny Mori đã đánh giá tấm bản đồ là “vô lý” và tố cáo Trung Quốc về hành vi “bức hiếp bằng bản đồ”. »
Biến các vùng của Mỹ thành tỉnh đảo Tân Mỹ Quốc của Trung Quốc
Chỉ đọc qua đoạn sau thì mới thấy rõ là đây là một thông tin ngụy tạo, khi “bản tin” nói đến nào là cho các đảo Clarion của Mêhicô hay Clipperton của Pháp được tự trị hoàn toàn, nào là sát nhập các lãnh thổ của Mỹ thành một tỉnh mới lấy tên là Tân Mỹ Quốc, nào là có bằng chứng lịch sử là thời nhà Minh, nước Trung Hoa cũng đã kiểm soát một phần lớn Nam Cực, cho nên bộ Giáo Dục Trung Quốc sẽ cho gấp rút ấn hành một tấm bản đồ bổ sung…
Thế nhưng nếu chỉ đọc qua mấy đoạn đầu, mà không tìm hiểu chi tiết hơn về bản tin, thì rất dễ lầm lẫn. Chuyên gia Kazianis thú nhận : « Cũng như nhiều đồng nghiệp khác tại hội nghị, tôi đã cho rằng yêu sách đó là điều rất có thể. Vả lại, nếu Trung Quốc đã dám đòi chủ quyền trên quần đảo Okinawa (của Nhật Bản), thì tại sao họ lại không dám đòi cả Thái Bình Dương ? Đó há không phải là chiến tranh bản đồ ở cấp số nhân sao ! »
Tuy nhiên, khi đọc tiếp bản tin thì Kazianis mới thấy rằng tất cả đều đã bị lừa. Bên cạnh những luận điệu hung hăng đòi thiết lập các tỉnh mới trên các vùng mới đòi chủ quyền, hoặc yêu sách đối với Nam Cực, chỉ cần tra tìm trên Google thì có thể thấy ngay là bản tin đó chỉ là một bài được viết năm 2014 cho một trang web trào phúng mang tên Bộ Hài Hòa –Ministry of Harmony vốn tư nhận mình là nơi tập hợp những « củ hành với đặc trưng Trung Quốc », chơi chữ trên sự gần giống nhau giữa từ onion (củ hành) và opinion (ý kiến) trong tiếng Anh.
Bắc Kinh phải nhớ : Tiếng xấu trên trường quốc tế rất khó rửa
Bài học mà chuyên gia Kazianis rút ra từ vụ mắc lừa kể trên rất nghiêm túc. Ông viết : « Mặc dù tấm bản đồ và bài viết kèm theo là cố gắng của một người nào đó đùa cợt nhẹ nhàng, nhưng điều đó phản ánh một thực tế nghiêm túc hơn : Trung Quốc đã sử dụng bản đồ, hộ chiếu và các phương pháp chiến tranh bản đồ khác để áp đặt các yêu sách chủ quyền của họ, dù đối với Đài Loan hay đối với phần bên trong đường 9 đoạn – mà giờ đây đã thành 10 đoạn.
Thực tế theo đó không môt ai trong số chuyên gia chúng tôi tại hội nghị Yale bị sốc (trước thông tin nói trên) đủ cho thấy là trên trường quốc tế hiện nay, đã ăn sâu suy nghĩ là Trung Quốc là một nước luôn muốn thay đổi nguyên trạng, bất kể cái giá phải trả. »
Và ông kết luận: Tiếng xấu là một quốc gia côn đồ rất khó rửa trên chính trường quốc tế, và đó là điều mà Bắc Kinh nên ghi nhớ.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.