Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tranh chấp Biển Đông – 05/09/2016

Monday, September 5, 2016 12:12:00 PM // , ,

No sub-categories
Tin Biển Đông – 05/09/2016

Biển Đông : Manila

phát hiện nhiều tàu Trung Quốc trong vùng tranh chấp

Manila “ hết sức quan ngại ” trước số lượng quá lớn của tàu Trung Quốc ở Biển Đông, gần bãi cạn Scarborough nơi có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Philippines yêu cầu đại sứ Trung Quốc tại Manila giải thích.
Theo hãng tin Reuters, trước mắt đại diện ngoại giao của Trung Quốc tại thủ đô Philippines chưa lên tiếng về vụ này. Ngày 04/09/2016 bộ trưởng Quốc Phòng Delfine Lorenzana cho biết trước đó một hôm, máy bay tuần tra Philippines đã bay ngang qua vùng biển có tranh chấp và phát hiện “ 4 tàu tuần duyên và 6 chiếc khác và cả những xà lan quanh bãi cạn Scarborough Shoal (…)sự hiện diện đó gây lo ngại sâu sắc ” cho phía Manila.
Cũng trong tin nhắn gửi đến báo giới, bộ trưởng Quốc Phòng Philippines lưu ý : vào đầu năm 2016, Bắc Kinh đã đưa tàu nạo vét đến khu vực bãi cạn Scarborough nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy phía Trung Quốc bắt đầu công việc bồi đắp đảo. Dù vậy, vẫn theo bộ trưởng Lorenzana, Manila chưa biết rõ những ý đồ của Bắc Kinh và trong trường hợp Trung Quốc chuẩn bị cải tạo bồi đắp đảo trong khu vực thì đây sẽ là một mối đe dọa đối với “ an ninh ”của Philippines.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham là trọng tâm tranh chấp chủ quyền biển đảo giữa Trung Quốc và Philippines kể từ năm 2012 khi Bắc Kinh cấm tàu cá Philippines vào đánh bắt.
Trong phán quyết ngày 12/07/2016, Tòa Án Trọng Tài La Haye đã xác định không một quốc gia nào có quyền chủ quyền trên các hoạt động chung quanh Scarborough, địa điểm đánh bắt thủy sản truyền thống của ngư dân Philippines, Trung Quốc và cả Việt Nam. Đến nay, Bắc Kinh vẫn tuyên bố không công nhận tính chính đáng của phán quyết nói trên.

Ông Obama:

Trung Quốc không thể bắt nạt Philippines, Việt Nam

Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Trung Quốc cần gánh vác một vai trò có trách nhiệm hơn trên vũ đài thế giới và tuân thủ những chuẩn mực quốc tế.
Trước khi lên đường đến dự hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Trung Quốc, ông Obama nói với đài CNN trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm Chủ nhật rằng Bắc Kinh cần phải thể hiện sự kiềm chế trong mối quan hệ với những quốc gia nhỏ hơn, đặc biệt là khi ứng phó với những tranh chấp lãnh hải ở Biển Đông.
Nhà lãnh đạo Mỹ nói rằng “quyền lực càng tăng thì trách nhiệm càng lớn.” Ông Obama cho biết Mỹ đã hối thúc Trung Quốc chấp nhận những quy tắc quốc tế để xây dựng một trật tự toàn cầu vững mạnh.
Trung Quốc, nước đã ký kết Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, gần đây đã thua trong một cuộc tranh chấp trọng tài về Biển Đông tại Tòa án Trọng tài Thường trực ở thành phố The Hague, nhưng đã bác bỏ phán quyết. Tòa án phán quyết rằng Trung Quốc vi phạm quyền chủ quyền của Philippines bằng việc can thiệp vào hoạt động đánh cá và khai thác dầu khí của Philippines trong khu vực.
“Nếu bạn đã ký kết một hiệp ước kêu gọi sự phân xử quốc tế về những vấn đề hàng hải, việc bạn lớn hơn Philippines hay Việt Nam hoặc những nước khác … không phải là lý do để bạn đi quanh diễu võ dương oai,” ông Obama nói. “Bạn phải tuân thủ luật pháp quốc tế.”
Ông Obama nói rằng ở nơi nào mà Mỹ thấy Trung Quốc “vi phạm những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, như chúng tôi đã thấy trong một số trường hợp ở Biển Nam Trung Hoa (tức Biển Đông) hay trong một số hành vi của họ khi nói đến chính sách kinh tế, thì chúng tôi vẫn rất kiên quyết. Và chúng tôi đã nêu rõ với họ rằng sẽ có những hậu quả.”
Ông cho biết Trung Quốc không thể cho rằng mình có thể “theo đuổi những chính sách trọng thương mà chỉ làm lợi” cho riêng mình khi mà giờ Trung Quốc đã trở thành một nước thu nhập trung bình, giàu có hơn. “Mặc dù bạn vẫn có rất nhiều người nghèo, bạn không thể chỉ xuất khẩu những vấn đề. Bạn phải có thương mại công bằng và không chỉ là thương mại tự do. Bạn phải mở cửa thị trường của bạn nếu bạn đòi người khác phải mở cửa thị trường của họ.”
Ông Obama nói thêm: “Một phần trong những điều mà tôi đã cố gắng trao đổi với Chủ tịch Tập (Cận Bình) là Mỹ đạt tới quyền lực của mình một phần là do sự tự chế. Bạn biết đấy, khi chúng ta ràng buộc mình vào một loạt những chuẩn mực và quy tắc quốc tế thì đó không phải là vì chúng ta phải làm điều đó, mà là vì chúng ta nhận thức rằng về lâu dài, xây dựng một trật tự quốc tế vững mạnh là vì lợi ích của chúng ta.”

Thượng đỉnh ASEAN sẽ không bàn chuyện biển Đông

Lãnh đạo các nước khối ASEAN gồm 10 quốc gia Đông Nam Á tại thượng đỉnh diễn ra trong tuần này chắc chắn tránh không chính thức đề cập đến phán quyết của Tòa Trọng tài Thường Trực Quốc tế- PCA về đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông bị Philippines kiện.
Hãng thông tấn AP loan tin này dẫn nguồn từ dự thảo tuyên bố cuối cùng của thượng đỉnh ASEAN tại Lào.
Tuy nhiên, theo nội dung của dự thảo tuyên bố mà AP có được thì các nước tham dự bày tỏ quan ngại mạnh mẽ về hoạt động của Trung Quốc tiến hành cải tạo các đá thành đảo nhân tạo tại Biển Đông. Hoạt động này bị các nước ASEAN cho là có thể làm bất ổn khu vực.
Hoạt động cải tạo, xây dựng ra 7 đảo nhân tạo tại khu vực quần đảo Trường Sa mà Trung Quốc tiến hành trong thời gian gần đây khiến cộng đồng quốc tế lên tiếng cảnh báo.
Hoa Kỳ cho rằng những đảo nhân tạo đó có thể được chuyển thành căn cứ quân sự nhằm giúp Trung Quốc thỏa mãn tham vọng làm chủ Biển Đông, đe dọa các nước có tuyên bố chủ quyền tại đó.
Ngay tại thượng đỉnh G-20 diễn ra ở thành phố Hàng Châu trong hai ngày 4 và 5 tháng 9, Trung Quốc cũng phản đối việc nêu ra vấn đề tranh chấp lãnh hải giữa Bắc Kinh và các nước khác.
Trong số 10 nước ASEAN, Trung Quốc từng khuynh đảo được Campuchia chặn không để vấn đề căng thẳng tranh chấp ở  khu vực Biển Đông được nêu ra trong những thông cáo chung.
Kỳ này, tin cho biết Trung Quốc cũng cảm thấy hài lòng khi tổng thống Philippines Rodrigo Duterte lên tiếng cho hay ông này sẽ không nêu ra chủ đề phán quyết mà Tòa Trọng tài Thường Trực Quốc tế tuyên bác bỏ đường đứt khúc 9 đoạn của Trung Quốc tại Biển Đông.
Nguyên văn lời của ông Rodrigo Duterte được hãng thông tấn AP của Mỹ trích thuật là “Quí vị không thể ngày nào cũng vả vào mặt với những lời lẽ như thế”.
Tháng qua, tổng thống đương nhiệm của Philippines cử một đặc sứ là cựu tổng thống Fidel Ramos sang Hong Kong gặp các quan chức Trung Quốc và đồng ý với nhu cầu cần phải giảm căng thẳng thông qua đối thoại.

Trung Quốc bác bỏ tin

cải tạo bãi Scaborough thành đảo nhân tạo

Trung Quốc hôm nay lên tiếng bác bỏ tin nói Bắc Kinh đã cho tiến hành cải tạo bãi cạn Scaborough trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines thành đảo nhân tạo.
Ngoài ra Trung Quốc cũng nhắc nhở Philippines đừng ‘thổi phồng’ tranh chấp biển lên.
Hôm thứ sáu vừa qua, tổng thống Rodrigo Duterte của Philippines cho biết ông nhận được tin tình báo chưa xác định cho thấy Trung Quốc đã đưa những xà lan đến khu vực bãi cạn Scaborough và có dấu hiệu bắt đầu hoạt động xây dựng tại khu vực đó.
Mới ngày hôm qua, bộ trưởng quốc phòng Philippines cho biết máy bay của không quân nước ông vào ngày thứ bảy thấy có 4 tàu tuần duyên, hai tàu xà lan lớn và hai tàu nghi có chuyển quân của Trung Quốc gần Scaborough.
Hôm nay, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc, bà Hoa Xuân Oánh, nói với báo giới tại cuộc họp thường kỳ rằng phía Trung Quốc duy trì công tác tuần tra do các tàu tuần duyên thực hiện tại những vùng biển của mình và không có gì thay đổi.
Tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama, trước khi có cuộc gặp với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hàng Châu hồi tuần qua, lên tiếng bày tò quan ngại về thái độ của Bắc Kinh. Và ông Obama nhắc lại là Washington luôn rất cứng rắn trong việc đáp trả lại thái độ quyết đoán quân sự của Bắc Kinh.

Tập Cận Bình gặp Shinzo Abe bên lề G20

Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, hôm nay 05/09/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã có buổi hội đàm. Đây là cuộc gặp đầu tiên của hai nhà lãnh đạo kể từ một năm nay.
Ông Yoshihide Suga, Chánh văn phòng nội các Nhật Bản và cũng là người thông báo về cuộc gặp này cho biết là quan hệ giữa hai nước đang gặp nhiều khó khăn, vì thế việc lãnh đạo hai nước gặp nhau để trao đổi một cách trung thực về quan điểm và tìm kiếm các giải pháp là rất quan trọng.
Trong cuộc gặp hôm nay, ông Tập Cận Bình nói rằng hai nước nên đặt sang một bên các bất đồng gây gián đoạn quan hệ song phương nhằm bình thường hóa bang giao song phương càng sớm càng tốt.
Về phần mình, thủ tướng Nhật Shinzo Abe khẳng định là Tokyo muốn « tìm ra lối thoát cho các vấn đề » và hứa hợp tác đôi bên cùng có lợi.
Nội dung các trao đổi giữa lãnh đạo hai nước lần này trái ngược hẳn so với lần cuối cùng hai người gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC vào năm 2014, cũng tại Trung Quốc. Khi đó, ông Tập Cận Bình và ông Shinzo Abe hầu như không thể che giấu thái độ thù ghét lẫn nhau.
Quan hệ giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á và là nền kinh tế lớn thứ hai, thứ ba thế giới, từ lâu nay, đã bị đóng băng bởi những tranh cãi về lịch sử và tranh chấp về lãnh thổ ở biển Hoa Đông.
Theo Tân Hoa Xã, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã nói với thủ tướng Shinzo Abe là Nhật Bản phải thận trọng về vấn đề Biển Đông. Bắc Kinh đã cáo buộc Tokyo can thiệp vào Biển Đông, nơi Trung Quốc và một số quốc gia Đông Nam Á tranh chấp về chủ quyền.
Chủ tịch Trung Quốc nói thêm là Bắc Kinh và Tokyo cần xử lý đúng đắn các vấn đề biển Hoa Đông thông qua đối thoại và tham vấn để “cùng nhau giữ gìn hòa bình và ổn định trong khu vực“. Theo ông Tập Cận Bình, cả hai nước đều cần tăng cường ý thức trách nhiệm và nhận thức cuộc khủng hoảng, để xây dựng một cách tích cực quan hệ song phương và đảm bảo cho mối quan hệ này được ổn định.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.