Tin Thế giới – 05/09/2016
Chủ tịch Tập Cận Bình đọc nhầm thành ngữ của Trung Quốc
Giới kiểm duyệt ở Trung Quốc đang ráo riết xóa trên Internet và truyền thông xã hội mọi lời đề cập đến việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đọc nhầm vài từ trong một bài phát biểu ở Hàng Châu trước hội nghị các lãnh đạo khối G20.
Trong bài phát biểu hôm 3/9, tại hội nghị thượng đỉnh kinh doanh B20, là tổ chức tư vấn cho Hội nghị Thượng đỉnh Các nhà lãnh đạo G20 về các quyết định chính sách, ông Tập đã trích dẫn thành ngữ cổ của Trung Quốc là “Khinh quan dịch đạo, thông thương khoan nông” khi bình luận về nền kinh tế toàn cầu.
Nhưng vì các nét trong từ “nông” rất giống từ “y”, nghĩa là quần áo, nên ông đã đọc nhầm đoạn cuối của thành ngữ, dẫn đến nó có nghĩa là “trút bỏ y phục” thay vì có nghĩa là “nới lỏng chính sách nông nghiệp”.
Cụm từ “thông thương khoan nông” đã nhanh chóng bị kiểm duyệt trên trang Weibo của Trung Quốc ngay sau khi nhiều người bắt đầu bình luận về sự cố đọc nhầm, và việc tìm kiếm cụm từ này dẫn đến không có kết quả nào. Cụm từ này cũng bị kiểm duyệt đối với các tin nhắn di động trên ứng dụng WeChat của Trung Quốc.
Các chính trị gia vẫn thường nói nhầm, cả ở Trung Quốc lẫn trên thế giới, nhưng vụ đọc hớ này đã làm mọi người lại bàn tán về học vấn của ông Tập, lâu nay là một chủ đề nhạy cảm nhưng được nhiều người thảo luận.
Ông Tập bỏ học khi còn học cấp hai thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc để đi làm ở vùng nông thôn của tỉnh Thiểm Tây. Năm 1976, ông Tập, cũng như nhiều người đồng trang lứa lúc đó không được học hành trong gần một thập kỷ, đã được giới thiệu tới Đại học Thanh Hoa. Trong thời Cách mạng Văn hóa, không có kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia.
Từ năm 1998 đến 2002, ông Tập nghiên cứu lý thuyết Mác và giáo dục tư tưởng ở Thanh Hoa và nhận bằng tiến sĩ luật. Một số người chỉ trích cho rằng luận án của ông Tập có thể có đạo văn hoặc do những người khác viết, và họ đã đặt câu hỏi khả năng học tập của ông Tập. Ông chưa bao giờ đưa ra ý kiến về thông tin gây tranh cãi này.
Tổng thống Mỹ tới Lào, trấn an các nước Đông Nam Á
VIENTIANE, LÀO —
Tổng thống Barack Obama đang cố gắng trấn an các quốc gia ở Đông Nam Á rằng Mỹ quyết tâm theo đuổi chính sách tái cân bằng của mình về khu vực này trong chuyến thăm lịch sử của ông đến thủ đô Vientiane của Lào trong tuần này.
Việc ông Obama đến Lào hôm nay, 5/9, sẽ đánh dấu lần đầu tiên một tổng thống Mỹ đương nhiệm đến thăm đất nước này.
Ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và hội nghị thượng đỉnh Đông Á, nơi ông sẽ tìm cách tăng cường hơn nữa các mối quan hệ và gia tăng ảnh hưởng của Mỹ trong khu vực.
Giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết Tổng thống Obama sẽ tìm cách thăng tiến mối quan hệ Hoa Kỳ – Lào trong bối cảnh có sự chú trọng nhiều hơn đối với khu vực Châu Á Thái Bình Dương, và mục tiêu của Mỹ là làm đối trọng trước vai trò và ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.
Nhà lãnh đạo của Mỹ sẽ gặp Chủ tịch nước của Lào, Bounnhang Vorachit, tại phủ chủ tịch vào ngày thứ Ba, 6/9. Đảng Cộng sản Lào đã bầu nhà lãnh đạo mới vào đầu năm nay.
Lào, nước vẫn bị chỉ trích về thành tích nhân quyền, hiện đang giữ chức chủ tịch khối ASEAN.
Giới chức Tòa Bạch Ốc cho biết cuộc hội kiến song phương tiếp tục chính sách của chính quyền Obama là chủ động tiếp xúc với những nước mà Mỹ có quan hệ kém thuận lợi.
Sau đó, ông Obama sẽ có bài diễn văn về chính sách Châu Á của mình và tác động của nó trong nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Ông Ben Rhodes, Phó Cố vấn về An ninh Quốc gia của Tòa Bạch Ốc, cho biết: “Ông ấy sẽ nói về chặng đường mà chúng tôi đã đi qua trong việc định hình một cơ cấu trong khu vực châu Á Thái Bình Dương để Mỹ lãnh đạo và tham gia vào bàn hội đàm tại các diễn đàn như Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN và Đông Á.”
Ông Obama sẽ nói rằng chính sách của ông hình thành là nhờ sự gia tăng những mối quan hệ thương mại, kinh tế, an ninh, và sẽ kêu gọi nhiều mối quan hệ đối tác hơn nữa trong khu vực để đối phó với những vấn đề nhạy cảm như an ninh hàng hải.
Trong bài diễn văn, nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ trình bày những luận điểm cho việc phê chuẩn Quan hệ Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), một thỏa thuận thương mại to lớn đang hứng chịu chỉ trích kịch liệt tại Mỹ. Những người chỉ trích nói rằng thỏa thuận này sẽ “cướp mất” công ăn việc làm ở Mỹ.
Thỏa thuận này, với sự tham gia của 12 quốc gia ven bờ Thái Bình Dương, là một cấu phần kinh tế trọng yếu trong chính sách Châu Á của ông Obama. Ông đã bày tỏ tin tưởng rằng ông có thể thuyết phục được Quốc hội Mỹ phê chuẩn hiệp ước này trong một phiên họp sau cuộc bầu cử tổng thống trong những tháng cuối cùng của nhiệm kỳ tổng thống của ông.
Nếu không có TPP, chiến lược của ông Obama bị suy yếu đáng kể, theo nhận định của giới chuyên gia.
Ông Douglas Paal, phó chủ tịch phụ trách nghiên cứu tại Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie, nói: “Chúng ta có một thỏa thuận an ninh mạnh mẽ, chính thức với những nước đồng minh và không chính thức với những nước đối tác khác trong khu vực, nhưng nó không thể tự đứng vững nếu không có nền tảng kinh tế.”
Sự chống đối thỏa thuận thương mại này đang khơi lên mối hoài nghi ở Châu Á về cam kết của Mỹ đối với chính sách tái cân bằng, theo lời những chuyên gia.
Trên đường phố thủ đô Vientiane, người dân đã bày tỏ hy vọng dè dặt về tương lai, sau khi Tổng thống Obama rời đi và những hội nghị thượng đỉnh bế mạc.
Bà Sompaseuth Kounnavong, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ gần địa điểm tổ chức hội nghị thượng đỉnh, cho biết rất nhiều người lấy làm hào hứng về chuyện ông Obama tới đây.
Bà nói trong ngắn hạn thì chuyện này có lợi cho việc buôn bán, nhưng chủ cửa hàng này từ chối đưa ra dự đoán xa hơn, chỉ nói thêm rằng “chúng tôi muốn thấy mọi thứ thay đổi.”
Ông Mek Boubong, một người làm việc trong ngành du lịch, tỏ ra lạc quan hơn. “Tôi hy vọng chuyến thăm của ông ấy sẽ giúp đất nước phát triển. Mọi thứ đang thay đổi,” ông nói với nụ cười rạng rỡ.
Trong chuyến thăm, ông Obama sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp trực tiếp với những người trẻ tuổi, tham quan những địa điểm văn hóa và tập trung vào những nỗ lực của Mỹ nhằm rà phá bom mìn chưa phát nổ ở Lào. Khoảng một phần ba số 2,2 triệu tấn bom mà lực lượng Mỹ thả xuống Lào trong một hoạt động bí mật kéo dài 9 năm thời Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa phát nổ. Vấn đề này đã làm chậm lại sự phát triển của đất nước.
Trong chuyến thăm, ông Obama sẽ tổ chức một buổi hỏi đáp trực tiếp với những người trẻ tuổi, tham quan những địa điểm văn hóa và tập trung vào những nỗ lực của Mỹ nhằm rà phá bom mìn chưa phát nổ ở Lào. Khoảng một phần ba số 2,2 triệu tấn bom mà lực lượng Mỹ thả xuống Lào trong một hoạt động bí mật kéo dài 9 năm thời Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa phát nổ. Vấn đề này đã làm chậm lại sự phát triển của đất nước.
Ngoài việc tham dự những hội nghị thượng đỉnh, Tổng thống Obama cũng sẽ gặp gỡ những nhà lãnh đạo khác của khu vực trước khi rời đi vào ngày thứ Năm, đánh dấu kết thúc chuyến công du thứ mười một và cũng là cuối cùng của ông tới Châu Á trong cương vị tổng thống Hoa Kỳ.
Cử tri Mỹ có thể bầu tổng thống trong tháng 9
Còn hai tháng nữa mới đến ngày bầu cử ở Hoa Kỳ, nhưng cử tri ở một số bang có thể bắt đầu bỏ phiếu trong tháng này – thậm chí trước khi hai ứng viên chính thực hiện cuộc tranh luận đầu tiên của họ.
Hơn 2/3 trong số 50 bang của Mỹ cho phép cử tri đích thân đi bỏ phiếu trước ngày 8 tháng 11, và tất cả các bang đều cho phép cử tri bỏ phiếu qua đường bưu điện nếu người ta không thể đến nơi bỏ phiếu vào ngày hôm đó.
Hầu hết các bang có bỏ phiếu sớm bắt đầu quy trình đó trước cuộc bầu cử 2 hoặc 3 tuần. Tuy nhiên, cử tri ở một vài bang nộp lá phiếu của họ sớm nhất là vào ngày 23/9.
Một đồ thị mô tả cuộc đua giữa bà Hillary Clinton của đảng Dân chủ và ông Donald Trump của đảng Cộng hòa trong năm qua cho thấy bà Clinton thường dẫn điểm trước tới 4 hoặc 6 tuần, sau đó ông Trump có một cuộc mít tinh vận động cử tri làm cho mức điểm của họ gần như bằng nhau.
Lần tăng điểm gần đây nhất của ông Trump hiện đang xảy ra lúc này sau khi bà Clinton đã đạt mức điểm cao nhất vào cuối tháng 8, dẫn trước 6% so với ông Trump. Các cuộc thăm dò mới nhất cho thấy bà Clinton dẫn trước khoảng 4% trên toàn quốc, mặc dù bà vẫn chỉ dẫn trước chút ít ở một số bang quan trọng có nhiều khả năng sẽ quyết định ai chiến thắng vào tháng 11.
Ghi chú của FBI lại thu hút chú ý tới email của bà Clinton
Ban vận động tranh cử của bà Clinton và của ông Trump lời qua tiếng lại về chuyện ai mới là người mà người dân Mỹ có thể tin tưởng làm tổng thống, hai ngày sau khi FBI công bố những ghi chú từ cuộc phỏng vấn hồi tháng 7 của họ với bà Hillary Clinton liên quan đến việc bà xử lý email thời còn là bộ trưởng ngoại giao.
“17.448 email không được bàn giao cho tổng thanh tra. Ngoài ra còn có 33.000 email đã bị xóa,” người quản lý chiến dịch tranh cử của ông Donald Trump, Kellyanne Conway, nói trên chương trình This Week của đài ABC. “Hillary Clinton khó có thể được chấp nhận như một ứng cử viên trung thực.”
“Hillary đã thúc giục công bố những ghi chú đó và chúng rõ ràng cho thấy tại sao FBI thấy không cần phải tiến hành thêm thủ tục tố tụng hình sự,” ứng cử viên phó tổng thống Đảng Dân chủ Tim Kaine nói, cũng trên chương trình This Week. “Mặt khác, ứng cử viên Donald Trump vẫn không chịu công bố hồ sơ khai thuế của ông ta sau khi ông ta đã hứa sẽ làm như vậy.”
FBI đã loan báo họ không phát hiện bất cứ hành vi phạm tội nào, nhưng những ghi chú cũng làm nổi rõ những kết luận của cuộc điều tra đã đeo bám bà Clinton suốt nhiều tháng nay.
Hơn hai chục lần bà Clinton nói rằng bà không thể nhớ những chi tiết về thư tín điện tử của bà khi còn làm ngoại trưởng. Trong suốt nhiệm kỳ của bà, bà đã sử dụng một tài khoản email cá nhân để làm việc công. FBI chỉ khôi phục thành công một phần dữ liệu từ một máy chủ riêng tư đã bị xóa sạch.
Theo những ghi chú của FBI, bà Clinton nói bà không hề biết một số email bà nhận được chứa thông tin bảo mật bởi vì bà không biết rằng ký hiệu “C” có nghĩa là “Classified” (bảo mật).
“Một cựu thượng nghị sĩ Hoa Kỳ, một cựu đệ nhất phu nhân, một ngoại trưởng tại chức phải biết ‘C’ có nghĩa là gì,” bà Conway nói.
FBI cho biết họ không thể bảo đảm rằng những thực thể nước ngoài đã không tiếp cận được tài liệu bảo mật mà bà Clinton đã gửi đi hoặc nhận được lúc bà làm ngoại trưởng đầu tiên của Tổng thống Barack Obama.
Nhưng ông Kaine lập luận rằng nếu chú trọng vào chuyện dữ liệu nhạy cảm rơi vào tay kẻ xấu thì hành động tồi tệ nhất tính tới nay là việc ông Trump công khai nói rằng Nga nên cố gắng truy tìm những email biến mất của bà Clinton.
FBI công bố 58 trang ghi chú hôm thứ Sáu, hai ngày sau khi chuyến đi của ông Trump tới Mexico và bài phát biểu về vấn đề nhập cư ngay sau đó của ông khơi lên cơn bão truyền thông và bị phe Dân chủ chỉ trích kịch liệt.
Mặc dù hầu hết những cuộc khảo sát ý kiến cho thấy bà Clinton đang dẫn trước ông Trump trên cả nước, song cách biệt đã thu hẹp và đa số người Mỹ đều không có thiện cảm với cả bà Clinton lẫn ông Trump.
Một loạt các vụ đánh bom xảy ra ở Syria, 11 người chết
Một loạt các vụ nổ xảy ra hôm thứ Hai, 5/9, tại một số thị trấn do chính phủ Syria nắm giữ và tại một thành phố thuộc quyền kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd ở Syria.
Ông Rami Abdel Rahman, giám đốc Đài quan sát Nhân quyền Syria, nói với hãng thông tấn Pháp: “Rõ ràng là các cuộc tấn công xảy ra đồng thời và chúng nhắm vào các cơ sở an ninh”.
Chưa có ai nhận trách nhiệm về các vụ này.
11 người đã thiệt mạng và 45 người khác bị thương trong một vụ đánh bom kép trên cầu Arzuna tại thành phố Tartus ở ven biển miền tây bắc.
Truyền hình nhà nước cho biết: “Có 2 vụ đánh bom khủng bố trên cầu Arzuna, vụ đầu tiên là đánh bom xe và vụ thứ hai là một kẻ đánh bom tự sát đã kích nổ khi mọi người kéo đến để giúp những người bị thương”.
Tin cho hay ít nhất 2 người thiệt mạng và 4 người khác bị thương tại một trạm kiểm soát quân sự ở Homs trong khu dân cư Bab Tadmor.
Ngoài ra, không rõ có thương vong nào do vụ nổ trên đường Al-Sabura ở bên ngoài thủ đô Damascus hay không.
Tại thành phố Hasakeh ở miền đông bắc, thuộc quyền kiểm soát của lực lượng dân quân người Kurd, truyền thông nhà nước cho biết ít nhất ba người đã thiệt mạng khi một chiếc xe máy phát nổ.
Hàng chục ngàn người Brazil biểu tình chống tân tổng thống
Những người biểu tình đã tuần hành chống Tổng thống Michel Temer của Brazil tại Sao Paulo và Rio de Janeiro hôm 4/9.
Hàng chục ngàn người đã đổ ra Đại lộ Paulista, một trong những xa lộ náo nhiệt nhất của Brazil. Họ mang theo biểu ngữ viết “Temer cút đi” và “Hãy bầu cử ngay” để phản đối chính phủ mới sau khi bà Dilma Rousseff bị phế truất hồi tuần trước.
Ông Guilherme Boulos, lãnh đạo của Phong trào Công nhân Vô gia cư, nói: “Cuộc đảo chính đang xảy ra ở đất nước của chúng tôi không chỉ nhằm loại bỏ một tổng thống dân bầu, mà còn chống lại đa số người dân Brazil”.
Cảnh sát cho biết các cuộc biểu tình ở Sao Paulo là ban đầu diễn ra ôn hòa nhưng đã kết thúc với việc chính quyền bắn đạn hơi cay, lựu đạn gây choáng, và phun vòi rồng sau khi một nhóm đã trở nên bạo lực tại một nhà ga tàu điện ngầm, họ đập phá và ném đá vào các nhân viên chống bạo động.
Người Brazil cũng đã tập trung tại đường đi dạo Copacabana ở Rio de Janeiro đòi loại bỏ tổng thống hiện tại và kêu gọi bầu cử tổng thống mới.
Thượng viện Brazil bỏ phiếu hồi tuần trước phế truất bà Rousseff, nữ tổng thống đầu tiên của Brazil, vì đã sử dụng công quỹ để tài trợ cho các chương trình xã hội của cấp tiểu bang hoặc liên bang mà không có sự chấp thuận của Quốc hội.
Tổng thống Temer sẽ làm nốt nhiệm kỳ còn lại của bà Rousseff kéo dài đến năm 2018.
Vụ đánh bom ở Philippines
là phép thử cho Tổng thống Duterte
Nhóm khủng bố Abu Sayyaf đã nhận trách nhiệm gây ra vụ đánh bom hôm 2/9 tại một chợ đêm ở Davao, theo báo chí Philippines. Cũng có tin nhóm này đã rút lại tuyên bố của mình.
Vụ đánh bom là hành động trả đũa lớn đầu tiên sau khi ông Duterte nhậm chức tổng thống vào ngày 30 tháng 6 và bắt đầu các cuộc tấn công vào hang ổ của Abu Sayyaf gần đảo Mindanao ở miền nam.
Ông Duterte cam kết hồi tháng trước sẽ quét sạch nhóm Abu Sayyaf gồm có khoảng 400 thành viên. Ông cũng đang chuẩn bị mở lại hòa đàm với một nhóm phiến quân Hồi giáo khác là Mặt trận Giải phóng Hồi giáo Moro.
Nhưng các nhà phân tích cảnh báo rằng nỗ lực có thể sẽ gây ra nhiều vụ bạo lực hơn nếu không có các giải pháp chính trị cho các vấn đề cơ bản.
Ông Eric Su, Giám đốc điều hành một công ty về mạng xã hội ở Davao, nói: “Các cuộc hòa đàm, tập trung vào giáo dục, sinh kế của nhân dân, chống tham nhũng và giải quyết lịch sử của người Hồi giáo và đất đai mà họ sở hữu, tất cả đều là những nguyên nhân gốc rễ của những sự kiện xấu này. Hy vọng là chúng ta làm thêm những điều tốt trong các lĩnh vực này, nguy cơ tấn công khủng bố sẽ giảm xuống”.
Trong khi đó, ông Tim Johnston, giám đốc chương trình châu Á trong Nhóm Khủng hoảng Quốc tế, nói tổng thống Philippines cần có một chương trình hỗn hợp, vừa trấn áp vừa giải quyết vấn đề rộng lớn hơn để xử lý vấn đề lớn của Mindanao. Ông nói rằng nếu không như vậy, việc xoá sổ Abu Sayyaf có thể tạo ra một nhóm kháng chiến vũ trang mới.
Ông Johnston nói: “Có thể cần yếu tố trấn áp, nhưng nó phải nằm trong một giải pháp chính trị rộng lớn hơn. Hai yếu tố này không phải là không tương thích. Chúng bổ sung cho nhau về nhiều mặt”.
Nhưng các nhà phân tích lo ngại rằng vụ đánh bom ở Davao, nếu nó do Abu Sayyaf thực hiện, cho thấy quyết tâm của nhóm này chiến đấu chống lại và báo hiệu sẽ có thêm các vụ bạo lực.
Các nhà lập pháp chống Bắc Kinh giành ghế ở Hồng Kông
Một thế hệ các nhà lập pháp mới, với mong muốn duy trì quyền tự chủ của Hồng Kông trước sự can thiệp ngày càng tăng của Trung Quốc, dường như đang trên đường giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội của vùng lãnh thổ này.
Trong số những người chiến thắng trong cuộc bầu cử hội đồng lập pháp hôm Chủ Nhật, 4/9, là Nathan Law, 23 tuổi, một trong những nhà lãnh đạo của các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ và đòi bầu cử tự do, công bằng do sinh viên đi đầu hồi năm 2014, còn gọi là cuộc “Cách mạng Dù”. Sự kiện này đã làm tê liệt một số khu vực quan trọng của Hồng Kông trong 79 ngày.
Law và người đồng lãnh đạo cuộc biểu tình Joshua Wong đã đồng sáng lập đảng Demosisto, cổ súy một cuộc trưng cầu trên toàn thành phố về sự độc lập, tách khỏi Bắc Kinh. Cả hai người đã bị kết án hồi tháng trước về vai trò của họ trong việc lãnh đạo các cuộc biểu tình, nhưng họ chỉ bị mức án nhẹ.
Sinh viên Đại học Hồng Kông Martin Wu nói:
“Tôi nghĩ rằng, ngày hôm nay, kết quả của cuộc bầu cử là chỉ dấu về việc người dân Hồng Kông có chấp nhận nền độc lập là tương lai của chúng tôi hay không. Vì vậy, nếu nhiều người của địa phương giành được ghế trong hội đồng lập pháp trong bốn năm tới, thì tôi nghĩ rằng điều đó có nghĩa là nền độc lập của Hồng Kông có thể chính là điều chúng tôi đang tìm kiếm”.
Hơn hai triệu người, tương đương 58% cử tri có đăng ký, đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử hôm Chủ Nhật. Đây là tỷ lệ cao nhất trong bất kỳ cuộc bầu cử lập pháp nào kể từ khi Anh trao trả lại quyền kiểm soát Hồng Kông cho Trung Quốc vào năm 1997. Nhiều điểm bỏ phiếu vẫn mở cửa vào sáng thứ Hai, nhiều giờ sau khi đã hết giờ bỏ phiếu chính thức.
Các thế lực ủng hộ dân chủ của Hồng Kông tìm cách để vẫn giữ được tỷ lệ 1/3 số ghế rất quan trọng mà họ đang có trong Hội đồng Lập pháp gồm 70 ghế. Tỷ lệ này mang lại cho họ quyền phủ quyết các dự luật do phe đa số thân Bắc Kinh trong hội đồng phê duyệt. Họ đang ngày càng lo ngại rằng Bắc Kinh đang có động thái làm xói mòn các quyền tự do dân sự của vùng lãnh thổ, vốn được quy định trong thoả thuận chuyển giao năm 1997, theo đó đảm bảo quyền tự chủ của Hồng Kông trong ít nhất 50 năm.
Bắc Hàn lại cho phóng thử ba hỏa tiễn đạn đạo
Thông cáo của tổng Tham mưu Trưởng quân đội Hàn Quốc nêu rõ ba hỏa tiễn phóng đi được cho là hỏa tiễn Rodongs. Và đợt phóng hỏa tiễn này của Bắc Hàn là một hành động phản đối bằng vũ khí với hàm ý phô trương khả năng quân sự của Bắc hàn nhân kỳ thượng đỉnh G20 diễn ra ở Hàng Châu, Trung Quốc.
Cụ thể cả ba hỏa tiễn bay được chừng 1000 kilomet và rơi xuống trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Nhật Bản. Mới hồi đầu tháng 8, Bắc Hàn cũng phóng đi một hỏa tiễn Rodong bay được chừng 1 ngàn kilomet, đây là tầm bắn được nói là xa nhất cho đến nay trong tất cả những hỏa tiễn mà Bắc Hàn phóng đi.
Ngay sau khi Bắc Hàn lại cho phóng thử tên lửa đạn đạo, hai nước Nhật Bản và Hàn Quốc lên tiếng sẽ hợp tác với nhau trong hồ sơ này.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye đồng ý với nhau như vừa nêu khi đang có mặt tại Hàng Châu, Trung Quốc tham dự Thượng đỉnh G20.
Một phát ngôn nhân của chính phủ Tokyo cho biết thêm ông Abe nói với tổng thống Mỹ Barack Obama bên lề Thượng đỉnh G20 là việc phóng hỏa tiễn của Bắc Hàn là không thể tha thứ.
Tokyo cũng có phản đối Bình Nhưỡng về vụ việc này qua đại sứ của mình tại Bắc Kinh.
Nga – Mỹ vẫn bế tắc về Syria
Bill Ide
HÀNG CHÂU, TRUNG QUỐC —
Trong ngày thứ hai liên tiếp, Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry và người đồng nhiệm Nga Sergei Lavrov hôm nay, 5/9, vẫn không thể nhất trí về một thỏa thuận ngưng bắn ở Syria để mở đường cho hàng cứu trợ tới được thêm nhiều người dân tại quốc gia bị chiến tranh tàn phá nhiều năm qua này.
Hai nhà ngoại giao hàng đầu của Nga và Mỹ gặp nhau ở Hàng Châu, Trung Quốc, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh G20 với sự tham gia của nguyên thủ nhiều nước.
Nếu đạt được lệnh ngưng bắn với sự đồng thuận của chính phủ Syria, một đồng minh của Nga, và các phiến quân được Hoa Kỳ hậu thuẫn, thì nó sẽ hỗ trợ nhiều triệu người Syria hiện cần lương thực và thuốc men.
Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng nhiệm Nga Vladimir Putin cũng gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh ở Hàng Châu hôm 5/9. Tuy nhiên, chi tiết nội dung thảo luận giữa hai nhà lãnh đạo này chưa được công bố.
Một ngày trước đó, 4/9, hai nước dường như đã tiến gần tới một thỏa thuận, nhưng các trở ngại lớn vẫn còn.
Trao đổi với các phóng viên hôm 4/9, ông Obama nói: “Chúng tôi vẫn còn các khác biệt lớn với phía Nga, không những liên quan tới các bên chúng tôi ủng hộ mà còn về tiến trình cần thiết để mang lại hòa bình cho Syria”.
Một quan chức thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng Nga đã rút lui trong một số vấn đề mà Washington cho là đôi bên đã đạt đồng thuận.
Tổng thống Nga Putin được trích lời nói rằng cuộc xung đột ở Syria chỉ có thể được giải quyết thông qua đàm phán chính trị.
Moscow ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng Hoa Kỳ lại hợp tác với các thế lực đối lập ôn hòa đang chiến đấu chống lại ông này.
Tổng thống Obama nói thêm: “Nếu chúng tôi không nhận được sự nhượng bộ từ phía Nga nhằm giảm bớt bạo lực và làm dịu bớt cuộc khủng hoảng nhân đạo, thì khó có thể bước tiếp”.
Trong khi đó, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov nói rằng hai bên gần đạt tới một thỏa thuận, và rằng đôi bên đang thảo luận các vấn đề quan trọng nhất liên quan tới việc thực thi một lệnh ngưng bắn. Ông Ryabkov được trích lời nói rằng “cho tới khi nào chúng tôi đặt nền móng cuối cùng, chúng tôi không thể nói đã đạt được các kết quả”.
Các quan chức quân sự Mỹ và Nga đã thương thảo với nhau suốt nhiều tuần qua về các điều khoản của thỏa thuận. Các thỏa thuận ngưng bắn trước đây không kéo dài lâu vì hai bên hậu thuẫn các nhóm khác nhau trong cuộc chiến kéo dài suốt 5 năm qua.
Trong khi dự hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc, ông Obama cũng tận dụng cơ hội để gặp riêng với các nhà lãnh đạo khác, như Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan.
Ngoài việc thảo luận về âm mưu đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ, đôi bên cũng trao đổi về tình hình ở Syria, quốc gia láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Obama nói: “Tổng thống Erdogan và tôi cũng đã đồng ý tiếp tục tìm giải pháp cho một cuộc chuyển tiếp chính trị hòa bình ở Syria, và đó là cách lâu bền duy nhất để chấm dứt cuộc nội chiến tệ hại tại đó. Chúng tôi cũng sẽ tiếp tục cùng nhau làm dịu bớt nỗi thống khổ của người dân, đảm bảo rằng thường dân Syria sẽ lại có thể sống an bình, và rằng chúng tôi có thể ổn định toàn bộ khu vực”.
Cuộc nội chiến ở Syria đã làm hơn 250 nghìn người thiệt mạng, làm hơn 10 triệu người rơi vào cảnh phải rời bỏ nhà cửa đồng thời dẫn tới cuộc khủng hoảng người tị nạn ở Trung Đông và châu Âu. Ngoài ra, cuộc xung đột cũng tạo điều kiện cho các nhóm chiến binh Hồi giáo trỗi dậy.
Thổ Nhĩ Kỳ nói IS đã bị đánh bật khỏi vùng biên giới Syria
Thổ Nhĩ Kỳ cho biết phiến quân do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn chiến đấu chống lại những kẻ cực đoan Nhà nước Hồi giáo ở biên giới Syria đã đánh bật những chiến binh IS ra khỏi cứ địa cuối cùng còn lại của họ dọc theo dải đất biên giới dài 100 kilômét.
Sự can thiệp quân sự trực tiếp của Thổ Nhĩ Kỳ trong nỗ lực chống IS khởi sự vào cuối tháng trước, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan – đáp lại một vụ thảm sát thường dân ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ – điều động máy bay chiến đấu, xe tăng và pháo để triệt tiêu những mối đe dọa khủng bố ở biên giới.
Hãng thông tấn nhà nước Anadolu của Thổ Nhĩ Kỳ hôm Chủ nhật cho biết vùng lãnh thổ biên giới trải dài từ Azaz về hướng đông bắc tới Jarablus đã được giải phóng.
Những tuyên bố này được những nhà quan sát của Đài quan sát Nhân quyền Syria ở Anh xác nhận. Một thông cáo của Đài Quan sát cho biết “IS đã mất liên lạc với thế giới bên ngoài sau khi để mất những làng biên giới còn lại giữa sông Sajur và [làng] Al-Rai.”
Các nhà phân tích nói rằng bước tiến của phiến quân trên thực tế đã cắt đứt những tuyến đường bộ chính yếu được sử dụng để cung cấp tân binh nước ngoài, vũ khí và đạn dược cho tổ chức cực đoan này.
Mỹ sẽ cấp thêm kinh phí
cho chương trình rà phá bom mìn tại Lào
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama sẽ đề cập đến di sản cuộc chiến bí mật do quân đội Mỹ tiến hành ở Lào khi ông có mặt tại đất nước Triệu Voi trong tuần này.
Hãng thông tấn Reuters cho biết trong chuyến thăm chính thức Lào đầu tiên của một tổng thống đương nhiệm Hoa Kỳ, ông Barack Obama sẽ công bố thêm kinh phí cho chương trình rà phá bom mìn chưa nổ mà quân đội Mỹ thả xuống nước này từ năm 1964 đến 1973.
Phó đại diện thường trú của Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Lào cho hãng thông tấn Reuters biết trọng tâm của chương trình rà phá bom mìn, những vật liệu chưa nổ còn sót lại tại Lào trong những năm tới là tiến hành khảo sát trên phạm vi toàn quốc.
Chính phủ Lào nói rằng công tác khảo sát phải mất 5 năm mới có thể hoàn tất vì có quá nhiều diện tích phải làm sạch bom mìn.
Hong Kong: Nathan Law được bầu vào Hội đồng Lập Pháp
Kết quả cuộc bầu cử Hội đồng Lập pháp tại đặc khu hành chánh Hong Kong vào ngày hôm qua được nhận định chắc chắn sẽ gây thêm căng thẳng với chính quyền trung ương Bắc Kinh.
Theo kết quả được cho biết thì thành phần đối lập ủng hộ dân chủ chiếm được một phần ba nhóm có quyền phủ quyết trong số 70 ghế của Hội đồng Lập pháp Hong Kong.
Một trong những lãnh đạo của phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ vào năm 2014 là Nathan Law, 23 tuổi, được cử tri tín nhiệm bầu vào Hội đồng Lập Pháp.
Sau khi có kết quả, anh này lên tiếng cho rằng nhóm đối lập thắng cử thừa hưởng phần nào tinh thần của phong trào Cách mạng Dù và hy vọng có thể tiếp tục trong thời gian tới.
Anh lên tiếng bày tỏ yêu cầu cần phải đoàn kết để có được sức mạnh hơn nữa trong việc chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Thống kê của Ủy ban Bầu cử cho thấy số cử tri tham gia bầu cử vào ngày hôm qua đạt kỷ lục 58% trên tổng số 3 triệu 800 ngàn người đủ tư cách đi bầu. Một số người phải chờ nhiều giờ để có thể thực thi quyền công dân của họ.
Đây là cuộc bầu cử lớn đầu tiên kể từ khi nổ ra phong trào Cách mạng Dù năm 2014 ủng hộ dân chủ cho đặc khu hành chánh Hong Kong. Đợt biểu tình kéo dài 79 ngày, phong tỏa nhiều tuyến đường chính tại đó.
Từ khi Cách mạng Dù nổ ra, nhiều người trẻ Hong Kong lên tiếng về tình trạng can thiệp ngày càng nhiều của chính phủ Bắc Kinh nhằm bịt miệng những tiếng nói bất đồng và quyền tự do công dân.
Hong Kong được nước Anh trao trả lại cho Trung Quốc vào năm 1997 với thỏa thuận ‘một quốc gia, hai thể chế’. Qui chế này hứa dành cho Hong Kong quyền tự do và những luật lệ riêng trong vòng ít nhất 50 năm.
Đảng của bà Merkel thua bầu cử cấp vùng
Các đồng minh của Thủ tướng Đức Angela Merkel đã kêu gọi bà thay đổi lập trường về người tị nạn sau khi đảng CDU đương quyền của bà đã thua một đảng có chính sách chống nhập cư trong cuộc bầu cử cấp vùng.
Đảng AfD cánh hữu, chỉ mới ra đời cách đây ba năm, đứng thứ hai trong tiểu bang quê hương của thủ tướng là Mecklenburg, Tây Pomerania, với 21% phiếu.
Một nhân vật cao cấp của đảng CDU đổ lỗi cho làn sóng những người tị nạn không có giấy tờ.
Khoảng 1,1 triệu người tị nạn và người di cư vào Đức trong năm 2015.
Nhiều người trong số họ vào Đức sau khi chính phủ quyết định nới lỏng kiểm soát biên giới cách đây hơn một năm.
Nhà lãnh đạo AfD ở Mecklenburg, Tây Pomerania, Leif-Erik Holm, cho rằng “có lẽ đây điểm khởi đầu cho sự kết thúc đối với ghế thủ tướng của bà Angela Merkel”.
Kết quả bỏ phiếu
SPD (đảng Dân chủ xã hội trung tả): 30,6%
AfD: 20,8%
CDU: 19%, kết quả tồi tệ nhất của tại tiểu bang
AfD (Lựa chọn thay thế cho Đức) nay có ghế ở 9 trong 18 tiểu bang tại Đức.
“Đó là một thất bại cho bà Angela Merkel và chính sách về tị nạn của bà,” Edmund Stoiber, Chủ tịch danh dự của CSU đóng tại Bavaria, đảng liên kết với CDU, nói.
Ông biện luận rằng chỉ trích cử tri của AfD là không đủ và nói thêm rằng CDU phải hiểu tại sao người dân mất niềm tin vào các chính sách của đảng này.
Ông Stoiber kêu gọi áp dụng giới hạn về số lượng người vào Đức.
CDU đang liên minh trên toàn quốc với SPD, và với cả Mecklenburg-Tây Pomerania ở cấp vùng, mặc dù nay có thể thay đổi.
Wolfgang Bosbach từ đảng CDU cho biết sự xuất hiện của hàng trăm ngàn người di cư không có giấy tờ đã “thổi gió vào cánh buồm để AfD lướt sóng”.
Tổng thư ký CSU Andreas Scheuer đề xuất điều cần làm là đưa ra mức trần cho số người tị nạn cũng như việc hội nhập và hồi hương người tị nạn không hội đủ tiêu chuẩn ở lại Đức một cách tốt hơn.
Bà Angela Merkel đến thăm bang đông bắc này hai lần trong những ngày gần đây trong bối cảnh các cuộc thăm dò cho thấy đảng của bà sẽ hứng chịu kết quả tồi tệ nhất chưa từng có của họ tại đây.
Bà đã trả lời phỏng vấn với lập trường kiên định về chủ trương xuất nhập cảnh. Bà nhấn mạnh sự thay đổi đó không phải là một điều xấu và rằng “nước Đức sẽ vẫn là Đức theo đúng nghĩa”.
Mặc dù thăm dò cho thấy sự ủng hộ đối với thủ tướng giảm trên toàn quốc, bà vẫn đạt mức 45% và bà vẫn chưa quyết định liệu có muốn tranh cử nhiệm kỳ thứ tư trong cuộc bầu cử vào tháng 9 năm 2017 hay không.
“Merkel có thể chịu đựng được thêm bao nhiêu thảm họa bầu cử nữa?” báo lá cải Bild giật tít và dự đoán rằng sự chống đối tạm thời đang nguôi đối với lập trường của bà Merkel bên trong khối bảo thủ của bà có thể sẽ bùng phát ở mức tối đa.
Trên thực tế, ông Markus Soeder, một thành viên cao cấp của đảng Bavaria anh em với đảng Dân chủ Thiên chúa của bà Merkel, đã kêu gọi “thay đổi lập trường” khi bình luận với với tờ Bild.
Một bài viết trên Sueddeutsche Zeitung dự đoán một “mùa thu nổi loạn” dành cho thủ tướng, trong khi Die Welt nghĩ nhiều người chỉ trích bà bấy lâu sẽ xuất đầu lộ diện.
Tuy nhiên, một bài bình luận trên trang tin Der Spiegel tin rằng trong khi cuộc bầu cử là một “thất bại” cho bà Merkel, ghế của bà chưa bị lung lay.
Một số người nghĩ rằng mọi chuyện không hẳn chỉ hoàn toàn về bà Merkel.
Một bài bình luận trên Frankfurter Allgemeine Zeitung lập luận rằng các cử tri đang giận “gần hết” các đảng dòng chính, chứ không chỉ là đảng Dân chủ Thiên chúa giáo, chủ yếu vì thực trạng toàn cầu hóa và “chính trị dựa vào thỏa hiệp”.
Phong tỏa Calais phản đối trại tỵ nạn
Một cuộc biểu tình của các tài xế xe tải và nông dân phản đối trại tỵ nạn có khả năng gây gián đoạn hoạt động của cảng Calais, Pháp.
Các phương tiện đi từ Dunkirk và Boulogne trên cao tốc A16 dẫn đến Calais “di chuyển rất chậm”.
Các công ty địa phương và công đoàn dự kiến tham gia biểu tình chống việc chính phủ Pháp từ chối đóng cửa trại tỵ nạn.
Một quãng đường gần hầm Channel đang bị đe dọa phong tỏa.
Các tài xế xe tải cho biết họ tham gia biểu tình trước những mối nguy cơ ngày càng tăng từ các băng nhóm có tổ chức và người di cư tìm cách lên xe đến Anh Quốc.
Những người tổ chức biểu tình nói việc lập trại tỵ nạn được gọi là Jungle gây hại cho thành phố.
Trại “Jungle” trở thành tâm điểm của cuộc khủng hoảng di dân của Pháp, với khoảng 7.000 người đang sống ở đó đến từ các nước Sudan, Syria và Eritrea.
‘Chiêu thức mới’
Phóng viên BBC News Richard Galpin nói rằng một người xin tỵ nạn từ Sudan cho biết ông buồn vì cái nhìn của người dân địa phương và nói rằng tất cả những gì người tỵ nạn muốn là được sống trong hòa bình sau khi thoát khỏi xung đột.
Hiệp hội Vận tải giao nhận Anh cho biết họ đã trao đổi với một trong những người tổ chức biểu tình, David Sagnard và người cho hay việc phong tỏa sẽ diễn ra theo kế hoạch.
Ông Sagnard nói với BBC rằng 80 xe tải và 100 xe máy cày sẽ tham gia sự kiện.
Trong những tuần gần đây đã có ghi nhận về việc các băng nhóm tội phạm dùng chiêu thức mới để đưa người di cư vào Anh.
Những chiêu thức này được cho là gồm đánh lạc hướng sự chú ý trên đường để đưa người di cư lên những chiếc xe trống.
Hôm 1/9, thị trưởng Calais Natacha Bouchart nói việc phong tỏa sẽ gây ra “tình trạng hỗn loạn” cho những người Anh đi qua khu vực này.
Richard Burnett, giám đốc điều hành Hiệp hội vận tải đường bộ (RHA), nói: “Dường như chắc chắn rằng những phương tiện đi từ Anh Quốc sẽ gần như không thể rời khỏi cảng khi mọi lối vào cao tốc A16 bị phong tỏa.”
Trung Cộng coi vụ cãi nhau ở phi trường Hàng Châu
là phù hợp thông lệ quốc tế
Tin Bắc Kinh, Trung Cộng. (Reuters) – Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho biết vụ cãi nhau giữa các viên chức Hoa Kỳ và Trung Cộng tại phi trường Hàng Châu, khi Tổng thống Obama bước xuống phi cơ để tham dự hội nghị thượng đỉnh G20, là phù hợp thông lệ quốc tế.
Sự việc xảy ra hôm thứ Bảy 3 thnag1 9, ngay sau khi phi cơ của Tổng thống Obama hạ cánh, một viên chức Trung Cộng tìm cách ngăn chặn cố vấn an ninh quốc gia Susan Rice bước tới đoàn xe của tổng thống. Viên chức này giận dữ hét to với bà khi bà vượt qua sợi dây dành cho phóng viên, trước khi một nhân viên Mật Vụ bước tới đứng giữa 2 người. Sau đó, cũng là viên chức này quát tháo một nhân viên Tòa Bạch Ốc, khi bà chỉ thị cho các phóng viên ngoại quốc đứng vào chỗ thích hợp, để họ có thể ghi lại cảnh tổng thống bước ra khỏi phi cơ và trò chuyện với phái đoàn.
Tại buổi họp báo sáng nay, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Cộng Hoa Xuân Doanh nói rằng bà có biết sự việc đó, nhưng biện luận rằng an ninh và trật tự là ưu tiên hàng đầu, khi Trung Cộng tổ chức hội nghị thượng đỉnh G20. Khi bị chỉ trích viên chức Trung Cộng cố tình gây rắc rối với phái đoàn Hoa Kỳ, bà Hoa nói người Mỹ luôn tự nhận họ là số một của thế giới, nên nghĩ rằng mỗi khi có rắc rối xảy ra là do bị đối phương nhắm vào. Viên chức Trung Cộng tiếp đón thân thiện với tất cả nguyên thủ các nước tới phi trường tham dự hội nghị, không có chuyện cố tình gây rắc rối với Hoa Kỳ. (Mai Đức)
G20 hàm ý chỉ trích tình trạng dư thừa sản xuất tại Trung Quốc
Không nêu đích danh nước chủ nhà Trung Quốc, nhưng trong thông thông cáo chung kết thúc hội nghị G20 Hàng Châu ngày 05/09/2016, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới cam kết « chấm dứt tình trạng dư thừa sản xuất trên thị trường thép » gây tổn hại cho thế giới. Chống chính sách bảo hộ trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư để tạo đà cho tăng trưởng toàn cầu cũng là mục tiêu các bên đạt được tại thượng đỉnh G20 lần thứ 11.
Sau hai ngay họp tại Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới công bố bản thông cáo chung với những điểm chính như sau : thứ nhất các bên « thể hiện quyết tâm đẩy mạnh trao đổi mậu dịch, coi đây là đầu tàu tăng trưởng ; cùng nhau xây dựng một nền kinh tế mở rộng, chống lại mọi chính sách bảo hộ mậu dịch và đầu tư ». Về điểm này theo giới quan sát, tuyên bố chung ở Hàng Châu chỉ là sự nhất trí bề ngoài vì trên thực tế chưa bao giờ các thành viên G20 lại có xu hướng giới hạn xuất nhập khẩu như hiện tại.
Thứ hai hội nghị Hàng Châu đã nhấn mạnh đến những lợi thế của một nền kinh tế mở rộng, của chính sách tự do mậu dịch và lên án những tuyên bố bài tiến trình toàn cầu hóa. Điều khoản này được đưa ra trong bối cảnh Pháp, một phần công luận Đức và cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cùng chống đối dự án tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương, đang bị chỉ trích kịch liệt.
Tuy nhiên điểm đáng chú ý hơn cả là G20 đã dành hẳn một đoạn để kêu gọi chấm dứt tình trạng dư thừa sản xuất, làm phương hại tới luật cung cầu và tính cạnh tranh trên một số thị trường. Trung Quốc thường xuyên bị cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Hoa Kỳ chỉ trích trợ giá cho các tập đoàn quốc gia, gây cạnh tranh bất bình đẳng cho thị trường. Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đặc biệt trong tầm ngắm của phương Tây.
Cuối cùng, điều bất ngờ khác được nghi nhận là G20 chủ trương đã đến lúc các quốc gia trên thế giới có thể nới lỏng chính sách chi tiêu công cộng để tạo đà cho tăng trưởng. Khả năng sáng tạo sẽ là “động cơ tăng trưởng” trong tương lai.
Về xung đột Syria khiến hàng triệu người phải di tản, lãnh đạo G20 xem đây là “vấn đề chung của thế giới” do vậy tất cả các bên cần chia sẻ gánh nặng, phối hợp hành động để giải quyết hồ sơ người tị nạn Syria.
Sau Trung Quốc, đến lượt Đức tổ chức thượng đỉnh G20 vào năm 2017.
Chuyển quyền ở Uzbekistan :
Một thử thách đối với cả Trung Á
Sau cái chết của tổng thống Islam Karimov, trị vì tại Uzbekistan trong suốt 27 năm, phải chăng quốc gia vùng Trung Á này sắp phải trải qua một thời kỳ chuyển tiếp quyền hành đầy bất định ? Đối với các nhà phân tích, thời kỳ quá độ này sẽ là một thử thách, không chỉ đối với Ouzbekistan mà cho cả vùng Trung Á, đều nằm dưới quyền cai trị của những lãnh đạo độc đoán, trong bối cảnh Hồi Giáo cực đoan vươn lên mạnh mẽ.
Tổng thống Uzbekistan Islam Karimov, 78 tuổi, qua đời ngày 02/09/2016 vì xuất huyết não, là một lãnh đạo từ thời Liên Xô cũ, đã trụ lại vị trí lãnh đạo tối cao của đất nước sau khi Uzbekistan được độc lập năm 1991, và liên tục được bầu lại những lần sau, tiếp tục cầm cương nước Hồi Giáo Trung Á này cho đến khi qua đời.
Chế độ ở Uzbekistan là một chế độ chuyên chế, thiếu minh bạch, và sự ra đi gần như đột ngột của người dù sao đã đảm bảo sự ổn định của đất nước này suốt hơn 1/4 thế kỷ – tuy là nhờ mạnh tay đàn áp đối lập như nhiều người tố cáo – cũng gây lo ngại. Ai sẽ lên nắm quyền hành và sẽ là nhân vật ra sao ?
Nỗi lo ngại lại càng cao khi Uzbekistan lại có một vị trí địa dư chiến lược là giáp giới với Afghanistan, nơi mà Nga, Trung Quốc và các nước phương Tây đang tranh giành ảnh hưởng. Đối với người dân, theo hãng tin Pháp AFP, câu hỏi ám ảnh là « liệu lãnh đạo mới có thể tiếp tục dẫn dắt đất nước đi trên con đường trù phú như ông Karimov hay không ? »
Hiện giờ thì chủ tịch Thượng viện, Nigmatilla Iouldachev, đảm trách công việc điều hành cho đến khi tổ chức bầu cử trong 3 tháng tới đây, nhưng giới phân tích không chút nghi ngờ là một người thân cận của ông Karimov sẽ được chọn và bầu lên với tỷ lệ phiếu áp đảo như vị cố tổng thống.
Nhân vật được xem là có nhiều triển vọng là thủ tướng Chavkat Mirzioïev, 58 tuổi, trưởng ban tang lễ, nhưng vai trò của lãnh đạo sừng sỏ của ngành an ninh, của đương kim bộ trưởng Tài Chính, thậm chí của gia đình ông Karimov thì chưa được biết rõ.
Tuy nhiên theo phân tích của Scott Radnitz, một chuyên gia Đại học Washington, thì sác xuất đấu đá nội bộ tại Uzbekistan rất thấp, « chỉ vì tầng lớp « ưu tú » tại đấy đã được hưởng nhiều quyền lợi trong chế độ hiện hành cho nên họ đều muốn mọi chuyện diễn ra một cách êm đẹp ». Nhưng chuyên gia này cũng phải công nhận là do chế đô Uzbekistan khép kín, thiếu minh bạch, cho nên khó có thể tiên liệu những gì sẽ xẩy ra.
Những vấn đề đặt ra cho Uzbekistan trong thời kỳ chuyển tiếp này cũng là vấn đề chung cho vùng Trung Á mà chuẩn mực là các chế độ chuyên chính.
Ở phía bắc Uzbekistan là Kazakhstan với những mỏ dầu hỏa rộng lớn. Đây là nước mà cũng không thấy được rõ ai là người lên thay thế nhà lãnh đạo từ thời Cộng Sản, tổng thống Nursultan Nazarbaïev, 76 tuổi.
Một ví dụ có thể nhắc đến là Turkmenistan, nơi mà ông Saparmourat Niazov, một vị tổng thống khó lường, chết năm 2006, được thay thế một cách êm thấm bằng Gurbanguly Berdymukhamedov, người đang lãnh đạo hiện nay bằng bàn tay sắt, kiểm soát chặt chẽ truyền thông và xã hội dân sự.
Alexandre Baunov, thuộc trung tâm Carnegie, Matxcơva, nhận định một cách hóm hỉnh : « Sự ổn định tại các láng giềng của Uzbekistan tùy thuộc vào huyết áp của các vị tổng thống ». Một cách nghiêm chỉnh hơn, ông Baunov cho là « chắc chắn là thay đổi sẽ đến với Uzbekistan cũng như tại vùng Trung Á. Điều chưa rõ là thay đổi như thế nào, hình thức chuyển giao quyền lực ra sao. »
Ankara loại được Daech khỏi biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria
Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildrim ngày 04/09/2016 thông báo đã đẩy lui được quân thánh chiến Hồi Giáo ra khỏi khu vực sát biên giới giữa Thổ và Syria. Tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo – Daech- vừa mất một trong những thành trì cuối cùng.
Đặc phái viên đài RFI Tarek Kai tại hiện trường cho biết thêm :
” Lần đầu tiên từ gần hai năm qua quân thánh chiến Hồi Giáo không còn kiểm soát bất kỳ một khu vực nào dọc theobiên giới giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Mặt trận mới được quân đội Thổ Nhĩ Kỳ mở ra tại khu vực Al-Aïn đã nhanh chóng đem lại những kết quả mong muốn. Chiến binh Hồi Giáo đã phải rút lui về phía nam. Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ như vậy làm chủ lại được toàn bộ đường biên giới từ Jarablus đến Azaz.
Với thất bại lần này, Daech hoàn toàn bị cô lập với thế giới bên ngoài, mất luôn kênh tiếp tế từ Thổ Nhĩ Kỳ đổ về. Chiến dịch quân sự do Ankara tiến hành mang tên ” Lá chắn vùng Euphrate’ ” bước sang giai đoạn ba. Giờ đây quân đội Thổ cũng như phe nổi dậy Syria có hai giải pháp : hoặc là tiến về phía nam để chiếm lấy Al-Bab, một trong những thành trì cuối cùng của quân thánh chiến hoặc là tập trung về Mambij để tiêu diệt các chiến binh Kurdistan.
Có nhiều khả năng kịch bản thứ nhất sẽ được chọn và chắc chắn là xung đột sẽ khốc liệt “.
Nga-Mỹ thất bại trong việc tìm ra đồng thuận để giải quyết khủng hoảng Syria
Sau cuộc họp sáng nay giữa ngoại trưởng Nga và Mỹ tại Hàng Châu, Trung Quốc, bàn về Syria, và sau đó là ở cấp nguyên thủ giữa tổng thống Putin và Obama, Washington và Matxcơva vẫn bất đồng về số phận tổng thống Bachar Al Assad cũng như thỏa thuận hợp tác Nga-Mỹ cho Syria.
Cụ thể hơn, Nga và Mỹ vẫn chưa tìm ra đồng thuận về hiệp ước ngừng bắn chắc chắn cho Syria. Nga chủ trương đưa vào danh sách bất hảo phe nổi dậy chống chính quyền Damas. Ngược lại Mỹ phân biệt rõ ràng một bên là quân Hồi Giáo thánh chiến và bên kia là đối lập Syria đòi tổng thống Bachar Al Assad, đồng minh của Nga, phải từ bỏ quyền lực.
Liên quan đến số phận của lãnh đạo Damas, trong lúc Mỹ đòi ông Bachar Al Assad phải ra đi thì Nga lại muốn nhân vật này tiếp tục đóng một vai trò chính trị trong tiến trình chuyển giao sắp tới tại Syria. Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry tuyên bố với báo chí là đôi bên vẫn bất đồng trên « nhiều điểm nhậy cảm ».
Trung Quốc
tỏ thái độ thân thiệnvới Nga nhân thượng đỉnh G20
Hôm nay 05/09/2016, hội nghị thượng đỉnh G20 ở Hàng Châu, Trung Quốc bước sang ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng. Lãnh đạo các nước tập trung thảo luận các biện pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để nguyên thủ Trung Quốc và Nga, thông qua các cử chỉ ngoại giao thân thiện, đã gặp nhau ngày hôm qua, chủ ý cho phương Tây thấy là hai nước xích lại gần nhau để đối phó với các áp lực của phương Tây. Thậm chí tổng thống Vladimir Putin còn mang theo cả một hộp kem để tặng đồng nhiệm Tập Cận Bình.
Từ Hàng Châu, thông tín viên Heike Schmidt gửi về bài tường trình :
« Người ta không rõ hương vị kem của Nga như thế nào, nhưng trong mọi trường hợp, thì chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã hào hứng với món kem và nồng nhiệt đón tiếp tổng thống Vladimir Putin. Với những cử chỉ thân mật như vỗ vai, nói chuyện hàn huyên và mỉm cười hiểu ý nhau, chủ tịch Trung Quốc đã dành cho đồng nhiệm Nga một vị trí ưu đãi.
Tổng thống Vladimir Putin đứng ở hàng đầu trong bức ảnh chụp chung các lãnh đạo, trong lúc tại thượng đỉnh G20 trước đây ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông đã bị đối xử lạnh nhạt, do cuộc xung đột ở Ukraina.
Đối phó với những căng thẳng trong quan hệ với các đối tác phương Tây, cả Nga và Trung Quốc đã xích lại gần nhau. Nguyên thủ hai nước tuyên bố muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác chiến lược, nhất là trong hồ sơ Biển Đông, qua việc tiến hành cuộc tập trận được dự trù trong tháng Chín này, bất chấp việc Washington tố cáo Bắc Kinh ngăn cản tự do lưu thông trong vùng biển chiến lược này.
Về hồ sơ Syria, Trung Quốc dường như sẵn sàng dấn thân mạnh mẽ hơn cùng với Nga để ủng hộ chế độ Bachar Al Assad. Cả hai nước cùng lên án việc triển khai hệ thống lá chắn tên lửa của Mỹ tại Hàn Quốc và khẳng định : Nga và Trung Quốc kiên quyết hỗ trợ nhau để bảo vệ chủ quyền và an ninh quốc gia ».
http://vi.rfi.fr/chau-a/20160905-trung-quoc-chu-y-to-thai-do-than-thien-voi-nga-nhan-thuong-dinh-g20
Trung Quốc tiếp tục phản đối
hệ thống lá chắn tên lửa tại Hàn Quốc
Bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20, hôm nay, 05/09/2016, chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có buổi gặp gỡ với tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye. Chủ tịch Trung Quốc và tổng thống Hàn Quốc bất đồng về hệ thống lá chắn tên lửa THAAD mà Mỹ triển khai trên lãnh thổ Hàn Quốc, nhưng hai bên đều đồng ý tăng cường đối thoại.
Tân Hoa Xã cho biết, ông Tập Cận Bình đã khẳng định lại là Trung Quốc cam kết ủng hộ phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, chủ tịch Trung Quốc đã phản đối việc Mỹ triển khai hệ thống lá chắn tên lửa THAAD tại Hàn Quốc. Ông nhấn mạnh : « Giải quyết không tốt vấn đề này không có lợi cho sự ổn định trong khu vực, thậm chí có thể gây gia tăng căng thẳng ».
Đáp lại ông Tập Cận Bình, tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye đã trả lời là vụ thử hạt nhân lần thứ tư của Bắc Triều Tiên và các khiêu khích về tên lửa đạn đạo từ Bình Nhưỡng trong năm nay đã ảnh hưởng tới hòa bình trên bán đảo và trong khu vực, đồng thời tạo ra thách thức cho các quan hệ giữa Hàn Quốc và Trung Quốc.
Theo hãng tin nhà nước Yonhap của Hàn Quốc, Tổng thống Park Geun Hye khẳng định là nước này lẽ ra đã không cần đến hệ thống lá chắn tên lửa THAAD nếu như các vấn đề về hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng được giải quyết. Bà cũng khẳng định là : « THAAD là một công cụ chỉ nhằm đáp trả các đe dọa về hạt nhân và tên lửa từ Bắc Triều Tiên. Không có lý do gì để cho rằng THAAD ảnh hưởng tới an ninh của của nước thứ ba. Và cũng không cần thiết phải làm vậy ».
Nhóm G20 đau đầu
vì những hiệp định tự do mậu dịch mất lòng dân
Tề tựu về Hàng Châu (Trung Quốc) nhân hai ngày họp thượng đỉnh (4-5/09/2016), các lãnh đạo lãnh đạo nhóm G20 đang tìm những hướng đi nhằm đối phó với thái độ nghị kỵ ngày càng lớn của dân chúng họ trước xu hướng toàn cầu hóa và tự do mậu dịch. Trong số các hướng này có việc ngưng thương lượng những hiệp định mới, phân chia tài sản đồng đều hơn hay âm thầm áp dụng chính sách bảo hộ mậu dịch.
Theo giới quan sát, cho dù tuyên bố cuối cùng ở Hàng Châu vào hôm nay cho thấy một đồng thuận bề mặt để hỗ trợ thương mại thế giới và thúc đẩy tăng trưởng, nhưng từ 7 năm qua, chưa bao giờ nhóm G20 lại đặt ra nhiều biện pháp mới như vậy để giới hạn việc tư do trao đổi hàng hóa và dịch vụ.
Nhịp độ phát triển trao đổi thương mại thế giới đã sụp xuống dưới ngưỡng 3% từ cuộc khủng hoảng năm 2008-2009 đến nay, trong lúc trong hai thập kỷ trước đó, mức tăng lên đến hơn 7%. Trung Quốc, nước chủ nhà Hội Nghị Thượng Đỉnh G20 lần này, đã bị Châu Âu và Hoa Kỳ tố cáo là đã lũng đoạn thị trường thép thế giới khi làm tràn ngập thế giới bằng sản xuất dư thừa khổng lồ của mình.
Trả lời hãng tin Pháp AFP, một người tham gia Hội nghị, xin giấu tên, tiết lộ : « Ở Hàng Châu, tất cả các lãnh đạo G20 đều thừa nhận là đang có khủng hoảng về lòng tin, người dân không thấy những lợi ích của toàn cầu hóa ? »
Sau vụ Brexit – Anh ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu – lãnh đạo G20 phải ra sức trấn an công luận, nhất là những nước đứng trước hạn bầu cử quan trọng như Đức và Pháp năm tới đây. Nhưng xu hướng co cụm được thấy rõ nhất là ở Mỹ. Không chỉ ứng viên đảng Cộng Hòa Donald Trump mà cả ứng viên đảng Dân Chủ Hillary Clinton cũng tỏ thái độ chống lại những hiệp định tự do mậu dịch mới như hiệp định đang thương lượng với Liên Hiệp Châu Âu (TTIP).
Nếu tổng thống Mỹ Barack Obama đến Hàng Châu để thúc đẩy việc đúc kết hiệp định với Bruxelles trước khi ông rời Nhà Trắng vào tháng Giêng tới đây, thì François Hollande, đồng nhiệm Pháp của ông, lại muốn trì hoãn. «Nước Pháp ủng hộ toàn cầu hóa, nhưng với điều kiện là phải có nguyên tắc, có chuẩn mực, nhất là về môi trường, về vấn đề xã hội.» AFP trích lời tổng thống Pháp lúc ông vừa đến Hàng Châu.
Trong những ngày trước Hội nghị G20, chính phủ Pháp đã tỏ thái độ cứng rắn hẳn về TTIP. Thủ tướng Valls đòi « đình chỉ dứt khoát » các cuộc thương lượng. Tuy nhiên, phía Ủy Ban Châu Âu, như theo lời chủ tịch Jean-Claude Juncker, cũng tại Hàng Châu, xác định là không có thay đổi, các cuộc đàm phán sẽ vấn tiếp diễn và Ủy Ban có thẩm quyền thương lượng, cho dù Pháp và Đức có thái độ phản đối.
Bộ trưởng kinh tế Đức Sigmar Gabriel, thuộc đảng Dân Chủ Xã hội, đánh giá là trên thực tế, hiệp định TTIP đã thất bại, vì Châu Âu không nhượng bộ trước những đòi hỏi của Hoa Kỳ. Thủ tướng Đức có vẻ tiếp tục bảo vệ Hiệp định cho dù Đức đứng trước bầu cử quan trọng vào năm tới, nhưng với thắng lợi quan trọng của đảng dân túy AfD, trong cuộc bỏ phiếu hôm qua tại một vùng ở Đông Đức cũ, bà Merkel, giờ đây đã lên tiếng bảo vệ sự phân chia công bằng lợi nhuận thương mại.
Tại Hội Nghị G20, thủ tướng Đức đã khẳng định : « Toàn cầu hóa không phải chỉ có một âm hưởng tích cực, mà nó cũng mang theo bất bình đẳng nhiều hơn giữa các nhóm khác nhau, giữa các dân tộc (…). Chống lại sự bất bình đẳng là một chủ đề quan trọng để gắn bó một cách bền vững tăng trưởng với công bằng xã hội. »
Theo AFP, đây cũng là quan điểm của thủ tướng Canada Justin Trudeau. Với đánh giá là các« tầng lớp trung lưu làm việc căng thẳng hơn bao giờ hết mà có cảm giác vẫn không đủ để sống », cho nên tại Hàng Châu, ôngTrudeau cũng chủ trương chia sẻ đồng đều hơn thành quả của toàn cầu hóa.
Lời lẽ của ông cũng được đưa ra trong lúc hiệp định tự do mậu dịch Canada và Châu Âu (CETA) đang bị chống đối, nhất là ở Đức. Một đơn kiện nhắm vào hiệp định thương mại này, trình lên Tòa Bảo Hiến Đức đã được 125.000 chữ ký.
Tuy nhiên ông Trudeau cũng đưa ra lời cảnh báo đối với những người có những chủ trương khép cửa như Donald Trump : « Tự cô lập, xây tường quanh mình hay khép mình, sẽ không tạo cơ hội, tăng trưởng, lợi nhuận cho tầng lớp trung lưu ». Thủ tướng Canada ám chỉ bức tường mà ông Trump muốn xây ở biên giới giữa Mỹ và Mêhicô.
Tổng thống Pháp-Nga bàn về Syria và Ukraina
Tổng thống Nga Vladimir Putin (thứ 2 từ phải) và tổng thống Pháp Francois Hollande (T) gặp gỡ bên lề G20 ở Hàng Châu hôm 04/09/2016.Sputnik/Kremlin/Alexei Druzhinin/via REUTERS
Hôm qua, 04/09/2016, bên lề hội nghị thượng đỉnh G20, đã diễn ra cuộc gặp gỡ giữa tổng thống Pháp François Hollande và tổng thống Nga Vladimir Putin. Trong cuộc gặp gỡ này, hai nhà lãnh đạo đã bàn về vấn đề Syria và Ukraina.
Hãng tin AFP cho biết, cuộc gặp bắt đầu trong không khí khá lạnh nhạt. Ngay khi mới bắt đầu trao đổi, tổng thống Pháp Hollande đã kêu gọi tổng thống Nga « hãy nhìn thẳng vào tình hình ở Ukraina và Syria ».
Tổng thống Nga Putin thì tỏ ra không quan tâm và châm chọc : « Hôm nay, chúng ta đã thảo luận rất lâu về nhiều hồ sơ kinh tế và quốc tế quan trọng, tôi đề nghị là bây giờ chúng ta quan tâm đến vài vấn đề rất nhỏ liên quan đến cả Nga và Pháp ».
Ban đầu, cuộc gặp dự kiến chỉ diễn ra 30 phút nhưng sau đó đã kéo dài 1 giờ 15 phút. Theo ông Hollande, « việc khẩn cấp là ngừng thảm họa ở Syria bằng cách đình chiến và đàm phán nhanh nhất trong khả năng có thể ». Tổng thống Pháp cũng đánh giá là « không còn gì tồi tệ hơn sự chia cắt ở Syria ».
Về vấn đề Ukraina, hôm nay, nguyên thủ Pháp đã khẳng định là « trong những tuần sắp tới »sẽ diễn ra hội nghị thượng đỉnh bốn bên bao gồm nhà lãnh đạo các nước Ukraina -Pháp – Đức và Nga. Tổng thống Hollande nhấn mạnh : « Về vấn đề Ukraina, chúng ta phải tuân thủ thỏa thuận Minsk, giải quyết các điểm hiện còn đang bế tắc, đặc biệt là về vị thế của các bên, tình hình an ninh và sự thiếu tin tưởng giữa các bên ».
0 comments