Tin Việt Nam – 13/09/2016
Luật sư bảo vệ Ba Sàm ‘giữ quan điểm’
Luật sư bình luận với BBC trước phiên tòa phúc thẩm xét xử ông Nguyễn Hữu Vinh và cộng sự diễn ra ngày 22/9 tại Tòa án Nhân dân Cấp cao Hà Nội.
Ông Vinh từng là chủ trang Anh Ba Sàm. Trong sáu năm, cho đến khi chủ trang bị bắt giữ năm 2014, trang Ba Sàm đã thu hút hàng triệu độc giả trong và ngoài nước.
Tháng 3/2016, ông Nguyễn Hữu Vinh, tức blogger Anh Ba Sàm bị Tòa án Nhân dân Hà Nội tuyên phạt 5 năm tù giam, cộng sự của ông, bà Nguyễn Thị Minh Thúy, bị phạt 3 năm tù.
Ông Vinh và bà Thúy bị bắt giam từ tháng 5/2014.
Phiên tòa sơ thẩm ngày 23/3 tại Hà Nội xử hai người về tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân” theo quy định tại Điều 258, khoản 2-Bộ luật hình sự.
Cáo trạng đề cập hai trang của ông Vinh, diendanxahoidansu.wordpress.com (blog “DÂN QUYỀN”) và blog chepsuviet.wordpress.com (blog “CHÉP SỬ VIỆT”).
Cáo trạng nói hai bị cáo đăng 24 bài viết “nội dung sai sự thật, không có căn cứ; tuyên truyền xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bôi nhọ các cá nhân”.
Hôm 13/9, trả lời BBC từ Hà Nội, ông Hà Huy Sơn, một trong những luật sư tham gia bào chữa cho hai bị cáo, nói: “Theo luật thì phiên phúc thẩm đã diễn ra quá hạn hai tháng kể từ phiên sơ thẩm.”
“Mặt khác, các luật sư cũng không được quyền tiếp cận hồ sơ vụ án.”
“Tuy chưa thể nói được điều gì về bản án sẽ được tuyên trong phiên phúc thẩm, nhưng có căn cứ là việc xét tội mang tính chủ quan, vì những chứng cứ không đảm bảo theo luật tố tụng.”
‘Vô tội’
Luật sư nói thêm: “Đến thời điểm này, tôi vẫn bảo lưu quan điểm rằng thân chủ của tôi vô tội vì không có chứng cứ rõ ràng”.
Trước đó, từ New York, Tổ chức nhân quyền Human Rights Watch (HRW) phát đi thông cáo kêu gọi Việt Nam hủy bỏ cáo buộc với blogger Anh Ba Sàm (Nguyễn Hữu Vinh).
“Chính phủ Việt Nam nên trả tự do và hủy bỏ tất cả các cáo buộc chống lại hai blogger nổi tiếng,” HRW đặt trụ sở ở New York, viết trong thông cáo.
Hiện chưa rõ bà Lê Thị Minh Hà, vợ ông Vinh có tham dự phiên phúc thẩm.
Hôm 12/9, trên trang cá nhân của bà đăng thông tin: “Đã 11 tháng, trại tạm giam B14 – Tổng cục An Ninh không cho gia đình thăm ông Vinh và không cho ông nhận thư từ sau khi đã kết thúc giai đoạn điều tra.”
“Gia đình đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền nhưng không nhận được phản hồi.”
VN-TQ: ‘Lợi ích chung lớn hơn khác biệt’
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói với Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc về lợi ích chung của hai nước và kêu gọi giải quyết tranh chấp ở Biển Đông qua đàm phán.
Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã hội kiến với Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 13/9.
Chủ tịch Trung Quốc nói với Thủ tướng Việt Nam rằng “Trung Quốc và Việt Nam có thể giải quyết những khác biệt và thúc đẩy hợp tác hàng hải thông qua các cuộc đàm phán thân thiện,” Tân Hoa Xã đưa tin.
“Lợi ích chung giữa hai nước lớn hơn sự khác biệt,” Tân Hoa Xã dẫn lời Chủ tịch Tập Cận Bình.
Chủ đề Biển Đông cần phải được giải quyết bằng cách tham vấn song phương và những thách thức hàng hải nên được chuyển hóa thành cơ hội hợp tác, ông Tập nói thêm.
Trước khi hội kiến với Chủ tịch Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường trước đó một ngày.
Thủ tướng Lý nói với Thủ tướng Phúc rằng Biển Đông liên quan đến cả hai vấn đề là quyền chủ quyền và quyền hàng hải cũng như “cảm xúc dân tộc”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết vào hôm thứ Ba.
Trang web chính phủ Việt Nam đưa tin Thủ tướng Phúc đề nghị hai bên kiểm soát tốt bất đồng trên biển, tuân thủ những thỏa thuận và nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước, thúc đẩy các cơ chế đàm phán sớm có tiến triển thực chất, thực hiện tốt DOC, cố gắng sớm ký COC, tích cực đóng góp cho việc ổn định tình hình, vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Bản tin nói Thủ tướng Phúc khẳng định Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, coi đây là chủ trương nhất quán, là lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc từ khi Thủ tướng Việt Nam nhậm chức vào tháng 4/2016.
Chuyến thăm cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm Trung Quốc sau cuộc chuyển giao lãnh đạo ở Đại hội XII đầu năm nay.
Ông Trịnh Xuân Thanh ‘vẫn chưa lộ diện’
Cựu Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang hôm nay, 13/9, vẫn chưa có mặt theo thời hạn chót mà chính quyền đặt ra, báo chí trong nước đưa tin.
Báo điện tử VnExpress dẫn lời ông Trần Công Chánh, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết rằng “vẫn chưa liên lạc được” với ông Thanh.
Quan chức này cho biết thêm rằng “sẽ báo cáo về trung ương” nếu ông Thanh không có mặt như được yêu cầu. Ông Chánh cũng nói là “chưa thể xác định chính xác” thông tin ông Thanh đã ra nước ngoài như các thông tin xuất hiện trên mạng xã hội.
“Cụ bà chống tham nhũng” Lê Hiền Đức cho VOA Việt Ngữ biết rằng bà theo dõi tin tức về ông Thanh cả trên báo “lề phải” cũng như trên trang web “lề trái”.
Bà nói thêm:
“Nhà nước quản lý một cán bộ như thế nào mà để đến mức bây giờ đi tìm đến gia đình người ta mà cũng không thấy. Thi hành kỷ luật người ta mà người ta không có mặt thì thi hành cái gì. Tội làm thất thoát này nọ thì giải quyết như thế nào mà bây giờ lại để đến tình trạng nó ầm ĩ như thế”.
Theo ông Chánh, ông Trịnh Xuân Thanh “có đơn xin Tỉnh ủy Hậu Giang nghỉ phép một tháng đi nước ngoài chữa bệnh nhưng không được đồng ý, sau đó tỉnh mất liên lạc với ông cho đến nay”.
Báo chí trong nước dẫn lời tỉnh ủy Hậu Giang cho biết rằng đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương sẽ vào Hậu Giang ngày 16/9 tới để triển khai quyết định của Ban Bí thư về việc khai trừ Đảng đối với ông Thanh.
Vụ việc liên quan tới ông Thanh bùng lên sau khi truyền thông trong nước đưa tin hồi tháng Sáu về chiếc xe sang trị giá nhiều tỷ đồng do ông sử dụng.
Sau đó, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã giao cho các cơ quan liên quan “kiểm tra, xem xét, và kết luận” thông tin liên quan tới Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
Trao đổi với VOA tiếng Việt, bà Lê Hiền Đức cho biết rằng “người dân rất quan tâm tới việc chống tham nhũng”.
Bà nói thêm:
“Dân chỉ muốn biết rõ sự thật thôi. Chuyện đấy chỉ là một trong trăm nghìn vụ tham nhũng, chứ không phải đây là chính đâu. Nhưng tôi nghĩ rằng có thể là vì, người ta muốn diệt nhau. Người ta làm tanh bành cho nó to ra, nhưng mà không ngờ Trịnh Xuân Thanh lại biến đi đâu mất, không biết. Việc này chỉ là cái chuyện người ta muốn triệt chỗ nọ, triệt chỗ kia, phe này, phe khác. Chứ còn thực ra, tham nhũng nhiều lắm, từ trên xuống, từ trung ương cho tới địa phương. Chuyện ông Trịnh Xuân Thanh này cũng chỉ là một trong trăm nghìn vụ tham nhũng khác”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có nhiều phát biểu mà tờ Đất Việt cho là “thẳng thắn” về tham nhũng.
Phát biểu trước các cử tri ở Hà Nội hồi cuối năm 2013, ông Trọng được báo chí trong nước trích lời nói rằng “tham nhũng nguy hiểm và khó chịu vì đã thành khá phổ biến”.
Người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam được dẫn lời nói thêm: “Nó thành đường dây có tổ chức rồi, chứ không còn từng người một người ăn mảnh nữa. Chúng tôi hay nói đó là lợi ích nhóm, cấu kết với nhau nên phải có cơ chế trị tận gốc, việc này rất khó chứ không phải dễ”.
Một năm sau đó, theo VietNamNet, ông Trọng nói rằng “chống tham nhũng đòi hỏi khôn ngoan, có con mắt chiến lược. Phải giữ ổn định để đất nước phát triển, rối loạn sẽ rất nguy hiểm”. Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam sau đó nhấn mạnh rằng “đánh con chuột đừng để vỡ bình, làm sao diệt được chuột mà bảo vệ được bình hoa”.
Lo đền bù nhưng cần phục hồi biển cho dân
Nam Nguyên, phóng viên RFA
Không lấy mẫu trầm tích đáy biển để phân tích
Cùng với việc công bố định mức đền bù hỗ trợ cho ngư dân, các loại tàu cá, người nuôi hải sản và diêm dân để chính phủ xem xét, tỉnh Quảng Bình vừa công bố kết quả quan trắc mới nhất, tái xác định nước biển đã ở trong ngưỡng cho phép tắm biển, chơi thể thao dưới nước, cũng như nuôi trồng thủy sản. Nam Nguyên cập nhật một số thông tin liên quan.
Tương tự như công bố cuối tháng 8 của Bộ Tài nguyên Môi trường và sau đó của Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn, ngày 8/9/2016 vừa qua, Sở Tài nguyên Môi trường tỉnh Quảng Bình đã công bố kết quả quan trắc mới nhất tại một số nơi như bãi biển Nhật Lệ, Hải Ninh, Đá Nhảy, Quảng Thọ và Quảng Phú.
Điểm cần lưu ý là Sở Tài nguyên Môi trường Quảng Bình vẫn chỉ lấy mẫu nước biển, chứ không lấy trầm tích đáy biển để phân tích. Mẫu nước biển cũng được gởi cho Sở Tài Nguyên Môi trường tỉnh Quảng Trị để cùng phân tích.
Đánh giá được môi trường thì phải đánh giá đầy đủ từ mặt nước biển, rồi nước tầng giữa, nước tầng đáy rồi trầm tích, nhiều thứ… nói chung cả những vụng nữa, vụng nước chảy, vụng nước không chảy, vụng nước đọng…nhiều thứ lắm…
-TS Nguyễn Việt Thắng
Theo SaigonTimes bản tin trên trên mạng ngày 12/9/2016, cả hai Sở Tài nguyên Môi trường đều có chung kết quả quan trắc. Theo đó, các chất chì, kẽm sắt, cyanua, thủy ngân, mangan trong nước biển đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước phục vụ mục đích thể thao, giải trí dưới nước và nuôi trồng thủy sản.
Trả lời chúng tôi vào tối 12/9/2016, Tiến sĩ Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam từ Hà Nội nhận định:
“Chúng tôi đã có những văn bản để khuyến nghị rằng, đánh giá được môi trường thì phải đánh giá đầy đủ từ mặt nước biển, rồi nước tầng giữa, nước tầng đáy rồi trầm tích, nhiều thứ… nói chung cả những vụng nữa, vụng nước chảy, vụng nước không chảy, vụng nước đọng…nhiều thứ lắm…Hội Nghề cá chúng tôi đã có văn bản gởi Chính phủ rồi, trong đó có kiến nghị cần phải đánh giá môi trường một cách toàn diện và đầy đủ hơn.”
Trong diễn biến liên quan, Theo Thanh Niên Online tối ngày 12/9/2016 tỉnh Quảng Trị cũng đã gởi báo cáo cho Bộ Nông nghiệp Phát triển Nông thôn. Theo đó, tính tròn 6 tháng qua, tỉnh Quảng Trị bị thiệt hại 867 tỉ đồng vì thảm họa môi trường. Về áp giá thiệt hại, Quảng Trị đề xuất mức thiệt hại từ 10 triệu đồng/tàu/tháng với tàu không máy cho tới 103 triệu đồng/tàu/tháng với tàu trên 800 CV. Lao động trên tàu được áp mức đền bù thiệt hại từ 3 triệu đồng/người/tháng đến 8,7 triệu đồng người/tháng. Đối với lao động trên bờ bị mất thu nhập nói chung thì được đề xuất đền bù khoảng 3,1 triệu đồng/người tháng.
Trước đó một ngày, theo báo điện tử Người Lao Động ngày 11/9/2016 tỉnh Quảng Bình đã công bố định mức thiệt hại cho người dân bị ảnh hưởng thảm họa môi trường do Formosa gây ra. Định mức này sẽ được trình Chính phủ phê duyệt áp dụng mức đền bù cuối cùng. Quảng Bình đề nghị bồi thường chủ tàu cá từ mức thấp nhất là 5 triệu đồng/tàu/tháng cho tàu không lắp máy và mức cao nhất là 30 triệu đồng/tàu/tháng cho tàu trên 400 CV.
Đối với ngư dân, mức đền bù hỗ trợ cũng tùy thuộc vào việc họ lao động trên tàu cá lớn hay nhỏ. Theo đó Ngư dân trên tàu thuyền không lắp máy được đề nghị hỗ trợ với mức 5,4 triệu đồng/ người/tháng. Ngư dân đi tàu có lắp máy thì được hỗ trợ từ 4 triệu đồng/người/tháng cho tới mức cao nhất là 7,5 triệu đồng/người tháng, tùy loại công suất của tàu. Ngoài ra mức hỗ trợ người khai thác hải sản thủ công là 3,8 triệu đồng/người tháng. Đối với ruộng muối đã bị thiệt hại thì được hỗ trợ trên 38,6 triệu đồng/ha. Những người nuôi trồng thủy sản cũng được đền bù theo mật độ con giống ngày nuôi và địa điểm, mức đền bù từ 34.000đ/m2 tới 914.000 đồng/m2 tùy loại hải sản nuôi. Lao động phục vụ nuôi hải sản bị mất việc được đề nghị hỗ trợ 3,5 triệu đồng/người/tháng.
Trả lời chúng tôi vào tối 12/9/2016, ông Phan Văn Khoa Giám đốc Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Quảng Bình cho biết, định mức bồi thường mà báo chí đưa tin chưa phải là mức đền bù sẽ được áp dụng, vì còn phải gởi ra Trung ương xem xét. Theo lời ông, tỉnh Quảng Bình có tham khảo ý kiến các nơi về vấn đề này. Ông Phan Văn Khoa vắn tắt:
“Chưa chính xác đâu, là vì như thế này là định mức phải gởi ra Bộ ngoài kia để họ thấy…tất nhiên phải có tham khảo hết…đầy đủ.”
Trông chờ ngày biển sạch trở lại
5 tháng qua ngư dân 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế chưa hoạt động trở lại. Điều này có nghĩa ít nhất họ sẽ được đền bù gộp chung 5 tháng. Nếu định mức mà Quảng Bình báo cáo được áp dụng thì ngư dân đánh cá được ít nhất 19 triệu đồng/người, cao nhất được 37,5 triệu gộp chung 5 tháng. Phải chăng nếu cá biển 4 tỉnh chưa được xác định là an toàn thực phẩm cho người ăn thì những người bị ảnh hưởng trực tiếp vì thảm họa môi trường vẫn tiếp tục được bồi thường.
Bây giờ đã qua 5 tháng rồi, theo tinh thần đền bù thì chừng nào khôi phục được sản xuất tiêu thụ bình thường, ăn được cá, tiêu thụ được cá, sản xuất được thì mới hết đền bù thiệt hại.
-TS Nguyễn Việt Thắng
-TS Nguyễn Việt Thắng
Trả lời câu hỏi vừa nêu, TS Nguyễn Việt Thắng Chủ tịch Hội Nghề cá Việt Nam phát biểu:
“Bây giờ đã qua 5 tháng rồi, theo tinh thần đền bù thì chừng nào khôi phục được sản xuất tiêu thụ bình thường, ăn được cá, tiêu thụ được cá, sản xuất được thì mới hết đền bù thiệt hại. Những điều này kiến nghị từ lâu rồi, theo tôi là sẽ theo tinh thần ấy vẫn tiếp tục đền bù, thiệt hại đến đâu đền bù đến đấy.”
Về vấn đề giải thích thế nào khi ngành Tài nguyên Môi trường đánh giá nước biển an toàn để tắm, hoạt động thể thao dưới nước và nuôi thủy sản, trong khi ngành y tế chưa thể xác định cá biển 4 tỉnh miền Trung bị thảm họa môi trường nay đã an toàn để ăn hay chưa. Liệu có ai dám đầu tư để nuôi hải sản trở lại ở 4 tỉnh này. TS Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch hội Nghề cá Việt Nam nhận định:
“Vừa qua theo Bộ Tài nguyên Môi trường và các nhà khoa học làm việc đã đánh giá, muốn biết cá có ăn được không, có an toàn hay không thì cũng phải mất một thời gian nữa mới kết luận được. Theo tôi nghĩ bà con đặt dấu hỏi đó ra thì cũng có mức độ của nó. Còn nói chung trong thời gian này, người ta gọi là môi trường nước an toàn để tắm hoặc nuôi trồng thủy sản được. Tất nhiên ý nghĩa này là nuôi trong ao hồ và phải xử lý nước, còn ở ngoài đầm phá thì nó thuộc về dạng cá tự nhiên, cũng thuộc vào nội dung mà người ta trả lời là cá có ăn được hay không… thì còn phải có thời gian.”
Hiện nay chưa có thông tin về giải pháp phục hồi môi trường biển 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị Thừa Thiên Huế. Giới hữu trách thì thiên về một loại hình không tốn tiền, không tốn công sức, đó là biển tự làm sạch.
Các nhà phản biện xã hội cho rằng, sự kiện chỉ lấy mẫu nước biển mà không cạo vét trầm tích để phân tích tìm kim loại nặng là một sự lập lờ. Bởi vì người dân bị ảnh hưởng mất việc làm từ 5 tháng qua, đang trông chờ ngày biển sạch trở lại, còn hơn là việc sẽ được đền bù bao nhiêu.
Việt nam vay Trung Cộng thêm 250 triệu USD
vì nhà thầu Trung Cộng tăng giá dự án
Thủ Tướng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc và người tương nhiệm Trung Cộng Lý Khắc Cường vừa ký hiệp định khung về khoản vay bổ sung 250.62 triệu Mỹ Kim cho tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông.
Đây là một dự án được khởi công xây dựng bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Cộng theo hiệp định khung ký năm 2008. Việt Nam phải vay thêm tiền cho dự án này, vì nhà thầu Trung Cộng là Công ty Cục 6 Đường Sắt Trung Cộng cách đây hai năm đã duyệt lại chi phí và nâng giá thành từ 553 triệu Mỹ kim lên 868 triệu Mỹ kim, một mức tăng 57%. Toàn bộ quãng đường trên cao chỉ dài chừng 13 km, đã được tiến hành với sự trì trệ rõ rệt, chưa kể những tai nạn chết người.
Truyền thông trong nước cho hay, tại cuộc hội đàm trước khi ký kết nhận khoản vay của Trung Cộng, ông Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu phía Trung Cộng sớm chuyển giao khoản vay để bảo đảm tiến độ và phẩm chất, đưa công trình đường sắt trên cao vào sử dụng theo đúng lịch trình là vào năm 2018. Được biết sau lễ ký vay thêm vốn vào hôm Thứ Hai, ông Phúc đã gặp ông Mã Giang Kiểm, tổng giám đốc Công Ty Cục 6 Đường Sắt.
Tình trạng bê trễ và hiện tượng “công trường vắng vẻ” của dự án đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông đã làm người dân Việt Nam chán ngán với các công trình dính dáng đến nhà thầu Trung Cộng. Tin cho hay ông Mã Giang Kiểm “cam kết sẽ nỗ lực đẩy nhanh dự án”.
Huy Lam / SBTN
“Nhất thể hóa”: Bao nhiêu viên chức đảng sẽ phải “ra đường”?
Mới đây, ông Nhị Lê – Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản – đã có một bài trả lời phỏng vấn khá dài cho trang VietTimes với nhan đề “Nhất thể hóa chức danh, nhất nguyên chế tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu”.
Nội dung quan trọng nhất trong bài trả lời trên có lẽ là:
“giải thể các bộ máy chồng chéo, sáp nhập các bộ máy dù của Đảng hay của Nhà nước làm chung một việc theo hướng thống nhất và đa năng, giảm mạnh số các đầu mối bộ máy và tổ chức, bảo đảm sự chuyên nghiệp và liên thông- nhất nguyên chế. Nói cách khác, từ nhất thể hóa chức danh tới nhất nguyên chế về tổ chức bộ máy là bước đi tất yếu. Chẳng hạn, một vài cơ quan có nhiều chức năng, nhiệm vụ giống nhau, nên chăng tính toán nhất nguyên hóa tối thiểu ở 3 cấp: Trung ương; tỉnh, thành phố; quận, huyện, thị, theo phương châm: đa năng hóa bộ máy hay bộ máy đa năng.
Các thành viên của hệ thống chính trị thuộc Mặt trận Tổ quốc làm công tác dân vận (Công đoàn, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh…) có thể thuộc khối đa năng này. Chẳng hạn, văn phòng cấp ủy trùng lắp rất nhiều loại công việc với văn phòng chính quyền, hội đồng nhân dân, trước mắt có thể sáp nhập các văn phòng làm một, theo phương châm: một văn phòng phục vụ hai (ba) bộ máy”.
Như vậy, ý tưởng “nhất thể hóa”, hay cụ thể hơn là sáp nhập một số ban đảng với cơ quan chính quyền mà đặt ra từ hơn hai mươi năm trước bắt đầu được thực hiện.
Nhị Lê cũng là một trong những nhân vật phát ngôn của Tổng bí thư Trọng. Vào thời gian gần đại hội 12, ông Nhị Lê cũng đã từng trả lời phỏng vấn về vấn để “nhất thể hóa”.
Nhưng tại sao chỉ đến giờ này đảng mới muốn “nhất thể hóa”?
Lý do đơn giản là hội chứng cạn tiền.
Những minh họa hùng hồn về hội chứng trên, phát ra vào năm 2015, là Ủy ban nhân dân thành phố Cà Mau thâm hụt ngân sách trầm trọng, nợ khoảng 300 tỷ đồng và nhiều khoản nợ không biết lấy tiền ra chi trả. Nhưng bi kịch nhất là cơ quan này không còn đủ tiền để trả lương cho công nhân viên chức. Trong khi đó và là “láng giềng” của Cà Mau, không chỉ thâm lạm về tài chính, Thành ủy Bạc Liêu còn bị bệnh viện đòi tiền và phát sinh đủ thứ hổ lốn.
Hội chứng chúa chổm của các cơ quan đảng đang lộ rõ, bắt đầu từ cấp địa phương và giờ đây lan tới khối trung ương. Với khối địa phương, “nạn nhân” đầu tiên là một số tỉnh thành nhỏ và dễ bị cắt ngân sách chi cho khối đảng lẫn chính quyền.
Sau “biến cố” ngân sách trung ương xuất hiện dấu hiệu cạn kiệt tại kỳ họp quốc hội cuối năm 2015, không còn nghi ngờ gì nữa, 2016 là năm mà hầu bao khối đảng lẫn chính quyền bị thắt chặt nặng nề. Những địa chỉ có thói quen vung tay quá trán cùng nạn nhũng nhiễu tràn lan như Cà Mau sẽ trở thành nơi “vỡ hụi” đầu tiên. Tiếp sau đó có thể là một số tỉnh thành lớn hơn, kể cả TP.HCM. Và cuối cùng, địa chỉ được bao cấp ngân sách hoàn toàn, và có ưu thế nhất về chính sách ưu ái là các cơ quan đảng ở trung ương cũng sẽ không thoát khỏi số phận bị cắt giảm chi tiêu.
“Khó khăn ngân sách” lại tác động không nhỏ đến chính trị và “đoàn kết nội bộ”. Xu hướng phân rã của khối đảng cũng vì thế sẽ được đẩy nhanh hơn, mà ngay trước mắt là việc thực hiện phương án “nhất thể hóa cơ quan đảng và cơ quan chính quyền” – như một cách co hẹp quyền lực bên đảng.
Hàng năm, các cơ quan đảng chi xài đến vài ngàn tỷ đồng từ tiền đóng thuế của dân. Nhưng với xu hướng “nhất thể hóa” không thể tránh khỏi để tiết kiệm tiền, sẽ có bao nhiêu trong số hàng triệu công chức, viên chức “một lòng theo đảng” phải “ra đường”?
Lê Dung / SBTN
Những lời sám hối cuối cùng
Cho đến tận muôn đời, thế giới văn minh nhân loại sẽ mãi còn nguyền rủa đám người cuồng tín, cực đoan Taliban, khi chúng phá hủy 2 pho tượng Phật tại khu vực Bamiyan, thuộc xứ Afghanistan. Các quốc gia khắp Âu – Mỹ – Á, đều lên tiếng ngăn cản bọn cuồng tín này trước khi chúng phá vỡ một di sản của nhân loại có từ hơn 1,500 năm.
Vào tháng 3, 2001, thủ lãnh Taliban, Mullah Muhammed Omar ra lệnh đặt chất nổ hủy phá hai pho tượng Phật. Tuy nhiên, 8 tháng sau đó toàn bộ chính quyền Hồi giáo cực đoan Taliban đã bị xóa sổ.
Ngày 8/9/2016 vừa qua, chính quyền CSVN theo chân Taliban đã phá hủy hoàn toàn chùa Liên Trì tại khu vực Thủ Thiêm, Sài gòn.
Taliban của Afghanistan nhân danh sự cực đoan tôn giáo để hủy 2 tượng Phật ở Bamiyan. Taliban của Việt Nam- CSVN- phá chùa Liên Trì nhân danh quyền lực chính trị và trục lợi cá nhân lẫn phe nhóm.
Đừng viện cớ phải qui hoạch để xây dựng một thành phố hiện đại mà phá Chùa biểu tượng Tâm Linh – Tín Ngưỡng của dân tộc. Hãy đến tất cả các quốc gia văn minh từ Âu sang Á sẽ thấy tại các đô thị hiện đại đều có những nhà thờ, những ngôi chùa nằm cạnh những thiết kế tân kỳ trên những khu vực sầm uất.
Đừng nhân danh luật pháp bởi vì những công an, an ninh đã dùng mọi thủ đoạn mất nhân tính và lương tri con người chà đạp lên chính luật lệ mà chế độ đặt ra để đuổi nhà, cướp đất hàng vạn dân oan từ Nam ra Bắc. Hãy nhân danh những khoản lợi nhuận khổng lồ vì ngôi chùa nằm trong khu đất Vàng của thành phố Sài gòn được mở rộng.
Chùa Liên Trì là chỗ dựa Tâm Linh, Tín Ngưỡng cho không biết bao cư dân ở khu vực Thủ Thiêm, Saigon kể từ năm 1968. Không những đây là một trụ sở tôn giáo, mà còn là một biểu tượng bản sắc văn hóa Việt truyền thống. Những người hiểu và yêu văn hóa dân tộc đều biết rằng đình và chùa đều gắn bó như lũy tre, giếng nước ở tất cả các ngôi làng Việt từ Bắc vào Nam suốt hàng ngàn năm lịch sử đất nước. Tâm thức người Việt tựa vào những biểu tượng văn hóa và tôn giáo này.
Còn nhớ bộ phim Sám Hối sản xuất trong thời Liên xô đổi mới dưới trào Gorbachev, đã giành được giải thưởng đặc biệt của Ban giám khảo Liên hoan phim Cannes năm 1987, và huy chương vàng Liên hoan phim quốc gia Liên Xô cùng năm. Bộ phim kể về một thị trưởng, tên là Varlam, tàn ác nhưng được bộ máy tuyên truyền suy tôn như thần thánh, tượng trưng cho những kẻ độc tài từ Nero đến Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông. Thị trưởng Varlam qua đời nhưng xác đã bị những nạn nhân đào mồ đem phơi thây trước công chúng. Cứ mỗi lần đem xác Varlam chôn xuống, thì lại bị tiếp tục đào lên. Cuối cùng, qua các phiên tòa xử những người bới xác Varlam, người con trai mới biết được tội ác của cha mình. Anh đã đến huyệt mộ bí mật cuối cùng, để tự tay đào xác Varlam quăng từ núi cao xuống thành phố.
Ở cảnh cuối cùng của bộ phim, khi một bà cụ già, biểu tượng cho ký ức lịch sử, hỏi một người phụ nữ trẻ rằng:
- Đây có phải con đường dẫn đến nhà thờ hay không?
Đáp:
- Đây là đường Varlam. Con đường này sẽ không đưa bà đến ngôi nhà thờ nào cả.
Bà cụ nói tiếp:
- Nếu vậy thì nó có ích lợi gì. Một con đường nếu không dẫn đến một nhà thờ thì xây nó làm chi?
Hãy chờ xem, sau này, các viên chức CS sẽ thỏa thuận xây cái gì trên nền đất cũ của chùa Liên Trì, biểu tượng của giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, biểu tượng của lòng Từ bi và Bác Ái.
Trong phim Sám Hối, người Nga, khi rũ bỏ chế độ phi nhân Cộng sản đầy hoang tưởng và bạo lực, đã nhận ra rằng: tiêu chí cuối cùng của sự phát triển lịch sử phải dựa trên nền tảng nhân bản là các con đường đều phải dẫn đến một nhà thờ.
Nhiều lãnh đạo chóp bu CSVN sau khi về hưu, hạ cánh an toàn, đều lên án, vạch ra những lụn bại, tàn bạo của chế độ mà họ bị cuốn vào phục vụ. Tất cả có chung một điểm là họ chỉ nói thật được những gì mình suy nghỉ vào lúc cuối đời. Vì sao có hiện tượng này?
Có lẽ, hơn ai hết, họ nghiền ngẫm bộ phim Sám Hối. Họ không muốn con cái của chính họ quăng xác mình ra khỏi nấm mồ. Bởi, khi phùng thời chính họ đã hủy hoại những ngôi chùa, nhà thờ ra khỏi những nẻo đường Việt Nam.
Mai Phi-Long / SBTN
Hội Thánh Tin Lành
nhà nước giải quyết chuyện nội bộ bằng côn đồ
Một đám đông côn đồ ập vào một nhà thờ Tin Lành ở tỉnh Sóc Trăng đập phá đồ đạc, hành hung tín đồ và khống chế mục sư.
Giới chức của Tổng Liên Hội Thánh Tin Lành nằm dưới sự cai quản của nhà cầm quyền cộng sản cho đây chỉ là cách giàn xếp công việc nội bộ, không phải là một vụ đàn áp tôn giáo như vẫn thường diễn ra đối với các tổ chức tôn giáo không được nhà cầm quyền nhìn nhận.
Vụ đập phá và hành hung diễn ra hôm 11 tháng 9 tại Hội Thánh Tin Lành ở số 62 đường Lê Lợi, phường 6, thành phố Sóc Trăng, ngay trong khi Mục sư Lê Văn Hòa và các tín hữu đang làm lễ cầu nguyện vào sáng ngày Chúa Nhật.
Theo lời kể của Mục sư Hòa hôm Thứ Hai với đài RFA, khi ông đang cầu nguyện, một đám 20-30 người xông vào nhà thờ, dập đầu mục sư xuống đất. Họ xông lên tòa giảng, tắt loa, rồi đánh các tín hữu, làm một số người đổ máu.
Đến sáng Thứ Hai 12/09, nhóm côn đồ tiếp tục vây kín nhà thờ với lực lượng tăng cường từ ngoài tỉnh kéo về.
Trả lời phỏng vấn của đài RFA, một giới chức của Tổng Liên Hội Thánh Tin Lành tỉnh Sóc Trăng là Mục sư Lê Thanh Bạch cho biết, đây là hành động của Tổng Liên Hội “phối hợp với các cấp chính quyền” để đòi lại nhà thờ giao cho Mục sư Lê Văn Hòa cách đây 10 năm.
Mục sư Bạch nhấn mạnh đây là việc nội bộ của Hội Thánh Tin Lành Việt Nam, qua đó “chính quyền can thiệp lấy lại cơ sở” chứ không phải là một vụ đàn áp tôn giáo.
Trong những bản báo cáo về tình hình tự do tôn giáo tại Việt Nam trong năm 2015, Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo, một tổ chức xã hội dân sự tại Việt Nam đã trình ra hàng chục các vi phạm quyền tự do tôn giáo của nhà cầm quyền CSVN, trong đó có các vi phạm đối với các tôn giáo như Cao Đài, Hòa Hảo, Tin Lành, Công Giáo…
Theo Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giảo, muốn xuất hiện và muốn sinh hoạt, các tôn giáo phải làm đơn xin phép cùng tuân thủ rất nhiều điều kiện khắt khe, cũng như phải ngóng chờ sự cho phép của nhà cầm quyền.
Cũng theo tổ chức này, vì muốn lũng đoạn các tôn giáo, nhà cầm quyền CSVN đã và đang thành lập các giáo hội do họ điều khiển, như Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hội đồng Chưởng quản Cao Đài, Ủy ban Đoàn kết Công giáo và một số hệ phái Tin Lành.
“Đây là đòn chia rẽ tôn giáo, đồng thời là trò lừa gạt quốc tế về tình hình tôn giáo tại Việt Nam.” - bản báo cáo của Hội Bảo Vệ Quyền Tự Do Tôn Giáo cho biết.
Huy Lam / SBTN
Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Và Hải Ngoại Việt Nam
sắp ra mắt tại Little Sài Gòn
Lễ ra mắt Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Và Hải Ngoại Việt Nam sẽ được tổ chức lúc 1 giờ trưa thứ Bảy 22 tháng 10 2016, tại Ramada Garden Grove, thành phố Garden Grove.
Trong một văn thư phát hành tại tiểu bang California, bác sĩ Võ Đình Hữu- chủ tịch Hội đồng Đại biểu, cố vấn của linh mục Nguyễn Văn Lý và bác sĩ Đỗ Văn Hội- chủ tịch Hội đồng Chấp Hành của Cộng đồng Người Việt Quốc Gia Liên bang Hoa Kỳ, cùng với nhà biên khảo Phạm Trần Anh- chủ tịch Diên Hồng Thời Đại đã cho biết: Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Và Hải Ngoại Việt Nam ra đời để đáp ứng yêu cầu liên kết các lực lượng quốc nội và hải ngoại, nhằm tạo sức mạnh và nội lực của dân tộc. Điều này rất cần thiết cho công cuộc tranh đấu giành tự do, dân chủ, nhân quyền và vẹn toàn lãnh thổ Việt Nam.
Các ông Võ Đình Hữu, Đỗ Văn Hội và Phạm Trần Anh cho rằng, Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Và Hải Ngoại Việt Nam hình thành đúng vào lúc tình hình trong nước đang sôi sục vì Cộng sản Việt Nam tiếp tục áp đặt chế độ độc tài toàn trị, gây thảm hoạ ô nhiễm môi sinh, tiếp tay cho Trung Cộng thực hiện chính sách bành trướng ngang ngược và đầy tham vọng, bất chấp phán quyết của Toà Trọng Tài Quốc tế về Biển Đông.
Ban tổ chức buổi lễ ra mắt Hội Đồng Liên Kết Quốc Nội Và Hải Ngoại Việt Nam cho biết, sẽ trình bày công việc đã thực hiện thời gian qua và kế hoạch trong tương lai, kêu gọi đồng hương tham dự đông đảo để yểm trợ công cuộc tranh đấu của người Việt Nam đi đến thắng lợi cuối cùng.
Danh sách các vị Đồng Chủ Tịch của Hội đồng Liên Kết tại quốc nội gồm Hoà thượng Thích Không Tánh, linh mục Phan Văn Lợi, chánh trị sự Hứa Phi, nhân sĩ Lê Văn Sóc và mục sư Nguyễn Hoàng Hoa. Các vị đồng chủ tịch của Hội đồng Liên kết tại hải ngoại bao gồm bác sĩ Võ Đình Hữu, bác sĩ Đỗ Văn Hội, nhân sĩ Lưu Văn Tươi và Nguyễn Văn Tánh, nhà biên khảo Phạm Trần Anh, phó trị sự Trần Viết Hùng, các nhân sĩ Cao Xuân Khải, Trần Văn Đông, Trần Văn Bính và bác sĩ Hoàng Thị Mỹ Lâm.
Song Châu / SBTN
0 comments