Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giới – 13/09/2016

Tuesday, September 13, 2016 6:26:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 13/09/2016

Ông Trump thu ngắn cách biệt với bà Clinton

Còn chưa tới hai tháng nữa là sẽ đến ngày bầu cử tổng thống, ứng cử viên Hillary Clinton của Ðảng Dân chủ tiếp tục dẫn trước đối thủ bên Ðảng Cộng hòa là ông Donald Trump trong các cuộc thăm dò dư luận toàn quốc. Nhưng cơ may thắng cử của ông Trump đang tăng dần lên. Các chuyên gia tiên đoán rằng kết quả của các cuộc thăm dò dư luận có thể sẽ thay đổi nhiều trước cuộc bầu cử vào tháng 11.
Mới cách đây khoảng 2 tuần, cuộc vận động tranh cử bên ông Trump trông có vẻ như gặp phải trở ngại. Thế nhưng kể từ đó, ứng cử viên bên Ðảng Cộng hòa này đã giành thêm được nhiều điểm ở các bang được gọi là giao động, theo như nhận định của chuyên gia Tim Malloy.
Ông Malloy nói với đài VOA qua Skype:
“Nếu chúng ta xem kỹ các bang Florida, North Carolina, Pennsylvania và Ohio, chúng ta sẽ thấy đó những bang mà các ứng cử viên này cần phải thắng. Và theo tình hình cuộc đua hiện nay, thì chưa thể biết được ai sẽ thắng cuộc bầu cử. Do đó cử tri nên nhận biết rằng đây là cuộc đua rất sít sao – quan điểm của các ứng cử viên không kiên định, dễ phân cực – và do đó tình hình thực sự có thể thay đổi từng ngày một.”
Cả ông Trump và bà Clinton đều có khối người trung thành riêng, nhưng nhiều cử tri vẫn đang do dự. Chuyên gia Malloy nói rằng các cuộc tranh luận ứng cử viên tổng thống sắp tới, nhất là cuộc tranh luận đầu tiên vào ngày 26 tháng 9, sẽ giúp nhiều người đi đến quyết định chọn lựa:
“Chúng tôi sẽ hỏi những câu như ai sẽ là người giải quyết vấn đề vũ khí hạt nhân tốt nhất? Ai sẽ là người giải quyết các cuộc khủng hoảng quốc tế bằng đường lối khả thi nhất? Về di dân – đó là những câu hỏi lớn và mang tính trọng yếu. Ai sẽ là người để ý tới nhu cầu của gia đình quý vị và bảo vệ quý vị? Đó là những vấn đề mà công chúng nên chú ý khi có các kết quả thăm dò. Nhưng cuối cùng sẽ là các cuộc tranh luận.”
Bà Clinton đang bị viêm phổi khiến bà phải hủy các kế hoạch đi vận động tranh cử ở bang California. Sự việc này cũng khiến có những câu hỏi nêu lên về sức khỏe của bà nói chung, tuy nhiên điều ngày có lẽ sẽ không ảnh hưởng đến cuộc vận động của bà.
Một nữ cử tri nói rằng hy vọng là bà Clinton sẽ không đổ thừa cho bệnh, và hy vọng là chuyện bệnh sẽ không ảnh hưởng đến bà.
Một cử tri nam nói:
“Ai cũng có thể bị viêm phổi. Chúng ta phải nên để ý rằng bà ấy làm việc cật lực như thế nào, và nghỉ ngơi ít như thế nào. Điều đó cho thấy bà hết lòng vì dân chúng như thế nào. Bà đã cố gắng thật nhiều để cho công chúng hiểu rằng bà muốn làm cho đất nước.”
Chuyên gia Malloy nói các cuộc thăm dò đưa ra những con số nhất thời cho thấy chiều hướng của các cuộc vận động. Một xu hướng cần theo dõi là liệu ông Trump có giành được sự ủng hộ của khối cử tri nữ, người da màu và người gốc Châu Mỹ La tinh hay không, hay liệu bà Clinton vẫn giành được lợi thế trong các khối cử tri đó.

Tổng thống Philippines:

Lực lượng Mỹ phải rút khỏi miền Nam

Tổng thống Philippines tuyên bố muốn tất cả lực lượng Mỹ ra khỏi miền Nam nước này, nơi lực lượng Hoa Kỳ đang cố vấn cho các binh sĩ địa phương chiến đấu chống lại các phần tử Hồi giáo cực đoan.
Phát biểu trước các giới chức chính phủ mới được bổ nhiệm hôm 12/9, ông Rodrigo Duterte đổ lỗi cho Hoa Kỳ về tình trạng bất ổn của các phần tử chủ chiến Hồi giáo trong khu vực. Đây là lần đầu tiên ông công khai phản đối sự hiện diện của binh sĩ Mỹ tại Philippines.
Ông Duterte không đề ra thời hạn chót và cũng không cho biết tiến trình rút lui của lực lượng Mỹ sẽ diễn ra thế nào, chỉ nói rằng người Mỹ là các mục tiêu giá trị cao đối với phe Abu Sayyaf có liên hệ với Nhà nước Hồi giáo trong lúc các hoạt động chống nổi dậy đang được tăng cường.
Ông Duterte nói:
“Các lực lượng đặc nhiệm đó phải ra đi. Tôi không muốn có một sự sứt mẻ với Mỹ nhưng họ phải rời khỏi nơi này. Tình hình sẽ chỉ càng thêm căng thẳng. Các phần tử chủ chiến Hồi giáo thấy người Mỹ ở đó, chúng sẽ giết họ. Chúng sẽ tìm cách đòi tiền chuộc, rồi giết họ.”
Bộ Ngoại giao Mỹ nói phát biểu của ông Duterte ‘vô bổ.’
Người phát ngôn John Kirby nói: “Chúng tôi chưa thấy có sự thông tin liên lạc chính thức nào từ chính phủ Philippines về hiệu ứng và kết cục đó. Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ duy trì những cam kết đồng minh tại Philippines.”
Phát biểu của Tổng thống Philippines được đưa ra 1 tuần sau những lời mạ lị của ông đối với Tổng thống Mỹ Barack Obama, khiến nhà lãnh đạo Mỹ hủy cuộc họp song phương đã lên lịch tại thượng đỉnh ở Lào. Tuy nhiên, đôi bên sau đó có gặp nhau không chính thức trong thời gian thượng đỉnh.
Kể từ khi lên làm Tổng thống Philippines hồi tháng 6, ông Duterte tạo ra mối quan hệ không mấy suôn sẻ với Mỹ và công khai chỉ trích các chính sách an ninh của Hoa Kỳ. Trong chiến dịch tranh cử, ông từng tuyên bố sẽ vạch ra một chính sách đối ngoại không lệ thuộc vào Mỹ, một đồng minh hiệp ước của Manila.
Năm 2002, quân đội Mỹ triển khai binh sĩ để huấn luyện, cố vấn, và cung cấp tình báo-võ khí cho lực lượng Philippines chống lại phe chủ chiến Abu Sayyaf có liên hệ với al-Qaida ở mạn Nam Philippines.
Khi lực lượng Mỹ rút đi vào tháng 2 năm ngoái, các giới chức Hoa Kỳ cho biết một nhóm nhỏ cố vấn quân sự vẫn còn lưu lại đây.

Bà Aung San Suu Kyi sắp thăm Mỹ,

thảo luận về kinh tế, trừng phạt

Một quan chức Myanmar cho biết lãnh đạo thực quyền của nước này, bà Aung San Suu Kyi, sẽ thăm Washington hôm thứ Tư, 14/9, để thảo luận liệu việc thay đổi các biện pháp trừng phạt của Hoa Kỳ đối với nước bà có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế rất cần thiết hay không.
Đây sẽ là chuyến thăm Hoa Kỳ lần đầu tiên của bà Cố vấn Nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao kể từ khi đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà nắm chính quyền và nhậm chức vào cuối tháng 3. Sự chuyển đổi dân chủ của Myanmar, sau nhiều thập kỷ do giới quân đội nắm quyền, được coi là một thành công quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền sắp hết nhiệm kỳ của Tổng thống Barack Obama. Chính quyền của ông Obama hiện vẫn đang cân nhắc xem còn có thể làm gì để tiếp tục trợ giúp quá trình chuyển đổi ở Myanmar.
Người phát ngôn của Văn phòng Cố vấn Nhà nước Zaw Htay cho biết bà Aung San Suu Kyi tìm kiếm sự trợ giúp của Hoa Kỳ dành cho nền kinh tế của đất nước để đáp ứng kỳ vọng của những người ủng hộ mang lại chiến thắng lớn cho NLD trong cuộc bầu cử năm ngoái. Kinh tế Myanmar đã tan nát do sự quản lý yếu kém của tập đoàn quân nhân trước đây và do sự cô lập quốc tế.
Ông nói với đài VOA: “Kỳ vọng của người dân Myanmar lúc này đang rất, rất cao – phát triển kinh tế có thể là một tín hiệu rất mạnh để tiến về phía trước trong quá trình dân chủ hóa của chúng tôi”.
Ông Zaw Htay cho biết thêm: “Myanmar cần nhiều trợ giúp kỹ thuật, đặc biệt là trong lĩnh vực tài chính và kinh tế. Các lệnh trừng phạt sẽ là một trong những vấn đề được bàn thảo”, mặc dù ông dự báo sẽ không có những thay đổi nhanh chóng trong hàng loạt các lệnh cấm có ảnh hưởng đến Myanmar.
Trong các cuộc gặp với Tổng thống Obama, Phó Tổng thống Joe Biden, Ngoại trưởng John Kerry và các thành viên hàng đầu của Quốc hội, trong đó có Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa John McCain, nhiều khả năng bà Aung San Suu Kyi cũng sẽ bàn về những thách thức khác đối với chính phủ của bà.

Hoa Kỳ ‘dọa’ lại Bắc Triều Tiên

Richard Green
Hai máy bay ném bom tầm xa của Mỹ đã từ đảo Guam bay đến Hàn Quốc như một dấu hiệu biểu dương lực lượng để đáp lại vụ thử hạt nhân thứ năm của Bắc Triều Tiên.
Các máy bay ném bom B-1 của Mỹ đã thực hiện một chuyến bay tầm thấp tại căn cứ không quân Osan của Hàn Quốc, gần khu vực biên giới phi quân sự với miền Bắc.
Tướng Vincen Brooks, Chỉ huy lực lượng liên quân Mỹ-Liên Hiệp Quốc ở Hàn Quốc, nói:
“Cuộc thao diễn hôm nay chỉ là một ví dụ về khả năng quân sự toàn diện của liên minh. Đó là nguồn vũ khí lớn và là một phần trong những nỗ lực của chúng tôi để tăng mạnh sự răn đe”.
Trong khi đó, các đặc phái viên của Hoa Kỳ và Hàn Quốc đã họp tại Seoul bàn về vụ thử hạt nhân mới nhất của Bình Nhưỡng, và nhấn mạnh cam kết chung của hai nước thực hiện các biện pháp trừng phạt kinh tế nghiêm khắc hơn đối với chế độ Kim Jong Un.
Ông Sung Kim, Đại diện đặc biệt của Hoa Kỳ về chính sách Bắc Triều Tiên, cho biết:
“Mục đích của chúng tôi và được Hàn Quốc chia sẻ là đưa ra giải pháp khả dĩ mạnh mẽ nhất, bao gồm cả các biện pháp trừng phạt mới, càng nhanh càng tốt”.
Trong khi đó ông Kim Hong-kyun, Đại diện đặc biệt của Hàn Quốc về các vấn đề bán đảo Triều Tiên, nói:
“Chúng tôi sẽ phối hợp với nhau về các biện pháp mới mạnh mẽ hơn, bao gồm việc bổ sung cho những lỗ hổng phát hiện được trong quá trình thực thi các biện pháp hiện có”.
Bắc Triều Tiên bất chấp các lệnh trừng phạt do Liên Hiệp Quốc áp dụng đối với nước này hồi tháng Ba vì vụ thử hạt nhân thứ tư. Trong sáu tháng qua, Bình Nhưỡng đã tăng tốc các nỗ lực phát triển vũ khí, thực hiện 20 vụ thử nghiệm tên lửa và tuần rồi đã bất ngờ thực hiện vụ thử hạt nhân thứ 2 trong vòng một năm”.
Năm 2005, trong các cuộc đàm phán 6 bên bao gồm Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nga và Nhật Bản, Bình Nhưỡng đã đồng ý từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ kinh tế, những đảm bảo về an ninh và các mối quan hệ ngoại giao được cải thiện.
Nhưng miền Bắc đã không giữ cam kết của mình và đã liên tục tiến hành các cuộc thử nghiệm hạt nhân vào những năm sau đó.

Đài Loan tái nộp đơn làm thành viên Liên Hiệp Quốc

Đài Loan vừa đề nghị các đồng minh ngoại giao của mình gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc lá thư đề nghị được tham gia vào 3 cơ quan của Liên Hiệp Quốc. Đây là một đơn đề nghị làm thành viên có mức độ mạnh mẽ khác thường, đáp lại áp lực trong nước về việc phải có những thành tựu quốc tế hơn nữa, nhưng chắc chắn đơn này sẽ bị Trung Quốc bác bỏ.
Bộ Ngoại giao hôm thứ Ba, 13/9, cho biết Đài Loan nộp đơn xin tham gia Tổ chức Y tế Thế giới, Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế vốn tập trung vào an ninh hàng không, và Công ước Khung của Liên Hiệp Quốc về Biến đổi Khí hậu. Bộ nói trong một tuyên bố rằng Đài Loan có thể đóng góp với cả 3 cơ quan “vì lợi ích chung của cả thế giới”. Đài Loan cũng muốn tham gia cùng các thành viên của Liên Hiệp Quốc trong nỗ lực để đến năm 2030 đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của tổ chức này, trong đó bao gồm việc giảm nghèo đói cùng cực và kiểm soát nhiều hơn đối với biến đổi khí hậu.
Đơn xin tham gia Liên Hiệp Quốc đầu tiên của Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn có tính chất mạnh mẽ nhất trong 7 năm qua, nhưng chắc chắn sẽ bị từ chối vì sự phản đối của Trung Quốc. Các quan chức Bắc Kinh không coi Đài Loan tự trị là một quốc gia có quyền thành viên Liên Hiệp Quốc. Họ chỉ coi đó là một phần lãnh thổ của họ. Họ nhấn mạnh Trung Quốc và Đài Loan rồi cuối cùng cũng sẽ thống nhất, mặc dù các cuộc thăm dò dư luận cho thấy hầu hết người Đài Loan đều phản đối.
Đài Loan, với tên về mặt pháp lý là Trung Hoa Dân Quốc, đã rút khỏi Liên Hiệp Quốc năm 1971 khi Trung Quốc to lớn hơn nhiều đạt được thắng lợi ngoại giao. Trung Quốc hiện có hơn 170 đồng minh ngoại giao so với 22 của Đài Loan, điều này giúp Trung Quốc có ảnh hưởng rộng lớn ở tổ chức quốc tế ngày nay.
Nhận định về việc Đài Loan xin tham gia Liên Hiệp Quốc, Ngô Xuân Lệ, nhà nghiên cứu khoa học chính trị tại viện Academia Sinica ở Đài Bắc, nói: “Nỗ lực này sẽ không có kết quả nào. Đó là vấn đề mang tính biểu tượng”.

Cựu lãnh đạo Anh Cameron rời quốc hội

Cựu Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố hôm thứ Hai, 12/9, ông sắp từ nhiệm ở Hạ viện.
Quyết định này được đưa ra chưa đầy 3 tháng sau khi các cử tri trong một cuộc trưng cầu đã lựa chọn việc rời khỏi Liên hiệp châu Âu, đi ngược lại mong muốn của ông Cameron và dẫn đến việc ông từ chức thủ tướng.
Tại thời điểm đó, ông nói ông sẽ ở lại quốc hội, ở đó, ông không phải lo về bầu cử lại trong thời gian từ nay cho đến năm 2020.
Nhưng hôm 12/9 ông Cameron cho biết sẽ rất khó để ông phục vụ trong vai trò bị cắt giảm của ông mà “không gặp nguy cơ trở thành một hình thức nghi binh”.
Ông cho biết ông hoàn toàn ủng hộ Thủ tướng Theresa May, người đã nắm quyền sau cuộc trưng cầu dân ý hồi tháng 6 vài tuần.
Một cuộc bầu cử đặc biệt sẽ được tổ chức để tìm người thay thế cho ghế của ông Cameron trong quốc hội.

Pháp buộc tội 3 phụ nữ

trong âm mưu tấn công nhà thờ Notre Dame

13.09.2016
Hôm thứ Hai, 12/9, Pháp đã buộc tội 3 người phụ nữ vì có dính líu đến một âm mưu khủng bố. Nhà chức trách nói họ đã ngăn chặn được một âm mưu đánh bom xe hơi ở gần nhà thờ Notre Dame ở Paris.
Ba phụ nữ, tuổi từ 19 và 39, đã bị bắt giữ hồi tuần trước sau khi người ta phát hiện một chiếc xe chở một bình ga.
Bộ trưởng Nội vụ Bernard Cazeneuve gọi những người này là “những kẻ cực đoan cuồng tín” đang chuẩn bị “cho những hành động sắp xảy ra”.
Nhà chức trách nói họ tin rằng người phụ nữ đã được thúc giục bởi lời kêu gọi của nhóm Nhà nước Hồi giáo về thực hiện các cuộc tấn công ở Pháp.

Phần lớn Syria ngưng tiếng súng sau lệnh ngừng bắn,

tuy vẫn còn giao tranh vài nơi

Steve Herman
BỘ NGOẠI GIAO HOA KỲ —
Thỏa thuận ngừng bắn lễ Eid ở Syria mang lại yên lặng trên phần lớn Syria, nhưng giao tranh vẫn tiếp diễn tại một số nơi. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry dự đoán sẽ có nhiều thách thức trong việc thực thi lệnh ngừng bắn và mở đường cho hoạt động cứu trợ nối lại trong những ngày sắp tới.
Thỏa thuận ngừng bắn Syria bắt đầu ngày hiệu lực đầu tiên hôm nay, thứ Ba 13/9, với các tin tức nói rằng phần lớn Syria yên lặng, nhưng vẫn còn bạo động ở một số nơi.
Lệnh ngừng bắn bắt đầu hiệu lực vào lúc mặt trời lặn hôm thứ Hai. Vài giờ sau đó, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tuyên bố rằng “đây có thể là cơ hội cuối cùng” để hàn gắn Syria lại sau 5 năm nội chiến.
Ngoại trưởng Kerry nói: “Tôi muốn nói rõ với những ai hoài nghi về lệnh ngừng bắn này, và tôi biết có rất nhiều người hoài nghi, rằng sẽ có rất nhiều thử thách trong những ngày tới. Chúng tôi biết như vậy. Tôi nghĩ mọi người đều biết như vậy. Mặc dù vậy, kế hoạch ngưng bắn này vẫn có cơ hội thực hiện.”
Ngoại trưởng Kerry nói tiếp rằng còn quá sớm đến tiên đoán về mức độ hiệu quả của thỏa thuận ngừng bắn do Nga và Mỹ điều giải.
Thỏa thuận ngừng bắn được ông Kerry và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov công bố vào sáng sớm thứ Bảy ở Geneva. Thỏa thuận này được một số nước ủng hộ, trong đó có Iran – là nước hậu thuẫn cho chính phủ Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ – nước muốn Tổng thống Syria Bashar al-Assad chấm dứt quyền lực ở Damascus.
Nếu tình hình tương đối yên lặng trong bảy ngày tới, thì Nga và Mỹ sẽ bắt đầu phối hợp không kích Nhà nước Hồi giáo và Mặt trận al-Nusra, nhóm tự xưng là Jabhat Fateh al-Sham, và được xem là một nhánh của al-Qaida.
Người phát ngôn John Kirby của Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng thỏa thuận này “không có quy định nào là các cuộc oanh kích phải được chính phủ Syria đồng ý.” Ông Kirby nói tiếp: “Một mục tiêu ban đầu của thỏa thuận này, theo quan điểm của chúng tôi, là không để cho không quân của chính phủ Syria đưa máy bay đến không kích bất cứ khu vực nào của phe đối lập hoặc của Mặt trận al-Nusra.”
Ngoại trưởng Kerry nói cuộc chiến tranh Syria là cuộc xung đột phức tạp nhất mà ông từng gặp phải trong mấy mươi năm ông làm việc trong cương vị là một thượng nghị sĩ và nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ, bởi vì “có quá nhiều cuộc chiến cùng diễn ra” ở đó.
Cả Tòa Bạch Ốc và Bộ Ngoại giao hôm thứ Hai đều đánh giá rằng đây là thỏa thuận tạo nhiều sức ép đòi Nga, nước lâu nay ủng hộ Tổng thống Syria, phải thực hiện trách nhiệm.
Bộ Ngoại giao Nga hôm thứ Hai nói rằng công tác cứu trợ cho Aleppo thông qua ngã Castello sẽ bắt đầu ngay.
Tư lệnh quân đội Syria loan báo trên đài truyền hình quốc gia rằng lệnh ngưng bắn sẽ được áp dụng trên toàn quốc vào lúc 7 giờ tối thứ Hai giờ địa phương, trùng với thời điểm khởi đầu lễ Eid al-Adha, một lễ lớn của Hồi giáo, nhưng Syria giữ quyền đáp trả kiên quyết đối với bất cứ nhóm vũ trang nào vi phạm lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Bashar al-Assad nói trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông nhà nước rằng “Chính phủ Syria quyết tâm lấy lại tất cả mọi khu vực từ tay bọn khủng bố.”
Trong lúc một số thủ lãnh của các nhóm nổi dậy quan trọng chỉ trích thỏa thuận ngừng bắn và bày tỏ hoài nghi về khả năng thành công của thỏa thuận này, họ hình như đang chấp hành lệnh ngừng bắn với hy vọng rằng cuối cùng thỏa thuận này sẽ dẫn đến đàm phán chính trị để chấm dứt chế độ Assad.
Cuộc nội chiến Syria kéo dài mấy năm qua đã khiến hàng trăm ngàn người thiệt mạng và tạo ra 12 triệu người tị nạn và đã trở thành một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.

Bầu cử Quốc hội Belarus:

cởi mở nhưng vẫn còn nhiều ‘bất thường’

Cử tri Belarus đi bỏ phiếu hôm 11/9 trong cuộc bầu cử quốc hội bị hoen ố bởi những bất thường từng xảy ra trong các cuộc bầu cử trước đây tại đất nước từng thuộc Liên Xô cũ.
Hai nữ lãnh đạo đối lập đã dành được ghế tại Hạ viện.
484 ứng cử viên, đa phần là giới chức chính phủ, ứng cử 110 vị trí ở Hạ viện.
Tổ chức Hợp tác và An ninh châu Âu OSCE độc lập giám sát cuộc bầu cử. OSCE ngày 12/9 cho biết dù cuộc bỏ phiếu ‘được tổ chức hữu hiệu, có các nỗ lực giải quyết một số vấn đề lâu nay, nhưng một số yếu kém hệ thống vẫn tồn tại.
OSCE nói ‘khung pháp lý của Belarus hạn chế quyền chính trị và các quyền tự do căn bản của người dân và được diễn giải theo cách hết sức hạn chế.’
Vẫn theo nguồn tin này, truyền thông cung cấp đủ thông tin không tạo điều kiện cho cử tri có được một sự lựa chọn đúng đắn, và dù số ứng cử viên nhìn chung có tăng, tăng cả các ứng viên đối lập, nhưng chiến dịch thiếu minh bạch.’
OSCE nói dù nhà cầm quyền Belarus có một số nỗ lực tích cực, nhưng tiến trình bỏ phiếu sớm và kiểm phiếu vẫn bị hoen ố bởi nhiều sự bất thường và thiếu minh bạch.
Giới quan sát của cuộc bỏ phiếu hôm 11/9 tại Belarus cho biết các nhà quan sát bị đuổi ra khỏi những địa điểm bỏ phiếu, số cử tri đi bầu đã bị thổi phồng, và rất nhiều phiếu từ các tù nhân cũng như bệnh nhân trong các bệnh viện tâm thần.

Mỹ đưa máy bay siêu thanh B-1

phô diễn sức mạnh tại Hàn Quốc

Hai máy bay ném bom siêu thanh B-1 của Mỹ hôm nay bay trên bầu trời Hàn Quốc với mục tiêu phô diễn sức mạnh quân sự và tình đoàn kết với đồng minh Nam Triều Tiên.
Biện pháp này được đưa ra sau cuộc thử nghiệm nguyên tử lần thứ năm mà Bắc Hàn cho tiến hành vào ngày 9 tháng 9 vừa qua.
Trong khi đó ngay tại Seoul, hôm nay, đặc sứ Hoa Kỳ về hồ sơ Bắc Hàn, Sung Kim, tiếp tục lên tiếng kêu gọi Liên Hiệp Quốc phải có biện pháp cấp thời đối với Bình Nhưỡng về việc thử nghiệm hạt nhân vào tuần qua.
Đặc sứ Sung Kim cũng cho biết Hoa Kỳ vẫn để mở cơ hội đối thoại cùng Bắc Hàn nhằm chấm dứt tham vọng thủ đắc vũ khí nguyên tử của Bình Nhưỡng.
Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Trung Quốc nhằm xóa bỏ những lỗ hổng trong các nghị quyết trừng phạt Bắc Hàn hiện thời. Những nghị quyết này được từng được sự ủng hộ của Bắc Kinh hồi tháng ba.
Kỳ này, Bắc Kinh và Matxcơva không muốn có thêm những trừng phạt thêm nữa đối với Bình Nhưỡng, dù có lên án vụ thử nghiệm nguyên tử thứ năm vừa qua.
Tờ Nhân dân Nhật báo hôm nay có bình luận đưa ra sau cuộc gặp an ninh cấp cao Nga – Trung diễn ra tại Bắc Kinh cho rằng hiện nay cần phải hợp tác thật chặt chẽ để ngăn không để căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên leo thang và cần đưa vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo này trở lại bàn đàm phán.
Ngoài ra Trung Quốc và Nga lâu nay mạnh mẽ phản đối kế hoạch của Hoa Kỳ và Hàn Quốc đồng ý cho bố trí ngay tại nam Triều Tiên hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa tầm cao THAAD của Mỹ.

Quan chức Nhật bị chỉ trích vì được cõng

Một quan chức cao cấp chính phủ của Nhật Bản đã bị chỉ trích vì để một đồng nghiệp cõng qua một vũng nước lầy.
Ông Shunsuke Mutai, Thứ trưởng Bộ tái thiết, đến thăm thị trấn Iwaizumi để đánh giá thiệt hại của bão Lionrock làm 20 người thiệt mạng tại khu vực.
Nhưng hình ảnh trên truyền hình cho thấy ông đã cười khi được một quan chức cấp dưới cõng để chân ông không bị ướt.
Ông Mutai, người dường như quên không mang ủng cao su theo, sau đó xin lỗi, và nói rằng những gì ông đã làm là “không thích hợp” và rằng ông “vô cùng hối tiếc”.
Hình ảnh lan truyền mạnh trên mạng xã hội với cư dân mạng chỉ trích vị thứ trưởng này và cáo buộc ông không nghiêm túc trong công việc của mình.
Chánh văn phòng Nội các Yoshihide Suga sau chỉ trích ông Mutai đã thiếu ý tứ.
“Ông ấy đã đến đó trong cương vị là người đứng đầu nhóm điều tra của chính phủ, vì vậy hiển nhiên là ông phải mang ủng cao su của mình rồi.
“Tôi phải nói rằng ông ấy đã thiếu nhạy cảm trước người dân và khu vực này,” ông nói.

Tai nạn tàu khách lớn nhất thế giới

Một thuyền viên thiệt mạng và bốn người khác bị thương, hai trong số đó bị thương nặng, trong một tai nạn trên tàu du lịch Harmony of the Seas, tàu chở khách lớn nhất thế giới.
Trong lúc dừng giữa chuyến tại Marseille, các thủy thủ đoàn tham gia một buổi tập dượt về an toàn thì chiếc thuyền cứu sinh bị đứt ra từ boong tàu tầng năm.
Harmony of the Seas có sức chứa hơn 8,000 hành khách and thủy thủ đoàn.
Tàu của hãng Royal Caribbean cao hơn tòa nhà 25 tầng.
Tàu bắt đầu hoạt động vào tháng Năm năm nay.

Bà Clinton nói cảm thấy ‘khỏe hơn rất nhiều’

Ứng viên Hillary Clinton nói trong cuộc phỏng vấn qua điện thoại rằng bà cảm thấy “‘khỏe hơn rất nhiều”, một ngày sau khi bị ốm tại lễ tưởng niệm 11/9.
Bà cũng giải thích với CNN về việc không công khai bị chẩn đoán viêm phổi bởi vì “Tôi chỉ không nghĩ rằng đó là một vấn đề quá quan trọng”.
Ứng viên tổng thống cho biết bà đã bỏ qua lời khuyên “đúng đắn” của bác sĩ là nghỉ ngơi trong 5 ngày.
Đối thủ Donald Trump nói rằng sức khỏe bây giờ trở thành “vấn đề” trong chiến dịch tranh cử.
Bà Clinton bày tỏ hy vọng trở lại cuộc đua trong “vài ngày tới”.
Ứng viên đảng Dân chủ thừa nhận bà đã bị mất thăng bằng trong buổi sáng 11/9 nhưng nói rằng bà không ngất xỉu.
“Tôi cảm thấy chóng mặt và mất thăng bằng trong một phút, nhưng đến khi được đưa vào xe, ngồi xuống, trấn tĩnh, uống nước, ngay lập tức tôi bắt đầu cảm thấy khỏe hơn”, bà nói.
Video cho thấy bà Clinton được các trợ lý đưa bà vào xe rời khỏi buổi lễ tưởng niệm 11/9.
Những người thực hiện chiến dịch của bà ban đầu cho biết bà được đưa tới căn hộ của con gái ở New York sau khi cảm thấy “quá nóng”.
Sau đó bà xuất hiện, nói với các phóng viên: “Tôi thấy rất tuyệt. Hôm nay là một ngày đẹp trời ở New York.”
Các bác sĩ cho biết bà bị chẩn đoán viêm phổi hôm 9/9.
Một số người đặt câu hỏi tại sao điều này chỉ được tiết lộ sau sự cố hôm 11/9.
‘Công khai’
Giám đốc truyền thông của bà Clinton thừa nhận “lẽ ra có thể xử lý vụ việc tốt hơn”.
Bà cũng sẽ công khai hồ sơ y khoa mới nhằm giảm lo ngại về sức khỏe của bà, phát ngôn viên chiến dịch nói.
“Không có chuyện bệnh tật nào khác mà không được công khai,” Brian Fallon nói với MSNBC.
Bà Clinton vừa gặp cơn bão chính trị vì phê phán một nửa người ủng hộ ông Trump là “những kẻ tệ hại”.
Hôm 12/9, ứng viên đảng Cộng hòa chúc bà hồi phục nhanh chóng.
Ông cam kết sẽ công bố kết quả kiểm tra sức khỏe vừa thực hiện tuần trước, với “những con số rất cụ thể”.
Theo lịch trình, bà Clinton có chuyến đi California hôm 12/9 gồm buổi vận động gây quỹ, phát biểu về kinh tế, và xuất hiện trong show truyền hình Ellen DeGeneres.
Nhưng bà đã hủy chuyến đi và nghỉ ngơi tại nhà ở Chappaqua, New York.
Bà Clinton bị ho trong một sự kiện tại Cleveland, Ohio, gây nhiều đồn đoán về tình trạng sức khỏe của bà.

Loại Hungary khỏi Liên minh Châu Âu?

Bộ trưởng Ngoại giao Luxembourg, Jean Asselborn, kêu gọi đình chỉ hoặc thậm chí trục xuất Hungary khỏi Liên minh châu Âu vì “vi phạm nặng nề” các giá trị cơ bản của EU.
Ông đưa ra dẫn chứng cách đối xử của chính phủ Budapest với người tị nạn, sự độc lập của ngành tư pháp và tự do báo chí.
“Hungary không xa việc ra lệnh nổ súng vào những người tị nạn,” ông nói.
Các nhà lãnh đạo Liên minh Châu Âu họp tại Slovakia vào thứ Sáu để bàn về tương lai của liên hiệp.
Cuộc phỏng vấn của ông Asselborn với tờ báo hàng ngày của Đức Die Welt có thể châm ngòi sự giận dữ trước hội nghị thượng đỉnh.
Liên minh Châu Âu không thể tha thứ “một hành vi không phù hợp đến vậy”, và bất kỳ nhà nước vi phạm các giá trị cơ bản như vậy “nên bị loại trừ tạm thời, hoặc nếu cần thiết để mãi mãi, khỏi Liên minh Châu Âu ”.
Đó là” khả năng duy nhất để bảo vệ sự gắn kết và các giá trị của Liên minh châu Âu,” ông nói.
Hungary gia nhập Liên minh Châu Âu vào năm 2004.
Mặc dù Liên minh châu Âu có thể từ chối hoặc trì hoãn việc gia nhập của ứng cử viên, EU được coi là không có quyền lực để trục xuất một nước thành viên hiện tại.
Khi Đảng Tự do cực hữu tham gia chính phủ Áo năm 2000, các quốc gia thành viên Liên minh Châu Âu phản ứng bằng cách đóng băng quan hệ ngoại giao song phương với Áo. Cuối năm đó, Liên minh Châu Âu đã kết thúc cô lập ngoại giao của Áo.
Một cuộc trưng cầu diễn ra vào ngày mùng 2 tháng Mười là lúc Hungary sẽ được yêu cầu quyết định về hạn ngạch Liên minh Châu Âu để chấp nhận những người tị nạn. Thủ tướng Viktor Orban đã chỉ trích mạnh mẽ kế hoạch của Liên minh Châu Âu trong việc chuyển nơi ở của 160.000 người tị nạn trên toàn khối và chính phủ của ông đã vận động mạnh mẽ để bác bỏ.
Hungary bị cuốn vào một làn sóng người nhập cư và tị nạn khổng lồ một năm trước, khi hơn một triệu người xuyên qua trung tâm châu Âu từ bờ biển của Hy Lạp tới Đức và các nước Tây Âu khác.
Cuối cùng, nước này đóng cửa biên giới với Serbia và Croatia và xây dựng một hàng rào dây thép gai dài 175km để ngăn không cho người đi qua trên đường tới Áo. Khoảng 10.000 cảnh sát và binh lính đã được triển khai để bảo vệ biên giới.
Ông Asselborn, đất nước của ông là thành viên sáng lập của Liên minh châu Âu, phàn nàn rằng hàng rào biên giới của Hungary đang mọc cao hơn, dài hơn và nguy hiểm hơn.

Bầu cử Quốc hội Nga trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế

Ngày 18/09/2016 cử tri Nga bầu lại 450 đại biểu tại Hạ viện Douma. Đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin được cho là sẽ dễ dàng giành được thắng lợi. Nhưng liệu rằng khủng hoảng kéo dài, Matxcơva có phải thay đổi chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới của Quốc hội mới ?
Thực trạng kinh tế Nga ?
Từ cuối năm 2014, kinh tế phải đối mặt với hai thách thức lớn : là quốc gia chủ yếu xuất khẩu dầu và khí đốt, nhưng từ giữa năm 2014 dầu hỏa và khí đốt mất giá mạnh, làm mất đi một phần lớn các khoản thu nhập của Nhà nước Nga. Theo thẩm định của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu hỏa, là nguồn cung cấp thứ nhì trên thế giới, với giá dầu ở khoảng 55 đô la một thùng, trong năm 2015, ngân sách của Nga bị thất thu khoảng 135 tỷ đô la, tương đương với 10 % GDP của nước này.
Thách thức thứ nhì là Âu Mỹ liên tục áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế Nga can thiệp vào Ukraina và sáp nhập bán đảo Crimée của Ukraina vào lãnh thổ Nga.
Để thích nghi với tình thế, chính phủ Nga đã liên tục cắt giảm chi tiêu công cộng, giảm các khoản trợ cấp xã hội, khiến đời sống của người dân càng thêm chật vật. Theo nghiên cứu của Trường Cao Đẳng Kinh Tế Matxcơva những khó khăn trong hai năm qua đã làm tiêu tan những thành tựu kinh tế mà nước Nga đã tích lũy được trong một thập niên. Tỷ lệ người nghèo tăng nhanh ; lượng xe hơi bán ra trên toàn quốc rơi xuống mức thấp nhất từ năm 2004.
Nước Nga đang trải qua khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất kể từ khi tổng thống Vladimir Putin lên cầm quyền vào năm 1999. Năm 2015, tổng sản phẩm nội địa giảm 3,7 % so với 2014 và sẽ còn giảm tiếp thêm 0,6 % trong năm nay. Tuy nhiên thống kê chính thức cho thấy kinh tế Nga đã « có dấu hiệu ổn định » trong quý 2/2016. Matxcơva kỳ vọng tình hình sáng sủa hơn trong sáu tháng cuối năm nay.
Khủng hoảng kinh tế có ảnh hưởng tới cuộc vận động tranh cử ?
Vào lúc nội các của thủ tướng Dmitri Medvedev phải cắt giảm chi tiêu, các ứng cử viên tập trung vào những chủ đề nhậy cảm như là lương hưu, trợ cấp xã hội … mức thuế quá nặng đánh vào các hộ gia đình, lạm phát làm hao mòn sức mua của những thành phần có thu nhập thấp và công nhân viên chức nhà nước.
Trong khi đó, ông Putin trong các cuộc vận động tranh cử trước đây vẫn luôn hứa bảo đảm một mức thu nhập tốt cho nhân viên công vụ. Đồng rúp mất giá, lại càng khiến các mặt hàng nhập vào Nga thêm đắt đỏ, mãi lực của giới trung lưu sa sút. Trong khi đó chính đà vươn lên của lớp này là động cơ thôi thúc các tập đoàn quốc tế đầu tư vào Nga.
Nhà chính trị học thuộc Học viện Kinh tế và Hành chính Quốc gia –Matxcơva, bà Ekaterina Schulmann ghi nhận đây là lần đầu tiên từ 15 năm qua, nước Nga tổ chức bầu cử trong bối cảnh thu nhập thực thụ của các hộ gia đình bị sụt giảm. Trước mắt, đời sống khó khăn chưa đem lại hậu quả đáng quan ngại về mặt chính trị, nhưng có một sự bất bình trong công luận, và điều đó được thể hiện qua chỉ số tín nhiệm đối với đảng đang cầm quyền, và với chính phủ. Nhưng hào quang của tổng thống Putin trong lòng người dân Nga thì vẫn chưa phai nhạt.
Có gì mới trong chính sách kinh tế Nga ?
Trong bối cảnh khoản dự trữ ngoại tệ tích lũy được nhờ những năm tháng giá dầu và khí đốt cao chót vót, (2008, giá dầu hỏa từng lên tới trên dưới ngưỡng 120-130 đô la/thùng) đã bị thu hẹp lại đến mức báo động, các vị dân biểu trong Hạ viện Đuma khóa 2016-2021 chắc chắn sẽ tiếp tục bỏ phiếu thông qua ngân sách khắc khổ cho những tài khóa tới. Cũng có khả năng chính phủ tăng thuế, kéo dài tuổi lao động của các công dân Nga, giảm trợ cấp lương hưu.
Một số chuyên gia lo ngại, trong trường hợp đảng Nước Nga Thống Nhất của tổng thống Putin không đạt được kết quả mong đợi, Matxcơva có nguy cơ gia tăng vai trò chủ đạo của Nhà nước lên các lĩnh vực kinh tế. Ngược lại một số khác chờ đợi, thủ tướng Medvedev sẽ ra đi để nhường chỗ cho một người nổi tiếng có chủ trương tự do là ông Alexeï Koudrine, nguyên bộ trưởng Tài Chính Nga. Nhân vật này từng được tổng thống Putin mời chuẩn bị một kế hoạch cải tổ sâu rộng để chuẩn bị cho cuộc bầu cử tổng thống vào năm 2018.
Nhưng nhìn từ phía Học viện Kinh tế và Hành chính Quốc gia –Matxcơva, bà Ekaterina Schulmann cho rằng, về mặt cơ bản chính sách kinh tế trong nhiệm kỳ 5 năm sắp tới của Viện Đuma sẽ có một số những thay đổi, nhưng điều đó không phụ thuộc vào kết quả bầu cử ngày 18/09/2016. Bởi vì lãnh đạo ở cấp vùng, cấp tỉnh sẽ chứng minh với trung ương là họ vẫn làm chủ tình hình. Trong khi đó, Matxcơva vẫn sẽ căn cứ vào những thành tích của từng vùng để khen hay phạt các chính quyền địa phương.

Rumani hy vọng tham gia không gian Schengen

Tổng thống Pháp François Hollande viếng thăm chính thức Rumani hôm nay 13/09/2016, với khoảng 30 doanh nghiệp tháp tùng. Bên cạnh mối quan hệ song phương, đây còn là dịp để ông Hollande điểm lại tình hình với chính quyền Rumani, ba ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh hậu Brexit tại Bratislava.
Từ Bucarest, thông tín viên RFI Anastasia Becchio cho biết Rumani đang chờ đợi những tín hiệu tích cực về hồ sơ xin gia nhập không gian Schengen của nước này :
« Đấu tranh chống tham nhũng và tội phạm, giám sát biên giới : Rumani đã có những nỗ lực quan trọng trong nhiều lãnh vực vào những năm gần đây. Paris tỏ ra hài lòng, và hoan nghênh việc đưa vào hoạt động hệ thống PNR nhằm trao đổi các dữ liệu về những hành khách đi máy bay tại châu Âu.
Những nỗ lực này xứng đáng được tưởng thưởng, theo Bucarest, mà mục tiêu là được trở thành thành viên không gian Schengen, cho dù ban đầu chỉ giới hạn tại các phi cảng. Rumani đã đầu tư trên 1.200.000 euro để kiểm soát tốt hơn các đường biên giới, đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật.
Theo Andrei Tarnea, giám đốc điều hành Viện ASPEN ở Bucarest, bây giờ là lúc xóa đi những ngại ngần của giới chính trị. Ông nói : « Trong lãnh vực cụ thể này, Rumani đã có những bước tiến đáng kể. Đó là một trong những nước đang tỏ ra xứng đáng. Một đất nước dựa vào châu Âu, nhưng cũng đã có những nỗ lực ».
Chính quyền Rumani hy vọng có được dấu hiệu tích cực từ tổng thống Pháp. Khi tiếp ông François Hollande trong buổi ăn trưa làm việc, thủ tướng Dacian Ciolos có thể nêu ra vấn đề trên. Nhưng trong bối cảnh mối đe dọa khủng bố, cuộc khủng hoảng nhập cư và vài tháng tới sẽ đến kỳ bầu cử tổng thống Pháp, hồ sơ có thể sẽ bị treo lại, tại một trong những quốc gia hiếm hoi mà đại đa số người dân tin tưởng vào châu Âu ».
Sáng nay tổng thống Hollande thăm cơ sở laser Eli, trung tâm của một chương trình nghiên cứu châu Âu nhằm phát triển các loại laser mạnh nhất thế giới. Buổi chiều ông khai trương nhà máy của Airbus Helicopters ở Brasov, miền trung Rumani, nơi những chiếc trực thăng đầu tiên sẽ được xuất xưởng vào năm 2018.

Syria : Mỹ khẳng định tiêu diệt được lãnh đạo số 2 của Daech

Hôm qua 12/09/2016, chính quyền Mỹ thông báo đã tiêu diệt được nhân vật số hai của tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo (Daech).
Theo người phát ngôn Nhà Trắng, thủ lĩnh tuyên truyền của Daech, Abou Mohammed al-Adnani, chính là người tuyển mộ và người cổ vũ các hoạt động của Daech tại nước ngoài. Abou Mohammed al-Adnani bị giết trong một cuộc không kích của Hoa Kỳ ngày 30/08 gần al Bab, tây bắc Syria. Máy bay không người lái Predator đã bắn một tên lửa Hellfire vào một chiếc xe hơi, trên đó có chở lãnh đạo Daech.
Al-Adnani đặc biệt nổi tiếng là người kêu gọi những ai ủng hộ Daech sử dụng bất cứ phương tiện nào để tấn công công dân các nước tham gia liên minh chống Daech. Lời kêu gọi này có thể đã dẫn đến các vụ khủng bố tại Paris, Bruxelles và sân bay Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, tại Bangladesh hay nhắm vào một máy bay Nga trên bán đảo Sinai.
Cái chết của lãnh đạo số 2 Daech đã được chính tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo thông báo, và tiếp theo đó là chính quyền Nga. Vào lúc đó, một quan chức Mỹ cho rằng đây chỉ là « một lời nói đùa ».
Chiến sự giảm hẳn từ khi lệnh ngừng bắn có hiệu lực
Đợt ngừng bắn mới – do Hoa Kỳ và Nga bảo trợ – chính thức có hiệu lực từ tối hôm qua, 12/09, dự kiến kéo dài 48 giờ, sau đó có thể tiếp tục gia hạn. Lệnh này mang lại nhiều hy vọng cho việc chấm dứt xung đột vũ trang tại Syria.
Về tình hình tại chỗ, thông tín viên Paul Khalifeh cho biết cụ thể,
« Một không khí yên ắng tạm thời ngự trị tại tất cả mặt trận ở Aleppo, nơi diễn ra các đụng độ dữ dội từ tháng 7. Tuy nhiên, thỉnh thoảng vẫn còn một vài tiếng súng nổ và đạn pháo rớt xuống. Bộ trưởng Quốc Phòng Syria cáo buộc lính bắn tỉa của phe nổi dậy bắn vào khu phố Zahraa, phía tây Aleppo. Một trận đọ pháo ngắn ngủi diễn ra tại một số trang trại ở phía bắc Aleppo, không xa trục đường Castello, sẽ được phi quân sự hóa theo thỏa thuận Mỹ-Nga. 
Ngoài những vi phạm nhỏ này, nhìn chung có thể nói rằng người dân Aleppo đã qua một đêm yên lành đầu tiên kể từ nhiều tháng nay. 
Ở hai tỉnh miền nam Syria, Quneitra và Deraa, phe nổi dậy tuyên bố đã có một cuộc phản công lớn ngay trước giờ ngưng bắn. Tuy nhiên, đụng độ giảm dần, không khí đã yên yắng trở lại ».
Trả lời họp báo tối qua, ngoại trưởng Mỹ John Kerry nhấn mạnh kế hoạch đình chiến Mỹ-Nga« có thể là cơ hội cuối cùng » cho Syria, bị chiến tranh tàn phá từ 2011, kể khi bùng phát cuộc nổi dậy của dân chúng chống lại chế độ độc tài Assad.
Nếu đình chiến kéo dài, Mỹ và Nga có thể tổ chức một chiến dịch phối hợp đầu tiên chống lại tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo.

Brazil : Cựu chủ tịch Quốc Hội Eduardo Cunha bị phế truất

Hôm qua, 12/09/2016, ông Eduardo Cunha, 58 tuổi, cựu chủ tịch Quốc Hội Brazil và cũng là người đã từng cho khởi xướng quá trình phế truất cựu tổng thống, bà Dilma Rousseff, đã bị các dân biểu bỏ phiếu phế truất. Ông này bị cáo buộc đã che giấu một tài khoản ngân hàng cá nhân ở Thụy Sĩ và có dính lứu tới vụ tai tiếng tham nhũng của tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras.
Thông tín viên Martin Bernard từ Sao Paulo cho biết thêm chi tiết :
« Sau gần một năm tiến hành các thủ tục điều tra, Quốc hội Brazil cuối cùng đã quyết định phế truất ông Eduardo Cunha, với số phiếu cao : 450 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 9 phiếu vắng. Là người trước đây đầy thế lực, cựu chủ tịch Quốc Hội đã bị phần đông đồng minh của mình bỏ rơi.
Đã từng bị Tòa án tối cao Brazil đình chỉ chức vụ hồi tháng Năm vừa rồi, vì bị nghi ngờ dính líu tới tham nhũng, ông Eduardo Cunha đã thua trong cuộc chiến cuối cùng, chỉ hai tuần sau khi cựu nữ tổng thống Dilma Rousseff và cũng từng là kẻ thù không đội trời chung với ông bị phế truất. Chính ông đã từng ủng hộ việc tiến hành điều tra nữ tổng thống cánh tả này và ông vẫn luôn tin rằng mình là nạn nhân của một vụ thanh toán bè phái.
Bị xem là có vấn đề về tâm thần và là thành viên của xã hội đen (mafia), ông này sẽ phải trình bày trước tư pháp về những nghi ngờ có dính líu đến nhiều vụ tai tiếng tham nhũng, mà báo giới tại Brazil đã nói nhiều đến từ mấy năm nay ».

Mỹ: Điều gì diễn ra

nếu một ứng viên tổng thống bỏ cuộc trước ngày bầu cử ?

Tình trạng sức khỏe của bà Hillary Clinton tiếp tục chiếm trang nhất trên báo chí Mỹ, sau vụ bà bị choáng phải rời lễ kỷ niệm ngày 11 tháng Chín. Nhưng ngoài trường hợp bà Hillary, tuổi tác của hai ứng cử viên còn là vấn đề, vì cả hai đã ở vào lứa tuổi 70. Các luật gia xem xét lại các quy định về người thay thế, trong trường hợp một trong hai ứng cử viên chính thức không thể tham gia trước ngày bầu cử 8/11 tới.
Từ Washington, thông tín viên RFI Anne-Marie Capomaccio tường trình :
« Trường hợp này chưa từng xảy ra đối với một ứng cử viên tổng thống. Hai ví dụ được các luật gia nêu ra liên quan đến vụ một phó tổng thống qua đời, hay rút lui ngay trước cuộc bầu cử, và trong cả hai trường hợp này, ứng cử viên coi như thất bại. Như vậy câu chuyện dừng lại ở đây.
Liên quan đến vụ việc đang gây tranh cãi tại Hoa Kỳ những ngày gần đây, câu trả lời phức tạp hơn, vì Hiến pháp Mỹ không hề dự kiến. Chính các đảng chính trị mới có quyền quyết định.
Phía đảng Cộng Hòa, ban lãnh đạo có sự chọn lựa giữa việc khẩn cấp tổ chức một đại hội mới – một việc hết sức khó khăn, hay chỉ nhóm lãnh đạo họp và đưa ra quyết định.
Đối với đảng Dân Chủ, quy định dự kiến tổ chức một cuộc họp giữa ban lãnh đạo, bỏ phiếu để chọn ra người thay thế. Điều này có nghĩa là ứng cử viên đã thất bại là ông Bernie Sander không được hưởng một ưu tiên nào. Một nhân vật chưa từng tham gia cuộc bầu cử sơ bộ có thể được « tiến cử khẩn cấp ».
Điều chắc chắn duy nhất là không có tổng thống nào đã hoàn tất hai nhiệm kỳ có thể tiếp tục nắm quyền. Về điểm này, Hiến pháp Mỹ rất dứt khoát ».

Âu- Mỹ : Khả năng TTIP bị khai tử ?

Ngày 30/08/2016 Pháp chính thức đòi tạm ngưng đàm phán về Hiệp Định Đối Tác Thương Mại và Đầu Tư TTIP Xuyên Đại Tây Dương hay còn được gọi là Hiệp Định Tự Do Mậu Dịch Xuyên Đại Tây Dương TAFTA đang được Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu thương thuyết. Công luận tại hai khu vực kinh tế thịnh vượng nhất thế giới cùng chống đối tiến trình thành lập một khu vực tự do mậu dịch chung. TTIP hay TAFTA là gì và tại sao sau 14 vòng đàm phán, sáng kiến của tổng thống Barack Obama lại vấp phải sự chống đối ngày càng gay gắt cả từ phía công luận Mỹ lẫn châu Âu ?
Một phần công luận Mỹ và châu Âu quy trách nhiệm cho chính sách toàn cầu hóa mở ra từ đầu những thập niên 1980/1990 cướp đi công việc làm của hàng chục triệu người, một tầng lớp bị gạt ra ngoài con tàu tăng trưởng. Sau nhiều năm hứng chịu hậu quả của khủng hoảng tài chính và ngân hàng, tinh thần bài toàn cầu hóa càng rõ nét. Nền công nghiệp ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương bị cạnh tranh dữ dội. Lương trung bình sa sút khi bị lương rẻ của châu Á cạnh tranh. Đời sống của cả một tầng lớp trong xã hội Âu Mỹ điêu đứng khi bị mất việc làm vì các công xưởng di dời cơ sở sản xuất.
Nước Mỹ ba tháng trước bầu cử tổng thống, Pháp và Đức, hai đầu nền kinh tế nặng ký nhất trong Liên Hiệp Châu Âu, cũng sẽ tổ chức bầu cử lại vào năm 2017. Tinh thần chống toàn cầu hóa càng dâng cao. Tất cả mọi dồn nén, bức xúc như đang tập trung vào Hiệp Định Đối Tác Thương Mại và Đầu Tư Xuyên Đại Tây Dương TTIP.
Đồng hóa các chuẩn mực phi quan thuế
Năm 2013, sau khi tái đắc cử tổng thống thêm một nhiệm kỳ thứ hai, Barack Obama đề nghị cùng với Liên Hiệp Châu Âu tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung trên cơ sở Washington và Bruxelles cùng có chung các chuẩn mực về y tế, về an toàn, về môi trường và xã hội trong các hoạt động thương mại và đầu tư.
Nhà Trắng đặc biệt chú ý đến vế « hàng rào phi quan thuế » vì muốn cùng với châu Âu có chung một tiếng nói để làm đối trọng với nhà vô địch về xuất nhập khẩu là Trung Quốc : Mỹ muốn tránh để Trung Quốc, với số lượng hàng hóa quá lớn đang tràn ngập thị trường quốc tế, nay mai áp đặt luôn cả luật chơi trên thị trường, chẳng những về giá cả mà còn luôn cả về các tiêu chuẩn an toàn, hay lao động, xã hội.
Để thuyết phục châu Âu đồng ý thương lượng, Hoa Kỳ nêu ra những lợi thế của một thỏa thuận TTIP như là : một khi khu vực tự do mậu dịch với 820 triệu dân đi vào hoạt động, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu mỗi bên sẽ thu vào thêm được 100 tỷ đô la nhờ xóa bỏ các hạn ngạch xuất nhập khẩu và chuẩn mực phi quan thuế ; TTIP cũng sẽ là chiếc đũa thần tạo thêm 2 triệu công việc làm cho Lục địa Già.
Luật chơi đề ra ban đầu tương đối đơn giản, dựa trên hai nguyên tắc : một là giảm hạn ngạch thuế xuất nhập khẩu để thúc đẩy mậu dịch hai chiều. Hai là có chung những chuẩn mực giữa Âu và Mỹ để hàng hóa, cũng như các dịch vụ của mỗi bên dễ dàng thâm nhập vào thị trường của phía bên kia hơn.
Một thí dụ trong việc đồng hóa các chuẩn mực giữa hai bờ Đại Tây Dương dễ được chấp nhận là hiện tại đèn xe hơi bên Mỹ màu vàng, trong lúc của châu Âu là màu trắng. Vì vậy một hãng xe châu Âu cần phản sản xuất cả hai loại đèn để lắp cho xe bán trên hai thị trường Âu và Mỹ. Với TTIP thì hoặc Mỹ chịu dùng đèn trắng như châu Âu, hoặc là Liên Hiệp Châu Âu sẽ dùng đèn vàng như bên Mỹ.
Vấn đề đặt ra là hai đối tác lại không có cùng quan điểm. Tiêu biểu nhất là cuộc đọ sức từ hàng chục năm nay trên vấn đề bắp chuyển đổi gen. Người Mỹ từ lâu đã quen với bắp OGM. Pháp và châu Âu vẫn cấm ngũ cốc, lương thực chuyển đối giống.
« Hộp đen » TTIP với những gì trong đó ?
Sau 14 vòng đàm phán mở ra liên tiếp trong ba năm qua, TTIP vẫn hoàn toàn bế tắc vì rất nhiều lý do. Thứ nhất cho tới tháng 5/2016 khi tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace tiết lộ gần 250 trang nội dung vòng đàm phán thứ 13 giữa hai bờ Đại Tây Dương, công chúng mới biết được về nội dung và khác biệt quan điểm của mỗi bên. Nói cách khác, các cuộc thương lượng liên tiếp giữa Âu và Mỹ là một chiếc hộp đen mà không ai biết là có những gì trong đó.
Lý do thứ hai là từ khi vòng đàm phán đầu tiên được khởi động vào giữa năm 2013, đôi bên vẫn không giải tỏa được nỗi « ám ảnh và lo sợ » của đối phương. Trả lời đài RFI chuyên gia kinh tế Thomas Porcher, Đại học Paris 1 Sorbonne nhấn mạnh đến khả năng, mỗi bên khai thác và diễn giải thỏa thuận theo hướng của mình để áp đặt luật chơi lên đối phương :
« Trong tất cả những văn bản đàm phán, có rất nhiều từ ngữ cao siêu, đòi hỏi phải có một trình độ chuyên môn cao mới hiểu được. Nhưng thực chất thì đấy là những tài liệu ‘rỗng tuếch’. Không một thí dụ cụ thể nào được nêu lên, không một lĩnh vực nào được nêu đích danh, không một chuẩn mực cụ thể nào về y tế, về lao động, môi trường … được nhắc tới. Để rồi khi bước vào giai đoạn cuối của các vòng đàm phán, thì các bên dựa vào cái được gọi là ‘sự công nhận lẫn nhau’ để đưa ra đồng thuận. 
Theo tôi, cách đàm phán đó nguy hiểm, ở chỗ : Chúng ta thừa biết sức mạnh thuộc về phía nào áp đặt được những chuẩn mực của mình với đối phương. Chúng ta gọi là những nhà ‘standard maker’. Hiện nay, tất cả các đại tập đoàn đa quốc gia đều đã có những chuẩn mực của họ và không một ai dễ gì chấp nhận thay đổi những chuẩn mực đó để đi theo người khác. 
Phải công nhận là các đại tập đoàn Mỹ vừa đông lại vừa mạnh, họ lại có khả năng vận động hành lang rất cao. Tôi không tin là nhóm này dễ dàng nhượng bộ châu Âu. Điều đó có nghĩa là phía Bruxelles sẽ phải đàm phán rất gay gắt ».
Theo tài liệu được tổ chức bảo vệ môi trường Greenpeace công bố về cuộc đàm phán lần thứ 13 giũa Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu về TTIP tại New York, đã có rất nhiều đoạn được để trong ngoặc, tức là các bên còn sẽ tiếp tục thảo luận về có thể là thay đổi nội dung. Chính những khoảng trống đó gây lo ngại.
Phía châu Âu sợ là các nhà công nghiệp Mỹ nhân danh nguyên tắc « đồng hóa các chuẩn mực » để xuất khẩu thịt bò có chất kích thích hormone sang Pháp hay Đức, hoặc đông Âu ; xuất khẩu lúa mì chuyển đổi gen. Trước mắt Bruxelles bảo đảm là kịch bản này không xảy tới. Những tuyên bố đó không trấn an được công luận châu Âu.
“Bánh vẽ” của TTIP
Lý do thứ ba khiến công luận châu Âu muốn chôn vùi TTIP càng sớm càng tốt là do từ trước tới nay, các thống kê của Liên Hiệp Châu Âu thường vẽ ra những viễn cảnh kinh tế tươi sáng trước những kế hoạch thành lập một thị trường chung, một đại gia đình Châu Âu, một thị trường rộng lớn … Thực tế thường không được như vậy.
Thống kê của Liên Hiệp Châu Âu chỉ ra rằng với TTIP kể từ năm 2027, mỗi năm toàn khu vực sẽ thu về được thêm 119 tỷ euro (110 tỷ euro theo thống kê của phía Mỹ). Phe bài TTIP cho rằng, con số này là quá ít ỏi, không chính xác bởi vì, mức được hay thua của từng ngành nghề, không đồng đều.
Về tính thực hư của các con số được nêu ra, nhà nghiên cứu Elvire FABRY trung tâm Institut Jacques Delors, đặc trách về hồ sơ TTIP thận trọng cho rằng : Hiệp định xuyên Đại Tây Dương không đem lại phép lạ cho tăng trưởng và công việc làm tại Châu Âu :
« Điều mà chúng ta chờ đợi là TTIP sẽ là một đòn bẩy, một cú hích, giúp thương mại và việc làm của châu Âu vững mạnh hơn. Hiệp định xuyên Đại Tây Dương không là chiếc đũa thần. Cần phải hiểu, Liên Hiệp Châu Âu thương lượng với Mỹ để tiến tới một khu vực tự do mậu dịch chung sau khi đã đàm phán với Nhật Bản, nhiều nước Á Châu và tại Châu Mỹ La Tinh. Bruxelles đã kết thúc đàm phán với Canada, hiệp định song phương này sắp được phê chuẩn. Chúng ta đừng quên Liên Hiệp Châu Âu là siêu cường số 1 trên thế giới về mặt thương mại ».
Thomas Porcher đại học Paris 1-Sorbonne lưu ý khác biệt giữa thỏa thuận giữa Liên Hiệp Châu Âu và Hàn Quốc so với dự án giữa Bruxelles và Washington như sau :
« Liên Hiệp Châu Âu ký thỏa thuận về hiệp định tự do mậu dịch với Hàn Quốc, một bản thỏa thuận 1800 trang, nhưng cần lưu ý là Châu Âu và Hàn Quốc sản xuất những mặt hàng khác hẳn nhau, ngoại trừ ngành công nghiệp xe hơi. Ngược lại với Mỹ, chúng ta cùng bán và cùng nhập những mặt hàng, những dịch vụ rất tương đồng với nhau. Không có sự bổ sung nào cho nhau. Cạnh tranh giữa Âu và Mỹ trong tương lai sẽ rất khốc liệt. Tôi không nghĩ là TTIP sẽ làm phía Hoa Kỳ từ bỏ những lợi thế của họ để đi theo châu Âu. 
Xét cho cùng, thử hỏi rằng TTIP giúp gì cho Châu Âu trong những mục tiêu quan trọng là đem lại đà tăng trưởng, tạo công ăn việc làm cho 18 triệu người thất nghiệp, thu hẹp bất công xã hội và chống biến đổi khí hậu ? »
Với tiết lộ của Greenpeace, Bruxelles lại càng khó ăn khó nói khi tổ chức bảo vệ môi trường này chứng minh là tại Đức, nền kinh tế số 1 trong Liên Hiệp Châu Âu, thành phần chống đối TTIP rất mạnh. Nhiều tổ chức trong xã hội dân sự tại Đức lo rằng Bruxelles đã « đầu hàng » Washington ít nhất là trong hai lĩnh vực : nông nghiệp và đầu tư.
Chưa biết tương lai khu vực tự do mậu dịch chung Âu- Mỹ đi về đâu, và dù bênh hay chống, thực tế cho thấy TTIP còn đầy gian nan : cho dù Bruxelles và Washington có đạt được đồng thuận, hiệp định chỉ chính thức có hiệu lực một khi được chính phủ toàn bộ 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu và sau đó là đến lượt Nghị viện châu Âu phê chuẩn. Bước thứ ba là Hiệp ước phải có được sự đồng thuận của hơn 500 triệu công dân trong Liên Hiệp Châu Âu.
Ở đây đặt ra nhiều vấn đề : trước mắt chính phủ Hy Lạp của thủ tướng cánh tả cấp tiến Alexis Tsipras báo trước là Athens sẽ « không bao giờ » bật đèn xanh cho dự án nói trên. Trở ngại thứ hai là tại Nghị viện châu Âu, phe chống TTIP có tiếng nói rất mạnh. Hơn nữa, 28 thành viên Liên Hiệp Châu Âu sẽ phải tổ chức trưng cầu dân ý hoặc đưa TTIP ra biểu quyết tại Quốc hội. Không có gì bảo đảm là hiệp định Xuyên Đại Tây Dương sẽ vượt qua được tất cả những cửa ải đó.
Nhìn sang phía Hoa Kỳ, gần như chắc chắn là chính quyền Obama sẽ không còn tồn tại khi Âu Mỹ đồng ý về TTIP. Chủ nhân Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 4 năm sắp tới, dù là bà Hillary Clinton hay ông Donald Trump sẽ không thiết tha với Khu vực Tự do Mậu dịch Xuyên Đại Tây Dương như chính quyền mãn nhiệm của ông Barack Obama.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.