Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 10/09/2016

Saturday, September 10, 2016 7:31:00 PM // , ,

Tin Việt Nam – 10/09/2016

Biệt thư của giám đốc Sở Tài Chính

xây dựng không phép chỉ bị phạt 2 triệu đồng

Một khu biệt thự xây dựng với tổng diện tích là 8580,9 m2, không có giấy phép xây dựng, lấy cắp cây cảnh của di tích lịch sử quốc gia. Nhưng nó chỉ bị xử phạt hành chánh 2 triệu đồng, (tương đương 80 Mỹ kim). Khi sự việc được phanh phui, báo chí đặt nghi vấn là có ‘ưu ái’, vì đây là nhà được mẹ vợ giám đốc sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế đứng tên.
Mức phạt này được coi là vô lý, vì ở những trường hợp tương tự, mức phạt có thể từ 10 triệu đồng đến 40 triệu đồng (theo các Nghị định 23/2009/NĐ-CP và Nghị định số 107/2007/NĐ-CP).
Biệt thự này ở địa chỉ 126 đường Dạ Lê, phường Thủy Phương, thành phố Huế. Sự việc được phát giác vào cuối tháng 8-2016, báo chí nhận được một video clip ghi rõ hình ảnh nhóm người đã đào bới gốc sứ cổ thụ nằm tại Điện Kiến Trung, thuộc khuôn viên Đại Nội Huế. Đây là những di tích thuộc hàng quốc gia, lẽ ra cần phải được bảo vệ.
Sự việc này theo người dân tố cáo, là đã từng xảy ra nhiều lần trước đó và thường diễn ra lúc chiều tối. Trong quá trình đào bới, một gốc sứ cổ thụ được cẩu lên xe tải có bảng số 75K – 2176, và vận chuyển ra khỏi khuôn viên di tích. Người dân tố cáo cây sứ được chở đến khu biệt điện ở địa chỉ 126 Dạ Lê, là nhà của ông Sơn, giám đốc sở Tài chính tỉnh.
Báo chí nhanh chóng tiếp cận địa chỉ 126 Dạ Lê. Trong khu biệt thự có 3 cây sứ trắng thuộc hàng cổ thụ, tuổi đời dự đoán hàng chục đến hàng trăm năm. Bên trong là có xe hơi bán tải, gắn bảng số xanh (là bảng số chỉ dành cấp cho cơ quan công quyền) dùng để vận chuyển vật liệu trong khu nhà vườn. Các công trình xây dựng đang trong quá trình hoàn thiện, nhưng cảnh quan bên trong biệt thự khiến người đến thăm có cảm giác như đang lạc vào một vương phủ nào đó.
Những công nhân, thợ xây dựng tại đây cho biết cứ khoảng 3 – 4 ngày là ông Huỳnh Ngọc Sơn- giám đốc Sở Tài chính, Tỉnh ủy viên tỉnh Thừa Thiên Huế- lại đến thăm công trình.
Đến ngày 7-9, ông chủ tịch phường Thủy Phương ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với bà Trương Thị Kim (người đứng tên đăng ký số nhà) với số tiền 2 triệu đồng, và yêu cầu bà Kim phải làm thủ tục hồ sơ xin cấp giấy phép xây dựng. Nhưng theo báo chí, trong bản kê khai tài sản cán bộ, ông Huỳnh Ngọc Sơn khai đó là tài sản của mình.
Vũ Minh Ngọc / SBTN

Khai trừ Đảng với ông Trịnh Xuân Thanh

Ông Trịnh Xuân Thanh chính thức bị khai trừ Đảng sau 100% phiếu biểu quyết tại cuộc họp của Ban Bí thư Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì.
Cuộc họp hôm 8/9 khẳng định ông Thanh có trách nhiệm cho các khoản thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng khi là Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) từ 2007 đến 2013.
Ông Thanh “chưa nghiêm túc, thiếu trung thực, chưa thành khẩn tự giác nhận trách nhiệm, khuyết điểm, vi phạm của mình,” kết luận ghi.
Theo Ban Bí thư Đảng Cộng sản, khi làm Phó Chủ tịch Hậu Giang, ông dùng biển số xe công gắn vào xe ô tô tư nhân để sử dụng là “trái quy định của pháp luật, đã gây phản cảm và tạo dư luận xấu”.
Kết luận này nói ông không đủ điều kiện để được lên các chức cao hơn, nhưng “vẫn đề nghị” để nhận chức danh ở Bộ Công Thương và tỉnh Hậu Giang là “thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm và thiếu gương mẫu”.
Hôm 7/9, thông tin loan đi ông Thanh tự xin ra khỏi Đảng và trên mạng loan đi lá thư được cho là của ông chỉ trích Tổng Bí thư.
Hiện không rõ ông Thanh đang ở đâu, theo lời Tỉnh ủy Hậu Giang.
Ông Thanh đã mất vị trí Đại biểu Quốc hội và đang là đối tượng bị điều tra về các khoản lỗ thời gian ông lãnh đạo Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC).
Hôm 8/9 loan báo chính thức của Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng nói “khuyết điểm, vi phạm” của ông Thanh “rất nghiêm trọng”.
Khi kiểm điểm, ông Thanh “chưa nghiêm túc, thiếu trung thực; chưa thành khẩn, tự giác nhận vi phạm, khuyết điểm”.
Vì vậy, Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng đề nghị Ban Bí thư khai trừ đảng với ông Thanh.
Hiện tại, vẫn không rõ ông Thanh đang ở đâu vì ông chưa quay lại Hậu Giang công tác sau khi xin nghỉ phép một tháng trị bệnh.
Tin đồn ông bị bắt đã bị chính phủ Việt Nam bác bỏ.
Cuộc điều tra của Đảng đối với ông Thanh bắt đầu sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Từ 2007 đến 2013, ông Thanh là Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC).
Trước đó Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Cộng sản nói ông Thanh và ban lãnh đạo PVC đã “thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, quản lý điều hành, thiếu kiểm tra, giám sát, làm trái các quy định của pháp luật về quản lý kinh tế”.
Theo cơ quan này, do khuyết điểm khi làm ở PVC, ông “không đủ điều kiện, tiêu chuẩn” để luân chuyển hay lên cao hơn.
Tuy vậy, sau khi rời PVC năm 2013, ông Thanh được Bộ Công Thương bổ nhiệm làm Phó chánh văn phòng Bộ, rồi Vụ trưởng, Ban đổi mới doanh nghiệp Bộ.
Sang tháng 5/2015, ông Thanh luân chuyển và được bầu làm Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang.
Hội đồng bầu cử quốc gia hồi tháng Bảy quyết định hủy tư cách đại biểu Quốc hội của khóa 14 đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Đến tháng Tám, ông Thanh xin tỉnh Hậu Giang cho nghỉ phép để trị bệnh.

Thử thách quyết tâm chống tham nhũng

Nam Nguyên, phóng viên RFA
Chống tham nhũng là khẩu hiệu đầu môi chót lưỡi ở Việt Nam, tuy vậy cuộc chiến đấu này của Đảng Cộng sản đầy trắc trở, kết quả đạt được không đáng kể và tham nhũng như con quái vật nghìn tay, chặt tay này lại mọc cánh tay khác.
Chiến dịch trong sạch Đảng
Trước thực trạng nhân dân mất niềm tin vào Đảng Cộng sản, tổ chức độc tôn lãnh đạo toàn diện ở Việt Nam, Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11 ban hành đầu năm 2012 đã nhận thức tình trạng cấp bách và đặt ưu tiên về công tác xây dựng Đảng, thực chất là làm trong sạch đội ngũ Đảng.
Đòi hỏi của xã hội, của nhân dân kể cả trong nội bộ Đảng cũng mong muốn là những vụ án gần đây cần phải làm tới nơi tới chốn.
- LS Trần Quốc Thuận
Từ hơn 4 năm trước Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức tình trạng báo động của mình với lời lẽ bi thiết trong Nghị quyết Trung ương 4 khóa 11. Xin trích nguyên văn đoạn này: “Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Nổi lên một số vấn đề cấp bách sau đây: 
Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc…”
Nhìn từ bên ngoài, Tổ chức Minh bạch Quốc tế hồi đầu năm nay đã công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng (CPI) năm 2015, theo đó điểm số của Việt Nam tiếp tục là 31/100 điểm, xếp hạng 112/168 trên bảng xếp hạng tham nhũng toàn cầu. Trên thực tế trong 4 năm liên tiếp từ 2012 tới 2015 Việt Nam giữ nguyên điểm số CPI 31/100 tiếp tục nằm trong nhóm các quốc gia mà khu vực công được đánh giá là tham nhũng nghiêm trọng.
Như vậy hết một nhiệm kỳ khóa 11 của Trung ương Đảng và Nhà nước, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam vẫn không có bước đột phá nào đáng kể. Tuy rằng, Tổ chức Minh bạch Quốc tế ghi nhận Việt Nam có một số nỗ lực hoàn thiện khung pháp lý về phòng, chống tham nhũng và tăng cường thực thi pháp luật, xét xử một số vụ án tham nhũng lớn mà Việt Nam gọi là các vụ án trọng điểm.
Trên báo chí và mạng xã hội, nhiều đảng viên trung kiên mong muốn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thực hiện quyết tâm chống tham nhũng một cách toàn diện, chứ không phải vì lấn cấn chỗ này chỗ kia mà chỉ làm một vài vụ để tuyên truyền.
Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội hiện hoạt động như một luật sư nhân quyền ở TP.HCM nhận định:
Ông Trịnh Xuân Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang.
“Đòi hỏi của xã hội, của nhân dân kể cả trong nội bộ Đảng cũng mong muốn là những vụ án gần đây cần phải làm tới nơi tới chốn. Như vụ AGV Mobiphone, vụ Núi Pháo, vụ Formosa rồi vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Vinaconex… Nếu không làm tới nơi tới chốn thì có lẽ uy tín của Đảng sẽ thiệt hại vô cùng lớn… và nguy cơ nội bộ Đảng chưa chắc gì họ thống nhất cao trước việc làm, yêu cầu không đến nơi đến chốn của trên… Cho nên trong phát biểu nhân ngày 2/9 của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có nói rằng, nếu ở nơi nào có ai đó nếu làm việc mà làm không đuợc thì nên nghỉ, hoặc là lãnh đạo phải cách chức ông đó đi… Đó cũng là một lời kêu gọi rất mạnh mẽ, đó cũng là ý nguyện, ý kiến của toàn Đảng toàn dân Việt Nam hiện nay.”
Sự cấu kết trong nội bộ Đảng
Lồng trong thời sự hiện nay là vụ ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang xin ra khỏi Đảng vài ngày trước khi Ban Bí thư Trung ương nhất trí khai trừ Đảng ông này. Ông Trịnh Xuân Thanh trở thành tâm điểm dư luận giữa cơn bão thời sự thảm họa môi trường Formosa. Bởi vì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trực tiếp chỉ đạo các ban đảng và cơ quan chính phủ, phải điều tra làm rõ nghi án ông này chạy chức. Vụ việc dính líu tới ông Vũ Huy Hoàng nguyên Bộ trưởng Công thương thời Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và một số người khác.
Ngày 9/9/2016, báo điện tử Dân Trí dẫn lời ông Ngô Văn Minh đại biểu Quốc hội nói rằng, ông Trịnh Xuân Thanh không thể tự chọn chỗ cho mình. Ông Minh đã phát biểu bên lề phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị cơ quan chức năng phải làm tới nơi tới chốn vụ Trịnh Xuân Thanh và sự dính líu của bất cứ tổ chức hay cá nhân nào khác. Vẫn theo lời đại biểu Ngô Văn Minh, phải làm rõ trách nhiệm của ông Trịnh Xuân Thanh trong vai trò quản lý nhà nước vào giai đoạn giữ chức Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí để xảy ra thua lỗ 3.300 tỷ đồng.
Nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.
- TS Nguyễn Quang A
Theo lời đại biểu Ngô Văn Minh, Sau khi trở về làm việc ở Bộ Công thương, ông Trịnh Xuân Thanh không nằm trong danh sách 44 cán bộ luân chuyển mà vẫn vào được Hậu Giang làm Phó Chủ tịch tỉnh thì trách nhiệm của những ai phải làm cho rõ, bởi vì ông Trịnh Xuân Thanh không thể tự chọn chỗ cho mình.
Trong cương vị cao nhất Việt Nam, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được cho là có hành động bất thường khi đưa ra một loạt chỉ đạo cho các cơ quan Đảng và Chính phủ để làm rõ vụ Trịnh Xuân Thanh, mà ban đầu chỉ là thông tin báo chí dọn đường dư luận, phát giác ông Phó Chủ tịch Hậu Giang đi xe tư đắt tiền nhưng gắn biển số xe công. Khi có hành động như thế tất nhiên ông Tổng Bí thư phải biết con ruồi Trịnh Xuân Thanh ở Hậu Giang phải dẫn tới các con hổ ở trên núi cao Trung ương.
Ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ quyết tâm đến mức nào trong chiến dịch làm trong sạch Đảng thường được ví von là “Đả hổ diệt ruồi” phiên bản Việt Nam.
Trong dịp trả lời chúng tôi, TS Nguyễn Quang A nhà hoạt động xã hội dân sự, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển IDS ở Hà Nội đã nhận định:
Ông Nguyễn Phú Trọng muốn học ông Tập Cận Bình để đả hổ diệt ruồi, nhưng tình hình ở Việt Nam khác với Tàu. Ông Nguyễn Phú Trọng khó có thể tập trung quyền lực một cách thô bạo như Tập Cận Bình để mà làm được những việc của một nhà độc tài khủng khiếp như ông Tập Cận Bình. Nhiều khả năng, đây cũng lại là những việc làm cho xì bớt những bức xúc của người dân, rồi đâu cũng vào đấy… vì nếu mà đả hổ diệt ruồi hết cả Việt Nam thì là họ tự dẹp họ, nói chung là không khả thi.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và giới lãnh đạo ủng hộ ông đang đứng trước phép thử quyết tâm chống tham nhũng làm trong sạch Đảng. Hiện nay vụ Formosa, vụ Trịnh Xuân Thanh, vụ Núi Pháo, AGV Mobiphone hay Vinaconex tất cả đều cho thấy sự cấu kết nghiêm trọng của các nhóm quyền lực cùng quyền lợi của họ.
Giới phản biện thường gắn kết câu chuyện chống tham nhũng với thanh trừng nội bộ để thâu tóm quyền lợi cho nhóm của mình. Tuy vậy, trên một ý nghĩa nào đó diệt những con sâu mọt trong hàng ngũ đảng Cộng sản Việt Nam cũng là một nhu cầu bức thiết cho Đảng và người dân của chế độ toàn trị.

Hậu Giang ‘triệu tập’ ông Trịnh Xuân Thanh

Tỉnh ủy Hậu Giang vừa gửi công văn triệu tập đến nhà riêng của ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, và yêu cầu ông này phải xuất hiện nội trong 4 ngày nữa.
Báo Tuổi Trẻ dẫn lời ông Lý Công Chính, Chánh văn phòng Tỉnh ủy Hậu Giang, cho biết ông Trịnh Xuân Thanh được yêu cầu phải có mặt tại Hậu Giang vào thứ Ba tuần tới (13/9) để “làm rõ các vấn đề liên quan tới đơn xin rút khỏi Ban chấp hành đảng bộ tỉnh và xin ra khỏi Đảng”.
Công văn triệu tập được đưa ra sau cuộc họp kín của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, với sự chủ trì của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại trụ sở Trung ương đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày hôm qua (8/9).
Bản tin của báo mạng Zing cho biết tại cuộc họp này, Ban Bí thư đã “nhất trí rất cao” với 100% phiếu kín quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức “khai trừ ra khỏi Đảng” đối với ông Trịnh Xuân Thanh.
Trước đó vào ngày 7/9, báo Thanh Niên cho biết ông Trịnh Xuân Thanh đã chủ động gọi điện thoại cho phóng viên của báo này và cho biết ông đã gửi đơn xin ra khỏi Đảng và lá đơn được cho là của ông Trịnh Xuân Thanh lan truyền trên mạng cho biết lý do là “vì không tin vào sự chỉ đạo của đồng chí Tổng bí thư”.
Ông Trịnh Xuân Thanh đã xin nghỉ phép 1 tháng để chữa bệnh sau khi bị điều tra về những sai phạm dẫn đến thua lỗ hơn 3.200 tỷ đồng của Tổng công ty cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC) trong thời gian ông Trịnh Xuân Thanh giữ các cương vị Phó bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị tại đây.
Việc không xuất hiện khi hết phép vào ngày 3/9 và nội dung trong đơn xin ra Đảng ghi “để đảm bảo an toàn cho bản thân, tôi đã xin nghỉ phép để đi chữa bệnh ở nước ngoài” đã khiến dư luận đồn đại ông Trịnh Xuân Thanh có thể đang ở nước ngoài nhằm trốn tránh bị “xử lý” sắp tới.
Ông Trịnh Xuân Thanh bắt đầu bị chú ý vào tháng 6 vừa qua khi bị đăng trên mạng ảnh sử dụng xe mang biển số xanh [biển số xe công vụ] cho chiếc xe Lexus cá nhân. Vụ việc đã dẫn tới những điều tra về những sai phạm trong công tác quản lý cũng như công tác nhân sự trong bộ máy chính quyền Việt Nam.

Tòa tuyên án tù 36 cựu viên chức Ngân hàng Xây dựng

36 cựu viên chức Ngân hàng Xây dựng – VNCB, trong đó có cả nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Phạm Công Danh, bị Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh tuyên án sau hơn 1 tháng xét xử và 1 tuần nghị án.
Tin cho biết những bị cáo trong vụ án này thụt két hơn 400 triệu đô la, một số tiền được cho là lớn nhất trong những xì căng đan của ngành ngân hàng Việt Nam từ trước đến nay.
Hai tội danh mà tòa tuyên đối với các bị cáo là ‘cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý, gây hậu quả nghiêm trọng’ và ‘vi phạm qui định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng’.
Đối với bản thân bị cáo Phạm Công Danh, nguyên chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng Xây dựng, chủ tịch Hội đồng Thành viên kiêm tổng giám đốc Công ty TNHH Tập đoàn Thiên Thanh, bị tuyên án 30 năm tù; và bồi hoàn cho VNCB hơn 62 tỷ đồng. Tập đoàn Thiên Thanh phải bồi hoàn cho VNCB số tiền nợ gốc của hai khoản vay 609 tỷ đồng của Thịnh Quốc và Hoàng Phương.
Những bị cáo còn lại phải chịu mức án tù cao nhất đến 22 năm tù và 3 năm quản chế.
Tai tiếng ngành ngân hàng
Ngành ngân hàng Việt Nam trong những năm gần đây xảy ra hàng loạt những vụ tai tiếng. Một số nhân vật tiếng tăm trong ngành này bị bắt với cáo buộc tham nhũng, biển thủ và thiếu năng lực điều hành ngân hàng.
Hồi đầu năm, có ba viên chức ngân hàng cấp cao và sáu viên chức chứng khoán bị bắt trong vụ lừa đảo hàng triệu đô la tại Ngân hàng Phát triển Nhà Đồng bằng Sông Cửu Long MHB. Đây là một trong 5 ngân hàng thương mại Nhà nước thành lập theo quyết định 769 của thủ tướng chính phủ và là một trong 7 ngân hàng hàng đầu của Việt Nam xét về mặt tổng tài sản.
Cựu chủ tịch Ngân hàng Đại Dương, Hà Văn Thắm, hiện đang bị giam chờ ngày ra tòa cũng vì vi phạm các qui định quản lý kinh tế, trong đó có việc chuẩn thuận cho vay hằng triệu đô la mà không có thế chấp.
Vào tháng 7 năm ngoái cựu chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị bắt vì cáo buộc sai phạm dẫn đến hậu quả mất 38 triệu đô la đầu tư vào Ngân hàng Đại Dương.

Dân oan đất đai Vũ Thị Hải mãn án tù

Dân oan đất đai Vũ Thị Hải hôm qua kết thúc 15 tháng phải thi hành án tù mà bà này cho là bất công chỉ vì đi đòi hỏi công lý đối với trường hợp đất đai của gia đình.
Con gái bà Vũ Thị Hải hôm nay cho Đài Á Châu Tự Do biết thông tin người mẹ mới mãn án tù như sau:
“Hôm qua mẹ từ trại giam về đến Hà Nội lúc chừng 10 giờ sáng, sau đó đi thăm bà con mãi đến chừng 10 giờ tối mới về đến nhà.
Khi gặp thì mẹ nói sức khỏe ở trong Trại bị khớp… rồi ăn uống cũng không được tốt nhưng không bị đánh như khi mới bị bắt.
Đất đai thì gia đình vẫn làm nhưng sổ thì thuộc về người khác; nếu mẹ không tiếp tục khiếu nại sẽ bị mất.”
Bà Vũ thị Hải quê quán ở xã Thạch Bình, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Bà này đi khiếu kiện về trường hợp đất đai của gia đình hơn chục năm qua.
Vào ngày 9 tháng 6 năm ngoái bà bị bắt khi cùng một số người khiếu kiện khác ở Hà Nội khi đến trước tòa nhà Quốc hội kêu oan. Bà bị đưa ra tòa xử sơ thẩm hôm 28 tháng 9 năm 2015 và bị tòa án quận Ba Đình tuyên 18 tháng tù với tội danh ‘gây rối trật tự công cộng’.
Phiên phúc thẩm hôm ngày 9 tháng 12 năm 2015 bà được giảm án 3 tháng còn 15 tháng tù. Có 4 luật sư tham gia bào chữa cho bà tại tòa là Trần Thu Nam, Lê Văn Luân, Nguyễn Hà Luân và Nguyễn Thị Huệ.
Các phiên xử dù được thông báo là công khai nhưng con trai bà Vũ thị Hải là Dương Văn Tuyến không những không được vào tham dự mà còn bị bắt về đồn công an trong khi tiến trình xét xử diễn ra.

Trao đổi Thư tín ngày 9.9.2016

Hòa Ái, phóng viên RFA
Trong tuần qua, thời điểm tựu trường của năm học mới rộn ràng khắp nơi nơi; tuy nhiên một trong những thông tin liên quan được dư luận đặc biệt chú ý là 1.500 học sinh thuộc các bậc mầm non, tiểu học và trung học cơ sở ở Hà Tĩnh, nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thảm họa môi trường biển miền Trung do nhà máy thép Hưng Nghiệp Formosa gây ra, đã không đến dự lễ khai giảng.
Những ai quan tâm đến thông này đều cho rằng thật là phi lý khi truyền thông Việt Nam loan tin các em không được đến trường vì bị phụ huynh ngăn trở. Một số khán thính giả và độc giả Đài Á Châu Tự Do nêu lên vấn đề cái ăn, cái mặc còn không có thì lấy đâu ra tiền để mua tập vở mà đi học.
Nhiều người bày tỏ sự hài lòng khi nghe tin ông Nguyễn Hữu Sum, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thị xã Kỳ Anh nói với báo giới trong nước rằng chính quyền địa phương đã có quyết định miễn học phí cho gia đình các em học sinh đó.
Nhân dịp năm học mới vừa khai giảng, Hòa Ái cũng ghi nhận rất nhiều gia đình có con em đang học phổ thông hoang mang, lo lắng trước thông tin học sinh phải học chữ Hán.
Chuyện học chữ Hán
Qua bài tìm hiểu “Tại sao học sinh phải học chữ Hán” do Biên tập viên Mặc Lâm thực hiện, nhiều thính giả Đài RFA cho rằng nếu Bộ Giáo dục-Đào tạo Việt Nam thực hiện chương trình dạy tiếng Hán cho học sinh phổ thông thì sẽ rất tốn kém và không hiệu quả. Tiếp theo trong chương trình, Hòa Ái trích đăng một vài ý kiến liên quan:
“Quan điểm học sinh Việt Nam cần học chữ Hán cũng lỗi thời y như quan điểm sinh viên Việt Nam phải học triết học Mác-Lê Nin. Cần phải hiểu rằng ngôn ngữ tồn tại và phát triển như một thực thể sinh học; nghĩa là nó cũng chịu sự chi phối của chu trình sinh-lão-bệnh-tử. Có những từ cổ bị đào thải, những từ mới liên tục phát sinh. Có những từ biến thể theo hướng thu hẹp nghĩa hay mở rộng nghĩa, hoặc biến thoái theo nghĩa khác đi…Nói như trên để thấy rằng sức sống cùng sự phát triển của một ngôn ngữ là hết sức sinh động, biến hóa, luôn tươi mới; đừng vì những quan điểm cổ hũ, giáo điều mà đòi đưa ra những qui định trói buộc cứng nhắc.”
Quan điểm học sinh Việt Nam cần học chữ Hán cũng lỗi thời y như quan điểm sinh viên Việt Nam phải học triết học Mác-Lê Nin.
- Một độc giả
“Tôi thấy hồi thập niên 80, Bộ Giáo dục-Đào tạo hết khuyến khích rồi bắt buộc học môn tiếng Nga nhưng sau vài năm thì tình hình chẳng phát huy hiệu quả chút nào. Nay lại muốn dạy môn tiếng Hán nữa. Liệu trong tương lai, Bộ Giáo dục-Đào tạo còn chuyển sang môn ngoại ngữ nào nữa không hay vẫn kiên trì theo đề án dạy môn tiếng Hán?”
“Việc muốn đưa chữ Hán vào trường học là một trong ba bước để Việt Nam trở lại phò Hán. Bước một là cho các công ty Trung Quốc trúng thầu để đưa công dân Hán vào Việt Nam hợp pháp. Bước hai là xây dựng các viện Không tử, khu văn hóa Hán, đưa chữ Hán vào trường phổ thông. Bước ba là đưa người Hán và người Việt thân Hán lãnh đạo Việt Nam. Viễn ảnh có thể nhìn thấy được khi Đảng Cộng sản Việt Nam một mực khẳng định Trung Quốc là người bạn ‘4 tốt-16 chữ vàng’ trên tinh thần ‘núi liền núi, sông liền sông’ như Tập Cận Bình đã nói.”Ý
Ý kiến vừa rồi cũng là lời bình luận của rất nhiều khán thính giả và độc giả trên trang Facebook RFA. Bên cạnh đó, cũng có nhiều chia sẻ của các bậc phụ huynh than thở con em mình phải gánh gồng với chương trình học quá sức rồi nay nếu phải học chữ Hán tức là thêm một gánh nặng nữa cho học sinh.
Chuyện học thêm
Nhắc đến học sinh có nhu cầu học thêm thì giáo viên phải dạy thêm để đáp ứng nhu cầu đó. Thế nhưng, trong tuần qua dư luận sôi nổi lạm bàn về văn bản số 2941 của Sở Giáo dục-Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu tất cả cơ sở giáo dục trong thành phố thực hiện cấm dạy thêm, học thêm cấp phổ thông kể từ năm học 2016-2017.
Mặc dù việc dạy thêm và học thêm được xem là sinh hoạt bình thường trong môi trường giáo dục của mọi xã hội nhưng trước thực trạng tiêu cực của việc dạy thêm tràn lan ở Việt Nam, nhiều người ủng hộ chủ trương cấm dạy thêm của giới chức lãnh đạo ngành giáo dục. Thính giả Tommy kêu gọi “Hãy trả lại tuổi thơ và những giờ nghỉ cho học sinh. Thầy cô làm tiền trên cả học sinh mầm non”. Thính giả Rừng Xanh cho rằng “Rất nên cấm dạy thêm. Có thầy cô còn nhắc nhở nhau là chỉ dạy một nửa trong lớp, không cho học sinh hiểu thì mới chịu học thêm”. Tuy vậy, nhiều thính giả khác lên tiếng xin cứu lấy những giáo viên lương thiện và có tâm trước quyết định cấm dạy thêm. Thính giả Phan Van An nói “Rất thông cảm thầy cô phải dạy thêm để kiếm sống. Trách nhiệm này thuộc Bộ Giáo Giục phải nâng cao đời sống thầy cô và giảm tải đầu óc học sinh”. Và thính giả HuongLan Nguyen khẳng định “Kiến thức cồng kềnh. Tiền lương giáo viên không đủ sống. Muốn cấm dạy thêm học thêm thì cần giải quyết được 2 vấn đề này”. Tiếp theo đây, Hòa Ái gửi đến lời chia sẻ của thính giả Vũ, từng là giáo viên ở miền Nam, Việt Nam trước năm 1975:
“Tôi bắt đầu dạy học năm 1960 với lương là hai (2) cây vàng: rất đủ sống. Dù là thầy giáo cũng phải trau dồi thêm kiến thức và tôi đã học thêm vì sự hiểu biết là vô tận, luôn có nhiều phát minh mới. Học sinh tiểu, trung học không phải đóng học phí. Lãnh đạo Việt Nam thời nay cần có trách nhiệm thực hiện giống như vậy vì tương lai của các thế hệ con cháu.”
Trong tuần qua, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng nhắc nhớ về một giai đoạn lịch sử đối với những người con dân đất Việt. Thính giả Nghiem Vo chia sẻ nhân sự kiện Tổng thống Pháp đến Việt Nam khiến cho ông hồi tưởng về thời kỳ Thực dân Pháp đô hộ kéo dài cả thập kỷ. Đối với ông, gần một trăm năm, hậu quả thiệt hại cho dân tộc đương nhiên là có nhưng quốc gia cũng được những ích lợi còn duy trì đến tận ngày nay. Trong đó phải kể đến chữ quốc ngữ mà ông Alexander De Rhodes và nhà bác học lỗi lạc Trương Vĩnh Ký có công đóng góp nhiều nhất, Bác sĩ Yersin và bà Marie Curie… đã góp phần nghiên cứu và giúp đỡ người Việt trong nhiều lãnh vực.
Rất thông cảm thầy cô phải dạy thêm để kiếm sống. Trách nhiệm này thuộc Bộ Giáo Giục phải nâng cao đời sống thầy cô và giảm tải đầu óc học sinh.
- Thính giả Phan Van An 
Trong khi đó, thính giả Sáu Nguyễn qua email gửi về đài viết rằng ông nhớ đến các nhà chí sĩ yêu nước thời Pháp thuộc như Phan Bội Châu khi Tổng thống Hollande yêu cầu chính quyền Hà Nội trả tự do cho 4 nhà bất đồng chính kiến hiện đang bị giam giữ dù Việt Nam độc lập và có chủ quyền dân tộc. Ông Sáu Nguyễn nhờ qua làn sóng phát thanh Đài RFA chuyển đến thính giả để hỏi thăm mấy ai giống như ông với thắc mắc những gì người dân Việt được và mất trong thời gian Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo 71 năm qua có tương đồng so với thời gian Pháp đô hộ hay không?
Trong thời gian còn lại của chương trình, Hòa Ai xin được trả lời tin nhắn của một thính giả ở Hoa Kỳ:
“Tôi muốn nói về trang Facebook của Đài Á Châu Tự Do. Tôi thường xuyên theo dõi tin tức và tôi cũng ‘Like” nhiều bản tin của đài. Nhưng mỗi bản tin tôi ‘Like” thì đài có đăng hình của tôi, trong đó tôi thấy có 3 hình: cô Hoàng Dung, tôi và một-hai bạn trẻ nữa. Ví dụ tôi thấy ‘You and 509 Like’ Tôi yêu cầu đài bỏ hình của tôi xuống vì tôi sắp về Việt Nam do bố tôi bị đau nặng. Những người em của tôi bảo nếu tôi làm như vậy thì về Việt Nam bị chận không cho vô. Lo lắng chút xíu vậy thôi. Tôi cũng sợ giống Chân Như vô lại mất công, phiền phức trong lúc bố tôi nguy kịch như vậy. Xin cảm ơn nhiều.”
Quý thính giả quý mến, thay mặt ban Việt ngữ, Hòa Ái cảm ơn quý vị luôn theo dõi tin tức của đài. Hòa Ái xin được thưa Đài Á Châu Tự Do không để tên quý vị trên trang Facebook RFA mà đó là tính năng tự động của trang mạng xã hội Facebook. Trong trường hợp quý thính giả có những lo ngại như trong tin nhắn, quý vị có thể vào trang Facebook RFA và chỉ cần bấm “Unlike” thì tên của quý vị sẽ không còn hiển thị. Thân mến.
Hòa Ái kính mong quý khán thính giả và độc giả tiếp tục liên lạc với đài cũng như đóng góp ý kiến về các vấn đề quý vị quan tâm. Quý vị có thể liên lạc qua email tại địa chỉ vietweb@rfa.org hoặc hoaai@rfa.org, hoặc qua hộp thư thoại tại số 202-530-7775.

Thủ tướng VN thăm Trung Quốc lần đầu

Các nhà quan sát bình luận về chuyến thăm Trung Quốc trong sáu ngày của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
Hôm 10/9, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã đến TP. Nam Ninh, bắt đầu chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 10 đến 15/9.
Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc từ khi ông nhậm chức vào tháng 4/2016.
Chuyến thăm cũng là lần đầu tiên lãnh đạo cao cấp Việt Nam thăm Trung Quốc sau cuộc chuyển giao lãnh đạo ở Đại hội XII đầu năm nay.
Theo Cổng Thông tin Điện tử Chính phủ hôm 10/9, trong chuyến thăm này, bên cạnh cuộc hội đàm với Thủ tướng Quốc Trung Quốc Lý Khắc Cường, ông Phúc cũng sẽ dự Hội chợ Trung Quốc – Asean, Hội nghị Thượng đỉnh thương mại, đầu tư Trung Quốc – Asean lần thứ 13.
Cùng ngày, báo South China Morning Post ở Hong Kong nhận định Thủ tướng Việt Nam phải đối mặt câu hỏi: Nên gần Bắc Kinh ở mức độ nào trong bối cảnh quan hệ song phương đang bị ảnh hưởng bởi tranh chấp trên Biển Đông?
“Ông Nguyễn Xuân Phúc dự kiến thúc đẩy mối quan hệ sâu sắc hơn và tiếp cận tốt hơn với thị trường đại lục.”
“Nhưng khi trở về, ông phải đối mặt với sự cảnh giác của người dân về mối đe dọa từ nước láng giềng”, báo này tường thuật lời các nhà quan sát.
Giới quan sát ngoại giao nhận xét rằng chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Việt Nam diễn ra ngay sau chuyến thăm nước này của Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch hồi tuần trước, cho thấy hai quốc gia cộng sản đang từ từ hồi phục niềm tin dù có những căng thẳng về tranh chấp hàng hải.
‘Áp lực phải đối đầu’
Bài báo South China Morning Post dẫn lời Phương Nguyễn, chuyên gia từ Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) từ Washington cho rằng Bắc Kinh muốn dùng chuyến thăm này để đánh giá chính phủ mới của Việt Nam trong lúc ông Phúc mong muốn duy trì quan hệ xây dựng với Bắc Kinh, ngay cả trong bối cảnh hai nước còn quan điểm khác biệt về vùng biển tranh chấp.
“Việc Bắc Kinh đưa giàn khoan vào Biển Đông năm 2014 làm tổn hại nghiêm trọng lòng tin chiến lược giữa hai bên, và rất khó để mọi thứ quay trở lại như xưa. Nhưng trong năm qua, Bắc Kinh và Hà Nội đã nối lại kênh thông tin liên lạc cấp cao và tăng cường các biện pháp xây dựng lòng tin,” chuyên gia này nói.
South China Morning Post cũng ghi nhận ý kiến của Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia nghiên cứu lâu năm về Việt Nam, bình luận rằng các nhà lãnh đạo hiện tại của Việt Nam, dường như tìm cách tách biệt tranh chấp Biển Đông khỏi mối quan hệ rộng lớn hơn với Trung Quốc.
“Trung Quốc và Việt Nam sẽ tái khẳng định quan hệ đối tác chiến lược toàn diện chú trọng quan hệ giao thương và đầu tư và tham vấn song phương về Biển Đông theo nguyên tắc giải quyết tranh chấp hàng hải”, ông Thayer nói.
Joshua Kurlantzick, từ Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Hoa Kỳ được báo này dẫn lời: “Bắc Kinh chắc chắn lo lắng trước việc Hà Nội tăng cường quan hệ quốc phòng với Tokyo và New Delhi và thực tế là Việt Nam đang là một trong những nước mua vũ khí lớn nhất thế giới”.
Các nhà phân tích cho rằng chính phủ Việt Nam đang chịu áp lực phải đối đầu với Bắc Kinh trong bối cảnh người dân ngày càng mong muốn chống Trung Quốc.
Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thương mại song phương giữa hai nước đạt 32,3 tỷ đôla trong sáu tháng đầu năm 2016, tăng gần 2% so với năm trước.
Trang web Chính phủ Việt Nam hôm 10/9 nói chuyến thăm của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc “sẽ thành công tốt đẹp, mở ra một trang mới năng động hơn, thực chất hơn, tích cực tạo đà phát triển lành mạnh, có chiều sâu” cho quan hệ song phương.

8 tháng đầu năm 2016: Vì sao bội chi ngân sách vẫn cao?

111 ngàn tỷ đồng là con số bội chi ngân sách của chính quyền Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2016. Nếu so với kế hoạch bội chi được quốc hội phê duyệt thì con số này có vẻ khả quan đôi chút. Tuy nhiên nếu căn cứ vào tình hình ngân sách đang thiếu hụt trầm trọng, nguồn viện trợ nước ngoài gần như đóng cửa, và chính phủ phải khuyến khích công an ra đường chặn xe để tận thu, thì số bội chi trên được coi là nguy hiểm.
Cần chú ý là trong phần chi, chi trả nợ và viện trợ nước ngoài là 96,200 tỷ đồng, bằng 62%, cho thấy hạn trả nợ và ràng buộc trong trả nợ của các chủ nợ nước ngoài là dứt khoát chứ không còn “linh hoạt” như trước đây đối với chính phủ CSVN.
Tuy thế, một phần chi khác cũng “hoàn thành kế hoạch” không kém là chi phát triển sự nghiệp kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý hành chính đạt 506,700 tỷ đồng, bằng 61.5%. Nhiều chuyên gia nhà nước đã phải than vãn rằng khối hành chính và các lực lượng vũ trang vẫn chiếm ngân sách quá cao.
Trong khi đó, phần thu lại giảm tương đối so với chi. Theo Tổng cục Thống kê, tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến thời điểm 15/8/2016 ước tính đạt 603,700 tỷ đồng, bằng 59.5% dự toán năm, trong đó thu nội địa đạt 486,200 tỷ đồng, bằng 61.9%; thu từ dầu thô đạt 24.600 tỷ đồng, chỉ bằng 45.2%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu đạt 90,200 tỷ đồng, chỉ bằng 52.4%.
Như vậy, đây là chuỗi tháng dài nhất mà tình hình thu từ dầu thô sụt giảm. Cú sốc giảm giá dầu thô từ vài năm trước vẫn để lại một dấu ấn bi thương khó quên đối với giới kinh tài Việt Nam và khiến ngân sách lao đao.
Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phải chỉ đạo Bộ Tài chính “bán tháo” cổ phần nhà nước ở 12 doanh nghiệp lớn để thu về một giá trị ước tính khoảng 150 ngàn tỷ đồng (khoảng 7 tỷ USD), chấp nhận việc nhà nước không còn “màu” trong những “con bò sữa’’. Tuy nhiên, con số này cũng chỉ bổ sung được khoảng 1,5 tháng chi ngân sách.
Ngay từ quý đầu năm 2016, một số chuyên gia nhà nước đã cho biết tình hình ngân sách năm 2016 là “rất khó khăn”. Sau đó, lại có thông tin cho biết “không thể dự đoán được tình hình ngân sách năm 2017”. Nói cách khác, ngân sách nhà nước Việt Nam đang trên đà phá sản trong vài năm tới nếu giá dầu thô không kịp đạt đến 70 USD/thùng và các loại thuế bổ đầu dân chẳng còn tác dụng bởi túi dân chẳng còn gì để thu vét.
Có một luồng nhận định cho rằng thời điểm bị xem là “tung tóe” của ngân sách Việt Nam có thể diễn ra vào cuối năm 2017, đầu năm 2018. Cũng có nhận định bi quan hơn, cho rằng thời gian mà ngân sách Việt Nam phải quỵ xuống sẽ nằm vào khoảng nửa cuối năm 2017.
Gần đây, bất ngờ có thông tin đảng cầm quyền đang dự tính kế hoạch “nhất thể hóa”, tức sẽ sáp nhập các cơ quan đảng và chính quyền làm một. Hiển nhiên thực chất của cơ chế “nhất thể hóa” này là nhằm giảm nguồn chi ngân sách cho một bộ máy quá khủng khiếp.
Lê Dung / SBTN

Ô nhiễm biển Việt Nam:

Biểu tình tại Đài Loan đòi đóng cửa Formosa

Hàng chục người Việt Nam, ngày 07/09/2016 vừa qua, đã biểu tình tại Đài Bắc, trước trụ sở công ty Formosa, để đòi công ty đóng cửa cơ sở luyện thép tại Việt Nam, sau một loạt thảm họa về môi trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống của hàng trăm nghìn người.
Theo AFP, tất cả những người Việt Nam tham gia cuộc biểu tình nói trên đều hiện sống và làm việc tại Đài Loan.
Những người biểu tình giương các khẩu hiệu như : “Formosa cút đi”, “Phá hoại môi trường là giết người”… Anh Nguyễn Đức Huy, một người lao động Việt Nam có gia đình sống tại tỉnh Hà Tĩnh, nơi bị thảm họa ảnh hưởng cho AFP biết : “Dân chúng tại khu vực này phải chịu rất nhiều thiệt hại trong vụ này. Rất nhiều người mất hết công ăn việc làm, bởi vì không còn có thể đánh bắt cá ở biển. Công ty (Formosa) thật là vô trách nhiệm. Chúng tôi muốn họ rút khỏi Việt Nam và ngừng hủy hoại môi trường”.
Anh Huy cho biết thêm Formosa không chỉ làm ô nhiễm biển, mà còn đang chôn các chất thải độc hại ở khắp nơi. Theo báo chí Việt Nam, có đến hàng trăm tấn rác thải chưa qua xử lý được chôn cất như vậy.
Những người biểu tình chống Formosa tại Đài Bắc chỉ trích chính quyền Việt Nam thiếu minh bạch trong việc xử lý thảm họa lớn chưa từng có này. Họ yêu cầu chính quyền công khai các kết quả điều tra về biển nhiễm độc và giám sát chặt chẽ việc đền bù.
Hồi cuối tháng 6/2016, công ty Formosa – nổi tiếng toàn cầu về các hoạt động hủy hoại môi trường – chính thức thừa nhận sai lầm, xin lỗi và chấp nhận trả 500 triệu đô la tiền bồi thường. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng số tiền đó hoàn toàn không thấm gì so với các tổn hại môi trường do công ty này gây ra.
Cuộc biểu tình chống Formosa tại Đài Bắc diễn ra trong bối cảnh dư luận dường như có phần lắng xuống, sau khi Formosa chấp nhận xin lỗi và đền bù số tiền nói trên.
Theo AFP, cho đến nay, báo chí chính thức trong nước chỉ nêu ra duy nhất một người tử vong có thể do nhiễm độc biển miền trung. Đó là trường hợp người thợ lặn Lê Văn Ngày. Nhiều nhà hoạt động xã hội, nhân quyền tố cáo chính quyền Việt Nam đã ngăn cản việc làm sáng tỏ tình trạng nhiễm độc môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe người dân khu vực miền trung như thế nào. Cụ thể là không công khai các xét nghiệm y tế về thể trạng người thợ lặn nói trên, cũng như cản trở việc khám chữa bệnh đối với người dân nói chung tại khu vực này, bị ảnh hưởng sau khi tiếp xúc với môi trường nước biển hay cá biển.
Hôm 31/08, 18 tổ chức xã hội dân sự ở Việt Nam ra một tuyên bố chung, ủng hộ việc đưa “Formosa và các đồng phạm… ra trước vành móng ngựa”.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.