Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giới – 10/09/2016

Saturday, September 10, 2016 7:36:00 PM // , ,

Tin khắp nơi – 10/09/2016

Bà Clinton:

Một nửa số người ủng hộ ông Trump thuộc ‘nhóm người tệ hại’

Ứng cử viên tổng thống bên đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton nói rằng một nửa người ủng hộ ông Donald Trump, tức đối thủ của bà bên đảng Cộng hòa, nằm trong “nhóm những người tệ hại.” Phát biểu hôm thứ Sáu tại một buổi gây quỹ của người đồng tính ở New York, bà Clinton nói những người ủng hộ đó là “những người kỳ thị chủng tộc, ghê sợ đồng tính, bài ngoại, chống Hồi giáo, và còn nhiều nữa.”
Bà Clinton nói: “Thật đáng tiếc là có những người như vậy, và ông Trump lại khuyến khích họ.” Vị cựu bộ trưởng ngoại giao của Mỹ nói rằng có một số trong nhóm những người đó là không thể cải tạo được, và những người đó không đại diện cho nước Mỹ.”
Ứng cử viên của đảng Dân chủ này nói tiếp rằng nửa số người ủng hộ tỉ phú Donald Trump còn lại là những người tuyệt vọng mong chờ thay đổi và cảm thấy bị chính phủ bỏ rơi. Bà Clinton nói: “Họ không tin tất cả mọi thứ ông Trump hứa hẹn, nhưng hình như ông lợi dụng một số người hy vọng là cuộc đời họ sẽ thay đổi. Đó là những người chúng ta phải thông cảm và an ủi.”
Ông Jason Miller, cố vấn cao cấp về truyền thông cho ông Trump, nói trong một thông báo rằng phát biểu của bà Clinton “cho thấy bà ấy suy nghĩ nông cạn thế nào về những người cần cù lao động trên khắp nước Mỹ.”

Tổng thống Obama:

‘Khủng bố sẽ không bao giờ thắng được Hoa Kỳ’

Trong bài diễn văn hàng tuần hôm thứ Bảy, Tổng thống Barack Obama nói: “Các đây 15 năm, một ngày trong tháng 9 bắt đầu như mọi ngày, nhưng đã trở thành một trong những ngày đen tối nhất của lịch sử quốc gia.”
Chủ nhật này đánh dấu 15 năm các cuộc tấn công khủng bố ngày 11 tháng 9 tại Hoa Kỳ – ở thành phố New York, vùng nông thôn của bang Pennsylvania, và Ngũ giác đài ở thủ đô Washington.
Tổng thống Obama nói rằng gần “3.000 người vô tội đã thiệt mạng” trong ngày 11 tháng 9 đó, họ thuộc đủ mọi thành phần, chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng, từ khắp nơi của nước Mỹ và trên toàn thế giới.
Tổng thống Obama nói có rất nhiều sự thay đổi trong 15 năm qua, nhưng “cũng quan trọng cần phải nhớ rằng có điều không thay đổi – đó là những giá trị cốt lõi xác định chúng ta là người Mỹ. Khả năng chịu đựng và hồi phục của chúng ta… những kẻ khủng bố sẽ không bao giờ thắng nổi Hoa Kỳ.”
Trong ngày lễ tưởng niệm 11-9 toàn quốc hàng năm vào Chủ nhật, Tổng thống Obama sẽ cử hành phút mặc niệm tại Tòa Bạch Ốc. Sau đó, ông sẽ phát biểu tại lễ tưởng nhiệm được tổ chức tại Ngũ giác đài để vinh danh những người đã thiệt mạng trong các cuộc tấn công khủng bố đó cách đây 15 năm.
Gần Shanksville ở miền tây bang Pennsylvania, một Đài tưởng niệm quốc gia được dựng lên để tưởng nhớ các hành khách và nhân viên phi hành đoàn của chiếc máy bay số 93 đã dũng cảm chống lại những tên khủng bố cướp chiếc máy bay.
Một Viện bảo tàng 11 tháng 9 được thành lập tại địa điểm tòa tháp đôi World Trade Center từng tọa lạc ở New York, trưng bày các đồ vật và hình ảnh liên quan đến vụ tấn công.
Tại Ngũ giác đài, 184 người thiệt mạng ngày 11 tháng 9 năm 2001 được vinh danh với 184 băng ghế ở đài tưởng niệm nhìn xuống các hồ nước.

11/9: Al-Qaeda kêu gọi Hồi giáo chống Mỹ

WASHINGTON —
Al-Qaida kêu gọi người Hồi giáo tham gia cuộc chiến của tổ chức khủng bố này chống lại Mỹ nhân dịp kỷ niệm 15 năm ngày xảy ra các cuộc tấn công đẫm máu 11/9 nhắm vào Trung tâm Thương mại Thế giới và Ngũ Giác đài.
Trong một video phát hành ngày 9/9 trên Internet nhan đề ‘Những kẻ thách thức sự bất công’, thủ lĩnh al-Qaeda, Ayman al-Zawahiri, tuyên bố các vụ tấn công 11/9 nhắc nhớ người Hồi giáo về quyền lực của họ và ‘khả năng ngăn chặn xâm lược’ của họ.
Thủ lĩnh al-Qaeda cũng lưu ý sự kỳ thị chủng tộc đang diễn ra tại Mỹ và thúc giục người Mỹ da đen cải đạo sang Hồi giáo.
Các quan chức tình báo Mỹ nói họ biết tin về đoạn clip này. Ít nhất một giới chức đã hạ thấp tầm quan trọng của đoạn video và gọi Zawahiri là ‘một nhân vật bên lề.’
Quan chức này cũng cho biết rằng dù vẫn là mối đe dọa đối với Hoa Kỳ, nhưng cốt lõi của al-Qaeda đã bị ‘thui chột’.
Tuy nhiên, các thành viên khác của cộng đồng tình báo Hoa Kỳ không xem nhẹ mối đe dọa từ al-Qaeda, mặc dù tổ chức này đã bị lu mờ bởi nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo.
Trong buổi điều trần trước Quốc hội hồi tháng 7, Giám đốc Trung tâm chống khủng bố Quốc gia, Nicholas Rasmussen, từng gọi al-Qaeda và các nhánh liên hệ là một ‘ưu tiên chống khủng bố chính yếu.’
Các giới chức an ninh nội địa Mỹ cũng đã cảnh báo rằng al-Qaeda vẫn có ý đồ thực hiện thêm nhiều vụ tấn công kiểu 11/9, dùng máy bay thương mại đánh các mục tiêu mang tính biểu tượng.

Người Hồi giáo trong quân đội Mỹ

tìm cách thu hẹp khoảng cách văn hóa

Ứng cử viên Tổng thống Đảng Cộng hòa, Donald Trump, gây bão truyền thông khi tranh cãi với gia đình một lính Mỹ đạo Hồi hy sinh vì tổ quốc. Nhưng đằng sau hậu trường, hàng ngàn binh sĩ bộ binh, hải quân, không quân Mỹ gốc Hồi giáo đang âm thầm phục vụ đất nước. Trong Câu chuyện nước Mỹ tuần này, mời quí thính giả theo dõi tường trình của Thông tín viên Đài VOA Carla Babb và Tabina Naeem về một tuyên úy Hồi giáo trong quân đội Mỹ và một chương trình thăm viếng những bệnh nhân cô đơn do một đền thờ Hồi giáo tại thành phố Falls Church, bang Virginia, tổ chức. Bên trong nhà nguyện tưởng niệm biến cố 11 tháng 9 tại Ngũ Giác Đài vang lên lời kinh cầu của tín đồ Hồi giáo. Nhà nguyện này được xây ngay địa điểm các phần tử cực đoan Hồi giáo đã tấn công tòa nhà cách đây gần 15 năm.
Ông Dawud Agbere là 1 trong 5 tuyên úy Hồi giáo. Kể từ khi làm việc tại Ngũ Giác Đài, ông hướng dẫn giờ cầu nguyện buổi chiều tại đây giúp các tín hữu Hồi giáo tương giao với đấng Tạo hóa.
Bà Habiba Heider, một nhân viên khế ước của Ngũ Giác Đài, nói:
“Đó là cộng đồng mà ông ấy đã xây dựng ở đây, tạo điều kiện để chúng tôi đến cầu nguyện hàng ngày, một việc làm ý nghĩa.”
Ông Agbere là một Trung tá khác với các Trung tá khác ở Mỹ. Ông sinh ra và lớn lên tại Ghana, một quốc gia Tây Phi.
Ông Agbere nói:
“Cha tôi tìm cách đưa tôi làm tuyên úy trong quân đội Ghana. Rồi sau đó tôi trúng xổ số Visa Mỹ. Đối với một người sinh trưởng ở châu Phi, không riêng gì tại Ghana, thì nước Mỹ là xứ sở của phồn vinh, là nơi bạn đến và thành công.”
Nhưng sau nhiều tháng giảng dạy các học sinh trung học ngang bướng, ông cảm thấy cần phải tìm tới những nơi kỷ luật và trật tự.
Ông tiếp lời:
“Đối với tôi, rất dễ dàng để trở thành một thành viên trong quân đội. Và tôi cảm thấy như là mái ấm của mình.”
Binh nghiệp đã đưa ông đến những vùng chiến sự như Afghanistan và Iraq. Rất nhiều khi ông là người Hồi giáo duy nhất trong đơn vị, nên ông Agbere nói ông nỗ lực để nối nhịp cầu giữa các nền văn hóa khác nhau.
Ông Agbere:
“Họ thấy tôi trong bộ quân phục này. Họ chưa từng nghĩ là có người Hồi giáo tại Mỹ, nhất là trong quân đội Mỹ. Rồi khi họ thấy, họ ngạc nhiên, nhưng sau đó họ hài lòng.”
Ở nhà, ông Agbere dạy các con về những giá trị của Hồi giáo và tầm quan trọng của bản sắc.
Anh Tilahta, con trai của ông Agbere, chia sẻ:
“Bố tôi nói với chúng tôi là chúng tôi có thể đạt được thứ hạng tốt trong lớp, nhưng không có bản sắc thì chẳng có ý nghĩa gì cả.”
Với những tranh cãi chính trị chung quanh đề nghị cấm người Hồi giáo vào Mỹ, ông Agbere dạy gia đình ông là vẫn nên tử tế đối với người khác.
Là một tuyên úy trong quân đội, ông đã phục vụ nước Mỹ gần hai thập niên, nhưng ông không phán xét những người tìm cách bôi nhọ tín ngưỡng của mình.
Ông nói:
“Chắc chắn những chuyện này là do thiếu hiểu biết và tôi luôn luôn lấy đó làm cơ hội để dạy người khác. Tôi muốn tiếp tục đi tới. Tôi muốn định dạng câu chuyện của mình, chứ không để câu chuyện của mình định dạng bản thân mình.”

TT Obama: Vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên

là ‘mối đe dọa nghiêm trọng’

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm thứ Sáu lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên, gọi đó là “một mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và đối với hòa bình và ổn định quốc tế.”
Trong một thông cáo của Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama nói “những hành động khiêu khích và gây mất ổn định của Bắc Triều Tiên thay vào đó càng khiến nước này bị cô lập và làm người dân nghèo đi qua việc nước này không ngừng theo đuổi các loại vũ khí hạt nhân và năng lực phi đạn đạn đạo.”
Ông Obama cho biết ông đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Ông cho biết các nhà lãnh đạo này đã đồng ý thi hành những biện pháp trừng phạt mới nhắm vào miền Bắc, “để cho Bắc Triều Tiên thấy rằng có những hậu quả cho những hành động phi pháp và nguy hiểm của họ.”
Tổng thống cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ phòng vệ các nước đồng minh trong khu vực, thông qua việc triển khai hệ thống phòng thủ phi đạn THAAD đến Hàn Quốc.
Vài giờ sau khi Bắc Triều Tiên xác nhận đã thử hạt nhân, Tòa Bạch Ốc tái khẳng định lập trường của Mỹ về chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, và nói rằng “Hoa Kỳ không, và sẽ không bao giờ, chấp nhận Bắc Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân.”

Cơ quan tình báo Mỹ

thúc giục đối thoại về quyền riêng tư, an ninh

Các quan chức Hoa Kỳ đang thúc giục công chúng Mỹ bắt đầu một cuộc đối thoại để quyết định về sự cân bằng tốt nhất giữa sự riêng tư và an ninh. Phát biểu tại một hội nghị thượng đỉnh hàng năm ở Washington tuần này, các quan chức tình báo và an ninh nói rằng công chúng không muốn mọi thứ được giữ bí mật hoàn toàn trong khi chính quyền tìm cách chống tội phạm mạng và khủng bố.
Giám đốc cục điều tra liên bang Mỹ James Comey nói ông đồng cảm với nhu cầu của người dân muốn được giữ riêng tư các thông tin cá nhân.
Nhưng ông Comey nói ông cũng quan tâm sâu sắc về sự an toàn công cộng và rằng 2 nhu cầu này đôi khi xung khắc với nhau. Ông nói các quan chức an ninh và những người cổ vũ cho tự do dân sự cần phải bắt đầu đối thoại mang tính xây dựng để tìm ra một giải pháp khả thi.
Ông Comey nói sự riêng tư hoàn toàn chưa bao giờ là một đặc trưng trong cuộc sống của người dân Mỹ.
Trong khi đó giám đốc Cơ quan An ninh Quốc gia Michael Rogers nói có thể đạt được thỏa hiệp nếu các bên ngồi lại và bàn thảo. Ông Rogers nói các cuộc hội thoại trên toàn quốc cần phải bao gồm cả các khía cạnh kỹ thuật cũng như chính trị về việc thu thập thông tin tình báo từ những cá nhân riêng tư.
Còn giám đốc CIA John Brennan nói những căng thẳng giữa an ninh và mối quan tâm về sự riêng tư cần được giải quyết sớm.
Hội nghị 2 ngày hội tụ những quan chức an ninh cấp cao nhất của chính phủ và quân đội Mỹ cũng như các chuyên gia trong ngành và các học giả.

Tại sao nhiều người tự nguyện nhập ngũ ở Mỹ?

Hầu hết các nước đều có chế độ quân dịch bắt buộc để đáp ứng những hạn ngạch quân đội của mình. Nhưng ở Mỹ nghĩa vụ quân sự mang tính tự nguyện. Tuy nhiên nhập ngũ ở Mỹ không phải là một quá trình dễ dàng.
Trung sĩ Terrelle Thomas gia nhập Không quân Hoa Kỳ chín năm trước. Bây giờ anh là người tuyển binh tại thành phố Woodbridge, bang Virginia.
Anh cho biết:
“Lúc đó tôi còn đang đi học. Tôi tự bỏ tiền túi trả học phí. Chật vật lắm. Tôi ở cùng với cha mẹ. Tôi tự nhủ, ‘Không biết mình có thích việc này nữa hay không.’ Thế là tôi vào nói chuyện với một người tuyển binh. Ông ấy rất niềm nở. Ông ấy giải thích cặn kẽ cho tôi, và rồi tôi vào Không quân luôn.”
Đối với anh Benjamin Spahr, phục vụ trong quân đội là một truyền thống gia đình.
Tân binh Spahr chia sẻ:
“Mẹ tôi từng gia nhập Vệ binh Quốc gia, cha tôi từng là sĩ quan Không quân, vì thế từ nhỏ tôi đã quen với cuộc sống phải di chuyển chỗ ở nhiều nơi.”
Phúc lợi giáo dục mà quân đội cung cấp là một lý do khác nữa. Nhưng vào được quân đội không phải là chuyện dễ. Ngoài việc phải ở một độ tuổi nhất định, ứng viên phải trải qua kỳ thi đặc biệt, không uống rượu hay sử dụng ma túy, và phải vượt qua một cuộc kiểm tra thể chất.
Trại huấn luyện tân binh rất nghiêm khắc đòi hỏi phải có sức khỏe tốt và các kỹ năng thể chất. Bất chấp những thách thức này, ngày càng nhiều phụ nữ gia nhập lực lượng vũ trang.
Nữ tân binh Madison Foote cho biết:
“Tôi ngại nhất là hít đất. Tôi không giỏi hít đất cho lắm. Nhưng tôi nghĩ tôi có thể làm tất cả những thứ khác.”
Trong khi thế giới đối mặt với những bất ổn chính trị khác nhau, và xung đột bùng lên ở mọi ngóc ngách trên toàn cầu, Mỹ được kỳ vọng đi đầu trong việc giải quyết khủng hoảng. Đôi khi điều đó có nghĩa là đưa quân ra nước ngoài.
Tân binh Oludare Ogunmadewa trải lòng:
“Cha mẹ tôi lo lắng. Cả gia đình tôi cũng lo lắng… nhưng đó là rủi ro mà tôi cảm thấy cần thiết cho bản thân, cần hơn cho con cái của tôi, để giữ cho tương lai của chúng an toàn.”
Người tuyển binh nói nỗi lo sợ những điều bất trắc là lực cản lớn hơn so với việc bị điều tới vùng chiến tranh.
Trung sĩ Terrelle Thomas nói thêm rằng:
“Bốn tới sáu năm là một sự theo đuổi lớn. Rất nhiều thanh niên ngày nay nghĩ rằng nếu họ nhập ngũ khi 18 và ở trong quân đội bốn năm đến 22 tuổi, lúc đó họ quá già không làm được bất cứ điều gì khác.”
Chế độ quân dịch chấm dứt tại Mỹ vào năm 1973, gần cuối cuộc Chiến tranh Việt Nam. Bây giờ binh sĩ phục vụ theo hợp đồng bốn tới sáu năm. Một số người thích gia hạn hợp đồng. Vì, theo lời Trung sĩ Thomas, những người trong quân đội khám phá ra một điều khó tìm thấy ở nơi khác.
Ông tiếp lời:
“Tình thân hữu. Rất nhiều cựu chiến binh phục vụ 20, 30 năm, điều chính mà họ kể với tôi, đặc biệt là khi họ đưa con cái họ tới văn phòng của chúng tôi, chính là tình thân hữu mà họ có được với những người mà họ từng gặp gỡ.”
Trung sĩ Thomas sẽ sớm được thăng cấp thành trung sĩ kỹ thuật trong khi anh tiếp tục giúp những thanh niên Mỹ khám phá những điều mà họ có được khi nhập ngũ.

Iran bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Iran bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân thứ hai. Nga giúp Iran xây dựng cơ sở nhà máy điện hạt nhân này tại thành phố cảng Bushehr ở miền nam, nơi có một nhà máy điện hạt nhân khác của Iran đang hoạt động.
Dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân này trù tính sẽ hoàn thành trong 10 năm với kinh phí khoảng 10 tỉ đôla.
Đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Iran được xây dựng kể từ khi Tehran ký thỏa thuận hạn chế khả năng hạt nhân của Iran với các cường quốc thế giới hồi năm ngoái.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama gọi thỏa thuận đó là một thành công. Ông nói: “Mọi con đường hướng đến vũ khí hạt nhân của Iran đã bị chặn lại.” Ông nói thỏa thuận được thực thi vào tháng Giêng tới đây đã đẩy lui khung thời gian phát triển vũ khí hạt nhân của Iran, nếu nước này vi phạm thỏa thuận từ hai, ba tháng cho đến “khoảng một năm.”
Những người phản đối thỏa thuận này ở Mỹ vẫn chưa thay đổi quan điểm của họ rằng thỏa thuận sẽ không buộc được Iran chấm dứt các hoạt động hạt nhân quân sự ở Trung Ðông hoặc cuối cùng sẽ ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân.
Iran đã di chuyển hàng ngàn máy ly tâm dùng để tinh chế uranium và chuyển đi phần lớn các kho vật liệu hạt nhân. Các cường quốc thế giới đã tháo dỡ các biện pháp chế tài, và cởi trói hàng tỉ đôla cho Iran, mở ra những cơ hội doanh thương mới ở nước này.
Tehran than phiền rằng mặc dù các biện pháp chế tài từng cấm các định chế tài chánh giao dịch với Iran đã được tháo dỡ, các ngân hàng nước ngoài vẫn miễn cưỡng với các giao dịch có liên hện đến Iran.
Thỏa thuận quy định 10 năm hạn chế các máy ly tâm của Iran, và 15 năm hạn chế mức uranium tinh chế mà nước này được sản xuất, và 25 năm cho các thanh sát viên Liên hiệp quốc tiếp cận với các cơ sở hạt nhân của Iran.
Mỹ và các chuyên gia hạt nhân chỉ ra kết quả chính của thỏa thuận này là đẩy lui khung thời gian mà Iran có thể gấp rút chạy theo để chế tạo được một quả bom hạt nhân.

Cuba:

Cấm vận của Mỹ gây thiệt hại 4,6 tỉ đôla trong năm ngoái

Chính phủ Cuba kêu gọi Mỹ hành động nhiều hơn nữa trong việc nới lỏng các chế tài kinh tế áp đặt lên đảo quốc này trong bối cảnh các mối quan hệ giữa Washington và Havana đang cải thiện. Các giới chức ở Havana nói các lệnh chế tài kinh tế của Mỹ khiến Cuba thiệt hại 4,6 tỉ đôla trong năm tài khóa vừa qua.
Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodriguez đã phát biểu như vậy tại một cuộc họp báo nhân dịp phát động cuộc vận động hàng năm kêu gọi Liên hiệp quốc ra nghị quyết lên án các lệnh chế tài của Mỹ áp đặt lên đảo quốc khó khăn về kinh tế này.
Ngoại trưởng Rodriguez nói các lệnh chế tài của Mỹ là “nguyên nhân chính gây ra những khó khăn kinh tế và cản trở sự phát triển” của nước ông.
Ông Rodriguez nói các lệnh chế tài hơn 55 năm qua đã làm Cuba thiệt hại lên đến 125,9 tỉ đôla. Con số ước tính này bao gồm những tiêu tốn thực sự, chẳng hạn như tiền phạt mà các đối tác làm ăn với Cuba phải gánh chịu, và những tiêu tốn giả thuyết, chẳng hạn như doanh thu của các doanh nghiệp Cuba bán vào thị trường Mỹ.
Kể từ khi Cuba và Mỹ nối lại các quan hệ ngoại giao trong một diễn biến ngạc nhiên hồi tháng 12 năm 2014, hai nước láng giềng này đã mở lại đại sứ quán, mở lại các chuyến bay thương mại, dỡ bỏ những hạn chế du hành, và xúc tiến đàm phán về thương mại, môi trường, và thông tin liên lạc.
Nhưng Hoa Kỳ chưa dỡ bỏ hoàn toàn lệnh chế tài đối với Cuba. Vấn đề này là chủ đề của một nghị quyết Liên hiệp quốc không mang tính ràng buộc được thông qua tại Ðại hội đồng Liên hiệp quốc mỗi năm kể từ năm 1992. Cuba đứng sau cuộc vận động cho nghị quyết này, và nhận được sự ủng hộ rất lớn lao từ nhiều nước khác.
Cuba và Mỹ kình chống nhau kể từ khi ông Fidel Castro lến nắm quyền sau khi lật đổ một chính phủ được Mỹ hậu thuẫn, và lập ra một chính phủ cộng sản vào năm 1959. Các lệnh chế tài của Mỹ bắt đầu được áp dụng vào năm 1960.
Mỹ lâu nay vẫn bỏ phiếu chống nghị quyết của Liên hiệp quốc và nói rằng Cuba còn nợ Mỹ 10 tỉ đôla – là giá trị các tài sản và công ty của Mỹ bị chế độ của ông Castro tịch thu.
Cuộc biểu quyết năm nay tại Ðại hội đồng Liên hiệp quốc dự trù sẽ diễn ra vào ngày 26 tháng 10 sắp tới.
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama nói rằng ông phản đối các lệnh chế tài, nhưng ông cũng nói rằng chỉ có Quốc hội mới có quyền dỡ bỏ hoàn toàn các lệnh chế tài này.
Cuba nằm cách bờ biến miền đông nam của Mỹ chỉ khoảng 145 kilômét.

Bắc Triều Tiên

chi gần 100 triệu đôla thử nghiệm phi đạn để cảnh cáo

Brian Padden
SEOUL —
Bắc Triều Tiên hôm thứ Sáu tuyên bố đã thử nghiệm thành công vụ thử hạt nhân “mạnh nhất từ trước tới giờ” và là vụ thứ hai trong năm nay. Sự kiện này diễn ra sau những vụ phóng phi đạn mới nhất mà nước này thực hiện vào đầu tuần này, thu hút sự chú ý tới nguồn tài chính mà họ huy động được trong những năm qua để chi tiêu cho chương trình hạt nhân và phi đạn tốn kém.
Bắc Triều Tiên đã chi gần 100 triệu đôla cho hơn 30 vụ thử nghiệm phi đạn kể từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền vào năm 2011, tăng gần gấp đôi số lượng phi đạn được bắn trong 18 năm trước đó, khi người cha Kim Jong Il còn cai trị đất nước.
Nhật báo Chosun Ilbo của Hàn Quốc ước tính chi phí của những phi đạn này một phần dựa trên điều mà tờ báo nói là mức giá mà những nước vùng Trung Đông đã chi trả để mua những vũ khí này.
Suốt hai thập kỷ qua, Bắc Triều Tiên được cho là đã bán hàng trăm phi đạn, vật liệu và công nghệ cho Ai Cập, Iran, Libya, Pakistan, Syria, Liên hiệp Các Tiểu Vương quốc Ả-Rập, và Yemen.
Chế tài thất bại
Việc Bắc Triều Tiên có thể thực hiện nhiều vụ thử nghiệm phi đạn đặt ra nghi vấn về tính hữu hiệu của những biện pháp trừng phạt hà khắc mà Liên Hiệp Quốc áp đặt vào tháng 3, bao gồm một lệnh cấm vận vũ khí toàn bộ và những hạn chế về việc bán nhiên liệu hàng không, cũng được sử dụng để phóng hỏa tiễn.
Ông Boo Hyeong-wook, Giám đốc Bộ phận Nghiên cứu Chiến lược Quốc phòng tại Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc, cho biết Bình Nhưỡng đang mua những phụ tùng phi đạn thay thế nhờ việc thi hành lỏng lẻo những chế tài và nhờ những đối tác quốc tế sẵn lòng giúp đỡ.
Ông Boo cho biết: “Như truyền thông Ấn Độ đưa tin hồi tháng 6, Pakistan khi đó đang cung cấp nhiều phụ tùng cần thiết để chế tạo vũ khí hủy diệt hàng loạt cho Bắc Triều Tiên thông qua Trung Quốc. Vì thế trong tình hình này, tôi ngờ rằng Trung Quốc vẫn chưa tăng cường những biện pháp trừng phạt của mình đối với những phụ tùng mà Bắc Triều Tiên đang tìm cách có được.”
Phi đạn Rodong hoặc Scud thường sử dụng nhiên liệu chứa dầu lửa chứ không phải nhiên liệu hàng không bị giới hạn. Ông Boo cho biết Bắc Triều Tiên đang sử dụng nguồn nhiên liệu được tích trữ cho những vụ thử nghiệm phi đạn hồi gần đây, và việc này có thể là một phần lý do vì sao chi phí nhiên liệu trong nước chưa tăng lên kể từ khi những biện pháp chế tài được áp đặt.
Thông điệp G-20
Chi phí ước tính của ba phi đạn Rodong mà Bắc Triều Tiên phóng hôm thứ Hai (5 tháng 9) nằm trong khoảng từ 3 triệu tới 6 triệu đôla.
Những phi đạn đạn đạo tầm trung này của Bắc Triều Tiên bay một quãng đường 1.000km trước khi rơi vào vùng nhận dạng phòng không của Nhật Bản. Những vụ phóng này đều bị Tokyo, Seoul và Washington lên án là một sự vi phạm nữa những nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Hội đồng Bảo an hôm thứ Ba (6 tháng 9) đã mạnh mẽ lên án những vụ phóng này, nói rằng chúng góp phần vào việc Bình Nhưỡng phát triển những hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân và làm gia tăng căng thẳng trong khu vực.
Không có chỉ dấu cho thấy những vụ phóng hôm thứ Hai được tiến hành để thẩm định những cải tiến kỹ thuật mới hoặc năng lực, như mục đích của một số vụ thử nghiệm hồi gần đây.
Thay vào đó, những nhà phân tích nhận định rằng chính quyền Kim Jong Un muốn làm suy yếu bất kỳ cuộc thảo luận nào về an ninh khu vực có thể diễn ra tại hội nghị thượng đỉnh G-20 của những nền kinh tế lớn nhất thế giới, diễn ra tại Trung Quốc và có sự tham dự của các nhà lãnh đạo đến từ Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản và Nga.
Ông Ahn Chan-il, một người đào tị và là nhà phân tích thuộc Viện Thế giới Nghiên cứu Bắc Triều Tiên ở Seoul, cho biết:
“Tôi nghĩ rằng Bắc Triều Tiên cố gửi đi một thông điệp nói rằng ‘Các người đừng trông mong hòa bình trên bán đảo Triều Tiên trong khi phớt lờ chúng tôi, chúng tôi mới là nước sẽ khởi xướng bất kỳ nền hòa bình nào trên bán đảo Triều Tiên.”
Hệ thống THAAD
Sau khi Bắc Triều Tiên phóng phi đạn hôm thứ Hai, Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi tất cả các bên liên quan tránh thực hiện bất cứ hành động nào có thể làm leo thang căng thẳng.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng lên tiếng phản đối việc hệ thống phi đạn Phòng thủ Khu vực Cao độ Giai đoạn Cuối (THAAD) của Mỹ được triển khai tại Hàn Quốc, trong những cuộc gặp gỡ bên lề hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye.
Theo Tân Hoa Xã của nhà nước Trung Quốc, ông Tập nói xử lý không tốt vấn đề THAAD “không có lợi cho sự ổn định chiến lược trong khu vực và có thể khiến tranh chấp gia tăng cường độ.”
Bắc Kinh trước đây đã nêu lo ngại rằng radar cường độ mạnh của hệ thống phòng thủ phi đạn này của Mỹ sẽ được sử dụng để thâm nhập lãnh thổ Trung Quốc.
Trong cuộc hội kiến giữa hai nhà lãnh đạo Trung-Hàn, bà Park đã tìm cách trấn an ông Tập rằng hệ thống THAAD sẽ chỉ tập trung vào những mối đe dọa hạt nhân và phi đạn của Bắc Triều Tiên, và nói thêm rằng nếu những “mối đe dọa này bị loại trừ thì sẽ không còn nhu cầu triển khai hệ thống THAAD nữa.”

Thế giới lên án Bắc Triều Tiên

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama ngày 9/9 lên án vụ thử hạt nhân của Bắc Triều Tiên là một ‘mối đe dọa nghiêm trọng đối với an ninh khu vực và hòa bình-ổn định quốc tế.’
Trong thông cáo từ Tòa Bạch Ốc, ông Obama nói ‘các hành động khiêu khích và gây bất ổn của Bắc Triều Tiên ngược lại đã làm cô lập và bần cùng hóa dân chúng nước này thông qua việc ngoan cố theo đuổi các loại vũ khí hạt nhân và khả năng phi đạn đạn đạo.’
Trước khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc mở các cuộc tham vấn kín trong ngày 9/9, Tổng thư ký Ban Ki-Moon ra một tuyên bố mạnh mẽ: ‘Tôi lên án vụ thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất của Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên bằng những lời lẽ quyết liệt nhất. Thêm một sự vi phạm trắng trợn nữa đối với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an. Đây là lần thứ năm trong những năm gần đây Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên vi phạm các nguyên tắc quốc tế chống thử nghiệm hạt nhân. Hành động không thể chấp nhận này đe dọa hòa bình và an ninh trong khu vực và là một lời nhắc nhở hùng hồn nữa về nhu cầu cấp thiết phải tăng cường quy chế cấm thử nghiệm hạt nhân toàn cầu.’
Ông Ban nói ông trông cậy Hội đồng Bảo an sẽ đoàn kết và có hành động thích hợp.
Vụ thử nghiệm hạt nhân mới nhất và có thể là lớn nhất của Bắc Triều Tiên diễn ra trong khi Tổng thống Obama đang trên đường về nước sau chuyến công du châu Á. Ông đã điện đàm với Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hey và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe trên chiếc Air Force 1.
Ông Obama cho biết tất cả đều đồng ý thực hiện biện pháp trừng phạt mới ‘để chứng tỏ cho Bắc Triều Tiên rằng có hậu quả đối với các hành động bất hợp pháp và nguy hiểm.’
Tổng thống Mỹ cũng tái khẳng định cam kết của Hoa Kỳ bảo vệ các đồng minh ở Đông Bắc Á thông qua việc triển khai hệ thống THAAD tại Hàn Quốc.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ, Ash Carter, đang ở Na Uy, cũng lên án vụ thử nghiệm của Bình Nhưỡng tại một cuộc họp báo với người đồng cấp phía Na Uy.
Ông Carter cho biết đã nói chuyện với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc, và đôi bên nhất trí rằng thế giới cần phải buộc Bắc Triều Tiên chịu trách nhiệm. Ông Carter nói vụ thử nghiệm này có thể làm tăng cường quyết tâm đặt hệ thống THAAD sớm hơn. Vẫn theo lời ông, giờ đây để đảo ngược chiều hướng nguy hiểm leo thang hạt nhân của Bắc Triều Tiên, tùy thuộc vào Trung Quốc.
Phản ứng trước tin về vụ thử nghiệm mới nhất này, Trung Quốc nói họ kiên quyết phản đối các hành động như thế của Bình Nhưỡng. Một thông cáo của Trung Quốc kêu gọi Bắc Triều Tiên tuân thủ cam kết không phổ biến võ khí hạt nhân, đồng thời chỉ trích thái độ Bình Nhưỡng bất chấp những phản đối của quốc tế.
Tại buổi họp báo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hoa Xuân Oánh, thúc giục Bắc Triều Tiên ‘ngưng bất cứ hành động nào làm tình hình xấu thêm. Bất kỳ hành động nào chỉ vì lợi ích một bên sẽ chỉ làm tình hình leo thang.’
Trong khi đó, Bắc Kinh cho biết đã bắt đầu các biện pháp khẩn cấp để theo dõi tỉ lệ bức xạ và ô nhiễm môi trường dọc đường biên giới với Bắc Triều Tiên.

Người Trung Cộng

giận dữ sau khi Bắc Hàn nổ thử vũ khí nguyên tử

Tin Đan Đông, Liêu Ninh. (Reuters) – Cư dân Trung CỘng ở Đan Đông, một thành phố giáp với Bắc Hàn, bày tỏ giận dữ sau khi Bình Nhưỡng cho nổ thử vũ khí nguyên tử lần thứ 5.
Đài truyền hình Bắc Hàn xác nhận vụ nổ vào sáng sớm hôm 9 tháng 9, nói rằng sức nổ mạnh hơn cả bom nguyên tử thả xuống Hiroshima, và cho biết họ có khả năng gắn đầu đạn nguyên tử vào một hỏa tiễn đạn đạo. Theo Reuters, không khí ở Đan Đông không căng thẳng và tình trạng an ninh cũng không thắt chặt. Tuy nhiên sáng nay, chiếc cầu nối liền Đan Đông với Bắc Hàn bị đóng lại. Cư dân cho rằng việc đóng cầu là để tu sửa, còn việc vận chuyển hàng hóa vẫn tiếp tục nhưng không thường xuyên. Bên phía Bắc Hàn, dân làng vẫn đi lại bình thường làm công việc hàng ngày.
Chang Jia là một tài xế taxi địa phương, nói rằng dù việc nổ thử nguyên tử không ảnh hưởng tới Đan Đông, ông vẫn cảm thấy tức giận vì Bắc Hàn không tôn trọng tính mạng của người khác. Luo Zhenghan là một giáo viên Anh ngữ ở địa phương, lo lắng về sự ô nhiễm có thể xảy ra sau vụ nổ nguyên tử. Ông không biết nước và không khí có bị ô nhiễm không. Ông Sun là viên chức nghỉ hưu, nói rằng ông không lạ gì việc Bắc Hàn muốn gây sự chú ý, nhất là đối với Hoa Kỳ.
Trung Cộng là đồng minh của Bắc Hàn, chỉ trích vụ nổ thử vũ khí nguyên tử, đồng thời kêu gọi Bắc Hàn chấm dứt làm bất cứ hành động nào khiến tình hình trở nên xấu hơn. (Mai Đức)

Cứu du khách khỏi xe cáp treo bị nạn trên núi Alps

Những hành khách bị kẹt trên xe cáp treo đã được cứu thoát an toàn sau khi phải chịu đựng một đêm trên đỉnh núi Mont Blanc thuộc dãy Alps.
Vào sáng sớm thứ Sáu, các nhân viên cứu hộ đã tiếp xúc được với các du khách bị kẹt, trong đó có một em bé.
Ngày hôm qua, đường dây xe cáp treo bị rối đã làm cho nhiều du khách bị kẹt trong xe.
Các nhân viên cứu hộ được phái đến vào xế chiều hôm qua sau khi các nhân viên của công ty xe cáp treo không gỡ rối cho đường dây được.
Hàng chục người được máy bay trực thăng cứu, nhưng hàng chục người khác vẫn bị kẹt trong xe khi các hoạt động cứu hộ bị ngưng lại vì thời tiết xấu.
Các du khách này được cung cấp chăn, thực phẩm và nước uống.
Ngày hôm qua các hành khách trong những xe cáp gần mặt đất nhất được chuyển sang các xe khác để xuống núi.
Các xe cáp nối núi Aiguille du Midi bên phía Pháp với Pointe Helbronner trên biên giới Ý.

Không kích gần Aleppo giết chết một thủ lãnh nổi dậy Syria

Những nguồn tin của phe nổi dậy cho biết một thành viên cao cấp của tổ chức nổi dậy Fatah al-Sham ở Syria đã thiệt mạng, sau khi máy bay phản lực oanh tạc một cuộc họp của các thủ lãnh thuộc tổ chức này gần Aleppo.
Ông Abu Omar Saraqeb, còn có tên khác là Abu Hajer al-Homsi, đã thiệt mạng trong một cuộc không kích vào một khu vực nông thôn ở Aleppo. Phe nổi dậy nói là vụ không kích chắc chắn do máy bay phản lực của Mỹ thực hiện, mặc dù máy bay này thuộc nước nào chưa được chính thức xác nhận.
Tổ chức nổi dậy này, trước đây là một chi nhánh của al-Qaida, loan báo trên Twitter rằng thủ lãnh này đã “tử vì đạo.”
Đài Quan sát Nhân quyền Syria cho biết một máy bay đã oanh tạc cuộc họp của các cấp chỉ huy thuộc Liên minh Đạo quân Chinh phục, giết chết Saraqeb và một chỉ huy Liên minh phe nổi dậy khác tên là Abu Muslim al-Shami. Tuy nhiên Đài Quan sát Nhân quyền Syria nói không rõ là cuộc không kích do lực lượng Hoa Kỳ, chính phủ Syria hay lực lượng Nga thực hiện vì các lực lượng này đều đã oanh kích khu vực này trong thời gian qua.
Ông Saraqed được biết là một trong những thành viên hàng đầu của al-Qaida tại Iraq. Ông đã chiến đấu chống lại lực lượng Mỹ tại Iraq vào năm 2003 trước khi sang Syria, nơi ông trở thành một cấp chỉ huy chủ chốt của Mặt trận al-Nusra trước đây. Mặt trận này trở thành Fatah al-Sham sau khi cắt đứt các mối liên hệ với al-Qaida.
Bắc Hàn hôm nay, ngày 10 tháng 9 lên tiếng giải thích về chương trình vũ khí nguyên tử của nước này; cho rằng đó là để phòng thủ trước cái mà Bình Nhưỡng gọi là ‘sự tống tiền’ hạt nhân từ phía Hoa Kỳ.
Truyền thông nhà nước Bắc Hàn cũng lên án tổng thống miền nam Triều Tiên vì hợp tác với Mỹ.
Trong khi đó Seoul cho rằng khả năng nguyên tử của Bình Nhưỡng đang được đẩy lên một mức đáng kể và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có biện pháp đối phó.
Nam Hàn triển khai hệ thống THAAD cuối năm sau
Tin mới nhất cho biết Hàn Quốc kế hoạch bố trí hệ thống lá chắn tên lửa tầm cao THAAD của Hoa Kỳ trên đất của nam Triều Tiên có thể được tiến hành vào cuối sang năm.
Mạng báo World Street Journal loan tin vừa nêu ngay sau khi Bắc Hàn vào ngày 9 tháng 9 tiến hành thử nghiệm nguyên tử lần thứ 5. Vụ thử được nhận định mạnh nhất từ trước đến nay với sức nổ ghi được đến 10 kilotons, gần gấp đôi vụ thử thứ tư vào tháng giêng năm nay.
Hàn Quốc muốn tăng cường khả năng phòng thủ trước mối nguy hạt nhân Bắc Hàn vào tháng bảy vừa qua thông báo sẽ cho bố trí hệ thống lá chắn phòng thủ tên lửa THAAD của Hoa Kỳ. Hệ thống này tạo thêm một tầng phòng thủ nữa trên hệ thống hiện có của Hàn Quốc.
Ngoài việc cho thử nghiệm nguyên tử thêm hai lần tính đến thời điểm này trong năm nay, Bắc Hàn từ đầu năm tính đến lúc này cũng đã 21 lần cho phóng hỏa tiễn đạn đạo từ tầm ngắn cho đến tầm trung.
Hôm 9 tháng 9, Bắc Hàn tuyên bố đạt được mục tiêu thu nhỏ đầu đạn nguyên tử để gắn vào hỏa tiển. Tuy nhiên vẫn có bất đồng trong giới quan sát về khả năng đó của Bình Nhưỡng.
Trung Quốc cần tạo áp lực lên đồng minh
Hoa Kỳ hôm qua kêu gọi Trung Quốc, đồng minh hiện nay của Bắc Hàn, phải áp lực Bình Nhưỡng chấm dứt chương trình nguyên tử.
Kêu gọi của Washington được đưa ra sau khi Bình Nhưỡng cho tiến hành vụ thử hạt nhân thứ 5 và được nhận định là vụ thử với sức công phá mạnh nhất trong những vụ thử do Bắc Hàn tiến hành từ năm 2006 cho đến nay.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter khi đang có mặt tại Na Uy trong chuyến công du đến quốc gia này nói với báo giới rằng Trung Quốc có trách nhiệm trong hồ sơ vũ khí nguyên tử của Bắc Hàn.
Theo ông Ash Carter thì vị trí địa lý, lịch sử và ảnh hưởng của Trung Quốc đối với Bắc Hàn là những yếu tố quan trọng mà Bắc Kinh đang nắm để tăng cường thúc đẩy công cuộc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Người đứng đầu ngành quốc phòng Hoa Kỳ cũng tái khẳng định cam kết của Mỹ bảo vệ cho đồng minh Hàn Quốc trước mối nguy hạt nhân Bắc Hàn.
Tổng thư ký Liên hiệp quốc lên tiếng
Tổng thư ký Liên hiệp quốc yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc có hành động thích hợp sau vụ thử nguyên tử thứ năm mà Bắc Hàn tiến hành vào ngày hôm qua.
Tin cho biết ông tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon lên án một cách mạnh mẽ nhất vụ thử nguyên tử ngầm dưới đất do Bắc Hàn thực hiện, cho rằng đó là một vi phạm trắng trợn khác nữa của Bình Nhưỡng các nghị quyết của Hội đồng Bảo An Liên hiệp quốc.
Phát biểu của tổng thư ký Liên hiệp quốc như vừa nêu được đưa ra trước cuộc họp khẩn của Hội đồng Bảo An mà Hoa Kỳ và Nhật bản đề nghị tiến hành nhằm bàn về vụ thử nguyên tử thứ năm của Bắc Hàn.
Tokyo kêu gọi cần có những biện pháp trừng phạt mới thêm nữa đối với Bình Nhưỡng. Tuy nhiên, Bắc Kinh tiếp tục nhấn mạnh nhu cầu tránh gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên.
Tin cho hay trong cuộc họp kín vào chiều tối qua, Hội đồng Bảo an đồng ý bắt đầu soạn thảo một nghị quyết mới theo điều 41 Hiến chương Liên hiệp quốc đưa ra những biện pháp trừng phạt thêm nữa đối với Bình Nhưỡng.

Tổng thống Philippines:

Manila sẽ độc lập trong quan hệ với Hoa Kỳ

Về tình hình quốc tế, tổng thống Philippines Rodrigo Duterte hôm qua (10/9) lên tiếng cam kết sẽ đi theo đường hướng độc lập trong quan hệ với Hoa Kỳ, một đồng minh chính của Manila lâu nay.
Ông nói rõ không phải là một ‘fan’ của Mỹ. Tuyên bố của ông Duterte như vừa nêu được đưa ra sau chuyến công du ngoại quốc đầu tiên ở cương vị người đứng đầu chính phủ Manila.
Tại Lào, do phát biểu thóa mạ của ông Rodrigo Duterte đối với người tương nhiệm Hoa Kỳ Barack Obama khiến cuộc gặp song phương đôi bên bị hủy. Tuy nhiên, sau khi tổng thống Philippines bày tỏ hối tiếc về lời nói đầy thóa mạ như thế, nguyên thủ hai nước Mỹ – Phi có cuộc gặp ngắn ngủi với nhau.
Sau khi lên nhậm chức tổng thống Philippines vào cuối tháng 6 vừa qua, ông Rodrigo Duterte cho tiến hành chiến dịch chống tội phạm ma túy với lệnh bắn bỏ.
Tính đến nay có chừng 3.000 người bị giết trong chiến dịch đó. Giới bảo vệ nhân quyền cáo buộc trong số những người bị sát hại có nhiều trường hợp không theo đúng qui định của luật pháp.
Chỉ trích từ phía Liên hiệp quốc và cả tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama khiến ông Duterte phản ứng và có những tuyên bố, phát biểu thiếu kiềm chế, xúc phạm như vừa qua.
Trong một diễn tiến liên quan, vào tối thứ sáu vừa qua, trong chặng dừng ở Indonesia, tổng thống Philippines thông báo là Trung Quốc có hứa sẽ giúp xây dựng những trung câm cai nghiện cho những người Philippines dùng ma túy đá.

Hàng triệu người hành hương ở Saudi Arabia

Khoảng 1,5 triệu người Hồi giáo đã bắt đầu cuộc hành hương Hajj hàng năm ở Saudi Arabia, một trong các sự kiện tôn giáo lớn nhất trên thế giới.
Các khách hành hương đối mặt với các biện pháp an toàn mới, với kiểm soát an ninh chặt chẽ hơn bao gồm cả việc được phát các vòng đeo tay điện tử để nhận dạng, trong một nỗ lực ngăn chặn lặp lại thảm họa hỗn loạn năm ngoái làm hơn 2.000 người thiệt mạng.
Trong trường hợp xảy ra một sự cố khác, các vòng tay điện tử đã được cấp cho tất cả các khách hành hương có thể giúp họ nhanh chóng được xác địnhSally Nabil, phóng viên BBC
Tuy nhiên hàng chục ngàn người Iran dòng Shia vắng mặt vì những căng thẳng lâu nay với người Saudi Arabia dòng Sunni.
Sau nghi thức sơ bộ tại Đền thờ Hồi giáo lớn ở Mecca đầu tuần này, hôm thứ Bảy, những người hành hương sẽ di chuyển bằng xe bus, tàu lửa hoặc đi bộ trong nhiệt độ tăng cao tới 40 độ C để tới Mina, khoảng 5km về phía đông.
Những người hành hương đang làm cuộc hành trình tương tự như Nhà tiên tri Muhammad đã thực hiện khoảng 1.400 năm trước đây.
Thứ Bảy là ngày đầu tiên của lễ Hajj và theo truyền thống là ngày mà người hành hương sẽ chăm sóc vật nuôi của mình bằng nước và bổ sung các nguồn nước.
Vào Chủ Nhật họ sẽ đi du lịch đến núi Arafat, địa điểm kế tiếp cách vài cây số, như một phần chính của cuộc hành hương.
Một khu vực rộng lớn với nhiều lều có khả năng chống cháy đã được dựng lên tại Mina, để phục vụ trên 2,5 triệu người hành hương.
‘Thảm họa tồi tệ’
Vụ giẫm đạp ở Mina hồi tháng 9/2016 được coi là thảm họa tồi tệ nhất trong lịch sử Hajj.
Sự việc diễn ra khi người hành hương – mà nhiều người trong đó là người Iran – đi vào cầu Jamarat thực hiện nghi lễ ném đá.
Nghi lễ này năm nay sẽ bắt đầu vào thứ Hai, theo giới chức.
Saudi Arabia đã liên tục hạ thấp con số thương vong. Giới chức đã công bố một cuộc điều tra nhưng chưa đưa ra kết luận nào.
Iran không gửi bất kỳ người hành hương nào vào năm nay, sau khi nước này và Saudi Arabia không thống nhất được về các thỏa thuận Hajj trong bối cảnh tranh cãi ngoại giao.
Iran tin rằng Saudi Arabia không làm đủ để bảo đảm sự an toàn cho người hành hương, trong khi Saudi Arabia cáo buộc Iran đưa ra đòi hỏi vô lý.
Hai nước không có quan hệ ngoại giao và đang có nhiều bất hòa trong một loạt các vấn đề khu vực, bao gồm các cuộc xung đột ở Yemen và Syria.
Phóng viên BBC Sally Nabil ở Saudi Arabia nói rằng các biện pháp an ninh trong năm nay chặt chẽ, với nhiều nhóm nhân viên đang tổ chức, hướng dẫn các đám đông hành hương và cố gắng ngăn chặn hỗn loạn.
Trong trường hợp xảy ra một sự cố khác, các vòng tay điện tử đã được cấp cho tất cả các khách hành hương có thể giúp họ nhanh chóng được xác định.

Mỹ, Nga đạt hiệp ước hòa bình ở Syria

Mỹ và Nga công bố hiệp ước về Syria bắt đầu bằng việc “ngừng bắn” từ lúc mặt trời lặn hôm 12/9.
Theo kế hoạch, chính phủ Syria sẽ kết thúc nhiệm vụ chiến đấu trong những khu vực do phe đối lập nắm giữ.
Mỹ và Nga sẽ lập trung tâm liên quân chống Nhà nước Hồi giáo (IS) và chiến binh al-Nusra.
Thông báo được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người đồng cấp Nga Sergei Lavrov.
Kế hoạch này yêu cầu chính phủ Syria và phe đối lập “thực thi nghĩa vụ của họ”, ông Kerry nói tại Geneva.
Ông cho biết thêm, phe đối lập đưa ra chỉ dấu họ sẵn sàng tuân theo kế hoạch và đề nghị chính phủ Syria “chứng tỏ sự nghiêm túc về vấn đề này”.
Ông Lavrov cho biết Nga đã thông báo cho chính phủ Syria về việc dàn xếp này và chính phủ Syria “sẵn sàng thực thi”.
Hiệp ước cũng mở đường cho cứu trợ nhân đạo.
“Việc đình chiến yêu cầu quyền tiếp cận tất cả các khu vực bị bao vây và khó tiếp cận, bao gồm Aleppo”, ông Kerry nói.
Bảy ngày sau khi thực thi việc ngừng bắn, Mỹ và Nga sẽ thành lập “trung tâm liên quân” chống IS và al-Nusra, nhánh của al-Qaeda.
Ông Lavrov cho biết đơn vị này sẽ cho phép các lực lượng Nga và Mỹ “tách các phần tử khủng bố khỏi phe đối lập ôn hòa.”
Ông nói rằng không quân Nga và Hoa Kỳ sẽ có các cuộc không kích phối hợp chống khủng bố.
“Chúng tôi nhất trí về các khu vực mà các cuộc không kích phối hợp sẽ diễn ra và tại những khu vực này chỉ có lực lượng không quân Nga và Mỹ được phép hoạt động”, ông nói.
Tuy nhiên, ông Lavrov nói thêm rằng “không quân Syria sẽ được hoạt động tại các khu vực khác, ngoài khu vực hợp tác quân sự Nga-Mỹ”.

Mỹ tạm ngừng đường ống dẫn dầu bị phản đối

Chính phủ Mỹ quyết định tạm ngưng việc thi công đường ống dẫn dầu ở Bắc Dakota trên vùng đất của bộ lạc người bản địa.
Chính phủ cũng yêu cầu công ty đứng sau dự án này “tạm dừng” hoạt động trên vùng đất có những di chỉ linh thiêng liêng của bộ lạc.
Lệnh của chính phủ được ban hành ngay sau khi một thẩm phán bác yêu cầu tạm dừng thi công đường ống.
Dự án đường ống dẫn dầu bị hơn 200 nhóm người Mỹ bản địa phản đối do quan ngại ảnh hưởng của nó với hệ thống đường thủy.
Dự án Dakota Access trị giá 3,7 tỷ đôla sẽ triển khai tại bốn tiểu bang, gần các di chỉ linh thiêng của bộ tộc Standing Rock Sioux.
Nhưng chỉ vài phút trước, thẩm phán liên bang James Boasberg ra phán quyết rằng việc đẩy nhanh tiến độ dự án “không trái pháp luật”.
Chính phủ kêu gọi công ty Texas tự nguyện ngừng thi công trong phạm vi 32km của hồ Oahe, nơi được coi là linh thiêng với các bộ lạc bản địa trong khu vực.
“Vụ này cho thấy cần có một cuộc tranh luận nghiêm túc về việc tôn trọng quan điểm của các bộ lạc trước các dự án cơ sở hạ tầng như thế này”, thông cáo chung của các Bộ Tư pháp, Nội vụ và quân đội cho hay.
‘Gây nguy hại’
Đại diện bộ tộc Standing Rock Sioux bình luận sự can thiệp của chính quyền Obama “rất ấn tượng”.
“Đây là ngày lịch sử với bộ tộc Standing Rock Sioux và các bộ lạc trên toàn quốc”, Thủ lĩnh bộ tộc Dave Archambault II nói. “Tiếng nói của chúng tôi đã được nghe.”
Công ty đầu tư Dakota Access từ chối bình luận.
Khi kết nối với đường ống hiện có, đường ống Dakota Access 1.770km sẽ là dự án đầu tiên vận chuyển dầu chiết xuất từ mỏ đá phiến sét tại Bakken trực tiếp đến các nhà máy lọc dầu tại Bờ Vịnh.
Các nhà hoạt động môi trường tin rằng việc vận chuyển lên đến 570.000 thùng dầu thô mỗi ngày sẽ gây nguy hại cho đường thủy nội địa.
Nhưng những người ủng hộ dự án tin rằng đường ống dẫn dầu là phương pháp an toàn hơn so với việc vận chuyển dầu bằng đường sắt hoặc đường bộ.
Liên minh các doanh nghiệp xăng dầu bình luận rằng động thái của chính phủ có thể khiến hàng ngàn nhân công mất việc.

Thử hạt nhân :

LHQ chuẩn bị loạt trừng phạt mới với Bắc Triều Tiên

Chiều hôm qua 09/09/2016, tại New York, Hội Đồng Bảo An ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ thử hạt nhân thứ năm của Bắc Triều Tiên. Pháp, Hoa Kỳ và Nhật Bản yêu cầu bổ sung loạt trừng phạt kinh tế mới cứng rắn hơn đối với Bình Nhưỡng và thực thi đầy đủ các nghị quyết đã có. Theo các nhà quan sát, cho dù phản đối việc Bắc Triều Tiên thử hạt nhân, Trung Quốc tỏ ra không ủng hộ các biện pháp cô lập Bình Nhưỡng hơn nữa.
Trong bản tuyên bố được nhất trí thông qua, 15 thành viên Hội Đồng Bảo An cho biết sẽ chuẩn bị ngay lập tức “các biện pháp thích hợp, thể theo điều 41 của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, và một nghị quyết của Hội Đồng Bảo An”. Điều 41 liên quan đến “các biện pháp không bao gồm việc sử dụng vũ lực”.
Thông tín viên Marie Bourreau tường trình từ New York:
“Đây là lần thứ hai trong vòng một tuần lễ Hội Đồng Bảo An họp về Bắc Triều Tiên. Tuy nhiên, lần này, căng thẳng dâng thêm một nấc, với việc đại đa số thành viên Hội Đồng Bảo An yêu cầu bổ sung thêm loạt trừng phạt mới chống lại Bắc Triều Tiên và một nghị quyết mới với hy vọng chế độ Bình Nhưỡng chấm dứt các hành động khiêu khích.
Mười lăm thành viên Hội Đồng Bảo An đã thực sự đồng thuận về một tuyên bố chung lên án vụ thử hạt nhân thứ năm, nhưng điều này không phải là mối quan tâm chính của Trung Quốc, đồng minh chủ yếu của Bắc Triều Tiên. Thái độ của Trung Quốc sẽ mang tính quyết định đối với loạt trừng phạt mới.
Hồi tháng 3/2016, Liên Hiệp Quốc đã từng ra một nghị quyết hết sức cứng rắn sau hai tháng thương thuyết căng thẳng, với nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, ngay vào lúc đó, các chuyên gia đã chỉ ra các kẽ hở, cho phép Bắc Kinh tiếp tục các quan hệ thương mại với Bắc Triều Tiên.
Lần này, sau buổi họp, đại sứ Trung Quốc tỏ ra rất thận trọng về khả năng thông qua loạt trừng phạt mới. Bắc Kinh vẫn thiên về quan điểm hợp tác ngoại giao sẽ giúp cho việc phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên.
Theo AFP, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon kêu gọi Hội Đồng Bảo An “đoàn kết và có các hành động tương thích” sau vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trong cuộc trả lời phỏng vấn AP hôm qua, 09/09, tổng thư ký Ban Ki-moon khẳng định căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hiện này là một trong các vấn đề nghiêm trọng nhất thế giới, hơn cả cuộc chiến tại Syria hay nhiều xung đột khác.
Ông Ban Ki-moon cho biết, trong 10 năm đảm nhiệm chức vụ tổng thư ký và khi còn là ngoại trưởng Hàn Quốc, ông đã “hết sức nỗ lực… để đối thoại với Bắc Triều Tiên”, nhằm “cổ vũ cho hòa bình, an ninh và hợp tác giữa hai miền Nam Bắc”. Theo tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, các nỗ lực đã không thành công “chủ yếu do các khiêu khích từ phía Bình Nhưỡng”.

Pháp bắt giữ ba nghi phạm khủng bố

Tối ngày 08/09/2016, ba phụ nữ bị nghi ngờ lên kế hoạch tấn công khủng bố ở ga xe lửa Gare de Lyon – Paris đã bị lực lượng an ninh nội địa DGSI bắt ở Boussy-Saint-Antoine, cách Paris 25 km về phía Đông Nam.
Việc bắt giữ được tiến hành trong khuôn khổ cuộc điều tra của cảnh sát về vụ một chiếc xe hơi chất nhiều bình ga được tìm thấy gần Nhà Thờ Đức Bà Paris cuối tuần qua.
Hãng Reuters cho biết, theo bộ trưởng Nội Vụ Pháp Bernard Cazeneuve, ba nghi phạm này đã « trở nên cực đoan, cuồng tín » và đang chuẩn bị các hành vi tấn công « cực kỳ tàn bạo ».
Nghi phạm chính, 19 tuổi, tên là Inès Madani. Đây chính là con gái của chủ sở hữu chiếc xe hơi chất đầy các bình ga. Cảnh sát cho biết chiếc xe này không mang biển số và dự kiến được dùng để tấn công khủng bố ở Gare de Lyon, một ga tàu rất lớn ở Paris.
Theo hãng tin AFP, khi bị cảnh sát vây bắt, Inès Madani đã rút dao đâm một nhân viên cảnh sát và sau đó đã bị cảnh sát bắn bị thương.
Theo một nguồn tin từ nhóm điều tra, Inès Madani đã tuyên thệ trung thành với tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo. Cảnh sát đã tìm thấy trên người Inès Madani một bức thư ghi rõ muốn trả thù cho phát ngôn viên Abou Mohamed Al-Adnani – nhân vật số hai của Daech.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.