Tin Thế giới - 15/09/2016
Duterte ‘thanh toán đối thủ chính trị’
Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte ra lệnh giết đối thủ chính trị khi còn là thị trưởng thành phố Davao, một cựu thành viên nhóm sát thủ cáo buộc.
Edgar Matobato nói tại một phiên điều trần của Thượng viện rằng ông và những người khác giết khoảng 1.000 người trong vòng 25 năm.
Ông kể về các chi tiết dã man theo lối xã hội đen, kể cả việc cho cá sấu ăn người.
Phát ngôn viên của ông Duterte bác bỏ các cáo buộc và nói rằng cuộc điều tra vào thời gian ông làm thị trưởng chẳng đi tới đâu.
Ông Matobato, 57 tuổi, cho biết ông là một thành viên của Nhóm Sát thủ Davao, một nhóm cảnh vệ khét tiếng bị cáo buộc gây ra hàng trăm vụ giết người.
“Việc của chúng tôi là tiêu diệt tội phạm như dân buôn ma túy, kẻ hiếp dâm và các phần tử cướp giật,” ông nói.
Tuy nhiên, ông cũng cáo buộc rằng đối thủ của ông Duterte cũng bị coi là mục tiêu, trong đó có bốn vệ sĩ của một đối thủ của thị trưởng tại địa phương, ông Prospero Nograles.
Tấn công đền Hồi giáo
Nạn nhân sẽ bị bắn hoặc bị bóp cổ, ông cho bết và nói thêm là một số người bị cắt nhỏ xác và quăng xuống biển để cá có thể ăn.
Ông nói với Ủy ban Thượng viện rằng ông đã phải lẩn trốn sau khi rời một chương trình bảo vệ nhân chứng khi ông Duterte trở thành tổng thống vì lo sợ cho mạng sống của mình.
Ông Matobato cũng cáo buộc ông Duterte ra lệnh ném bom một đền thờ Hồi giáo để trả đũa một cuộc tấn công vào Nhà thờ Davao vào năm 1993.
Về cáo buộc này, phát ngôn viên của ông Duterte, ông Martin Andanar, nói: “Tôi không nghĩ rằng ông [Duterte] có quyền ra lệnh”.
Ông nói Ủy ban của Quốc gia về Nhân quyền đã không thể chứng minh nổi về sự tồn tại của Đội Sát thủ Davao.
Con trai ông Prospero Nograles phủ nhận cáo buộc của ông Matobato liên quan đến vệ sĩ của cha mình.
“Tôi không biết ông ta đang nói cái gì nữa.
“Tôi chỉ có thể nghi ngờ rằng ông đang bị một số người giật dây chỉ để phục vụ lợi ích riêng của họ,” ông viết trên Facebook.
Người phụ trách cuộc điều tra của Thượng viện đối với vụ giết người chui, bà Leila de Lima, là người lớn tiếng chỉ trích ông Duterte và đã bị ông cáo buộc rằng bà có dính líu tới hoạt động buôn bán ma túy bất hợp pháp, điều mà bà phủ nhận.
Ông Duterte giành ghế thị trưởng thành phố Davao vào năm 1988, với lập trường cứng rắn của ông giúp giảm mạnh tỉ lệ tội phạm, và ông cam kết nhân rộng cách làm này ra toàn quốc.
Kể từ khi ông thắng cử năm nay, hơn 3.000 người nghiện và buôn bán ma túy đã bị giết, khiến cộng đồng quốc tế coi là vi phạm nhân quyền ở mức báo động.
Tuy nhiên, ông Duterte đã bác bỏ các quan ngại về chính sách chống ma túy của mình.
Ông gọi Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon là “dốt” và nói Tổng thống Mỹ Barack Obama là “con của gái điếm”, mặc dù lấy làm tiếc vì ông đã nói như vậy.
Các nhà chủ trương địa phương nổi lên
trong cuộc bầu cử Hồng Kôngkhiến Mỹ khó xử
Cuộc bầu cử của Hồng Kông với những chiến thắng ngoài dự đoán của các nhà hoạt động “chủ trương địa phương” đòi quyền tự quyết trên lãnh thổ tự trị của Trung Quốc đang đặt ra một tình huống khó xử cho Hoa Kỳ.
Washington thường cổ súy cho các phong trào dân chủ trên khắp thế giới, nhưng cũng công nhận Hồng Kông là một đặc khu hành chánh của Trung Quốc kể từ khi Anh quốc trả cựu thuộc địa này lại cho Bắc Kinh năm 1997.
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ phản ứng thận trọng đối với những chiến thắng đầu tiên của 6 nhà chủ trương địa phương trong cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp 70 ghế của Hồng Kông hôm 4 tháng 9. Các nhà chủ trương địa phương sẽ hợp cùng 2 đại diện cấp tiến và 22 đại diện ôn hòa trong khối 30 nhà lập pháp “đối lập” mạnh muốn có dân chủ hơn cho Hồng Kông.
Phản ứng của chính quyền Obama
Trong một thông báo gửi cho đài VOA, người phát ngôn Vụ Đông Á và Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ, bà Anna Richey-Allen ca ngợi kết quả bầu cử của Hồng Kông như là một “khẳng định cam kết của người dân tham gia vào tiến trình dân chủ.”
Nhưng bà Richey-Allen không đề cập cụ thể đến các nhà chủ trương địa phương vừa thắng cử. Thay vào đó, bà nói rằng chính quyền của Tổng thống Obama “mong chờ dịp làm việc với tất cả các nhà lãnh đạo thắng cử để xây dựng các mối quan hệ vững mạnh hơn giữ Hoa Kỳ với Hồng Kông và đạt đến các mục tiêu có lợi cho cả hai bên.”
Liệu một trong những mục tiêu đó có phải là quyền tự quyết của Hồng Kông, một hoài bão các nhà chủ trương địa phương – những người phàn nàn rằng bản sắc của Hồng Kông đang bị Bắc Kinh và làn sóng người di cư Trung Quốc đang đổ vào ngày một nhiều xóa dần đi. Các nhà chủ trương địa phương muốn có những thay đổi trong hiến pháp Hồng Kông để cho phép người dân quyết định liệu họ có muốn tách ra khỏi Bắc Kinh để độc lập sau thời gian tự trị 50 năm kết thúc vào năm 2047 hay không.
Chính phủ Trung Quốc lên án những người sổ súy cho độc lập Hồng Kông và khinh thường họ như những kẻ cực đoan thiểu số. Khi nhà lãnh đạo cao hàng thứ ba của Trung Quốc là ông Trương Đức Giang đi thăm Hồng Kông hồi tháng 5, ông cảnh cáo rằng Hồng Kông chắc chắn sẽ “mục nát” nếu lãnh thổ này từ bỏ công thức tự trị “một nước, hai hệ thống.”
Người Mỹ bản địa chống đường dẫn dầu
WASHINGTON —
Người dân trên khắp nước Mỹ đang bày tỏ sự ủng hộ đối với tổ chức của người Mỹ bản địa ở bang North Dakota phản đối việc xây dựng đường ống dẫn dầu ngang qua phần đất tổ linh thiêng của họ. Các ứng cử viên tổng thống của hai đảng lớn chưa thể hiện lập trường về vấn đề đối kháng giữa ngành công nghiệp và các nhà bảo vệ môi trường này. Nhưng một số chính trị gia cánh tả và những người nổi tiếng đã tích cực hành động thay mặt cho tổ chức Standing Rock Sioux Tribe.
Các cuộc biểu tình chống đường ống dẫn dầu Dakota đã diễn ra ở khoảng 30 tiểu bang. Hôm thứ Ba, những người biểu tình đã đến thủ đô nước Mỹ. Trong bối cảnh phe Cộng Hòa ủng hộ ngành công nghiệp chiếm tỉ lệ áp đảo trong Quốc hội, nhóm Standing Rock Sioux Tribe nói Tổng thống Barack Obama là hy vọng duy nhất của họ. Bên ngoài Tòa Bạch Ốc, các nhà hoạt động đã kêu gọi ông hãy ngăn chặn dự án lại.
Cô Jasilyn Charger của Hội đồng Giới trẻ Bản địa Quốc tế nói:
“Mọi người nghĩ rằng tràn dầu sẽ chỉ ảnh hưởng đến chúng tôi. Không phải thế. Nó sẽ ảnh hưởng đến mọi người dân ở Vịnh Mexico và xa hơn nữa. Chúng tôi đại diện cho tất cả mọi người ở vùng hạ lưu”.
Đường ống dẫn dầu gần 2.000 km dưới lòng đất sẽ đưa dầu thô từ Bakken, bang North Dakota tới Illinois, ngang qua bốn tiểu bang. Những người ủng hộ nói rằng đường ống sẽ giúp bảo đảm sự độc lập về năng lượng của Hoa Kỳ và cung cấp hàng ngàn công ăn việc làm. Họ nói rằng đường ống này an toàn với môi trường. Nhưng một số người Mỹ không tin chuyện đó.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders của bang Vermont nói:
“Nhóm Oil Change International, một nhóm quan tâm sâu sắc đến tương lai hành tinh của chúng ta, nhận thấy đường ống dẫn dầu Dakota sẽ ảnh hưởng đến hành tinh của chúng ta tương tự như việc có thêm 21 triệu chiếc xe nữa lưu thông trên đường”.
Cựu ứng viên tổng thống Bernie Sanders yêu cầu phân tích kỹ lưỡng các tác động của dự án này đối với môi trường.
Ứng cử viên tổng thống của Đảng Xanh Jill Stein cũng đã tới North Dakota, nơi một số nhà hoạt động đã bị bắt giữ hồi đầu tuần này vì cố ngăn chặn việc xây dựng.
Bà Jill Stein nói: “Ra lệnh bắt lầm người. Tội phạm thực sự ở đây là đường ống dẫn dầu Dakota. Chúng phải bị chặn lại. Tổng thống Obama nên ra tay”.
Bộ Tư pháp Mỹ hôm thứ Sáu đã đình chỉ việc xây dựng trên phần đất công bên cạnh hoặc bên dưới hồ Oahe, nhưng chỉ sau khi một thẩm phán liên bang bác bỏ yêu cầu của nhóm Standing Rock Sioux Tribe đòi hoãn dự án có thể gây nguy hiểm cho nguồn nước của họ.
Tranh cãi về đường ống dẫn dầu đã gây chú ý đến vấn đề lớn hơn về tình trạng của người Mỹ bản địa, những người lâu nay than phiền rằng các quyền của họ không được tôn trọng.
Tổng thống Obama bỏ lệnh trừng phạt Myanmar
Cindy Saine
TÒA BẠCH ỐC —
Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đón tiếp lãnh tụ thực quyền của Myanmar, bà Aung San Suu Kyi, tại Tòa Bạch Ốc với một số tin vui cho bà và cho nền kinh tế gặp nhiều khó khăn của nước bà sau mấy chục năm bị cô lập. Thông tín viên Tòa Bạch Ốc Cindy Saine của đài VOA tường trình rằng cả hai nhà lãnh đạo thừa nhận rằng còn nhiều việc cần phải làm trong mục tiêu cải cách dân chủ và nhân quyền ở Myanmar, nhưng nước này đã đạt được nhiều tiến bộ đáng kể so với khi ông Obama thăm bà Suu Kyi còn bị giam giữ tại gia cách đây mấy năm.
Đây không phải là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo gặp nhau, nhưng cuộc họp lần này diễn ra trong một bối cảnh khác.
Ông Obama nói: “Nếu cách đây 5 năm quý vị dự đoán rằng bà Aung San Suu Kyi sẽ đến đây trong tư cách là một đại diện dân cử của nước bà, nhiều người có lẽ không tin. Kết quả này là một tin phấn khởi trong một thời kỳ mà chúng ta thấy khá thường xuyên các nước đi theo chiều ngược lại.”
Sau cuộc họp hôm thứ Tư 14/9 tại Tòa Bạch Ốc, Tổng thống Obama loan báo một tin quan trọng:
“Hoa Kỳ nay chuẩn bị dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt đã áp dụng đối với Miến Ðiện trong một thời gian khá dài. Đó là một việc đúng cần phải làm để bảo đảm rằng người dân Miến Ðiện được hưởng thành quả của cách làm mới.”
Bà Aung San Suu Kyi cám ơn Tổng thống Obama và Quốc hội đã thực hiện các lệnh trừng phạt đối với quân đội Miến Ðiện để khuyến khích dân chủ, nhưng bà nói bây giờ đã đến lúc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt đó.
Bà Suu Kyi cho biết: “Đoàn kết cũng cần có thịnh vượng, bởi vì khi người dân phải lo tranh giành nhau các nguồn tài nguyên hạn chế, họ sẽ quên đi điều quan trọng là phải đoàn kết với nhau.”
Cả hai nhà lãnh đạo kêu gọi người dân Mỹ đi du lịch và đầu tư vào Myanmar – đất nước xinh đẹp và phong phú về di sản văn hóa.
Nhưng một số nhà lãnh đạo về nhân quyền lên tiếng khuyến cáo về việc dỡ bỏ chế tài hoàn toàn. Họ nêu ra các thành tích lẫn lộn về nhân quyền của Myanmar và các chính sách bất nhất của nước này đối với người Rohingya, một trong những nhóm sắc tộc thiểu số được xem là bị đối xử tồi tệ nhất trên thế giới.
Phát biểu về xung đột sắc tộc, bà Aung San Suu Kyi nói rằng bà muốn mọi người là công dân có đầy đủ quyền công dân.
Ông Trump muốn giảm cân
Ứng cử viên Tổng thống bên Đảng Cộng hòa Donald Trump cho biết ông cũng giống như nhiều người Mỹ khác: muốn giảm cân.
Ông trùm bất động sản nói với bác sĩ Mehmet Oz trong buổi thu hình hôm 14/9 cho chương trình nổi tiếng của vị bác sĩ này rằng ông muốn giảm từ 7kg đến 9kg. Ông Trump, người có chiều cao 1,9m, cho biết ông cân nặng 107 kg, nghĩa là thừa cân theo tiêu chuẩn chăm sóc sức khỏe của Mỹ.
Ông Trump đưa cho bác sĩ Oz bản tóm tắt kết quả kiểm tra sức khỏe tuần trước, nhưng chưa biết chi tiết các xét nghiệm ra sao vì chương trình tới ngày 15/9 mới được phát sóng. Những người tham dự buổi thu hình chia sẻ thông tin về trọng lượng của ông Trump và chiến dịch tranh cử của ông cho biết các thông tin về sức khỏe của ông Trump sẽ được công bố vào ngày 15/9. Người ta biết rằng ông phải uống thuốc statin để điều trị cholesterol cao.
Nếu ông Trump 70 tuổi đắc cử vào ngày 8/11 tới đây, ông sẽ là Tổng thống cao tuổi nhất nước Mỹ. Đối thủ của ông bên Đảng Dân chủ, bà Hillary Clinton, sẽ là Tổng thống cao tuổi thứ nhì của nước Mỹ (69 tuổi, tính tới ngày tuyên thệ nhậm chức vào tháng giêng tới), nếu bà đắc cử, và sẽ là nữ Tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ.
Sinh viên Mỹ thiếu kiến thức cơ bản về thế giới
Sinh viên Mỹ hiểu biết thế nào về địa lý, môi trường, nhân khẩu học, chính sách đối ngoại của Mỹ, các sự kiện quốc tế gần đây, và kinh tế? Năm ngoái, tổ chức National Geographic Society và Hội đồng Quan hệ Đối ngoại khởi sự tìm hiểu với một cuộc khảo sát. Nếu đây là một bài thi thì đa số sinh viên đã bị trượt.
Một ngàn người trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 26 hiện đang học hay đã học cao đẳng hoặc đại học ở Mỹ tham gia vào cuộc khảo sát.
Các câu hỏi được thiết kế để kiểm tra kiến thức cơ bản của sinh viên về thế giới và vai trò của nước Mỹ trên toàn cầu. Kết quả không mấy khích lệ. Điểm trung bình chỉ đạt 55%.
Ông Richard Haass thuộc Hội đồng Quan hệ Đối ngoại cho biết:
“Không một sự chọn lựa thay thế nào cho một thế giới trật tự thành công trong đó có Mỹ đóng vai trò lớn. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị cho những người trẻ này đóng những vai trò quan trọng đó và cuộc khảo sát cho thấy chúng ta chưa đào tạo họ đủ số lượng hay tỷ lệ đáng kể để đáp ứng các nhu cầu ấy.”
Mỹ có bị ràng buộc bằng hiệp ước phải bảo vệ Nhật nếu Nhật bị tấn công hay không? Chỉ 28% số sinh viên tham gia khảo sát biết câu trả lời.
Và chỉ 30% các em biết rằng quyền công bố chiến tranh thuộc về Quốc hội.
Dù phần trả lời của các em tệ, nhưng đa số cho biết muốn hiểu biết thêm về thế giới và xem đó là điều quan trọng.
Bà Susan Goldberg thuộc tổ chức National Geographic Society nói:
“Chúng tôi tìm cách nào để tiếp cận các em vì các em nói là muốn hiểu biết thêm, cho nên hãy chỉ bảo các em. Chúng ta không thể trông chờ tất cả các em tìm đến sách báo.”
Các nhà khảo sát đang phát triển những chương trình truyền thông xã hội với mục tiêu không những chỉ ra những điều sinh viên chưa biết mà còn tìm cách mang tới các em những thông tin các em muốn biết, biến các em trở thành những công dân tích cực và những cử tri hiểu biết thông tin.
Cựu tổng thống Lula của Brazil
bị cáo buộc rửa tiền, tham nhũng
Cựu Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva đã bị buộc tội rửa tiền và tham nhũng.
Những nhà điều tra liên bang công bố các cáo buộc hôm thứ Tư liên quan đến cuộc điều tra tham nhũng tại công ty dầu mỏ quốc doanh Petrobras.
Cựu tổng thống cùng với vợ và một số người khác bị cáo buộc hưởng lợi từ những đợt nâng cấp một căn nhà nhìn ra bãi biển do một công ty xây dựng thực hiện có liên quan tới vụ bê bối tiền lót tay Petrobras.
Một luật sư đại diện cho ông bà Lula đã gặp gỡ báo giới hôm thứ Tư và phủ nhận những cáo buộc.
Luật sư Cristiano Zanin nói rằng nhà chức trách đã quên làm nhiệm vụ chính của họ là trưng ra bằng chứng phạm tội.
Vụ bê bối đã dẫn đến việc người được ông Lula lựa chọn kế nhiệm, bà Dilma Rousseff, bị truất quyền tổng thống vào tháng trước. Quốc hội Brazil đã luận tội nữ tổng thống đầu tiên của nước này về những cáo buộc không liên quan là vi phạm những quy định về ngân sách, trong bối cảnh người dân ngày càng tức giận về cách bà xử lý cuộc suy thoái nghiêm trọng nhất Brazil kể từ những năm 1930.
Những cáo buộc này giờ được đưa ra trước thẩm phán liên bang phụ trách điều tra vụ Petrobras. Thẩm phán phải quyết định xem ông Lula có phải ra hầu tòa hay không.
LHQ: 3,7 triệu trẻ em tị nạn không được tới trường
Bản báo cáo mới của Liên Hiệp Quốc công bố hôm 15/9 cho biết 3,7 triệu trẻ em dưới sự quản lý của cơ quan này không được tiếp cận tới các trường học.
Bản báo cáo cho biết khi các cuộc xung đột vũ trang và sự bất ổn chính trị làm mọi người phải rời bỏ đất nước họ và tha phương khắp thế giới thì trẻ em phải rời bỏ không những quê hương mà, trong rất nhiều trường hợp, còn cả việc học hành.
Tình trạng này trở nên tồi tệ hơn khi trẻ em lớn lên và tỷ lệ bỏ học ở tuổi phổ thông cơ sở là 50% và ở trung học là 22%. Theo dữ liệu của Liên Hiệp Quốc, chỉ có 1% người tị nạn đi học đại học so với 34% trong dân số toàn cầu.
Người đứng đầu tổ chức tị nạn của Liên Hiệp Quốc, ông Filippo Grandi, nói việc giáo dục cho người tị nạn hoàn toàn bị lãng quên. Thách thức đối với việc đưa nền giáo dục tới người tị nạn càng trở nên khó khăn hơn khi dân số ngày càng tăng và sự thiếu hụt về tài chính.
Theo Liên Hiệp Quốc ước tính, số lượng của trẻ em ở độ tuổi đến trường tăng 30% trong năm 2014, điều đó có nghĩa là phải cần thêm 20.000 giáo viên. Các nước tiếp nhận người tị nạn trong nhiều trường hợp đang phải vật lộn để cung cấp những dịch vụ cơ bản cho người tị nạn và cũng phải tìm một nơi để tổ chức các lớp học cũng như cung ứng nhu yếu phẩm. Thông thường các em học sinh bị tụt lại sau trong các chương trình học sau khi mất một vài năm không đến trường và không nói được ngôn ngữ địa phương.
Người tị nạn từ Syria là một trọng tâm toàn cầu bởi cuộc xung đột ở đó đã kéo dài 6 năm và các nước láng giềng từ Thổ Nhĩ Kỳ tới các nước châu Âu đã buộc phải tìm cách làm thế nào để đáp ứng những người rời bỏ đất nước vì giao chiến.
Liên Hiệp Quốc nói có khoảng 1,7 triệu người tị nạn Syria cần được tới trường nhưng gần một nửa trong số đó không được đi học.
Tổ chức này đã kêu gọi các nhà tài trợ toàn cầu đóng góp 4,54 tỷ đô la trong năm nay để cứu trợ người tị nạn Syria. Tài trợ cho giáo dục chiếm tới 662 triệu đô la và cho tới tháng 6, Liên Hiệp Quốc đã chỉ thu nhận được 39% của tổng số tiền mà tổ chức này kêu gọi.
Năm 2015, trong một chương trình tương tự hầu hết số tiền tài trợ cho giáo dục được tiếp nhận vào 2 tháng cuối cùng của năm và Liên Hiệp Quốc nói điều này làm cho các quốc gia tiếp nhận người tị nạn mất khả năng lên các kế hoạch hiệu quả lâu dài cho việc học hành của trẻ em tị nạn.
Bản báo cáo công bố hôm 15/9 của Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nhà tài trợ cam kết cung cấp tài trợ có thể dự báo theo nhiều năm để giúp những nước đó lên kế hoạch tốt hơn cho việc cung ứng giáo viên và nhu yếu phẩm. Tổ chức này cũng thúc giục các chính phủ tiếp nhận người tị nạn đưa họ vào hệ thống giáo dục quốc gia thay vì vào các trường học bổ sung không được giám sát hoặc không được chứng nhận để bảo đảm độ hiệu quả của chúng.
Bản báo cáo cũng nêu bật những lợi ích tổng thể của việc giáo dục vì nó giúp chúng tránh khỏi lao động trẻ em và việc tuyển mộ vào các nhóm vũ trang và việc không cung cấp giáo dục chỉ làm tiếp tục thêm các quy trình xung đột và còn dẫn tới việc có nhiều người hơn nữa bị lâm vào cảnh thất tán.
Hàng viện trợ chờ ông Assad cho vào Syria
Thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga điều giải dường như đang có hiệu lực trên phần lớn đất nước Syria nơi chìm đắm trong chiến tranh, nhưng việc đưa cứu trợ nhân đạo đến các thành phố và khu vực bị vây hãm vẫn chưa tiến hành được trong lúc chính phủ Syria kiên quyết rằng cứu trợ nhân đạo ở thành phố Aleppo cần phải được phối hợp với chính phủ ở Damascus.
Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon tìm cách đả thông bế tắc, ngày 14/9 hối thúc Washington và Moscow thúc đẩy tất cả các bên tham chiến ở Syria nhất trí về hành lang an toàn để đưa hàng viện trợ vào.
“Tối quan trọng là những sự dàn xếp an ninh cần thiết phải được thống nhất,” ông Ban nói. “Tôi đã thúc giục chính phủ Nga dùng ảnh hưởng của họ đối với chính phủ Syria và phía Mỹ cũng phải đảm bảo rằng các nhóm võ trang ở Syria cũng hợp tác toàn diện.”
Lời kêu gọi của ông Ban không mấy có tác động tức thì. Những chiếc xe tải chở đầy thực phẩm tiếp tế đủ dùng trong 1 tháng cho 40 ngàn người đang bị kẹt ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ dù truyền thông Nga loan tin rằng một số hàng tiếp tế đã được lực lượng Nga phân phối tại các vùng do chính phủ Syria kiểm soát tại Homs.
Bạo động giảm đáng kể
Các tổ chức cứu trợ nói rằng họ đang chờ một hành lang an toàn cho cứu trợ nhân đạo được bảo đảm, không chỉ từ chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad thôi, mà còn từ các bên tham chiến khác.
Ðặc sứ Liên Hiệp Quốc về Syria, ông Staffan de Mistura, nói với các phóng viên báo chí ở Geneva rằng “bạo động đã giảm đáng kể, tình hình cải thiện rất nhiều, và không có các cuộc oanh kích.”
Nhưng ông Mistura nói thêm rằng cứu trợ nhân đạo chưa được phân phối bởi vì chính phủ Syria vẫn chưa cấp phép cho Liên Hiệp Quốc, mặc dù ông bày tỏ hy vọng rằng các đoàn xe cứu trợ đang chờ ở biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ có thể phân phối hàng cứu trợ nội trong ngày hôm nay, thứ Tư, cho khoảng 250.000 thường dân theo ước tính đang ở trong các khu vực phía đông thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.
Các nhà hoạt động tỏ ra hoài nghi về khả năng lệnh ngừng bắn được tuân thủ.
Bà Jens Laerke, một người phát ngôn của văn phòng nhân đạo của Liên Hiệp Quốc nói: “Chúng tôi cần đi vào những nơi mà không bị nguy hiểm của pháo kích đe dọa.” Theo ước tính của Liên Hiệp Quốc, hơn nửa triệu người Syria đang ở trong các khu vực bị vây hãm.
Những cuộc giao tranh nhỏ lẻ vẫn xảy ra
Kể từ khi thỏa thuận ngừng bắn có hiệu lực vào lúc mặt trời lặn hôm thứ Hai, trùng với thời điểm bắt đầu lễ Eid al-Adha của Hồi giáo, các nhóm nổi dậy và bên chính phủ của Tổng thống Assad tố cáo qua lại những vụ vi phạm lệnh ngừng bắn rải rác tại một số nơi, mặc dù không có báo cáo về thương vong ở thường dân. Các giới chức quân sự Nga tố cáo các nhóm nổi dậy được Mỹ hậu thuẫn đã vi phạm gần 20 lần trên đường Castello, một trục đường quan trọng dẫn đến những nơi trong thành phố Aleppo do phe nổi dậy kiểm soát.
Một nhóm quan sát thân với phe đối lập, Ðài quan sát Nhân quyền Syria, nói rằng các lực lượng thân chính phủ đã pháo kích vào hai làng ở tỉnh Aleppo và các vùng phụ cận của thủ đô Damascus, và không kích tỉnh Hama ở miền bắc.
Các phe nhóm nổi dậy vẫn không tin tưởng thỏa thuận ngừng bắn do Mỹ và Nga điều giải này. Trong một thông báo của hơn 20 nhóm nổi dậy, trong đó có nhóm vũ trang Quân đội Giải phóng Syria, được Washington hậu thuẫn, nói rằng họ hoàn toàn “cảnh giác trước cái bẫy của thỏa hiệp hoặc dụ chúng tôi vào chỗ kình chống để chia rẽ chúng tôi.”
Các nhóm nổi dậy cũng chỉ trích việc Mỹ và Nga đề nghị phối hợp oanh kích các mục tiêu của nhóm Jabhat Fateh al-Sham trước đây liên kết với al-Qaida với tên gọi vào lúc đó là Jabhat al-Nusra. Các nhóm nổi dậy nói rằng “Điều này sẽ làm suy yếu cánh quân sự của cuộc cánh mạng và tăng cường cho chế độ Assad và các đồng minh của chế độ đó.”
Nếu thỏa thuận ngừng bắn được tôn trọng trong một tuần, Mỹ và Nga sẽ bắt đầu chiến dịch không kích phối hợp chống Nhà nước Hồi giáo và nhóm dân quân Mặt trận al-Nusra.
Cuộc nội chiến kéo dài 5 năm qua ở Syria đã làm hàng trăm ngàn người thiệt mạng và tạo ra khoảng 12 triệu người tị nạn, và gây ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất thế giới.
Bắc Triều Tiên chống chọi với lũ lụt
Bắc Triều Tiên tiến hành nỗ lực phục hồi trên quy mô lớn với sự tham gia của 200.000 người sau một trận lụt tàn khốc bắt đầu vào ngày 30 tháng 8 vừa qua.
Gần 140 người thiệt mạng, hàng chục ngàn người phải rời bỏ nhà cửa, và ít nhất 400 người vẫn còn mất tích.
Khoảng 140.000 người được ghi nhận là cần được giúp đỡ khẩn cấp vì mất sạch nhà cửa và các vật dụng tùy thân, cùng với 600.000 người khác bị ảnh hưởng vì thiếu nước uống, mùa màng bị thiệt hại và không được chăm sóc sức khỏe. Hàng chục ngàn căn nhà và các cấu trúc khác như trường học bị phá hủy hoàn toàn hay một phần.
Hạ tầng cơ sở yếu kém và nạn phá rừng đã làm cho Bắc Triều Tiên dễ bị lũ lụt tàn phá.
Ông Chris Staines, người đứng đầu văn phòng Liên đoàn Hội Chữ thập đỏ Quốc tế và Hội Trăng lưỡi liềm đỏ tại Bình Nhưỡng, cho đài VOA biết: “mọi người mất tất cả, mất hết nhà cửa, mất hết quần áo, mất hết vườn tược, gia súc, mất hết nguồn cung cấp lương thực.”
Ông Staines nói mối quan tâm lớn nhất hiện nay là tìm nơi tạm trú cho những nạn nhân màn trời chiếu đất, nhưng việc tiếp cận nước sạch bị hạn chế tới mức nguy hiểm và nguy cơ mắc các bệnh lây lan như dịch tả đang gia tăng nghiêm trọng. Chính phủ Bắc Triều Tiên đã điều động nhiều lữ đoàn binh sĩ từ các nơi trên toàn quốc để mở lại đường xá và phân phối phẩm vật cứu trợ, vật liệu xây dựng để giúp các nạn nhân lũ lụt. Đợt lũ lụt này bắt đầu vào ngày 29 tháng 8 do cơn bão Lionrock gây ra.
Tham nhũng tác hại đến nỗ lực tái thiết Afghanistan
Tham nhũng tràn lan ở Afghanistan đã làm phương hại đáng kể tới các nỗ lực của Hoa Kỳ tái thiết quốc gia này, theo báo cáo vừa công bố ngày 14/9.
Tổng Thanh tra Đặc biệt của chính phủ Mỹ phụ trách Tái thiết Afghanistan (SIGAR), ông John Sopko cho biết tham nhũng khơi dậy những bức xúc chống lại chính phủ Afghanistan và khiến hỗ trợ vật chất lọt vào tay phe nổi dậy từ khởi điểm của Chiến dịch Enduring Freedom.
Phúc trình của ông Sopko nói tham nhũng vẫn là thách thức khổng lồ đối với an ninh, ổn định chính trị, và phát triển Afghanistan. Ông thúc giục Mỹ đặt các nỗ lực chống tham nhũng lên ưu tiên hàng đầu.
Báo cáo cũng đưa ra một số khuyến nghị thực thi chiến lược chống tham nhũng liên ngành tại Afg
Ấn cấp 1 tỷ đô viện trợ phát triển cho Afghanistan
Ấn Độ ngày 14/9 dành một ngân khoản khổng lồ cho Afghanistan nhân chuyến công du hai ngày của Tổng thống Ashraf Ghani tới New Delhi.
Một tỷ đôla là khoản tiền Ấn cam kết viện trợ phát triển cho Afghanistan.
Hai nước cũng ký một hiệp ước dẫn độ, tạo điều kiện pháp lý để bàn giao tội phạm và khủng bố giữa đôi bên.
Cuộc gặp hôm 14/9 giữa Tổng thống Afghanistan, Ashraf Ghani, với Thủ tướng Ấn Độ, Narendra Modi là cuộc gặp thứ tám của hai nhà lãnh đạo này.
Đa số các chủ đề thảo luận tập trung vào chủ nghĩa khủng bố, yếu tố mà đôi bên nhất trí là mối đe dọa lớn nhất đối với hòa bình khu vực.
Hai bên cũng khéo léo tố cáo nước láng giềng chung Pakistan hậu thuẫn hoạt động khủng bố trong khu vực, điều mà Islamabad phủ nhận.
Hợp tác tương lai giữa Afghanistan và Ấn có thể bao gồm tăng cường hỗ trợ quân sự hoặc hỗ trợ an ninh.
Trong quá khứ, Mỹ từng khuyên Ấn chớ có hành động như thế để khỏi khiến cho Pakistan ‘bị báo động.’ Chính sách này dường như đã thay đổi, theo biên tập viên Suhasini Haidar của nhật báo The Hindu.
Bà nói: “Trong tháng rồi, chúng ta có Tướng John Nicholson, tư lệnh Mỹ tại Afghanistan, tới thăm Ấn và tuyên bố rằng muốn nhìn thấy Ấn đóng vai trò lớn hơn trong việc hỗ trợ an ninh.”
Tổng thống Afghanistan cũng nhận lời mời của Thủ tướng Ấn tham dự lễ khai mạc hội nghị cấp bộ trưởng với tiêu đề ‘Trái tim Châu Á- Tiến trình Istanbul’ vào tháng 12 này. Đây là một cuộc họp cấp khu vực do Thổ Nhĩ Kỳ dẫn đầu nhằm giúp giải quyết những thách thức về an ninh và phát triển của Afghanistan. Hội nghị năm nay sẽ diễn ra tại Amritsar, Ấn Độ.
Trung Quốc bỏ của chạy lấy người khỏi Venezuela
Nguyên Lam & Nguyễn-Xuân Nghĩa, RFA
Tình hình kinh tế bế tắc và xã hội bất trắc tại xứ Venezuela khiến lãnh đạo Bắc Kinh lúng túng không ít. Họ vừa lo mất tiền cho vay lên tới 60 tỷ đô la, lại sợ kiều dân của họ bị sát hại trong một xứ mà tỷ lệ tội ác và lạm phát đang dẫn đầu thế giới. Diễn đàn Kinh tế tìm hiểu về cuộc phiêu lưu thất bại của Trung Quốc tại một quốc gia thuộc loại giàu nhất lục địa Nam Mỹ nay sắp vỡ nợ vì chủ trương xã hội chủ nghĩa với màu sắc cộng sản….
Vì đâu nên nỗi?
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin chào chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa. Thưa ông, nền Cộng hòa Bolivar Venezuela đang bị khủng hoảng muôn mặt mà chưa thấy lối ra sau 16 năm theo đuổi con đường xã hội chủ nghĩa do cố Tổng thống Hugo Chávez đề xướng từ năm 1999. Là quốc gia giàu tài nguyên nhất lục địa Nam Mỹ, ngày nay Venezuela lại dẫn đầu thế giới về suy thoái kinh tế với đà tăng trưởng có thể sụt 10%, về mức lạm phát lên tới 100%, về nạn khan hiếm lương thực khiến người ta cướp thức ăn trong trường học, và nhất là về tỷ lệ tội ác tính theo đầu người. Trong khung cảnh đó, thế giới mới nói tới sự lúng túng của lãnh đạo Bắc Kinh vì họ đã đầu tư nhiều nhất vào xứ này, nay kiều dân của họ có thể bị sát hại nên đã lánh nạn qua hai nước lân bang là Colombia và Panama. Thưa ông , thính giả của chúng ta có thể tò mò tự hỏi là “vì đâu mà nên nỗi như vậy?”
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi nghĩ rằng câu trả lời sẽ gồm có hai phần. Thứ nhất, vì đâu mà một quốc gia giàu có lại đến nỗi phá sản và tan hoang như vậy? Thứ hai, vì sao Trung Quốc trút tiền và người vào xứ này và nay chưa biết làm sao thu hồi lại vốn và bảo vệ mạng sống cho kiều dân của họ?
Về phần nhất, trên diễn đàn này từ hơn ba năm trước, khi ông Hugo Chávez tạ thế, chúng ta cũng đã đề cập và tiên báo các vấn đề ngày nay của Venezuela. Tôi xin được cập nhật lại các chi tiết mới. Số là sau khi giành được nền độc lập từ Đế quốc Tây Ban Nha vào đầu thế kỷ 19 nhờ ông Simon Bolivar, thì Venezuela có hai đặc sản là nạn độc tài và tài vỡ nợ. Trong phạm vi của chương trình kinh tế, ta hãy nói đến nạn vỡ nợ. Tính bình quân thì từ năm 1825 đến 1900, cứ 12 năm rưỡi lại vỡ nợ một lần. Trong ba chục năm gần đây thì bốn lần vỡ nợ, bình quân là bảy năm một lần, mới nhất là vào năm 2004 và nay sắp là lần thứ năm với 100 tỷ đô la trái phiếu sẽ đáo hạn.
Nguyên Lam: Nhưng thưa ông, vì sao trước đây người ta vẫn tin rằng xứ này giàu tài nguyên và thuộc loại trù phú của lục địa Nam Mỹ?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Câu trả lời ngắn gọn là sự hồ hởi sảng vì tài nguyên quan trọng là bộ não trên đầu, không là quặng mỏ dưới đất! Tìm hiểu kỹ thì ta thấy nạn lạc quan tếu vì tài nguyên phong phú khiến giới đầu tư vay tiền và thổi bong bóng chả khác gì hiện tượng bể bọt trên sóng tại vùng biển Nam Mỹ nổi tiếng của Đế quốc Anh vào thế kỷ 18, gọi là “South Sea Bubble”. Qua thế kỷ 20, người ta lại hồ hởi nữa khi tìm ra dầu mỏ tại Venezuela từ năm 1922. Xứ này có trữ lượng khoảng 300 tỷ thùng dầu thô, hàng thứ nhì thế giới, và thành cột trụ của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa OPEC mà cũng bị hoạn nạn chính là vì nguồn tài nguyên đó.
Hơn 30 năm trước, Venezuela đã có dân chủ và tương đối thịnh vượng nhờ kho dầu. Nhưng bất ổn kinh tế vì dầu thô sụt giá và nạn tham ô đã gây bất mãn. Sau khi đảo chánh không thành, Hugo Chavez bèn bơi trên làn sóng phẫn nộ của quần chúng mà tham gia bầu cử và thắng lớn. Ông lập ra một chế độ quyến rũ là “độc tài mị dân”. Mị dân nghèo để tập trung quyền lực vào phe đảng của mình, trên cùng là bản thân, tới khi gần chết mới buông. Có tài hùng biện và khẩu hiệu cách mạng của anh hùng Bolívar, tinh thần độc lập chống Hoa Kỳ và chủ trương xây dựng xã hội chủ nghĩa cho dân nghèo, v.v… Chavez đã thắng và cầm quyền trong 14 năm nhờ đảng Xã hội Chủ nghĩa Thống nhất Venezuela và lực lượng dân quân có 125 ngàn tay súng, nằm ngoài quân đội mà trong hệ thống quyền lực của mình. Ông Chavez cũng lập ra mạng lưới liên hội cộng đồng có cái vỏ của “dân chủ từ cơ sở” mà thực chất là thu vén quyền hành và quyền lợi của các địa phương vào tay những kẻ thân tín của lãnh tụ.
Nguyên Lam: Còn về chính sách kinh tế thì người sáng lập ra chế độ xã hội chủ nghĩa này đã làm những gì, thưa ông?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Vì ỷ vào dầu khí là nguồn thu chính, chế độ Chávez quốc hữu hóa khu vực năng lượng mà không phát triển các khu vực sản xuất khác cho nên kinh tế bị mất cân đối, phải nhập khẩu lương thực, bị lạm phát mà công nghiệp dầu khí lại tụt hậu và mắc nợ vì nạn bao cấp nên mới càng lệ thuộc vào Trung Quốc. Nói chung, Venezuela nay đã cạn tiền và thành phần nghèo khổ bắt đầu thất vọng nhưng chế độ dân chủ nửa vời của Hugo Chavez đã tiêu diệt mọi lực lượng và giải pháp khác nên giờ này các đảng phái đối lập mới chật vật đối phó.
Vì sao Trung Quốc sa lầy?
Nguyên Lam: Nguyên Lam xin bước qua phần hai là vì đâu mà Trung Quốc lại lâm vào tình trạng khó khăn ngày nay tại Venezuela? Thưa ông, chẳng lẽ Bắc Kinh không học được bài học về nạn bể bọt đầu tư đã từng xảy ra tại Venezuela và nhiều xứ Nam Mỹ khác hay sao?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Thật ra họ đã tiếp thu kinh nghiệm quốc tế và có bản lĩnh chứ không mơ hồ. Chuyện này có đầy khúc mắc nên tôi xin từng bước giải thích.
Về đại thể, Trung Quốc là xứ đói ăn khát dầu nên cần bảo đảm nguồn cung cấp nguyên nhiên vật liệu và lương thực về lâu dài, nếu không thì bị loạn. Ưu tiên thứ hai là khi tiến hành việc đó, lãnh đạo Bắc Kinh quan tâm đến yêu cầu phát triển thế lực ngoại giao với các nước, bất kể bản chất của chế độ sở tại. Sở dĩ họ thi hành được là nhờ hệ thống tư bản nhà nước với sức huy động và phối hợp phương tiện mà các nền kinh tế tự do khó cạnh tranh nổi. Từ đó, Bắc Kinh bành trướng ảnh hưởng đến Á Châu, Phi Châu và Nam Mỹ qua hai mũi công là Ngân hàng Phát triển Quốc gia, được gọi tắt theo Anh ngữ là CDB, và các tập đòan nghiệp nhà nước. Ngắn gọn thì ngân hàng CDB cho các nước có tài nguyên vay tiền để thực hiện dự án do doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc tiến hành hầu bảo đảm nguồn tiếp vận tài nguyên và qua đó củng cố thế lực ngoại giao của Bắc Kinh với các nước đang phát triển, kể cả các nước độc tài, và nhất là các nước độc tài.
Bắc Kinh đã xây dựng quan hệ với chế độ Chávez tại Caracas từ lâu nhưng bàn trướng mạnh là từ sau năm 2008. Một phần ba các khoản tín dụng của ngân hàng CDB ra hải ngoại là trút vào Venezuela, nay lên tới hơn 60 tỷ đô la. Song song, doanh nghiệp nhà nước Bắc Kinh cũng được ngân hàng này cho vay để thực hiện các dự án gọi là “thuộc diện chính sách”, trong đó nhiều dự án được hoàn thành tại xứ Venezuela. Nhờ tín dụng của ngân hàng CDB, tập đoàn quốc doanh Venezuela còn đầu tư ngược vào Trung Quốc làm người dân càng tin vào uy thế của Chávez trên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa gọi là Chavismo của ông ta.
Năm 2007, sau khi quốc hữu hóa khu vực năng lượng và đuổi doanh nghiệp Âu Mỹ ra ngoài, ông Chavez tuyên bố rằng tài nguyên của Venezuela là tài sản của toàn dân. Thật ra tài nguyên ấy vẫn do nhà nước Trung Quốc thống nhất quản lý nhờ vai trò của ngân hàng CDB và doanh nghiệp Bắc Kinh. Đây là điều mỉa mai mà truyền thông Venezuela hay quốc tế khó phanh phui vì ngần ấy nghiệp vụ là bí mật về an ninh của Trung Quốc! Tới khi Venezuela lâm khủng hoảng thì Bắc Kinh sợ mất cả chì lẫn chài nên đang cố mồi chài giải pháp khác!
Nguyên Lam: Có lẽ vì vậy mà quốc tế mới loan tin Bắc Kinh đã tiếp xúc với các nhân vật đối lập và doanh gia Venezuela để chuẩn bị giải pháp thay thế chế độ hiện hành của Tổng thống Nicolás Maduro và nhất quyết không cho chế độ này vay thêm một đồng nào nữa. Thưa ông, liệu Bắc Kinh có hy vọng thành công hay không?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Ta không quên là sinh thời, Hugo Chávez rất phục Mao Trạch Đông và sau khi ông mất ngày năm Tháng Ba năm 2013, chính quyền kế nhiệm của Phó Tổng thống Nicolás Maduro quyết định cho ướp xác Hugo Chavez để toàn dân chiêm bái ông ta. Đâm ra ngày nay có năm lãnh tụ độc tài là những xác chết chưa chôn, là Lenin bên Nga, Mao bên Tầu, hai cha con Kim Nhật Thành và Kim Chính Nhật tại Bắc Hàn và ông Hồ tại Việt Nam. Tôi còn nhớ khi ấy tuần báo The Economist tại Anh có một chữ rất ác, là “Dân Mỹ Châu La Tinh đi vào mùa tử dâm” dịch từ “necrophiliac streak”. Tôi xin lỗi quý thính giả, khoa thần kinh tâm lý học nói đến một bệnh lạ là “necrophilia”, ham muốn tình dục với xác chết. Có thể dịch là “ái tử thi”, “lạc thi bệnh” hoặc đơn giản mà cũng hiểu được là “thi dâm” hay “tử dâm”.
Nghĩ vậy thì lời phê của tờ báo là quá nặng, mà chưa đủ vì ngày nay thế giới bên ngoài còn nhiều người mắc bệnh sùng bái Chavez khi ca tụng di sản của ông ta là chế độ cho dân nghèo. Chỉ vì thiếu am hiểu kinh tế nhập môn họ không hiểu dân nghèo mới là nạn nhân và hậu qủa là đầu tháng này, ông Maduro bị cư dân trong khu vực được coi như thành lũy của chủ nghĩa Chavismo rượt đuổi. Cho nên chưa chắc là họ đã ưa thích gì chủ nợ của Venezuela là chính quyền Bắc Kinh. Vì vậy mà Hoa kiều tại Venezuela mới bị bắt cóc và sát hại hàng loạt.
Nguyên Lam: Thưa ông, nếu có thay đổi chính trị tại Venezuela thì liệu Bắc Kinh có thu lại được các món nợ của mình không? Tính ra thì 60 tỷ đô la cũng là nhiều lắm!
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Tôi xin giải thích thêm vài chi tiết chuyên môn để ta hiểu ra tương lai.
Thứ nhất, khi cho vay, Bắc Kinh vẫn có thể nắm dao đằng chuôi. Trong quan hệ với các nước giàu tài nguyên, họ nhấn mạnh đến khẩu hiệu họ gọi là “song doanh” theo lối nói “win-win” của giới kinh tế, tức là đôi bên cùng có lợi. Thật ra, Bắc Kinh lời gấp đôi vì vừa nắm nguồn cung cấp vừa tìm ra nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp của mình. Venezuela đi vay mà trả bằng dầu, mỗi ngày trả 430 ngàn thùng thì mới đủ. Nguồn dầu ấy lại do các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như Sinopec hay CNPC khai thác để xuất khẩu ra ngoài. Chi tiết ly kỳ là sự sai biệt giữa lượng dầu chở từ Venezuela để trả nợ so với số dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, vốn là những số liệu được đôi bên giữ kín. Các chuyên gia quốc tế tìm mãi mới hiểu khúc mắc bên trong.
Thứ nhất, khi cho vay, Bắc Kinh vẫn có thể nắm dao đằng chuôi. Trong quan hệ với các nước giàu tài nguyên, họ nhấn mạnh đến khẩu hiệu họ gọi là “song doanh” theo lối nói “win-win” của giới kinh tế, tức là đôi bên cùng có lợi. Thật ra, Bắc Kinh lời gấp đôi vì vừa nắm nguồn cung cấp vừa tìm ra nhiều hợp đồng cho doanh nghiệp của mình. Venezuela đi vay mà trả bằng dầu, mỗi ngày trả 430 ngàn thùng thì mới đủ. Nguồn dầu ấy lại do các tập đoàn dầu khí Trung Quốc như Sinopec hay CNPC khai thác để xuất khẩu ra ngoài. Chi tiết ly kỳ là sự sai biệt giữa lượng dầu chở từ Venezuela để trả nợ so với số dầu nhập khẩu vào Trung Quốc, vốn là những số liệu được đôi bên giữ kín. Các chuyên gia quốc tế tìm mãi mới hiểu khúc mắc bên trong.
Do đặc tính địa chất, dầu Venezuela thuộc loại “nặng” và “chua” chứ không “nhẹ” và “ngọt” như dầu của Á Rập Saudi, nên khó lọc thành xăng vì cần loại kỹ thuật Trung Quốc chưa có. Thứ hai, dù mua với giá rẻ thì việc chuyển vận từ Venezuela về Trung Quốc cũng tốn kém. Vì vậy, doanh nghiệp Trung Quốc lặng lẽ đem dầu Venezuela bán cho các xưởng lọc dầu Châu Mỹ để kiếm lời ở giữa. Điều ấy mới giải thích vì sao thống kê Hải quan về số dầu nhập vào Trung Quốc lại thấp hơn số dầu xuất khẩu từ Venezuela. Tức là nhờ Chávez, Trung Quốc trở thành tay buôn dầu đáng kể trên các thị trường Bắc Mỹ khi giá dầu còn cao! Nay họ than là đã cho Venezuela vay 60 tỷ đô la thì ta nên tính lại. Và chế độ Venezuela sau này sẽ đòi tính lại.
Nguyên Lam: Tức là ông cho rằng Bắc Kinh cũng có thể bị rủi ro mất nợ tại Venezuela?
Nguyễn-Xuân Nghĩa: Venezuela có truyền thống bốc đồng vì dầu và nhờ dầu mà xây dựng hệ thống chia chác quyền lợi nên mới gặp bất ổn chính trị. Đấy là một rủi ro cho Trung Quốc ở bên ngoài. Trường hợp ấy từng xảy ra tại các nước được Bắc Kinh viện trợ mà bị động loạn và nội chiến nên càng dễ xảy ra tại Venezuela. Vả lại, dân bản xứ không tin vào thiện chí của Bắc Kinh và lề lối giao tế trịch thượng của các doanh nghiệp Trung Quốc. Nếu Venezuela thay đổi thì sẽ có ngày dân chúng xứ này nêu vấn đề về các “món nợ đáng tởm”, là điều mà dân Việt Nam chúng ta nên biết. Số là trên thế giới có nhiều trường hợp mà quần chúng, phe đối lập hay chế độ mới đòi điều tra và hủy bỏ các món nợ do chế độ cũ cam kết với xứ khác. Người ta gọi đó là “món nợ đáng tởm” hay “odious debts” vì chế độ cũ nhân danh quốc gia đi vay nước khác để trục lợi riêng cho tay chân hay thân tộc rồi lại bắt người dân phải trả. Chúng ta còn theo dõi chuyện ấy trong nhiều năm tới.
Nguyên Lam: Ban Việt ngữ đài Á Châu Tự Do và Nguyên Lam xin cảm tạ chuyên gia kinh tế Nguyễn-Xuân Nghĩa về bài phân tích kỳ này.
Anh thông qua dự án điện hạt nhân
Chính phủ Anh vừa thông qua dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân trị giá 18 tỷ bảng Anh sau khi đưa ra nhiều biện pháp an toàn.
Nhà máy điện đặt tại Hinkley Point ở Somerset có nguồn tài chính từ Pháp và Trung Quốc.
Đổi lại, Trung Quốc muốn Anh dùng thiết kế của mình cho các nhà máy điện hạt nhân mới ở Anh.
Tuy nhiên chính phủ Anh nói sẽ “áp dụng cơ chế pháp luật mới cho các khoản đầu tư tương lai từ nước ngoài vào cơ sở hạ tầng quan trọng ở trong nước”.
Những người chỉ trích thỏa thuận này đã cảnh báo về chi phí tăng cao và các hệ lụy của nhà máy điện hạt nhân mà nước ngoài sẽ xây dựng ở nước Anh.
Phía Trung Quốc đồng ý tham gia đầu tư vào các dự án Hinkley và Sizewell với điều kiện Anh sẽ chấp thuận cho Trung Quốc chủ trì và thiết kế dự án Bradwell.
Chính phủ Anh viết trong một thông cáo: “Sau Hinkley, chính phủ Anh quốc sẽ có cổ phần đặc biệt trong tất cả các dự án mới về điện hạt nhân. Điều này sẽ bảo đảm rằng cổ phần đáng kể sẽ không bị chuyển nhượng mà không có chuẩn thuận từ chính phủ”.
Điều khoản liên quan dự án Bradwell cũng đặt ra câu hỏi về an ninh quốc gia, và có tin cho hay các điều kiện đi kèm thỏa thuận về Hinkley có thể đề cập tới sự tham gia của Trung Quốc cũng như cơ chế kiểm soát.
Quyết định đầu tư vào nhà máy điện Hinkley Point được tập đoàn EDF của Pháp thông qua hồi tháng Bảy vừa qua và dự án này trước đó cũng được thống nhất về nguyên tắc với phía Trung Quốc trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Anh quốc hồi tháng 10/2015.
Trung Quốc sắp phóng trạm Thiên Cung 2
Trung Quốc sắp phóng trạm vũ trụ thứ hai và đặt mục tiêu trạm vũ trụ do con người điều khiển năm 2022, truyền thông nước này cho hay.
Trạm Thiên Cung 2 dự kiến được phóng ngay sau 22:00 giờ địa phương (21:00 giờ tối giờ Hà Nội) hôm 15/9 từ sa mạc Gobi.
Tháng tới, hai phi hành gia sẽ lên đến trạm và tiến hành nghiên cứu.
Bắc Kinh xem việc thăm dò không gian là ưu tiên quốc gia và là nước thứ ba, sau khi Liên Xô và Mỹ, đưa phi hành gia vào không gian.
Nhiệm vụ này tiến hành sau vụ phóng trạm Thiên Cung 1 vào năm 2011, một mô hình nhỏ hơn.
Thiên Cung 2 là mô hình thí nghiệm và trải nghiệm không gian, tiền thân của trạm vũ trụ thường trực dưới sự điều khiển của con người mà Bắc Kinh muốn bay vòng quanh thế giới từ năm 2022.
Thiên Cung 2 dài 15m và có thể có các nhiệm vụ kết hợp khác.
Các phi hành gia sẽ lên trạm vào tháng tới và trải qua một tháng ở đó – một khoảng thời gian dài hơn trên Thiên Cung 1.
Khi lên trạm, phi hành đoàn sẽ bắt tay vào các dự án nghiên cứu về truyền thông lượng tử, nghiên cứu vụ nổ tia gamma và vật lý chất lỏng.
Ngoài ra còn có nghiên cứu về tăng trưởng thực vật trong không gian.
Điều thú vị nhất với những người không hiểu nhiều về vũ trụ là trạm mang theo một đồng hồ nguyên tử mà Tân Hoa Xã cho biết sẽ chỉ chậm một giây mỗi 30 triệu năm.
Điều này dự kiến sẽ giúp bản đồ di động trong tương lai chính xác hơn, Tân Hoa Xã dẫn các nhà khoa học cho hay.
Đẩy mạnh chương trình không gian là ưu tiên đối với Bắc Kinh và Trung Quốc khẳng định mục tiêu này mang tính chất dân sự thuần túy.
Bộ Quốc phòng Mỹ tuyên bố rằng một số yếu tố của chương trình không gian Trung Quốc dường như nhắm mục tiêu ngăn chặn các nước khác sử dụng tài sản không gian của họ – như các vệ tinh – trong giai đoạn khủng hoảng hay đối đầu.
‘Đưa người lên mặt trăng’
Tháng 8/2016, Trung Quốc phóng vệ tinh lượng tử đầu tiên trên thế giới, nhằm thiết lập đường dây thông tin giữa không gian và kiểm soát mặt đất mà tin tặc ‘không thể tấn công’.
Trung Quốc có khởi đầu muộn trong hành trình thám hiểm không gian. Mãi đến năm 2001, họ mới phóng các tàu không gian chở động vật thử nghiệm và năm 2003, phi hành gia Dương Lợi Vĩ trở thành người Trung Quốc đầu tiên đi vào không gian, giúp Trung Quốc trở thành quốc gia thứ ba, sau Liên Xô và Mỹ cử người thực hiện sứ mệnh trong quỹ đạo.
Chương trình trạm không gian khởi động một cách nghiêm túc năm 2011 với việc phóng trạm Thiên Cung 1, nguyên mẫu nhỏ hơn có thể chứa phi hành gia nhưng trong khoảng thời gian ngắn.
Trạm đã ngừng hoạt động thu thập dữ liệu vào đầu năm nay, nhưng vẫn bay quanh quỹ đạo trái đất và đang tiến đến gần hơn. Nó được dự báo trở về trái đất vào khoảng 6 tháng cuối năm 2017.
Thiên Cung 3 là là bước cuối cùng trên hành trình tiến đến trạm vũ trụ có người điều khiển.
Khoảng năm 2022 là thời điểm dự kiến và sự thành công của vụ phóng hôm 15/9 sẽ rất quan trọng cho bất kỳ tham vọng không gian nào trong tương lai.
Trung Quốc muốn đưa người của họ đặt chân lên mặt trăng vào năm 2024 và dự kiến tiến hành một chuyến đi đến sao Hỏa khoảng năm 2050.
Colin Powell gọi Trump là ‘hổ thẹn quốc gia’
Cựu Ngoại trưởng Mỹ Colin Powell gọi ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump là “sự hổ thẹn quốc gia”, theo nội dung email bị tung lên mạng.
Bình luận của vị tướng bốn sao đảng Cộng hòa bị công bố sau khi email cá nhân của ông bị tin tặc tấn công.
Các email được đăng lên trang DCLeaks.com.
Ông Powell nói ông “không bình luận” nhưng cũng “không phủ nhận”.
Ông cũng gọi bà Hillary Clinton là “ngạo mạn” khi ông công kích cách bà xử lý khủng hoảng email cá nhân của bà.
Nội dung về ông Trump là trong một email gửi ngày 17/6 cho Emily Miller, một phóng viên và cựu trợ lý của ông Powell.
Phân tích, Anthony Zurcher, BBC News, Washington
Ông Powell, người vào năm 2008 đã bỏ qua đảng để ủng hộ Barack Obama đảng Dân chủ, đã cố gắng đứng trên cuộc bầu cử tổng thống tranh cãi năm nay. Nhưng không thành.
Đầu tiên chính phủ đã công bố thông điệp ông gửi bà Hillary Clinton đảng Dân chủ, khuyên bà dùng email cá nhân để liên lạc khi còn là ngoại trưởng.
Nay, thật trớ trêu, email cá nhân của ông bị để lộ, cho thấy sự chỉ trích mạnh mẽ ông Trump và cũng khá rắn với bà Clinton.
Nói chung người Mỹ thích ông Powell, mặc dù một số người cánh tả xem ông có trách nhiệm khi thuyết phục người Mỹ rằng cần xâm lược Iraq năm 2003. Còn người cánh hữu xem ông không trung thành với đảng Cộng hòa.
Nay ông không bác bỏ mình là tác giả của các văn bản bị lộ, điều này có lẽ sẽ khiến những lời ông nói thêm sức nặng.
Làm sao để phá bỏ giàn khoan trên biển?
Paul Marks
Chúng trông như thể một kho thuốc súng dưới tay kẻ ác kiểm soát – những vỏ tàu thân kép khổng lồ, sóng laser dưới nước, các robot lặn ngầm và các lưỡi cưa kim cương.
Thực ra đó là những công cụ để các kỹ sư dùng tới khi phải tháo dỡ hàng trăm các giàn khoan dầu khí sắp sớm bị bỏ rơi ở Biển Bắc.
Những giàn khoan ở vùng biển từng một thời giúp cho kinh tế châu Âu thịnh vượng trong suốt 40 năm, nay đang đối diện với một kết cục xấu.
Tuy nhiên, dỡ bỏ chúng sẽ là một việc cực kỳ khó khăn.
Trữ lượng hydrocarbon ở Biển Bắc đang cạn kiệt, và nhiều hàng trăm giàn khoan đang dần tới thời kỳ hết hạn hoạt động.
Khi các giếng càng cạn kiệt dần, thì chi phí vận hành các giàn khoan càng trở nên tốn kém, theo Richard Neilson, một chuyên gia chuyên về lĩnh vực công nghệ ngoài khơi từ Đại học Aberdeen.
Thêm nữa, tình trạng giá dầu liên tục xuống giá, khiến cho khoảng một phần ba các mỏ dầu đang hoạt động bị thua lỗ.
Chưa hết, tình trạng mất ổn định sau việc Anh Quốc bỏ phiếu rời EU, mà theo đánh giá của hãng tin tài chính Bloomberg là càng khiến cho việc đóng cửa các giàn khoan ở Biển Bắc càng trở nên cần kíp.
Nhưng lại có một vấn đề phát sinh: các giàn khoan không thể chỉ đóng cửa không hoạt động là xong.
Trách nhiệm bảo vệ môi trường
Theo một nghị định thư do 15 nước tham gia ký kết, Công ước Bảo vệ Môi trường biển ở vùng Đông Bắc Đại Tây Dương, gọi tắt là Ospar, có hiệu lực từ 3/1998, các giàn khoan ngoài khơi không thể bị vứt bỏ ngoài biển hoặc bỏ mặc cho rỉ sét, dần tan tành mục rữa, bởi chúng có nguy cơ tàn phá cho hệ sinh thái biển vốn dễ bị tổn hại.
Các biện pháp được nêu trong Ospar chủ yếu là kết quả của cuộc tranh cãi giữa Shell và tổ chức Hòa bình Xanh sau khi nhóm này gây áp lực với việc chiếm cứ Brent Spar, một kho chứa dầu nổi của Shell để các tàu tới tiếp nhận dầu thô, nhằm chống việc để kho chứa này bị chìm và vứt bỏ trên biển hồi 1995.
Ospar đòi các siêu cấu trúc nổi trên mặt nước của một giàn khoan phải được dỡ đi, đem vào bờ để tái sử dụng.
Phần phía trên này gồm cả toàn bộ hoạt động cốt lõi của giàn khoan dầu hoặc khí, các module khoan sâu, hút và xử lý dầu, khí, và bãi đáp trực thăng cùng nơi ở của nhân viên giàn khoan.
Tiếp đến, cấu trúc hỗ trợ giàn khoan đặt chìm dưới biển cũng phải được xử lý.
Phần này có thể là nền xi măng siêu nặng, cực kỳ chắc chắn xây dựng kèm với các kho chứa dầu xây dựng bằng xi măng. Hoặc nó có thể gồm phần cấu trúc các trụ thép khổng lồ chìm dưới nước có kèm vỏ khung thép bảo vệ.
Cấu trúc hỗ trợ giàn khoan cần phải được dỡ bỏ hoàn toàn nếu nó có trọng lượng dưới 10 ngàn tấn.
Nếu nặng hơn và nếu được xây dựng trước năm 1999, tức là trước thời điểm việc dỡ bỏ các giàn khoan được coi là một phần trong thiết kế giàn khoan, thì các công ty dầu, khí có thể bỏ mặc chúng.
Được xây dựng để chịu được sức gió khủng khiếp của các trận bão tố và sóng biển dữ dội, cho nên các giàn khoan rất vững chãi và việc phá dỡ, đưa chúng vào bờ không hề đơn giản. Công việc này đòi hỏi phải có đầy đủ công nghệ thích hợp trong vài thập niên tới, điều hiện nay con người vẫn chưa đạt tới.
Vấn đề hiện nay đang khá gây đau đầu. Hiện có 470 giàn khoan dầu, khí và 3.000 đường ống cần dỡ bỏ, và có 5.000 giếng khoan cần bít kín bằng xi măng ở độ sâu hàng ngàn mét.
Phần phía trên của các giàn khoan đa phần có trọng lượng hàng chục ngàn tấn. Chẳng hạn như Brent Delta của hãng Shell nặng 24 ngàn tấn.
Ta hãy thử so sánh khối lượng công việc khi dỡ các giàn khoan trên biển với việc phá bỏ các khối cấu trúc được xây dựng trên đất liền.
Việc dỡ bỏ chín giàn khoan của Na Uy tại mỏ dầu Ekofisk liên quan tới việc dỡ đi 113.500 tấn thép, “tương đương với trọng lượng của 54 khối cấu trúc vòng quay London Eye”, Học viên Kỹ thuật Hoàng gia nói.
Tuy nhiên, chuyện này chưa là gì nếu so với chỉ một khối cấu trúc đạt trên trụ xi măng của Shell tại mỏ dầu Brent.
“Cấu trúc của chúng tôi nặng 300.000 tấn, bằng với tòa nhà Empire State,” Duncan Manning, người quản lý hoạt động dỡ bỏ tại mỏ Brent của Shell nói.
Việc đầu tiên không lấy gì làm dễ chịu mà ta cần làm, Manning nói, là phải bít giếng lại.
“Để làm việc đó, từ bệ đỡ ta phải đưa vỏ thép ống dẫn xuống giếng, để tạo ra một rào chắn khiến hydrocarbon không rò rỉ ra trong lúc chờ xi măng đông cứng lại,” ông nói.
Nếu không có giàn khoan nào bên trên giếng dầu, khí, bởi giàn khoan đã được đưa sang một giếng khác, thì có thể dùng bệ đỡ di động, được gọi là “giàn khoan tự nâng”, để làm việc này. Tuy nhiên, đây là cách làm tốn kém, bởi dùng giàn khoan tự nâng sẽ làm tăng gấp đôi chi phí đóng giếng.
Công nghệ hiện đại
Có ba cách chủ yếu để dỡ bỏ phần trên nặng nề của một giàn khoan.
Cách thứ nhất là dùng biện pháp công nghiệp “dỡ từng mảnh nhỏ”, theo đó cần cẩu có sẵn trên giàn khoan sẽ cẩu đi từng phần, bỏ các mảnh kim loại bị dỡ ra vào một xà lan để đưa vào trung tâm tái chế trên bờ.
“Cách thứ hai được gọi là lắp đặt đảo chiều,” Manning nói, tức là tiến hành tuần tự các bước ngược lại với quá trình lắp đặt lúc ban đầu.
“Thay vì dỡ ra mỗi lần một ít những mảnh nhỏ, ta sẽ dỡ đi cả nguyên các module bằng cách dụng một cần cẩu nổi cỡ lớn neo cạnh giàn khoan. Sau đó ta thả các module nguyên vẹn đó lên xà lan cỡ lớn để đưa về trung tâm tái chế.”
Cách thứ ba, là cách mà Shell đã áp dụng với giàn khoan ở mỏ Brent, đòi hỏi công phu hơn: toàn bộ phần trên nặng 24.000 tấn được dỡ đi chỉ bằng một cú nâng lên bằng một loạt các cần cẩu được thiết kế đặc biệt đặt giữa một bè đôi khổng lồ.
Mỗi bên của chiếc bè đôi sẽ nằm phía bên ngoài của một bên giàn khoan. Một khi giàn khoan đã ‘nằm lọt’ giữa bè đôi, cần cẩu sẽ móc vào các tay vịn phía dưới mỗi bên giàn khoan để nhấc bổng nó lên. Ít nhất về mặt lý thuyết là vậy.
Con tàu khổng lồ nặng suýt soát một triệu tấn và dài gần nửa kilomet, đã được đóng tại Nam Hàn cho hãng điều hành ngoài khơi của Hà Lan, Allseas Group.
Nay được gọi là Pioneering Spirit sau khi được đổi từ tên một tội phạm chiến tranh thời phát xít Đức, Pieter Schelte, tàu này khiến khoảng 97% phần trên của các giàn khoan có thể được tái sử dụng.
Một khi phần phía trên của giàn khoan đã được dỡ đi, thì đến lượt cần xử lý phần trụ đỡ bên dưới và / hoặc phần vỏ kim loại bảo vệ bên ngoài.
Có vẻ như các công ty dầu khí đang được phép để lại các khối cấu trúc xi măng siêu nặng dưới đáy biển, chỉ cần dỡ bỏ hầu hết các phần cấu trúc thép bên trên, sao cho phần còn lại chìm dưới độ sâu đủ để tàu bè qua lại an toàn.
Đây là điều đã xảy ra đối với mỏ North West Hutton của BP.
Shell đang hy vọng sẽ làm tương tự đối với ba cấu trúc tại mỏ Brent.
Đây là môi trường dưới đáy biển, đòi hỏi phải dùng các công nghệ cắt phá đặc chủng, như kỹ thuật cắt, bào mòn bằng tia nước, máy cắt thủy lực, lưỡi cưa kim cương có thể gắn lên các robot lặn ngầm hoặc lên các thiết bị điều khiển từ xa.
Trong tương lai, sẽ cần có những công nghệ tân tiến hơn, nhanh hơn để dọn sạch Biển Bắc. Nhóm của Neilson tại Đại học Aberdeen, bên cạnh Peter Gledhill của hãng Deep Ocean Limited, hiện đang nghiên cứu các công nghệ cắt bằng laser hoàn hảo hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn để áp dụng vào các cấu trúc dưới đáy biển.
Một khi các giàn khoan ở Biển Bắc được dọn sách thì các công cụ vốn được dùng để tháo dỡ chúng sẽ được chuyển sang cho mục đích khác: tháo dỡ các turbine điện gió ngoài khơi.
Ospar áp dụng với bất kỳ “hành động nào của con người có thể gây hại cho môi trường biển ở Biển Bắc, và do vậy sẽ đến một ngày các turbine này hết tuổi hoạt động và cần được bỏ đi.
Bài tiếng Anh đã đăng trên BBC Future.
Pháp-Đức
tích cực chuẩn bị thượng đỉnh châu Âu đầu tiên sau Brexit
Thủ tướng Đức Angela Merkel, tối nay, 15/09/2016, tới Paris để thảo luận với tổng thống Pháp François Hollande để thảo luận những biện pháp chuẩn bị cho thượng đỉnh Bratislava, Slovakia, khai mạc vào ngày mai, 16/09. Tuy chỉ là cuộc gặp không chính thức, nhưng thượng đỉnh Bratislava có ý nghĩa biểu tượng quan trọng : Lần đầu tiên, 27 thành viên Liên Hiệp Châu Âu họp với nhau, sau khi người dân Anh Quốc ủng hộ Brexit.
Pháp và Đức, hai trụ cột của Liên Hiệp Châu Âu muốn chứng minh là khối này vẫn năng động, vẫn có những đề xuất mới, bất chấp Brexit.
Từ Berlin, thông tín viên Pascal Thibaut tường trình :
« Không nên chờ đợi là thượng đỉnh Bratislava sẽ có những quyết định lớn, quan trọng. Hôm qua, phát ngôn viên của thủ tướng Angela Merkel đã tìm cách làm giảm bớt những mong đợi đối với thượng đỉnh Bratislava. Hôm nay, thủ tướng Merkel tới Paris, nhằm phối hợp hài hòa các lập trường của Pháp và Đức.
Trước cuộc gặp thượng đỉnh, thủ tướng Đức đã cho tiến hành một chiến dịch vận động ngoại giao gây ấn tượng mạnh và đã có được một sự đồng thuận gần như hoàn toàn của các lãnh đạo châu Âu. Các hoạt động này phản ánh cuộc khủng hoảng của Liên Hiệp Châu Âu và cho thấy tầm quan trọng của nước Đức.
Nước Đức hiện là tâm điểm của các căng thẳng giữa các nước. Đó là chính sách nhập cư và đặc biệt là việc các nước Đông Âu không muốn nhận thêm người tị nạn. Hoặc chính sách ngân sách ; các nước phía nam chỉ trích Berlin tác động đến việc ra những quy định được cho là quá ngặt nghèo về ngân sách.
Đức và Pháp muốn chứng minh là hai nước vẫn còn có khả năng đưa ra những đề nghị mới. Các hồ sơ gây bất đồng được tạm gác sang một bên, để hai nước đề xuất những sáng kiến trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh trong nước và ở bên ngoài để đối phó với nguy cơ khủng bố. Các đề nghị của Pháp và Đức sẽ được hai nước trình bày với các đối tác vào ngày mai, nhân thượng đỉnh Bratislava, với mục tiêu là Liên Hiệp Châu Âu sẽ ra được những quyết định chính thức trong cuộc họp thượng đỉnh vào tháng 12 tới ».
Mỹ viện trợ quân sự 38 tỉ đô la cho Israel
Bất chấp quan hệ căng thẳng giữa hai nước trong hồ sơ Iran và Palestine, chính quyền Mỹ quyết định trong vòng 10 năm tới, sẽ viện trợ quân sự 38 tỉ đô la cho Israel. Đây là một con số kỷ lục.
Thỏa thuận này được ký kết ngày hôm qua, 14/09/2016, tại Washington. Từ Jerusalem, thông tín viên Guilhem Delteil tường trình:
« 38 tỉ đô la, tức là cao hơn 8 tỉ so với thỏa thuận trước đây. Thế nhưng, đối với Israel, mức tăng này không thực chất lắm, bởi vì ngoài khoản viện trợ mà chính quyền Obama cung cấp, Israel đã được Quốc hội Hoa Kỳ chấp thuận bổ sung viện trợ : cụ thể là 500 triệu đô la mỗi năm.Trong khi đó, thỏa thuận vừa ký hôm qua không cho phép Israel tiến hành các cuộc thảo luận với các dân biểu Mỹ để xin thêm viện trợ.
Rốt cuộc, mức tăng chỉ là 3 tỉ đô la và thấp hơn rất nhiều so với mong đợi của thủ tướng Israel là có được viện trợ 45 tỉ đô la trong vòng 10 năm.
Israel còn phải chấp nhận một nhượng bộ quan trọng khác: Thủ tướng Benyamin Netanyahu đã chấp thuận là khoản viện trợ này chỉ dùng để mua vũ khí của Hoa Kỳ. Không được dùng một phần viện trợ của Mỹ để phát triển ngành công nghiệp quốc phòng của Israel.
Tuy nhiên, thủ tướng Israel vẫn muốn ký thỏa thuận này với chính quyền Obama. Bởi vì nếu chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, thì Israel có nguy cơ phải ký một thỏa thuận kém thuận lợi hơn ».
0 comments