TC đã từng bước mua Campuchia như thế nào
Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Chủ tịch TC Tập Cận Bình. Ảnh: Tân Hoa Xã.
James Kynge, Leila Haddou, và Michael Peel, Thời báo Tài chính, 8/9/2016
Phnom Penh đã nổi lên như một đồng minh chí cốt, và để đánh đổi lại Bắc Kinh đang đẩy mạnh phát triển đất nước này.
LND: Đây là bản dịch bài phóng sự điều tra của các nhà báo James Kynge, Leila Haddou, Michael Peel, và Tat Oudom, đăng trên Thời báo Tài chính của Anh (How China Bought its way into Cambodia, Financial Times, September 8, 2016). Bài báo này cho thấy các nhà đầu tư và doanh nghiệp Trung Quốc đã được sử dụng như công cụ của Đảng, chính phủ và quân đội Trung Quốc trong chiến lược thâu tóm và thao túng quốc gia này như thế nào. Campuchia đã trở thành đồng minh tin cậy để Trung Quốc không những phân hóa và vô hiệu hóa ASEAN mà còn biến những dự án đầu tư tại đây thành các căn cứ quan trọng trong bàn cờ chiến lược Biển Đông. Một lần nữa, Campuchia lại trở thành con dao nhọn chĩa vào mạng sườn Việt Nam, trong thế bị bao vây và đe dọa cả ba phía. Những gì diễn ra tại Campuchia có thể diễn ra tại Việt Nam. Liệu còn ai hồ đồ và ảo tưởng vào “tình hữu nghị viển vông” với người bạn vàng phương Bắc, hay người hàng xóm chí cốt phía Tây Nam? Đây là bức tranh thật hay “luận điệu tuyên truyền của các thế lực thù địch” hòng vu cáo Trung Quốc và Campuchia để chia rẽ tình đoàn kết giữa những người bạn cùng vì “đại cục”?
NQD. 10/9/2016
Trong cộng đồng kinh doanh người Hoa tại Campuchia, “Ông anh Fu” là một cái tên được kính nể. Là một cựu sĩ quan Giải phóng Quân Trung Quốc (PLA), thân hình to béo và giọng nói oang oang của ông Fu càng làm tăng thêm quyền lực của cái tên húy đó. Nhưng hình dáng của ông cũng không to bằng những mối quan hệ chính trị của ông. Hầu như không có nhà đầu tư nước ngoài nào trong cái đất nước Đông Nam Á nhỏ bé nhưng quan trọng về chiến lược này lại được hưởng nhiều đặc ân như ông Fu Xianting.
Trong các dịp đại lễ, ông Fu thường đeo tấm băng khánh tiết màu đỏ có gắn huy hiệu vàng, một sắc phục chứng tỏ quan hệ giữa ông với Hun Sen, thủ tướng độc tài Campuchia. Quan hệ của ông Fu với thủ tướng gần đến nỗi chỉ huy đơn vị cận vệ riêng đã gọi ông là “người anh em” và hứa sẽ “tạo điều kiện đi lại an toàn cho mọi nỗ lực của ông Fu”. (Còn nhớ, một số thành viên của đơn vị này đã bị cáo buộc tấn công dã man các nghị sĩ đối lập).
Các mối quan hệ này đã giúp ông Fu và công ty của ông (Unite International) giành được các ưu đãi hiếm có để phát triển một trong những bãi biển đẹp nhất Campuchia trở thành một điểm du lịch trị giá 5,7 tỷ USD. Nói rộng ra, điều này cho thấy các khoản tiền lớn, móc ngoặc bí mật, và sự chống lưng từ cấp cao của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã giúp Phnom Penh chắc chắn nằm trong vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh.
Trong khi Trung Quốc tìm cách nắm quyền kiểm soát Biển Đông, một số nước Đông Nam Á đã tăng cường quan hệ với Mỹ, bao gồm Việt Nam và Philippines. Campuchia là đối trọng kiên cường của Trung Quốc, làm đất nước 15 triệu dân này có một vai trò quan trọng hơn cả tầm vóc của nó, trong một khu vực tranh chấp về địa chính trị gay gắt nhất thế giới. Với quyền phủ quyết hiệu quả trong ASEAN, Campuchia là vũ khí giấu mặt của Trung Quốc.
Câu chuyện của ông Fu cho thấy các công ty tư nhân của Trung Quốc, được các nguồn lực ngoại giao của Bắc Kinh và nguồn lực tài chính vô địch của các ngân hàng quốc doanh Trung Quốc chống lưng, đã mở đường cho chiến lược kinh doanh như thế nào để đặt nền móng cho các tham vọng chính trị và chiến lược của Trung Quốc.
Ông Phay Siphan, Quốc vụ Khanh trong Hội đồng Bộ trưởng Campuchia đã nói, “Về tiền, Trung Quốc là số một… Quyền lực của Trung Quốc ngày càng lớn hơn nhiều…Chúng tôi chọn Trung Quốc vì [đầu tư của họ] không kèm theo điều kiện”.
Ông Phay còn nói thêm, “Một số khoản đầu tư của các nước phương Tây thường có điều kiện kèm theo… [Họ đòi] chúng tôi phải có dân chủ, phải có nhân quyền. Nhưng ở Campuchia, chúng tôi đã trải qua nội chiến và chúng tôi hiểu rằng nếu bạn không no bụng thì bạn không thể có nhân quyền.”
Một cuộc điều tra của Thời báo Tài chính cho thấy đặc ân mà các công ty Trung Quốc giành được từ lãnh đạo Campuchia là được nhượng quyền sử dụng đất vượt xa quy mô được quy định, rõ ràng bỏ qua nghị định nhà nước cho nhà đầu tư Trung Quốc được hưởng, và được chính quyền hỗ trợ để chống lại sự phản đối của nông dân mất đất.
Phân tích các văn bản của nhà nước cho thấy trong nhiều trường hợp, đầu tư của Trung Quốc được hậu thuẫn bởi bản thân ông Hun Sen, một người đã cầm quyền 31 năm và bắt mọi người phải gọi ông ta là “Đức ông Thủ tướng và Tư lệnh Tối cao”. Trong một báo cáo năm nay, một tổ chức vận động của Anh là Global Witness, đã nói rằng thủ tướng đứng đầu một “mạng lưới làm ăn bí mật và gia đình trị khổng lồ” đã cho phép gia đình ông nắm các ngành kinh doanh hàng đầu và giúp “củng cố pháo đài chính trị của thủ tướng”.
Chính phủ Campuchia đã lên án tổ chức Global Witness có mưu đồ và từ chối không bình luận về những gì tổ chức này công bố. Ông Phay Siphan đã nhiều lần không trả lời điện thoại và email về bản báo cáo của Global Witness.
Sự hỗ trợ cá nhân của Hun Sen là quyết định trong việc giúp ông Fu, 67 tuổi, có được bước khởi đầu sớm. Một bức thư của Thủ tướng đề 10/2009 đã chúc mừng ông Fu “thành công mỹ mãn” trong việc phát triển một khu vực ven biển rộng tới 33 km2, với thời hạn cho thuê là 99 năm, mặc dù một phần đất nằm trung khu vực vườn quốc gia được bảo vệ. Thủ tướng còn lập ra một ủy ban đặc biệt có đại diện của 7 bộ để hỗ trợ triển khai dự án này.
Trong bức thư, ông Hun Sen viết (Thời báo Tài chính đã được xem), “Tôi bày tỏ cảm ơn và ủng hộ cá nhân đối với công ty của ông đã triển khai dự án du lịch này”. Bức thư đó được viết 9 tháng sau khi công ty của ông Fu tặng 220 chiếc xe mô tô cho đơn vị cận vệ của Hun Sen, một đội quân riêng gồm 3.000 người, được trang bị xe bọc thếp, giá phóng tên lửa, và súng máy của Trung Quốc. Đó là món quà gần đây nhất trong số các món quà tặng cho đơn vị có nhiệm vụ bảo vệ Thủ tướng và vợ là bà Bun Rany, được biết đến một cách chính thức là “Nhân tài Vinh quang và Chính trực nhất” (“Most Glorious and Upright Person of Genius”).
“Người anh em nhiều năm”
Theo lời kể lại về lễ trao tặng xe mô tô đó – được đăng trên trang mạng của công ty Trung Quốc – Phó Thủ tướng Sok An được trích dẫn đã phát biểu, “cám ơn tập đoàn Unite về món quà 220 xe mô tô và những món quà khác trước đó để hỗ trợ vật chất cho đơn vị cận vệ của Hun Sen… đã hoàn thành nghĩa vụ đóng góp cho chính phủ hoàng gia”.
Tập đoàn Unite đã thiết lập một “liên minh quân sự – thương mại” với đơn vị cận vệ vào tháng 4/2010, một sự dàn xếp rất bất bình thường đối với một công ty nước ngoài tại Campuchia. Tại một lễ kỷ niệm liên minh này, Trung tướng Hing Bunheang, tư lệnh đơn vị cận vệ và một trong số những cộng sự gần gũi nhất của Hun Sen đã hết lời khen ngợi ông Fu.
Trung tướng Hing Bunheang đã phát biểu trong một băng video, được lồng tiếng Trung Quốc, “Ông Fu là người anh em nhiều năm của chúng ta, đã đóng góp xuất sắc vào sự phát triển của Campuchia… Công việc của ông Fu là công việc của chúng ta. Chúng ta sẽ tạo điều kiện đi lại an toàn cho mọi nỗ lực của ông Fu.”
Những lời khen như thế là một điểm sáng trong sự nghiệp kinh doanh của ông Fu, chứng kiến bước chuyển đổi từ một thập niên phục vụ trong quân đội trở thành giám đốc và chủ tịch một tập đoàn kinh tế nhà nước (theo tài liệu của công ty). Công việc kinh doanh của ông tại Campuchia bắt đầu từ đầu thập niên 1990 khi ông tổ chức triển lãm máy nông cụ Trung Quốc. Ông giữ một chức vụ tại Bắc Kinh trong một ủy ban là “Hội Liên lạc Hữu nghị Quốc tế” (China Association of International Friendly Contact), trực thuộc Bộ Ngoại Giao. Nhưng lý lịch doanh nghiệp của ông tại Trung Quốc dường như không tồn tại, với dữ liệu về các công ty chỉ có một chi tiết về ông là “đại diện hợp pháp” của Beijing Tian Yi Hua Sheng Technology, một công ty chỉ có hai triệu đồng Nhân dân tệ (khoảng 300.000 USD) trong vốn điều lệ.
Nhưng tại Phnom Penh, ông Fu có lẽ là doanh nhân có ảnh hưởng lớn nhất của Trung Quốc, một cố vấn chính thức của Hun Sen và một nhân vật được tặng những danh hiệu cao quý của nhà nước và quân đội. Nhưng bất chấp những mối quan hệ được mạ vàng này, việc đầu tư của ông Fu tại Campuchia đã chứng tỏ có nhiều tranh cãi.
Trung Quốc đang đổ tiền vào đất nước này với một nhịp độ chưa từng có, nhưng theo các báo cáo điều tra của James Kynge trên Thời báo Tài chính, không phải mọi người đều được lợi từ các khoản đầu tư hàng tỷ USD này.
Các nhóm hoạt động môi trường đã phản đối việc công ty Trung Quốc này đã giành được đặc quyền thuê đất trong khu vực Công viên Quốc gia Ream, được bảo vệ bằng một nghị định của hoàng gia không cho phát triển chỗ đó. Licadho, một tổ chức nhân quyền Campuchia đã phàn nàn rằng hàng trăm gia đình nông dân đã bị đuổi khỏi nhà của họ. Dân làng đã biểu tình phản đối làm ảnh hưởng đến công việc triển khai của công ty.
Vào tháng 5/2010, một nghị định của Hội đồng Bộ trưởng đã rút giấy phép của công ty ông Fu để phát triển Golden Silver Gulf, tên của dự án nghỉ dưỡng (theo một bản sao của nghị định này mà Thời báo Tài Chính đã có được). Văn bản này đã chuyển trách nhiệm về khu đất đó cho Bộ Môi trường, nhưng chưa rõ liệu dự án có bị đình lại không.
Liên lạc bằng điện thoại và email với ông Fu đều bị ông từ chối bình luận về nghị định đã rút lại giấy phép, nhưng nói rằng việc chấp thuận mà ông có được từ Chính phủ của ông Hun Sen là do uy tín của ông là một doanh nhân được tín nhiệm tại Campuchia và không liên quan gì đến “liên minh quân sự – thương mại” với đơn vị cận vệ.
Năm nay, một công ty con của Unite International, là Yeejia Tourism, đã công bố mấy thỏa thuận liên quan đến dự án này, một dấu hiệu là dự án sẽ tiếp tục hoạt động.
Quan hệ nồng ấm
Ông Hun Sen không phải lúc nào cũng thân Trung Quốc. Đã có lúc ông ấy gọi Trung Quốc là “nguồn gốc của mọi thứ xấu xa” bởi vì Bắc Kinh ủng hộ bọn Khmer Đỏ diệt chủng, đã giết hại khoảng 1,7 triệu người Campuchia trong thập niên 1970.
Nhưng 15 năm qua, nhà lãnh đạo Campuchia này đã trở thành người ủng hộ Trung Quốc khả tín nhất ở Đông Nam Á, chủ trì việc bán những tài sản có giá trị nhất cho các công ty Trung Quốc, thiết lập mối quan hệ quân sự và ca ngợi Bắc Kinh là “người bạn đáng tin nhất”.
Việc nồng ấm với Trung Quốc đã có lúc biến thành lạnh nhạt với Mỹ, như Tổng thống Barack Obama đã chứng kiến khi tham dự hội nghị Thượng đỉnh Đông Á ở Phnom Penh năm 2012. Khi Tổng thống đương chức đầu tiên của Mỹ thăm Campuchia đến gần tòa nhà chính phủ, ông đã nhìn thấy hai băng khẩu hiệu lớn “Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa muôn năm!”.
Trong 20 năm kể từ 1992, khi phương Tây bắt đầu giúp xây dựng nền dân chủ ở Campuchia, các nước tài trợ đã viện trợ khoảng 12 tỷ USD, gồm cả không hoàn lại – phần lớn trong đó không được sử dụng cho phát triển mà ngược lại được dùng để trả lương cho những nhà tư vấn đắt tiền (theo Sebastian Strangio, tác giả của cuốn Hun Sen’s Cambodia).
Để so sánh, Trung Quốc đã đầu tư 9,6 tỷ USD trong thập niên trước năm 2013; và khoảng 13 tỷ nữa sẽ đầu tư tiếp (theo viện nghiên cứu “Hợp tác và Hòa Bình” của Campuchia).
Nhưng sự hấp dẫn của Trung Quốc không chỉ có nguồn vốn đầu tư. Các công ty Trung Quốc do Ngân hàng Phát triển Trung Quốc và các tổ chức hùng hậu khác chống lưng, có tiếng là triển khai nhanh các dự án hạ tầng quan trọng, thường bị chậm trễ do dư luận về nhân quyền và bảo vệ môi trường phản đối.
Một ví dụ là dự án xây đập thủy điện “Lower Sesan” trị giá 800 triệu USD được xây dựng bởi HydroLancang, một công ty nhà nước của Trung Quốc. Công trình 400MW này đã bị phản đối bởi hàng ngàn dân làng phải tái định cư hoặc mất nguồn sinh sống, nhưng dự án vẫn được triển khai theo đúng tiến độ để hoàn thành vào năm 2019.
Trong số 8 triệu hectares (80.000 km2) được giao cho công ty này từ năm 1994 đến 2012, gần 60% tức 4,6m hectare – một vùng rộng hơn cả nước Hà Lan – đã trở thành tài sản của Trung Quốc (theo ước tính của Trung Tâm Nhân Quyền Campuchia, một tổ chức được tài trợ chủ yếu bởi các nhà tài trợ phương Tây).
Một hình thái móc ngoặc bí mật dựa vào quan hệ với chính quyền cũng lộ rõ trong hai dự án đầu tư lớn khác của Trung Quốc được Hun Sen và thuộc hạ cho phép (theo văn bản của nghị định). Một dự án gồm 360 km2 nhượng địa đổi lấy 3,8 tỷ đầu tư của Tập đoàn Union Development Group, một chi nhánh của tập đoàn Wanlong Group, một nhà đầu tư bất động sản lớn của Trung Quốc. Một dự án khác gồm 430 km2 nhượng địa để đổi lấy 1 tỷ USD đầu tư của tập đoàn Heng Fu Sugar, một trong những nhà sản xuất đường lớn nhất Trung Quốc. Tổng hợp quy mô của những nhượng địa này lớn hơn cả thủ đô Phnom Penh.
Cả hai dự án đầu tư này đã gây ra một làn sóng phản đối của người dân và cả hai dự án đều vượt quá giới hạn luật cho phép là 100 km2 nhượng địa cho mỗi công ty. Tập đoàn Heng Fu Sugar đã tránh né quy định này bằng cách lập ra 5 công ty riêng biệt để mỗi công ty nhận một nhượng địa nhỏ hơn quy định một chút (theo các văn bản về nhượng địa).
Mặc dù mỗi công ty trong số 5 công ty đó đều có tên riêng – như Heng Rui, Heng Yue, Heng Non, Rui Feng and Lan Feng – nhưng các giám đốc công ty thừa nhận tất cả thực chất đều do Heng Fu Sugar sở hữu. Ông Tan Jiangxia, đại diện cho công ty quản lý một nông trường tại Preah Vihear, một tỉnh miền trung, đã giải thích công ty ông đã tránh né hạn chế đó thế nào. Ông Tân nói, “Điều này liên quan đến một điều khoản trong luật nhượng địa. Mỗi công ty chỉ được phép nhận tối đa 10.000 hectares, cho nên chúng tôi đã phải giảm diện tích đất do mỗi công ty nắm dưới mức quy định là 10.000 hectare”.
Có một người bạn tốt
Các giao dịch đầu tư lớn không chỉ gắn kết quan hệ của Bắc kinh với Phnom Penh, mà còn giúp đạt được các lợi ích chính trị cho Trung Quốc khi họ áp đặt những tuyên bố chủ quyền tại các vùng biển tranh chấp tại Biển Đông. Khi các chiến hạm của Mỹ tuần tra gần các đảo do Trung Quốc bồi đắp và được trang bị tên lửa chống hạm, Biển Đông đã trở thành một trong các điểm nóng dễ xung đột nhất trên thế giới.
Khi căng thẳng khu vực tăng lên thì giá trị của Campuchia đối với Bắc kinh cũng tăng theo. Đặc biệt lả việc sử dụng vai trò thành viên của Phnom Penh trong khối ASEAN. Bởi vì ASEAN làm việc theo nguyên tắc đồng thuận, việc phản đối của một thành viên có thể phá hỏng bất cứ sáng kiến nào của cả khối ASEAN.
Campuchia đã sử dụng quyền phủ quyết hiệu quả này để bảo vệ Trung Quốc trong tháng 7/2016, khi Asean định ra tuyên bố chính thức về phán quyết của Tòa Trọng tài Quốc tế là các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại Biển Đông không có cơ sở theo luật biển của Liên Hợp Quốc. Nhưng sau khi Campuchia phủ quyết, thông cáo cuối cùng của ASEAN đã bị dội một gáo nước lạnh, không nhắc gì đến phán quyết đó.
Trước hội nghị ASEAN vài ngày, Trung Quốc đã hứa viện trợ cho Campuchia 600 triệu USD, nên Phnom Penh đã phản ứng tích cực tỏ ý biết ơn và công khai vui mừng. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã nói Bắc Kinh “đánh giá cao” lập trường của Campuchia tại hội nghị mà lịch sử sẽ chứng tỏ là “đúng đắn”. Vài ngày sau hội nghị, Bắc Kinh tuyên bố sẽ xây dựng tòa nhà Quốc hội trị giá 16 triệu USD tại Phnom Penh.
Murray Hiebert, một chuyên gia về Đông Nam Á tại Trung Tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), đã nói, “Vì Tòa Trọng tài Quốc tế phán quyết bất lợi cho Trung Quốc tháng 7, Trung Quốc đã viện trợ cho Campuchia 600 triệu USD, và để đổi lại Campuchia ít nhất đã hai lần cản đường ASEAN ra tuyên bố chỉ trích Trung Quốc… Để đánh đổi, Campuchia đã nhận được rất nhiều. Họ nhận được viện trợ. Họ được xóa nợ, và đối với một chính phủ phụ thuộc quá nhiều vào viện trợ nước ngoài, họ nhận được viện trợ sống còn của Trung Quốc. Và người Trung Quốc không đòi hỏi gì về nhân quyền”.
Tat Oudom đưa tin thêm:
Có tham vọng lớn
Một công ty Trung Quốc hoạt động với sự hỗ trợ ngoại giao của Quân Giải phóng Trung Quốc (PLA), sắp xây dựng xong một cảng nước sâu tại một dải bờ biển Campuchia dài 90 km (theo các quan chức công ty và tài liệu dự án).
Cảng đó đủ sâu để tiếp nhận các tàu chở khách lớn, các tàu chở hàng lớn hoặc các tàu hải quân có trọng tải tới 10.000 tấn cập bến. Nó nằm ngay bên Vịnh Thái Lan, chỉ cách khu vực đang tranh chấp tại Biển Đông vài trăm cây số.
Ông Soeng Songang, một giám đốc của tập đoàn Tianjin Union Development Group (UDG), là công ty Trung Quốc đang làm dự án phát triển một khu vực rộng 360 km2 tại tỉnh Koh Kong, nói “Cảng đó sắp xong rồi”. Khu vực này được Phnom Penh cho thuê 99 năm, với giá ước tính là 3,8 tỷ USD. Ông Soeng nói, “Các tàu buôn lớn có thể cập bến, cảng này sâu tới 11m, có thể tiếp nhận các tàu có trọng tải tới 10.000 tấn.”
Các nhà phân tích cho rằng hải cảng này là ví dụ gần đây nhất chứng tỏ nỗ lực của Trung Quốc để trở thành cường quốc hàng hải hàng đầu ở Châu Á, bằng cách xây dựng, đầu tư hoặc giành quyền sử dụng một mạng lưới các hải cảng trong cả khu vực.
Ông Geoff Wade, một chuyên gia về Châu Á tại trường Đại học Quốc gia Úc (ANU), nói “Các hải cảng cực kỳ quan trọng đối với việc Trung Quốc theo đuổi mục đích bá quyền khu vực”. Ông Wade cho biết thêm rằng Bắc Kinh đang đầu tư phát triển hoặc kiểm soát một loạt hải cảng tại Hambantota ở Sri Lanka, Gwadar ở Pakistan, Kyaukpyu ở Myanmar và Chittagong ở Bangladesh, cũng như các cảng khác ở Thailand và Indonesia.
Ngoài ra, Trung Quốc đang xây dựng một căn cứ quân sự đầu tiên ở nước ngoài tại Djibouti, vùng Sừng Châu Phi (Horn of Africa), chiếm lĩnh một vị trí chiến lược sống còn ngay tại cửa ngõ phía Nam của Biển Đỏ tiếp giáp với Ấn Độ Dương, với 30% số lượng tàu thuyền của thế giới phải đi qua đó.
Bắc Kinh chưa có ý kiến liệu họ có kế hoạch sử dụng hải cảng mới tại bờ biển Tây Campuchia vào mục đích quân sự hay không, nhưng ông Wade nói rằng hải cảng này đủ lớn để nếu cần có thể tiếp nhận hầu hết các khinh hạm và tuần dương hạm của Trung Quốc.
Tập đoàn đầu tư UDG được chống lưng bởi các thế lực chính trị và quân sự cấp cao tại Bắc Kinh, bởi vì công ty tư nhân này (có trụ sở tại thành phố Thiên Tân, ở phía Bắc Trung Quốc) đã giành được quyền sử dụng một diện tích đất rất lớn một cách đặc biệt, kiểm soát tới 20% tổng chiều dài bờ biển Campuchia, vào năm 2008.
Ông Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli), một ủy viên thường vụ Bộ Chính trị của Trung Quốc, là cơ quan đầu não của Đảng Cộng sản Trung Quốc, đã chủ trì lễ ký kết dự án đầu tư của UDG (theo tài liệu mà Thời báo Tài chính có được). Từ đó, dự án này (có tên là Dara Sakor, bao gồm kế hoạch xây một sân bay quốc tế, các bệnh viện, trường quốc tế, khách sạn và khu nhỉ dưỡng 5 sao) đã được lãnh đạo quân sự của hai nước thông qua.
Vào tháng 11/2015, ông Liao Keduo, lúc đó là chính ủy bộ tư lệnh quân khu Thiên Tân của PLA đã gặp bộ trưởng quốc phòng Tea Banh của Campuchia, trong chuyến thăm Thiên Tân. Theo một trang mạng của UDG có đăng hình hai nhân vật nói trên, ông Liao đã bày tỏ “hy vọng dự án Dara Sakor, một bông hoa của tình hữu nghị được vun đắp bởi hai đất nước Trung Quốc và Campuchia, có thể nở hoa kết trái một ngày gần đây”.
J. K. – L. H. – M. P.
TS Phạm Gia Minh chuyển cho BVN.
0 comments