Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Thế giới - 04/09/2016

Sunday, September 4, 2016 2:14:00 PM // ,

Tin khắp nơi – 04/09/2016

Thượng đỉnh G20 bàn kinh tế toàn cầu

Các nhà lãnh đạo thế giới đang nhóm họp tại hội nghị thượng đỉnh G20 ở Trung Quốc, thảo luận các chính sách thúc đẩy kinh tế thế giới.
Các nhà lãnh đạo dự lễ khai mạc hội nghị thượng đỉnh kinh tế hàng năm, lần đầu tiên được tổ chức ở Trung Quốc.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nhà lãnh đạo của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới tránh “nói chuyện trống rỗng” khi họ cùng tìm cách vực dậy tăng trưởng kinh tế.
Chống lại các rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế thế giới, cộng đồng quốc tế có những kỳ vọng cao đối với nhóm G20 tại thượng đỉnh Hàng ChâuChủ tịch TQ Tập Cận Bình
Cũng là chủ đề thảo luận còn là cuộc khủng hoảng toàn cầu về thép, các cuộc đàm phán Brexit (ra khỏi EU) của Vương quốc Anh và thuế với các công ty đa quốc gia như Apple.
Khai mạc hội nghị thượng đỉnh tại thành phố Hàng Châu của Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nói kinh tế thế giới đang hồi phục nhưng phải đối mặt với nhiều thách thức về tài chính, thương mại và đầu tư.
“Chống lại các rủi ro và thách thức đối với nền kinh tế thế giới, cộng đồng quốc tế có những kỳ vọng cao đối với nhóm G20 tại thượng đỉnh Hàng Châu,” ông nói.
Trước cuộc họp, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo định chế này có khả năng sẽ hạ dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu một lần nữa trong năm nay.
IMF đã giảm triển vọng toàn cầu của mình sau khi cuộc bỏ phiếu Brexit diễn ra, cắt giảm dự báo tăng trưởng GDP của thế giới tới 3,1% cho năm 2016 và 3,4% trong năm 2017.
‘Ý nghĩa của Brexit’
Đây là hội nghị thượng đỉnh G20 cuối cùng mà Tổng thống Mỹ Barack Obama tham dự và là lần đầu tiên Thủ tướng Anh Theresa May tham gia.
Tại một cuộc họp báo chung, Tổng thống Obama nói rằng sứ mạng đầu tiên của nước Anh sau cuộc trưng cầu về EU là “xác định ‎ Brexit có ý nghĩa thế nào liên quan tới châu Âu”.
Tôi đã rất rõ ràng rằng tôi sẽ làm việc đó (về dự án Hink Point) và sẽ đưa ra quyết định vào một thời điểm nào đó trong tháng nàyThủ tướng Anh, Theresa May
Ông nói thêm rằng Hoa Kỳ sẽ ưu tiên cho các đàm phán thương mại với EU, mà Hiệp định Đối tác Thương mại và Đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) là một nội dung đã biết, trước các cuộc đàm phán với nước Anh.
Thủ tướng Anh, Theresa May sẽ đưa ra giải thích trước hội nghị thượng đỉnh quyết định của nước Anh rời khỏi EU và các vấn đề kéo theo.
Nhà lãnh đạo của Anh đang bảo vệ quyết định gây ngạc nhiên của bà khi đình hoãn dự án điện hạt nhân Hinkley Point có trị giá 18 tỉ bảng Anh, nói rằng bà sẽ xem xét thêm các luận chứng liên quan.
“Tôi đã rất rõ ràng rằng tôi sẽ làm việc đó và sẽ đưa ra quyết định vào một thời điểm nào đó trong tháng này,” bà nói thêm.
Thủ tướng Anh sẽ thảo luận về dự án với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong bối cảnh căng thẳng ngoại giao gia tăng xung quanh quan ngại của lãnh đạo Anh về việc Trung Quốc tham gia trong dự án Hinkley Point.

Mỹ – Trung khẳng định

cùng hợp tác trong các lĩnh vực quan trọng

Trong hơn ba giờ hội đàm hôm thứ Bảy, 3/9, giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Mỹ và Trung Quốc đã cam kết hợp tác chặt chẽ hơn với nhau về một loạt các vấn đề an ninh, thương mại và y tế.
Tuy nhiên đã có mâu thuẫn bất thường giữa các nhân viên Tòa Bạch Ốc, các phóng viên Mỹ và các quan chức an ninh Trung Quốc khi ông Obama đến Hàng Châu, đe dọa làm hỏng cuộc họp trước khi nó diễn ra.
Sau khi Đệ nhất Không lực hạ cánh ở Hàng Châu, các quan chức Trung Quốc đã hét vào các nhân viên Tòa Bạch Ốc vì đã cho đội phóng viên đi theo đoàn Mỹ được có mặt trên đường băng. Một quan chức đã hùng hổ chặn đường bà Susan Rice, Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ.
Sau đó, tại Nhà khách Chính phủ Tây Hồ, các quan chức Trung Quốc và Mỹ cãi nhau bằng tiếng Trung về việc bao nhiêu nhân viên và phóng viên được phép vào trong phòng họp. Mặc dù vậy, hai ông Obama và Tập đã dành khoảng 3 tiếng rưỡi hội đàm trước khi đi dạo buổi tối trong vườn.
Một tuyên bố của Tòa Bạch Ốc cho biết hai nhà lãnh đạo đã đồng ý làm việc cùng nhau để xây dựng năng lực gìn giữ hòa bình của các đối tác thuộc Thế giới Thứ ba, với việc Washington cung cấp trợ giúp về công binh và hậu cần quân sự, việc này sẽ đảm bảo triển khai nhanh chóng các đơn vị này. Trung Quốc cho biết họ dự định sẽ sẵn sàng triển khai trong vòng 60 ngày một số đơn vị trong lực lượng gìn giữ hòa bình gồm 8.000 người mà họ đã hứa.
Hai nguyên thủ cũng cam kết sẽ cải thiện việc chia sẻ thông tin về các nghi phạm khủng bố nước ngoài, bao gồm cả thông tin tiểu sử và các báo cáo về lời khai. Ngoài ra, tuyên bố cho hay hai bên đã tái khẳng định ý định thực hiện một loạt các biện pháp an ninh mạng nhằm hạn chế các vụ tin tặc và hành vi ăn cắp tài sản trí tuệ.
Hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về hợp tác quân sự “những lĩnh vực cùng quan tâm”, bao gồm các biện pháp “tăng cường tin cậy lẫn nhau, cải thiện sự an toàn của các hoạt động và giảm thiểu rủi ro giữa các lực lượng vũ trang của hai nước”. Tuyên bố cho biết hai bên cũng cam kết sẽ tiếp tục phát triển và thực hiện một loạt các biện pháp xây dựng lòng tin đã được hai nước đồng ý hồi tháng 11 năm 2014.
Hoa Kỳ cho biết cuộc hội đàm phán nhấn mạnh và khẳng định lại cam kết về chống lại nạn buôn bán ngà voi, các chuyên gia nói nạn này gây ra một mối đe dọa nguy hiểm với các quần thể voi đang suy giảm ở châu Phi.
Hai bên cũng khẳng định cam kết trước đó về việc đạt được hiệp định với các quốc gia khác nhằm hạn chế đánh bắt cá thương mại không được kiểm soát trên vùng biển trung tâm Bắc Băng Dương.

Thượng đỉnh G20 Hàng Châu có gì mới ?

G20 Hàng Châu, bệ phóng ngoại giao của Bắc Kinh ? Syria, khủng bố, tăng trưởng xanh : những chủ đề nổi bật tại thượng đỉnh quy tụ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới G20 tổ chức tại Hàng Châu- Trung Quốc trong hai ngày 04 và 05/09/2016.
Khoảng 40 lãnh đạo trên thế giới tập hợp về Hàng Châu- Trung Quốc, từ tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama đến lãnh đạo Nga, Vladimir Putin, từ tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đến hoàng tử vương quốc dầu hỏa Ả Rập Xê Út Mohammed Ben Salman.
Đại diện cho Châu Á, ngoài ông Tập Cận Bình trong cương vị chủ nhà, phải kể đến hai nhân vật nặng ký trên bàn cờ kinh tế và quan hệ quốc tế là thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và lãnh đạo Ấn Độ, Narendra Modi. Châu Âu gây chú ý với hai nữ thủ tướng Đức và Anh, Angela Merkel và Theresa May. Nhưng ấn bản G20 lần thứ 11 có gì mới ?
Hàng Châu, thành phố sạch và yên tĩnh nhờ G20
Không phải tình cờ Hàng Châu được chọn làm địa điểm tiếp nguyên thủ quốc gia 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới, cùng với lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu, đại diện của 7 định chế đa quốc gia như Ngân Hàng Thế Giới, Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế hay Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE … và 7 nguyên thủ trong diện khách mời của G20.
Hàng Châu, một thành phố với gần 8 triệu dân cư, là một trong những địa điểm du lịch hấp dẫn nhất của Trung Quốc, là quê hương của ông vua Jack Ma, chủ nhân hệ thống bán hàng qua mạng Alibaba và thành phố này cũng là thành trì của chủ tịch Tập Cận Bình, là bệ phóng đưa ông lên đỉnh cao quyền lực.
Để chuẩn bị cho thượng đỉnh G20 lần này, Trung Quốc đã tăng cường an ninh tối đa. Hàng triệu dân cư của thành phố được “đề nghị” đi nghỉ mát xa nhà. Đôi khi phí tổn của những ngày nghỉ mát bất khả kháng đó được công ty trang trải. Hàng Châu trở nên yên tĩnh với những đại lộ vắng người đến nỗi, phóng viên nước ngoài không ngần ngại gọi đây là “thành phố ma”. Chỉ có bóng dáng nhân viên an ninh. Những nhà ly khai, những người bất đồng chính kiến với đường lối của Bắc Kinh được tạm mời đi du lịch “nước ngoài”.
Cũng nhờ tổ chức thượng đỉnh G20 mà không khí ở Hàng Châu trở nên trong sạch lạ thường. Hàng ngàn nhà máy, cơ xưởng được lệnh tạm ngưng hoạt động. Tuyệt đối không thấy khói đen nhả ra từ những lò sản xuất gần thành phố vào lúc mà Trung Quốc thông báo “phê chuẩn thỏa thuận chống biến đổi khí hậu đã được thông qua ở Paris nhân hội nghị COP21.
Hàng Châu, “xa lộ” thông tin ?
Điều bất thường khác là trong hai ngày thượng đỉnh, bức tường thành kiên cố của cơ quan kiểm duyệt internet Trung Quốc tại Hàng Châu, chiếc nôi công nghệ tin học trên quê hương Khổng Tử, hình như cũng tạm được “nghỉ phép”, để những vị khách mời của G20 cùng hàng ngàn phóng viên quốc tế đến đưa tin về sự kiện trọng đại này dễ dàng truy cập vào cổng tìm kiếm Google hay các mạng xã hội Facebook và Twitter. Nhưng tự do thông tin trên mạng này chỉ được giới hạn ở những khu khách sạn quốc tế hay các trung tâm hội nghị.
G20 Hàng Châu không chỉ dành để nói về kinh tế
Được hình thành từ năm 1999 nhưng thượng đỉnh G20 chỉ thực sự được khởi động vào cuối những năm 2000, khi khủng hoảng tài chính toàn cầu đe dọa ổn định kinh tế của thế giới. Nhóm này bao gồm : Nam Phi, Achentina, Brazil, Canada, Mỹ, Mêhicô, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc, Indonesia, Ả Rập Xê Út, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga, Anh, Pháp, Đức, Ý và Liên Hiệp Châu Âu, tạo ra 85 % sản lượng trên hành tinh.
Ngày 15/11/2008 dưới sức ép của Anh và Pháp, nguyên thủ và thủ tướng chính phủ G20 gặp nhau lần đầu tiên tại Washington, Hoa Kỳ để bàn về một kế hoạch chận đứng đà lây lan của trận đại hồng thủy tài chính, bắt nguồn từ vụ tập đoàn ngân hàng Mỹ Lehman Brothers tuyên bố vỡ nợ.
Khi đó các lãnh đạo trên thế giới chú trọng vào các biện pháp kích cầu, đối phó với khủng hoảng tài chính, vào việc tăng cường các phương tiện chữa cháy của các tổ chức tài chính đa quốc gia như Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế trong nhiệm vụ cứu nguy các nền kinh tế bị động ; vào việc củng cố và rà soát lại hệ thống vận hành của giới ngân hàng đề phòng các hành vi bất cẩn, cho vay quá trớn để xảy ra những thảm họa như Lehman Brothers ; vào việc chống các biện pháp bảo hộ mậu dịch.
Lần này tại Hàng Châu, bên cạnh mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng, đầu tư và trao đổi thương mại trên thế giới, một trong những trọng tâm của hội nghị là hồ sơ chống biến đổi khí hậu, mà Trung Quốc và Hoa Kỳ, hai nền kinh tế gây ô nhiễm nhất hành tình vừa thông báo đã phê chuẩn thỏa thuận khí hậu Paris.
G20 vẫn lúng túng với tăng trưởng
Thượng đỉnh Hàng Châu 2016 mở ra trong bối cảnh, ngoại trừ Ấn Độ, tăng trưởng tại các nền kinh tế đang trỗi dậy bị chựng lại. Đây là trường hợp của Nga, Brazil và kể cả bản thân Trung Quốc. Bên cạnh đó thì các nước công nghiệp phát triển nhất vẫn chưa tìm lại được con đường tăng trưởng một cách vững vàng. Thất nghiệp tại Liên Hiệp Châu Âu còn cao ở mức kỷ lục. Bruxelles phải đương đầu với thách thức Brexit, khi đa số dân Anh đòi ra khỏi gia đình Châu Âu.
Khủng bố và Syria, căng thẳng Nga-Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ
Ngoài những vấn đề thuần túy kinh tế, cộng đồng quốc tế vẫn chưa tìm ra ngõ thoát để giải quyết khủng hoảng Syria. Thêm vào đó là hồ sơ khủng bố hơn bao giờ hết chiếm một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự của G20 Hàng Châu.
Tại thượng đỉnh lần này, một loạt các cuộc họp song phương được dành cho Syria và khủng bố. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan lần đầu tiên xuất hiện trên bàn cờ chính trị quốc tế kể từ sau vụ đảo chính hụt ngày 15/07/2016. Ông Erdogan sẽ có một buổi làm việc song phương với tổng thống Hoa Kỳ, Barack Obama với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin kể từ khi Ankara can thiệp tại Syria. Với Liên Hiệp Châu Âu, lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ cần khai thông hồ sơ người nhập cư. Ngoài ra, tại Hàng Châu lãnh đạo Pháp, Đức và Nga sẽ họp riêng trên hồ sơ Ukraina.
Sau cùng, G20 lần này cũng là cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa tân thủ tướng Anh, bà Theresa May với đồng minh thân thiết Hoa Kỳ và đương nhiên là Brexit cũng sẽ được nhắc tới.
“Tủ kính” về chính sách đối ngoại của Trung Quốc ?
Một trong những sự kiện được chú ý khác tại thượng đỉnh G20 lần này là cuộc họp song phương giữa tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye với chủ tịch Tập Cận Bình trong bối cảnh Mỹ -Hàn triển khai dự án phòng thủ THAAD.
Tất cả những hoạt động ngoại giao nói trên cho thấy, Trung Quốc với thượng đỉnh G20 Hàng Châu đang khẳng định ảnh hưởng của mình trên bàn cờ quốc tế. Không chỉ hài lòng với cương vị nền kinh tế thứ hai toàn cầu, Bắc Kinh đã liên tục mở rộng vai trò của mình trên tất cả các lĩnh vực, từ tài chính đến ngoại giao, và kể cả về mặt chiến lược qua hàng loạt các chương trình hợp tác với Châu Phi, châu Mỹ hay từ Âu sang Á.
Đặc biệt trên địa hạt tài chính, ngân hàng, Bắc Kinh với sáng kiến thành lập Ngân Hàng Đầu Tư Cơ Sở Hạ Tầng Châu Á AIIB đã lôi kéo được nhiều thành viên trên thế giới vào quỹ đạo của mình, trong đó có cả những đồng minh thân thiết của Mỹ, cho dù tăng trưởng của Trung Quốc bị chựng lại và quốc gia này phải đối mặt với rủi ro nợ nần chồng chất.
Cũng Trung Quốc đang chạy nước rút để cho ra đời một khu vực tự do mậu dịch rộng lớn, làm đối trọng với Hiệp ước tự do mậu dịch Xuyên Thái Bình Dương của Hoa Kỳ.
Đâu đó, thượng đỉnh Hàng Châu cũng là dịp Bắc Kinh xua tan thất bại ngoại giao và lấy lại uy tín phần nào bị sứt mẻ sau phán quyết về Biển Đông của Tòa án Trọng tài La Haye hồi tháng 7/2016. Riêng với bản thân ông Tập Cận Bình, G20 lần này thành công sẽ là bằng chứng rõ rệt nhất để chứng minh với thế giới và nhất là với các đối thủ chính trị của ông ngay tại Bắc Kinh rằng, Trung Quốc trong những năm tháng Tập Cận Bình đã trở thành một cường quốc có tiếng nói định đoạt với các hoạt động kinh tế của thế giới.

Quan chức Trung Quốc ‘đối đầu’ với cố vấn của ông Obama

Một quan chức Trung Quốc đã “đối đầu” với nữ cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Obama ngay trên đường băng sân bay khi nhà lãnh đạo Mỹ đặt chân tới quốc gia đông dân nhất thế giới, khiến mật vụ Hoa Kỳ phải can thiệp.
Ngay sau khi chiếc chuyên cơ chở ông Obama hạ cánh xuống thành phố Hàng Châu ở miền đông Trung Quốc, một quan chức địa phương đã tìm cách chặn bà Susan Rice tiến tới đoàn xe chở Tổng thống Mỹ khi nữ cố vấn này đi qua khu vực dành cho phóng viên, to tiếng với bà trước khi một mật vụ Mỹ phải can thiệp.
Bà Rice có phản ứng lại, nhưng các phóng viên đứng dưới cánh của chiếc Air Force One không thể nghe rõ tiếng của bà.
Chưa rõ là liệu quan chức Trung Quốc trên có biết rằng bà Rice là một quan chức cao cấp và không phải là phóng viên hay không.
Vị quan chức trên, người không rõ tên là gì, cũng đã hét vào mặt một trợ lý báo chí của Nhà Trắng đang hướng dẫn cho các phóng viên nơi cần đứng trước khi ông Obama xuống máy bay.
Vị quan chức này nói bằng tiếng Anh một cách giận dữ vào trợ lý của Mỹ: “Đây là đất nước của chúng tôi. Đây là sân bay của chúng tôi”.
Vị trợ lý của Mỹ nhấn mạnh rằng các phóng viên được phép ghi lại cảnh ông Obama đặt chân xuống sân bay mà không bị cản trở.
Tin cho hay, Tổng thống Mỹ không chứng kiến những “sự cố” trên. Ông Obama sau đó chào đón các đại sứ và quan chức Mỹ trước khi đoàn xe chở ông và bà Rice phóng đi.
Các phóng viên nước ngoài thường bị cản trở đưa tin về các sự kiện nhạy cảm ở Trung Quốc, nhưng sự việc như xảy ra với bà Rice là chuyện hiếm.
Nữ cố vấn an ninh quốc gia Mỹ từng gặp các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc hồi tháng Bảy khi bà tới Trung Quốc gặp Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức cấp cao khác.
Theo Reuters, AFP

Ông Trump

vận động phiếu của người Mỹ gốc phi, người Hispanic

Ứng viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa Donald Trump hôm thứ Bảy, 3/9, phát biểu tại một nhà thờ của phần lớn là người da đen ở Detroit rằng ông muốn giúp xây dựng lại thành phố và “có rất nhiều sai lầm cần được sửa chữa” ở Hoa Kỳ.
Hai tháng trước cuộc bầu cử, ông Trump đang vật lộn để thu hút các cử tri Mỹ gốc Phi và các cử tri thiểu số khác.
Ông Trump nói với cộng đoàn tại Great Faith Ministries International: “Tôi có mặt ở đây để lắng nghe quý vị. Khi tôi chuẩn bị để vận động trên cả nước, tôi sẽ có cơ hội nêu ra kế hoạch kinh tế của tôi, kế hoạch đó sẽ rất tốt đối với Detroit”.
Nhân viên an ninh của nhà thờ và cảnh sát đã chặn những người phản đối, không cho họ đi vào nhà thờ. Một người biểu tình hô “Ma quỷ trên bục giảng”, với hàm ý nhắc đến ông Trump. Những người khác hô “Hãy vứt Trump vào thùng rác”.
Bên trong nhà thờ, ông Trump nói đất nước cần “một nghị trình về các quyền dân sự của thời đại chúng ta”, với nền giáo dục tốt hơn và việc làm tốt.
Ông Trump nói với những người trong nhà thờ rằng “Đất nước chúng ta bị chia rẽ quá nhiều”.
Tuy nhiên, những người chỉ trích và các nhà phân tích lại cho rằng trong những tháng gần đây những lời lẽ đao to búa lớn của ông Trump đã càng làm tăng sự chia rẽ đó.
Các cuộc thăm do dư luận cho thấy bà Hillary Clinton, đối thủ bên Đảng Dân chủ, nhận được sự ủng hộ trong số các cử tri thiểu số với mức vượt xa ông Trump.

Mỹ cam kết

tìm thủ phạm của cuộc đảo chính bất thành ở Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama hôm Chủ nhật, 4/9, đã đảm bảo với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng Washington cam kết mang các thủ phạm của cuộc đảo chính bất thành hồi tháng 7 chống lại chính phủ của ông Erdogan ra trước công lý, nhưng không nói rằng Hoa Kỳ sẽ dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo bị Ankara cáo buộc.
Ông Obama nói với nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ tại cuộc gặp bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Hàng Châu, Trung Quốc rằng: “Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng những kẻ thực hiện các hoạt động này bị đưa ra trước công lý”.
Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng ông Fethullah Gulen, 75 tuổi, đã dàn dựng cuộc đảo chính. Nhân vật tự đi sống lưu vong từ năm 1999 ở bang Pennsylvania miền đông Hoa Kỳ cương quyết phủ nhận.
Thổ Nhĩ Kỳ đã đề nghị Hoa Kỳ dẫn độ ông Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng các quan chức Mỹ nói rằng Ankara vẫn chưa cung cấp cho họ bất kỳ bằng chứng gì cho thấy ông liên quan đến âm mưu bất thành về lật đổ chính phủ của ông Erdogan. Hoa Kỳ nói bất kỳ nỗ lực dẫn độ nào cũng sẽ phải được phê duyệt trong hệ thống tòa án ở Hoa Kỳ.

Bầu cử quan trọng diễn ra ở Hồng Kông

HONG KONG —
Hãng tin AP cho hay người dân Hồng Kông đi bỏ phiếu hôm Chủ nhật trong cuộc bầu cử quan trọng nhất của thành phố kể từ khi được Anh bàn giao lại cho Trung Quốc quản lý theo một cơ chế đặc biệt vào năm 1997.
Cuộc bầu cử các nhà lập pháp trong Hội đồng Lập pháp là cuộc bỏ phiếu đầu tiên kể khi các cuộc biểu tình đường phố vì dân chủ làm rung chuyển trung tâm tài chính châu Á hồi năm 2014, và kết quả cuộc bầu cử có thể mở ra cuộc đối đầu chính trị mới về việc Bắc Kinh kiểm soát Hồng Kông.
Ở trong trạng thái bấp bênh lúc này là vấn đề về quyền kiểm soát vị lãnh đạo Lương Chấn Anh của thành phố được Bắc Kinh hậu thuẫn nhưng không được người dân ủng hộ, và chính quyền của ông. Các nhà lập pháp “toàn dân chủ” hiện kiểm soát 27 trong số 70 ghế, và phải giữ được ít nhất 1/3 số ghế để giữ quyền phủ quyết.
Đang có một loạt các nhà hoạt động tranh cử với hy vọng sẽ tận dụng được làn sóng chống Trung Quốc trong tình cảm của những người dân, đặc biệt là trong giới trẻ.
Có một rủi ro đó là có thể cuộc bầu cử ủng hộ dân chủ sẽ bị chia rẽ, giúp cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh giành thêm ghế và mở đường cho chính quyền cố gắng ban hành các luật không được lòng dân và gây tranh cãi, từ đó có thể dẫn đến một cuộc đối đầu chính trị mới.
Khoảng 3,8 triệu cử tri có đăng ký sẽ lựa chọn các nhà lập pháp cho 35 ghế của các khu vực bầu cử. Có 84 danh sách ứng cử viên, vì vậy kết quả sẽ rất khó dự đoán. Có 30 ghế khác thuộc về các ủy viên đại diện cho các nhóm kinh doanh và thương mại như kế toán, tài chính, y và thủy sản. Ngoài ra là 5 ”ghế siêu hạng” do cử tri trên toàn thành phố bầu ra.

Đức Giáo Hoàng Phanxicô phong hiển thánh cho Mẹ Teresa

Đức Giáo Hoàng Phanxicô đã phong hiển thánh cho Mẹ Teresa để nêu bật Năm Thánh của Lòng thương xót của ngài.
Lễ phong hiển thánh hôm Chủ nhật đã diễn ra trước hàng chục ngàn người tại quảng trường Thánh Phêrô.
Vị nữ tu người Albania có vóc người nhỏ bé – giờ đây được gọi là Thánh Teresa – đã mở các tổ chức từ thiện ở hơn 120 quốc gia, hàng ngàn nữ tu và hơn một triệu người tình nguyện giúp đỡ cho các tổ chức này. Bản thân bà có một cuộc sống khắc khổ.
Sinh thời, bà nổi tiếng là “vị thánh của người bần hàn”. Người ta biết đến bà qua các hoạt động của bà với những người nghèo nhất trong số những người nghèo ở Ấn Độ, bà đã đến Calcutta ngày 6 tháng 1 năm 1929.
Mẹ Teresa đã nhận giải Nobel Hòa bình năm 1979 vinh danh hoạt động của bà với những người nghèo túng và bệnh tật ở Kolkata – hoạt động này vẫn tiếp tục ngay cả sau khi bà ốm đau. Mẹ Teresa qua đời vào ngày 5 tháng 9 năm 1997, hưởng thọ 87 tuổi.

Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh

mở cuộc tấn công IS mới ở miền bắc Syria

Thổ Nhĩ Kỳ và đồng minh là phiến quân đã mở cuộc tấn công mới ở miền bắc Syria đánh vào các phần tử Nhà nước Hồi giáo dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Ít nhất 20 xe tăng, 5 thiết vận xa, các xe tải và xe bọc thép khác đã vượt qua biên giới, đánh dấu cuộc xâm nhập thứ hai của Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi họ tiến hành chiến dịch “Khiên Euphrates”.
Tin cho hay phiến quân đã chiếm các ngôi làng dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ gần Jarablus và huyện Cobanbey ở phía tây, nằm đối diện với làng al Rai của Syria.
Quyền kiểm soát Al Rai đã chuyển qua chuyển lại giữa Nhà nước Hồi giáo và phiến quân trong những tháng gần đây.
Cuộc chiến Syria đã giết chết ít nhất 250.000 người và buộc gần 5 triệu người di tản khỏi đất nước, nhiều người trong số họ đã đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Trung Quốc cảnh báo về kinh tế thế giới

và chủ nghĩa bảo hộ tại hội nghị G-20

HÀNG CHÂU, TRUNG QUỐC —
Phát biểu khai mạc hội nghị thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo khối G-20 kéo dài hai ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói nền kinh tế toàn cầu đang gặp nguy cơ vì chủ nghĩa bảo hộ gia tăng và các rủi ro của việc sử dụng đòn bảy đang tích tụ.
Lời cảnh báo của ông hôm Chủ nhật, 4/9, được đưa ra sau cuộc hội đàm song phương với ông Barack Obama. Tổng thống Hoa Kỳ mô tả là cuộc hội đàm “cực kỳ hiệu quả”, nhưng không đưa hai bên lại gần nhau hơn về các chủ đề gai góc như căng thẳng ở Biển Đông.
Ông Obama đã đến Trung Quốc hôm thứ Bảy và đã hội đàm với ông Tập. Ông Obama kêu gọi Bắc Kinh duy trì những nghĩa vụ pháp lý của họ trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông, và nhấn mạnh các cam kết của Mỹ với các đồng minh trong khu vực.
Ông Tập cho biết Trung Quốc sẽ tiếp tục bảo vệ chủ quyền và các quyền hàng hải của họ ở Biển Đông.
Nhưng Trung Quốc muốn hội nghị thượng đỉnh tập trung vào các vấn đề kinh tế, và tránh để các tranh chấp khác làm lu mờ hội nghị.
Trong ngày Chủ nhật, ông Tập đã hội đàm với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull và nói ông hy vọng Australia sẽ tiếp tục cung cấp một môi trường chính sách công bằng, minh bạch và lường trước được cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trung Quốc đã tức giận khi Australia ngăn chặn việc bán mạng lưới năng lượng lớn nhất của nước này trị giá 7,7 tỷ đô la cho các nhà thầu Trung Quốc hồi tháng trước.
Trung Quốc cáo buộc rằng Australia đã nhượng bộ cho tinh thần bảo hộ khi họ ngăn chặn cuộc bỏ thầu về Ausgrid, cũng như trước đó đã ngăn một tập đoàn của Trung Quốc mua công ty gia súc Kidman & Co.
Bắc Kinh cũng đã chỉ trích Australia, một đồng minh kiên định của Hoa Kỳ, về việc thực hiện các chuyến bay do thám các đảo tranh chấp ở Biển Đông.
Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker hôm Chủ Nhật nói Trung Quốc phải thiết lập một cơ chế để giải quyết sự dư thừa năng suất công nghiệp, ông nói việc ngành công nghiệp thép châu Âu đã mất rất nhiều việc làm trong những năm gần đây là điều “không thể chấp nhận được”.
Ông nói tại một cuộc họp báo: “Dư thừa năng suất là một vấn đề toàn cầu, nhưng có một yếu tố đặc biệt là Trung Quốc”.

Ông Obama, bà May bàn thảo quan hệ thương mại Mỹ-Anh

HÀNG CHÂU, TRUNG QUỐC —
Thủ tướng Anh Theresa May hôm Chủ nhật, 4/9, nói bà muốn nắm lấy những cơ hội thương mại mới cho Vương quốc Anh dù nước này đã bỏ phiếu để rời khỏi Liên hiệp châu Âu. Bà nhắc lại rằng “Brexit thực sự có nghĩa là Brexit” và sẽ “không có nỗ lực nào để thay đổi chuyện này”.
Sau cuộc họp đầu tiên của bà May với Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama kể từ khi bà lên nắm quyền vào tháng 7, hai nhà lãnh đạo đã tìm cách để hạ giảm tác động việc Anh rời EU đối với “mối quan hệ đặc biệt” giữa Mỹ và Anh
Nhưng ông Obama vẫn không quên khẳng định rằng nước Anh sẽ phải đợi đến lượt mình trước khi Hoa Kỳ đàm phán về một thỏa thuận thương mại riêng biệt mới với Anh bên ngoài EU. Ông Obama lưu ý rằng Hoa Kỳ vẫn đang tập trung vào việc hoàn tất các thỏa thuận thương mại với các nước châu Á-Thái Bình Dương và với EU.
Tổng thống Obama nói ông tin rằng ưu tiên của nước Anh lúc này là “xác định Brexit có nghĩa thế nào đối với châu Âu”. Tuy nhiên, ông Obama hứa sẽ làm việc chặt chẽ với bà May để tránh những ”tác dụng phụ” trong mối quan hệ thương mại.

Mỹ, Nga cố gắng đạt thỏa thuận về ngừng bắn ở Syria

Bill Ide
HÀNG CHÂU, TRUNG QUỐC —
Vào lúc các nhà lãnh đạo thế giới gặp nhau ở Hàng Châu, Trung Quốc nhân Hội nghị thượng đỉnh của khối G-20, Hoa Kỳ và Nga đang làm việc để hoàn tất một thỏa thuận ngừng bắn dành cho Syria. Thỏa thuận này sẽ cho phép có thêm viện trợ nhân đạo đi vào đất nước bị chiến tranh tàn phá.
Hai nước dường như sắp đạt được một thỏa thuận, nhưng vẫn còn những trở ngại.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry đã gặp người đồng cấp Nga Sergei Lavrov hôm Chủ nhật, 4/9, và hai người sẽ gặp lại vào thứ Hai.
Ông Kerry nói với các phóng viên sau cuộc họp rằng hai bên sẽ gặp vào sáng ngày mai và xem liệu có thể hay không thể thu hẹp khoảng cách và đi đến một kết luận về những vấn đề khó khăn còn tồn tại.
Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết hai bên đang gần đạt một thỏa thuận và họ đang bàn về những vấn đề nghiêm túc nhất của việc thực hiện một lệnh ngừng bắn. Ông nói: “Cho đến khi chúng ta đặt viên gạch cuối cùng … Chúng ta chưa thể nói rằng đã đạt được những kết quả”.
Các quan chức quân sự Mỹ và Nga đã gặp trong nhiều tuần để cố gắng soạn ra các điều khoản của thỏa thuận. Các thỏa thuận ngừng bắn trước đó đã không tồn tại được lâu khi cả nước đều hậu thuẫn cho các bên đối địch nhau trong cuộc chiến dài 5 năm.
Moscow ủng hộ Tổng thống Syria Bashar al-Assad, trong khi Hoa Kỳ làm việc với lực lượng đối lập ôn hòa chống ông Assad.

Trung Quốc đóng cửa cầu kính dài nhất thế giới

Trung Quốc hôm qua, 2/9, đóng cửa cầu mặt kính được coi là cao nhất và dài nhất thế giới, hơn 10 ngày sau khi khánh thành và mở cửa đón công chúng tới thăm.
Phát ngôn viên của công viên Trương Gia Giới ở tỉnh Hồ Nam cho biết rằng nơi này đã bị “choáng ngợp bởi số các du khách tới thăm”.
Ông nói tiếp rằng dù cầu kính chỉ có thể đón 8 nghìn người một ngày, nhưng nhu cầu lại gấp “10 lần con số đó”.
Khi được hỏi rằng liệu cây cầu có bị nứt hay vỡ gì không, người phát ngôn này nói rằng “không có vấn đề gì”, đồng thời xác nhận rằng không xảy ra tai nạn nào. Hiện chưa rõ là khi nào thì cầu kính này sẽ mở cửa trở lại.
Cầu kính rộng 6 mét và dài 430 mét được bắc qua một thung lũng cao 300 mét ở công viên Trương Gia Giới, nơi được coi đã truyền cảm hứng cho bối cảnh trong bộ phim “Avatar”.
Cây cầu kỷ lục này được ghép từ gần 100 tấm kính chịu lực ba lớp, và theo Tân Hoa xã, chi phí xây dựng cầu là hơn 3 triệu đôla.
Theo CNN, Xinhua

Các lãnh đạo G-20

muốn có quan điểm về bảo hộ thương mại và công nghiệp

Nhóm 20 quốc gia quan trọng sẽ bắt đầu hội nghị thượng đỉnh ở thành phố Hàng Châu của Trung Quốc vào Chủ Nhật, 4/9. Họ dự kiến sẽ đưa ra lập trường chính thức về việc ngăn chặn xu hướng đang gia tăng về bảo hộ thương mại và công nghiệp trên toàn thế giới. Hai nguồn tin gắn bó với các cuộc đàm phán đã cho đài VOA biết như vậy.
Các nguồn tin cho biết lãnh đạo các nền kinh tế lớn nhất thế giới tin rằng rằng “cởi mở về thương mại và đầu tư” là điều rất cần thiết để ngăn chặn sự suy giảm kinh tế, trong khi đó chủ nghĩa bảo hộ sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế toàn cầu hơn nữa. Nhưng hiện có những câu hỏi nghiêm túc về việc liệu họ sẽ có các bước đi để thực hiện quan điểm chung hay không vì điều này đồng nghĩa với những hy sinh kinh tế ngắn hạn.
Trung Quốc đang dẫn đầu chiến dịch về sự cởi mở vì họ sợ rằng các nhà xuất khẩu Trung Quốc sẽ phải đối mặt với những chống đối mạnh hơn ở các nước phương Tây do thái độ về bảo hộ tăng lên.
David Kelly, người đứng đầu của công ty tư vấn có tên China Policy, nói với đài VOA: “Trung Quốc đang lo lắng về sự phản đối ngày càng tăng đối với hàng hóa của họ ở các thị trường nước ngoài. Tuy nhiên, sự bảo hộ của chính Trung Quốc quá đắt giá về chính trị đối với Chủ tịch Tập Cận Bình nếu ông thay đổi”.
Trung Quốc hiện sốt sắng củng cố hình ảnh của mình như là một đối tác kinh doanh công bằng vì có những cáo buộc rằng chính phủ trợ giá cho các ngành công nghiệp địa phương để giúp các nhà xuất khẩu Trung Quốc có lợi thế về giá trên thị trường quốc tế. Điều này đã dẫn đến việc nhiều quốc gia áp đặt lệnh trừng phạt chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, đó là một trở ngại lớn đối với các nhà xuất khẩu ở Trung Quốc.
Kelly nói: “Lãnh đạo Trung Quốc quan tâm hơn đến việc củng cố hình ảnh của Trung Quốc như một quốc gia đáng tin cậy, ổn định và có nguồn lực tốt về tài chính”.
Các nhà phân tích cho biết Bắc Kinh muốn các quốc gia phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt chống bán phá giá đối với hàng hóa Trung Quốc, nhưng chính Trung Quốc lại không làm gì nhiều để tạo ra một sân chơi bình đẳng cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Paul Haenle, giám đốc Trung tâm Carnegie-Tsinghua ở Bắc Kinh đối với chính sách toàn cầu, cho rằng G-20 mang lại một cơ hội hiếm hoi để Chủ tịch Trung Quốc chống lại chủ nghĩa bảo hộ cũng như nâng cao hình ảnh của ông trên thế giới.
Là nước chủ tịch trong năm nay, Trung Quốc cũng đang thúc đẩy G-20 để đạt được một thỏa thuận rộng rãi về thương mại toàn cầu và giảm sự phụ thuộc vào các hiệp định song phương giữa các quốc gia.

Hội nghị G20 kết thúc ngày làm việc thứ nhất

Hội nghị G20 qui tụ 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới kết thúc ngày làm việc thứ nhất tại thành phố Hàng Châu, Trung Quốc.
Đến dự hội nghị có nhều nhà lãnh đạo của các cường quốc thế giới, đó là Tổng thống Obama của Mỹ, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Đức Angela Markel, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe, Thủ tướng Ấn độ Narendra Modi, Tổng thống Pháp Francois Hollande, và Chủ tịch nước chủ nhà ông Tập Cận Bình.
Các nhà lãnh đạo đã bàn những vấn đề về phát triển kinh tế thế giới, chống khủng bố quốc tế, chống nạn tin tặc, và biến đổi khí hậu toàn cầu.
Lên tiếng trong ngày khai mạc vào hôm 4/9, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng kinh tế thế giới đang đi đến một giai đoạn thay đổi quan trọng, và ông cảnh báo rằng nền kinh tế toàn cầu đang bị đe dọa bởi khuynh hướng bảo hộ mậu dịch của một số quốc gia.
Ví dụ cụ thể cho khuynh hướng bảo hộ mậu dịch này là chuyện nước Anh rời bỏ cộng đồng châu Âu cách đây vài tháng vì cho rằng mình bị thiệt khi nằm trong nền kinh tế chung của châu Âu.
Khuynh hướng này cũng xuất hiện mạnh mẽ tại một quốc gia quan trọng bậc nhất của kinh tế toàn cầu là nước Mỹ hiện đang bước vào giai đoạn quan trọng cho việc bầu cử một vị Tổng thống mới cho bốn năm kế tiếp vào tháng 11 tới đây.
Trong cuộc tranh cử đang diễn ra, cả hai ứng cử viên của hai đảng chính trị lớn nhất của nước Mỹ, bà Hillary Clinton của đảng dân chủ, và ông Donald Trump đều hứa hẹn với cử tri của mình rằng sẽ tạo việc làm ở Mỹ, mà không để cho công việc được đưa ra nước ngoài.
Các cường quốc tham dự hội nghị G20 cũng có những cuộc gặp gỡ tay đôi với nhau để bàn những chuyện mà họ cùng quan tâm.
Mỹ và Nga bàn chuyện giải quyết cuộc khủng hoảng tại Syria.
Trong khi đó thì trước khi hội nghị chính thức khai mạc Tổng thống Obama của Hoa Kỳ và Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp nhau nhiều giờ đồng hồ trong ngày thứ bảy. Sau cuộc gặp gỡ đó hai bên đều nói là đã nói chuyện với nhau một cách rất xây dựng.
Tuy nhiên cả hai cường quốc không đồng ý với nhau về việc giải quyết tranh chấp biển Đông. Hoa Kỳ thì nói Trung Quốc nên tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế đưa ra hồi tháng Bảy không công nhận chủ quyền mà Trung Quốc tự tuyên bố trên 90% diện tích biển Đông.
Trung Quốc thì lại khẳng định chủ quyền của mình trong cuộc nói chuyện với Mỹ, và nhắc lại rằng giải quyết các tranh chấp ở biển Đông chỉ là vấn đề nội bộ giữa các nước trong khu vực với nhau.

Anh và áp lực thương mại hậu Brexit

Tại hội nghị G20, Thủ tướng Anh Theresa May chịu nhiều áp lực trong việc thảo luận về mối quan hệ thương mại của Anh với Mỹ và nhiều quốc gia khác, sau khi Anh rời khỏi EU.
Tổng thống Obama nói Mỹ sẽ ưu tiên đàm phán thương mại với EU và các quốc gia trong khu vực Thái Bình Dương hơn là các cuộc đàm phán với Anh.
Nhật thì đưa ra lời cảnh báo “sẽ có thay đổi lớn” hậu Brexit và nói cần phải giảm thiểu những “ảnh hưởng tiêu cực” có thể xảy ra.
Nhưng bà May khẳng định rằng Anh vẫn có thể thành công, dù không còn là thành viên của EU và sẽ trở thành “nước dẫn đầu về thương mại tự do trên thế giới.”
Bà May cũng đối diện với các câu hỏi liên quan đến sự đầu tư của Trung Quốc tại Anh trong cuộc gặp với Chủ tịch Tập Cận Bình sau đó.
Khi được hỏi liệu bà có “tin” chính phủ Trung Quốc-trong bối cảnh Thủ tướng Anh ra quyết định tạm ngưng dự án điện hạt nhân tại Hinkley vì lý do an ninh- bà May nói Anh muốn phát triển “mối quan hệ” với Trung Quốc.
Thừa nhận Anh đã có “một kỷ nguyên vàng” trong quan hệ với Trung Quốc, dưới thời người tiền nhiệm là Thủ tướng Cameron, bà nói Anh cũng muốn phát triển quan hệ thương mại với một số nước khác.
‘Luôn sẵn sàng làm ăn’
Những phát biểu của Thủ tướng Anh diễn ra trong bối cảnh truyền thông đưa tin Úc có thể là nước đầu tiên ký hiệp định thương mại tự do với Anh, khi nước này rời khỏi EU.
Hội nghị, sẽ diễn ra trong hai ngày tại Hàng Châu, là sự kiện đầu tiên mà bà May có điều kiện gặp gỡ một số lãnh đạo quốc tế kể từ khi trở thành Thủ tướng vào hồi tháng Bảy, sau khi Anh bỏ phiếu ra khỏi EU và Thủ tướng David Cameron từ chức.
Thủ tướng Anh đã có các cuộc đối thoại với Tổng thống Mỹ Obama và Tổng thống Nga Putin, trong số những lãnh đạo khác tại diễn đàn của những nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Sau cuộc gặp, Tổng thống Obama nói Anh và Mỹ vẫn có mối quan hệ “đặc biệt”, mặc dù Washington muốn Anh tiếp tục là thành viên của EU, nhưng Mỹ sẽ làm mọi cách để Brexit không làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của hai bên.
Điều quan trọng nhất là Anh và EU vẫn duy trì là một thị trường chung và là những môi trường kinh doanh hấp dẫn với thương mại tự do, không giới hạn về đầu tư và các giao dịch tài chính luôn diễn ra trôi chảy và đảm bảo.Thông cáo của chính phủ Nhật
Lãnh đạo hai nước cũng cho biết đã bắt đầu tư vấn về mối liên hệ thương mại trong tương lai, trong khi Tổng thống Obama cố gắng làm dịu đi lời tuyên bố trong thời gian Anh tiến hành trưng cầu dân ý rằng Anh sẽ phải “xếp hàng sau” đối với những đàm phán về thương mại.
Thống tín viên mảng ngoại giao của BBC, James Landale nói, mục tiêu của bà May là đảm bảo với những lãnh đạo khác của thế giới rằng Anh luôn “sẵn sàng làm ăn” và từng là một “đối tác tin cậy”, nhưng gặp vô số phản ứng “thẳng thừng”, trong đó có Tổng thống Obama, về vấn đề Brexit.
Các bộ trưởng luôn khẳng định rằng kinh tế và vị thế ngoại giao của Anh không bị giảm đi mà Brexit còn giúp Anh tăng cường quan hệ với các nước ngoài châu Âu.
Nhưng một thông cáo chính thức của chính phủ Nhật bản đã cảnh báo đối với hàng ngàn nhân viên, đang làm việc cho các công ty chế tạo xe hơi, tài chính và công nghệ của Nhật bản, có trụ sở tại Anh và muốn có đảm bảo về sự tiếp cận với thị trường chung, ưu đãi về thuế và các đặc quyền thương mại khác.
“Điều quan trọng nhất là Anh và EU vẫn duy trì là một thị trường chung và là những môi trường kinh doanh hấp dẫn với thương mại tự do, không giới hạn về đầu tư và các giao dịch tài chính luôn diễn ra trôi chảy và đảm bảo,” thông cáo có đoạn nói.
“Đối với trường hợp một số doanh nghiệp Nhật bản, trong đó có một số được chính phủ mời, đã đầu tư khá lớn vào Anh, được xem như cửa ngõ để vào châu Âu… chúng tôi yêu cầu Anh xem xét đến những thực tế này một cách nghiêm túc và có phản hồi có trách nhiệm nhằm giảm thiểu tối đa các tác động tiêu cực đến những doanh nghiệp này.”
Những câu hỏi từ phía Trung Quốc
Trước cuộc gặp với lãnh đạo Trung Quốc, bà May đối diện với những câu hỏi về tương lai của dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Hinkley Point- có sự đầu tư hàng tỉ bảng của Trung Quốc- hiện đang bị chính phủ Anh xem xét lại liên quan đến chi phí và vấn đề an ninh.
Tôi muốn phát triển mối quan hệ đang có với Trung Quốc, nhưng đồng thời tại hội nghị G20 này, tôi muốn xây dựng thêm quan hệ với các nước khác.Thủ tướng Anh Theresa May
Trả lời báo giới, bà May nói quyết định về dự án ở Hinkley sẽ được đưa ra vào cuối tháng này và Anh có mối quan hệ trên nhiều mặt đối với Trung Quốc.
“Chúng ta thấy Trung Quốc đầu tư vào Anh ngày càng nhiều,” bà May nói.
“Tôi muốn phát triển mối quan hệ đang có với Trung Quốc, nhưng đồng thời tại hội nghị G20 này, tôi muốn xây dựng thêm quan hệ với các nước khác. Như đã nói, tôi muốn Anh trở thành nước dẫn đầu về tự do thương mại trên thế giới.”
Thông tín viên của BBC nói phát biểu của bà May cho thấy sự thay đổi khá lớn đối với Trung Quốc, nếu so với tuyên bố của ông David Cameron và George Osborne, là những người luôn quảng bá với Bắc Kinh rằng Anh quốc là ‘của ngõ vào châu Âu’ cho Trung Quốc.
Quan hệ với Nga
Thủ tướng Theresa May cũng nói Anh muốn có “một quan hệ cởi mở và thẳng thắn” với Nga, trong cuộc gặp Tổng thống Putin lần đầu tiên.
Mối quan hệ Anh-Nga hiện đang căng thẳng, đặc biệt sau yêu cầu của Anh liên quan đến vụ đầu độc điệp viên Alexander Litvinenko vào năm 2006 với cáo buộc theo lệnh của Tổng thống Putin.
Một số chủ đề gây tranh cãi khác còn có việc chính phủ Nga ủng hộ chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad của Syria, vụ chiếm đóng Crimea và xung đột vũ trang ở Ukraine.
Bà May kêu gọi người đứng đầu chính phủ Nga làm mọi cách để chấm dứt tình trạng không kích nhầm vào thương dân Syria và cho phép các đoàn cứu trợ đến những khu vực bị cô lập.
Thảo luận rộng hơn về mối quan hệ Anh-Nga trong tương lai, bà May nói: “Mặc dù giữa hai nước vẫn còn nhiều khác biệt, những chủ đề phức tạp và một số vấn đề nghiêm trọng cần phải được bàn thảo.”

Nhật cảnh báo ‘di dời công ty’ khỏi Anh

Chính phủ Nhật Bản cảnh báo rằng Brexit có thể dẫn đến việc các công ty của nước này di chuyển trụ sở châu Âu của họ ra khỏi nước Anh.
Báo cáo với ngôn từ mạnh từ Bộ Ngoại giao Nhật Bản nói rằng các công ty có thể muốn di chuyển “nếu luật EU ngừng áp dụng ở Anh”.
Báo cáo kêu gọi Chính phủ Theresa May cư xử một “cách có trách nhiệm”.
Phủ thủ tướng Anh đã nhận được báo cáo hồi đầu tuần này, theo những gì phóng viên BBC Laura Kuenssberg được biết.
Các công ty của Nhật Bản sử dụng khoảng 140.000 nhân viên ở Anh, với ngân hàng Nomura, nhà sản xuất khổng lồ Hitachi và các nhà chế tạo xe hơi Honda, Nissan và Toyota, tất cả đều đặt cơ sở chính ở Anh quốc.
‘Di chuyển trụ sở’
Các doanh nghiệp Nhật Bản có trụ sở châu Âu của họ đặt tại Anh có thể quyết định di chuyển chức năng trụ sở của họ tới châu Âu lục địa nếu luật EU ngừng áp dụng ở Anh sau khi Anh rút khỏi khối nàyChính phủ Nhật Bản
Tài liệu của Nhật Bản đưa ra cảnh báo:
“Các doanh nghiệp Nhật Bản có trụ sở châu Âu của họ đặt tại Anh có thể quyết định di chuyển chức năng trụ sở của họ tới châu Âu lục địa nếu luật EU ngừng áp dụng ở Anh sau khi Anh rút khỏi khối này.”
Tên cụ thể của các công ty Nhật Bản không được nêu, nhưng tài liệu chỉ ra nó đã được soạn thảo nhằm đáp ứng “một loạt yêu cầu từ các doanh nghiệp Nhật Bản đang hoạt động tại Vương quốc Anh và EU”.
Báo cáo này được công bố vào thứ Sáu trước khi Thủ tướng Theresa May đến Trung Quốc dự Hội nghị thượng đỉnh G20, nơi bà sẽ giải thích quyết định của Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và hệ lụy.
Tại G20, bà May cho biết, bà sẽ tận dụng hội nghị thượng đỉnh để tập trung vào một số thỏa thuận thương mại để chúng có thể được ký kết một cách nhanh chóng sau khi nước Anh ra khỏi EU.
Tuy nhiên Tổng thống Barack Obama nhấn mạnh rằng Mỹ sẽ dành ưu tiên cho các đàm phán thương mại giữa khu vực châu Á – Thái Bình Dương và Liên minh châu Âu.

Bà Merkel gặp thách thức về phiếu bầu

Cử tri tại một bang đông bắc nước Đức đang đi bỏ phiếu trong một sự kiện được xem coi như phép thử đối với chính sách của Thủ tướng Angela Merkel về người di cư và tị nạn.
Đảng AfD, một đảng phái có quan điểm chống nhập cư và bài Hồi giáo có thể nhận được nhiều phiếu hơn Đảng Dân chủ Thiên chúa (CDU) của bà Merkel ở khu vực Mecklenburg – Tây Pomerania.
Điều này sẽ làm suy yếu bà Merkel trước cuộc phổ thông đầu phiếu toàn quốc vào năm tới.
Tuy nhiên, tất cả các đảng phái khác của Đức đã loại trừ khả năng hình thành một liên minh cầm quyền với AfD.
Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành đảng mạnh nhất ở Mecklenburg-Tây PomeraniaỨng viên thuộc Đảng AfD
Do vậy, đảng này không có cơ hội hình thành một chính phủ ở bang nói trên.
Tuy nhiên, AfD từng giành được lượng phiếu rất lớn nhìn thấy lợi ích rất lớn trong cuộc bầu cử ở vùng vào năm ngoái.
Mecklenburg-Tây Pomerania, ở Đông Đức cũ, chính là nơi có hạt cử tri của nữ Thủ tướng.
Các thăm dò cho thấy đảng CDU của bà có tỷ số thấp hơn AfD và bà Merkel đã nói với các cử tri ở bang này:
“Đây sẽ là một cuộc đua xít xao với từng lá phiếu đều có ý nghĩa.”
‘Hỗn loạn về tị nạn’
Một cuộc thăm dò về ý định bỏ phiếu cho thấy đảng trung tả Dân chủ xã hội dẫn đầu với tỷ số 28%, trong khi đảng AfD dẫn trước đảng CDU của bà Merkel với tỷ số 23% so với 20%.
Đảng AfD được cho đang thu hút cử tri đến từ đảng trung hữu CDU.
Ứng viên thuộc đảng này, Leif-Erik Holm nói:
“Chúng tôi hy vọng sẽ trở thành đảng mạnh nhất ở Mecklenburg-Tây Pomerania.”
Chúng ta không giảm lợi ích của bất cứ ai ở nước Đức như là hệ quả của việc giúp đỡ những người tị nạn. Trong thực tế, chúng ta thực sự thấy nhiều cải thiện xã hội ở một số khu vực..Thủ tướng Đức Angela Merkel
Đức đang tiếp nhận một số lượng lớn người tị nạn và di cư với 1,1 triệu người năm ngoái và tâm ly’ bài nhập cư đang gia tăng.
AfD xuất thân là một đảng chống đồng euro, nay đang trở thành lối thoát và sự lựa chọn cho các cử tri thất vọng trước chính sách của thủ tướng Đức trong việc chào đón người di cư.
Khẩu hiệu của đảng này tung ra trên khắp nước Đức là: “Hãy chấm dứt hỗn loạn tị nạn!”
Nhưng hôm thứ Bảy, bà Merkel nói với tờ Bild: “Chúng ta không giảm lợi ích của bất cứ ai ở nước Đức như là hệ quả của việc giúp đỡ những người tị nạn.
“Trong thực tế, chúng ta thực sự thấy nhiều cải thiện xã hội ở một số khu vực…
“Chúng ta không tước đi điều gì từ người dân ở đây. Chúng ta đang đạt được mục tiêu lớn duy trì và nâng cao chất lượng cuộc sống tại Đức.”
Chỉ có 2% người di cư đến ở Đức sống ở Mecklenburg-Tây Pomerania.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.