Tin Biển Đông – 04/09/2016
Obama nói chuyện Biển Đông với TQ
Tổng thống Mỹ Barack Obama kêu gọi Trung Quốc tuân thủ Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS) trong cuộc nói chuyện với Chủ tịch Tập Cận Bình hôm 3/9.
Phán quyết tháng Bảy của tòa trọng tài quốc tế ở Hague liên quan vụ Philippines kiện Trung Quốc là một trong các chủ đề trong cuộc gặp.
Ông Obama gặp ông Tập Cận Bình ở Hàng Châu trước lúc khai mạc hội nghị G20.
Thông cáo của Nhà Trắng nói ông Obama đã nhấn mạnh Trung Quốc, là nước tham gia UNCLOS, cần tuân thủ các ràng buộc theo công ước này.
Theo thông cáo, Tổng thống Obama cũng khẳng định cam kết của Mỹ về an ninh cho các đồng minh.
Ông Obama khẳng định Mỹ sẽ hợp tác với tất cả các nước trong vùng để “duy trì các nguyên tắc luật pháp quốc tế”.
Ông kêu gọi các bên “giảm căng thẳng và tạo điều kiện thuận lợi để giải quyết tranh chấp trong hòa bình”.
Trong khi đó, Tân Hoa Xã của Trung Quốc nói ông Tập Cận Bình trong cuộc gặp đã kêu gọi Mỹ đóng “vai trò xây dựng” để duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông.
Ông Tập Cận Bình nói Trung Quốc sẽ tiếp tục “bảo vệ” chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hàng hải ở Biển Đông.
Úc trong tầm tên lửa Trung Quốc đặt ở Biển Đông
Các đảo nhân tạo của Trung Quốc trong vùng Trường Sa đe dọa trực tiếp lãnh thổ Úc. Từ đây, tên lửa và máy bay oanh tạc mới H-20 tàng hình cho phép Trung Quốc tấn công Úc một cách dễ dàng. Canberra cần phải tăng cường vũ khí phòng không. Báo chí Úc báo động vào lúc thủ tướng Malcom Turnbull đến Hàng Châu dự hội nghị G20.
Hai ngày sau khi Tư lệnh Không quân Trung Quốc Mã Tiểu Thiên tuyên bố Trung Quốc chế tạo oanh tạc cơ chiến lược để tăng khả năng tấn công xa, hãng tin Fairfax ngày 04/09/2016 cho biết giới chuyên gia quốc phòng Úc lo ngại Canberra nằm trong tầm tấn công từ Trường Sa, nơi mà Bắc Kinh xây dựng một loạt đảo nhân tạo.
Từ các căn cứ hải quân ở Trường Sa, các dàn tên lửa đạn đạo, máy bay oanh tạc H-6K và oanh tạc cơ tàng hình H-20 trong tương lai sẽ được trang bị tên lửa hành trình, Trung Quốc có thể tấn công nước Úc một cách dễ dàng.
Cựu cố vấn an ninh Andrew Shearer cho rằng Trung Quốc đã nhanh chóng cải tiến hỏa tiễn đạn đạo để vượt qua hệ thống lá chắn tên lửa chống tên lửa hiện nay của Úc, Patriot do Mỹ cung cấp.
Chuyên gia Malcolm Davis của Viện Chính sách Chiến lược Úc cũng cho là Trung Quốc đang chuẩn bị vũ khí « tàng hình » để khắc phục « hệ thống chống tàng hình » của Úc.
Giới chuyên gia Úc kêu gọi chính phủ phải để ý đến yếu tố tái quân bình sức mạnh tại châu Á Thái Bình Dương trong đó có sự kiện Hoa Kỳ đóng quân tại Úc. Họ dự liệu là Trung Quốc sẽ «tuần tra khiêu khích » Úc giống như Nga thường xuyên cho máy bay áp sát hoặc xâm phạm không phận Nhật Bản.
Các chuyên gia đề nghị đưa máy bay chiến đấu F-35 lên phía bắc để có thể nghênh chiến kịp thời và tăng cường hệ thống phòng không ở vùng bắc Úc.
Trước mắt, bộ Quốc Phòng, thông báo đưa thêm 1000 quân cùng với máy bay trinh sát, chiến hạm lên Derby, tây bắc, để tham gia cuộc tập trận Northern Shield, Lá Chắn Tây Bắc, trắc nghiệm khả năng đối phó khi xảy ra khủng hoảng.
Trung Quốc « mở trường học » ở Hoàng Sa
Tiếp tục khẳng định của quyền tại Hoàng Sa, truyền thông Trung Quốc thông báo « trường học cực nam » được khai giảng tại đảo Vĩnh Hưng, huyện Tam sa, với học sinh và thầy cô tổng cộng 29 người. Đảo Vĩnh Hưng, Việt Nam gọi là đảo Phú Lâm, đảo lớn nhất trong quần đảo Hoàng Sa, bị Trung Quốc đánh chiếm sau trận hải chiến vào tháng Giêng năm 1974.
Thuật lại phóng sự của đài truyền hình Trung Quốc CCTV « trường học xa xôi nhất của Trung Quốc được khai giảng vào ngày 01/09 vừa qua tại đảo Vĩnh Hưng, Tây Sa » hãng tin trên mạng Quarzt.com (Mỹ) cho biết đây là một động thái mới của Bắc Kinh nhằm thách thức phán quyết của Toà Trọng Tài La Haye, phủ nhận các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Bắc Kinh bỏ ra 5,4 triệu đô la để xây ngôi trường này, bổ nhiệm 8 giáo viên. Tất cả 21 học sinh là con của các giảng viên và binh sĩ trấn đóng.
Quarzt.com nhắc lại địa danh mà Trung Quốc gọi là Vĩnh Hưng thực sự là đảo Phú Lâm theo tên gọi của Việt Nam và theo phán quyết của Toà Trọng Tài độc lập, thì Vĩnh Hưng không phải là một phần lãnh thổ của Trung Quốc.
Bài học đầu tiên trong ngày khai giảng tập trung vào địa chính trị : chủ quyền của Trung Quốc tại Nam Hải. Các em học sinh phải lập lại từng chữ với cô giáo họ Đường : Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi trên quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa) và vùng biển chung quanh.
Trong dư luận Trung Quốc, nếu có kẻ « a dua » theo thì cũng có người chống chính sách của chính quyền. Một số dân mạng cho rằng « Trung Quốc đã hùng mạnh và phô trương sức mạnh», nào là « chúng ta có thể xây trường ở đảo Chữ Thập và cho học sinh Philippines đến học ».
Trái lại, một số khác chỉ trích hành động lợi dụng trẻ con vào mục tiêu chính trị : Vì sao có nhu cầu xây trường ở nơi đang có tranh chấp chủ quyền ? Chính quyền làm chuyện này để phục vụ ai ? Tại sao sử dụng trẻ con như một con tốt trên bàn cờ tướng ?
Lãnh đạo VN ‘ca ngợi’ quan điểm của Ấn Độ về biển Đông
Báo chí Ấn Độ hôm nay, 3/9, dẫn lời các nguồn tin đưa rằng các lãnh đạo cấp cao của Việt Nam đã “ca ngợi” quan điểm của New Delhi về biển Đông, đồng thời bày tỏ mong muốn rằng quốc gia Nam Á hợp tác trong lĩnh vực dầu khí của nước Đông Nam Á.
Indian Express dẫn các nguồn tin cho biết rằng Tổng bí thư Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã nói với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi như vậy khi hai quan chức này gặp nhau ở Hà Nội.
Tờ báo đưa tin rằng ông Trọng nói với ông Modi rằng đôi bên “phải tăng cường phối hợp trên các diễn đàn khu vực và đa phương”.
Đáp lại, theo Indian Express, ông Modi nói rằng New Delhi đã “luôn sát cánh với Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử”.
Tờ báo này cũng dẫn các nguồn tin cho biết thêm rằng ông Trọng đồng ý rằng “quan hệ Ấn Độ và Việt Nam đã được thử thách qua thời gian và vẫn rất bền vững”.
Tổng bí thư Việt Nam cũng được trích lời nói rằng ông đã tới thăm Ấn Độ hai lần năm 2010 và 2013 và rằng cả hai chuyến công du “đã để lại các ấn tượng tốt đẹp”.
Ông Trọng cũng được trích dẫn nói rằng “việc nâng cấp lên Quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện là một chỉ dấu cho thấy tầm quan trọng mà Việt Nam đặt vào Ấn Độ”.
Ấn Độ bấy lâu nay “ủng hộ tự do hàng hàng, tự do bay ngang” qua khu vực biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế.
New Delhi cũng bày tỏ hậu thuẫn về việc “giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tránh đe dọa và sử dụng vũ lực”.
Trong tuyên bố chung, Việt Nam và Ấn Độ “ghi nhận Phán quyết ngày 12 tháng 7 năm 2016 của Tòa Trọng tài được thành lập theo phụ lục VII của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS), hai bên nhấn mạnh sự ủng hộ đối với hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không, và thương mại không bị cản trở, trên cơ sở các nguyên tắc của Luật pháp quốc tế, đặc biệt là các nguyên tắc được phản ánh trong UNCLOS.
Trước khi rời Việt Nam sang Trung Quốc dự hội nghị thượng đỉnh G20, Thủ tướng Ấn Độ hôm nay, 3/9, thông báo cấp cho Việt Nam khoản tín dụng mới trị giá nửa tỉ đôla để “tăng cường hợp tác quốc phòng”.
Thủ tướng Ấn Độ nói thêm rằng mối quan hệ giữa hai nước sẽ “đóng góp vào ổn định, an ninh và thịnh vượng của khu vực”.
Theo Indian Express, VOA
0 comments