Đọc báo Pháp – 08/09/2016
Biển Đông:
Tổng thống Pháp « đi dây » giữa Bắc Kinh và Hà Nội
Tổng thống Pháp François Hollande và chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang tại Hà Nội ngày 06/09/2016.REUTERS/Luong Thai Linh/Pool
Viết về chuyến công du Việt Nam của nguyên thủ Pháp vừa kết thúc hôm 07/09/2016, đặc phái viên Le Monde tại Hà Nội nhận định « Giữa Bắc Kinh và Hà Nội, ông Hollande duy trì một thế thăng bằng nhạy cảm ». Tổng thống Pháp ủng hộ một Việt Nam đang lo lắng trước tham vọng lãnh thổ trên biển của Bắc Kinh, nhưng thận trọng không muốn làm mích lòng người khổng lồ Trung Quốc.
Đến Hà Nội sau khi tham dự thượng đỉnh G20 tại Trung Quốc, tổng thống François Hollande hôm thứ Ba 06/09/2016 đã biết chọn lựa ngôn từ để làm hài lòng cử tọa Việt Nam đang lo ngại trước sức mạnh đang lên của Bắc Kinh tại Biển Đông. « Chúng tôi muốn hỗ trợ Việt Nam trong việc giữ an ninh không gian hàng hải quân sự » - tổng thống Pháp đã tuyên bố như trên trước các giảng viên và sinh viên trường đại học Hà Nội.
Báo chí Việt Nam đã đưa lời tuyên bố này làm một trong những tựa chính trên trang nhất tối hôm đó. Đối với Hà Nội, tất cả ủng hộ từ những quốc gia có trọng lượng đều quý giá, trong bối cảnh gia tăng căng thẳng với Bắc Kinh.
Sau khi hội đàm với chủ tịch nước Việt Nam Trần Đại Quang, ông François Hollande, nguyên thủ Pháp đầu tiên thăm Việt Nam từ 12 năm qua, cũng nhắc lại rằng Pháp muốn « tăng cường quan hệ đối tác chiến lược trong lãnh vực quốc phòng để đảm bảo tự do hàng hải (tại Biển Đông) và tôn trọng Luật Biển ».
Trung Quốc vốn tiếp tục bồi đắp tại các đảo chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa đang tranh chấp với nhiều nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, đã bị lãnh trọn một cái tát hồi tháng Bảy. Xem xét đơn kiện của Philippines, Tòa án Trọng tài Thường trực La Haye đã nhận định việc xây lên các đảo nhân tạo trong vùng này là vi phạm Luật Biển, và yêu sách chủ quyền hầu như toàn bộ Biển Đông của Trung Quốc là bất hợp pháp.
Dù vậy ê-kíp của ông François Hollande muốn giảm nhẹ các phát biểu của nguyên thủ Pháp, nói rằng cần đặt vào bối cảnh bao quát hơn của quan hệ Pháp-Việt, kể cả trong lãnh vực hợp tác quân sự thường kỳ, nhất là việc huấn luyện các quân nhân tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình.
Hồi tháng Sáu, bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian nhân Đối thoại Shangri-La ở Singapore đã không ngần ngại đề nghị các nước châu Âu tham gia tuần tra Biển Đông. Ông nói : « Tình hình Biển Đông có quan hệ trực tiếp với Liên hiệp Châu Âu (EU), tự do hàng hải phải được tôn trọng, không chỉ vì lợi ích kinh tế. Ngay từ lúc này, tại sao lại không nghĩ đến việc phối hợp các lực lượng Hải quân châu Âu để bảo đảm một sự hiện diện thường xuyên và công nhiên trên vùng biển châu Á ? »
Nhưng đối với Bruxelles, có những hồ sơ khác có vẻ khẩn cấp hơn, mà hàng đầu là « Brexit ».Và không nên làm mích lòng Trung Quốc, một trong những đối tác thương mại chính của châu Âu.
Những người thân cận với tổng thống Pháp khẳng định Việt Nam không đòi hỏi gì hơn, so với những ủng hộ về ngoại giao lâu nay của Paris. Nguồn tin này nói thêm, Hà Nội không hề có ảo tưởng là Pháp sẽ có quan điểm cứng rắn hơn trước Bắc Kinh.
Ý kiến này không được phía Việt Nam hoàn toàn đồng tình. Theo ông Nguyễn Quý Bình, cựu đại sứ Việt Nam tại Liên Hiệp Quốc và phó khoa Quan hệ Quốc tế của trường đại học Hà Nội, thì Việt Nam vẫn hy vọng được Paris hỗ trợ mạnh mẽ hơn.
Ông nói : « Tất nhiên chúng tôi biết rằng Pháp không thể để mất mối quan hệ với Trung Quốc. Nhưng nếu cho rằng Việt Nam không hề chờ đợi gì ở nước Pháp, thì đó là sai lầm. Pháp có tiếng nói trong châu Âu. Nếu Paris tỏ ra kiên quyết hơn trong việc bảo vệ các nguyên tắc an ninh tại Biển Đông, tôi nghĩ các nước châu Âu khác sẽ theo chân. Việt Nam cần đến các bạn ». Theo ông Nguyễn Quý Bình, « Paris và Hà Nội cần phải vượt lên trên giai đoạn hợp tác văn hóa đơn thuần ».
Bực Duterte,
nhưng Mỹ vẫn cho Philippines máy bay tuần tra Biển Đông
Cũng về Biển Đông, Le Figaro quan tâm đến việc « Manila phản đối Bắc Kinh ». Nhân hội nghị thượng đỉnh ASEAN, Philippines đã tố cáo Trung Quốc xây dựng các đảo nhân tạo mới.
Thông tín viên của tờ báo tại Bắc Kinh nhận định, sau khi phủ bóng lên G20, xung đột Biển Đông lại ảnh hưởng đến hội nghị ASEAN tại Lào, có sự hiện diện của ông Barack Obama. Le Figaro nhắc lại sự cố ngoại giao mới đây, do tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phỉ báng tổng thống Mỹ, đồng minh chủ chốt trong khu vực, nên đã bị hủy cuộc gặp song phương.
Lần « phun châu nhả ngọc » này của ông Duterte không đúng thời điểm, vì Philippines rất cần sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để chống lại bành trướng Trung Quốc. Hôm thứ Tư 7/9, trước khi gặp thủ tướng Lý Khắc Cường, Philippines đã công bố các hình ảnh chứng minh hai chiếc tàu Trung Quốc mà Manila cho là đang chuẩn bị cho việc xây đảo nhân tạo ở bãi cạn Scarborough – đã bị Bắc Kinh chiếm từ năm 2012.
Hoa Kỳ lo ngại các căn cứ quân sự Mỹ ở Philippines, chỉ cách bãi cạn này có 230 km, sẽ bị ảnh hưởng. Le Figaro nêu ra điều tra của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS), khẳng định sự hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông sẽ gây bất ổn cho toàn châu Á.
Trong số 45 sự cố trên biển từ năm 2010, có đến 30 vụ, tức hai phần ba trường hợp là do tuần duyên Trung Quốc gây ra, và bốn vụ do hải quân Trung Quốc. Các tác giả công trình nghiên cứu tố cáo sự « quấy nhiễu » và những vụ tấn công vào ngư dân địa phương, nêu ra vụ đối đầu căng thẳng giữa Bắc Kinh và Hà Nội trong vụ Trung Quốc kéo giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 vào vùng biển Việt Nam năm 2014.
Trung Quốc sở hữu đội tàu tuần duyên lớn nhất thế giới, gồm 205 chiếc. Tờ báo nhận định, mặc cho sự cố với ông Duterte, tổng thống Barack Obama vẫn thấy cần phải làm cán cân lực lượng bớt nghiêng : Mỹ sẽ cho Philippines hai máy bay trinh sát.
Lào giữ khoảng cách với Bắc Kinh ?
Đối với « Lào, đất nước nằm sâu trong nội địa và có chế độ đàn áp », đặc phái viên Le Monde tại Vientiane cho rằng nước chủ nhà hội nghị ASEAN « giữ một ít khoảng cách với Bắc Kinh ».
Nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, chủ tịch luân phiên ASEAN năm nay, tiếp đón một vị thượng khách sẽ mang thêm tính chính danh cho một trong những chế độ trấn áp nhất châu Á. Ông Barack Obama, đến Vientiane hôm thứ Hai 5/9, là tổng thống Mỹ đầu tiên thăm Lào kể từ thời chiến tranh Việt Nam.
Từ khi nắm quyền vào năm 1975, đảng Nhân dân Cách mạng Lào là định chế lãnh đạo duy nhất, các phe cánh và gia tộc lão thành cách mạng quyết định vận mạng của 7 triệu dân. Chế độ độc đảng bề ngoài có vẻ ôn hòa, đã cấm hẳn tự do ngôn luận và bóp nghẹt mọi hoạt động ly khai từ trong trứng nước.
Đại hội Đảng lần thứ 10 hồi tháng Giêng đã có những thay đổi quan trọng về chính trị, mà các tác động khó thể đánh giá được đối với hệ thống thiếu minh bạch của Lào. Ban lãnh đạo cũ về hưu hoặc bị thay thế bởi lớp « trẻ ». Ông Bounyang Vorachit, 78 tuổi trở thành chủ tịch nước, và cựu ngoại trưởng Thongloun Sisoulith, 70 tuổi lên làm thủ tướng. Ông Thongloun chú trọng chống tham nhũng và nạn phá rừng, được cho là được lòng dân hơn người tiền nhiệm.
Vị trí của Lào nằm lọt thỏm giữa các nước khác, khiến các lãnh đạo nước này phải thường xuyên đi dây để giữ quan hệ với tất cả các láng giềng. Theo nhiều nguồn tin ngoại giao, dường như ban lãnh đạo mới của đảng đã giữ ít nhiều khoảng cách với Bắc Kinh, và tăng cường quan hệ với đồng minh cố hữu là Việt Nam.
Các nhà quan sát nêu ra bằng chứng là cựu bộ trưởng Tài chính Phoupet Khamphounvong đã bị cách chức vì tham nhũng và bị quản chế. Tình trạng một số quan chức dính líu vào các dự án béo bở của Trung Quốc rốt cuộc đã khiến số khác bất bình, lo sợ rằng Lào sẽ bị dính chặt vào quỹ đạo của nước láng giềng đầy quyền lực.
Tổng thống Obama và chiếc trục chưa xoay trọn về châu Á
Le Monde đưa ra một cái nhìn bao quát về hai hội nghị thượng đỉnh G20 và ASEAN, nhận định về « Chiếc trục được xoay chưa trọn của ông Obama ». Tổng thống Mỹ đã tái khẳng định cam kết lâu dài của Hoa Kỳ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Chính tại Vientiane, điểm cuối của vòng công du thứ 11 và có lẽ là cuối cùng ở châu Á, mà ông Barack Obama hôm thứ Ba 6/9 đã điểm lại kết quả sự cam kết của Mỹ trong khu vực. Chính sách « xoay trục » hay còn gọi là « tái cân bằng » chỉ được vị tổng thống sinh ở Hawai thực hiện từ từ, do bị Trung Đông làm vướng chân trong hai năm cuối cùng tại Nhà Trắng.
Tổng thống Mỹ tuyên bố : « Châu Á-Thái Bình Dương sẽ quan trọng hơn trong thế kỷ tới đối với Hoa Kỳ. Là một quốc gia Thái Bình Dương, chúng tôi đến đây để trụ lại. Trong những ngày đẹp hay xấu trời, các bạn đều có thể trông cậy vào Mỹ ». Khoảng 60% lực lượng của hạm đội Mỹ sẽ được bố trí ở khu vực này vào cuối thập kỷ, so với tỉ lệ 50% lúc ông Obama mới tái đắc cử năm 2012.
Trung Quốc tin rằng mục tiêu mà Mỹ không nói ra của chính sách « xoay trục » là ngăn cản sự cất cánh của mình. Nhưng Bắc Kinh nhanh chóng hiểu ra rằng ông Obama cũng muốn tránh xung đột bằng mọi giá, và kết luận, cần phải nhanh chóng đẩy mạnh các quân cờ, sợ rằng người kế nhiệm ông Obama sẽ cứng rắn hơn.
Tổng thống Barack Obama cũng nhìn nhận « cột trụ chính » trong dự án của mình hãy còn thiếu vắng, đó là việc phê chuẩn hiệp định TPP. Hai ứng cử viên tổng thống hiện nay đều phản đối hiệp định này, và phe Cộng Hòa chiếm đa số ở Hạ viện không hề muốn tặng cho ông món quà cuối cùng trước khi ra khỏi Nhà Trắng.
0 comments