Hai nguy cơ suy thoái vẫn căng thẳng sau 5 năm thực hiện “luật đảng” - Nghị quyết 4 – Khoá 12
- Bài phân tích của TS. Phạm Quý Thọ
2021-06-07
Ngày 30-10-2016 ông Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 12 ký ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ.
Nghị quyết, được khái quát như “luật nội bộ của Đảng”, là công cụ lãnh đạo truyền thống của đảng CS. Chủ đề củng cố đảng là trọng tâm từ Nghị quyết 4 Khoá Đại hội 11 (2011-2016) về xây dựng Đảng, nhưng Nghị quyết số 04-NQ/TW Khoá 12 nêu trên có ý nghĩa rất quan trọng với đảng để duy trì chế độ dưới sự lãnh đạo của độc đảng CS.
“Hai nguy cơ”
Sau năm năm thực hiện Nghị quyết, một số kết quả như chống tham nhũng được ghi nhận, nhưng hai nguy cơ suy thoái bản chất hiện hữu trong lòng chế độ vẫn căng thẳng. Thứ nhất, tập trung quyền lực tuyệt đối vào lãnh tụ. Ông Tổng Bí thư nay đang ở đỉnh cao quyền lực sau khi đã hai lần ‘vượt qua’ quy định của đảng về tuổi và giới hạn nhiệm kỳ. Ngày 4/6 vừa qua, một lần nữa ông Tổng Bí thư cùng với Chủ tịch Nước và Thủ tướng Chính phủ “tham gia” Thường vụ Ban cán sự đảng Bộ Công An. Điều này chỉ có thể được hiểu hoặc là “tham vọng quyền lực” hoặc là sự bất ổn thể chế, suy thoái vẫn là nguy cơ cao cần cảnh giác. Việc chuyển giao quyền lực vị trí Tổng Bí thư cho thế hệ lãnh đạo sau vẫn đang khó khăn.
Thứ hai, ông Tổng Bí thư đã làm chủ được quy tắc cai trị, rằng ông ấy cần có quyền lực tuyệt đối, và ông đã “thành công”, nay ông cần một bộ máy “trong sạch”, nhưng phải trung thành phục vụ lợi ích Đảng CS và lãnh tụ, bởi không ai có thể cai trị một mình. Chế độ tập quyền đòi hỏi một bộ máy đặc quyền đặc lợi. Tuy nhiên, cơ chế về “đặc quyền đặc lợi” đã không thể được thiết kế công khai minh bạch. Bộ máy cầm quyền mới sau Đại hội 13 về cơ bản được sắp xếp. Hai trăm Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương được bố trí chức quyền, nhưng cơ chế kiểm soát quyền lực, “lồng thể chế”, vẫn chưa được xây dựng rõ ràng, và chế độ đặc lợi ẩn chứa nguy cơ tham nhũng, trục lợi rất cao. Hầu như tất cả cán bộ lãnh đạo cao cấp không sống nhờ lương. Tiền lương tháng cao nhất là Chủ tịch nước được quy định trong Hệ thống tiền lương cho công chức, viên chức cũng chỉ trên 20 triệu đồng, tương đương hơn 800$. Họ sống và phục vụ trung thành với Đảng và lãnh tụ nhờ ‘bổng lộc’. Các quý vị có thể suy đoán về chế độ đặc lợi “ngầm” này, và có thể cùng bàn luận trong một dịp khác.
Sau đây, sự lý giải về nguyên nhân của hai nguy cơ nêu trên được đưa ra từ góc nhìn thể chế, cụ thể là kinh tế thị trường và quyền lực, mối quan hệ giữa chúng trong quá trình chuyển đổi sang thị trường.
“Kinh tế thị trường”
Kinh tế thị trường đã hình thành và đang tồn tại, thậm chí mầm mống của nó có trong lòng chế độ tập quyền, kinh tế tập trung, công cụ kế hoạch hoá. Các hiện tượng như “khoán chui” ở Vĩnh Phú… được ghi lại trong cuốn sách: “Phá rào” trong kinh tế vào đêm trước Đổi mới”, 2013 của nhà nghiên cứu Đặng Phong (1939-2010), là những mầm mống hiện hữu. Sai lầm của đợt tổng cải cách “giá - lương - tiền” cuối năm 1985 đã dẫn đến “Đổi mới” được coi là chính thức năm 1986 tại Đại hội 6. “Dò dẫm qua sông” là cách “chuyển đổi” qua các đại hội đảng. Từ ‘công nhận’ nền “kinh tế hàng hoá nhiều thành phần”, cho phép “Đảng viên làm kinh tế tư nhân” tại Đại hội 10 năm 2006, “thí điểm kết nạp chủ doanh nghiệp tư nhân vào Đảng” ở Đại hội 11 năm 2011, coi “kinh tế thị trường là động lực quan trọng” ở Đại hội 12 năm 2016, nhận thức thị trường như “ một yếu tố từ khâu sản xuất, chứ không chỉ phân phối” tại Đại hội 13 năm 2021…
Tăng trưởng kinh tế khá nhanh trong suốt giai đoạn 30 năm vừa qua ở Việt Nam từ xuất phát điểm thấp là điều được lý giải. Kinh tế thị trường đang là bệ đỡ cho nền kinh tế, trước hết tạo động lực cho tăng trưởng, từ đó tạo ra việc làm và thu nhập cho người lao động, của cải cho xã hội.
“Quyền lực đảng”
Kinh tế thị trường ‘bén rễ sâu’ và lớn mạnh đang trở thành “thế lực tự nhiên” thách thức, đối chọi với quyền lực đảng. Mối quan hệ giữa nhà nước (đảng) và thị trường được đặt ra, căng thẳng hay thuận lợi, thắng hay thua trong từng lúc, từng trận tuỳ thuộc vào chính sách cải cách. Chuyển đổi nền kinh tế chỉ huy sang thị trường nghĩa là dần xoá bỏ công cụ quản lý kế hoạch hoá tập trung, thay vào đó là sử dụng công cụ thị trường. Đây là yếu tố chủ chốt khiến quyền lực đảng ‘lung lay’.
Ý thức hệ chủ nghĩa xã hội biện minh cho chủ trương tranh thủ kinh tế thị trường, coi đó là sự nhượng bộ mang tính chiến lược trong thời kỳ gọi là “quá độ”. Tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin được bảo vệ và coi là nền tảng để duy trì chế độ chính trị.
Đảng CS trở nên ‘bớt’ “toàn trị” khi lĩnh vực kinh tế đã buộc phải dần ‘nhường’ cho các cá thể, doanh nghiệp của các thành phần kinh tế hỗn hợp phải hoạt động theo các quy luật thị trường, theo nguyên tắc cạnh tranh và lợi nhuận, tài sản được cam kết bảo vệ. Đảng cố giữ lại chức năng “độc đoán” trong các lĩnh vực khác, đặc biệt về tư tưởng.
Tha hoá quyền lực đảng trong quá trình phân chia quyền cho các cấp, các ngành và các cá thể và doanh nghiệp để thích nghi với kinh tế thị trường đang lớn mạnh, bộc lộ những yếu điểm của chế độ đảng trị. Chính phủ, chính quyền địa phương được phân quyền lớn hơn để điều hành nền kinh tế nên có khả năng lớn hơn thâu tóm thực quyền khi chi phối các mối quan hệ quyền lực khác bằng lợi ích vật chất. Đây là nguyên nhân trực tiếp của quá trình “sự suy thoái” nội bộ. Thực tế cho thấy, rằng sự sai lầm của chính sách tăng trưởng nóng vội dựa vào các tập đoàn kinh tế nhà nước và “quản lý yếu kém” trong nhiệm kỳ 11 đã dẫn tới khủng hoảng kinh tế, như ‘chất xúc tác’ kích hoạt phản ứng “suy thoái” bùng nổ gây “bất ổn” thể chế.
“Ta đánh ta”
Nghị quyết TƯ 4 Khoá 12 năm 2016 nhận định rằng tình trạng suy thoái nghiêm trọng đến mức “đe doạ sự tồn vong của đảng, của chế độ”. Đây là ‘đảng luật’ lần đầu tiên trong lịch sử đảng CS “công khai” mở đường cho “ta đánh ta” với phương châm “đánh chuột nhưng không làm vỡ bình”.
Đảng CS coi “ngăn chặn” suy thoái là vấn đề nội bộ khó khăn nên những kết quả từ chiến dịch “đốt lò” được dư luận hoan nghênh. Hàng chục nghìn đảng viên bị kỷ luật, hàng nghìn vụ vi phạm, tham nhũng, trục lợi, gây thiệt hại liên quan đến chức vụ, quyền hạn, trong đó có hàng trăm lãnh đạo cấp cao thuộc Trung ương quản lý, thậm chí là Uỷ viên bộ Chính trị, bị xử tại toà với các hình phạt nghiêm khắc…
Bên cạnh đó việc giáo dục đạo đức, nêu gương cũng được đề cao, như một công cụ truyền thống về niềm tin, sự cống hiến và trung thành với lý tưởng, với quyền lực tuyệt đối. Tuy nhiên, các giá trị này xa với thực tế, nên dường như thiếu thuyết phục, không gắn với các yếu tố tác động từ quan hệ xã hội, bạn bè, gia đình, bởi vậy tác dụng của giải pháp này là hạn chế, mang tính hình thức.
Đồng thời với sự gieo rắc nỗi sợ hãi thì việc chỉnh đốn tổ chức được tăng cường. Như nêu ở trên, một bộ máy quyền lực cấp cao mới được “sàng lọc”. Tuy nhiên, tính kế thừa không được đặt ra. Quá nửa các Uỷ viên Ban Chấp hành trung ương khoá 12, những người bị kỷ luật, ‘có vấn đề’ hoặc ‘kỹ trị’ có quyền và gần tiền, dễ có nguy cơ tha hoá, được thay thế bởi các nhân vật mới được cho là trung thành, có nguồn gốc an ninh, quân đội, toà án hay chuyên trách đảng, đoàn thanh niên CS. Ngoài ra, cơ cấu vùng miền đang mất cân đối, ‘phái miền Nam’ đã vắng mặt trong truyền thống “tứ trụ”.
Các nhà quan sát chính trị đang dõi theo những vụ tham nhũng đình đám, “tồn đọng” và chưa bị phát hiện được tiếp tục xử lý thế nào? Năng lực của quan chức bộ máy mới ra sao và liệu có bị tha hoá trong quá trình hoạt động hay không?
“Hy vọng”
Theo tôi, quá trình chuyển đổi sang thị trường sau hơn 30 năm là khó có thể đảo ngược, tuy nhiên, mới đây, trong một bài viết ngày 16/5/2021, ông Tổng Bí thư tiếp tục nhấn mạnh thông điệp đối với đảng viên, cán bộ lãnh đạo về sự kiên định với hệ tư tưởng chủ nghĩa Mác – Lênin và ý thức hệ xã hội chủ nghĩa, và rằng tranh thủ kinh tế tư bản là cần thiết nhưng chỉ coi đây là sự nhân nhượng mang tính sách lược trong “thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.” Chuyên gia người Pháp, Alice Ekman, nghiên cứu về các chế độ toàn trị, trong tác phẩm mới đây, “Màu đỏ tươi” (“Rouge vif”, 2019), đã chỉ ra “những ảo tưởng về một quá trình dân chủ hoá, nhờ tự do hoá kinh tế”.
Sau tổng kết năm năm có thể có một Nghị quyết 4 khoá 13 do vấn đề vẫn căng thẳng. Liệu Việt Nam có chút hy vọng nào vào những cải cách theo chủ trương như nêu trên?
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do.
0 comments