Vụ bắt Roman Protasevich từ máy bay Ryanair: Tổng thống Belarus tính nước cờ gì?
BBC
Vụ cưỡng bức một phi cơ của Ryanair phải đáp khẩn cấp xuống Minsk để an ninh Belarus có thể bắt đi hai hành khách, là sự kiện tiếp tục gây chấn động châu Âu.
Các báo châu Âu và Hoa Kỳ đặt ra hai câu hỏi chính về vụ ép buộc hoặc đánh lừa hãng hàng không Ryanair trên tuyến Athen-Vilnius hôm 23/05/2021.
-Vì sao ông Alexander Lukashenko quyết định làm vụ "bắt cóc phi cơ EU" táo tợn như vậy?
-Vai trò của Nga, cụ thể là tổng thống Vladimir Putin có gì trong vụ này hay không, và dù có hay là không thì nước Nga sẽ xử lý cuộc khủng hoảng Belarus gây ra với EU trước cuộc gặp của ông với ông Lukashenko tuần này ra sao?
Động cơ của Lukashenko là gì?
Theo báo Anh, The Guardian (26/05) thì bằng vụ "không tặc cấp nhà nước", tổng thống Belarus muốn gửi ra thông điệp với người dân và các nhà hoạt động phe đối lập tại nước ông là "chống lại sẽ bị truy bắt" bất kể bạn đang ở đâu.
Nhưng hệ quả của vụ việc là bầu trời Belarus trở thành khoảng trắng trên không phận châu Âu vì nhiều nước đồng loạt cấm hàng không mang cờ của họ bay qua vùng xảy ra vụ "không tặc" (air piracy) bằng không quân Belarus.
Với ngân sách ngày càng eo hẹp của Belarus, thất thu từ hàng không và các biện pháp cấm vận đã và đang có, đây là bài toán khó ông Lukashenko tự tạo cho mình.
Chính vì vậy, các báo Âu-Mỹ đồng loạt hỏi "Vì sao ông Lukashenko có tính toán như vậy?"
John Herbst, Giám đốc Trung tâm Eurasia Center, Atlantic Council viết trên trang của thinktank này lời giải thích:
"Vụ bắt giữ ông Roman Protasevich, cựu trưởng biên tập kênh Nexta trên Telegram, người đang tỵ nạn ở Lithuania, là nhằm bẻ gãy ý chí phe đối lập".
Theo ông John Herbst, tổng thống Lukashenko vừa "vượt qua mấy tháng biểu tình trong nước ông" và đang tìm cách ổn định tình hình.
Nhưng sự có mặt của các nhân vật đấu tranh trẻ tuổi (Roman Protasevich sinh năm 1995), năng động, nổi tiếng đang tá túc tại EU khiến Lukashenko không yên tâm.
Phong trào biểu tình có thể bùng lại bất cứ lúc nào.
Ngoài ra, có thể KGB của Belarus muốn "khai thác thêm thông tin gì từ Roman Protasevich" nên đã sẵn sàng bắt cóc ông khi đi máy bay, bất chấp hậu quả quốc tế.
Bà Ekaterina Zolotova, chuyên gia phân tích của trang Geopolitical Futures thì cho hay sau vụ việc, có luồng dư luận tại các nước nói tiếng Nga rằng để bắt Roman Protasevich, bản thân Lukashenko phải cảm thấy chế độ của ông bị đe dọa, vị thế cá nhân ông "đã rất yếu".
Tuy thế, cách giải thích này có vẻ không đúng với tình hình Belarus: biểu tình đã giảm, các nhà hoạt động hầu hết đã bị bắt hoặc chạy ra nước ngoài.
Bởi thế, có cách giải thích thứ nhì, theo bà Zolotova là "Minsk thực sự tin là trên máy bay có bom, và theo Bộ Giao thông nước này thì có người xưng là thuộc Hamas dọa đánh bom vì vấn đề Gaza".
Nhưng Hamas sau đó đã bác bỏ việc lôi họ vào vụ việc, và các nhà quan sát khác cho rằng đổ lỗi cho Hamas xem ra "chệch thời gian" vì khi vụ việc xảy ra trên bầu trời châu Âu, Hamas đã đồng ý hưu chiến với Israel.
Tuy vậy, bà Zolotova không loại trừ khả năng ông Lukashenko đã bị khủng hoảng tâm lý, nhìn đâu cũng thấy kẻ thù...trừ nước Nga.
Nước Nga không liên quan?
Và câu hỏi thứ nhì chính là nước Nga của ông Putin có biết vụ việc này trước khi nó xảy ra hay không?
Đây cũng là câu hỏi Thủ tướng Angela Merkel tiết lộ là các lãnh đạo EU hỏi nhau hôm thứ Ba 25/05.
Theo đài Deutsche Welle của Đức, bà Merkel xác nhận rằng mối liên quan đến Nga (Kremlin connection) được EU thảo luận khi bàn về vụ buộc phi cơ Ryanair đổi đường bay và vụ bắt nhà bất đồng chính kiến trên máy bay.
"Chúng tôi hỏi liệu Nga có liên quan gì hay không. Chúng tôi chưa thấy có bằng chứng rõ về vai trò của Nga."
Tuy thế, theo đài Deutsche Welle, vì Putin là người bảo trợ chính về kinh tế và chính trị cho ông Lukashenko, nước Nga phải có trách nhiệm về vụ việc.
Một số báo châu Âu đăng biếm họa vẽ hai thợ săn: Putin và Lukashenko, vác súng và mỗi người cầm một con ngỗng trời đã bị bắn hạ.
Trong tay hình Putin là con ngỗng có dòng chữ MH17, và trong tay Lukashenko là 'thành quả Ryanair'.
Một khả năng nữa, vẫn theo nhà phân tích Ekaterina Zolotova thì ông Lukashenko hay có biểu hiện bất thường, và sẵn sàng làm những việc quá đà, bất kể đối tác Nga có biết hay không, và báo chí Nga xem ra cũng ngạc nhiên về "độ liều lĩnh" của không quân Belarus.
Dù có hay không liên hệ với Nga, vụ cưỡng bức máy bay của EU chắc chắn sẽ được "Lukashenko và Putin thảo luận" nếu như họ gặp mặt thứ Sáu tuần này, theo suy đoán của một số nguồn tại Nga.
Hệ quả chung cho hai nước Nga và Belarus
Thiệt hại về kinh tế cho Belarus vì EU cấm bay qua không phận nước này là rất lớn, nếu ta mới chỉ nhìn vào phí hàng không quá cảnh.
Tiền thu về từ mỗi máy bay bay qua Belarus là 770 USD, và vì nằm trên tuyến đường xuyên Âu-Á, và Nam-Bắc Âu, có ngày Belarus cho bay qua 1000 phi cơ dân dụng.
Hãng Belavia của Belarus cũng bị cấm bay vào nhiều nước, khiến quốc gia hậu Xô Viết có 9,5 triệu dân thêm khó khăn kinh tế.
Hãng hàng không của Belarus này, trước vụ cấm bay đã tuyên bố sa thải 50% nhân viên, vì ảnh hưởng của dịch Covid.
Nhưng Nga cũng sẽ bị ảnh hưởng vì nhiều đường bay "tránh Belarus" sẽ tránh luôn cả Nga.
Ngoài ra, kinh tế Belarus càng bết bát thì gánh nặng cho Nga, nước vẫn đang bán dầu giá "ưu tiên" cho chế độ ở Minsk, sẽ càng tăng.
Các báo Anh cho rằng càng bị cấm vận, ông Lukashenko sẽ càng phải "rơi vào vòng tay của Putin" (beholden to Putin).
Một báo Ba Lan, tờ onet.pl còn trích lời một số bình luận từ nước láng giềng của Belarus cho rằng trong tương lai không xa, Belarus sẽ "gia nhập Liên bang Nga", vì đó là cách duy nhất để chế độ Lukashenko tồn tại.
Nhà báo Ba Lan Jacek Fraczyk trích các chuyên gia của nước ông cho hay hai quốc gia Belarus và Nga đã soạn bản đồ đường bộ thống nhất với nhau, và "một ngày không xa, biên giới Ba Lan với Liên bang Nga sẽ tăng lên, không còn 210 km như hiện nay (Ba Lan giáp đặc khu Kaliningrad của Nga bên bờ Baltic), mà lên 418 km".
Tuy các báo châu Âu khác không nói về giả thuyết này, trang Geopolitical Futures trích nguồn tiếng Nga nói rằng việc kéo Minsk vào quỹ đạo của Moscow là điều tất yếu.
Mới đây nhất, Nga cho triển khai tuyến hỏa xa nối Moscow với Minsk, giá vé "rẻ kỳ cục: 30 đôla cho tuyến đường 7 giờ liền".
Kremlin cũng phải phê chuẩn thêm một khoản 500 triệu USD tiền cho vay, để ông Lukashenko trả lương công chức, an ninh, quân đội.
Cùng lúc, xu hướng kéo xã hội Belarus về phía EU lại là điều phe đấu tranh mong muốn hơn là kết nối chặt với Nga.
Hiện cảnh sát Belarus đã bắt 35 nghìn người, gồm cả ông Alexander Feduta, cựu phát ngôn viên cho tổng thống Lukashenko vì "hoạt động chống đối".
Việc người từng thân cận với Lukashenko cũng bị bắt vì phản đối ông cho thấy rạn nứt bên trong chính hệ thống của Belarus, điều mà vụ "không tặc nhà nước" xảy ra với chuyến bay Ryanair vừa qua sẽ không giúp hàn gắn, mà chỉ làm nghiêm trọng thêm.
Bài do BBC News Tiếng Việt tổng hợp.
Xem thêm:
0 comments