Vì sao thiếu tá Trịnh Văn Khoa thành công trong việc tố cáo sai phạm của công an?
RFA blog
Thứ Hai, 05/24/2021 - 12:18 — nguyenvubinh
Trong mấy ngày gần đây, dư luận cả nước và cộng đồng mạng vui mừng và phấn khởi trước thông tin thiếu tá Trịnh Văn Khoa tố cáo các đồng đội ở công an quận Đồ Sơn, Hải Phòng làm sai lệch hồ sơ. Kết quả là Viện Kiểm sát đã khởi tố vụ án, khởi tố 4 bị can là công an Đồ Sơn trong đó 3 người bị bắt tạm giam, một người tại ngoại.
Vụ việc xảy ra ngày 13.11.2020, Đội Điều tra tổng hợp và Quản lý hành chính về trật tự xã hội của quận đã phát hiện tại quán karaoke Hải Sơn 86 (P.Hợp Đức, Q.Đồ Sơn) có nhiều đối tượng đang có dấu hiệu phê, lắc ma túy. Qua kiểm tra, lực lượng công an phát hiện 25/28 đối tượng dương tính với ma túy. Tuy nhiên, chiều 13.11.2020, ông Trịnh Văn Khoa, khi đó là cán bộ Đội điều tra tổng hợp, Công an Q.Đồ Sơn nhận lệnh của thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, Đội phó Đội điều tra tổng hợp, phải dừng việc xét hỏi để các đối tượng gọi điện về nhà cho người thân. Đêm 13.11.2020, tất cả những người ở quán karaoke Hải Sơn 86 được thả về nhà.
Thiếu tá Trịnh Văn Khoa thấy sự việc bất thường, Anh đã làm đơn xin thôi việc và ra khỏi ngành. Sau đó Anh tố cáo sự việc lên Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao. Diễn biến tiếp theo là Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam thiếu tá Nguyễn Hữu Cường, đội phó đội điều tra tổng hợp quận Đồ Sơn, trung tá Đinh Đình Việt, đội trưởng đội điều tra tội phạm về hình sự - kinh tế - ma túy, thượng úy Đỗ Hữu Dũng, phó đội trưởng đội cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội. Riêng thượng úy Nguyễn Viết Công cán bộ đội cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội được cho tại ngoại điều tra. Ngay sau vụ việc, đại tá Trần Tiến Quang, quận trưởng công an Đồ Sơn xin tạm nghỉ để đi chữa bệnh.
So sánh với việc tố cáo sai phạm của đại úy Lê Chí Thành, đại úy Nguyễn Doãn Tú với trại giam Thủ Đức, trung tá Nguyễn Đức Hưng tố cáo ban giám thị trại giam Xuyên Mộc, Bà Rịa Vũng Tàu… và nhiều vụ việc tố cáo khác trong ngành công an thì kết quả của vụ tố cáo của thiếu tá Trịnh Văn Khoa đã thành công. Chúng ta cùng phân tích xem vì sao thiếu tá Trịnh Văn Khoa lại thành công trong việc tố cáo sai phạm của đồng đội trong khi nhiều người khác không thành công, thậm chí còn mang vạ vào thân như đại úy Lê Chí Thành đã bị bắt.
Một chi tiết quan trọng trong vụ việc tố cáo của thiếu tá Trịnh Văn Khoa, đó là việc Anh xin ra khỏi ngành công an trước khi tố cáo sự việc. Nếu không chú ý chi tiết này, mọi người có thể bỏ qua. Nhưng đó lại là chi tiết quan trọng nhất. Theo suy nghĩ của người viết bài này, nếu còn ở trong ngành, quy định của ngành về việc khiếu kiện và tố cáo sai phạm sẽ là thứ tự theo các bước, đó là tố cáo lên thủ trưởng đơn vị, sau đó là cấp trên chính là công an Hải Phòng, sau đó là bộ công an. Đó chính là các bước đi mà đại úy Lê Chí Thành, Nguyễn Doãn Tú và trung tá Nguyễn Đức Hưng đã và đang thực hiện và gặp thất bại. Một lý do đơn giản ai cũng thấy, đó là việc bao che trong ngành. Việc bao che trong ngành công an có thể có hai nguyên nhân, cấp trên nhận đút lót và sợ làm ảnh hưởng uy tín ngành. Thiếu tá Trịnh Văn Khoa đã nhận ra con đường khiếu kiện, tố cáo nguy hiểm và bế tắc này, nên Anh đã chọn con đường khác. Khi đã xin ra khỏi ngành, Anh chỉ còn là một công dân. Một công dân có thể tố cáo sai phạm ở bất cứ đâu, và Anh đã tố cáo ở Cục 1, phòng 6 Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao trong ba ngày làm việc liên tục. Anh đã bỏ qua Viện Kiểm sát quận Đồ Sơn và Viện Kiểm sát thành phố Hải Phòng, đó là một sự lựa chọn sáng suốt đã dẫn tới thành công.
Khi được hỏi về việc các đồng nghiệp sai phạm có xin Anh rút đơn tố cáo, anh Trịnh Văn Khoa đã nói: “…họ có xin gặp riêng, đưa ra lời đề nghị, nếu tôi chịu rút hai cái đơn về tôi sẽ được rất nhiều tỷ đồng. Nhưng đến giờ phút này, tiền không quan trọng, danh dự mới là quan trọng. Nếu tôi nhận tiền của họ, thì ngày mai, có khi toàn bộ nhân viên dịch vụ ở khu du lịch Đồ Sơn phải làm việc cật lực để bù lại chỗ đó, vậy khác nào tôi gánh nghiệp của tôi. Tôi bảo đồng chí đừng nói thêm gì nữa, vui vẻ đi về đi" (Báo Nông Nghiệp Việt Nam online, ngày 18/5/2021). Như vậy, thiếu tá Trịnh Văn Khoa là một người rất hiểu về ngành, về hệ thống tiêu cực vận hành trong ngành.
Để tố cáo sai phạm tiêu cực của các cá nhân, đơn vị trong ngành công an, đã có nhiều người thân bại danh liệt và vướng vào vòng lao lý. Thiếu tá Trịnh Văn Khoa ngoài hiểu biết rất rõ về ngóc ngách tăm tối của ngành, có bước đi thông minh, sáng tạo, Anh còn phải chấp nhận hi sinh công việc mà Anh yêu thích, chấp nhận mất công ăn việc làm và thu nhập không nhỏ trong thời buổi khó khăn này. Càng mến phục Anh bao nhiêu, càng nhận thấy hệ thống quyền lực ngành công an nói riêng và chế độ nói chung tha hóa và thối nát bấy nhiêu. Nhưng vụ việc của thiếu tá Trịnh Văn Khoa cũng sẽ là gợi ý về đường đi nước bước cho những người chống tiêu cực tham nhũng nói chung và ngành công an nói riêng./.
Hà Nội, ngày 24/5/2021
N.V.B
0 comments