Về di sản và bài học Cố Bộ trưởng Nguyễn Cơ Thạch để lại cho ngoại giao VN
BBC
Một di sản có thể nói là quan trọng nhất, một đóng góp xuất sắc nhất và cũng là bài học để đời của cố Ngoại trưởng Việt Nam Nguyễn Cơ Thạch cho hậu thế, không chỉ cảnh tỉnh riêng giới ngoại giao, mà thức tỉnh toàn thể tâm thức của người dân Việt Nam chính là khái quát xuất thần của ông sau Hội nghị Thành Đô cảnh báo một thời kỳ mới 'rất nguy hiểm' đã bắt đầu, một cựu quan chức ngành ngoại giao Việt Nam nói với BBC hôm 18/5/2021 từ Hà Nội.
Trao đổi với BBC News Tiếng Việt về sự kiện Việt Nam đang đánh dấu 100 năm sinh của cố Ngoại trưởng Việt Nam, ông Nguyễn Cơ Thạch, cựu Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Tiến sỹ Đinh Hoàng Thắng phát biểu cảm tưởng:
"Dịp 100 năm ngày sinh của cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch hoàn toàn xứng đáng được đánh dấu bằng các hoạt động cũng như hàng loạt các bài viết về ông Thạch như đã biết. Cho đến nay, chưa có nhà ngoại giao Việt Nam nào thời hậu chiến được quốc tế, kể cả phía bên kia, đánh giá cao như thế.
Ngoại giao Việt Nam: Làm thế nào để dẫn dắt?
Tôi có phần hơi ngạc nhiên, nhân dịp này, một số nhà ngoại giao tự nhận là học trò và về sau trở thành đồng nghiệp của ông Thạch và cũng là những người lãnh đạo Bộ Ngoại giao Việt Nam sau này, đã hé lộ một số bí mật cung đình.
Tuy chưa được nhiều, nhưng điều ấy cho chúng ta hiểu phần nào những cam go trong đấu tranh nội bộ, liên quan đến một số chủ trương lớn về đối ngoại, đối nội của đất nước. Cố Ngoại trưởng Nguyễn Cơ Thạch xứng đáng đã đành, nhưng mặt khác, lịch sử bi tráng của các cuộc chiến ở Việt Nam, của chiến tranh Lạnh trong khu vực và thế giới, cũng như của quá trình đổi mới về kinh tế, về đối ngoại ở trong nước, cũng là những dịp góp phần tạo nên sự nổi tiếng ấy ở cá nhân ông. Ngạn ngữ nói "Thời thế tạo anh hùng" có lẽ cũng là từ góc nhìn này chăng."
'Kỷ niệm, tự hào'
BBC: Cá nhân ông có kỷ niệm nào về mặt cá nhân với ông Nguyễn Cơ Thạch?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Kỷ niệm đậm nhất về mặt cá nhân là, nếu không có ông Nguyễn Cơ Thạch thì một chuyên viên cấp thấp làm việc ở Vụ Khu vực Liên Xô - Đông Âu như tôi, khó có điều kiện để hoàn thành chương trình tu nghiệp sau đại học, liên quan đến "Lý thuyết Hệ thống" trong nghiên cứu chính trị quốc tế và chính sách đối ngoại của các nước.
Khi chân ướt chân ráo mới về Bộ Ngoại giao (năm 1972), tôi vinh dự được đi dịch một số lần cho Thứ trưởng, sau đó là Quốc vụ khanh Nguyễn Cơ Thạch. Trong các tiếp xúc quốc tế, đặc biệt trong các cuộc hội đàm kín, tôi cảm nhận được một số chiều kích, cũng như tầm cỡ nhà ngoại giao lớn Nguyễn Cơ Thạch. Đấy là những thời cơ hiếm hoi đối với một gã mới tập tễnh vào nghề.
Nhưng chẳng qua cũng ăn may thôi, vì bấy giờ tôi vừa tốt nghiệp ở Hungary, thì cũng là lúc Hungary trở thành uỷ viên của Ủy ban Quốc tế về Giám sát và Kiểm soát (ICSC) Hiệp định Paris (27/1/1973). Tiếng Hung lúc bấy giờ là "của hiếm", nhất là trong những lần phải đi dịch "đuổi" (simultaneous translation) tại các cuộc hội đàm.
Tất nhiên, những năm cuối đại học tôi cũng đã được một số lần tiếp xúc với lãnh đạo cấp cao Việt Nam khi phục vụ các đoàn trong nước qua, nên có dịp so sánh các vị ấy với các ông Nguyễn Cơ Thạch, Nguyễn Duy Trinh (tiền nhiệm của ông Thạch). Khi dạy tiếng Việt cho quan chức ngoại giao Hungary, tôi được nghe họ nói chuyện với nhau về ông Thạch.
Tôi cảm thấy tự hào cho đất nước có một nhà ngoại giao được thế giới ngưỡng mộ như thế.
Đóng góp, phong cách
BBC: Ông có gì để nói về nhân cách, đóng góp cũng như phong cách ngoại giao của Nguyễn Cơ Thạch?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Đóng góp cũng như nhân cách và phong cách của ông Thạch cho nền ngoại giao nói riêng và sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước nói chung thì đợt này những người khác đã viết nhiều. Tôi chia sẻ với phần lớn những đánh giá ấy.
Tôi cho rằng, một trong những đóng góp lớn nhất của cố Ngoại trưởng là, cùng với lãnh đạo BNG, ông đã tìm cách hoá giải vấn đề Campuchia.
Tôi nhớ, có lần ông Thạch đã nói với Phái bộ ngoại giao Hungary, rút chân được ra khỏi "cái bẫy" Campuchia là giỏi lắm, nhưng tránh được "cái bẫy" ấy mới là thông minh. Tiếc là chúng tôi (tức là Việt Nam) chưa được thông minh. Còn câu chuyện "khai sơn phá thạch" trong quan hệ với Hoa Kỳ thì đã có rất nhiều tư liệu, các nhà nghiên cứu sẽ còn tiếp tục khai thác.
Ông Thạch có một tư duy "tráng kiện" về các vấn đề quốc tế, đặc biệt là ông ấy hiểu sâu sắc về các nước lớn, về vị thế của Việt Nam trong bàn cờ khu vực và thế giới. Nhưng tại sao Ngoại giao Việt Nam tại thời ông, vẫn bị "vấp" trong một số trường hợp? Tại sao Nghị quyết 32 của Bộ Chính trị không được thực hiện một cách rốt ráo? Theo tôi, một thân lúa chín chẳng thể tạo ra được cả vụ mùa vàng.
Trong một cuộc họp hẹp, sau khi nghe về chính sách của Liên Xô đối với Việt Nam, ông Thạch lưu ý mọi người tới cái thuật ngữ "hòn đá tảng" trong văn cảnh "quan hệ với Liên Xô là hòn đá tảng trong chính sách đối ngoại của Việt Nam". Ông nói một cách dí dỏm, phải cẩn thận với "hòn đá tảng" ấy, không khéo nó có thể "đè nát chân" đấy.
Với Trung Quốc, tôi có đi nghe suốt mấy đêm liền, mà cũng chỉ là nghe lén thôi, tại Câu lạc bộ Đảng Xã hội ở 53 Nguyễn Du, hồi chưa bị giải thể, về chủ nghĩa Mao. Tôi nghe và chép lại thành một cuốn sổ dày và hết sức cảm kích trước những nghiên cứu có hệ thống của ông về Trung Quốc.
Hiểu Trung Quốc kỹ vậy mà bị "loại khỏi vòng chiến đấu" là một thiệt thòi không chỉ đối với riêng cá nhân ông.
Tất nhiên, ông Thạch cũng là sản phẩm của thể chế, của thời đại. Chúng tôi nhớ, ông giảng khá say sưa về việc Liên Xô đưa quân qua Afganistan và cho rằng, đó là biểu hiện về sức mạnh của chủ nghĩa xã hội. Lần đầu tiên sau chiến tranh, CNXH vượt khỏi biên giới châu Âu…
Ông ấy nghĩ thật thế hay buộc phải giảng cho chúng tôi như thế thì tôi không tường minh.
Di sản quan trọng nhất?
BBC: Đâu là di sản quan trọng nhất của ông Nguyễn Cơ Thạch, về mặt ngoại giao cũng như về mặt chính trị, lịch sử?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Có một di sản có thể nói là quan trọng nhất, một đóng góp có thể nói là xuất sắc và cũng là bài học để đời của Nguyễn Cơ Thạch cho hậu thế - không chỉ để cảnh tỉnh riêng giới ngoại giao, mà còn để thức tỉnh toàn thể tâm thức của Việt tộc - là khái quát xuất thần của ông sau Hội nghị Thành Đô: "Thế là một cuộc Bắc thuộc mới rất nguy hiểm đã bắt đầu!"
Nhận thức về ngoại giao nước lớn, về âm mưu của Trung Quốc đối với Việt Nam, về tính phổ quát của các hệ giá trị của kinh tế thị trường - nhà nước pháp quyền - xã hội công dân như là ba chân kiềng tạo nên nền móng phát triển đối với mọi quốc gia, vượt lên trên ý tức hệ. Di sản này cũng hết sức quan trọng. Đặc biệt, ông là người, bằng mọi cách và qua nhiều con đường, đã góp phần truyền bá các kiến thức về "kinh tế thị trường" và "nhà nước pháp quyền" cho lãnh đạo Việt Nam.
Về nghiên cứu chính trị cường quốc, chính trị cường quyền, về văn hoá ngoại giao và lịch sử ngoại giao, ông Thạch là một trong số ít lãnh đạo Việt Nam dám đi tiên phong và cổ võ mọi người cùng đi theo ông. Nguyễn Cơ Thạch, nhất là về cuối đời, trong những lần chúng tôi vào thăm ông bên giường bệnh, vẫn canh cánh về nhận thức luận và phương pháp luận ngoại giao.
Ông chịu khó lắng nghe khi chúng tôi "đính chính" với ông là nên mở rộng nội hàm "phương pháp luận ngoại giao" thành "phương pháp luận nghiên cứu quan hệ quốc tế và chính trị đối ngoại" cho phù hợp với cái khung của khoa học Quan hệ quốc tế .
BBC: Có di sản nào khác (kể cả là bài học) của ông Thạch theo Tiến sỹ vẫn còn thời sự và vẫn còn là thách đố, cần phải vượt qua đối với Việt Nam?
TS. Đinh Hoàng Thắng: Đã có rất nhiều bài viết, thậm chí có cả Hội thảo khoa học về đề tài này, nhà báo có thể tham khảo qua các nguồn khác nhau.
Nhưng với cá nhân tôi, một trong những di sản nổi bật khác của ông Thạch là nỗ lực của ông và một số lãnh đạo BNG Việt Nam đưa chính sách đối ngoại trở lại "đường ray" của những năm 1950 và "đa dạng hoá", "đa phương hoá" nó.
Lúc bấy giờ Đại hội Đảng thời ấy đã khẳng định rất rõ, chính sách ngoại giao của Việt Nam "là dân tộc và dân chủ". Hai giá trị này "lấp lánh" suốt những thập kỷ dài của kháng chiến và chiến tranh Lạnh. Thực tiễn chứng minh, cũng có thời kỳ chính trị đối ngoại của Việt Nam đi lệch quỹ đạo này, thì ngay lập tức, đất nước phải trả giá, hầu như không có ngoại lệ. Di sản này là trường tồn.
Về thách đố phải vượt qua đối với Việt Nam? Ngày nay chúng ta đọc nhiều, nghe nhiều từ các thế hệ ngoại giao hậu Nguyễn Cơ Thạch, hậu Trần Quang Cơ nói và viết về bản lĩnh và tâm thế mới của nền ngoại giao hiện đại trong kỷ nguyên hội nhập. Liên quan vấn đề này, có hai thách đố lớn, mà suy cho cùng là "hai trong một" mà cũng là "một mà hai".
Thứ nhất, không tuân theo các giá trị phổ quát thì khó có được chính sách đối ngoại đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu. Trong kháng chiến, bên cạnh quân sự và ngoại giao, vai trò "Nhân dân" (Người cày có ruộng) nhiều khi quyết định. Hãy nhắc lại "Đồng khởi", cơ sở "Nội đô", phong trào "Phật giáo"… Còn "Ngoại giao Nhân dân" ngày nay? "Nhân dân Thế giới" nghĩ gì về Việt Nam, có ủng hộ Việt Nam như trước, khi bị cường quốc khác ức hiếp, là điều rất quan trọng.
Thứ hai, nếu chọn độc tài - toàn trị thì không thể nào khoả lấp được khoảng cách giữa thực trạng hiện nay với yêu cầu đối với hàng ngũ lãnh đạo mới. Chúng ta đang chứng kiến giai đoạn chuyển đổi, trong đó các thế hệ "học trò" ông Thạch cùng lúc phải chiến đấu quyết liệt trên hai mặt trận: ứng phó với những thách thức khắc nghiệt của trật tự quốc tế phức hợp đang ló dạng và ứng phó với độ vênh ngày càng doãng rộng giữa đòi hỏi về an ninh - phát triển với khả năng hành động bị bó buộc của lãnh đạo quốc gia.
Nguyễn Cơ Thạch (1921 - 1998) tên thật là Phạm Văn Cương, là một chính trị gia, nhà ngoại giao hàng đầu của Việt Nam. Ông từng giữ chức vụ Ủy viên Bộ Chính trị của ĐCSVN, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (nay là chức vụ Phó Thủ tướng Chính phủ), ông lãnh đạo Bộ Ngoại giao của Việt Nam từ tháng 2/1980 đến tháng 7/1991. Ông là cha của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh.
Xem thêm về lịch sử ngoại giao:
0 comments