Để khách hàng phải mất tiền, tốn công nhưng vẫn vui
Hàng ngày từ 9 giờ tối đến nửa đêm, Hasun bán hàng qua kênh Facebook Live và sự xuất hiện của anh thu hút hơn 100.000 người xem trên mỗi clip. Số lượng 'like' trên trang của anh tăng dần và hiện giờ đã vượt quá con số 400.000.
Cách đây một năm, Hasun bắt đầu thử nghiệm bán hàng trên Facebook lần đầu tiên. Anh nhớ lại những ngày khởi đầu đầy khó khăn và rủi ro.
Dân chài thực thụ
"Cha tôi là dân chài và tôi thường đi biển cùng ông. Tôi hiểu rất rõ cuộc sống trên biển. Nó rất vui, đầy tiếng hô "Haiya, halay, haiya, hunlawa"," Hasun kể với BBC Tiếng Thái và giả bộ kéo lưới.
Lớn lên trong một gia đình ngư dân, anh được thử thách ngay sau khi học xong trung học. Trước khi bán hải sản khô qua Facebook live, anh là chủ một chương trình bán thảo dược trên một kênh truyền hình cáp địa phương ở Bangkok.
"Tôi dành thời gian tìm hiểu Facebook và tôi thấy có người bán được rất nhiều hàng. Mọi thứ đều có vẻ bán rất chạy, vậy nên tôi muốn thử xem," Hasun chia sẻ.
Hasan có ý tưởng bán hàng trên mạng, nhưng vì còn trẻ, anh gặp khó khăn khi tìm kiếm sự hỗ trợ tài chính. Nhờ cha giúp đỡ, anh nhận được câu trả lời gay gắt: "Làm sao mà bán được? Làm sao con thuyết phục người mua trả tiền? Cứ đi làm kiếm sống theo kiểu cũ thôi, hiểu chưa?"
"Khi đó, người dân ở làng tôi thường bán hàng rong trên bãi biển. Họ đi bộ hàng chục cây số mà chẳng kiếm được mấy đồng," Hasun nói.
Anh nói việc bán hải sản chủ yếu dựa vào bán hàng trả chậm. Dân làng giao hải sản cho lái buôn, và phải gần một tháng sau họ mới được nhận tiền.
"Thế là, tôi nói với họ tôi sẽ trả họ tiền ngay hôm sau mặc dù tôi không có tiền. Làm kinh doanh có rủi ro nhưng trong giai đoạn rủi ro đó, bạn có thể phất lên hoặc chìm xuống. Bạn phải quyết định."
Những ngày đầu mới bán hàng online, người dân làng chỉ đưa Hasun một lượng hàng nhỏ để bán vì Hasun gần như không thể làm cho họ tin anh. Họ tiếp tục bán hàng cho lái buôn. Vậy là Hasun quyết định thay đổi chiến lược bằng cách bán hàng qua Facebook Live ở làng Pakbara - nơi sản xuất hải sản khô.
"Cách làm của tôi là bán ngay tại chỗ và khách hàng phải thanh toán tiền ngay. [Tôi nói với người xem] 'Đây là cá muối cả nhà ạ. Rất tuyệt để làm món Kaeng Tay-pho (Cà ri cá trê với rau muống). Cá này là tuyệt hảo. Nhanh tay mua nào. Hãy xác nhận [đơn hàng] và chuyển tiền ngay bây giờ.' Sau đó tiền tới tay người dân làng ngay lập tức. Tôi làm như vậy liên tục nên xây dựng được lòng tin với dân làng."
Sự nghiệp kiếm sống qua Facebook Live
Khi bắt đầu nhận ra tiềm năng của việc bán hải sản khô, Hasun vẫn đang làm việc bán thảo dược ở kênh truyền hình cáp. Anh mang theo một ít hải sản khô khi quay lại Bangkok làm việc.
Mỗi ngày sau giờ làm việc, anh bán hải sản qua Facebook Live, dùng cùng một mẫu sản phẩm. Khi một món hàng được bán, anh nhờ vợ anh, người vẫn ở tỉnh Satun, dùng tiền nhận được để mua hàng và gửi ngay cho người mua.
Khi đó, Hasun bán được lượng hải sản khô giá trị chừng 2000 -3000 Baht, mang lại cho anh lợi nhuận 700-800 Baht, để bù thêm vào thu nhập chính của anh là trên 10,000 Baht mỗi tháng.
Khoảng một tháng sau khi bắt đầu kinh doanh trên mạng, anh phải gấp gáp về Satun sau khi vợ anh báo tin là dân làng đã mang tới nhà họ một lượng hải sản khô lớn cho anh bán.
Sự nghiệp của Hasun cất cánh từ đó, doanh số của anh tăng không ngừng và anh quyết định bỏ việc ở Bangkok và về quê bán hải sản khô online.
'Nếu họ không tin bạn, họ không mua'
Dù có kinh nghiệm là người dẫn chương trình bán hàng trên TV, Hasun giải thích rằng cách trình bày một chương trình Live rất khác với những gì anh làm trong chương trình TV.
Anh đã xem một số người dẫn chương trình online, chú ý học hỏi cách họ nói và trình bày. Anh chọn những điều hay nhất để học rồi tự nghĩ ra phong cách riêng của mình.
Điều đầu tiên anh làm là mua trang phục đầu bếp để mọi người dễ nhận ra. Anh cũng dùng chuông khi giới thiệu sản phẩm. Rồi anh kể chuyện về bản thân, về người dân làng, về những người ngư dân tham gia sản xuất hải sản khô.
"Facebook là nơi bán hàng mà bạn phải tạo được niềm tin với người xem theo khả năng tốt nhất có thể. Nếu khách hàng không tin bạn, bạn có cố gắng đến đâu, họ cũng không mua. Bạn phải tiết lộ về bản thân. Để bán được hàng, bạn phải mở lòng," Hasun bật mí với BBC Tiếng Thái.
Sau đó, Hasun đầu tư vào thiết bị mới, gồm điện thoại thông minh, đèn và micro để cải thiện chất lượng chương trình và làm các buổi bán hàng hấp dẫn hơn cho người xem.
Hasun đã trở thành nguồn cảm hứng cho nhiều người. Anh cho biết giờ đây vài người ở các tỉnh chuyên làm hải sản khô cũng lên Facebook Live để bán các mặt hàng giống anh. Vài người làng cũng đã theo chân anh. Không những thế, phương thức bán hàng này cũng rất phù hợp với các sản phẩm khác như cá mắm và đã có một phụ nữ được thu lợi nhuận 2000 Baht mỗi ngày nhờ bán hàng theo cách này.
"Ai cũng có thể làm như tôi. Tôi rất cởi mở. Có người nói nếu có thêm nhiều người bán cùng mặt hàng, lượng người mua sẽ giảm đi. Nhưng chúng tôi không bán quần áo hay túi xách mà cần phải theo xu thế thời trang. Tôm lúc nào cũng là tôm. Ăn là ăn. Mọi người phải ăn hàng ngày. Họ phải mua gạo hàng ngày. Nếu không họ sẽ đói," Hasun nói.
Hết lòng với sản phẩm địa phương
Các show Facebook live bán hải sản của Hasun không những mang lại thu nhập cho anh, mà giờ đây là thu nhập chính, nó còn có nghĩa người làng anh giờ đây có thu nhập cao hơn và có người đang nghĩ đến chuyện mở rộng sản xuất.
"Lúc đầu tôi không nghĩ gì nhiều. Tôi chỉ cần tiền để nuôi thân. Mặt khác, tôi có thể giúp được người làng. Tôi làm được chuyện này ra sao? Tôi bắt đầu bằng bán hàng trên Facebook live chỉ một mình, làm sao có được ngày hôm nay? Một khi chương trình đã được yêu thích và có tiếng, doanh số tăng lên, số đơn hàng tăng lên và người dân có thêm thu nhâp. Tôi rất vui về điều này. Nhiều người đã trả hết nợ nần và bắt đầu tiết kiệm được tiền," Hasun nói với BBC Tiếng Thái.
Hasan nào thuê một đội ngũ 45 người. Họ hỗ trợ anh trong khi phát Facebook Live, đóng gói sản phẩm và gửi bưu điện và một số người làm admin trả lời câu hỏi và nhận đơn hàng. Gần như tất cả đều là người dân làng. Trong cuộc phỏng vấn với BBC Tiếng Thái, có người gọi điện cho anh. Họ muốn được vào làm trong nhóm của anh. Hasun trả lời: "Không có vị trí trống. Anh hãy gửi đơn xin việc nhé."
"Tôi từng hỏi nhóm của tôi, nếu một ngày, doanh số bán hàng hàng ngày đạt mức một triệu Baht, chúng ta làm sao xử lý được? Chúng tôi đều cười. Lúc đó, chúng tôi bán được 200.000 Baht tiền hàng mỗi ngày. Bán được một triệu Baht tiền hàng mỗi ngày cần đầu tư lớn. Một tháng sau khi chúng tôi nói đùa như thế, chúng tôi thu được 2,5 triệu Baht một ngày. Giờ đây, chúng tôi thu một triệu mỗi đêm và mười triệu là điều không phải là không thể với tới. Hiện giờ, chúng tôi rất hài lòng. Chúng tôi đã giao hàng hơi muộn một chút rồi," Hasun cười.
"Tôi nhìn vào gương và tự nhủ, "Hasun, cậu làm được rồi. Tôi tự nói với mình: làm sao mình có thể đi xa đến vậy? Trước kia tôi chỉ là người kém cỏi không ai để ý tới. Giờ đây, chúng tôi đã ở trong tâm trí mọi người." Hasun nói.
0 comments