Đức dạy Anh ngữ và tiếng các nước láng giềng theo nhu cầu học sinh
- Trần Phương Hoa
- Gửi cho BBC từ Berlin
Tôi sống ở Đức đã 30 năm. Theo dõi việc học ngoại ngữ của các con chúng tôi, tôi thấy như sau.
Tiếng Đức được coi là tiếng mẹ đẻ (Muttersprache) của các cháu, và các môn học khác đều dùng ngôn ngữ này. Sau đó đến ngoại ngữ (Fremdsprache) 1, ngoại ngữ 2, 3…
Ngoại ngữ ở Đức đa dạng và có lý do lịch sử.
Đức là quốc gia theo thể chế liên bang, nên sách giáo khoa, giáo trình giảng dạy và việc dạy ngoại ngữ không thống nhất ở cả nước mà do từng tiểu bang tự quyết định lấy, căn cứ vào nhu cầu và hoàn cảnh thực tế của mình.
Tùy từng tiểu bang qui định, học sinh phải có tối thiểu một hoặc hai ngoại ngữ bắt buộc, sau đó là quyền tự chọn các ngoại ngữ khác.
Qui định học ngoại ngữ từ lớp mấy cũng khác nhau. Nơi bắt đầu từ lớp 3, nơi từ lớp 5 hoặc 7. Nhưng tôi để ý thấy càng ngày học sinh càng bắt đầu học ngoại ngữ sớm hơn. Nhiều nơi các cháu từ lớp một đã được làm quen với với ngọai ngữ, học thông qua các trò chơi là chính.
Chúng tôi đã từng chuyển nhà từ bang nọ sang bang kia ở Đức nên đã được nếm trải việc thay đổi này khi theo dõi việc học của con.
Đông Đức và Tây Đức xưa kia là hai quốc gia khác nhau thuộc hai khối XHCN và phương Tây. Tây Đức từng chú trọng tiếng Anh, sau đó đến tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha. Còn Đông Đức trước kia thì ngoại ngữ số một là tiếng Nga.
Sau khi thống nhất, nhìn chung giờ đây tiếng Anh được cả nước Đức coi là ngoại ngữ số một, tiếp đến là tiếng Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Latinh.
Có tiểu bang ở sát biên giới với Pháp chú trọng dạy tiếng Pháp, có vùng thuộc Đông Đức cũ mà có người gốc từ Nga về Đức định cư thì vẫn chú trọng tiếng Nga.
Nhà trường cho học sinh lựa chọn gì?
Việc chọn cho con mình học ngoại ngữ gì không đơn giản, bố mẹ không giúp được gì nhiều vì nhà trường ngay cấp tiểu học đã luôn có sẵn các giáo viên lo việc tư vấn. Các cháu tới đó trình bày ước muốn và khả năng của mình và sẽ được cố vấn nên chọn các môn học, hướng đi phù hợp.
Lên trung học (Gymnasium) thì có hàng loạt các trường chuyên, chú trọng vào các môn khác nhau: khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, âm nhạc, nghệ thuật. Có trường dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh, trường khác thì bằng tiếng Pháp hay tiếng Nga. Có trường dạy chương trình song ngữ (bilingual) như nơi các con tôi đã theo học.
Các cháu có nhiều lựa chọn và tìm đến nơi nào học cho phù hợp với mình. Trong quá trình học thấy không ổn thì có quyền hoán đổi sao cho tốt nhất thì thôi.
Chọn để chuyên sâu, theo nhu cầu học sinh và xã hội
Tôi cho sự lựa chọn các môn học, kể cả ngoại ngữ trong nhà trường Đức ở cấp hai trở lên là điều rất hay và rất quan trọng. Các cháu không phải học dàn trải quá nhiều, chỉ nên chú trọng học sâu những thứ gì hợp và cần cho mình. Một cháu muốn theo học nhạc thì tại sao lại phải học quá nhiều toán, lý, hóa chẳng hạn?
Đâu đó, không nhiều nhưng cũng có trường dạy tiếng Trung, tiếng Nhật, thỏa mãn những em muốn học nhưng không phổ biến lắm và học sinh phải tự lo di chuyển tới đó để học.
Tôi cho rằng việc dạy ngoại ngữ phải bám sát nhu cầu của xã hội. Đức nằm giữa châu Âu, ngoài tiếng Anh là ngôn ngữ quốc tế thì tiếng của các nước lân bang có nhiều giao thương với Đức đương nhiên là cần thiết hơn cả. Tiếng Tây Ban Nha gần đây đã phần nào vượt cả tiếng Pháp.
Vì thế, tôi khó hình dung tiếng Hàn, tiếng Thái, tiếng Việt có thể chiếm được vị trí đáng kể trong việc dạy ngoại ngữ ở Đức.
Cũng vì yếu tố địa lý nên việc các học sinh được nhà trường tổ chức khá thường xuyên các chuyến đi tham quan, du lịch tới các nước lân bang trong châu Âu cũng dễ dàng. Các chương trình truyền hình, phim ảnh, các văn hóa phẩm cũng gần gũi nhau và tạo thuận lợi rất nhiều cho việc học ngọai ngữ của các cháu.
Các con của chúng tôi vẫn giữ thói quen đọc sách, xem TV tiếng nước ngoài thường xuyên để trau dồi ngoại ngữ.
Nhiều gia đình hay cho các cháu ra nước ngoài hẳn một năm theo chương trình trao đổi học sinh để thực hành tiếng. Trong nhà chúng tôi ở Berlin cũng từng có một em người Thụy Điển đến ở trong một thời gian.
Nghe tin tức nói rằng có thể tiếng Đức sẽ được dạy đại trà trong trường phổ thông ở Việt Nam, tôi thấy có chút băn khoăn.
Tiếng Anh cần phải là ngoại ngữ số một (bắt buộc) thì rõ rồi, nhưng nên chăng sau đó là các ngoại ngữ tự chọn thêm như: tiếng Trung, Nhật, Hàn, Thái chẳng hạn.
Vùng châu Á - Thái Bình Dương đang dần trở thành khu buôn bán làm ăn năng động của thế giới. Các nước lân bang của Việt Nam sẽ càng có nhiều giao thương với Việt Nam, vì vậy ngôn ngữ của các quốc gia gần gũi với Việt Nam hẳn phải quan trọng hơn.
Nước Đức còn khá xa xôi với Việt Nam cả về con người và văn hóa. Việc buôn bán làm ăn với Đức trong tương lai dài chắc vẫn khó so sánh được với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dù sống ở Đức, tôi nghĩ Việt Nam có thể và nên tạo ra khả năng cho những ai muốn học tiếng Đức và các ngọai ngữ châu Âu khác nữa thì rất nên, nhưng coi tiếng Đức là một ngoại ngữ chính hay thuộc nhóm dẫn đầu (Việt Nam gọi là ngoại ngữ 1 bắt buộc) thì có vẻ không phù hợp lắm.
Nhìn chung chủ đề giáo dục phổ thông ở Việt Nam vốn đã có rất nhiều điều phải bàn. Vấn đề dạy ngoại ngữ cũng nằm trong tổng thể hàng loạt những vấn đề nhức nhối đó, vì vậy nó cần phải được bàn bạc và giải quyết đồng bộ với cả cuộc cải cách ngành giáo dục ở Việt Nam.
Bài thể hiện quan điểm riêng của tác giả, một giáo viên âm nhạc tại Berlin, CHLB Đức.
Xem thêm:
0 comments