Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Gói cứu trợ 1.900 tỷ của Biden: Người vui, kẻ ngờ

Friday, March 12, 2021 4:58:00 PM // ,

VOA

13/3/2021

Tổng thống Joe Biden ký thành luật đạo luật cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỳ đô la

Trong khi các cử tri gốc Việt theo Dân chủ lạc quan rằng gói cứu trợ 1.900 tỷ của Tổng thống Joe Biden sẽ vực dậy nền kinh tế Mỹ đang suy yếu và giúp đỡ những người khốn khó thì khối cử tri gốc Việt ủng hộ cựu Tổng thống Donald Trump dự đoán gói cứu trợ sẽ ‘làm kinh tế Mỹ suy sụp’.

Chỉ một ngày sau khi được Hạ viện thông qua, Tổng thống Joe Biden đã nhanh chóng ký thành luật gói cứu trợ Covid-19 trị giá 1.900 tỷ đô la vào chiều ngày 11/3.

Các nội dung chính của gói cứu trợ bao gồm các ngân phiếu kích thích kinh tế trị giá 1.400 đô la cho mỗi người dân đủ điều kiện mà dự trù khoảng 90% hộ gia đình ở Mỹ sẽ được hưởng và mỗi trẻ em trong hồ sơ khai thuế của bố mẹ sẽ được nhận 3.000 đô la.

Ngoài ra, gói cứu trợ cũng phát trợ cấp thất nghiệp liên bang 300 đô la mỗi tuần, bơm 350 tỷ đô la viện trợ cho cáctiểu bang và thành phố cùng hàng tỷ đô la cho các trường phổ thông để giúp học sinh trở lại lớp học, hỗ trợ các tiểu thương bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch và chi trả cho chương trình nghiên cứu, phát triển và phân phối vắc xin.

“Đạo luật lịch sử này là để xây dựng lại xương sống của đất nước và mang đến cho người dân trong nước, những người dân lao động, tầng lớp trung lưu, những người xây dựng đất nước, một cơ hội chiến đấu,” ông Biden phát biểu từ Phòng Bầu dục trước khi đặt bút ký.

Đây là ưu tiên lập pháp đầu tiên và cấp bách nhất của Biden kể từ khi ông nhậm chức cách nay gần hai tháng.

‘Giúp kinh tế tăng trưởng trở lại’

Từ Boston, bang Massachussetts, anh Duke Huỳnh, vốn là cử nhân Tài chính và hiện đang làm việc trong ngành tuyển dụng cho các bệnh viện, nhận định đây là ‘thành công rất lớn của chính quyền Joe Biden’.

Theo anh phân tích thì ‘trước giờ chưa có chính quyền nào ở Mỹ thông qua được gói cứu trợ lớn như vậy trong thời gian nhanh như vậy (chưa đầy hai tháng sau khi nhậm chức)’ và ‘cũng hiếm thấy khi nào cả Đảng Dân chủ đồng lòng như vậy (chỉ có một dân biểu Dân chủ bỏ phiếu chống ở Hạ viện trong khi ở Thượng viện toàn bộ 50 thành viên Dân chủ bỏ phiếu thuận)’.

Anh dẫn số liệu của Văn phòng Ngân sách Quốc hội và Viện Nghiên cứu Brookings cho rằng gói cứu trợ này sẽ giúp kinh tế Mỹ đạt tăng trưởng như dự đoán trước khi có đại dịch và thậm chí ‘còn tăng trưởng cao hơn vào cuối năm 2021’.

“Cái quan trọng nhất là bơm tiền cho người dân Mỹ tiêu thụ. Ở Mỹ chi tiêu tiêu dùng chiếm 70% tổng sản phẩm quốc nội,” anh Duke phân tích. “Hiện giờ người dân Mỹ đang tiết kiệm đến 20% thu nhập của họ - cao hơn rất nhiều so với bình thường chỉ là 10% - nên tiêu dùng sẽ bị yếu.”

Ngoài thúc đẩy tiêu dùng, ngân phiếu kích thích kinh tế còn có tác dụng giúp đỡ những người lâm vào cảnh khốn đốn để sau khi hết dịch họ không lâm vào cảnh nợ nần, cũng theo lời anh Duke.

Anh phản bác lập luận của Đảng Cộng hòa rằng nếu tiếp tục bơm tiền trợ cấp thất nghiệp mỗi tuần thì nhiều người ‘sẽ không có động lực đi làm trở lại.’

“Có những người dù có muốn đi làm hiện giờ cũng không được vì có nhiều cơ sở chưa mở 100%, và dù có mở cửa đi nữa họ cũng không yên tâm về mặt y tế để đi làm lại,” anh nói.

Về số tiền chi tiêu cứu trợ cho các bang và thành phố, vốn là một điểm mà Đảng Cộng hòa phản đối quyết liệt, anh Duke cho rằng nếu không có số tiền này ‘rất nhiều người làm việc trong các dịch vụ công như cảnh sát, cứu hỏa, y tế, giáo dục của các bang sẽ mất việc’.

“Do dịch bệnh nên bang nào cũng phải chi tiêu rất nhiều mà không có nguồn thu bù vào. Trong khi các bang không thể nào đi vay mượn như chính quyền liên bang,” anh giải thích.

Anh hoan nghênh số tiền được bỏ vào chương trình triển khai vaccine để hỗ trợ mục tiêu của chính quyền Biden là ‘nhanh chóng chích ngừa xong cho toàn quốc vào tháng 5’, tức là sớm hơn hai tháng so với dự liệu trước đây.

“Tiền để mua vaccine là một chuyện, nhưng mà để điều hành những người chích, những cơ sở chích thì chi phí quản lý rất là cao,” anh giải thích và cho rằng một khi chích ngừa xong thì kinh tế Mỹ sẽ ‘nhanh chóng trở lại bình thường’.

Anh thừa nhận gói cứu trợ khổng lồ này là ‘gánh nặng cho ngân sách’ như lo ngại của Đảng Cộng hòa nhưng ‘nếu không có nó kinh tế không thể phát triển trở lại’, anh nói.

Khi được hỏi về khả năng bị tăng thuế để bù vào ngân sách thâm hụt do cứu trợ, anh Duke nhắc lại lời hứa của ông Biden khi tranh cử Tổng thống là ‘sẽ không tăng thuế đối với những người thu nhập ít hơn 400.000 đô la một năm’.

So sánh gói cứu trợ lần này với hai gói cứu trợ năm ngoái dưới chính quyền của ông Donald Trump và có sự ủng hộ của Đảng Cộng hòa, anh Duke nói: “Gói cứu trợ này tập trung vào những gia đình có thu nhập thấp và trung bình, những gia đình khó khăn, còn các gói kia tập trung vào bảo vệ các công ty.”

Anh chỉ ra một vấn đề đối với các gói cứu trợ trước là các công ty lớn lạm dụng để gian lận tiền cứu trợ cho các tiểu thương mà lần này chính quyền Biden ‘đã đề ra những quy định để ngăn không cho tiền cứu trợ bị các tập đoàn lợi dụng’.

‘Bình mới rượu cũ’

Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Lương ở Boston, Florida, một tiến sĩ kinh tế từng làm cho nhiều tập đoàn lớn, cho rằng gói cứu trợ lần này của ông Biden ‘chỉ là lấy lại ý tưởng của ông Trump’.

Ông chỉ ra gói cứu trợ hồi cuối năm ngoái với ngân phiếu kích thích kinh tế lên đến 2.000 đô la mặc dù được sự ủng hộ rộng rãi của Đảng Dân chủ nhưng gặp sự phản đối quyết liệt của Đảng Cộng hòa vốn lúc đó kiểm soát Thượng viện nên cuối cùng chốt ở mức 600 đô la.

“Rõ ràng đây là ý tưởng của ông Trump được đưa lại trong hình hài mới,” ông Lương nói.

Ông nói ông ‘hài lòng với việc cấp ngân phiếu kích thích cho người dân’ nhưng bày tỏ bất mãn với việc cứu trợ cho chính quyền các tiểu bang.

“Kinh tế người dân đang khó khăn thì giúp đỡ cho người ta là cần thiết,” ông nói và cho biết ông phản đối việc kéo ngưỡng thu nhập xuống để nhận được ngân phiếu hỗ trợ này.

“Tiền cho tiểu bang không biết họ sẽ sử dụng cho việc gì, cho người dân hay cho các cơ quan từ thiện,” ông bày tỏ nghi ngờ.

“Các bang Dân chủ nhiễm và chết chóc nhiều nhất nên sẽ được lợi nhiều nhất còn các bang Cộng hòa như Texas và Florida lại không bị nên họ sẽ không được hưởng gì cả,” ông chỉ ra.

Về sự phản đối của Đảng Cộng hòa đối với gói cứu trợ trước đây và bây giờ, ông Lương nói lý do là ‘cho tiền không đồng đều giữa các bang Dân chủ và Cộng hòa’.

“Tôi không tin là quá lớn. Tôi tin là vẫn chịu đựng nổi, vì cho người dân thì số tiền đó cũng tiêu trong đất nước Mỹ, còn khi nào đem ra ngoài thì mới sợ,” ông nói về gánh nặng mà gói cứu trợ này đem lại.

Khác với anh Duke, ông Lương phản đối quan điểm cứu trợ dồn dập của Đảng Dân chủ và cho rằng ‘cứu trợ mang tính chính trị’.

“Nếu dồn dập cứu trợ thì sẽ dẫn đến khủng hoảng kinh tế,” ông nói và dự đoán đến quý hai năm nay ‘thất nghiệp sẽ gia tăng, với giá xăng đang đi lên nữa thì kinh tế Mỹ chắc chắn sẽ suy thoái’.

Cử tri này đề nghị chính quyền Biden nên ‘tiếp tục giảm thuế cho các công ty để họ tiếp tục tạo công ăn việc làm cho người Mỹ’ và ‘tiếp tục đánh thuế Trung Quốc để người dân Mỹ bỏ tiền nhiều hơn mua hàng hóa sản xuất ở Mỹ’.

Trên vấn đề bù vào ngân sách thâm hụt, ông Lương cho rằng ông Trump ‘có cách làm tốt hơn’ là ‘cắt giảm tiền cho nước ngoài để bù vào, như tiền cho NATO, cho Nhật, Hàn Quốc’ trong khi ‘ông Biden lại chi tiêu cho di dân bất hợp pháp trong khi dân Mỹ thất nghiệp rất nhiều’.

Phản đối việc tiếp tục cho tiền trợ cấp thất nghiệp, ông Lương nói: “Quan trọng nhất là tạo công ăn việc làm vì người dân không thể giàu có được nhờ cứu trợ.” 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.