Từ chiếc camera an ninh Việt thành công ở thị trường Mỹ
LĐO |
Những chiếc camera an ninh AI View của Bkav đã thành công ở thị trường Mỹ khi giải những bài toán khó nhất: Nhận diện biển số xe, cảnh báo người vô gia cư, hay mại dâm ở nơi công cộng, tình trạng vốn rất “éo le” ở Mỹ.
Tổng Giám đốc BKAV Global Lê Quang Hiệp vừa nói tới một tham vọng “tái định nghĩa” một dòng sản phẩm. Đó là camera tích hợp trí tuệ nhân tạo AI.
Nhớ hồi tháng 6.2020, khi CEO Nguyễn Tử Quảng tuyên bố BKAV đã có đơn hàng camera sang Mỹ đã có không ít nghi ngờ, thậm chí cả chế nhạo.
Nhưng giờ đây, Camera an ninh AI View đã sang Mỹ, sang Ấn Độ, sang Singapore... và sắp tới là Mexico, Phần Lan...
Một mặt hàng công nghệ cao vào những thị trường “cái nôi của công nghệ”, BKAV thật sự đang biến những điều không thể thành có thể.
Ông Hiệp đã nói đúng: Chúng tôi không thành công thì hơi phí!
BKAV cùng với Vin, Viettel, FPT chỉ là những tiêu biểu trong 50.000 DN công nghệ số, và sắp tới là 100.000. Một lực lượng mà TS Mai Liêm Trực trong một bài phỏng vấn trên VNN hôm qua gọi là “xung kích” đủ đông, đủ mạnh để VN có thể chuyển đổi số một cách thành công.
Chúng ta có hạ tầng viễn thông thuộc vào loại cực mạnh. Dân số gần 100 triệu với tỉ lệ người dùng smartphone hàng đầu thế giới. Sắp tới, như lời Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng, với những chiếc điện thoại thông minh giá chỉ 40-50 USD “sẽ phổ cập smartphone tới 100% dân số”.
Nhưng cốt lõi, yếu tố quyết định thành bại lại ở trụ cột thể chế.
Tháng 4.2019, Trung tướng Vũ Đỗ Anh Dũng từng tha thiết đề nghị ngành GTVT chia sẻ dữ liệu hệ thống giám sát hành trình (GPS) cho lực lượng CSGT. Tình trạng khi đó là “mới chỉ chia sẻ khi có yêu cầu” chứ chưa kết nối - khiến CSGT không thể tra cứu trực tiếp khi phát hiện phương tiện có dấu hiệu vi phạm.
Khi đó, việc lắp đặt GPS trên hơn 1 triệu xe ôtô kinh doanh vận tải đã hoàn thành cả năm. Nhưng, “hộp đen” chẳng những không kết nối mà thậm chí còn tê liệt. Dữ liệu thu được chỉ để “lưu kho”.
“Ta nói đến vai trò của cơ sở dữ liệu trong chuyến đổi số nhưng lại gặp phải tình trạng cắt cứ dữ liệu, không kết nối và chia sẻ được” - TS Mai Liêm Trực nhìn nhận. Và theo ông, thể chế trước hết là hệ thống hành lang pháp lý, một khi được khơi thông sẽ thúc đẩy đổi mới mạnh mẽ, hoặc có thể là rào cản
Muốn KHCN được phát huy để trở thành một trụ cột, thì đúng, trụ cột thể chế phải đi đầu; ở việc tạo ra một hành lang pháp lý trong môi trường mạng, thay đổi “tư duy làm KHCN kiểu nhà nước” sang thực tế “đối tượng làm KHCN chủ yếu là DN”.
Đúng là với tiềm lực như thế mà chúng ta không thành công thì hơi phí.
0 comments