Chính sách ngoại giao của Joe Biden: Trung Quốc là 'cạnh tranh lớn nhất'
BBC
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 4/2 khẳng định Trung Quốc là đối thủ cạnh tranh lớn nhất của Mỹ, trong diễn văn đọc khi lần đầu đến thăm Bộ Ngoại giao Mỹ sau khi nhậm chức.
"Chúng ta sẽ giải quyết trực tiếp những mối đe dọa nhằm vào các giá trị an ninh, thịnh vượng và dân chủ đến từ đối thủ cạnh tranh lớn nhất của chúng ta, Trung Quốc."
"Chúng ta sẽ đối phó những hành vi lạm dụng kinh tế của Trung Quốc, chống lại hành vi hung hăng của họ để đẩy lùi các cuộc tấn công của họ nhằm vào nhân quyền, tài sản trí tuệ và quản trị toàn cầu."
"Tuy nhiên, chúng ta sẵn sàng hợp tác với Bắc Kinh nếu điều này phù hợp với lợi ích của Mỹ."
Ông Biden vẫn chưa nói chuyện với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết, nhóm tác chiến tàu sân bay Nimitz CSG đã rút khỏi Bộ Chỉ huy trung tâm Mỹ ở Trung Đông và được bàn giao cho Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Trên hải trình qua Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương trở về cảng nhà, tàu USS Nimitz đã qua eo biển Malacca, ngay cửa ngõ phía tây nam của Biển Đông.
Quyết định nói trên cho thấy Tổng thống Mỹ Joe Biden muốn giảm căng thẳng với Iran, nhưng sẽ cứng rắn như chính phủ tiền nhiệm với Trung Quốc.
Biden đã lựa chọn hai vị trí ngoại giao hàng đầu - Antony Blinken làm ngoại trưởng và Linda Thomas-Greenfield làm đại sứ tại Liên Hợp Quốc.
Mới ngày 3/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân ra tuyên bố Trung - Mỹ có lợi ích chung và không gian hợp tác rộng rãi trong lĩnh vực ứng phó biến đổi khí hậu, và hợp tác Trung - Mỹ có thể làm được rất nhiều việc lớn có lợi cho hai nước và thế giới.
Ông Biden tuyên bố: "Lãnh đạo Mỹ cần đáp ứng thời điểm mới này, với tham vọng ngày càng gia tăng của Trung Quốc và quyết tâm của Nga trong việc gây tổn hại nền dân chủ của chúng ta. Chúng ta cần đáp ứng thời điểm mới này, với các thách thức toàn cầu ngày càng gia tăng từ đại dịch, khủng hoảng khí hậu đến phổ biến vũ khí hạt nhân"
"Nước Mỹ đã trở lại và ngành ngoại giao đã trở lại vị trí trung tâm trong chính sách đối ngoại của chúng ta. Chúng ta sẽ xây dựng lại các liên minh của mình, can dự với thế giới một lần nữa, không phải để giải quyết những thách thức của ngày hôm qua, mà là của ngày hôm nay và ngày mai."
"Khi chúng ta củng cố các liên minh của mình, chúng ta sẽ tăng cường sức mạnh cũng như khả năng phá vỡ mọi mối đe dọa trước khi chúng đến được bờ biển của chúng ta", ông Biden tuyên bố.
Ông Biden nói: "Hai tuần qua, tôi đã hội đàm với những nhà lãnh đạo bạn bè thân cận nhất - Canada, Mexico, Anh, Đức, Pháp, NATO, Nhật Bản, Hàn Quốc và Australia - để bắt đầu tái xây dựng lề lối hợp tác và phục hồi sức mạnh của các liên minh dân chủ vốn bị xói mòn 4 năm qua."
'Cảnh cáo Nga'
Tổng thống Biden cáo buộc ngầm ông Donald Trump là "nhẹ tay" với Nga và dọa sẽ cứng rắn với Tổng thống Nga Vladimir Putin.
"Tôi muốn nói rõ với Tổng thống Vladimir Putin, theo một cách rất khác với người tiền nhiệm của tôi, rằng chuỗi ngày Mỹ bỏ qua những hành động của Nga, như can thiệp bầu cử, tấn công mạng..., đã kết thúc."
Ông Biden chỉ trích Nga vì việc bắt giữ nhà hoạt động đối lập Alexey Navalny và đòi Moscow thả người này "ngay lập tức, vô điều kiện".
Washington và Moscow đầu tuần này ký thỏa thuận gia hạn hiệp ước kiểm soát vũ khí hạt nhân New START thêm 5 năm.
Ông nhấn mạnh vai trò của liên minh quốc tế: "Đầu tư vào đối ngoại không phải là điều chúng ta làm cho mình, mà bởi đó là điều đúng đắn cần làm cho thế giới. Chúng ta làm điều đó để được sống trong hòa bình, an ninh và thịnh vượng. Chúng ta làm điều đó vì nó nằm trong lợi ích cá nhân của riêng chúng ta."
Thay đổi chính sách
Ông Joe Biden tuyên bố nội chiến kéo dài ở Yemen sẽ được ông quan tâm để chấm dứt xung đột.
Ông nói sẽ chấm dứt mọi sự hỗ trợ của Washington đối với các hoạt động quân sự tại Yenemn, gồm các vụ mua bán vũ khí.
"Cuộc chiến này phải được kết thúc, do đó để khẳng định các cam kết của chúng tôi, nước Mỹ sẽ chấm dứt mọi hỗ trợ cho các hoạt động tấn công trong cuộc chiến ở Yemen, bao gồm việc bán vũ khí cho các bên liên quan", ông Biden nói.
Theo ông Biden, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin sẽ đánh giá toàn diện về việc bố trí các lực lượng Mỹ trên toàn cầu.
Trong khi quá trình rà soát đang diễn ra, Mỹ sẽ ngưng việc điều chuyển 12.000 lính Mỹ ở Đức đi nơi khác như quyết định trước đây của chính quyền Trump.
Nhưng Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ phòng thủ cho Ả Rập Saudi trước các cuộc tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tới từ các lực lượng do Iran hậu thuẫn.
Mỹ cũng sẽ tiếp tục các chiến dịch nhằm chống lại tổ chức al-Qaida tại bán đảo Ả Rập.
Tổng thống Mỹ tiết lộ sẽ tăng số lượng người tị nạn được Mỹ chấp nhận sau khi số người này xuống thấp kỷ lục thời ông Trump cầm quyền.
Trong năm tài khóa đầu tiên của chính quyền mới, tính từ ngày 1/10, Mỹ sẽ nâng số lượng người tị nạn được phép vào nước này lên 125.000 người, tăng gấp nhiều lần so với mức hạn ngạch 15.000 người của chính quyền tiền nhiệm.
0 comments