Cuộc chiến 2/1979: VN ngồi lại với Trung Quốc để soạn sử, nên hay không?
"Ý kiến này, theo quan điểm cá nhân của tôi rõ ràng là không được rồi, bởi vì chúng ta không thể ngồi lại để nói chuyện với các nhà sử học Trung Quốc, là quốc gia đã đưa quân xâm lược Việt Nam. "Mà không phải chỉ là thời hiện đại Trung Quốc mới xâm lược Việt Nam, mà các nhà nước Trung Quốc từ những triều đại phong kiến đến tận ngày nay chưa bao giờ, không bao giờ từ bỏ âm mưu, kế hoạch thôn tính Việt Nam. "Nếu không chiếm được nhiều thì họ gặm nhấm lãnh thổ, lãnh hải Việt Nam và đó là một sự thực. Và mối quan hệ giữa Việt Nam với Trung Quốc có thể nói là mối quan hệ bất bình đẳng, thế thì không thể ngồi nói chuyện với họ được, để mà định ra chúng ta sẽ dạy lịch sử theo quan điểm chung của hai bên. Không có chuyện đó!" Cũng từ Hà Nội, bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu Trung tá và nhà nghiên cứu Trung Quốc trước đây trong Quân đội Nhân dân Việt Nam, nói với BBC: "Tôi cũng thích một chữ của ông Lê Văn Sinh, tức là một quan hệ bất bình đẳng và tôi cũng đang muốn nói về chuyện ấy. "Tức là nếu mà có vấn đề Hiệp định Thành Đô như là trên không gian mạng dư luận cứ nói tới, thì Hiệp định đó là hiệp định bất bình đẳng. "Mà cũng rất tiếc khi chúng tôi theo dõi vấn đề Trung Quốc, tâm lý của quân đội Trung Quốc và những sách báo của Trung Quốc lúc ấy phản ánh tâm trạng của cuộc chiến tranh thì là rất chán nản và hoang mang. "Trong thời điểm ấy không chỉ có Việt Nam muốn dừng lại cuộc chiến, nhất là chiến tranh ở Vị Xuyên, Hà Giang, bên phía Trung Quốc và binh sỹ Trung Quốc, người ta cũng muốn thế. "Thế mà khi ngồi họp với nhau, không biết là nói với nhau như thế nào, nhưng về sau, sự ứng xử của Việt Nam cứ thấy là bất bình đẳng, cứ thấy rằng Trung Quốc yêu cầu cái này, cái kia. Ví dụ như họ yêu cầu không nhắc lại quá khứ để hướng tới tương lai. "Nhưng Việt Nam rõ ràng là không muốn nhắc lại, nên cứ cấm đoán dân không được tưởng niệm cuộc chiến tranh tháng Hai năm 1979, trong khi Trung Quốc thoải mái nói. "Rồi nhất là hành động của họ ở Biển Đông thì có gì khép lại quá khứ đâu. Họ vẫn tiếp tục đường Lưỡi bò, vậy có gì là bình đẳng? Tại sao Việt Nam không thể hỏi họ rằng: anh bảo không nhắc lại quá khứ, nhưng tại sao anh lại hành xử, hành động như thế này. "Nhưng vì có một sự bất bình đẳng nào đó, cho nên Việt Nam mới không dám nói." Từ Sài Gòn, nhà nghiên cứu lịch sử Đinh Kim Phúc, nguyên giảng viên sử học và quan hệ quốc tế tại Đại học mở TPHCM, nói với BBC: "Câu hỏi được đặt ra là chính vì phát biểu của một Giáo sư, Tiến sỹ từ Đại học Quốc gia Hà Nội đòi là các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Trung Quốc phải ngồi lại với nhau để thống nhất một chương lịch sử đẫm máu của cả hai nước. "Thì tôi cho rằng, thứ nhất đây là một phát biểu hết sức 'bậy bạ', thứ hai nữa, các cơ quan quản lý vị Giáo sư này nên đưa vị này về học lại năm thứ nhất của khoa lịch sử để biết thế nào là các nguyên tắc nghiên cứu lịch sử. "Mà tôi thấy rằng trong những nguyên tắc nghiên cứu lịch sử, không có nguyên tắc nào mà ngồi với kẻ thù để thống nhất các nội dung để nghiên cứu. "Chỉ là chúng ta ngồi lại với các kẻ thù của quá khứ để mà xóa bỏ hận thù, bắt tay hướng tới tương lai, chứ không thể đánh đồng đưa vào chương lịch sử, đó là một phát biểu hết sức không phù hợp," ông Đinh Kim Phúc nêu quan điểm riêng với BBC. Mời quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi cuộc hội luận của BBC với chủ đề "42 năm cuộc chiến Biên giới 17/2/1979 và bang giao Việt - Trung ngày nay".Vì sao Việt Nam không dám nói?
Một quan điểm thiếu phù hợp?
0 comments