Tin Việt Nam – 11/01/2021
TNLT Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực đến ngày thứ 47, sức khỏe suy kiệt
Tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, người bị kết án 16 năm tù với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”, đang tuyệt thực trong Trại giam số 6, Thanh Chương – Nghệ An đến ngày thứ 47.
Gia đình ông Thức đến tận trại giam thăm ông vào ngày 9-1-2021 vừa qua và được ông thông báo lại điều đó. Ông Trần Huỳnh Duy Tân, em trai ông Thức vào chiều ngày 11-1 cho biết tình trạng sức khỏe của người thân như sau:
“Anh rất là yếu, yếu lắm! Anh đi ra rồi anh phải nghỉ đến một lúc sau thì anh mới có thể nói được.
Anh nói là anh đã tuyệt thực tới ngày thứ 47 rồi, tôi nghe rồi cũng choáng váng luôn, trong suy nghĩ của mình là không thể nào lâu đến cái mức như vậy được.
Nhưng mà thật sự thì cái choáng váng là anh đã tuyệt thực tới ngày thứ 47 rồi, anh nói sẽ tiếp tục tuyệt thực tiếp nếu như mà phía Tòa án Tối cao họ không trả lời phản hồi lại cho ảnh.
Sức khỏe của anh ốm đi nhiều lắm, anh chỉ còn có 58 kg thôi. Ảnh sụt mất 9 kg rồi đó.
Huyết áp của ảnh (may mắn là không biết làm sao giống như là có ai đó giúp đỡ về tâm linh vậy đó) tương đối ổn.
Bác sĩ và y tế trong đó đo hàng ngày, cái đường huyết thì thấp xuống thì chỉ có 1.8 thôi.
Chính cái lý do này mà ở trong trại vào cái ngày tuyệt thực thứ hai mươi mấy của ảnh là anh bị té choáng váng, cái đầu ảnh đập vô cái xô bể cái xô luôn.”
Cũng theo tường thuật của gia đình trên Fanpage Trần Huỳnh Duy Thức thì vào ngày tuyệt thực thứ 42 anh bị choáng và té xuống hồ nước, suýt bị đập đầu vào cạnh tường và cạnh của bờ hồ.
Ngoài ra anh có dùng 1 ít cà phê vào ngày thứ 25 và uống 1 ít sữa vào ngày thứ 42 sau khi bị té ngã nhưng dừng lại 2-3 ngày sau đó do bị tiêu chảy.
Cũng theo đó, ông Thức yêu cầu gia đình đem hết đồ ăn gia đình đem theo về và chỉ nhận nước sâm với sữa bột.
Theo ông Tân thì chính ông và bà Kim Thoa – vợ ông Thức nhiều lần trong cuộc thăm gặp khuyên ông dừng tuyệt thực cũng như chuyển lời của nhiều người vào, tuy nhiên người tù chính trị này cho biết chỉ dừng tuyệt thực khi có trả lời của tòa án.
“Anh khẳng định là không có dừng tuyệt thực nếu như tòa án không tôn trọng pháp luật, không trả lời đơn của ảnh đã gửi vào tháng 7 năm 2018 và năm 2020 vừa qua.
Thì anh nói như vậy đó và ảnh nói là dù cho sức khỏe của ảnh sút giảm giảm cho đến thế nào đi chăng nữa thì anh cũng sẽ không dừng lại cho đến khi mà tòa án trả lời cái đơn của anh.
Có lẽ anh cũng nói cho gia đình yên tâm là anh sẽ cố gắng giữ cái sức khỏe của anh và gia đình cũng đừng lo, nhắn với mọi người là đừng có lo quá.
Cái việc tuyệt thực của anh thì anh biết cái việc của anh làm, nhưng mà nói thì nói như vậy thôi nhưng mà gia đình cũng rất là lo cho cái sức khỏe của ảnh.”
Cũng trong ngày 11-1-2021, Facebooker Bạch Hồng Quyền hiện đang định cư tại Canada thông báo về một nguồn tin ẩn danh cho biết anh Thức đang được cấp cứu tại bệnh viện Ba Lan, thành phố Vinh, Nghệ An vào ngày 10-1.
Gia đình khi nghe tin đó đã lo lắng gọi cho các số điện thoại của Trại giam số 6 – Thanh Chương, Nghệ An nhưng không liên lạc được. Phóng viên cũng gọi cho các số của trại giam có trên Internet nhưng cũng không thể kết nối.
Gia đình ông Thức cũng ngay lập tức làm “đơn xin cập nhật thông tin” gửi cho Trưởng phân trại 1 và Giám thị trại giam số 6 qua đường bưu điện để yêu cầu cập nhật tình hình của ông cho gia đình.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến Khoa Cấp cứu – Bệnh viện Đa Khoa Hữu Nghị Nghệ An (hay còn gọi là Bệnh viện Ba Lan) để hỏi về việc có hay không tù nhân Trần Huỳnh Duy Thức đang được cấp cứu ở đây, thì nữ nhân viên trực điện thoại yêu cầu đợi điện thoại sau đó trả lời không có ai tên như vậy.
“Anh ơi, hiện tại khoa em không có bệnh nhân nớ (đó) và trong ngày nay tháng nay cũng không có bệnh nhân nớ (đó) luôn. Anh xem có bệnh viện khác không nha!”
Một thông tin khác mà gia đình cũng cho biết là một số nhân viên ngoại giao của các Tòa đại sứ Châu Âu đã đề nghị được vào gặp ông Thức để xem tình trạng của ông này, tuy nhiên trại giam từ chối với lý do là “bên ngoài đang có dịch”.
Như chúng tôi đã thông tin, ông Trần Huỳnh Duy Thức nói với gia đình là đã tuyệt thực từ ngày 24-11-2020 để yêu cầu Tòa án nhân dân tối cao trả lời đơn và trả tự do cho ông theo điều luật mới của Bộ luật hình sự quy định tội danh của ông chỉ phải ở tù tối đa là 5 năm.
Tuy nhiên đến nay chưa có cơ quan nào trả lời cho ông Thức và ông vẫn đang tuyệt thực trong trại giam, chỉ có uống nước và 1 ít sữa theo như gia đình nói lại.
Phóng viên Đài Á Châu Tự Do không có nguồn tin khác để kiểm chứng thông tin này.
Phiên xử cựu Bộ trưởng Công thương và đồng phạm sẽ được mở lại ngày 18/1
Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội hôm 11/1 thông báo sẽ mở lại phiên xử cựu Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và đồng phạm vào ngày 18 tháng 1 do sai phạm liên quan hơn 6 ngàn m2 đất tại trung tâm TPHCM .
Truyền thông Nhà nước Việt Nam đồng loạt cho biết thông tin trên vào cùng ngày.
Trước đó, hôm 7/1, Toà Hà Nội đã phải hoãn phiên xét xử này một lần do vắng mặt của một số bị cáo và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án.
Ba trong số những người vắng mặt gồm ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM; Nguyễn Thanh Chương-nguyên Trưởng phòng đô thị và Lê Văn Thanh-nguyên Phó chánh văn phòng UBND TPHCM. Luật sư của ông Tín cho biết ông Tín vắng mặt vì lý do sức khoẻ nên xin được xử vắng mặt; tuy nhiên Hội đồng xét xử cho rằng cả ba bị cáo vắng mặt không có lý do chính đáng.
Hội đồng xét xử cũng cho hay việc vắng mặt của nhiều người sẽ ảnh hưởng đến kết quả giải quyết vụ án nên đã quyết định hoãn phiên toà; đồng thời yêu cầu cơ quan tố tụng đề nghị các bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan phải có mặt đầy đủ trong phiên toà được mở lại vào ngày 18/1.
Phiên toà dự kiến sẽ diễn ra trong một tuần.
Ông Vũ Huy Hoàng và đồng phạm bị cáo buộc “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát lãng phí”, và “Vi phạm các quy định về quản lý đất đai”.
Đây là vụ án xảy ra tại Bộ Công thương và thành phố Hồ Chí Minh, liên quan đến Dự án xây dựng khách sạn 6 sao trên khu đất hơn 6.000 m2 tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, thành phố Hồ Chí Minh.
Một người liên quan trong vụ án này hiện bị truy nã vì đã ra nước ngoài là bà cựu thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Hai ông Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh lại phải ra toà
Cựu Uỷ viên Bộ Chính trị Đinh La Thăng và cựu quan chức ngành dầu khí Trịnh Xuân Thanh sẽ phải hầu toà vào ngày 22/1 tới đây tại Toà án Nhân dân thành phố Hà Nội vì những sai phạm trong vụ án “ Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” ở Dự án Nhà máy nhiên liệu sinh học Ethanol Phú Thọ. Truyền thông Nhà nước loan tin này hôm 10/1.
Cùng hầu toà lần này còn có 10 cựu quan chức khác của ngành dầu khí Việt Nam.
Ông Đinh La Thăng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dầu khí Việt Nam – PVN cùng 9 bị cáo khác bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng”.
Ông Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC, bị truy tố về hai tội “ Vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng, và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.
Theo cáo trạng, vụ án xảy ra từ năm 2007 khi Hội đồng quản trị PVN ra nghị quyết giao cho Tổng giám đốc PVN xây dựng đề án đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất Ethanol nhiên liệu ở khu vực phía bắc.
Mặc dù PVC không có kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án, nhưng ông Đinh La Thăng vẫn định hướng giao thầu cho PVC theo đề nghị của ông Trịnh Xuân Thanh.
Kết quả là dự án liên tục chậm tiến độ. Sau đó PVC báo cáo thừa nhận liên doanh của mình không đủ năng lực thực hiện dự án. Vào tháng 3/2013, PVC đơn phương dừng thi công dự án khi chưa có hạng mục nào hoàn thành.
Theo kết luận trong cáo trạng của Viện kiểm sát Nhân dân Tối cao, thiệt hại của nhà nước trong vụ án này lên đến hơn 543 tỷ đồng.
Hiện ông Đinh La Thăng đang phải chịu án tù 30 năm trong hai vụ án khác cũng liên quan đến những sai phạm trong quản lý kinh tế thời ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị PVN (2008 – 2011).
Ông Trịnh Xuân Thanh, người bị an ninh Việt Nam bắt cóc khi đang xin tỵ nạn tại Đức năm 2017, hiện cũng đang thụ án tù chung thân trong hai vụ án khác về tội cố ý làm trái các quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tham ô tài sản xảy ra tại PVN
Toà án quân sự xét xử vụ lừa ngân hàng hàng trăm tỷ đồng
Toà Quân sự quân khu 7 thông báo vào ngày 12/1 sẽ diễn ra phiên xét xử công nhân viên quốc phòng thuộc Bộ Quốc phòng và các đồng phạm về tội làm giả tài liệu con dấu nhằm lừa đảo các ngân hàng lấy tiền chi cho các hoạt động làm xăng giả.
Truyền thông nhà nước Việt Nam hôm 11/1 loan tin cho biết, ông Lê Quang Hiếu Hùng, công nhân viên quốc phòng thuộc chi nhánh đầu tư xây dựng Miền Nam, Tổng công ty xây dựng Lũng Lô, Bộ Quốc phòng, cùng với 10 người khác bị truy tố về các tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm giả con dấu tài liệu của cơ quan tổ chức, sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Theo cáo buộc của Viện Kiểm Sát, nhằm lừa đảo chiếm đoạt tiền của ngân hàng để chi cho các hoạt động sản xuất xăng giả và chi tiêu cá nhân, từ năm 2015-2018, Hùng đã chỉ đạo cấp dưới giả con dấu và chữ ký của ông Nguyễn Minh Nhân, chủ nhiệm kho, để làm thủ tục giải ngân 30 lần tại ngân hàng Indovina, 60 lần tại Ngân hàng Quốc Dân, 13 lần tại Liên Việt, 31 lần tại Công Thương với tổng số tiền lên tới hơn 465 tỷ đồng.
Vào tháng 7/2020, Toà án Quân sự Trung Ương đã tuyên án 16 bị cáo là cựu sĩ quan, cán bộ quốc phòng và chủ doanh nghiệp trong đường dây sản xuất, buôn bán 54 triệu lít xăng giả xảy ra tại tổng công ty xây dựng Lũng Lô thuộc Bộ Quốc phòng.
Hội đồng xét xử giảm nhẹ cho bốn bị cáo trong đó Trần Văn Đồng cựu Đại tá, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc chi nhánh xây dựng miền nam, Tổng công ty Lũng Lô từ 8 năm còn 7 năm về tội sản xuất, buôn bán hàng giả, cộng với 1 năm về giả mạo trong công tác, tổng hình phạt là 8 năm. Đối với 3 bị cáo khác mỗi người giảm một năm tù vì thái độ thành khẩn, hợp tác trong quá trình điều tra.
Chuyển 2 dự án thành phần của tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông sang đầu tư công
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam vào chiều 11/1 đã thông qua thông qua Nghị quyết về việc chuyển đổi phương thức đầu tư một số dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020 từ hình thức đối tác công tư (PPP) sang đầu tư công sử dụng 100% vốn nhà nước. Báo Nhà nước Việt Nam đưa tin cùng ngày.
Tin cho biết, hai dự án vừa nêu gồm Đoạn quốc lộ 45 – Nghi Sơn, do nhà đầu tư không đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật và đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu không có nhà đầu tư nộp hồ sơ dự thầu.
Theo lời Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể được truyền thông Nhà nước dẫn lại, hiện các nội dung về thiết kế kỹ thuật, dự toán của 2 dự án đã hoàn thành, công tác giải phóng mặt bằng đã đạt khoảng 94% khối lượng. Nếu tổ chức lại việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ kéo dài thêm thời gian tối thiểu khoảng 10 tháng và cũng chưa thể khẳng định sẽ lựa chọn được nhà đầu tư và huy động được vốn tín dụng để triển khai dự án.
Còn theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, nếu không khẩn trương thực hiện 2 dự án thành phần Đoạn quốc lộ 45 – Nghi Sơn và đoạn Nghi Sơn – Diễn Châu sẽ ảnh hưởng đến tiến độ chung và hiệu quả tổng thể của dự án.
Đề xuất vừa nêu được nói được 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt tán thành.
Nguyên tắc được đặt ra là không vượt quá nguồn ngân sách Nhà nước đã được Quốc hội thông qua chủ trương bố trí vốn cho dự án tại Nghị quyết số 52 và Nghị quyết số 117 của Quốc hội.
Nhật Bản sẽ phóng vệ tinh nhân tạo do Việt Nam sản xuất vào vũ trụ
Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản (JAXA) sẽ phóng một vệ tinh siêu nhỏ do các kỹ sư Việt Nam chế tạo lên quỹ đạo vào cuối năm 2021.
VNExpress Anh ngữ, vào ngày 11/1, loan tin vừa nêu và dẫn lời của ông Lê Xuân Huy, Phó giám đốc Trung tâm Vũ trụ Quốc gia Việt Nam (VNSC), cho biết JAXA dự định sẽ phóng 15 vệ tinh nhân tạo trong năm nay như một phần của chương trình vệ tinh thử nghiệm thứ hai của nước này, bao gồm vệ tinh siêu nhỏ NanoDragon do VNSC phát triển và chế tạo.
Ông Lê Xuân Huy cho biết thêm rằng vệ tinh là sản phẩm của dự án vệ tinh siêu nhỏ kích thước nano giai đoạn 2016 – 2020. Vệ tinh này, có trọng lượng hơn 4 kg, sẽ được sử dụng như một thiết bị chụp ảnh quang học để kiểm tra khả năng định vị vệ tinh trong không gian và theo dõi, giám sát tàu bè trên biển.
Nhật Bản, hồi tháng 1/2020 đã phóng vệ tinh MicroDragon của Việt Nam nặng 50 kg vào không gian từ Trung tâm Vũ trụ Uchinoura ở tỉnh Kagoshima, miền Nam Nhật Bản.
Vệ tinh MicroDragon được sử dụng để quan sát đường bờ biển của Việt Nam, đánh giá chất lượng nước, định vị nguồn lợi thủy sản và theo dõi những thay đổi để phục vụ nuôi trồng thủy sản, phát hiện độ bao phủ của đám mây và hạt sol khí, thu thập tín hiệu cảm biến trên mặt đất và truyền đến các trạm trên trái đất.
Về phía Việt Nam, nước này đã đưa vệ tinh bản địa đầu tiên do Việt Nam sản xuất vào vũ trụ vào năm 2013. PicoDragon nặng 1 kg vẫn ở trên quỹ đạo trong 3 tháng. Việt Nam đã phóng 4 vệ tinh trước đó, tất cả đều do các công ty nước ngoài chế tạo.
Ông Lê Xuân Huy nói với báo giới rằng việc từng bước làm chủ chế tạo vệ tinh sẽ giúp Việt Nam giảm phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, đảm bảo an toàn, an ninh, tăng cường dữ liệu và dịch vụ vệ tinh sẵn có cũng như phục vụ phát triển kinh tế.
0 comments