Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 10/01/2021

Sunday, January 10, 2021 6:28:00 PM // ,

 Tin Việt Nam – 10/01/2021

Nhân quyền: Liên Hiệp Quốc lo ngại Việt Nam bắt người tùy tiện – Trọng Thành

Phủ Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc lại bày tỏ lo ngại về việc chính quyền Việt Nam gia tăng việc bắt giữ nhiều nhà báo, blogger, nhà bảo vệ nhân quyền dựa trên « các điều luật được định nghĩa mơ hồ ».

Trong một cuộc họp báo tại Genève, phát ngôn viên Ravina Shamdasani của Phủ Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc, hôm 08/10/2021, nhận định hiện đang có một xu hướng « đàn áp ngày càng tăng » nhắm vào quyền tự do ngôn luận tại Việt Nam. Phát ngôn viên Phủ Cao Ủy Nhân quyền nhấn mạnh đến việc nhiều nhà tranh đấu « thường bị tạm giam bất hợp pháp trong thời gian dài trước khi xét xử, thường xuyên có các báo cáo bày tỏ lo ngại về cách đối xử với họ trong trại giam, cũng như việc quyền được xét xử công bằng bị xâm phạm ».

Phát ngôn viên Phủ Cao Ủy Nhân quyền đặc biệt lưu ý đến tình trạng nhiều người đã phải « nhận các bản án tù nhiều năm, sau khi bị kết tội chống lại an ninh quốc gia ».

Phủ Cao Ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc nêu đích danh trường hợp của ba ông Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, tức chủ tịch, phó chủ tịch và ủy viên Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Ba nhà báo nói trên vừa bị một tòa án tại Sài Gòn Thành phố Hồ Chí Minh kết án ngày 5 tháng Giêng, vì tội « làm ra, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống lại Nhà nước » theo điều 117 Bộ luật Hình sự. Ông Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế. Các ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn, mỗi người bị kết án 11 năm tù và ba năm quản chế.

Phát ngôn viên Phủ Cao Ủy Nhân quyền kêu gọi chính quyền Việt Nam sửa đổi các điều khoản liên quan của Bộ luật Hình sự để phù hợp với các nghĩa vụ của mình theo công ước quốc tế mà Hà Nội đã ký kết. Theo phát ngôn viên Liên Hiệp Quốc, việc Việt Nam bắt giữ người tùy tiện, dựa trên « các điều luật được định nghĩa mơ hồ » như trên, là vi phạm điều 19 về tự do ngôn luận của Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR).

https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20210110-nh%C3%A2n-quy%E1%BB%81n-li%C3%AAn-hi%E1%BB%87p-qu%E1%BB%91c-lo-ng%E1%BA%A1i-vi%E1%BB%87t-nam-b%E1%BA%AFt-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%C3%B9y-ti%E1%BB%87n

Đạo luật Magnitsky: một áp lực mới lên chính phủ Việt Nam?

Giang Nguyễn

Nhiều chính trị gia trên thế giới đã nhiều lần kêu gọi chính quyền Việt Nam phải tôn trọng nhân quyền và dừng mọi bắt bớ và đàn áp đối với những người bất đồng chính kiến.

Lá thư của 8 dân biểu Hoa Kỳ gửi đến Ngoại trưởng Mike Pompeo và Bộ trưởng Ngân khố Steven Mnuchin, từ văn phòng của Dân biểu Alan Lowenthal, vào ngày 18 tháng 12 năm ngoái đánh dấu lần đầu tiên các nhà chính trị nêu rõ biện pháp trừng phạt đối với những quan chức Việt Nam bị cho vi phạm quyền con người. Biện pháp đó là áp dụng Luật Magnitsly đối với 7 thành viên bị nêu tên của Công an tỉnh Hà Tĩnh.

Những người bị tó cáo đánh đập, tra tấn tù chính trị trẻ Nguyễn Văn Hóa bị nêu danh gồm: Đại tá Nguyễn Anh Tuấn, Đại uý Nguyễn Văn Sáng, Trung uý Lê Anh Đức, Đại uý Trần Anh Đức,  Đại tá Nguyễn Huy Chương,  Thiếu tá Trương Quang Quốc, Thiếu uý Bùi Xuân Đạt, và  Đại uý Nguyễn Đình Đức.

Mục đích cũ việc tra tấn nhắm buộc anh Nguyễn Văn Hóa nhận tội sau khi bị bắt.Thanh niên trẻ này bị bắt chỉ vì quay phim, truyền đi hình ảnh những cuộc biểu tình chống Formosa thải hóa chất độc hại trực tiếp ra biển miền Trung Việt Nam hồi tháng 4 năm 2016.

Các dân biểu Hoa Kỳ ký tên vào lá thư gửi hai bộ trường Pompeo và Mnuchin bày tỏ mong muốn các biện pháp trừng phạt có mục tiêu sẽ có tác động. Vào thời điểm mà chính phủ Việt Nam đang tìm cách mở rộng khả năng tiếp cận thị trường Mỹ và sản phẩm của Mỹ, phải kiên quyết bảo vệ mạnh mẽ quyền con người và pháp quyền.

Liệu Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ có đáp ứng yêu cầu của các vị dân biểu không, một phát ngôn nhân của Bộ trả lời Đài Á Châu Tư Do qua điện thư rằng,

“Chúng tôi không cho biết trước về khả năng có thể trừng phạt”.

Về phía chính quyền Hà Nội, Đài Á Châu cũng đã gọi Bộ Công an để hỏi về vụ việc nhưng người trả lời điện thoại cúp máy, sau đó không trả lời đường dây nữa.

Ông Sơn Trần một nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ ở tại Anh, từ London, chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do về trường hợp anh Nguyễn Văn Hóa như sau:

“Trường hợp Nguyễn Văn Hóa mình biết được những sự tra tấn đó do chính miệng anh Nguyễn Văn Hóa tố cáo và những bức thư mà gia đình của anh khi vào thăm đem ra ngoài tố cáo cái trường hợp tra tấn. Ví dụ như là họ treo ngược anh ấy lên trần nhà để họ đánh đập. Mình nắm những cái sự kiện thật như vậy. Trường hợp này có rất nhiều sự tra tấn mà đã được chính giới Hoa Kỳ nhận những tài liệu từ nhóm công tác Magnitsky cho nên họ biết và họ chọn Nguyễn Văn Hóa vì đã có những sự kiện cụ thể”.

Đạo luật Magnitsky toàn cầu (Global Magnitsky Act) quy định chế tài với các cá nhân, quan chức mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới. Gần đây nhất, vào ngày 11 tháng 12 năm ngoái, Hoa Kỳ đã liệt kê Wan Kuok-koi, đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc và là trùm băng nhóm 14K vào danh sách trừng phạt.

Đạo luật Magnitsky chưa từng được áp dụng đối với quan chức chính quyền Việt Nam, nhưng ông Sơn lập luận rằng, tính răn đe của nó sẽ buộc các viên chức vi phạm nhân quyền phải cân nhắc hành động của họ kỹ hơn.

“Luật Magnitsky có hai hình phạt đối với những người tra tấn tù nhân, dù là tù nhân lương tâm hay hình sự. Điều thứ nhất là họ sẽ đóng băng cả các tài sản nếu có của những người đó ở Hoa Kỳ và ở các nước dân chủ. Họ cấm những người đó không được nhập cảnh vào Hoa kỳ dù cho là đi công tác nhà nước và họ không cho con cháu hay là thân nhân những người đó được phép tới Hoa Kỳ, dù là để du học hay bất cứ vấn đề gì khác. Thứ hai là những tài sản của những người đó mà thủ đắc bất hợp pháp cũng bị đóng băng.

Cái răn đe này theo tôi nghĩ nó rất có hiệu quả là bởi vì phần lớn những người cán bộ giàu sang ở Việt Nam đều muốn đưa con qua Hoa Kỳ du học, muốn con mình mua tài sản mua nhà cửa ở Hoa Kỳ để họ hạ cánh an toàn xã hội sau khi nghỉ hưu”.

Cựu Tù Nhân Lương Tâm, nhà báo Nguyễn Vũ Bình thì nhận định khác về luật Magnitsky:

“Với cơ chế, hệ thống của nhà cầm quyền CSVN, tức là một cơ chế toàn trị, thì trách nhiệm tập về những hành động như tra tấn bắt giam, cầm tù những người đấu tranh, là của cơ chế tập thể cho nên việc nói là nó có ảnh hưởng lớn đến việc ngăn chặn hoặc dừng các việc đó lại thì rất là khó. Có thể hạn chế thì có thể có, nhưng để mà có hiệu quả tốt thì không có nhiều”.

Cô Nguyễn Xoan, con dâu của TNLT Lê Đình Lượng qua ứng dụng chat nêu ra những hạn chế của đạo luật:

“Hiện nay hầu hết những quan chức VN đều có con cháu và thân nhân du học và định cư ở nước ngoài rất nhiều nên em nghĩ luật Magnitsky là 1 điểm yếu của họ.

Ai cũng biết ở Việt Nam những cán bộ tra tấn tinh thần lẫn thể xác của TNLT và thân nhân của TNLT cùng những người bất đồng chính kiến đã không phải là điều lạ. Nhưng có một hạn chế khi áp dụng để trừng phạt các cán bộ vi phạm ở VN là: tất cả những nơi các cán bộ công an làm việc đều bị cấm quay phim chụp hình nên để ghi âm, hoặc quay video để làm bằng chứng vô cùng khó khăn và nếu bị phá hiện sẽ rất nguy hiểm”.

“Trường hợp Nguyễn Văn Hóa mình biết được những sự tra tấn đó do chính miệng anh Nguyễn Văn Hóa tố cáo và những bức thư mà gia đình của anh khi vào thăm đem ra ngoài tố cáo cái trường hợp tra tấn. Ví dụ như là họ treo ngược anh ấy lên trần nhà để họ đánh đập. Mình nắm những cái sự kiện thật như vậy. Trường hợp này có rất nhiều sự tra tấn mà đã được chính giới Hoa Kỳ nhận những tài liệu từ nhóm công tác Magnitsky cho nên họ biết và họ chọn Nguyễn Văn Hóa vì đã có những sự kiện cụ thể”. -Ông Sơn Trần

Còn bà Nguyễn Thị Chương, vợ của TNLT nhà thơ Nguyễn Đức Thạch, người vừa bị Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án 12 năm tù giam và 3 năm quản chế thì cho rằng mọi áp lực lên chính quyền CSVN là tốt:

“Một cái đảng độc quyền, đối với tù nhân, người đấu tranh ở ngoài cũng vậy, thì mọi áp lực từ mọi phía từ kính tế đến tinh thần đều bị áp lực hết. Chị người nông thôn, không hiểu được nhiều lắm đâu, nhưng nếu mà các nước mà can thiệp được thì tốt chứ sao.”

Được biết đã có xấp xỉ 40 quốc gia ban hành những luật tương tự, nên được cộng đồng người Việt Nam ở hải ngoại nỗ lực vận động tại các quốc gia như Canada, Anh, Pháp, v.v.

Một trong những tổ chức cũng có nỗ lực tương tự là tổ chức Cứu người Vượt biển (BPSOS) hàng năm nộp hồ sơ vi phạm nhân quyền tại Việt Nam đến các chính quyền đang thực thi luật Magnitsky.

Trong một bản tin đề ngày 2 tháng 12 BPSOS nhận định:

“Chưa cần biết là các chính phủ ở các quốc gia có luật Magnitsky sẽ xử lý hồ sơ đề nghị chế tài ra sao, các hồ sơ này tự chúng đã có công dụng tố cáo tội ác với các chính quyền và với các tổ chức quốc tế về nhân quyền đang khai dụng luật Magnitsky”.

Ông Sơn Trần cho rằng luật Magnitsky là cơ hội cho người đấu tranh và cả những người dân thấp cổ bé họng tham gia, thu thập thông tin, dữ liệu cụ thể để chuyển đến các tổ chức như nhóm của ông Sơn Trần, và ông tin rằng trong tương lai sẽ phát triển thêm những tổ chức xã hội dân sự trong nước hợp tác với bên ngoài để tiếp tục đưa ra những báo cáo về những quan chức vi phạm nhân quyền hoặc thủ đắc tài sản phi pháp.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/magnitsky-act-presents-new-pressure-on-vn-government-01102021105224.html

Đã bước sang ngày thứ 46 nhưng không ai biết tình hình của tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức

Tin Vietnam.- Hôm nay ngày 9 tháng 1 năm 2021 là ngày thứ 46, kể từ ngày tù nhân lương tâm Trần Huỳnh Duy Thức, 54 tuổi, thực hiện tuyệt thực trong nhà tù Cộng sản tại trạm giam số 6, tỉnh Nghệ An, nhưng thân nhân của ông Thức vẫn chưa hay biết gì về tình hình của ông ở trong tù như thế nào.

Trước đó, ông Thức tuyệt thực với tuyên bố sẽ thực hiện cho đến khi nào mà phía Toà án tối cao Cộng sản trả lời đơn thư của ông, và ông sẽ tuyệt thực cho tới chết nếu như phía Toà Cộng sản không trả lời.

Trong lần gọi điện hiếm hoi của mình về nhà, ông Thức nhắn nhủ mong người dân hãy tận dụng sự ra đi của ông (nếu có) để thay đổi xã hội. Từ đó đến nay, phía trại giam số 6 không cho gia đình ông Thức vào thăm nuôi ông, cũng như không cho ông Thức nhận các cuộc gọi của người thân gọi vào. Vì vậy, hơn 1 tháng qua không ai biết tình hình sức khoẻ, tính mạng của ông Thức như thế nào.

Và một thực tế rất đáng buồn khi hiện tại dư luận Việt Nam, đặc biệt là những người bất đồng chính kiến, đấu tranh nhân quyền rất ít quan tâm đến tình hình của ông Thức. Hầu hết sự quan tâm của họ đang được đổ về nền chính trị Hoa Kỳ, và họ bị cuốn theo các cuộc tranh luận, mạ lị, mạt sát lẫn nhau giành cho người khác ý kiến của mình.

An Nhiên

https://www.sbtn.tv/da-buoc-sang-ngay-thu-46-nhung-khong-ai-biet-tinh-hinh-cua-tu-nhan-luong-tam-tran-huynh-duy-thuc/

Covid-19: VN ngưng các chuyến bay giải cứu cho tới hết Tết

Việt Nam sẽ hạn chế tối đa các chuyến bay đưa công dân về nước từ nay cho tới khi kết thúc dịp nghỉ lễ Tết Nguyên Đán, vào giữa tháng Hai tới, nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm virus corona.

Với các biến chủng virus mới đang lây lan mạnh mẽ trên toàn cầu, sẽ chỉ có các chuyến bay thực sự cần thiết được các bộ Y tế, Quốc phòng, Công an và Giao thông Vận tải đồng ý mới được phép báo cáo thủ tướng để xin cấp phép nhập cảnh, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Nhóm WHO điều tra nguồn gốc Covid-19 không được vào TQ

Covid-19: VN ký mua vaccine Oxford-AstraZeneca

Tuy nhiên, sau dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, năm nay diễn ra từ ngày 10-16/2, Bộ Giao thông Vận tải cần nghiên cứu, thúc đẩy việc nối lại các chuyến bay thương mại thường lệ tới các nước, Thủ tướng Phúc nói thêm.

Việt Nam đã ngưng tiếp nhận toàn bộ các chuyến bay thương mại quốc tế kể từ cuối tháng 3/2020 đến nay, nhưng chính phủ có các chuyến bay giải cứu để đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian đại dịch.

Một số chuyến bay đưa các chuyên gia và các nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được phép vào Việt Nam.

Tất cả những người nhập cảnh đều phải cách ly 14 ngày.

Hôm thứ Ba, Việt Nam tuyên bố tạm ngừng tiếp nhận toàn bộ các chuyến bay từ các nước được xác định là có những biến chủng mới virus corona, bước đầu là Anh Quốc và Nam Phi.

Nguy cơ virus ‘nhập cảnh lậu’

Tuy nhiên, việc kiểm soát nguồn lây virus corona qua các ngả khác, không phải là đường hàng không, thì phức tạp hơn nhiều.

Lao động Việt Nam đang làm việc ở các nước trong khu vực như Lào, Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc… trong thời gian qua trở về rất đông, trong đó có nhiều trường hợp là nhập cảnh trái phép bằng đường bộ, đường thủy hoặc đường biển.

Người nhập cảnh chui nhiễm Covid, Việt Nam loay hoay tìm lỗ hổng

Ý kiến nói đưa người TQ nhập cảnh trái phép vào VN ‘là tội ác’

30.000 người dự kiến được tiêm thử vaccine Việt Nam

Cạnh đó, cũng có trường hợp người nước ngoài tìm cách vào Việt Nam bất hợp pháp theo những cách tương tự.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long hồi cuối tháng 12/2020 cảnh báo rằng cuối năm là thời điểm nguy cơ xâm nhập của Covid-19 rất cao.

“Hiện nay, hàng ngày có khoảng 100-150 trường hợp nhập cảnh trái phép ở biên giới,” ông Bộ trưởng được dẫn lời nói hôm 23/12.

Những người nhập cư trái phép được xem là mối đe dọa có thể làm “đổ sông đổ bể” hết những nỗ lực chống dịch của đất nước.

Giới chức liên tục kêu gọi chấm dứt tình trạng nhập cảnh trái phép, và nay nói các trường hợp có hoàn cảnh thực sự khó khăn sẽ được nhà nước xem xét, hỗ trợ chi phí cách ly.

Hiệu quả

Trong cuộc họp báo hôm 8/1/2021, Helge Berger, trợ lý giám đốc phụ trách vùng Châu Á – Thái Bình Dương của Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nêu Việt Nam như một ví dụ tốt trong việc phòng chống Covid-19.

Ông nói rằng Việt Nam “đã cho thấy là vẫn có cách để đối phó đại dịch ngay cả khi chưa có vaccine, và điều đó cho phép kinh tế trở lại hoạt động ít nhất là ở mức gần với tình trạng bình thường”.

Ông nêu ra những biện pháp mà nhờ đó Việt Nam đã chống đỡ tốt hơn nhiều so với những nước khác, trong đó có việc cách ly nghiêm ngặt và truy dấu vết được áp dụng triệt để cho tới khi các vụ bùng phát được dập hẳn.

Tuy nhiên, quan chức của IMF nhấn mạnh rằng “vaccine rốt cuộc vẫn là thứ mà chúng ta cần có để đảm bảo cho toàn bộ các nền kinh tế cũng như kinh tế toàn cầu trở lại hoạt động bình thường, được định nghĩa như là sự bình thường trước thời đại dịch”.

Hành trình vaccine

Việc phát triển vaccine nội địa của Việt Nam đang được tăng tốc.

Việc thử nghiệm vaccine Covid 19 giai đoạn đầu tiên ở người đối với sản phẩm do Viện Vaccine và Sinh phẩm Y tế (IVAC) từ tỉnh Khánh Hòa phát triển sẽ được bắt đầu từ 21/1, sớm hơn hai tháng so với kế hoạch.

Covivac sẽ là loại vaccine thứ hai của Việt Nam được thử nghiệm,

Vaccine Nanocovax bắt đầu được thử nghiệm trên người, giai đoạn 1, từ 17/12

Trước đó, vaccine có tên Nanocovax của Công ty cổ phần dược phẩm Nanogen đã được thử nghiệm trên người giai đoạn 1, từ 17/12/2020.

Nếu mọi việc diễn ra theo đúng dự kiến, thì Covivac được trông đợi là “sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2021”, ông Dương Hữu Thái, Viện trưởng IVAC được truyền thông trong nước dẫn lời.

Việt Nam còn hai loại vaccine nữa đang được phát triển, của Công ty Vaccine và Sinh phẩm Số 1 (Vabiotech), và của Trung tâm Nghiên cứu, Sản xuất Vaccine và Sinh phẩm Y tế (Polyvac).

Việt Nam hiện đã đạt được thỏa thuận mua 30 triệu liều vaccine Oxford-Zeneca của Anh. Được biết việc giao nhận sẽ diễn ra theo từng đợt trong cả bốn quý năm nay.

Cho đến nay, Việt Nam có tổng số 1.513 ca nhiễm virus corona, với 35 ca tử vong. Hiện cả nước đã trải qua 38 ngày không có ca lây nhiễm trong nước nào.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55609847

Việt Nam huy động 6.000 quân và xe bọc thép tham gia diễn tập bảo vệ Đại hội Đảng 13

Một cuộc diễn tập bảo vệ sự an toàn cho Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam vừa được tiến hành vào ngày 10/1 ở Hà Nội với sự tham gia của hơn 6.000 quân thuộc lực lượng Công an, Quân đội và cán bộ y tế của thành phố Hà Nội và các loại xe bọc thép.

Theo dự kiến, Đại hội 13 của Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến ngày 2/2 tới với sự tham gia của khoảng 1.500 đại biểu. Đây là đại hội quan trọng diễn ra 5 năm một lần, nơi Đảng lựa chọn các lãnh đạo cấp cao trong nhiệm kỳ tới và thông qua các chính sách quan trọng về kinh tế chính trị và xã hội cho đất nước trong thời gian 5 năm.

Đại hội diễn ra vào khi dịch bệnh COVID-19 đang diễn ra phức tạp và chính phủ Việt Nam đã phải gia tăng các biện pháp kiểm soát để ngăn ngừa dịch bệnh lây lan trong dịp Tết nguyên đán đang đến gần và sự kiện Đại hội 13.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam trích lời phát biểu của ông Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư tại buổi diễn tập, nhấn mạnh cần quán triệt sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đảm bảo tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ Đại hội XIII trong toàn lực lượng Công an nhân dân, Quân đội nhân dân và các lực lượng tham gia phối hợp; tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, mất cảnh giác.

Bộ trưởng Công an, Đại tướng Tô Lâm là người chủ trì lễ xuất quân, diễn tập. Phát biểu tại buổi lễ, ông Tô Lâm khẳng định: “Các cấp Công an từ Bộ đến địa phương từ thời điểm này bước vào trạng thái sẵn sàng cao nhất, dành toàn tâm, toàn lực, sẵn sàng hy sinh, ‘chỉ biết sống chết với Đảng, chỉ biết còn Đảng thì còn mình,’ bảo vệ tuyệt đối an ninh, an toàn phục vụ tổ chức thành công Đại hội,”

Trước đó, vào ngày 8/1, Bộ Công an và Bộ Quốc phòng cũng tổ chức tổng duyệt phương án bảo vệ Đại hội Đàng 13. Cuộc diễn tập bao gồm các nội dung chống biểu tình, bạo động, bảo vệ nguyên thủ, tiêu diệt mục tiêu. Một số tình huống giả định được đưa ra. Một giả định là có hằng trăm người dân dùng gậy gộc, gạch đá đến trụ sở Ủy Ban Nhân dân thành phố Hà Nội đòi gặp Chủ tịch yêu cầu trả ruộng đất. Những người tham gia do không đạt được mục đích nên tiến hành đốt phá và lao vào trụ sở ủy ban.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/6000-troops-join-drills-to-ensure-safety-of-the-party-national-congress-01102021105142.html

Đại hội 13: Ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc ‘có thể là trường hợp đặc biệt’

Có phương án đề xuất ông Nguyễn Phú Trọng và Nguyễn Xuân Phúc ở lại tiếp tục trong nhóm Tứ Trụ sau Đại hội 13, theo một số ý kiến trong dư luận Việt Nam hôm 9/1.

Sát Đại hội 13, vẫn chưa biết ai là ‘người đặc biệt’ được chọn ở lại

Kinh tế VN: Từ 1970 VNCH dùng lạm phát để hỗ trợ tài chính công

Hội nghị 15, xem xét phương án Tứ trụ và trường hợp đặc biệt trên 65 tuổi, sắp diễn ra tại Hà Nội, có thể vào ngày 15/1.

Đại hội Đảng 13, đánh dấu chuyển giao lãnh đạo 5 năm một lần, sẽ khai mạc ngày 25/1 và bế mạc ngày 2/2.

Đến sát giờ chót này, dư luận ở Việt Nam đang bàn luận phương án mà có thể Bộ Chính trị sẽ trình ra cho Trung ương Đảng ở Hội nghị 15 để bỏ phiếu.

Theo đó, có thể Hội nghị 15 sẽ xem xét và bỏ phiếu cho phương án Một:

Tổng Bí thư: Nguyễn Phú Trọng

Chủ tịch nước: Nguyễn Xuân Phúc

Thủ tướng: Vương Đình Huệ

Chủ tịch Quốc hội: Phạm Minh Chính

Phương án Hai, để Hội nghị 15 xem xét, có chút khác biệt là đảo ngược lại hai chức danh:

Thủ tướng: Phạm Minh Chính

Chủ tịch Quốc hội: Vương Đình Huệ

Có những ý kiến trong nhân dân ở Việt Nam nhận định đây có thể là hai phương án được Bộ Chính trị ủng hộ và sẽ đưa ra Hội nghị 15.

Tuy nhiên cũng đang có những ý kiến nói các đề xuất trên mới mang tính dự báo, phỏng đoán.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ban hành Quyết định 1722/QĐ-TTg ngày 03/11/2020 về Danh mục bí mật nhà nước của Đảng, trong đó, bí mật nhà nước độ Tuyệt mật của Đảng.

Trong đó có các thông tin ‘tuyệt mật’ như:

– Quyết định, kết luận, tờ trình, kế hoạch, báo cáo, thông báo, công văn của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tiểu ban Bảo vệ Chính trị nội bộ Trung ương về kết quả kiểm tra, xác minh vấn đề chính trị của các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư và nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư chưa công khai,

– Báo cáo, tờ trình, thông báo, quyết định, kết luận, công văn của Trung ương Đảng về quá trình chuẩn bị, đề án, phương án nhân sự Ủy viên Bộ Chính trị là Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư chưa công khai.

Quyết định 1722/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 03/11/2020.

Ít ai có thể khẳng định trong bối cảnh thông tin chính trị hạn chế ở Việt Nam.

Nhưng có thể Hội nghị 15 sẽ phát ra những tín hiệu công khai hơn để người dân được biết.

Trên trang The Diplomat (07/01) nhà phân tích Nguyễn Khắc Giang có đặt vấn đề là Đảng CSVN trong kỳ Đại hội tới sẽ chọn “ổn định” hay “dân chủ trong Đảng”.

Chọn cách nào về nhân sự đều có rủi ro, thậm chí là rủi ro “tự hoại” như Liên Xô chọn các uỷ viên Bộ Chính trị có tuổi trung bình quá 70 thời Leonid Brezhnev trước kia, tác giả này viết trong bài tiếng Anh.

Các vị trí lãnh đạo sắp tới của Việt Nam đang rất được quan tâm và chờ đợi trong bối cảnh Việt Nam được hy vọng sẽ là điểm sáng kinh tế trong vùng.

Phát biểu hôm 28/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cho biết năm 2020, kinh tế tăng trưởng dương, đạt 2,91%, góp phần làm cho GDP trong 5 năm vẫn tăng trung bình 5,9%/năm.

Ông cho hay: “Nợ công giảm từ 63,7% GDP đầu nhiệm kỳ xuống còn 55% năm 2019; tuy có tăng trong năm 2020 do nhu cầu chi tăng để ứng phó với thiên tai, dịch bệnh nhưng vẫn ở mức 56,8%, dưới ngưỡng an toàn do Quốc hội quy định….”

Mới đây, Việt Nam được dự báo sẽ là nền kinh tế lớn thứ 19 thế giới, vượt qua Thái Lan và Đài Loan, theo một viện nghiên cứu tại London.

Centre for Economics and Business Research (CEBR) công bố báo cáo hàng năm. Họ nói đến 2028, họ cho rằng Trung Quốc sẽ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới, vượt Mỹ, sớm hơn 5 năm so với dự đoán trước đó của họ.

CEBR ấn tượng với Việt Nam và cho hay hiện năm 2020, Việt Nam cũng đã là nền kinh tế lớn thứ 37 thế giới, thua Thái Lan 25 và Đài Loan 21. Nhưng họ dự đoán đến 2035, Việt Nam sẽ hơn về quy mô kinh tế, sẽ đứng 19 thế giới, còn Thái Lan 21 và Đài Loan 26.

Cũng trong tháng 12 năm 2020, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản (JCER) đã công bố dự báo rằng đến năm 2023, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia có thu nhập trên trung bình, và năm 2035 GDP của Việt Nam sẽ vượt Đài Loan.

JCER dự đoán thu nhập đầu người Việt Nam sẽ là 11.000 USD năm 2035 và quy mô kinh tế sẽ lớn thứ hai trong vùng, chỉ sau Indonesia.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55604797

Lại cấm tặng quà Tết

Huỳnh Mai

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông  cụ  già

Tên gì ai cũng rõ

Nói to: “Không tặng quà”.

Còn năm tuần nữa là tết Nguyên đán rồi. Cơ mà quan trọng hơn, còn hai tuần rưỡi nữa là khai mạc Đại hội Đảng rồi.

Với một số ít người đang là ứng cử viên cho những vị trí quyền lực quan trọng nhất tại Việt Nam (và những người ủng hộ họ), tết sẽ đến sớm hơn rất nhiều, khi kết quả bầu cử được công bố. Hoặc ngược lại.

Như thường lệ, trước mỗi dịp Tết, Ban bí thư trung ương Đảng lại ra một chỉ thị, trong đó nội dung quan trọng là cấm tặng quà tết cho cấp trên dưới mọi hình thức.

Tại sao cấm tặng quà tết cho cấp trên?

Theo từ điển tiếng Việt, quà là vật thể hoặc phi vật thể được tặng, biếu để tỏ lòng biết ơn, quan tâm, quý mến.

Mang ý nghĩa đẹp đẽ như vậy, tại sao ở Việt Nam, nó lại bị cấm? Và tại sao lại chỉ bị cấm tặng quà cho cấp trên, chứ không cấm cấp trên tặng quà cấp dưới, hay ngang cấp tặng quà nhau?

Chỉ cái gì xấu, gây hại cho người khác, cho xã hội thì mới bị cấm chứ nhỉ?

Trong Quy định số 205 của Bộ Chính trị, tại nhóm “Quy định về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức chạy quyền” có một khoản như sau:

(Hành vi bị cấm): “Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ tết, sinh nhật và các cơ hội khác, sử dụng danh nghĩa tình cảm cá nhân hoặc danh nghĩa tổ chức, cơ quan, đơn vị, cá nhân khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan nhằm mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi”.
À ra thế! Quà mà bị cấm tặng cho cấp trên dưới mọi hình thức chính là loại “quà” này.

Núp dưới danh nghĩa “quà tặng”, thực ra nó chính là các khoản trả công cuối năm, làm quen, thăm dò, bắt mối, bôi trơn, xin xỏ, chạy vạy… và tạo dựng các mối quan hệ nhằm bảo đảm lợi ích sẽ thu lại từ việc đó.

Xuân này hơn hẳn mấy xuân qua… vì đại hội đảng sẽ kết thúc ngay trước tết, đồng nghĩa với việc ‘xóa bàn làm lại” trong các đường dây, các nhóm chức quyền. Các vị trí mới được thay thế sẽ thu hút vô số người đến làm quen. Còn cớ gì dễ chấp nhận hơn nữa ngoài món quà tết đầy văn hóa, trân trọng và tình nghĩa? Vì là phong tục truyền thống của dân tộc nên người được tặng quà cũng phải giữ  thái độ trân trọng với tất cả món quà (và người tặng) được tặng, không thể “kén chọn”, “cứng rắn” như ngày thường (nếu có).

Còn dịp nào tốt hơn thế?

Thế cho nên việc lặp đi lặp lại quy định cấm tặng quà ngày tết hết năm này qua năm khác tự thân nó đã chứng tỏ quy định này không có mấy hiệu lực.

Những món quà của cơ chế

Năm 1994, ông Hoàng Văn Nghiên trúng cử làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội (đến 2004 thì về hưu).

Sau cái tết đầu tiên với chức vụ mới, ông Nghiên gây rúng động dư luận (và nỗi lòng các quan chức tiền nhiệm) với cái tin ông mang đến Kho bạc Nhà nước nộp lại bốn tỷ đồng tiền mừng tết do các cơ quan, doanh nghiệp cấp dưới tặng.

Những cái  tết sau đó, người ta không thấy ông Nghiên nộp lại quà tết nữa. Không rõ cấp dưới và doanh nghiệp bị khuất phục trước tinh thần trong sáng như nước đầu xuân của ông nên rụt tay hay không, nhưng đúng 20 năm sau, ông lại gây hoang mang cho dư luận lần nữa khi bỗng dưng làm đơn trả nhà.

Bỗng dưng là vì trước đó, khi hết nhiệm kỳ, ông Nghiên đã “quên” thanh lý hợp đồng thuê ngôi biệt thự ngay sát con đường lớn và đẹp nhất của TP Hà Nội suốt nhiều năm. Đến khi cơ quan quản lý nhà công vụ bỗng nhớ ra và đi đòi thì 8 năm sau, ông vẫn chưa trả.

(Tôi mà là ông Nghiên, tôi cũng không trả. Dại gì! Cái biệt thự 400 m2 thời giá cách đây năm bảy năm đã khoảng 120 tỷ đồng. Nghĩ sao bảo người ta trả? Ai làm quan chức được cấp nhà trăm tỷ xong cũng trả thì lấy ai ra mà làm nữa?)

Liệu sau năm 2019 củi lò phừng phực, các thanh củi dự bị đã biết sợ?

Tôi e chừng khó, vì quy định cấm tặng quà là quy định con, còn mẹ của nó là quy định 08 tận từ tháng 10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng cơ. Trong đó chế tài nặng nhất là kịp thời xử lý nghiêm những vi phạm để làm gương cho cấp dưới.

Nhưng ba cái tết trôi qua, có thấy vi phạm nào về nhận quà tết đâu cơ chứ?

Mà cũng ba cái tết trôi qua, có phải không có quan chức nào bị ra tòa vì tham nhũng đâu cơ chứ?

Thế nghĩa là quan chức người ta tham nhũng ở đẩu ở đâu ấy, chứ không ai đi nhận quà tết hay cả.

Chính vì sự vi diệu này, chúng ta cần định nghĩa lại quà tết.

Quà tết, ấy là không phải quà tết, mà chính là quà tết. Bản chất nó là hối lộ, tham nhũng, chia chác, chạy quyền chạy chức. Đâu cần phải đến tết mới tặng, hay được gói đẹp, nhét vào phong bì, thì mới là quà.

Xét cho cùng, ngôi biệt thự trăm tỷ mà ông Hoàng Văn Nghiên nhất quyết không trả, cũng như các căn hộ hơn 100 m2 ngay giữa trung tâm Hà Nội mà 12 vị cựu quan chức thuộc các cơ quan trung ương nhất quyết không trả, cũng là món quà mà cơ chế tặng cho quan chức chứ đâu.

(12 vị kể trên là số nhỏ trong tổng số các thủ phạm của nạn tham nhũng nhà công vụ, bao gồm

3 cựu phó chủ tịch Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, 2 cựu phó chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, 1 cựu phó chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, 1 cựu phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, 1 cựu thứ trưởng Bộ Văn hóa – thể thao và du lịch, 1 cựu tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự (Bộ Tư pháp), 1 cựu tổng biên tập báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, và đặc biệt, 1 cựu phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra trung ương Đảng).

Cho nên, xin lỗi cụ Vũ Đình Liên, bèn có thơ rằng:

Mỗi năm hoa đào nở
Lại thấy ông cụ già

Tên gì ai cũng rõ

Nói to: “Không tặng quà”.

Bao người xem nghị quyết

Tấm tắc ngợi khen tài

“Hoa tay soạn chỉ thị
Như phượng múa, rồng bay”.

Nhưng mỗi năm mỗi lắm

Người trong sạch toàn… die!

Tham nhũng loạn trên báo

Hối lộ oang trên đài.

Chính sách vẫn mạnh mẽ

Chỉ thị vẫn hùng hồn

Vỗ tay vẫn như pháo

Hiệu quả vẫn như …(tự kiểm duyệt).

Năm nay đào lại nở

Lại cấm tết tặng quà

(Những Hoàng Văn Nghiên mới

Chiếm villa đến giờ).

Tham khảo:

https://tuoitre.vn/12-cuu-quan-chuc-da-ky-bien-ban-tra-nha-cong-vu-cho-bo-xay-dung-20200505154036005.htm

https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Chi-thi-48-CT-TW-2020-to-chuc-Tet-nam-2021-459412.aspx

https://thanhnien.vn/thoi-su/ban-bi-thu-nghiem-cam-bieu-tang-qua-tet-lanh-dao-cac-cap-duoi-moi-hinh-thuc-1317939.html
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/another-order-forbidding-tet-gifts-for-officials-01092021172252.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.