Tin Việt Nam – 03/01/2021
CSVN tăng cường đàn áp trước đại hội đảng, giam giữ ít nhất 258 tù nhân lương tâm
Tin từ Hà Nội: Tổ chức Người Bảo vệ Nhân quyền (Defend the Defenders- DTD) nói chế độ cộng sản Việt Nam tăng cường đàn áp giới bất đồng chính kiến trước đại hội toàn quốc lần thứ 13, giam giữ ít nhất 258 tù nhân lương tâm trong các trại giam và cơ sở tạm giam trên toàn quốc trong điều kiện sống vô cùng hà khắc.
Trong số trên, có 33 nhà hoạt động và Facebooker đang bị giam giữ trong thời gian điều tra hoặc chờ xét xử và 225 người đã bị kết án. Trong số này có những nhà hoạt động nổi tiếng trong nước và quốc tế như Phạm Đoan Trang, Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thuỵ, Phạm Thành…
Đa số họ bị cáo buộc hoặc kết tội theo các điều khoản mơ hồ trong phần An ninh quốc gia của Bộ luật Hình sự như “hoạt động nhằm lật đổ chế độ” và “tuyên truyền chống nhà nước” đối với người hoạt động nhân quyền và dân chủ, hay “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” đối với người thực hành quyền tự do tôn giáo.
Trong năm 2020, chế độ cộng sản đã bắt giữ 37 nhà hoạt động và Facebooker và 29 người khiếu kiện đất đai ở Đồng Tâm. Cũng trong năm qua, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã kết tội 23 nhà hoạt động và 29 dân oan đất Đồng Tâm với nhiều mức án nặng nề. Nhà vận động dân chủ Nguyễn Trung Linh và nhà thơ cựu chiến binh Trần Đức Thạch đều bị kết án 12 năm tù. Hai dân oan Đồng Tâm bị kết án tử hình, 1 người bị án chung thân và 3 người khác bị mức án từ 12 đến 16 năm vì bị buộc tội “giết” 3 công an trong vụ tấn công của hàng ngàn công an và cảnh sát cơ động vào làng Hoành đầu năm trước.
Quốc Tuấn
Tai nạn đứt thang máy khiến hơn chục người thương vong
Vụ tai nạn rơi thang máy tại công trình xây dựng trụ sở Sở Tài chính, tỉnh Nghệ An vào chiều ngày 2 tháng 1 năm 2021 khiến 1 người tử vong, 2 người trong tình trạng nguy kịch và 9 người khác bị thương nặng phải cấp cứu với đa chấn thương, gãy xương, chấn xương cột sống…
Truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tin dẫn lời tường thuật của những người còn sống vụ tai nạn xảy ra khi họ đang làm việc tại tầng 7 tòa nhà Sở Tài Chính Nghệ An đang xây dựng.
Cả 11 người đứng trong thang máy đang vận hành bị đứt cáp rơi xuống. Hình ảnh tại hiện trường cho thấy mô tơ vận hành thang máy bể bung, dây cáp đứt vương vãi, một số bánh rang bung ra ngoài…
Tòa nhà trụ sở Sở Tài chính tỉnh Nghệ An đang xây dựng được biết có thiết kế cao 9 tầng, Công ty Cổ Phần Thi công Cơ giới & Xây lắp 171 là đơn vị thi công; chủ đầu tư là Sở Tài chính tỉnh Nghệ An.
Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức và cuộc tuyệt thực có thể gần 40 ngày
Tính đến ngày cuối cùng của năm 2020, Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức có thể đã tuyệt thực đến ngày thứ 38 theo như thông tin mà gia đình có được hồi tháng 11 vừa qua.
Bà Trần Thị Diệu Liên, chị gái của tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức, khi trao đổi với chúng tôi hôm 31/12/2020 từ Sài Gòn, cho biết thông tin mới nhất về em trai mình:
“Nếu tính từ ngày 24/11 đến hôm nay là 31/12 thì Thức đã tuyệt thực 38 ngày. Nhưng gia đình vẫn không nhận được tin tức hoặc là thông tin gì từ anh Thức từ ngày ảnh gọi về hôm 2/12, mặc dù gia đình đã liên tục gọi điện thoại đến trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, trại 6 đó… gọi rất nhiều số điện thoại, nhưng vẫn không liên lạc được với họ.”
Bà Liên cho biết, hiện Ban Quản lý trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An vẫn chưa có lệnh được cho thân nhân tù đi thăm trong dịch COVID-19. Tuy nhiên Bà nói sắp tới gia đình sẽ vẫn đi thăm ông Thức, để yêu cầu họ thông báo xem tình hình sức khỏe của ông Thức hiện như thế nào, và cuộc tuyệt thực đã dừng chưa? Bà giải thích thêm:
“Tại vì thật sự mình không có thông tin gì trong đó nên sắp tới gia đình phải đi thăm. Lần cuối cùng đi thăm là ngày 30/11 năm 2020, lúc đó thì sức khỏe của Thức rất suy yếu vì thời tiết lạnh. Lúc đó Thức nghĩ không vượt qua được mốc 5, 6 ngày do sức khỏe rất yếu. Nhưng đến giai đoạn ảnh gọi về tháng 12 thì ảnh nói là ảnh đã vượt qua được và có trạng thái cân bằng mới. Ảnh nói có thể tuyệt thực được hơn 33 ngày so với lần trước, ảnh nói không còn thấy nguy cơ nữa.”
Nếu tính từ ngày 24/11 đến hôm nay là 31/12 thì Thức đã tuyệt thực 38 ngày. Nhưng gia đình vẫn không nhận được tin tức hoặc là thông tin gì từ anh Thức từ ngày ảnh gọi về hôm 2/12, mặc dù gia đình đã liên tục gọi điện thoại đến trại giam số 6 Thanh Chương, Nghệ An, trại 6 đó… gọi rất nhiều số điện thoại, nhưng vẫn không liên lạc được với họ.
-Bà Trần Thị Diệu Liên
Nếu với 38 ngày tuyệt thực chưa dừng lại, người thân và những người quan tâm tiếp tục lo lắng cho sức khỏe của ông Trần Huỳnh Duy Thức.
Bà Lê Đính Kim Thoa, vợ ông Thức vào ngày 23/12 khi trả lời RFA cho biết, gia đình mong muốn các cơ quan trả lời khẩn cấp lá đơn để cứu mạng ông Thức:
“Tôi cũng chỉ mong là nhà nước Việt Nam trả lời khẩn cấp để cứu ảnh, giờ ảnh đã quyết định như vậy. Tại vì anh cũng không có tội, mà nếu có tội đi nữa thì cũng đã quá thời gian thụ án rồi. Yêu cầu Nhà nước trả lời sớm và cũng mong mọi người hỗ trợ… Trên trang mạng có in sẵn đơn và mong mọi người viết cái đơn đó gửi đến các địa chỉ cũng ở trên trang Facebook để hỗ trợ giúp cho ảnh được tự do sớm.”
Ông Trần Huỳnh Duy Thức là một nhân vật bất đồng chính kiến, một trí thức được đánh giá có tầm, toàn tâm- toàn ý đóng góp cho một đất nước Việt Nam phát triển. Ông sinh ngày 29 tháng 11 năm 1966, tại Sài Gòn. Ông là cựu Tổng Giám đốc của Công ty Dịch vụ điện thoại internet OCI. Ông bị cơ quan an ninh Việt Nam bắt giam và Tòa án Nhân dân TP.Hồ Chí Minh đưa ra xét xử vào ngày 20 tháng 01 năm 2010 và kết án 16 năm tù với tội danh bị cho là ‘hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân’.
Bà Trần Thị Diệu Liên cho biết thêm thông tin nhận được từ ông Trần Huỳnh Duy Thức:
“Anh Thức cũng có nhắn chỉ có một trong hai trường hợp mà ảnh dừng tuyệt thực. Một là Tòa án Tối cao thượng tôn pháp luật, giải quyết đơn theo đúng pháp luật và trả tự do cho ảnh. Còn trường hợp thứ hai là nếu ảnh cảm thấy bất trắc về sinh mạng, thì ảnh sẽ dừng tuyệt thực, đó là tình huống xấu nhất mà ảnh phải dự phòng. Ảnh nói rất quyết đoán là khả năng xấu nhất đó khó có thể xảy ra và yêu cầu mọi người gởi thật nhiều đơn đến tòa án, càng nhiều càng tốt. Đây là một hình thức áp lực trong nước, ảnh nói nước ngoài thì mình rất cần sự hỗ trợ, nhưng vẫn rất cần sự hỗ trợ từ người dân trong nước. Theo anh Thức, đó là sự khai phá, là nền tảng thay đổi cho Việt Nam sau này, để có tự do và dân chủ thật sự.”
Vào năm 2015, Việt Nam có sửa đổi điều 79 thành 109 trong Bộ luật hình sự 2015, có thêm khoảng 3 là người chuẩn bị phạm tội thì mức án từ 3 đến 5 năm tù. Theo phân tích của các luật sư thì Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức nằm trong trường hợp này. Ông Thức cùng gia đình vào năm 2018, đã làm đơn gởi lên Tòa án Nhân dân Tối cao để đề nghị miễn hình phạt còn lại cho mình. Nhưng tính đến nay thì rõ ràng chính quyền đã giam ông quá thời hạn 5 năm, mà ông vẫn không nhận được trả lời từ Tòa án Nhân dân Tối cao.
Hiện rất nhiều cá nhân, tổ chức, hội đoàn trong nước đã vận động đồng hành cùng Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức với nhiều hình thức khác nhau, trong số đó có Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng. Trả lời RFA hôm 31/12 từ Sài Gòn, Ông Lê Thân, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng, nói về công việc vận động này:
“Cái này thông thường họ rất ít khi trả lời, cái khác góp ý thì họ có trả lời, riêng cái này họ không có trả lời. Cái bản chúng tôi gởi thì chúng tôi căn cứ luật hình sự 2015, trong đó có điều khoảng là việc chuẩn bị thực hiện chỉ ở tù 5 năm. Xét lại trường hợp anh Trần Huỳnh Duy Thức, nếu căn cứ theo bản án của tòa, thì anh Thức chỉ ở mức độ chuẩn bị chứ chưa phạm tội, như vậy chỉ 5 năm tù thôi, mà ảnh đã ở tù trên 10 năm thì đương nhiên phải được ra mà không bị cưỡng chế.”
Tuy nhiên ông Thân bày tỏ lo lắng về phương thức đấu tranh bằng cách tuyệt thực mà ông Thức đã chọn:
“Tôi thấy là hình thức này khó thành công. Tất nhiên khi mình tuyệt thực thì đó là giai đoạn đấu tranh tận cùng rồi, không còn con đường nào khác thì mình mới tuyệt thực, nhưng nếu còn con đường khác thì cái đó cũng không nên. Bởi vì sứ mạng của anh Thức không phải là ở trong nhà tù, mà sứ mạng của ảnh là ở ngoài xã hội, ảnh còn sứ mạng là phải góp sứ xây dựng đất nước này, làm thay đổi đất nước này. Đó là sứ mạng của ảnh, nhưng bây giờ ảnh quay sang ảnh tuyệt thực, nhưng làm như vậy thì sức khỏe sẽ suy giảm, suy sụp. Mà sự suy giảm về vấn đề sức khỏe thì cũng dễ dẫn đến vấn đề suy sụp về tinh thần. Chúng tôi đã có nhiều kinh nghiệm về vấn đề này, nên chúng tôi cũng đã nhiều lần khuyên ảnh nên dừng.”
Bà Liên cho biết, cùng với Câu lạc bộ Lê Hiếu Đằng còn có rất nhiều cá nhân trên mạng đồng hành ủng hộ vận động cho ông Thức, họ cũng làm đơn yêu cầu tòa án phải trả lời đơn và thượng tôn pháp luật, yêu cầu trả tự do cho anh Thức. Bà cho biết, ban đầu ít có ý kiến không đồng thuận việc ông Thức tuyệt thực, nhưng gần đây mọi người yêu cầu Thức phải dừng tuyệt thực để bảo toàn tính mạng để lo cho Việt Nam sau này. Nhưng gia đình Bà cùng anh Thức vẫn giữ quan điểm, kêu gọi mọi người đừng lo lắng, hãy ủng hộ cuộc chiến pháp lý của ông Thức, và quan trọng là hướng đến việc khai sáng cho người dân.
Như chúng tôi đã thông báo, hiện nay việc vận động cho anh Trần Huỳnh Duy Thức rất mạnh mẽ, Quốc hội Âu Châu, cũng như Quốc hội của Đức, văn phòng của bà Thủ tướng Merkel, Bộ Tư pháp cũng như các chính trị gia ở Đức… các Hội đoàn, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Nhà thờ, các Hội N.G.O. ở Đức cũng đã vào cuộc lên tiếng can thiệp để thả anh Thức.
-Nhà hoạt động Ngô Hoàng Phong
Ông Ngô Hoàng Phong, một nhà hoạt động ở Đức, đại diện cho Tổ Chức Bảo vệ Hoàng Sa, Trường Sa tại Âu Châu và cũng là người đã vận động để đại diện chính phủ Đức đến thăm ông Trần Huỳnh Duy Thức trong tù năm 2018. Gần đây ông cũng đã viết thư cho Bộ Ngoại Giao Âu Châu nêu lên trường hợp của ông Thức. Vào ngày 30/12, ông Phong cũng đã nói chuyện với Bộ Ngoại giao Đức về tình hình của ông Thức. Khi trả lời RFA hôm 31/12, ông Phong cho biết tuyệt thực là phương pháp duy nhất để các tù nhân phản kháng, dù phải đặt cược sức khỏe và mạng sống của mình:
“Theo tôi vấn đề tuyệt thực là truyền thống cả ngàn năm nay rồi. Theo tôi đó là phương pháp duy nhất để họ phản kháng, để có khả năng chống đối. Họ đã hy sinh sức khỏe của mình cũng như tính mạng, nhưng theo tôi đó là phương tiện độc nhất, duy nhất để người ta nói lên tiếng nói phản kháng những điều bất công và phi lý đối với nhà cầm quyền Việt Nam. Tôi thấy đó là một việc làm chính đáng, thông qua như vậy thế giới sẽ để tâm đến, do vậy tôi nghĩ với chính quyền Việt Nam đây cũng là một ván cờ hết sức khó khăn.”
Nhà hoạt động Ngô Hoàng Phong cho biết thêm về việc vận động từ bên ngoài, đòi trả tự do cho Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức:
“Như chúng tôi đã thông báo, hiện nay việc vận động cho anh Trần Huỳnh Duy Thức rất mạnh mẽ, Quốc hội Âu Châu, cũng như Quốc hội của Đức, văn phòng của bà Thủ tướng Merkel, Bộ Tư pháp cũng như các chính trị gia ở Đức… các Hội đoàn, Ủy ban Công lý và Hòa bình, Nhà thờ, các Hội N.G.O. ở Đức cũng đã vào cuộc lên tiếng can thiệp để thả anh Thức. Chính phủ Đức cũng đã nói
chuyện này với phía Việt Nam ở cấp độ cao nhất và họ vẫn tiếp tục. Hôm qua tôi có nói chuyện với Bộ Ngoại giao của Đức, thì Tòa Đại sứ Đức ở Việt Nam tiếp tục nói chuyện nhưng chưa đạt kết quả mong muốn thả anh Thức ngay lập tức. Họ hy vọng phía Việt Nam sẽ giải quyết trong thời gian ngắn.”
Hồi năm 2018, ông Trần Huỳnh Duy Thức cũng đã từng tuyệt thực đến 34 ngày để phản đối những áp bức của cán bộ trại giam trái quy định pháp luật. Dư luận quan tâm hiện rất lo ngại cho tình hình sức khỏe của ông Thức khi phải tuyệt thực quá lâu, trong khi chính quyền Việt Nam vẫn chưa có phản hồi gì về yêu cầu của Tù nhân chính trị Trần Huỳnh Duy Thức.
Phát hiện chủng virus COVID-19 mới từ Anh có mặt tại Việt Nam
Chủng virus COVID-19 biến thể ở Anh được phát hiện tại Việt Nam và Bộ Y tế Việt Nam công bố tin này vào sáng ngày 2 tháng 1 năm 2021.
Tin cho biết bệnh nhân COVID-19 mang số 1435 tại Việt Nam nhiễm biến thể có tên VOC 202012/1, một chủng mới được ghi nhận tại Anh Quốc gần đây.
Bộ Y tế Việt Nam nói rõ vào ngày 22 tháng 12 vừa qua, chuyến bay VN50 từ Anh đáp xuống sân bay Cần Thơ với 305 hành khách. Tất cả được đưa đi cách ly tại các trung tâm ở Trà Vinh, Vĩnh Long, Thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh.
Tất cả cũng được lấy mẫu xét nghiệm lần 1 và có 6 hành khách nhiễm COVID-19. Trong số này có kết quả nhiễm chủng virus SARS-CoV-2 biến thể được ghi nhận gần đây tại Anh. Đây cũng là chủng có đột biến D614G gây lây lan nhanh cách đây 4-5 tháng.
Bệnh nhân COVID-19 số 1435 như vừa nêu được cho biết là nữ sinh năm 1976, quê Trà Vinh và có tiền căn tăng huyết áp.
Người chồng của bệnh nhân 1435 đang sống ở Anh và cũng dương tính với SARS-CoV-2.
Năm 2020: Nhà cầm quyền CSVN “tiết kiệm” được 10,000 tỷ đồng chi cho viên chức đi công tác ngoại quốc và hội thảo
Tin Vietnam.- Đài VOV ngày 2 tháng 1 năm 2021 loan tin, ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Tài chính Cộng sản thông báo, trong năm 2020, bộ Tài chính Cộng sản đã “tiết kiệm” được 10,000 tỷ đồng tiền thuế của dân nhờ giảm chi cho các chuyến đi công tác ngoại quốc của viên chức Cộng sản, và giảm hội thảo.
Ông Dũng giải thích, năm 2020, bộ Tài chính Cộng sản đã siết chặt chi tiêu cho các hoạt động như chi cho hội thảo, chi cho viên chức Cộng sản đi công tác ngoại quốc giảm 70%, và cắt giảm thêm 10% chi phí ngoài lương.
Lời giải thích này của ông Dũng được dư luận đánh giá là giả dối, vì thực tế năm 2020 đã xảy ra đại dịch, nhiều nước trên thế giới phong toả nên các viên chức Cộng sản có muốn đi ngoại quốc cũng không đi được. Ngay cả nhiều hoạt động hội thảo trong nước cũng bị huỷ bỏ vì nhà cầm quyền, cùng người dân lo ngại dịch sẽ lây lan. Ngoài ra, những năm trước, cũng chính các cơ quan truyền thông Cộng sản đã tố cáo, vạch trần nhiều viên chức Cộng sản lấy danh nghĩa là đi công tác ở ngoại quốc để dùng tiền ngân sách nhưng thực tế là đi chơi, đi du lịch, thậm chí là dẫn theo bồ nhí.
Mặc dù sự thật này được dư luận lật mặt nạ, nhưng ông Dũng cũng như nhiều đại biểu Quốc hội Cộng sản khác vẫn xảo ngôn, tán dương hành động tiết kiệm được 10,000 tỷ đồng tiền ngân sách, và nói rằng số tiền này đã được đầu tư vào giáo dục, y tế, các vấn đề an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo.
An Nhiên
Có đúng 5 năm qua Bộ Giao Thông không có tham nhũng?
Vào những ngày cuối năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) công bố báo cáo về công tác phòng chống tham nhũng năm 2020 và cả giai đoạn 2016-2020. Theo đó, qua kết quả tự kiểm tra và thanh tra giai đoạn 2016-2020, các đơn vị của Bộ GTVT đều chưa phát hiện trường hợp nào tham nhũng nào.(!?)
Anh Quang, một người dân miền Trung khi trao đổi với RFA hôm 30/12, nhận xét:
“Bộ GTVT rất ‘trong sạch’ khi nói rằng tự kiểm tra, trong 5 năm mà không phát hiện tham nhũng! Đúng là Thanh tra Bộ GTVT nói láo một cách trơ trẽn, không hề biết xấu hổ, ngượng mồm!
Chẳng cần dẫn chứng nhiều, chỉ lấy điển hình dự án cao tốc Quảng Ngãi-Đà Nẵng với chiều dài 139 km, vốn đầu tư 34.500 tỷ đồng (# 1,5 tỷ USD), mới đưa vào sử dụng 2 tháng đã xuất hiện nhiều chỗ hư hỏng. Đến nay đã khởi tố 19 người. Không tham nhũng thì đó gọi là gì?! Hay là con số vốn đầu tư 1,5 tỷ USD ‘nhỏ’ quá, không đáng nói đến?”
Bộ GTVT rất ‘trong sạch’ khi nói rằng tự kiểm tra, trong 5 năm mà không phát hiện tham nhũng! Đúng là Thanh tra Bộ GTVT nói láo một cách trơ trẽn, không hề biết xấu hổ, ngượng mồm!
-Anh Quang
Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an vào ngày 7/12/2020 cho biết vừa khởi tố thêm 13 bị can trong vụ án ‘vi phạm quy định về đầu tư công trình xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng’ tại Ban quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi và các đơn vị liên quan.
Trước đó cơ quan điều tra đã khởi tố hơn 20 bị can là lãnh đạo của các đơn vị nhà thầu, giám sát, thi công… Cơ quan điều tra xác định chất lượng công trình xây dựng 7/7 gói thầu thuộc giai đoạn 1 của dự án từ nền, móng, mặt đường đều không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật là nguyên nhân gây hư hỏng công trình.
Chủ một doanh nghiệp vận tải ở Sài Gòn, ông Võ Minh Đức nói với RFA hôm 30/12:
“Nếu mà nói không phát hiện ra tham nhũng thì nhiều khi cũng có ẩn ý, là có thể là sai phạm mà họ không phát hiện ra, nhưng hiểu theo ý khác thì có thể họ nói là không có tham nhũng. Nhưng hiểu như vậy là không ổn, điển hình ông Nguyễn Hồng Trường đang đương chức thì bị truy tố cùng ông Đinh La Thăng vì sai phạm mấy trăm tỷ trong dự án cao tốc Sài Gòn – Trung Lương. Đó là điển hình, chưa kể sai phạm cao tốc bắc nam ở một số đoạn ở miền Trung.”
Vào ngày 25/9/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ra quyết định kỷ luật nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường bằng hình thức xóa tư cách nguyên Thứ trưởng Bộ GTVT giai đoạn 2011-2015 và 2016-2017 do đã có sai phạm nghiêm trọng trong công tác.
Đến ngày 14/8/2020, liên quan những sai phạm tại tuyến Cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh- Trung Lương cùng với ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Hồng Trường bị khởi tố bắt tạm giam. Hai người khác cũng bị bắt là Nguyễn Chí Thành, nguyên Vụ phó Tài Chính Bộ GTVT và ông Lê Trung Cường, chuyên viên tài chính Bộ GTVT. Vào ngày 22 tháng 12, tòa tuyên án ông Nguyễn Hồng Trường 4 năm 6 tháng tù.
Không chỉ các vụ án lớn liên quan Bộ GTVT, các Thanh tra Giao thông thuộc Bộ GTVT lâu nay vẫn bị dư luận cho rằng có nhiều vi phạm liên quan xử phạt giao thông. Đơn cử như vụ 4 bị cáo nguyên là cán bộ Thanh tra Giao thông nhận hối lộ bảo kê logo ‘xe vua’, Tòa án Nhân dân Hà Nội vừa trả hồ sơ, đề nghị điều tra thêm.
Theo cáo trạng, trong vòng hơn 2 năm từ tháng 6 năm 2016 đến tháng 10 năm 2018, các bị cáo nguyên là Thanh tra Giao thông đã nhận hối lộ hàng trăm triệu đồng.
Ông Võ Minh Đức cho biết thêm kinh nghiệm khi lái xe mà gặp phải Thanh tra Giao thông:
“Trời ơi, nếu mà nói tham nhũng vặt thì nó nhiều lắm, thanh tra giao thông không ăn vặt như cảnh sát giao thông đâu, mà ăn tàn bạo ác nhân ác đức… Xe quá tải nếu không được bảo kê, gửi gắm mà bị bị bắt thì chung tiền lòi con mắt mà chưa chắc được, nhiều lắm. Chưa kể hàng loạt đường dây bảo kê cho xe quá tải, quá tải đường, quá tải cầu… nhiều lắm. Rồi hư hỏng đường, mới có vụ người dân quay phim chụp ảnh lại đường làm dối làm ẩu… Những cái đó không là tham nhũng thì là cái gì.”
Cũng liên quan Bộ GTVT, vào ngày 19/10/2019, 3 cựu lãnh đạo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam đã bị Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội tuyên án tổng cộng 17 năm tù với cáo buộc tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ tại Cục đường thủy nội địa thuộc Bộ GTVT.
Cụ thể ông Trần Đức Hải, nguyên phó cục trưởng Cục đường thủy nội địa 6 năm tù; ông Phạm Văn Thông, nguyên giám đốc Ban quản lý dự án 6 năm tù và ông Vũ Mạnh Hùng nguyên quyền trưởng phòng kế hoạch đầu tư 5 năm tù… với cùng tội danh trong vụ án nhận tiền từ các nhà thầu để lập quỹ đen ở Cục đường thủy nội địa.
Có bao giờ đảng nào nói tôi lãnh đạo kém, thất bại, tôi dối dân, cướp của dân, lừa dân… làm cho dân đau khổ không? Bộ GTVT là một ví dụ, không bao giờ họ tự nói mình tham nhũng, làm BOT sai, làm đường ngàn tỷ mà chỉ hết 500 tỷ…
-Nhà hoạt động Trần Bang
Nhà hoạt động Trần Bang, một kỹ sư xây dựng cầu đường, khi trả lời RFA từ Sài Gòn hôm 30/12, nhận định:
“Không ai vác đá đè chân mình cả, không ai tự lôi cái xấu của mình bày ra trước mặt thiên hạ. Đặc biệt khi bày ra thì sẽ bị kỷ luật, mất chức, tù tội, thu hồi tiền… Tổ chức nào cũng vậy, rất khó có thể phê và tự phê được, mà cần phải có giám sát độc lập. Cũng như các tổ chức chính trị, một thể chế chính trị độc đảng thì không bao giờ họ nói họ xấu, họ không trung thành với nước với dân, Bao giờ họ cũng nói vì nước vì dân, năm nào cũng hoàn thành nhiệm vụ, năm này tốt, năm sau tốt hơn, bách chiến bách thắng… Có bao giờ đảng nào nói tôi lãnh đạo kém, thất bại, tôi dối dân, cướp của dân, lừa dân… làm cho dân đau khổ không? Bộ GTVT là một ví dụ, không bao giờ họ tự nói mình tham nhũng, làm BOT sai, làm đường ngàn tỷ mà chỉ hết 500 tỷ…”
Vì vậy Nhà hoạt động Trần Bang cho rằng, cần phải có lực lượng giám sát như người dân, báo chí và các đảng đối lập… hoặc thanh tra kiểm toán từ bên ngoài nhưng phải không cùng một hệ thống đảng. Vì nếu cùng hệ thống đảng thì theo ông họ lại chia chác và tham nhũng tiếp… Và do đó càng nhiều đoàn kiểm tra, nhiều cơ quan giám sát thì tham nhũng lại càng nặng nề.
Tổ chức Minh Bạch Quốc Tế hôm 24/11/2020 công bố thông tin cho biết, có đến 67% người Việt trong nước cho rằng tình trạng tham nhũng của chính quyền là một vấn nạn nghiêm trọng; 15% những người sử dụng dịch vụ công cho biết đã phải chi tiền hối lộ.
Thành phố Thủ Đức chính thức được thành lập
Thành phố Thủ Đức được công bố chính thức thành lập và sẽ là nền kinh tế lớn thứ ba sau TP.HCM và Hà Nội trong một thập niên tới.
Ông Nguyễn Thiện Nhân, trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM phát biểu như vừa nêu, tại Lễ công bố Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam về việc thành lập thành phố Thủ Đức, diễn ra vào sáng ngày 31/12.
Tại buổi lễ, cựu Bí thư TP.HCM, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh rằng thành phố Thủ Đức sẽ trở thành hạt nhân cho phát triển kinh tế của TP.HCM và vùng Đông Nam bộ. Khoảng 10 năm tới, thành phố Thủ Đức có thể tạo ra giá trị tăng bằng 1/3 TP.HCM, khoảng 7% GDP của Việt Nam. Đồng thời, là thành phố hiện đại, văn hóa, hội nhập và đáng sống bậc nhất của Việt Nam.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam, vào ngày 9/12, thông qua thành lập Thành phố Thủ Đức được với tỷ lệ đồng ý 100% và nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Theo đó, thành phố Thủ Đức được thành lập với việc sát nhập quận 2, quận 9 và quận Thủ Đức. Thành phố Thủ Đức có diện tích hơn 211 km2 và dân số hơn 1 triệu người. Sau khi được thành lập, thành phố Thủ Đức có 34 phường, có Tòa án và Viện kiểm sát.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, tại lễ công bố ngày 31/12, đề nghị Chính quyền TP.HCM nhanh chóng xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chung thành phố Thủ Đức được đồng bộ với quy hoạch TP.HCM và có trách nhiệm điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM. Chính quyền TP.HCM cũng được yêu cầu xây dựng bộ máy chính quyền và sắp xếp nhân sự hợp lý cho thành phố Thủ Đức.
Thành ủy TP.HCM cho biết đã ra quyết định xây dựng Khu đô thị sáng tạo tại thành phố Thủ Đức và mạng di động 5G được khai trương trong lễ công bố Nghị quyết thành lập TP.Thủ Đức.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong hạ tuần tháng 8, đăng tải thông tin giá nhà đất ở Thủ Đức liên tục tăng lên trong 3 năm qua, dẫn đến lo ngại về vấn đề bong bóng bất động sản tại khu vực này.
0 comments