Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 05/01/2021

Tuesday, January 5, 2021 3:03:00 PM // ,

 Tin khắp nơi – 05/01/2021

Washington DC sẽ điều vệ binh quốc gia để giữ an ninh tại cuộc biểu tình ủng hộ Tổng Thống Trump

Tin Washington DC – Lực lượng Vệ Binh Quốc Gia của khu vực District of Columbia sẽ điều động 340 binh sĩ, để hỗ trợ cảnh sát địa phương giữ an ninh cho các cuộc biểu tình ủng hộ Tổng Thống Trump, dự kiến diễn ra vào ngày 5 và 6 tháng 1.

Các cuộc biểu tình được cho là sẽ thu hút hàng ngàn người, trong bối cảnh Tổng Thống Trump vẫn tuyên bố một cách vô căn cứ rằng chính ông mới là người thắng cử. Vệ Binh Quốc Gia tại DC là một phần của lực lượng Vệ Binh Quốc Gia Hoa Kỳ. Với tư cách là tổng thống, ông Trump hiện là tổng tư lệnh của lực lượng Vệ Binh Quốc Gia của thủ đô.

Các cuộc biểu tình trong tuần này diễn ra trong lúc Quốc Hội đang chuẩn bị chính thức đếm số phiếu đại cử tri vào thứ Tư, 6 tháng 1. Trong một cuộc biểu tình khác ủng hộ Tổng Thống Trump, diễn ra tại thủ đô vào tháng 12, vài người đã bị đâm và hơn 30 người bị bắt, trong các vụ đụng độ giữa những người biểu tình và những người thuộc phe đối lập.

Cuộc biểu tình tuần này diễn ra sau khi truyền thông công bố đoạn ghi âm cuộc điện đàm gây sốc, trong đó, Tổng Thống Trump đã yêu cầu Ngoại Trưởng Georgia Brad Raffensperger đếm phiếu lại, để giúp tổng thống chiến thắng tại tiểu bang này. Vào tối thứ Hai, 4 tháng 1, Tổng Thống Trump sẽ đến Georgia để vận động cho cuộc bầu cử đặc biệt tại tiểu bang này vào thứ Ba. Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ quyết định đảng Dân Chủ hay Cộng Hòa sẽ kiểm soát Thượng Viện (Ngô Bảo)

https://www.sbtn.tv/washington-dc-se-dieu-ve-binh-quoc-gia-de-giu-an-ninh-tai-cuoc-bieu-tinh-ung-ho-tong-thong-trump/

Thị trưởng Washington DC kêu gọi Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn cuộc tuần hành 6/1, nhưng phớt lờ lực lượng này trấn áp Antifa mùa hè 2020

 Bình luậnĐông Bắc

Vào đêm Giao thừa, bà Thị trưởng Washington DC Muriel Bowser đã viết một lá thư cho Chỉ huy Lực lượng Vệ binh Quốc gia DC, Thiếu tướng William J. Walker, yêu cầu lực lượng Vệ binh triển khai tại thủ đô Washington nơi bà phụ trách quản lý từ ngày 5/1 đến ngày 7/1/2021.

Theo Seattletimes, một quan chức quốc phòng Mỹ xác nhận Lực lượng Vệ binh Quốc gia DC sẽ “kiểm soát giao thông và có những hỗ trợ khác” trong những ngày đó và họ sẽ không được trang bị vũ khí.

Bức thư của bà thị trưởng da màu Muriel Bowser có nội dung như sau:

“[…] Các cuộc biểu tình theo Tu chính án thứ nhất đã được Cục Cơ quan Công viên Quốc gia cho phép dự kiến ​​sẽ diễn ra tại Đặc khu Columbia vào Thứ Ba, ngày 5 tháng 1 năm 2021 và Thứ Tư, ngày 6 tháng 1 năm 2021. Do đó, Chính quyền Đặc khu yêu cầu Lực lượng Vệ binh Quốc gia DC (DCNG) ủng hộ,

vì các cuộc biểu tình này diễn ra giống các sự kiện tương tự vào ngày 14 tháng 11 năm 2020 và ngày 12 tháng 12 năm 2020, dẫn đến một lượng lớn người tham gia, gây bạo lực và hoạt động tội phạm.”

“Đặc khu Columbia đang yêu cầu nhân sự cho DCNG. Hơn nữa, DCNG sẽ hỗ trợ hoạt động cho cả Sở Cảnh sát Đô thị và Dịch vụ Y tế Khẩn cấp và Cứu hỏa DC. Cuối cùng, lực lượng DCNG không được trang bị vũ khí trong khi thi hành nhiệm vụ này…”.

Bức thư của bà thị trưởng da màu Muriel Bowser

Không có gì ngạc nhiên khi bà thị trưởng da màu “chống Trump”  này đã đề nghị triển khai Lực lượng Vệ binh Quốc gia để ngăn chặn các cuộc tuần hành “Stop the Steal” được cho là lên tới hàng triệu người kéo đến thủ đô để bày tỏ sự ủng hộ của người dân đối với Tổng thống Trump.

Tuy nhiên chính bà thị trưởng này đã từng từ chối triển khai Lực lượng Bảo vệ để ngăn chặn các cuộc bạo loạn do nhóm khủng bố nội địa Antifa và BLM “càn quét” thủ đô Washington trong suốt mùa hè năm ngoái.

Cách đây 4 tháng, bà thị trưởng Bowser cũng đã thông báo rằng sẽ xem xét các khuyến nghị từ Nhóm DCFACES về việc “đánh giá” xem các di tích, tượng đài nào nên “dỡ bỏ hoặc di dời”. Danh sách “dỡ bỏ hay di dời” các tượng đài bao gồm của Benjamin Franklin, Thomas Jefferson, Christopher Columbus, Andrew Jackson, George Washington, Francis Griffith Newlands và Albert Pike.

Bà  Thị trưởng cũng lấy lý do đại dịch để ra lệnh đóng cửa các nhà hàng, khách sạn tại Washington DC nhằm gây khó dễ cho người dân khắp cả nước đổ về thủ đô vào ngày 6/1 theo lời hiệu triệu của Tổng thống Trump. Tuy nhiên các số liệu cho thấy khoảng gần 1.500 khách sạn trong thành phố thông báo có 83.000 phòng đã có người đặt thuê.

Đông Bắc

https://www.ntdvn.com/the-gioi/thi-truong-washington-dc-keu-goi-ve-binh-quoc-gia-de-ngan-chan-cuoc-tuan-hanh-61-nhung-phot-lo-luc-luong-nay-tran-ap-antifa-mua-he-2020-125332.html

Thượng nghị sĩ tiểu bang Georgia kêu gọi Phó tổng thống Pence tạm hoãn kiểm phiếu Đại cử tri ngày 6/1

 Bình luậnNguyên Hương

Ngày 4/1, các thượng nghị sĩ của đảng Cộng hòa ở tiểu bang Georgia đã bắt đầu thúc đẩy việc trì hoãn kiểm phiếu Đại cử tri vào ngày 6/1. Ít nhất có hàng chục người đã ký một lá thư gửi tới Phó Tổng thống Mike Pence để yêu cầu ông chính thức hoãn việc kiểm phiếu — và con số này vẫn đang tiếp tục tăng lên.

“Hiện có khoảng 16 trên 18 người trong số chúng tôi đã ký vào lá thư gửi cho Phó Tổng thống để yêu cầu ông ấy trì hoãn cuộc kiểm phiếu Đại cử tri từ 10 đến 12 ngày”, Thượng nghị sĩ Brandon Beach nói với The Epoch Times.

“Chúng tôi sẽ trao lá thư cho ông Pence vào sáng mai (5/1)”, ông Beach nói và nói thêm rằng lá thư vẫn đang tiếp tục được các Thượng nghị sĩ truyền ký.

Ông Beach bày tỏ quan ngại về tính trung thực của cuộc bầu cử. Ông nói: “Mọi người đang nói rằng dường như ai ai cũng thấy có điều gì đó không trung thực, bất thường, và sai phạm đang diễn ra trong quá trình bầu cử”.

Các lá phiếu và máy bỏ phiếu cần phải được giám định, đặc biệt là ở hạt Fulton, ông Beach nói. Mối quan ngại lớn nhất của ông ấy là trung tâm kiểm phiếu tại Sân vận động State Farm Arena ở Atlanta. Mặc dù quá trình kiểm phiếu vẫn đang tiếp tục, người giám sát kiểm phiếu của tiểu bang có nhiều lúc vắng mặt và những người theo dõi kiểm phiếu là thành viên Đảng Cộng hòa đã bị làm cho hiểu lầm là đã kết thúc kiểm phiếu rồi.

Thật trùng hợp, Jenna Ellis, cố vấn pháp lý cấp cao cho chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump và là một trong những luật sư của ban vận động của Tổng thống Trump hôm thứ Hai đã đề nghị ông Pence trì hoãn việc xác nhận phiếu bầu Đại cử tri Đoàn vào ngày 6/1 và yêu cầu các cơ quan lập pháp ở sáu tiểu bang chiến trường làm rõ việc lá phiếu Đại cử tri Đoàn nào sẽ được xác nhận cho từng tiểu bang.

“Điều mà Phó tổng thống Mike Pence có thể làm, và trên thực tế là điều ông nên làm là chuyển câu hỏi tới các cơ quan lập pháp của các tiểu bang trong bối cảnh sáu tiểu bang này đều có phiếu Đại cử tri của hai nhóm.

“Ông Pence có thể đặt câu hỏi này với các bang và nói, ‘Thưa các nhà lập pháp tiểu bang, như các quý vị biết, tôi đã tuyên thệ với Hiến pháp để duy trì Hiến pháp như được viết trong Điều II Phần 1.2, trong đó nói rằng các cơ quan lập pháp tiểu bang sẽ chỉ đạo cách thức lựa chọn Đại cử tri Đoàn, vì vậy các

quý vị hãy cho tôi biết sẽ chọn nhóm nào trong số hai nhóm này để phù hợp với cách mà Đại cử tri Đoàn được chỉ định tại tiểu bang của quý vị”, bà Ellis nói với chương trình truyền hình Just the Water Cooler.

Khi ông Beach được hỏi họ đã thảo luận về bất cứ điều gì liên quan đến việc xác nhận phiếu đại cử tri của tiểu bang chưa, ông nói: “Nếu Phó Tổng thống có trì thể hoãn như thư đề nghị của chúng tôi, thì chúng tôi sẽ tổ chức phiên họp và chúng tôi có thể thảo luận những gì Thượng viện tiểu bang chúng tôi có thể làm”

“Hiện tại, chúng tôi không thể làm bất cứ điều gì vì chúng tôi chưa tổ chức phiên họp”, ông nói thêm.

Thống đốc tiểu bang Georgia Brian Kemp trước đây đã từ chối triệu tập một phiên họp đặc biệt để xem xét các cáo buộc về gian lận bầu cử và các bất thường khác.

Các thượng nghị sĩ khác ở tiểu bang Georgia, bao gồm cả ông Beach, nhận ra rằng rất khó có khả năng triệu tập được một phiên họp đặc biệt tại tiểu bang trong bối cảnh hiện tại.

“Vì Quốc hội sẽ họp ngày thứ Tư (6/1) về kết quả bỏ phiếu Đại cử tri Đoàn, nên việc tổ chức một phiên họp đặc biệt trước cuộc họp toàn thể sẽ không phải là một lựa chọn”, Thượng nghị sĩ Kay Kirkpatrick nói với The Epoch Times qua email. “Nhưng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh cho sự thật”.

“Tôi đang làm việc từng ngày để tổng hợp toàn bộ các báo cáo gian lận bầu cử”, bà nói thêm. “Điều quan trọng là chúng ta phải có thể tin tưởng vào hệ thống bầu cử của Hoa Kỳ. Tôi đã phân chia thời gian của mình giữa việc xem xét tất cả các khía cạnh của cuộc bầu cử ngày 3/11 và cố gắng để hai Thượng nghị sĩ liên bang của chúng tôi tái đắc cử”.

Thượng nghị sĩ Beach cho biết ông và các thượng nghị sĩ khác kêu gọi trì hoãn để họ “có thể có thêm thời gian để tiếp tục điều tra và quét những lá phiếu này”. Thượng nghị sĩ cho biết, ông cũng đã viết một lá thư riêng cho Phó tổng thống Pence với tư cách là thành viên của tiểu ban tư pháp của tiểu bang Geogia.

Ông Beach nhận định, các thượng nghị sĩ từ các bang khác cũng đã khởi xướng một động thái tương tự.

“Tôi nghĩ một số thượng nghị sĩ từ Pennsylvania, Wisconsin và Arizona cũng đã viết thư gửi Phó Tổng thống để đề nghị ông trì hoãn ngày kiểm phiếu Đại cử tri Đoàn ít nhất 10 đến 12 ngày”.

Theo quy định của Hiến pháp, ngày 20/1 là chính thức kết thúc “Nhiệm kỳ của Tổng thống và Phó Tổng thống… theo đúng thời hạn phải kết thúc nếu điều này không được phê chuẩn; và nhiệm kỳ của người kế nhiệm sau đó sẽ bắt đầu”.

Ông Beach cho biết ông ấy đang làm tất cả những điều này vì ông ấy muốn “đào xới gốc rễ của vấn đề”.

“Số điện thoại di động của tôi được lưu trên trang web của tôi và trên các trang web của thượng viện trong tám năm qua, nhưng tôi chưa bao giờ nhận được bất kỳ cuộc gọi nào,” ông nói. “Nay mai, nếu tôi có thể nhận được một cuộc gọi thì sau đó – điện thoại của tôi sẽ nổ tung, email của tôi sẽ nổ tung, tin nhắn văn bản của tôi cũng sẽ nổ tung”.

“Mọi người tức giận, họ nổi điên, họ cảm thấy bị tước quyền”, ông nói thêm.

Nguyên Hương

https://www.ntdvn.com/the-gioi/thuong-nghi-si-tieu-bang-georgia-keu-goi-pho-tong-thong-pence-tam-hoan-kiem-phieu-dai-cu-tri-ngay-61-125316.html

Georgia bỏ phiếu bầu cử chung cuộc, quyết định quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ

Quyền kiểm soát Thượng viện Hoa Kỳ đang tuỳ thuộc vào cuộc bầu cử chung cuộc vào ngày 5/1 tại bang Georgia, sau một chiến dịch tốn kém và kỷ lục về số cử tri bầu cử sớm, theo Reuters.

Cuộc bầu cử nhằm xác định đảng nào kiểm soát Thượng viện rất được chú ý vì khả năng ngăn chặn hoặc thúc đẩy chương trình nghị sự của tân chính quyền mới ở Washington trong tương lai.

Hai nghị sĩ đương nhiệm của Đảng Cộng hòa, Thượng nghị sĩ David Perdue và Kelly Loeffler, đang cố gắng giữ ghế. Nếu những đối thủ của họ bên Đảng Dân chủ, nhà làm phim Jon Ossoff và Mục sư Raphael Warnock, đều giành chiến thắng, thì Đảng Dân chủ sẽ giành lại thế đa số tại Thượng viện.

Những ngày cuối cùng của cuộc tranh cử náo động tiếp tục bị chi phối bởi nỗ lực không ngừng của Tổng thống Donald Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử.

Hôm thứ Bảy, ông Trump đã gây áp lực yêu cầu Tổng thư ký theo Ðảng Cộng hòa của bang Georgia phải đảo ngược chiến thắng của ông Biden ở bang này, tuyên bố rằng có gian lận lớn nhưng không có bằng chứng.

Cả ông Trump và ông Biden đều đến vận động tranh cử ở Georgia vào ngày 4/1. Ông Trump ở phía tây bắc của bang và ông Biden ở Atlanta.

Tổng thống Trump gọi cuộc bầu cử ngày 3/11 là “gian lận” và tự tuyên bố đã giành được bang này vào ngày 4/1, khi ông sử dụng bài phát biểu để bày tỏ bất bình về thất bại của mình.

“Không có chuyện chúng tôi mất Georgia”, Reuters dẫn lời ông Trump nói.

Chiến thắng vào tháng tháng 11 của ông Biden là chiến thắng đầu tiên của một ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ ở bang Georgia trong gần 30 năm. Chiến thắng này đã không được xác nhận trong hơn một tuần lễ và những thách thức pháp lý sau đó từ chiến dịch Trump đã đẩy việc chứng nhận cuối cùng của tiểu bang sang đến tháng 12.

Nếu đảng Dân chủ giành được chiến thắng kép, số ghế Thượng viện sẽ chia đều 50-50 cho mỗi đảng, và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris của đảng Dân chủ sẽ có lá phiếu quyết định cho các vấn đề bất phân thắng bại. Đảng Dân chủ đang chiếm đa số với một tỉ lệ nhỏ trong Hạ viện.

Việc Thượng viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát có thể sẽ gây cản trở cho nhiều mục tiêu chính sách tham vọng nhất của ông Biden trong các lĩnh vực như cứu trợ kinh tế, biến đổi khí hậu và các chính sách khác.

https://www.voatiengviet.com/a/georgia-b%E1%BB%8F-phi%E1%BA%BFu-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-chung-cu%E1%BB%99c-quy%E1%BA%BFt-%C4%91%E1%BB%8Bnh-quy%E1%BB%81n-ki%E1%BB%83m-so%C3%A1t-th%C6%B0%E1%BB%A3ng-vi%E1%BB%87n-m%E1%BB%B9/5725291.html

Wisconsin hủy kết quả cử tri đoàn, chuyển chiến thắng cho TT Trump

Cơ quan lập pháp Wisconsin cho biết họ sẽ đưa ra một Nghị quyết vào sáng thứ Năm (6/1) hủy xác nhận phiếu bầu cử tri đoàn của tiểu bang này để trao chiến thắng cho Tổng thống Trump. Nghị quyết không yêu cầu chữ ký của Thống đốc, theo Gateway Pundit.

Nghị quyết này đã được đăng trực tuyến trên https://t.co/J9FqNobw5k. Dưới đây là một số nội dung trích dẫn từ Nghị quyết của Cơ quan lập pháp Wisconsin:

Bởi vì, nếu không có tính chính danh thì chính quyền của dân, do dân, vì dân sẽ không đứng vững được. Thay vào đó, chính phủ của chúng ta sẽ biến thành một hệ thống cưỡng bức và hối lộ, tìm cách sử dụng chiêu bài [gian lận] bầu cử để có được độ tín nhiệm.

Bởi vì, người dân Wisconsin đang yêu cầu cơ quan lập pháp giải quyết các câu hỏi về tính hợp pháp [của cuộc bầu cử]; do đó, bây giờ, [yêu cầu này] có thể được giải quyết bởi Hội đồng [Lập pháp], tuân theo luật đã ban hành hợp lệ; Và, có thể được giải quyết thêm.

Khi có một bộ phận đáng kể người dân đặt câu hỏi về tính trung thực của các cuộc bầu cử, khi các quan chức bầu cử không tuân theo văn bản luật, thì cơ quan lập pháp sẽ có trách nhiệm giải quyết các vấn đề đang được thắc mắc; Và, có thể được giải quyết thêm.

Các thành viên của Quốc hội bang Wisconsin coi việc khắc phục những vi phạm này và các vi phạm luật bầu cử khác và các thủ tục hành chính không thành công là ưu tiên cao nhất và sẽ xây dựng luật để đảm bảo các viên chức dân sự tuân theo luật như đã viết.

https://www.dkn.tv/the-gioi/wisconsin-huy-ket-qua-cu-tri-doan-chuyen-chien-thang-cho-tt-trump.html

Điều gì sẽ xảy ra khi Quốc hội Mỹ họp chứng nhận kết quả bầu cử?

Bất chấp nỗ lực từ Tổng thống Donald Trump và các nghị sĩ Cộng hòa để thách thức thắng lợi của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2020, con đường lật ngược kết quả tại phiên kiểm phiếu ở Quốc hội Mỹ hầu như không có cơ hội thành công trong khi một nhà quan sát nói với VOA rằng nỗ lực này là ‘phản dân chủ’.

Quốc hội Hoa Kỳ sẽ nhóm họp vào thứ Tư ngày 6/1 để kiểm đếm và xác nhận số phiếu đại cử tri bầu Tổng thống của mỗi bang mà theo đó ông Joe Biden giành được 306 phiếu so với 232 của ông Donald Trump để đắc cử Tổng thống thứ 46.

Đây là một công việc phần nhiều mang tính thủ tục trong các cuộc bầu cử từ trước đến nay, nhưng năm nay nó lại thu hút sự chú ý của công luận vì ông Trump và các đồng minh quyết thách thức kết quả tại phiên họp này và coi đây là cơ hội có thể lật ngược thế cờ.

Trong các nỗ lực đó có việc phe Cộng hòa ở các tiểu bang mà ông Trump có tranh chấp đã cử ra ‘cử tri đoàn thay thế,’ bên cạnh cử tri đoàn chính thức bỏ phiếu cho ông Biden. Bản thân ông Trump cũng đã kêu gọi các ủng hộ viên tập hợp về thủ đô Washington D.C. trong ngày 6/1 để gây sức ép với Quốc hội.

Một dân biểu Cộng hòa còn kiện ra tòa đòi cho phép Phó Tổng thống Mike Pence được toàn quyền quyết định phiếu đại cử tri các bang.

Nhưng quan trọng nhất là nỗ lực của các dân biểu và thượng nghị sĩ Cộng hòa ở Quốc hội phản đối kết quả kiểm phiếu ở những bang tranh chấp vào ngày 6/1.

Không phải lần đầu

Việc các dân biểu Hạ viện ở bên thua cuộc tiến hành một cuộc chiến mang tính biểu tượng để chống lại kết quả bầu cử Tổng thống đã trở thành thường xuyên sau các cuộc bầu cử vừa qua.

Tuy nhiên, các thượng nghị sĩ tham gia vào các nỗ lực này ít xảy ra hơn, nhưng lần này thì có hơn một chục thượng nghị sĩ sẽ tham gia bên phía ông Trump. Các thượng nghị sĩ Josh Hawley và Ted Cruz sẽ dẫn đầu nhóm nghị sĩ thử thách kết quả kiểm phiếu bầu và kêu gọi kiểm toán khẩn cấp để điều tra cáo buộc gian lận mặc dù không có bằng chứng về gian lận lan rộng.

Thách thức này chỉ có thể trì hoãn điều không thể tránh khỏi là Quốc hội sẽ xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden. Nhưng nó sẽ buộc Quốc hội phải biểu quyết và đặt Phó Tổng thống Pence vào tình thế khó xử là cuối cùng phải tuyên bố chính thức chiến thắng của Biden.

Trình tự kiểm phiếu ở Quốc hội

Trong suốt tháng 11 và tháng 12, các tiểu bang đã chứng nhận kết quả ở bang họ. Sau đó, cử tri đoàn đã bỏ phiếu vào ngày 14/12 dựa trên những kết quả đó. Các tiểu bang đã gửi tổng số phiếu đại cử tri của họ đến Quốc hội khóa mới để được kiểm đếm và xác nhận. Việc này chủ yếu là hình thức, vì luật bầu cử quy định Quốc hội phải coi kết quả của các bang được hoàn thành trước thời hạn chót 8/12 là ‘chung cuộc’.

Sau bước xác nhận của Quốc hội, tất cả những gì còn lại sau đó là lễ nhậm chức Tổng thống vào ngày 20/1.

Quốc hội kiểm phiếu như thế nào?

Lưỡng viện sẽ họp chung. Phó Tổng thống Pence sẽ chủ trì phiên họp này. Ông ấy có thể giao việc này cho một thượng nghị sĩ khác, nhưng nhiều khả năng ông Pence sẽ không làm như vậy.

Họ sẽ kiểm phiếu các bang theo thứ tự bảng chữ cái. Đối với từng bang, các thư ký ngồi bên dưới sẽ trao cho ông Pence các phong bì, nói cho ông biết số phiếu, và ông phải đọc to lên. Sau đó, Quốc hội sẽ bỏ phiếu về để chấp nhận kết quả của các bang.

Làm sao kiện phiếu đại cử tri?

Để thách thức được xem xét, ít nhất một nghị sĩ từ mỗi viện Quốc hội phải phản đối phiếu đại cử tri của bang nào đó. Hơn hai chục thành viên Cộng hòa tại Hạ viện cho biết họ sẽ cố gắng thách thức kết quả và hơn chục thượng nghị sĩ Cộng hòa sẽ tham gia cùng họ – mặc dù Lãnh đạo khối Đa số ở Thượng viện, ông Mitch McConnell, đã kêu gọi các thượng nghị sĩ bên đảng ông đừng dây vào chuyện này.

Các nghị sĩ không cần phải giải thích chi tiết lý do tại sao họ phản đối; họ chỉ cần phản đối bằng văn bản và ông Pence sẽ đọc to cho mọi người nghe.

Nếu có ý kiến phản đối đối với cử tri đoàn của tiểu bang nào đó được đưa ra từ cả Hạ viện và Thượng viện, các việnphải chia ra để bỏ phiếu về sự phản đối đó và họ có tới hai tiếng đồng hồ để tranh luận.

Dự đoán cách Quốc hội bỏ phiếu

Hạ viện do đảng Dân chủ kiểm soát có đủ số phiếu nhấn chìm mọi đơn kiện.

Trong khi tại Thượng viện, các lãnh đạo đảng Cộng hòa đã không thể giữ cho đảng họ đoàn kết trong việc này, nhưng họ dự kiến sẽ có đủ phiếu bầu trong đảng để xác nhận chiến thắng của ông Biden, mặc dù có tới cả chục thượng nghị sĩ Cộng hòa bất tuân. Thượng nghị sĩ John Thune, lãnh đạo số 2 của đảng Cộng hòa tại Thượng viện, hồi tháng trước đã nói rằng bất kỳ thách thức phiếu đại cử tri nào cũng sẽ thất bại thảm hại. Các thượng nghị sĩ Cộng hòa như Mitt Romney và Ben Sasse gọi thách thức của các đồng nghiệp đối với kết quả bầu cử là ‘nguy hiểm’.

Ít nhất một người Cộng hòa chỉ trích những thách thức này đã chỉ ra cuộc điện đàm kéo dài một giờ của Tổng thống Trump với Bộ trưởng Hành chính bang Georgia mà trong đó Tổng thống tìm cách đảo ngược thất bại của ông ở Georgialà lý do cho Đảng Cộng hòa đứng lên đối đầu với ông Trump và bỏ phiếu chứng nhận kết quả hợp pháp của các bang. “Gửi tới mọi thành viên Quốc hội đang cân nhắc việc phản đối kết quả bầu cử,” dân biểu Cộng hòa Adam Kinzinger viết trên Twitter. “Quý vị không thể – trước việc này – làm vậy với lương tâm trong sạch”.

Thái độ không đồng tình của các lãnh đạo Đảng Cộng hòa trước việc thách thức kết quả bầu cử cho ông Biden là đáng chú ý vì phần lớn các nghị sĩ Cộng hòa phải mất hơn một tháng sau ngày bầu cử mới công nhận ông Biden là người chiến thắng. Nhưng đa số các nghị sĩ Cộng hòa dường như không muốn thông qua Quốc hội để đảo ngược nguyện vọngcử tri.

Cũng không có cơ sở pháp lý để các thượng nghị sĩ nổi loạn chất vấn kết quả cử tri đoàn, vì tất cả các bang bị ông Trump kiện tụng đều đáp ứng mọi yêu cầu pháp lý để phiếu đại cử tri của họ được Quốc hội công nhận.

Nếu một viện bỏ phiếu chấp nhận thách thức thì sao?

Nếu Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát quyết định bỏ phiếu ủng hộ một thách thức phiếu đại cử tri của một bang, thì vẫn còn nhiều rào cản ngăn việc lật ngược chiến thắng của ông Biden.

Luật yêu cầu lưỡng viện Quốc hội đều phải bỏ phiếu dứt khoát để phản đối kết quả phiếu đại cử tri của bang đó, chứ không phải mỗi Thượng viện. Điều này sẽ không xảy ra ở Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát.

Ngay cả khi bằng cách nào đó cả hai viện đều đồng ý chấp nhận kiện thưa này, quyết định chung cuộc sẽ thuộc về thống đốc các bang. Và tất cả các thống đốc ở các bang tranh chấp đều đã chứng nhận kết quả mà ông Biden đã giành được.

Vì vậy, ngay cả khi chúng ta đi sâu vào các khả năng giả định cho việc này xảy ra, vẫn còn rất nhiều chốt chặn để bảo vệ chiến thắng của ông Biden.

Tại sao chuyện này có thể kéo dài đến đêm khuya?

Ông Trump đã thua ở sáu tiểu bang dao động trải dài khắp bảng chữ cái – từ Arizona đến Wisconsin. Các thành viênCộng hòa thách thức kết quả bầu cử đã cho biết họ sẽ thách thức tất cả các bang này. Mỗi khi có một thách thức được ít nhất một thành viên của mỗi viện ủng hộ, Quốc hội phải tách ra để biểu quyết. Sau đó họ trở lại họp chung và tiếp tục đếm phiếu.

Vai trò của Phó Tổng thống Mike Pence

Phần việc của ông Pence là việc hành chính. Ông ấy không có thẩm quyền để từ chối chứng nhận kết quả bầu cử. Nếu ông Pence làm vậy, điều đó sẽ vi phạm pháp luật trắng trợn. Ông thậm chí có thể bị kiện ra tòa. Đa số Quốc hội có thể sẽ nhanh chóng bỏ phiếu bác bỏ bất kỳ thách thức nào mà ông Pence đưa ra.

Dân biểu Louie Gohmert mới đây đã đệ đơn kiện lên tòa án liên bang để yêu cầu cho ông Pence có toàn quyền kiểm soát việc kiểm phiếu từ các bang và sau đó trao chiến thắng cho ông Trump. Các chuyên gia luật bầu cử nói rằng điều này không có cơ sở trong luật pháp cũng như Hiến pháp, và đội ngũ pháp lý của ông Pence cho biết họ không đồng ý với vụ kiện. Thẩm phán bác bỏ vụ kiện này chỉ sau vài ngày.

Ông Pence đã nói với ông Trump rằng ông không có quyền cản trở chiến thắng của Biden và các phụ tá cho biết ông Pence vẫn dự định bám theo vai trò chiếu lệ của mình.

Nhưng sau một thời gian kín tiếng, văn phòng của ông Pence vào cuối tuần qua đã khích lệ những thách thức đối với kết quả bầu cử của các bang. Tuyên bố của ông Pence nói rằng ông ‘hoan nghênh nỗ lực của các thành viên Hạ viện và Thượng viện sử dụng thẩm quyền của họ theo luật để đưa ra phản đối và trình ra bằng chứng.’

Điều gì đã xảy ra trong những lần thách thức trước đây?

Các thành viên của đảng thua cuộc trong các cuộc bầu cử Tổng thống đã phản đối sau gần như mọi cuộc bầu cử kể từ năm 2000. Tất cả đều thất bại và chỉ có một lần thách thức này thành công trong việc buộc lưỡng viện phải tranh luận.

Khi chứng nhận cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi năm 2000, các dân biểu Dân chủ đã cố gắng thách thức phiếu đại cử tri của Florida để tìm chiến thắng cho Phó Tổng thống Al Gore, nhưng họ không có ai đồng lòng ở Thượng viện để làm chuyện này.

Năm 2005, các dân biểu Dân chủ đã thách thức chiến thắng tái đắc cửa của Tổng thống George W. Bush theo cách tương tự đối với kết quả ở Ohio. Thượng nghị sĩ Dân chủ Barbara Boxer đã tham gia cùng họ, nhưng nỗ lực đã bị dập tắt khá nhanh chóng, trong những người bỏ phiếu chống có cả những người đồng đảng Dân chủ của bà Boxer tại Thượng viện. Các dân biểu Dân chủ đã cố gắng một lần nữa vào năm 2016 để thách thức chiến thắng của ông Trump, nhưng không có thượng nghị sĩ nào sẵn sàng đứng cùng với họ.

Chính Phó Tổng thống Joe Biden lúc bấy giờ là người chủ trì phiên họp lưỡng viện trao chiến thắng cho ông Trump. “Mọi chuyện đã an bài,” ông Biden khi đó nói với các dân biểu bên đảng ông.

‘Phi dân chủ’

Trao đổi với VOA từ bang Georgia, ông Vũ Nguyễn Bảo Kỳ, người từng được đảng Cộng hòa chọn là một trong 16 đại cử tri của bang bỏ phiếu cho ông Donald Trump làm Tổng thống hồi năm 2016, mô tả nỗ lực lần này của phía ông Trump là ‘phi dân chủ’ và ‘không theo luật lệ gì hết’.

Ông nói việc thách thức ở Quốc hội dẫn đến thay đổi kết quả bầu cử ‘chưa từng xảy ra trong lịch sử Hoa Kỳ’ và những ai thách thức cũng không thể viện lý do là ‘bầu cử gian lận’.

“Bao nhiêu vụ kiện của ông Trump ở các cấp tòa án đều đã bị bác bỏ vì chúng không có gì đáng để xem xét,” ông Kỳ nói.

Ông dẫn ra việc lãnh đạo Cộng hòa ở Thượng viện, Thượng nghị sỹ Mitch McConnell, ‘thừa biết việc thách thức kết quả bầu cử là phi dân chủ và đi ngược lại những điều luật trong Hiến pháp Hoa Kỳ’. Ngoài ra, ông McConnell cũng biết là đảng Cộng hòa không thể có đủ số phiếu để lật ngược kết quả nên không đồng tình với hành động này.

Ông Kỳ nhận định rằng các vị dân biểu và thượng nghị sĩ thách thức kết quả vì họ ‘muốn giữ được tư thế của họ với ông Trump và các ủng hộ viên của ông Trump trong đảng Cộng hòa’.

Về vai trò của ông Mike Pence, ông Kỳ nói ‘không còn quyền gì hết ngoài việc buộc phải phê chuẩn (rubberstamp) kết quả được chính thức nộp lên.

“Việc này tạo mâu thuẫn cho ông Pence. Dĩ nhiên ông ấy biết việc của mình theo Hiến pháp nhưng đồng thời ông ấy cũng muốn giữ được sự ủng hộ của các phe phái ủng hộ Trump,” ông Kỳ nói và dự đoán ông Pence sẽ cần sự ủng hộ từ những cử tri của ông Trump nếu ông muốn ra ứng cử Tổng thống trong tương lai.

Về các ‘đại cử tri thay thế’ của đảng Cộng hòa, ông Kỳ nhận xét: “Chưa bao giờ trong lịch sử Mỹ có thể thay đổi danh sách đại cử tri như vậy.”

Theo giải thích của ông thì phiếu đại cử tri các bang đã được các Thống đốc phê chuẩn theo quy định Hiến pháp nên không thể có cái gọi là ‘đại cử tri thay thế’. “Nếu đại cử tri có ai rút ra vào phút chót không thể đi bầu được thì mới cử người thay thế,” ông nói.

Sau khi ông Joe Biden nhậm chức vào ngày 20/1 thì các cơ quan thực thi pháp luật của Mỹ ‘sẽ có cách’ nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng, ông Kỳ nói. Chẳng hạn như Bộ Quốc phòng chỉ sẽ nghe lệnh từ ông Biden chứ không nghe lệnh ông Trump nữa, ông dẫn chứng.

“Bầu cử đã xong xuôi, không thể thay đổi gì được hết,” người cựu đại cử tri này nói. “Ông Trump không thể nào đánh phá toàn bộ nề nếp dân chủ của Mỹ được vì nó đã ăn sâu vào nước Mỹ lâu nay rồi và những người đang vận hành trong nền dân chủ Mỹ cũng không chấp nhận điều này.

https://www.voatiengviet.com/a/%C4%91i%E1%BB%81u-g%C3%AC-s%E1%BA%BD-x%E1%BA%A3y-ra-khi-qu%E1%BB%91c-h%E1%BB%8Dp-m%E1%BB%B9-h%E1%BB%8Dp-ch%E1%BB%A9ng-nh%E1%BA%ADn-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-/5724446.html

Mỹ, Nhật hoan nghênh Hải quân châu Âu triển khai tại châu Á để đối phó với Trung Quốc

Thụy My

Anh sẽ điều một hàng không mẫu hạm đến Đông Á, Pháp đưa tàu Hải quân đến Nhật Bản và Đức gởi khu trục hạm đến Ấn Độ Dương, trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng tỏ ra hung hăng tại Biển Đông và Biển Hoa Đông. South China Morning Post hôm nay 05/01/2021 dẫn thông cáo của các chính phủ liên quan cho biết như trên. Nhật Bản và Hoa Kỳ rất hoan nghênh sự tham gia này.

Tờ báo Hồng Kông dẫn lời bộ trưởng Quốc Phòng Nhật Nobuo Kishi trong cuộc họp online với đồng nhiệm Đức Annegret Kramp-Karrenbauer hôm 15/12 nói rằng Nhật Bản có tiềm năng phát triển hợp tác quốc phòng với châu Âu. Về phía bà Kramp-Karrenbauer nhận định : « Những gì diễn ra tại Ấn Độ-Thái Bình Dương cũng ảnh hưởng đến Đức và châu Âu. Chúng tôi mong muốn hợp tác trong việc bảo vệ trật tự dựa trên cơ sở luật pháp ».

Ông Kishi hy vọng chiến hạm Đức sẽ tham gia tuần tra với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản trên Biển Đông. Trong một động thái đột phá hiếm hoi về ngoại giao của Đức, vốn rất thận trọng từ sau Đệ nhị Thế chiến, bà Kramp-Karrenbauer tuyên bố : « Người ta không thể đặt gánh nặng lên vai người khác khi theo đuổi tham vọng kinh tế và an ninh ». Bộ trưởng Quốc Phòng Đức ám chỉ việc Trung Quốc quân sự hóa Biển Đông và liên tục xâm nhập Senkaku/Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông.

Sự kiện Bắc Kinh thẳng tay đàn áp Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh, cũng góp phần vào quyết định của Luân Đôn triển khai hàng không mẫu hạm đến Ấn Độ-Thái Bình Dương. Với việc các chiến đấu cơ F-35B của chiếc Queen Elizabeth sẽ được bảo dưỡng tại tỉnh Aichi, một số chuyên gia cho rằng mẫu hạm 65.000 tấn này sẽ lưu lại một thời gian ngắn tại Nhật. Một chuyên gia dự đoán Anh và Mỹ sẽ cùng tập trận tại Tây Thái Bình Dương, như hai đồng minh vẫn thường tiến hành ở Đại Tây Dương.

Trong một diễn biến liên quan, Nhật, Mỹ, Pháp sẽ tập trận đổ bộ trên một đảo hoang ở tây nam Nhật Bản vào tháng Năm.

Bên cạnh yếu tố Trung Quốc, các nhà phân tích cho rằng sở dĩ quan hệ giữa Nhật Bản và châu Âu ngày càng chặt chẽ vì Tokyo mua nhiều vũ khí của các nước châu Âu. Ngân sách quốc phòng của Nhật Bản tăng kỷ lục trong những năm gần đây trước những đe dọa về nguyên tử và hỏa tiễn của Trung Quốc, Bắc Triều Tiên.

Đài Loan tố cáo chiến đấu cơ Trung Quốc xâm nhập ở mức kỷ lục

Trong khi đó, bộ Quốc Phòng Đài Loan hôm nay tố cáo các phi cơ quân sự Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) đến 380 lần trong năm 2020. Đài Bắc nhấn mạnh đây là sự đe dọa cho an ninh khu vực, cho rằng Bắc Kinh « muốn thử nghiệm phản ứng quân sự, gây áp lực lên phòng không và thu hẹp không phận cần thiết cho các hoạt động của Đài Loan ».

Viện Nghiên cứu Quốc phòng Đài Loan trong báo cáo thường niên đã cảnh báo « mối đe dọa quân sự của Trung Quốc đang ở mức cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng hỏa tiễn năm 1996 tại eo biển Đài Loan ». Báo cáo nhận định các hành động này nhằm hăm dọa Đài Bắc không nên « vượt qua lằn ranh đỏ » trong quan hệ đang nồng ấm hơn với Hoa Kỳ.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210105-hai-quan-chau-au-trien-khai-t%E1%BA%A1i-chau-a

Phố Wall đảo ngược quyết định loại ba hãng viễn thông TQ

Sở Giao dịch Chứng khoán New York (NYSE) đã đảo ngược quyết định loại bỏ ba công ty viễn thông Trung Quốc khỏi sàn này.

Tổng thống Donal Trump hồi tháng 11 ký sắc lệnh cấm các công ty Hoa Kỳ đầu tư vào các hãng sở hữu hoặc kiểm soát bởi quân đội Trung Quốc.

Phố Wall loại bỏ ba công ty viễn thông Trung Quốc

TT Trump ký lệnh cấm đầu tư vào công ty dính líu quân đội Trung Quốc

Mỹ yêu cầu các công ty viễn thông loại bỏ linh kiện Huawei

NYSE hôm 31/12 công bố rằng do sắc lệnh trên, họ sẽ gỡ bỏ việc niêm yết cổ phiếu của các hãng China Mobile, China Telecom và China Unicom.

Nay, NYSE đảo ngược quyết định của mình dựa trên việc đã có “tham vấn thêm” với các cơ quan quản lý.

“Tôi cho rằng NYSE ngay từ đầu đã chưa bao giờ muốn loại bỏ cổ phiếu của các công ty này. Họ đã hành động theo nội dung sắc lệnh,” Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cao cấp từ hãng Oanda nói với BBC.

“Cách diễn giải rõ ràng là đã thay đổi và NYSE nhanh chóng thay đổi theo,” ông nói.

Sàn giao dịch chứng khoán tại Mỹ này lúc trước đã lên kế hoạch gỡ bỏ việc niêm yết, mua bán cổ phiếu của ba công ty trong tuần này.

Giá cổ phiếu phục hồi mạnh mẽ

Cổ phiếu của cả ba hãng tăng mạnh tại thị trường chứng khoán Hong Kong, nơi các công ty cũng được niêm yết, sau những phiên sụt giá ở cả New York và Hong Kong.

Cổ phiếu China Unicom tăng 8,5%, China Telecom tăng 8%, và China Mobile tăng 7% trước tin tức mới.

NYSE ra chỉ dấu rằng họ có thể sẽ xem lại quyết định này và sẽ tiếp tục thẩm định việc áp dụng sắc lệnh của Tổng thống Trump đối với ba công ty cũng như với vị thế của ba công ty tại sàn giao dịch này.

Cả ba công ty đều có doanh thu toàn bộ là từ Trung Quốc và hầu như không hiện diện tại Hoa Kỳ.

Giống như nhiều công ty lớn khác của Trung Quốc, ba hãng niêm yết cả ở thị trường chứng khoán Hoa Kỳ và Hong Kong.

Hiện có khoảng hơn 200 công ty Trung Quốc niêm yết trên các thị trường chứng khoán Hoa Kỳ với tổng vốn hóa trên thị trường là 2,2 nghìn tỷ đôla.

Tuy nhiên, trong một số trường hợp, cổ phiếu của các công ty đã bị vướng vào vòng rắc rối trong cuộc xung đột ngoại giao và thương mại đang diễn ra giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc.

Ông Trump không chỉ thúc đẩy việc xóa bỏ các công ty Trung Quốc khỏi các sàn chứng khoán Mỹ mà còn nhắm vào một số các công ty Trung Quốc khác, trong đó có TikTok, Huawei và Tencent, với lý do các công ty này đe dọa an ninh quốc gia.

Trung Quốc đáp trả với việc ra danh sách đen các công ty Hoa Kỳ, trong lúc căng thẳng giữa hai cường quốc kinh tế ngày càng leo thang.

Hôm thứ Hai, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh chỉ trích quyết định ban đầu của NYSE đối với việc định dỡ bỏ niêm yết đối với cổ phiếu ba công ty này là “thiếu khôn ngoan”, và nói nó cho thấy luật pháp Hoa Kỳ “cẩu thả, tùy tiện và không chắc chắn” tới mức nào.

https://www.bbc.com/vietnamese/business-55549735

Hoa Kỳ có thể tiêm nửa liều vaccine Moderna để tăng số người được chích ngừa vaccine

Vào hôm Chủ nhật (3/1), bác sĩ Moncef Slaoui, lãnh đạo Chiến dịch tiêm vaccine Warp Speed của chính phủ liên bang cho biết các viên chức y tế đang tìm cách để tiêm số lượng lớn liều vaccine đầu tiên cho người dân Hoa Kỳ để đẩy nhanh tiến trình chích vaccine.

Trò chuyện trên chương trình “Face the Nation” của CBS, ông Slaoui nói rằng một biện pháp để tăng số người được tiêm vaccine là chỉ tiêm một nửa liều đầu tiên của vaccine Moderna cho những người từ 18 đến 55 tuổi. Ông cho biết mục tiêu của biện pháp là tăng gấp đôi số người được tiêm vaccine Moderna nhưng vẫn tạo phản ứng miễn dịch giống hệt với một liều đầy đủ.

Theo ông Slaoui, chiến dịch đang thảo luận vấn đề này với Moderna và Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), và quyết định cuối cùng sẽ thuộc về FDA. Bình luận của ông Slaoui được đưa ra sau khi có những ý kiến về việc tại sao Hoa Kỳ không sử dụng chiến lược tiêm tất cả các liều vaccine hiện có, mặc dù vaccine yêu cầu phải tiêm đến liều thứ hai để có hiệu quả hoàn toàn. Anh Quốc đã áp dụng cách tiếp cận này, với hy vọng sẽ sản xuất thêm liều thứ hai trong tương lai.

Phát ngôn viên FDA cho biết FDA chưa thể xác nhận, phủ nhận hoặc bình luận về cuộc thảo luận với các công ty. Các viên chức y tế đã đặt mục tiêu tiêm vaccine cho 20 triệu người Hoa Kỳ vào cuối năm 2020 nhưng chỉ có khoảng 4.2 triệu người đã được tiêm vaccine tính đến ngày 2/1.  (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoa-ky-co-the-tiem-nua-lieu-vaccine-moderna-de-tang-so-nguoi-duoc-chich-ngua-vaccine/

Số lượng người du lịch tại Hoa Kỳ vào năm mới đạt mức cao kỷ lục trong bối cảnh đại dịch vẫn tiếp tục hoành hành

Vào thứ bảy (ngày 2 tháng 1), du lịch hàng không tại Hoa Kỳ đạt mức cao nhất vào kể từ giữa tháng Ba, làm dấy lên lo ngại rằng sự gia tăng trong các chuyến du lịch vào kỳ nghỉ lễ sẽ dẫn đến một đợt bùng phát dịch COVID-19 mới trong những tuần tới.

Ngay cả khi đại dịch coronavirus vẫn đang hoành hành trên khắp đất nước, 1,192,881 người đã đi qua các trạm kiểm soát an ninh ở các phi trường vào thứ Bảy. Du lịch hàng không vẫn thấp hơn đáng kể so với những năm trước, nhưng tăng mạnh trong dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh bất chấp khuyến cáo hạn chế đi du lịch và tụ họp gia đình từ các chuyên gia y tế và các viên chức.

Bác sĩ Anthony Fauci cho biết rằng đại dịch có thể trở nên tồi tệ hơn trong vài tuần tới khi Hoa Kỳ trải qua tác động chậm trễ của việc du lịch sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh. Tháng 12 là tháng có nhiều ca tử vong và lây nhiễm nhất do COVID-19 ở Hoa Kỳ.

Theo dữ kiện từ đại học Johns Hopkins University, trung bình mỗi ngày Hoa Kỳ có hơn 2,600 ca tử vong. Bên cạnh đó, các viên chức y tế đã phát hiện các ca nhiễm biến thể mới của coronavirus tại ba tiểu bang, và những bệnh nhân này đều không có tiền sử đi du lịch.

Vào Chủ nhật, bác sĩ Jerome Adams đã thúc giục người Mỹ đeo khẩu trang và khoảng cách xã hội để giúp kiềm chế sự gia tăng số ca nhiễm. Ông Adams cho biết có đến hơn 50% sự lây lan hiện nay là ở những người không có triệu chứng. (BBT)

https://www.sbtn.tv/so-luong-nguoi-du-lich-tai-hoa-ky-vao-nam-moi-dat-muc-cao-ky-luc-trong-boi-canh-dai-dich-van-tiep-tuc-hoanh-hanh/

Big Pharma thất bại trong việc ngăn chặn đạo luật giảm giá thuốc tối ưu cho người Mỹ của TT Trump

 Bình luậnThiện Đức

Trong kỳ nghỉ lễ, TT Trump và nhóm của ông đã nỗ lực tìm cách cắt giảm giá thuốc tối ưu cho người dân, nhưng một thẩm phán của liên bang đã ngăn chặn nỗ lực này…

Theo Reuters cho biết, TT Trump đã đưa ra luật “Đãi ngộ quốc gia” (most favored nation), nằm trong chương trình bảo hiểm Medicare của chính phủ Mỹ, nhằm mục tiêu giảm giá thuốc thấp hơn so với nước ngoài.

Chương trình bảo hiểm Medicare hỗ trợ người dân giảm chi phí chăm sóc y tế, bằng cách giảm giá một số loại thuốc và khiến giá của chúng thấp hơn so với các nước phát triển khác. Điều này giúp Hoa Kỳ kiểm soát giá thuốc của các công ty dược phẩm nước ngoài.

Đồng thời, TT Trump cũng đăng Tweet vào thứ Bảy (2/1/2021) cho biết, thông qua Medicare, người dân Mỹ sẽ “không còn bị buộc phải trả một khoản phí để có được “đặc ân” KHÔNG phải nhận những dịch vụ y tế tồi” như theo những chính sách của ObamaCare.

TT Trump cho biết thêm rằng đạo luật này đã bắt đầu được thi hành vào ngày đầu tiên của năm mới (1/1/2021), và đem lại sự minh bạch tài chính trong y tế – “một trong những điều lớn nhất và quan trọng nhất đối với công dân Hoa Kỳ”.

Giá cả hợp lý, ít lợi nhuận luôn bị cản trở

Ngành công nghiệp dược phẩm, Big Pharm đã lập tức phản đối mạnh mẽ đạo luật Đãi ngộ quốc gia, đặc biệt là chương trình Medicare, vì nó ảnh hưởng đến lợi nhuận khổng lồ từ việc bán thuốc, và quan trọng hơn, kiểm soát thị trường thuốc.

Theo fiercepharma cho biết, ngành công nghiệp dược phẩm không do dự với việc tăng giá thường xuyên. Tính đến nay, ngành dược đã tăng giá thuốc với mức giá trung bình khoảng 4,2% – trong đó bao gồm gần 600 loại thuốc.

Hơn nữa, tốc độ tăng giá thuốc của GoodRx. Pfizer, GlaxoSmithKline, Sanofi, AbbVie và Gilead sẽ tiếp tục leo thang trong năm 2021, cho dù thế giới có chịu ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 trầm trọng như thế nào.

Những điều này có thể phần nào giải thích lý do tại sao các công ty dược phẩm đã ra sức cản trở luật Đãi ngộ quốc gia được ban hành.

Từ tháng 11/2020, các vụ kiện đã được PhRMA, tập đoàn thương mại công nghiệp dược phẩm và một nhóm các tổ chức thương mại công nghiệp công nghệ sinh học, bao gồm Tổ chức Đổi mới Công nghệ Sinh học (BIO), đệ trình lên các tòa án liên bang ở Maryland và California.

Trước khi luật Đãi ngộ quốc gia được ban hành vào ngày 01/01/ 2021. Catherine Blake, thẩm phán quận Maryland, đã tuyên bố các công ty dược tạm thời thắng lợi, và trì hoãn quyền lợi của người dân trong việc tiếp cận Đãi ngộ quốc gia.

Chương trình Medicare có thể giúp người dân thanh toán chi phí với mức giá thấp nhất so với các nước phát triển khác. Chính quyền TT Trump cho biết, động thái này có thể giúp người dân và cả những người bệnh tiết kiệm khoảng 85 tỷ đô la tiền thuế – trong khoảng thời gian lên tới 7 năm.

Thiện Đức

https://www.ntdvn.com/suc-khoe/big-pharma-that-bai-trong-viec-ngan-chan-dao-luat-giam-gia-thuoc-toi-uu-cho-nguoi-my-cua-tt-trump-125377.html

Vì sao đại dịch Covid-19 khiến nhiều cặp vợ chồng đổ vỡ

Maddy Savage

Sau bảy năm chung sống, Sophie Turner, 29 tuổi, và chồng đã đệ đơn ly hôn.

Họ chưa bao giờ bàn về việc chia tay trước khủng hoảng virus corona, nhưng trong trận đại dịch, hôn nhân của họ đã trở nên cay đắng.

Lý do khiến ngày càng nhiều phụ nữ bị lừa tình qua mạng

Sống nghèo khổ khiến đàn ông dễ bị trầm cảm

Dịch vụ thuê người ‘cắm sừng’ ở Nhật Bản

“Tôi căng thẳng hơn, và tất cả mọi thứ chỉ cứ dồn thêm vào, và chúng tôi quyết định có thể là ly thân thử nghiệm,” cô Turner, một nhân viên hỗ trợ dịch vụ xã hội cho trẻ em ở Suffolk, Anh, nói. “Rất nhanh chóng, chúng tôi nhận ra rằng việc ly thân sẽ kéo dài lâu hơn thế.”

Cơn bão nhấn chìm hôn nhân

Trải nghiệm của họ ngày càng trở nên phổ biến, với số đơn ly hôn và vụ chia tay tăng vọt trên khắp nước Anh và trên toàn thế giới.

Công ty luật hàng đầu của Anh, Stewarts, ghi nhận lượt liên hệ xin tham vấn về việc ly hôn tăng 122% từ tháng 7 đến tháng 10 so với cùng kỳ năm ngoái.

Tổ chức Charity Citizen’s Advice cho biết có sự tăng đột biến trong số lượt tìm kiếm lời khuyên trực tuyến về làm sao kết thúc mối quan hệ.

Tại Mỹ, một trang web tạo hợp đồng pháp lý gần đây đã công bố doanh số thỏa thuận ly hôn cơ bản tăng 34%, trong đó các cặp đôi mới cưới kết hôn trong 5 tháng trước đó chiếm 20%.

Ở Trung Quốc, vốn thực thi một trong những lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới vào đầu đại dịch, cũng có xu hướng tương tự.

Điều này cũng xảy ra ở Thụy Điển mà mãi đến gần đây vẫn chủ yếu dựa vào các ý thức tự nguyện của người dân để làm chậm sự lây lan của Covid-19.

Việc đại dịch đã ảnh hưởng đến nhiều mối quan hệ cốt lõi của chúng ta không là điều gì mới mẻ. Nhưng các luật sư, nhà trị liệu và các học giả đang bắt đầu hiểu rõ hơn về nhiều yếu tố thúc đẩy sự bùng nổ ly hôn trong thời Covid-19 – và tại sao nó sẽ tiếp tục xảy ra cho đến năm 2021.

Carly Kinch, luật sư thành viên công ty luật Stewarts, mô tả đại dịch này là ‘cơn bão hoàn hảo’ cho các cặp vợ chồng, với những đợt phong tỏa và giãn cách xã hội khiến họ dành nhiều thời gian ở bên nhau hơn.

Sống có ý nghĩa không phải là điều khó đạt được?

Nghệ thuật tặng quà làm vừa lòng người nhận

Vì sao phụ nữ càng thành đạt càng dễ ly hôn

Trong nhiều trường hợp, điều này đã làm chất xúc tác cho những cuộc chia tay có thể đã manh nha, nhất là khi những nề nếp riêng rẽ của vợ chồng trước đó đã giúp che đậy các vấn đề.

“Tôi không nghĩ rằng lý do khiến mọi người ly hôn nhất thiết đã thay đổi. Luôn có dòng chảy ngầm rằng ‘Tôi không hài lòng với chuyện này chuyện kia ở nhà’. Nhưng tôi nghĩ dịch bệnh đã đưa những chuyện dàn xếp trong nhà thực sự trở thành trọng tâm rõ ràng hơn nhiều so với bình thường.”

Kinch cho biết nhóm của bà không hề bất ngờ trước sự gia tăng số đơn ly hôn sau đợt phong tỏa toàn quốc đầu tiên của Anh kết thúc, vì các vụ tan vỡ thường tăng đột biến sau khi gia đình ở bên nhau nhiều hơn, chẳng hạn trong kỳ nghỉ học hoặc Giáng Sinh.

“Tôi nghĩ phong tỏa về cơ bản giống như những khoảng thời gian nghỉ kéo dài đó, nhưng với áp lực cộng thêm rất lớn,” bà nói.

Điều khác biệt là sự gia tăng đáng kể số lượng phụ nữ chủ động ly hôn, với 76% số vụ ly hôn mới là từ các khách hàng nữ, so với 60% một năm trước.

Bà tin rằng xu hướng này cũng khớp với những phát hiện của nhiều nghiên cứu về cuộc sống của các cặp vợ chồng có con cái và đi làm trong thời Covid-19, vốn cho thấy sự phân chia công nhà và chăm sóc con cái vẫn đè nặng lên vai người phụ nữ một cách bất cân xứng, ngay cả ở các cặp vợ chồng dị tính mà người chồng cũng làm việc tại nhà.

“Tôi nghĩ rằng một số người bước vào phong tỏa với suy nghĩ rằng: ‘À, đây chẳng phải là chuyện hay hay sao! Chúng tôi sẽ có nhiều thời gian hạnh phúc bên nhau. Và người bạn đời của tôi, vốn thường có mặt ở thành phố hoặc phải đến sở làm, sẽ có mặt ở nhà và sẽ giúp được nhiều hơn.’ Và tôi cho rằng đối với nhiều người thì thực tế lại khác quá xa so với những gì họ ngỡ lúc ban đầu,” bà nói thêm.

Căng thẳng trong mối quan hệ

Turner nói rằng cả hai vợ chồng cô thuận tình chia tay và họ vẫn là bạn.

Đối với họ, ngòi nổ của vụ việc là do quyết định ngủ riêng để giảm nguy cơ lây nhiễm cho Turner, vốn có bệnh từ trước và nhận ra rằng điều đó ‘không thực sự tạo nên khác biệt’ đối với chất lượng mối quan hệ của họ.

Nhưng giống như nhiều vụ ly dị trong đại dịch, trường hợp của họ cũng xảy ra các vấn đề giao tiếp. “Chúng tôi đã gây căng thẳng cho nhau và không thực sự nói chuyện đàng hoàng,” cô cho biết.

Khối lượng việc nhà của Turner tăng lên khi cô dạy học cho con trai ở nhà và chăm sóc con của một người bà con, cũng gây xích mích.

Cô nói rằng bạn đời của cô cảm thấy khó chịu khi sự tập trung của cô là ở chỗ khác, trong khi cô bất mãn với việc anh có thể ra khỏi nhà để gặp đồng nghiệp làm việc chung tại một công chuyên về dịch vụ sửa chữa đường ống nước gia đình, còn cô thì luôn bị kẹt ở nhà.

Đối với các cặp vợ chồng khác, việc chia tay có nguyên do từ sự gia tăng các vấn đề tâm thần do đại dịch.

Khi Marie, một biên tập viên 43 tuổi ở Amsterdam, dính Covid-19 hồi tháng 3, nó khiến chứng lo âu của bạn đời của cô ‘đi đến chỗ mất kiểm soát’. “Tôi đã phải xử lý mọi thứ trong khi hai chúng tôi bị cách ly – trong gần một tháng – và điều đó khiến tôi hết sức mệt mỏi,” cô cho biết.

Là một nạn nhân bị chứng ‘Covid kéo dài’, cho đến tháng 7, cô vẫn cảm thấy chật vật để sắp xếp thời gian ngoài ‘những thứ cần thiết’ của công việc bán thời gian và chăm sóc đứa con bốn tuổi.

“Thật không may, mối quan hệ của chúng tôi là một trong những yếu tố đòi hỏi tôi phải nỗ lực quá nhiều: về mặt tình cảm, tinh thần và thể xác. Vì vậy, tôi đã yêu cầu anh ấy ly thân. Nó giống như vấn đề sống còn vậy.”

Nhưng các chuyên gia về quan hệ hôn nhân tin rằng ngay cả những cặp vợ chồng có mối tình cảm bền chặt – vốn không hề trục trặc gì trước đại dịch và cũng thường muốn tránh tạo những thay đổi lớn trong quan hệ vợ chồng hay nếp sinh hoạt trong gia đình – cũng có thể dễ đổ vỡ.

Điều này là do đại dịch đã lấy đi “những nề nếp đã đi vào khuôn khổ vốn đem lại sự thoải mái, ổn định và nhịp nhàng”, Ronen Stilman, nhà trị liệu tâm lý và phát ngôn nhân của Hội đồng Trị liệu Tâm lý Anh, giải thích.

Nếu không có những điều này, những người bạn đời sẽ có ít cơ hội “đi tìm các hình thức hỗ trợ hoặc khích lệ khác” ngoài mối quan hệ chính thức, và điều đó có thể khiến họ thấy căng thẳng.

“Ngày càng có nhiều người thấy họ bị kẹt trong tình huống mà họ đang phải rất vất vả để đối phó với những gì đang xảy ra với họ cũng như những gì đang xảy ra giữa họ với nhau. Giống như một cái nồi áp suất không để chút áp suất nào thoát ra ngoài, cuối cùng nắp nồi có thể bị bật lên và mối quan hệ tan vỡ,” Stilman phân tích.

Đó là trường hợp của Nora, một người Mỹ sống ở Stockholm. Cô đã chia tay với bạn trai người Tây Ban Nha sau khi đại dịch được vài tháng, một năm sau khi họ chuyển vào sống cùng nhau.

Cô gái 29 tuổi này, yêu cầu được giữ kín họ, cho biết cả hai rất nghiêm túc về nguy cơ lây bệnh, cả hai đều chọn làm việc tại nhà và tránh ra khỏi nhà nếu không cần thiết.

“Chúng tôi đã từ bỏ cuộc sống xã hội và đam mê của mình – đối với anh ấy là bóng rổ và tôi là leo núi,” cô giải thích. “Sự khác biệt của chúng tôi ngày càng to lớn, đặc biệt là cuộc sống nội tâm của tôi và tính hướng ngoại của anh ấy. Chúng tôi không thể định thần lại vốn là điều cần làm khi chúng tôi kẹt lại bên nhau – đối với anh ấy là cần thêm bạn và tôi cần thêm không gian.”

Cô cho biết hai người họ đã cố gắng hết sức để tìm giải pháp, nhưng cuối cùng không có kết quả.

Đau đầu về tiền bạc

Luật sư Kinch chỉ ra đại dịch có thể là một trong những thách thức lớn đầu tiên trong cuộc sống mà các cặp vợ chồng trẻ phải đối mặt cùng nhau, điều này có thể giải thích phần nào sự gia tăng đơn ly hôn của các cặp vợ chồng mới cưới ở một số quốc gia, bao gồm cả Mỹ và Canada.

“Nếu bạn là vợ chồng mới cưới hoặc mới yêu nhau chưa bao lâu, thì mối quan hệ đó có thể không được thử thách giống như các cuộc hôn nhân kéo dài được 30 năm, trải qua nhiều năm với những gian nan, thách thức khác nhau,” bà nói.

Trong khi đó, cuộc sống bị cắt giảm mà khủng hoảng dịch bệnh tạo ra trái ngược với những gì mà các cặp vợ chồng mới cưới hình dung về “hạnh phúc hôn nhân của cuộc sống hoàn hảo sẽ như thế nào”.

Thêm vào đó, các chuyên gia tình cảm cho biết tác động tài chính của Covid-19 cũng có thể đóng vai trò quan trọng trong các cuộc đổ vỡ, khi mọi người bị thất nghiệp, cho nghỉ không lương hoặc nhận lương thấp hơn.

“Số lượng các cuộc ly hôn có xu hướng gia tăng không có ngoại lệ trong thời kỳ kinh tế đi xuống, ít nhất là kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ hai,” Glen Sandström, người nghiên cứu lịch sử nhân khẩu học tại Đại học Umeå ở bắc Thụy Điển, giải thích.

“Do chúng ta đang trải qua một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, nhất là về kinh tế, chúng tôi tin rằng kết quả cuối cùng sẽ là bất ổn hôn nhân gia tăng.”

Tiền bạc đã là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra xung đột trong hôn nhân. “Thu nhập giảm làm tăng nguy cơ căng thẳng cho mối quan hệ do xung đột về ưu tiên các nhu cầu tiêu dùng khác nhau và căng thẳng tâm lý đến lượt nó cũng làm tăng xung đột, kết quả là chất lượng mối quan hệ giảm đi do lo lắng về làm sao kiếm đủ tiền,” Sandström cho biết.

Bị sa thải cũng có thể là một đòn giáng mạnh vào lòng tự trọng, nhất là ở những người đàn ông, những người mà “giá trị bản thân vẫn dựa vào khả năng đảm bảo kinh tế cho gia đình, nhiều hơn phụ nữ”. Điều này có thể thể hiện ra ở sự lo lắng, tức giận và ức chế cũng như tăng nguy cơ bạo lực gia đình.

Tuy nhiên, không giống như các cuộc khủng hoảng tài chính khác, đại dịch đã ảnh hưởng nhiều hơn đến những người đã và đang làm những công việc không ổn định trong các ngành có thu nhập thấp như khách sạn, giải trí, bán lẻ và du lịch – những ngành nghề mà phụ nữ, thanh niên và các nhóm thiểu số có mặt đông đảo.

Nikita Amin, một nhà trị liệu tại Culture Minds Therapy, vốn phục vụ cộng đồng da đen và châu Á tại Anh, cho biết dịch vụ của cô đã nhận được nhiều yêu cầu hơn từ khách hàng đối với nhu cầu về cả trị liệu hai vợ chồng lẫn trị liệu cá nhân.

Điều này, cô nói, cho thấy quy mô ảnh hưởng của đại dịch đối với những nhóm này, vì các nhóm thiểu số ở Anh có xu hướng ít tìm kiếm sự trợ giúp về các vấn đề sức khỏe tâm lý và tình cảm, một phần do sự kỳ thị về ly thân và ly hôn.

Cô tin rằng có thể có nhiều người khác không thể tìm kiếm sự giúp đỡ do không có thời gian hoặc tiền bạc hoặc vì họ sợ hãi về cách người bạn đời hoặc người thân của họ có thể phản ứng nếu họ thừa nhận rằng họ đang cân nhắc ly thân.

Xu hướng lâu dài

Bất chấp hy vọng rằng việc triển khai vaccine từ đầu cho đến giữa năm 2021 sẽ cho phép nhiều người trong chúng ta bắt đầu trở lại sống như trước khi có đại dịch, nhiều chuyên gia về ly hôn tin rằng không có gì đảm bảo nó sẽ chấm dứt xu hướng đổ vỡ.

Sandström chỉ ra rằng tác động tài chính của Covid-19 có thể dẫn đến suy thoái dài hạn, có nghĩa là các mối quan hệ gia đình có thể bị căng thẳng do các vấn đề tiền bạc tiếp tục.

“Nếu cú ​​sốc kinh tế lan rộng, khiến tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh, nhiều cuộc hôn nhân sẽ gánh chịu,” ông nói. Nhưng ông nói thêm rằng điều ngược lại cũng có thể xảy ra nếu các nước phục hồi nhanh hơn dự kiến ​​trong năm 2021.

Tuy nhiên, Luật sư Kinch cảnh báo rằng tình hình kinh tế được cải thiện thực sự có thể châm ngòi ly hôn, bởi vì một số người vợ/chồng hiện đang gặp vấn đề trong hôn nhân có thể hoãn lại việc chia tay vì những lý do thực tế.

“Tôi nghĩ khi mọi thứ lắng xuống, tôi sẽ không ngạc nhiên chút nào nếu chúng ta thấy ly dị sẽ tăng nữa, không chỉ đối với những người dù gì thì cũng muốn ly dị, nhưng còn đối với những ai chỉ cảm thấy tất cả đều quá bất định,” Kinch nói.

Bà lập luận rằng làn sóng đổ vỡ mới này cũng có thể bao gồm những bạn đời hiện đang ở cùng nhau vì họ lo lắng phải ở một mình, bắt đầu hẹn hò trở lại trong thời đại giãn cách xã hội hay, ngược lại, lo lắng về những thứ đằng sau của việc bắt đầu thủ tục ly hôn trong khi vẫn sống chung trong thời gian phong tỏa. “Họ không muốn phải nói, ‘Tôi muốn ly hôn’ nhưng sau đó lại phải dành 24 giờ mỗi ngày sống chung.”

Quay trở lại Suffolk, Sophie Turner vừa ký hợp đồng thuê một ngôi nhà mới, để cô được sống gần chị gái và bố mẹ hơn.

Và mặc dù chia tay với chồng là một quá trình đầy thử thách, nhưng cô tin rằng đó là điều tốt nhất.

“Tôi nghĩ tia hy vọng cuối đường hầm (của đại dịch) là nó đã giúp chúng tôi nhận ra rằng chúng tôi thật sự cần phải làm việc này, Nếu không, chúng tôi vẫn ở chung phòng, vẫn không nói chuyện với nhau,” cô nói. “Chúng tôi hạnh phúc hơn khi là bạn bè và chúng tôi không thấy bực mình vì những chuyện nhỏ nhặt.”

https://www.bbc.com/vietnamese/vert-cap-55516899

Một năm sau đại dịch, WHO đến Trung Quốc điều tra về Covid-19

Thụy My

Hơn một năm sau khi virus corona chủng mới xuất hiện, một nhóm chuyên gia của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) được phép đến Trung Quốc để điều tra về nguồn gốc đại dịch Covid-19.

Chuyến thanh tra của 10 chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới (trong đó có một người Việt) vô cùng nhạy cảm đối với chế độ Bắc Kinh, vốn luôn muốn phủi mọi trách nhiệm về đại dịch đã làm cho 1,8 triệu người chết trên toàn thế giới. Trung Quốc đã khiến cuộc điều tra này giống như một đặc vụ bí mật, ngay cả thời điểm cũng không được thông báo cụ thể.

AFP ngày hôm nay, 05/01/2021 cho biết, đoàn chuyên gia quốc tế sẽ bị cách ly hai tuần, sau đó lưu lại từ ba đến bốn tuần để điều tra. Đoàn có thể đến Vũ Hán vào khoảng ngày 20/01, đúng một năm sau khi đô thị 11 triệu dân này bị phong tỏa (ngày 23/01/2020).

Ngày 20/01 cũng là ngày tổng thống Donald Trump rời Nhà Trắng, và một số nhà quan sát cho rằng Bắc Kinh đợi ông ra đi để cho khởi đầu cuộc điều tra, với mục đích không tạo cảm giác đã nhường bước trước đòi hỏi của ông Trump.

Tổng thống Mỹ Donald Trump thường xuyên tố cáo Bắc Kinh đã làm « virus Trung Quốc » lây lan trên toàn cầu, và có thể virus này thoát ra từ một phòng thí nghiệm ở Vũ Hán. Rất nhiều lần Donald Trump

đòi mở điều tra quốc tế về nguồn gốc virus corona chủng mới. Úc cũng yêu cầu tương tự và đã bị Trung Quốc trừng phạt về thương mại.

Chính quyền Trung Quốc tuần rồi đã kết án Trương Triển (Zhang Zhan), một nhà báo công dân bốn năm tù, vì đã đưa tin về Vũ Hán trong thời kỳ phong tỏa. Và Bắc Kinh không bỏ qua một cơ hội nào để gieo rắc nghi ngờ về nguồn gốc của con virus.

Cuối tuần trước, ngoại trưởng Vương Nghị đã tuyên bố « đại dịch có thể đã xuất hiện từ nhiều nơi trên thế giới ». Báo chí Hoa lục ngày càng nêu ra khả năng virus từ ngoài nhập vào qua thực phẩm đông lạnh, tuy giả thiết này bị Tổ Chức Y Tế Thế Giới bác bỏ.

Việc Bắc Kinh sau một năm mới chấp nhận cho điều tra khiến các nhà nghiên cứu nghi ngờ rằng những dấu vết đã bị xóa sạch. Thông tín viên tuần báo Pháp Le Point tại Bắc Kinh còn cho biết trong đoàn chuyên gia có một người được cho là có xung đột lợi ích, vì từng cộng tác nhiều năm với Viện Vi trùng học Vũ Hán.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210105-who-dieu-tra-nguon-goc-covid-19-o-trung-quoc

Covid-19: Anh phong tỏa toàn quốc lần thứ ba

Người dân tại xứ Anh (England) và hầu hết Scotland nay phải ở trong nhà, chỉ được đi ra ngoài trong một số trường hợp đặc biệt; các trường học đóng cửa đối với hầu hết học sinh.

Bộ trưởng Tài Chính Rishi Sunak nói rằng đây là điều “đáng tiếc” nhưng “việc chúng ta có các biện pháp này là đúng đắn”.

Covid-19: Anh bắt đầu cho tiêm vaccine Oxford-AstraZeneca, đặt hy vọng lớn

Covid-19: VN ký mua vaccine Oxford-AstraZeneca

Covid-19: Israel đã tiêm vaccine cho 12% dân, dẫn đầu thế giới

Tình trạng phong tỏa sẽ được xem xét lại tại xứ Anh vào ngày 15/2.

Quyết định được đưa ra sau khi các quan chức y tế cao cấp nhất của Anh khuyến nghị rằng mức đe dọa do Covid-19 gây ra cần phải tăng lên mức 5, là mức cao nhất ở nước này.

Thủ tướng Boris Johnson nói việc chủng ngừa với bốn nhóm ưu tiên cao nhất dự kiến sẽ được triển khai xong vào giữa tháng Hai, từ đó sẽ giúp giảm bớt mức hạn chế.

Covid-19: EU bắt đầu tiêm chủng đại trà

Covid-19: Cuộc chiến chống virus tấn công tự do ở châu Á thế nào?

Chống Covid-19 bằng vaccine hay miễn dịch cộng đồng?

Các hạn chế phong tỏa mới, nghiêm ngặt, theo đó không cho phép mọi người rời khỏi nhà nếu không có lý do thiết cốt.

Phong tỏa trên diện rộng

Lệnh này cũng được áp dụng tại hầu hết các nơi ở Scotland, và sẽ được xem xét lại vào cuối tháng này.

Tại xứ Wales, nơi đã áp lệnh phong tỏa toàn quốc kể từ 20/12, các trường học học sẽ đóng cho tới ngày 18/1 đối với hầu hết các học sinh.

Bắc Ireland, nơi đã bắt đầu thời gian phong tỏa 6 tuần kể từ 26/12, nay dự kiến sẽ luật hóa thông điệp ‘hãy ở nhà’, và sẽ có một giai đoạn dài áp dụng dạy/học từ xa, quan chức cao cấp của xứ này nói.

Trên toàn Anh Quốc đã ghi nhận 58.784 trường hợp nhiễm bệnh hôm thứ Hai, với thêm 407 ca tử vong trong vòng 28 ngày kể từ khi có xét nghiệm dương tính.

Bộ trưởng Nội các Michael Gove nói với BBC Breakfast: “Bốn trưởng quan y tế của Anh đã họp và thảo luận tình hình ngày hôm qua. Họ ra khuyến nghị rằng cả nước cần phải chuyển lên mức độ báo động năm, là mức cao nhất. Điều đó có nghĩa là đang có mối đe dọa hiện hữu khiến hệ thống y tế công NHS sắp bị quá tải nếu chúng ta không có hành động gì.”

Hủy bỏ các kỳ thi quan trọng

Ông Gove cũng xác nhận các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông cơ sở (GCSE) và dự bị đại học (A-level) tại xứ Anh năm nay sẽ bị hủy bỏ.

“Đây là thời điểm rất, rất khó khăn cho cả nước. Đó là lý do vì sao điều quan trọng là chúng tôi trong chính phủ cần phải làm mọi chuyện để chủng ngừa cho mọi người,” ông nói.

Ông nói rằng một triệu người đã được tiêm chủng tính đến dịp cuối tuần rồi, và người ta hy vọng rằng số người được chủng ngừa sẽ đạt 13 triệu người trong tháng Hai.

Chính phủ cũng đang cân nhắc tới những phương án áp lệnh hạn chế đi lại quốc tế, ông nói.

Ông nói với kênh Sky News rằng ông không thể nói đích xác khi nào lệnh phong tỏa tại xứ Anh sẽ chấm dứt, và nói thêm: “Tôi nghĩ rằng sẽ chuẩn xác khi nói là khi bước vào tháng Ba, chúng ta sẽ có thể dỡ bỏ một số các hạn chế này, nhưng không phải là dỡ bỏ toàn bộ.”

Giáo sư Andrew Hayward, một thành viên trong Nhóm Tư vấn Khoa học Khẩn cấp của Chính phủ (Sage) nói với chương trình Today của đài phát thanh BBC Radio4 rằng các biện pháp phong tỏa “sẽ cứu được hàng chục ngàn nhân mạng”.

Nhưng ông nói “virus này rất khác”, và “có thể là các biện pháp phòng tỏa mà chúng ta đang có là vẫn chưa đủ”.

“Giai đoạn phong tỏa này, chúng ta cần phải làm nhiều hơn chứ không chỉ là ngồi ở nhà, chờ đợi vaccine; chúng ta cần phải tích cực nhanh chóng xử lý nó,” ông nói.

Áp lực lên hệ thống y tế công

Hôm thứ Hai, khi công bố việc áp lệnh phong tỏa tại xứ Anh, ông Boris Johnson nói rằng các bệnh viện hiện đang bị áp lực do Covid-19 nhiều hơn bao giờ hết kể từ khi đại dịch bắt đầu.

Ông thủ tướng yêu cầu mọi người hãy ở trong nhà trừ các trường hợp đặc biệt, chẳng hạn như vì lý do y tế, đi mua thực phẩm, tập thể dục, hoặc đi làm đối với các công việc không thể làm từ nhà, và nói các trường học cần chuyển sang chương trình dạy học từ xa đối với hầu hết các học sinh cho đến ít nhất kỳ nghỉ giữa kỳ trong tháng Hai.

Ông thủ tướng nói những người sống trong các trại dưỡng lão và những người chăm sóc họ, những người từ 70 tuổi trở lên, toàn bộ các nhân viên y tế và nhân viên chăm sóc xã hội làm việc ở tuyến đầu, cùng tất cả những ai có bệnh nền, đặc biệt dễ bị tổn thương, sẽ được tiêm một liều vaccine, chậm nhất là vào giữa tháng Hai.

Theo các quy định mới tại xứ Anh, các nhóm hỗ trợ nhau và hỗ trợ chăm sóc trẻ (bubbles) vẫn được tiếp tục duy trì, và mọi người được phép gặp một người không sống cùng nhà với mình ở ngoài trời.

Việc ra khỏi nhà để tập thể dục được hạn chế ở mức mỗi ngày một lần.

Các hoạt động thờ phượng cộng đồng và tang lễ được tiếp tục tổ chức, nhưng với số lượng người tham gia hạn chế. Đám cưới được phép tiến hành trong các trường hợp đặc biệt, với lượng người tham dự tối đa là sáu người.

Ông Johnson nói biến chủng mới của virus corona, có khả năng lây nhiễm cao hơn 70% so với chủng virus cũ, đang lây lan nhanh chóng tới mức báo động, và cảnh báo rằng số lượng bệnh nhân Covid-19 tại các bệnh viện ở Anh hiện cao hơn 40% so với lần cao điểm đầu tiên.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-55546387

Brexit: Thay đổi từ năm 2021 đối với người Pháp muốn đi Anh

Tuấn Thảo

Sau nhiều năm đàm phán khá gay go giữa Anh quốc và Liên Hiệp Châu Âu, cuối cùng Brexit đã trở thành hiện thực kể từ ngày 01/01/2021. Ngoài các ràng buộc liên quan đến dịch Covid-19, Brexit dĩ nhiên dẫn đến một số thay đổi đối với ngành giao thông vận tải, cụ thể hơn là ngành chuyên chở du khách đến từ khối các nước thành viên Liên Hiệp Châu Âu.

Hiện tại, nước Anh đang bước vào đợt phong tỏa toàn quốc lần thứ 3, du khách nên hoãn các chuyến đi đến giữa tháng Hai. Ngoài những hạn chế liên quan đến Covid-19, Brexit có thể gây thêm khó khăn cho việc đi lại giữa Pháp và Anh ? Trong trường hợp của Pháp, các thủ tục di chuyển giữa Paris và Luân Đôn tương đối phức tạp do doanh nhân hay du khách Pháp có thể đến thủ đô Anh bằng máy bay, xe lửa cao tốc hay xe hơi (có dùng phà hay qua đường hầm xuyên biển Manche). Hệ thống tàu cao tốc TGV Eurostar nối liền nhà ga Paris với trung tâm thành phố Luân Đôn trong vòng chưa đầy hai tiếng rưỡi, cho nên số khách Pháp dùng hệ thống đường sắt cao hơn nhiều so với các phương tiện di chuyển khác. 

Thay đổi thật sự sau ngày 01/10/2021

Liệu các thủ tục di chuyển sẽ rườm rà hơn sau khi nước Anh rời khỏi liên minh thuế quan và thị trường chung châu Âu ? Theo cô Séverine Tharreau, giám đốc điều hành cơ quan quảng bá Du lịch nước Anh Visit Britain, trước mắt sẽ không có gì thay đổi đối với du khách Pháp nói riêng và Liên Hiệp Châu Âu nói chung, ít ra trong 9 tháng đầu năm 2021. Thế nhưng, kể từ đầu ngày 01/10/2021 trở đi, các thủ tục mới liên quan tới vấn đề đi lại giữa Anh quốc và Liên Âu sẽ được áp dụng. 

Theo trang mạng chính thức France Diplomatie, đối với các hành khách Pháp đến Anh vì mục đích kinh doanh hay đơn thuần du lịch giải trí, chỉ cần có hộ chiếu hoặc một tấm thẻ căn cước hợp lệ, thì không cần phải xin visa để nhập cảnh vào Anh, Scotland, Bắc Ireland, xứ Wales cũng như hai đảo Jersey và Guernesey thuộc lãnh thổ Vương quốc Anh.

Tuy nhiên, kể từ ngày 01/10/2021, nước Anh sẽ không còn chấp nhận loại thẻ căn cước như giấy tờ thông hành. Du khách Pháp cũng như công dân châu Âu, kể cả Thụy Sĩ và các nước ngoài khối Liên Âu buộc phải có hộ chiếu tùy thân để có thể đặt chân lên lãnh thổ Anh. Nếu thời gian lưu trú của du khách chưa đầy 6 tháng, thì du khách không cần phải có thị thực. Tuy nhiên, dù được quy chế miễn visa trong 6 tháng, khách Pháp vẫn không được quyền làm việc hay xin trợ cấp dưới bất kỳ hình thức nào. 

PUBLICITÉ

Đối với các thuê bao điện thoại di động, bốn nhà cung cấp dịch vụ mobile của Pháp cho biết sẽ không tính phụ phí trên các cuộc gọi cũng như dịch vụ internet của khách Pháp ngay trên lãnh thổ Anh quốc. Nói tóm lại, các tập đoàn viễn thông Pháp quyết định duy trì y như cũ các điều kiện về giá cả cho khách hàng của họ. Tuy nhiên, biện pháp “ưu đãi” chỉ áp dụng một chiều. Trong trường hợp, du khách Pháp từ nước Anh gọi điện về gia đình bên Pháp, cuộc gọi ấy vẫn được xem như là một cuộc gọi quốc tế và sẽ bị tính thêm phí. Tốt nhất là dùng các ứng dụng có sẵn điện thoại miễn phí thông qua mạng wifi. Về mặt y tế cũng vậy, phí bảo hiểm trong thời gian di chuyển ở Anh sẽ cao hơn so với phí bảo hiểm trong khối Liên hiệp châu Âu.

Ngành hàng không, đường sắt trấn an hành khách 

Trong tiến trình Brexit, cả hai ngành hàng không và đường sắt đều đã được chuẩn bị kỹ càng, nhất là trong các thông điệp đầu năm nhằm “trấn an” hành khách. Theo ông Clément Beaune, quốc vụ khanh phụ trách các vấn đề châu Âu, cảnh sát biên giới và nhân viên hải quan của cả hai phía sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong vấn đề di chuyển trong thời gian đầu sau Brexit. Các nhà ga tàu cao tốc Eurostar tại Paris cũng như tại Luân Đôn đều rà soát lại toàn bộ các bảng chỉ dẫn để tiếp đón và hướng dẫn hành khách trong điều kiện tốt nhất. Thật ra, các ràng buộc khó khăn nhất trong việc đi lại hiện thời vẫn là mọi hành khách phải trình kết quả xét nghiệm âm tính Sars-CoV-2 nếu họ muốn đi Anh đầu năm 2021.

Khi đã trình kết quả xét nghiệm âm tính, hành khách Pháp cũng như công dân Liên Âu sẽ có thể di chuyển tự do trên toàn lãnh thổ Anh mà không gặp gới hạn nào. Hộ chiếu sẽ được đóng dấu khi bạn rời khỏi khu vực Schengen, chứ không có đóng dấu khi khách Pháp rời  nước Anh. Thủ tục hải quan cũng chẳng phức tạp rườm rà hơn và thường được thực hiện trước khi khách lên máy bay hoặc thông qua các cổng kiểm tra có cửa tự động trước khi lên tàu cao tốc. Theo giám đốc cơ quan quảng bá du lịch Visit Britain, điều đó không thay đổi gì nhiều về khoản thời gian xếp hàng chờ đợi ở biên giới.

Mức độ giao thông hiện nay rất thấp do vẫn còn trong mùa dịch và việc tuyển dụng thêm 600 nhân viên hải quan để chuẩn bị cho thời hạn đầu tháng 10/2021. Công ty Eurostar với hơn 11 triệu hành khách trong năm 2019, đảm bảo rằng tàu cao tốc sẽ hoạt động bình thường, trong thời gian đầu sau Brexit, tuy nhiên hành khách nên  đến nhà ga ít nhất một giờ trước khi tàu khởi hành, chủ yếu là để có đủ thời gian kiểm tra về mặt an ninh và giấy chứng nhận kết quả xét nghiệm âm tính Covid, còn vấn đề phải có hộ chiếu đối với hành khách mang quốc tịch Pháp sẽ được áp dụng triệt để hơn sau ngày 01/10.

Luân Đôn hấp dẫn trở lại trong mắt du khách

Theo ông Daniel Dalton, giám đốc phòng thương mại Anh, mọi thứ đã được tính toán để không tạo ra rào cản cho du khách đến từ châu Âu. Về điểm này, nước Anh tỏ ra linh hoạt hơn so với các nước châu Âu. Thật vậy sau Brexit, du khách có quốc tịch Anh muốn vào Liên Hiệp Châu Âu phải chứng minh rằng họ có mua bảo hiểm, có đủ khả năng tài chính trong suốt chuyến đi và phải trình vé khứ hồi nếu đi du lịch bằng đường hàng không. Thời gian lưu trú của du khách Anh trong khối Liên Âu chỉ được tối đa là 90 ngày, trong khi khách Pháp có thể lưu trú ở Anh trong khoảng 6 tháng.

Mặc dù các thay đổi quan trọng nhất chỉ được áp dụng từ tháng 10/2021 và biết đâu chừng các điều kiện nhập cảnh Anh khi ấy sẽ trở nên gắt gao hơn, nhưng rõ ràng Anh quốc theo cơ quan London & Partners vẫn là một địa điểm có nhiều sức hút đối với du khách châu Âu nói riêng, quốc tế nói chung. 

Với khoảng 9 triệu dân, thủ đô Luân Đôn vẫn lôi cuốn đông đảo du khách và thành phần doanh nhân hay chuyên gia đến tham dự các hội nghị hoặc các sự kiện theo chuyên đề. Theo báo cáo do Sở Du lịch Anh công bố hồi trung tuần tháng 12, nước Anh dự kiến sẽ tiếp đón 16,9 triệu lượt khách nước ngoài trong năm 2021, tức là tăng 73% so với năm 2020, và hy vọng lượng du khách sẽ sớm được phục hồi để tìm lại mức bình thường là hơn 40 triệu khách quốc tế hàng năm.

Nếu như trong một thập niên gần đây vầng hào quang của Luân Đôn hơi bị lu mờ trước độ tỏa sáng của các thành phố khác là Barcelona (Tây Ban Nha), Lisboa (Bồ Đào Nha) hoặc Praha (Cộng hòa Séc). Các thành phố này thu hút thêm nhiều du khách châu Âu do giá sinh hoạt mềm hơn, chứ không đắt đỏ như Luân Đôn trong những năm gần đây.

Tuy nhiên, với việc trùng tu phố xá và sự phát triển của các quận mới (thủ đô Anh có tổng cộng 33 quận), Luân Đôn trở nên hấp dẫn trở lại nhờ các dịch vụ ăn uống với giá cả phải chăng hơn. Một điều quan trọng khác nữa, là với tiến trình Brexit, đồng bảng Anh bị mất giá, giảm khoảng 15% kể từ năm 2017, dĩ nhiên đối với thành phần du khách Phá và châu Âu thích đi mua sắm, đây là vì một lợi thế vì với cùng một túi tiền, khách Pháp lại có nhiều sức mua hơn.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210105-brexit-va-thay-doi-voi-nguoi-phap-muon-di-anh

Dân biểu Đức kêu gọi trả tự do cho ông Phạm Chí Dũng

Dân biểu liên bang Đức Renate Künast hôm 5/1 kêu gọi chính quyền Việt Nam trả tự do cho nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng ngay sau khi ông bị kết án 15 năm tù và 3 năm quản chế.

“Hôm nay tôi rất bàng hoàng nhận tin nhà báo nổi tiếng Tiến sĩ Phạm Chí Dũng, Chủ tịch của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam (IJAVN), đã bị Tòa án Nhân dân Tp. HCM kết án 15 năm tù và thêm 3 năm quản thúc tại gia với cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam,” bà Künast viết trong một thông cáo bằng tiếng Đức và được tổ chức VETO! Mạng lưới Người Bảo vệ Nhân quyền dịch sang Việt ngữ và gửi cho VOA ngày 5/1.

XEM THÊM:

Nhà báo Phạm Chí Dũng bị kết án 15 năm tù, 3 năm quản chế

“Hai cộng sự viên của ông cũng bị tòa án này kết án tổng cộng 22 năm tù và 6 năm quản thúc tại gia. Đây là án tù cao nhất cho tới nay cho tội danh này đối với người bảo vệ nhân quyền ở Việt Nam,” Dân biểu Đức cho biết.

“Cũng trong tư cách là Chủ tịch Nhóm Dân biểu về Quan hệ với Khối ASEAN của Quốc hội Liên bang Đức tôi kêu gọi Việt Nam trả tự do cho Ts. Phạm Chí Dũng, ông Nguyễn Tường Thụy và ông Lê Hữu Minh Tuấn,” bà kêu gọi.

Dân biểu Künast, trước đó đã chính thức bảo trợ cho ông Phạm Chí Dũng, cho biết rằng ngay trước khi bị bắt Ts. Dũng đã nhiều lần và mạnh mẽ kêu gọi Nghị Viện Âu Châu không bỏ phiếu thông qua Hiệp định Thương mại Tự do giữa EU và Việt Nam (EVFTA) nếu Việt Nam không trả tự do cho các tù nhân chính trị và không cải thiện tình trạng nhân quyền một cách cụ thể.

XEM THÊM:

Vụ 3 nhà báo độc lập: Vợ ông Tường Thụy phản đối án tù và hình phạt tiền

“Các quốc gia thành viên của Liên minh Âu Châu (EU) có bổn phận đấu tranh cho ông được tự do và cho tự do báo chí ở Việt Nam với tất cả các phương tiện của EVFTA và Hiệp định Đối tác và Hợp tác giữa EU và Việt Nam (PCA),” thông cáo viết.

Bà nhấn mạnh: “Những hứa hẹn cải thiện nhân quyền trong tiến trình phê chuẩn EVFTA là chưa đủ mà cần chứng minh bằng hành động thực tế. Thương mại tự do với khối EU không thể diễn ra mà không bảo vệ nhân quyền.”

https://www.voatiengviet.com/a/dan-bieu-duc-keu-goi-tra-tu-do-cho-ong-pham-chi-dung/5725096.html

Iran phủ nhận việc bắt tàu Hàn Quốc làm con tin

Reuters đưa tin, hôm thứ Ba (4/1), Iran đã phủ nhận cáo buộc rằng họ sử dụng tàu Hankuk Chemi của Hàn Quốc và thủy thủ đoàn làm con tin để mặc cả với Seoul.

Trước đó một ngày, Vệ binh Cách mạng Iran đã bắt giữ tàu Hankuk Chemi ở vùng Vịnh. Trên tàu có 20 thuyền viên, trong đó có thủy thủ người Việt Nam.

Mặc dù tuyên bố không sử dụng tàu Hàn Quốc làm con tin nhưng Teheran lại thúc ép Seoul bỏ phong tỏa số tiền 7 tỷ USD bị đóng băng theo lệnh trừng phạt của Mỹ.

“Chúng tôi đã quen với những cáo buộc như vậy“, Người phát ngôn chính phủ Iran Ali Rabiei nói trong một cuộc họp báo. “Nhưng nếu có bất kỳ vụ bắt giữ con tin nào, thì đó là chính phủ Hàn Quốc đang nắm giữ 7 tỷ đô la thuộc về chúng tôi làm con tin vô căn cứ”.

Hàn Quốc đã triệu tập đại sứ Iran, kêu gọi Teheran thả tàu và cho biết họ đang cử một phái đoàn tới Iran để thảo luận về vụ việc.

Tàu Hankuk Chemi khởi hành từ thành phố Jubail, Arab Saudi, và bị bắt khi đang trên đường đến Fujairah, Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Vệ binh Iran bắt giữ Hankuk Chemi với lý do rằng con tàu này “liên tiếp vi phạm điều luật môi trường hàng hải” và gây ô nhiễm Vùng Vịnh

https://www.dkn.tv/the-gioi/iran-phu-nhan-viec-bat-tau-han-quoc-lam-con-tin.html

Nhật Bản đã đánh giá sai về ĐCS Trung Quốc sau sự kiện thảm sát Thiên An Môn 1989

 Bình luậnĐông Phương

Gần đây, Nhật Bản đã tiết lộ 26 tập tài liệu ngoại giao, bao gồm cả việc các nước phương Tây đã áp đặt các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) sau vụ Thảm sát ở Quảng trường Thiên An Môn vào ngày 4/6/1989. Các tài liệu ngoại giao cho thấy, khi đó Nhật Bản đã khẳng định rằng nếu muốn để ĐCSTQ đi theo hướng cải cách thì phương Tây không nên thực hiện các biện pháp mạnh đối với ĐCSTQ. Mãi đến 30 năm sau, Nhật Bản mới phát hiện ra rằng mình đã bị ĐCSTQ lừa dối.

Vào ngày 31/12/2020, hãng truyền thông Anh BBC đưa tin rằng Bộ Ngoại giao Nhật Bản đã tiết lộ 26 tài liệu ngoại giao dài tới hơn 10.000 trang vào tuần trước, trong đó có chứa các tài liệu sao chụp “cực kỳ mật”. Việc công khai một lượng lớn tư liệu lịch sử ngoại giao như lần này là điều hiếm thấy ở Nhật Bản kể từ sau Thế chiến II.

Các tài liệu ngoại giao được tiết lộ lần này chứa tư liệu lịch sử về chính sách đối ngoại của Nhật Bản từ năm 1987-1990. Trong ba năm này, thế giới chứng kiến sự sụp đổ của hệ thống xã hội chủ nghĩa, và nhiều nước ở Liên Xô và Đông Âu đã lần lượt đi theo hướng dân chủ.

Nhưng tại Trung Quốc, vào tháng 6/1989 đã nổ ra cuộc vận động đàn áp sinh viên tại Quảng trường Thiên An Môn ngày 4 tháng 6, hay còn gọi là Sự kiện Lục Tứ. ĐCSTQ đã phái quân đội đến đàn áp dã man các sinh viên theo đuổi dân chủ, dẫn đến hơn 10.000 người chết và hơn 40.000 người bị thương. Hành vi này bị cộng đồng quốc tế lên án mạnh mẽ.

Vào thời điểm đó, các nước phương Tây bao gồm cả Nhật Bản đã đánh giá lại mối quan hệ của họ với ĐCSTQ. Các tài liệu được tiết lộ cho thấy sau vụ việc, Nhật Bản đã tuyên bố với Trung Quốc rằng “từ quan điểm nhân đạo, chúng tôi không thể khoan nhượng chút nào”. Nhưng đồng thời, Nhật Bản vẫn khăng khăng cho rằng phương Tây không nên áp dụng các biện pháp mạnh đối với ĐCSTQ.

Tại hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Paris, Pháp vào tháng 7/1989, 7 quốc gia công nghiệp lớn đã thảo luận và đưa ra tuyên bố lên án nghiêm khắc, đồng thời áp dụng các biện pháp trừng phạt mạnh hơn nữa đối với ĐCSTQ, Nhật Bản là quốc gia duy nhất trong G7 phản đối.

Khi đó, tổng năng suất kinh tế của Nhật Bản vẫn gấp 8 lần so với ĐCSTQ, và đây cũng là nước viện trợ lớn nhất cho ĐCSTQ, nước này đã đầu tư rất nhiều vào Trung Quốc.

Mặc dù động thái của Nhật Bản bị một số đồng minh phương Tây phản đối, các nước G7 cuối cùng đã đạt được đồng thuận “phải tránh cô lập Trung Quốc để nước này tiến hành cải cách”.

Sau năm 1990, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản đạt được nhiều tiến triển tốt đẹp. Vào tháng 7 cùng năm, Nhật Bản khôi phục lại các khoản vay viện trợ cho ĐCSTQ. Năm 1991, ông Kaifu Toshiki, khi đó là Thủ tướng Nhật Bản, đã được mời đến thăm Bắc Kinh, và Nhà vua Akihito của Nhật cũng đã có chuyến thăm tới Trung Quốc vào năm 1992.

BBC nhận định rằng “chính sách Trung Quốc ổn định và cởi mở” mà Nhật Bản từng hy vọng có vẻ như đã được thực hiện. Nhưng ngày nay, 30 năm sau, Nhật Bản lại một lần nữa đứng trước ngã ba đường, đứng trước tình thế tiến thoái lưỡng nan là làm thế nào để hòa hợp với Bắc Kinh.

Kể từ năm 2020, Bắc Kinh đã che giấu virus viêm phổi Vũ Hán và gây ra đại dịch trên toàn thế giới, mang lại tai họa nghiêm trọng cho người dân các nước. Cho đến nay, thế giới có hơn 18 triệu người bị nhiễm bệnh và gần 2 triệu người đã chết.

Ngoài ra, các hoạt động của ĐCSTQ ở Tân Cương, Tây Tạng, Hong Kong và Đài Loan đã khiến cộng đồng quốc tế ngày càng cảnh giác. Các nước phương Tây do Hoa Kỳ lãnh đạo đã nhận thức được sự an nguy của chính mình nên đã hợp lực để bao vây, áp chế ĐCSTQ và “tách rời” mối quan hệ với chính quyền chuyên chế này. Kể cả Úc và Canada cũng công kích mạnh mẽ và chỉ trích Bắc Kinh.

BBC cho biết thái độ hiện tại của Nhật Bản vẫn còn tương đối mơ hồ. Về tài liệu được tiết lộ này, tờ The Asahi Shimbun của Nhật Bản đã đăng một bài xã luận nói rằng trong 30 năm qua, hướng phát triển của Trung Quốc hoàn toàn khác với những gì trong tưởng tượng, ĐCSTQ đã phát triển thành một nền kinh tế lớn gấp 3 lần Nhật Bản.

Bài xã luận cho rằng ĐCSTQ đang đàn áp các quyền cơ bản của con người. Là một thành viên của cộng đồng quốc tế, Nhật Bản nên bày tỏ quan điểm rõ ràng hơn đối với ĐCSTQ, cần suy ngẫm lại thái độ mềm yếu trước kia của họ để rút ra bài học.

Tờ Sankei Shimbun của Nhật Bản cũng chỉ trích và nói rằng thái độ của Nhật Bản đối với ĐCSTQ trong 30 năm qua là sai lầm, và chính phủ Nhật Bản nên suy ngẫm sâu sắc về điều đó. Bài báo cho rằng hành vi chuyên chế của ông Tập Cận Bình cùng việc sử dụng sức mạnh kinh tế khổng lồ để vun đắp sức mạnh quân sự cũng đã tạo ra những mối đe dọa cho Nhật Bản; và trước tình hình ĐCSTQ không coi trọng nhân quyền như vậy, không nên để ông Tập Cận Bình đến thăm Nhật Bản với tư cách là khách mời của chính phủ.

Ông Kazuki Suwa, một giáo sư chuyên về chính trị Trung Quốc hiện đại tại Đại học Shizuoka, cũng phân tích rằng Hong Kong từng là mảnh đất mà mọi người đều mong đợi rằng sẽ đi đầu trong việc dân chủ hóa ở Trung Quốc, nhưng giờ mọi người đều đã thấy Hong Kong lại là nơi phải chịu nhiều áp bức hơn cả. Đối mặt với một ĐCSTQ không có khả năng dân chủ hóa, Nhật Bản nên tổng hợp lại kinh nghiệm 30 năm trước của mình và bình tĩnh phán đoán bước tiếp theo.

Giáo sư Terumasa Nakanishi của Đại học Kyoto cũng cho biết, Trung Quốc và Nhật Bản có những điểm tương đồng về địa lý, năm đó phía Nhật Bản mong muốn Trung Quốc cải cách, mở cửa để Nhật Bản bước vào đường lối thân Trung. Tuy nhiên, kỳ vọng thông qua kinh tế để thúc đẩy dân chủ đã khiến thế giới đưa ra những đánh giá sai lầm.

Đông Phương

Theo NTD tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/nhat-ban-da-danh-gia-sai-ve-dcs-trung-quoc-sau-su-kien-tham-sat-thien-an-mon-1989-124017.html

Luật sư bào chữa cho 12 nhà hoạt động Hồng Kông bị chính quyền trả thù

Tâm Thanh

Những năm trở lại đây, luật sư nhân quyền Trung Quốc thường xuyên bị chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp. Ông Lư Tư Vị (Lu Siwei), luật sư Trung Quốc trước đó đã dũng cảm đứng ra bào chữa cho 12 nhà hoạt động dân chủ Hồng Kông, hôm qua (ngày 4/1) đã nhận được thông báo từ chính quyền cho biết nhà chức trách đã thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông, theo Sound of Hope.

Luật sư Lư Tư Vị thời gian qua liên tiếp nhận được thông báo từ Sở Tư pháp tỉnh Hà Nam và tỉnh Tứ Xuyên, tuyên bố rằng chính quyền sẽ xử phạt hành chính sau khi thu hồi giấy phép hành nghề luật sư của ông.

Thông tấn xã Trung ương CNA hôm 4/1 đưa tin: “Thông báo về quyền thu thập ý kiến đương sự trong trường hợp xử phạt hành chính” do Sở Tư pháp tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc gửi cho ông Lư vào ngày 4/1. Trong đó, nội dung đề cập đến việc ông Lư đã đăng tải lượng lớn bài viết và lời lẽ không thích đáng trên mạng Internet, “tổn hại nghiêm trọng đến hình ảnh của ngành luật sư”. Do đó, chính quyền sẽ thu hồi chứng chỉ hành nghề luật sư của ông.

Phía nhà chức trách cáo buộc rằng, hành vi của ông Lư đã vi phạm các quy định liên quan của “Luật luật sư” và “Các biện pháp quản lý hành nghề luật sư”. Ông Lư Tư Vị có quyền phát biểu, bào chữa, yêu cầu điều trần và có thể nộp đơn xin điều trần trong vòng 3 ngày kể từ ngày nhận được thông báo này.

Trước sự việc này, luật sư Lư bày tỏ với Apple Daily qua tin nhắn rằng, vụ việc xảy ra với ông rất có thể có liên quan đến việc ông làm luật sư đại diện cho vụ án 12 người dân Hồng Kông.

Ông Lư Tư Vị, 47 tuổi, là một luật sư nhân quyền nổi tiếng ở Trung Quốc. Sau khi ông hỗ trợ án kiện vụ bắt giữ công dân Hồng Kông vào năm ngoái, công ty luật Kim Khiết, Tứ Xuyên, nơi ông làm việc, đã nhận được thông báo từ Sở Tư pháp quận Thanh Dương, thành phố Thành Đô vào ngày 3/11 năm ngoái, yêu cầu công ty này phải gửi cho Sở Tư pháp các tệp hồ sơ, thỏa thuận của cơ quan ủy quyền cùng các tài liệu khác về tất cả các vụ án mà luật sư Lư đã đại diện kể từ tháng 2/2019 đến nay.

Hồi tháng 8 năm ngoái, 12 thanh niên Hồng Kông tham gia phong trào phản đối “Luật dẫn độ đào phạm sang Trung Quốc” đã bị lực lượng cảnh sát biển Trung Quốc bắt giữ trong lúc vượt biên đến Đài Loan tị nạn. Vụ án đã được khép lại vào ngày 28/12/2020, theo đó, 10 người trong số đó đã bị kết án từ 7 tháng đến 3 năm tù. Hai người còn lại không truy tố và phía Thâm Quyến đã chuyển giao họ cho cảnh

sát Hồng Kông vào sáng 30/12. Trước ông Lư Tư Vị, 6 luật sư đồng nghiệp đã bị buộc phải rút khỏi vụ án.

Luật sư Lư Tư Vị cho rằng, hình phạt hành chính mà ĐCSTQ áp đặt đối với ông chủ yếu là để trả đũa ông vì đã đứng ra bào chữa pháp lý cho 12 người dân Hồng Kông và tiếp nhận phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông khác nhau liên quan đến vụ việc. Ông đã đưa ra tuyên bố rằng, Sở Tư pháp ra quyết định thu hồi giấy phép hành nghề của ông trong tình huống chưa lập hồ sơ là trái pháp luật, đây là hành vi lạm dụng chức quyền. Đồng thời, ông cũng tuyên bố thêm rằng, ông sẽ gửi yêu cầu điều trần đến Sở Tư pháp với tư cách là người bào chữa.

https://www.dkn.tv/the-gioi/luat-su-bao-chua-cho-12-nha-hoat-dong-hong-kong-nhan-qua-dang.html

Lãnh đạo Tòa án Hồng Kông kêu gọi một nền tư pháp độc lập

Minh Anh

« Điều chúng ta cần nhất cho Hồng Kông, đó là một nền tư pháp độc lập ». Ông Mã Đạo Lập (Geoffrey Ma), chánh án Tòa chung thẩm, ngày 05/01/2021 đã tuyên bố như trên trong buổi họp báo trước khi về hưu.

Phát biểu này của lãnh đạo tòa án Hồng Kông được đưa ra vào lúc truyền thông chính thức Trung Quốc đang vận động cải cách sâu rộng nền tư pháp đặc khu.

Vị chánh án nay 64 tuổi này, khi bày tỏ nỗi lo tư pháp Hồng Kông có xu hướng chuyển dần cách vận hành theo Trung Hoa lục địa, đã nhắc lại : « Có ba điều khoản trong Luật Cơ bản nhấn mạnh rằng tư pháp Hồng Kông là độc lập, và chúng ta cần phải nhớ rõ điều đó ».

Sinh ra và lớn lên ở Hồng Kông, từng theo học ở Anh Quốc, ông Mã Đạo Lập nhận thấy tư pháp Hồng Kông là cởi mở với cải cách với điều kiện sự đổi mới này là nhằm cải thiện cách thức vận hành. Ông nói : « Khó có thể chấp nhận để nói là người ta muốn cải cách bởi vì tư pháp không đáp ứng được những quyết định như mong muốn ».

Những lời nhận định này của ông Mã Đạo Lập được đưa ra trong bối cảnh từ một năm qua tư pháp Hồng Kông là mục tiêu đả kích của truyền thông chính thức Trung Quốc về cách thức chính quyền đặc khu xét xử những vụ biểu tình phản đối lớn chưa từng có trong năm 2019. Hệ quả là chính quyền Bắc Kinh đã cho áp đặt một đạo luật an ninh hà khắc, phá vỡ một phần rào cản tư pháp phân cách Hồng Kông và Hoa lục.

AFP nhắc lại, người dân tại cựu thuộc địa Anh Quốc kể từ khi được trao trả về Trung Quốc năm 1997, trên giấy tờ vẫn được thụ hưởng rộng rãi nhiều quyền tự trị so với người dân Hoa lục. Chất lượng và tính hiệu quả của hệ thống tư pháp, trong đó tính độc lập có một vai trò thiết yếu trong sự trỗi dậy của đặc khu trong những thập niên gần đây, khác biệt nhiều so với nền tư pháp nhập nhằng và bị chính trị hóa ở Trung Quốc.

Cũng liên quan đến Hồng Kông, trang mạng NHK của Nhật Bản ngày 05/01/2021 cho biết Trung Quốc thông báo rút giấy phép hành nghề của hai luật sư Nhậm Toàn Ngưu (Ren Quanniu) và Lục Tư Vĩ (Lu Siwei). Bắc Kinh cáo buộc hai người này đã tìm cách hỗ trợ tư pháp cho các nhà đấu tranh Hồng Kông bị bắt khi đang tìm đường vượt biển sang Đài Loan.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210105-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-t%C3%B2a-%C3%A1n-h%E1%BB%93ng-k%C3%B4ng-k%C3%AAu-g%E1%BB%8Di-m%E1%BB%99t-n%E1%BB%81n-t%C6%B0-ph%C3%A1p-%C4%91%E1%BB%99c-l%E1%BA%ADp

Lãnh đạo cấp cao của ĐCS Trung Quốc đã âm thầm ra lệnh kiểm soát chặt chẽ mọi nghiên cứu liên quan đến virus Corona Vũ Hán

 Bình luậnĐông Phương

Theo các tài liệu nội bộ bí mật của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mà hãng tin AP (Associated Press) của Mỹ có được, các quan chức cấp cao của ĐCSTQ đã âm thầm ra lệnh kiểm soát chặt chẽ mọi nghiên cứu liên quan đến virus Corona Vũ Hán. Các mẫu vật virus trong môi trường sống của dơi mà các nhà khoa học tìm kiếm được đã bị cảnh sát tịch thu.

Hãng tin AP đã công bố một báo cáo điều tra dài vào hôm thứ Tư tuần trước (30/12) rằng ở sâu trong một thung lũng tươi tốt ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, có một lối đi vào giếng mỏ, đây là nơi sinh sống của dơi. Những con dơi này mang virus gần nhất với virus Corona Vũ Hán.

Khu vực này đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của giới khoa học bởi nó có thể chứa manh mối về nguồn gốc của loại virus gây ra cái chết cho hơn 1,85 triệu người trên toàn thế giới này. Tuy nhiên, đối với các nhà khoa học và nhà báo, do tính nhạy cảm chính trị và tính bảo mật nên khu vực này đã trở thành hố đen và không thể có được thông tin.

Hai người thạo tin nói rằng gần đây, một nhóm nghiên cứu về loài dơi đã đến nơi này và tìm cách thu thập mẫu nhưng đã bị tịch thu. Các chuyên gia này được lệnh không được nói chuyện với giới truyền thông.

Khi nhóm phóng viên của hãng tin AP chuẩn bị đến đây vào cuối tháng 11/2020, có rất nhiều cảnh sát mặc thường phục đã lái xe ô tô để theo dõi và chặn các con đường và nhà ga dẫn đến địa điểm này.

Hãng tin AP phát hiện ra rằng chính phủ Trung Quốc đã tài trợ hàng trăm nghìn USD cho các nhà khoa học nghiên cứu về nguồn gốc của loại virus này. Các nhà khoa học ở miền nam Trung Quốc này được cho là có liên hệ với quân đội.

Theo các tài liệu nội bộ mà hãng tin AP có được, chính phủ Trung Quốc đang giám sát chặt chẽ kết quả điều tra và có yêu cầu bắt buộc rằng, bất kỳ công bố dữ liệu hoặc nghiên cứu nào đều phải được sự chấp thuận của tổ công tác mới trực thuộc trung ương, đây là nhóm do lãnh đạo tối cao ĐCSTQ Tập Cận Bình ra lệnh thành lập. Vụ rò rỉ hàng chục trang tài liệu nội bộ hiếm hoi này càng khẳng định mối nghi ngờ bấy lâu nay của nhiều người: việc trấn áp thông tin đến từ cấp cao nhất.

Do đó, công chúng hầu như không biết gì về tiến độ và thông tin nghiên cứu. Những hạn chế nghiêm ngặt của Bắc Kinh đối với luồng thông tin đã cản trở việc hợp tác với các nhà khoa học quốc tế.

Một chuyên gia y tế công cộng giấu tên vì lo lắng bị trả thù, người thường xuyên hợp tác với Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Trung Quốc, cho biết: “Họ chỉ chọn những người mà họ tin tưởng và những người mà họ có thể kiểm soát. Nhóm nghiên cứu của quân đội và các nhóm khác cũng đang nỗ lực điều tra, nhưng những phát hiện trong quá trình điều tra có thể được công bố hay không hoàn toàn phụ thuộc vào kết quả điều tra.

Cuộc điều tra cho thấy rõ hệ thống bảo mật và mô hình kiểm soát từ trên xuống của chính phủ Trung Quốc.

Báo cáo điều tra của Associated Press dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhà khoa học và quan chức Trung Quốc và nước ngoài, các thông báo công khai, email bị rò rỉ, dữ liệu nội bộ và tài liệu từ Quốc vụ viện Trung Quốc và CDC Trung Quốc.

Báo cáo cho rằng đại dịch virus viêm phổi Vũ Hán đã làm suy yếu danh tiếng của ĐCSTQ trên trường quốc tế; do đó, các nhà lãnh đạo ĐCSTQ giữ thái độ rất thận trọng vì bất kỳ phát hiện nào cũng đều có thể để lộ ra sơ suất của họ.

Vì vậy, mặc dù một nhóm chuyên gia quốc tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có kế hoạch đến Trung Quốc vào đầu tháng 1/2021 để điều tra căn nguyên của đại dịch viêm phổi Vũ Hán, nhưng các thành viên và chương trình làm việc của nhóm quốc tế này cũng phải được ĐCSTQ phê duyệt.

Đồng thời, các kênh truyền thông của chính quyền ĐCSTQ đang tích cực tuyên truyền giả thuyết rằng virus có thể đến từ nước ngoài, điều này càng khiến các chuyên gia bên ngoài nghi hoặc.

Hồ sơ cho thấy chính phủ Trung Quốc đã tài trợ 1,5 triệu nhân dân tệ (230.000 USD, khoảng 5,3 tỷ VNĐ) cho Tất Ngọc Hải (Bi Yuhai), một nhà khoa học tại Học viện Khoa học Trung Quốc (Chinese Academy of Sciences, CAS). Một bài báo do ông Tất đồng tác giả chỉ ra rằng, sự bùng phát ở khu chợ Tân Phát Địa của Bắc Kinh hồi tháng 6/2020 có thể là do bao bì cá đông lạnh nhập khẩu từ châu Âu có nhiễm virus.

Các kênh truyền thông do ĐCSTQ kiểm soát đã sử dụng lý thuyết này để giảo biện rằng, đợt bùng phát ban đầu ở Vũ Hán cũng có thể bắt nguồn từ hải sản nhập khẩu. Tuy nhiên, các nhà khoa học quốc tế từ chối chấp nhận quan điểm này. WHO nói rằng khả năng nhiễm coronavirus mới (virus Corona Vũ Hán) thông qua thực phẩm đóng gói là rất nhỏ.

Ngoài ra, truyền thông ĐCSTQ còn đưa tin rầm rộ về các nghiên cứu sơ bộ của Châu Âu, rằng coronavirus mới đã được tìm thấy trong các mẫu nước thải từ Ý và Tây Ban Nha vào năm ngoái. Nhưng về cơ bản, các nhà khoa học đã bác bỏ những nghiên cứu này và bản thân các nhà nghiên cứu cũng thừa nhận rằng, họ không tìm thấy đủ các mảnh virus để xác định một cách chính xác liệu đó có phải là virus Corona Vũ Hán hay không.

Trong vài tuần qua, truyền thông Trung Quốc đã cắt xén và giải thích nghiên cứu của một nhà khoa học Đức theo ý họ, rồi đưa tin rằng dịch bệnh bắt nguồn ở Ý. Nhà khoa học này tên là Alexander Kekule, Giám đốc Viện An toàn Sinh học, ông đã nhiều lần tuyên bố rằng ông cho rằng loại virus này xuất hiện ở Trung Quốc đầu tiên.

Từ trước tới nay truyền thông Trung Quốc vẫn luôn là cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ, đảng chỉ đâu thì đánh đó. Có lẽ không ngẫu nhiên mà các kênh truyền thông nước này lại cật lực đưa tin virus bắt nguồn từ nước ngoài như vậy.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/lanh-dao-cap-cao-cua-dcs-trung-quoc-da-am-tham-ra-lenh-kiem-soat-chat-che-moi-nghien-cuu-lien-quan-den-virus-corona-vu-han-125305.html

Đoàn xe phòng dịch của quân đội Trung Quốc trên đường phố Thẩm Dương, giống như Vũ Hán lúc phong tỏa

 Bình luậnĐông Phương

Theo video người dân quay được hôm 4/1, lực lượng phòng chống dịch của quân đội Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xuất hiện tại Thẩm Dương. Hiện tại, quy mô và mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh ở Trung Quốc đại lục đang khiến ngoại giới lo ngại.

Mới đây, thành phố Thẩm Dương và Đại Liên ở tỉnh Liêu Ninh đã lần lượt xuất hiện ca siêu lây nhiễm, 1 người lây cho hàng chục người; Thẩm Dương đang tiến hành xét nghiệm axit nucleic cho 9 quận.

Thành phố Thẩm Dương bắt đầu tiến hành ứng phó khẩn cấp từ ngày 20/12/2020 và chuyển sang “trạng thái thời chiến” toàn diện. Hiện tại, thành phố Thẩm Dương có 16 khu vực thuộc nhóm có nguy cơ.

Theo một đoạn video do người dân quay vào ngày 4/1, trên đường phố Thẩm Dương xuất hiện một số xe quân sự, trên thân xe có dòng chữ “Xe lấy mẫu phòng ngừa sinh học Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc” và “Xe hỗ trợ năng lượng tổng hợp của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc”.

Ngay sau khi virus viêm phổi Vũ Hán bùng phát ở Vũ Hán và thành phố với dân số hàng chục triệu người này bị chính quyền phong tỏa, lực lượng CDC của quân đội ĐCSTQ cũng đã đóng tại Vũ Hán.

Ngoài ra, trên mạng cũng lan truyền một đoạn video cho thấy, bác sĩ ở Thẩm Dương đã cảnh báo trên WeChat rằng dịch bệnh ở thành phố này cực kỳ nghiêm trọng, lây lan nhanh chóng và rất dễ lây lan, nghi ngờ rằng một loại virus biến thể đã xuất hiện.

Có bình luận chỉ ra rằng sau khi dịch tái phát, Ủy ban Y tế ĐCSTQ đã chơi trò thống nhất  và kiểm soát con số. Xét nghiệm axit nucleic toàn dân chỉ là hình thức. Các trường hợp được xác chẩn sẽ được chuyển đến cơ quan y tế, nhưng thông báo chính thức sẽ luôn là “kết quả xét nghiệm axit nucleic đều âm tính”.

Phóng viên của The Epoch Times nhận thấy rằng bất chấp mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh, tin tức mới nhất trên trang web chính thức của CDC Thẩm Dương, nơi có trách nhiệm cung cấp thông tin về dịch bệnh, được cập nhật vào ngày 16/12/2020. Còn thông tin “mới” nhất trên trang web của CDC Đại Liên là về việc nhận khoản đóng góp xã hội đăng hôm 30/10/2020.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/doan-xe-phong-dich-cua-quan-doi-dcs-trung-quoc-tren-duong-pho-tham-duong-luc-vu-han-phong-toa-cung-xuat-hien-luc-luong-nay-125168.html

ĐCS Trung Quốc trang bị ‘thiết bị tự huỷ’ tàn nhẫn cho các binh lính

 Bình luậnNgọc Trân

Gần đây, phía quân đội của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã trang bị cho Quân khu Tây Tạng một “hệ thống tác chiến kỹ thuật số kiểu mới cho từng binh lính”. Nhiều nhà phân tích nói rằng, trong hệ thống này có kèm theo “thiết bị tự hủy”, khi thiết bị này khởi động nó có thể huỷ luôn cả tính mạng của các binh lính.

Gần đây, ông Tập Cận Bình đã ký và ban hành “Quy chế trang bị quân đội” phiên bản mới được sửa đổi, đây là một phần trong “cải cách quân sự” của ĐCSTQ. Theo CCTV (Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc) đưa tin hôm 27/12, cùng với việc đẩy mạnh “cải cách quân sự”, nhiều đơn vị đã phân phối và cấp phát hệ thống tác chiến kỹ thuật số hàng nội địa cho từng binh sĩ.

Bài báo cho biết, Quân khu Tây Tạng đã trang bị cho các binh sĩ một “hệ thống tác chiến kỹ thuật số kiểu mới” này. Thông qua một mắt kính nhìn xuyên đêm có nhiều chức năng được gắn vào mũ sắt, các binh lính có thể xác định được đâu là địch, đâu là ta. Ngoài ra, bộ chỉ huy cũng có thể định vị được tên,

vị trí và trạng thái của từng binh lính thông qua video và thông tin được truyền ngược lại từ mắt kính của các binh lính.

Ngay từ tháng 9/2012, tờ báo quân sự Giải phóng quân nhật báo (PLA Daily) của ĐCSTQ đã khoe khoang về “hệ thống tác chiến kỹ thuật số” cá nhân này.

Theo bài báo, phần cốt lõi của bộ thiết bị này là chiếc “áo lót điện tử”, trong đó có chứa mô-đun máy ảnh, hộp chuyển đổi âm tần, bộ xử lý thông tin và bộ cấp nguồn, v.v. Đội trinh sát sẽ sử dụng hệ thống này để len lỏi vào trận địa của địch.

Khi len ​​lỏi vào trận địa của địch, khả năng các trinh sát rơi vào tay địch là rất cao. Bài báo dẫn lời ông Dữu Quang Kiến – Trưởng nhóm thị phạm trang thiết bị cho biết, nếu “hệ thống tác chiến kỹ thuật số” rơi vào tay địch, “ngoài việc có khả năng tự huỷ, thiết bị này còn có thể được điều khiển tự huỷ từ xa”.

Vậy hệ thống tác chiến này tự hủy như thế nào? Năm đó, tờ báo quân sự của ĐCSTQ đã không nói rõ về việc này. Vào ngày 29/12/2020, tờ NetEase đã đăng lại một bài báo có tên “Phòng quan sát tình báo quân sự 123” và phân tích rằng, cơ chế tự hủy của hệ thống tác chiến này phải trả giá bằng chính mạng sống của những binh lính rơi vào tay địch. Bài báo cho biết, nếu một binh lính bị thương nặng nhưng không muốn bị bắt, thì việc kích hoạt thiết bị tự hủy có thể bảo vệ thân phận của các binh lính, ngoài ra nó cũng khiến kẻ thù không thể lấy được bất kỳ thông tin gì từ hệ thống này.

Bài báo đã làm dấy lên một làn sóng thảo luận sôi nổi từ các cư dân mạng. Có cư dân mạng nói rằng, việc trang bị thiết bị tự huỷ cho mỗi binh lính cho thấy, ĐCSTQ đã phá vỡ giới hạn đạo đức của con người và chẳng khác gì phần tử khủng bố. ĐCSTQ phải làm nổ phần cứng thì mới có thể kích hoạt chế độ tự huỷ của hệ thống, điều này chắc chắn sẽ làm tổn thương các binh lính. Ngoài ra thiết bị tự huỷ này có thể điều khiển từ xa, nó chính là một quả “bom người”.

Về việc ĐCSTQ coi mạng sống như cỏ rác, có cư dân mạng nói rằng, trước khi các binh lính Mỹ lên đường, chính phủ nước này sẽ chuẩn bị cho mỗi người một lá thư đầu hàng được in bằng hơn chục loại ngôn ngữ khác nhau. Trên chiến trường, một khi không thể đánh lại quân địch, các binh lính có thể giơ lá thư đầu hàng này lên để bảo vệ tính mạng của mình, và yêu cầu được bảo vệ tính mạng theo thông lệ quốc tế.

Ngọc Trân

Theo Epoch Times tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/dcs-trung-quoc-trang-bi-thiet-bi-tu-huy-tan-nhan-cho-cac-binh-linh-cua-nuoc-nay-125151.html

Thẩm Dương và Đại Liên xuất hiện các ca ‘siêu lây nhiễm’; Thạch Gia Trang bước vào ‘trạng thái thời chiến’

Bình luậnĐông Phương

Các ca ‘siêu lây nhiễm’ lần lượt xuất hiện tại thành phố Thẩm Dương và Đại Liên thuộc tỉnh Liêu Ninh, hiện tại hai nơi này đã có hơn 50 người được xác nhận nhiễm bệnh. Thành phố Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc cũng bước vào ‘trạng thái thời chiến’. Các chuyên gia Đại lục cảnh báo việc hàng trăm triệu người di chuyển trong dịp Tết Nguyên đán sẽ mang lại nhiều nguy cơ.

1 người ở Đại Liên lây nhiễm cho 33 người

Chiều ngày 3/1, Văn phòng Thông tin của chính quyền thành phố Đại Liên thông báo kết quả sơ bộ về điều tra dịch bệnh. Bà Triệu Liên (Zhao Lian), Phó giám đốc Ủy ban Y tế thành phố Đại Liên, cho biết, sau khi Đại Liên thông báo về 4 trường hợp nhiễm bệnh không triệu chứng mới được phát hiện tại địa phương vào ngày 15/12/2020, tính đến nửa đêm ngày 2/1, có 78 người đã bị lây nhiễm, trong đó có 48 ca được xác chẩn và 30 ca nhiễm bệnh không triệu chứng.

Bà Triệu nói rằng dịch bệnh ở Đại Liên lây lan nhanh và mạnh, liên quan đến nhiều khu vực. Tổng cộng có 65 trường hợp liên quan đến Tòa nhà Thương mại Kim Tọa (Jinzuo Commercial Building). Nguồn lây nhiễm là một tiểu thương họ Kim ở trong khu trung tâm thương mại này, thời điểm phát bệnh là ngày 15/12. Khi chưa phát bệnh, bà Kim đã tham gia một buổi tụ họp gia đình gồm 11 người, khiến cả 10 người còn lại đều bị lây nhiễm.

Bà Triệu cho biết tính đến nửa đêm ngày 2/1, có tổng cộng 33 trường hợp nhiễm bệnh liên quan đến người họ Kim nói trên, bao gồm 21 trường hợp được xác chẩn và 12 trường hợp không có triệu chứng. Ngoài ra, có 5 trong 33 người này đã đến khám bệnh tại Bệnh viện số 2 của Đại học Y Đại Liên, khiến 3 người khác bị lây nhiễm.

Ngay từ ngày 20/12, cơ sở y tế các cấp tại Đại Liên đã bước vào “trạng thái thời chiến” phòng chống dịch.

Đây là một thành phố lớn khác ở tỉnh Liêu Ninh xuất hiện ca siêu lây nhiễm sau thành phố Thẩm Dương.

Hiện tại, Đại Liên có 16 khu dân cư nằm trong nhóm có nguy cơ, 14 trong số đó là ở quận mới Kim Phổ. Tòa nhà Thương mại Kim Tọa nói trên tọa lạc tại số 75 đường Hòa Bình ở quận mới Kim Phổ.

1 người ở Thẩm Dương lây nhiễm cho 21 người

Thành phố Thẩm Dương đã khởi động phản ứng khẩn cấp vào ngày 20/12/2020 và bước vào “trạng thái thời chiến”. Tính đến 15 giờ ngày 3/1/2021, có tổng cộng 13 khu dân cư ở Thẩm Dương được xếp vào nhóm có nguy cơ.

Theo tờ The Paper của Trung Quốc, tính đến ngày 1/1, thành phố Thẩm Dương có 22 người nhiễm bệnh, trong đó có 21 ca là mới được báo cáo sau ngày 23/12 và do một người họ Doãn – trường hợp đầu tiên được xác chẩn lây nhiễm cho. Tuyến đường di chuyển của người họ Doãn này khá rộng, liên quan đến 7 quận và 15 khu dân cư.

Doãn là một người trở về từ Hàn Quốc và được chẩn đoán vào ngày 23/12 sau khi ra khỏi khu cách ly khoảng 10 ngày. Trước khi được chẩn đoán, Doãn đã từng đến 4 bệnh viện ở quận Hoàng Cô gồm Phòng khám Tú Thủy, Bệnh viện Phổ Khang Thẩm Dương, Bệnh viện Nhân dân số 4 thành phố Thẩm Dương và Bệnh viện số 2 thuộc Học viện Y Thẩm Dương để khám bệnh.

Theo bài báo, trong số những người mới mắc bệnh ở Thẩm Dương, có 12 trường hợp có liên quan đến bệnh viện Phổ Khang (11 trường hợp được xác chẩn và 1 trường hợp không có triệu chứng). Trong đó, có 2 trường hợp là nhân viên y tế, 5 trường hợp là bệnh nhân, 4 trường hợp là người giám sát, và 1 trường hợp là chủ siêu thị cạnh bệnh viện Phổ Khang.

9 ca còn lại đều là những trường hợp có liên quan hoặc có tiếp xúc gần với người họ Doãn, bao gồm các bác sĩ và y tá của Phòng khám Tú Thủy, cháu gái và hàng xóm của Doãn, v.v.

Bắt đầu từ ngày 31/12/2020, Thẩm Dương đã yêu cầu hơn một triệu người ở 9 quận phải thực hiện các xét nghiệm axit nucleic khẩn cấp. Bệnh viện Nhân dân số 6 của thành phố Thẩm Dương đã đóng cửa hoàn toàn từ 0 giờ ngày 31/12 và chỉ giữ lại phòng khám xét nghiệm axit nucleic.

Thạch Gia Trang chuyển sang trạng thái thời chiến

Chiều ngày 3/1, Hội nghị công tác phòng chống dịch bệnh thành phố Thạch Gia Trang tỉnh Hà Bắc tuyên bố rằng, theo tình hình thực tế các ca bệnh được xác chẩn ở quận Cảo Thành, thành phố đã nhanh chóng bước vào trạng thái thời chiến.

Được biết, vào ngày 2/1, một nữ dân làng 61 tuổi ở làng Tiểu Quả Trang, thị trấn Tăng Thôn, quận Cảo Thành, thành phố Thạch Gia Trang, tỉnh Hà Bắc, được chẩn đoán mắc bệnh viêm phổi Vũ Hán. Bà đã đến một nhà hàng để dự đám cưới.

Vào ngày 3/1, trên mạng lan truyền một danh sách các bệnh nhân dương tính ở tỉnh Hà Bắc, danh sách cho thấy 6 trường hợp dương tính đã được tìm thấy ở thành phố Tân Lạc, huyện Chính Định và Bệnh viện tỉnh số 2 trực thuộc thành phố Thạch Gia Trang. Tuy nhiên, các nhà chức trách Thạch Gia Trang chỉ báo cáo có 1 trường hợp nhiễm bệnh trong ngày hôm đó.

Chuyên gia: Hàng trăm triệu người di chuyển trong dịp Tết sẽ mang đến nguy hiểm

Khi Tết Nguyên Đán đang đến gần và hàng trăm triệu người sẽ về quê ăn Tết, thì làn sóng dịch bệnh thứ hai lại đang rục rịch bùng phát trên khắp đại lục. Các chuyên gia đại lục cho rằng việc di chuyển của hàng trăm triệu người sẽ mang đến nguy hiểm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Đài truyền hình Bắc Kinh vào ngày 1/1, khi được hỏi về vấn đề liệu hàng trăm triệu người còn có thể đổ về quê trong dịp Tết Nguyên đán không, ông Trương Bá Lễ (Zhang Boli), Viện sĩ Học viện Kỹ thuật Trung Quốc và là Hiệu trưởng Đại học Y học Cổ truyền Trung Quốc Thiên Tân, trả lời rằng: “Không được!”.

Ông Trương cho rằng mùa lạnh rất thích hợp cho sự sinh trưởng của virus, từ nay đến cuối tháng 2 là hai tháng rất nguy cấp, nếu có thể vượt qua hai tháng này thì “tình hình phòng chống dịch về cơ bản sẽ có chuyển biến tốt”.

Sau khi đại dịch bùng phát ở Vũ Hán vào tháng 12/2019, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã che giấu dịch bệnh, cộng với dòng người di chuyển đông đúc trong dịp Tết Nguyên Đán đã khiến dịch bệnh không chỉ lan nhanh ở đại lục mà còn lan ra toàn thế giới.

Cho đến nay, toàn thế giới đã có hơn 86 triệu người được chẩn đoán nhiễm virus viêm phổi Vũ Hán và hơn 1,85 triệu người đã tử vong.

Đông Phương

Theo Epoch Times tiếng Trung

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/tham-duong-va-dai-lien-xuat-hien-cac-ca-sieu-lay-nhiem-thach-gia-trang-buoc-vao-trang-thai-thoi-chien-125065.html

Ông Tập ra lệnh cho quân đội ‘chuẩn bị cho chiến tranh’

Tâm Thanh

Ngay từ ngày đầu năm mới, ông Tập Cận Bình đã chỉ thị cho quân đội tăng cường huấn luyện quân sự, theo Sound of Hope.

Tổng bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình mới đây đã ra lệnh cho quân đội Trung Quốc tập trung “chuẩn bị cho chiến tranh”. Có thể Bắc Kinh đang dự tính “làm điều gì đó vào năm 2021” – năm đánh dấu 100 năm thành lập ĐCSTQ.

Theo báo cáo của Tân Hoa xã, ông đã ra lệnh cho quân Giải phóng “tập trung chuẩn bị cho chiến tranh, tăng cường huấn luyện quân sự, thiết lập một hệ thống huấn luyện quân sự kiểu mới, đồng thời nâng cao toàn diện trình độ huấn luyện chiến đấu và khả năng giành chiến thắng”.

Năm 2020, hoạt động đối đầu quân sự của quân đội Trung Quốc ở biên giới Trung-Ấn, eo biển Đài Loan và Biển Đông đã leo thang đáng kể, thêm vào đó là quan hệ giữa nước này với Hoa Kỳ, Úc cùng nhiều nước khác xấu đi nhanh chóng vì dịch viêm phổi Vũ Hán khi các nước đổ lỗi cho Bắc Kinh che giấu dịch bệnh.

Trong bối cảnh khó khăn cả trong lẫn ngoài, ông Tập kết luận, quân Giải phóng phải “kiên quyết thực hiện” các chỉ thị của cơ quan ra quyết định cao nhất trong Quân ủy Trung ương, đồng thời “tiếp tục tinh thần chiến đấu, không sợ gian khổ hoặc cái chết”.

Những năm gần đây, ĐCSTQ đã thực hiện một chương trình hiện đại hóa quân đội triệt để nhằm thách thức sự thống trị của các lực lượng vũ trang Hoa Kỳ. Trong 20 năm qua, chi tiêu quân sự của chính quyền Trung Quốc đã tăng xấp xỉ 10 lần.

Năm 2020, ngân sách quốc phòng được công bố của Bắc Kinh là 178 tỷ đô-la Mỹ, bằng khoảng 1/4 chi tiêu quốc phòng của Mỹ trong cùng năm. Tuy nhiên, các chuyên gia ước đoán, con số thực tế còn cao hơn nhiều. Theo một báo cáo hồi tháng 3/2020, chi tiêu quân sự của Trung Quốc lên tới 87% ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ.

Bên cạnh đó, ĐCSTQ cũng đã áp dụng chiến lược “kết hợp quân-dân”, lợi dụng sự phát triển công nghệ của khu vực tư nhân để thúc đẩy hiện đại hóa quân đội của mình.

Tháng 10/2020, ông Tập tuyên bố với thủy quân lục chiến rằng cần phải “tập trung tinh thần và sức lực để chuẩn bị cho chiến tranh”. Sau đó, cơ quan ra quyết định cao nhất của ĐCSTQ đã họp và thảo luận về việc “chuẩn bị cho chiến tranh bằng cách gắn kết công tác chính trị vào tất cả các mắt xích (hệ thống chỉ huy) nhằm bảo đảm tính hiệu quả trong sức chiến đấu của quân đội”.

Li Linyi, nhà bình luận người Mỹ về Trung Quốc, vào thời điểm đó cho rằng những nhận xét này chỉ là phóng đại.

“Mục đích của tuyên truyền chiến tranh cấp cao là để gây áp lực lên Đài Loan và Hoa Kỳ… Đồng thời, nó phải làm dấy khởi tinh thần chủ nghĩa dân tộc trong nước”, ông nói.

Năm 2019, ĐCSTQ đã tăng cường các hoạt động quân sự trên cả hai bờ eo biển Đài Loan, gây sức ép đáng kể đối với quốc đảo này. Ngoài ra, ĐCSTQ tiếp tục công khai tuyên bố Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, và họ chưa từng loại trừ việc sử dụng vũ lực để đưa Đài Loan vào quyền kiểm soát.

Hôm 4/1, Hoàn Cầu Thời Báo – cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ – đưa tin, Thượng nghị sĩ Đảng Tự do Úc và cựu Thiếu tướng Lục quân Jim Molan chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn rằng, Trung Quốc đang chuẩn bị cho chiến tranh, vì vậy lực lượng phòng vệ Úc phải chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất.

“Tình hình đang thay đổi nhanh chóng và chúng ta phải chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất. Đây không phải là điều không thể tránh khỏi, nhưng chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng”, ông Jim nói.

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-tap-ra-lenh-cho-quan-doi-chuan-bi-cho-chien-tranh.html

Đỉnh cao xu nịnh?! Tập đến thị sát, nơi đứng được quan chức lát gạch vàng

Vũ Dương

Từ sau khi Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình có chuyến thăm đến thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông vào tháng 10 năm ngoái (năm 2020), địa phương này không chỉ xuất bản lượng lớn “Tập ngữ lục” và trang ảnh của ông Tập Cận Bình, thậm chí ngay cả nơi ông Tập đứng trên đường phố Sán Đầu cũng được thay thế bằng viên gạch lớn được mạ vàng,

khiến người dân địa phương cảm thấy rất phản cảm vì thói xu nịnh của quan chức nơi đây, theo NTDTV.

Ngày 12-13/10 năm ngoái, ông Tập Cận Bình có chuyến thị sát tỉnh Quảng Đông, dưới sự tháp tùng của Bí thư Tỉnh ủy Lý Hy, Chủ tịch tỉnh Mã Hưng Thụy, v.v. của tỉnh Quảng Đông, ông Tập đã lần lượt đi thăm một vài thành phố và có buổi trò chuyện cùng người dân trên đường phố Sán Đầu.

Đài Á Châu Tự Do (RFA) hôm 30/12 đưa tin rằng, sau khi ông Tập rời khỏi khu vực Triều – Sán (thành phố Triều Châu và thành phố Sán Đầu), nơi này đã xuất hiện làn sóng sùng bái ông Tập Cận Bình.

Bài báo dẫn lời một sinh viên họ Lâm của trường Đại học Sán Đầu cho biết, sau khi ông Tập rời khỏi đây, nhà trưng bày văn hóa Khai Phụ – khu vực biểu tượng văn hóa của khu phố cổ Sán Đầu, nơi ông Tập từng ghé thăm đã phát sinh nhiều thay đổi, có nơi treo ảnh ông Tập trong chuyến thị sát, có nơi tuần hoàn phát sóng chương trình tin tức về chuyến thị sát của ông Tập tại địa phương, “các biểu ngữ chính trị trên đường phố cũng đã thay đổi nhiều, có những biểu ngữ là trích dẫn bài phát biểu của ông Tập trong chuyến thị sát tại Sán Đầu, khiến người ta có một loại cảm giác xu nịnh”.

Ông Ngô, một người dân khác ở Sán Đầu nói rằng, sau khi rời khỏi khu vực Triều – Sán, những nơi mà ông Tập đi qua như phố Bài Phường ở Triều Châu và nhà trưng bày văn hóa Khai Phụ của khu phố cổ ở Sán Đầu đã trở thành “điểm đến mới cho các hoạt động công đoàn, hoạt động xây dựng đảng của rất nhiều cơ quan, đơn vị”; trong thành phố cũng xuất hiện một số trích dẫn câu nói, biểu ngữ và chân dung của ông Tập Cận Bình.

Ngoài ra, trong một đoạn video được lan truyền trên mạng cho thấy, nơi mà ông Tập từng đứng phát biểu trên đường phố Sán Đầu đã được thay thế bằng viên gạch lớn được mạ vàng. Trên mặt của viên “gạch vàng” này còn ghi rõ thời gian ông Tập Cận Bình đứng ở đó: “17:00 ngày 13/10/2020”.

Ông Ngô nói với RFA rằng, nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này có hai lý do: Thứ nhất là kể từ khi lên nắm quyền, ông Tập đã xác định vị thế “duy ngã độc tôn” của mình trong nội bộ ĐCSTQ; thứ hai là do các quan chức địa phương muốn phát triển ngành “du lịch đỏ” (khuyến khích khách du lịch đến các địa điểm có ý nghĩa cách mạng của ĐCSTQ) nên đã thúc đẩy “hiện tượng sùng bái cá nhân” đối với ông Tập Cận Bình.

Nhà bình luận thời sự Lưu Nhuệ Thiệu (Liu Ruishao) nói với tờ “Apple Daily” của Hồng Kông rằng có hai yếu tố dẫn đến hiện tượng sùng bái cá nhân đối với ông Tập Cận Bình ở địa khu Sán Đầu. Một là “trên có nhu cầu, dưới ắt làm theo”, ông Tập Cận Bình muốn được nghìn vạn người tôn thờ để củng cố “địa vị hạt nhân” của mình. Hai là các quan chức địa phương cũng nhận thấy rằng lãnh đạo có nhu cầu về phương diện này, nên cũng “thừa gió đẩy thuyền”, bởi sùng bái ông Tập Cận Bình vốn “không thiệt hại gì” cả, chỉ cần bỏ ra một chút vốn liếng mà có được sự đảm bảo về mặt chính trị, thậm chí ngày sau còn có thể thăng quan phát tài.

Video: Ông Tập Cận Bình có buổi trò chuyện với người dân trong chuyến thăm thành phố Triều Châu, tỉnh Quảng Đông ngày 12/10/2020.

Ông Trần, người gốc Triều Châu hiện đang sống ở California, Hoa Kỳ, nói với Đài Á Châu Tự Do rằng sự xuất hiện của ông Tập Cận Bình trên phố Bài Phường, Triều Châu đã mang đến rất nhiều bất tiện cho việc đi lại cho người dân địa phương. Kể từ đó, hiện tượng sùng bái cá nhân đối với Tập Cận Bình ở khu vực Triều – Sán khiến ông không khỏi phẫn nộ. Tuy nhiên, ông Lưu Nhuệ Thiệu tin rằng mặc dù việc sùng bái cá nhân này khiến người dân cảm thấy rất phản cảm, nhưng các quan chức ĐCSTQ đều xem thanh âm phản đối của người dân như “gió thoảng ngoài tai”, và tuyệt sẽ không thay đổi chính sách.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dinh-cao-xu-ninh-tap-den-thi-sat-noi-dung-duoc-quan-chuc-lat-gach-vang.html

Dịch bùng phát trầm trọng hơn ở phía Bắc Trung Quốc cuối tuần qua

Đợt bùng phát vi rút cúm Vũ Hán ở các khu vực phía Bắc Trung Quốc tiếp tục trầm trọng hơn vào cuối tuần qua khi các nhà chức trách thông báo rằng họ phát hiện bệnh nhân bị nhiễm biến thể vi rút mới lần đầu tiên xuất hiện ở Anh.

Thành phố Thượng Hải và phía nam tỉnh Quảng Đông từng báo cáo một bệnh nhân có kết quả xét nghiệm dương tính với B.1.1.7 , chủng vi rút mới có nguồn gốc từ Vương quốc Anh. Cả hai đều là sinh viên ở Anh trở về Trung Quốc vào tháng 12 năm ngoái.

Trong khi đó, chính quyền Thẩm Dương và Đại Liên đã cung cấp thông tin chi tiết về những người siêu lây lan ở địa phương đã lây lan virus cho hàng chục người khác.

Người dân địa phương nói với The Epoch Times rằng họ biết về các trường hợp mà chính quyền địa phương của họ không thông báo, khiến họ nghi ngờ rằng chính quyền đang che đậy sự bùng phát.

Nhiều ca nhiễm mới ở Đại Lục

Cuối tuần qua, nhà chức trách thông báo thêm nhiều trường hợp khác ở thành phố Hắc Hà, tỉnh Hắc Long Giang; Các thành phố Đại Liên và Thẩm Dương ở tỉnh Liêu Ninh; Bắc Kinh; và thành phố Thạch Gia Trang ở tỉnh Hà Bắc.

Theo chính quyền Thẩm Dương, tất cả những người bị nhiễm trong đợt mới nhất này đều có tiếp xúc với một phụ nữ họ Yin, đến Thẩm Dương từ Hàn Quốc vào ngày 29/11/2020.

Tờ báo nhà nước The Paper đã tạo ra một sơ đồ cho thấy những người tiếp xúc với Yin bị nhiễm bệnh như thế nào, bao gồm cháu gái của cô, bạn cùng phòng, nhân viên y tế đã điều trị cho cô tại bệnh viện vì COVID-19 và những bệnh nhân nằm gần giường bệnh với cô.

Tại Đại Liên, một bệnh nhân 34 tuổi họ Jin đã lây vi-rút cho ít nhất 33 người khác, theo các quan chức y tế địa phương.

Tại cuộc họp báo ngày 3/1, Zhao Lian, phó giám đốc ủy ban y tế Đại Liên, nói rằng Jin điều hành một gian hàng quần áo bên trong một trung tâm thương mại địa phương và đã mắc bệnh tại địa điểm này.

Jin đã tham gia vào một buổi họp mặt gia đình sau khi trải qua các triệu chứng và lây lan vi-rút cho 10 trong số 11 thành viên gia đình có mặt tại đó.

Nhà chức trách Bắc Kinh cho biết ca dương tính mới nhất là một trẻ sơ sinh 8 tháng tuổi. Mẹ và bà của đứa trẻ đã có kết quả xét nghiệm dương tính vào ngày 31/12/2020.

Hầu hết các trường hợp được giới chức tiết lộ trong những ngày qua đều liên quan đến một phụ nữ 31 tuổi được chẩn đoán vào ngày 24/12/2020.

Các ca nhiễm không được thông báo

Cô Li đến từ Bắc Kinh nói với  Epoch Times tiếng Trung rằng đợt bùng phát ở Bắc Kinh nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì các quan chức đã thông báo, lưu ý rằng cô đã nghe nói về nhiều bệnh nhân được chẩn đoán hơn được tìm thấy ở các quận Thuận Nghĩa và Triều Dương.

“Rất nhiều ca nhiễm virus ở Bắc Kinh, và chính phủ báo cáo bất kỳ chi tiết nào,” cô Li nói.

Cô cho biết các nhà chức trách không muốn tiết lộ quy mô thực sự của đợt bùng phát, điều này có thể làm phá hoại hình ảnh của họ, nhưng họ đã ban hành các chính sách khóa chặt chẽ để ngăn chặn sự bùng phát và bảo vệ danh tiếng của mình.

Cô Li cũng đặt câu hỏi về lời kể của các quan chức rằng nhiều trong số những người bị lây nhiễm là những người gần đây đã đi du lịch nước ngoài.

“Tôi tự hỏi tại sao những người này khỏe mạnh khi họ ở bên ngoài Trung Quốc, nhưng họ đã bị nhiễm bệnh sau khi họ đến Trung Quốc?” Cô Li nói.

Ming Xuan (bút danh) là sinh viên trường Cao đẳng Sư phạm Cẩm Châu, một trường đào tạo giáo viên nằm ở phía đông bắc tỉnh Liêu Ninh. Anh nói với The epochtimes tiếng Trung vào ngày 2/1 rằng trường của anh đã đóng cửa hoàn toàn kể từ ngày 27/12 và không cho phép bất kỳ học sinh nào rời khỏi khuôn viên trường trong kỳ nghỉ đông.

“Chúng tôi nghe nói rằng một sinh viên đại học từ một thành phố khác đã trở lại Cẩm Châu với kết quả xét nghiệm axit nucleic âm tính và không có bất kỳ triệu chứng nào. Nhưng sau khi đến đây, anh ấy có kết quả dương tính với COVID-19 ”, Ming nói.

Vào ngày 3/1, quận Thanh Hà ở thành phố Hình Đài, tỉnh Hà Bắc thông báo rằng một người dân ở thành phố Nam Cung lân cận được chẩn đoán mắc viêm phổi Vũ Hán. Quận đã cảnh báo cư dân của mình ngừng đến thành phố này.

Tuy nhiên, chính quyền Nam Cung không thông báo về bất kỳ trường hợp lây nhiễm nào.

Hôm đó, thành phố Thạch Gia Trang ở Hà Bắc cũng xác nhận một bệnh nhân mới, nhưng Ủy ban Y tế Quốc gia không thông báo về hai trường hợp được chẩn đoán ở Hà Bắc.

https://www.dkn.tv/the-gioi/dich-bung-phat-tram-trong-hon-o-phia-bac-trung-quoc-cuoi-tuan-qua.html

Lật đổ văn hóa phương Tây từ bên trong – CNCS ngụy trang như thế nào trong thế giới tự do?

Thu Hằng

Mục lục bài viết         

Mưu đồ viết lại lịch sử

Một lịch sử phá hoại

Thuyết vô thần và xu hướng rời xa tinh thần Mỹ

Nhân danh “Bình đẳng”

Antonio Gramsci, một người cộng sản Ý đã chủ trương lật đổ nền văn hóa phương Tây từ bên trong và toàn bộ quá trình này có tên gọi là “Cuộc trường chinh thông qua các cơ quan / tổ chức”. Ông ta giải thích rằng: “Trong trật tự mới, chủ nghĩa xã hội sẽ chiến thắng trước hết bằng cách chiếm lĩnh văn hóa thông qua việc thâm nhập vào các trường học, đại học, nhà thờ và các phương tiện truyền thông bằng cách cải biến nhận thức của xã hội”.

Bài viết của tác giả Thạch Chung đăng trên Minh Huệ Net cho biết, trong một cuộc phỏng vấn vào ngày 9 tháng 11, ông Jeff Van Drew, Hạ Nghị sỹ Đảng Cộng hòa (chuyển từ Đảng Dân chủ sang) của tiểu bang New Jersey nhận định rằng ông Donald Trump đại diện cho lợi ích của công chúng, không phải tầng lớp thượng lưu.

Ông nhận xét: “Ông đã cho thấy chính trị có thể tốt hơn như thế nào, rằng bạn thực sự có thể dùng nó để chiến đấu vì người dân bình thường. Những người bỏ phiếu, những người trung lưu, những người lao động phổ thông cần được lắng nghe và không bị bỏ qua, không bị coi thường, mà đó là điều thường xuyên diễn ra.“

Ông nói thêm: “Giống như câu ngạn ngữ: Xé bỏ lớp băng dán mà nhìn vào bên trong. Ông Trump đã làm điều đó, và ông đã cho thấy mặt trái của chính trị, một cách hết sức thẳng thắn.”

Câu ngạn ngữ này phản ánh chính xác tình hình hiện tại ở Hoa Kỳ. Đối với những người đã trải qua các phong trào vận động của cộng sản hoặc những người từ các nước cộng sản ra, họ hiểu rằng những gì đang xảy ra ở Hoa Kỳ là khúc dạo đầu của chủ nghĩa cộng sản.

Mưu đồ viết lại lịch sử

Viết lại lịch sử để thuận lợi cho hoạt động tuyên truyền là điều phổ biến ở các nước cộng sản. Đáng buồn là, xu hướng này cũng đang bắt đầu ở Hoa Kỳ.

Những người theo chủ nghĩa xã hội biết rằng chủ nghĩa cộng sản đã thất bại ở hầu hết các nước cộng sản. Do đó, họ đang cố gắng thúc đẩy chương trình nghị sự của chủ nghĩa cộng sản thông qua các phương thức khác, thay vì sao chép một cách mù quáng mô hình của Liên Xô hay Trung Quốc.

Con đường này được đề xuất bởi Antonio Gramsci, một người cộng sản Ý chủ trương lật đổ nền văn hóa phương Tây từ bên trong, được gọi là “cuộc trường chinh thông qua các cơ quan/tổ chức”.

Ông ta giải thích rằng: “Chủ nghĩa xã hội chính xác là một tôn giáo, mà loại tôn giáo này phải áp đảo Cơ đốc giáo. Trong trật tự mới, chủ nghĩa xã hội sẽ chiến thắng trước hết bằng cách chiếm lĩnh văn hóa thông qua việc thâm nhập vào các trường học, đại học, nhà thờ và các phương tiện truyền thông bằng cách cải biến nhận thức của xã hội.”

Mục tiêu này gần như đã trở thành hiện thực. Tạp chí New York Times phát động Dự án 1619, trong đó tuyên bố những người nô lệ Châu Phi hóa đầu tiên xuất hiện ở thuộc địa Virginia, nơi khai sinh ra Châu Mỹ. Nó đã lật lại lịch sử của Hoa Kỳ kể từ năm 1776. Thông qua sự hợp tác với Trung tâm Pulitzer và Smithsonian, dự án này đã cho ra nhiều ấn phẩm và giáo trình cho trường học.

Ở một số thành phố, những người ủng hộ Black Lives Matter (BLM – phong trào người da đen đáng sống) đã bắt đầu phá hủy các bức tượng của những vị quốc phụ của Hoa Kỳ và đốt cờ Hoa Kỳ. Phong trào này được nhiều người coi là cách mạng văn hóa tương tự như cuộc cách mạng do Mao Trạch Đông phát động ở Trung Quốc; ý đồ của nó là nhằm thay đổi về căn bản lịch sử của Hoa Kỳ và phá hoại di sản Cơ Đốc giáo. “Chúng tôi được đào tạo theo chủ nghĩa Marx”, Patrisse Cullors, người đồng sáng lập BLM cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Real News Network.

Để giải quyết vấn đề này, trong một cuộc họp vào tháng 9, ông Trump đã tuyên bố thành lập Ủy ban 1776 để giáo dục lòng yêu nước. Vào ngày 2 tháng 11, ông đã ban hành một sắc lệnh hành pháp để thành lập ủy ban nhằm “trang bị cho thế hệ đang lớn lên hiểu rõ hơn về lịch sử và các nguyên tắc lập quốc của Hoa Kỳ vào năm 1776”.

Đây không phải là một vấn đề nhỏ. Vốn được coi là ngọn hải đăng của thế giới tự do, Hoa Kỳ được xây dựng dựa trên đức tin, tự do và dân chủ. Nếu những thay đổi này xảy ra, tất cả những giá trị này sẽ sớm bị loại bỏ.

Tình huống tương tự đã xảy ra ở Trung Quốc khoảng 70 năm trước. Sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) lên nắm quyền vào năm 1949, nó đã gọi đất nước là “Trung Quốc mới” khi tuyên bố thời kỳ trước năm 1949 là “Xã hội cũ”, ngụ ý rằng mọi thứ liên quan đến xã hội cũ nên được loại bỏ. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa và các phong trào chính trị khác, ĐCSTQ đã xúi giục mọi người phê phán Khổng Tử và tiêu diệt Tứ Cựu (cụ thể là Tư tưởng cũ, Văn hóa cũ, Thói quen cũ và Phong tục cũ).

Điều này không chỉ áp dụng cho các hệ tư tưởng, mà cho cả văn vật. Đền chùa cổ bị phá bỏ, tượng Khổng Tử bị đập phá, những tác phẩm nghệ thuật vô giá bị thiêu, và cuối cùng là vô số trí thức bị tra tấn và nhục mạ trước công chúng đến mức phải từ bỏ phẩm chất của họ. Nếu những điều này xảy ra ở Hoa Kỳ, thì chúng ta sẽ phải sống trong thế giới như thế nào?

“Chẳng mấy chốc, các bạn sẽ không còn nhận ra Hoa Kỳ được nữa”, ông Trump phát biểu với vẻ lo lắng. Ông biết rằng những người viết lại lịch sử sẽ truyền cho thế hệ trẻ lòng căm thù đối với nền văn hóa và đất nước của chúng ta.

Một lịch sử phá hoại

Chủ nghĩa xã hội là một chủ đề phổ biến ở một số thanh niên Hoa Kỳ, và nhiều cuộc khảo sát cho thấy hơn một nửa trong số họ ủng hộ hệ tư tưởng này. Một ví dụ là Alexandria Ocasio-Cortez (AOC), một trong những thành viên đầu tiên của Đảng Xã hội Dân chủ Hoa Kỳ được bầu vào Quốc hội.

Sau khi đại dịch virus corona bùng phát do sự kiểm soát yếu kém của ĐCSTQ và tiếng nói đồng điệu của WHO, ngành công nghiệp dầu mỏ bị giáng một đòn thảm hại, khiến hàng trăm nghìn người thất nghiệp và nhiều nhà sản xuất Hoa Kỳ có thể phải phá sản. Tuy vậy, AOC lại rất vui mừng.

Bà ta đăng trên Twitter rằng: “Các bạn nhất định sẽ muốn thấy điều này. Cùng với lãi suất thấp kỷ lục, có nghĩa đây là thời điểm thích hợp để đầu tư hàng loạt vào cơ sở hạ tầng xanh dưới sự lãnh đạo của người lao động để cứu hành tinh của chúng ta”. Thời báo Washington Times đã đưa tin này trong một bài báo ngày 26 tháng 4 với tiêu đề “AOC và những bằng hữu cộng sản tận dụng thời cơ khi thế giới bị COVID-19 hoành hành”.

Bà ta còn khuyến khích mọi người tận dụng trợ cấp thất nghiệp thay vì quay lại làm việc khi chính phủ yêu cầu. Tuy vậy, bà ta có hàng triệu người theo dõi trên Twitter, bao gồm cả thanh thiếu niên và người trưởng thành.

Ông Paul Rubin, một giáo sư kinh tế tại Đại học Emory, nhận định đây là một tình huống đáng buồn. “Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội nhiệt tình nhất lại là sinh viên đại học — và ở hầu hết các trường đại học, chủ nghĩa tư bản lại bị coi là một từ bẩn thỉu. Những người ủng hộ chủ nghĩa xã hội trẻ tuổi này là sinh viên của chúng ta, và chúng ta cần phải dạy họ những vấn đề của chế độ kinh tế trong thời thượng nhưng đầy yếu kém này”, ông viết trong một bài báo tháng 10 năm 2018 với tựa đề: “Paul Rubin: Chúng ta phải dạy cho sinh viên đại học những điều cơ bản về nền kinh tế”.

Ông giải thích sâu hơn về điều này trong một cuốn sách năm 2000 với tựa đề: “Một tài liệu hướng dẫn về chủ nghĩa xã hội dành cho sinh viên: Nó sẽ chà đạp cuộc sống của bạn như thế nào?” Cụ thể, hậu quả của chủ nghĩa xã hội là nghèo đói, thiếu tự do, hàng hóa đắt đỏ, thiếu tính đổi mới và môi trường ô nhiễm hơn.

Ngược lại, năng suất và sự giàu có ở Hoa Kỳ là vì có chế độ tư bản chủ nghĩa. Ông Rubin viết: “Chính những thanh thiếu niên phê phán chủ nghĩa tư bản gay gắt nhất lại phụ thuộc nhiều vào các sản phẩm của chủ nghĩa tư bản trong cuộc sống hàng ngày. Đó là máy tính, điện thoại di động, Amazon Instagram, Uber, Skype, Spotify, trò chơi điện tử và hầu hết mọi sản phẩm hiện đại. Ngoài ra, những người làm ra những sản phẩm này lại là những người thuộc giới ‘triệu phú và tỷ phú’ bị những người theo chủ nghĩa xã hội khinh thường.”

Lịch sử vẫn thường lặp lại, và những tình huống tương tự cũng đã xảy ra ở Trung Quốc. Năm 1915, tạp chí “Thanh niên mới” xuất hiện ở Trung Quốc đã phê phán các giá trị truyền thống và đề cao chủ nghĩa xã hội. Chẳng bao lâu, tạp chí này đã bị ĐCSTQ chiếm đoạt để tuyên truyền về chủ nghĩa cộng sản. Từ năm 1937 đến năm 1945, Mao luôn thúc đẩy hệ tư tưởng cộng sản dưới danh nghĩa “dân chủ” và “tự do”. Vô số người đã bị lừa gạt, một số trí thức sống ở nước ngoài đã trở về Trung Quốc để tham gia chính phủ mới để rồi bị đàn áp trong nhiều cuộc vận động chính trị sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền vào năm 1949.

Những lời nói dối không dừng lại ở đó. Sau Cách mạng Văn hóa, Đặng Tiểu Bình tuyên bố Trung Quốc đang trong “giai đoạn sơ khai của chủ nghĩa xã hội”. Sau khi Liên Xô và khối cộng sản Đông u tan rã, ĐCSTQ đề xướng “Chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”. Nhưng các phong trào chính trị vẫn tiếp tục, tình trạng kiểm duyệt cũng như bóp méo sự thật vẫn như cũ.

Thuyết vô thần và xu hướng rời xa tinh thần Mỹ

Chủ nghĩa xã hội đã phát triển nhanh chóng ở Hoa Kỳ. Một ví dụ là tại bang California, Thống đốc Gavin Newsom đã đóng cửa các nhà thờ, trường học, phòng tập thể dục, và nhà hàng vì cho rằng chúng “là thứ yếu”. Trong khi đó, các câu lạc bộ thoát y, các cơ sở phá thai, và nơi bán cần sa lại được phép hoạt động.

Ông Rob McCoy, một mục sư ở Thousand Oaks, đã bị phạt hàng nghìn đô la vì mở cửa nhà thờ khi đang có lệnh cấm. Ông cho hay tình trạng này thật “điên rồ”. Ông nhận định vào tháng 11: “Nước Mỹ không nhận thấy thói đạo đức giả và ngu xuẩn trong tất cả những điều này sao? Các bạn đang bị lừa dối. Chúng ta đã đoạn tuyệt với chế độ chuyên chế, và chúng ta sẽ tận hưởng Lễ Tạ ơn và sẽ thờ phụng Chúa.”

Hoa Kỳ là một quốc gia được thành lập dựa trên đức tin. Năm 1956, Tổng thống Dwight D Eisenhower đã thông qua một đạo luật, trong đó tuyên bố “Chúng ta tin vào Chúa” là phương châm quốc gia nhằm củng cố tự do trong thời Chiến tranh Lạnh. “Ngày nay, khi chủ nghĩa cộng sản duy vật, theo chủ nghĩa đế quốc muốn tấn công và tiêu diệt tự do, chúng ta cần liên tục tìm cách củng cố nền tảng tự do của chúng ta”, Hạ Nghị sỹ Charles E. Bennett, người đề xuất đạo luật tại Hạ viện, giải thích.

Tuy nhiên, ngoài Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Thủ tướng Anh Margaret Thatcher, rất ít chính trị gia chú ý đến điều này. Theo một cuộc khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Pew với hơn 4.000 người vào năm 2017, mặc dù hơn 90% người Mỹ tin vào Chúa, nhưng tốc độ triển khai chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa ở Hoa Kỳ rất đáng báo động.

Xu hướng chủ nghĩa xã hội đã thể hiện rõ trong mấy tháng qua, bao gồm cả cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Ở California, trộm cướp dưới $950 không còn bị coi là trọng tội, do vậy, tỷ lệ tội phạm gia tăng đáng kể. Nếu không có một biện pháp kiểm soát biên giới hiệu quả, những người nhập cư bất hợp pháp sẽ tràn vào Hoa Kỳ. Những chương trình nghị sự khác bao gồm ủng hộ hôn nhân đồng tính và hợp pháp hóa cần sa.

“Đảng Dân chủ luôn lên tiếng về mọi vụ gây rối trong những năm ông Trump nắm quyền, nhưng không đề cập gì đến tình trạng hỗn loạn này đã gây thiệt hại hàng triệu đô la tài sản, giết hại và làm bị thương nhiều người vô tội, và góp phần làm gia tăng tình trạng coi thường pháp luật ở các thành phố trên khắp đất nước. Về điều đó, họ lại cố ý lờ đi”, ông Rich Lowry, biên tập viên của National Review viết trong bài báo với tiêu đề “Sự khủng hoảng ở các thành phố của chúng ta mà Đảng Dân chủ không dám đề cập”, đăng trên Boston Herald vào ngày 26 tháng 8.

Ở một mức độ nào đó, điều này tương tự như tình trạng hỗn loạn ở các nước cộng sản trước khi đảng lên nắm quyền hoặc sau các phong trào chính trị. Như lời Mao viết khi kích động Hồng vệ binh trong Cách mạng Văn hóa: “Mọi thứ bên dưới thiên đường đều cực kỳ hỗn loạn; đó là tình huống tuyệt hảo.“

Bằng cách tấn công các giá trị truyền thống, ĐCSTQ đã phá hủy văn hóa và đạo đức. Đến ngày nay, sự tàn phá này vẫn tiếp diễn. Một ví dụ là cuộc bức hại Pháp Luân Công của ĐCSTQ, một môn tu luyện cả thân lẫn tâm dựa trên nguyên lý Chân-Thiện-Nhẫn suốt 21 năm qua, và đến nay vẫn tiếp diễn. Hơn 4.000 học viên Pháp Luân Công được xác nhận là đã chết do bị bức hại. Giang Trạch Dân, cựu lãnh đạo ĐCSTQ, kẻ đã phát động cuộc bức hại, đã bị kiện ở một số quốc gia về tội ác phản nhân loại và tra tấn.

Nhân danh “Bình đẳng”

Ngày 3 tháng 11, các cử tri California đã bác bỏ Dự luật 16 nhằm khôi phục quyền khẳng định. Đề xuất này, nếu được thông qua và trở thành luật, sẽ cho phép các cơ quan công quyền, trường đại học và cao đẳng cộng đồng của California xem xét vấn đề chủng tộc, giới tính và dân tộc khi quyết định về hợp đồng, tuyển dụng, và tuyển sinh.

“Chúng tôi đã đánh bại một biện pháp của phe cực tả ở tiểu bang xanh nhất của Mỹ”, ông Ngô Văn Uyên, giám đốc điều hành của tổ chức California vì Quyền bình đẳng, cho biết trong một tuyên bố ngày 4 tháng 11. “Chúng tôi đã thắng, và nguyên tắc bình đẳng đã lại thắng thế so với một đối thủ lớn mạnh được các nhân vật chính trị kỳ cựu, các tỷ phú doanh nghiệp, và các nhóm lợi ích đặc biệt hậu thuẫn.”

Một người ủng hộ khác, Saga Conroy, cho biết quyền khẳng định này xúc phạm quan niệm truyền thống rằng Hoa Kỳ là miền đất của cơ hội bình đẳng, nơi mọi người đều có thể đạt được nếu họ làm việc chăm chỉ. Tương tự như các sáng kiến khác của Đảng Dân chủ, nó có xu hướng khiến con người không muốn nỗ lực nhưng lại tham lam hơn.

Cựu Hạ Nghị sỹ Curtis Bowers là nhà sản xuất bộ phim tài liệu Kế hoạch nghiền nát nước Mỹ (Agenda: Grinding America Down) – một bộ phim vạch trần chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa xã hội đang đe dọa xã hội Mỹ như thế nào. Ông nói trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 10, “Ai đã làm nhiều việc nhất để giúp đỡ người nghèo trong thời gian gần đây? Tổng thống Trump, cho dù bạn có thích ông ấy hay không. Tổng thống Trump đã tạo ra hoàn cảnh để giúp cho nhiều người có việc làm hơn bất kỳ thời điểm nào trong lịch sử Hoa Kỳ, đặc biệt là những nhóm thiểu số. Tôi rất mừng về điều đó. Tôi nghĩ chỉ trong ba năm đầu nhiệm kỳ của ông, 10 triệu người đã không còn phải nằm trong danh sách nhận trợ cấp thất nghiệp nữa. Đó là một chiến dịch thành công.“

Chủ nghĩa cộng sản đã lôi kéo nhiều người như một thứ thuốc phiện; đồng thời, nó còn gây ra thiệt hại lớn – gây ra khoảng 100 triệu cái chết bất thường ở các nước cộng sản trong thế kỷ qua. Những gì đã xảy ra ở Liên Xô, khối cộng sản Đông u, cũng như ĐCSTQ độc tài, đã chứng minh chủ nghĩa cộng sản luôn là thứ phá hoại.

Ở Trung Quốc, hơn 360 triệu người đã tuyên bố thoái xuất khỏi ĐCSTQ và các tổ chức liên đới của nó là Đoàn Thanh niên và Đội Thiếu niên Tiền phong. Khi ngày càng nhiều người bên ngoài Trung Quốc bắt đầu nhận ra bản chất của chủ nghĩa cộng sản thì nó sẽ sụp đổ hoàn toàn trên thế giới này.

https://www.dkn.tv/the-gioi/lat-do-van-hoa-phuong-tay-tu-ben-trong-cncs-nguy-trang-nhu-the-nao-trong-the-gioi-tu-do.html

Mã Vân: Nạn nhân của sự thành công trong chế độ Cộng Sản Trung Quốc?

Anh Vũ

Những ngày qua báo chí tốn không ít giấy mực cho việc tỷ phú Mã Vân (Jack Ma) bị chế độ Cộng Sản Bắc Kinh xử lý. Từng là niềm tự hào, hy vọng của Trung Quốc để cạnh tranh với các đế chế công nghệ số toàn cầu, nay Mã Vân đang từng bước bị Bắc Kinh “kìm hãm” đưa vào khuôn phép.

Người đồng sáng lập đế chế thương mại điện tử toàn cầu Alibaba liên tiếp nhận tin xấu kể từ hồi tháng 10/2020. Vào tháng 11, Bắc Kinh quyết định cấm Ant Group, công ty liên kết của tập đoàn Alibaba do Mã Vân sáng lập, phát hành cổ phiếu ra công chúng. Cùng lúc nhiều thông tin cho biết tập đoàn Alibaba bị điều tra vì vi phạm luật chống độc quyền. Sự việc dường như trở nên nghiêm trọng khi từ tháng 10/2020, ông chủ giàu có và đầy quyền lực Mã Vân không còn thấy xuất hiện trước công chúng. Có tin nói, tỷ phú giàu nhất Trung Quốc này bị cấm xuất cảnh.

Ông chủ của đế chế thương mại và một hệ thống ngân hàng điện tử đang lên như diều gặp gió giờ có nguy cơ rơi tự do trở lại mặt đất. Từ khi sáng lập ra Alibaba trong một căn hộ nhỏ ở thành phố Hàng Châu năm 1999 đến khi cho ra đời ứng dụng thanh toán điện tử Alipay năm 2004 và 10 năm sau đó cho ra đời hệ thống ngân hàng mạng Ant Financial, Mã Vân đã xây dựng được một đế chế kinh doanh khổng lồ dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ số với trị giá tài sản lên tới trên dưới 60 tỷ đô la.

Có thể nói ông chủ của Alibaba và Ant đã làm nên một cuộc cách mạng trong tiêu dùng và thanh toán ở trong nước, đồng thời đưa Trung Quốc thành một đối thủ cạnh tranh lớn với thế giới trong lĩnh vực ứng dụng cộng nghệ số. Thành công của Mã Vân không nằm ngoài tham vọng chiến lược của chính quyền Bắc Kinh. Thậm chí hồi năm 2018, báo chí quốc tế còn loan truyền tin đồn Mã Vân là đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Thế nhưng vận xấu của Mã Vân có lẽ bắt đầu từ một diễn đàn ở Thượng Hải hồi cuối tháng 10/2020. Trước nhiều quan chức quyền lực nhất trong giới chính trị và tài chính của Trung Quốc, Mã Vân đã lên tiếng chỉ trích các quy định quản lý tài chính của Trung Quốc kìm hãm phát triển công nghệ, đầu tư. Ông cho rằng cần phải cải cách hệ thống ngân hàng mà ông ví như là « những tiệm cầm đồ ».

Những phát biểu thể hiện quan điểm của một tỷ phú giàu có như vậy đã khiến các nhà quản lý tài chính của chế độ Cộng Sản không khỏi lo ngại sẽ có ngày hệ thống ngân hàng Nhà nước với hàng mớ thủ tục hành chính quan liêu, phụ thuộc vào các mệnh lệnh chính trị của đảng sẽ không thể cạnh tranh được với những Alibaba, Alipay và Ant và xa hơn nữa sẽ là đế chế lớn mạnh của Mã Vân có thể chi phối hay làm thay đổi hệ thống chính trị của Trung Quốc.

Theo Le Figaro, giờ đây công ty dịch vụ tài chính Ant Group đã là một con bạch tuộc vươn vòi sang nhiều hệ thống như giao hàng qua mạng (Meituan), taxi (Didi) và giám sát (Sense Time). Tập đoàn có trị giá tài sản 173 tỷ đô la và nắm giữ 290 tỷ đô la tiền vay tiêu dùng của hàng trăm triệu dân Trung Quốc, mỗi năm xử lý giao dịch hàng chục nghìn tỷ đô la trên mạng internet.

Mã Vân từ khi trở thành tỷ phú tầm thế giới luôn là người biết lựa chiều, tận dụng quyền lực chính trị của chế độ tại Trung Quốc để phát triển. Nhưng lần này, nhà tài phiệt Trung Quốc đã vượt qua lằn ranh đỏ của chế độ Cộng Sản. Hệ quả là Alibaba hứng chịu một loạt các sự kiện nói trên. Theo nhật báo tài chính Mỹ Wall Street Journal, dường như đích thân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã ra lệnh đưa Mã Vân vào khuôn khổ, mà bước đầu là cấm Ant niêm yết chứng khoán và tiếp đó sẽ là những cuộc điều tra mở rộng. Một quyết định khiến tập đoàn dịch vụ tài chính Ant Group có thể mất ít nhất 30 tỷ đô la.

Theo giới quan sát, dù tương lai của Ant là bất trắc nhưng ít có khả năng chế độ Cộng Sản đánh mạnh Mã Vân, như điều tra tham nhũng hay phá hoàn toàn đế chế của nhà tỷ phú. Làm như vậy sẽ gây đảo lộn môi trường kinh doanh với quốc tế và chính quyền sẽ mất lòng tin của các doanh nghiệp trong và ngoài Trung Quốc. Alibaba và Mã Vân giờ như là chỉ số đo sức khỏe của nền kinh tế Trung Quốc và là một phần cuộc sống của người dân Trung Quốc.  

Những động thái vừa rồi của chính quyền Bắc Kinh với đế chế Mã Vân có thể mới chỉ là đòn cảnh cáo khẳng định hơn ai hết đảng Cộng Sản Trung Quốc hiểu thế nào là « vật chất quyết định ý thức ». Mã Vân từ hai bàn tay trắng làm nên sự nghiệp lớn ở Trung Quốc cũng biết đã có không ít các doanh nghiệp, các đại gia chỉ trích quá đà chính quyền đã bị khuynh gia bại sản chỉ vì các cáo buộc gian lận, trốn thuế hay làm trái quy định Nhà nước.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20210105-che-do-cong-san-trung-quoc-danh-ma-van

2021, vận may của Trung Quốc

Thanh Hà

« Vac-xin chống Covid-19 là kế hoạch kích cầu hữu hiệu nhất » cho một năm 2021 « đầy rủi ro ». Âu-Mỹ phải giải quyết dứt điểm Covid-19 mới hy vọng phục hồi kinh tế. Ngược lại, với tỷ lệ tăng trưởng 8% được dự báo, Trung Quốc thấy rõ vận may ở phía trước. Các viện nghiên cứu đã đưa ra các dự báo như trên trong “quẻ bói” đầu năm.

Báo La Croix trong số cuối cùng của năm 2020 nêu lên 8 lý do cho phép tin tưởng kinh tế toàn cầu bật dậy trong năm 2021. Hai trong số đó là « Vac-xin xua tan viễn cảnh phong tỏa kinh tế » và « tăng trưởng tại châu Á khởi sắc trở lại kéo kinh tế toàn cầu đi lên ». Hãng bảo hiểm tín dụng Euler Hermes trụ sở tại Paris tin rằng mậu dịch toàn cầu sẽ khởi sắc trở lại nhờ sự năng động của châu Á, mà đứng đầu là Trung Quốc, đó là chưa kể với Joe Biden ở Nhà Trắng, đang làm dấy lên hy vọng thế giới bước vào giai đoạn « ít sóng gió hơn » so với những năm tháng dưới chính quyền Trump cho dù Washington tiếp tục duy trì đường lối « cứng rắn với Bắc Kinh ».

Theo dự báo của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế – OCDE, tỷ lệ tăng trưởng tại châu Âu và Mỹ năm nay theo thứ tự đạt 3,6 và 3,2 %. Tổng sản phẩm nội địa của Nhật Bản tăng khoảng 4% cho quãng thời gian từ tháng 3/2021đến tháng 3/2022 nhờ những gói kích cầu liên tiếp được ban hành trong năm 2020 bắt đầu mang lại hiệu quả. Riêng Trung Quốc sẽ thoải mái nhờ GDP tăng 8%. Các con số của Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế cũng rất gần với dự phóng của OCDE.

Nhiều bài báo Pháp, Mỹ không ngần ngại cho rằng 2021 sẽ là « năm của Trung Quốc ». Trả lời RFI Việt ngữ, chuyên gia về Đông Bắc Á của Quỹ Nghiên Cứu Chiến Lược Pháp, Antoine Bondaz, đánh giá như thế nào về nhận xét nói trên ?

Antoine Bondaz : Điều rõ ràng là ông Tập Cận Bình và chế độ muốn 2021 là năm để phô trương thanh thế của Trung Quốc, phô trương thành công cả về mặt y tế lẫn kinh tế… của nước này. Chắc chắn là tháng Giêng năm nay, nhân kỷ niệm một năm từ khi dịch bệnh bùng phát, Bắc Kinh sẽ tận dụng cơ hội này để chứng minh về tính hiệu quả của hệ thống chính trị Trung Quốc trong việc đối phó với khủng hoảng y tế. Tuy nhiên để biết được 2021 có phải là năm đánh dấu vận may của Trung Quốc hay không, chúng ta cần nhìn sang Hoa Kỳ. Câu hỏi đặt ra là chính quyền Biden sắp tới liệu có giành lại vị trí lãnh đạo thế giới mà Donald Trump đã đánh mất hay không ? Nếu câu trả lời là có thì điều này sẽ bất lợi cho Bắc Kinh.  

RFI : Nhìn « bên trong », đảng Cộng Sản Trung Quốc đã làm chủ được tình hình như trên vế đối ngoại ?

Antoine Bondaz : Theo tôi, giờ này năm ngoái, tháng Giêng 2020, các quan chức đặc trách về kinh tế Trung Quốc đã thực sự lo lắng về mức độ vững chắc của cỗ máy kinh tế nước này, về khả năng của đảng Cộng Sản Trung Quốc xử lý đại dịch, về khả năng đối phó trước làn sóng bất mãn của một phần công luận. Nhưng Bắc Kinh đã nhanh chóng làm chủ lại tình hình và ngay từ tháng 2/2020 đã có thể chưng ra những con số “khả quan” về mặt y tế. Hai chữ khả quan ở đây cần để trong ngoặc kép.

Thêm vào đó, chính quyền đã thâu tóm trở lại các phương tiện truyền thông, có nghĩa là gia tăng các biện pháp kiểm duyệt, tăng tốc các chiến dịch tuyên truyền… Ngày này năm ngoái, không ít nhà quan sát đặt nghi vấn về tương lai chính trị của ông Tập Cận Bình và bắt đầu chú ý xem ai có thể trở thành những đối thủ của ông trước Đại hội Đảng năm 2022. Giờ đây, Tập Cận Bình càng lúc càng cô đơn trên thượng tầng quyền lực nhưng mọi người đã thấy rõ vị thế của đảng Cộng Sản Trung Quốc không sợ bị lung lay.

RFI : Vào lúc từ châu Âu đến Hoa Kỳ và cả Nhật Bản điêu đứng trong năm 2020 và trong những dự phóng lạc quan nhất, giới trong ngành nêu lên tỷ lệ tăng trưởng cho 2021 ở mức từ 3 đến 4%. Riêng Trung Quốc chẳng những cỗ máy xuất khẩu đã không hề hấn gì mà còn hoạt động rất tốt, tăng trưởng trong năm qua ở mức 2% và Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh tế dự phóng GDP của Trung Quốc sẽ mạnh trong năm nay. Làm sao giải thích được sự thành công đó ?

Antoine Bondaz : Thành công về mặt kinh tế của Trung Quốc năm 2020 có được là nhờ khả năng phản ứng nhanh của Bắc Kinh. Ngay từ cuối tháng Giêng năm ngoái, điều rõ rệt nhất là phải giải quyết được vế y tế thì kinh tế mới có thể khởi sắc trở lại. Trớ trêu hơn là hiện tượng « họa người phúc ta ». Kinh tế Trung Quốc đã nhanh chóng bật dậy nhờ sự bất lực của Âu, Mỹ trước siêu vi corona. Chính sự kém cỏi của phương Tây đó đã bồi đắp cho tăng trưởng của Trung Quốc, đẩy xuất khẩu Trung Quốc sang Hoa Kỳ lên cao mà không thấy Washington kêu ca gì ! Chỉ nội tháng 11/2020, xuất siêu của Trung Quốc lên tới 75 tỷ đô la. Đó là yếu tố giúp cỗ máy kinh tế nước này nhanh chóng khởi sắc trở lại và Trung Quốc dễ dàng đạt tỷ lệ tăng trưởng 2% trong năm 2020. Trong khi đó thì tại Âu-Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng ở số âm.

Câu hỏi thực sự đặt ra cho năm nay là liệu rằng Bắc Kinh có duy trì được nhịp độ tăng trưởng như vậy nữa hay không ? Tiêu thụ nội địa có tiếp tục kéo kinh tế nước này đi lên hay không ? Trước mắt nhiều yếu tố cho thấy, câu trả lời sẽ là có. 2021 là năm kinh tế Trung Quốc sẽ năng động với đà phục hội nhanh chóng.  

RFI : Còn trên mặt trận chiến tranh thương mại với Mỹ thì sao ?

Antoine Bondaz : Điều rất rõ ràng là Trung Quốc chưa bao giờ che giấu tham vọng qua mặt Hoa Kỳ để trở thành cường quốc số 1 thế giới cả về mặt kinh tế lẫn quân sự, về khoa học và công nghệ. Vấn đề đặt ra với Bắc Kinh là châu Âu và Mỹ không muốn trông thấy kịch bản đó xảy ra. Thành thử cuộc chạy đua tranh giành ngôi vị hàng đầu ấy sẽ tiếp diễn trong nhiều năm nữa và sự cạnh tranh này càng lúc càng gay gắt.

Quan hệ giữa Trung Quốc với các nước công nghiệp phát triển sẽ phức tạp hơn. Ví dụ như từ tháng 11/2020 Trung Quốc đã ra sức ve vãn các nền kinh tế đang phát triển để vừa có thêm vây cánh, vừa tô điểm lại hình ảnh của Bắc Kinh sau đại dịch Covid-19, để đẩy mạnh giao thương và mở rộng thêm nữa ảnh hưởng của Trung Quốc. Có thể nói trước mắt, Trung Quốc chú trọng nhiều vào các nước đang phát triển, dùng cả lá bài kinh tế lẫn ngoại giao, y tế… để chiêu dụ những nước này.

RFI : Có thể cho rằng virus corona đã tăng cường thêm sức mạnh kinh tế cho Trung Quốc hay không ?

Antoine Bondaz : Đà vươn lên và sức mạnh được củng cố của Trung Quốc đã tăng tốc lên một cấp nữa trong những tháng gần đây kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Vấn đề cốt lõi ở đây là hình ảnh của Trung Quốc đã xấu đi. Quốc tế càng lúc càng ý thức được là đã quá lệ thuộc vào Bắc Kinh. Công luận cũng đã thức tỉnh trước mối quan hệ bất cân đối giữa Trung Quốc với bất kỳ một đối tác nào, kể cả như Úc hay châu Âu. Về phía Âu – Mỹ và các nền kinh tế công nghiệp phát triển, giải pháp tốt nhất để làm đối trọng với Trung Quốc, để ngăn chận ảnh hưởng càng lúc càng lớn của Bắc Kinh là phải nhanh chóng thoát khỏi khủng hoảng y tế. Tiếc rằng kịch bản này chưa thể xảy ra trong những tuần lễ hay những tháng sắp tới !

Tình trạng đói nghèo gia tăng

Báo cáo gần đây của Hội Nghị Liên Hiệp Quốc về Thương Mại và Phát Triển (UNCTAD/CNUCED) lo ngại virus corona đẩy một phần nhân loại vào cảnh bần cùng. Do tác động khủng hoảng y tế và kinh tế, có thêm 32 triệu người trên hành tinh sống với thu nhập dưới ngưỡng 2 đô la một ngày ; 47 quốc gia nghèo nhất trên thế giới lâm vào tình cảnh « tệ hại nhất » từ 3 thập niên qua. Tại những nước đã nghèo khó này, Covid-19 còn cướp đi thêm 2,6% thu nhập bình quân đầu người.

Bất bình đẳng trước vac-xin chống virus

Trung tuần tháng 12/2020, một nghiên cứu của đại học John Hopkins công bố báo động hơn 20% dân số địa cầu phải đợi ít nhất đến năm 2022 mới được tiếp cận với vac-xin chống virus corona, do hơn 50% lượng thuốc xuất khẩu trong năm 2021 đã được các nước giàu đặt mua từ trước khi vac-xin được sản xuất.

Tính đến ngày 15/11/2020, 13 viện bào chế sản xuất thuốc đã nhận được đơn đặt hàng mua trước 51% vac-xin sẽ được sản xuất trong năm. Khối lượng này được dự trù phục vụ 14% dân số địa cầu. 85% còn lại phải tự xoay sở với 49% thuốc còn lại !

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-kinh-t%E1%BA%BF/20210105-2021-van-may-cua-trung-quoc

Covid-19: Singapore thành công chống dịch, nhưng kinh tế suy thoái mạnh

RFI|Minh Anh

Tính đến đầu năm 2021, Singapore chỉ phát hiện thêm 35 ca dương tính với Covid-19. Tất cả đều là các trường hợp nhập cảnh, được phát hiện trong thời gian cách ly nên được điều trị và ngăn chặn kịp thời. Không có ca nào trong cộng đồng hoặc trong các khu nhà tập thể của lao động nhập cư. Trong cả tháng 12/2020, số người bị lây nhiễm trong cộng đồng chỉ có 10 ca.

Theo thông tín viên Quỳnh Nguyễn tại Singapore, chính những biện pháp hạn chế và phòng ngừa nghiêm ngặt này đã giúp cho đảo quốc nhỏ bé tại Đông Nam Á khống chế được dịch bệnh, nhưng đồng thời cũng gây thiệt hại nặng cho nền kinh tế quốc gia.

RFI : Chương trình cách ly ở Singapore được thực hiện như thế nào ?

Quỳnh Nguyễn : Mọi người nhập cảnh vào Singapore đều phải tham gia vào chương trình cách ly bắt buộc 14 hoặc 7 ngày, tại một khách sạn do chính phủ chỉ định, hoặc tại nhà riêng, tùy vào quốc gia xuất phát. Ngoại trừ những người đến từ các quốc gia sau đây, chỉ phải xét nghiệm, và tự cách ly cho đến khi có kết quả xét nghiệm: Úc, Brunei, Trung Quốc, New Zealand, Đài Loan và Việt Nam.

Trong thời gian cách ly, sẽ có các xét nghiệm và theo dõi để bảo đảm việc cách ly được thực hiện nghiêm túc. Chi phí cho 14 ngày cách ly tại một khách sạn do chính phủ chỉ định là vào khoảng 2 ngàn đô la, do người nhập cảnh thanh toán. Nếu không tuân thủ đúng chương trình cách ly, họ sẽ bị phạt tù lên đến 6 tháng và số tiền phạt có thể lên đến 10 ngàn đô la.

Từ ngày 28/12/2020, Singapore chuyển sang giai đoạn 3 của quá trình phòng chống dịch Covid-19. Người dân Singapore đã và đang tuân thủ triệt để các biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang (kể cả với trẻ em trên 6 tuổi) ở nơi công cộng, mỗi gia đình chỉ được tiếp 8 người khách, số người ngồi chung bàn ở nhà hàng là không quá 8 người và mỗi bàn cách xa nhau tối thiểu 1m, giãn cách xã hội tối thiểu 1m, và nhất là phải đăng ký tên và số liên lạc khi ra vào bất kỳ nơi nào (nhà hàng, siêu thị, cơ quan…)

Chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng : 

– Thực hiện hơn 50 ngàn xét nghiệm PCR trong 1 ngày để phát hiện bệnh sớm. Xét nghiệm nhanh tìm kháng nguyên cũng được sử dụng cho những sự kiện lớn và nhiều nguy cơ

– Khuyến khích người dân cài đặt ứng dụng « Trace Together » trên điện thoại. Ứng dụng do chính phủ Singapore phát triển, cho phép xác định những người đã tiếp xúc với người nhiễm Covid. Điều này cho phép chính phủ truy vết người có nguy cơ nhiễm bệnh và ngăn chặn virus lây lan. Mục tiêu là đến cuối năm 2020, 70% dân số cài ứng dụng này.

Những ngại ngần ban đầu về quyền riêng tư cá nhân khi cài ứng dụng này đã giảm. Nhưng vẫn còn mối lo điện thoại sẽ mau hết pin khi ứng dụng này sử dụng Bluetooth và phải được mở liên tục trên điện thoại.

Người dân bắt buộc phải có ứng dụng « Trace Together » để vào một số nơi như rạp chiếu phim. Sau này, trường học cũng sẽ bắt buộc học sinh có ứng dụng này. Đối với trẻ và người lớn tuổi, ứng dụng trên điện thoại sẽ được thay thế bằng thiết bị điện tử nhỏ và gọn, luôn đeo trên người khi ra khỏi nhà.

RFI : Vấn đề tiêm chủng sẽ được thực hiện như thế nào ?

Quỳnh Nguyễn : Theo giáo sư Teo Yik Tình, trưởng khoa Sức khỏe Cộng đồng trường Saw Sweet Hock, thuộc Đại học Quốc gia Singapore, tiêm chủng là cách duy nhất để bảo vệ toàn cộng đồng.

Với những lo ngại về virus chủng mới, chính phủ nhắm đến tiêm chủng 90% dân số, thay vì dự định tiêm 80% như trước đây. Nhân viên y tế và nhân viên phòng dịch tuyến đầu được ưu tiên tiêm ngừa trước. Dự định đến khoảng quý III năm 2021, Singapore sẽ có đủ vac-xin cho toàn bộ dân số. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố.

RFI : Với sự xuất hiện của virus biến thể, Singapore phản ứng ra sao ?

Quỳnh Nguyễn : Hiện nay, Singapore chỉ mới có 1 ca dương tính với virus chủng mới b117, là một thanh niên 17 tuổi, trở về từ nước Anh ngày 6/12/2020. Theo nghiên cứu, virus chủng b117 có khả năng lây lan nhanh hơn 70% virus chủng cũ, nhưng chưa có dấu hiệu cho thấy nó nguy hiểm hơn.

Singapore đã cấm hành khách ngoại quốc từng lưu lại Anh trong 14 ngày qua nhập cảnh hay quá cảnh Singapore. Từ thứ Hai 04/01/2021, luật này sẽ áp dụng cho cả hành khách đến từ Nam Phi, nơi được phát hiện có virus chủng mới có khả năng lây lan mạnh.

Người dân Singapore từng sống ở Anh vẫn được trở về nước, sẽ được xét nghiệm ngay khi nhập cảnh và xét nghiệm lại sau khi hoàn thành 14 ngày cách ly. Biện pháp này sẽ cho phép các nhà khoa học có thêm thời gian để nghiên cứu về virus chủng mới.

RFI : Dịch bệnh và các biện pháp phòng chống dịch đã có những tác động ra sao lên nền kinh tế Singapore ?

Quỳnh Nguyễn : Trước khi dịch Covid bùng nổ, kinh tế Singapore được dự đoán tăng trưởng trong khoảng 0,5% – 2,5%. Các biện pháp phòng dịch đã kéo Singapore vào giai đoạn suy thoái trầm trọng, kinh tế suy giảm mạnh từ 5% đến 7%.

Dịch Covid-19 gây thiệt hại nặng nề cho các ngành nghề nội địa và dịch vụ có liên quan đến du lịch như nhà hàng, bán lẻ, xây dựng, hàng không, khách sạn. Thay đổi dễ nhận thấy nhất là ở ngành du lịch. Từ tháng 2/2020, các du thuyền liên tục bị hủy hợp đồng. Đến tháng 3, nhiều tour du lịch bị hủy, do các hãng hàng không giảm chuyến bay. Lượng khách du lịch lần lượt giảm mạnh qua các tháng từ 1,7 triệu vào tháng Giêng xuống còn có 748 vào tháng 4 năm 2020.

Chính phủ đã phải đưa ra biện pháp trợ giúp doanh nghiệp, nhất là trong ngành du lịch như mở các khoản vay giải cứu từ 1 đến 5 triệu đô la Singapore, hỗ trợ đến 30% tiền thuê mặt bằng tư nhân, miễn phí thuê mặt bằng do nhà nước sở hữu hoặc quản lý, hỗ trợ lương thông qua các chương trình hỗ trợ việc làm và tiền lương, trợ giúp lương cho nhân viên trên 55 tuổi, thêm các khoản trợ giúp cho doanh nghiệp có nhân viên khuyết tật, hay hỗ trợ 90% chi phí tái đào tạo cho nhân viên ngành du lịch…

Đối với người dân bị ảnh hưởng, chính phủ cũng có những biện pháp trợ giúp như trợ cấp từ 500 – 700 đô la trong ba tháng cho những người mất việc hoặc bị giảm hơn 50% thu nhập, nhân viên y tế bị lây nhiễm được nhận 5.000 đô la, nhân viên/tình nguyện viên chống dịch tuyến đầu bị lây nhiễm được nhận 3.000 đô la.

Bên cạnh đó chính phủ còn có các chương trình hỗ trợ đào tạo và tìm việc làm, chương trình tư vấn và đào tạo giúp chuyển đổi việc làm… Theo ước tính, chính phủ phải bỏ ra khoảng 100 tỉ đô la, tương đương với 20% tổng sản phẩm quốc nội, để vực dậy đời sống của người dân và nền kinh tế quốc gia.

https://www.rfi.fr/vi/ch%C3%A2u-%C3%A1/20210105-singapore-chong-covid-19-kinh-te-suy-thoai

Úc được lợi ở các đảo Thái Bình Dương trong bối cảnh COVID-19 cản trở Trung Cộng

Tin từ Sydney, Úc – Úc hiện đang tiến tới tăng cường quan hệ với các quốc đảo nhỏ ngoài khơi bờ biển phía đông của nước này, nhằm đẩy lùi ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng ở khu vực Thái Bình Dương khi sự bùng phát của coronavirus tiếp tục cản trở việc đi lại.

Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison đã hứa cung cấp cho các nước láng giềng vaccine COVID-19 vào năm 2021 như một phần của gói hỗ trợ trị giá 500 triệu Úc Kim, nhằm đạt được phạm vi tiêm chủng đầy đủ trong khu vực.

Gần đây, Úc cũng đã ký một thỏa thuận mang tính bước ngoặt với Fiji, cho phép bố trí và tập trận quân sự trong phạm vi quyền hạn của 2 bên. Ông Jonathan Pryke, người đứng đầu nghiên cứu về khu vực cho Viện Lowy cho biết, Trung Cộng đã thiếu hành động liên quan đến việc cung cấp hỗ trợ COVID-19 cần thiết trong khu vực Thái Bình Dương. Còn Úc đã thể hiện sự thiện chí bằng cách không bỏ quên về Thái Bình Dương trong thời gian khủng hoảng.

Theo tờ Bloomberg đưa tin, trong thập niên qua, ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Cộng tại các quần đảo Thái Bình Dương đã gióng lên hồi chuông khuyến cáo đối với Hoa Kỳ và Úc. Các nhà ngoại giao và viên chức tình báo lo lắng rằng, mục tiêu cuối cùng của Bắc Kinh có thể là thiết lập một căn cứ hải quân có thể chi phối các chiến lược quân sự của họ.

Cuộc chiến giành ảnh hưởng trong khu vực diễn ra sau khi Trung Cộng tấn công Úc bằng một loạt đòn trả đũa thương mại, sau khi ông Morrison quyết định tìm kiếm một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc của COVID-19.  (BBT)

https://www.sbtn.tv/uc-duoc-loi-o-cac-dao-thai-binh-duong-trong-boi-canh-covid-19-can-tro-trung-cong/

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.