Đọc báo Pháp – 12/01/2021
Covid-19: Vac-xin dùng tại Pháp rất ít tác dụng phụ
Trọng Nghĩa
“Covid-19” và “tiêm chủng”, cùng với “Donald Trump” và “kiểm duyệt” là những từ khóa nổi bật trên trang nhất các báo Pháp ra ngày hôm nay, 12/01/2021, với Le Monde và La Croix dành tựa chính cho chủ đề chích ngừa, trong lúc Les Echos lược qua một số vấn đề nổi cộm quanh việc tổng thống Mỹ bị các mạng xã hội chủ chốt ra lệnh cấm.
Riêng hai tờ báo lớn còn lại là Libération và Le Figaro thì tập trung chú ý đến tình hình xã hội Pháp, với Libération vạch trần những thế lực chống lưng cho một giáo sư tên tuổi bị cáo buộc phạm tội loạn luân, và Le Figaro báo động trở lại về nguy cơ tư tưởng Hồi Giáo cực đoan ngự trị trong các trường học Pháp.
Trên vấn đề tiêm chủng ngừa Covid-19, nhật báo Công Giáo Pháp La Croix đã chú ý đến khía cạnh tương đối chuyên môn với hàng tựa lớn trang nhất: “Vac-xin trong tầm giám sát”.
La Croix: Tác dụng phụ của hai vac-xin ngừa Covid-19 không đáng kể
Theo tờ báo, việc truy tìm các tác dụng phụ ngoài ý muốn của vac-xin ngừa Covid đã tập trung nhiều nguồn lực quan trọng và đây là một vấn đề thiết yếu trong chiến dịch tiêm chủng đang diễn ra.
Trong bài “Tác dụng phụ nào đối với vac-xin chống Covid ?”, La Croix đã trấn an ngay: “Các loại thuốc chủng hiện được phép lưu hành tại Pháp, của hai hãng Moderna và Pfizer, chủ yếu gây đau nhức tại chỗ tiêm và đôi khi tạo ra tình trạng sốt cao hay hết sức mệt mỏi” nơi người được chích ngừa.
Riêng đối với những người hay bị dị ứng, nguy cơ có thể là tình trạng sốc phản vệ, tức là phản ứng dị ứng mạnh và đột ngột, có thể phải nhập viện.
Tuy nhiên, tờ báo ghi nhận: Sau hai tuần triển khai chiến dịch chích ngừa, với hơn 80.000 liều được tiêm tại Pháp, Cơ Quan An Toàn Dược Phẩm Quốc Gia Pháp ANSM chỉ xác định được một trường hợp phản ứng “không nghiêm trọng”: Đó là sự suy giảm tạm thời tỷ lệ tế bào miễn dịch lympho. Đây là một biểu hiện “thuần túy sinh học” và “thoáng qua”, được xem là vô hại và đã được quan sát thấy trong các thử nghiệm lâm sàng do các phòng thí nghiệm Pfizer-BioNTech tiến hành.
Dẫu sao thì theo tờ báo, chính quyền Pháp đã rất quan tâm đến vấn đề phản ứng phụ đối với thuốc chủng ngừa Covid 19. Trong bài “Pháp dự trù là các báo cáo về phản ứng bất lợi trước thuốc chủng sẽ gia tăng”, La Croix ghi nhận là bộ Y Tế đã tăng cường số nhân viên tại 31 trung tâm cảnh giác về dược phẩm chuyên trách việc xử lý các báo cáo tình hình do các bác sĩ, bệnh nhân và hiệp hội gởi lên.
Giới trong ngành đã khuyến cáo chỉ nên khai báo những ảnh hưởng nghiêm trọng hoặc bất ngờ, để tránh việc hệ thống cảnh báo bị tràn ngập thông tin.
Tuy nhiên, với việc chiến dịch tiêm chủng tăng tốc tại Pháp, giới chức cảnh giác dược phẩm dự đoán sẽ có sự gia tăng đáng kể của các báo cáo về phản ứng đối với thuốc chủng.
Le Monde: Tiêm chủng tại Pháp vừa trải qua 6 tuần “ác mộng”
Cũng về Covid-19, dưới hàng tựa lớn chạy trên 5 cột báo ở trang nhất, Le Monde nêu bật: “Tiêm Chủng: Các lý do chậm trễ tại Pháp”. Đối với tờ báo Pháp, vì không có được một chính sách tuyên truyền nhất quán trước một dư luận không mấy mặn mà với việc chích ngừa, lại lo ngại trước phản ứng của giới chống vac-xin và không muốn bị đánh giá là chậm chạp, chính phủ Pháp đã nhiều lần thay đổi chiến lược tiêm chủng.
Theo Le Monde, ngay từ đầu, chính quyền Pháp đã sai lầm khi chọn một nhân vật quá thân cận với ngành công nghiệp dược phẩm để chỉ đạo chiến dịch tiêm chủng, cho nên đã phải thay người giữa chừng.
Vì muốn o bế dư luận, việc tiêm chủng đã được khởi sự một cách quá thận trọng, để rồi đến khi phải xấu hổ trước bước đi chậm chạp của mình trước tiến độ nhanh chóng của các nước châu Âu khác, thì đã quyết định tăng tốc.
Bên cạnh đó, chiến dịch tiêm chủng lại vấp phải những thách thức hậu cần chưa từng thấy, trong lúc sự xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2 có thể làm đảo lộn các tính toán.
Khó khăn bất ngờ: Có thuốc chủng nhưng thiếu kim tiêm
Le Monde đã nêu bật một ví dụ cho thấy các khó khăn của việc đảm bảo hậu cần: vấn đề thiếu kim tiêm. Mới ở giai đoạn đầu thôi, mà số lượng kim tiêm được phân phối đôi khi thấp hơn nhiều so với số liều thuốc chủng. Một số bệnh viện mà tờ báo đã tiếp xúc đang thực sự lo ngại trước việc không có kim để chích.
Đó là trường hợp của bệnh viện Montauban chẳng hạn, hôm 05/01 vừa qua, đã được giao 4.875 liều thuốc chủng, một con số dự kiến sẽ tăng gấp đôi trong tuần. Thế nhưng số lượng kim tiêm lại thấp hơn gần ba lần số liều thuốc chủng. Bệnh viện đã cố tìm mua thêm nhưng không nơi nào có. Tình trạng tương tự cũng được ghi nhận ở thành phố Lille miền Bắc Pháp, nơi chỉ có 10.000 chiếc kim tiêm được phân phối cho 20.000 liều thuốc chủng.
Nhận định chung của Le Monde rất nghiêm khắc: “Trong sáu tuần qua, việc xác định và thực hiện chiến lược tiêm chủng của chính phủ Pháp như đã trở thành một cơn ác mộng triền miên, trong đó ngay khi một đám cháy này được dập tắt thì một đám cháy khác lại bùng lên”.
Les Echos: Các câu hỏi chung quanh vụ TT Trump bị “kiểm duyệt”
Chủ đề thời sự thứ hai chi phối các báo Pháp hôm nay là dư âm của việc các đại tập đoàn internet và mạng xã hội chủ chốt từ FaceBook, Twitter, cho đến Google, Apple đều đã quyết định cấm cửa tổng thống mãn nhiệm Mỹ Donald Trump.
Nhật báo kinh tế Les Echos đã cố nhìn nhận vấn đề một cách khách quan qua hàng tựa lớn trang nhất: “Mạng xã hội: Các câu hỏi chung quanh một hành động kiểm duyệt”.
Đối với Les Echos, việc ông Donald Trump bị loại ra khỏi các mạng xã hội đã đặt ra vấn đề trách nhiệm của các mạng này trong việc cho đến gần đây vẫn dung túng cho những hành động mà giờ đây mới bị họ coi là sai trái.
Hành động của các mạng xã hội còn đặt ra vấn đề là họ có quyền kiểm duyệt ông Trump hay không. Theo tờ báo Pháp, nhiều lãnh đạo phương Tây, trong đó có bà Angela Merkel đã phản đối quyết định của các mạng xã hội, và cho rằng cần phải để cho Tư Pháp hành động mới đúng.
Dẫu sao thì tờ báo cũng để lộ thái độ tự mãn tương đối khi cho biết là dự án châu Âu mang tên Luật về Dịch Vụ Kỹ Thuật Số (Digital Services Act) dự trù ra mắt vào cuối năm nay, sẽ cho phép điều hòa tốt hơn nội dung được phép lưu hành trên mạng.
Le Figaro: Vì Hồi Giáo cực đoan, giáo viên Pháp tự kiểm duyệt
Như nói ở trên, nhật báo Le Figaro hôm nay chủ trương nhấn mạnh trở lại hồ sơ đã từng được tờ báo cánh hữu này đề cập đến nhiều lần trong quá khứ. Trang nhất Le Figaro chạy hàng tựa lớn: “Chủ nghĩa Hồi Giáo cực đoan: Các giáo viên bị buộc phải tự kiểm duyệt“.
Theo Le Figaro, gần ba tháng sau vụ tấn công của một phần tử Hồi Giáo cự đoan đã cướp đi sinh mạng của nhà giáo Samuel Paty, chất độc của nỗi sợ hãi tiếp tục lan truyền trong hàng ngũ giáo viên, thường phải đơn độc chiến đấu bảo vệ tính chất thế tục của trường học.
Tờ báo Pháp không ngần ngại mô tả cảnh ngộ của các thầy cô giáo, “nay thì ở Lyon, mai thì ở Toulouse… ở chỗ này thì bị buộc phải rời khỏi nhà trường của mình vì đã nói về quyền tự do ngôn luận, ở chỗ kia thì phải chịu áp lực từ các công đoàn buộc tội họ là đã “kỳ thị” và “truy bức” khi họ tố cáo hành vi của một số học sinh”. Theo Le Figaro, các giáo viên chỉ còn biết “dựa vào lòng can đảm của chính mình để bảo vệ chủ nghĩa thế tục”.
Đối với tờ báo cánh hữu, kể từ vụ ám sát Samuel Paty vào tháng 10 năm ngoái, mọi người đều nhận ra rằng trường học là mục tiêu hàng đầu của chủ nghĩa khủng bố Hồi Giáo. Trên mặt này, bộ trưởng Bộ Giáo Dục, Jean-Michel Blanquer, không ngừng nhắc lại rằng ông đã sát cánh cùng đội ngũ của mình. Nhưng vấn đề có lẽ sâu xa hơn. Do đó, một số giáo viên thà chấp nhận “chủ nghĩa tương đối văn hóa” hơn là mạo hiểm để khẳng định các giá trị của nền Cộng hòa.
Trong một bài viết trang trong, Le Figaro đã nêu bật kết quả một cuộc điều tra dư luận mới nhất, do viện Ifop thực hiện từ ngày 10 đến 17 tháng 12 và được công bố vào ngày 6 tháng 1, cho thấy là hành động tự kiểm duyệt nơi các giáo viên đang gia tăng.
Theo cuộc thăm dò này, không dưới 49% giáo viên trung học cho biết họ đã tự kiểm duyệt khi giảng dạy về các vấn đề tôn giáo để không gây ra sự cố nào trong lớp học của họ, tức là tăng 3 điểm so với năm 2018. Con số này lên đến mức 70% ở các vùng ngoại ô nơi các tầng lớp lao động cư ngụ.
Libération: Các thế lực chống lưng cho Olivier Duhamel
Cũng chú ý đến lãnh vực xã hội Pháp, nhật báo cánh tả Libération đã nêu bật trên trang nhất phóng sự điều tra về “Những kẻ ở cấp cao bao che cho Olivier Duhamel”, một giáo sư luật học quyền thế, bị cáo buộc về những hành vi loạn luân và nhất là đối với trẻ vị thành niên.
Là một giáo sư nổi tiếng về Luật Hiến Pháp, năm nay 71 tuổi, Olivier Duhamel gần đây từng giữ chức chủ tịch Hiệp Hội Khoa Học Chính Trị Quốc gia FNSP và nhóm Le Siècle, môt câu lạc bộ tập hợp giới lãnh đạo chính trị, kinh tế, văn hóa và truyền thông Pháp.
Mới đây ông đã bị buộc phải từ bỏ mọi chức vụ sau khi bị bà Camille Kouchner, con gái của người vợ quá cố tố cáo trong một quyển sách là đã có hành vi cưỡng bức trẻ vị thành niên và loạn luân, mà nạn nhân chính là Antoine Kouchner, em trai song sinh của tác giả.
Libération đã tiết lộ cách thức mà ông Olivier Duhamel, ở đỉnh cao quyền lực, đã xây dựng một mạng lưới gồm những người quen biết và những người mang ơn mình, để những người này, bị bắt buộc, những người, vì tình bạn vì tư lợi, quyết định bảo vệ ông bất chấp các hành vi loạn luân của ông.
Tin tổng hợp
(RFI) – Vladimir Putin tập hợp các lãnh đạo của Armenia và Azerbaijan.
Tổng thống Nga Putin đã tiếp tổng thống Azerbaijan Aliyev và thủ tướng Armenia Pashinyan tại Matxcơva vào ngày 11/01 /2021 để thảo luận về tình hình ở vùng Thượng Karabakh. Theo Tổng thống Nga, đây là một cuộc họp quan trọng và hữu ích, đã dẫn đến việc ký một tuyên bố chung, theo đó các phó thủ tướng Nga, Armenia và Azerbaijan sẽ thành lập các nhóm công tác, trong một tương lai gần, để trình bày các kế hoạch cụ thể về phát triển cơ sở hạ tầng giao thông và kinh tế của khu vực.
(AFP) – Covid-19 : Phái đoàn Tổ Chức Y Tế Thế Giới đến thẳng Vũ Hán.
Chuyên gia Tổ Chức Y Tế Thế Giới sẽ bị cách ly hai tuần trước khi bắt tay vào công tác điều tra cội nguồn siêu vi. Bắc Kinh cho biết thêm như trên sau khi xác nhận phái đoàn 10 chuyên gia quốc tế sẽ đến Vũ Hán vào thứ Năm 14/01.
(AFP) – Covid-19 : Thêm một thành phố Trung Quốc bị phong tỏa.
Lang Phường,(Langfang), một thành phố lân cận với Bắc Kinh cùng với 5 triệu dân bị phong tỏa kể từ hôm nay 12/01/2021 sau khi phát hiện một trường hợp corona chủng mới. Nội bất xuất, ngoại bất nhập, mọi cuộc gặp gỡ gia đình, hôn nhân bị đình hoãn, tang lễ phải đơn giản hóa tối đa, theo lệnh của chính quyền địa phương.
(AFP) – Covid-19 :Malaysia ban bố tình trạng khẩn cấp.
Quốc vương Abdullah Shah tuyên bố tình trạng khẩn cấp trên toàn liên bang kể từ thứ Ba 12/01/2021 cho đến tháng 8, để đối phó với đại dịch Covid tăng tốc bất ngờ và đe dọa hệ thống y tế của Malaysia. Nếu tình hình cải thiện, tình trạng khẩn cấp sẽ được hủy bỏ sớm hơn.
Điểm tin thế giới 12/1:
Twitter gánh ‘quả báo’; Đài Loan ra mắt hộ chiếu mới
Mục Điểm tin thế giới, thứ Ba (12/1), của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:
Ông Joe Biden tiêm mũi vắc xin Covid thứ hai.
Ông Biden đã tiêm ngừa virus Covid mũi thứ hai vào ngày 11/1 ở Bệnh viện ChristianaCare ở Newark, bang Delaware. Ông nói rằng sẽ có cuộc họp với các cố vấn vào chiều thứ Hai và sẽ công bố chi tiết về kế hoạch đối phó với dịch viêm phổi Vũ Hán của chính quyền mới vào thứ Năm. Phó tướng của ông, bà Harris cũng đã tiêm mũi vắc xin Covid đầu tiên, Chủ tịch Pelsosi, một đồng minh khác của ông, người tuyên bố vắc xin Covid được phê duyệt bởi chính quyền Trump không an toàn, cũng đã tiêm mũi đầu tiên [Conservativere View].
Người điều tra mổ cướp nội tạng nhận danh hiệu cao quý.
Ông David Matas, một luật sư và nhà bảo vệ nhân quyền người Canada, đã trở thành người đầu tiên được trao giải thưởng Nhà lãnh đạo Nhân đạo Toàn cầu của năm do tổ chức nhân quyền Canada ủng hộ những người tị nạn ở Dire Need (CSRDN) trao tặng. “Chúng tôi muốn ghi nhận những đóng góp to lớn của David trong việc cứu mạng sống và công lý bằng cách lên tiếng chống lại tội ác khủng khiếp cưỡng bức thu hoạch nội tạng ở Trung Quốc. Giết người để lấy nội tạng là một hành vi tàn bạo và man rợ nhất và cần phải được chấm dứt ”, đồng chủ tịch CSRDN, Tiến sĩ Aliya Khan, nói, đề cập tới hành vi mổ cướp nội tạng mà Bắc Kinh hậu thuẫn đối với học viên Pháp Luân Công và tù nhân Duy Ngô Nhĩ [Epoch Times].
Twitter gánh ‘quả báo’.
Cổ phiếu của Twitter hôm thứ Hai (11/1) đã giảm 12%, sau khi công ty phong tỏa tài khoản của Tổng thống Donald Trump và một loạt những nhân vật cánh hữu khác. Twitter cho biết họ đã xóa tài khoản của Trump vào thứ Sáu với lý do Tổng thống Mỹ kêu gọi bạo lực, gián tiếp gây ra vụ người biểu tình tràn vào Tòa nhà Quốc hội hôm 6/1. Tuy nhiên, nhiều báo cáo chỉ ra, nhiều thành viên của nhóm Antifa cực tả trà trộn đã mào đầu và châm ngòi cho hành vi này, trong khi đó ông Trump đã lên tiếng kêu gọi người biểu tình thượng tôn pháp luật [Epoch Times].
WHO có thể không được tới Vũ Hán điều tra nguồn gốc virus.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên cho biết Trung Quốc đã chấp thuận cho nhóm chuyên gia của WHO tới điều tra nguồn gốc lây lan virus Vũ Hán. Ông Triệu nói rằng kiến thức về virus của Trung Quốc đã sâu sắc hơn và ám chỉ virus không phát xuất từ Trung Quốc, cũng như việc điều tra nguồn gốc virus liên quan tới nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ. AP cho rằng Trung Quốc quản lý rất chặt việc nghiên cứu nguồn gốc virus. Vì thế rất có thể nhóm làm việc của WHO không được phép tới Vũ Hán, nới được cho là phát sinh loại virus chết người [Fox News].
Mỹ đưa Cuba trở lại danh sách thực thể tài trợ khủng bố.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo cho biết Cuba sẽ bị đưa vào danh sách đen vì “liên tục hỗ trợ các hành động khủng bố quốc tế” bằng cách chứa chấp những kẻ phạm tội đào tẩu cũng như các thủ lĩnh phiến quân Colombia”. Ông Pompeo cũng trích dẫn sự hỗ trợ an ninh của Cuba dành cho Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, qua đó cho phép nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa duy trì quyền lực của mình và tạo ra “một môi trường dễ dàng cho những kẻ khủng bố quốc tế sinh sống và phát triển ở Venezuela” [Reuters].
Đệ nhất phu nhân Melania ‘thất vọng’ với vụ bạo lực ở Đồi Capitol.
Trong thông cáo đăng trên website Tòa Bạch Ốc ngày 11/1, bà Melania Trump cho biết: “Tôi thất vọng và đau buồn với những gì xảy ra tuần trước. Thật đáng xấu hổ khi xoay quanh sự kiện bi thảm đó là những lời đồn tục tĩu, công kích cá nhân vô cớ và cáo buộc sai trái nhằm vào tôi từ những người có mục đích riêng. Đây là lúc hàn gắn đất nước và người dân, đừng lợi dụng nó để trục lợi cá nhân” [Whitehouse].
Thủ tướng Đức: Twitter khóa tài khoản của TT Trump là ‘có vấn đề’.
Phát ngôn viên của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert, hôm thứ Hai (ngày 11/1) cho biết bà Merkel đã có quan điểm như vậy. Theo ông Seibert, nói rằng quyền tự do quan điểm là một quyền có “ý nghĩa cơ bản” và “quyền cơ bản này có thể bị can thiệp, nhưng phải theo luật và trong khuôn khổ do các nhà lập pháp xác định, chứ không phải theo quyết định của ban quản lý các nền tảng truyền thông xã hội” [Epoch Times].
Ông Biden đề cử cựu thứ trưởng ngoại giao làm giám đốc CIA.
William Burns, quan chức ngoại giao kỳ cựu với 33 năm kinh nghiệm, đã được ông Joe Biden chọn làm người lãnh đạo Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA). Ông William Burns, 64 tuổi, thông thạo tiếng Nga, Arab và Pháp, chuyên xử lý các vấn đề về Nga và Trung Đông. Ông là đại sứ Mỹ tại Nga trong giai đoạn 2005-2008 và thứ trưởng ngoại giao dưới thời chính quyền Obama giai đoạn 2011-2014 [Reuters].
Đài Loan ra mắt hộ chiếu mới.
Đài Loan ngày 11/1 ra mắt mẫu hộ chiếu mới được thiết kế lại, để tránh bị nhầm lẫn với giấy tờ của công dân Trung Quốc đại lục. Hộ chiếu cũ của người dân Đài Loan có dòng chữ cỡ lớn “Trung Hoa Dân quốc” (Republic of China) được viết bằng tiếng Anh ở trên cùng, trong khi chữ “Đài Loan” (Taiwan) được in phía dưới. Hộ chiếu mới của Đài Loan bỏ dòng chữ “Republic of China”, dù vẫn giữ lại tên gọi bằng tiếng Trung. Chữ “Taiwan” được tăng kích thước để trở nên nổi bật hơn trên trang bìa hộ chiếu [Reuters].
0 comments