Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 04/01/2020

Monday, January 4, 2021 3:48:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 04/01/2020

Covid 19: Chính phủ Pháp lúng túng với chiến dịch tiêm chủng lớn

Anh Vũ

Các báo Pháp hôm nay 04/11/2021 ra những trang báo giấy đầu tiên của năm mới 2021. Tuy nhiên các chủ đề được quan tâm chính vẫn là đại dịch Covid 19 với chiến dịch tiêm chủng ở Pháp vừa bắt đầu đã gặp nhiều vấn đề: Triển khai chậm chạp, chính phủ lúng túng.

Với các báo Pháp, năm mới 2021 khởi đầu cũng giống khi năm cũ kết thúc. Các tờ báo đều tập trung vào thời sự nổi bật là chiến dịch tiêm chủng rộng lớn phòng Covid-19 tại Pháp, vừa mới bắt đầu được 1 tuần đã bị dư luận chỉ trích gay gắt. Cũng như nhiều tờ báo khác, Le Figaro ghi nhận việc triển khai tiêm chủng đại trà tại Pháp diễn ra quá chậm chạp, chính phủ đang đứng trước sức ép phải tăng tốc chiến dịch. Các đảng phái chính trị những ngày qua liên tiếp chỉ trích chiến lược tiến hành tiêm chủng ngừa Covid 19, vẫn lại thất bại như với vụ khẩu trang hay làm xét nghiệm.

Theo tờ báo, nhận được đợt đầu 500 nghìn liều vac-xin, giống như các nước khác trong Liên Hiệp, nhưng đến thời điểm này Pháp mới chủng được cho vài trăm người, trong khi mà nước Đức đã làm được cho 200 nghìn người, chưa kể Anh (ngoài Liên Âu) đi trước đã tạo được miễn dịch cho cả triệu người.

Xã luận tờ báo đặt ra một loạt câu hỏi cho chiến dịch tiêm chủng vô cùng quan trọng này: « Ai lãnh đạo ? Ai quyết định ? Ai thực thi? » Không ai khác là chính phủ. Tờ báo ca thán,  trong khi một loạt các nước như Đức, Israel, Anh Quốc tiến hành chiến dịch tiêm chủng một cách thần tốc thì Pháp đang bò như ốc sên: « Là nhà vô địch trong các hạn chế, huy chương vàng trong lĩnh vực giấy xác nhận, nhưng Pháp lại xếp cuối trong các giải pháp ».

Theo Le Figaro, không có gì biện minh cho sự chậm chễ này vì chính phủ đã có nhiều tháng để chuẩn bị cho công tác hậu cần cùng những thông báo rất tự tin. Nhưng giờ đây, khi triển khai thì lại không có gì. Xã luận tờ báo nhấn mạnh đây quả thực là một « cuộc khủng hoảng đường lối », « đáng xấu hổ » cho nước Pháp.

Chính phủ không có lựa chọn nào khác lúc này là phải đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng. Báo Libération chạy tựa chính trang nhất : « Tiêm chủng : tăng tốc dưới áp lực » sau khi lỡ nhịp những ngày đầu chiến dịch tiêm chủng. Xã luận tờ báo thắc mắc, « chính phủ đã xoay sở thế nào mà để sự khởi đầu chiến dịch tiêm chủng, một tin vui, biến thành chuyện lộn xộn chính trị và tranh cãi trong cả nước ?

Lý do được các báo nhắc đến một phần là do dân Pháp nghi ngại hiệu quả vac-xin, nhưng chủ yếu là do các thủ tục hành chính của Pháp nặng nề, trong khi đó chính phủ điều hành không nhất quán và kiên quyết, tỏ ra thận trọng không cần thiết.

Giờ đây Pháp buộc phải thay đổi chiến lược tiêm chủng bằng cách xem lại lịch trình chiến dịch. Từ hôm 02/01 việc tiêm chủng mở sang đối tượng ưu tiên thứ 2 là các nhân viên chăm sóc y tế ở độ tuổi trên 50. Mục tiêu của chính phủ Pháp là từ nay đến mùa hè 26 triệu người sẽ được tiêm phòng Covid-19 trong khi mục tiêu trước đặt ra là từ 15 đến 20 triệu dân.

Xử lý tốt khủng hoảng Covid, ngoại lệ châu Á ?

Liên quan đến đại dịch Covid-19, nhật báo Les Echos có bài phóng sự điều tra dài : «  Vì sao châu Á kháng cự rất tốt với virus corona ».

Bài phóng sự của thông tín viên tờ báo tại Tokyo thực hiện cho thấy một thực tế : Khu vực Đông Á (gồm 10 quốc gia ASEAN và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan) chiếm 30% dân số của địa cầu, nhưng trong 1 năm đại dịch virus corona, vùng này chỉ ghi nhận có hơn 44 nghìn ca tử vong vì Covid-19, tức chiếm có 2,4% con số nạn nhân của thế giới.

Các nhà khoa học đang rất thắc mắc về « hiệu quả » chống dịch đó của một số nước châu Á. Có nhiều yếu tố được đặt ra từ các khía cạnh xã hội chính trị, văn hóa và giờ đây hướng tìm hiểu về miễn dịch khu vực cũng đang được xem xét.

Theo bài báo, nhìn vào số liệu y tế thì quả thực đây có thể coi là một bí ẩn lớn của đại dịch Covid-19. Bị dính dịch trước châu Âu và Mỹ nhiều tháng, nhưng các quốc gia Đông Á lại bị thiệt hại về nhân mạng rất thấp, dù các nước này cũng bị hai ba đợt sóng dịch tấn công và dân số rất đông đúc.

Tờ báo dẫn số liệu thống kê người tử vong vì Covid-19 theo tỷ lê trên 1 triệu dân : Việt Nam là 0,36, Đài Loan 0,29, Trung Quốc 3,4. Lào và Cam Bốt thậm chí không ghi nhận ca tử vong nào suổt 11 tháng qua. Để so sánh, ở Pháp có 970 ca tử vong trên 1 triệu dân, tỷ lệ này ở Mỹ là 1034 người.

Tháng gần đây, số lượng ca nhiễm mới tại Nhật Bản và Hàn Quốc có bùng lên mạnh nhưng cũng chỉ ở mức vài nghìn mỗi ngày, chưa thấm vào đâu so với các nước Âu, Mỹ.

Những tháng qua, các nhà nghiên cứu cố gắng tìm nguyên nhân của thành công châu Á. Người ta đưa ra nhiều lý do các nước này có các đặc thù văn hóa, người dân cam chịu, chế độ chính trị chuyên chế…. Thế nhưng đại đa số các nước trong vùng nói trên trong cuộc hủng hoảng dịch này không hề xâm phạm gì đến quyền tự do cơ bản của công dân nước mình. Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan đều không hề ban hành các biện pháp cấm đoán, hạn chế đi lại hay phong tỏa.

Có điểm chung là người dân các nước vùng Đông Á này đều dễ dàng chấp nhận đeo khẩu trang, một cách tự giác, không có tranh luận bàn cãi về vật dụng vệ sinh nhỏ này ngay từ đầu dịch. Các nước trên đều đóng cửa với thế giới từ rất sớm ngay từ trước tháng 3 năm ngoái. Và đặc biệt, các nước đều áp dụng cách ly nghiêm ngặt với các đối tượng nghi nhiễm hay từ nước ngoài vào, cùng với tiến hành xét nghiệm đồng loạt nhanh chóng để khoanh vùng dịch.

Yếu tố y sinh học ?

Nhưng từng đó yếu tố chính trị xã hội đó vẫn không lý giải hết được sức kháng cự tốt của các nước Đông Á trước trận đại dịch. Các nhà khoa học đang cố gắng tìm các lý giải mang tính y học.  Liệu có phải dân châu Á đề kháng tự nhiên tốt hơn trước virus corona ? Liệu có tồn tại một hình thúc miễn dịch châu Á do liên quan đến những đợt dịch trong quá khứ hay những đặc tính di truyền nào đó ?

Các nhà khoa học ở Tokyo đang tập trung nghiên cứu hướng thắc mắc này. Tuy nhiên, theo bài báo, họ hy vọng công việc nghiên cứu đó không làm ảnh hưởng đến những đường hướng chỉ đạo phòng dịch như giãn cách xã hội, đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên…Những biện pháp đang được đánh giá có hiệu quả trên toàn cầu hiện nay. Hơn thế, còn phải mất nhiều năm nghiên cứu nữa thì thế giới mới hiểu rõ được về trận đại dịch này.

Hiệp định đầu tư: Trung Quốc – EU đã tin cậy nhau ?

Cũng liên quan đến châu Á, chuyển qua với nhật báo Công Giáo La Croix. Tờ báo trở lại với chủ để thỏa thuận đầu tư giữa Liên Hiệp Châu Âu và Trung Quốc, vừa hoàn tất nội dung những ngày cuối năm qua.  Mục Tranh luận của tờ báo đặt câu hỏi lớn : « Thỏa thuận đầu tư giữa Tung Quốc và EU có cân bằng ? ».

Theo Bruxelles, thỏa thuận này phải giúp làm cân bằng các quan hệ thương mại với Bắc Kinh. Nhưng mặc dù đã có nhiều nhượng bộ có phần bất ngờ từ phía Trung Quốc nhưng vẫn xuất hiện nhiều chỉ trích cho rằng thỏa thuận « nguyên tắc » được đúc kết quá nhanh và các cam kết của Trung Quốc vẫn còn sơ sài, đặc biệt trên hồ sơ lao động cưỡng bức. Giới quan sát vẫn hoài nghi về một thỏa thuận cân bằng.

Trong bài xã luận mang tựa đề « EU-Trung Quốc, thận trọng », La Croix ghi nhận thỏa thuận đầu tư vừa được đúc kết hôm 30/12 vừa qua không nói lên được rằng giữa Trung Quốc và EU đã có sự tin cậy lẫn nhau. Theo tờ báo thỏa thuận mang tính « nguyên tắc » này sẽ không thể sớm có hiệu lực, còn phải qua các công đoạn hoàn tất về pháp lý và kỹ thuật và còn phải được Nghị Viện Châu Âu thông qua trước khi được phê chuẩn. Việc đúc kết thỏa thuận chỉ thuần túy là dấu hiệu chính trị. Hai siêu cường kinh tế mới thể hiện thiện chí làm sâu sắc thêm các quan hệ vào lúc mà Hoa Kỳ đang có xu hướng co cụm, bảo hộ.

Nhưng dù gì thì đó cũng là việc làm tốt nếu người ta cho rằng các trao đổi làm ăn sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế và ổn định chính trị. Nhưng theo tờ báo, thỏa thuận vẫn không che giấu được hết các bất đồng. Điều này được chứng minh khi mà hai bên phải mất tới 7 năm đàm phán mới đúc kết được nội dung.

Châu Âu đã thay đổi cái nhìn về Trung Quốc, không chỉ coi quốc gia đó là một thị trường lớn đầy hứa hẹn mà còn là một đối thủ cạnh tranh và… thường không trung thực. Châu Âu có thể tin được một Trung Quốc không phải là một Nhà nước pháp quyền, ở đó các cơ quan độc lập đến đâu cũng phải tuân thủ quyền lực chính trị?

 Xã luận tờ báo kết luận, chính vì thế Liên Hiệp Châu Âu phải đồng thời trang bị các công cụ bảo vệ thị trường nội địa của mình, hỗ trợ các doanh nghiệp của mình. Tư do trao đổi, đó cũng là một phần của cuộc đọ sức.

Brexit: Đầu xuôi đuôi chưa chắc lọt.

Thời sự khác liên quan đên châu Âu được các báo pháp chú ý ngày đầu năm này đó là từ ngày 01 tháng Giêng 2021, Anh Quốc đã kết thúc giai đoạn chuyển tiếp chia tay dứt điểm với Liên Hiệp Châu Âu, sau khi đạt được thỏa thuận vào phút cuối vào ngày Noel vừa qua.

Các báo cố gắng khai thác khía cạnh những ngày đầu tiên của Brexit có tác động thế nào với các nước trong Liên Hiệp Châu Âu và Liên Âu đã chuẩn bị gì cho thực tế này. Le Monde đặt vấn đề: « EU vượt qua sự ra đi của Vương Quốc Anh thế nào ».

Theo Le Monde, nhìn chung, không giống những dự bão hoài nghi, việc Anh Quốc ra đi hẳn không gây xáo trộn gì lớn ở châu Âu trước mắt, lưu thông hàng hóa, con người vẫn trôi chảy. Nhưng về lâu dài phần còn lại của châu Âu sẽ còn gặp nhiều thách thức trong quan hệ giao thương với Anh Quốc cũng như nhiều vấn đề có thể nảy sinh từ phần đảo Anh liên quan đến Bắc Ailen hay Scotland.

Nhật báo La Croix chạy tựa trang nhất : « Biên giới trở lại », ghi nhận tuần đầu mọi việc diễn ra suôn sẻ nhưng cũng dự báo tình hình sẽ trở nên phức tạp hơn trong thời gian tới ở các cửa khẩu biên giới giữa Liên Âu và Anh Quốc.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210104-covid-19-ch%C3%ADnh-ph%E1%BB%A7-ph%C3%A1p-l%C3%BAng-t%C3%BAng-v%E1%BB%9Bi-chi%E1%BA%BFn-d%E1%BB%8Bch-ti%C3%AAm-ch%E1%BB%A7ng-l%E1%BB%9Bn

Tin tổng hợp

(AFP) – Pháp tưởng niệm 3 chiến binh tử trận tại Mali. 

Vào lúc 16 giờ 30 ngày 04/01/2021, đoàn xe tang chở linh cữu ba chiến sĩ tử vong hôm Thứ Hai tuần trước tại Mali đi ngang qua cầu Alexandre III. Quân đội Pháp vừa chịu thêm một thiệt hại lớn sau cái chết của hai quân nhân Yvonne Huỳnh và Loic Risser. Hai vụ tấn công liên tiếp xảy ra trong chưa đầy một tuần trong bối cảnh bộ trưởng Quân Lực Pháp không loại trừ khả năng giảm quân trong chiến dịch chống khủng bố Barkhane tại châu Phi.

(AFP) – GDP Singapore sụt giảm 5,8 %. 

Đây là kết quả tệ hại nhất trong lịch sử quốc gia Đông Nam Á này. Chủ yếu trông cậy vào xuất khẩu và du lịch, tỷ lệ tăng trưởng của Singapore bị giảm mạnh dưới tác động của virus corona.

(AFP) – Hy Lạp cải tổ nội các. 

Đang phải đối mặt với đại dịch Covid-19, thủ tướng Kyriakos Mitsotakis ngày 04/01/2020 thông báo đưa bộ trưởng Nông Nghiệp thuộc cánh cực hữu vào chức vụ bộ trưởng Nội Vụ. Đây là lần thứ nhì từ khi lên cầm quyền vào tháng 7/2019 ông Mitsotakis cải tổ nội các, mở đường cho việc tổ chức bầu cử trước thời hạn. Theo thăm dò, đảng bảo thủ của ông dẫn đầu về ý định bỏ phiếu.

(AFP) – Bà Nancy Pelosi tái đắc cử chủ tịch Hạ Viện Mỹ –

Người nữ chủ tịch Hạ Viện duy nhất tại Hoa Kỳ từ trước đến nay, ngày 03/11/2021 đã được tái tín nhiệm vào chức vụ này dù với kết quả sít sao. Bà đã chiến thắng với 216 phiếu – có 5 dân biểu Dân Chủ không bỏ phiếu cho bà –  trong khi đối thủ của bà, lãnh đạo đảng Cộng Hòa tại Hạ Viện Kevin McCarthy, nhận được 209 phiếu. Đây là lần thứ tư bà Pelosi – đã 80 tuổi – được bầu làm chủ tịch Hạ Viện.

(NHK) – Nhật  mở rộng hợp tác trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương. 

Ngoại trưởng Nhật Motegi Toshimitsu lên đường công du 5 nước Châu Mỹ Latinh và  3 nước Châu Phi kể từ ngày 04-14/01/2021. Chuyến đi nhằm mục đích thúc đẩy « một khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương rộng mở », cải thiện môi trường đầu tư cho doanh nghiệp Nhật Bản. Tám nước trong nỗ lực vận động của Nhật là Mêhicô, Uruguay, Achentina, Paraguay, Brazil, Senegal, Nigeria và Kenya.

(NHK) – Trung Quốc khó gia nhập TPP. 

Trong một chương trình truyền hình Nhật Bản hôm chủ nhật, thủ tướng Suga Yoshihide thẩm định là Trung Quốc khó có thể tham gia Hiệp Định Tự Do Đối Tác Thái Bình Dương (TPP) nếu vẫn duy trì chế độ hiện tại. Bình luận về việc chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian gần đây tỏ ra tích cực muốn gia nhập TPP, thủ tướng Suga cho rằng những quốc gia mà doanh nghiệp do nhà nước điều hành sẽ không thể theo kịp các quy định quá cao của hiệp định.

(KBS) – Hàn Quốc: Chủ tịch đảng cầm quyền đề nghị ân xá cho hai cựu tổng thống. 

Trong cuộc họp khẩn của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng Dân Chủ Đồng Hành (thiên tả), chủ tịch Lee Nak Yon, lại đề xuất ân xá cho bà Park Geun Hye và ông Lee Myung Bak và cho biết sẽ kiến nghị với tổng thống Moon Jae In. Hai cựu tổng thống thuộc đảng thiên hữu đang ngồi tù vì tội tham ô. Theo giải thích của chủ tịch đảng cánh tả, Hàn Quốc cần một nền chính trị đoàn kết.

(AFP) – Iran tịch thu tàu dầu của Hàn Quốc. 

Lực lượng Vệ Binh Cách Mạng Iran tịch thu một tàu chở dầu treo cờ Hàn Quốc đang di chuyển trong vùng Vịnh Ba Tư. Hãng tin chính thức Fars không tiết lộ tên chiếc tàu dầu nhưng cho biết chiếc tàu này đang được « hộ tống » về một hải cảng của Iran. Lý do là để tránh nguy cơ « ô nhiễm cho môi trường ». 

(AFP) – Hai hãng xe PSA và Fiat-Chrysler nhập một. 

Một tổ hợp xe hơn đứng hàng thứ tư trên thế giới sắp thành hình với tên gọi Stellantis. Tập đoàn mới này gồm hai đại công ty PSA  (Peugeot của Pháp, Đông Phong -Dong Feng -của Trung Quốc) và Fiat-Chrysler (của Ý và Mỹ). Trong cuộc họp ngày thứ Hai 04/01/2021, tuyệt đại đa số cổ đông của PSA chấp thuận các điều kiện sáp nhập.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210104-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 4/1:

TT Trump nghi ngờ tình trạng Covid bị phóng đại, tiếp tục kêu gọi biểu tình ngày 6/1

Mục Điểm tin thế giới, ngày thứ Hai (4/1), của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Đài Loan cảnh báo chiêu trò phá hoại mới của Bắc Kinh.

Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính phủ Đài Loan tài trợ đã đưa ra cảnh báo về mối nguy hiểm do những kẻ lừa đảo trên internet từ Trung Quốc gây ra, mô tả đây là một kiểu chiến tranh mới có thể gây nguy hiểm cho nền dân chủ của Đài Loan và phá hoại các cuộc bầu cử ở các nước phương Tây và dân chủ. Nói rằng đội quân mạng của chính quyền Trung Quốc tạo ra một dạng “chiến tranh không khói” làm cho đối thủ không phân biệt được giữa chiến tranh và hòa bình trong khi liên tục phải chịu thiệt hại vì nó “thiên tả hóa” nhận thức và tư duy của công chúng [Taiwan News].

TT Trump nghi ngờ CDC phóng đại tình trạng Covid.

Ông Trump hôm Chủ nhật (3/1) đã đặt câu hỏi về tính chính xác của các trường hợp nhiễm và số ca tử vong vì vi-rút Vũ Hán, nói rằng Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) đã phóng đại những con số đó. “Số ca [nhiễm] và số ca tử vong do virus Trung Quốc ở Hoa Kỳ bị thổi phồng quá mức vì phương pháp xác định nực cười của [CDC] so với các quốc gia khác, nhiều người trong số họ đưa ra báo cáo có chủ đích, rất không chính xác và thấp [tầm]”, ông Trump viết trên Twitter . “Khi [nó bị] nghi ngờ, hãy gọi Covid là ‘Fake News!’” [Epoch Times].

Thái Lan có người nhiễm virus Vũ Hán ‘siêu lây nhiễm’.

Ngày 3/1 nước này loan báo đã phát hiện ca nhiễm biến thế mới của virus Vũ Hán có khả năng lây lan cao hơn vốn đã được phát hiện tại Anh, vì thế chính phủ Thái Lan có thể cho phép lãnh đạo cấp tỉnh tự áp đặt biện pháp phong tỏa. Biến thể này được tìm thấy trong một gia đình bốn người trở về từ Anh [Reuters].

Anh có thể áp thêm biện pháp phong tỏa.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngày 3/1 cảnh báo có thể áp thêm biện pháp phong tỏa do số ca nhiễm virus Vũ Hán tiếp tục tăng, nhưng khẳng định trường học vẫn an toàn. Cảnh báo của ông Johnson đưa ra trong bối cảnh số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán tại Anh tiếp tục tăng mạnh bởi biến chủng virus Vũ

Hán mang tên B.1.1.7 có hơn 20 đột biến so với phiên bản gốc và khả năng lây nhiễm cao hơn khoảng 70% [Reuters].

Dinh thự Nhật hoàng bị đột nhập.

Một người đàn ông 29 tuổi đã bị bắt sau khi đột nhập khu dinh thự của Nhật hoàng Naruhito với lý do “muốn gặp thành viên hoàng gia”. Nghi phạm đột nhập khu dinh thự Akasaka của Nhật hoàng vào đêm 2/1 thông qua cổng một nhà khách không có người giám sát. Người này bị vệ binh hoàng gia phát hiện sau đó hai tiếng gần nơi ở của công chúa Yuriko, bà của Nhật hoàng Naruhito [Yahoo].

TT Trump họp với 50 nhà lập pháp.

Dân biểu Mo Brooks cho biết, ông và một nhóm dân biểu Cộng hòa đã có một cuộc họp qua điện thoại vào tối 2/1 để trao đổi về kế hoạch thách thức kết quả bầu cử khi Quốc hội họp vào ngày 6/1. Theo lời ông Brooks, 50 nhà lập pháp cùng Chánh văn phòng Tòa Bạch Ốc Mark Meadows đã tham gia cuộc họp với Tổng thống Trump. Ông Brooks cho biết thêm, đây chỉ là một phần trong số các nhà lập pháp cam kết sẽ thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri [Foxnews].

TT Trump tiếp tục kêu gọi biểu tình ngày 6/1.

 Ông Trump đã chia sẻ tweet của cô Amy Kremer, người từng tổ chức sự kiện Tuần hành vì TT Trump, cho biết, nhóm của cô sẽ tổ chức cuộc biểu tình tại Công viên Ellipse, sát cạnh Tòa Bạch Ốc. Trong một tweet sau đó, TT Trump chia sẻ tweet của cô Kylie Jane Kremer, người sáng lập nhóm Stop The Steal, kêu gọi mọi người tham gia biểu tình tại Công viên Ellipse vào ngày 6/1. TT Trump viết: “Tôi sẽ ở đó. Một ngày lịch sử” [Twitter, Twitter].

Hơn 30.000 phiếu của TT Trump ở Georgia bị hủy.

Đây là khẳng định của các nhà khoa học dữ liệu làm chứng trong phiên điều trần tại Thượng viện tiểu bang Georgia ngày 30/12/2020. Ngoài ra các nhà khoa học còn cho biết, 12.173 phiếu khác bầu cho TT Trump đã bị chuyển sang cho Biden. “Có gian lận trong cuộc bầu cử của Georgia, chúng tôi có thể chứng minh điều đó bằng dữ liệu. Ý chí bỏ phiếu của người dân Georgia không được phản ánh bởi những gì được thư ký tiểu bang chứng nhận”, nhà khoa học Justin Mealey nói [Epoch Times].

Bà Pelosi tái đắc cử chủ tịch Hạ viện.

Trong cuộc bầu cử vào Chủ nhật (3/1), bà Pelosi đã thắng sát nút đối thủ với tỷ lệ phiếu thuận – phiếu chống là 216-209. Năm thành viên Đảng Dân chủ đã chọn không ủng hộ bà, hai người đã bỏ phiếu cho các nhà lập pháp không tranh cử, trong khi ba người khác chỉ bỏ phiếu “có mặt” [Reuters].

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-4-1-tt-trump-nghi-ngo-tinh-trang-covid-bi-phong-dai-tiep-tuc-keu-goi-bieu-tinh-ngay-6-1.html

Tạp chí Việt Nam

Quan hệ Mỹ-Việt thời Biden: Thương mại sẽ là hồ sơ nóng

Thanh Phương

Ngày 20/01/2021, tân tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden chính thức tuyên thệ nhậm chức. Với chính quyền Biden, quan hệ Mỹ-Việt sẽ có gì khác so với thời Donald Trump? Hiện giờ chỉ có thể đưa ra một số phỏng đoán, nhưng có một điều chắc chắn, đó là thương mại có thể sẽ là hồ sơ nóng  giữa hai nước cựu thù. Tuy nhiên, căng thẳng về mậu dịch sẽ không ảnh hưởng nhiều đến chiều hướng tăng cường quan hệ song phương Mỹ-Việt. 

Ngày 16/12 vừa qua, bộ Tài Chính Mỹ đã chính thức liệt kê Việt Nam vào danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, sau nhiều tháng điều tra về thặng dư mậu dịch của Việt Nam đối với Hoa Kỳ. Việc Washington gắn nhãn « thao túng tiền tệ » lên Việt Nam đã gây phản ứng mạnh từ phía Hà Nội. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tức là Ngân hàng Trung ương, đã cực lực bác bỏ cáo buộc đó, khẳng định là việc điều hành tỉ giá những năm qua ở Việt Nam chỉ nhằm « kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô », chứ không nhằm « tạo lợi thế cạnh tranh thương mại quốc tế không công bằng ».

Trong một bài viết đăng trên trang Asia Times ngày 18/12, tác giả David Hutt cho biết, nhiều nhà bình luận không hiểu vì sao, trong tháng cuối của nhiệm kỳ, chính quyền Donald Trump lại lấy một quyết định « đi ngược lại một cách căn bản với các mục tiêu địa chính trị sâu rộng hơn của Hoa Kỳ ».

Trong một tuyên bố, ông Adam Sitkoff, giám đốc điều hành Phòng thương mại Hoa Kỳ tại Hà Nội, đã cảnh báo: « Thao túng tiền tệ đã không hề là một vấn đề đối với các thành viên của chúng tôi và mọi hành động tiềm tàng trong những ngày cuối của chính quyền này gây phương hại cho nền kinh tế Việt Nam bằng các mức thuế mang tính trừng phạt sẽ gây tổn hại cho quan hệ đối tác chặt chẽ mà hai nước chúng ta đã phát triển ».

Tuy nhiên, theo David Hutt, ít có khả năng là Mỹ sẽ thi hành các biện pháp trừng phạt Việt Nam trước khi chính quyền Donald Trump kết thúc nhiệm kỳ, nhưng chính quyền Joe Biden sẽ chịu áp lực, phải chọn lựa, hoặc là rút Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ, hoặc là giữ nguyên “danh hiệu” này, nhưng sẽ không thi hành các biện pháp trả đũa mậu dịch.

Đây cũng là ý kiến của nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, Viện Nghiên cứu Đông Nam Á, Singapore, trả lời RFI Việt ngữ ngày 28/12/2020 :  

« Trong thời gian từ đây đến khi chính quyền Biden nhậm chức, có nhiều khả năng là Hoa Kỳ tiếp tục duy trì áp lực với Việt Nam, có thể giữ nguyên cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, nhưng về giải pháp thì sẽ linh hoạt hơn, không nhất thiết sẽ áp đặt những biện pháp trừng phạt thương mại mạnh tay với Việt Nam. Đây không chỉ là vấn đề kinh tế tiền tệ, mà sâu xa hơn là nó có liên quan đến cán cân thương mại, vốn đã tồn tại rất lâu và càng ngày càng phình to. Đây vẫn là mối bận tâm của các chính quyền Mỹ, dù là Dân Chủ hay Cộng Hòa.

Ngay cả khi bản chất vấn đề kinh tế và tiền tệ không đúng với cáo buộc của Mỹ, ví dụ như là Việt Nam không thao túng tiền tệ như lâu nay Việt Nam vẫn tuyên bố, và thâm hụt của Mỹ là do các yếu tố mang tính cấu trúc, chứ không phải là do hành động chủ quan của Việt Nam, Mỹ vẫn có thể muốn duy trì áp lực này, để từ đó đòi Việt Nam phải nhượng bộ trong các vấn đề khác, như là hợp tác chiến lược, quân sự, hay các vấn đề liên quan.

Vấn đề mấu chốt mà chúng ta cần theo dõi từ giờ cho đến khi ông Trump bàn giao Nhà Trắng cho ông Biden, đó là ông Trump có ấn định các biện pháp trừng phạt Việt Nam hay không. Khả năng này thì thấp, nhưng không thể hoàn toàn loại bỏ. Nếu ông Trump có một biện pháp trừng phạt nào đó, thì điều này sẽ tạo ra sự đã rồi cho chính quyền Biden và có thể gây khó khăn cho việc chính quyền Biden trong việc dỡ bỏ các biện pháp đó.

Nhưng theo một số chuyên gia, cũng như bản thân tôi nhận định, khả năng này thấp, bởi vì về mặt quy trình, việc bộ Tài Chính gắn nhãn thao túng tiền tệ chỉ là vấn đề mang tính thủ tục, mở đường cho bộ Thương Mại cân nhắc các biện pháp xử lý dựa trên sự gắn nhãn này. Quá trình xem xét, đàm phán với Việt Nam có thể kéo dài hàng tháng, thậm chí cả năm và trong quá trình đó thì có thể có sự thay đổi từ cả hai bên. Trong trường hợp xấu nhất, chính quyền Biden có thể áp đặt một số mức thuế đối với một số mặt hàng của Việt Nam. Nhưng nếu chúng ta nhìn vào chỉ dẫn vừa rồi, khi chính quyền Trump áp đặt hàng rào thuế đối với mặt hàng săm lốp của Việt Nam, thì mức thuế đó cũng chỉ là 6 đến 10%, không quá lớn, và như vậy thì nếu có biện pháp áp thuế nào đối với hàng hóa Việt Nam, thì tôi nghĩ là cũng sẽ loanh quanh ở mức đó, không thể lên tới mức ví dụ như là 25%, như chính quyền Trump đã áp đặt đối với hàng nhập từ Trung Quốc.

Theo tôi, chính quyền Biden có thể có một số hành động mang tính tượng trưng, gây áp lực để đòi Việt Nam giải quyết các vấn đề về chính sách tiền tệ, chẳng hạn như hứa không can thiệp vào thị trường ngoại hối, hoặc là đặc biệt khuyến khích Việt Nam mua thêm hàng hóa Mỹ và qua đó làm cho cán cân thương mại song phương trở nên cân bằng hơn.

Trong thời gian qua, Việt Nam cũng đã cam kết sẽ nhập khẩu nhiều hơn từ Mỹ, nhưng việc triển khai chưa được nhanh và như vậy chưa tạo ra được kết quả tức thì để cân bằng lại cán cân thương mại với Hoa Kỳ. Như vậy trong thời gian tới, Việt Nam cần phải triển khai nhanh hơn các cam kết này, để sớm đạt được các kết quả thực chất, cân bằng cán cân thương mại song phương, qua đó xoa dịu chính quyền Biden. »

Tuy nhiên, theo David Hutt, chính quyền Biden rất có thể sẽ thi hành một số chính sách thương mại giống như chính quyền Trump. Tác giả bài viết nhắc lại là vào tháng 9 vừa qua, nhân vật được ông Biden đề cử làm tân ngoại trưởng Antony Blinken đã từng cam kết giống như Trump, đó là sẽ “tăng cường một cách mạnh mẽ các luật thương mại của Mỹ mỗi khi hành động gian lận của nước ngoài đe dọa đến việc làm của dân Mỹ ». Nói cách khác, ngoại trưởng tương lai của tổng thống Biden cũng xem bảo vệ việc làm của dân Mỹ là một ưu tiên của chính sách thương mại. Nếu bộ Tài Chính của chính quyền Biden hủy bỏ cáo buộc thao túng tiền tệ đối với Việt Nam, họ sẽ bị chỉ trích là mềm yếu trước những quốc gia đang gây phương hại cho việc làm của dân Mỹ, một chỉ trích mà Biden sẽ cố tránh.

Trong bài viết trên tờ Asia Times, David Hutt cũng ghi nhận là việc bị gắn nhãn thao túng tiền tệ gây khó khăn cho Việt Nam đúng vào thời điểm mà chỉ còn vài tuần nữa là đến kỳ Đại hội Đảng Cộng Sản Việt Nam để bầu ban lãnh đạo mới cho chế độ Hà Nội. Theo tác giả bài viết, không phải ai trong đảng cũng mong muốn có quan hệ tốt đẹp hơn với Hoa Kỳ, và một số lãnh đạo có xu hướng bảo thủ vẫn chủ trương tăng cường quan hệ giữa hai đảng Cộng Sản Việt Nam và Trung Quốc, hoặc là giữ một lập trường trung lập hơn giữa hai siêu cường quốc.

David Hutt nhận định, trong số các nhân vật ngả theo phía Mỹ hiện nay, có đương kim thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, mà giới phân tích dự báo có thể được bầu làm tân tổng bí thư hoặc chủ tịch nước. Nếu ông Phúc và những người thân cận với ông giành được các chức vụ lãnh đạo tối cao trong kỳ Đại hội Đảng, thì điều này sẽ thuận lợi cho Hoa Kỳ. Phe của ông Nguyễn Xuân Phúc không chỉ thân thiện hơn với Mỹ, mà còn chủ trương tự do hóa kinh tế nhiều hơn, và có thể sẽ đi theo con đường tự do hóa chính trị. Một nước Việt Nam cởi mở rõ ràng là nằm trong lợi ích của Mỹ.

Vấn đề là nếu ông Phúc lên làm tổng bí thư, thì với cương vị này, ông sẽ không thể thảo luận chính thức với các quan chức Mỹ, còn nếu ông lên làm chủ tịch nước, chức vụ này sẽ thích hợp hơn cho các đàm phán ngoại giao. Một điều chắc chắn, theo David Hutt, là vấn đề tiền tệ sẽ khiến cho các lãnh đạo Việt Nam phải cân nhắc cẩn trọng hơn để xem họ có thể tin tưởng Washington tới mức nào với tư cách đối tác kinh tế và chiến lược.

Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp, dù tổng thống Biden nhậm chức ở Hoa Kỳ và dù ban lãnh đạo mới ở Việt Nam, được bầu trong kỳ Đại hội Đảng lần tới, là những ai, thì chiều hướng của quan hệ Mỹ-Việt cũng sẽ không có thay đổi gì lớn :

« Nhìn chung sẽ không có nhiều thay đổi. Quan hệ song phương Việt-Mỹ sẽ tiếp tục duy trì quỹ đạo hiện tại và theo chiều hướng đi lên. Hai bên sẽ tiếp tục tăng cường quan hệ song phương trên mọi mặt, đặc biệt là về mặt kinh tế và an ninh quốc phòng. Quan hệ song phương nói riêng và tình hình khu vực nói chung được định hình chủ yếu bởi các yếu tố mang tính cấu trúc nhiều hơn, nhất là cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ với Trung Quốc. Về cơ bản, yếu tố này sẽ tạo động lực thúc đẩy Việt Nam và Hoa Kỳ tăng cường quan hệ, nhất là hợp tác về chiến lược và Biển Đông.

Khúc mắc cơ bản nhất khi chính quyền Biden tiếp quản Nhà Trắng có lẽ là hai vấn đề : nhân quyền và thâm hụt thương mại của Mỹ. Trong vấn đề nhân quyền, nếu như chính quyền Biden thật sự nhấn mạnh đến khía cạnh này, thì nó có thể là một trở ngại nhất định đối với quan hệ song phương. Nhưng tôi không cho rằng nó sẽ nghiêm trọng đến mức làm cho quan hệ bị trì trệ, bị ảnh hưởng, tại vì trong bối cảnh Hoa Kỳ cần hợp tác chiến lược với Việt Nam để đối phó với Trung Quốc, chính quyền Biden sẽ giảm nhẹ vấn đề nhân quyền đối với Việt Nam. Chúng ta cũng đã thấy trong giai đoạn dưới chính quyền Obama, mặc dù chính quyền Obama cũng coi trọng vấn đề nhân quyền hơn chính quyền Trump, quan hệ song phương Mỹ-Việt vẫn tiếp tục phát triển, với điểm nhấn là việc hai bên thiết lập quan hệ đối tác toàn diện năm 2013.

Còn về thâm hụt thương mại, thì như tôi đã nói, vấn đề này sẽ tiếp tục gây căng thẳng, nhưng sẽ không căng thẳng đến mức làm quan hệ song phương bị gián đoạn. Có lẽ nếu Việt Nam có những hành động cụ thể để giúp giải quyết mối quan ngại lớn nhất của Mỹ, đó làm giảm thâm hụt thương mại quá lớn của Mỹ đối với Việt Nam, thì quan hệ song phương sẽ được duy trì một cách ổn định và hài hòa. Vấn đề thâm hụt thương mại được giải quyết như thế nào thì có lẽ trong thời gian một năm tới, khi nhìn vào cách mà chính quyền Biden xử lý về cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, chúng ta sẽ có ý niệm rõ hơn. Theo tôi, có thể nó sẽ ít gay gắt hơn so với cách tiếp cận của chính quyền Trump. »

Như đã nói ở trên, dù là với chính quyền Biden, Hoa Kỳ và Việt Nam sẽ vẫn phải tăng cường hợp tác chiến lược, vì dù sao thì hai nước có một đối thủ chung là Trung Quốc, nhất là trong vấn đề Biển Đông. Việt Nam có thể trông chờ những gì từ chính quyền Biden, nhà nghiên cứu Lê Hồng Hiệp nêu ý kiến :

« Theo tôi, Việt Nam sẽ tiếp tục mong đợi Hoa Kỳ dưới thời Biden vẫn duy trì chính sách cứng rắn đối với Trung Quốc nói chung và trên hồ sơ Biển Đông nói riêng như dưới thời tổng thống Trump. Hiện tại có nhiều khả năng chính quyền Biden sẽ cứng rắn đối với Trung Quốc cũng như trên vấn đề Biển Đông, do cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gia tăng.

Tuy nhiên, quan ngại hiện tại đó là sự cứng rắn có được thể hiện song song qua lời nói và qua hành động hay không, tại vì dưới thời chính quyền Obama, tức là cũng thuộc đảng Dân Chủ, Mỹ cũng đã dần dần trở nên cứng rắn trên vấn đề Biển Đông, nhưng chủ yếu là qua các luận điệu, trong khi hành động lại thiếu cương quyết và không đủ sức răn đe với Trung Quốc, dẫn tới việc Trung Quốc càng ngày càng bành trướng trên Biển Đông. Cụ thể là Mỹ đã không có hành động hiệu quả nào để ngăn Trung Quốc giành quyền kiểm soát trên thực tế bãi cạn Scarborough, hoặc là xây dựng các đảo nhân tạo trên quần đảo Trường Sa.

Chính vì vậy, Việt Nam mong muốn Mỹ có một chính sách cứng rắn trên lời nói cũng như hành động để làm sao kềm chế sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông. Tuy nhiên, Việt Nam sẽ không muốn những hành động như vậy đi quá xa tới mức có thể dẫn đến xung đột, bởi vì Việt Nam vẫn muốn duy trì một môi trường hòa bình để phục vụ mục tiêu quan trọng nhất, đó là phát triển kinh tế.

Ngoài ra cũng cần lưu ý rằng Việt Nam muốn tăng cường quan hệ với Mỹ và tận dụng sức mạnh của Mỹ để đối phó với Trung Quốc trên Biển Đông, nhưng Việt Nam cũng nhận thấy là sẽ không thực tế, cũng như không khả thi, nếu dựa hoàn toàn vào Mỹ để xử lý vấn đề Biển Đông. Nên tôi nghĩ là trong thời gian tới, song song với việc tăng cường quan hệ với Mỹ, Việt Nam sẽ phải nâng cao năng lực nội tại, đồng thời tăng cường quan hệ với các đối tác khác có chung lợi ích ở Biển Đông, nhất là Nhật, Ấn Độ, Úc và các nước Liên Hiệp Châu Âu. Có thể nói là Việt Nam sử dụng nhiều biện pháp, nhiều con đường khác nhau để giải quyết vấn đề Biển Đông, chứ không phải chỉ trông chờ vào sự hỗ trợ của Mỹ. »

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-vi%E1%BB%87t-nam/20210104-quan-h%E1%BB%87-m%E1%BB%B9-vi%E1%BB%87t-th%E1%BB%9Di-biden-th%C6%B0%C6%A1ng-m%E1%BA%A1i-s%E1%BA%BD-l%C3%A0-h%E1%BB%93-s%C6%A1-n%C3%B3ng

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.