Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Dọc báo Pháp 14/01/2021

Thursday, January 14, 2021 6:10:00 PM // ,

Dọc báo Pháp 14/01/2021

Đảng Dân Chủ Mỹ hối hả lo truất phế tổng thống Trump, bất chấp nguy cơ chia rẽ đất nước

Thụy My

Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị tiến hành thủ tục trừng phạt đến hai lần trong nhiệm kỳ, với mức độ cao nhất trong Hiến Pháp. Ông Trump cũng là tổng thống đầu tiên bị luận tội một cách hết sức chóng vánh, ngay tại nơi xảy ra sự kiện.

Le Figaro hôm nay chạy tựa « Vaccin : Ủy Ban Châu Âu dưới áp lực ». Le Monde cảnh báo « Covid : Chính quyền đứng trước nguy cơ các biến chủng ». Libération coi « Biến thể của Covid-19 : Những kẻ xâm lăng ». Nhật báo công giáo La Croix nói về việc Ireland tưởng niệm hàng ngàn trẻ em đã chết từ 1922 đến 1998 tại các ngôi nhà dành cho những bà mẹ đơn thân do chính quyền và tôn giáo quản lý, còn tờ báo kinh tế Les Echos quan tâm đến việc Nhà nước Pháp ngăn chận việc mua lại chuỗi siêu thị Carrefour.

Ở các trang trong, bên cạnh chủ đề dịch Covid, sự kiện tổng thống Mỹ Donald Trump phải đối mặt với một tiến trình truất phế lịch sử được tất cả các báo đề cập đến.

Tổng thống Mỹ đầu tiên bị đưa ra truất phế hai lần trong nhiệm kỳ

Hạ Viện hôm nay đã thông qua việc truất phế tổng thống Trump vì « xúi giục nổi dậy » với 232/197, trong đó có 10 lá phiếu thuận của Cộng Hòa. Le Figaro nhận định ông Trump trở thành tổng thống Mỹ đầu tiên trong lịch sử bị đưa ra trừng phạt hai lần với mức độ cao nhất trong Hiến pháp.

Donald Trump cũng là tổng thống đầu tiên bị luận tội nhanh chóng như thế, ngay tại nơi xảy ra sự kiện. Phe Dân Chủ cho rằng không cần thiết phải lắng nghe các nhân chứng hay được các chuyên gia giải thích thế nào là khinh tội hay trọng tội. Một tuần trước đó, họ có mặt trong gian phòng họp mà những người biểu tình toan phá cửa. Dân biểu Dân Chủ Jim McGovern nói : « Chúng tôi tranh luận về biện pháp lịch sử này ngay tại hiện trường vụ án ».

Cuộc bỏ phiếu diễn ra trong bối cảnh căng thẳng, người ta sợ lại bạo động vào lúc nhiệm kỳ ông Donald Trump sắp kết thúc. Điện Capitol biến thành chiến hào với những đội ngũ vũ trang bao quanh và bên trong tòa nhà Quốc Hội, những người lính cắm trại ngay trong các hành lang. Các dân biểu, nghị sĩ cũng phải đi qua hàng rào kiểm tra an ninh. Vệ binh Quốc gia được lệnh mang vũ khí, một điều hiếm khi xảy ra. Tổng cộng có 20.000 quân nhân hiện diện trong thành phố để phục vụ lễ nhậm chức của Joe Biden.

Chủ tịch Hạ Viện Nancy Pelosi nhấn mạnh tổng thống Donald Trump là mối nguy hiểm cho quốc gia, phải ra đi lập tức. Theo Le Figaro, bên cạnh đối lập chính trị với ông Trump, bà còn có thù oán cá nhân. Pelosi đã khởi động vụ truất phế hồi năm 2019, văn phòng bà bị người biểu tình xâm nhập. Bà tố cáo « những kẻ khủng bố trong nước được tổng thống xúi giục và gởi đến ».

Con dao hai lưỡi cho đảng Dân Chủ

Lần trước không có nghị sĩ Cộng Hòa nào bỏ phiếu truất phế ông Trump, nhưng kỳ này có 10 người đứng về phía Dân Chủ trong đó có Liz Cheney, con gái cựu phó tổng thống Cộng Hòa Dick Cheney. Tuy nhiên đa số đại biểu Cộng Hòa không ủng hộ một tiến trình vội vã, có nguy cơ gây phẫn nộ tại một đất nước vốn đã chia rẽ.

Dân biểu Tom McClintock của California cảnh báo việc áp dụng biện pháp nặng nề nhất « một cách khẩn cấp, không có điều trần, chỉ một tuần trước khi tân tổng thống nhậm chức ». Nhiều người nhấn mạnh khía cạnh đảng phái. Dân biểu Tom Cole của Oklahoma tố cáo : « Họ cố gắng thanh toán ân oán thay vì hòa giải ». Dân biểu Louie Gohmert của Texas nói với phe Dân Chủ : « Các vị dùng việc phế truất làm vũ khí, điều này rất nguy hiểm ».

Libération cho rằng đây là con dao hai lưỡi đối với đảng Dân Chủ. Nếu bị truất phế, Donald Trump sẽ bị mất tất cả mọi lợi tức dành cho cựu tổng thống, và không thể giữ bất kỳ chức vụ nào trong chính quyền liên bang. Nhưng khi độc chiếm những cuộc họp Thượng Viện, thủ tục này có nguy cơ cản trở những hoạt động của hành pháp vào đầu nhiệm kỳ Biden.

Về vụ xâm nhập điện Capitol, Le Monde cho biết đã bộ Tư Pháp đã hứa hẹn trừng phạt nghiêm khắc. Trên 170 cuộc điều tra hình sự đã được mở ra, gần 70 người bị khởi tố, trong đó có một người ở Alabama vì mang theo 11 bom xăng và 5 khẩu súng. FBI kêu gọi cung cấp chứng cứ để nhận diện những kẻ bạo động, đã nhận được trên 100.000 tấm hình và video. Một số cảnh sát tỏ ra có cảm tình với ông Donald Trump như chụp hình chung với người biểu tình, đội nón « Make America Great Again » … đã bị ngưng chức.

Anh Quốc mạnh dạn tố cáo « sự man rợ » của Trung Quốc với người Duy Ngô Nhĩ

Liên quan đến châu Á, Le Figaro ca ngợi sự can đảm của Anh Quốc khi tố cáo cách đối xử dã man của Trung Quốc đối với người Duy Ngô Nhĩ. Khác với các nhà lãnh đạo châu Âu khác, thủ tướng Boris Johnson không sợ làm mất lòng Bắc Kinh. Luân Đôn hôm qua đã công bố các biện pháp nhằm cấm các mặt hàng được lao động bị cưỡng bức ở Tân Cương sản xuất.

Ngoại trưởng Anh không hề lựa lời khi tuyên bố « Đó là một sự man rợ tưởng chừng đã được xóa bỏ trong quá khứ, nay lại diễn ra ». Trước các nghị sĩ, ông nêu ra hiện trạng « bắt giam bừa bãi, buộc đi cải tạo, lao động cưỡng bức, tra tấn, buộc triệt sản » người Duy Ngô Nhĩ, với mức độ công nghiệp.

Việc xuất nhập khẩu các mặt hàng liên quan đến lao động cưỡng bức Duy Ngô Nhĩ bị cấm. Một mặt, « các công ty Anh không tham gia các chuỗi cung ứng dẫn đến cổng các trại cải tạo Tân Cương », mặt khác « các sản phẩm do vi phạm nhân quyền không thể có mặt trong siêu thị ». Tuần trước, chuỗi cửa hàng Marks & Spencer đã cam kết quần áo bán ra không được dệt từ sợi bông Tân Cương, trở thành công ty lớn nhất của Anh hưởng ứng lời kêu gọi của 300 tổ chức phi chính phủ.

Các nghị sĩ bảo thủ còn muốn chính phủ đi xa hơn, với việc trừng phạt các quan chức Trung Quốc kiểu như luật Magnitsky. Hôm thứ Ba 12/01, đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) yêu cầu Anh « ngưng can thiệp vào chuyện nội bộ của Trung Quốc ». Nhưng Canada đã theo chân Luân Đôn. Trong khi Liên Hiệp Châu Âu vừa ký một thỏa thuận về đầu tư gây tranh cãi, hành động can đảm của Anh được coi là biểu hiện cho chính sách đối ngoại độc lập sau Brexit. Ngoại trưởng Dominic Raab khẳng định vẫn muốn có mối quan hệ mang tính xây dựng với Bắc Kinh, « nhưng không thể hy sinh các giá trị và sự an ninh » của mình.

Nỗi lo trước virus corona biến thể

Về đại dịch Covid, Libération nhận định những biến thể Anh, Nam Phi, Brazil…của con virus corona, lây nhiễm mạnh hơn và khó phát hiện hơn, khiến các nhà nghiên cứu lo ngại vaccin không tác động được nơi một số virus. Trong bài xã luận, tờ báo chỉ trích sự trễ tràng của Pháp trong việc giải mã trình tự gien của con virus, sau khi đã chậm chân trong việc cung ứng khẩu trang, làm xét nghiệm, tiêm chủng.

Tại Pháp, đáng lo nhất là biến chủng Anh B.1.1.7. vốn lây lan rất mạnh, chiếm 1% số ca dương tính. Hội đồng khoa học đề nghị làm xét nghiệm rộng rãi nơi giáo viên và đóng cửa các lớp học thậm chí cả trường ngay khi phát hiện biến chủng này. B.1.1.7. có đến 20 biến thể trong ARN, trong đó có N501Y giúp virus sống sót và lây lan. Chỉ trong ba tháng, B.1.1.7. là thủ phạm phân nửa số ca dương tính ở Anh và nay hiện diện tại 45 nước. May mắn là con virus biến thể này không gây ra những dạng Covid nặng, và N501Y không ảnh hưởng đến vaccin Pfizer cũng như kháng thể của các bệnh nhân đã khỏi.

Đại dịch từ Vũ Hán làm toàn nhân loại khốn đốn chưa từng thấy

Nhân kỷ niệm một năm kể từ khi đại dịch Covid bắt đầu, Les Echos ghi nhận cuộc sống hàng ngày tại khắp nơi trên thế giới đều bị đảo lộn. Con virus đến từ Vũ Hán đã làm nhân loại khốn đốn không thua những đại họa trước đây trong lịch sử, từ chiến tranh cho đến dịch bệnh.

Phong tỏa, xét nghiệm, làm việc từ nhà, khẩu trang, giới nghiêm, đi đâu phải mang theo tờ khai danh dự, rửa tay thường xuyên…Một năm qua, cuộc sống thường nhật của người dân toàn cầu bị ảnh hưởng chưa từng thấy. Chưa bao giờ có trận dịch nào và cả đại chiến thế giới lại áp đặt những giới hạn ngặt nghèo như thế lên những hoạt động của cả nhân loại, và trải rộng như thế về địa lý.

Khoảng 60 nước với khoảng phân nửa dân số thế giới vào tháng Ba, tháng Tư đã buộc người dân không được ra khỏi nhà trừ khi đi chợ, đi bác sĩ và phải mang theo giấy chứng nhận. Chỉ trong vài ngày người dân trên năm châu lục phải từ biệt các rạp xi-nê, không còn được đi nghe nhạc, du ngoạn, thậm chí uống một ly nước trong quán ; đa số trẻ em phải ở nhà trong nhiều tháng vì trường học đóng cửa.

Sau một năm, kinh tế suy sụp chưa từng thấy trong lịch sử, kể từ cuộc đại khủng hoảng thập niên 30. Riêng khu vực đồng euro phải trả giá nhiều nhất với GDP bị thụt lùi 7,5% và phải đợi đến ít nhất năm 2022 mới có thể khởi sắc.

Liban phong tỏa ngặt nghèo trong bối cảnh khủng hoảng

Riêng ở vùng Cận Đông, Le Monde mô tả « Phong tỏa toàn bộ tại một nước Liban đang lâm vào đường cùng ». Từ đầu tuần, người dân đổ xô đến các siêu thị ở Liban để mua thực phẩm dự trữ. Lệnh phong tỏa toàn quốc có hiệu lực kể từ hôm nay 14/01 đến 25/01 để chống Covid đang lan tràn.

Đông đảo khách hàng chen chúc trước lối vào, chen lấn ở các quầy hàng, kẹt cứng ở quầy tính tiền… Từ khi xâm nhập vào Liban hồi tháng Hai, con virus đã tấn công 226.000 người trong đó có 30.000 người bị lây nhiễm chỉ trong vòng một tuần qua. Tờ báo địa phương Al Akhbar chạy tít lớn « Địa ngục ». Một địa ngục với hai cuộc khủng hoảng cùng lúc : đồng lira sụt giá khiến hơn phân nửa dân số bị rơi xuống dưới ngưỡng nghèo khó, và hậu quả vụ nổ kinh hoàng ở cảng Beyrouth hôm 04/08/2020.

Trong vòng 10 ngày tới, dân Liban không được ra khỏi nhà dù để đi làm, đi chợ, tập thể dục hoặc dắt chó đi dạo. Những gia đình nào không trữ đủ thức ăn sẽ được giao hàng tại nhà. Chỉ có một số nghề nghiệp thiết yếu mới được tiếp tục như tiệm bánh mì, tiệm thuốc tây, những người làm việc trong ngành y tế và thực phẩm.

Việc dỡ bỏ các hạn chế trong dịp lễ Noel và Tết dương lịch đã khiến chỉ trong vài ngày, số người bị lây nhiễm hàng ngày từ 1.500 vọt lên 4.500. Các khoa hồi sức có tỉ lệ giường bệnh lấp đầy đến 95%. Mới đây nhân viên Hồng Thập Tự phải bỏ lại bệnh nhân trước cửa một bệnh viện vì không còn chỗ, còn tại một bệnh viện khác, nhân viên y tế phải chữa trị ngay trong xe. Một trở ngại nữa là thiếu nhân sự : nhiều y tá, bác sĩ đã ra nước ngoài kiếm sống, hoặc ngã bệnh.

Các dưỡng đường tư nhân vốn chiếm 80% trong lãnh vực, ngần ngại không muốn gia tăng số giường cho bệnh nhân Covid vì Nhà nước đang nợ ngập đầu, khó thể thanh toán chi phí sớm. Chính phủ lâm thời thiếu tính chính danh, đang phải đơn độc xoay sở. Hai bệnh viện dã chiến có tổng cộng 1.000 giường do Qatar viện trợ từ tháng 11 đến nay vẫn chưa hoạt động được. Phong tỏa, giải tỏa rồi lại phong tỏa, một cái vòng lẩn quẩn chết người mà Liban chưa thể nào thoát khỏi được.

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20210114-%C4%91%E1%BA%A3ng-d%C3%A2n-ch%E1%BB%A7-m%E1%BB%B9-h%E1%BB%91i-h%E1%BA%A3-lo-tru%E1%BA%A5t-ph%E1%BA%BF-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-trump-b%E1%BA%A5t-ch%E1%BA%A5p-nguy-c%C6%A1-chia-r%E1%BA%BD-%C4%91%E1%BA%A5t-n%C6%B0%E1%BB%9Bc

Tin tổng hợp

(Reuters) – Tòa án Cam Bốt mở phiên xét xử “đại trà” phe đối lập. 

Một tòa án ở Cam Bốt vào hôm nay 14/01/2021 đã mở phiên xét xử nhắm vào hơn 60 nhà đối lập bị buộc tội phản quốc. Các bị cáo nằm trong số 121 người có liên quan đến đảng Cứu Nguy Dân Tộc Cam Bốt (CNRP) đã bị giải thể. Họ bị buộc tội phản quốc và kích động. Sáu mươi mốt nhân vật đối lập đã được triệu tập, nhưng không rõ có bao nhiêu người hiện diện, vì nhiều người đang sống lưu vong lo sợ rằng họ sẽ không được xét xử công bằng.

(AFP) – Nhà đối lập Nga Alexei Navalny thông báo về nước.

Được hồi phục sức khỏe tại Đức sau khi trúng độc chất Novitchok hồi tháng 8 năm  ngoài, nhà hoạt động đối lập Nga thông báo đã mua vé máy bay trở về Nga vào ngày 17/01 tới. Cuối tháng trước, chính quyền Nga đã cho mở điều tra nhà đối lập vì nghi ngờ gian lận thuế quy mô lớn. Tuần này tư pháp Nga đã nhận đơn khiếu nại đòi chuyển án tù treo của Navalny hồi  2014 thành án tù giam. Đơn sẽ được xét vào ngày 29 tháng Giêng tới. Theo các kết luận của 3 phòng thí nghiệm châu Âu và của Tổ Chức Cấm Vũ Khí Hóa Học (OICA), nhà đối lập đã bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novitchok.

(AFP) – Báo chí Hoa Kỳ: Dân Mỹ có thể tiếp tục đầu tư vào các tập đoàn Trung Quốc Alibaba, Tencent, Baidu.

Wall Street Journal hôm qua, 13/01/2021, dẫn một số nguồn tin gần gũi với hồ sơ này cho biết nhiều cuộc thảo luận trong nội bộ chính quyền Trump đã diễn ra trong những ngày gần đây. Theo WSJ, bộ trưởng Tài Chính Steven Mnuchin phản đối việc ngăn chặn đầu tư, do lo ngại các hậu quả tiêu cực đối với giới đầu tư Mỹ. Trước đó, chính quyền Trump đang nghiên cứu khả năng đưa các tập đoàn nói trên vào danh sách đen của bộ Quốc Phòng, danh sách bao gồm các công ty bị tình nghi có liên hệ với quân đội, tình báo hay ngành an ninh Trung Quốc.

(AFP) – Giới chức nhiều tập đoàn tin học mong muốn chính phủ Mỹ ra luật về bảo mật dữ liệu kỹ thuật số.

Hôm qua, 13/01/2021, tại Hội chợ Người Tiêu dùng hàng Điện tử (Consumer Electronics Show) thường niên tại Las Vegas, Nevada (Mỹ), nhiều giới chức cao cấp của các tập đoàn Google, Twitter và Amazon đã bày tỏ hy vọng là tân chính phủ Joe Biden sắp tới sẽ thúc đẩy cho việc ra đời một luật của liên bang về lĩnh vực bảo mật dữ liệu kỹ thuật số. Theo ông Keith Enright, giám đốc bộ phận bảo mật của Google, việc đảng Dân Chủ nắm cả lưỡng viện Quốc Hội khiến luật này có nhiều cơ hội ra đời.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20210114-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Điểm tin thế giới 14/1:

Ông Mike Pompeo thông báo sắp rời vị trí Ngoại trưởng

Ivanka Nguyễn

Mục Điểm tin thế giới, thứ Năm (14/1), của DKN xin gửi tới quý độc giả những tin sau:

Cựu Bộ trưởng ngoại giao Ethiopia bị giết.

Chính quyền Ethiopia cho biết hôm thứ Tư (13/1), quân đội của họ đã giết chết ba thành viên của Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF), bao gồm cả cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ethiopia Seyoum Mesfin. Ông Mesfin bị giết vì không chấp nhận đầu hàng quân chính phủ. Chính phủ Ethiopia của Thủ tướng Abiy Ahmed đã tuyên bố chiến thắng TPLF vào ngày 28/11 năm ngoái sau gần một tháng giao tranh [Reuters].

Năm thứ hai của đại dịch Covid sẽ khó khăn hơn.

Đây là nhận định của ông Mike Ryan, quan chức hàng đầu ở WHO. Ông cho biết lý do cho nhận định này là “do động lực lây truyền [của virus Vũ Hán] và một số vấn đề mà chúng ta đang gặp phải”. Tính tới sáng 14/1 thế giới có 92.661.891 (tăng 658.162) người mắc viêm phổi Vũ Hán, trong đó có 1,984,010 (tăng 14.888) ca tử vong [Reuters, Worldometers].

Mục sư nổi tiếng không hối tiếc khi ủng hộ TT Trump.

Mục sư Robert Jeffress cho biết ông đã nói chuyện với cả TT Trump và Phó Tổng thống Mike Pence vào thứ Ba (13/1). “Khi phóng viên hỏi liệu tôi có hối hận về sự ủng hộ của mình hay không, tôi nói rằng ‘Hoàn toàn không!’. [Đây là] Tổng thống và Phó Tổng thống ủng hộ sự sống và tự do tôn giáo nhất trong lịch sử! ”, mục sư Jeffress viết trên mạng xã hội [Epoch Times].

Ông Navalny sắp trở về Nga.

Nhà hoạt động đối lập Alexei Navalny ngày 13/1 tuyên bố sẽ trở về Nga vào cuối tuần, sau khi kết thúc thời gian điều trị tại Đức. “Tôi chưa từng nghĩ tới việc ‘trở lại hay không’ bởi đơn giản tôi chưa từng rời đi”. Navalny cho rằng ông phải đến Đức vì có người muốn “sát hại” mình. Ông Navalny thông báo đã đặt vé máy bay về Nga vào ngày 17/1, thêm rằng “Nga là quê hương” của ông và ông đang rất nhớ nhà [Reuters].

Nhật cấm người nước ngoài nhập cảnh.

Nhật dừng cấp phép nhập cảnh với những người đi lại vì mục đích công việc từ 11 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Việt Nam. Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga cho biết hành động này là “để bảo vệ

cuộc sống và sinh kế của người dân cũng như loại bỏ những rủi ro tiềm ẩn về đại dịch”. Bên cạnh đó Nhật có kế hoạch mở rộng tình trạng khẩn cấp đối với 7 tỉnh từ 14/1 đến 7/2 [Japan Times].

Trung Quốc ban bố tình trạng khẩn cấp ở tỉnh Hắc Long Giang.

Tình này có 37,5 triệu cư dân, ngày 13/1 đã tuyên bố “tình trạng khẩn cấp” để kiểm soát dịch viêm phổi Vũ hán khi các ca nhiễm mới gia tăng. Chính quyền đã yêu cầu người dân trên toàn tỉnh không rời khỏi địa phương trừ trường hợp cần thiết, và hủy bỏ mọi hội nghị và các cuộc tụ tập [France24].

Người biểu tình ngồi lên ghế Phó tổng thống Mỹ bị bắt.

Josiah Colt, người ngồi lên ghế dành cho PTT Mike Pence, trong cuộc xâm nhập vào bên trong Toà nhà Quốc hội Mỹ hôm 6/1, đã ra đầu thú. Colt là “nhân vật chính” trong bức ảnh một người đàn ông trèo lên ban công rồi nhảy xuống sàn phòng họp của Thượng viện. Colt cũng ngồi lên chiếc ghế Phó tổng thống Mike Pence đã ngồi trước đó vài phút trong phiên họp kiểm phiếu đại cử tri của Quốc hội [Idahonews].

Ông Mike Pompeo thông báo sắp rời vị trí Ngoại trưởng.

Ông Pompeo đưa ra thông báo này vào sáng 13/1. “Trong một tuần tới, tôi sẽ rời khỏi vị trí Ngoại trưởng và tài khoản này sẽ được lưu giữ. Hãy tiếp tục theo dõi tôi tại tài khoản @mikepompeo. Hãy theo dõi ngay từ bây giờ”, ông Pompeo viết trên Twitter. Tài khoản Ngoại trưởng Mỹ trên Twitter hiện có hơn 3 triệu người theo dõi, trong khi tài khoản cá nhân của ông Pompeo đang có hơn 400.000 người theo dõi [Twitter, State].

New York chấm dứt hợp đồng với Tập đoàn Trump.

Thị trưởng Bill de Blasio tuyên bố thành phố New York chấm dứt tất cả hợp đồng trị giá 17 triệu đô la Mỹ một năm với Tập đoàn Trump sau vụ người biểu tình xâm nhập Điện Capitol hôm 6/1. Tập đoàn Trump có 4 hợp đồng với New York về vận hành Công viên Trung tâm Carousel, sân trượt băng Wollman, sân trượt băng Lasker cùng sân golf Ferry Point, mang lại cho họ lợi nhuận 17 triệu USD một năm [ABC News].

TT Trump ra thông cáo kêu gọi không bạo lực.

Thông cáo được công bố vào ngày 13/1. “Trước những báo cáo về nhiều cuộc biểu tình hơn, tôi kêu gọi mọi người KHÔNG bạo lực, KHÔNG vi phạm pháp luật và KHÔNG phá hoại dưới bất kỳ hình thức nào. Đó không phải là điều đại diện cho tôi, và cũng không đại diện cho nước Mỹ. Tôi kêu gọi TẤT CẢ người Mỹ cùng chung tay xoa dịu căng thẳng và bình tĩnh hơn. Cảm ơn mọi người”, ông Trump viết [Whitehouse].

https://www.dkn.tv/the-gioi/diem-tin-the-gioi-14-1-ong-mike-pompeo-thong-bao-sap-roi-vi-tri-ngoai-truong.html 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.