Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 15/12/2020

Tuesday, December 15, 2020 5:40:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 15/12/2020

Chuyên gia không chấp nhận phương án của tổng thầu tuyến Cát Linh – Hà Đông

Bình luận Anh Thư

Sau ba ngày đầu tiên chạy thử, nhóm tư vấn Pháp đã có một số lưu ý về quy trình vận hành tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông. Trong đó, các chuyên gia tư vấn không chấp nhận một phương án xử lý tình huống giả định khi tàu đang chạy của tổng thầu Trung Quốc.

Nằm trong kế hoạch vận hành chạy thử 20 ngày (từ ngày 12/12 đến 31/12), đại diện chủ đầu tư là Ban Quản lý đường sắt, Bộ GTVT và Tổng thầu Trung Quốc đã cho chạy tất cả 13 đoàn tàu của dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông.

Ông Vũ Hồng Trường – Chủ tịch HĐTV – Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội (Metro Hà Nội) cho hay sau ba ngày vận hành đầu tiên, 13 đoàn tàu đã chạy đủ số lượt theo biểu đồ hoạt động với tổng số chuyến là 287 lượt/ngày; tần suất 6 phút/lượt vào giờ cao điểm, 10 phút/lượt vào giờ bình thường. Ông Trường cũng cho biết có 650 nhân viên được sắp xếp trực và vận hành tàu từ 5h đến 23h hàng ngày.

Khác với lần vận hành thử liên động toàn hệ thống để khớp nối các hạng mục thiết bị vào cuối năm 2018 với sự giám sát của các chuyên gia Trung Quốc thuộc Công ty Metro Thẩm Quyến, trong lần vận hành này, toàn bộ việc vận hành dự án do nhân viên người Việt Nam thuộc Công ty Hanoi Metro thực hiện.

Từ 5h sáng ngày 12/12, những chuyến tàu đầu tiên của dự án bắt đầu vận hành. Trên tuyến đường sắt dài 13km, tàu dừng khoảng 30 giây ở mỗi nhà ga để đón trả khách như khi khai thác thương mại. Tại mỗi nhà ga đều có nhân viên người Việt Nam trực tại phòng điều khiển, phòng bán vé, trên sân ga; các bảng điện tử, loa phát thanh cũng hoạt động để hướng dẫn người đi tàu.

Những lưu ý của Tư vấn ACT (Pháp) trong quá trình vận hành thử nghiệm

Trong suốt quá trình vận hành kỹ thuật lần này, Tư vấn ACT (Pháp) đều tham gia giám sát chặt chẽ cách vận hành, các khớp nối với các hệ thống khác như: đường ray, nhà ga, tín hiệu…

Ghi nhận sau ba ngày vận hành đầu tiên, tuy các lượt tàu chạy đạt 100% theo biểu đồ hoạt động nhưng các chuyên gia tư vấn ACT ghi nhận vẫn còn một số lượt chuyến mặc dù không chở khách, không bị ảnh hưởng bởi điều kiện vận hành nhưng vẫn chậm giờ về ga từ 1 – 2 phút.

Giải thích về sự chậm trễ này, ông Trường cho hay do tư vấn Pháp đưa ra các tình huống giả định kiểm tra bất ngờ khi tàu đang chạy hoặc tiếp cận ga như: báo cháy trên tàu, tàu gặp chướng ngại vật khi đang vận hành, hành khách mở cửa sổ để thò đầu ra ngoài…

Mặc dù là giả định nhưng tất cả các tình huống đều yêu cầu nhân viên trên tàu xử lý chặt chẽ. Trong các tình huống giả định được đưa ra, có một tình huống không được tư vấn ACT chấp nhận.

Cụ thể, khi đoàn tàu đang chạy, tư vấn Pháp đưa ra tình huống cháy xảy ra ở giữa tàu để bộ phận vận hành xử lý. Với tình huống này, theo yêu cầu của đại diện tổng thầu Trung Quốc, bộ phận vận hành không được bấm nút báo động để bơm khí tươi vào, vì đại diện tổng thầu cho rằng khi đang có sự cố cháy mà bơm khí tươi vào sẽ khiến ngọn lửa bùng cháy thêm (hư hại tàu).

Tư vấn Pháp không chấp nhận cách xử lý này và đưa ra yêu cầu: khi xảy ra cháy tên tàu, bộ phận vận hành phải báo động và bơm khí tươi vào để giữ khí thở cho khách, còn tàu cháy thì phải chấp nhận.

Đánh giá về cách xử lý này, chuyên gia đường sắt đô thị cho rằng trong phương án vận hành tàu, người châu Âu tôn trọng con người (hành khách), còn tổng thầu tại dự án Cát Linh – Hà Đông lại quan tâm đến việc giữ an toàn cho phương tiện.

Sau khi kết thúc việc vận hành thử nghiệm, các chuyên gia tư vấn Pháp sẽ có những đánh giá riêng. Nếu đạt các yêu cầu kỹ thuật, an toàn, nhóm tư vấn mới cấp chứng chỉ cho dự án.

Hội đồng Nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng cũng kiểm tra đánh giá về kỹ thuật, an toàn của dự án. Nếu dự án đường sắt Cát Linh – Hà Đông đáp ứng được các điều kiện, Bộ GTVT sẽ bàn giao cho UBND TP. Hà Nội đưa vào khai thác thương mại.

Mới đây, Chính phủ đã đồng ý với kiến nghị của Bộ GTVT về việc gia hạn thời gian hoàn thành dự án đến tháng 3/2021.

Anh Thư

https://www.ntdvn.com/viet-nam/chuyen-gia-khong-chap-nhan-phuong-an-cua-tong-thau-tuyen-cat-linh-ha-dong-116630.html

Nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch lãnh án 12 năm tù

Mỹ Hằng

Phiên sơ thẩm xét xử nhà thơ bất đồng chính kiến Trần Đức Thạch diễn ra trong nửa ngày 15/12 tại Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An, với mức án 12 năm tù giam, ba năm quản chế về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

“Ông Thạch vô tội. Các cơ quan tố tụng không có căn cứ kết tội ông,” luật sư Hà Huy Sơn nói với BBC Tiếng Việt từ Nghệ An, ngay sau kết thúc phiên tòa.

Cựu chiến binh, cựu tù nhân chính trị Trần Đức Thạch bị công an Việt Nam bắt ngày 23/4/2020.

Vợ ông Thạch, bà Nguyễn Chương, nói với BBC qua điện thoại, ngay sau phiên tòa rằng gia đình bà ‘rất tức giận vì bản án bất công’. Bà nói chồng bà chỉ đòi tự do, dân chủ chứ không làm gì ‘lật đổ chính quyền’ và bà không công nhận bản án này.

Bà Chương cũng cho biết ông Thạch đang có nhiều bệnh, từ khi ngồi tù lại bị thêm cao huyết áp. Ông Thạch lẽ ra đã ra tòa từ 30/11 nhưng ngã bệnh phải nằm viện đúng thời gian đó, tuy nhiên trại giam đã ‘không cho gia đình biết’. Với án tù 12 năm ông Thạch có lẽ ‘không về nhà được nữa rồi’, bà Chương nói.

Luật sư Nguyễn Văn Đài, lãnh đạo Hội Anh Em Dân Chủ mà ông Thạch là thành viên, viết trên Facebook cá nhân rằng việc tuyên án ông Thạch là “tội ác”, và “yêu cầu trả tự do ngay lập tức và không điều kiện cho ông Trần Đức Thạch và tất cả các tù nhân lương tâm, tù nhân chính trị đang bị giam cầm”.

Ngay sau khi bản án được tuyên, ông Phil Robertson, phó giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Quốc tế (HRW) phát biểu trong một tuyên bố gửi cho báo chí:

“Đến bao giờ Việt Nam mới nhận ra rằng những công dân như Trần Đức Thạch cần được tôn vinh vì cam kết cải cách và bảo vệ các quyền con người của họ, chứ không bị bắt bớ vì vạch ra những thiếu sót trong chính phủ và xã hội?”

‘Dấn thân vì dân chủ không phải là tội’

Theo tường thuật của luật sư Hà Huy Sơn, trước tòa ông Thạch rất điềm tĩnh, minh mẫn, dù sức khỏe không tốt. Gửi lời cám ơn đến những người quan tâm đến vụ án của mình, ông Thạch nói:

“Với sự minh triết của người dân xứ Nghệ, tôi xác định phiên tòa này là những nốt nhạc cuối của bản hùng ca, bi tráng của cuộc đời tôi. Nó sẽ không kết thúc tại đây mà nó nó sẽ ngân nga mãi theo thời gian, theo dòng chảy lịch sử của người dân nước Việt, của những người yêu và hy sinh cho sự công chính.”

Việt Kiều Mỹ bị tuyên 12 năm tù tội ‘âm mưu lật đổ chính quyền’

Nhân quyền: Chính phủ VN phải giải trình trước LHQ về ‘đe dọa công dân’

Nhóm nhân quyền ra sách ‘biện pháp trừng phạt Magnitsky’ do Phạm Đoan Trang thực hiện

Điều trần ‘Năm tồi tệ của nhân quyền VN’ trước QH Mỹ

“Tôi rất tự hào vì được cùng anh chị em dấn thân cho sự nghiệp dân chủ của Việt Nam và sự nghiệp chống Trung Quốc thao túng, xâm lược Việt Nam. Tôi vinh dự là người dân xứ Nghệ, người dân nước Việt Nam. Dấn thân vì dân chủ không phải là tội.”

Ông Thạch cho biết ông sẽ kháng cáo.

‘Án nặng, không có bằng chứng’

Trao đổi với BBC Tiếng Việt hôm 15/12, luật sư bào chữa cho ông Trần Đức Thạch, ông Hà Huy Sơn, nói:

“Các vụ án có tính chất chính trị thường có chỉ đạo từ trước, chứ không liên quan gì nhiều đến tình tiết của vụ án. Tòa chủ yếu phụ thuộc vào thái độ. Nghĩa là xem bị can, bị cáo có khuất phục không. Nếu có thì mức án thấp còn không thì mức án cao để răn đe.”

“Phiên tòa công khai nhưng thực chất chỉ có một hai người nhà được vào thôi chứ không có người dân nào quan tâm được vào cả.”

“Tại phiên tòa, quan điểm của tôi là ông Thạch vô tội. Mức án 12 năm tù 3 năm quản chế dành cho ông Thạch là nặng. Thứ nhất, ông là cựu chiến binh, có đóng góp trong chiến tranh. Nhưng tòa không ghi nhận đóng góp trong chiến đấu của ông với lý do là họ không có hồ sơ.”

“Họ truy tố hành vi của ông Thạch theo các điều luật trong Bộ Luật Hình sự 2015, có hiệu lực từ 1/1/2018. Nhưng người ta vẫn lấy những hành vi trước đó của ông Thạch liên quan đến Hội Anh Em Dân Chủ, mà hội này đã bị bắt từ năm 2015 rồi. Tức là về mặt tố tụng tòa truy tố những hành vi nằm ngoài phạm vi điều chỉnh của Bộ Luật Hình sự.”

“Thứ hai là các chứng cứ buộc tội chủ yếu dựa trên lời khai của ông Thạch, chứ không có bằng chứng vật chất nào về việc ông âm mưu lật đổ chính quyền. Các bài viết của ông mà cơ quan điều tra cho rằng có nội dung tuyên truyền chống nhà nước thì không thuộc khách thể của tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền.”

“Ngoài ra, cơ quan điều tra cáo buộc ông đa nguyên, đa đảng, cổ súy kinh tế tư nhân. Trong khi hiến pháp và bộ luật hình sự không có chỗ nào cấm đa nguyên đa đảng. Và nhà nước và Đảng CSVN cũng rất ghi nhận kinh tế tư nhân. Vậy tại sao các cơ quan tố tụng lại cho việc ông ủng hộ kinh tế tư nhân là phạm tội?”

“Với những quan điểm như vậy tội cho rằng không có căn cứ kết tội ông Thạch.”

Cũng theo luật sư Sơn, thẩm phán Chủ tọa Trần Ngọc Sơn, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An, không cho ông được chụp những tài liệu trong hồ sơ vụ án. Việc này theo ông Sơn là vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Tổ chức nhân quyền nói gì?

Phát biểu trong thông cáo gửi đi ngày 15/12, ông Phil Robertson nói: “Là một cựu chiến binh của Quân đội Giải phóng Nhân dân Việt Nam, Trần Đức Thạch đã dành cả tuổi thanh xuân của mình để chiến đấu vì chính quyền mà giờ đây buộc tội ông vì nói lên suy nghĩ và thực hiện quyền của mình.”

“Khởi tố những người như Trần Đức Thạch làm cho Việt Nam yếu đi chứ không mạnh lên. Các nhà tài trợ quốc tế và các đối tác thương mại của Việt Nam nên ngừng im lặng trước những vi phạm nhân quyền của Việt Nam và yêu cầu chấm dứt đàn áp những người thực thi quyền của họ. “

Hồi cuối tháng 11, Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Right Watch – HRW) cũng lên tiếng về trường hợp của nhà thơ Lê Đức Thạch.

Ông John Sifton, Giám đốc vận động khu vực châu Á của HRW phát biểu: “Chính phủ Việt Nam muốn trừng phạt Trần Đức Thạch vì ông đã có các hoạt động thúc đẩy nhân quyền và công lý, cho rằng việc thực hiện quyền tự do ngôn luận của ông là một tội ác. Các chính phủ khác nên nêu lên mối quan ngại của họ trước phiên tòa xét xử ông và kêu gọi trả tự do cho ông.”

“Các tòa án của Việt Nam nên làm việc để bảo vệ quyền tự do ngôn luận và các quyền con người khác, chứ không phải thực thi quyền lực độc tôn của Đảng Cộng sản,” Sifton nói. “Trần Đức Thạch sẽ không được xét xử công bằng vì Việt Nam không có nền tư pháp độc lập và công bằng”.

Sau khi Trần Đức Thạch bị bắt, giới chức không cho phép ông gặp luật sư cho đến ngày 5/11, và sau đó chỉ cho phép gặp luật sư dưới sự giám sát của cảnh sát. Luật sư của ông, Hà Huy Sơn, nói với báo chí rằng ông thậm chí không được chụp lại bản cáo trạng của Trần Đức Thạch, mà chỉ được chép lại.

Báo Việt Nam nói gì?

Theo TTXVN, từ tháng 3/2013 đến tháng 7/2017, ông Thạch cùng một số thành viên Hội Anh Em Dân Chủ đã “khởi xướng, thành lập tổ chức, xây dựng cương lĩnh, điều lệ, quy chế hoạt động và chỉ đạo, điều hành hoạt động”, “lập Văn phòng đại diện, địa chỉ Website để hoạt động, xây dựng “Cương lĩnh vắn tắt”, có cơ cấu tổ chức chặt chẽ, chiến lược đối nội, đối ngoại, lợi dụng việc đấu tranh cho “dân chủ, nhân quyền”, “xã hội dân sự” để che dấu mục đích hoạt động chống chính quyền; liên kết với các tổ chức bất hợp pháp trong nước và nước ngoài với mục đích khi lực lượng đủ mạnh, chờ thời điểm phù hợp sẽ công khai hoạt động, đối đầu chính quyền, thay đổi thể chế chính trị tại Việt Nam, tiến tới lật đổ chính quyền nhân dân.”

Những người cùng tham gia với ông Thạch gồm Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Nguyễn Bắc Truyển đều đã và đang bị tù với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Ông Thạch dù đã cam kết bỏ Hội Anh Em Dân Chủ, nhưng vẫn “quyết tâm phạm tội đến cùng” bằng cách đăng tải nhiều bài viết “xuyên tạc các sự kiện kinh tế, chính trị xã hội; bôi nhọ, xúc phạm các đồng chí Lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại trang Facebook “Trần Đức Thạch”, “thể hiện tư tưởng chống phá”.

Hội đồng Xét xử cho rằng hành vi phạm tội của ông Thạch là “nguy hiểm cho xã hội”, “xâm phạm đến sự thống nhất về nền tảng tư tưởng chính trị do Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo.”

Trần Đức Thạch là ai?

Theo tài liệu của HRW, Trần Đức Thạch, 69 tuổi, quê Nghệ An, đã viết hàng trăm bài thơ, một cuốn tiểu thuyết, và nhiều bài báo, hầu hết đều lên án nạn tham nhũng, bất công và vi phạm nhân quyền ở Việt Nam. Là một cựu chiến binh của Giải phóng quân, ông cũng là thành viên của Câu lạc bộ Nhà văn Nghệ An. Cuốn tiểu thuyết năm 1988 của ông, Đôi bạn tù, “đã mô tả bản chất độc đoán của hệ thống luật pháp Việt Nam và những điều kiện vô nhân đạo trong các nhà tù Việt Nam”. Hay tập thơ ‘Những điều chưa kể’ viết về cuộc sống thiếu tự do và công lý.

Cuốn hồi ký ngắn của ông, ‘Hố chôn người ám ảnh’, kể lại câu chuyện về vụ giết hại hàng loạt dân thường của bộ đội miền Bắc tại ấp Tân Lập, tỉnh Đồng Nai vào tháng 4/1975 mà ông đã chứng kiến.

Chính quyền đã nhiều lần sách nhiễu ông kể từ năm 1975. Năm 1978, để phản đối việc bị ngược đãi, ông Thạch được cho là đã tự thiêu và bị bỏng nặng. Năm 2008, ông tham gia các cuộc biểu tình chống Trung Quốc và bị bắt vào tháng Chín năm đó. Ông bị cáo buộc đã viết “nhiều bài báo xuyên tạc sự thật, vu cáo, bôi xấu đảng và nhà nước, đăng trên tạp chí Tổ Quốc”, một bản tin bất đồng chính kiến. Tháng 10/2009, một tòa án tuyên ông phạm tội tuyên truyền chống nhà nước theo điều 88 của bộ luật hình sự. ông bị kết án ba năm tù.

Sau khi mãn hạn tù năm 2011, Trần Đức Thạch lại tiếp tục chỉ trích Đảng và nhà nước. Ông tham gia Hội Anh em vì Dân chủ vào tháng 4/2013. Vào 23/4/2020, công an đã bắt ông tại tỉnh Nghệ An và buộc tội oông “thực hiện các hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân” theo điều 109 của bộ luật hình sự. Trần Đức Thạch là thành viên thứ 10 của Hội Anh em Dân chủ bị bắt trong những năm gần đây.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55312947

Khoảng 1 triệu tài khoản Facebook Việt Nam bị công khai trên diễn đàn hacker

Khoảng 1 triệu tài khoản Facebook gồm các dữ liệu như số điện thoại, email, vị trí… của người dùng Việt Nam bị chia sẻ công khai trên diễn đàn hacker.

Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 14/12 và cho biết các dữ liệu này bị thành viên có bí danh Ltianyi đăng tải từ giữa tháng 11.

Ltianyi khi đăng tải khẳng định đây là dữ liệu từ Facebook của người dùng Việt Nam, nhưng chưa đầy đủ, gồm có khoảng 1 triệu dòng, chứa các trường dữ liệu, như tên tài khoản, vị trí, số điện thoại, email, mã định danh (UID), số lượng bạn bè…

Các dữ liệu của thành viên Ltianyi được chia sẻ miễn phí nếu có đăng ký thành viên, chứ không giống các dữ liệu khác thường yêu cầu trả phí để sở hữu. Tập tin có dung lượng gần 70 MB được nén từ 600 MB dữ liệu dạng text, chứa thông tin từ Facebook.

Báo chí trong nước cho biết đã thử nghiệm các thông tin một số tài khoản Facebook… hầu hết trùng khớp.

Theo các chuyên gia, việc rò rỉ thông tin tài khoản này có thể do người dùng các ứng dụng game, các trang mua sắm online, dịch vụ giải trí, diễn đàn… Và có thể khiến người dùng gặp rắc rối với tin nhắn rác, tin nhắn quảng cáo và nguy hiểm hơn là lừa đảo trên mạng.

Sau khi bài chia sẻ của Ltianyi được báo chí nói đến, một thành viên khác trên Raidforum cũng cho biết đang nắm dữ liệu của hai triệu người dùng Facebook Việt Nam.

Hồi tháng 3 năm 2020, thông tin về quê quán, nơi làm việc, ngày sinh… được cho là của 41 triệu người dùng Facebook Việt Nam cũng bị chia sẻ công khai trên mạng.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/1-mil-vn-fb-acc-are-publicized-12142020133446.html

Chủ tọa bắt tay bị cáo sau phiên tòa nói lên điều gì?

Diễm Thi, RFA

Hôm 11 tháng 12 năm 2020, bị cáo Nguyễn Đức Chung, nguyên chủ tịch Thành phố Hà Nội bị chủ tọa Trương Việt Toàn tuyên mức án 5 năm tù về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”. Sau phiên tòa, Thẩm phán Trương Việt Toàn vẫn trong trang phục xét xử của thẩm phán đã bắt tay, vỗ vai bị cáo Nguyễn Đức Chung và động viên ông Chung cải tạo tốt, 5 năm cũng nhanh thôi.

Hành động này gây phản ứng của nhiều người trên mạng xã hội và báo chí Nhà nước trích dẫn giải thích của ông Toàn rằng, sau khi xét xử xong ông phải đi qua hàng ghế của bị cáo để về phòng làm việc và việc bắt tay ông Chung diễn ra một cách bình thường, thể hiện tình người với nhau thôi.

Nhà báo Võ Văn Tạo, người từng làm Hội thẩm Nhân dân Tòa án Nhân dân Thành phố Nha Trang 10 năm cho biết, ông chưa bao giờ thấy việc tương tự như vậy xảy ra. Ông Tạo nhận xét về hành vi của Thẩm phán Trương Việt Toàn:

“Trong con mắt cán bộ tòa thì những người gọi là tù nhân lương tâm thì họ căm thù lắm chứ không bao giờ có hành vi thân mật như thế. Cái thân mật của ông Toàn với ông Chung là hành vi chưa từng thấy và nó không bảo đảm tính khách quan. Công chúng người ta không nghĩ rằng ông thẩm phán, chủ tọa phiên tòa này khách quan mà phải có cái gì đó đáng nghi ngờ đằng sau.

Mình cũng chưa đọc văn bản nào nghiêm cấm sự thân mật giữa Hội đồng xét xử đối với bị cáo. Nhưng nó có cái nguyên tắc bất thành văn là tất cả những người tham gia Hội đồng xét xử không được phép tiếp xúc, trò chuyện với bị can, bị cáo tại tòa cả. Hành vi đó rất chướng và khiến những người khác đặt ngay dấu hỏi và nghi ngờ tính công tâm của Hội Đồng xét xử.”

Nó có cái nguyên tắc bất thành văn là tất cả những người tham gia Hội đồng xét xử không được phép tiếp xúc, trò chuyện với bị can, bị cáo tại tòa cả. Hành vi đó rất chướng và khiến những người khác đặt ngay dấu hỏi và nghi ngờ tính công tâm của Hội Đồng xét xử. -Nhà báo Võ Văn Tạo

Ông Tạo nói thêm rằng, tuy hành vi này chưa từng có tiền lệ nhưng nó lại không ảnh hưởng đến yếu tố độc lập tư pháp. Tư pháp độc lập phải hiểu là không chịu ảnh hưởng của bất cứ ai. Về mặt nguyên tắc thì luật Việt Nam họ cũng ghi như thế. Có nghĩa là khi xét xử thì các thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Đó là về mặt nguyên tắc, còn thực tế thì nó khác hoàn toàn.

Trao đổi với truyền thông trong nước, Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân – Tiến sĩ luật học, cho rằng khi xét xử, thẩm phán được nhân danh Nước CHXHCN Việt Nam. Do đó, dưới góc độ pháp lý tại pháp đình, hành vi của chủ tọa Trương Việt Toàn là không hợp lệ. Đại biểu Lê Thanh Vân cho rằng đây là bài học để các vị thẩm phán rút kinh nghiệm.

Tương tự, Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Uỷ viên Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội cũng cho rằng sau khi xét xử vụ án mà thẩm phán xuống bắt tay với bị cáo là rất phản cảm. Việc này chưa từng xảy ra tại một phiên toà nào cả dù hiện nay chưa có quy định nào về việc thẩm phán bắt tay với bị cáo, bị can.

Việc Thẩm phán Trương Việt Toàn đi xuống bắt tay ông Nguyễn Đức Chung và các bị cáo khác sau phiên tòa gây nhiều tranh luận trên mạng xã hội. Một số người quan niệm rằng, người tiến hành tố tụng không được bắt tay bị cáo sau khi tuyên án hoặc bày tỏ những cử chỉ thân thiện như người nhà hoặc bạn thân. Một số người khác lại nhạo báng yếu tố được coi là “nhân văn” trong hành động này, bởi trước đó chính ông Toàn cũng trong Hội đồng xét xử vụ án Đồng Tâm. Ông Toàn không hề xuống bắt tay những nông dân giữ đất bị kết án.

Thẩm phán Trương Việt Toàn xuống bắt tay, an ủi bị cáo Nguyễn Đức Chung ngay sau phiên xử

Với cái nhìn của một luật sư, ông Phạm Công Út phân tích:

“Người thẩm phán hoặc một trong các thành viên của Hội đồng xét xử phải từ chối xét xử, tiến hành tố tụng nếu bị can, bị cáo có quan hệ thân thích vì nó sẽ không khách quan khi xét xử.

Ông Chung là một quan chức phạm tội với mức án lẽ ra phải từ 10 đến 15 năm mà bị tuyên có 5 năm. Như vậy là không khách quan và cái hình ảnh cuối cùng cũng thể hiện sự không khách quan.

Do đó, vụ án này về mặt hình ảnh, mặt thông tin, mặt dư luận, đặc biệt về mặt tố tụng thì thẩm phán Trương Việt Toàn có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng thủ tụng tố tụng hình sự.”

Luật sư Phạm Công Út phân tích thêm về yếu tố không khách quan có thể có trong phiên xử thông qua bức ảnh với mức án mà ông cho là quá nhẹ rằng, không biết ông Toàn có chống lại hai lá phiếu 5 năm tù của hai vị hội thẩm đoàn không hay ông Toàn cũng đề nghị mức án 5 năm?

“Có điều sau khi tuyên án 5 năm tù thì ông Toàn xuống bắt tay ông Chung. Điều này thể hiện sự không khách quan trong khi tiến hành tố tụng chứ không phải là không độc lập trong tư pháp. Không độc lập nó là một câu chuyện khác.”

Truyền thông trong nước dẫn lại một số phân tích, giải thích của Thẩm phán Trương Việt Toàn rằng, về mặt nguyên tắc, Hội đồng xét xử sẽ tự giải tán sau khi phiên tòa kết thúc, tức khi tuyên án xong. Lúc này, ông Toàn không còn trong tư cách chủ tọa và ông Chung không còn trong tư cách bị cáo mà cả hai là những con người bình thường. Không có quy định nào cấm hai người bình thường bắt tay với nhau.

Ông Chung là một quan chức phạm tội với mức án lẽ ra phải từ 10 đến 15 năm mà bị tuyên có 5 năm. Như vậy là không khách quan và cái hình ảnh cuối cùng cũng thể hiện sự không khách quan. – Ls. Phạm Công Út

Ông Trương Việt Toàn cũng cho biết, trước đây, sau phiên xử Hà Văn Thắm ông cũng từng bắt tay, động viên bị cáo Thắm cải tạo tốt.

Tù nhân nhân quyền Nguyễn Đình Ngọc cho biết, ông thấy hành động của ông Trương Việt Toàn rất lố bịch, không có tính chuyên nghiệp và tư tưởng của một người làm luật.

“Về mặt pháp lý thì Nguyễn Đức Chung là một tội phạm đã bị kết án, Trương Việt Toàn là một thẩm phán, tức là người thi hành công vụ. Phải nói rõ vai vậy để thấy việc của ông Toàn là việc thực thi pháp luật. Không thể có chuyện một thẩm phán xử xong rồi vỗ vai, động viên bị cáo. Đó là việc của cán bộ quản giáo khi ông Chung đi thi hành án.

Vì vậy tôi cho rằng hành vi của ông Trương Việt Toàn không chuyên nghiệp. Hành vi đó nó chỉ thích hợp trong môi trường gia đình. Điều này không nên xuất hiện tại các phiên tòa. Ổng còn dám nói là trước đây ổng cũng vỗ vai Hà Văn Thắm sau phiên xử để động viên. Vậy tại sao ổng không làm vậy khi xử Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn?

Nhà văn Nguyễn Thị Hoài trên trang blog cá nhân trích dẫn phiên xử ngày 17 tháng 12 năm ngoái, vụ AVG. Lúc đó thẩm phán Trương Việt Toàn được tường trình đã ngắt lời bị cáo Nguyễn Bắc Son, nguyên bộ trưởng Thông tin – Truyền thông khi nói trước tòa là vào thời điểm phê duyệt thì không hiểu vấn đề. 

Ông Trương Việt Toàn được dẫn lời rằng ‘Nhưng mà chả hiểu thì làm bộ trưởng làm gì!’. Theo nhà văn Nguyễn Thị Hoài thì những phát ngôn của ông Trương Việt Toàn tại phiên xử đó được lòng dư luận. Nhà văn Nguyễn Thị Hoài cho rằng bà hiểu tâm lý đó, nhưng luật pháp không sinh ra để phục vụ cái vỗ tay của dư luận. ‘Thẩm phán thuộc hội đồng xét xử một phiên tòa trước hết phải giữ một thái độ tuyệt đối trung lập’.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/can-the-judge-shake-hands-with-the-defendant-after-the-trial-dt-12142020143355.html

Hai bệnh viện và một nhà máy nước nghìn tỷ bị bỏ hoang

Dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức, với tổng mức đầu tư gần 10 ngàn tỷ đồng bị chậm tiến độ 3 năm.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 15/12, cho biết dự án cơ sở 2 của Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức được khởi công xây dựng hồi cuối năm 2014, ở tỉnh Hà Nam và dự kiến bắt đầu hoạt động trong năm 2017. Tuy nhiên, dự án này bị chậm tiến độ 3 năm và được báo giới mô tả đang trong trạng thái “ngủ say”.

Báo mạng Tiền Phong Online dẫn lời của người dân địa phương cho biết Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2 đã tổ chúc khám từ thiện cho hơn 500 bệnh nhân vào cuối năm 2018. Nhưng sau đó, bệnh viện này thông báo dừng hoạt động đến cuối tháng 3 năm 2019, và vừa mở cửa hoạt động trở lại thì tiếp tục ngưng do dịch COVID-19.

Đối với Bệnh viện Hữu nghị Việt- Đức, người đại diện nói với Tiền Phong Online rằng Ban quản lý dự án y tế trọng điểm, thuộc Bộ Y tế vẫn chưa bàn giao cơ sở 2 cho bệnh viện, do đó chưa có thông tin gì để phản ánh với báo chí.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn, vào chiều ngày 14/12 cho báo giới biết hai phòng khám đa khoa thuộc cơ sở 2 của Bệnh viện Việt Đức và Bệnh viện Bạch Mai dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong cuối tháng 12 năm 2020, chậm nhất là tháng 1/2021.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam, trong cùng ngày 15/12, cũng loan tin một công trình nhà máy nước sạch, trị giá 10 tỷ đồng ở thôn Bằng Sơn, xã Ea Pô, tỉnh Đắk Nông đang trong tình trạng bị bỏ hoang phế 3 năm qua.

Báo giới ghi nhận công trình nhà máy nước sạch do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông làm chủ đầu tư, đồng thời là đơn vị tư vấn giám sát. Công trình do Công ty TNHH xây dựng thương mại Phú Hiển Vinh thi công, được khởi công hồi đầu tháng 7/2017 và hoàn thành trong cuối năm 2017.

Chủ tịch UBND xã Ea Pô, ông Đinh Công Xoan nói với báo giới rằng số lượng khách hàng sử dụng nước từ nhà máy chỉ có 150 hộ, thay vì theo dự kiến là 700 hộ, nên khi vận hành không đủ tiền điện, nhà máy không hoạt động được.

Phó Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đắk Nông, ông Phan Vận được báo giới cho biết là đã tỏ ra bất ngờ và khẳng định ông chưa nhận được thông tin nhà máy không hoạt động.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/two-trillion-hospitals-and-one-water-plant-are-abandoned-12152020073253.html

1.1 triệu dân ở vùng Đồng bằng Sông Cửu Long bỏ xứ ra đi trong 10 năm qua

Tin Vietnam.- Báo Dân việt ngày 13 tháng 12 năm 2020 loan tin, báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long năm 2020 của một nhóm chuyên gia, tổ chức cho biết, trong 10 năm qua, tại đồng bằng sông Cửu Long đã có 1.1 triệu người bỏ xứ ra đi. Đây là con số lớn hơn số dân của một số dân của một số tỉnh trong vùng, và tương đương với số tăng dân số tự nhiên của cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Và với số lượng người dân di cư cao như trên, thì đồng bằng sông Cửu Long là vùng duy nhất có không có tỷ lệ tăng dân số trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2019. Theo báo cáo kinh tế thường niên đồng bằng sông Cửu Long, hầu hết người dân nơi đây di cư về Sài Gòn, và các tỉnh Đông Nam Bộ.

Tuy nhiên, các chuyên gia lo lắng, khi đại dịch xảy ra, thì làn sóng người dân hồi hương từ Sài Gòn, Đông Nam Bộ, và cả đi xuất cảng lao động ở ngoại quốc trở về khu vực sẽ là gánh nặng kinh tế của vùng đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian tới. Ngoài việc di cư, báo cáo kinh tế thường niên cũng cho thấy rằng, vai trò kinh tế của khu vực này đang giảm dần so với các khu vực khác trong cả nước, đóng góp vào tổng sản phẩm quốc nội giảm mạnh.

Trong bối cảnh này, thì tình trạng dịch, hạn hán kéo dài, xâm lấn mặn ngày càng xảy ra nghiêm trọng khiến môi trường kinh tế, xã hội của vùng đồng bằng sông Cửu Long đang trở nên báo động.

An Nhiên 

https://www.sbtn.tv/1-1-trieu-dan-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-bo-xu-ra-di-trong-10-nam-qua/

Việt Nam ghi nhận thêm 5 ca nhập cảnh nhiễm Covid-19

 Bình luậnMinh Nhật

Chiều tối 14/12, Bộ Y tế thông báo có thêm 5 ca mắc COVID-19 mới, nâng tổng số ca mắc bệnh tại Việt Nam từ đầu dịch lên 1.402 ca.

Theo thông tin từ Bộ Y tế, 5 ca mắc COVID-19 mới được cách ly ngay sau khi nhập cảnh. Trong đó: 2 ca ghi nhận tại tỉnh Thái Bình, 2 ca tại Đồng Tháp và 1 ca tại Ninh Bình.

Cụ thể:

Ca bệnh 1398 (BN1398) được ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: Nữ, 27 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ca bệnh 1399 (BN1399) ghi nhận tại tỉnh Thái Bình: Nữ, 19 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh.

Ngày 12/12, BN 1398-1399 từ Angola nhập cảnh sân bay Vân Đồn trên chuyến bay VN009 được cách ly tại tỉnh Thái Bình ngay sau khi nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm ngày 13/12 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thái Bình dương tính với nCoV. Hiện hai bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh.

Ca bệnh 1400 (BN1400) ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp: Nữ, 59 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại quận 3, TP.HCM.

Ca bệnh 1401 (BN1401) ghi nhận tại tỉnh Đồng Tháp: Nữ, 26 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang.

Ngày 29/11, hai người từ Indonesia nhập cảnh sân bay Cần Thơ trên chuyến bay VJ2561, được cách ly tại huyện Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp ngay sau khi nhập cảnh.

Kết quả xét nghiệm lần 2 ngày 13/12 tại Viện Pasteur TP.HCM dương tính với nCoV. Hiện hai bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Sa Đéc.

Ca bệnh 1402 (BN1402) ghi nhận tại tỉnh Ninh Bình: Nữ, 37 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu.

Ngày 6/12, bệnh nhân từ Saudi Arabia nhập cảnh tại sân bay Vân Đồn trên chuyến bay QH9302, được cách ly tại tỉnh Ninh Bình ngay sau khi nhập cảnh.

Xét nghiệm lần 1 ngày 6/12 và lần 2 ngày 9/12 đều cho kết quả âm tính; kết quả xét nghiệm lần 3 ngày 12/12 tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình dương tính với nCoV. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Phòng khám Đa khoa khu vực Cầu Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.

Theo Bộ Y tế, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khoẻ (cách ly) là 19.992 người, trong đó:

209 người được cách ly tập trung tại bệnh viện;

15.593 người cách ly tập trung tại cơ sở khác;

4.190 người cách ly tại nhà, nơi lưu trú.

Tính đến ngày 14/12, Việt Nam có 1.246 ca được điều trị khỏi. Số người tử vong do COVID-19 là 35 người, 4 người tử vong sau 3 – 4 lần xét nghiệm âm tính.

Minh Nhật

https://www.ntdvn.com/viet-nam/viet-nam-ghi-nhan-them-5-ca-nhap-canh-nhiem-covid-19-116338.html

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thúc giục việc truy bắt ông chủ trường đại học Đông Đô

Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc hôm 15/12 thúc giục Bộ Công an khẩn trương truy bắt ông Trần Khắc Hùng – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Đại học Đông Đô đồng thời xác minh làm rõ những đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Giáo dục Đào tạo có liên quan đến vụ cấp văn bằng giả ở trường Đông Đô.

Ông Trần Khắc Hùng hiện đang bị Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an truy nã với tội danh giả mạo trong công tác, quy định tại Điều 359, Bộ luật hình sự.

Kết luận điều tra ban đầu công bố hồi năm 2019 xác định trường Đông Đô đã nhận hồ sơ tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh và đã công nhận 2 đợt tốt nghiệp cho hàng trăm sinh viên văn bằng 2 tiếng Anh trong khi trường chưa được cấp phép đào tạo bằng Đại học 2 do Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp.

Truyền thông Nhà nước Việt Nam hồi tháng 11 trích nguồn tin từ Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an xác định từ tháng 4 năm 2017, ông Trần Khắc Hùng đã chỉ dạo cấp dưới ký thông báo tuyển sinh văn bằng 2 tiếng Anh gửi các cơ sở. Trường đã ký hợp đồng tuyển sinh, đào tạo văn bằng 2 tiếng Anh với 15 cơ sở. Trong số này, 12 cơ sở đã tuyển sinh hơn 3.500 học viên, thu về số tiền hơn 24 tỷ đồng.

Kết quả điều tra của công an xác định Đại học Đông Đô đã cấp 193 bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả cho các cá nhân, không qua tuyển sinh, đạo tạo hoặc chưa đủ điều kiện cấp bằng. Trong số này có 55 người sử dụng bằng giả để xét tuyển nghiên cứu sinh hoặc bảo vệ luận án tiến sĩ, một trường hợp làm điều kiện bảo vệ thạc sĩ, 1 trường hợp thi nâng ngạch thanh tra viên, 1 trường hợp sử dụng xét tuyển thạc sĩ. 

Cơ quan điều tra chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Viện KSND tối cao đề nghị truy tố các bị can: Dương Văn Hòa, nguyên Hiệu trưởng; Trần Kim Oanh – nguyên Phó hiệu trưởng; Lê Ngọc Hà – Phó hiệu trưởng; Trần Ngọc Quang -Phó trưởng phòng quản lý đào tạo và quản lý sinh viên; Phạm Vân Thùy, cán bộ nhà trường, cùng 5 người khác.

Theo chỉ đạo mới của Thủ tướng, Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan phải khẩn trương điều tra, xác minh, thu hồi các văn bằng giả do trường Đông Đô cấp, báo cáo kết quả lên Thủ tướng trong quý 1 năm 2021.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/pm-nguyen-xuan-phuc-pushes-arrest-of-chairman-of-dong-do-university-12152020064438.html

Mong gì vào tin Bộ trưởng Công an sẽ tiếp dân ít nhất một ngày/tháng?

Bộ Công an, vào trung tuần tháng 12 cho biết vừa hoàn thành dự thảo Thông tư quy định về công an tiếp công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong Công an nhân dân. Trong đó, Bộ trưởng Công an Tô Lâm tiếp công dân ít nhất một ngày/tháng.

Bộ trưởng Công an trực tiếp tiếp dân

Theo dự thảo vừa hoàn thành, việc tiếp công dân được thực hiện tại các địa điểm tiếp công dân của công an các cấp có thẩm quyền. Việc tiếp công dân được đảm bảo công khai, dân chủ, thủ tục đơn giản, giữ bí mật và đảm bảo an toàn cho người tố cáo theo quy định của pháp luật.

Thông tư quy định tổ chức tiếp công dân thường xuyên, định kỳ và đột xuất. Giám đốc Công an tỉnh và Bộ trưởng Công an tiếp công dân định kỳ ít nhất một ngày/tháng.

Văn phòng tiếp công dân của Bộ Công an ở Hà Nội được trang bị thiết bị ghi âm, ghi hình… và các điều kiện cần thiết, kể cả có lực lượng cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự.

Việc ngành công an có hướng như thế thì tôi cũng hồ nghi rằng không rõ có phải nhân Đại hội Đảng nên họ làm việc tích cực hơn trước đây như là một ý đồ chính trị hay không. Nhưng dù sao đi nữa, ngành công an có biện pháp tiếp dân tốt hơn thì rất tốt. Bởi vì, tình hình an ninh trật tự ở Việt Nam và những việc như bắt bớ…thì cũng phải nói là người dân Việt Nam cũng rất lo lắng mỗi khi có việc gì đụng chạm đến pháp luật-Luật sư Đặng Dũng

Đài RFA ghi nhận Báo cáo của Chính phủ trong năm 2019 phản ánh tình hình khiếu nại vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp tại một số địa phương liên quan. Khiếu nại gồm vi phạm trong lĩnh vực môi trường, tranh chấp đất đai, việc thu phí tại các trạm BOT, vấn đề mua bán và quản lý nhà chung cư; đặc biệt nổi lên là một số vụ việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc xem xét, giải quyết quyền lợi của người bị thu hồi đất đầu tư xây dựng khu đô thị, khu công nghiệp có quy mô lớn. 

Báo cáo này cho thấy vụ việc tố cáo tăng 6,6%. Đặc biệt, những khiếu nại liên quan đến đất đai chiếm gần 68% tổng số đơn. Song song đó, số lượt công dân đến cơ quan nhà nước khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, tăng 4,3% trong năm ngoái.

Tại phiên họp lần thứ 37, diễn ra hồi tháng 9/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Qua báo cáo năm 2019, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương chủ động có các biện pháp cụ thể, phù hợp với tình hình mới để làm tốt công tác tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo.

Dư luận nói gì?

Luật sư Đặng Dũng, từng công tác tại Sở Lao động-Thương binh-Xã hội TP.HCM, vào tối ngày 14/12 lên tiếng với RFA về thông tin liên quan dự thảo công an tiếp công dân định kỳ hàng tháng.

“Việc ngành công an có hướng như thế thì tôi cũng hồ nghi rằng không rõ có phải nhân Đại hội Đảng nên họ làm việc tích cực hơn trước đây như là một ý đồ chính trị hay không. Nhưng dù sao đi nữa, ngành công an có biện pháp tiếp dân tốt hơn thì rất tốt. Bởi vì, tình hình an ninh trật tự ở Việt Nam và những việc như bắt bớ…thì cũng phải nói là người dân Việt Nam cũng rất lo lắng mỗi khi có việc gì đụng chạm đến pháp luật.”

Trong khi đó, bà Ngô Thị Tuyết Hải, một cư dân tỉnh Phú Yên, trong cùng ngày 14/12 nói với RFA rằng bà không lạc quan khi nghe thông tin về công an tiếp dân định kỳ hàng tháng.

“Theo tôi, tất cả những quy định pháp luật nào về tiếp công dân ra đời chẳng qua là cho vui thôi, chứ công dân khiếu nại đi đến những chỗ mình cần khiếu nại là khó lắm. Như trường hợp gia đình tôi, hồi em tôi bị chết, gia đình đi khiếu nại từ cấp huyện, lên cấp tỉnh, lên cấp Trung ương mà đi chầu đi chực ở mấy nơi tiếp dân suốt cả ngày rồi họ nói dăm ba câu trớt quớt hết thôi. Liên quan mấy thắc mắc, khiếu nại của mình thì người ta chỉ đến chỗ nọ, chỉ đến chỗ kia chứ người ta không trả lời chính đáng điều mình cần hỏi đâu.”

Bà Ngô Thị Tuyết Hải là chị của ông Ngô Thanh Kiều, một người đã bị công an thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên tra tấn đến chết hồi năm 2012. Bà Tuyết Hải lý giải với những gì đã xảy ra cho gia đình dẫn đến hậu quả của việc mất niềm tin vào công lý và pháp luật tại Việt Nam.

Những gì họ nói thì họ không thực hiện đâu. Họ nói một đường, rồi họ làm một nẻo. Việc tiếp công dân một lần/tháng thì kể cả Viện Kiểm sát Tối cao, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các vụ trưởng, bộ trưởng đều được quy định theo các thông tư đã ban hành lâu rồi, chứ không chỉ Bộ Công an đâu. Tất cả các ngành tư pháp, hành chính của chính quyền đều phải tiếp công dân, từ chủ tịch tỉnh đều phải tiếp công dân một lần/tháng. Quy định theo văn bản là như thế, cũng như Hiến pháp và pháp luật được ban hành đầy đủ nhưng có được thực hiện đâu-Ông Nguyễn Trường Chinh

Đồng quan điểm với bà Ngô Thị Tuyết Hải, thân phụ của tử tù oan Nguyễn Văn Chưởng-ông Nguyễn Trường Chinh bày tỏ với RFA:

“Những gì họ nói thì họ không thực hiện đâu. Họ nói một đường, rồi họ làm một nẻo. Việc tiếp công dân một lần/tháng thì kể cả Viện Kiểm sát Tối cao, chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao và các vụ trưởng, bộ trưởng đều được quy định theo các thông tư đã ban hành lâu rồi, chứ không chỉ Bộ Công an đâu. Tất cả các ngành tư pháp, hành chính của chính quyền đều phải tiếp công dân, từ chủ tịch tỉnh đều phải tiếp công dân một lần/tháng. Quy định theo văn bản là như thế, cũng như Hiến pháp và pháp luật được ban hành đầy đủ nhưng có được thực hiện đâu.”

Tình trạng thực tiễn mà ông Nguyễn Trường Chinh đề cập có thể trưng dẫn qua thông tin truyền thông Nhà nước Việt Nam loan tải hồi tháng 8/2018 rằng nhiều lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã không tiếp công dân suốt 5 năm.

Riêng trường hợp khiếu nại kêu oan của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, ông Chinh cho biết thực tế và những gì mà lãnh đạo nói hoàn toàn khác biệt:

“Trường hợp của tử tù Nguyễn Văn Chưởng, hồi năm 2015 là ông Trương Hòa Bình đã nói trước Quốc hội rằng ‘Bản thân tử tù Nguyễn Văn Chưởng và gia đình của tử tù đã không kêu oan và không làm đơn xin kêu oan’, mà trong khi đó tôi lăn lê kêu oan cả thành phố Hà Nội ai cũng biết.”

Thân phụ tử tù Nguyễn Văn Chưởng chia sẻ với RFA rằng không chỉ mỗi gia đình ông mà những người dân Việt Nam cho rằng bị oan ức phải về thủ đô Hà Nội kêu cứu đến các cơ quan Trung ương tiếp dân. Họ mong muốn gióng lên tiếng nói với nhà nước và công luận xã hội rằng rất nhiều người dân bị oan khuất trong tuyệt vọng.

Trong khi những người bị oan khuất, như gia đình của nạn nhân bị đánh chết trong đồn công an Ngô Thanh Kiều hay tử tù Nguyễn Văn Chưởng kêu oan suốt 13 năm qua chỉ còn “niềm tin mong manh” vào công lý và pháp luật thì dưới góc độ luật pháp, luật sư Đặng Dũng cho rằng việc tiếp công dân của công an cần được đưa vào trong dự thảo quy định về cho phép luật sư được tham gia trong các buổi tiếp dân, vì đa số người dân không có kiến thức nhiều về luật pháp; do đó các buổi tiếp dân sẽ đạt hiệu quả hơn nếu có sự hiện diện của luật sư để giải đáp những thông tin từ phía công an đến người dân.

https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/mps-minister-meets-with-injustice-citizens-at-least-once-monthly-what-public-concerns-12142020120842.html

Việt Nam: ‘Cân bằng Bắc – Trung – Nam’ có còn quyết định việc chọn Tứ trụ?

Hội nghị Trung ương 14 của Đảng Cộng sản đang họp tuần này, với một nghị trình lớn là thảo luận và bỏ phiếu biểu quyết giới thiệu nhân sự tham gia Bộ Chính trị, Ban Bí thư khóa XIII.

Hội nghị TƯ14: Vẫn còn chờ “trường hợp đặc biệt”?

Việt Nam: Ủy viên Bộ Chính trị nào đủ tuổi tái cử?

Một câu hỏi được độc giả BBC đặt ra là liệu vấn đề cân bằng vùng miền, đủ đại diện của miền Bắc – Trung – Nam, có đặt ra khi giới thiệu đề cử cho bốn chức danh cao nhất: Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng, Chủ tịch Quốc hội.

Nhìn lại lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, dường như một nguyên tắc không thành văn là bốn chức danh cao nhất luôn gồm các nhân vật của ba miền để bảo đảm đoàn kết.

Năm 1976, sau khi Việt Nam thống nhất, Đảng Cộng sản tổ chức Đại hội lần 4.

Đây là lần đầu tiên chức danh Tổng Bí thư được dùng, thay cho chức vụ Bí thư thứ nhất vốn do Lê Duẩn (sinh ở Quảng Trị) giữ từ 1960 tới 1976.

Tại Đại hội 4, ông Lê Duẩn tiếp tục giữ chức Tổng Bí thư.

Phạm Văn Đồng (Quảng Ngãi) làm Thủ tướng, Trường Chinh (Nam Định) là Chủ tịch Quốc hội.

Tôn Đức Thắng (Long Xuyên, nay thuộc tỉnh An Giang), tuy không nhiều quyền hành vì không có trong Bộ Chính trị, giữ chức Chủ tịch nước từ 1976 tới 1980.

Giai đoạn 1981-87 chứng kiến Lê Duẩn tiếp tục là Tổng bí thư (đến khi qua đời tháng 7 năm 1986), Chủ tịch Hội đồng Nhà nước là Trường Chinh, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng.

Một người miền Nam, Nguyễn Hữu Thọ, làm Chủ tịch Quốc hội đến 1981 đến 1987.

Từ Đại hội 6 năm 1986, người ta thấy Nguyễn Văn Linh (Hưng Yên) làm Tổng Bí thư.

Phạm Hùng (Vĩnh Long) làm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng từ 1987 đến khi qua đời năm 1988, thay bằng Đỗ Mười (Hà Nội).

Võ Chí Công (Quảng Nam) là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước từ 1987 tới 1992.

Lê Quang Đạo (Bắc Ninh) là Chủ tịch Quốc hội từ 1987 tới 1992.

Từ Đại hội 7 năm 1991, sự chen lẫn ba miền tiếp tục với các nhân vật:

Tổng Bí thư Đỗ Mười, làm việc cùng Chủ tịch nước Lê Đức Anh (Thừa Thiên – Huế), Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Vĩnh Long) và Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (Bắc Kạn).

Năm 1997, Trần Đức Lương (Quảng Ngãi) kế nhiệm Chủ tịch nước Lê Đức Anh.

Từ Đại hội 9 năm 2001, Bộ Tứ vẫn cân bằng vùng miền, gồm: Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đức Lương, Thủ tướng Phan Văn Khải (Củ Chi), và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (Nam Định).

Nhưng Đại hội 10 năm 2006, không có đại diện miền Trung trong Bộ Tứ, mà lúc này gồm Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (Hà Nội), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (Cà Mau), Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết (Bình Dương).

Tại Đại hội 11 năm 2011, ông Nguyễn Phú Trọng được bầu làm Tổng Bí thư, ông Nguyễn Tấn Dũng tiếp tục làm Thủ tướng.

Chủ tịch nước lúc này là Trương Tấn Sang (Long An) và Chủ tịch Quốc hội là Nguyễn Sinh Hùng (Nghệ An).

Như vậy, có thể thấy kể từ Đại hội 10 năm 2006, vấn đề cân bằng ba miền Bắc – Trung – Nam đã không còn là nguyên tắc bất di bất dịch mà có thể thay đổi tuỳ bối cảnh.

https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-55319552

RSF: Việt Nam trong Top 5 quốc gia bỏ tù nhà báo nhiều nhất

Việt Nam nằm trong số 5 quốc gia, trong đó có Trung Quốc, được coi là những ‘nhà tù’ lớn nhất đối với các nhà báo, theo một báo cáo mới nhất của tổ chức Phóng viên không Biên giới (RSF) vừa công bố.

Thống kê thường niên của RSF đưa ra hôm 14/12 cho thấy hơn một nửa số nhà báo bị cầm tù – tương đương 61% – đang bị giam giữ tại 5 quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tổ chức bảo vệ quyền tự do thông tin có trụ sở ở Paris, Pháp, cho rằng 5 quốc gia này, trong đó còn gồm Trung Quốc, Ai Cập, Ả Rập Saudi và Syria là “những nhà tù lớn nhất đối với các nhà báo” trong năm thứ 2 liên tiếp.

Trung Quốc đứng đầu với số lượng 117 nhà báo bị bỏ tù trong khi Việt Nam đứng thứ 4, sau Ả Rập Saudi và Ai Cập, với 28 nhà báo – gồm cả chuyên nghiệp và tự do, theo thống kê của RSF.

“Tại Việt Nam, nơi có 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers đang bị giam cầm, các giới chức đã tiến hành một làn sóng bắt giữ mới vào tháng 5 và tháng 6, nhiều khả năng là vì lý do Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021,” báo cáo của RSF cho biết.

Xu hướng những năm gần đây, những cây viết độc lập có tư duy phản biện bị khủng bố nặng nề – bắt bớ, đánh đập, hành hung rồi bị bỏ tù ngày càng nhiều…Mà mỗi lần kết án thì án thật nặng.

Võ Văn Tạo, nhà báo

Hồi tháng 6, tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch nhận định rằng chính phủ Việt Nam đang tăng cường trấn áp các nhà hoạt động nhân quyền và những người bất đồng chính kiến trước kỳ họp của Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ 13 dự kiến diễn ra vào tháng 1/2021.

Chính quyền Việt Nam chưa lên tiếng về thống kê này của RSF.

“Việt Nam luôn là một trong 5 nước có tự do báo chí kém nhất, hầu như không có tự do báo chí,” nhà báo Võ Văn Tạo nhận định với VOA từ Khánh Hoà. “Báo chí ở Việt Nam chỉ là một công cụ tuyên truyền của Đảng Cộng sản Việt Nam…chính vì vậy báo chí mà đăng đúng sự thật nhưng trái ý đảng thì bị các cơ quan chức năng của nhà nước Việt Nam xử lý theo kiểu một là phạt tiền hai là treo đình bản và thứ 3 là khởi tố, bỏ tù các nhà báo.”

Việt Nam xếp hạng 175/180 nước trên thế giới về Chỉ số Tự do Báo chí của RSF năm 2020.

Trong số những người bị bắt giữ trong năm nay ở Việt Nam có một số thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam. Phó chủ tịch hội, nhà báo Nguyễn Tường Thuỵ, bị bắt vào tháng 5 vừa qua và chủ tịch của hội, nhà báo Phạm Chí Dũng, người còn là một cộng tác viên chuyên viết blog cho VOA, bị bắt trước đó không lâu vào cuối năm 2019.

Cũng vào tháng 5 vừa qua, công an Việt Nam tiến hành bắt giữ nhà văn và blogger Phạm Thành, còn được biết là chủ trang blog Bà Đầm Xoè và tác giả cuốn sách chỉ trích Đảng Cộng sản Việt Nam và Tổng bí thư-Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Tại Việt Nam, nơi có 7 nhà báo chuyên nghiệp và 21 bloggers đang bị giam cầm, các giới chức đã tiến hành một làn sóng bắt giữ mới vào tháng 5 và tháng 6, nhiều khả năng là vì lý do Đại hội Đảng Cộng sản sắp diễn ra vào tháng 1/2021.

Reporters Without Borders (RSF)

“Việc bắt giữ (nhà báo) Phạm Đoan Trang, người được trao giải thưởng Tự do Báo chí RSF 2019 hạng mục Ảnh hưởng, vào tháng 10 vừa qua đã khẳng định việc (chính quyền Việt Nam) đang áp dụng một chính sách khắc nghiệt hơn nhiều,” RSF nhận định trong báo cáo.

Theo RSF, bà Trang – người bị công an Việt Nam bắt giữ hôm 7/10 – nằm trong số 42 nhà báo nữ hiện đang bị bỏ tù trên toàn thế giới, tăng 35% từ 31 người cách đây 1 năm. Người đồng thời là nhà hoạt động xã hội dân sự bị cáo buộc “tuyên truyền chống phá nhà nước” với hai tội danh theo cả điều 88 của Bộ Luật hình sự 1999 và điều 117 của Bộ Luật hình sự 2015, và đối diện mức án lên đến 20 năm tù.

RSF nhận định rằng bà Trang là một trong những nhà báo nổi bật nhất trong năm bị bắt giữ. Không lâu trước khi bị bắt, bà Trang – người đồng sáng lập Luật Khoa tạp chí – cho xuất bản bản Báo cáo Đồng Tâm về điều tra của bà đối với vụ đụng độ giữa công an và người dân làng Đồng Tâm trong vụ tranh chấp đất đai kéo dài nhiều năm qua.

Theo nhà báo Tạo, người từng tham gia quân đội Việt Nam trong chiến tranh, xu hướng những năm gần đây cho thấy “những cây viết độc lập có tư duy phản biện bị khủng bố nặng nề – bắt bớ, đánh đập, hành hung rồi bị bỏ tù ngày càng nhiều.”

“Mà mỗi lần kết án thì án thật nặng,” nhà báo Tạo cho biết và đưa ra ví dụ về việc nhà văn Trần Đức Thạch, từng là chiến sỹ trinh sát trong quân đội Nhân dân Việt Nam và là tác giả hồi ký “Hố chôn người ám ảnh”, bị kết án 12 năm tù hôm 15/12 với cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.” Theo nhà báo Tạo, ông Thạch chỉ là “một trong rất nhiều các blogger, nhà báo, Facebooker, nói lên sự thật và những suy nghĩ của mình, không đồng tình với một số hành động của nhà nước Việt Nam mà bị kết án nặng nề.”

Theo RSF, số lượng nhà báo bị bỏ tù trên thế giới vẫn ở mức “cao trong lịch sử” với tổng số 387 nhà báo bị bắt giữ vì liên quan đến việc cung cấp tin tức và thông tin” so với con số 389 vào năm 2019. Nhìn chung, tổ chức này cho biết, số lượng nhà báo – chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp – bị giam giữ đã tăng 17% trong 5 năm qua, từ con số 328 ghi nhận được vào năm 2015.

“Gần 400 nhà báo sẽ trải qua những lễ hội cuối năm trong tù, xa người thân của họ và trong những điều kiện thường khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm,” Tổng thư ký RSF Christopher Deloire nói.

https://www.voatiengviet.com/a/rsf-viet-nam-trong-top-5-quoc-gia-bo-tu-nha-bao-nhieu-nhat/5700253.html

Điểm tin trong nước 15/12: Báo động ô nhiễm không khí, khuyên dân đóng cửa bớt ra đường; Ai cung cấp súng cho Tuấn ‘Khỉ’ bắn chết 5 người?

Hiểu Minh 

Mục lục bài viết

Báo động ô nhiễm không khí: Người dân nên đóng cửa, bớt ra đường

Ai cung cấp súng cho Tuấn ‘Khỉ’ bắn chết 5 người?

Tàu Cát Linh – Hà Đông chạy thử: Tư vấn Pháp chú trọng con người, nhà thầu TQ quan tâm vật chất

‘Đầu gấu’ Cường ‘Dụ” vừa bị bắt ở Thái Bình là ai?

Bắt giữ hàng loạt đối tượng ‘bảo kê’ khai thác cát lậu sông Hồng

Mục Điểm tin trong nước tối thứ Hai (ngày 15/12) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:

Báo động ô nhiễm không khí: Người dân nên đóng cửa, bớt ra đường

Theo Tuổi Trẻ, Hà Nội và TP.HCM đang trong những ngày bụi mịn PM2.5 tăng cao, riêng tại Hà Nội thông số bụi mịn vượt quy chuẩn cho phép. Chuyên gia khuyến cáo người dân đóng cửa, hạn chế ra đường, đặc biệt là người già và trẻ em.

Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết những đợt ô nhiễm không khí đã xuất hiện ở miền Bắc vào đầu tháng 11 và đầu tháng 12/2020. Tại Hà Nội, ghi nhận đến ngày 14/12 đã trải qua gần một tuần xuất hiện những đợt ô nhiễm không khí với các dấu hiệu trời âm u, mù sương, không khí đặc quánh, cảm nhận của nhiều người thấy rõ không khí ngột ngạt, khó chịu.

Lý giải về đợt ô nhiễm không khí lần này, đại diện Sở TN&MT Hà Nội cho rằng có 3 yếu tố chính gây ra những ngày suy giảm chất lượng không khí: thứ nhất là nguồn thải từ hoạt động giao thông, xây dựng, sản xuất công nghiệp, khói thải từ các điểm đốt rác tự phát tràn lan.

Ai cung cấp súng cho Tuấn ‘Khỉ’ bắn chết 5 người?

Theo Zing, sáng 15/12, toà án tại TP.HCM đã xét xử 19 bị cáo trong vụ Lê Quốc Tuấn (tức Tuấn “Khỉ”) xả súng làm chết 5 người hồi cuối tháng 1.

Trong số các bị cáo nổi cộm có Phạm Thanh Tâm (tức Tý ‘Bà Dòm’), người đã cung cấp vũ khí là 1 khẩu súng AK để Tuấn gây án. Ngoài ra, Lê Quốc Minh cùng 17 người khác bị buộc tội ‘Chứa chấp tài sản do người khác phạm tội mà có’ và ‘Che giấu tội phạm’.

Theo cáo trạng, chiều 29/1, Tuấn đánh bạc tại khu vườn nhãn ở huyện Củ Chi, TP.HCM, rồi xả súng làm 4 người chết, 2 người bị thương và lấy một xe máy với hơn 800 triệu đồng tẩu thoát. Trên đường bỏ trốn, Tuấn cướp xe máy và bắn chết một người.

Tối 13/2 rạng sáng 14/2, cảnh sát phát hiện Tuấn nên bao vây. Tuấn bị tiêu diệt khi chống trả lực lượng chức năng. Phiên toà sẽ dự kiến kéo dài đến ngày 18/12.

Tàu Cát Linh – Hà Đông chạy thử: Tư vấn Pháp chú trọng con người, nhà thầu TQ quan tâm vật chất

Hôm nay 15/12 là ngày thứ ba tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông chạy thử sau nhiều lần trễ hẹn. Sau ba ngày vận hành, các nhà tư vấn Pháp đánh giá vẫn còn nhiều bất ổn từ phía nhà thầu Trung Quốc, nhất là trong việc xử lý tình huống khi vận hành.

Theo Báo Tiền Phong, có một số quy trình vận hành không bảo đảm an toàn đã bị phía tư vấn Pháp “tuýt còi”. Cụ thể, khi đoàn tàu đang chạy, tư vấn Pháp đưa ra tình huống cháy xảy ra ở giữa đoàn tàu để đơn vị vận hành xử lý.

Với phương án này, theo tổng thầu Trung Quốc, lực lượng vận hành không được bơm khí tươi vào. Đại diện tổng thầu giải thích rằng, khi cháy mà bơm khí tươi vào sẽ làm ngọn lửa bùng cháy thêm. Nhưng tư vấn Pháp không chấp nhận cách xử lý này mà yêu cầu làm ngược lại, tức là phải bơm khí tươi vào để giữ khí thở cho khách.

Đánh giá về cách xử lý trên, một chuyên gia đường sắt đô thị cho rằng, trong phương án vận hành tàu, châu u họ tôn trọng con người (tức đặt sự an toàn của hành khách lên hàng đầu), còn tổng thầu Trung Quốc thì lại ngược lại, họ chỉ quan tâm đến tài sản.

Tàu Cát Linh – Hà Đông dự kiến sẽ tiếp tục được chạy thử cho đủ 20 ngày trước khi đưa vào hoạt động vào đầu năm 2021.

‘Đầu gấu’ Cường ‘Dụ” vừa bị bắt ở Thái Bình là ai?

Chiều qua, 14/12, hàng trăm Công an tỉnh Thái Bình, Công an TP. Thái Bình đã bất ngờ ập vào văn phòng Công ty TNHH Dịch vụ Vận tải Phúc Cường (trụ sở tại số 382 phố Lý Bôn, TP.Thái Bình) bắt giữ Giám đốc Nguyễn Văn Cường (thường gọi là Cường Dụ, 42 tuổi, ngụ số nhà 2/55 Nguyễn Thái Học, tổ 11, P.Kỳ Bá, TP. Thái Bình).

Được biết, sau quá trình điều tra nắm tình hình, Công an tỉnh Thái Bình quyết định bắt giữ khẩn cấp, khám xét văn phòng công ty do Cường điều hành để tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi bảo kê, thu “phế” các chủ xe khách chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội và một số hành vi vi phạm pháp luật khác.

Giới kinh doanh vận tải ở Thái Bình kể rằng, thực chất Cường “Dụ” chỉ bỏ tiền đầu tư, xin cấp lốt một số đầu xe khách nhất định chạy tuyến Thái Bình – Hà Nội. Thế nhưng, lượng đầu xe, tuyến chạy cùng tuyến này mang logo của Công ty Phúc Cường lại rất nhiều, tần suất chạy liên tục trong ngày.

Đổi lại, các chủ xe “mượn” tiếng của Cường “Dụ” hàng tháng phải nộp về cho y trung bình 2 triệu đồng trên một đầu xe. Cùng với đó, quân của Cường “Dụ” luôn xuất hiện dày đặc ở khu vực trước cửa bến xe khách TP. Thái Bình và ngã tư Lý Bôn – Trần Thái Tông để thay nhau “bắt” khách cho các xe gắn logo của công ty.

Một số nhà xe còn phản ánh, mỗi một khách mà người của Phúc Cường “bắt” hộ, chủ xe mượn danh phải cắt lại cho chúng 20.000 đồng, nếu khách gọi đặt xe qua số hotline của Công ty Phúc Cường thì chúng sẽ thu của chủ xe khách 10.000 đồng trên một khách.

Một số chủ xe, lái xe khách cùng tuyến Thái Bình – Hà Nội nhưng quy mô nhỏ, lẻ, “thân cô, thế cô” không chấp nhận “cuộc chơi” như nói trên do Cường “Dụ” ngầm quy định liền bị quậy phá, chặn đầu xe, lạng lách đánh võng không cho vượt lên, thậm chí ném chất bẩn vào nhà, ném vỡ cửa kính, hành hung, đánh đập dã man.

Bắt giữ hàng loạt đối tượng ‘bảo kê’ khai thác cát lậu sông Hồng

Vào rạng sáng 14/11, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường, Bộ Công an phối hợp đã bắt quả tang 11 tàu khai thác cát trái phép trên sông Hồng, đoạn qua địa phận H. Đan Phượng; đồng thời tạm giữ 32 người có liên quan.

Bước đầu, cơ quan chức năng xác định thủ đoạn của nhóm người này là lợi dụng đêm tối để khai thác cát trái phép trên tuyến sông Hồng. Tuy nhiên, để xảy ra sự việc này còn có một nhóm đối tượng khác dựng lán trại trên bờ, đi cano để thu tiền, gọi là tiền “bán cát” ngay trên sông.

Khi khống chế 11 tàu đang hút cát trên sông, thì trên bờ trinh sát đồng thời tiếp cận nhóm bảo kê trên bờ. Qua kiểm tra, đã thu giữ 220 triệu đồng tiền mặt, 2 két sắt chưa được kiểm kê. Vụ án đang tiếp tục làm rõ.

https://www.dkn.tv/thoi-su/diem-tin-trong-nuoc-15-12-bao-dong-o-nhiem-khong-khi-khuyen-dan-dong-cua-bot-ra-duong-ai-cung-cap-sung-cho-tuan-khi-ban-chet-5-nguoi.html 

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.