Tin Việt Nam – 01/12/2020
Lấy cớ tâm thần hay ung thư để giảm án cho cán bộ: VN không có công lý mà chỉ có tư lý!
Diễm Thi, RFA
Hôm 27 tháng 11 năm 2020, bài viết trên mạng báo Zing có tựa “Vì sao ông Nguyễn Đức Chung được áp dụng tình tiết giảm nhẹ?” nêu rõ thông tin “Bị can có tiền sử bị bệnh tâm thần, phạm tội lần đầu, được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”. Tờ báo được cư dân mạng xã hội chụp lại trước khi bị rút xuống. Sau đó, thông tin “bệnh tâm thần” trong bài viết được sửa thành “bệnh ung thư”.
Với tốc độ lan truyền thông tin nhanh chóng của mạng xã hội và ‘kinh nghiệm’ của người dân, dường như họ không tin vào những gì báo chí Nhà nước đăng tải. Giáo sư Mạc Văn Trang có giòng trạng thái: “Bắt tâm thần phải tâm thần, cho ung thư mới được phần ung thư. Ô hô quan xứ tù mù!”
Nhà báo Đỗ Ngà thì bày tỏ quan điểm mà RFA đã xin phép được trích: “Tin anh ấy bị tâm thần không biết là từ phe anh ấy muốn chạy tội cho ảnh hay phe kia muốn ném đá dò đường để cho một kế hoạch làm cho anh í không còn nhớ gì để khai ra? Không biết! Nói tới cộng sản thì khó lường lắm các bác ạ. Chuyện gì cũng có thể.”
Ông Nguyễn Đức Chung, cựu chủ tịch UBND TP. Hà Nội bị Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng vào chiều 28 tháng 8 năm 2020 để điều tra hành vi chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước.
Ngày 3 tháng 9, thường trực HĐND TP Hà Nội quyết định tạm đình chỉ nhiệm vụ, quyền hạn đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa 15, nhiệm kỳ 2015 – 2021 với ông Nguyễn Đức Chung để các cơ quan tư pháp thực hiện quy trình tố tụng.
Bản án của Chung không phải là bản án của một cá nhân mà đó là bản án của chế độ. Chế độ này tạo ra những con người kiểu như vậy. Nhưng trong quá trình leo lên như thế thì cũng có đồng lõa, đồng hội đồng thuyền cho nên cũng có sự bao che, bênh vực. – Nguyễn Khắc Mai
Ông Nguyễn Đức Chung bị truy tố với vai trò chủ mưu về tội “Chiếm đoạt tài liệu bí mật nhà nước”, theo khoản 3 điều 337 Bộ luật Hình sự với khung hình phạt mức cao nhất là từ 10 đến 15 năm tù.
Theo cáo trạng, năm 2019 Chủ tịch Hà Nội Nguyễn Đức Chung liên lạc với ông Phạm Quang Dũng – cán bộ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) của Bộ Công an đang được trưng dụng hỗ trợ điều tra vụ án Nhật Cường. Ông Dũng bị cho là đã sử dụng ứng dụng Viber để chuyển các file ảnh chụp tài liệu mật về vụ án Nhật Cường cho ông Nguyễn Đức Chung.
Giáo sư Nguyễn Khắc Mai, nguyên Trưởng ban Dân vận Trung ương nói với RFA từ Hà Nội vào tối 30 tháng 11 về thông tin ông Nguyễn Đức Chung có thể được giảm án:
“Bản án của Chung không phải là bản án của một cá nhân mà đó là bản án của chế độ. Chế độ này tạo ra những con người kiểu như vậy. Nhưng trong quá trình leo lên như thế thì cũng có đồng lõa, đồng hội đồng thuyền cho nên cũng có sự bao che, bênh vực. Do đó tòa án cũng không dám xử một cách đúng người đúng tội. Không đi đến tận cùng bản án này.
Bây giờ họ lấy cớ ông Chung có tiền sử tâm thần để lấy cớ giảm án. Đây chỉ là trò mèo để biện giải. Họ dùng tâm thần để giảm tội cho Chung nhưng lại quy bệnh tâm thần cho ông Phạm Thành và Lê Anh Hùng để đàn áp hai người này. Rõ ràng không có sự nhân đạo gì ở đây mà đây chỉ là trò xỏ lá của tư pháp cộng sản hiện nay. Không có công lý mà chỉ có tư lý, tức là lý lẽ riêng tư của từng người.”
Ông Nguyễn Khắc Mai nói thêm, ông được biết ông Nguyễn Đức Chung là người cũng có chí và có tài. Nhưng dưới chế độ hiện nay thì ông Chung lại không đem được cái tài của mình để làm việc cho tử tế, bởi chế độ này luôn luôn thúc đẩy người ta đi tìm quyền lực, rồi dùng quyền lực ấy để kiếm chác, làm giàu cho bản thân. Ông Chung là một trong những điển hình xấu xa của người cộng sản trong cái đảng cộng sản này.
Đây không phải là trường hợp đầu tiên một cựu lãnh đạo cao cấp được đề nghị giảm án do có “tiền sử tâm thần/ung thư”. Gần đây nhất là trường hợp ông Vũ Huy Hoàng, cựu Bộ trưởng Công thương. Ông Hoàng bị truy tố trong vụ án sai phạm liên quan đến dự án 2-4-6 Hai Bà Trưng. Tuy nhiên, với lý do ông Hoàng bị các bệnh lý về tim, ung thư tiền liệt tuyến, Cơ quan điều tra Bộ Công an đề nghị các cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng xem xét áp dụng các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điều 51, BLHS năm 2015 trong quá trình truy tố, xét xử.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương vào chiều 3 tháng 11 cũng cho biết, vi phạm của cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng đến mức phải khai trừ đảng, song do ông Hoàng đang mắc bệnh hiểm nghèo nên chưa xem xét kỷ luật theo quy định.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP. HCM cho RFA biết quy định về mặt luật pháp:
“Nguyên tắc của pháp luật là nếu một người bị bệnh nan y thì đó là một trong những tình tiết có thể giảm nhẹ hình phạt vì lý do nhân đạo. Tức là người đó có thể được giảm án vì người đó sẽ không sống được bao lâu nữa. Cho nên vì lý do nhân đạo họ sẽ được giảm án để có điều kiện chữa bệnh. Đó là theo Bộ luật hình sự năm 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Một trong những tình tiết giảm nhẹ nữa là họ khắc phục hậu quả do hành vi vi phạm của họ.
Khi khám nghiệm mà được xác định là bị ung thư không sống được bao lâu nữa thì sẽ được xem xét giảm án. Còn nếu bị ung thư giai đoạn đầu mà có thể chữa được thì nó lại không tính như vậy. Nếu ngành y họ nói người này sẽ khỏi thì đâu có còn được giảm nhẹ nữa. Tức là chỉ những bệnh nan y mà không thể chữa được.”
Nguyên tắc của pháp luật là nếu một người bị bệnh nan y thì đó là một trong những tình tiết có thể giảm nhẹ hình phạt vì lý do nhân đạo. – Luật sư Nguyễn Văn Hậu
Chuyện một cán bộ lãnh đạo nào đó mang trọng bệnh không là chuyện lạ, vì ‘sinh lão bệnh tử’ cũng là lẽ thường tình của mỗi con người. Điều được dư luận bàn tán là các quan chức có hẳn một đội ngũ bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, thế mà các quan chức chỉ được phát hiện bệnh khi lâm vòng lao lý.
Luật pháp Việt Nam quy định sức khỏe lãnh đạo là bí mật quốc gia. Điều này được cho là trái với Hiến pháp năm 2013, trong đó điều 4 quy định quyền giám sát của nhân dân đối với mọi hoạt động của đảng cộng sản Việt Nam.
Nói về sự phức tạp của hệ thống pháp luật Việt Nam, Luật sư Ngô Bá Thành lúc sinh thời có một câu nói nổi tiếng tại Quốc Hội rằng, ở Việt Nam có một rừng luật nhưng khi xét xử lại dùng luật rừng. Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường, khi trả lời chất vấn trước Quốc Hội vào chiều 11 tháng 6 năm 2014 cũng thừa nhận: Pháp luật Việt Nam phức tạp nhất thế giới.
Bộ trưởng giao thông Nguyễn Văn Thể và trách nhiệm trong vụ Út ‘trọc’
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể, khi giải trình với cơ quan điều tra, khẳng định bản thân đã thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được giao. Trong khi cơ quan tố tụng xác định ông có một phần trách nhiệm trong vụ án Út trọc-Đinh Ngọc Hệ.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 1/12.
Cụ thể, liên quan vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lợi dụng quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi và vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí… bị cáo Đinh Ngọc Hệ (tức Út “trọc”) cùng đồng phạm chuẩn bị hầu tòa. Theo đó, cơ quan tố tụng xác định ông Thể có một số bút phê liên quan.
Trước đó, vào ngày 28/8/2020, ông Nguyễn Văn Thể đã có bản tường trình gửi tới cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an, nói rằng ông thực hiện đúng nhiệm vụ khi bút phê chỉ đạo cấp dưới… theo đề nghị của UBND TPHCM và đề xuất của Công ty Yên Khánh, Bộ trưởng Đinh La Thăng đã có bút phê chỉ đạo.
Theo giải trình của ông Thể là những lần chỉ đạo để giải quyết việc Công ty Yên Khánh không trả tiền mua quyền thu phí cao tốc TPHCM – Trung Lương… là đúng theo quy định tại hợp đồng mua bán bản quyền thu phí.
Còn việc đầu tư xây dựng 2 nút giao khác mức giữa tuyến nối Tân Tạo – Chợ Đệm với tỉnh lộ 10 và đường Trần Đại Nghĩa và hợp đồng bán quyền thu phí tuyến cao tốc TPHCM – Trung Lương là 2 dự án độc lập… ông Thể cho rằng chỉ phụ trách dự án đến giai đoạn phê duyệt xong đề xuất. Những bước tiếp theo cấp thẩm quyền quyết định là Thủ tướng Chính phủ.
Theo cơ quan tố tụng, Ông Nguyễn Văn Thể có một phần trách nhiệm trong việc không chỉ đạo chấm dứt hợp đồng với Công ty Yên Khánh; thế nhưng đó không phải là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại trong vụ án, nên không xem xét trách nhiệm hình sự đối với ông Nguyễn Văn Thể.
Lãnh án tù vì giúp người Trung Quốc lưu trú trái phép khi có dịch COVID-19
Tòa án Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh hôm 1/12 tuyên phạt 3 thanh niên tổng cộng hơn 18 năm tù vì đã tổ chức thuê nhà cho nhóm người Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam trái phép trong khi đang có dịch COVID-19.
Truyền thông Nhà nước loan tin cùng ngày cho biết Nguyễn Thành Trung (sinh năm 1986) và Nguyễn Quang Thắng (sinh năm 1991) mỗi người bị án 7 năm tù, Trần Chí Hạo (sinh năm 1986) bị án 4 năm 6 tháng tù vì tội “Tổ chức, môi giới cho người khác ở lại Việt Nam trái phép”.
Theo cáo trạng, vào ngày 4/6, một người Trung Quốc không rõ lai lịch nhờ Trần Chí Hạo thuê nhà cho bốn đồng hương để du lịch tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Trần Chí Hạo đã nhờ Nguyễn Thành Trung và Nguyễn Quang Thắng tìm thuê một căn nhà tại Tân Tạo, quận Bình Tân cho nhóm người Trung Quốc nói trên. Nhóm người Việt Nam được trả công 3 triệu đồng.
Sau đó, nhóm thanh niên Việt Nam bị nói dù phát hiện ra hộ chiếu của những người Trung Quốc không có thị thực nhưng vẫn giúp họ ở trái phép, phiên dịch, mua laptop, đổi tiền, mua đồ ăn.
Năm ngày sau khi nhóm người Trung Quốc chuyển vô ở, Nguyễn Quang Thắng đến kiểm tra thì thấy có thêm 5 người Trung Quốc khác.
Đến đầu tháng 7, nhóm người Trung Quốc nhờ các thanh niên Việt Nam tìm thuê thêm một căn nhà khác vì quá đông. Cáo trạng cho hay đã có tất cả 21 người Trung Quốc ở tại hai căn nhà do các thanh niên Việt Nam thuê.
Khi dịch COVID-19 bùng phát ở Đà Nẵng, Trần Chí Hạo đến và yêu cầu nhóm người Trung Quốc dọn đi nơi khác.
Vào tối 29/7, nhóm người Trung Quốc đang đứng chờ xe thì lực lượng chức năng có mặt. Cả nhóm bỏ chạy và chỉ một số bị công an bắt giữ.
Trong diễn biến liên quan, Tòa án Nhân dân Hà Nội vừa tuyên án tử hình ba người Trung Quốc giết tài xế Taxi Việt Nam để cướp tài sản.
Cáo trạng cho biết vào ngày 8/8/2019, nhóm ba người Trung Quốc (sinh năm 1993, 1996, 2001) thuê taxi do ông Nguyễn Hùng Mạnh (sinh năm 1967, trú ở Lạng Sơn) đến cửa khẩu Hữu Nghị chở xuống Hà Nội.
Khi ông này chở nhóm thanh niên Trung Quốc nói trên về phố Tăng Bạt Hổ, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội thì dừng xe và bị nhóm này kẹp cổ, lôi ra băng ghế phía sau.
Ông Mạnh phản kháng thì bị nhóm người Trung Quốc dùng dao mang theo sẵn đâm chết và quăng xác xuống sông Hồng ở địa bàn tỉnh Phú Thọ.
Ít nhất 7 người chết và mất tích do mưa lũ ở Khánh Hòa và Lâm Đồng
Tính đến trưa ngày 1/12/2020, có ít nhất 5 người chết và 2 người mất tích do mưa lũ ở Khánh Hòa và Lâm Đồng.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam cho biết lực lượng cứu hộ tỉnh Khánh Hòa, vào sáng ngày ngày 1/12, đã tìm thấy thi thể 3 nạn nhân trong một gia đình bị lũ cuốn trôi tại xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang vào tối 30/11. Thêm vào đó, một người dân ở xã Vĩnh Phương, thành phố Nha Trang tử vong do bị điện giật và một người dân khác ở xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh bị nước lũ cuốn trôi.
Báo giới dẫn nguồn từ Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tiềm kiếm cứu nạn tỉnh Khánh Hòa thông báo tình trạng mưa lớn đã gây ra ngập lụt ở nhiều nơi và một số tuyến đường giao thông trong tỉnh. Nhiều khu vực dọc sông tại thành phố Nha Trang, Diên Khánh, Ninh Hòa, Vạn Ninh vẫn đang bị ngập lụt. Một số tuyến đường cửa ngỏ thành phố Nha Trang bị ngập sâu đến 0,8 mét và các khu cư dân xung quanh bị ngập hơn 1 mét.
Tuyến đường sắt Nha Trang-Cây Cầy, được ghi nhận đến sáng ngày 1/12 vẫn đang bị ngập sâu, khiến đường sắt Bắc-Nam qua khu vực này tạm thời gián đoạn.
Tại Lâm Đồng, Công an huyện Lạc Dương, vào chiều ngày 1/12, cho báo giới biết lực lượng cứu nạn cứu hộ đã tìm thấy thi thể của 1 trong số 2 nữ du khách bị nước cuốn trôi ở thôn Long Lanh, xã Đạ Chais vào xế chiều ngày 29/11.
Hai nữ du khách này đi trong đoàn 64 người tham quan tour du lịch khám phá rừng nguyên sinh.
Ủy ban Nhân dân huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên cho biết hiện có 230 hộ với hơn 700 người ở hai thôn Làng Đồng, Phú Hải thuộc xã Phú Mỡ đang bị cô lập do các đường vào hai địa phương này bị sạt lở nặng, các phương tiện không thể lưu thông.
Tại tỉnh lộ tỉnh lộ 647, đoạn qua xã Phú Mỡ, có nơi bị gần 1.500 m3 đất đá từ trên núi tràn xuống mặt đường.
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tiềm kiếm cứu nạn tỉnh Phú Yên yêu cầu chính quyền các địa phương cùng cơ quan chức năng liên quan trong tỉnh kiểm tra các hồ thủy điện, thủy lợi, các hồ chứa, vùng hạ du và sẵn sàng những phương án bảo đảm an toàn. Đồng thời, chuẩn bị sơ tán người dân ở những khu vực có nguy cơ ngập lụt và sạt lở đất.
Thanh tra Chính phủ và người dân Thủ Thiêm vẫn trái quan điểm về ranh quy hoạch
Cao Nguyên
Buổi đối thoại giữa Thanh tra Chính phủ (TTCP) và đại diện các hộ dân có đất ở khu vực “5 khu phố thuộc 3 phường” ở Thủ Thiêm kết thúc mà không tìm được “tiếng nói chung” giữa 2 bên. Phía Thanh Tra Chính phủ cho rằng khu đất trên nằm trong ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Trong khi người dân mạnh mẽ phản bác. Người dân trình ra nhiều bằng chứng cho thấy kết luận của Thanh Tra Chính phủ là sai luật.
Dự thảo kết luận của Thanh tra Chính phủ
Cuộc đối thoại mới nhất giữa cơ quan chức năng và người dân Thủ Thiêm khiếu kiện vì cho nhà đất của họ nằm ngoài ranh qui hoạch dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm diễn ra lúc 2 giờ chiều ngày 27/11 vừa qua. Tham gia đối thoại có đại diện 50 hộ dân ở 5 khu phố, thuộc 3 phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh, quận 2.
Tại buổi đối thoại, đại diện TTCP cho hay TTCP đã thành lập tổ liên ngành gồm Bộ Xây dựng, Bộ Tài chính… để thực hiện kiểm tra, giải quyết khiếu nại này của người dân.
Tổ kiểm tra đã được cung cấp một số bản đồ do ông Võ Viết Thanh, nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM còn lưu giữ về quy hoạch Thủ Thiêm. Đây là bản đồ kèm theo hồ sơ trình Thủ tướng ký ban hành Quyết định 367 (năm 1996) về phê duyệt quy hoạch xây dựng KĐTMTT. Hồ sơ này được văn phòng Kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng, Công ty Dịch vụ đô thị đóng dấu.
Theo Dự thảo kết luận của TTCP, qua kiểm tra đối chiếu các bản đồ, các đơn vị liên quan, xác định ranh quy hoạch của KĐTMTT thì khu 4,3 ha nằm ngoài ranh quy hoạch. Còn nhà, đất của các hộ dân trong 5 khu phố, thuộc 3 phường, đều nằm trong ranh quy hoạch.
TTCP cho biết, khiếu nại của người dân là dựa vào Quyết định số 255 ban hành năm 1998 của UBND thành phố, và Quyết định 13585 ban hành ngày 16/9/1998 của Kiến trúc sư trưởng thành phố thời kỳ đó về phê duyệt quy hoạch 1/2000 KĐTMTT. Thanh tra Chính phủ cho rằng, quyết định 255 có những nội dung không đúng quy định, còn Quyết định 13585 có sai sót về xác định vị trí.
Việc dùng tài liệu làm sai của quận và văn bản có thiếu sót của Văn phòng kiến trúc sư trưởng trước đây để cho rằng nhà đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm là không có cơ sở giải quyết theo quy định.
Người dân phản biện
Ông Nguyễn hồng Quang, người có nhà đất nằm trong khu vực này, đồng thời cũng được mời tham dự cuộc đối thoại vào chiều ngày 27/11 phản bác lại lập luận của TTCP. Ông yêu cầu chính quyền phải chứng minh được 2 tấm bản đồ do nguyên Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Viết Thanh cung cấp là hợp pháp thì người dân sẽ nhận đền bù ngay:
“Cơ sở pháp lý chúng tôi nắm quá vững. Họ huy động ba bốn chục sở ngành toàn là tiến sĩ, thạc sĩ về bản đồ, về địa chính, cả về xây dựng nhưng mà không ai dám mở miệng tranh luận rằng anh đưa cái bản đồ đó đã đúng pháp luật hay chưa. Thủ tướng Chính phủ chỉ cho hơn 640 ha, mà bản đồ đó đến 820 ha. Như vậy là anh đã đúng hay chưa?
Rồi cái bản đồ đó không có một cái phê duyệt gì hết. Trong khi bản đồ gốc của chúng tôi lấy từ Cục lưu trữ, có luôn dấu đỏ. Còn họ không đưa ra một cái văn bản nào hết.”
Ông Quang cho biết người dân ở “5 khu phố thuộc 3 phường” không chỉ dựa và 2 cái tài liệu 255 và 13585 mà TTCP đề cập để xác định đất của mình ngoài ranh. Mà người dân dựa vào hàng loạt văn bản pháp lý, kéo dài từ lúc Chính phủ bắt đầu ra quyết định quy hoạch KĐTMTT cho đến nay:
“Chúng tôi nắm rất rõ văn bản gốc. Tất cả diễn tiến pháp lý, hàng trăm văn bản, nghị quyết của Hội đồng nhân dân, của các cấp ủy Đảng… Chúng tôi có đến khoảng 30 cái bản đồ gốc mà chúng tôi đã tích lũy trong 20 năm qua.
Vấn đề trong ranh hay ngoài ranh, họ chứng minh bằng hai văn bản đó (255 và 13585 – PV) là cực kỳ yếu. Không phải chúng tôi chỉ căn cứ vào hai cái văn bản đó. Chúng tôi căn cứ từ bản đồ gốc của quy hoạch tổng thể, cho đến bản đồ 367 được phê duyệt.
Ngoài cái bản đồ 255, còn có các văn bản 4945, tờ trình 1095, nghị quyết 21, nghị quyết 18, nghị quyết 10… của Đảng, của Hội đồng nhân dân thành phố, quyết định 65 điều chỉnh quy hoạch… đều thống nhất cái ranh như vậy rồi. Nó phù hợp với bản đồ, phù hợp với quyết định gốc 367.”
Người dân đã dẫn ra nhiều văn bản chứng minh nhà đất của mình nằm ngoài ranh quy hoạch. Điển hình là: Quyết định về phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 KĐTMTT năm 1998. Trong quyết định này ghi rõ vị trí giới hạn, phạm vi quy hoạch của KĐTMTT như sau: Tổng diện tích quy hoạch 748 ha, trong đó diện tích đất 618 ha, diện tích mặt nước sông Sài Gòn là 130 ha. Phía Bắc, phía Nam, phía Tây giáp sông Sài Gòn, phía Đông giáp phần còn lại phường An Khánh (quận 2). Trong quyết định này, nhà, đất thuộc 2 phường Bình An, Bình Khánh không thuộc trong quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm.
Tháng 4/2002, tờ trình gửi Thường trực UBND TP.HCM của Kiến trúc sư trưởng TP.HCM An Dũng về việc trình thông qua nội dung định hướng điều chỉnh quy hoạch chi tiết KĐTMTT một lần nữa cho khu vực phường Bình An, Bình Khánh ngoài ranh quy hoạch.
Dĩ nhiên người dân có cách để phản biện lại và đồng thời là chúng tôi có những con bài mà chưa đưa ra. Lúc nào người dân cũng thủ sẵn bài cho mình hết. Trong khi đó tôi biết được rằng TTCP đã không còn chiêu bài nào nữa rồi. – Nguyễn Thuỳ Dương
Đến năm 2007, UBND TP.HCM có văn bản về việc thực hiện quy hoạch đầu tư xây dựng KĐTMTT. Văn bản này lại xác định ranh giới KĐTMTT, cho thấy 2 phường An Bình và Bình Khánh không dính tới dự án.
Bà Nguyễn Thuỳ Dương, người luôn theo sát và bảo vệ quyền lợi cho người Thủ Thiêm nói người dân còn rất nhiều bằng chứng khác chứng minh cho lập luận của mình, trong khi Chính quyền thì đã “hết bài”:
“Người dân họ có một cái hệ thống văn bản gồm có 35 văn bản, chứ không phải là chỉ có hai quyết định đó. Và bản đồ 13585 cũng không được đánh giá cao về tính pháp lý ở bên phía người dân.
Hệ thống 35 văn bản đó là đã được người dân sao y và có đóng dấu tại văn phòng tàng thư của thành phố.
Dĩ nhiên người dân có cách để phản biện lại và đồng thời là chúng tôi có những con bài mà chưa đưa ra. Lúc nào người dân cũng thủ sẵn bài cho mình hết. Trong khi đó tôi biết được rằng TTCP đã không còn chiêu bài nào nữa rồi.”
Ý kiến luật sư
Phó chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng mục tiêu của buổi đối thoại là tìm sự thống nhất pháp lý để giải quết vấn đề nhưng đã không thực hiện được. Ông khẳng định sẽ lắng nghe, ghi nhận đầy đủ ý kiến của các hộ dân liên quan. TTCP sẽ tập trung rà soát, báo cáo đầy đủ với Thủ tướng Chính phủ để có chỉ đạo xem xét, giải quyết.
Như vậy, buổi đối thoại vào ngày 27/11 vừa qua kết thúc mà không tìm được sự đồng thuận giữa TTCP và người dân Thủ Thiêm. Bên nào cũng cho rằng các bằng chứng, văn bản của mình có được mới là đúng, là hợp pháp.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, thuộc đoàn luật sư TPHCM nói trong trường hợp này thì phải chờ báo cáo lên trên và Thủ tướng sẽ xem xét rồi quyết định:
“Vừa rồi, các cử tri thành phố tiếp xúc thì vẫn chưa đạt được kết quả. Do đó, cử tri thì đề nghị chính quyền giải quyết sớm về vấn đề đô thị Thủ Thiêm.
Tôi thấy là các cơ quan họ phải nghiên cứu thêm. Bởi vì, nó không thống nhất với nhau thì sẽ phải báo cáo với Thủ tướng để giải quyết.”
Luật sư Đặng Đình Mạnh thì cho rằng bất kỳ một sự tranh chấp nào, dù là giữa dân với nhau hoặc là giữa dân với nhà nước, thì cũng cần một toà án ra phán quyết là nên căn cứ theo tài liệu của dân hay là của bên phía chính quyền:
“Dù sau buổi đối thoại đó dân có đồng ý hay không đồng ý thì Chính quyền cũng phải ra quyết định là sẽ làm theo hướng nào.
Trong trường hợp người dân không đồng ý thì có quyền khởi kiện vụ án. Khi đó tòa án hành chính họ sẽ khẳng định câu chuyện giữa hai bên là như thế nào. Và trong câu chuyện đó có vấn đề là họ xem xét tính hợp pháp của bản đồ, bản đồ do bên nào xuất trình là có thể tin cậy.
Đó là về nguyên tắc. Còn vấn đề thứ hai mang tính chất thực tế là mọi sự tranh chấp đều phải được giải quyết thông qua tòa án. Tuy nhiên, mình cũng phải thừa nhận một thực tế tại Việt Nam là cơ quan hành chính thường thì họ bảo vệ cho chính quyền hơn là bảo vệ dân.
Trong các cuộc họp Quốc hội gần đây khi nhắc tới vấn đề này hầu như chính quyền cũng thừa nhận. Tức là tòa án họ không bảo đảm về luật pháp mà bảo vệ quyền lợi cho chính quyền, đây là một thực tế.”
Theo luật sư Mạnh, chỉ có một cách duy nhất để chấm dứt câu chuyện ở Thủ Thiêm, đó là bảo vệ quyền lợi chính đáng cho người dân mà thực ra chính quyền cũng biết điều đó là cần thiết. Nhưng vấn đề là họ không có khả năng để thực hiện. Cho nên, dù có cán bộ nào mới tiếp nhận vụ việc này thì hầu như sau đó họ đều như “gà mắc tóc” không giải quyết được.
Cử tri yêu cầu đối thoại triệt để vấn đề pháp lý của Khu đô thị mới Thủ Thiêm
Nhiều người dân quận 2 phản ảnh đã không được dự buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ vào ngày 27/11 hoặc cho rằng buổi đối thoại đó không giải quyết được vấn đề pháp lý vốn đã kéo dài hơn 20 năm về dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Đó là những phát biểu được đưa ra tại buổi tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc Hội và Hội đồng Nhân Dân TP HCM tổ chức ngày 1/12.
Truyền thông trong nước đưa tin cử tri đề nghị Đoàn đại biểu kiến nghị lên Ủy ban Pháp luật của Quốc Hội đối thoại về vụ này. Cử tri như bà Trần Thị Mỹ khẳng định họ không tin tưởng cán bộ địa phương thành tâm muốn giải quyết.
Các cử tri khác cho rằng tại buổi đối thoại với Thanh tra Chính phủ, lãnh đạo thành phố đưa ra bản đồ không hợp pháp, không có giá trị là không tôn trọng dân.
Người dân Thủ Thiêm đã kêu oan trong nhiều năm vì chính quyền đã lấy thêm đất ngoài ranh quy hoạch ban đầu để bán lại cho nhà đầu tư. Người dân bị mất nhà mất đất mà không được bồi thường thỏa đáng.
BN1347 và BN1342 ‘không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà’
Việt Nam ngày 1/12 xác nhận có 4 ca mắc Covid-19 mới, gồm 2 ca lây nhiễm từ BN1347 tại TP. Hồ Chí Minh và 2 ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hải Dương.
Cụ thể:
– CA BỆNH 1348 (BN1348): nam, 1 tuổi, có địa chỉ tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với BN1347. Kết quả xét nghiệm tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh ngày 30/11/2020 dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố Hồ Chí Minh.
– CA BỆNH 1349 (BN1349): nữ, 28 tuổi, có địa chỉ tại Quận 6, TP. Hồ Chí Minh. Bệnh nhân có tiền sử tiếp xúc với BN1347. Lấy mẫu ngày 30/11/2020, kết quả xét nghiệm ngày 01/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP. Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2. Hiện bệnh nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện dã chiến Củ Chi.
– CA BỆNH 1350 (BN1350): nam, 47 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh.
– CA BỆNH 1351 (BN1351): nam, 57 tuổi, quốc tịch Việt Nam, có địa chỉ tại huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương.
Thông tin cho hay hôm 16/11, BN1350-1351 từ Canada nhập cảnh Sân bay Vân Đồn, được cách ly tại tỉnh Hải Dương ngay sau khi nhập cảnh.
Kết quả xét nghiệm lần 1 ngày 17/11/2020 âm tính; lấy mẫu lần 2 ngày 30/11/2020, kết quả xét nghiệm ngày 01/12/2020 tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương đều dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện bệnh các nhân được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới tỉnh Hải Dương.
Chiều nay, 1/12, kết luận họp Thường trực Chính phủ về COVID-19, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói các chuyến bay thương mại tạm dừng, chỉ thực hiện các chuyến bay giải cứu (đối với các trường hợp khó khăn, thực sự cần thiết).
BN1347 và BN1342 ‘không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà’
Hôm 1/12, họp với chính phủ, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói ca BN1342 là trường hợp đầu tiên lây nhiễm Covid-19 từ khu cách ly, sau khi về nhà bệnh nhân này lây nhiễm cho BN1347.
Từ BN1347 đến nay có 2 bệnh nhân khác lây nhiễm.
Sau gần 90 ngày không ghi nhận ca mắc, đến ngày 30/11, TPHCM ghi nhận 4 ca mắc mới, trong đó có 1 ca lây trong khu cách ly và 3 ca lây ngoài cộng đồng, trong đó có BN1347.
BN1342 đã tiếp xúc với người dương tính trong khu cách ly (BN1325).
Còn trường hợp lây nhiễm từ người cách ly (BN1347) là bệnh nhi nam, 1 tuổi, ở quận 6, TPHCM. Bệnh nhi có tiền sử tiếp xúc gần với BN1347 ngày 22, 23, 25, 27/11 (bố mẹ bệnh nhi có gửi bé nhờ BN1347 trông hộ).
Bé được lấy mẫu, xét nghiệm có kết quả dương tính với SARS-CoV-2 đêm ngày 30/11.
Trường hợp khác là một nữ sinh lây nhiễm từ BN1347, sinh năm 1992, là học viên của BN1347. Qua điều tra, truy vết, có 9 người tiếp xúc gần nữ sinh này đã được cách ly và chờ xét nghiệm.
Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói BN1347 và BN1342 đã không tuân thủ các biện pháp cách ly tại nhà.
Riêng BN1342 “vi phạm rất nghiêm trọng về phòng chống Covid-19 tại khu cách ly tập trung và đề nghị xử lý nghiêm theo quy định” theo lời bộ trưởng y tế.
BN1342 là tiếp viên hàng không Vietnam Airlines.
Đây là trường hợp mắc Covid-19 lây nhiễm thứ phát từ trường hợp về từ vùng dịch đã được ngành y tế TPHCM điều tra và xử lý.
Với các trường hợp cách ly tại nhà, Bộ Y tế đề nghị chính quyền địa phương các cấp, đặc biệt chính quyền cơ sở, tuân thủ chặt chẽ việc giám sát, theo dõi việc cách ly tại gia.
Trước bối cảnh tình hình dịch Covid-19 trong khu vực và trên thế giới đang vẫn chưa được ngăn chặn hữu hiệu, trong cùng ngày 30/11 các bộ Quốc phòng, Công an, Giao thông vận tải và Ngoại giao; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng được yêu cầu phải tăng cường giám sát, quản lý người nhập cảnh.
Đến nay Việt Nam ghi nhận 1347 bệnh nhân Covid-19, và 35 tử vong.
Ân xá Quốc tế: Facebook và Google ‘đồng lõa’ với việc kiểm duyệt tại Việt Nam
Tổ chức đấu tranh cho nhân quyền Ân xá Quốc tế nói Facebook và Google đã hỗ trợ chính phủ Việt Nam kiểm duyệt những lời chỉ trích và trấn áp tiếng nói của giới bất đồng chính kiến.
Trong một báo cáo mới, tổ chức này cáo buộc các gã khổng lồ công nghệ đã “đồng lõa sâu rộng” với chính phủ Việt Nam, bằng cách chặn nội dung bị nhà chức trách cho là chỉ trích chính quyền.
Các cơ quan chức năng của Việt Nam được cho là có tiếng hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Trong những năm gần đây, một số blogger đã bị bỏ tù vì đăng các bài báo chỉ trích nhà nước Cộng sản.
“Trong thập niên trước, quyền tự do ngôn luận phát triển mạnh mẽ trên Facebook và YouTube ở Việt Nam. Tuy nhiên, gần đây, nhà chức trách bắt đầu tập trung vào những phát biểu ôn hòa trực tuyến xem đây như một mối đe dọa hiện hữu đối với chế độ”, Ming Yu Hah, Phó khu vực của Tổ chức Ân xá Quốc tế nói.
“Ngày nay, các nền tảng này đã trở thành nơi săn lùng của các nhà kiểm duyệt, quân đội trên không gian mạng và dư luận viên do nhà nước bảo trợ. Bản thân các nền tảng này không chỉ đơn thuần để cho điều đó xảy ra – mà họ ngày càng đồng lõa.”
Facebook bị cáo buộc ‘vi phạm’ Luật An ninh mạng VN
Amnesty nói VN tăng trấn áp tiếng nói đối lập
Google gỡ 7 ngàn YouTube video ‘phản động’?
Báo cáo dài 78 trang của Amnesty dựa trên hàng chục cuộc phỏng vấn với các nhà hoạt động và bảo vệ nhân quyền, gồm các cựu tù nhân lương tâm, luật sư và nhà văn.
Các nhà hoạt động cáo buộc rằng nội dung của họ được đăng trên Facebook và YouTube, vốn thuộc sở hữu của Google, ngày càng bị chặn ở Việt Nam.
Chẳng hạn, nhà báo tự do Trương Châu Hữu Danh đăng trên Facebook về một vụ được cho là bê bối tham nhũng ở Việt Nam, nhưng sau đó được thông báo rằng các bài đăng của ông bị hạn chế ở Việt Nam do “các hạn chế pháp lý địa phương”. Ông không được cung cấp bất kỳ cách nào để tranh cãi điều này, Trương Châu Hữu Danh nói.
Trong tháng 4, Facebook tuyên bố sẽ “tăng cường đáng kể” việc tuân thủ các yêu cầu của chính phủ Việt Nam về việc gỡ bỏ nội dung.
Kể từ đó, số lần nền tảng mạng xã hội này hạn chế nội dung ở Việt Nam đã tăng 983%, từ 77 trong nửa cuối năm 2019 lên 834 trong nửa đầu năm 2020, theo Báo cáo Minh bạch mới nhất của Ân xá Quốc tế.
Tương tự, Google nhận được 74 yêu cầu xóa “chỉ trích chính phủ” trong nửa cuối năm 2019, tăng từ 44 yêu cầu trong nửa đầu năm, Amnesty cho biết. Điều này bao gồm yêu cầu xóa hơn 3.000 video chỉ trích đảng và chính phủ.
Tổ chức Ân xá Quốc tế cũng lưu ý rằng “quân đội mạng” và “đạo quân dư luận viên”, bao gồm một đơn vị quân đội cũng như các tình nguyện viên của Đảng Cộng sản, đang tích cực quấy rối các nhà hoạt động nhân quyền trên các nền tảng truyền thông xã hội.
Ân xá Quốc tế ước tính Việt Nam có 170 tù nhân lương tâm tại, trong đó 69 tù nhân bị giam cầm “chỉ vì hoạt động truyền thông xã hội của họ”.
Việt Nam là một trong những thị trường lớn nhất ở Đông Nam Á cho các công ty công nghệ.
Năm 2018, doanh thu của Facebook từ Việt Nam là gần 1 tỷ đôla – gần một phần ba doanh thu Đông Nam Á – theo ước tính trong ngành được Tổ chức Ân xá Quốc tế trích dẫn. Google được cho là đã kiếm được 475 triệu đôla trong cùng thời gian, chủ yếu từ quảng cáo trên YouTube.
Việt Nam chưa bao giờ cấm các công ty truyền thông xã hội, nhưng vào tháng 4 năm nay, hai nguồn tin tại Facebook nói với hãng tin Reuters rằng các máy chủ địa phương của họ được đặt ở chế độ không họat động cho đến khi họ đồng ý tăng cường kiểm duyệt các bài đăng “chống nhà nước” đối với người dùng địa phương.
Người phát ngôn của Facebook nói với BBC:
“Không phải lúc nào chúng tôi cũng đồng quan điểm với các chính phủ về các vấn đề như ngôn luận và tự do biểu đạt, kể cả ở Việt Nam, nhưng chúng tôi nỗ lực làm việc để bảo vệ quyền này trên toàn thế giới.”
“Trong vài tháng qua, chúng tôi đã phải đối mặt với thêm nhiều áp lực từ chính phủ Việt Nam trong việc hạn chế nhiều nội dung hơn, tuy nhiên, chúng tôi sẽ làm mọi cách để đảm bảo rằng các dịch vụ của chúng tôi vẫn hoạt động để mọi người có thể tiếp tục thể hiện bản thân.”
Google tuyên bố trong một văn bản gửi cho Ân xá Quốc tế rằng họ sử dụng “cách tiếp cận ít hạn chế nhất để xóa nội dung bằng cách chặn [nội dung] trong những khu vực pháp lý liên quan, trong khi vẫn cung cấp nội dung đó ở các khu vực pháp lý khác trên toàn cầu”.
Họp báo khẩn Nghị định ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản cho Sở Thuế
Tổng cục Thuế thuộc Bộ Tài chính vào chiều ngày 1/12 có buổi họp báo cung cấp thông tin về Nghị định 126/2020 quy định chi tiết một số điều của Luật quản lý thuế, bao gồm cả nội dung ngân hàng phải cung cấp thông tin tài khoản của người nộp thuế đang vấp phải nhiều phản đối.
Báo Nhà nước Việt Nam dẫn thông tin từ công văn hỏa tốc của Tổng cục Thuế loan tin cùng ngày.
Tin cho biết, Nghị định 126 có hiệu lực từ ngày 5/12 tới đây, quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế số 38/2019. Nghị định cụ thể hóa một số điều của Luật Quản lý thuế gồm 9 chương, 44 điều.
Trong đó, Nghị định 126 có 5 điểm mới bao gồm: Việc khai thuế giá trị gia tăng đối với doanh thu của hoạt động hợp tác kinh doanh giữa tổ chức và cá nhân; khai thuế, nộp thuế thay cho cá nhân nhận cổ tức bằng chứng khoán; tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp 3 quý; phân bổ nghĩa vụ thuế đối với trường hợp người nộp thuế hạch toán tập trung tại trụ sở chính nhưng có đơn vị phụ thuộc, địa điểm kinh doanh tại đơn vị hành chính cấp tỉnh khác nơi có trụ sở chính; trách nhiệm của ngân hàng thương mại trong việc cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng của người nộp thuế và khấu trừ nộp thay nghĩa vụ thuế của tổ chức, cá nhân ở nước ngoài có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử tại Việt Nam.
Cụ thể, trong Điều 30 Nghị định 126 quy định ngân hàng thương mại có trách nhiệm cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, để phục vụ cho mục đích thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế theo quy định của pháp luật về thuế.
Việc cung cấp thông tin này được thực hiện định kỳ trong 10 ngày đầu mỗi tháng.
Trả lời tại buổi họp báo, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết thông tin tài khoản, giao dịch chỉ được cung cấp với trường hợp có nghi ngờ, không phải tất cả các trường hợp.
Vẫn theo ông Minh, việc tăng cường phối hợp với ngân hàng thương mại cung cấp thông tin nhằm nâng cao hiệu quả công tác quản lý, chống thất thu thuế đối với các giao dịch thương mại điện tử.
Ngoài ra, các ngân hàng sẽ xác định các tài khoản có giao dịch với những nhà cung cấp ở nước ngoài như Facebook, Google, Youtube… mà chưa đăng ký, nộp thuế ở Việt Nam. Từ đó, ngân hàng sẽ khấu trừ, trích tiền để nộp thay chủ tài khoản.
Nghị định 126 cũng quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm.
Nếu người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 3 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 3 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước…
Vụ trưởng Vụ Chính sách Lưu Đức Huy tại buổi họp báo cũng phân tích về nội dung vừa nêu cho biết Luật Quản lý thuế số 38 có quy định đối với thuế Thu nhập doanh nghiệp, doanh nghiệp thực hiện tạm nộp theo quý và quyết toán thuế theo năm.
Theo ông Đặng Ngọc Minh, việc ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản của khách hàng trong nước sẽ không quá khó khăn. Các thông tin của khách hàng mà ngân hàng cung cấp đều được bảo mật.
Báo mạng VnExpress vào ngày 25/11 dẫn lời ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Thuế khẳng định đối tượng chủ yếu mà ngành thuế hướng tới chính là những người kiếm tiền trực tuyến như bán hàng online hay có nguồn thu nhập từ nước ngoài như sản xuất nội dung trên nền tảng Youtube và Facebook…
Trong khi đó, nhiều luật sư nhận định với RFA Nghị định 126 trái với nguyên tắc tố tụng và nguyên tắc bảo mật thông tin và có thể dẫn đến chuyện Tổng cục Thuế lạm quyền.
Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sẽ được góp ý 3 đợt trước khi phát hành
Sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6 sẽ được góp ý thành 3 đợt trước khi phát hành.
Truyền thông nhà nước Việt Nam loan tin vừa nói hôm 30/11 và cho biết Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa có văn bản gửi các Sở GD&ĐT về việc tổ chức cử giáo viên tham gia góp ý sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.
Cụ thể tin cho biết, đợt một sẽ có 10 giáo viên mỗi môn học cùng nghiên cứu, góp ý các bản mẫu sách giáo khoa qua trang thông tin điện tử của các nhà xuất bản và báo cáo về Bộ GD&ĐT trước ngày 10/12/2020.
Đợt hai, tất cả giáo viên được phân công dạy lớp 2 và lớp 6 năm học 2021 – 2022, sẽ tham gia góp ý cho bản mẫu sách giáo khoa.
Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục đưa việc tìm hiểu nội dung các bản mẫu sách giáo khoa vào sinh hoạt tổ chuyên môn để cùng nghiên cứu, góp ý.
Và cuối cùng là đợt ba, khi các nhà xuất bản hoàn thiện sách giáo khoa và đưa lên trang thông tin điện tử, sẽ được các giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục tìm hiểu, góp ý một lần nữa trước khi in và phát hành.
Vào đầu năm học 2020-2021, Bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 trong bộ sách Cánh Diều đã nhận được nhiều sự chú ý từ phía dư luận vì nhiều sai sót. Các phụ huynh có con học lớp 1 và nhiều người chỉ ra nhiều sai sót nghiêm trọng về kiến thức và ngôn ngữ trong sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 được đưa vào giảng dạy năm nay. Bộ GD&ĐT sau đó đã yêu cầu nhà xuất bản chỉnh sửa những nội dung sai sót.
Lãnh đạo Việt Nam chúc mừng Tổng thống đắc cử Joe Biden
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu trước buổi tiệc trưa tại Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ ngày 7/7/2015.
Giới lãnh đạo Việt Nam gửi điện chúc mừng ông Joe Biden và bà Kamala Harris thắng cử và mời họ sang thăm Việt Nam.
Truyền thông nhà nước đưa tin điện chúc mừng của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc được gửi vào ngày 30/11/2020.
Nội dung bức điện được mô tả là bày tỏ sự tin tưởng của Tổng bí thư Trọng và Thủ tướng Phúc rằng “với nền tảng quan hệ đã được xây dựng trong 25 năm qua, quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ sẽ tiếp tục phát triển, đi vào chiều sâu, hiệu quả và bền vững, góp phần mang lại lợi ích cho nhân dân hai nước và hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới.
“Nhân dịp này, Lãnh đạo Cấp cao Việt Nam trân trọng mời Tổng thống và Phó Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ thăm Việt Nam vào thời gian sớm nhất,” bản tin Văn phòng Chính phủ đưa. “Cùng ngày, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh cũng đã gửi điện mừng tới Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris”.
Điện chúc mừng của giới lãnh đạo Việt Nam được gửi đi khoảng một tuần sau khi Tổng bí thư Chủ tịch nước Tập Cận Bình vào hôm thứ Tư 28/11 gửi điện chúc mừng ông Joe Biden giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ.
Trung Quốc dường như đã đợi cho đến khi Cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (GSA) Hoa Kỳ công nhận ông Biden là “người chiến thắng” và khi ông Trump đã ra lệnh cho đội ngũ của mình hợp tác với quá trình chuyển giao quyền lực.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc cho biết ông Tập nói trong điện mừng với ông Biden rằng ông hy vọng hai nước sẽ “nêu cao tinh thần không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng có lợi, [để] tập trung vào hợp tác, khống chế sự khác biệt, đẩy mạnh sự phát triển lành mạnh và ổn định trong quan hệ Trung Quốc – Hoa Kỳ, chung tay với các nước và cộng đồng quốc tế thúc đẩy sự nghiệp cao cả vì hòa bình và phát triển thế giới “.
Phó chủ tịch Trung Quốc Vương Kỳ Sơn cũng đã chúc mừng bà Kamala Harris, Phó tổng thống đắc cử, Tân Hoa xã cho biết tuy không đưa thêm thông tin cụ thể.
Như vậy hiện chỉ còn số ít các nhà lãnh đạo thế giới trong đó có Tổng thống Vladimir Putin của Nga là chưa công nhận chiến thắng của ông Biden.
Khoảng hai tuần trước Thủ tướng Việt Nam khi được hỏi về bầu cử Hoa Kỳ nói rằng “dù ai thắng cử, ông Biden hay ông Trump, thì nước Mỹ vẫn là người bạn tốt của Việt Nam, có mối quan hệ đối tác tốt đẹp trên tinh thần hiểu biết, tôn trọng lẫn nhau”.
Trong cuộc bầu cử hồi 2016 khi ông Trump lúc đó là Tổng thống đắc cử, ông Phúc đã gọi điện vào ngày 14/12 chúc mừng trực tiếp.
Vì sao Việt Nam chưa chúc mừng ông Joe Biden?
Hậu bầu cử Mỹ 2020: Cựu đại sứ từ Hà Nội giải thích tranh chấp và dự đoán cho Việt Nam
TT Trump ký lệnh cấm đầu tư vào công ty dính líu quân đội Trung Quốc
Chính quyền Biden sẽ ‘dùng liên minh để đối phó’ với Trung Quốc?
Trước khi có tin đưa về điện chúc mừng từ giới lãnh đạo tại Hà Nội, Tiến sĩ Lê Hồng Hiệp từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS-Yusof Ishak) ở Singapore trong bài viết vào ngày 30/11 nhận định một số nhà phân tích cho rằng việc Việt Nam chưa chúc mừng ông Biden có thể là vì ”cố tránh chọc tức ông Trump, người có thể đưa ra các quyết định bất lợi với Việt Nam trong những ngày cuối cùng của ông tại nhiệm”.
Nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam này nhận định rằng ”cho dù chính sách Việt Nam của chính quyền Biden vẫn còn phải chờ mới biết được nhưng có cơ sở để tin rằng quan hệ Mỹ Việt sẽ vẫn tiếp diễn theo đà đang có thay vì thay đổi và rằng quan hệ song phương sẽ được tăng cường mặc dù có một số trở ngại nhất định.
“Với mong muốn nhiều để Hà Nội tham gia vào các nỗ lực đối trọng với Bắc Kinh, Washington sẽ nhiều khả năng không đặt nặng vấn nhân quyền trong quan hệ với Hà Nội,” Tiến sỹ Lê Hồng Hiệp viết trong bài ‘Quan hệ Việt Mỹ trong thời kỳ chính quyền Biden‘ đăng trên trang web của viện ISEAS-Yusof Ishak.
0 comments