Tin khắp nơi – 01/12/2020
Mỹ trừng phạt một công ty dầu khí Trung Quốc khai thác ở Biển Đông
Thu Hằng
Chính quyền tổng thống Donald Trump dự định đưa thêm bốn công ty Trung Quốc vào « danh sách đen » những công ty do quân đội sở hữu hoặc kiểm soát. Theo một tài liệu mà Reuters truy cập được và đưa ra ngày 30/11/2020, Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc nằm trong số bốn công ty trên, do đã khai thác dầu khí trong vòng nhiều năm ở những khu vực tranh chấp ở Biển Đông.
Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (China National Offshore Oil Corp.- CNOOC) là công ty dầu khí lớn thứ ba ở Trung Quốc (sau CNPC và Sinopec) bị trừng phạt do hoạt động khai thác dầu khí ở Biển Đông, « bị Hoa Kỳ coi là hành động quân sự », theo nhận định của một chuyên gia Viện Nghiên cứu Năng lượng Trung Quốc, thuộc đại học Hạ Môn (Xiamen). CNOOC cũng sở hữu nhiều khu khai thác dầu khí ở Mỹ và hợp tác với nhiều công ty Mỹ như Exxon Mobil Corp. trong nhiều dự án quốc tế.
Theo Henik Fung, nhà phân tích thuộc Bloomberg Intelligence, các nhà đầu tư Mỹ sở hữu 16,5% cổ phiếu CNOOC niêm yết tại Hồng Kông. Quyết định của chính quyền Mỹ khiến các nhà đầu tư Mỹ tìm cách thoái vốn, theo sắc lệnh cấm công dân Mỹ đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc do quân đội nắm giữ hoặc kiểm soát. Giá cổ phiếu của CNOOC đã giảm 14% vào thứ Hai 30/11.
Ba doanh nghiệp khác bị liệt vào danh sách đen là công ty sản xuất chíp điện tử SMIC và hai công ty xây dựng (China Construction Technology Co Ltd và China International Engineering Consulting Corp.). Với 4 doanh nghiệp này, danh sách đen những công ty Trung Quốc do quân đội kiểm soát hoặc sở hữu tăng lên thành 35.
Ngày 30/11/2020, trả lời báo giới về khả năng Washington ban hành lệnh trừng phạt mới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phát biểu : « Bắc Kinh hy vọng Hoa Kỳ sẽ không gây thêm trở ngại cho quan hệ song phương và không phân biệt đối xử các doanh nghiệp Trung Quốc ».
Cùng ngày, bộ Tài Chính Mỹ thông báo trừng phạt một công ty điện lực Trung Quốc bị cáo buộc hỗ trợ việc kiểm duyệt ở Venezuela. Đây là loạt biện pháp cứng rắn đối với Trung Quốc mà tổng thống Trump duy trì trong những ngày cuối nhiệm kỳ.
Trung Quốc trừng phạt bốn nhân viên tổ chức phi chính phủ Mỹ
« Ăn miếng trả miếng », ngày 30/11, Trung Quốc đã ban hành trừng phạt đối với bốn quan chức của các tổ chức phi chính phủ có trụ sở ở Hoa Kỳ, để đáp lại các biện pháp trừng phạt của Washington đối với các quan chức Trung Quốc liên quan đến Hồng Kông. Theo Hoàn Cầu Thời Báo ngày 30/11, bốn nhân vật này gồm John Knaus, giám đốc cấp cao khu vực châu Á của Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ (National Endowment Democracy), Manpreet Singh Anand của Viện Dân chủ Quốc gia (National Democratic Institute), Crystal Rosario, giám đốc Văn phòng Hồng Kông của Viện Dân chủ Quốc gia và Kelvin Sit Tak-O, quản lý dự án của Văn phòng Hồng Kông.
Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết bốn người này sẽ bị cấm nhập cảnh vào Trung Quốc, bao gồm cả đặc khu hành chính Hồng Kông và Macao.
Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc liên hệ tới chế tài Venezuela
Mỹ ngày 30/11 áp đặt chế tài lên Công ty Xuất Nhập khẩu Điện tử Quốc gia Trung Quốc (CEIEC), cáo buộc công ty này nỗ trợ những nỗ lực của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro phá hoại dân chủ.
Bộ Tài chính Mỹ trong một thông báo nói rằng công ty Trung Quốc vừa kể hỗ trợ cho chính phủ cánh tả của ông Maduro trong “những nỗ lực hạn chế dịch vụ intrenet và do thám kỹ thuật số và những hoạt động trên mạng chống lại đối thủ chính trị.”
“Việc chế độ bất hợp pháp Maduro trông cậy vào những thực thể như CEIEC để tiến tới một nghị trình độc tài càng chứng minh chuyện chế độ này ưu tiên quyền lực của họ hơn là những giá trị và tiến trình dân chủ,” Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nói trong một tuyên bố.
“Hoa Kỳ sẽ không ngần ngại nhắm vào bất cứ ai giúp đàn áp ý chí dân chủ của người dân Venezuela và những người khác trên toàn thế giới,” ông nhấn mạnh.
Bộ Thông tin Venezuela không trả lời một email yêu cầu bình luận về loan báo của Bộ Tài chính Mỹ. Reuters cũng đang tìm kiếm bình luận của CEIEC.
Vào tháng 1/2019, Washington công nhận chính trị gia Venezuela Juan Guaido là lãnh đạo chính thức của quốc gia thuộc khối OPEC này và đã tăng cường chế tài cũng như áp lực chính trị sau cuộc tái đắc cử của ông Maduro vào năm 2018 bị nhiều người xem là gian lận.
Ông Maduro vẫn nắm quyền với sự ủng hộ của quân đội Venezuela cũng như Nga, Trung Quốc và Cuba.
Hành động ngày 30/11 phong tỏa bất cứ tài sản tại Mỹ nào của công ty CEIEC của Trung Quốc và cấm người Mỹ giao dịch với công ty này.
TT Trump đã liên tục bị tấn công như thế nào kể từ khi nhậm chức?
Ngọc Mai
Mục lục bài viết
Điều tra có động cơ chính trị
Bê bối nước Nga
FBI dưới sự chỉ đạo của Comey và McCabe
Truyền thông tin giả
Luận tội
Virus Vũ Hán
Can thiệp nước ngoài
BLM
Antifa
Chính phủ thường trực
Cuộc điều tra Mueller
Thông tin rò rỉ bất hợp pháp
Gian lận bầu cử 2020
Những câu chuyện bịa đặt
Tổng thống Trump đang phải đối mặt với gian lận bầu cử, nhưng đây không phải là thách thức đầu tiên mà ông phải đối mặt, phe thiên tả đã liên tục tấn công ông bằng các đòn dưới thắt lưng kể từ 4 năm trước.
Chiến dịch chống lại TT Trump suốt 4 năm qua đã lên đến đỉnh điểm trong cuộc bầu cử tổng thống 2020. Chiến dịch này bắt đầu vào năm 2016 khi ông Trump lần đầu tiên tranh cử tổng thống. Vì động cơ chính trị, FBI đã tiến hành điều tra nhóm vận động tranh cử của ông. Và trong 4 năm cầm quyền, Tổng thống Trump liên tục vấp phải các chiến dịch tấn công mạnh mẽ của phe thiên tả nhằm buộc ông rời khỏi Tòa Bạch Ốc, từ cáo buộc ông thông đồng với Nga đến vụ luận tội.
Epochtimes đã điểm lại một số chiến dịch chính mà phe thiên tả đã thực hiện để chống lại Tổng thống Donald Trump trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông. Tờ báo có trụ sở tại Mỹ cho rằng, các cuộc tấn công này không chỉ nhắm vào tính hợp pháp của tổng thống đương nhiệm mà còn đánh thẳng vào những giá trị nền tảng của nước Mỹ.
Mặc dù vậy, cho tới nay hầu hết các cuộc tấn công đó đều đã thất bại và chúng chỉ làm cho người dân nhìn rõ hơn bộ mặt thật của phe thiên tả.
Điều tra có động cơ chính trị
Năm 2016, dưới sự chỉ huy của chính quyền Obama, FBI đã mở một cuộc điều tra về chiến dịch tranh cử của ông Trump. Tuy nhiên, bằng chứng cần thiết để bắt đầu cuộc điều tra là cực kỳ ít, chỉ dựa vào bình luận của cố vấn cấp dưới trong chiến dịch của TT Trump với đại sứ Úc tại London.
Trên thực tế, cuộc điều tra chủ yếu dựa vào cái gọi là “Hồ sơ Steele” (Steele dossier) do Christopher Steele, cựu điệp viên MI6 “phát minh” cho nhóm vận động tranh cử của Hillary Clinton và Đảng Dân chủ.
Bê bối nước Nga
Bản thân cuộc điều tra Crossfire Hurricane của FBI (tên mã cuộc điều tra của FBI về mối liên hệ giữa TT Trump và quan chức Nga) không tìm thấy bằng chứng nào về “sự thông đồng” giữa tổng thống đương nhiệm và Nga.
Nhưng thời gian điều tra lâu dài và “thông tin rò rỉ” trong giới truyền thông đã thêu dệt nên câu chuyện rằng ông Trump thông đồng với Nga để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử 2016. Điều này phủ bóng đen lên vài năm đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và gây khó cho các hành động của Tổng thống Trump trong việc đối nội và đối ngoại.
FBI dưới sự chỉ đạo của Comey và McCabe
Dưới quyền Giám đốc James Comey và Phó Giám đốc Andrew McCabe, FBI đã hoạt động “tích cực” để chống lại Trump. McCabe đã trực tiếp tham gia vào cuộc điều tra Crossfire Hurricane, cùng đặc vụ FBI Peter Strzok và luật sư FBI Lisa Page.
Sau khi James Comey bị ông Trump sa thải vào tháng 5/2017, McCabe đã tích cực thúc đẩy FBI điều tra thêm về vị tổng thống thứ 45. FBI lúc này đã đề nghị quan chức Bộ Tư pháp Bruce Ohr liên hệ lại với cựu điệp viên Christopher Steele, mặc dù vào thời điểm đó nhiều cáo buộc trong hồ sơ Steele (Steele dossier) đã bị bác bỏ. FBI đã cắt đứt quan hệ với Steele sau khi anh ta để lộ thông tin cho giới truyền thông.
Truyền thông tin giả
Có lẽ một trong những thế lực “chống Trump” mạnh mẽ nhất chính là giới truyền thông thiên tả. Trong 5 năm qua, họ không ngừng tung ra thông tin xuyên tạc và không chính xác về TT Trump nhưng lại hạ thấp hoặc phớt lờ các thành tựu của ông.
Báo chí thiên tả miêu tả ông như một vị tổng thống bất hợp pháp. Những báo cáo xuyên tạc này tạo ra bầu không khí giận dữ, thù địch và bất ổn tại Mỹ, dẫn đến tính mạng của tổng thống bị đe dọa và gây tệ nạn bạo lực với những người ủng hộ ông.
Luận tội
18/12/2019, Hạ viện đã cáo buộc Tổng thống Trump lạm quyền. Mặc dù Thượng viện sau đó đã bác bỏ cáo buộc, nhưng “luận tội Trump” đã để lại dấu ấn trong nhiệm kỳ tổng thống của ông và lôi toàn bộ đất nước vào cuộc tấn công công khai trên các phương tiện truyền thông.
Trung tâm của cuộc luận tội là cuộc điện đàm TT Trump thực hiện vào ngày 25/7/2019 cho ông Volodymyr Zelensky, Tổng thống Ukraine. Trong đó TT Trump bày tỏ hy vọng rằng các cáo buộc về nghi ngờ tham nhũng liên quan đến cựu Phó Tổng thống Joe Biden sẽ được điều tra.
Dựa vào thông tin công khai ở thời điểm đó, người ta lo ngại rằng ảnh hưởng chính trị của Hoa Kỳ và quỹ đóng thuế đã bị lạm dụng tại Ukraine. Lúc đó, có thông tin công khai rằng Hunter Biden, con trai của Joe Biden, mỗi tháng đã nhận hàng chục nghìn USD từ một công ty lớn về năng lượng của Ukraine. Biden (khi đó là Phó Tổng thống Mỹ) đã buộc Tổng thống Ukraine sa thải một công tố viên như điều kiện tiên quyết để nhận được 1 tỷ USD viện trợ nước ngoài. Người công tố viên này chính là người điều tra công ty năng lượng Ukraine Burisma và ban giám đốc của nó, bao gồm cả Hunter Biden.
Virus Vũ Hán
Các đối thủ của TT Trump đã buộc tội ông hành động quá muộn khi xử lý đại dịch Covid-19. Trên thực tế, đầu tháng Hai năm nay, chính quyền Trump đã cấm mọi chuyến du lịch nước ngoài từ Trung Quốc, nơi bùng phát đại dịch. Quyết định này được tổng thống đưa ra bất chấp lời khuyên của các cố vấn hàng đầu của ông, hành động này quyết liệt hơn hầu hết các quốc gia khác vào thời điểm đó. Tuy nhiên các đối thủ chính trị thuộc phe Dân chủ lại mô tả đó là hành vi bài ngoại và phản ứng thái quá. Nhìn lại, quyết định này đã có giá trị lớn trong việc ngăn chặn sự lây lan của virus.
Khi viêm phổi Vũ Hán lan tràn ở Hoa Kỳ, chính quyền Trump đã tăng cường khả năng kiểm tra, phối hợp với chính quyền các bang để cung cấp sự hỗ trợ liên bang khi cần thiết, sử dụng Đạo luật Quốc phòng để tăng sản xuất vật tư y tế đồng thời cung cấp hàng tỷ USD tài trợ liên bang, và giảm bớt các quy định của liên bang đối với các công ty dược phẩm lớn để thúc đẩy nghiên cứu và phát triển vắc xin.
Can thiệp nước ngoài
Nói một cách chính xác, Tổng thống Trump là đối thủ lớn nhất của ĐCSTQ. Ông đã phá vỡ chính sách kéo dài hàng thập kỷ của Hoa Kỳ đối với Trung Quốc dựa trên niềm tin rằng, thông qua sự thỏa hiệp và phát triển kinh thế, ĐCSTQ sẽ chuyển từ một chế độ toàn trị sang một quốc gia dân chủ hơn.
Trên thực tế, “chiến lược xoa dịu” này chỉ dẫn đến việc thất thoát hàng nghìn tỷ USD và hàng trăm nghìn việc làm của Hoa Kỳ sang Trung Quốc. Và thay vì trở thành “quốc gia dân chủ hơn”, ĐCSTQ lợi dụng sự giàu có này để thúc đẩy sự độc tài, tạo ra chế độ chuyên quyền có công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới. ĐCSTQ đã liên tục chống lại TT Trump trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của ông, cả công khai và lén lút sau lưng.
Bắc Kinh thường dựa vào các kênh tuyên truyền cả trong nước và quốc tế của mình, hoặc mua chuộc các tờ báo Mỹ, để hạ thấp uy tín của ông Trump, thậm chí còn loan tin sự bùng phát virus Vũ Hán là do quân đội Mỹ gây ra.
BLM
Trong phần lớn năm nay, Black Lives Matter (BLM) đứng sau các cuộc bạo động tại các thành phố Mỹ. Nhóm này đã lợi dụng mối quan tâm của người dân về nạn phân biệt chủng tộc để thúc đẩy chủ nghĩa Mác. Trong một video năm 2015, người đồng sáng lập BLM, Patrisse Cullors đã thừa nhận cô và những người đồng sáng lập khác là những người “được đào tạo theo chủ nghĩa Mác”.
Những người đã sống qua thời Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc những năm 1960 nhận xét rằng các cuộc bạo loạn ở Hoa Kỳ mùa hè năm nay do BLM chủ xướng, bao gồm cả việc lật đổ các bức tượng lịch sử, rất giống phong trào chính trị mà ĐCSTQ đã áp dụng tại Đại lục cách đây gần 60 năm, khi Bắc Kinh tuyên truyền rằng cần phá bỏ hết các di sản văn hóa mà Trung Hoa đã tích lũy suốt 5000 năm.
Kết quả là một bầu không khí hỗn loạn và mất an ninh bao trùm lên toàn bộ đất nước.
Antifa
Mặc trang phục đen, bao gồm mũ bảo hiểm, áo giáp, và mặt nạ, được đào tạo về kỹ năng chiến đấu và kích động quần chúng là những kẻ cực đoan Antifa.
Antifa đã tham gia vào nhiều hành vi bạo lực trong nhiệm kỳ của tổng thống Trump. Họ còn sử dụng vũ khí, đá và bom xăng nhằm vào ác cơ quan thực thi pháp luật và tài sản của chính phủ.
Không chỉ có vậy, Antifa còn hướng mục tiêu tấn công của họ vào những công dân không có vũ khí, chỉ đơn giản là vì họ ủng hộ TT Trump. Điều này đã xảy ra hai lần ở Washington, những công dân tụ họp để ủng hộ ông Trump và sau đó đã bị tấn công khi đi một mình ban đêm. Việc Antifa sử dụng lực lượng kiểu dân quân để đe dọa và tấn công người khác vì quan điểm chính trị tạo ra bầu không khí sợ hãi mạnh mẽ và chống lại các giá trị cơ bản nhất của Mỹ.
Chính phủ thường trực
Mặc dù ông Trump trên cương vị tổng thống là người lãnh đạo cơ quan hành pháp, nhưng khi lên nắm quyền, ông đã “thừa hưởng” một chính phủ liên bang với hàng trăm nghìn nhân viên. Không có gì là bí mật khi nói nhiều quan chức trong chính phủ Mỹ đã tích cực tìm cách phá hoại hoặc thậm chí công khai hoạt động chống lại Trump.
Nhiều người trong chính phủ tin vì nghe thông tin sai lệch từ các tập đoàn truyền thông tin rằng họ đang làm điều đúng đắn và bằng cách chống lại Trump, họ đang đặt lợi ích của đất nước lên trên hết. Trên thực tế, họ đang chia rẽ nước Mỹ bằng cách cản trở tổng thống hợp pháp thực thi ý nguyện của người dân.
Cuộc điều tra Mueller
Sau vụ sa thải Giám đốc FBI Comey, Phó Tổng chưởng lý Rod Rosenstein đã giao nhiệm vụ cho cựu Giám đốc FBI Robert Mueller tiếp tục cuộc điều tra của FBI về cáo buộc thông đồng Trump – Nga.
Trong báo cáo cuối cùng, Mueller kết luận không có bằng chứng về sự thông đồng đó. Nhưng cuộc điều tra này đã kéo dài gần hai năm, khiến giới truyền thông và các đối thủ chính trị của Trump thừa cơ miêu tả Trump như một tổng thống bất hợp pháp vì cáo buộc sai trái này.
Thông tin rò rỉ bất hợp pháp
Trong suốt bốn năm qua, chính quyền Trump đã luôn bị tấn công bởi những thông tin rò rỉ có chọn lọc nhằm phá hoại nhiệm kỳ tổng thống của ông. Một số vụ rò rỉ này có bản chất tội phạm, ví dụ làm rò rỉ bản ghi chép cuộc trò chuyện của TT Trump với các nhà lãnh đạo nước ngoài là một trọng tội. Nhân viên Bộ Ngân khố Natalie Edwards đã bị kết tội làm rò rỉ bất hợp pháp các báo cáo hoạt động đáng ngờ (SAR) về giao dịch tài chính của Paul Manafort, cựu cộng sự chiến dịch tranh cử của Trump, và những người khác.
Gian lận bầu cử 2020
Sau khi cuộc bầu cử ngày 3/11 kết thúc, hàng chục cáo buộc về gian lận và các hoạt động phạm pháp liên quan đến việc kiểm phiếu đã xuất hiện. Hàng chục nhân viên phòng phiếu trên nhiều tiểu bang khắp toàn quốc đã đưa ra lời khai tuyên thệ (có hình phạt nếu khai man) miêu tả những chi tiết bất thường trong việc kiểm phiếu như quan sát viên không được phép quan sát khu vực kiểm phiếu, nhân viên phòng phiếu được yêu cầu thay đổi lá phiếu một cách bất hợp pháp, những phiếu bầu mới bí ẩn xuất hiện.
Chiến dịch tranh cử của TT Trump và Ủy ban Quốc gia của Đảng Cộng hòa đã đệ đơn kiện quá trình kiểm phiếu ở nhiều nơi. Họ lập luận rằng chỉ riêng ở Pennsylvania đã có 600.000 lá phiếu nên bị vô hiệu vì các quan sát viên bầu cử của Đảng Cộng hòa không được phép chứng kiến quá trình kiểm phiếu.
Những câu chuyện bịa đặt
Sử dụng các câu chuyện thêu dệt để tấn công Trump đã trở nên phổ biến kể từ khi ông đảm nhận chức vụ tổng thống.
Có lẽ đáng chú ý nhất là cáo buộc rằng TT Trump bảo vệ chủ nghĩa Tân Phát-xít (neo-Nazis) ở Charlottesville, Virginia, trong khi trên thực tế, ông nói rằng có “những người rất tốt ở cả hai phía”, ám chỉ những người đến phản đối việc tháo dỡ một bức tượng quan trọng với họ và việc đổi tên công viên từ Robert E. Lee thành một cái tên khác.
Trump nói thêm, “Tôi không nói về những người theo chủ nghĩa Tân Phát-xít và chủ nghĩa da trắng tối thượng, bởi họ nên bị lên án hoàn toàn – nhưng bạn có nhiều người trong nhóm đó không phải những người theo chủ nghĩa Tân Phát-xít hoặc chủ nghĩa da trắng tối thượng”.
Mặc dù điều này được công khai, TT Trump đã liên tục bị chất vấn trong suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, đặc biệt là trong đợt bầu cử này rằng liệu ông đã sẵn sàng để “lên án chủ nghĩa da trắng tối thượng” chưa.
Quốc hội Mỹ chạy đua để tránh đóng cửa giữa đại dịch
Ngày 30/11, Quốc hội Mỹ bắt đầu chạy đua để cứu chính phủ liên bang khỏi bị có khả năng đóng cửa giữa đại dịch virus corona, một thách thức đầu tiên quan trọng sau cuộc bầu cử để xem liệu hai đảng Cộng hòa và Dân chủ có ý định hợp tác với nhau hay không.
Tài trợ cho gần như tất cả cơ quan liên bang hết hạn vào ngày 11/12. Các nhà thương thuyết tại Quốc hội đã có nhiều tiến bộ trong việc làm thế nào phân phối khoảng 1.400 tỉ đô la để chi tiêu cho đến ngày 30/9/2021, là ngày cuối của năm tài chánh hiện tại, theo một phụ tá Dân biểu Dân chủ.
Tuy nhiên còn nhiều chi tiết vụn vặt vẫn chưa được giải quyết và việc bỏ phiếu của toàn thể Hạ viện và Thượng viện về dự luật tài trợ khổng lồ có thể gặp nhiểu trở ngại đối với hạn chót 11/12.
Nếu phiên họp hậu bầu cử của Quốc hội hiện nay thất bại không đạt thỏa thuận nào về ngân sách, Quốc hội mới được triệu tập vào tháng 1 sang năm sẽ phải dọn dẹp những rác rưỡi chỉ vài tuần trước ngày Tổng thống tân cử thuộc Đảng Dân chủ Joe Biden tuyên thệ nhậm chức.
Ông Trump đã cảnh báo là ông sẽ phủ quyết luật cho phép quốc phòng rộng rãi mà Quốc hội nhằm thông qua nếu trong đó có điều khoản bỏ tên các lãnh đạo Liên minh miền Nam Hoa Kỳ ra khỏi các căn cứ quân sự.
Thất bại của Hạ viện do Đảng Dân chủ kiểm soát và Thượng viện do phe Cộng hòa kiểm soát thông qua luật chi tiêu có thể có những hậu quả xấu.
Một số hoạt động chăm sóc sức khỏe có thể thiếu nhân viên hay bị gián đoạn vào thời điểm các ca COVID-19 tăng mạnh. Gần 267.000 người đã chết vì virus tại Mỹ.
Luật chi tiêu khổng lồ này có thể cung cấp nhiều tỉ đô la cho các chính quyền tiểu bang và địa phương để giúp có được vaccines virus corona hiện có thể được sử dụng trong những tuần và tháng tới.
Ngoài những lo ngại về đại dịch, nếu các quỹ của chính phủ bị để cho cạn kiệt vào tháng tới, các hoạt động của phi trường có thể chậm lại, công viên quốc gia có thể bị đóng cửa, một số nghiên cứu y khoa có thể bị ngưng lại và hàng ngàn chương trình khác có thể bị tổn hại khi các nhân viên chính phủ bị cho nghỉ việc, làm thiệt hại thêm cho nền kinh tế Mỹ đang vất vả phục hồi.
Covid-19 : Moderna chính thức đề nghị cấp phép cho vac-xin tại Mỹ
Trọng Thành
Vac-xin ngừa Covid-19 có thể được sử dụng trên diện rộng tại Mỹ ngay từ cuối tháng 12/2020 này. Hôm qua, 30/11/2020, hãng bào chế Mỹ Moderna đã chính thức đề nghị vac-xin của hãng được cấp phép tại Hoa Kỳ.
Theo AFP, hai tuần sau khi thông báo vac-xin hiệu quả đến 94,5% trên cơ sở các kết quả sơ bộ, hãng bào chế Moderna thông báo các kết quả đầy đủ xác nhận vac-xin hiệu quả đến 94,1%. Cơ quan Dược phẩm Mỹ (FDA) sẽ phải triệu tập Hội đồng tư vấn vào ngày 17/12, để chuẩn bị triển khai sớm việc phân phối vac-xin nếu vac-xin của Moderna được cấp phép,
Như vậy, hiện giờ tại Hoa Kỳ, hai vac-xin có thể được đưa vào sử dụng ngay trong tháng 12. Cùng với vac-xin của hãng Moderna là vac-xin của hãng Pfizer, hợp tác với công ty Đức BioNTech. Vac-xin này đang được Cơ quan Dược phẩm Hoa Kỳ FDA thẩm định.
Tình hình dịch bệnh đang diễn ra theo chiều hướng rất xấu tại Mỹ. Theo bác sĩ Anthony Fauci, giám đốc Viện quốc gia về các bệnh truyền nhiễm, các đợt dịch đang chồng lên nhau, chưa hết đợt này lại tiếp nối đợt khác. Bác sĩ Scott Atlas, thành viên nhóm đối phó với khủng hoảng Covid-19 tại Nhà Trắng, đã thông báo từ chức hôm qua, 30/11. Vị bác sĩ này bị chỉ trích vì lập trường chống các biện pháp phong tỏa phòng dịch và việc mang khẩu trang.
Bộ trưởng Y tế: Dân Mỹ có thể có vaccine chống COVID trước Giáng sinh
Người dân Mỹ có thể có hai vaccine đầu tiên chống COVID trước Giáng Sinh năm nay, Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar tuyên bố ngày 30/11, sau khi công ty Moderna trở thành nhà bào chế vaccine thứ hai có thể được cấp phép khẩn cấp của Hoa Kỳ.
Các cố vấn ngoài Cơ quan Quản trị Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ FDA sẽ gặp nhau vào ngày 10/12 để cứu xét việc cho phép vaccine chống COVID của công ty Pfizer.
Vaccine của Pfizer có thể được chấp thuận và vận chuyển trong vòng vài ngày, và sau đó sẽ là vaccine của Moderna, Bộ trưởng Azar cho hay.
“Cho nên chúng ta có thể thấy cả hai vaccine này trình làng và được tiêm chủng cho người dân trước Giáng Sinh,” ông Azar nói trong chương trình “This Morning” của CBS.
Chính phủ liên bang sẽ vận chuyển vaccine qua hệ thống phân phối vaccine thông thường, thống đốc các tiểu bang sẽ quyết định các đích đến đầu tiên, ông Azar nói.
“Các thống đốc sẽ quyết định nhóm nào được ưu tiên. Tôi hy vọng khoa học và bằng chứng sẽ đủ rõ ràng rằng các thống đốc sẽ theo những khuyến cáo chúng tôi sẽ đưa ra cho họ,” ông Azar cho biết.
Bộ trưởng Azar cho hay ông và Phó Tổng thống Mike Pence sẽ nói chuyện với tất cả thống đốc vào cuối ngày 30/11 để thảo luận về vaccine và nhóm người nào được ưu tiên tiêm chủng trước.
Mỹ : California đối phó với đỉnh dịch Covid-19 sắp đến
Mai Vân
Dịch Covid-19 đã khiến hơn 268.000 người thiệt mạng tại Mỹ, trong bối cảnh trung bình có khoảng 160.000 người nhiễm virus mỗi ngày trong tuần qua, đẩy số người nhập viện tăng vọt. Tình hình sắp tới đây được cho là sẽ nghiêm trọng hơn nữa, với làn sóng lây nhiễm mới được dự báo sau lễ Tạ Ơn.
Đây là trường hợp của California, cho dù đây là bang đầu tiên của Mỹ đã ra lệnh phong tỏa. Như phần còn lại của bang, thành phố San Francisco, bị phong tỏa từ tháng 3, đã ban hành lệnh giới nghiêm vào tuần này, từ 22 giờ đến 5 giờ sáng hôm sau.
Thông tín viên RFI, Eric de Salve, tường thuật từ San Francisco :
“Cho đến nay, San Francisco, thành phố đầu tiên ban hành lệnh phong tỏa, vẫn là một trong những nơi tại Mỹ ít bị Covid tác động nhất. Thế nhưng, vào tháng 11, mức độ lây nhiễm đã tăng lên gấp bốn lần, khiến thị trưởng thành phố quyết định trì hoãn việc giảm nhẹ các biện pháp phong tỏa, vốn có hiệu lực liên tục kể từ tháng 3.
Tất cả các hoạt động trong không gian khép kín đều bị cấm, ngoại trừ các đám tang, nhưng chỉ với tối đa 12 người. Vào hôm qua, Thứ Hai, bà thị trưởng London Breed thậm chí còn cho áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm, giống như ở phần còn lại của California, từ 10 giờ tối đến 5 giờ sáng, có hiệu lực cho đến ngày 21/12. Đối với bà Breed, mọi người đang ở trong giai đoạn nguy hiểm nhất của đại dịch, cho nên “phải tránh đi du lịch, tránh tụ tập”.
Tình hình ở Los Angeles thậm chí còn tồi tệ hơn, vì thị trưởng thành phố dự báo sẽ có 4.000 người chết trong vòng một tháng, nếu chính quyền không hành động. Ông Eric Garcettei cũng ra lệnh cấm hầu như mọi cuộc tụ tập, ở nơi công cộng cũng như ở những nơi riêng tư.
Tại California, các bệnh viện gần đã bị quá tải : 75% số giường chăm sóc đặc biệt đang có bệnh nhân. Thống đốc bang cảnh báo là với tốc độ lây lan của virus như hiện nay, tỷ lệ sử dụng loại giường này sẽ vượt quá 110% từ đây đến lễ Giáng Sinh. Và ông không loại trừ khả năng tăng cường lệnh giới nghiêm.”
WHO : Tình hình ở Brazil là “rất, rất đáng lo ngại”
Tình hình Covid-19 ở Brazil cũng rất đáng lo ngại trong bối cảnh tổng thống Jair Bolsonaro tiếp tục phủ nhận mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh.
Vào hôm qua, trong một cuộc họp báo tại Genève (Thụy Sĩ), đích thân giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới báo động tình hình dịch Covid-19 ở Brazil “rất, rất đáng lo ngại”. Theo ông Tedros Adhanom Ghebreyesus, “Brazil phải chú ý đến tình hình một cách rất nghiêm túc”, nhất là khi tổng thống nước này vào tuần trước khẳng định rằng ông sẽ không tiêm chủng.
Brazil là quốc gia thứ hai bị tác hại nặng nhất, với hơn 173 ngàn ca tử vong (và hơn 6 triệu ca nhiễm), sau Hoa Kỳ và trước Ấn Độ, Mêhicô và Vương quốc Anh.
Biden đề cử Janet Yellen làm bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ
Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Joe Biden đã chỉ định cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Janet Yellen làm người được đề cử cho chức Bộ trưởng Ngân khố.
Nếu được Thượng viện xác nhận, bà Janet Yellen sẽ là phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ này.
Bà Yellen nằm trong danh sách phụ nữ được chọn vào các vị trí kinh tế hàng đầu. Nhóm chuyển tiếp Biden nói những người khác đã được chọn để phá vỡ rào cản chủng tộc nếu được xác nhận.
Ông Biden đã cam kết xây dựng một nội các đa dạng. Trước đó, ông đã bổ nhiệm một nhóm báo chí cao cấp toàn phái nữ.
EU muốn cải thiện quan hệ với Hoa Kỳ thời Biden
Biden công bố đội ngũ báo chí cấp cao toàn nữ
Nhóm chuyển tiếp của ông nói việc lựa chọn của ông cho các vai trò kinh tế cấp cao sẽ giúp “đưa nước Mỹ thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế hiện tại và xây dựng lại tốt hơn”.
Ông Biden cũng đã thông báo về việc thành lập Ủy ban Nhậm chức Tổng thống trước khi tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1. Ủy ban sẽ chịu trách nhiệm tổ chức các hoạt động liên quan đến lễ nhậm chức.
Các đề cử được đưa ra khi Arizona và Wisconsin chính thức chứng nhận ông Biden là người chiến thắng ở các tiểu bang đó. Tổng thống Donald Trump dự kiến sẽ đưa ra các thách thức pháp lý đối với cuộc bỏ phiếu ở cả hai tiểu bang.
Janet Yellen là ai?
Việc bà Yellen được đề cử đã được các cơ quan truyền thông Mỹ nói đến trước thông báo chính thức hôm thứ Hai.
Nhà kinh tế học 74 tuổi này từng là người đứng đầu ngân hàng trung ương Mỹ và là cố vấn kinh tế hàng đầu cho cựu Tổng thống Bill Clinton.
Chính quyền Biden sẽ ‘dùng liên minh để đối phó’ với Trung Quốc?
TT Trump chấp nhận phải bắt đầu chuyển giao quyền lực cho Biden
Bà được ghi nhận là người đã giúp chỉ đạo sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007 và suy thoái sau đó.
Với tư cách là Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, bà Yellen được biết đến như người tập trung nhiều hơn vào tác động của các chính sách của ngân hàng với người lao động và ảnh hưởng của sự gia tăng bất bình đẳng ở Mỹ.
Ông Trump đã đi ngược lại truyền thống của Washington khi quyết định không bổ nhiệm bà Yellen vào nhiệm kỳ 4 năm thứ hai trong vai trò này. Bắt đầu với Bill Clinton vào thập niên 1990, các tổng thống liên tục tái bổ nhiệm các lãnh đạo ngân hàng của người tiền nhiệm trong nỗ lực phi chính trị hóa ngân hàng.
Kể từ khi rời ngân hàng năm 2018, bà Yellen đã lên tiếng về biến đổi khí hậu và yêu cầu Washington phải làm nhiều hơn để bảo vệ nền kinh tế Mỹ khỏi tác động của đại dịch virus corona.
Trong một dòng tweet sau thông báo hôm thứ Hai, bà Yellen nói:
“Chúng ta ngay bây giờ đang phải đối mặt với những thách thức lớn với tư cách một quốc gia. Để phục hồi, chúng ta phải khôi phục giấc mơ Mỹ – một xã hội nơi mỗi người có thể vươn đúng tiềm năng và ước mơ lớn hơn cho con cái họ.”
“Là Bộ trưởng Ngân khố, tôi sẽ làm việc mỗi ngày để xây dựng lại giấc mơ đó cho tất cả mọi người.”
Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde ca ngợi sự lựa chọn của ông Biden, viết trên một dòng tweet:
“Sự thông minh, kiên trì và cách tiếp cận điềm tĩnh của bà khiến Janet trở thành người tiên phong cho phụ nữ ở khắp mọi nơi.”
Chủ tịch Ủy ban Tài chính Thượng viện Đảng Cộng hòa Chuck Grassley nói ông mong bà Yellen “có được đánh giá thuận lợi” trong các phiên điều trần xác nhận trước ủy ban của ông.
Còn những cái tên khác?
Đội ngũ của Biden nói nhóm kinh tế cấp cao sẽ bao gồm “một số người đi trước trong lịch sử”.
Lựa chọn bao gồm cựu quan chức chính quyền Obama Wally Adeyemo làm phó bộ trưởng ngân khố và nhà kinh tế học Cecilia Rouse làm chủ tịch Hội đồng Cố vấn Kinh tế. Nếu được xác nhận, nhóm của ông Biden nói cả hai sẽ là những người Mỹ gốc Phi đầu tiên đảm nhiệm những vai trò đó.
Ông Biden sẽ đề cử Neera Tanden, người từng làm việc với chính quyền Obama trong việc thành lập Obamacare, làm người đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách. Nếu được xác nhận, bà sẽ là phụ nữ da màu đầu tiên và người Mỹ gốc Nam Á đầu tiên lãnh đạo cơ quan.
Nhưng bà có thể sẽ phải đối mặt với tiến trình xác nhận khó khăn nhất tại Thượng viện.
Đề cử Neera Tanden gây tranh cãi
Phân tích của Anthony Zurcher
Joe Biden có thể sẽ phải đối mặt với cuộc đấu tranh bổ nhiệm lớn đầu tiên trong nhiệm kỳ tổng thống của mình.
Việc tổng thống đắc cử lựa chọn Neera Tanden, một thành viên đảng Dân chủ lâu năm, làm giám đốc văn phòng ngân sách Nhà Trắng – một chức vụ cần có sự xác nhận của Thượng viện – đang nhận được những công kích gay gắt từ cánh tả và cánh hữu.
Những nhà đấu tranh cấp tiến không thích Tanden vì những lời chỉ trích thẳng thắn của bà với phong trào tiến bộ của đảng và người mang tiêu chuẩn của nó, cựu ứng viên tổng thống đầy hy vọng Bernie Sanders. Những người bảo thủ không thích bà vì những chỉ trích cá nhân của bà với các nhà lãnh đạo của họ.
Và quan điểm của Tanden được ghi chép đầy đủ, với một số bình luận gây tranh cãi nhất của bà đã xuất hiện trên mạng xã hội.
Tất nhiên, mối quan tâm về những dòng tweet có vấn đề, có thể trở nên xa lạ sau nhiệm kỳ tổng thống 4 năm của Donald Trump. Và xác nhận năm 2018 của Thượng viện về việc Ric Grenell – một kẻ khiêu khích khét tiếng trên Twitter – trở thành đại sứ của Trump tại Đức cho thấy các bài đăng gây viêm nhiễm trên mạng xã hội không tự nó khiến người viết tweet bị loại.
Ông Grenell, tuy nhiên, được đa số đảng Cộng hòa ủng hộ việc đề cử. Trong khi chờ đợi kết quả của các cuộc đua vào Thượng viện tại tiểu bang Georgia, Biden có thể phải đối mặt với một thượng viện do phe đối lập kiểm soát – và phe cánh tả không muốn giúp đỡ.
Biden đã quảng cáo về khả năng làm việc với Thượng viện để hoàn thành công việc của mình. Nếu ông muốn Tanden được xác nhận, đây sẽ là một bài kiểm tra sớm về kỹ năng của ông ấy.
Bầu cử Mỹ : Arizona và Wisconsin chính thức xác nhận chiến thắng của Biden
Mai Vân
Sau kỳ nghỉ lễ Tạ Ơn, Arizona và Wisconsin hôm qua 30/11/2020 đã xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tại hai bang này.
Như vậy, cùng với kết quả được xác nhận trước đó tại Pennsylvania, Michigan, Nevada và Georgia, toàn bộ các bang gọi là “chiến địa” đều đã chứng thực chiến thắng của ứng viên đảng Dân Chủ. Nhưng tổng thống Donald Trump vẫn không chấp nhận thất bại và tiếp tục tố cáo “bầu cử gian lận” trên diện rộng, cho dù không đưa ra bằng chứng.
Trong một tin nhắn Twitter, ông Doug Ducey, thống đốc bang Arizona – một người thuộc đảng Cộng Hòa – loan báo : “Hôm nay (30/11), chúng tôi đã ký văn bản chứng nhận kết quả cuộc bầu cử năm 2020 ở Arizona.”
Theo kết quả được chứng thực, ông Joe Biden giành chiến thắng với kết quả khít khao : Hơn ông Donald Trump khoảng trên 10.000 phiếu, tức là khoảng 0,3%. Joe Biden là ứng cử viên Dân Chủ đầu tiên chiến thắng tại Arizona trong gần 25 năm qua.
Cùng ngày, bang Wisconsin cũng xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden, với hơn 20.000 phiếu so với ông Donald Trump. Cũng trên Twitter, ông Tony Evers, thống đốc bang Wisconsin, loan báo sự kiện trên ngay sau khi bà Ann Jacobs, chủ tịch Ủy Ban Bầu Cử Wisconsin, ký văn bản chứng thực kết quả bỏ phiếu.
Điều đáng nói là tại bang Wisconsin, ban vận động tranh cử của ông Trump đã chi 3 triệu đô la cho việc kiểm phiếu lại tại hai hạt Milwaukee và Dane, với kết quả là làm tăng thêm số phiếu dành cho ông Biden. Phản ứng giận dữ của ông Donald Trump trước kết quả bất lợi kể trên rất tức thời. Trên Twitter, tổng thống Trump cực lực đả kích, cáo buộc thống đốc bang Arizona phản bội cử tri.
Toàn bộ sáu bang nơi ông Joe Biden được dự báo đã thắng ông Trump một cách khít khao đều đã chứng thực kết quả đó, nhưng điều này không hề làm cho tổng thống Mỹ từ bỏ ý định lật ngược thế cờ. Ông Trump từng cam kết sẽ kiện quyết định chứng thực của bang Wisconsin trước tòa trong vòng năm ngày tới. Đây cũng là điều mà ông có thể làm đối với Arizona. Còn tại Pennsylvania, ông Trump kêu gọi các nghị sĩ tiểu bang hủy bỏ quyết định của hành pháp.
Cho đến nay, hầu như toàn bộ các đơn kiện nhân danh ông Donald Trump, khiếu nại về các hành vi gian lận nhưng không thể đưa ra bất kỳ bằng chứng cụ thể nào, đều đã thất bại trước tòa.
Joe Biden đề cử bộ trưởng Tài Chính
Ngày 30/11, tổng thống tân cử Biden đề cử cựu chủ tịch Cục dự trữ liên bang, Janet Yellen, làm bộ trưởng Tài Chính. Nhóm lãnh đạo kinh tế của chính quyền Biden trong tương lai sẽ gồm nhiều phụ nữ và người thuộc cộng đồng thiểu số.
Nếu được Thượng Viện phê chuẩn, bà Janet sẽ là người phụ nữ đầu tiên giữ chức bộ trưởng Tài Chính Mỹ. Bà từng là phụ nữ đầu tiên được bổ nhiệm làm chủ tịch Cục dự trữ liên bang Mỹ (2014-2018). Trả lời báo giới ngày 30/11, chủ tịch Ủy ban Tài chính của Thượng Viện, Chuck Grassley, cho biết Thượng Viện ủng hộ việc đề cử Janet Yellen và sẽ thông qua việc bổ nhiệm bà vào tháng 01/2021.
Còn bà Neera Tanden được ông Biden đề cử đứng đầu Văn phòng Quản lý và Ngân sách của Nhà Trắng. Nếu được bổ nhiệm, bà sẽ là phụ nữ gốc Ấn đầu tiên lãnh đạo cơ quan này. Tuy nhiên, khó có khả năng Thượng Viện, đa số thuộc phe Cộng Hòa, thông qua việc bổ nhiệm bà, bởi Neera Tanden không được lòng cả phe bảo thủ và cấp tiến.
Trevor Loudon: Kết quả bầu cử quyết định liệu ‘cách mạng XHCN’ ở Hoa Kỳ có bị đánh bại
Nhà hoạt động chống cộng, nhà nghiên cứu và nhà làm phim Trevor Loudon chia sẻ với chương trình American Thought Leaders trong một cuộc phỏng vấn phát sóng hôm 29/11 rằng ông tin bối cảnh rộng lớn hơn của cuộc bầu cử tổng thống đầy tranh chấp này là một “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang diễn ra” ở Hoa Kỳ, và câu hỏi đặt ra là liệu nó thành công hay nó sẽ thất bại.
“Cuộc bầu cử này, kết quả của nó, sẽ quyết định liệu cuộc cách mạng này sẽ thành công hay liệu nó sẽ bị đánh bại,” ông Loudon nói. Ông cho biết cuộc bạo động lớn diễn ra trong mùa hè sau khi cảnh sát ghì chết George Floyd là một phần trong nỗ lực chung của các nhóm cộng sản nhằm đem lại chiến thắng trong cuộc bầu cử cho ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden và “tiêu diệt” Tổng thống Donald Trump, người mà theo ông là rất cứng rắn với Trung Quốc và giới lãnh đạo cộng sản của nó.
Ông Loudon đặc biệt đề cập đến phong trào Black Lives Matter, mà ông gọi là “sự vận dụng chủ nghĩa Mác trong mối liên hệ sâu sắc với Đảng Cộng sản Trung Quốc”. Ông nói: “Hầu hết người dân Hoa Kỳ coi đây là hoạt động vì công bằng xã hội, nhưng nó có tác động lớn đến Hoa Kỳ. Và tôi tin rằng đã đến lúc nó có tác động lớn đến các cuộc bầu cử.”
Ông chỉ ra những hành động của TT Trump nhằm chống lại các kế hoạch của Đảng Cộng sản Trung Quốc (Trung Cộng), bao gồm ủng hộ một ứng cử viên chống cộng trong cuộc bầu cử tổng thống của Đài Loan và sát cánh cùng các cuộc biểu tình chống Trung Cộng ở Hồng Kông.
“Họ có thực sự muốn TT Trump thành công trong cuộc bầu cử này không?”, ông nói, đề cập đến các nhà lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc. “Hay họ sẽ sử dụng tài sản của mình ở Hoa Kỳ để cố gắng trao lợi thế cho một ứng viên thân thiện hơn nhiều như Joe Biden?”
Bên cạnh Black Lives Matter, ông Loudon đề cập đến một số nhóm liên kết với cộng sản khác ở Hoa Kỳ, bao gồm Đảng Cộng sản Hoa Kỳ và Hiệp hội Cấp tiến Trung Quốc ở San Francisco, và nói rằng “ngay dưới mũi chúng tôi, các tổ chức đăng ký cử tri có liên quan đến Trung Quốc đang giúp lật ngược các cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ.”
Ông Loudon mô tả những nỗ lực có mục tiêu của các nhóm như vậy nhằm lật ngược [kết quả] ở các thành trì bảo thủ như Arizona, Georgia và Florida.
Người đồng sáng lập Mạng lưới toàn cầu Black Lives Matter, bà Patrisse Cullors, trong một cuộc phỏng vấn vào tháng 6 trên CNN, đã gọi TT Trump là không thích hợp cho chức vụ [tổng thống] và nói rằng “mục tiêu của chúng tôi là đuổi ông Trump ra ngoài.” Trong một lá thư gần đây (pdf) gửi cho ông Biden và Thượng nghị sỹ Kamala Harris (Dân Chủ-California), bà Cullors cho biết Black Lives Matter và các tổ chức khác “đã đầu tư rất nhiều vào cuộc bầu cử này” và “những nỗ lực đòi hỏi công bằng cho cử tri của phong trào đã tiếp cận hơn 60 triệu cử tri.”
Gọi TT Trump là “mối đe dọa” đối với sự tồn tại của Trung Cộng, ông Loudon nói rằng các nhà lãnh đạo cộng sản của Trung Quốc “sợ rằng ông ấy sẽ làm với [họ] như những gì cựu TT Reagan đã làm với Đảng Cộng sản Liên Xô”. Thay vì mạo hiểm với cuộc chiến tranh thương mại trị giá hàng tỷ dollar hay một cuộc chiến tranh [vũ trang] trị giá hàng nghìn tỷ dollar, họ đã tìm cách sử dụng các mạng lưới thân cộng sản ở Hoa Kỳ “để gây ra bạo loạn, tạo ra sự bất ổn và sau đó huy động các cử tri da đen và người Latinh đã bị cực đoan hóa bởi các cuộc bạo loạn” để lật ngược các quận và tiểu bang có khả năng đánh bại TT Trump.
Ông Loudon mô tả “cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa đang diễn ra” là một phần của động cơ kéo dài hơn nửa thế kỷ nhằm lật đổ các cấu trúc quyền lực hiện có của Hoa Kỳ.
“Họ đang nói về một sự thay đổi mang tính chuyển dịch trong tương lai,” ông nói về các nhóm liên kết với cộng sản ở Hoa Kỳ, “họ đang nói về chính quyền Biden như một con đường dẫn đến một Hoa Kỳ mới” và họ đang cổ vũ cho những gì họ dự đoán sẽ là một “sự chuyển đổi cấp tiến lớn.”
Trong khi đó, TT Trump và đội ngũ pháp lý của ông tiếp tục đặt ra những thách thức pháp lý đối với kết quả của cuộc bầu cử, cáo buộc nhiều hành vi bất thường và gian lận.
The Epoch Times đã không xướng tên người chiến thắng cho bất kỳ ứng cử viên nào cho đến khi tất cả các tranh chấp pháp lý được giải quyết.
Tom Ozimek và Jan Kelielek
Lê Trường biên dịch
Arizona: Nhân chứng cáo buộc 35.000 phiếu bầu gian lận được tính cho các đảng viên Dân Chủ
Email của người tố giác ẩn danh đã được cung cấp cho một chuyên gia an ninh mạng để làm chứng trong cuộc họp của Đảng Cộng Hòa ở Thượng viện của tiểu bang Arizona. Theo email, mỗi ứng cử viên Đảng Dân Chủ ở Quận Pima, Arizona đã được trao 35.000 phiếu bầu gian lận.
Một bản sao của email tố cáo đã được trình bày trong sự kiện hôm thứ Hai (30/11), như Đại tá quân đội đã nghỉ hưu Phil Waldron đã trích dẫn. Ông Waldron, một chuyên gia an ninh mạng, tuyên bố rằng thông tin này là từ một nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ công nghệ của Quận Pima, mặc dù ông không cho biết cụ thể vị trí và vai trò [của người này]. Sự kiện được tổ chức bởi một số thành viên Đảng Cộng Hòa của Cơ quan lập pháp tiểu bang Arizona, bao gồm cả những phát biểu từ các luật sư của Tổng thống Donald Trump.
Theo ông Waldron, người tố giác muốn “giấu tên” nói với ông rằng anh ta đã cung cấp thông tin đó cho Bộ Tư pháp Hoa Kỳ. Email nói rõ rằng các quan chức “đã thêm phiếu bầu gian lận trong tổng số phiếu bầu qua thư ban đầu được công bố vào lúc 8 giờ tối ngày 3 tháng 11”.
Ông nói: “Đã có khoảng 35.000 phiếu gian lận được thêm vào tổng số phiếu bầu của mỗi ứng cử viên Đảng Dân Chủ, và nói thêm rằng con số này đã được “tính vào tổng số phiếu bầu.” Người tố giác sau đó khẳng định rằng anh ta đã đến một cuộc họp với các quan chức Đảng Dân Chủ ở Quận Pima vào ngày 10/9. Cuộc họp bao gồm một bài thuyết trình về các phiếu bầu được thêm vào, và không có điện thoại hoặc thiết bị ghi hình nào được cho phép.
Ông Waldron cho biết ông hy vọng rằng cá nhân này sẽ đưa ra một bản khai tuyên thệ về những gì anh ta chứng kiến. Tuy nhiên, điều đó đã không thành hiện thực.
Văn phòng Tổng thư ký tiểu bang Arizona chưa trả lời yêu cầu bình luận.
Bà Tổng thư ký Katie Hobbs nói rằng những tuyên bố của nhóm Tổng thống Trump về hành vi gian lận cử tri và những bất thường là không chính xác. Các tổng thư ký khác ở những nơi như Pennsylvania, Michigan và Georgia cho biết họ cũng không tìm thấy bằng chứng nào.
Bà Hobbs (một đảng viên Dân Chủ) cho biết trong một cuộc phỏng vấn trên truyền hình hồi đầu tháng: “Không có bằng chứng nào để chứng minh và đó không phải là điều chúng tôi đã trải qua ở đây”.
Trong các tuyên bố khác, bà Hobbs cho biết bà ấy đã nhận được những lời đe dọa “đang diễn ra và ngày càng leo thang” trong khi cáo buộc TT Trump và các đảng viên Cộng Hòa gây hỗn loạn bằng cách phản đối kết quả bầu cử.
Cơ quan An ninh mạng của Bộ An ninh Nội địa (DHS) vào đầu tháng này cho biết cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 là cuộc bầu cử “an toàn nhất” trong lịch sử Hoa Kỳ, nói rằng không có bằng chứng về việc cuộc bầu cử bị xâm phạm bởi các tác nhân trong và ngoài nước.
Ông Waldron cũng khẳng định rằng các máy bỏ phiếu được sử dụng ở Arizona có thể được kết nối với Internet, gây ra rủi ro bảo mật nghiêm trọng. Dominion Voting Systems đã phủ nhận rằng hệ thống của họ bị xâm phạm, trong khi một phát ngôn viên nói với Fox News vào cuối tuần trước rằng họ không thể chuyển phiếu bầu từ TT Trump sang Joe Biden.
Trước ông Waldron, luật sư Rudy Giuliani của TT Trump đã kêu gọi các nhà lập pháp Đảng Cộng Hòa, những người kiểm soát Hạ viện và Thượng viện tiểu bang Arizona, khẳng định thẩm quyền theo Hiến pháp của họ để chọn các đại cử tri vào Cử tri đoàn. Họ cũng đưa ra một gợi ý tương tự trong một sự kiện với các thượng nghị sỹ Đảng Cộng Hòa ở Pennsylvania vào tuần trước.
Jack Phillips
Lê Trường biên dịch
Pennsylvania: Các nhà lập pháp chính thức đưa ra nghị quyết bác bỏ kết quả bầu cử năm 2020
Hôm 30/11, các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa ở Pennsylvania đã đưa ra một nghị quyết để bác bỏ các kết quả của cuộc bầu cử năm 2020.
Nội dung của nghị quyết, được xem trước lần đầu tiên trong một bản ghi nhớ vào ngày 27/11, nói rằng các nhánh hành pháp và tư pháp của chính phủ Tiểu Bang Keystone đã chiếm đoạt quyền lập hiến của cơ quan lập pháp để đặt ra các quy tắc của cuộc bầu cử.
“Dựa theo Hiến pháp Hoa Kỳ, các quan chức tại các nhánh Hành pháp và Tư pháp của Khối thịnh vượng chung đã xâm phạm quyền hạn của Hội đồng lập pháp bằng cách thay đổi bất hợp pháp các quy tắc quản lý cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 trong Khối thịnh vượng chung”, nghị quyết (pdf) nêu rõ.
Nghị quyết kêu gọi thư ký của Khối thịnh vượng chung rút lại “chứng nhận sớm” về cuộc bầu cử tổng thống và trì hoãn chứng nhận các cuộc đua khác. Nó tuyên bố cuộc bầu cử năm 2020 đang có tranh chấp và thúc giục Quốc hội Hoa Kỳ “tuyên bố việc lựa chọn của các đại cử tri tổng thống ở Khối thịnh vượng chung này là đang có tranh chấp”.
Các thành viên của Đại hội đồng Lập pháp Pennsylvania cho biết trong một tuyên bố rằng, “Một số thỏa hiệp về luật bầu cử của Pennsylvania đã diễn ra trong cuộc Tổng Tuyển cử năm 2020. Những bất thường và những sai phạm đã được ghi nhận là liên quan đến việc bỏ phiếu qua thư, trước khi thống kê phiếu bầu và trong khi thống kê phiếu bầu đã phá hoại quy trình bầu cử của chúng ta và do đó, chúng tôi không thể chấp nhận việc chứng nhận các kết quả trong các cuộc đua trên toàn tiểu bang”.
“Chúng tôi tin rằng thời điểm này là then chốt và đủ quan trọng để Đại hội đồng Lập pháp cần phải thực hiện các biện pháp đặc biệt để đáp lại những vấn đề bất thường này. Chúng tôi cũng tin rằng nhiệm vụ giám sát đại diện của chúng tôi với tư cách là nhánh lập pháp của chính phủ của tiểu bang Pennsylvania yêu cầu chúng tôi tái đảm đương thẩm quyền hiến pháp của mình và có hành động ngay lập tức.”
Văn bản được đề xuất liệt kê ba bước do các nhánh tư pháp và hành pháp đã thực hiện để thay đổi các quy tắc của cuộc bầu cử.
Thứ nhất, vào ngày 17/9, Tòa án Tối cao Pennsylvania “một cách bất hợp pháp và đơn phương” đã gia hạn thời hạn mà các lá phiếu gửi qua thư có thể được nhận, yêu cầu rằng các lá phiếu không có dấu bưu điện sẽ được coi là đến kịp thời, và cho phép chấp nhận các lá phiếu không có chữ ký của cử tri đã được xác minh, nghị quyết cho biết.
Thứ hai, vào ngày 23/10, theo một đơn kiến nghị từ thư ký của khối thịnh vượng chung, Tòa án Tối cao Pennsylvania đã ra phán quyết rằng không cần chứng thực chữ ký trên các lá phiếu gửi qua thư.
Và thứ ba, vào ngày 2/11, thư ký của khối thịnh vượng chung “khuyến khích một số quận thông báo cho các đại diện của đảng và ứng cử viên về việc lá phiếu của các cử tri gửi phiếu bầu qua thư có những sai sót,” nghị quyết nêu rõ.
Tất cả những thay đổi này đều trái với Bộ luật Bầu cử Pennsylvania, vốn yêu cầu các lá phiếu gửi qua thư phải được nhận vào 8 giờ tối Ngày Bầu cử, yêu cầu xác thực chữ ký trên các lá phiếu gửi qua thư và cấm kiểm đếm các lá phiếu gửi qua thư bị lỗi.
Nghị quyết cũng liệt kê một loạt các bất thường trong bầu cử và gian lận tiềm ẩn, bao gồm những vấn đề được các nhân chứng đưa ra trong phiên điều trần trước Ủy ban Chính sách Đa số Thượng viện Pennsylvania hôm 25/11.
“Hôm 24/11/2020, bất chấp các vụ kiện tụng đang diễn ra, Tổng Thư ký Khối thịnh vượng chung đã đơn phương và sớm chứng nhận các kết quả của cuộc bầu cử ngày 3/11/2020 liên quan đến các đại cử tri tổng thống,” nghị quyết nêu rõ.
“Hạ viện Pennsylvania có nhiệm vụ phải bảo đảm rằng không có công dân nào của Khối thịnh vượng chung này bị tước quyền bầu cử, phải khẳng định rằng tất cả các cuộc bầu cử đều được tiến hành tuân theo luật, và phải chứng minh đầy đủ cho công chúng rằng mọi phiếu bầu hợp pháp đều được kiểm đếm chính xác.”
Hôm 27/11, Thượng nghị sỹ Tiểu bang Pennsylvania Doug Mastriano, một thành viên Đảng Cộng Hòa, cho biết cơ quan lập pháp tiểu bang do Đảng Cộng Hòa kiểm soát sẽ cố gắng giành lại quyền bổ nhiệm các đại cử tri của tiểu bang vào Đại Cử tri đoàn, nói rằng họ có thể bắt đầu quá trình này vào ngày 30/11.
“Vì vậy, chúng tôi sẽ thực hiện một nghị quyết giữa Hạ viện và Thượng viện, hy vọng ngay trong hôm nay,” ông nói với chương trình War Room của Steve Bannon hôm 27/11.
Ivan Pentchoukov
Cẩm An biên dịch
Luật sư Jenna Ellis: Đại cử tri đoàn sẽ xác định tổng thống đắc cử
Luật sư Jenna Ellis của Tổng thống Donald Trump nói rằng cho đến khi Cử tri đoàn bỏ phiếu, sẽ không có một tổng thống được bầu.
Trong một cuộc phỏng vấn với Fox Business, cô Ellis cho biết những chứng nhận từ các tiểu bang và dự đoán của giới truyền thông có ý nghĩa rất nhỏ bởi vì Đại cử tri đoàn mới là cơ quan xác định ai là tổng thống.
Cô Ellis nói với Fox Business: “Cho đến khi cử tri đoàn thực sự bỏ phiếu vào ngày 14 tháng 12, chúng ta không có tổng thống đắc cử”. Ellis đồng thời nói thêm rằng nhóm của TT Trump đang làm việc về các vụ kiện ở một số tiểu bang cũng như vận động các cơ quan lập pháp tiểu bang khẳng định thẩm quyền Hiến pháp của họ để chọn Cử tri đoàn.
Nhiều hãng tin đã công nhận chiến thắng cho ứng viên Đảng Dân Chủ Joe Biden, trong khi một số tiểu bang chiến trường đã chứng nhận kết quả của cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 trong những ngày gần đây. Hôm thứ Hai (30/11), Thống đốc Arizona Doug Ducey và Tổng thư ký Katie Hobbs đã chứng nhận kết quả bầu cử của tiểu bang họ. The Epoch Times chưa tuyên bố chiến thắng cho ứng cử viên nào.
“Ở Pennsylvania, chúng tôi có hai vụ kiện đang chờ xử lý và chuẩn bị đưa lên Tòa án Tối cao.” Cô Ellis cho biết, theo Newsmax: “Bây giờ chúng tôi có một vụ kiện khác ở Khu vực 3 đã sẵn sàng để đưa lên Tòa án Tối cao. Chúng tôi có 10 ngày kể từ ngày ra phán quyết để kháng cáo.”
Nhưng trong khi đó, các cơ quan lập pháp tiểu bang được khẳng định “theo Hiến pháp về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử và năng lực lựa chọn cách thức các đại cử tri của họ đi tiếp,” cô Ellis nói và nói thêm rằng họ đang thực hiện chiến lược đó “rất nghiêm túc.” Cô Ellis lập luận rằng Hiến pháp cho phép các cơ quan lập pháp tiểu bang chọn đại cử tri như một “biện pháp bảo vệ.”
“Lý do cho điều đó là để bảo đảm rằng tiếng nói của mọi người được lắng nghe và kết quả chính xác cuối cùng sẽ xuất hiện thông qua Cử tri đoàn. Tổng thống Trump đã đúng. Đã có sự gian lận tràn lan, ở ít nhất 6 tiểu bang… các cơ quan lập pháp của tiểu bang phải thu hồi lại những lựa chọn đại biểu trước đó của họ và chuyển sang lựa chọn những đại biểu khác theo mong muốn của công chúng – những người biết rõ rằng Tổng thống Trump đã giành chiến thắng long trời lở đất.”
Cô Ellis, trong một bài đăng trên Twitter, nói rõ rằng “việc ủy quyền theo luật của tiểu bang về quy trình bầu cử và cách thức lựa chọn đại biểu không gạt Hiến pháp Hoa Kỳ sang một bên”, lưu ý rằng Hiến pháp cung cấp cho các cơ quan lập pháp thẩm quyền đó theo Điều II, Mục 1 của tài liệu.
Cho đến nay, nhóm của TT Trump đã vận động các Thượng nghị sỹ thuộc Đảng Cộng Hòa đa số ở Pennsylvania và Arizona.
Hôm thứ Hai, các nhà lập pháp của Đảng Cộng Hòa ở Pennsylvania đã đưa ra một nghị quyết để bác bỏ kết quả bầu cử năm 2020.
“Các quan chức trong nhánh Hành pháp và Tư pháp của Khối thịnh vượng chung đã xâm phạm thẩm quyền của Hội đồng lập pháp theo Hiến pháp Hoa Kỳ bằng cách thay đổi bất hợp pháp các quy định quản lý cuộc bầu cử ngày 3 tháng 11 năm 2020 trong Khối thịnh vượng chung”, nghị quyết (pdf) nêu rõ.
Nghị quyết của họ kêu gọi Tổng thư ký của khối thịnh vượng chung, bà Kathy Boockvar, rút lại “chứng nhận sớm” cho cuộc bầu cử tổng thống và trì hoãn việc chứng nhận các kết quả bầu cử khác.
Nội dung của nghị quyết cho biết thêm: “Chúng tôi tin rằng thời điểm này là quan trọng và đủ quan trọng để Hội đồng lập pháp thực hiện các biện pháp đặc biệt để đáp lại những vấn đề bất thường này. Chúng tôi cũng tin rằng nghĩa vụ giám sát đại diện của chúng tôi với tư cách là một nhánh lập pháp của chính phủ ở Pennsylvania đòi hỏi chúng tôi phải tái đảm nhận thẩm quyền hiến pháp của mình và hành động ngay lập tức.”
Jack Phillips
Lê Trường biên dịch
Chủ tịch Ủy ban Nhậm chức từ chối gọi Biden là ‘tổng thống đắc cử’
Ngọc Mai
Ông Roy Blunt, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa, chủ tịch Ủy ban Nhậm chức Tổng thống đã từ chối công nhận ứng viên Đảng Dân chủ Joe Biden là “tổng thống đắc cử”, theo Sound of Hope.
Phát biểu trong một cuộc phỏng vấn với chương trình State of the Union của CNN vào Chủ nhật (29/11), ông Blunt nói mặc dù đội của Biden hiện có thể sử dụng quỹ chuyển tiếp liên bang, nhưng kết quả bầu cử vẫn đang gây tranh cãi và quá trình bầu cử có thể sẽ tiếp tục cho đến đầu năm sau.
Ông Blunt cho biết ứng viên Biden đã thêm danh xưng “tổng thống đắc cử” vào hồ sơ tài khoản Twitter của mình, nhưng quá trình bầu ra “tổng thống đắc cử” chính hiệu vẫn tiếp tục cho đến khi các tiểu bang xác nhận kết quả bầu cử.
Ông Blunt nói thêm: “Khi Cử tri đoàn bỏ phiếu cho ông ấy, thì ‘Tổng thống đắc cử’ mới chính thức là ‘Tổng thống đắc cử’ thực sự. Chứ hiện danh xưng ‘Tổng thống bầu cử’ của ông Biden không phải là một chức danh chính thức”.
Trong trường hợp không có tranh chấp kiện tụng, các tiểu bang sẽ tự quyết định ngày chứng nhận kết quả bầu cử. Tiếp theo cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu vào ngày 14/12 và cuối cùng Hội nghị liên tịch Quốc hội Hoa Kỳ tuyên bố kết quả bầu cử vào ngày 6/1/2021.
Ông Blunt cho biết: “Về mặt kỹ thuật, tổng thống đắc cử phải do đại cử tri đoàn bầu ra, quá trình này diễn ra vào giữa tháng 12. Sau đó đến ngày 6/1, hội nghị liên tịch sẽ quyết định liệu có chấp nhận những lá phiếu đại cử tri đó không. Tôi là một trong bốn nghị viên tham gia hội nghị liên tịch. Đồng thời, sau khi tất cả các phiếu bầu đã được chấp nhận và kiểm đếm – thì toàn bộ quá trình mới kết thúc”.
Đề cập đến các tranh chấp pháp lý hiện tại, ông Blunt cho biết: “Chúng tôi đang trong giai đoạn cuối cùng của quá trình này. Khi quá trình xác nhận kết quả bầu cử ở các tiểu bang kết thúc, chúng ta sẽ có kết luận chính thức”.
Hiện tại, đã có nhiều cử tri đứng ra làm chứng cho cáo buộc gian lận, và nhóm pháp lý của TT Trump và một số thành viên Đảng Cộng hòa đã nộp đơn kiện ở các tiểu bang chiến trường. Một số trường hợp kháng án dự kiến sẽ được chuyển đến Tối cao Pháp viện.
TT Trump đã tweet vào tuần trước: “Vụ việc của chúng tôi vẫn đang được triển khai một cách mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ tiếp tục chiến đấu hết mình. Tôi tin rằng chúng tôi sẽ giành chiến thắng!” Ông cũng hứa sẽ chứng minh rằng mình đã chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2020.
Ngày 29/11, ông Matt Braynard, cựu giám đốc dữ liệu và chiến lược cho chiến dịch năm 2016 của TT Trump và cũng là một nhà nghiên cứu về tính toàn vẹn bầu cử, chia sẻ trên Twitter rằng FBI đã chủ động liên lạc với ông để yêu cầu cung cấp bằng chứng gian lận. Những dữ liệu này được thu thập trong “Chương trình Liêm chính Cử tri” do Brainard chỉ đạo. Trong hôm nay (1/12), chương trình sẽ gửi cho FBI tất cả các dữ liệu của mình, bao gồm tên, địa chỉ, số điện thoại… của các nhân chứng.
Tướng 3 sao Mỹ cho rằng ‘gian lận’ là tội phản quốc
Tâm Thanh
Tướng 3 sao McInerney cho rằng, đằng sau vụ gian lận bầu cử là một cuộc đảo chính, là tội phản quốc, theo Sound of Hope và Vision Times.
Hôm 28/11, người dẫn chương trình WVW-TV Brannon (Brannon Howse) của kênh World View Report đã có buổi phỏng vấn độc quyền với Tướng Michael Flynn, cựu cố vấn của Tổng thống Trump và Trung tướng Không quân Hoa Kỳ đã nghỉ hưu McInerney (Thomas McInerney).
Dưới đây là nội dung tóm lược phần phỏng vấn với Trung tướng 3 sao McInerney:
Trung tướng McInerney: Tôi muốn cảm ơn Brannon đã sắp xếp cuộc phỏng vấn ngày hôm nay. Tôi biết rằng, Mary Fanning (phóng viên) đã nói chuyện với ông, những gì ông đang làm tối nay rất quan trọng, bởi vì mọi thứ đang diễn ra rất nhanh chóng, vì vậy tôi muốn để cho ông thực hiện cuộc phỏng vấn này.
Hiện nay, những gì chúng ta đang chứng kiến là một tình huống chưa từng thấy trước đây trong lịch sử Hoa Kỳ, đây là tình huống nguy hiểm nhất mà đất nước này đang phải đối mặt kể từ sau cuộc nội chiến bảo vệ sự thống nhất quốc gia. Một cuộc chiến tranh mạng rất bí ẩn, bạn không thể thấy nó xảy ra, nhưng nó đã xảy ra.
Trong vài tuần tới, nếu chúng ta không sửa chữa những gì đang phát sinh hiện nay, thì tôi thực sự không dám nghĩ đến những gì sẽ xảy ra ở đất nước chúng ta vào cuối tháng 12 và thậm chí vào tháng sau. Tôi không tin đất nước này sẽ chấp nhận cựu Phó Tổng thống Biden làm tổng thống tiếp theo của Hoa Kỳ, dựa trên những gì chúng tôi biết, đây có thể là vụ lừa đảo lớn nhất mà đất nước chúng ta phải trải qua trong lịch sử!
Từ những gì chúng ta thấy bây giờ và những gì cá nhân tôi phải đối mặt vào lúc này, trước tiên tôi phải nói với các bạn rằng, tổng thống của chúng tôi có một con đường rõ ràng để chiến thắng. [Chiến dịch Trump] có một con đường rõ ràng để chiến thắng và họ thực sự không cần nhiều thủ tục tố tụng tại tòa án. [Những gì họ làm] và cần là những quan chức trung thực. Không còn nghi ngờ gì nữa, các tiểu bang như Pennsylvania, Wisconsin, Michigan, Arizona, Nevada và Georgia không dựa trên hoạt động của hệ thống thông thường, chúng bị thao túng bởi hệ thống kiểm phiếu điện tử gian lận. Thành thật mà nói, Tổng thống Trump sẽ thắng Pennsylvania, Arizona, Georgia, Nevada, Michigan và giành được cả Wisconsin, vì 130.000 lá phiếu đáng ngờ vừa được phát hiện ở tiểu bang Wisconsin.
Rất nhiều điều đang xảy ra và với tôi, những điều tốt đẹp đang phát sinh. Hôm nay có người hỏi tôi: “Theo cơ hội 10 ăn 1 thì ai sẽ là tổng thống tiếp theo? ” Tôi nói: Donald Trump. Cơ hội của Tổng thống Trump chắc chắn là 10. Nhận định của tôi là, ông ấy đã thắng cử nhờ ưu thế áp đảo trong cuộc bầu cử này, tức là khoảng 350 đến 400 phiếu đại cử tri.
Người điều hành: Để tôi ngắt lời ông, ông đã nói một điều rất thú vị. [Vậy thì] ai đã thả “quái vật Kraken” và “quái vật Kraken” là gì? Chúng ta đều biết điều này qua lời kể của luật sư Sydney Powell…
Trung tướng McKinney: Đúng vậy, bà Sydney Powell đã sử dụng thuật ngữ này vì nó là biệt danh của Tiểu đoàn tình báo quân sự 305. Đây là nguồn thông tin của cô ấy, còn có những nguồn thông tin khác nữa, Mary và tôi biết về nó, nhưng chúng tôi không muốn nói về nó. Quan trọng hơn là, họ xác nhận có mối liên hệ với Trung Quốc, Iran và Nga và các quốc gia này đang thao túng gian lận phiếu bầu. Ngoài ra, lực lượng đặc chủng Hoa Kỳ đã giành quyền kiểm soát máy chủ ở Frankfurt, Đức. Dữ liệu [bầu cử] từ 5 hoặc 6 tiểu bang này của Hoa Kỳ đã được gửi đến Tây Ban Nha thông qua Internet và sau đó đến Frankfurt, Đức. Lực lượng đặc chủng Hoa Kỳ đã lấy được máy chủ này ở Frankfurt.
Người điều hành: Quá trình tịch thu [máy chủ] có xảy ra [điều gì] ngoài ý muốn không?
Trung tướng McInerney: Những gì tôi nghe được không phải là không có sự cố. Bởi vì không có cách nào để kiểm chứng nên tôi muốn thận trọng, vì điều này mới được tiết lộ, nhưng tôi biết rằng, theo báo cáo ban đầu của tôi, quân đội Hoa Kỳ đã thiệt mạng trong khi hành động. Địa điểm này do CIA quản lý. Do đó, [vấn đề này] rất đáng lo ngại.
Người điều hành: Những gì ông nói là nó [máy chủ] nằm trong cơ sở của CIA và máy chủ đã bị lựclượng đặc biệt Hoa Kỳ thu giữ từ cơ sở CIA ở Đức.
Trung tướng McInerney: Đúng, ở Frankfurt, Đức. Chúng tôi có tất cả thông tin này. Tướng Flynn là một sĩ quan tình báo quân sự cấp cao và từng phục vụ trong cơ quan Tình báo Quốc phòng Hoa Kỳ. Ông ấy là một sĩ quan tình báo chuyên nghiệp và ông ấy biết rõ những chi tiết của vấn đề này.
Theo kinh nghiệm của tôi trong lĩnh vực kinh doanh điện toán đám mây, đây là một thao tác tương đối nhỏ, nhưng [được hoạt động] trên quy mô lớn và số lượng người tham gia rất nhiều. Như Tướng Flynn nói, Đảng Dân chủ nhận thức được những gì sẽ xảy ra trong tương lai. Tuy nhiên, chúng tôi đang làm gì? Chúng tôi [chính là] đang chạy đua với Hiến pháp, thủ tục xác định phiếu đại cử tri vào ngày 14/12. Tại sao tôi lại nói như vậy? [Bởi vì] Tổng thống Trump không chỉ phải chống lại chính phủ ngầm, mà [ông còn phải đối diện với những người] trong cơ quan lập pháp như Adam Schiff, Nancy Pelosi, Schumer và những người khác có liên quan. Những người này đã tham gia vào vụ lừa đảo của Nga (cáo buộc Tổng thống Trump “Thông đồng với Nga”) và họ cũng là thành viên tham gia vào cuộc đảo chính. Ngay cả hệ thống tư pháp cũng vậy, Thẩm phán Sullivan là thẩm phán xét xử vụ án của Tướng Flynn và thẩm phán này đã hành động vượt quá quyền hạn của mình. Tất cả các cơ quan này đã bị xâm nhập. Đây là lý do tại sao tiểu đoàn tình báo quân sự 305 được kích hoạt. Tôi tin rằng, đây là do tổng thống [Trump] tin tưởng họ. Đây cũng là lý do tại sao ông Chris Miller được bổ nhiệm làm quyền Bộ trưởng Quốc phòng. Ông ấy là một cựu anh hùng lực lượng đặc chủng Hoa Kỳ.
Người điều hành: Bài phát biểu trước đây của ông Chris Miller đã gây xúc động. Ông ấy cho phép tất cả bộ đội đặc chủng báo cáo trực tiếp với ông ấy.
Trung tướng McInerney: Đúng, điều này rất đáng nói, phải không?
Người điều hành: Đúng vậy.
Trung tướng McInerney: Chúng ta phải thắt chặt hơn vì một số người trong chúng ta đã trở thành một phần của âm mưu [gian lận bầu cử chống lại Hoa Kỳ] này. Những gì chúng tôi đang nói đến chính là tội phản quốc. Một số người có thể chỉ nghĩ rằng đó là chính trị. Cái đó không sai, [nhưng chính vì cái suy nghĩ chính trị đó], mà Obama đã sử dụng nó để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2012, Biden đã sử dụng nó để giành chiến thắng ở Florida, Đảng Dân chủ đã sử dụng nó trong cuộc bầu cử sơ bộ, do đó, Bernie Sanders sẽ thua và Biden sẽ chiến thắng.
Tuy nhiên, đối với lần này, nó không phải là chính trị mà nó là [hành vi] phản quốc. Tướng Benedict Arnold đã từ bỏ pháo đài quan trọng nhất của Châu Mỹ – West Point và phạm tội phản quốc trong chiến tranh giành độc lập. Trong lịch sử của chúng ta, chúng ta chưa bao giờ thấy một hành động phản quốc nào lớn như vậy. Những người đó, những chính trị gia đó, [bao gồm] Chris Krebs – cựu giám đốc an ninh mạng và an ninh cơ sở hạ tầng đã bị Tổng thống sa thải cách đây 2 tuần đã tuyên bố rằng, đây là một cuộc bầu cử hoàn hảo. Ông ấy đã phạm tội phản quốc. Ông ấy nhất định là đồng phạm. Mọi người cần hiểu điều này. Những người đã làm những điều này [gian lận bầu cử] đã phạm tội phản quốc chống lại Hoa Kỳ. Chúng tôi thỉnh cầu và yêu cầu Tổng thống [Trump] không rời Tòa Bạch Ốc cho đến khi người dân Mỹ hoàn toàn hiểu những gì đang xảy ra.
Người điều hành: Thưa Trung tướng, những gì ông đang nói là đúng, hãy để tôi làm rõ những gì ông đang nói. Tổng thống Trump phải thực hiện lời thề bảo vệ Hoa Kỳ khỏi những kẻ thù trong và ngoài nước và ông ấy không được để thời hạn xác định phiếu đại cử tri (14/12) ngăn cản ông ấy thực hiện nhiệm vụ của mình. Đây có phải là điều ông muốn nói?
Trung tướng McInerney: Đó chính xác là những gì ông đã nghe, [là điều mà] tôi muốn nói.
Người điều hành: Xin lỗi, xin mời [ông] tiếp tục.
Trung tướng McInerney: Tổng thống đã tuyên thệ với Hiến pháp để bảo vệ đất nước khỏi mọi kẻ thù trong và ngoài nước. Chúng ta không nên để cho chúng ta bị giới hạn bởi một thủ tục thiếu sót [thời hạn xác định phiếu đại cử tri vào 14/12] như vậy. Bất cứ ai cũng có thể hiểu những gì tôi đã trình bày với khán giả. Hàng trăm nghìn phiếu bầu bị làm giả và chúng tôi biết chúng là giả mạo, tôi tin rằng máy chủ bị quân đội thu giữ sẽ chứng minh điều đó. Tôi tin rằng Tòa án Tối cao sẽ đưa ra quyết định. Những thẩm phán như Sullivan sẽ cố gắng bảo vệ mình và nhiều người sẽ bào chữa cho nhau rằng, “tôi không biết điều này, tôi không biết điều kia”. Phiên tòa Nürnberger (Tòa án quốc tế) sẽ được sử dụng và những người đó có thể sẽ nói rằng “có người bảo tôi làm điều đó, rằng Tổng thống Obama biết tôi đã làm điều
đó và ông ấy đã để tôi làm điều đó, hoặc Phó Tổng thống Biden biết những gì tôi đã làm và ông ấy để tôi làm điều đó”. Họ sẽ buộc tội lẫn nhau.
Trung tướng McInerney nói rằng, có người đã lái xe tải chở đầy các lá phiếu đến 5 hoặc 6 tiểu bang chiến trường, có những lá phiếu không có một chút vết nhăn nào cả. Các lá phiếu bầu mà họ cố gắng tạo ra cho khớp với các con số. Họ biết họ cần những phiếu bầu này và sau đó thực hiện chúng theo thời gian thực. Con số trên máy tính dễ dàng được điều khiển và họ chỉ cần thay đổi các con số. Người của Đảng Dân chủ sẽ nâng các con số lên, đó chỉ là các con số trên máy tính.
Ông McInerney nhấn mạnh rằng, không nên sử dụng cách bỏ phiếu bầu qua thư trong bầu cử, các điểm bỏ phiếu nên để công khai và phải bảo đảm có nhiều giám sát viên. “Chúng ta không thể cho phép các thẩm phán và các nhà lập pháp phớt lờ luật pháp đến vậy, họ phải kiểm soát việc [bầu cử] này. Điều này là khả thi, nhưng tôi tin rằng, Đảng Dân chủ sẽ cố gắng hết sức để chống lại nó và họ sẽ coi đó là chính trị”. Ông nhắn nhủ người dân Mỹ phải yêu cầu Tổng thống ở lại Tòa Bạch Ốc cho đến khi những gian lận được đưa ra ánh sáng, “vì đây là hành động phản quốc và đảo chính chống lại chính phủ Mỹ. Chúng ta không thể chấp nhận điều này”.
Người điều hành: Đây là Trung tướng 3 sao McInerney. Hãy kiểm tra lý lịch của ông ấy. Tôi sẽ không nhắc lại điều đó tối nay. Ông ấy là Trung tướng 3 sao Thomas McInerney, bạn của tôi. Ông ấy không phải là người nói phóng đại.
Thượng nghị sĩ Paul cáo buộc tình trạng ‘gian lận’ thống kê ở 4 tiểu bang chiến địa
Nam Sơn
Thượng nghị sĩ tiểu bang Kentucky, ông Rand Paul hôm Chủ nhật (29/11 theo giờ Mỹ) đã chỉ ra một phân tích dữ liệu cáo buộc sự bất thường thống kê xảy ra ở bốn tiểu bang chiến trường vào đêm ngày bầu cử (4/11), theo The Epoch Times.
Phân tích sơ bộ, dường như tương thích với kết quả thu thập số liệu của chuyên gia dữ liệu Justin Hart, cho biết ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden đã có một số đợt “tăng vọt phiếu bầu” ở ba tiểu bang Michigan, Wisconsin và Georgia vào đêm ngày bầu cử, cho phép ông vượt qua Tổng thống Donald Trump.
Các tác giả phân tích viết:
“Mặc dù kết quả phân tích dữ liệu không thể chứng minh được gian lận hoặc các lỗi thể chế, nhưng nó có thể chỉ cho chúng ta những trường hợp bất thường về mặt thống kê vốn cần được xem xét kỹ lưỡng hơn”.
“Phân tích của chúng tôi cho thấy rằng một số kết quả cập nhật phiếu bầu ở các tiểu bang cạnh tranh có quy mô lớn bất thường và có tỷ lệ so sánh phiếu bầu của Biden với Trump cao bất thường.
Họ tuyên bố có thể chứng minh được rằng kết quả thực tế khá khác biệt so với kết quả đáng nhẽ xảy ra theo diễn tiến thông thường. Sự khác biệt này gây ra lo ngại nghiêm trọng.
Các nhà phân tích cũng cho rằng có sự bất thường xảy ra ở Pennsylvania.
Paul, thượng nghị sĩ của Kentucky, đã chia sẻ phân tích này trên Twitter.
Thượng nghị sĩ Paul đề cập đến khoảng thời gian lợi thế dẫn trước của TT Trump trước Biden bị lật ngược ở 4 tiểu bang khác nhau, đều vào lúc 1:34-6:31 sáng. Ông cho rằng đây là dấu hiệu gian lận, chứ không thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên.
Twitter đã ngay lập tức đính kèm một cảnh báo vào dòng tweet của vị thượng nghị sĩ, nói rằng “tuyên bố bầu cử gian lận của vị TNS này thực chất còn đang tranh cãi”. Sau đó Twitter trỏ liên kết đến một trang thông tin nhận định các trường hợp gian lận cử tri là “cực hiếm”.
TT Trump trước đó vào Chủ nhật cho biết các nhà lãnh đạo thế giới đã gọi điện vào đêm bầu cử để chúc mừng ông, vì dữ liệu lúc đó cho thấy ông đang trên đà giành chiến thắng.
TT Trump tuyên bố “cuộc bầu cử này lúc đó lẽ ra đã kết thúc”. Nhưng ông cáo buộc có một lượng lớn các phiếu bầu cho ông đã bị hủy; những chồng phiếu lớn, vô cùng nhiều, ở Michigan, Pennsylvania, và ở khắp mọi nơi.
Ông tiếp tục:
“Nếu xem qua — chỉ cần xem qua tất cả các tiểu bang mà chúng ta đang nói đến, tất cả các tiểu bang chiến trường mà chúng ta đang nói đến. Và họ đã bỏ đi lượng lớn phiếu bầu, một lượng phiếu bầu khổng
lồ. Và thế là, đột nhiên tôi đã đi từ chiến thắng cách biệt thành thua sát sao”, ông Trump nói trong cuộc phỏng vấn với đài Fox News.
Người Việt và Hoa cùng đọc Đại Kỷ Nguyên và ủng hộ TT Trump đến cùng?
Hiện tượng “ủng hộ Donald Trump tới cùng” không chỉ xảy ra với một số nhà hoạt động và cư dân mạng Việt Nam mà còn là điều đang diễn ra ở giới người Hoa hải ngoại.
Biden đề cử Janet Yellen làm bộ trưởng ngân khố Hoa Kỳ
TQ ăn miếng trả miếng, leo thang thương chiến với Mỹ
Biden công bố đội ngũ báo chí cấp cao toàn nữ
Theo tìm hiểu của BBC, nhà đấu tranh khiếm thị Trần Quang Thành, và nhà hoạt động Bob Fu đều liên tục chia sẻ các đoạn tin nhắn cho là Tổng thống Donald Trump “tái đắc cử” sau bầu cử đầu tháng 11 ở Hoa Kỳ.
Họ cũng tin vào các cáo buộc của bà Sidney Powell rằng “tiền cộng sản” từ Trung Quốc và Cuba đã góp phần “biến cuộc bầu cử tại Mỹ thành trò lừa đảo”.
Nhưng đây không phải là các ý kiến riêng lẻ mà có vẻ như là một phần của dòng thông tin đã có từ lâu, được các báo chống Cộng sản của người Hoa hải ngoại nuôi dưỡng.
Một trong số các cơ quan truyền thông đó là The Epoch Times, có bản tiếng Việt là Đại Kỷ Nguyên.
Điểm chung của những người đọc các trang báo này là thái độ ngay lập tức lên án, đả phá bất cứ cơ quan truyền thông nào đưa tin khác họ về hai ông Trump và Biden.
Một nhà báo của BBC News Tiếng Trung tại London cho hay:
“Chiến dịch tin sai lệch (misinformation campaign của cơ quan truyền thông do Pháp Luân Công tài trợ này, cũng như một số cơ quan truyền thông của phe bất đồng chính kiến Trung Quốc khác ở hải ngoại là hiện tượng tràn ngập. Các kênh của BBC News Tiếng Trung bị tấn công bằng hàng nghìn lời bình luận phỉ báng, xúc phạm mỗi khi chúng tôi nói đến ông Biden như tổng thống đắc cử.
Vẫn thuyết âm mưu này được cộng đồng bất đồng chính kiến (người Hoa) ở hải ngoại, cùng một số ở Hong Kong, và Đài Loan tin theo. Điểm chung là họ cùng chia sẻ sự căm ghét với chế độ của Đảng Cộng sản ở Trung Quốc, và sự tuyệt vọng khi thấy Trump, người họ cho là ‘đấng cứu thế’ chống lại sự áp bức của cộng sản, hiện đang phải rời nhiệm sở.”
Nhà báo của BBC News Tiếng Trung cũng cho hay có sự hợp tác giữa ông Quách Văn Quý (Miles Kwok) và cựu cố vấn của TT Trump, ông Steve Bannon, khi họ cùng nhau “tung ra tin theo kiểu thuyết âm mưu rằng Covid-19 là vũ khí sinh học của Trung Quốc”, hoặc “Joe Biden là gián điệp của Tập Cận Bình”.
Báo Đại Kỷ Nguyên, bản tiếng Anh (The Epoch Times) được phát không cho người đọc tại Anh, Úc.
Theo trang ABC News (09/10/2020) bài của Epoch Times có hai điểm nổi bật: chống Đảng Cộng sản TQ và ủng hộ Donald Trump.
ABC cho hay các phân bộ của Epoch Times tổ chức meeting ở cả New Zealand, Nhật Bản, Tây Ban Nha và Ý.
Hồi tháng 6/2020, một tờ báo địa phương mở miền Bắc nước Anh, tờ Prolific North có bài nói báo Epoch Times được gửi tới nhà người dân trong vùng.
Nhìn chung, trang Epoch Times được cho là cùng dòng tin tức báo chí “cực hữu”, theo một bài trên New York Times hôm 24/10/2020.
Tờ báo Mỹ nói từ 2016, Epoch Times do Pháp Luân Công ủng hộ, “đã dùng các chiến thuật của Facebook một cách hung hãn và thông tin sai lệch dạng thiên hữu để tạo ra một đế chế truyền thông chống Trung Quốc, ủng hộ Trump”.
Tác động mạnh đến người Việt?
Trong thời gian Hoa Kỳ tổ chức bầu cử tháng 11/2020, nhiều trang Facebook tiếng Việt chia sẻ lại các bài, đôi khi còn nguyên phần tiếng Trung, từ các trang của Đại Kỷ Nguyên hoặc từ phần bình luận của người đọc.
Điểm dễ thấy của mọi bình luận hoặc “tin tức”, bài video thuộc loại này là ủng hộ tối đa Tổng thống Trump và coi ông Joe Biden là “ăn tiền Trung Quốc cộng sản”.
Đa số các bài này, gồm cả một số bài trên báo chính thống ở Việt Nam không nói gì về truyền thống công bố kết quả bầu cử sau đếm phiếu (calling the race) đã có trong chính trị Mỹ từ năm 1858, mà gợi ý rằng đặc biệt năm nay ‘truyền thông cánh tả’ lập ra một âm mưu công bố trước khi các phiếu cử tri đoàn tụ về vào tháng 12.
Cuộc chiến pháp lý đang dần hụt hơi của TT Trump nhằm đảo ngược kết quả bầu cử xem ra không làm nản lòng các tác giả viết trên Đại Kỷ Nguyên.
Đặc biệt, giống như một số trang web theo thuyết âm mưu ở châu Âu thường mang màu sắc ‘tận thế’ (apocalyptic vision) hoặc ‘cuộc chiến sinh tử cuối cùng’ của nhân loại giữa Thiện và Ác, Đại Kỷ Nguyên nói về chính trị hiện thời nhưng kèm theo lập luận của lý số, tử vi, và tính tâm linh.
Hôm 30/11/2020, trang Đại Kỷ Nguyên (dkn.tv) bản tiếng Việt có bài với tựa đề “Bậc thầy tử vi khẳng định: TT Trump có lá số vô địch thiên hạ, Biden khó sống qua năm 2021”.
Tác giả bài báo ký tên là Thanh Ngọc trích dẫn một thầy tử vi ở California, Hoa Kỳ nói “TT Trump nhất định tái đắc cử, hơn nữa còn là nhà lãnh đạo “không có đối thủ” trên toàn thế giới”.
Bài được gần 8000 lượt xem sau 9 giờ đăng tải.
Vẫn trang web này có “phóng sự” TV nói về cuộc chiến pháp lý của TT Trum như một phần của cuộc “đại chiến toàn cầu”.
Tựa đề của phần video là “Cuộc chiến toàn cầu giữa ‘Đại tái thiết’ và ‘Đại thức tỉnh’, không ai ngoại lệ”.
Một bài khác lên án “truyền thông khuynh tả bất chính” đang tìm cách hạ bệ TT Trump.
Một bài khác cho rằng ngay từ 1984, một điệp viên Nga đã “tiết lộ âm mưu” dùng Joe Biden để phe XHCN “chiếm lĩnh Hoa Kỳ” năm 2020.
Bài báo đi ngược về quá khứ, cho rằng năm 1964 đã có kế hoạch của TBT Đảng CS LX Nikita Khrushchev muốn “lật đổ Hoa Kỳ”.
Dù là viết và đọc bằng tiếng Việt, cách hành văn mang rõ một sắc thái Hán văn với từ ngữ quen thuộc của văn học võ lâm đặc trưng của Trung Hoa thời xưa.
Chẳng hạn TT Trump được mô tả là có “chân mệnh đế vương”.
Một bài về ông Joe Biden dùng luôn cả tựa đề trích từ Phong thần Diễn nghĩa, tác phẩm thuộc thể loại fantasy được cho là của Hứa Trọng Lâm và Lục Tây Tinh vào thế kỷ 16.
Theo BBC News Tiếng Việt tìm hiểu thì người đọc ở Việt Nam có thể tiếp cận trang web và kênh TV trên mạng xã hội của Đại Kỷ Nguyên bình thường.
Trang này đăng tin tức cập nhật về Việt Nam, từ vụ xử tướng Nguyễn Đức Chung đến vụ ‘bán bằng’ ở Đại học Đông Đô những ngày qua.
Thậm chí phát biểu gần đây của Bộ trưởng Giáo dục Phùng Xuân Nhạ ở Đắc Lắc về bộ sách Cánh Diều cũng được nói đến.
Đại Kỷ Nguyên và Tân Đường Nhân
Nhiều bài của Đại Kỷ Nguyên, trang web có tiêu chí ghi là Trung thực và Truyền thống, hoặc là bản sao hoặc trích đoạn bài gốc bằng chữ Hán của trang Tân Đường Nhân (NTD – New Tang Dynasty), cùng một chủ sở hữu và phát hành.
Ví dụ bài ký tên Vũ Dương viết rằng “Tổng thống Trump nhắn tin hình sư tử” đã đặt đường dẫn tới bài gốc tiếng Trung ‘Sư tử chiến liệp cẩu’ của Lý Vân Tống, trên trang NTDTV.
Đặc trưng của các trang này, ngoài thời sự là mục Y tế, nói nhiều về các phương thuốc họ mô tả là “có tác dụng kỳ diệu”, như “người bại liệt sau bảy năm đứng dậy đi được”.
Các bài phân tích, bình luận trên hai trang này, bản tiếng Việt chỉ trích trực diện Đảng Cộng sản Trung Quốc, như bài ‘ĐCS TQ kích động thù hận ra sao?’ hoặc nói đảng này chỉ đến 2024 là “diệt vong”.
Tuy nhiên, cả hai trang báo hoàn toàn không bình luận gì về Đảng Cộng sản Việt Nam và các lãnh đạo đảng này.
Ngôn từ ‘chống Cộng sản’ nếu có, chỉ xuất hiện ở đôi chỗ, ví dụ như bài ‘Thôi bối đồ’ nói về Đài Loan và kế hoạch “khôi phục Đại lục, trục xuất bóng ma chủ nghĩa Mác-Lênin đến từ phương Tây, giải cứu đồng bào Đại Lục bị ĐCSTQ bắt cóc…”
Trang Tân Đường Nhân cho hay, họ là cơ quan truyền thông thuộc tập đoàn EMG, ra đời năm 2001:
“Tân Đường Nhân tin tưởng một thế giới toàn vẹn phải dựa trên truyền thông chính xác và trung thực. Đó là lý do chúng tôi cống hiến hết mình để cung cấp sự thật và làm sáng tỏ những vấn đề xã hội quan trọng. Không đại diện cho các nhóm lợi ích, chúng tôi đưa ra thông tin khách quan, cung cấp một bức tranh toàn cảnh, thể hiện trách nhiệm của chúng tôi đối với xã hội.
Chúng tôi cũng mang đến những câu chuyện vượt thời gian tôn vinh các giá trị phổ quát của nhân loại. Tinh thần tích cực, sự kiên cường và hy vọng là tài sản quý báu của con người. Đó là lý do tại sao chúng tôi làm hết sức mình để xuất bản những nội dung cảm động, giàu thông tin ý nghĩa, giúp độc giả trau dồi tri thức và bồi dưỡng tâm hồn bằng tình yêu thương, sự lương thiện, lòng trắc ẩn và sự chính trực. Chúng tôi tin rằng đó là cách chân thành nhất để cùng độc giả kiến tạo một tương lai tốt đẹp hơn…” trang web cho biết ở địa chỉ ntdvn.com dành cho độc giả tiếng Việt.
Covid-19: Vụ tai tiếng Remdesivir giữa Liên Âu và Gilead
Thùy Dương
Ngày 20/11/2020, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) khuyến cáo không nên sử dụng thuốc Remdesivir của tập đoàn dược phẩm Mỹ Gilead để chữa trị cho bệnh nhân Covid-19, bất kể mức độ nghiêm trọng của bệnh.
Theo WHO, không có bằng chứng nào cho thấy Remdesivir làm tăng cơ may sống cho bệnh nhân, hay giúp bệnh nhân tránh khỏi nguy cơ phải dùng máy trợ thở, trong khi chi phí điều trị rất cao và việc sử dụng thuốc phức tạp (vì phải tiêm tĩnh mạch), thậm chí Remdesivir có thể gây tác dụng phụ đáng kể, đặc biệt là gây suy thận cấp. Nhưng đối với châu Âu, khuyến cáo của WHO « đến quá trễ » : Thông qua Ủy Ban Châu Âu, 35 nước đã ký hợp đồng đặt mua hơn 500.000 liều Remdesivir của Gilead với một số tiền khổng lồ.
Remdesivir là gì ?
Remdesivir của tập đoàn Gilead của Mỹ, được lưu hành với tên thương mại Veklury, thực chất là thuốc kháng virus, ban đầu được phát triển để điều trị bệnh do virus Ebola gây ra. Hồi đầu năm 2020, khi dịch Covid-19 mới bùng phát, Remdesivir được thế giới biết đến như một phương thuốc điều trị Covid-19 hiệu quả. Đây chính một trong những loại thuốc điều trị cho tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông bị nhiễm virus corona.
Tại Liên Âu, cho đến đầu tháng 10, Remdesivir và Dexamethasone vẫn là hai loại thuốc duy nhất được Bruxelles cho phép sử dụng để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thể nặng. Cuối tháng 10, Gilead thông báo Remdesivir đã mang lại cho tập đoàn Mỹ 900 triệu đô la chỉ tính riêng trong quý 3/2020. Thuốc này được coi là « con gà đẻ trứng vàng » cho Gilead.
Chiến lược của Gilead để mang lại thành công cho Remdesivir
Làm thế nào các nước khắp nơi trên thế giới lại mua một loại thuốc trị Covid-19 chưa được chứng minh là có hiệu quả với cái giá rất cao ? Le Monde gọi đó là « câu chuyện Remdesivir », với chiến lược khoa học và chiến lược thương mại của Gilead.
Về khoa học, hồi tháng 2, Gilead đã cho thử nghiệm Remdesivir trên 237 bệnh nhân ở tâm dịch Vũ Hán, Trung Quốc. Dù niềm hy vọng đặt vào Remdesivir là rất lớn, nhưng kết quả thử nghiệm lại không cho thấy thuốc này làm giảm tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân Covid-19.
Khôn khéo hơn ở lần thử nghiệm thứ hai, Gilead cho tiến hành trên 1.000 bệnh nhân ở Mỹ và thay đổi tiêu chí đánh giá, không thử nghiệm về hiệu quả của thuốc trong việc giảm tỉ lệ tử vong, mà lần này tập đoàn Mỹ hướng tới xác định xem Remdesivir có giúp bệnh nhân hồi phục sớm hơn hay không. Đến cuối tháng 4, kết quả được công bố : Remdesivir không làm giảm tỉ lệ tử vong, nhưng rút ngắn thời gian cần thiết để bệnh nhân hồi phục : từ 15 ngày còn khoảng 11 ngày.
Chính là dựa trên kết quả này mà vào ngày 01/05, Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm của Hoa Kỳ (FDA) đã cấp giấy phép khẩn cấp cho lưu hành Remdesivir trên thị trường với tên thương mại là Veklury. Chỉ 2 ngày sau, Gilead thông báo « trao » toàn bộ 1,5 triệu liều Remdesivir có sẵn trong kho để điều trị cho bệnh nhân ở Mỹ. Nối gót FDA, ngày 25/06, Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) bật đèn xanh cho Remdesivir được lưu hành trên thị trường châu Âu kèm theo một số điều kiện.
Còn về chiến lược thương mại, cuối tháng 6, Gilead thông báo giá bán 390 đô la/liều. Một liệu trình điều trị cần 6 liều thuốc, với tổng trị giá 2.340 đô la. Trong khi đó, theo tính toán của một nhóm nhà nghiên cứu Mỹ, Úc và Pháp, tổng chi phí sản xuất của Gilead chỉ là 0,93 đô la/liều (5,58 đô la cho liệu trình 6 liều), thấp hơn 420 lần so với giá tập đoàn bán ra trên thị trường. Đó là chưa kể Gilead đã được nhận khoản tiền đầu tư khoảng 70 triệu đô la từ nhà nước để phát triển Remdesivir.
Biện minh cho giá « đắt như vàng » của Remdesivir, Gilead lập luận là cứ mỗi bệnh nhân được ra viện sớm hơn sẽ cho phép tiết kiệm khoảng 12.000 đô la (dựa theo mức chi phí y tế ở Mỹ). Cách tính toán tương tự cũng đã từng được Gilead áp dụng để định giá bán thuốc sofosubir (tên thương mại là Sovaldi) trị bệnh viêm gan C : 84.000 đô la/liệu trình điều trị. Khi đó, một báo cáo của Thượng Viện Mỹ đã chỉ trích chiến lược marketing của Gilead là chỉ nhằm « tối đa hóa lợi nhuận ».
«Vụ tai tiếng Remdesivir » của Liên Âu
Lần đầu tiên Ủy Ban Châu Âu ký hợp đồng mua Remdesivir của Gilead là với nguồn tiền từ quỹ hỗ trợ khẩn cấp của Bruxelles vào cuối tháng 07 : 30.000 liệu trình (180.000 liều thuốc), với tổng trị giá 63 triệu euro.
Gilead đã bán cho Liên Âu thuốc với giá cao tương tự như ở Mỹ. Theo ông Jean-Pierre Thierry, cố vấn y khoa của France Assos Santé, liên minh các hội đoàn bệnh nhân tại Pháp và thành viên của Ủy ban Minh bạch thuộc Cơ quan Y tế Cấp cao của Pháp (HAS), nếu là thương lượng trực tiếp giữa Gilead với Paris, thì không đời nào Pháp mua Remdesivir với « cao ngất ngưởng » như Ủy Ban Châu Âu chấp thuận. Thuốc được Ủy ban châu Âu phân phối cho các nước, trong đó có Pháp, theo 2 đợt (tháng 8 và 9).
Rất nhanh sau đó, trong khi Pháp rất ít sử dụng Remdesivir, thì nhiều nước như Hà Lan, Anh, Ba Lan, Ý, Tây Ban Nha đều báo động nguy cơ khan hiếm Remdesivir. Để giúp các nước có thể mua thêm thuốc của Gilead, Ủy Ban Châu Âu ngày 07/10/2020, đại diện cho 37 nước (trong đó có cả Albania, Kosovo, Serbia, Bosnia-Herzégovina …), đã ký thỏa thuận thứ 2 với tập đoàn Mỹ, để các nước có thể mua đến hơn 500.000 liều Remdesivir, nhưng lần này các nước tự quyết số lượng thuốc mua, tự chi tiền và ký đơn đặt hàng với Gilead. Riêng Pháp không tham gia thỏa thuận chung này, có lẽ dựa trên đánh giá của Ủy ban Minh bạch thuộc Cơ quan Y tế Cấp cao của Pháp.
Trên trực tế, vẫn theo Jean-Pierre Thierry, thành viên của Ủy ban Minh bạch thuộc Cơ quan Y tế Cấp cao của Pháp, hồi tháng 7, sau khi Pháp cấp giấy phép tạm thời cho phép sử dụng Remedisir, Gilead đã đề xuất Ủy ban này định giá thuốc, đổi lại tập đoàn Mỹ hứa sẽ hoàn một phần tiền cho Pháp. Vấn đề là theo đánh giá của Ủy ban Minh bạch thuộc Cơ quan Y tế Cấp cao của Pháp, Remdesivir không mấy hiệu quả với bệnh nhân Covid-19. Vì kết quả đó mà Gilead từ chối hoàn tiền thuốc cho Pháp.
Cũng cần nói thêm là chiến dịch thử nghiệm Discovery, trong khuôn khổ chương trình nghiên cứu Solidarity về hiệu quả thuốc Remdesivir, ban đầu là thử nghiệm của riêng Pháp, trước khi được triển khai rộng ở châu Âu. Chính vì thế, theo bà Marie-Paule Kieny, giám đốc nghiên cứu của Viện Sức Khỏe Và Nghiên Cứu Y Khoa Quốc Gia của Pháp (INSERM), thành viên ủy ban điều hành thử nghiệm Solidarity, Pháp đặc biệt lưu ý đến kết quả thử nghiệm Remdesivir hơn các nước khác và thận trọng hơn trong việc sử dụng loại thuốc này.
Trở lại với thỏa thuận của Liên Âu với Gilead, trong bài viết đăng ngày 27/11/2020, các nhà báo điều tra của Le Monde khẳng định Gilead đã bán thuốc kháng virus Remdesivir cho Ủy Ban Châu Âu trong khi biết rõ là các thử nghiệm cho thấy thuốc này không có hiệu quả trị Covid-19. Cụ thể, Gilead đã nhận được báo cáo, theo đó Tổ Chức Y Tế Thế Giới, sau khi nghiên cứu kết quả thử nghiệm lâm sàng với 2.750 bệnh nhân, đã kết luận Remdesivir không giúp bệnh nhân tránh tử vong hay sớm hồi phục sức khỏe.
Theo luật, Gilead có thời hạn nhất định để phản hồi kết quả nghiên cứu của WHO. Và chính trong khoảng thời gian « giấu nhẹm » thông báo của WHO, không thông tin cho Liên Âu về kết quả nghiên cứu nói trên, Gilead đã ký được hợp đồng với châu Âu. Đáng tiếc là Bruxelles cũng không nhận được báo cáo của WHO. Theo điều tra của Le Monde, trong khuôn khổ thỏa thuận giữa Liên Âu và Gilead, đã có 35 nước ở châu Âu đặt mua đến 640.000 liều Remdesivir với giá trên 220 triệu euro, và theo các điều khoản hợp đồng, họ không thể hủy đơn đặt hàng, không thể thương lượng lại về giá thuốc.
Dường như sự lo sợ thái quá của các nước, sự hấp tấp của Ủy Ban Châu Âu, sự thiếu minh bạch của Gilead, cũng như thiếu phối hợp thông tin nghiên cứu giữa Tổ Chức Y Tế Thế Giới với Liên Âu, đã góp phần tạo nên vụ tai tiếng Remdesivir, khiến 35 nước châu Âu « hao tiền tốn của » cho một loại thuốc không mấy tác dụng !
NATO kêu gọi thành viên cần chú ý nhiều hơn vào thách thức từ Trung Cộng
Tin Brussels, Bỉ – Theo báo cáo sắp được công bố vào thứ Ba, 1 tháng 12, về kế hoạch cải tổ NATO, giới chuyên gia cho rằng liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương nên chú ý nhiều hơn vào Trung Cộng và tiềm lực quân sự của nước này, dù Nga sẽ vẫn là đối thủ chính của NATO trong thập niên hiện tại.
Bản báo cáo NATO 2030, với 138 đề nghị, được công bố giữa lúc mục tiêu tồn tại của tổ chức này đang bị nghi ngờ. Một nhà ngoại giao NATO đã được đọc báo cáo mới cho biết, Trung Cộng không còn là đối tác đáng tin cậy mà phương Tây từng hy vọng. Đây là một cường quốc đang phát triển mạnh trong thế kỷ này, và NATO cần phải thay đổi để thích nghi với tình hình mới. Báo cáo cũng nhắc đến các hoạt động của Trung Cộng tại Bắc Cực và Châu Phi, và cả sự đầu tư mạnh mẽ của Trung Cộng vào cơ sở hạ tầng châu Âu.
Theo đề nghị của báo cáo, NATO phải duy trì ưu thế kỹ thuật trước Trung Cộng, bảo vệ mạng lưới điện toán và hạ tầng, phát triển quan hệ với những quốc gia không phải là thành viên NATO, và tập trung thêm vào năng lực chiến đấu trong không gian.
Trong bình luận vào thứ Hai, trước khi công bố báo cáo, Tổng thư ký NATO, Tướng Jens Stoltenberg, nói rằng sự phát triển của Trung Cộng đã gây ra thách thức lớn cho các quốc gia trong liên minh. Theo vị tướng này, Trung Cộng đang đầu tư mạnh tay cho việc phát triển vũ khí, mở rộng ảnh hưởng từ Bắc Cực đến châu Phi. Trong khi đó, Bắc Kinh lại không có cùng quan niệm sống với xã hội phương Tây, và đang tìm cách đe dọa nhiều nước khác. Do đó, Tướng Stoltenberg kêu gọi các thành viên NATO cần hợp sức để đối phó tình hình này. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/nato-keu-goi-thanh-vien-can-chu-y-nhieu-hon-vao-thach-thuc-tu-trung-cong/
NATO muốn sớm tổ chức thượng đỉnh với tân tổng thống Mỹ
Trọng Thành
Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) muốn nhanh chóng sang trang thời kỳ Donald Trump, để hàn gắn quan hệ giữa Mỹ và Châu Âu. Hôm qua, 30/11/2020, tổng thư ký NATO thông báo sẽ sớm gửi lời mời đến tân tổng thống Mỹ, ngay sau khi ông Joe Biden nhậm chức ngày 20/01/2020.
Thông tín viên Pierre Bénazet tường trình từ Bruxelles :
« Tổng thư ký khối NATO, ông Jens Stoltenberg, đã không đợi lâu để gửi lời chúc mừng tổng thống tân cử Joe Biden, bất chấp nguy cơ khiến tổng thống mãn nhiệm Donald Trump phật lòng. Việc NATO chính thức mời tổng thống Mỹ tương lai tham gia thượng đỉnh, được tổ chức ngay sau khi ông nhậm chức, không chỉ gắn liền với việc các đồng minh NATO cảm thấy nhẹ nhõm sau khi tổng thống mãn nhiệm ra đi. Đó là một vị tổng thống từng coi NATO là hết thời, và liên tục đưa ra các nhận định trống đánh xuôi, kèn thổi ngược về quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương.
Cứ như là một lịch trình ngẫu nhiên, ngày thứ Ba 01/12, ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tham gia vào cuộc họp lần cuối với các ngoại trưởng NATO, với chủ đề là bàn cách thúc đẩy suy nghĩ về tương lai của NATO. Đối với các đồng minh NATO, thời điểm để nối lại quan hệ giữa hai bên bờ Đại Tây Dương cuối cùng đã đến, trong lúc tổng thống mãn nhiệm Donald Trump vừa tuyên bố rút quân Mỹ khỏi lực lượng của NATO tại Afghanistan, quyết định được coi như món quà từ biệt tẩm thuốc độc của ông Trump dành cho các đồng minh. Đây là một trong số nhiều chủ đề mà các đồng minh NATO dự định sẽ sớm nêu ra với Joe Biden, vị tân tổng thống mà họ trông đợi, với hy vọng tái lập sự tin cậy trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương trong lĩnh vực quốc phòng ».
Khí hậu: Tòa án châu Âu ‘‘ưu tiên’’ xem xét vụ kiện của giới trẻ Bồ Đào Nha
Trọng Thành
Hôm qua, 30/11/2020, Tòa án Nhân quyền châu Âu (CEDH) thông báo sẽ ưu tiên xem xét hồ sơ vụ kiện « chưa từng có » của 6 thanh thiếu niên Bồ Đào Nha, cáo buộc 33 quốc gia châu Âu không thực thi cam kết chống biến đổi khí hậu. Nhiều nhà hoạt động môi trường khẳng định đây là một thành công đầu tiên của vụ khiếu kiện lịch sử này.
Ngày 03/09/2020, 6 thanh thiếu niên Bồ Đào Nha, tuổi từ 8 đến 21, đã đệ đơn kiện lên Tòa CEDH, cáo buộc các nước châu Âu không thực thi các cam kết về khí hậu, « khiến cuộc khủng hoảng khí hậu hiện nay thêm trầm trọng, gây nguy hiểm cho các thế hệ tương lai ». Ngoài 27 nước Liên Hiệp Châu Âu, 6 nước châu Âu còn lại là Na Uy, Thụy Sĩ, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Anh và Ukraina. Theo các nguyên đơn, 33 quốc gia nói trên vi phạm nhiều điều khoản của Công ước Nhân quyền châu Âu, trong đó có điều 2, « quyền được sống ».
Đọc thêm : Công lý khí hậu: Biến chuyển lớn về pháp lý quốc tế gần đây
Trả lời AFP, Thomas Manrique, một nhà nghiên cứu về luật công, đại học Paris 1 khẳng định « đây là lần đầu tiên tòa án Châu Âu đối mặt với một vụ kiện quy mô lớn như vậy », cho dù đây không phải là lần đầu tiên Tòa CEDH xét xử các vụ kiện về thiệt hại môi trường. Theo tổ chức phi chính phủ Anh Global Legal Action Network (GLAN), hậu thuẫn cho nhóm trẻ Bồ Đào Nha nói trên, « đây là một thành công đầu tiên ». Thông báo của GLAN giải thích : « Đa số các vụ kiện lên tòa án Strasbourg không đạt đến giai đoạn này. Quyết định này là một giai đoạn quan trọng hướng đến một phán quyết quan trọng về vấn đề biến đổi khí hậu ».
Tuy nhiên, theo một chuyên gia về luật châu Âu, ông Nicolas Hervieu, thành công này không hề bảo đảm là vụ kiện sẽ thành công. Vụ kiện vẫn có thể bị Tòa án Nhân quyền châu Âu gạt ra, do không thỏa mãn « điều kiện tiên quyết », tức là nguyên đơn phải chứng minh đã sử dụng hết mọi khả năng khiếu kiện tại từng quốc gia. Để lách quy định này, các nguyên đơn lưu ý đến việc họ là những người « xuất thân từ các gia đình nghèo », nên không thể thực hiện các thủ tục khiếu kiện tại 33 quốc gia, bởi việc này đòi hỏi các chi phí khổng lồ. Sáu thanh thiếu niên Bồ Đào Nha cũng nhấn mạnh là « câu trả lời hiệu quả » phải « xuất phát từ một định chế tư pháp chung cho tất cả các quốc gia thành viên, bởi tòa án của mỗi nước không thể đưa ra các phán quyết về chính Nhà nước mình ».
Công lý khí hậu: Chính quyền trên ghế bị cáo
Dù vụ kiện này có kết quả hay không, chính quyền các nước, trung ương cũng như địa phương, sẽ còn tiếp tục phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện, với cáo buộc không hành động đủ để hạn chế khí thải. Tại Pháp, ngày 19/11, Tham Chính Viện gia hạn cho chính quyền 3 tháng để trả lời khiếu nại. Đầu năm 2019, bốn tổ chức phi chính phủ, trong đó có Greenpeace và Oxfam, kiện chính quyền Pháp đã không thực hiện mục tiêu cắt giảm khí thải như đã cam kết. Hai triệu người đã ký tên ủng hộ « Vụ Kiện Thế Kỷ ».
Trong lĩnh vực công lý khí hậu, năm 2019, giới bảo vệ môi trường đã từng thu được một thắng lợi lịch sử: Tháng 12/2019, Tòa án Tối cao Hà Lan xử thắng cho hiệp hội Urgenda, một tổ chức phi chính phủ tranh đấu cho phát triển bền vững, trong vụ kiện chính quyền Hà Lan đã « hành động bất hợp pháp », khi không bảo vệ các quyền của công dân chiếu theo Công ước Nhân quyền châu Âu, thực hiện cắt giảm khí thải theo đúng cam kết.
Bốn cảnh sát Pháp ra hầu tòa xét xử vụ đánh người da đen
Tin từ Paris, Pháp – Vào hôm Chủ Nhật (29 tháng 11), bốn cảnh sát Pháp đã ra tòa để tham gia xét xử về vụ cảnh sát đánh người da đen ở Paris. Bốn cảnh sát này đã bị bắt giữ sau khi xuất hiện một video cho thấy họ đánh đập một nhà sản xuất âm nhạc da đen ở Paris.
Một nguồn tin thân cận với cuộc điều tra cho biết những cảnh sát kể trên phải điều trần trước thẩm phán vào khoảng giữa trưa, chỉ một ngày sau khi các cuộc biểu tình lớn nổ ra trên khắp nước Pháp nhằm phản đối sự bạo lực của cảnh sát và phản đối luật mới của chính phủ khi hạn chế chia sẻ hình ảnh của các cảnh sát.
Bốn cảnh sát này đã bị đình chỉ nhiệm vụ và đang bị bắt giữ bởi Tổng Thanh tra Cảnh sát Quốc gia (IGPN). Họ đang bị điều tra vì hành vi “bạo lực với động cơ kỳ thị chủng tộc” và lời khai không trung thực. Sự việc đã làm dấy lên lo ngại về việc kỳ thị chủng tộc có hệ thống trong lực lượng cảnh sát.
Các nhà bình luận nói rằng những hình ảnh của bốn cảnh sát này có thể không bao giờ được công khai nếu Điều khoản 24 của luật an ninh được đưa ra thành luật. Điều khoản này sẽ hình sự hóa việc công bố hình ảnh của các cảnh sát đang thi hành công vụ với mục đích làm tổn hại đến “sự toàn vẹn về thể chất hoặc tâm lý” của họ.
Dự luật đã được Hạ Viện thông qua nhưng đang chờ Thượng viện Pháp phê chuẩn. Vào hôm thứ Bảy, các cuộc đụng độ bạo lực đã nổ ra ở Paris khi những người biểu tình giận dữ chống lại dự luật an ninh. (BBT)
https://www.sbtn.tv/bon-canh-sat-phap-ra-hau-toa-xet-xu-vu-danh-nguoi-da-den/
Dân pháp biểu tình phản đối việc xây dựng trung tâm gởi hàng Amazon
Vào hôm thứ Bảy (29/11), hơn 1,500 người biểu tình tập trung gần nơi Amazon đang có kế hoạch xây dựng trung tâm hậu cần của họ ở Montbert, miền Tây nước Pháp. Cảnh sát ngăn những người biểu tình đang chơi nhạc cụ và hô hào tiến vào khu nhà.
Vào đầu tuần này, Bộ Tài chính Pháp cho biết họ gửi thông báo đến các công ty kỹ thuật lớn có trách nhiệm đóng thuế dịch vụ kỹ thuật số để yêu cầu đóng thuế theo kế hoạch vào tháng 12. Pháp đình chỉ việc thu thuế vào đầu năm nay trong khi các cuộc đàm phán đang được tiến hành tại Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về việc sửa đổi các luật thuế quốc tế. Mức thuế này sẽ ảnh hưởng đến các công ty như Facebook và Amazon.
Hồi năm ngoái, Pháp áp dụng mức thuế 3% doanh thu từ các dịch vụ kỹ thuật số do các công ty có doanh thu trên 25 triệu euro tại Pháp và 750 triệu euro trên toàn thế giới. Facebook cho biết lập trường của họ “là bảo đảm tuân thủ tất cả các luật thuế trong khu vực pháp lý nơi công ty hoạt động”, đồng thời cho biết thêm rằng họ nhận được hóa đơn thuế từ các cơ quan có thẩm quyền của Pháp. Amazon nhận được lời nhắc từ các nhà chức trách Pháp về việc nộp thuế và sẽ tuân thủ. (BBT)
https://www.sbtn.tv/dan-phap-bieu-tinh-phan-doi-viec-xay-dung-trung-tam-goi-hang-amazon/
Pháp : Đảng cầm quyền rút điều 24 trong luật ‘‘an ninh toàn diện’’
Trọng Thành
Điều 24 trong bộ luật « an ninh toàn diện » bị phản đối mạnh mẽ trong xã hội Pháp những ngày gần đây. Đảng cầm quyền Nước Pháp Tiến Bước hôm qua 30/11/2020, đã quyết định rút điều khoản này, để soạn thảo lại toàn bộ.
Họp báo tại Hạ Viện, lãnh đạo nhóm nghị sĩ đa số, đảng Cộng Hòa Tiến Bước, ông Christophe Castaner, khẳng định : « Ngay từ chiều nay, chúng tôi sẽ bắt tay vào làm việc, để đưa ra một văn bản hoàn toàn khác về điều luật này, nhằm gạt bỏ mọi mối hoài nghi ». Điều khoản 24 dự kiến trừng phạt những ai phổ biến các hình ảnh cảnh sát thi hành công vụ « với ý đồ xấu ». Ngay sau khi được Hạ Viện Pháp thông qua ngày 20/11, điều 24 này đã bị giới bảo vệ nhân quyền, phóng viên, giới chính trị gia thuộc nhiều đảng phái lên án là xâm phạm nghiêm trọng quyền tự do ngôn luận, đi ngược lại với luật tự do báo chí tại Pháp, có từ năm 1881.
Lãnh đạo đảng cầm quyền tại Hạ Viện cố gắng chứng tỏ là Hạ Viện sẽ soạn lại ngay lập tức điều khoản bị phản đối. Tuy nhiên, theo AFP, trên thực tế, hiện tại văn bản luật mà đảng cầm quyền quyết định soạn lại đã được gửi đến Thượng Viện, do đảng đối lập Những Người Cộng Hòa (LR) kiểm soát. Lãnh đạo nhóm thượng nghị sĩ LR tại Thượng Viện, ông Bruno Retailleau, cho biết : « Theo Hiến pháp, việc viết lại điều khoản này nằm trong thẩm quyền của Thượng Viện ». Theo các nhà quan sát, việc soạn lại điều 24 sẽ phải kéo dài nhiều tháng, do các bất đồng giữa đảng cầm quyền Cộng Hòa Tiến Bước, kiểm soát Hạ Viện và đảng đối lập LR, kiểm soát Thượng Viện.
Hôm Chủ Nhật, 28/11, hàng trăm nghìn người đã xuống đường tại hơn 70 thành phố trên toàn nước Pháp, để bảo vệ các quyền tự do, chống dự luật « an ninh toàn diện », chống nạn bạo lực của cảnh sát và chống nạn phân biệt chủng tộc. Các cuộc biểu tình đã quy tụ khoảng 500.000 người, theo các nhà tổ chức, 133.000 người, theo cảnh sát.
Covid-19: Pháp lên lịch trình cho chiến dịch tiêm chủng
Mai Vân
Hôm qua, 30/11/2020, các giới chức y tế Pháp đã công bố đường nét chính của chiến dịch tiêm chủng ngừa Covid-19, ưu tiên chích ngừa trước hết cho những người cao tuổi trong các viện dưỡng lão. Chiến dịch tiêm chủng mà chính phủ muốn thúc đẩy được cho là sẽ vấp phải nhiều thách thức, cả về kỹ thuật lẫn tâm lý.
Theo hãng tin Pháp AFP, trong một cuộc họp báo trực tuyến, bà Dominique Le Guludec, chủ tịch Hội Đồng Y Tế Cấp Cao (Haute autorité de santé – HAS) của Pháp khẳng định cần ưu tiên bảo vệ “những người dễ bị tổn thương nhất và những người chăm sóc họ”.
Trên tinh thần đó, Hội Đồng Y Tế Cấp Cao khuyến nghị rằng khoảng 750.000 người cao tuổi sống trong các viện dưỡng lão và nhân viên của các cơ sở này có “nguy cơ mắc bệnh nghiêm trọng” do tuổi tác hoặc sức khỏe nên được tiêm chủng trước tiên (90.000 – 100.000 người).
Từ khi dịch bệnh bùng lên, cư dân trong các viện dưỡng lão đã bị tác động rất nặng, với hơn 16.000 ca tử vong trên tổng số hơn 52.000 người chết vì Covid-19 tại Pháp cho đến nay, và với những hạn chế nghiêm ngặt về thăm viếng.
Kế hoạch do HAS đề xuất sau đó sẽ lần lượt đi theo bốn giai đoạn : tiêm phòng cho người cao tuổi (ưu tiên người từ 75 tuổi trở lên) cùng với nhân viên y tế, sau đó là những người trên 50 tuổi, kế đến là những người dễ nhiễm virus do tính chất công việc, cùng với những người nghèo khó có cuộc sống bấp bênh, và sau cùng là phần còn lại của dân chúng.
Tổng thống Emmanuel Macron từng đảm bảo rằng giai đoạn đầu tiên của chiến dịch tiêm chủng có thể sẽ bắt đầu từ cuối tháng 12/2020, đầu tháng 01/2021, tùy thuộc vào việc vac-xin có được giấy phép sử dụng hay không.
Theo AFP, thách thức về việc cung cấp và bảo quản vac-xin cũng rất lớn. Vac-xin của Pfizer và Moderna phải được cất giữ ở nhiệt độ cực thấp. Bên cạnh đó, chính quyền cũng phải thuyết phục người dân đồng ý tiêm chủng trong bối cảnh các cuộc thăm dò dư luận cho thấy dân chúng rất dè dặt.
Hơn 400 ca tử vong mới trong bệnh viện
Trong khi chờ đợi, đà lây lan của dịch bệnh tiếp tục chậm lại tại Pháp, với hơn 4.000 ca nhiễm mới được ghi nhận trong 24 giờ qua, thấp hơn rất nhiều so với mức đỉnh 60.000 ca vào đầu tháng 11.
Dịch Covid-19 cũng gây thêm 408 ca tử vong trong bệnh viện trong 24 giờ qua. Tổng số người chết ở Pháp kể từ khi dịch bắt đầu đến hôm qua lên đến 52.731 người, theo cơ quan Y tế Pháp.
WHO sẽ làm mọi cách để biết nguồn gốc của virus
Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới WHO hôm qua đã hứa sẽ làm mọi cách để tìm ra nguồn gốc của loại virus corona gây ra đại dịch Covid-19, bác bỏ cáo buộc rằng cơ quan này của LHQ đã quá dễ dãi đối với Trung Quốc.
“Chúng tôi muốn biết nguồn gốc và chúng tôi sẽ làm mọi thứ để biết”, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus hứa như trên. Ông nói: “Quan điểm của WHO là rất, rất rõ ràng: Chúng ta cần biết nguồn gốc của loại virus này, bởi vì nó có thể giúp chúng ta ngăn ngừa các dịch bệnh tương lai”.
Vì an ninh, Nhật sẽ loại 1000 máy bay không người lái Trung Quốc
Lục Du
Tokyo có kế hoạch thay thế dần khoảng 1000 máy bay không người lái nhập từ Trung Quốc bằng các mẫu mới do Nhật sản xuất nhằm ngăn chặn nguy cơ bị đánh cắp thông tin tình báo và quyền điều khiển máy bay thông qua các cuộc tấn công mạng, theo Sound of Hope.
Bộ trưởng Nội các Nhật tuyên bố rằng, ngay cả khi máy bay không người lái made in China hiện tại được sử dụng cho các mục đích không phải “công việc quan trọng”, nếu thông tin bị bên thứ ba đánh cắp, chúng có thể được sử dụng trong các cuộc tấn công khủng bố hoặc tội phạm. Vì vậy, cận phải thay thế những máy bay này.
Ngày 30/11, Reuters đưa tin, có 6 nguồn tin trong chính phủ Nhật và đảng cầm quyền nói rằng, để bảo vệ thông tin nhạy cảm, Tokyo có sẽ đóng cửa không cho chính quyền Trung Quốc cung cấp máy bay không người lái, như một cách để tăng cường sức mạnh an ninh cho Nhật Bản.
Một quan chức cấp cao Nhật nói rằng, Trung Quốc là một thị trường lớn và tất nhiên nó rất quan trọng đối với Nhật. Tuy nhiên, Nhật cũng lo ngại rằng công nghệ và thông tin tiên tiến của họ có thể rơi vào tay Bắc Kinh và lực lượng này sẽ chuyển cho quân đội của nó sử dụng.
Do đó, Chính phủ Nhật có kế hoạch, bắt đầu từ tháng 4/2021 sẽ đưa ra chính sách thắt chặt và đánh giá lại kỹ lưỡng việc sử dụng máy bay không người lái, thuộc sở hữu của các bộ, cơ quan và các tập đoàn hành chính độc lập …
Bộ Quốc phòng Nhật Bản cũng cho biết, có hàng trăm chiếc máy bay không người lái, trong đó Cảnh sát biển có khoảng 30 chiếc, hầu hết đều được sản xuất tại Trung Quốc. Nhưng, Nhật Bản hiện không sử dụng máy bay không người lái của Trung Quốc cho các hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia.
Ông Kim Jong Un tiêm vaccine COVID-19 của Trung Quốc
Trung Quốc đã cung cấp cho lãnh tụ Bắc Triều Tiên Kim Jong Un và gia đình của ông một loại vaccine COVID-19 thử nghiệm. Hãng tin Reuters dẫn lời một nhà phân tích của Mỹ, lấy từ nguồn tin tình báo của Nhật, cho biết hôm 1/12.
Ông Harry Kazianis, một chuyên gia về Bắc Triều Tiên thuộc Trung tâm Nghiên cứu Lợi ích quốc gia ở thủ đô Washington, cho biết gia đình ông Kim và một số quan chức cấp cao của Bắc Triều Tiên đã được tiêm vaccine COVID-19.
Không rõ công ty nào đã cung cấp vaccine dạng thử nghiệm này cho gia đình ông Kim và liệu nó có được chứng minh là an toàn hay không, chuyên gia này cho biết thêm.
“Ông Kim Jong Un và nhiều quan chức cấp cao khác trong gia đình Kim và mạng lưới lãnh đạo Bắc Triều Tiên đã được tiêm vaccine trong vòng hai đến ba tuần qua nhờ một ứng cử viên vaccine do chính phủ Trung Quốc cung cấp,” ông Kazianis viết trong một bài báo cho trang trực tuyến 19FortyFive.
Dẫn lời nhà khoa học y tế Hoa Kỳ Peter J. Hotez, ông cho biết ít nhất ba công ty Trung Quốc đang phát triển một loại vaccine COVID-19, bao gồm công ty Sinovac Biotech Ltd, CanSinoBio và Tập đoàn Dược phẩm Quốc gia Trung Quốc (Sinopharm).
Tập đoàn Sinopharm cho biết vaccine ứng cử viên của họ đã được gần một triệu người ở Trung Quốc sử dụng, mặc dù chưa có công ty nào công bố kết quả thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 đối với vaccine COVID-19 thử nghiệm.
Cho đến nay, Bắc Triều Tiên chưa xác nhận bất kỳ trường hợp nhiễm COVID-19 nào, nhưng Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc (NIS) cho biết không thể loại trừ một đợt bùng phát do nước này có hoạt động thương mại và giao lưu với người Trung Quốc – nơi khởi phát đại dịch – trước khi đóng cửa biên giới vào cuối tháng 1/2020.
OIE: Hàn Quốc báo cáo cúm gia cầm bùng phát
Hàn Quốc xác nhận đợt bùng phát cúm gia cầm H5N8 dễ lây lan tại một trại nuôi vịt ở phía tây nam nước này, Tổ chức Y tế Động vật Thế giới (OIE) loan báo ngày 30/11.
Vụ bùng phát xảy ra tại thị trấn Girin-in, giết chết 19.000 con vịt, OIE cho hay trong một báo động trên mạng, dẫn nguồn tin từ Bộ Nông nghiệp Hàn Quốc.
Khoảng 392.000 gà, vịt của 6 trang trại đã bị tiêu huỷ để phòng ngừa, Bộ cho hay.
Các nhà hoạt động Hong Kong thu mình trước sự đàn áp của Trung Cộng
Tin Hong Kong City – Trung Cộng vào tháng 6 năm nay đã ban hành luật an ninh quốc gia tại Hong Kong, khiến nhiều nhà hoạt động dân chủ tại đặc khu này đối mặt nguy cơ bị bắt.
Trong tháng này, Bắc Kinh tiếp tục có hành động mới, khi phê chuẩn đạo luật cấm các chính trị gia đối lập làm việc trong quốc hội Hong Kong, dẫn đến việc Đặc khu trưởng Hong Kong Carrie Lam ngay lập tức khai trừ 4 nhà lập pháp ủng hộ dân chủ. Không lâu sau đó, các nhà lập pháp dân chủ còn lại tại thành phố đã đồng loạt từ chức, khiến quốc hội Hong Kong lần đầu tiên không còn bất kỳ dân biểu đối lập nào, kể từ khi đặc khu này được trao trả về Trung Cộng.
Vào 1 năm sau khi các nhà hoạt động dân chủ Hong Kong tổ chức đợt biểu tình lớn chưa từng thấy chống lại Bắc Kinh, Hong Kong hiện đang bị đại lục hóa một cách nhanh chóng. Chính phủ Trung Cộng sử dụng cuộc biểu tình bạo động làm lý do để ban hành các lệnh kiểm soát khắt khe tại đặc khu. Hậu quả là hơn 10,000 người đã bị bắt, và các cuộc biểu tình dần dần tàn lụi tại Hong Kong.
Một số nhà hoạt động phải sống trong sợ hãi và trầm cảm, trong khi hàng trăm người khác quyết định sống lưu vong. Một số nhà hoạt động mô tả Hong Kong giống như một nhà tù, và tỏ ra bi quan về tương lai của phong trào dân chủ. Trong khi đó, một số khác lo ngại rằng phong trào dân chủ có thể trở nên cực đoan, vì nhiều người nay sẽ chọn cách hoạt động ngầm, đồng thời chuẩn bị tâm lý và vật chất cho các cuộc biểu tình quy mô lớn, hoặc thậm chí là một con đường bạo lực hơn. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/cac-nha-hoat-dong-hong-kong-thu-minh-truoc-su-dan-ap-cua-trung-cong/
Trung Quốc ăn miếng trả miếng, leo thang thương chiến với Mỹ
Trung Quốc đã ban hành các luật cứng rắn mới, hạn chế xuất khẩu “các mặt hàng bị kiểm soát”.
Các quy tắc chủ yếu tập trung vào việc xuất khẩu công nghệ quân sự và các sản phẩm khác có thể gây hại cho an ninh quốc gia của Trung Quốc.
Các biện pháp kiểm soát xuất khẩu được cho là nhằm đáp trả các hành động tương tự của Mỹ.
TikTok, Huawei và Tencent nằm trong số thương vong của cuộc đàn áp công nghệ Trung Quốc của Washington.
Dây xoắn cuối cùng trong thương chiến Mỹ – Trung
Thương chiến Mỹ – Trung: TQ “Đàm thì đàm, chiến thì chiến”
Thương chiến Mỹ-Trung: ‘Chúng ta đều phải trả giá’
David Hutt: ‘Mục tiêu thương chiến kế tiếp của Trump là VN’
Có lo ngại rằng các quy định mới, có hiệu lực hôm thứ Ba, có thể làm leo thang cuộc chiến thương mại đang diễn ra với Mỹ.
Căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới bắt đầu từ năm 2018 nhưng đã gia tăng trong năm nay.
Chiến tranh lạnh công nghệ
Chính quyền của Tổng thống Donald Trump đã ban hành các lệnh hành pháp chống lại một loạt công ty Trung Quốc, cho rằng họ có thể chia sẻ dữ liệu với chính phủ nước này.
Alex Capri, giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Singapore, nói:
“Các luật xuất khẩu mới của Trung Quốc là “phản ứng trước sự leo thang của cuộc chiến công nghệ và Trung Quốc đang tìm cách bảo vệ những lợi thế của riêng mình “.
Phát biểu trên Báo cáo Kinh doanh châu Á của BBC, ông Capri nói thêm: “Điều khác mà tôi thấy thực sự thú vị là Trung Quốc đã đặt AI và các thuật toán dưới sự kiểm soát xuất khẩu này.”
“Điều này được thúc đẩy bởi lệnh cấm của Hoa Kỳ với TikTok. Chính phủ Trung Quốc không muốn chia sẻ AI.”
Ông Capri tin rằng cuộc chiến thương mại đang diễn ra giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ theo “cùng quỹ đạo” dưới thời Joe Biden. Ông nói: “Chúng tôi đang ở trong một chiến tranh lạnh với Trung Quốc – đó là một chiến tranh lạnh về công nghệ.
Luật xuất khẩu mới quy định gì?
Luật Kiểm soát Xuất khẩu mới của Trung Quốc thiết lập một số danh mục “các mặt hàng được kiểm soát”, bao gồm các mặt hàng hạt nhân, quân sự và hàng “sử dụng kép” có thể được dùng cho cả mục đích dân sự và quân sự.
Luật cũng bao gồm các mặt hàng được coi là quan trọng đối với việc bảo vệ an ninh quốc gia Trung Quốc.
Các nhà xuất khẩu phải xin giấy phép để xuất khẩu bất kỳ mặt hàng nào được liệt kê trong danh sách kiểm soát hoặc bị kiểm soát tạm thời.
Dữ liệu liên quan đến các mặt hàng được kiểm soát cũng được quy định trong luật.
Luật áp dụng hình phạt gấp mười lần giá trị của giao dịch vi phạm lên đến 760,000 đôla.
Luật cũng cho phép trừng phạt các tổ chức hoặc cá nhân ở nước ngoài, cho thấy Bắc Kinh có thể cố gắng luật này để hạn chế việc bán công nghệ nhạy cảm trên toàn cầu.
Đất hiếm
Giá khoáng sản đất hiếm đã tăng lên do luật pháp có thể ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của những mặt hàng này.
Trung Quốc là nhà cung cấp khoáng sản đất hiếm lớn nhất thế giới, được sử dụng trong các sản phẩm từ điện tử tiêu dùng – như điện thoại thông minh – đến tuabin gió.
“Trung Quốc có lợi thế áp đảo lớn khi nói đến đất hiếm.” Ông Capri nói. “Về cơ bản, trong 30 năm qua, khả năng khai thác đất hiếm thuộc về Trung Quốc. Nó sẽ cực kỳ quan trọng khi nói đến máy bay chiến đấu phản lực, ô tô, v.v.”
Sự cố tại Trung tâm phóng tàu vũ trụ Trung Quốc khiến 6 người bị thương nghiêm trọng
Theo một tài liệu nội bộ mà The Epoch Times có được, đầu năm nay 6 người đã bị thương nặng và phải đưa đến bệnh viện sau một vụ phóng tên lửa ở Trung Quốc.
Sự cố xảy ra tại Trung tâm Phóng Tàu vũ trụ Văn Xương ở đảo Hải Nam sau khi một tên lửa mang theo một tàu quỹ đạo, tàu đổ bộ và xe thám hiểm được phóng lên sao Hỏa lúc 12:41 chiều theo giờ địa phương vào ngày 23/7.
Sự cố
Tài liệu có được từ một nguồn đáng tin cậy là một báo cáo tóm tắt của trung tâm cấp cứu Hải Nam gửi cho chính quyền tỉnh, trong đó nêu chi tiết các vụ tai nạn mà trung tâm này đã ứng phó vào hồi tháng 7 năm nay.
Tài liệu cho biết “một sự cố đột quỵ do sức nóng dữ dội” đã xảy ra tại cơ sở lúc 2:25 chiều trong ngày phóng tàu, có sáu người đã bị tổn thương. Một nhóm gồm 18 nhân viên y tế trên sáu xe cứu thương đã ứng phó trường hợp khẩn cấp này.
Báo cáo không cung cấp các chi tiết về việc những người đó bị tổn thương như thế nào, và vụ việc cũng không được truyền thông Trung Quốc đưa tin. The Epoch Times đã không thể liên lạc được với trung tâm vũ trụ này.
Chuẩn bị y tế
Các tài liệu khác do The Epoch Times thu được cho thấy các cơ quan y tế địa phương đã có những chuẩn bị cho trường hợp khẩn cấp về y tế trong một vụ phóng tên lửa.
Vào ngày 20/12/2019, một tuần trước khi phóng tên lửa Long March-5 từ cơ sở Văn Xương, theo dự tính, Trung tâm Máu tỉnh Hải Nam đã ra lệnh cho tỉnh phải có đủ nguồn cung cấp máu từ ngày 27/12 đến ngày 29/12.
Chế độ Trung Cộng không cho phép các công ty tư nhân hoặc các tổ chức khác thu thập máu, nhiệm vụ này chỉ được quản lý bởi các trung tâm máu do chính quyền địa phương điều hành.
Cụ thể, trung tâm máu Hải Nam đã yêu cầu 1.000 đơn vị máu nhóm A và B, nghĩa là 200.000 mililít (423 panh). Đối với loại O và AB, trung tâm yêu cầu 1.500 đơn vị (634 panh) và 300 đơn vị (127 panh).
Đối với nhóm máu hiếm nhất, Rh Null, trung tâm cũng yêu cầu dự trữ khẩn cấp. Tổng cộng, trung tâm này đã yêu cầu 4.010 đơn vị, tương đương với 802.000 mililit (1.695 panh).
Theo trang web chính thức của chính quyền Hải Nam, mỗi năm tỉnh này cần khoảng 30 tấn (64.563 panh) máu cho các mục đích y tế cho 9,4 triệu cư dân của họ, tức là trung bình khoảng 176,9 panh mỗi ngày.
Trung tâm này cho biết nếu nguồn cung cấp máu giảm xuống dưới các mức yêu cầu thì việc thu thập máu khẩn cấp phải được triển khai trên toàn tỉnh. Họ lưu ý thêm rằng nếu dự trữ giảm xuống còn 30%, chính quyền tỉnh nên đưa ra một cảnh báo trên phương tiện truyền thông yêu cầu người dân hiến máu.
Thông báo nêu rõ nếu các nguồn cung bị cạn kiệt đến 70%, trung tâm sẽ tổ chức cho binh lính, sinh viên đại học và quan chức chính phủ hiến máu.
Vào ngày 21/12/2019, Bệnh viện Nhân dân Ding’an của địa phương đã ban hành một văn bản yêu cầu rằng do vụ phóng tên lửa, tất cả các bộ phận phải bảo đảm các thiết bị và trang thiết bị cứu hộ khẩn cấp của họ hoạt động chính xác từ ngày 27 đến ngày 29/12. Cũng vậy, tất cả các nhân viên y tế có kinh nghiệm đã được cho biết không được rời khỏi quận.
Trong ba ngày này, bệnh viện đã điều hai xe cấp cứu cùng với hai nhóm luân chuyển túc trực 24/24 giờ. Nhóm luân chuyển bao gồm các bác sĩ, các y tá và tài xế.
Trung tâm máu và bệnh viện này đã từ chối đưa ra bình luận với The Epoch Times về các quy trình của họ trước một vụ phóng tên lửa.
Trung Quốc, quốc gia có 5 trung tâm phóng vũ trụ, không còn lạ gì với những vụ phóng thất bại. Tính đến lúc này trong năm nay, Trung Quốc đã có 35 lần phóng lên quỹ đạo, ít nhất 4 lần trong số đó bị thất bại, theo các hồ sơ được công bố công khai.
Gần đây nhất, vào ngày 12/9, Trung tâm phóng vệ tinh Jiuquan ở Nội Mông đã phóng không thành công tên lửa Kuaizhou 1A, làm mất vệ tinh Jilin-1 Gaofen-02C mà tên lửa này đang mang.
Nicole Hao
Cẩm An biên dịch
Tin tặc Trung Quốc tiết lộ cách giúp Bắc Kinh đánh cắp bí mật của nước ngoài
Một tin tặc Trung Quốc đã tiết lộ cách ông ta thay mặt cho chế độ cộng sản tiến hành các cuộc tấn công mạng vào các chính phủ, các công ty và các nhóm bất đồng chính kiến ở nước ngoài. Hành động này đã cuốn phăng tấm màn che chắn thế giới bí mật của các hoạt động gián điệp mạng do nhà nước Trung Quốc bảo trợ.
Người tố giác này, đã nói chuyện với The Epoch Times với điều kiện giấu tên, là một quan chức an ninh mạng cao cấp tại một công ty công nghệ có tên An Trí Dịch Đạt Nam Kinh (Nanjing Anzhiyida Technology Ltd) ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Ông ta cho biết ở phía sau công ty này bị kiểm soát bởi các quan chức cao cấp của Trung Cộng, họ là những người sử dụng nó như một vỏ bọc để thực hiện các cuộc xâm nhập mạng phức tạp được gọi là “các cuộc tấn công có chủ đích” (Advanced Persistent Threats – APT) để đánh cắp các bí mật thương mại từ các mục tiêu nước ngoài. Các cuộc tấn công APT được thiết kế để giành được quyền truy cập vào một hệ thống và không bị phát hiện trong một thời gian dài, trong khi ăn cắp một luồng dữ liệu ổn định.
Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có “nhu cầu rất lớn” đối với các hoạt động APT, và đã tạo ra một “chuỗi công nghiệp lâu bền”, người tố giác nói.
“Ví dụ, có nhiều nhà đóng tàu nước ngoài có các công nghệ tiên tiến, hoặc Học viện Khoa học Trung Quốc cần một số công nghệ cao từ nước ngoài. Khi ấy họ sẽ truy cập vào các tài khoản email của họ để lấy [thông tin],” ông ta nói. Công nghệ này “sau đó ngay lập tức trở thành công nghệ của Trung Cộng,” ông ta nói thêm.
Theo các quan chức Hoa Kỳ, chế độ Trung Cộng đã phát động một chiến dịch gián điệp mạng táo bạo, khai thác cả các tin tặc nhà nước và phi nhà nước để đánh cắp thông tin cá nhân và thương mại nhạy cảm từ một loạt các mục tiêu ở nước ngoài: các chính phủ, các công ty và các nhà hoạt động chỉ trích Trung Cộng. Trong những năm gần đây, các công tố viên liên bang đã công bố một số cáo trạng đối với các tin tặc Trung Quốc có quan hệ với cơ quan tình báo hàng đầu của chế độ đó, Bộ An ninh Nhà nước (MSS).
Kinh doanh sinh lợi
Trên giấy tờ, An Trí Dịch Đạt là một công ty công nghệ chuyên về nhận dạng khuôn mặt và trí tuệ nhân tạo cho các cơ quan an ninh và pháp luật của chế độ Trung Cộng.
Nhưng công ty này cũng có một nhiệm vụ bí mật: tiến hành các cuộc xâm nhập APT vào một loạt các mục tiêu, các hoạt động mà người tố giác có tham gia sâu vào. Ông ta cho biết, công việc này được thực hiện dưới sự chỉ đạo cuối cùng của Chánh văn phòng mới bị cách chức của Ủy ban Các vấn đề Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô (PLAC). PLAC là một cơ quan quyền lực của Đảng giám sát bộ máy an ninh của quốc gia, bao gồm cảnh sát, các tòa án, và các nhà tù.
Hồi cuối tháng 10, cơ quan chống tham nhũng của chế độ Trung Cộng tuyên bố đã mở cuộc điều tra tham nhũng đối với ông Vương, ông này cũng là thành viên cốt cán của Tỉnh ủy Giang Tô. Cơ quan này cho biết, hôm 24/10, ông Vương đã tự nộp mình cho nhà cầm quyền để thẩm vấn.
Trong khi theo hồ sơ đăng ký công ty, An Trí Dịch Đạt liệt kê cổ đông duy nhất của họ là một người tên Jiang Peng, nhưng trên thực tế công ty này được quản lý bởi một phụ nữ 34 tuổi tên Qiu Peipei do ông Vương ủy quyền, theo người tố giác. Ông ta cũng nói thêm rằng chồng của cô Qiu là Liu Bin, giám đốc trung tâm chỉ huy dữ liệu lớn của cục an ninh công cộng tỉnh Giang Tô, ông đó cũng ủy thác công việc cho công ty này.
Cô Qiu đã ra lệnh cho người tố giác tiến hành các cuộc tấn công APT nhắm vào các chính phủ và các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các công việc mà quá khó khăn đối với các hacker mạng đang làm việc trong các cơ quan nhà nước. Những công việc này đã mang lại cho những người bảo trợ quyền lực của công ty những lợi tài chính to lớn.
“Họ để lại tất cả các trang web khó xâm nhập cho chúng tôi, chúng là những trang web mà cảnh sát, an ninh quốc gia của Trung Quốc hoặc Bộ Tổng tham mưu của Quân Giải phóng Nhân dân đã thất bại trong việc xâm nhập,” ông ta nói.
Theo người tố giác, công ty này đã đầu tư các nguồn lực khổng lồ để thúc đẩy hoạt động kinh doanh APT, và kiểm soát một mạng lưới các công ty an ninh mạng để thực hiện các cuộc tấn công.
Nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công
Ngoài mục đích lợi nhuận, các quan chức còn ra lệnh cho công ty này tiến hành các vụ tấn công nhằm trục lợi chính trị: bằng cách nhắm mục tiêu vào các học viên Pháp Luân Công trong nước và các trang web của Pháp Luân Công ở nước ngoài.
Tại Trung Quốc, những người theo học Pháp Luân Công, một môn tu luyện tinh thần bị chế độ Trung Cộng đàn áp, thường xuyên bị nhà cầm quyền theo dõi, sách nhiễu, giam giữ, và bỏ tù nhằm cố gắng buộc họ từ bỏ tín ngưỡng của mình.
Các tin tặc đã thực hiện những cuộc tấn công APT để tìm ra địa chỉ IP của các học viên Pháp Luân Công, sau đó có thể sử dụng địa chỉ này để truy tìm và bắt giữ họ.
“Bởi vì ở Trung Quốc, mọi kết nối băng thông rộng đều yêu cầu xác thực tên thật. Với địa chỉ IP của một người nào đó được sử dụng để lướt web, bạn có thể tìm thấy địa chỉ nhà riêng, thông tin cá nhân, và số điện thoại di động của người dùng internet đó,” ông ta nói.
Công ty này cũng được thưởng một khoản tiền cho mỗi học viên Pháp Luân Công bị bắt, người tố giác nói thêm.
Ngoài ra, ông ta nói, công ty này còn được giao nhiệm vụ xâm nhập vào các trang web của Pháp Luân Công, các trang web khác và các tài khoản email của những người chỉ trích chế độ. Công việc này được thực hiện với sự phối hợp của MSS chi nhánh tỉnh Giang Tô (còn được gọi là JSSD) và các công ty mạng khác do JSSD kiểm soát.
Người tố giác cho biết ông Vương và Liu đã tổ chức các công ty mạng mà họ kiểm soát để tạo ra một cơ sở dữ liệu nhận dạng khuôn mặt của các học viên Pháp Luân Công, với hy vọng thu được những lợi thế chính trị và lợi nhuận tài chính khổng lồ.
“Nếu máy quay phim ở trên đường có tính năng nhận dạng khuôn mặt, giả sử học viên Pháp Luân Công mà họ muốn bắt đang đi bộ trên đường. [Với cơ sở dữ liệu này] khuôn mặt có thể được nhận ra ngay tức thì, và họ có thể bị bắt ngay lập tức,” ông ta nói.
“Đội quân tin tặc”
Người tố giác mô tả hầu hết các tin tặc Trung Quốc là những người trẻ sinh sau năm 1990 hoặc 2000. Một phần lớn trong số họ được tuyển dụng bởi các quan chức ĐCSTQ như ông Vương, Liu hoặc những người được họ uỷ quyền như cô Qiu.
Ông Liu hoặc cô Qiu sẽ liên hệ với những tin tặc này, áp dụng cách tiếp cận cây gậy và củ cà rốt để bắt họ chấp nhận công việc, sử dụng những lời dụ dỗ như: “Điều này tốt cho đất nước của chúng ta”, “Bạn sẽ được cấp một danh tính: đặc vụ.”
Nếu họ chống lại, thì sẽ có những lời đe dọa, như “Nếu không làm điều này, bạn sẽ có kết cục là ngồi tù,” người tố giác nói.
Ông ta cũng nói rằng quy mô của “đội quân tin tặc” chính thức của chế độ Trung Cộng không lớn như người ta đồn đại.
“Trung Cộng đơn giản là không đủ khả năng để thuê họ, và bản thân các tin tặc cũng không muốn làm việc trong hệ thống đó về lâu về dài”.
Thay vào đó, chế độ này phụ thuộc nhiều vào mạng lưới các công ty an ninh mạng bán chính thức như An Trí Dịch Đạt để thực hiện các cuộc tấn công.
Giang Tô: Một ổ nóng gián điệp
Gần đây, Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đưa ra một số vụ truy tố xoay quanh cáo buộc gián điệp mạng và kinh tế do JSSD dàn xếp.
Tháng 9/2018, Ji Chaoqun, 27 tuổi, quốc tịch Trung Quốc, đã bị bắt tại Chicago với cáo buộc đã bí mật làm việc cho một quan chức cấp cao của JSSD để giúp cố gắng tuyển dụng các kỹ sư và các nhà khoa học. Người điều khiển của anh ta được cho là Xu Yanjun, phó giám đốc bộ phận tại JSSD.
Vài tuần sau, Xu bị dẫn độ từ Bỉ sang Hoa Kỳ với cáo buộc đã âm mưu và cố gắng thực hiện hoạt động gián điệp kinh tế và đánh cắp các bí mật thương mại từ nhiều công ty hàng không và hàng không vũ trụ của Hoa Kỳ.
Sau đó, vào tháng 10, Bộ này đã công bố một cáo trạng chống lại 10 công dân Trung Quốc, bao gồm hai quan chức JSSD và sáu tin tặc làm việc dưới sự chỉ đạo của JSSD. Các quan chức JSSD bị cáo buộc dẫn đầu một âm mưu đánh cắp các thiết kế động cơ phản lực cánh quạt đang được phát triển thông qua sự hợp tác giữa một nhà sản xuất hàng không vũ trụ Pháp và một công ty hàng không vũ trụ có trụ sở tại Hoa Kỳ.
Bản tin có sự đóng góp của Gu Xiaohua và He Jian.
Frank Yue
Cẩm An biên dịch
Trung Quốc kêu gọi Mỹ ‘sửa sai’ các lệnh trừng phạt liên quan đến Venezuela
Hôm 1/12, Trung Quốc hối thúc Hoa Kỳ “sửa chữa sai lầm và dỡ bỏ tất cả các lệnh trừng phạt bất hợp pháp”, sau khi Washington áp đặt các lệnh trừng phạt liên quan đến Venezuela nhắm vào một công ty Trung Quốc, theo Reuters.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho biết như trên trong một cuộc họp báo thường kỳ. Bà Hoa nói Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của Venezuela để bảo vệ chủ quyền của mình và phản đối việc lạm dụng các lệnh trừng phạt quốc tế.
Bà Hoa cho biết Trung Quốc sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích của các công ty.
Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc liên hệ tới chế tài Venezuela
Hôm 30/11, Hoa Kỳ áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Tập đoàn Xuất nhập khẩu Điện tử Quốc gia Trung Quốc (CEIEC), cáo buộc tập đoàn này ủng hộ các nỗ lực của Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro nhằm phá hoại nền dân chủ, cụ thể là có “những nỗ lực hạn chế dịch vụ intrenet và do thám kỹ thuật số và những hoạt động trên mạng chống lại đối thủ chính trị.”
Lệnh trừng phạt của Washington sẽ phong tỏa bất cứ tài sản tại Mỹ nào của tập đoàn CEIEC và cấm người Mỹ giao dịch với doanh nghiệp này.
53 quốc gia cam kết loại bỏ các nhà cung cấp 5G không đáng tin cậy như Huawei và ZTE
Brazil, Ecuador và Cộng hòa Dominica tuần trước đã tham gia sáng kiến Mạng lưới Sạch do Hoa Kỳ dẫn đầu, nhằm bảo đảm rằng những nước tham gia chỉ sử dụng các nhà cung cấp đáng tin cậy trong các mạng lưới 5G của mình, Thứ trưởng Ngoại giao Keith Krach thông báo hôm thứ Tư [25/11].
Trong một tuyên bố, ông Krach nêu rõ: “Brazil đã trở thành thành viên thứ 50 của Mạng lưới Sạch, và tiếp theo sẽ là Ecuador và Cộng hòa Dominica và Jamaica. Chỉ trong 6 tháng, liên minh Mạng lưới Sạch của các nền dân chủ, đã phát triển mạnh mẽ lên 53 quốc gia, và nó đại diện cho 2/3 sản phẩm quốc nội toàn cầu của thế giới”.
Những nước tham gia được yêu cầu áp dụng “tiêu chuẩn kỹ thuật số tin cậy được quốc tế chấp nhận” cho các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông, ứng dụng di động và hàng hóa cung cấp của họ, các hệ thống dựa trên đám mây lưu trữ thông tin cá nhân nhạy cảm và tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, cáp kết nối quốc gia với Internet toàn cầu, và các đường dẫn viễn thông.
Mục tiêu là loại bỏ các nhà cung cấp 5G không đáng tin cậy “như Huawei và ZTE, vốn bị yêu cầu tuân thủ những chỉ thị của Đảng Cộng sản Trung Quốc” tại Hoa Kỳ và các nước tham gia.
Theo Bộ ngoại giao [Hoa Kỳ], liên minh này là một phần trong “cách tiếp cận toàn diện của chính quyền [Tổng thống] Trump để bảo vệ tài sản của quốc gia, bao gồm quyền riêng tư của công dân và những thông tin nhạy cảm nhất của công ty, khỏi sự xâm nhập tấn công của các bên ác ý, chẳng hạn như Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Ông Krach đã đến châu Mỹ Latinh vào đầu tháng này, để xây dựng và mở rộng liên minh Mạng lưới Sạch.
“Có Mạng lưới sạch là rất quan trọng để chống lại tội phạm mạng, vi phạm dữ liệu và rửa tiền, cũng như thu hút đầu tư vào các sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng mới, đòi hỏi các giải pháp sáng tạo. Sức mạnh của một mạng lưới cũng chính là sức mạnh của mắt xích yếu nhất của nó”, ông Augusto Lins,
chủ tịch Stone, một công ty cung cấp giải pháp công nghệ tài chính trị giá 20 tỷ USD của Brazil, nhận xét.
Trong một tuyên bố, Siemens Brazil, một bộ phận của một công ty công nghệ đa quốc gia, nhận định: “Mạng lưới 5G Sạch không chỉ dành cho điện thoại di động; nó [bao gồm] các quy trình sản xuất then chốt, các nền tảng dầu khí và mạng lưới điện, các hệ thống vệ sinh và Internet vạn vật (internet of things). Mạng lưới Sạch sẽ giúp đảm bảo rằng cơ sở hạ tầng quan trọng của Brazil – hệ thống điện, giao thông và vệ sinh – an toàn và đáng tin cậy. Mạng lưới sạch sẽ giúp chúng tôi trở thành một nền tảng xuất khẩu đáng tin cậy, mở rộng thị trường từ 200 triệu người tiêu dùng của Brazil thành 500 triệu người tiêu dùng tiềm năng”.
Cùng với những người đồng cấp Brazil và Nhật Bản, ông Krach cũng đã khởi động một diễn đàn 3 bên mới, được gọi là Trao đổi Nhật Bản-Hoa Kỳ-Brazil. Một trong những mục tiêu của [diễn đàn] là mở rộng hợp tác kinh tế và đầu tư nước ngoài, bao gồm hợp tác phát triển “mạng lưới 5G minh bạch và an toàn, dựa trên nền tảng cạnh tranh tự do và bình đẳng, minh bạch và thượng tôn pháp luật, phù hợp với chính sách và luật pháp quốc gia các ưu tiên và nghĩa vụ quốc tế”, theo một tuyên bố chung.
Cũng theo tuyên bố chung, ông Krach đã gặp Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tại Ecuador, để thảo luận về các biện pháp thúc đẩy đầu tư của khu vực tư nhân Mỹ sang Ecuador. Ông Moreno đã thực hiện các cải cách cần thiết ở Ecuador để giải quyết các thách thức kinh tế.
Bộ trưởng Bộ Viễn thông Ecuador Andrés Michelena cho rằng điều quan trọng là phải bảo vệ cơ sở hạ tầng viễn thông của đất nước, cũng như dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư của công dân nước mình.
“Ecuador cũng nhắc lại cam kết tham gia nỗ lực theo đuổi một mạng Internet toàn cầu rộng mở và an toàn, dựa trên các giá trị dân chủ và tôn trọng nhân quyền. Ecuador ủng hộ các nguyên tắc của sáng kiến Mạng lưới sạch”, ông Michelena nêu rõ trong một tuyên bố.
Ông Krach cũng thảo luận về an ninh mạng với đại diện của các nhà khai thác viễn thông di động Ecuador.
Ngoại trưởng Cộng hòa Dominica, ông Roberto Alvarez, cho biết trong một tuyên bố: “Điều quan trọng là dữ liệu di chuyển qua cơ sở hạ tầng 5G của Cộng hòa Dominica vẫn được bảo mật. Mạng lưới sạch cung cấp cho các quốc gia và công ty, một cơ sở đáng tin cậy để bảo đảm an toàn và bảo mật cho thông tin nhạy cảm nhất của họ”.
Ông Krach cũng đã đến thăm Chile, và nói rằng chính phủ của họ “đang tiến gần hơn đến quyết định về Mạng lưới Sạch”. Các nhà lãnh đạo khu vực tư nhân Chile hiểu tầm quan trọng của việc bảo đảm cơ sở hạ tầng 5G, để bảo vệ các ngành công nghiệp và khách hàng của họ.
Tại Panama, ông Krach đã gặp Ngoại trưởng Alejandro Ferrer cũng như các quan chức tài chính, an ninh và viễn thông cao cấp khác. “Panama đã xác định vị thế của mình như một trung tâm đổi mới ở Trung Mỹ”, ông Krach nhận xét.
Mạng lưới Sạch
Khi sáng kiến Mạng lưới Sạch được đưa ra cách đây 6 tháng, “có vẻ như đã quá muộn để ngăn chặn Huawei của Trung Cộng tham gia sâu vào thế hệ kế tiếp của viễn thông toàn cầu”, ông Krach nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Tư [25/11].
Vào thời điểm đó, Huawei, một công ty công nghệ viễn thông của Trung Quốc, đã có “91 hợp đồng thương mại trên toàn thế giới, trong đó có 47 hợp đồng từ Châu Âu”, ông Krach lưu ý.
Và động lực của Mạng lưới Sạch đã thu được sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế và sự ủng hộ của lưỡng đảng [Hoa Kỳ].
Hiện nay, 27 trong số 30 đồng minh NATO là một phần của Mạng lưới Sạch. 26 trong số 27 thành viên của Liên minh Châu Âu, và 31 trong số 37 quốc gia của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), đã tham gia mạng lưới này.
Các quốc gia am hiểu công nghệ như Nhật Bản, Israel, Úc, Singapore, Đài Loan, Canada, Việt Nam và Ấn Độ, cũng đã tham gia sáng kiến này.
Ngoài ra, Mạng lưới Sạch bao gồm 180 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông (telcos) và nhiều công ty công nghệ hàng đầu như Oracle, HP, Reliance Jio, NEC, Fujitsu, Cisco, Siemens, Softbank và VMware, ông Krach cho biết.
“Kết quả là, bên ngoài Trung Quốc, 90 thương vụ được ca ngợi của Huawei đã giảm xuống chỉ còn 12. Nó đã chứng minh rằng công ty Trung Quốc [Huawei] là có thể đánh bại được, và trong quá trình này đã bộc lộ điểm yếu lớn nhất của nó, đó chính là sự tin cậy”, ông Krach kết luận.
Ella Kietlinska và Toya Batmunh
Yến Nhi biên dịch
Đại sứ quán Trung Quốc nói Australia ‘đọc nhầm’ thông tin trên Twitter
Đại sứ quán của Trung Quốc tại Úc cho biết các chính trị gia ở đó đã “đọc nhầm” một dòng Tweet đăng hình ghép một binh sĩ Úc cầm một con dao đẫm máu kề vào cổ một đứa trẻ Afghanistan, theo Reuters.
Hôm 30/11, Thủ tướng Australia Scott Morrison gọi dòng Tweet của phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) là “thực sự đáng xấu hổ” và kêu gọi xin lỗi.
Hôm 1/12, dòng Tweet này đã được đăng lên trang đầu tài khoản mạng xã hội của ông Triệu và tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc đã phỏng vấn họa sĩ Trung Quốc người đã tạo ra hình ảnh này.
“Sự giận dữ và la hét của một số chính trị gia và báo chí Úc không gì khác ngoài việc đọc sai và phản ứng thái quá với dòng Tweet của ông Triệu,” đại sứ quán Trung Quốc ở thủ đô Canberra cho biết trong một tuyên bố hôm 1/12.
Trước đó, hôm 30/11, Bộ trưởng Ngoại giao và Thương mại của Australia gọi điện cho đại sứ Trung Quốc Cheng Jingye để phàn nàn về dòng Tweet của ông Triệu.
Úc đang tìm cách “kích động chủ nghĩa dân tộc trong nước” và “lái dư luận ra khỏi những hành động tàn bạo khủng khiếp của một số binh lính Úc”, tuyên bố của Đại sứ quán Trung Quốc nói.
Một cuộc điều tra độc lập về các cáo buộc tội ác chiến tranh của các lực lượng đặc biệt Australia ở Afghanistan đã phát hiện ra 39 tù nhân không vũ trang và dân thường đã thiệt mạng và Australia cho biết 19 binh sĩ sẽ bị truy tố hình sự.
Thủ tướng Morrison đã xin lỗi tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani trước khi công bố báo cáo điều tra cách đây hai tuần.
Căng thẳng Úc – Trung: Bài học “quá phụ thuộc” cho các nước dân chủ
Thu Hằng
Trung Quốc liên tiếp tấn công Úc trong thời gian gần đây từ thương mại đến ngoại giao. Những quyết định như tăng thuế nông sản, đến việc đăng trên Twitter hình ảnh cắt ghép để lên án quân nhân Úc giết thường dân và tù nhân ở Afghanistan, cho thấy đỉnh điểm căng thẳng giữa hai nước từ bốn năm nay.
Bất đồng bắt đầu từ việc Úc hủy hợp đồng thuê cảng Darwin trong 99 năm của một công ty Trung Quốc vào năm 2016. Tiếp theo là một loạt quyết định khác của Úc khiến Trung Quốc bất bình : loại tập đoàn Hoa Vi khỏi dự án mạng 5G vào năm 2018 ; quân đội Úc tham gia các cuộc tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông cùng với Mỹ, mà Trung Quốc là đích nhắm đến ; lên tiếng trong các hồ sơ Hồng Kông, Đài Loan, Tân Cương ; bắt giữ nhiều nhà báo và nhà nghiên cứu Trung Quốc bị cáo buộc làm gián điệp…
Nhưng kể từ khi thủ tướng Úc Scott Morrison yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona, xuất phát từ Vũ Hán, Bắc Kinh đã để những « chiến lang » dồn dập tấn công. Ngày 17/11, chính ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, lập danh sách « 14 điểm bất bình » gửi đến chính quyền Canberra, kèm theo lời cảnh cáo : « Nếu các ngài biến Trung Quốc thành kẻ thù, thì Trung Quốc sẽ là kẻ thù của các ngài ».
Bắc Kinh ngang nhiên « bắt chẹt » được Canberra nhờ khai thác lợi thế đối tác thương mại lớn nhất của Úc. Thị trường Trung Quốc chiếm hơn 1/3 tổng lượng hàng xuất khẩu của Úc, theo trang The Conversation ngày 30/11, đặc biệt là về quặng mỏ, nông nghiệp… Riêng rượu vang, mặt hàng vừa bị Trung Quốc áp thuế chống phá giá mới lên đến 212%, mang về cho Úc 735 triệu euro trong 9 tháng đầu năm 2020.
Khi trừng phạt Úc, Trung Quốc không hề lo về nguồn cung khoáng sản, vì họ đã mở rộng được mạng lưới đối tác thông qua dự án « Một Vành đai, Một Con đường », cũng như tại châu Phi, nơi Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng. Ngược lại, nguồn thu từ xuất khẩu sang Trung Quốc của Úc sẽ bị giảm do các biện pháp trừng phạt của Bắc Kinh, trong khi đó, Úc vẫn phải nhập nhiều sản phẩm thông dụng, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Úc tìm đường « thoát » Trung
Tuy nhiên, thủ tướng Scott Morrison không có ý định khuất phục trước sức ép của Bắc Kinh. Trả lời phỏng vấn mạng Nine Network ngày 19/11, ông khẳng định Úc « sẽ luôn lập ra những luật lệ riêng của mình tùy theo lợi ích quốc gia, chứ không theo yêu cầu của một ngoại bang, dù đó là Hoa Kỳ, Trung Quốc hay bất kỳ nước nào khác ».
Về căng thẳng thương mại, sau quyết định tăng thuế của Trung Quốc đối với rượu vang Úc, thủ tướng Úc thông báo ý định kiện lên Tổ Chức Thương Mại Thế Giới. Tuy nhiên, một điều chắc chắn là thủ tục xét xử sẽ kéo dài và nhà sản xuất Úc sẽ chịu thiệt trong thời gian này. Ngoài ra, Úc kỳ vọng phần nào « thoát » được Trung Quốc nhờ Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), thị trường chiếm đến 30% GDP toàn cầu, vừa được ký ngày 15/11 tại Hà Nội.
Kinh nghiệm Úc cho các nước phương Tây ?
Những tuyên bố gây sốc và những quyết định trừng phạt Úc của Trung Quốc được giới chuyên gia đánh giá là nhằm phục vụ các mục đích địa-chính trị, vì Bắc Kinh luôn coi những hành động của Canberra là « gây hấn » và được Hoa Kỳ « cổ vũ ». Úc trở thành một nước lớn đầu tiên phải trả giá cho cuộc cạnh tranh quyền lực Mỹ-Trung.
Trừng phạt Úc còn là dấu hiệu Bắc Kinh gửi đến bất kỳ quốc gia nào theo « mô hình lựa chọn kép », có nghĩa là dựa vào Mỹ về an ninh, nhưng lại thâm nhập vào thị trường Trung Quốc, và « tìm cách chỉ trích Bắc Kinh », theo phân tích của trang Bloomberg ngày 29/11. Chuyên gia Heribert Dieter, khi trả lời France 24, cũng đồng tình với nhận định rằng trường hợp của Úc minh họa cho việc « Bắc Kinh tìm cách kiểm soát cách một nước phát triển nói về Trung Quốc như thế nào ».
Vì vậy, bà Lucrezia Poggetti, chuyên gia về Trung Quốc thuộc nhóm nghiên cứu Merics của Đức, khuyến cáo : « Các nền dân chủ trên khắp thế giới cần lưu ý đặc biệt đến các hành động của Trung Quốc đối với Úc ». Pháp và Đức từng là nạn nhân của chiến lược « bịt miệng » và « bóp méo sự thật » của Bắc Kinh trong năm 2020.
0 comments