Tin khắp nơi – 12/10/2020
Biden trấn an đồng minh trong điện đàm với lãnh đạo Nhật, Hàn, Úc
Trong những cuộc điện đàm đầu tiên với ông Joe Biden từ sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo các nước Nhật Bản, Hàn quốc và Úc hôm thứ Năm tái khẳng định kế hoạch thiết lập quan hệ thân thiết với Tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden để đối phó với các vấn đề kể cả biến đổi khí hậu và an ninh khu vực.
Ba đồng minh chủ yếu của Mỹ tại Châu Á gồm Thủ Tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Tổng Thống Hàn quốc Moon Jae-in và Thủ tướng Úc Scott Morrison, đã góp tiếng cùng các nhà lãnh đạo thế giới khác thừa nhận chiến thắng của ứng cử viên Đảng Dân Chủ Joe Biden trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ, đánh bại đương kim Tổng thống Donald Trump, mặc dù cho tới nay, ông Trump vẫn từ chối, không công nhận thất cử.
Chiến thắng của ông Biden được dự phóng giữa lúc sức mạnh và tính quyết đoán về mặt quân sự và kinh tế của Trung Quốc đang gia tăng, và sau nhiều năm quan hệ sóng gió giữa các đồng minh Á Châu và Hoa Kỳ dưới quyền Tổng Thống Trump liên quan tới nhiều vấn đề kể cả thương mại, quốc phòng và môi trường.
Tất cả các bên đều bày tỏ quyết tâm củng cố các quan hệ song phương, cũng như ứng phó với các vấn đề toàn cầu như đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, văn phòng của ông Biden cho biết.
Thủ tướng Suga của Nhật Bản cho hay ông đã điện đàm với ông Biden và khẳng định tầm quan trọng của các quan hệ song phương.
“Tổng thống tân cử Biden nói ông đang nóng lòng củng cố liên minh Mỹ-Nhật và cùng làm việc để đạt được một khu vực Ấn độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở,” ông Suga với các nhà báo.
Trước đó, ông Biden đã điện đàm với các nhà lãnh đạo Đức, Anh, Canada và Pháp, tuy nhiên Trung Quốc và Nga cho tới giờ vẫn chưa gửi lời chúc mừng hay nói chuyện với Tổng thống tân cử của Mỹ.
An ninh và Thịnh vượng
Giải quyết đại dịch Covid-19 và đối phó với biến đổi khí hậu là hai chủ đề chủ yếu trong các cuộc điện đàm giữa ông Biden với 3 nhà lãnh đạo Châu Á, theo hồ sơ lưu tại văn phòng ông Biden.Ông Biden còn phải đối mặt với thách thức trong việc giải quyết các cuộc tranh chấp chính trị và kinh tế còn tồn đọng giữa Hàn quốc và Nhật Bản, vốn đã đe dọa một thỏa thuận chia sẻ tin tình báo quân sự, đồng thời phức tạp hóa các nỗ lực của Hoa Kỳ chống lại Trung Quốc.Hôm thứ Tư 11/11, ông Biden đề cử ông Ron Klain vào chức vụ Chánh Văn phòng Tòa Bạch Ốc, quyết định bổ nhiệm quan trọng đầu tiên giữa lúc ông Biden thành lập chính quyền do ông lãnh đạo.Ông Anthony Blinken, một nhà ngoại giao và tâm giao lâu năm của ông Biden, được coi là có triển vọng được chọn cho chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao hoặc Cố vấn An ninh Quốc gia, cả hai chức vụ chủ yếu đối với các đồng minh Á Châu.
Joe Biden ‘tiếp tục chuẩn bị làm tổng thống,
bổ nhiệm chánh văn phòng Nhà Trắng’
Ông Joe Biden, người đã được nhiều nước chúc mừng là thắng cử tổng thống Mỹ, đã bổ nhiệm trợ lý tin cậy Ron Klain làm chánh văn phòng Nhà Trắng.
Bầu cử Mỹ: Ông Trump có thể làm gì sau khi rời Nhà Trắng?
Mỹ: Cuộc bầu cử vô tận này sẽ kết thúc ra sao?
Ông Klain là trợ tá cho ông Biden từ thập niên 1980 tại Thượng viện và khi ông làm phó tổng thống.
Ông Klain cũng từng là phụ tá của Tổng thống Barack Obama ở Nhà Trắng và là chánh văn phòng của phó tổng thống Al Gore.
Chức chánh văn phòng Nhà Trắng không cần thông qua Thượng viện phê chuẩn.
Ron Klain cũng là người viết diễn văn cho ông Biden khi ông tranh cử năm 1988 và 2008.
Ông cũng đóng vai trò huấn luyện kỹ năng tranh luận tổng thống cho Bill Clinton, Al Gore, John Kerry, Barack Obama, Hillary Clinton và ông Biden.
Ông Joe Biden đang tiếp tục công việc chuẩn bị làm tổng thống mặc dù Tổng thống Donald Trump từ chối nhận thất bại.
Hôm thứ Tư, ông tiếp tục nhận cuộc gọi của các lãnh đạo quốc tế như Thủ tướng Úc, Thủ tướng Nhật và Tổng thống Hàn Quốc.
Theo báo chí Mỹ, bộ ngoại giao Mỹ vẫn không gửi cho ông Biden các tin nhắn chúc mừng của quốc tế và cũng không giúp nước ngoài liên lạc với Biden.
Đó là vì cơ quan Quản lý Dịch vụ Tổng hợp (General Service Administration – GSA), chưa chính thức công nhận chiến thắng của Biden.
Vì sao một số tiểu bang chưa tuyên bố người thắng?
Ông Joe Biden đã vượt qua con số 270 phiếu đại cử tri thứ Bảy tuần trước khi ông được dự phóng sẽ thắng ở Pennsylvania.
Theo dự đoán của BBC hiện nay, ông Biden đã có 279 phiếu và Tổng thống Donald Trump 217 phiếu.
Hiện còn ba tiểu bang chưa chính thức công bố người thắng.
Tại Georgia, Joe Biden đang dẫn trước với khoảng 14.000 phiếu. Georgia đang chuẩn bị đếm lại phiếu vì theo quy định, người bị thua có thể yêu cầu đếm lại nếu tỉ lệ cách biệt dưới 0,5%.
Tại Arizona, Biden cũng dẫn trước. Chính quyền Arizona sẽ minh xác kết quả vào ngày 30/11.
Tại North Carolina, ông Trump đang dẫn với khoảng 73.000 phiếu.
Thủ tướng Nhật nói chuyện với Biden
Vào sáng thứ Năm giờ Nhật Bản, Thủ tướng Nhật Yoshihide Suga đã nói chuyện khoảng 15 phút với ông Joe Biden.
Sau đó, ông Suga thông báo cho các phóng viên rằng ông Biden hứa sẽ áp dụng Điều 5 của Hợp tác Mỹ – Nhật cho quần đảo Senkaku. Điều 5 này nói Mỹ sẽ bảo vệ lãnh thổ của Nhật nếu xảy ra tấn công.
Tuy vậy, thông cáo của nhóm Joe Biden về cuộc điện đàm không nhắc tên Senkaku mà nói ông Biden “bày tỏ cam kết sâu sắc bảo vệ Nhật Bản cũng như cam kết của Mỹ theo Điều 5”.
Ông Suga cho hay ông đã chúc mừng ông Biden và bà Kamala Harris về chiến thắng bầu cử tổng thống Mỹ.
“Chúng tôi sẽ làm việc để củng cố liên minh hơn nữa cùng với người đắc cử tổng thống Biden,” ông Suga nói.
“Tôi nói với tổng thống đắc cử rằng liên minh là không thể thiếu cho hòa bình và thịnh vượng của khu vực và quốc tế.”
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54917702
Hợp tác an ninh : Tổng thống tân cử Biden
trấn an các đồng minh châu Á của Mỹ
Thanh Hà
Trong các cuộc điện đàm với lãnh đạo Úc, Nhật Bản và Hàn Quốc ngày 12/11/2020, tổng thống tân cử Mỹ Joe Biden, tái khẳng định an ninh khu vực sẽ là một ưu tiên của chính quyền Washington sắp tới. Bên cạnh vế phòng thủ, Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồng minh trong khu vực để đối phó với những thách thức về mặt khí hậu và y tế.Theo hãng tin Pháp AFP, sau cuộc điện đàm với tổng thống tân cử Mỹ Biden, thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga cho biết đôi bên đồng ý « củng cố quan hệ đồng minh Mỹ-Nhật vì một vùng Ấn Độ – Thái Bình Dương tự do và rộng mở ». Hãng tin Kyodo tiết lộ, theo tinh thần hiệp định an ninh Mỹ-Nhật, Joe Biden cam kết bảo vệ quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nơi đang có tranh chấp chủ quyền giữa Tokyo và Bắc Kinh. Trung Quốc thường xuyên đưa tàu thâm nhập hải phận của Nhật Bản. Theo giới quan sát, tuyên bố về quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của ông Biden chắc chắn không làm Trung Quốc hài lòng.
Trong cuộc trao đổi đầu tiên với nguyên thủ Hàn Quốc Moon Jae In, tổng thống Mỹ tương lai xem hòa bình trên bán đảo Triều Tiên là một ưu tiên. Ông Biden khẳng định Hàn Quốc là một mắt xích « quan trọng đối với an ninh và thịnh vượng của khu vực ». Theo Seoul, hai bên đồng ý hợp tác chặt chẽ nhằm giải quyết hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên.
Chống biến đổi khí hậu là trọng tâm cuộc điện đàm giữa tổng thống tân cử Hoa Kỳ Biden với thủ tướng Úc Morrison. Canberra mời ông Biden công du nước Úc vào năm tới, nhân kỷ niệm 70 năm Hiệp ước An ninh song phương.
Biden chuẩn bị thành lập chính phủ
Về đối nội, tổng thống tân cử Joe Biden tiếp tục chuẩn bị thành lập chính phủ. Hôm 11/11/2020, ông đã chỉ định một cộng tác viên thân tín là Ron Klain vào chức vụ chánh văn phòng phủ tổng thống trong tương lai. Đây là danh tính quan chức đầu tiên của nội các Biden được công bố.
PUBLICITÉ
Ron Klain, 59 tuổi, từng là cánh tay mặt của Joe Biden trong thời gian ông đảm nhiệm chức vụ chủ tịch Ủy Ban Tư Pháp của Thượng Viện. Klain cũng từng là chánh văn phòng của phó tổng thống Al Gore. Dưới chính quyền Obama, năm 2014, ông được giao nhiệm vụ điều phối chiến dịch chống siêu vi Ebola xâm nhập vào Mỹ.
Trung Quốc :
Thách thức đối ngoại hàng đầu của Joe Biden
Minh Anh
Ngày 07/11/2020, Joe Biden, ứng viên đảng Dân chủ, đã về đầu cuộc đua vào Nhà Trắng, trở thành vị tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Một khi yên vị tại phòng Bầu Dục, một trong những hồ sơ đối ngoại đầu tiên ông phải để tâm đến chính là Trung Quốc. Theo giới quan sát, căng thẳng giữa Bắc Kinh và Washington ít có cơ may hạ nhiệt.
Nước Mỹ trở lại !
« Nước Mỹ dẫn đường thế giới trở lại ! » tổng thống tân cử Joe Biden đã phát biểu như trên ngay tại quê nhà, Wilmington, bang Delaware, ngay sau khi có thông báo kết quả bầu cử. Tuyên bố này làm dấy lên câu hỏi : Phải chăng nước Mỹ sắp trở lại với những cơ chế đa phương mà Hoa Kỳ thời Donald đã bỏ rơi trong bốn năm qua ? Hay Washington sẽ can dự nhiều hơn trên trường quốc tế ?
Ông Hubert Vedrine, cựu ngoại trưởng Pháp, trên làn sóng RFI cảnh báo : Đó chẳng qua chỉ là những gì châu Âu đang mơ tưởng. Cụm từ « hướng dẫn thế giới » mà ông Biden nói đến chính là « sự trở về với vai trò lãnh đạo hàng đầu của Mỹ ».
Thế nhưng, vị thế này của Mỹ đang bị lung lay, ngày càng bị Trung Quốc cạnh tranh dữ dội. Cuộc chiến thương mại và công nghệ mà tổng thống Trump khởi động nhằm chống lại Trung Quốc trong bốn năm qua là một minh chứng rõ ràng.
Ba mươi năm sau khi chiến tranh lạnh kết thúc, thế cân bằng trên thế giới và khu vực đã có những thay đổi cơ bản. Hoa Kỳ, tuy vẫn chiếm ưu thế quân sự với phần còn lại của thế giới, nhưng phải đối mặt với một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực, từ kinh tế, công nghệ cho đến quân sự. Tiến trình này đã được thực hiện một cách có bài bản và nhắm mục tiêu dài hạn.
Le Monde Diplomatique (số ra tháng 11/2020) vẽ ra một viễn cảnh mà ở đó thế giới trong tương lai có thể phải đối mặt với một trong hai kịch bản : Hoặc một trật tự cân bằng các khối mới giữa Washington và Bắc Kinh được hình thành, hoặc Trung Quốc soán ngôi Hoa Kỳ lãnh đạo thế giới vào khoảng năm 2050.
Trump : Chính sách châu Á là chống Trung Quốc
Trong cảnh quan này, có lẽ ông Donald Trump là nguyên thủ Mỹ duy nhất công khai vạch rõ và phê phán những chính sách sai lầm của những người tiền nhiệm, cũng như nhiều nước phương Tây khác, đã tạo thuận lợi cho Bắc Kinh vươn lên thành cường quốc. Nguyên thủ Mỹ còn cho rằng, toàn cầu hóa đã gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cho tầng lớp trung lưu Mỹ.
Thế nên, trong bốn năm qua cầm quyền, Donald Trump thực hiện một chính sách ngoại giao co cụm, triệt thoái Hoa Kỳ ra khỏi nhiều vùng lợi ích mà Washington đã có được. Đặc biệt là chính sách với châu Á, từng là một ưu tiên hàng đầu dưới tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, đã bị ông phá tan ngay khi bước chân vào Nhà Trắng khi cho rút Hoa Kỳ khỏi hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Barthélémy Courmont, chuyên gia về Đông Bắc Á, Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược, cho rằng chính sách châu Á của ông Trump chủ yếu được tóm gọn trong hai cách tiếp cận : Khai mở đối thoại với Bắc Triều Tiên, nhưng do thiếu sự chuẩn bị nên đã thất bại, và tiến hành « cuộc chiến thương mại » chống Trung Quốc.
Đà đi lên thành cường quốc của Bắc Kinh, giờ là một nỗi ám ảnh tại Washington, vô hình chung trở thành trọng tâm trong chính sách đối ngoại chung của Mỹ. Và những cuộc chiến thương mại, công nghệ cũng như cuộc đối đầu ngoại giao gần như thường nhật giữa Mỹ và Trung Quốc đã để lại các vết hằn khó phai.
Trump và Biden : Cùng một chiến lược với Trung Quốc
Trong bối cảnh này, liệu việc Joe Biden đắc cử có làm cho mối quan hệ Mỹ và Trung Quốc sẽ được cải thiện hơn hay không ? Đâu là chính sách đối ngoại với Trung Quốc của Joe Biden ? Về điểm này, Bắc Kinh tỏ ra không mấy ảo tưởng khi hiểu được rằng « Trump ra đi, nhưng chủ nghĩa Trump vẫn ở lại. »
Trang mạng bằng tiếng Anh của Hoàn Cầu Thời Báo (Global Times) , cơ quan ngôn luận không chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc, trong bài xã luận còn đi xa hơn khi cảnh báo : « Trung Quốc không nên nuôi dưỡng bất kỳ ảo vọng nào khi cho rằng Biden đắc cử sẽ làm cho quan hệ Mỹ – Trung được hòa dịu hay được cải thiện (…) Đối đầu giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như sự cảnh giác của Mỹ đối với Trung Quốc sẽ ngày càng gia tăng. »
Nói một cách cụ thể : Trong một chừng mực nào đó, Joe Biden đồng tình với những đánh giá của Trump về Trung Quốc, do vậy ông cũng sẽ áp dụng cùng một kiểu chính sách với Trung Quốc như người tiền nhiệm, nhưng có thể theo một phương cách khác. Nhà phân tích về châu Á, Alice Ekman, Viện Nghiên cứu An ninh của Liên Hiệp Châu Âu (EUISS), trên đài phát thanh France Culture giải thích :
« Ở đây có một sự đồng thuận giữa hai chính đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, theo đó Trung Quốc là một mối đe dọa đối với các lợi ích của Mỹ. Do vậy, tôi không nghĩ rằng sẽ có một sự thay đổi đường hướng từ phía chính quyền Biden tương lai đối với Trung Quốc. Có thể chỉ thay đổi về mặt phương pháp, bởi vì trước đó, chẳng có một sự kềm chế nào hết đối với Trung Quốc trong chiều này cũng như chiều ngược lại.
Lời lẽ đưa ra là quá cứng rắn, đó là chưa kể đến những việc đã làm và các quyết định đã đưa ra nữa. Chính quyền Mỹ, bộ Thương Mại đã cho công bố danh sách các thực thể Trung Quốc bị xếp vào diện không thể tin cậy, nhất là đối với các tập đoàn công nghệ. Thế nên, cạnh tranh thương mại và công nghệ, theo tôi, vẫn sẽ tiếp tục trong những năm tới. »
Như vậy, đường lối đối ngoại của Washington đối với Bắc Kinh là bất di bất dịch. Bảo vệ những lợi ích kinh tế và ưu thế quân sự của Mỹ, cũng như việc chặn đà tiến của Trung Quốc phải là những ưu tiên hàng đầu. Do đó, châu Á vẫn sẽ làm đấu trường chính giữa Mỹ và Trung Quốc.
Joe Biden : Một mặt trận chung đối phó Bắc Kinh ?
Trong cuộc đọ sức này, Joe Biden hy vọng có thể trông cậy vào các đồng minh châu Á và châu Âu từng bị Donald Trump bỏ rơi, nhằm thành lập một mặt trận chung làm đối trọng với Bắc Kinh trong nhiều hồ sơ lớn, chẳng hạn như vấn đề Đài Loan.
Theo quan điểm của ông Jean-François Huchet, giám đốc INALCO Viện Quốc Gia Ngôn Ngữ và Văn Minh Đông Phương, khi trả lời phỏng vấn đài RFI Tiếng Việt, Đài Loan vẫn sẽ là một chiếc gai lớn trong quan hệ Trung – Mỹ.
Jean-François Huchet : « Về phần Đài Loan, người ta nhận thấy có một sự chuyển hướng của Mỹ muốn thắt chặt hơn nữa mối quan hệ với Đài Loan. Trong hồ sơ này, về mặt hình thức, chính quyền tương lai có thể sẽ có ít những hành động khiêu khích hơn những gì tổng thống Trump làm trước đây. Nhưng về mặt cơ bản, người ta dự báo Hoa Kỳ tiếp tục cung cấp vũ khí cho Đài Loan, và việc này có nguy cơ khiến Bắc Kinh phật lòng.
Một khía cạnh khác trong hồ sơ này, đó là có một khả năng phối hợp với châu Âu. Nghĩa là ông Trump đã gây nhiều xích mích với châu Âu trên bình diện thương mại và công nghệ. Nếu Hoa Kỳ có thể trở lại với một mối quan hệ hòa dịu hơn với châu Âu, thì có nhiều hy vọng Mỹ và châu Âu thành lập một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc trong nhiều hồ sơ, từ chiến tranh thương mại cho đến cuộc chiến công nghệ, mà cũng có thể cả những vấn đề liên quan đến sự hiện diện của phương Tây tại châu Á. »
Còn với những nước khác trong khu vực thì sao, nhất là trong vấn đề Biển Đông ? Vẫn theo nhà nghiên cứu tại INALCO, lập trường của Joe Biden trong mối quan hệ giữa Mỹ với các nước Đông Nam Á sẽ không có gì khác biệt so với các chính sách của Donald Trump.
Jean-François Huchet : « Liên quan đến Đông Nam Á, tôi cho rằng Hoa Kỳ sẽ trở về với lập trường từng được đưa ra dưới thời ông Obama. Nghĩa là mối quan hệ với các nước Đông Nam Á có một tầm quan trọng đáng kể, chứ không chỉ riêng gì với Nhật Bản, Hàn Quốc, những quốc gia vành đai đối với vùng ảnh hưởng của Trung Quốc trong lĩnh vực hàng hải. Ở đây, chúng ta cũng đã thấy được một lập trường tương đối rõ ràng từ phía đảng Dân Chủ, một lần nữa về mặt cơ bản, không có nhiều thay đổi đáng kể so với quan điểm cứng rắn của chính quyền Trump ».
Nhân quyền : Lá bài sau cùng ?
Có lẽ điểm khác biệt duy nhất trong chính sách đối ngoại của Joe Biden đối với Bắc Kinh chính là vấn đề nhân quyền. Hồng Kông, người Duy Ngô Nhĩ hay Tây Tạng có thể sẽ được sử dụng như là một công cụ để cản đà tiến thế bá quyền của Trung Quốc tại châu Á và có thể xa hơn nữa.
Tuy nhiên, chuyên gia về Đông Bắc Á, Barthélémy Courmont, trên trang mạng của Viện Quan hệ Quốc tế và Chiến lược (IRIS), lưu ý rằng « trong suốt ba thập niên qua, cùng với sự trỗi dậy thành cường quốc, Trung Quốc dường như đã thích nghi được với các chính quyền Cộng Hòa, vốn dĩ chỉ đọ sức với Bắc Kinh về các vấn đề thương mại, nhưng tỏ ra kín tiếng về hồ sơ nhân quyền, mà Bắc Kinh luôn xem đấy như là một hành động can thiệp chuyện nội bộ của Trung Quốc. Nhưng đồng thời các chính quyền Clinton và Obama cho thấy rõ không có khả năng áp đặt Bắc Kinh về các vấn đề chính trị, cũng như tất cả các đời tổng thống Mỹ nhìn chung cũng tỏ ra bất lực trong các vấn đề kinh tế và thương mại. »
Liệu Joe Biden có thể làm tốt hơn những người tiền nhiệm hay không ? Đây chắc chắn sẽ là một phương trình khó giải ! Nhất là các đồng minh của Mỹ từ Á đến Âu cũng hiểu rõ một điều rằng, trong mặt trận chung chống Trung Quốc, giữa Mỹ và họ không có cùng một đích ngắm. Washington đối đầu với Bắc Kinh còn là vì giành thế bá quyền, trong khi các đồng minh Á-Âu đối phó với Trung Quốc là chỉ để bảo vệ các lợi ích cốt lõi !
Lãnh đạo BLM yêu cầu Biden trả thưởng:
Chúng tôi ‘đã đầu tư rất nhiều cho cuộc bầu cử này’
Ngọc Mai
Các lãnh đạo Black Lives Matter (BLM) đang yêu cầu phần thưởng cho việc họ ủng hộ chính quyền Biden-Harris trong cuộc chạy đua vào Tòa Bạch Ốc năm 2020.
Patrisse Cullors, người đồng sáng lập trào lưu BLM, đã gửi một lá thư cho ứng cử viên tổng thống Joe Biden và cộng sự của ông, bà Kamala Harris, để “ngay lập tức bắt tay vào việc giải phóng người da đen”, theo The Blaze ngày 10/11.
Phong trào này đã mang lại cho Biden-Harris 60 triệu phiếu bầu, bây giờ họ hy vọng có thể đàm phán quyền lợi của mình. Bức thư do Cullors ký “thay mặt mạng lưới toàn cầu của BLM”.
Lá thư viết: “Chúng tôi yêu cầu họp mặt với cả hai để đàm phán kỳ vọng của chúng tôi với chính quyền của các vị và những cam kết cần được thực thi với những người da đen”.
Patrisse Cullors, người đồng sáng lập trào lưu Black Lives Matter (ảnh chụp màn hình Youtube).
Phong trào BLM được thúc đẩy mạnh mẽ sau cái chết của George Floyd, người Mỹ gốc Phi khi bị một cảnh sát da trắng ngộ sát vào ngày 25/5.
Kể từ đó, BLM đã tham gia vào 91% các cuộc bạo loạn gây ra cái chết của hàng chục người Mỹ và phá hủy nhiều tài sản của các doanh nghiệp nhỏ.
Hôm 19/6, trong một lần xuất hiện trên đài CNN, Cullors đã tuyên bố rõ ràng mục tiêu của BLM rằng: “Ông Trump cần phải ra khỏi Tòa Bạch Ốc. Ông ta không phù hợp. Do đó, những gì chúng tôi muốn đạt được là làm sao để khiến Trump rời Tòa Bạch Ốc”.
Trong khi đó, bà Harris bày tỏ sự ủng hộ đối với các cuộc bạo động và cho rằng chúng nên tiếp tục, ngay cả sau đợt bầu cử.
Điều đáng chú ý là Cullors gọi Biden và Harris là bộ đôi tổng thống đắc cử, chỉ vì các phương tiện truyền thông dòng chính đã tuyên bố như vậy. Trên thực tế chưa có thông báo chính thức nào được đưa ra.
Cuộc bầu cử vẫn chưa kết thúc và ngày càng trở nên gay gắt hơn trong bối cảnh đảng Cộng hòa đưa ra nhiều cáo buộc về gian lận bầu cử.
Các cuộc thăm dò gần đây chỉ ra hơn 70% người Mỹ lo ngại về sự xuất hiện của gian lận bầu cử khi có những bằng chứng được đưa ra.
https://www.dkn.tv/the-gioi/lanh-dao-blm-yeu-cau-biden-tra-thuong.html
Biden có đang vi phạm luật?
Phụng Minh
Cựu Phó Giám đốc FBI Andrew McCabe và Thượng nghị sĩ Ted Cruz đã có một cuộc trao đổi sôi nổi trong phiên điều trần của Ủy ban Tư pháp Thượng viện Hoa Kỳ hôm thứ Ba (10/11).
Ông Ted Cruz thuộc Đảng Cộng hòa hỏi: “Ben Rhodes – cựu phó cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Obama, nói rằng các nhà lãnh đạo nước ngoài đã trò chuyện với Joe Biden ‘để nói về chương trình nghị sự mà họ sẽ theo đuổi vào ngày 20/1’. Ông McCabe! Dựa trên lời khai đó, ông có tin rằng Joe Biden đang vi phạm Đạo luật Logan không?”
“Tôi không biết về những tuyên bố của Ben Rhodes”, McCabe trả lời trước khi bị cắt ngang.
“Hãy tin tưởng rằng tôi đã đọc những gì anh ấy nói. Giả sử rằng trích dẫn đó là chính xác – đó là một trích dẫn nguyên văn – thì đó [hành động của Biden] có phải là vi phạm Đạo luật Logan theo bất kỳ lý thuyết hợp lý nào không?”, Cruz tiếp tục.
“Tôi không chuẩn bị để tiếp nhận tuyên bố của ông về niềm tin. Và tôi cũng không chuẩn bị để tiến hành phân tích pháp lý”, McCabe trả lời.
Cuối cùng, Cruz nói với McCabe rằng “lý do ông không nói được [các cuộc trò chuyện của Biden không vi phạm Đạo luật Logan] là vì đó là cơ sở chính trị mỏng manh của ông trong khi theo đuổi một anh hùng chiến tranh được tô vẽ, chỉ bởi vì ông bất đồng chính trị với Tổng thống Trump.
Nhân vật “anh hùng chiến tranh được tô vẽ” mà ông Cruz đề cập là Trung tướng quân đội đã nghỉ hưu Michael Flynn, người bị truy tố vào năm 2019 trong khuôn khổ cuộc điều tra của Luật sư đặc biệt Robert Mueller về cáo buộc thông đồng giữa chiến dịch của ông Trump và Nga.
Ông ta đã nhận tội khi nói chuyện với một nhà ngoại giao hàng đầu của Nga trong giai đoạn chuyển giao của Trump, về mặt kỹ thuật là vi phạm Đạo luật Logan.
Đạo luật khiến công dân không được phép thực hiện các cuộc đàm phán với chính phủ nước ngoài về các vấn đề của chính phủ Hoa Kỳ, nếu không sẽ trở thành tội phạm liên bang.
Đạo luật hầu như không bao giờ được sử dụng, nhưng đã trở thành luật từ năm 1799. “Đạo luật Logan có thể vi hiến theo Tu chính án thứ nhất vì hạn chế ngôn luận. Không có trường hợp nào xem xét lập luận này, nhưng một số nhà bình luận đã đề cập đến tính vi hiến tiềm tàng của Đạo luật”, Hiệp hội Liên bang đã viết về đạo luật này.
Hôm thứ Tư, Axios báo cáo rằng giả định tổng thống đắc cử Joe Biden đã tiếp xúc với Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), liên quan đến thỏa thuận hòa bình của quốc gia với Israel.
Axios báo cáo: “UAE đã chuẩn bị cho một chiến thắng tiềm năng ở Biden trong vài tháng và chắc chắn rằng họ sẽ nhận được lời chúc phúc từ Biden và các đảng viên Đảng Dân chủ cấp cao khác cho thỏa thuận bình thường hóa với Israel”.
Cruz cáo buộc McCabe truy tố Flynn vì mục đích chính trị, vì các trợ lý và lãnh đạo nói chuyện với các quan chức nước ngoài trong quá trình chuyển đổi. Vậy thì ông Biden nếu cũng nói chuyện với nước ngoài trong quá trình chuyển đổi quyền lực thì có vi phạm Đạo luật Logan hay không?
https://www.dkn.tv/the-gioi/biden-co-dang-vi-pham-luat.html
Bầu cử tổng thống Mỹ : Danh dự của bên thua cuộc
Thanh Hà
Trong quá khứ, các ứng cử viên tổng thống Mỹ xử sự như thế nào khi bị cử tri bất tín nhiệm ? Thượng nghị sĩ John McCain trân trọng chứng kiến thời khắc lịch sử khi Barack Obama là người Mỹ da đen đầu tiên bước vào Nhà Trắng. Tổng thống Bush cha thân ái cầu chúc Bill Clinton « thành công », bởi đó sẽ là sự thành công chung của toàn nước Mỹ. Xa hơn nữa, Jimmy Carter nuốt hận, nhanh chóng chúc mừng đối thủ Ronald Reagan vì lợi ích chung của đất nước.
McCain, một người Mỹ vĩ đại
Vài ngày qua, 15 triệu lượt người đã vào xem hay xem lại video thượng nghị sĩ John McCain năm 2008 nhìn nhận thất bại trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Trong phần mở đầu ông nói « Tôi vừa trao đổi với thượng nghị sĩ Barack Obama, chúc mừng tổng thống tương lai của nước Mỹ », một đất nước mà cả ông lẫn Obama cùng « yêu mến ». Kế tới, ứng viên của đảng Cộng Hòa đã nhiều lần vào sinh ra tử này không ngần ngại dành cho đối thủ những lời hay ý đẹp : « tỏ lòng ngưỡng mộ » và « kính phục » trước một đối thủ « kiên cường » với nhiều nghị lực.
Thượng nghị sĩ John McCain kêu gọi tất cả những người ủng hộ ông, dưới chính quyền tổng thống Obama, hãy « thể hiện thiện chí vì lợi ích chung của đất nước ».
Thượng nghị sĩ McCain vào đêm 04/11/2008 đã để lại câu nói bất hủ : « Người Mỹ không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ đầu hàng, không bao giờ trốn tránh lịch sử. Người Mỹ làm nên lịch sử ».
Kêu gọi xóa bỏ hận thù và chia rẽ
Tám năm sau thượng nghị sĩ McCain, đến lượt cựu đệ nhất phu nhân Mỹ và cũng là cựu ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton bị một nhà chính trị tay mơ đánh bại. Thua Donald Trump, bà Clinton đã tuyên bố ngay : Bà hy vọng ở cương vị tổng thống ông Trump « sẽ thành công vì lợi ích của tất cả những người dân Mỹ ».
Ngược dòng thời gian trở về năm 2000, sau nhiều tuần lễ kiểm phiếu dằng dai, cuối cùng ứng viên của đảng Cộng Hòa George W. Bush dội gáo nước lạnh vào giấc mơ làm chủ Nhà Trắng của ứng cử viên đảng Dân Chủ, phó tổng thống Al Gore.
Trong bài phát biểu cảm ơn cử tri ủng hộ mình ông Gore cho biết đã đề nghị tiếp xúc với tổng thống tân cử « sớm nhất có thể, để xoa lành những vết hằn mà cuộc vận động tranh cử và tiến trình kiểm phiếu đã để lại ».
Tấm lòng cao thượng của người quân tử
Nhưng có lẽ cử chỉ thể hiện lòng cao thượng của một nguyên thủ Hoa Kỳ còn đọng lại trong lịch sử đương đại là lá thư viết tay mà tổng thống Mỹ thứ 41, George H. Bush để lại trên bàn giấy cho người kế nhiệm là Bill Clinton. Sau có một nhiệm kỳ, tổng thống Bush đã bị một đối thủ trẻ tuổi của đảng Dân Chủ là thống đốc bang Arkansas đánh bại trong cuộc bầu cử năm 1992.
Ngay khi kết quả được công bố, chủ nhân Nhà Trắng đã kêu gọi cử tri Cộng Hòa « sát cánh với vị tổng thống Mỹ tương lai ».
Như truyền thống của Hoa Kỳ, tổng thống tân cử tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/01/1993. Khi bước vào phòng Bầu Dục, Bill Clinton trông thấy một bức thư trên bàn với hàng chữ như sau : « Bill thân mến (…) Khi đọc những dòng chữ này, ngài đã trở thành tổng thống của tất cả chúng ta. Tôi cầu chúc cho ngài những điều lành. Chúc gia đình ngài may mắn. Thành công của ngài giờ đây là thành công của đất nước chúng ta (…) Chúc nhiều may mắn ». Cuối thư, tổng thống Mỹ thứ 41 thân mật ký tên « George ».
Nhiều năm sau tổng thống Clinton và phu nhân vẫn còn rất cảm động mỗi khi nói về bức thư này.
Lịch sử đôi khi cũng có những hồi kết theo kiểu « Happy End » : sau 8 năm nhiệm kỳ, chính ông Clinton đã trao lại chìa khóa của Nhà Trắng cho một vị tổng thống mang tên Bush, nhưng đó là ông Bush con : Georges W. Bush.
Trong một đoạn video, cố đệ nhất phu nhân Barbara Bush thổ lộ rằng hai gia đình Bush và Clinton bất đồng về chính trị, nhưng giữa hai vị tổng thống thứ 41 và 42 của Hoa Kỳ, mối quan hệ không khác gì tình cha con.
Mỹ: Cuộc bầu cử vô tận này sẽ kết thúc ra sao?
Anthony Zurcher
Đã nhiều ngày trôi qua kể từ khi đảng viên Dân chủ Joe Biden được xướng tên chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng, nhưng Donald Trump vẫn chưa thừa nhận hay có bất kỳ dấu hiệu chấp nhận thất bại của mình.
Thay vào đó, ông đang đưa ra những cáo buộc không có chứng cớ về việc cử tri gian lận trên diện rộng, mà theo ông là nghiêng về Biden.
Tuy nhiên, những con số khiến nhiều người thoái chí – ông bị thua hàng chục ngàn phiếu tại nhiều tiểu bang mà ông muốn lật ngược thế cờ để chiến thắng. Nhiều người coi cuộc chiến pháp lý của ông là điều vô vọng.
Tư thế của Trump, chống lại các chuẩn mực chính trị và truyền thống, đang tạo ra rung chấn toàn quốc, giữa lúc các quan chức và cử tri Mỹ đang phản ứng với tình cảnh mà, dù đã được báo trước hàng tháng, vẫn đang đi vào một vùng bất định.
Dưới đây là cách một số nhóm then chốt đang xử lý với những ngày bất định này. Và cách nó có thể diễn ra.
Các lãnh đạo đảng Cộng hòa
Donald Trump có nên thừa nhận kết quả?
Vẫn chưa.
“Tổng thống có mọi quyền xem xét các cáo buộc và yêu cầu kiểm phiếu lại theo luật.” – Lãnh đạo Đa số Thượng viện Mitch McConnell
Tình hình thực tế
Trong bốn năm qua, các chính trị gia đảng Cộng hòa – từ lãnh đạo quốc hội đến hầu hết các cấp bậc – đã điều chỉnh chiến lược để ứng phó với Trump trong những lúc ông gây tranh cãi nhất.
Họ mím chặt môi, chờ cơn bão đi qua.
Tính toán của họ rất đơn giản. Rất ít đảng viên Cộng hòa muốn chọc vào cơn thịnh nộ của một người đàn ông có thể làm giận dữ đám đông ủng hộ ông chỉ bằng một cái búng tay trên Twitter.
Tại sao thành viên đảng Cộng hòa im tiếng về kết quả bầu cử?
Reuters: Gần 80% người Mỹ thừa nhận Biden thắng cử
Vì vậy, bất chấp việc tổng thống đã thất bại trong cuộc bầu cử, các đảng viên Cộng hòa sẵn lòng đứng sang một bên và để tổng thống khẳng định ông đã thắng với “phiếu bầu hợp lệ”, cho đến khi những thách thức pháp lý dường như vô ích được giải quyết và kết quả được chứng nhận.
Các chính trị gia đảng Cộng hòa phải nghĩ đến tương lai của họ, về chuyện làm việc với chính quyền mới của đảng Dân chủ lẫn chuyện giành quyền kiểm soát trong những cuộc bầu bán sắp tới. Không giống như tổng thống, họ không có hứng với chính sách tiêu thổ. Sự nghiệp chính trị của họ được đo đếm bằng năm, chứ không phải ngày hay tuần.
Vì vậy, trò chơi có tên gọi là sự kiên nhẫn. Họ chấp nhận tổng thống có quyền đưa ra yêu sách của mình, cho ông thời gian để trút bỏ bực bội, nhưng cũng cho rằng sẽ không có bằng chứng nào đủ lớn để thay đổi kết quả bầu cử.
Thông qua hành động chứ không phải lời nói, họ đang thừa nhận rằng đến tháng Giêng, sẽ có một tổng thống mới. Vấn đề Trump cũng sẽ qua đi thôi.
Tổng chưởng lý Bill Barr
Donald Trump có nên chấp nhận?
Không rõ.
“Mặc dù các cáo buộc nghiêm trọng cần được xử lý cẩn thận, nhưng các tuyên bố mang tính suy đoán, hư cấu hoặc xa vời không nên là cơ sở để bắt đầu các cuộc điều tra liên bang.” – Barr trong một bản ghi nhớ của Bộ Tư pháp
Tình hình thực tế
Hôm thứ Hai, thoát khỏi thông lệ lâu đời, Bộ trưởng tư pháp Bill Barr đã ban hành một bản ghi nhớ cho các nhân viên cấp cao để mở cửa cho các cuộc điều tra gian lận bầu cử tại Bộ Tư pháp bắt đầu ngay lập tức, thay vì sau khi kết quả bỏ phiếu được các tiểu bang chứng nhận.
Bản ghi nhớ này cho Donald Trump sự xác nhận rằng chính phủ đang xem xét các cáo buộc chưa được minh chứng là có những hành vi bất hợp pháp về bầu cử ở diện rộng tại nhiều tiểu bang mà ông đã thua hàng chục nghìn phiếu. Tuy nhiên, bộ trưởng tư pháp đưa ra bản ghi nhớ với nhiều điều kiện và cảnh báo.
Mặc dù kèm theo rất nhiều cảnh báo, bản ghi nhớ của Barr sẽ cấp cho Trump và những người ủng hộ đang nhấn mạnh rằng cuộc bầu cử đã bị đánh cắp điều họ cần.
Hoa Kỳ có những biện pháp phòng chống để ngăn chặn sự can thiệp chính trị vào các cuộc điều tra, đặc biệt là xung quanh các cuộc bầu cử. Barr hiện đã loại bỏ một số biện pháp bảo vệ đó. Liệu nó có đủ để xoa dịu vị tổng thống đang tìm kiếm bằng chứng cứng rắn để chứng minh cho những cáo buộc rằng bầu cử có gian lận?
Nhóm thân tín của Trump
Donald Trump có nên thừa nhận kết quả?
Không! (Có thể?)
“Tôi vừa nói chuyện với Tổng thống Trump và nói với ông ấy rằng chúng tôi yêu quý và rất tự hào về ông ấy vì đã ủng hộ vững vàng về pháp quyền, hiến pháp và hệ thống của nước Mỹ.” – Cố vấn pháp lý của Trump Jenna Ellis, viết trên Twitter
Tình hình thực tế
Trước công chúng, trợ lý và cộng sự thân cận nhất của tổng thống – đặc biệt là những người đã gắn bó với ông lâu dài nhất, như Rudy Giuliani – đang sát cánh bên Trump khi ông tiếp tục tranh chấp về kết quả bầu cử năm 2020.
Một phần của điều này là thực tế. Nếu tổng thống rời nhiệm sở, họ cũng sẽ mất việc (hoặc, ít nhất, mất tiếp cận đến các ống dẫn quyền lực). Đối với một số người như Thư ký Báo chí Kayleigh McEnany, điều này đã được diễn dịch thành sự khăng khăng rằng phe họ sẽ thắng thế (“Cuộc bầu cử này chưa kết thúc. Còn lâu mới xong.”).
Đối với những người khác, chẳng hạn như Ngoại trưởng Mike Pompeo, phát biểu chỉ là câu hài hước khô khan (“Sẽ có một sự chuyển tiếp suôn sẻ sang chính quyền Trump thứ hai.”)
Một phần là vì lợi ích cá nhân. Hai con trai lớn của Trump, Don Jr và Eric, đã lên tiếng bênh vực và liên tục bảo vệ cha cũng như khuếch đại các cáo buộc của Trump về việc gian lận bầu cử. Đó là vấn đề về tên tuổi, thương hiệu của gia đình.
Bầu cử Mỹ: Làm rõ những cáo buộc gian lận đang lan tràn mạnh nhất
TT Trump có thể ‘chơi’ Trung Quốc một vố trước khi rời Nhà Trắng?
Tuy nhiên, phía sau hậu trường, một số nghi hoặc – hay, có lẽ, thậm chí là chắc chắn – đã len lỏi vào. Con gái Tổng thống Trump – Ivanka Trump đã giữ im lặng kể từ cuộc bầu cử, và có tin tức nói rằng cả cô và chồng mình – Jared Kushner, tin đã đến lúc tổng thống nên thừa nhận kết quả.
Trong khi đó, nhiều thành viên cấp thấp trong đội ngũ nhân sự của chính quyền Trump – những người sẽ thất nghiệp trong vài tháng tới – đang ở thế tiến thoái lưỡng nan, có thông tin giám đốc nhân sự John McEntee nói với họ rằng họ sẽ bị đuổi ngay lập tức nếu bị phát hiện đang tìm việc.
Tuy nhiên, thất bại trong việc tìm kiếm một bến đỗ an toàn vào thời điểm này, sẽ dẫn đến thiệt hai cho sự nghiệp.
Người ủng hộ Trump
Donald Trump có nên nhượng bộ?
Điên à, không!
“Tôi đến đây để thể hiện tình yêu và sự ủng hộ dành cho tổng thống của chúng ta, Donald Trump. Đó hoàn toàn là gian lận. Còn rất nhiều phiếu bầu chưa được kiểm đếm, tất cả phiếu đó đều là của người giả danh và người chết.” – Ủng hộ viên của Trump ở Houston, Texas, nói với BBC Newsbeat.
Tình hình thực tế
Bước vào cuộc bầu cử vào tuần trước, nhiều người ủng hộ Trump đã tin rằng ông sẽ thắng bất chấp các kết quả thăm dò.
Xuất phát vào kết quả bất ngờ năm 2016 khi mà Hillary Clinton được cho là có lợi thế hơn cho tới khi bà thất cử, việc họ tiếp tục tự tin cũng hẵng đặt sai chỗ. Hóa ra kết quả năm 2020 có cách biệt ít hơn so với dự báo ban đầu về cách biệt.
Mặc dù các phiếu đã được đếm và cuộc đua đã xướng tên Biden là người chiến thắng, ít nhất một số người bảo thủ vẫn tiếp tục gắn bó với tổng thống. Theo một cuộc thăm dò của Reuters / Ipsos được thực hiện vào cuối tuần qua, khoảng 40% đảng viên Cộng hòa không tin rằng ông Biden đã đắc cử tổng thống (trong dân chúng nói chung, con số này là 21%).
Chiến dịch tranh cử của Trump đang lên kế hoạch cho các cuộc biểu tình “Stop the Steal” (Ngưng đánh cắp) trên toàn quốc, gồm một cuộc biểu tình ở Washington, DC hôm thứ Bảy. Cũng có tin rằng tổng thống đang xem xét tổ chức các cuộc mít tinh theo kiểu chiến dịch tranh cử trong những ngày tới, mặc dù không có kế hoạch chính thức nào được công bố.
Như đã rõ từ lâu, nếu Trump mong muốn chiến đấu, những người ủng hộ sẽ gắn bố với ông tới cùng.
Joe Biden
Donald Trump có nên nhượng bộ?
Có.
“Thật tình mà nói, tôi chỉ nghĩ đó là một sự ngượng ngùng… Làm sao để tôi có thể nói điều này một cách khéo léo nhỉ? Tôi nghĩ nó sẽ không giúp ích cho di sản của tổng thống.”
Tình hình thực tế
Kể từ khi được dự đoán là người chiến thắng trong cuộc bầu cử hôm thứ Bảy, Joe Biden và nhóm chuyển tiếp của ông đã làm những gì có thể để cho thấy một quá trình chuyển tiếp tổng thống đang diễn ra suôn sẻ và bài bản. Ông đã tổ chức một cuộc họp với lực lượng đặc nhiệm virus corona của mình vào thứ Hai và trả lời các câu hỏi từ các phóng viên vào thứ Ba, lúc ông hứa sẽ công bố các cuộc họp với chính quyền cấp cao trong những tuần tới.
Biden bác bỏ lo ngại rằng quyết định không thừa nhận kết quả của tổng thống Trump đang gây bất lợi đến công việc của ông. Biden nói rằng sự chậm trễ trong việc tiếp cận các quỹ và thông tin mà chính phủ thường phải cung cấp cho các đại diện của tổng thống đắc cử không phải là một trở ngại lớn.
Ông nói, các đảng viên Cộng hòa sẽ chấp nhận chiến thắng của ông, ngay cả khi họ “bị đe dọa một chút bởi tổng thống đương nhiệm”.
Hiện nay, Biden và nhóm Dân chủ đang theo hướng cao thượng để đối chọi với sự bùng nổ của Trump trên mạng xã hội – mặc dù các luật sư của họ cũng đang phản đối mạnh mẽ các vấn đề trước tòa.
Donald Trump
Donald Trump có nên nhượng bộ?
Chỉ cần xem những tweets của ông ấy là biết câu trả lời…
Tình hình thực tế
Chỉ có Donald Trump mới biết lý do tại sao ông vẫn chưa chịu thừa nhận đã thua Biden, dù ông đang bị dẫn hàng chục nghìn phiếu bầu tại nhiều tiểu bang.
Có lẽ, với tư cách là một khán giả của truyền thông cánh hữu, ông thực sự tin rằng đã có một hành vi gian lận ở quy mô đủ lớn dù chưa được chứng minh đủ để thuyết phục nhiều tòa án và xoay chuyển kết quả bầu cử.
Những người hoài nghi sẽ cho rằng đó là sự kết hợp giữa việc tổng thống cố gắng khuấy đục nước để bảo vệ thương hiệu cá nhân khỏi vết nhơ của việc thua cuộc – hoặc tiếp tục gây quỹ từ một số đông người hâm mộ vẫn tin rằng ông còn có cơ hội, một khi quyên đủ số tiền cho một cuộc chiến pháp lý kéo dài. Hàng loạt lời thúc giục, với phần phụ chú cho thấy phần lớn số tiền huy động được sẽ dành cho việc trả số nợ còn tồn đọng của chiến dịch tranh cử và các mục đích không liên quan khác.
Tuy nhiên, đến lúc nào đó, thực tế sẽ lấn sân. Các tiểu bang phải chứng nhận kết quả bầu cử của họ trong vài tuần tới để ngăn chặn việc đảo ngược lịch sử, Joe Biden sẽ có đa số phiếu trong 538 phiếu đại cử tri để đảm bảo chức tổng thống.
Vào ngày 14 tháng 12, những đại cử tri sẽ tập trung tại các thủ phủ của tiểu bang để chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống và phó tổng thống. Vào tháng Giêng, lưỡng viện sẽ nhận và thông qua kết quả.
Gạt sang một bên tập tục và truyền thống. Đây là những thời hạn lạnh lùng và bất di bất dịch.
Sau đó, tất cả còn lại là Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức vào trưa ngày 20/1, và nhiệm kỳ tổng thống của Trump sẽ kết thúc, cho dù ông Trump có thích hay không; cho dù ông ta có chấp nhận hay không.
Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng?
Bầu cử Mỹ: ‘Trump có thể thua, nhưng chủ nghĩa Trump chỉ mới bắt đầu’
Tất nhiên, Trump có thể tái tranh cử vào năm 2024. Hiến pháp Hoa Kỳ không ngăn cản hai nhiệm kỳ tổng thống không liên tiếp. Ông cũng có thể đóng vai trò như một vị vua, dọn đường cho một cuộc tranh cử tổng thống của một trong những đứa con hoặc các đồng minh chính trị của mình.
Đây có thể là hồi kết cho cuộc bầu cử năm 2020, nhưng những mưu kế chính trị sẽ không bao giờ dừng lại.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54913355
Bầu cử Mỹ:
Ông Trump có thể làm gì sau khi rời Nhà Trắng?
Jessica Murphy
Donald Trump sẽ tại vị cho đến ngày 20/1, khi ông bàn giao công việc cho người kế nhiệm và gia nhập câu lạc bộ dành riêng cho các cựu tổng thống Mỹ. Vậy việc gì chính trị gia và ông trùm kinh doanh này sẽ làm tiếp theo?
Sẽ có những thứ như các buổi diễn thuyết béo bở, viết hồi ký, lập kế hoạch thư viện tổng thống.
Jimmy Carter tham gia các hoạt động nhân đạo, và George W Bush vẽ tranh. Nhưng ông Trump chưa bao giờ là một chính trị gia truyền thống.
Tim Calkins, giáo sư marketing tại Trường Quản lý Kellogg thuộc Đại học Northwestern, cho biết: “Donald Trump đã phá vỡ nhiều quy tắc khi trở thành tổng thống.
“Không có lý do gì để nghĩ rằng Donald Trump sẽ hành động giống như bất kỳ cựu tổng thống nào mà chúng ta từng thấy.”
Dưới đây là một số khả năng.
Tranh cử năm 2024
Đây có thể không phải là dấu chấm hết cho tham vọng chính trị của ông Trump – ông luôn có thể trở thành một Grover Cleveland thứ hai và tranh cử nhiệm kỳ thứ hai.
Cleveland là tổng thống duy nhất rời Nhà Trắng và trở lại 4 năm sau đó, đảm nhận cương vị tổng thống năm 1885 và sau đó một lần nữa vào năm 1893.
Hiến pháp Hoa Kỳ quy định rằng “không ai được bầu vào chức vụ Tổng thống nhiều hơn hai lần”, nhưng không nói rằng các nhiệm kỳ cần phải liên tiếp.
Và các cựu trợ lý đã gợi ý rằng ông Trump có thể tìm cách làm điều đó.
Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng?
Reuters: Gần 80% người Mỹ thừa nhận Biden thắng cử
“Tôi tuyệt đối có thể đưa ông ấy vào danh sách ngắn của những người có thể sẽ tranh cử năm 2024,” cựu chánh văn phòng, Mick Mulvaney, gần đây nói.
Ông Trump rõ ràng thích các cuộc vận động tranh cử và ông đã nhận được 71,5 triệu phiếu trong cuộc bầu cử – tổng số phiếu kỷ lục cho một ứng cử viên thua cuộc và điều đó chứng tỏ rõ ràng ông có nền tảng ủng hộ đáng kể từ công chúng Mỹ.
Giáo sư Calkins nói: “Ông ấy sẽ rời nhiệm kỳ tổng thống với một thương hiệu mạnh mẽ như khi ông ấy trở thành tổng thống.
Cũng có nhiều suy đoán rằng con trai cả của tổng thống, Donald Trump Jr, cũng quan tâm đến việc tranh cử tổng thống, phỏng đoán mà ông ta chưa dặp tắt.
Mắc kẹt trong các cuộc chiến pháp lý
Ông Trump hiếm khi né tránh một cuộc chiến pháp lý – và có một số có thể khiến ông bận rộn khi rời nhiệm sở.
Một số cuộc điều tra về Trump Organization đã bắt đầu, trong đó có cuộc điều tra của tiểu bang New York.
Công tố viên của Manhattan, Cyrus Vance, đã bắt đầu điều tra Trump Organization, ban đầu liên quan đến tuyên bố rằng đã có các khoản thanh toán bí mật cho hai phụ nữ nói họ có quan hệ với ông Trump, mặc dù hồ sơ tòa án gần đây cho thấy cuộc điều tra đã mở rộng.
Ông Trump đã nhiều lần bác bỏ cuộc điều tra, gọi đây là một “cuộc săn phù thủy” và không rõ liệu ông Vance có bất kỳ bằng chứng nào để cáo buộc ông Trump tội hình sự hay không.
Bầu cử Mỹ: Làm rõ những cáo buộc gian lận đang lan tràn mạnh nhất
Tại sao thành viên đảng Cộng hòa im tiếng về kết quả bầu cử?
Tổng thống cũng phải đối mặt với các vụ kiện phỉ báng liên quan đến hai trường hợp bị cáo buộc tấn công tình dục – cả hai đều bị ông Trump phủ nhận – do hai phụ nữ khác nhau đưa ra.
Mary Trump, cháu gái của tổng thống, cũng đã đệ đơn kiện, cáo buộc ông và hai thành viên gia đình gian lận và âm mưu.
Cứu chữa đế chế kinh doanh
Trước khi là một chính trị gia, ông Trump là một ông trùm bất động sản, một ngôi sao truyền hình thực tế và là đại sứ thương hiệu của mình, sử dụng tên mình cho các hợp đồng nhượng quyền béo bở.
Ông có thể muốn tiếp tục những việc đang làm dở dang cách đây bốn năm và trở lại thế giới kinh doanh.
New York Times đưa tin rằng ông Trump có hơn 400 triệu đôla tiền nợ sẽ đến hạn trong vài năm tới – mặc dù ông nói rằng con số đó chỉ là “một tỷ lệ nhỏ” trong giá trị tài sản ròng của ông.
Tổ chức Trump có nhiều khách sạn và sân gôn.
Có nhiều bất động sản mang Trump ở Mumbai, Istanbul và Philippines – và tất nhiên, Washington, DC – và các sân gôn ở Mỹ, Anh, Dubai và Indonesia.
Nhưng nếu đó là lộ trình mà tổng thống chọn vào tháng Giêng, ông ấy sẽ còn rất nhiều việc trước mắt.
Nhiều dự án kinh doanh của ông nằm trong lĩnh vực du lịch và giải trí, vốn bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch virus corona.
Forbes báo cáo rằng tài sản của ông có thể bị thiệt hại đến 1 tỷ đô la Mỹ vì Covid-19.
Dựa trên hai thập niên hồ sơ khai thuế của Trump mà New York Times được tiếp cận, tờ báo này cũng đưa tin về “các khoản lỗ kinh niên và nhiều năm trốn thuế”, rằng ông Trump không trả thuế thu nhập nào trong 10 trong số 15 năm trước đó, “phần lớn là do ông ấy đã báo cáo thua lỗ nhiều hơn tiền ông ấy kiếm được “.
Cả Tổ chức Trump và tổng thống Trump đều chỉ trích báo cáo này không chính xác.
Bầu cử Mỹ: ‘Trump có thể thua, nhưng chủ nghĩa Trump chỉ mới bắt đầu’
Bầu cử Mỹ: Kiểm chứng bài phát biểu của TT Donald Trump
Giấc mơ Mỹ và Lá cờ chói lọi ánh sao
Ông Calkins nói tổng thống đã hết lần này đến lần khác chứng minh rằng ông có khả năng đáng kinh ngạc trong việc giữ thương hiệu của và nó vẫn mạnh mẽ – nhưng phải phải là không thay đổi – vì việc ông lên làm tổng thống.
Ông Calkins nói: “Thương hiệu Trump trở nên phân cực hơn và khác biệt hơn nhiều, điều này làm cho nó kém hấp dẫn hơn trong tư cách là một thương hiệu kinh doanh.
“Giờ đây nếu bạn tổ chức một đám cưới tại khách sạn Trump, thì điều này thực sự thể hiện một thái độ, nhưng không có chuyện như vậy trước nhiệm kỳ tổng thống.”
Con gái đầu của Ivanka Trump hiện đã đóng cửa thương hiệu cùng tên khi phải đối mặt với sự tẩy chay và bị một số nhà bán lẻ lớn bỏ rơi khi cô đảm nhận vai trò cố vấn cấp cao tại Nhà Trắng.
Các con trai của ông là Eric và Donald Jr đã giám sát Tổ chức Trump Organization, công ty bảo trợ cho hàng trăm khoản đầu tư của ông Trump vào bất động sản, thương hiệu và các doanh nghiệp khác, trong nhiệm kỳ tổng thống, nhưng cũng tham gia sâu vào sự nghiệp chính trị của bố.
Giáo sư Calkins nói: “Một trong những điều mà tất cả họ sẽ nghĩ đến là ‘Con đường tốt nhất cho gia đình] là gì?
Trở thành ông trùm truyền thông
Tổng thống Trump không còn xa lạ với truyền hình, sau một thời gian kiếm bộn trên chương trình thực tế The Apprentice.
Vì vậy, có rất nhiều suy đoán rằng tham vọng của ông Trump là tham gia vào truyền thông, bằng cách tung ra kênh riêng của mình hoặc cộng tác với một mạng lưới bảo thủ đã được thiết lập.
Henry Schafer, phó giám đốc điều hành Q Scores Company, nói: “Ông ấy chắc chắn sẽ có một lượng khán giả tiềm năng.”
Ông Trump đã thành công trong việc xây dựng thương hiệu của mình như một “nhân vật mà mọi người thích ghét” như Kardashians hay Howard Stern, ông nói.
Và ông Schafer hy vọng ông ấy sẽ “rút lui về những gì phù hợp nhất với mình – đó là tạo tranh cãi”.
“Ông ấy thích tranh cãi, ông ấy xoay tranh cãi theo cách có lợi cho mình, đó là tính cách của ông ấy.”
Các cộng tác viên có thể là kênh One American News Network (OANN) hoặc Newsmax.
OANN là một kênh tổng thống rất yêu thích và ngược lại, và ông đã được tạp chí Atlantic mô tả là “người lãnh đạo, người tạo cảm hứng” cho kênh OANN.
Christopher Ruddy, Giám đốc điều hành của Newsmax, một kênh truyền hình bảo thủ, từng được Washington Post mệnh danh là “Người thì thầm của Trump”.
Có thể có các khoản đầu tư vào truyền thông hoặc liên doanh giải trí khác.
Các tổng thống thường ký hợp đồng viết sách. Barack và Michelle Obama đã đạt được một thỏa thuận chung kỷ lục trị giá 65 triệu đôla – mặc dù đạt được khoản tiền cao như vậy là rất hiếm. Có tin đồn là George W Bush đã nhận 10 triệu đôla tạm ứng cho cuốn hồi ký của mình.
Gia đình Obama cũng đã ký một hợp đồng sản xuất trị giá hàng triệu đôla với Netflix và nhà Clintons cũng đã ký có hợp đồng podcast.
Nghỉ hưu
Ông Trump sẽ có lương hưu tổng thống – và nhiều quyền lợi khác – khi ông rời nhiệm sở.
Đạo luật Cựu Tổng thống, được ban hành năm 1958 để “duy trì phẩm giá” của văn phòng, cung cấp các quyền lợi bao gồm lương hưu hàng năm, 207.800 đôla vào năm 2017.
Các cựu tổng thống cũng được Cơ quan Mật vụ bảo vệ suốt đời, được chăm sóc sức khỏe, chi phí đi lại và chi phí cho nhân viên.
Vì vậy, ông Trump, năm nay 74 tuổi, có thể quyết định lặng lẽ nghỉ hưu.
Ông có thể dành cả ngày để tham gia vào các hoạt động từ thiện, tăng tích lũy trong sổ ngân hàng khi trở thành diễn giả và lập kế hoạch cho thư viện tổng thống – các kho lưu trữ và bảo tàng về tổng thống và chính quyền, thường là ở nhà riêng.
Và ông có thể lấp đầy thời gian rảnh rỗi để thư giãn và chơi gôn ở Florida tại Mar-a-Lago, nơi nghỉ dưỡng ở Palm Beach của ông.
Nhưng Giáo sư Calkins không xem cuộc sống yên tĩnh là một viễn cảnh có thể xảy ra đối với một người đàn ông đã dành quá nhiều thời gian trong ánh đèn sân khấu.
Ông nói: “Donald Trump như một cá tính không có khả năng bị phai nhạt và tôi nghĩ chúng ta sẽ tiếp tục thấy thương hiệu Trump trên khắp thế giới.”
Vào tháng 10, ông Trump thậm chí còn suy đoán rằng, nếu ông ấy thua cuộc bầu cử, ông ấy sẽ cảm thấy khủng khiếp đến mức “có thể tôi sẽ phải rời khỏi đất nước, tôi không biết”.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54913496
Đảng Cộng hòa đang nỗ lực ngăn
phe Dân chủ biến Mỹ thành nước XHCN
Đại Nghĩa
Thượng nghị sĩ (TNS) John Kennedy cho rằng đảng Cộng hòa cần thắng ở bang Georgia. Vì nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện thì đảng thiên tả này sẽ thực hiện chương trình nghị sự xã hội chủ nghĩa của mình, theo The Epoch Times.
“Tôi không thể nói quá về tầm quan trọng của Georgia”, ông Kennedy nói với chương trình “America Newsroom” của Fox News hôm thứ Tư (11/11).
“Người dân Mỹ phải quyết định: chúng ta sẽ sống trong một nền dân chủ hay chủ nghĩa xã hội”, ông Kennedy nói.
Đảng Cộng hòa đã giành được 50 ghế ở Thượng viện, nhưng cần thêm ít nhất một ghế nữa để chiếm đa số. Ông Kennedy cho biết “ghế đó sẽ được xác định ở Georgia”.
Mặc dù đảng Dân chủ mất ghế trong các cuộc đua vào Hạ viện, nhưng họ vẫn chiếm đa số, vì vậy việc kiểm soát Thượng viện càng trở nên quan trọng đối với đảng Cộng hòa.
Nếu đảng Dân chủ giành chiến thắng ở cả hai chiếc ghế thượng viện của bang Georgia, thì hai đảng sẽ có tỷ lệ hòa 50-50, nhưng bên nào giành chiến thắng trong cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc sẽ phá vỡ cục diện; vì hoặc là Phó Tổng thống Mike Pence hoặc Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ nắm quyền cao nhất ở Thượng viện.
Lãnh đạo phe thiểu số đảng Dân chủ tại Thượng viện Chuck Schumer nói trong một cuộc biểu tình vào ngày 7/11 rằng, “Bây giờ chúng ta chiếm Georgia, sau đó chúng ta thay đổi thế giới”.
Các đảng viên đảng Dân chủ nổi tiếng đã kêu gọi những người ủng hộ dồn về Georgia để giúp đỡ chiến dịch chiếm quyền kiểm soát Thượng viện của đảng Dân chủ.
Một người ủng hộ đảng Dân chủ vào tuần trước đã kêu gọi “những người Dân chủ miền Bắc” hãy di chuyển đến Georgia và bỏ phiếu trước khi trải qua mùa đông ở bang này.
Hạ nghị sĩ Vernon Jones, một đảng viên Dân chủ ủng hộ Tổng thống Trump, đã kêu gọi Thống đốc bang Georgia, Brian Kemp, một đảng viên Cộng hòa, hãy điều tra những lời kêu gọi như vậy, nói rằng nó sẽ “làm suy yếu tính toàn vẹn của cuộc bầu cử của chúng ta”.
“Những người theo chủ nghĩa tự do ngoài tiểu bang đang lên kế hoạch tràn vào bang Georgia để phá hoại tính toàn vẹn của cuộc bầu cử Thượng viện sắp tới của chúng ta. Hành động này nên được coi là
BẤT HỢP PHÁP và tôi đang kêu gọi Thống đốc Brian Kemp tổ chức một một cuộc họp đặc biệt để xử lý điều đó”, ông Vernon Jones viết trên Twitter.
https://www.dkn.tv/the-gioi/dang-cong-hoa-dang-no-luc-ngan-phe-dan-chu-bien-my-thanh-nuoc-xhcn.html
Tiểu bang Georgia sẽ kiểm phiếu lại
Tin Atlanta, Georgia – Trước các cáo buộc gian lận bầu cử từ đảng Cộng Hòa, Ngoại Trưởng Brad Raffensperger của tiểu bang Georgia vào thứ Tư, 11 tháng 11, thông báo tiểu bang sẽ kiểm phiếu lại bằng tay.
Theo kết quả hiện tại, Tổng Thống đắc cử Joe Biden được cho là dẫn trước Tổng Thống Trump khoảng 14,000 phiếu tại Georgia. Ông Raffensperger nói, việc kiểm phiếu lại sẽ giúp làm tăng độ tin cậy cho kết quả bầu cử, và tiểu bang sẽ làm việc với các quận hạt để hoàn thành công việc kịp thời.
Việc kiểm phiếu lại bằng tay, nhiều khả năng sẽ kém chính xác và tốn kém hơn so với đếm bằng máy, phải được hoàn tất vào thứ Sáu, 20 tháng 11. Việc ông Biden chiến thắng ở Georgia là một điều bất ngờ,
do tiểu bang này lâu nay vẫn là một tiểu bang Cộng Hòa, và chưa bầu cho tổng thống Dân Chủ nào từ năm 1992 tới nay. Nhiều chính trị gia Cộng Hòa đã cáo buộc đảng Dân Chủ gian lận bầu cử, dù không có bằng chứng.
Ông Reffensperger và các viên chức bầu cử tại Georgia đã bác bỏ cáo buộc này. Hai thượng nghị sĩ David Perdue và Kelly Loeffler tại Georgia đang đối mặt với vòng bầu cử lại vào ngày 5 tháng 1, vì không có đủ trên 50% phiếu bầu để bảo đảm chiến thắng. Ông Raffensperger cho biết một loạt các cuộc bầu cử lại tại tiểu bang và địa phương, ban đầu dự kiến diễn ra vào ngày 1 tháng 12, nay sẽ được dời đến ngày 5 tháng 1, cùng ngày với đợt bầu lại các thượng nghị sĩ. Đảng nào thắng được các ghế thượng nghị sĩ tại Georgia sẽ kiểm soát Thượng Viện. (BBT)
https://www.sbtn.tv/tieu-bang-georgia-se-kiem-phieu-lai/
Bầu cử Mỹ: Các luật sư của Trump
gặp khó khăn trước tòa vì thiếu chứng cứ
Thụy My
Sau khi truyền thông tuyên bố ông Joe Biden thắng cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11/2020, tổng thống sắp mãn nhiệm, ứng cử viên Donald Trump đã phản đối kết quả bầu cử, tố cáo nạn gian lận hàng loạt và hứa hẹn sẽ đưa vấn đề ra trước tòa án. Tuy nhiên, các luật sư của ông không đưa ra được các bằng chứng, và hiện các vụ kiện đều bị bác.
Từ San Francisco, thông tín viên Éric de Salve cho biết thêm chi tiết :
« Do không có chứng cứ đưa ra trước tòa, các luật sư của ông Donald Trump thường phải thất vọng. Một trong những vụ đáng nhớ nhất là tại tòa án liên bang Pennsylvania, khi phía ông Trump yêu cầu tư pháp ra lệnh ngưng kiểm phiếu, vì các quan sát viên Cộng Hòa bị ngăn không được vào văn phòng bầu cử.
Vấn đề là tại phiên tòa, luật sư không có căn cứ nào để chứng minh sự việc này. Ngược lại, thẩm phán rốt cuộc còn buộc ông phải nhìn nhận rằng số quan sát viên Cộng Hòa không chỉ có mặt, mà còn đông gấp đôi so với bên Dân Chủ. Vị thẩm phán, do một tổng thống Cộng Hòa bổ nhiệm, hỏi : « Xin lỗi, vậy thì vấn đề thực tế là gì ? »
Một ví dụ khác tại tòa án Detroit ở bang Michigan. Các luật sư phía ông Trump khởi kiện vì các phiếu bầu được nhận hai ngày sau thời điểm được luật pháp ấn định. Nguồn tin của họ là từ một quan sát viên không phải là nhân chứng trực tiếp. Thẩm phán kết luận như vậy đây chỉ là tin đồn.
PUBLICITÉ
Kết quả là hiện nay, hơn một chục vụ kiện về gian lận và bất hợp lệ được Nhà Trắng đưa ra đã bị bác bỏ. Theo các thẩm phán, chưa có vụ nào đủ nghiêm túc để có thể mở điều tra ».
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201112-luat-su-trump-thieu-chung-cu
TT Trump đã nhận được 73 triệu phiếu bầu hợp lệ
Triệu Hằng
Tổng thống Trump ngày 12/11 cho biết ông đã giành được 73 triệu phiếu bầu hợp lệ.
Con số này đã tăng mạnh so với 71 triệu phiếu mà ông Trump cho biết trong một tweet hôm 8/11.
Ông viết: “Những người quan sát đã không được phép vào các phòng kiểm phiếu. Tôi đã thắng bầu cử, có được 71.000.000 phiếu bầu hợp pháp. Những điều xấu đã xảy ra mà những người quan sát của chúng tôi không được chứng kiến. Không bao giờ xảy ra trước đó. Hàng triệu phiếu bầu qua thư đã được gửi cho những người không bao giờ yêu cầu chúng!”.
Và Twitter vẫn tiếp tục dán nhãn bài đăng của ông Trump.
Đến nay, cuộc bầu cử Mỹ vẫn chưa ngã ngũ, công tác kiểm phiếu vẫn đang tiếp tục, tuy nhiên giới truyền thông Mỹ đã công bố những kết quả khác nhau giữa hai ứng cử viên.
Trong khi The Epoch Times mô tả biểu đồ Tổng thống Trump dẫn trước Biden với tỉ lệ phiếu bầu 232:227 với dữ liệu cập nhật ngày 11/11 vào lúc 3:58 chiều giờ miền Đông nước Mỹ.
Thì Fox News cho kết quả trái lại với tỉ lệ 290:217 nghiêng về Joe Biden, cùng với dữ liệu cập nhật ở các bang.
Tuy nhiên, Realclearpolitics lại cho kết quả đang cập nhật.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tt-trump-da-nhan-duoc-73-trieu-phieu-bau-hop-le.html
Kiện tụng bầu tổng thống Mỹ:
Kẽ hở hệ thống giúp Trump đảo ngược thế cờ?
Trọng Thành
Nước Mỹ đang trong tình thế đặc biệt. Cuộc bầu cử tổng thống 2020 kết thúc. Theo kết quả sơ bộ, ứng viên Dân Chủ Joe Biden đắc cử. Ứng viên Donald Trump, tổng thống sắp mãn nhiệm, liên tục phủ nhận thất bại, cáo buộc nhiều gian lận trong bỏ phiếu, nhưng không đưa bằng chứng. Liệu phe Cộng Hòa còn cơ hội đảo ngược tình thế ?
Trang mạng Le Monde hôm nay 12/10/2020, có đăng tải bài phân tích của bà Eleonora Bottini, giáo sư về luật công, Đại học Caen Normandie, Pháp, nhấn mạnh đến kẽ hở của hệ thống chính trị Mỹ mà phe của tổng thống Donald Trump có thể khai thác. Mục Theo dòng thời sự của RFI xin giới thiệu.
***
Trong bài phân tích mang tựa đề « Các khiếu kiện của Trump lên Tối Cao Pháp Viện nhằm xác định định chế nào là nơi phân xử các tranh chấp liên quan đến bầu cử Mỹ », giáo sư luật Eleonora Bottini ghi nhận « một không khí căng thẳng gần như chưa từng thấy trong lịch sử chính trị Mỹ », khi tổng thống sắp mãn nhiệm kiên quyết không rời bỏ quyền lực, bất chấp khoảng cách về phiếu bầu đại cử tri rất lớn, và việc đảo ngược tình thế được coi là rất ít có khả năng xảy ra.
Phe của tổng thống Trump ngay từ trước bầu cử đã tiến hành hàng loạt vụ kiện lên tư pháp để phản đối thể thức bầu cử tại các bang. Trong đa số các vụ kiện trước ngày bầu cử 03/12/2020, tư pháp Hoa Kỳ đã không chấp nhận đòi hỏi của phe Cộng Hòa. Các thẩm phán liên bang đã chấp thuận việc bỏ phiếu qua thư tại Pennsylvania (mà tỉ lệ cử tri ủng hộ ông Joe Biden rất lớn qua con đường này, được coi là quyết định cho thắng lợi của ứng viên Dân Chủ). Tòa Án Tối Cao của bang Texas cũng cho phép bỏ phiếu qua các trạm bưu điện. Tòa Án Tối Cao của Pennsylvania cũng cho phép chấp nhận phiếu bầu qua thư, được gửi đến 4 ngày sau ngày bầu cử, với điều kiện thư gửi đóng dấu bưu điện ngày 03/11/2020.
Hai giải pháp
Hiện tại, phe Cộng Hòa tiếp tục tiến hành nhiều vụ khiếu kiện tại các bang, và khiếu nại cũng được gửi lên Tối Cao Pháp Viện Liên Bang. Theo giáo sư Eleonora Bottini, hệ thống chính trị hiện nay của Hoa Kỳ có những khoảng trống và vùng mờ, mà bên phản đối có thể khai thác.
Hệ thống chính trị dân chủ pháp quyền của mỗi quốc gia không phải là một cỗ máy hoàn hảo có sẵn, chỉ cần áp dụng để vận hành, mà là sản phẩm của các quá trình lịch sử, khác biệt tùy theo quốc gia, địa phương. Tam quyền phân lập, sự phân biệt giữa « lĩnh vực tư pháp » và « lĩnh vực chính trị » không phải lúc nào cũng rạch ròi.
Trước hết, chuyên gia Pháp nhấn mạnh đến hai giải pháp cho vấn đề kiểm soát bầu cử, trong lịch sử các quốc gia dân chủ.
« Giải pháp thứ nhất » là dành cho các định chế dân cử quyền phân xử cuối cùng. Đây là các trường hợp như ở xứ Anh (thuộc Vương quốc Liên Hiệp Anh và Bắc Ailen) hay Pháp thời cận đại. Ví dụ như vào thế kỷ XVII, các cơ quan dân cử Anh (Nghị Viện) nắm quyền ra quyết định cuối cùng, với mục tiêu là để chống lại can thiệp từ phía Hoàng gia. Rốt cuộc giải pháp này đã bị từ bỏ tại Anh và Pháp, nhưng vẫn được bảo lưu tại một số nước như Ý, Bỉ và Luxembourg, nơi quyền phán xử cuối cùng về các tranh chấp bầu cử thuộc thẩm quyền của « lĩnh vực chính trị ».
Việc các cơ quan dân cử ra phán quyết về các tranh chấp bầu cử dần dần bị coi như là hành động « vừa đá bóng, vừa thổi còi ». Hiến pháp của nền đệ ngũ Cộng Hòa Pháp đã dành cho Tòa Bảo Hiến vai trò phân xử các tranh chấp liên quan đến bầu cử quốc gia. Đây chính là « giải pháp thứ hai », tức kiểm soát bầu cử về pháp lý, giải pháp được đại đa số các quốc gia dân chủ hiện nay lựa chọn.
Không giải pháp nào ưu việt hơn hẳn
Tư pháp độc lập dường như được coi là giải pháp hữu hiệu nhất để tránh xảy ra tình trạng « cáo canh chuồng gà », theo diễn đạt của thẩm phán Mỹ John Paul Stevens (thành viên Tối Cao Pháp Viện Mỹ từ 1975 đến 2020). Tuy nhiên, theo giáo sư luật Eleonora Bottini, cả hai giải pháp nói trên đều không phải là toàn hảo, và đều có thể bị phê phán dưới góc độ này hay góc độ khác. Nhiều thách thức đặt ra với giải pháp dành cho tư pháp quyền ra quyết định cuối cùng về khiếu nại bầu cử. Ví dụ như, các thẩm phán dựa trên « nguyên tắc hợp thức dân chủ » nào để ra phán quyết về quyết định của toàn dân thông qua phiếu bầu. Liệu có thể phó thác quyền phán xét về các cuộc bầu cử – vấn đề cốt lõi của một nhà nước pháp quyền – vào tay một số thẩm phán, rất có thể có quan điểm thiên vị ? Nguyên tắc phân chia quyền lực trong một nhà nước dân chủ pháp quyền không đủ để đưa ra giải pháp thuyết phục hoàn toàn.
Hiến pháp Mỹ không quy định rõ
Về quyền phân xử tranh chấp liên quan đến bầu cử tổng thống, nước Mỹ có lựa chọn riêng. Hiến pháp Hoa Kỳ về cơ bản dành cho Quốc Hội lưỡng viện quyền quyết định cuối cùng về kết quả bầu cử thượng nghị sĩ, hạ nghị sĩ. Quy định này thoạt tiên có mục tiêu củng cố nguyên tắc Liên bang chống lại một số chính quyền bang không muốn nhường quá nhiều thẩm quyền cho Nhà nước Liên bang. Trên thực tế, quy định khá chung chung trong Hiến pháp đã không cản trở việc các đảng phái địa phương kiện lên các tòa án địa phương và liên bang.
Đọc thêm : Kiểm phiếu bầu cử Mỹ 2020: lo ngại Tối Cao Pháp Viện can thiệp như năm 2000
Riêng về bầu cử tổng thống, theo giáo sư luật Eleonora Bottini, Hiến pháp Mỹ hoàn toàn im lặng. Thực tế này tạo nên một tình trạng không rõ ràng, một hệ thống cho phép cả hai giải pháp song hành tồn tại, và để ngỏ cho các thẩm phán khả năng diễn giải quyền hạn của tư pháp, của Tối Cao Pháp Viện, theo cách của mình. Điểm lại lịch sử, giáo sư luật người Pháp nhấn mạnh là Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ nhìn chung tránh can thiệp vào các tranh chấp được coi là « quá chính trị ».
Quan điểm chính thống này có một thay đổi lớn vào năm 1962, khi Tối Cao Pháp Viện lần đầu tiên chấp nhận đưa ra phán xử về các tiêu chuẩn xác định lại các đơn vị bầu cử. Vụ Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết về cuộc bầu cử tổng thống 2020 là một can thiệp vô cùng hiếm hoi. Tòa Án Tối Cao yêu cầu dừng tái kiểm phiếu vào thời điểm đó tại Florida, khiến thắng lợi thuộc về George W. Bush (với chênh lệch phiếu bầu chỉ hơn 500). Can thiệp này sau đó đã bị rất nhiều chỉ trích, do các thẩm phán Tối Cao Pháp Viện, không đủ « tính chính đáng dân chủ » và thành phần Tối Cao Pháp Viện vào thời điểm đó nghiêng về phe Cộng Hòa.
Tối Cao Pháp Viện từ chối can thiệp : không có kết quả trước hạn 08/12 ?
Theo giáo sư luật Eleonora Bottini, tình thế hiện nay tại Mỹ « có thể dẫn đến tình trạng Tối Cao Pháp Viện từ chối tiếp nhận các khiếu nại về bầu cử », do không muốn lặp lại tình hình năm 2000. Và nếu như các tòa án ở các bang cũng từ chối phân xử về các tranh chấp, thì một số chính quyền bang sẽ không thể có được danh sách chính thức các đại cử tri, trước hạn chót, ngày 08/12/2020. Nếu quá hạn này, theo tu án chính án thứ 12 của Hiến pháp Hoa Kỳ liên quan đến bầu cử, rất ít khi được sử dụng, Hạ Viện sẽ có quyền lựa chọn tân tổng thống. Trong trường hợp này, quyết định của Hạ Viện không dựa trên số dân biểu, mà theo bang. Hiện tại, nhìn chung, số bang ủng hộ phe Cộng Hòa nhiều hơn phe Dân Chủ.
Trục trặc 100.000 phiếu bầu qua thư tại Pennsylvania,
ngày nhận sớm hơn ngày gửi!
Tâm Thanh
Các kỹ sư hiện trường của Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ nhận định, ngày đến của những lá phiếu được gửi qua hòm thư đó là điều “không thể xảy ra”, theo Vision Times.
Theo phân tích của nhân viên nghiên cứu cơ sở dữ liệu cử tri, phát hiện có hơn 100.000 lá phiếu được gửi qua bưu điện có vấn đề về ngày tháng tại tiểu bang Pennsylvania. Lượng lớn phiếu bầu được gửi qua bưu điện đã đến nơi nhận ngay ngày hôm sau hoặc cùng ngày sau khi chúng được gửi đi. Thậm chí, ngày nhận của một số lá phiếu gửi qua bưu điện còn sớm hơn cả ngày gửi, điều này hoàn toàn không phù hợp với lẽ thường .
Theo phân tích của dữ liệu này, ngày nhận của hơn 51.000 lá phiếu là ngày thứ 2 sau khi được gửi qua bưu điện; khoảng 35.000 lá phiếu đã đến nơi nhận ngay trong ngày chúng được gửi đi, khó tin hơn nữa là ngày nhận của 23.000 lá phiếu thậm chí còn sớm hơn cả ngày gửi. Ngoài ra, vẫn còn 9.000 lá phiếu gửi qua bưu điện không có ngày gửi. Phần lớn số phiếu bầu này bầu cho ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden.
Bên cạnh những lá phiếu bưu điện “dị thường” về ngày đến được kể ở trên, còn có hơn 43.000 lá phiếu bưu điện về đến chỉ sau 2 ngày được gửi qua đường bưu điện, đây cũng là một tốc độ hoàn trả khá nhanh.
Ngoại trưởng tiểu bang Pennsylvania trong lần cập nhật dữ liệu cử tri công khai gần đây nhất vào ngày 10/11. Dữ liệu bao gồm ngày gửi và ngày đến nơi của phiếu bầu.
Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ (USPS) cho biết trong một thông báo ngày 29/10: “Kể từ ngày 1/10, thời gian vận chuyển trung bình đối với bưu kiện hạng nhất, gồm cả phiếu bầu trong đó cũng phải mất đến 2 ngày rưỡi”.
Theo báo cáo, nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu này đã thảo luận về các ngày (dị thường) nêu trên với các kỹ sư hiện trường của Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ và họ đều cho rằng, ngày đến của những lá phiếu được gửi qua hòm thư đó là điều “không thể xảy ra”.
Tại tiểu bang Pennsylvania, cử tri muốn bỏ phiếu qua đường bưu điện trước tiên phải xin lá phiếu gửi qua đường bưu điện, sau đó Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ sẽ gửi cho họ một lá phiếu trống. Sau khi cử tri nhận được lá phiếu trống thì sẽ đánh dấu ứng viên mà mình lựa chọn, rồi ký tên. Cuối cùng, gửi lại lá phiếu đã điền đầy đủ thông tin qua đường bưu điện hoặc tự mình mang đi. Quá trình này thông thường phải mất vài ngày đến vài tuần.
Năm nay, tiểu bang Pennsylvania cũng cho phép cử tri “đến thăm các văn phòng bầu cử quận hoặc các địa điểm được chỉ định khác, nơi họ có thể nộp đơn xin, nhận, đánh dấu phiếu bầu và bỏ phiếu gửi qua đường bưu điện”. Quy định này có thể giải thích cho các lá phiếu bầu không có ngày gửi, nhưng không thể giải thích ngày tháng trên các lá phiếu khác được gửi qua đường bưu điện.
Ngoài ra, từ những dữ liệu này còn phát hiện ra rằng, có ít nhất 31 “cử tri” tại tiểu bang có tuổi thọ còn lớn hơn người sống thọ nhất được mọi người biết đến.
Người cao tuổi nhất đầu tiên được biết đến ở tiểu bang Pennsylvania là cụ bà Ardith Grose, 113 tuổi, sinh năm 1907. Tuy nhiên, năm sinh của 31 “cử tri” kia đều từ năm 1900 đến năm 1907. Ngoài ra còn có khoảng 20 “cử tri” sinh ngày 1/1/1900. Có dữ liệu còn cho thấy, một người 220 tuổi (sinh năm 1800) cũng được ghi nhận đã ‘tham gia’ bỏ phiếu qua thư. Điều này hết sức phi lý. Tại tiểu bang Michigan cũng có tình trạng tương tự.
Ông Rudy Giuliani – cựu Thị trưởng New York và là luật sư riêng của Tổng thống Trump đã tiết lộ vào hôm Chủ nhật (7/11) rằng, hơn 900.000 phiếu bầu không hợp lệ có thể đã được gửi đến tiểu bang Pennsylvania.
Ông Giuliani cũng bày tỏ tin tưởng rằng, ông hy vọng sẽ thay đổi kết quả bầu cử tại tiểu bang Pennsylvania thông qua kiện tụng, để Tổng thống Trump có thể giành chiến thắng trở lại tại tiểu bang này.
Dữ liệu bùng nổ: Hơn 500.000 phiếu của ông Trump
chuyển sang Biden nhờ phần mềm
Hương Thảo
Một phân tích về dữ liệu bỏ phiếu thô từ cuộc bầu cử năm 2020 được thực hiện bởi người dùng “Centipede” (“PedeIns Inspector”) tại TheDonald.win, đã tiết lộ tin tức bom tấn.
Có vẻ như hàng trăm nghìn phiếu bầu đã được chuyển từ Trump sang Biden thông qua hệ thống kiểm soát phần mềm của máy kiểm phiếu. Điều này được thực hiện trong thời gian thực, ngay trong đêm bầu cử. Điều này cũng giải thích tại sao việc kiểm phiếu bầu cử bị chậm lại ở các tiểu bang chiến địa để cho phép điều phối và thực hiện hành vi trộm cắp bầu cử. PedeIns Inspector giải thích cách anh ấy đã viết một kịch bản để trình bày chi tiết tất cả các trường hợp phiếu bầu bị mất hoặc bị chuyển từ Trump sang Biden. Nguồn dữ liệu của anh ấy là nguồn cấp dữ liệu kết xuất thô của New York Times (NYT) tại liên kết này (nhưng hiện đã không hoạt động khi NYT thủ tiêu nó):
Như The Gateway Pundit giải thích: Tác giả cũng tuyên bố rằng dữ liệu là từ Edison Research và nó là dữ liệu tương tự được sử dụng để đưa tin bầu cử bởi ít nhất là các hãng như ABC News, CBS News, CNN và NBC News. Nó cũng được sử dụng cho trang web của NYT và có thể cả những trang khác. Nguồn dữ liệu này giống như một tệp nhật ký giao dịch. Nó hiển thị từng cập nhật cho tổng số phiếu bầu, giống như một máy ghi dữ liệu chuyến bay (“Hộp đen”) trên máy bay thương mại. Ông chỉ ra một trong những dữ liệu chuyển đổi trông như thế này:
Giải thích: Biểu đồ này hiển thị hai cập nhật về tổng số phiếu bầu thứ tự 27 và 28: Đối với thao tác số 27: Phiếu cho ông Trump = 0,578 x 573857 = 331.689; và phiếu cho ông Biden = 0.401 x 573857 = 230.117.
Đối với thao tác số 28: Số phiếu cho ông Trump = 0.568 x 574417 = 326.269 (nó đã GIẢM của Trump 5.420 phiếu ) Số phiếu của Biden = 0.406 x 574417 = 233.213 (nó đã TĂNG cho Biden 3.096 phiếu).
Như đã thấy, phiếu bầu được lấy từ ông Trump và chuyển sang cho ông Biden. Trong trường hợp này, nó chỉ là một vài nghìn, nhưng có hàng nghìn giao dịch chuyển đổi phiếu bầu khác trong các tệp nhật ký. Hãy hiểu rằng đây là bằng chứng tuyệt đối về việc đánh cắp phiếu bầu dựa trên phần mềm. (Xem thêm chi tiết bên dưới). Điều này giống như việc khôi phục “hộp đen” sau một vụ rơi máy bay. Tất cả các dữ liệu còn nguyên vẹn. Cuộc bầu cử đã bị đánh cắp qua mạng, trong thời gian thực.
Danh sách chi tiết các kết quả đánh cắp phiếu bầu
Danh sách này được tổ chức bởi các hệ thống kiểm phiếu (các hãng kinh doanh phần mềm kiểm phiếu). Đặc biệt lưu ý ở các tiểu bang chiến địa, hãy lưu ý mức độ nhấn mạnh đặc biệt của hành vi trộm phiếu tập trung vào các tiểu bang này.
Hệ thống kiểm phiếu Dominion:
Pennsylvania: Đã chuyển đổi: 220.883 Số phiếu bị mất: 941.248
New Jersey: Đã chuyển đổi: 80.242 Phiếu bầu bị mất: 20
Florida: Đã chuyển đổi: 21.422 Phiếu bầu bị mất: 456
Michigan: Đã chuyển đổi: 20.213 Phiếu bầu bị mất: 21.882
New York: Đã chuyển đổi: 18.124 Phiếu bầu bị mất: 623.213
Georgia: Đã chuyển đổi: 17.407 Phiếu bầu bị mất: 33.574
Ohio: Đã chuyển đổi: 14.965 Phiếu bầu bị mất: 5.102
Virginia: Đã chuyển đổi: 12.163 Phiếu bầu bị mất: 789.023
California: Đã chuyển đổi: 7.701 Phiếu bầu bị mất: 10.989
Arizona: Đã chuyển đổi: 4.492 phiếu bầu bị mất: 0
Minnesota: Đã chuyển đổi 2.766 Phiếu bầu bị mất: 195.650
Tennessee: Đã chuyển đổi: 2.330 Phiếu bầu bị mất: 0
Louisiana: Đã chuyển đổi: 2.322 Phiếu bầu bị mất: 0
Illinois: Đã chuyển đổi: 2.166 Phiếu bầu bị mất: 54.730
Wisconsin: Đã chuyển đổi: 2.078 Phiếu bầu bị mất: 3.408
Colorado: Đã chuyển đổi: 1.809 Phiếu bầu bị mất: 0
Utah: Đã chuyển đổi: 1.627 phiếu bầu bị mất: 0
New Hampshire: Đã chuyển đổi: 973 phiếu bầu bị mất: 116
Iowa: Đã chuyển đổi: 938 phiếu bầu bị mất: 477
New Mexico: Đã chuyển đổi: 268 phiếu bầu bị mất: 4.610
Missouri: Đã chuyển đổi 0: Số phiếu bị mất: 20.730
Nevada: Đã chuyển đổi: 0 Số phiếu bị mất: 0
Alaska: Đã chuyển đổi: 0 Số phiếu bị mất: 0
Washington: Đã chuyển đổi: 0 Số phiếu bị mất: 0 Hawaii: Đã bị chuyển đổi: 0 Số phiếu bị mất: 0
Kansas và Texas sử dụng phần mềm kiểm phiếu Premier Election Solutions, cũng thuộc sở hữu của Dominion Voting Systems.
Texas: Đã chuyển đổi: 14.954 Phiếu bầu bị mất: 30.557
Kansas: Đã chuyển đổi: 1.674 Phiếu bầu bị mất: 2.154
Hệ thống & Phần mềm Election:
Nebraska: Đã chuyển đổi: 30.086 Phiếu bầu bị mất: 50
Kentucky: Đã chuyển đổi: 8.129 Phiếu bầu bị mất: 23.849
Arkansas: Đã chuyển đổi: 3.664 Phiếu bầu bị mất: 20.748
Nam Carolina: Đã chuyển đổi: 2.779 Phiếu bầu bị mất: 2.119
Montana: Đã chuyển đổi: 2.330 Phiếu bầu bị mất: 1.276
Nam Dakota: Đã chuyển đổi: 1.347 Phiếu bầu bị mất: 1
Bắc Dakota: Đã chuyển đổi: 234 Phiếu bầu bị mất: 681
Maryland: Đã chuyển đổi: 203 Phiếu bầu bị mất: 0
Bắc Carolina : Đã chuyển đổi: 0 Phiếu bầu bị mất: 15 Quận
Columbia: Đã chuyển đổi: 0 Phiếu bầu bị mất: 0
Hệ thống không xác định:
Nebraska: Đã chuyển đổi: 30.086 Phiếu bầu bị mất: 50
Connecticut: Đã chuyển đổi: 3.834 Phiếu bầu bị mất: 272
Massachusetts: Đã chuyển đổi: 3.613 Phiếu bầu bị mất: 51
Oregon : Đã chuyển đổi 2.557 phiếu bầu bị mất: 0
Alabama: Đã chuyển đổi: 1.170 phiếu bầu bị mất: 408
Mississippi: Đã chuyển đổi: 355 phiếu bầu bị mất: 0
Maine: Đã chuyển đổi: 271 phiếu bầu bị mất: 35
Đảo Rhode: Đã chuyển đổi: 6 phiếu bầu bị mất: 13
West Virginia: Đã chuyển đổi: 0 Phiếu bầu bị mất s: 78.300
Idaho: Đã chuyển đổi 0 Phiếu bầu bị mất: 0 Oklahoma: Đã chuyển đổi: 0 Phiếu bầu bị mất: 0 Indiana: Đã chuyển đổi: 0 Phiếu bầu bị mất: 0
Delaware: Đã chuyển đổi: 0 Phiếu bầu bị mất: 0
Vermont: Đã chuyển đổi: 0 Phiếu bầu bị mất: 0
Luật sư Rudy Giuliani xác nhận rằng các nhân viên phần mềm Dominion đang đứng lên với tư cách là người tố cáo.
Trong một tin tức gây sốc hơn sẽ thay đổi tiến trình lịch sử, luật sư Rudy Giuliani hiện đã xác nhận, trong một buổi phát sóng trực tiếp với chương trình “Warroom” của Steve Bannon, rằng các nhân chứng phần mềm Dominion đang tiến lên và thổi còi vụ gian lận ăn cắp phiếu bầu lớn:
Nếu không có gian lận phiếu, Trump đã thắng tới 307 phiếu đại cử tri!
Trang web EveryLegalVote.com hiển thị kết quả bầu cử thực sau khi loại bỏ tất cả các phiếu bầu ăn cắp cho biết, nếu không có hành vi trộm phiếu, ông Trump thắng với 307 phiếu đại cử tri. Với hành vi trộm phiếu. Biden “thắng” với 304 phiếu đại cử tri. Gian lận đã được phát hiện và ghi lại ở hầu hết các bang chiến địa. Xem chi tiết đầy đủ tại EveryLegalVote.
Healthranger cho viết trên Distributed News: “Hôm qua, các nguồn tin cho chúng tôi biết CIA chịu trách nhiệm điều hành hoạt động đánh cắp phiếu bầu, với Gina Haspel dính líu sâu đến tội phản quốc. Vào đêm bầu cử, Tổng thống Trump và các nhân viên Bộ Quốc phòng được đích thân ông lựa chọn đã ngồi trong phòng chỉ huy an toàn, theo dõi và ghi lại toàn bộ vụ trộm bầu cử diễn ra trong thời gian thực. Tất cả các vụ trộm phiếu đều được ghi lại chi tiết, và vụ trộm phiếu này được phép diễn ra để những kẻ phản quốc của nhà nước ngầm có thể bị bắt quả tang.
Big Tech (các hãng công nghệ lớn), các phương tiện truyền thông chính thống và CIA đều đang âm mưu cố gắng gây bất lợi cho quốc gia, và tuyên bố sai sự thật rằng Biden đã thắng, ngay cả khi họ đều biết cuộc bầu cử đã bị đánh cắp thông qua hành vi trộm cắp của phần mềm máy kiểm phiếu. Đây là lý do tại sao họ đang muốn gấp rút loại bỏ Trump khỏi văn phòng ngay bây giờ, với John Brennan, cựu giám đốc CIA của Obama, thực tế đã tự lên truyền hình trực tiếp và yêu cầu Trump bị loại bỏ ngay lập tức thông
qua Tu chính án thứ 25. Đó là bởi vì Brennan và các diễn viên thuộc nhà nước ngầm khác biết họ đã bị bắt. Tổng thống Trump có tất cả bằng chứng. Trên thực tế, ông đã có một nhật ký giao dịch chi tiết cho thấy gian lận diễn ra trong thời gian thực. Trong những tuần tới, thông tin này sẽ được trình lên Tối cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Chúng tôi dự đoán Tối cao Pháp Viện sẽ làm mất hiệu lực cuộc bầu cử tổng thống và chuyển kết quả trở lại Nghị viện, nơi mỗi bang được một phiếu bầu để chọn Tổng thống tiếp theo.
Đảng Cộng hòa chiếm đa số vững chắc trong số các cơ quan lập pháp bang mà họ kiểm soát, và họ sẽ dễ dàng giành được phiếu bầu đó. (Nancy Pelosi có thể từ chối cho phép cuộc bỏ phiếu diễn ra, nhưng nếu bà ấy làm vậy, bà ta sẽ bị bắt vì tội phản quốc). Tổng thống Trump đã sa thải cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper và đang dọn dẹp nhà cửa tại Bộ Quốc phòng để Lầu Năm Góc sẵn sàng cho quân đội bắt giữ những kẻ phản bội đã thực hiện hành vi trộm cắp bầu cử được thiết kế này.
Hàng trăm (hoặc hàng nghìn) người cuối cùng sẽ bị bắt và bị buộc tội với nhiều tội danh khác nhau, bao gồm cả âm mưu và dụ dỗ. Nhiều người trong số các thành viên nhà nước ngầm từng làm việc dưới thời Obama sẽ phải vào tù một khi điều này được nói ra và thực thi. Những kẻ điên cuồng, cực đoan của cánh tả ở Mỹ sẽ bùng nổ với cơn thịnh nộ và bạo lực khi chiến thắng được công bố cho Trump, và điều này gần như chắc chắn sẽ dẫn đến việc Tổng thống Trump viện dẫn Đạo luật Nổi dậy và triển khai quân đội trên đường phố để tiêu diệt những kẻ khủng bố cánh tả.
Vào thời điểm này, nước Mỹ sẽ rơi vào hỗn loạn và bạo lực đáng kể, điều đáng buồn là không thể tránh khỏi như một phần của quá trình tát cạn đầm lầy và tiêu diệt những kẻ khủng bố cánh tả. Tất cả những người Mỹ yêu nước được khuyến cáo nên kiểm tra kỹ súng trường, đạn dược. Tình huống này rất có thể diễn ra trong vòng 70 ngày tới. Nhưng tin tốt là Tổng thống Trump đã nắm giữ tất cả các quân bài và có tất cả bằng chứng về hành vi trộm phiếu mà ông cần để giành chiến thắng“. Hết trích dẫn.
Bất chấp luật, một quận ở Pennsylvania
sẽ đếm hơn 2.000 phiếu không ghi ngày
Phụng Minh
Hội đồng bầu cử quận Allegheny, tiểu bang Pennsylvania đã bỏ phiếu vào hôm thứ Ba (10/11) với tỷ lệ 2-1 để đi tới quyết định rằng, bất kể luật bầu cử có quy định gì, họ sẽ đếm 2.349 lá phiếu “có vẻ đủ điều kiện về mọi mặt” ngoại trừ thực tế là cử tri không ghi ngày trên phong bì bên ngoài, Pittsburgh Tribune-Review đã đưa tin đầu tiên.
Nhân viên hội đồng bầu cử nói rằng các lá phiếu chưa mở đã đến vào hoặc trước Ngày Bầu cử.
“Họ nộp đơn đúng giờ, nhận phiếu bầu, bỏ phiếu, trả lại đúng hạn với chữ ký, tên in, địa chỉ của họ – điều duy nhất họ thiếu là ngày tháng”, luật sư Andrew Szefi cho biết. “Chúng đã được nhận kịp thời và… máy phân loại phiếu bầu của chúng tôi sẽ in ngày nhận được trên mỗi phong bì khi chúng được quét”.
“Chúng tôi đã xem xét kỹ lưỡng vấn đề này”, ông nói thêm. “Nguyên tắc pháp lý được đề cập ở đây là Bộ luật bầu cử phải luôn được hiểu sao cho có lợi hơn việc tước quyền. Những gì chúng tôi có ở đây về cơ bản là tính kỹ thuật mà chúng tôi không muốn cử tri bị tước quyền”.
Giám đốc bầu cử David Voye cho biết khoảng 25.000 phiếu bầu vẫn chưa được kiểm đếm, 17.000 phiếu bầu trong số đó là phiếu bầu tạm thời.
Chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump đã đệ đơn kiện ở Pennsylvania vào hôm thứ Hai (9/11) chống lại việc tiểu bang sử dụng các lá phiếu gửi qua thư, cáo buộc nó tạo ra một hệ thống bỏ phiếu “hai cấp” cho cuộc tổng tuyển cử – một yêu cầu mà tiểu bang kịch liệt phủ nhận.
Chiến dịch tranh cử của ông Trump cáo buộc đã có việc loại bỏ “tất cả các dấu hiệu về tính minh bạch và khả năng xác minh” đối với những người bỏ phiếu qua đường bưu điện so với những người bỏ phiếu trực tiếp.
Đơn kiện cũng cáo buộc các nhân viên gian lận đã giữ “bí mật” việc kiểm phiếu bằng cách không cung cấp cho các nhân viên giám sát “quyền truy cập có ý nghĩa hoặc cơ hội thực tế để xem xét và đánh giá các lá phiếu qua thư”.
Chiến dịch TT Trump nắm được bằng chứng gian lận,
‘cuộc chiến tổng lực’ bắt đầu
Hương Thảo
Mục lục bài viết
Gian lận bầu cử quy mô lớn có tổ chức, thủ đoạn tinh vi
Ít nhất 450.000 phiếu khống mang tên ông Joe Biden xuất hiện ở các bang chiến trường
Tranh cử nghị viên của đảng Cộng hòa cũng bị ảnh hưởng nặng nề
Số phiếu giả mạo được kiểm đếm chiếm tới 3% tổng số phiếu bầu
Các cơ cấu “chính phủ ngầm” hoàn toàn im lặng trước “cuộc bầu cử bị đánh cắp“
Bằng chứng cụ thể về gian lận bằng hệ thống và phần mềm kiểm phiếu
Nước Mỹ đang đứng trước “cuộc chiến toàn diện”, khảo vấn lương tri của mỗi người
Phân tích các nội dung chính trong tiết lộ từ đại diện đội ngũ luật sư của Tổng thống Trump.
Hôm Chủ nhật (8/11), bà Sidney Powell, trưởng đội ngũ luật sư của chiến dịch TT Trump, khi tiếp nhận phỏng vấn của Fox News, đã có một bài phát biểu dài bốn phút về bằng chứng gian lận trong cuộc bầu cử, các thủ tục pháp lý của đội ngũ luật sư của của TT Trump đã bắt đầu.
Bà Sidney Powell là ai? Mục đích của việc bà ấy phát biểu một ngày trước khi đội ngũ TT Trump đệ đơn vụ kiện lên Tối cao Pháp viện có ý nghĩa gì? Bà ấy đã nói những gì? Sound of Hope TV đã xem xét, phân tích và bình luận những điểm chính trong bài phát biểu của Powell trong buổi truyền hình trực tiếp cuộc tổng tuyển cử mới nhất vào tối 8/11.
Gian lận bầu cử quy mô lớn có tổ chức, thủ đoạn tinh vi
Bà Powell là cựu công tố viên quốc gia. Bà từng là luật sư trong vụ án của tướng Michael Flynn – cựu cố vấn an ninh quốc gia. Bà ấy đã tìm ra bằng chứng quan trọng, lật ngược tình thế thành công và giải cứu tướng Flynn khỏi oan ngục.
Người dẫn chương trình “Fox News” nói rằng bây giờ đã bắt đầu một cuộc “chiến tranh toàn diện”. Đây không phải là cuộc chiến bạo lực, mà là một cuộc chiến pháp luật toàn diện, cuộc chiến khắc phục mọi khó khăn, nghĩa là tất cả những ai muốn biết được sự thật đều phải chiến đấu cho sự thật.
Bà Powell là người phụ trách chính trong đội ngũ luật sư của Tổng thống Trump. Trong buổi phỏng vấn, bà đã chỉ ra rằng “hiện nay có sự gian lận bầu cử quy mô lớn, phối hợp có tổ chức hòng đánh cắp cuộc bầu cử này từ tay người dân Mỹ”.
Những bằng chứng cho thấy họ đã hợp tác lừa đảo quy mô lớn trong ít nhất các lĩnh vực sau:
1. Vô hiệu hóa các lá phiếu đã bầu cho TT Trump.
2. Tạo phiếu khống bầu Biden.
3. Người chết bỏ phiếu.
4. Sử dụng thuật toán để tính toán số phiếu bầu cần thiết để đảo ngược kết quả, sau đó trực tiếp sửa đổi nó thông qua hệ thống kiểm phiếu trên vi tính.
5. Bưu điện thay đổi thời gian nhận được phiếu bầu.
Ít nhất 450.000 phiếu khống mang tên ông Joe Biden xuất hiện ở các bang chiến trường
Bà Powell nói rằng bằng chứng của chúng tôi xác nhận rằng trên ít nhất 450.000 phiếu bầu, chỉ có tên của ông Joe Biden xuất hiện ở các bang quan trọng, “những phiếu bầu này chỉ có Joe Biden mà không có ứng cử viên nào khác (chẳng hạn như thành viên Nghị viện, thống đốc, quan chức địa phương)”.
Bà Powell nói tiếp: “Trước tiên, họ xem xét mức chênh lệch về số phiếu bầu. Đó là lý do tại sao việc kiểm phiếu đột ngột dừng lại vào lúc nửa đêm và sau đó họ sử dụng các thuật toán để lập trình lật ngược sự dẫn đầu của T.T Trump. Chúng tôi đã thấy tình hình sau khi các bang này bị đảo chiều sau đó, khiến kết quả của Tổng thống Trump “thua” chưa đến 1%. Họ không dám gian lận quá nhiều phiếu. Nếu làm quá nhiều, quá dễ dàng để lộ bản thân, vì vậy điều họ làm chính là chỉ đủ để lật ngược tình thế. Ở tiểu bang Pennsylvania, T.T Trump đã dẫn đầu với 700.000 phiếu bầu vào lúc nửa đêm, nhưng bây giờ đã rớt lại phía sau 0,5%. Truyền thông và ông Biden sau đó đã nhanh chóng tuyên bố giành ‘chiến thắng’. Tiểu bang Michigan, T.T Trump đang dẫn đầu với 600.000 lá phiếu, sáng hôm sau vị trí dẫn đầu đã biến mất.
450.000 lá phiếu làm giả chỉ có tên của ông Biden không xuất hiện tập trung hoặc rải rác trên khắp cả nước, mà chúng được phân phát có chủ ý. Có 98.000 ở Pennsylvania, 80.000 đến 90.000 ở Georgia, 42.000 ở Arizona, 69,000-115,000 ở Michigan, và 62,000 ở Wisconsin. Các bang chiến trường này đều là “cuộc đua sát sao”, chỉ cần ‘tác động’ một chút là có thể lật ngược kết quả.
Tranh cử nghị viên của đảng Cộng hòa cũng bị ảnh hưởng nặng nề
Bà Powell nói rằng việc gian lận bầu cử của họ không chỉ đánh cắp cuộc bầu cử của Tổng thống Trump, mà còn đánh cắp cuộc bầu cử của một số dân biểu của đảng Cộng hòa, trong đó có Thượng nghị sĩ Doug Collins của tiểu bang Georgia, Thượng nghị sĩ John James tiểu bang Michigan, cả hai đều có lợi thế dẫn trước, nhưng không hiểu sao lợi thế lại biến mất sau nửa đêm. Tất cả những điều này chỉ là ví dụ, việc ăn cắp cuộc bầu cử như thế này tồn tại trên khắp đất nước.
Trong cuộc bầu cử Thượng viện hiện nay, hai Thượng nghị sĩ bang Georgia không có kết quả. Vào đêm của ngày bầu cử, đảng Cộng hòa rõ ràng đã dẫn trước trong xu hướng bầu cử Thượng viện, và số phiếu chênh đã bị đuổi kịp một cách không thể giải thích được, và bây giờ tất cả đang chờ xử lý. Trong đó có John James là ứng cử viên rất sáng giá cho vị trí dân biểu đảng Cộng hòa da đen, tưởng chừng như sắp giành được chiến thắng nhưng bất ngờ lại mất đi lợi thế.
Do đó, âm mưu của họ không chỉ là đánh cắp cuộc bầu cử Tổng thống, mà còn là đánh cắp đa số của Thượng viện. Cả hai cuộc bầu cử đều bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi nạn ăn cắp bầu cử.
Số phiếu giả mạo được kiểm đếm chiếm tới 3% tổng số phiếu bầu
Vì vậy, bây giờ Tổng thống Trump nói rằng họ đã đánh cắp cuộc bầu cử, kết quả là Twitter của ông đã bị chặn và tiếng nói của ông không thể đến được với công chúng; và không có tin tức về cuộc bầu cử bị ăn cắp trên các phương tiện truyền thông. Vì vậy, cuộc phỏng vấn của luật sư Powell là một thông tin rất quan trọng, là người phụ trách chính trong đội ngũ luật sư của chiến dịch Tổng thống Trump, bài phát biểu của bà vào thời điểm này cho thấy ý nghĩa đặc biệt.
Bà Powell tiết lộ rằng có bằng chứng cho thấy các đặc công của đảng Dân chủ đã đăng nhập vào phần mềm bí mật của chính phủ Mỹ là HAMMER và SCORECARD để giả mạo kết quả của cuộc tổng tuyển cử. Số lượng giả mạo đạt 3% tổng số phiếu bầu. Bà Powell nói: “Điều này đã gây ra một sự thay đổi lớn trong số phiếu bầu trên toàn quốc và nó giải thích rất nhiều điều mà chúng ta đang thấy bây giờ”.
Các cơ cấu “chính phủ ngầm” hoàn toàn im lặng trước “cuộc bầu cử bị đánh cắp“
Người dẫn chương trình của Fox, Maria Bartiromo hỏi, nếu có gian lận bầu cử có hệ thống ở quy mô này, Bộ Tư pháp ở đâu? Tại sao không có hành động? Nếu rõ ràng như chúng ta đã thấy, tại sao chúng ta không thấy chính phủ điều tra?
Bà Powell trả lời: “Tôi không biết, nhưng nó nên được điều tra”.
Chúng ta biết rằng kể từ khi ổ cứng của Hunter Biden lọt vào tay FBI từ tháng 12 năm ngoái cho đến nay, khoảng thời gian đó cũng đã trải qua vụ luận tội Tổng thống Trump và bản luận tội chính xác là liên quan đến Ukraine. Khi bằng chứng quan trọng này (ổ cứng của Hunter) nằm trong tay FBI, nhưng họ đã không hành động. Tất nhiên FBI có báo cáo cho Bộ Tư pháp, nhưng cả hai không hoàn toàn giống nhau. Bây giờ khi chúng ta nhìn vào hai tổ chức này, nó thực sự kỳ lạ. Họ đã không làm gì khi mà họ nên hành động mạnh mẽ. Tôi không biết các tổ chức ‘chính phủ ngầm’ đang làm gì. Bây giờ chính là thời điểm các luật sư đều đang bận rộn, ai cũng đang bận rộn”, bà Powell bày tỏ chính bà cũng cảm thấy bất lực.
Trên thực tế, họ nên gửi đi hàng chục hoặc hàng trăm thám tử để điều tra đầy đủ, bởi việc điều tra nó không có nghĩa là các vị ủng hộ T.T Trump, cái mà các vị điều tra chính là sự thật. Ở Hoa Kỳ, cuộc bầu cử là dựa trên sự thành tín, công khai và bình đẳng. Trong tình huống khi mà có quá nhiều gian lận như vậy đã xảy ra mà các vị không đi điều tra, không có bất kỳ hành động gì, đây có phải không làm tròn trách nhiệm không? Hơn nữa, các vị không phải chịu trách nhiệm với cử tri cả nước sao? Bà Powell khi nói chuyện đã dùng “người dân của chúng ta” (We the People), đây là thuật ngữ trong “Tuyên ngôn độc lập” của nước Mỹ, bọn họ tương đương với việc để cho kẻ cắp đánh cắp cuộc bầu cử từ người dân Mỹ.
Bà Powell cũng đề cập rằng có ba tiểu bang rõ ràng đã vi phạm luật liên bang, vì họ trực tiếp tham gia vào các cuộc bầu cử Tổng thống và Thượng viện, vậy nên tất cả họ đều vi phạm hiến pháp.
Bằng chứng cụ thể về gian lận bằng hệ thống và phần mềm kiểm phiếu
Bà Powell đề cập đến phần mềm kiểm phiếu do công ty Dominion Voting Systems (Hệ thống bỏ phiếu thống trị) chế tạo đã được sử dụng để chuyển phiếu bầu Tổng thống Trump cho ông Biden. Phần mềm này được sử dụng tại nhiều tiểu bang như: Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Nevada, Georgia và Arizona.
“Những cái này đều có bằng chứng có thể tra ra được, chúng tôi đang đưa bằng chứng này vào tài liệu sẽ được đệ trình lên Tòa án Liên bang. Tổng thống có thể cần cử các quan chức tình báo và quân đội đáng tin cậy nhất của mình để điều tra việc này, để họ vào hệ thống và kiểm tra toàn bộ quá trình. Nhưng chúng tôi có bằng chứng chắc chắn để chứng minh hành vi gian lận của họ”. Bà Powell tuyên thệ, bà “sẽ làm mọi thứ có thể để vạch trần vụ gian lận nghiêm trọng này tại Tòa án Liên bang”.
“Thành thật mà nói, hầu hết các khu vực của đất nước này đều cần được thống kê và kiểm phiếu lại”, bà nói. Nhưng đồng thời bà cũng bày tỏ sự tin tưởng rất lớn, bà nói, nếu các phiếu bầu được tính công bằng, T.T Trump sẽ là người chiến thắng và ông ấy sẽ là nhà lãnh đạo của Hoa Kỳ.
“Đội ngũ của T.T Trump đã chuẩn bị các hồ sơ kiện tụng khác nhau vì không thể nói không mà phải có đầy đủ bằng chứng. Chúng tôi cũng như vậy, chúng tôi cũng không thể chỉ nói suông, chúng tôi phải có đủ dữ kiện đáng tin cậy để tuyên bố điều đó. Do đó, đội ngũ của T.T Trump sẽ đệ trình đơn kiện đã được chuẩn bị sẵn vào thứ Hai (9/11)”, bà cho hay.
Nước Mỹ đang đứng trước “cuộc chiến toàn diện”, khảo vấn lương tri của mỗi người
Như người dẫn chương trình đã nói, đây là một cuộc “Chiến tranh toàn diện” (All-out War), và tất cả những ai mong muốn có được kết quả bầu cử công bằng đều nên đứng lên đấu tranh cho sự thật. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham của Nam Carolina nói rằng, việc gửi phiếu bầu qua đường bưu điện đã trở thành một cơn ác mộng. Tất cả lo lắng của chúng tôi đã xảy ra. Lần này bưu điện đã trở thành trung tâm bầu cử, dù cuộc bầu cử này là trận chiến cho sự tồn vong của hệ thống bầu cử Mỹ. Nếu đảng Cộng hòa không chống lại cuộc bầu cử có nhiều tranh cãi này, thì từ nay về sau sẽ không bao giờ có một ứng viên đảng viên Cộng hòa nào được bầu làm tổng thống Hoa Kỳ nữa; nếu đảng Cộng hòa không chất vấn về cuộc bầu cử này thì sẽ tạo nên một tiền lệ rất thảm khốc.
Vào ngày 8/11, một số dân biểu đảng Cộng hòa đã tẩy chay hành vi đánh cắp bầu cử của đảng Dân chủ, bao gồm: Ted Cruz, Josh Hawley và Tom Cotton. Tất cả họ đều là Thượng nghị sĩ cấp cao đã cất cao tiếng nói ủng hộ người dân Hồng Kông trong phong trào “phản đối Luật dẫn độ” ở Hồng Kông. Nhóm người của Thượng nghị sĩ Lindsey Graham cũng đứng ra phản đối hành vi đánh cắp bầu cử.
Tuy nhiên, từ ngày 3/11 đến ngày 8/11, phe Phóng túng của cánh tả đã mặc sức ‘hô mưa gọi gió” khiến mây đen bao phủ cả thành phố. Tất cả các phương tiện truyền thông dòng chính đều không ủng hộ T.T Trump. Đây là một phép thử cho tất cả những người ủng hộ TT Trump. Cho đến hôm nay, ngoài những vị trên, nhiều người vẫn đang giữ im lặng, thậm chí còn nói những lời chống đối. Đây chính là “gian nan mới biết người có khí tiết”. Sau trận này, Tổng thống Trump sẽ biết mình có thể trọng dụng ai trong 4 năm tới.
Rốt cuộc ai là “người trung thành”, ai là kẻ phản bội thì lần này đã quá rõ. Quá trình này cũng phản ánh sự chân thành của mọi người, giống như một khảo nghiệm giúp mọi người chúng ta nhìn rõ ai là người thế nào, các kênh truyền thông là thế nào, mọi thứ cuối cùng sẽ được đưa ra ánh sáng.
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Mỹ
cũng đã tin có gian lận phiếu bầu
Phụng Minh
Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ, Trey Trainor hôm 6/11 cho biết gian lận phiếu bầu đang diễn ra ở các tiểu bang vẫn đang kiểm phiếu, theo Newsmax.
Trong lần xuất hiện hôm thứ Sáu trên Báo cáo Quốc gia của Newsmax TV, ông Trainor cho biết các địa điểm kiểm phiếu đã không cho phép các quan sát viên tiếp cận để theo dõi quá trình kiểm phiếu có thể liên quan đến gian lận cử tri.
Ông nói: “Tôi tin rằng có sự gian lận cử tri đang diễn ra ở những nơi này. Nếu không, họ sẽ cho phép các quan sát viên vào trong”.
Mặc dù giành được lệnh của tòa án, cho phép chiến dịch của ông Trump cử các quan sát viên đến xem việc kiểm phiếu ở Pennsylvania trong khoảng cách 1,8 mét, nhưng ông Trainor cho biết những người giám sát “đã không được phép vào các địa điểm bỏ phiếu một cách có ý nghĩa”.
Ông cho biết khi các quan sát viên được phép quan sát, bảng tổng kết đã được di chuyển ra xa 1,8 mét theo yêu cầu của lệnh tòa. “Họ đã không được phép tiếp cận có ý nghĩa”, ông nói thêm rằng đã không có sự minh bạch trong cuộc bầu cử.
“Toàn bộ hệ thống chính trị của chúng ta dựa trên sự minh bạch để tránh sự xuất hiện của tham nhũng”, ông nói khi chỉ ra rằng Pennsylvania và các tiểu bang khác đang không tiến hành kiểm đếm một cách minh bạch.
“Luật của tiểu bang cho phép những người quan sát đó ở đó”, ông nói nếu luật không được tuân thủ thì cuộc bầu cử này là “bất hợp pháp”.
Ông cho biết các đơn kiện do chiến dịch TT Trump đệ trình là “những cáo buộc rất hợp lệ” cần được hệ thống tòa án “xem xét đầy đủ”. Ông dự đoán một số thách thức pháp lý có thể sẽ lên tới Tối cao Pháp viện.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chu-tich-uy-ban-bau-cu-my-cung-da-tin-co-gian-lan-phieu-bau.html
Người tố gian lận bầu cử Mỹ
bị đặc vụ đe dọa ép từ bỏ lời khai
Phụng Minh
Dự án Veritas (Project Veritas) tối thứ Ba (10/11 theo giờ Mỹ) đã phát hành một video với người tố giác USPS (Dịch vụ Bưu chính Hoa Kỳ) Richard Hopkins, khẳng định rằng anh ta không thay đổi lời khai những cáo buộc gian lận bầu cử – một lời nói dối đã được đăng bởi Washington Post.
Ngoài ra, người dẫn chương trình James O’Keefe của Dự án Veritas đã đăng các đoạn ghi âm trong đó có ghi các đặc vụ liên bang đang cố gắng ép buộc và đe dọa Hopkins từ bỏ việc tố giác.
Thegatewaypundit cho rằng các biện pháp được sử dụng để ép buộc và đe dọa người tố giác USPS là điều mà người ta chỉ thấy ở các quốc gia độc tài chuyên chế.
“Thật là ớn lạnh”, trang tin bình luận.
Nhân viên của USPS, anh Hopkins, người đã gây ra một làn sóng lớn khi vạch trần hành vi gian lận đối với các phiếu bầu cử tại tiểu bang Pennsylvania. Trong một video trước đó, anh nói với người sáng lập và Giám đốc điều hành Project Veritas, James O’Keefe, rằng người giám sát của anh ấy đã hướng dẫn những người vận chuyển thư tại địa điểm làm việc của anh, tất cả các phong bì phiếu bầu mới nên được tách biệt trong các thùng, để nhân viên bưu điện có thể đánh dấu bưu điện một cách gian lận, trông như đã được nhận vào ngày 3/11.
Các lá phiếu gửi bằng thư phải được đóng dấu bưu điện trước Ngày Bầu cử để được coi là hợp lệ và được tính, theo luật Hoa Kỳ.
Trong đoạn ghi âm mới phát hành, đặc vụ Russell Strasser nói rằng: “Tôi đang cố gắng giày vò anh một chút”.
“Chúng tôi có các thượng nghị sĩ tham gia. Chúng tôi có Bộ Tư pháp tham gia. Chúng tôi có…”, Strasser nói.
Nhân chứng Hopkins xen vào rằng các luật sư của Trump cũng đã liên hệ với anh ấy.
“Tôi không – tôi thực sự là đang cố giày vò anh chút bởi vì tin hay không thì tùy, tâm trí của anh sẽ khởi động”, Strasser nói. “Chúng ta thích kiểm soát tâm trí của mình. Và khi chúng ta làm điều đó, chúng ta có thể thuyết phục bản thân về một ký ức. Nhưng khi anh đang bị căng thẳng một chút, đó là điều tôi cố ý làm cho anh, thì tâm trí của anh có thể minh mẫn hơn một chút. Và chúng ta cũng sẽ thực hiện một bài tập khác để giúp đầu óc anh minh mẫn hơn một chút. Vì vậy, tất cả đều có mục đích”, Strasser nói.
Project Veritas vào chiều thứ Tư (11/11) đã phát hành bản audio thô và chưa chỉnh sửa:
Nhiều nhân viên hãng máy kiểm phiếu
‘đếm nhầm’ cho Biden sẽ ra làm chứng trước tòa
Quý Khải
Ông Rudy Giuliani đã xác nhận hôm thứ Tư (10/11) rằng nhiều người thổi còi làm việc trong công ty phần mềm Dominion Voting Systems sẽ ra làm chứng. Ảnh chụp màn hình video Twitter
Xuất hiện trong chương trình War room Pandemic, luật sư của TT Trump, cựu thị trưởng thành phố New York Rudy Giuliani đã xác nhận hôm thứ Tư (10/11) rằng nhiều người thổi còi làm việc trong công ty phần mềm Dominion Voting Systems sẽ bước ra ánh sáng để vạch trần sự thật. Dominion là công ty cung cấp máy kiểm phiếu cho cuộc bầu cử.
Đây là một tin tức rất đặc biệt, tờ Gateway Pundit bình luận.
Trước đó, theo giới truyền thông, kết quả phân tích dữ liệu đêm bầu cử từ tất cả các tiểu bang cho thấy hàng triệu phiếu bầu đã hoặc bị thất lạc, hoặc được chuyển từ Tổng thống Trump sang cho Biden thông qua hệ thống máy đếm phiếu “có lỗi phần mềm” của Dominion.
Tham gia chương trình War room của Steve Bannon – cựu chiến lược gia trưởng Nhà Trắng – hôm thứ Tư, luật sư Giuliani cho biết họ có trong tay các nhân chứng trong nội bộ công ty Dominion. Những người này đã quyết định ra làm chứng trước tòa.
Ông Rudy Giuliani cho biết:
“Coleman (thành viên nhóm pháp lý của chiến dịch TT Trump) có trong tay những người từ Dominion. Và họ không phải là những quan sát viên bình thường theo dõi quá trình, mà là những quan sát viên đã trực tiếp bị trục xuất (khỏi các điểm kiểm phiếu), những người đã bị lừa dối, hai trong số họ đã ở lại sau khi tất cả những quan sát viên Cộng hòa khác bỏ đi, và họ có trong tay bằng chứng về 100.000 phiếu bầu giả mạo bị tuồn vào. Họ cũng chụp được một vài bức ảnh hiện trường”.
Trước luồng thông tin mới nhất từ luật sư Giuliani, Wayne Allyn Root – người dẫn chương trình truyền hình chính trị – đã đăng tải dòng tweet này trên Twitter cá nhân:
“TIN SỐT DẺO: Rudy Giuliani vừa xác nhận những người thổi còi từ Dominion đã bước ra ánh sáng để vạch trần sự thật. Ôi Chúa ơi. Họ đã đánh cắp cuộc bầu cử. Các lá phiếu bị chuyển từ Donald Trump [sang cho Biden]. Rốt cục ông ấy (TT Trump) đã nhận được bao nhiêu phiếu bầu? 81 triệu phiếu? Hay 91 triệu? (so với 71 triệu hiện nay). Nhưng họ đã đánh cắp nó. Vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử thế giới. Bắt quả tang rồi nhé!”
Chiến dịch TT Trump thông báo
đã nộp đầy đủ bằng chứng gian lận bầu cử lên tòa án
Tâm Thanh
Mới đây, cố vấn pháp lý của Tổng thống Trump tuyên bố rằng, nhóm pháp lý của Tổng thống Trump đang tiến hành vụ kiện liên quan đến gian lận bầu cử một cách có trật tự, dự kiến sẽ có quyết định trong vòng 30 ngày.
Jordan Sekulow, một thành viên trong nhóm pháp lý của Tổng thống Trump và là luật sư lâu năm trong chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Trump đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn trên Newsmax TV rằng, công tác pháp lý liên quan đến bầu cử sẽ được tiến hành một cách có trật tự. “Ước chừng khoảng 30 ngày, tôi nghĩ chúng tôi sẽ được giải quyết”, ông Sekulow cho hay.
Ông ám chỉ rằng, trước khi bước vào trình tự pháp lý chính thức, đội ngũ của Tổng thống Trump sẽ không công bố rộng rãi bằng chứng gian lận mà họ đang nắm giữ.
Ông Sekulow nói: “Bằng chứng hiện đã giao nộp đầy đủ cho tòa án… Hiện giờ, họ đang xử lý nó”. Đây là yêu cầu trong nghiên cứu án lệ tại nhiều tiểu bang khác nhau.
“Cũng giống như trường hợp của ông George W. Bush chống lại ông Al Gore trong bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2000, họ cũng phải nghiên cứu tình hình ở các tiểu bang khác và đảm bảo rằng, đề án phù hợp với thực tế. Khi chúng tôi đặt tất cả các vấn đề pháp lý lại với nhau, chúng tôi tin rằng, những thách thức pháp lý của chúng tôi thực sự có thể thay đổi hiện trạng của cuộc bầu cử. Điều này tốt cho Tổng thống Trump”, ông Sekulow nói.
Hiện các thủ tục pháp lý của chiến dịch Tổng thống Trump đã đạt được kết quả đáng kể ở tiểu bang Pennsylvania và 20 phiếu đại cử tri của tiểu bang này đã bị tòa án đảo ngược. Giới doanh nghiệp đang chú ý đến nhiều tin tức tiếp theo.
Ông Sekulow nói rằng, trong vụ việc tại tiểu bang Pennsylvania, tòa án đang xem xét các bằng chứng do chiến dịch Tổng thống Trump đệ trình và “hàng chục nghìn cử tri đang chú ý đến tình hình bầu cử ở Pennsylvania”.
Ông cho biết thêm rằng, các vụ kiện ở Michigan, Nevada và Georgia có thể trở thành chìa khóa cho chiến thắng của Tổng thống Trump trong cuộc bầu cử năm nay.
Tại tiểu bang Nevada, có tới 600.000 phiếu bầu của ông Joe Biden đang phải đối mặt với những thách thức pháp lý. “Chúng tôi tin rằng một phần ba trong số đó sẽ bị hủy bỏ” và “đây là thách thức pháp lý hiện tại”, ông Sekulow cho hay.
TT Trump có thể ‘chơi’ Trung Quốc một vố
trước khi rời Nhà Trắng?
Với rất ít dấu hiệu cho thấy Trump sẽ rời Nhà Trắng một cách êm thắm sau khi thất cử, giới chuyên gia và cựu quan chức Mỹ thấy nguy cơ ngày càng cao ông có thể có những động thái vào phút chót nhằm thúc đẩy các ưu tiên của mình, đồng thời trói tay người kế nhiệm.
Giới phân tích cho rằng, nếu Trump quyết định gây tiếng vang trước khi rời Nhà Trắng, có thể trọng tâm nằm ở chính sách đối ngoại, đặc biệt là sử dụng những công cụ mà ông có thể triển khai nhanh chóng và ít gặp trở ngại. Trong đó bao gồm các lệnh hành pháp, những cơ quan ra quy định hoặc bổ nhiệm những vị trí mà không cần Thượng viện thông qua, hoặc chuyển các vị trí bổ nhiệm chính trị sang làm công chức sự nghiệp khó thay thế.
South China Morning Post dẫn lời các chuyên gia bình luận rằng Trung Quốc có thể nằm trong tầm ngắm, và là một mục tiêu cụ thể, khi mà Trump liên tục đổ trách nhiệm cho Bắc Kinh vì đại dịch đã kéo nền kinh tế Mỹ đi xuống và làm tiêu tan triển vọng tái đắc cử của ông.
Giám đốc tại China Moon Strategies cũng là Cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia – Jeff Moon – người người nhận thấy khả năng cao chính quyền Trump sẽ có các động thái trừng phạt Bắc Kinh vào phút chót đặt câu hỏi:
“Ông Trump từng hứa sẽ trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19, vì vậy vấn về nằm ở chỗ điều này nghĩa là gì”.
Chuyện gì xảy ra nếu ông Trump không chịu rời Nhà Trắng?
Bên cạnh TT Trump vào ngày ông ấy thua cuộc tranh cử
Nhưng một cách có thể làm tệ đi quan hệ Mỹ – Trung vốn đã ảm đảm, và làm suy yếu bất kỳ nỗ lực nào của chính quyền Biden trong việc cải thiện hợp tác song phương về các vấn đề sức khỏe và môi trường toàn cầu, có thể liên quan đến vấn đề Đài Loan. Các lựa chọn của Trump có thể bao gồm cử một thành viên nội các khác đến Đài Bắc, thắt chặt mối quan hệ quân sự Mỹ – Đài Loan và thông báo đàm phán hướng đến một hiệp định thương mại tự do.
Thách thức Đài Loan cho vị tổng thống Mỹ tiếp theo
BT ký thỏa thuận 5G với Ericsson để loại bỏ Huawei
Bonnie Glaser, Giám đốc Dự án Sức mạnh Trung Quốc thuộc Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), nhận xét: “Nhìn chung thì điều này đúng. Họ đang cố gắng đóng đinh nhiều chính sách khó đảo ngược nhất có thể, dù đó là Trung Quốc, Iran hay bất kỳ đâu”.
Vấn đề nhân quyền sẽ là một mục tiêu dễ dàng khác. Ngoài việc thực hiện một bước có khả năng gây bùng nổ khi gán cho Trung Quốc tội “diệt chủng” về việc giam giữ hàng loạt người Duy Ngô Nhĩ ở Tân
Cương, Trump có thể chặn thị thực của nhiều quan chức Trung Quốc hoặc gây rắc rối bằng cách hạ lệnh cho các vận động viên Mỹ không tham dự Thế vận hội mùa Đông ở Bắc Kinh năm 2022.
Mỹ ngăn hàng xuất khẩu từ Tân Cương vì TQ vi phạm nhân quyền
Mỹ công bố những hạn chế mới với giới ngoại giao Trung Quốc
Mặc dù các lệnh hành pháp này không có giá trị ràng buộc pháp lý và có thể dễ dàng đảo ngược, nhưng nó có thể gây khó khăn cho chính quyền sắp tới của Biden giữa bối cảnh có nhiều lo ngại việc dỡ bỏ các lệnh này sẽ khiến Biden trông mềm mỏng. Việc đảo chiều nhanh chóng các quyết định cũng làm hạ uy tín vốn đã bị tổn hại của Mỹ với tư cách là đồng minh cũng như đối thủ.
Thêm vào bức tranh ảm đạm là mối quan ngại và lo lắng về mặt chính sách ngày càng lớn của người Mỹ giữa lúc Bắc Kinh bành trướng trên Biển Đông, răn đe Ấn Độ, Nhật Bản và các quốc gia Đông Nam Á cũng như siết chặt kiểm soát với Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan.
Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, 73% người Mỹ có cái nhìn tiêu cực về Trung Quốc, tăng 13% so với năm ngoái và 20% với năm 2017 khi Trump nhậm chức.
Đa số người Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất với Mỹ
Nhìn nhận tiêu cực về TQ và Tập Cận Bình ‘ở mức kỷ lục’
Thomas Duesterberg, thành viên của Viện Hudson và là cựu quan chức Bộ Thương mại nhận định: “Tất cả những điều đó làm cho đề nghị hợp tác với Trung Quốc trở nên khó thuyết phục hơn”.
Christopher Miller, phó giáo sư lịch sử quốc tế tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher của Đại học Tufts nới với SCMP: “Hiển nhiên là đảng Cộng hòa sẽ chỉ trích Biden là mềm mỏng với Trung Quốc và cộng sản”.
Thomas Duesterberg cũng chỉ ra: Những lựa chọn khác của Trump bao gồm trừng phạt thêm công ty nhà nước Trung Quốc, hạn chế thêm việc xuất khẩu các mặt hàng “lưỡng dụng” cho mục đích quân sự lẫn dân sự, cấm thêm nhiều ứng dụng Trung Quốc sau chiến dịch TikTok và WeChat, hay chặn mọi hoạt động bán chất bán dẫn cho tập đoàn công nghệ Huawei xa hơn việc dùng cho mạng 5G. Và Washington cũng có thể tuyên bố Trung Quốc là nước thao túng tiền tệ, khiến nước này phải chịu các mức thuế trừng phạt.
Ngay cả khi không có các động thái đáng lo ngại trong giờ chót, nội các sắp nắm quyền của Biden sẽ phải đối đầu với một Bắc Kinh táo bạo hơn. Sarah Kreps, giáo sư dạy môn chính phủ và luật của Đại học Cornell nói: “Quyền lực của Trung Quốc đã tăng lên đáng kể trong bốn năm qua. “Do đó, tôi mong đợi những chính sách của Biden sẽ có một số điểm giống với chính quyền Trump.”
SCMP trích lời Zack Cooper, một nhà nghiên cứu tại Viện Doanh nghiệp Mỹ theo xu hướng bảo thủ và là cựu quan chức trong chính quyền George W. Bush: “Sẽ rất khó về mặt chính trị nếu chỉ đơn giản bỏ một sắc thuế mà không nhận lại được gì đó. Câu hỏi đặt ra là đòi hỏi gì để Bắc Kinh có thể thực hiện nhanh chóng và tạo ra kết quả thực sự”.
Việc giải quyết hàng trăm triệu đôla thuế nhập khẩu áp đặt trong chiến tranh thương mại cũng có thể là điều kiện tiên quyết để thiết lập lại mối quan hệ với Bắc Kinh.
Các nhà phân tích nói, một trong những biện pháp này có thể là bãi bỏ Điều khoản 232 về thuế quan với thép và nhôm, được áp dụng vì lý do an ninh quốc gia. Điều này có thể được biện minh là cần thiết để hàn gắn mối quan hệ cần có với các đồng minh lâu đời ở châu Âu và châu Á để chống lại sự thúc ép của Bắc Kinh.
Theo Dịch vụ Nghiên cứu Quốc hội (CRS),một nội các sắp ra đi thường hay có những thay đổi hành chính vào phút cuối, một phương pháp được gọi là “làm luật nửa đêm”. Trump đã nhiều lần công kích “chính quyền ngầm”, làm dấy lên lo ngại rằng ông có thể sẽ tăng gấp đôi nỗ lực phá hoại các cơ quan chính phủ.
Ông Green nói: “Tôi lo lắng về việc tiêu hủy nhiều tài liệu tại Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao, điều khiến nội các sắp nắm quyền phải cố gắng hiểu những thỏa thuận trước đây là gì và những gì đã được nói với ai.
Tuy nhiên, giới kỳ cựu ở Washington cho rằng, việc đấu đá nội bộ có thể cản trở mọi nỗ lực trừng phạt Trung Quốc và Biden của Trump.
Một số bộ trưởng có thể tiếp tục ủng hộ đường lối cứng rắn chống lại Bắc Kinh. Bộ Ngoại giao có thể tìm cách từ chối cấp thị thực cho quan chức hàng đầu của Trung Quốc; Bộ Quốc phòng và Thương mại có thể cổ súy việc hạn chế xuất khẩu nhiều hơn; và Bộ Tư pháp có thể buộc tội thêm các sinh viên và nhà khoa học Trung Quốc chẳng hạn. Nhưng những hành động đó có thể vấp phải sự phản đối từ Bộ Tài chính và Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ – vốn muốn bảo vệ cái mà họ coi là một thành tựu nổi bật: Thỏa thuận thương mại Mỹ – Trung giai đoạn 1.
Ngay cả Trump cũng thể có những chương trình nghị mâu thuẫn.
Green nói: “Nội bộ chính quyền Trump sẽ bị căng thẳng giữa bên theo phe diều hâu nhắm vào Trung Quốc muốn trói tay đội ngũ sắp nắm quyền của Biden, và của gia đình ông Trump trong việc duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Bắc Kinh để đảm bảo các khoản đầu tư tương lai của Trung Quốc và các hoạt động kinh doanh xuôi chèo mát mái ở nước này”.
Xem thêm về mối quan hệ Mỹ – Trung tại đây.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54898781
Chính quyền TT Trump ‘chốt’ 2 việc lớn:
Bán vũ khí cho UAE và đối thoại Đài Loan
Triệu Hằng
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo với Nghị viện hôm thứ Ba (10/11) rằng Bộ đã phê duyệt hơn 23 tỷ đô la Mỹ bán vũ khí cho Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE), động thái này được giới quan sát đánh giá là một phần thưởng cho quốc gia Vùng vịnh vì đã thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, theo Nikkei Asia.
Ông Pompeo cũng thông báo rằng ông Keith Krach, thứ trưởng ngoại giao phụ trách tăng trưởng kinh tế, năng lượng và môi trường, sẽ chuẩn bị một cuộc đối thoại kinh tế song phương với Đài Loan vào ngày 20/11, bổ sung vào danh sách các hành động gần đây của chính quyền thể hiện sự ủng hộ của Mỹ đối với hòn đảo – và điều này chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc tức giận.
Hai động thái lớn diễn ra một ngày sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper bị sa thải, báo hiệu rằng Tổng thống Donald Trump và trợ lý thân cận Pompeo muốn đóng dấu ngoại giao trước Ngày Nhậm chức vào ngày 20 tháng 1.
Trong những trường hợp bình thường, những bước đi như vậy có thể bị dán nhãn là “lame-duck (vịt què)”, một từ lóng ở Mỹ thường được dùng trong ngữ cảnh chính trị để chỉ một quan chức được bầu lên đang trong giai đoạn cuối nhiệm kỳ, ít khả năng tiếp tục đảm nhận vị trí đó trong nhiệm kỳ mới và không có nhiều ảnh hưởng đến chính sách của bộ máy hiện tại.Nhưng đó không phải là tình trạng hiện nay.
Ông Pompeo đã nói trong một cuộc họp báo hôm thứ Ba khi dự đoán rằng “sẽ có một sự chuyển đổi suôn sẻ sang một chính quyền TT Trump thứ hai.”
Ông Pompeo đã thông báo rằng ông sẽ bắt đầu công du bảy quốc gia từ thứ Sáu, thăm Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Georgia, Israel, Qatar, UAE và Ả rập Saudi. Các chặng dừng ở Israel và UAE nhằm mục đích làm nổi bật thương vụ lịch sử của họ. Ả Rập Saudi, dù không thiết lập mối quan hệ chính thức với Israel, nhưng đã chúc may mắn cho động thái của UAE.
Cả hai việc bán vũ khí cho UAE và các cuộc đàm phán kinh tế với Đài Loan đều là những vấn đề gây tranh cãi.
Các vũ khí mà Mỹ dự định bán cho UAE bao gồm tới 50 chiến đấu cơ f-35A và lên tới 18 máy bay không người lái MQ-9B, cũng như tên lửa, bom và phần mềm quân sự.
“Chúng tôi tiếp tục xem xét việc bán vũ khí trên toàn thế giới, bao gồm cả cho những người bạn và đối tác quan trọng của chúng tôi ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất, và chúng tôi tự tin có thể cung cấp cho họ các hệ thống vũ khí đảm bảo an ninh cho họ và thực hiện các công việc mà tất cả chúng tôi cần phải làm để chống lại mối đe dọa từ Cộng hòa Hồi giáo Iran”, ông Pompeo nói.
Bất chấp bước đột phá ngoại giao với UAE, Israel đã phản đối việc bán F-35A vì cho rằng nó có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở một khu vực nguy hiểm.
Các cuộc đàm phán kinh tế với Đài Loan, được gọi là Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng, sẽ được tổ chức tại Washington và sẽ có đại diện phía Đài Loan là Chen Chern-chyi, Thứ trưởng Bộ Kinh tế.
Ông Pompeo cho biết cuộc đàm phán sẽ bao gồm việc thảo luận việc đảm bảo chuỗi cung ứng an toàn và bảo mật, cũng như bảo mật mạng 5G.
Ông nói: “Cuộc đối thoại cho thấy mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với Đài Loan, một nền dân chủ sôi động và một đối tác đáng tin cậy, đang mạnh mẽ và đang phát triển.
Thứ trưởng Krach đã khiến Bắc Kinh tức giận khi đến thăm Đài Bắc vào tháng 9, khi trở thành quan chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao đến thăm Đài Loan trong hơn bốn thập niên. Điều này theo sau chuyến đi của Bộ trưởng Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Alex Azar vào tháng Tám.
Hoa Kỳ sẽ tổ chức các cuộc đàm phán kinh tế với Đài Loan
Tin từ WASHINGTON, DC – Vào hôm thứ Ba (10/11), Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Keith Krach, người khiến Trung Cộng phẫn nộ với chuyến thăm Đài Bắc vào tháng 9, sẽ dẫn đầu các cuộc đàm phán kinh tế với Đài Loan trong tháng này.
Trong một cuộc họp báo, ông Pompeo cho biết rằng ông Krach sẽ dẫn đầu sự kiện Đối thoại Đối tác Kinh tế Thịnh vượng với Đài Loan vào ngày 20 tháng 11. Ông cho biết các cuộc đàm phán sẽ bao gồm việc hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm bảo đảm chuỗi cung ứng an toàn và bảo mật và an ninh 5G.
Ông Pompeo không cho biết liệu các cuộc đàm phán sẽ được tổ chức trực tuyến hay trực tiếp, nhưng lưu ý rằng chúng sẽ diễn ra dưới sự bảo trợ của văn phòng đại diện của Hoa Kỳ ở Đài Bắc và văn phòng đại diện của Đài Loan ở Washington.
Trung Cộng phẫn nộ trước việc Hoa Kỳ tăng cường hộ trợ cho Đài Loan, bao gồm hai chuyến thăm gần đây của các viên chức hàng đầu, Bộ trưởng Bộ Y tế Alex Azar vào tháng 8 và ông Krach, Thứ trưởng phụ trách các vấn đề kinh tế, vào tháng 9.
Ông Krach là viên chức cấp cao nhất của Bộ Ngoại giao đến thăm Đài Loan trong 4 thập niên sau khi được chỉ định là người lãnh đạo một cuộc đối thoại kinh tế song phương mới với hòn đảo này. Hoa Kỳ, giống như hầu hết các quốc gia, không có quan hệ chính thức với Đài Loan, nơi Trung Cộng tuyên bố là lãnh thổ thuộc chủ quyền của họ, nhưng theo luật pháp Hoa Kỳ, Washington phải cung cấp cho Đài Bắc các phương cách để tự vệ. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/hoa-ky-se-to-chuc-cac-cuoc-dam-phan-kinh-te-voi-dai-loan/
Giữa thời điểm quan trọng, Pompeo điềm nhiên
chỉ trích ĐCSTQ, khẳng định
TT Trump chiến thắng để chống lại tà ác
Tâm Thanh
Hiện tại, chiến dịch của Tổng thống Trump đã phát động một cuộc chiến pháp lý chống lại gian lận bầu cử và cuộc chiến này ngày càng trở lên ác liệt khi một loạt những dối trá được phanh phui.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo tuyên bố hôm 10/11 (thứ Ba) rằng, chính quyền Trump sẽ chuyển giao nhiệm kỳ thứ hai một cách thuận lợi.
Cùng ngày, ông đã có một bài diễn thuyết mang tên “Cam kết của nước Mỹ ” tại Viện Reagan, một lần nữa tấn công vào Đảng cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo Sound of Hope.
Ông nhấn mạnh ĐCSTQ là mối đe dọa số một đối với xã hội tự do, ông và Tổng thống Trump rất có niềm tin rằng Hoa Kỳ sẽ chiến thắng trong trận đại chiến giữa thiện và ác này. Với tư cách là nhân vật quyền lực thứ 3 trong chính phủ Hoa Kỳ, hôm thứ Ba (10/11), Ngoại trưởng Pompeo bày tỏ sự ủng hộ đối với việc Tổng thống Trump tái đắc cử.
Khi phóng viên hỏi ông làm thế nào để cân đối công tác an ninh quốc gia với nhóm chuyển giao của Biden, ông nói với khẩu khí vững vàng, tươi cười và đầy tự tin: “Chúng tôi sẽ chuyển giao êm đẹp sang chính quyền Trump đệ nhị”. Ông Pompeo cũng cho biết, hiện nay thảo luận về khả năng nhậm chức của Biden là rất hoang đường.
Sau đó, Tổng thống Trump đã ca ngợi ông Pompeo và nói: “Đó là lý do tại sao ông ấy có thể trở thành người đứng đầu trong Học viện Quân sự West Point”.
Pompeo đã có bài phát biểu tại lễ khai trương Trung tâm Tự do và Dân chủ của Viện Reagan hôm thứ Ba (10/11), giới thiệu sự khác biệt giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc dưới sự cai trị của ĐCSTQ.
Ông tuyên bố rằng, khát vọng tự do, nhân phẩm và quyền tự chủ bắt nguồn từ tâm hồn con người. ĐCSTQ, với tư cách là một kẻ cuồng chủ nghĩa Mác-Lênin, “sự chuyên chế, độc tài của họ đi ngược lại với tự do và sự tôn nghiêm”, ĐCSTQ là “mối đe dọa số một” đối với một xã hội tự do. Ông nói: “Đây không phải là trận chiến giữa Mỹ và Trung Quốc, mà là cuộc chiến giữa xã hội tự do với chủ nghĩa độc tài man rợ”.
Ông cũng giới thiệu rằng, như Tổng thống Reagan đã nhắc nhở thính giả trong bài phát biểu của mình trước Quốc hội Anh năm 1982, cam kết của Hoa Kỳ là: “Không chỉ giữ cuộc sống tự do của riêng một người mà còn giúp những người khác có được tự do”.
Pompeo cho hay, cốt lõi trong chính sách đối ngoại của chính quyền Reagan năm xưa cũng là nòng cốt trong chính sách đối ngoại của chính quyền Trump .
Sự khác biệt của Hoa Kỳ và Trung Quốc
Ngoại trưởng Pompeo giới thiệu về Hoa Kỳ trong bài phát biểu của mình và nói: “Lịch sử của đất nước chúng ta không liên quan gì đến lý luận phi nhân tính hóa và phê phán, không liên quan đến những kẻ áp bức và bị áp bức, và cũng không liên quan đến chủ nghĩa duy vật. Đất nước của chúng ta được xây dựng trên một thực tế. Có nghĩa là, con người được tạo ra bởi Thiên Chúa theo hình tượng của Ngài, và được Thượng đế ban cho quyền lợi (chứ không phải chính phủ). Chân lý này được thể hiện rõ trong “Tuyên ngôn Độc lập”. Trong tất cả các ghi chép, cho tới bây giờ, chưa từng có một quốc gia nào (như chúng ta) được thành lập trên tiền đề rằng, trách nhiệm của chính phủ là bảo vệ các quyền tự nhiên của người dân. Điều này đã khiến chúng ta (Hoa Kỳ) trở nên đặc biệt và đẹp đẽ như vậy”.
Ông cũng nói rằng, năm xưa, niềm tin kiên định “sâu sắc và bẩm sinh” của Tổng thống Reagan đối với Hoa Kỳ đã đem đến cho ông sự can đảm để đối phó với thảm họa do Liên Xô cũ gây ra. Chính vì niềm tin này, Pompeo và Tổng thống Trump cũng tin rằng, Hoa Kỳ có thể vượt qua mọi thách thức đến từ vương quốc khủng bố ĐCSTQ cũng như Iran.
Ông nói: “Bởi vì đây là những gì những người tự do làm, chúng ta đến với nhau để giải quyết vấn đề và sau đó chúng ta chiến thắng, họ thất bại”.
Ngoại trưởng Pompeo cũng đề cập rằng, chính quyền Trump đã và đang phơi bày bản chất của ĐCSTQ với cộng đồng quốc tế. Đây là một chế độ “chuyên quyền, man rợ, đi ngược lại với tự do và phẩm giá của con người”.
Ông bày tỏ rõ rằng, đối mặt với việc ĐCSTQ muốn đóng một vai trò nào đó trên trường thế giới, quan hệ của Hoa Kỳ và ĐCSTQ nên dựa trên tiêu chuẩn “trách nhiệm giải trình, minh bạch và đôi bên cùng có lợi”. Do đó, Hoa Kỳ sẽ không công nhận chủ quyền phi pháp mà ĐCSTQ tuyên bố ở Biển Đông, sẽ không chấp nhận việc ĐCSTQ uy hiếp các công ty Mỹ, sẽ không cho phép ĐCSTQ sử dụng đại sứ quán của mình tại Hoa Kỳ làm cơ sở gián điệp, cũng như không cho phép ĐCSTQ ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ của Hoa Kỳ và sẽ không bỏ qua những hành vi xâm phạm của ĐCSTQ đối với các quyền cơ bản của con người. Ông nói: “Hoa Kỳ sẽ không dung thứ cho những hành động tàn bạo của ĐCSTQ ở Tân Cương, Tây Tạng và những nơi khác”.
Cuộc chiến giữa chủ nghĩa độc tài và xã hội tự do
Ngoại trưởng Pompeo tuyên bố rằng, vấn đề Mỹ-Trung là “cuộc chiến giữa chủ nghĩa độc tài man rợ và xã hội tự do”, động cơ và sức mạnh của ĐCSTQ khiến nó trở thành thách thức chính mà chính phủ Mỹ phải đối mặt ở hiện tại và trong những năm tới.
Chính quyền Trump thông qua “sức mạnh và sự thẳng thắn” của mình, để thế giới tự do và những người làm chủ xã hội ý thức được mối đe dọa của ĐCSTQ, đồng thời hình thành một nhận thức chung mới và lâu dài đối với ĐCSTQ. Do đó, chính quyền Trump đã thành công khi đem vấn đề này thành vấn đề an ninh quốc gia của Hoa Kỳ.
Ông cho rằng, Hoa Kỳ nên sử dụng “niềm tin kiên định vào lý niệm và giá trị quan đối với quốc gia của chúng ta, quyết tâm bảo vệ lối sống của chúng ta” để đối phó với những thách thức đến từ ĐCSTQ cũng như bất kỳ mối đe dọa nào khác. Bởi vì “bản thân Hoa Kỳ là một ví dụ về sự tự do hơn hẳn chế độ chuyên chế”. Ông nói: “Nếu chính sách của chúng ta dựa trên tình yêu với Hoa Kỳ, được xây dựng trên niềm tin thì cho dù có một chút tỳ vết nào, Hoa Kỳ vẫn là một quốc gia rất vĩ đại, bạn bè và đồng minh của chúng ta sẽ thấy được Hoa Kỳ đang ở vị trí lãnh đạo, và sau đó, khi tất cả các quốc gia hợp lại làm một thể, nó sẽ trở nên cường đại hơn, tự do hơn và tự tin hơn, điều đó đủ để đối phó lại những thách thức của ĐCSTQ”.
Cuối cùng, Ngoại trưởng Pompeo cho biết, ông tin rằng, Trung tâm Tự do và Dân chủ mới được thành lập của Viện Reagan sẽ mang lại tự do và dân chủ cho thế hệ người Mỹ tiếp theo, và Tổng thống Reagan được tưởng niệm tại trung tâm này là một người vĩ đại. Ông nói, “Tổng thống Reagan cảnh báo người dân: Hoa Kỳ thực sự rất tuyệt vời, rất đặc biệt, thế giới cần Hoa Kỳ làm tròn những lời hứa mà Chúa đã giao phó”.
“Ngày 9/11 cách đây 31 năm, tình yêu tự do đã khiến hàng triệu người Đông Âu lật đổ Bức tường Berlin… Khát vọng tự do, tự chủ và phẩm giá bắt nguồn từ sâu thẳm tâm hồn con người cuối cùng sẽ khiến người Trung Quốc đại lục, giống như những người Liên Xô trước đây, đưa ra các quyết định lịch sử trong đất nước của họ”. Ngoại trưởng Pompeo nói rằng, trong quá trình này, chính phủ Hoa Kỳ sẽ giúp người dân Đại Lục phá bỏ bức tường lửa của ĐCSTQ để người dân Trung Quốc có quyền lựa chọn một con đường mới, khác với nhà lãnh đạo hiện tại của họ.
New York áp đặt biện pháp ‘cuối cùng’
để chống làn sóng Covid mới
New York đã đưa ra các biện pháp mới nhằm hạn chế virus corona, với Thị trưởng Bill de Blasio cảnh báo đây là “cơ hội cuối cùng” để ngăn chặn làn sóng thứ hai của đại dịch của thành phố.
Quán bar, nhà hàng và phòng tập thể dục phải đóng cửa trước 22h, và mọi người chỉ có thể tụ họp trong nhóm nhỏ từ 10 người trở xuống.
Hoa Kỳ đang chứng kiến sự gia tăng của virus corona – với con số kỷ lục 65.368 người Mỹ phải nhập viện vào thứ Tư.
Dự án Theo dõi Covid cũng báo cáo con số cao kỷ lục 144.270 người bị nhiễm mới.
Trung bình mỗi ngày có hơn 900 người chết vì căn bệnh này.
Hơn một triệu ca nhiễm mới trong tháng 11 đã đẩy tổng số người bị nhiễm Covid được xác nhận lên hơn 10 triệu trên toàn quốc, với 233.080 tử vong, cho đến nay.
Mỹ đã có hơn 100.000 ca nhiễm mới mỗi ngày liên tục trong 8 ngày qua và giới chuyên gia cho rằng đây có thể là đợt bùng phát tệ hơn so với những trường hợp đã thấy vào mùa xuân và mùa hè.
Covid-19: Vaccine của Pfizer và BioNTech ‘hiệu quả trên 90%’
Mỹ tạm ngưng thử vaccine Covid của Johnson & Johnson
Virus corona: ‘Khả năng hai triệu người chết’ ngay cả khi có vaccine
Các chuyên gia cảnh báo là bệnh viện trên toàn quốc có thể sớm bị quá tải.
Hôm thứ Tư, một thành viên trong ban cố vấn Covid-19 của Tổng thống đắc cử Joe Biden nói phong tỏa từ 4 đến 6 tuần có thể khiến đại dịch được kiểm soát.
Tiến sĩ Michael Osterholm nói rằng chính phủ có thể vay đủ tiền để trang trải thu nhập bị mất cho các doanh nghiệp trong thời gian phải ngừng hoạt động.
Điều gì đang xảy ra ở New York?
Thống đốc tiểu bang Andrew Cuomo nói: “Chúng tôi đang chứng kiến sự gia tăng Covid toàn quốc và toàn cầu, và New York là một con tàu trên thủy triều Covid”.
Biện pháp mới có hiệu lực hôm thứ Sáu ảnh hưởng đến những sinh hoạt xã hội khi ông Cuomo nói việc truy vết tiếp xục xác định rằng những cuộc tụ tập vào đêm khuya là những sự kiện lây lan virus chính trong tiểu bang.
Nếu tốc độ lây lan tiếp tục tăng, Thị trưởng Blasio nói hệ thống trường học công lập của Thành phố New York sẽ đóng cửa và trẻ em sẽ bắt đầu các lớp học trực tuyến.
“Đây là cơ hội cuối cùng để chúng ta để ngăn chặn làn sóng thứ hai. Chúng ta có thể làm điều đó, nhưng phải hành động ngay bây giờ”, ông de Blasio tweet.
Thành phố New York đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi virus đầu năm nay khi gần 18.000 người chết với Covid-19 vào tháng 3, tháng 4 và tháng 5, theo Bộ Y tế và Sức khỏe Tinh thần.
Tình hình toàn quốc thì sao?
Nhiều tiểu bang trên khắp Hoa Kỳ đã phá vỡ kỷ lục số người bị nhiễm mới trong tuần này, với Texas trở thành tiểu bang đầu tiên có tổng số một triệu ca nhiễm hôm thứ Ba. Nếu Texas là một quốc gia riêng biệt, nó sẽ xếp hạng 11 trên thế giới về số người nhiễm Covid-19.
Các tiểu bang khác, gồm Illinois, Wisconsin, Minnesota, California và Florida, cũng đã chứng kiến số người nhiễm tăng lên. CBS News báo cáo 15 tiểu bang có số lượng bệnh nhân nhập viện vì virus tăng gấp đôi trong tháng trước.
Một số bệnh viện, chẳng hạn như ở Idaho và Missouri, đã phải chuyển bệnh nhân đi vì hết phòng.
Kết quả là các nhà lãnh đạo tiểu bang đã áp đặt lại các quy định về đại dịch. Cư dân Wisconsin và Nevada được yêu cầu ở nhà trong hai tuần và ở Minnesota, các quán bar và nhà hàng phải đóng cửa trước 22:00 giờ.
Hôm thứ Ba, ông Osterholm cảnh báo về một “cơn bão hoàn hảo”.
Phát biểu với CBS Sáng nay, Osterholm nói “không nghi ngờ gì về việc các bệnh viện của chúng tôi sắp bị quá tải”. Ông lưu ý “những ngày đen tối nhất của đại dịch này từ nay đến mùa xuân năm sau”, trước khi có vaccine.
Ông Osterholm, người đứng đầu trung tâm nghiên cứu bệnh truyền nhiễm tại Đại học Minnesota cho biết trong sự tăng đột biến của mùa hè sau kỳ nghỉ lễ Lao động, số người bị nhiễm mới tăng lên 32.000 ca mỗi ngày.
Ông nói: “Bây giờ chúng tôi đang xử lý từ 120.000 đến 130.000 trường hợp mỗi ngày. “Đừng ngạc nhiên chút nào khi chúng tôi đạt 200.000 vụ mỗi ngày.”
Cùng ngày, giám đốc bệnh truyền nhiễm Hoa Kỳ, Tiến sĩ Anthony Fauci đưa ra một số tin đầy hy vọng. Ông nói vaccine Covid mới của Pfizer dự kiến sẽ trải qua quá trình cấp phép khẩn cấp trong khoảng tuần tới. Thử nghiệm trên người cho thấy nó có hiệu quả 90%.
Tiến sĩ Fauci nói với MSNBC:
“Tôi sẽ xem xét dữ liệu, nhưng tôi tin tưởng Pfizer, tôi tin tưởng [Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm]. Đây là những đồng nghiệp của tôi trong nhiều thập niên, những nhà khoa học chuyên nghiệp.”
Trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) đã cập nhật nghiên cứu về khẩu trang, nói rằng đeo khẩu trang không chỉ bảo vệ người khác mà còn cả chính người đeo nó.
Hướng dẫn trước đây dựa trên ý tưởng là lợi ích chính của việc đeo khẩu trang là vì nó có khả năng ngăn một người bị nhiễm lây truyền Covid cho người khác.
CDC đã tham khảo một số nghiên cứu, gồm một trường hợp trong đó hai nhà tạo mẫu tóc bị dương tính với Covid đã tương tác với 139 khách hàng – nhưng trong số 67 khách hàng tham gia thử nghiệm, không có trường hợp nào bị nhiễm trùng. Các nhà tạo mẫu và tất cả khách hàng đã đeo khẩu trang trong tiệm.
Một nghiên cứu khác xem xét sự bùng phát trên tàu sân bay USS Theodore Roosevelt cho thấy việc đeo khẩu trang dường như đã giảm nguy cơ lây truyền vi rút xuống 70%, CDC nói.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54913978
Los Angeles kéo dài thời gian làm việc
của các địa điểm xét nghiệm coronavirus
trong bối cảnh số ca nhiễm tăng cao
Với sự lây truyền coronavirus trong khu vực đang gia tăng sau lễ Halloween và ăn mừng kết quả bầu cử tổng thống, vào thứ ba (ngày 10 tháng 11), Thị trưởng Los Angeles Eric Garcetti đã kêu gọi người dân thực hiện các bước để ngăn chặn sự lây lan của virus.
Bài phát biểu của thị trưởng được đưa ra một ngày sau khi Giám đốc Y tế Công cộng quận, bà Barbara Ferrer, khuyến cáo rằng việc mở cửa các trường học và cơ sở kinh doanh có thể bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng gần đây trong các ca nhiễm COVID-19.
Trong suốt đại dịch, số lượng ca bệnh tăng vọt sẽ kéo theo sự gia tăng các ca nhập viện và tử vong. Los Angeles là một trong số nhiều nơi có số ca bệnh hiện đang tăng đột biến trên toàn quốc. Hôm thứ Ba, các viên chức xác nhận thêm 2,300 ca nhiễm coronavirus mới trong quận với 25 ca tử vong khác. Điều đó nâng tổng số cho đến nay là gần 325,900 ca nhiễm và 7,200 ca tử vong.
Ông Garcetti cho biết trong một nỗ lực để giúp kiềm chế sự gia tăng hiện tại, thành phố đang tăng công suất và kéo dài thời gian làm việc của các địa điểm xét nghiệm.
Vào thứ Ba, gần 19,000 người đã được xét nghiệm – nhiều hơn bất kỳ ngày nào khác kể từ khi đại dịch bắt đầu. Mặc dù con số này đã gần đạt đến ngưỡng về sức chứa của các địa điểm xét nghiệm là 24,000 người mỗi ngày, thị trưởng cho biết sức chứa sẽ được mở rộng hơn nữa lên 32,400.
Các địa điểm hiện cũng sẽ mở cửa từ 8 giờ sáng đến 4 giờ chiều, thay vì đến 2 giờ chiều, trong khi địa điểm xét nghiệm drive-thru khổng lồ tại Dodger Stadium sẽ hoạt động từ 8 giờ sáng đến 8 giờ tối. Một tin nhắn khẩn cấp đã được gửi đến điện thoại di động của người dân trên toàn thành phố vào khoảng 6:30 chiều thứ ba để cung cấp thông tin về các địa điểm xét nghiệm. (BBT)
Thống đốc tiểu bang Wisconsin, ông Evers
kêu gọi người dân ở nhà theo lệnh hạn chế mới
Tin từ Madison, Wisconsin – Trong một bài phát biểu tối hôm thứ Ba (10/11/2020), Thống đốc tiểu bang Wisconsin Tony Evers đã tuyên bố ban hành lệnh hạn chế mới. Lệnh khuyến khích người dân ở nhà và chỉ rời khỏi nhà khi đi đến nơi làm việc, cửa hàng thiết yếu và đi xét nghiệm.
Các doanh nghiệp cũng được yêu cầu giảm số lượng nhân viên và khách hàng. Nhân viên được khuyến khích làm việc tại nhà nhưng nếu không thể thì các công ty phải bảo đảm tuân theo các quy tắc chống dịch. Văn phòng thống đốc đã đề nghị các chủ doanh nghiệp đưa lời khuyên về các biện pháp an toàn cho Cơ quan Phát triển Kinh tế Wisconsin. Lệnh hạn chế không đề cập gì đến hạn chế trong trường học.
Khi nhắc đến vấn đề đi lại, người dân Wisconsin được yêu cầu ở nhà và tránh đến các nơi cư trú khác nếu có thể. Người dân cũng được khuyến khích không đi đến các tiểu bang lân cận. Ông Evers đưa ra thông báo cùng ngày tiểu bang Wisconsin phá kỷ lục về số ca mắc mới trong một ngày, số ca tử vong nhiều nhất trong một ngày và số ca nhập viện trong một ngày.
Chính quyền ông Evers khuyến cáo tình hình có thể trở nên tồi tệ hơn. Các con số được công bố cho thấy tiểu bang Wisconsin mất hơn 7 tháng để đạt mốc 100,000 ca nhiễm COVID-19, nhưng chỉ mất hơn một tháng để ghi nhận ca nhiễm thứ 200,000. Các viên chức dự đoán với tốc độ lây lan này thì tiểu bang sẽ chỉ mất chưa đầy 3 tuần để đạt mốc 300,000 ca nhiễm.
Ông Evers đã nhắc đến một nghiên cứu từ ở Đại học Washington cho thấy 5,000 người dân Wisconsin có thể chết do COVID-19 tính đến ngày 1/1/2021, nếu tiểu bang không hành động để giảm sự lây lan. (BBT)
TT Trump đội mưa kỷ niệm ‘Ngày cựu chiến binh’,
quyết tâm bảo vệ tinh thần nước Mỹ
Tâm Thanh
Hôm thứ Tư (11/11) là Ngày cựu chiến binh của Hoa Kỳ, Tổng thống Trump đã đến Nghĩa trang Arlington và đứng dưới trời mưa để tri ân những người lính đã hy sinh mạng sống của họ cho Hoa Kỳ và bày tỏ quyết tâm bảo vệ tinh thần nước Mỹ.
Theo báo cáo, cùng tham gia buổi lễ tưởng niệm còn có Đệ nhất phu nhân Melania Trump, Phó Tổng thống Mike Pence, Đệ nhị phu nhân Karen Pence và Bộ trưởng Bộ Cựu chiến binh Hoa Kỳ Robert Wilkie, SOH đưa tin.
Tổng thống Trump, Phó tổng thống Pence và Bộ trưởng Robert Wilkie đã không cầm ô trong suốt quá trình diễn ra sự kiện. Họ cùng nhau đặt vòng hoa trước lăng mộ của những người lính vô danh và mặc niệm. Đây là sự kiện công khai chính thức đầu tiên của Tổng thống Trump từ sau ngày diễn ra Tổng tuyển cử.
Tận tâm tận lực kế tục tinh thần nước Mỹ
Từ sau ngày diễn ra tổng tuyển cử Hoa Kỳ 3/11, đối mặt với thách thức gian lận bầu cử, Tổng thống Trump đã tổ chức một cuộc họp báo vào tối ngày 7/11 để giải thích cho công chúng về tình hình hiện tại của cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 đang được cả thế giới quan tâm. Ngày 11/11, Tổng thống Trump một lần nữa tham gia hoạt động đại chúng, mặc kệ gió mưa kỷ niệm Ngày cựu chiến binh.
Tổng thống Trump đã nói trong bài phát biểu trước đó của mình, “giống như các chiến binh của chúng tôi đã cho Hoa Kỳ thấy, ở Hoa Kỳ, chúng tôi là thuyền trưởng vận mệnh của chính mình… Không có trở ngại nào, thách thức hay mối đe dọa nào có thể so sánh được với quyết tâm của người dân Mỹ… Hôm nay, chúng tôi bày tỏ lòng kính trọng đến những anh hùng đã khuất. Chúng tôi cầu nguyện cho những người thân hiện vẫn đang ở thế gian này của họ, dưới sự chứng giám của Đức Chúa Tối Cao, chúng tôi nguyện bảo vệ, gìn giữ và trân trọng mảnh đất của những anh hùng đã dùng hơi thở cuối cùng để bảo vệ cho vùng đất tự do, vùng đất luôn khiến chúng ta cảm thấy tự hào và kiêu hãnh. Xin gửi lời cảm ơn đến tất cả!”.
Cùng ngày, Tòa Bạch Ốc cũng đã công bố “Thông báo lễ kỷ niệm Ngày Cựu chiến binh 2020”, trong đó nêu rõ:
“Kể từ những ngày đầu thành lập nước Mỹ, các cựu chiến binh Mỹ vẫn luôn bảo vệ đất nước của chúng ta, bảo vệ các giá trị quan và lợi ích của chúng ta. Họ đã đánh bại các bạo chúa, tiêu diệt những kẻ khủng bố và đảm bảo tự do trong và ngoài nước Mỹ.
Lòng dũng cảm và sự kiên trì của họ khi đối mặt với nghịch cảnh đã nêu gương cho tất cả người Mỹ. Chúng tôi bày tỏ lòng biết ơn đối với tất cả những người mặc quân phục Hoa Kỳ trong Ngày Cựu chiến binh này.
Những người lính, phi công không quân, thủy quân lục chiến, cảnh sát biển và thủy thủ đã quên mình đặt tính mạng, hạnh phúc và sự an toàn của người khác lên trên tính mạng của họ. Chúng ta được tận hưởng hòa bình, thịnh vượng và tự do là nhờ họ, vì vậy lòng biết ơn của chúng tôi đối với họ là vô giá”.
Kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức, ông đã xây dựng lại quân đội Hoa Kỳ, thành lập quân đội không gian và bổ nhiệm nhiều quan chức Hoa Kỳ trung thành từng phục vụ trong quân đội. Đối với các lễ hội và hoạt động liên quan, Tổng thống Trump hầu như đều tự mình tham gia.
Trong 4 năm nhậm chức, TT Trump đã cải thiện y tế của các cựu chiến binh
Tòa Bạch Ốc công bố ngày 11/11/2020 được Tổng thống Trump ban hành là “Ngày Cựu chiến binh”, để ca ngợi các cựu chiến binh đã và đang bảo vệ các giá trị quan và lợi ích của Hoa Kỳ.
Trong nhiệm kỳ 4 năm của mình, Tổng thống Trump với tư cách là chỉ huy lực lượng vũ trang, ông đã không ngừng hỗ trợ sức khỏe, phúc lợi và sự thịnh vượng kinh tế cho các cựu chiến binh Mỹ.
Chính quyền Trump đã có cải cách lớn đối với Bộ Cựu chiến binh (VA); ký Đạo luật Cựu chiến binh (VA MISSION ACT), tạo điều kiện cho các cựu chiến binh có đủ điều kiện lựa chọn để được chăm sóc kịp thời trong khu vực của họ.
Năm 2018, chính quyền Trump đã ký dự luật chi ngân sách lớn nhất ở Virginia.
Một bản ghi nhớ của tổng thống cũng đã được ký kết để đảm bảo rằng, các cựu chiến binh khuyết tật nhận được các khoản vay sinh viên liên bang đúng như quyền lợi mà họ nên được hưởng.
“Những người anh hùng này đã phục vụ một cách trung thành, khiêm tốn và anh dũng trong chiến tranh và hòa bình. Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, họ cũng đưa những phẩm chất đáng ngưỡng mộ này vào công việc và sự sáng tạo của công dân, cho phép sự tự do quý giá của Hoa Kỳ tồn tại và thịnh vượng”.
Phó tổng thống Mike Pence đã phát biểu trong một bài báo trên trang Fox vào ngày hôm đó để bày tỏ lòng kính trọng đối với các binh sĩ và cựu chiến binh Hoa Kỳ, đồng thời nêu rõ những thành tựu to lớn và đóng góp xuất sắc của chính quyền Trump trong việc cải thiện dịch vụ cho các cựu chiến binh.
Ông nói rằng, kể từ ngày đầu tiên nhậm chức, Tổng thống Trump đã làm việc chăm chỉ để đảm bảo rằng, Hoa Kỳ tuân thủ những lời hứa trang trọng của chúng ta với tất cả các anh hùng của Mỹ.
Tháng 9/2016, ông Mike Pence cho biết, Ngài Trump, khi đó là một ứng cử viên cho chức Tổng thống Hoa Kỳ đã hứa với các cựu chiến binh Mỹ là sẽ “xây dựng lại quân đội đã suy yếu của chúng ta”, đồng thời đảm bảo rằng, “mọi cựu chiến binh ở Hoa Kỳ được tiếp cận kịp thời các dịch vụ chăm sóc y tế chất lượng cao”.
Trong bốn năm qua, với sự ủng hộ mạnh mẽ của các đồng minh trong Quốc hội, Hoa Kỳ đã trở nên thịnh vượng hơn, quân đội của chúng ta càng lớn mạnh hơn và các cựu chiến binh của chúng ta cuối cùng đã nhận được sự chăm sóc và tôn trọng mà họ xứng đáng được hưởng mỗi ngày.
Facebook, Twitter ‘dán nhãn’
bài đăng của ông Trump 25 lần trong 24 giờ
Phụng Minh
Trong 24 giờ ngày 11/11 (theo giờ Mỹ), Facebook và Twitter đã dán nhãn các bài đăng của Tổng thống Trump ít nhất 25 lần vì nhiều lý do khác nhau. Trong một trường hợp, Facebook đã gắn nhãn bài đăng tuyên bố Ngày Cựu chiến binh của Tổng thống với ghi chú “Joe Biden là người chiến thắng dự kiến trong Cuộc bầu cử Tổng thống Hoa Kỳ năm 2020”, theo Breitbart.
Một trong những bài đăng được gắn nhãn trên Facebook có thể được nhìn thấy dưới đây:
Facebook dường như liên tục thông báo cho những người đọc trang Facebook của Tổng thống rằng một số kênh truyền thông đã dự đoán rằng Joe Biden sẽ thắng cử tổng thống, và các thông báo này còn được gắn trên bài đăng của Tổng thống mà thậm chí nó không liên quan đến cuộc bầu cử.
Khi kích vào nhãn dán thông báo, sẽ đưa người dùng đến Trung tâm Thông tin Bỏ phiếu của Facebook, nơi cung cấp thông tin cập nhật về cuộc bầu cử tổng thống và liệt kê các kênh truyền thông dự đoán người chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống.
Twitter đã dán nhãn 5 bài đăng của Tổng thống trong 24 giờ và trước đó đã kiểm duyệt nặng tay hơn cả Facebook. Các tweet được gắn nhãn có thể được nhìn thấy bên dưới:
Breitbart News trước đó đã báo cáo rằng Twitter đã thêm cửa sổ xác minh tính xác thực vào một số tweet của Tổng thống, ngăn người dùng nhìn thấy chúng trên dòng thời gian của họ và vô hiệu hóa việc hồi đáp các tweet.
Gần đây, Tổng thống Trump đã bày tỏ cảm xúc của mình về phán quyết về việc bỏ phiếu ở Pennsylvania trong một dòng tweet, bị Twitter đánh dấu là “gây hiểu lầm”. Ông Trump tuyên bố: “Quyết định của Tối cao Pháp viện về việc bỏ phiếu ở Pennsylvania là một quyết định RẤT nguy hiểm. Nó sẽ cho phép gian lận tràn lan và không được kiểm soát và sẽ phá hoại toàn bộ hệ thống luật của chúng ta. Nó cũng sẽ gây ra bạo lực trên đường phố. Một cái gì đó phải được thực hiện!”
Twitter đã thêm nhãn vào tweet có nội dung: “Một số hoặc tất cả nội dung được chia sẻ trong Tweet này bị tranh chấp và có thể gây hiểu lầm về một cuộc bầu cử hoặc quy trình công dân khác…”. Người dùng Twitter cũng không thể trả lời tweet, yêu thích hoặc chia sẻ nó. Nhiều người đã sử dụng đến việc đăng ảnh chụp màn hình của tweet để chia sẻ nó với những người theo dõi.
Ông McCarthy: Đảng Dân chủ đang lục đục,
bà Pelosi có thể mất ghế
Lục Du
Những thất bại mà đảng Dân chủ phải đối diện trong cuộc bầu cử nghị viện tính đến nay cho thấy Chủ tịch Hạ viện Hoa Kỳ Nancy Pelosi có thể mất chức trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo, theo The BL.
Theo lãnh đạo phe thiểu số tại Hạ viện, nghị sĩ Hevin McCarthy, nếu các nghị sĩ Cộng hòa có được sự ủng hộ của 10 nghị sĩ Dân chủ như lần trước thì bà Pelosi sẽ mất vị trí hiện tại.
“Bây giờ chúng tôi đã gần đủ [người] để có thể kiểm soát Hạ viện, với [điều kiện] một số đảng viên Đảng Dân chủ tham gia cùng chúng tôi. Hãy nhớ những gì nước Mỹ mong muốn. Người dân từ chối chủ nghĩa xã hội. Chúng tôi đã giành chiến thắng từ Miami, New York, Minnesota đến California”, ông McCarthy nói với người dẫn chương trình Maria Martiromo.
Ông McCarthy cũng nhấn mạnh thực tế là Đảng Dân chủ đã thay đổi rất nhiều kể từ khi bà Pelosi được bầu làm chủ tịch Hạ viện vào năm 2018.
Ông cho biết thêm: “Họ đang chất vấn nhau rằng liệu họ có nên được gọi là người theo chủ nghĩa xã hội hay không. Họ không cùng một đảng như năm 2018 ”.
Ông cũng ám chỉ thực tế là các đảng viên Đảng Dân chủ tại Hạ viện không hòa hợp với nhau hoặc với Pelosi.
“Bà ấy có xích mích nội bộ vì bà ấy đã hứa với họ rằng bà ấy sẽ giành đủ số ghế, rằng họ sẽ chiếm đa số ở lần bầu cử này và lần sau”, ông Mc Carrthy nói, và chỉ ra rằng điều này đã không xảy ra cho đến thời điểm hiện tại.
Và như thế bà Pelosi phải đối mặt với nguy cơ mất phiếu từ những người cùng đảng phái. Trong trường hợp này, người thay thế bà ấy ở vị trí lãnh đạo phe Dân chủ tại Hạ viện là nghị sĩ Hakeem Jeffries.
https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-mccarthy-dang-dan-chu-dang-luc-duc-ba-pelosi-co-the-mat-ghe.html
Brazil dừng thử nghiệm vắc-xin Covid-19 của Trung Quốc
sau sự cố nghiêm trọng
Đại Nghĩa
Brazil đã tạm dừng các thử nghiệm lâm sàng đối với vắc-xin COVID-19 do Trung Quốc phát triển vào thứ Hai sau một “sự cố nghiêm trọng” liên quan đến một người tình nguyện, theo Apple Daily.
Cơ quan quản lý y tế Brazil Avisa hôm thứ Hai (9/11)cho biết họ đã quyết định “dừng thử nghiệm lâm sàng vắc-xin CoronaVac sau một sự cố nghiêm trọng” vào ngày 29 tháng 10.
Avisa không cho biết thêm chi tiết, nhưng cho biết những sự cố như vậy có thể bao gồm tử vong, tác dụng phụ có thể gây tử vong, khuyết tật nghiêm trọng, nhập viện, dị tật bẩm sinh và các sự kiện lâm sàng quan trọng khác.
Đài truyền hình Brazil Central Brasileira de Notícias báo cáo rằng việc đình chỉ có liên quan đến cái chết của một người tình nguyện trong các thử nghiệm. Họ cho biết tình nguyện viên không bị nhiễm COVID-19 và nguyên nhân cái chết đang được điều tra. Báo cáo chưa được xác nhận bởi các quan chức y tế của Brazil.
Sự thất bại đối với vắc-xin do Sinovac Biotech của Trung Quốc phát triển xảy ra khi tập đoàn dược phẩm khổng lồ Pfizer của Mỹ cho biết vắc-xin thử nghiệm của riêng họ đã cho thấy hiệu quả 90%, nuôi hy vọng chấm dứt đại dịch trên toàn thế giới. Cả vắc xin CoronaVac và Pfizer’s đều nằm trong số 10 ứng cử viên hàng đầu đã bước vào thử nghiệm Giai đoạn 3, đây là giai đoạn cuối cùng trước khi được cơ quan quản lý phê duyệt.
Sinovac Biotech cho biết hôm thứ Ba rằng họ đã liên lạc với đối tác Brazil là Viện Butantan và được biết rằng sự cố không liên quan đến vắc xin của họ. “Chúng tôi tin tưởng vào sự an toàn của vắc-xin”,
công ty có trụ sở tại Bắc Kinh cho biết trong một tuyên bố và sẽ tiếp tục trao đổi với Brazil về vấn đề này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Wang Wenbin cho biết Bộ đã ghi nhận việc đình chỉ của chính quyền Brazil và phản ứng của Sinovac Biotech.
Hơn 9.000 tình nguyện viên ở Brazil đã tham gia các cuộc thử nghiệm vắc-xin của Trung Quốc kể từ khi bắt đầu vào cuối tháng Bảy. Vào thời điểm đó, Thống đốc São Paulo João Doria cho biết, Viện Butantan sẽ bắt đầu sản xuất 120 triệu liều vắc-xin vào năm tới nếu được chứng minh là có hiệu quả.
Tiến triển về vaccine COVID đem lại hy vọng,
nhưng cũng gây lo ngại về việc phân phối
Tin Berlin, Đức – Tin tức về tiến triển trong việc chế tạo vaccine Covid-19 đã khiến nhiều chính phủ phải chạy đua để củng cố mạng lưới vận chuyển, nhằm có thể phân phối kịp thời hàng trăm triệu liều vaccine trên khắp nước, khi vaccine bắt đầu được cung cấp trong vài tháng tới.
Dữ kiện thử nghiệm cho thấy vaccine được phát triển bởi hãng dược Pfizer và hãng công nghệ sinh học BioNTech của Đức có hiệu quả 90%, đem lại hy vọng chấm dứt đại dịch, vốn đã khiến hơn 1 triệu người thiệt mạng và phá hủy nền kinh tế của nhiều quốc gia. Nếu có đủ giấy phép cần thiết, Pfizer và BioNTech dự kiến sẽ sản xuất khoảng 50 triệu liều vaccine vào cuối năm nay, và 1.3 tỷ liều vaccine trong năm tới.
Cả Hoa Kỳ và Liên Âu đã đạt được thỏa thuận đặt mua hàng trăm triệu liều vaccine, nhưng nhà chức trách sẽ phải có kế hoạch và mạng lưới hậu cần phức tạp để có thể phân phối thuốc một cách hiệu quả. BioNTech nói phương pháp ngừa bệnh của hãng bao gồm 2 lần chích ngừa, và vaccine sẽ được định giá khác nhau tùy theo từng quốc gia, và thấp hơn tỷ lệ giá thông thường của thị trường. Tuy nhiên, vaccine cần được lưu trữ và vận chuyển trong điều kiện âm 70 độ C, khiến thuốc trở nên ngoài tầm với đối với nhiều quốc gia nghèo, do thiếu thiết bị giữ lạnh.
Nhiều người châu Âu vẫn lo ngại về ý tưởng đi chích ngừa Covid-19. Họ cho rằng việc thuốc thử nghiệm có hiệu quả là tin tốt, nhưng họ ngần ngại không muốn chích thuốc là do vaccine được phát triển quá nhanh, và không ai biết liệu thuốc có gây ra bất kỳ tác dụng phụ nào dài hạn hay không. (BBT)
Cặp vợ chồng đứng sau thành công
của vaccine COVID-19
Tin từ Frankfurt – Các thông tin tích cực về vaccine Covid-19 của công ty BioNTech và đối tác pfizerPfizer Inc là một thành công không ngờ đối với cặp vợ chồng sáng lập công ty kỹ thuật sinh học Đức, những người đã cống hiến đời mình để khai thác hệ thống miễn dịch chống lại bệnh ung thư.
Hôm thứ Hai (9/11), công ty Pfizer cho biết dữ kiện ban đầu cho thấy vaccine thử nghiệm của họ có hiệu quả hơn 90% trong việc ngăn ngừa Covid-19. Pfizer và BioNTech là những công ty dược đầu tiên đưa ra kết quả khả quan trong thử nghiệm lâm sàng quy mô lớn đối với vaccine coronavirus.
Trả lời với hãng tin Reuters hôm thứ Hai, Giám đốc điều hành BioNTech, ông Ugur Sahin cho biết rằng kết quả đạt được là thành công phi thường và quá trình nghiên cứu còn khó khăn hơn cả dự đoán của ông.
Ông Ugur Sahin xuất thân trong gia đình di dân Thổ Nhĩ Kỳ. Theo đuổi ước mơ thời thơ ấu của mình là nghiên cứu y học và trở thành một bác sĩ. Ông Sahin làm việc trong bệnh viện Cologne và thành phố Homburg, nơi ông gặp vợ Tuereci trong thời gian đầu học tập. Bà Tuereci là con gái của một bác sĩ người Thổ Nhĩ Kỳ di dân đến Đức.
Trong một cuộc phỏng vấn trên truyền thông, bà Tuereci cho biết vợ chồng bà miệt mài trong phòng thí nghiệm, nghiên cứu các loại thuốc điều trị bệnh ung thư, ngay cả trong ngày cưới. Giá trị thị trường của BioNTech do Nasdaq niêm yết đã tăng vọt lên 21 tỷ Mỹ kim vào hôm thứ Sáu (6/11), so với mức 4.6 tỷ Mỹ kim năm 2019 và đưa hai vợ chồng vào danh sách 100 người giàu nhất nước Đức. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cap-vo-chong-dung-sau-thanh-cong-cua-vaccine-covid-19/
Tài khoản Facebook của WHO chặn từ ‘Đài Loan’
Hải Lam
Trong khi Đại hội đồng Y tế Thế giới (WHA) tiếp tục phiên họp thứ 73, vào sáng thứ Năm (12/11), nhà lập pháp Đài Loan Trần Bách Duy phát hiện rằng từ “Đài Loan” đã bị chặn trong phần bình luận bên dưới video phát trực tuyến của Facebook về cuộc họp.
Khi gõ từ “Taiwan” (Đài Loan), dấu chấm than xuất hiện bên cạnh ảnh đại diện của người gõ bình luận và dòng chữ “Không thể đăng bình luận” ở bên dưới. Cư dân mạng Đài Loan còn phát hiện cụm từ “Taiwan can help” (Đài Loan có thể trợ giúp), “China virus” (Virus Trung Quốc) và “Wuhan virus” (Virus Vũ Hán) cũng bị chặn.
Lúc đầu, cư dân mạng phát hiện việc gõ từ “Taiwan” với các khoảng cách ở giữa mỗi chữ cái “T a i w a n” – hoặc gõ cụm “Taiwancanhelp” mà không có dấu cách – có thể tránh bị kiểm duyệt. Tuy nhiên, các nhà kiểm duyệt đã sớm vào cuộc, ngay cả những phiên bản chữ và số như “Ta1wan” cũng không thể đăng được.
Không bỏ cuộc, cư dân mạng Đài Loan bắt đầu gõ “Đài Loan (台灣)” và các thuật ngữ bị cấm khác như “China Wuhan Pneumonia” (中國 武漢 肺炎) theo chiều dọc bằng các ký tự Trung Quốc. Nhưng cách gõ này cũng sớm bị kiểm duyệt.
Nhiều cư dân mạng Đài Loan đã tỏ ra bất bình trước sự khấu đầu của WHO đối với Bắc Kinh.
“Các bình luận được kiểm duyệt đến mức độ này. Ngay cả loại chỉ trích này cũng không được phép”.
“Điều gì sẽ xảy ra nếu mọi người đổi tên tài khoản của họ thành ‘Taiwan can help?’ Liệu có bị cấm không?”
Vào lúc 8 giờ sáng thứ Năm, Đại diện của Đài Loan tại Hoa Kỳ Tiêu Mỹ Cầm đã viết trên Twitter rằng nếu việc kiểm duyệt đang diễn ra, thì đây “sẽ là một sự phẫn nộ khi WHO và Facebook hợp tác để thực hiện yêu cầu kiểm duyệt xấu xa của Trung Quốc về câu chuyện thành công trong cuộc chiến chống lại dịch viêm phổi Vũ Hán”.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Ngô Chiêu Tiếp nói với truyền thông rằng Đài Loan không hài lòng với hành động của WHO và đã đệ đơn phản đối.
https://www.dkn.tv/the-gioi/tai-khoan-facebook-cua-who-chan-tu-dai-loan.html
Châu Âu thúc đẩy lập trường cứng rắn hơn
về vấn đề người tị nạn và biên giới
sau các cuộc tấn công khủng bố
Tin từ BERLIN, Đức — Vào hôm thứ Ba (10/11), các nhà lãnh đạo châu Âu kêu gọi một chế độ tị nạn cứng rắn hơn cho lục địa và tăng cường bảo vệ biên giới để giúp ngăn chặn sự lây lan của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan sau một loạt các cuộc tấn công khủng bố ở ba quốc gia.
Các đề nghị từ Pháp, Đức, Áo và Hòa Lan sẽ được đưa ra cho tất cả các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu tại một hội nghị thượng đỉnh vào ngày 9 tháng 12. Các đề nghị này bao gồm việc kiểm tra an ninh những người tầm trú ngay khi họ vào khối, tăng cường kiểm soát ở các biên giới bên ngoài của khu vực du lịch miễn passport của Châu Âu, tăng cường giám sát trực tuyến các nhóm cực đoan và thúc đẩy hợp tác thực thi pháp luật xuyên biên giới với trọng tâm là phòng chống khủng bố.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz công bố chương trình nghị sự sau một hội nghị truyền hình có sự tham gia của Thủ tướng Hoà Lan Mark Rutte và các viên chức cao cấp của EU.
Châu Âu hứng chịu nhiều cuộc tấn công chết người của các phần tử Hồi giáo trong những tuần gần đây, bao gồm một vụ nổ súng ở Vienna cướp đi sinh mạng của 4 người vào tuần trước. Hồi tháng trước, một di dân Tunisia bị cáo buộc sát hại 3 người tại một nhà thờ ở thành phố Nice của Pháp, ngay sau khi một giáo viên bị chặt đầu trên đường phố gần Paris vì cho học sinh xem các hình biếm họa về Nhà tiên tri Muhammad trong một lớp học dân sự (BBT)
Liên Âu muốn có quyền tự tuyên bố
tình trạng khẩn cấp y tế
Tin Brussels, Bỉ – Theo bản tin từ Reuters, Ủy Ban Châu Âu vào thứ Tư, 11 tháng 11, đã đề nghị các quy định mới, cho phép EU quyền được tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế và đánh giá các kế hoạch y tế quốc gia, nhằm đối phó dịch bệnh.
Đề nghị này được đưa ra sau khi 27 quốc gia EU đã không thể hợp tác trong giai đoạn đầu đại dịch, dẫn đến tình trạng tranh giành thiết bị y tế và các lệnh cấm xuất cảng thuốc. Đề nghị mới cũng xuất hiện sau khi WHO bị chỉ trích vì quá chậm chạp trong việc tuyên bố Covid-19 là đại dịch.
Theo quy định mới, EU sẽ có quyền tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp trong phạm vi tổ chức, từ đó gia tăng sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên. Hiện tại, EU vẫn dựa vào WHO để đưa ra các tuyên bố khẩn cấp kiểu này.
Văn bản của Liên Âu nói, quy định mới sẽ khởi động các chương trình đối phó tình trạng khẩn cấp của EU, giúp EU không bị phụ thuộc vào tuyên bố của Tổ chức Y tế thế giới. Nếu được phê chuẩn, sự thay đổi này sẽ khiến WHO bị mất một quyền lực lớn. Ngoài ra, nhiều quốc gia châu Âu cũng đang kêu gọi cải tổ WHO, vì cho rằng dưới áp lực từ Trung Cộng, WHO đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế quá chậm trễ.
Theo đề nghị của Ủy Ban Châu Âu, EU sẽ giúp các chính phủ chuẩn bị kế hoạch đối phó đại dịch, và sẽ giúp kiểm tra, đánh giá các kế hoạch này. Ủy ban cũng muốn tăng quyền lực cho Trung tâm phòng ngừa dịch bệnh châu Âu ECDC và cơ quan dược phẩm EU, nhằm tránh nguy cơ thiếu dược phẩm và thiết bị y tế. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/lien-au-muon-co-quyen-tu-tuyen-bo-tinh-trang-khan-cap-y-te/
Số người thiệt mạng vì COVID-19 tại châu âu
lên đến 300,000 khi mùa Đông đang cận kề
Một thống kê của Reuters vào hôm thứ Ba cho biết hơn 300,000 người thiệt mạng vì COVID-19 trên khắp châu Âu, và các nhà chức trách lo sợ rằng các trường hợp tử vong và lây nhiễm sẽ tiếp tục gia tăng khi khu vực này bước vào mùa đông, bất chấp hy vọng về một loại vaccine mới.
Chỉ với 10% dân số thế giới, châu Âu chiếm gần một phần tư trong số 1.2 triệu ca tử vong trên toàn cầu, và ngay cả những bệnh viện được trang bị đầy đủ cũng đang cảm thấy áp lực từ đại dịch. Sau khi đạt được một biện pháp kiểm soát đại dịch với các đợt phong tỏa diện rộng vào đầu năm nay, số ca bệnh gia tăng lên kể từ mùa hè và các chính phủ ra lệnh một loạt các hạn chế thứ hai để giới hạn các tiếp xúc xã hội. Trên tổng thể, châu Âu báo cáo khoảng 12.8 triệu ca bệnh và khoảng 300,114 trường hợp tử vong.
Trong tuần qua, họ chứng kiến 280,000 ca bệnh mỗi ngày, tăng 10% so với tuần trước đó, chiếm hơn một nửa tổng số ca nhiễm mới được báo cáo trên toàn cầu. Thông báo của Pfizer vực dậy hy vọng về một loại vaccine mới có khả năng hiệu quả, nhưng loại vaccine này không được kỳ vọng thông dụng trước năm 2021 và các hệ thống y tế sẽ phải đương đầu với những tháng mùa đông mà không có sự trợ giúp.
Anh Quốc, quốc gia áp đặt một đợt phong tỏa mới ở Anh Quốc, có số người chết cao nhất ở châu Âu ở khoảng 49,000, và các chuyên gia y tế khuyến cáo rằng với mức trung bình hiện tại là hơn 20,000 ca bệnh mỗi ngày, đất nước này sẽ vượt quá “viễn cảnh xấu nhất” tức 80,000 người thiệt mạng. (BBT)
EU tìm kiếm “chương trình nghị sự xuyên Đại Tây Dương mới”
với Tổng Thống đắc cử Joe Biden
Tin từ BRUSSELS, Bỉ – Vào hôm thứ Ba (10/11), chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu cần tạo dựng một liên minh xuyên Đại Tây Dương mới trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu và nền kinh tế kỹ thuật số dưới thời tổng thống đắc cử Joe Biden.
Bà cho biết châu Âu nên chủ động, với lời đề nghị làm việc với chính quyền tiếp theo của Hoa Kỳ, nhấn mạnh rằng điều đó không đồng nghĩa với việc quay trở lại chương trình nghị sự của 5 năm trước. Bà chúc mừng chiến thắng của ông Biden và Phó Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Kamala Harris nhưng không đề cập đến Tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump, người vẫn chưa chấp nhận thất bại trước đối thủ.
Một viên chức EU cho biết 27 nhà lãnh đạo quốc gia của khối sẽ sớm thảo luận về việc “tái tạo sức sống cho các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương” và “củng cố đối thoại chính trị” với ông Biden, đặc biệt là về vấn đề phòng chống đại dịch COVID-19 và biến đổi khí hậu, xoa dịu căng thẳng thương mại, cũng như hợp tác về an ninh quốc tế.
Chủ tịch Charles Michel của các nhà lãnh đạo EU sẽ mời ông Biden tham gia một cuộc điện đàm và sau đó là một hội nghị thượng đỉnh tại Brussels, trung tâm chính trị của khối, cũng là nơi có trụ sở chính của NATO. Nhiều nhà lãnh đạo châu Âu sửng sốt theo dõi khi tổng thống Trump rút Hoa Kỳ khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, áp thuế lên hàng hóa của EU và làm suy yếu các cơ quan đa phương mà Hoa Kỳ ủng hộ từ sau thế chiến thứ hai. (BBT)
Covid-19: Pháp chưa thể
giảm nhẹ phong tỏa vì dịch bệnh vẫn tăng
Thụy My
Trong vòng 24 giờ qua, tại Pháp đã có thêm 329 bệnh nhân Covid tử vong tại bệnh viện, nâng tổng số người chết vì con virus từ Vũ Hán cho tới hôm nay, 12/11/2020, lên trên 42.000. Trước tình hình này, thủ tướng Jean Castex tuyên bố không thể cho phép các cơ sở kinh doanh mở cửa lại, mà yêu cầu người dân chịu phong tỏa thêm 15 ngày nữa, cho đến ngày 01/12.
Hai tuần sau khi ra lệnh phong tỏa đợt hai, Hội đồng Quốc phòng họp sáng nay và đến cuối giờ chiều thủ tướng Jean Castex lên tiếng đề nghị người dân Pháp nỗ lực thêm 15 ngày nữa. Ông không thể cho phép các cửa hàng được mở lại, tuy nhiên cũng không loan báo các biện pháp bổ sung để siết chặt thêm phong tỏa.
Việc tăng cường quy trình vệ sinh dịch tễ tại các trường trung học đang được Hội đồng Quốc phòng xem xét, để tránh phải đóng cửa toàn bộ các trường học. Cảnh sát sẽ gia tăng kiểm soát việc tuân thủ lệnh phong tỏa, song song đó chính quyền tỏ ra lạc quan về mùa Noël sắp tới. Chủ trương là cố gắng để cho tiểu thương được dần buôn bán trở lại, người dân có thể mua sắm trong dịp lễ cuối năm.
Đây là điều không dễ dàng vì các bệnh viện đang chịu áp lực lớn trong đợt dịch thứ hai : trong 24 giờ qua có thêm 351 người được đưa vào khoa chăm sóc đặc biệt, nâng số bệnh nhân nặng lên 4.789, trên tổng số 31.918 người bị Covid đang nằm viện. Đỉnh điểm là hôm thứ Hai đầu tuần có đến 551 người tử vong vì virus corona. Hiện nay tại Pháp có 1.865.538 ca dương tính.
Về phần các nước châu Âu khác, Anh quốc hôm nay đã vượt ngưỡng 50.000 người chết vì virus từ Vũ Hán, trở thành quốc gia châu Âu có số tử vong do Covid-19 nhiều nhất. Tây Ban Nha cũng vượt qua ngưỡng 40.000 ca tử vong.
Hy Lạp, đang phong tỏa, đã ra thêm lệnh giới nghiêm từ 21 giờ đến 5 giờ, kể từ thứ Sáu 13/11. Còn Hungary từ hôm qua đã ra lệnh phong tỏa trong vòng ít nhất 30 ngày, kéo dài giới nghiêm từ 20 giờ đến 5 giờ sáng.
Ủy Ban Châu Âu hôm qua loan báo đã thông qua hợp đồng với hai tập đoàn để mua 300 triệu liều vac-xin chống Covid.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201112-phap-covid-phong-toa
Covid-19: Đâu là những nơi dễ bị lây nhiễm nhất ?
Mai Vân
Rất nhiều nơi hiện nay, như nước Pháp chẳng hạn, phải sống trong tình trạng phong tỏa để chống dịch. Câu hỏi đang được đặt ra là khi bước vào giai đoạn giảm phong tỏa, biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát dịch Covid-19 là gì? Một công trình nghiên cứu Mỹ, được công bố trên tạp chí Nature ngày 10/11/2020, đã thành công trong việc ước tính nguy cơ lây nhiễm tại những nơi mà công chúng thường lui tới.
Công trình này đã kết hợp các dữ liệu liên quan đến hoạt động di chuyển của người dân để xác định các điểm nóng về lây nhiễm tại các thành phố lớn của Mỹ trong đợt dịch đầu tiên. Những dữ liệu về việc đi lại của 98 triệu người Mỹ, giữa nơi họ sinh sống và các cơ sở thương mại khác nhau, đã được một nhóm nhà nghiên cứu do Serina Chang, một nhà mô hình học tại Đại Học Stanford lãnh đạo, phân tích và mổ xẻ.
Nghiên cứu tập trung trên những người sử dụng điện thoại di động, do vậy các chuyên gia không thể xem xét một cách chi tiết vai trò của các trường học và viện dưỡng lão.
Nhà hàng, quán ăn, phòng thể dục…
Kết luận đầu tiên, một phần rất lớn các ca nhiễm chỉ liên quan đến một số ít nơi. Đi đầu là các nhà hàng, quán ăn, là nơi gây nên nhiều ca lây nhiễm nhất, theo sau là các phòng tập thể dục, các quán cà phê, quán bar và khách sạn. Vì vậy, theo các nhà nghiên cứu, giả sử mà thành phố Chicago đã cho mở cửa lại các nhà hàng mà không yêu cầu một số biện pháp phòng dịch vào ngày 1/5 vừa qua, có thể đã có thêm gần 600.000 ca nhiễm trong thời gian một tháng.
Kết luận thứ hai là những khu dân cư nghèo nhất là những nơi dễ bị dịch bệnh nhất. Ông Pierrick Tranouez, kỹ sư nghiên cứu tại phòng thí nghiệm Litis, thuộc Đại Học Rouen, vùng Normandie tại Pháp, giải thích: “Cư dân ở những khu vực này ít sử dụng phương pháp làm việc từ xa hơn, họ tiếp tục đến những nơi thường xuyên đông người và do đó bị phơi nhiễm nhiều hơn với virus”.
Các khu dân nghèo
Chuyên gia Traounez nói thêm: “Sau khi bị nhiễm, họ lại mang vi rút về khu vực nơi họ sinh sống ở vùng ngoại ô. Dữ liệu điện thoại cũng cho thấy họ dành nhiều thời gian hơn trong các cửa hàng thực phẩm. Điều này làm tăng các cuộc tiếp xúc và do đó tăng thêm rủi ro nhiễm virus.”
Dựa vào các kết luận trên, các tác giả công trình nghiên cứu đã làm nổi bật các thông số chính yếu để xác định mức độ rủi ro: thời gian trải qua tại một cửa hiệu nhất định, và mật độ người mà cửa hiệu đó tiếp nhận. Ngồi cùng một bàn ăn với nhau, dĩ nhiên là không đeo khẩu trang, rủi ro hơn là vào một đại lý để mua một chiếc ô tô mới, cho dù khoảng thời gian ở trong hai địa điểm đó tương đương với nhau.
Yếu tố quyết định : Mật độ người
Bà Vittoria Colizza, chuyên gia mô hình học và giám đốc nghiên cứu tại Viện Inserm, phân tích: “Công trình này đặc biệt chính xác và phù hợp với nhiều nghiên cứu dựa trên sự quan sát thực tế. Những môi trường trong đó người ta không thể duy trì khoảng cách an toàn cần thiết là nơi có nhiều rủi ro lây nhiễm nhất. Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng những nghiên cứu như thế này cho phép chúng tôi định lượng được mức rủi ro và nên được sử dụng làm công cụ hướng dẫn các quyết định gỡ bỏ phong tỏa.”
Theo công trình công bố trên Nature, việc mở cửa không hạn chế tất cả các cơ sở buôn bán ở một thành phố như Chicago sau khi bị phong tỏa, sẽ làm tăng 39% số ca lây nhiễm trong các khu dân cư. Nhưng khi giới hạn số người đến những nơi này ở mức 20% so với khả năng đón tiếp bình thường, các ca nhiễm sẽ chỉ tăng 10%.
Bài học cho Pháp : không quá 50%
Tình hình ở Chicago không nhất thiết giống như bây giờ ở Pháp, nhất là khi vào tháng Ba vừa qua, việc đeo khẩu trang không được phổ biến ở Hoa Kỳ. Nhưng bằng cách tập hợp dữ liệu từ 10 đô thị khác nhau tại Hoa Kỳ, như công trình nghiên cứu đã làm, các nhà khoa học đã tránh được tình trạng kết luận lệch lạc, khi chỉ dựa trên một địa điểm cụ thể.
Theo ông Pierrick Tranouez, ngoại trừ trường hợp của các nhà hàng, nơi chúng ta không thể đeo khẩu trang, “trong viễn cảnh dỡ bỏ phong tỏa ở Pháp sắp tới đây, một trong các yếu tố trên đó chúng ta cần tác động là mật độ… Cho dù nghiên cứu không tập trung vào các trường trung học và các công ty, thế nhưng việc duy trì giới hạn ở mức ít nhất là 50% sức chứa trong vài tuần lễ có thể giúp hạn chế đà lây lan của dịch bệnh”.
https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201112-covid-lay-nhiem
Bộ sưu tập phim Belmondo lên mạng Netflix
Tuấn Thảo
Sau khi mua lại quyền khai thác phim của các đạo diễn Pháp trứ danh như François Truffaut, Jacques Demy và Jean-Luc Godard, giờ đây mạng Netflix cho phát hành bộ sưu tập phim với thần tượng điện ảnh Jean-Paul Belmondo trong vai chính. ‘‘Collection Belmondo’’ bổ sung cho tủ phim gồm toàn là những tác phẩm thuộc vào hàng kinh điển.
Tính tổng cộng, bộ sưu tập phim Belmondo bao gồm 16 tác phẩm, được phát hành trong tháng 11/2020, cộng thêm với hai phim của đạo diễn Godard, đã có sẵn trên Netflix. Hầu hết các tác phẩm ở đây đều là những bộ phim từng ăn khách trong vòng ba thập niên từ đầu những năm 1960 cho tới cuối những năm 1980. Đó cũng là giai đoạn 30 năm huy hoàng nhất trong sự nghiệp của Jean-Paul Belmondo, trước khi các vấn đề sức khỏe buộc ông phải xa lánh phim trường, rời bỏ ánh đèn sân khấu, để an hưởng tuổi già.
Năm nay 87 tuổi, Jean-Paul Belmondo đã đeo đuổi giấc mơ sân khấu từ thời ông còn nhỏ. Khác với ngôi sao màn bạc Alain Delon, khi mới vào nghề diễn xuất, Jean-Paul Belmondo không có tướng mạo quý phái, khuôn mặt điển trai, thành ra con đường sân khấu mà ông đã chọn, ít ra trong thời gian đầu không có gì là hiển nhiên cả. Thật vậy, Jean-Paul Belmondo phải thi ba lần mới đậu vào trường cao đẳng quốc gia nghệ thuật sân khấu.
Khoảng 20 phim Belmondo trên Netflix
Trong những năm đầu, Jean-Paul Belmondo chủ yếu đóng kịch, trao dồi tay nghề và kinh nghiệm sàn diễn nhờ đóng rất nhiều vai phụ. Học thầy không tầy học bạn, ông tìm thấy nhiều cơ hội để phát huy tài năng khi chơi chung với nhóm diễn viên Jean Rochefort, Jean Pierre Marielle hay Pierre Vernier, sau đó đều trở thành những tên tuổi lớn trong làng điện ảnh Pháp.
Điều đó có nghĩa là trước khi thành danh trên màn ảnh lớn vào năm 1960 nhờ bộ phim ‘‘À bout de souffle’’ (tạm dịch là Nghẹt thở) của Jean-Luc Godard, Jean-Paul Belmondo đã có gần 10 năm tay nghề. Trước đó, ông đã đóng 7 bộ phim, nhưng vẫn kiên nhẫn chờ ‘‘vai diễn bằng vàng’’ giúp cho ông chinh phục trái tim người hâm mộ.
Đây cũng là cơ hội cho giới yêu chuộng nghệ thuật thứ bảy khám phá lại tài nghệ diễn xuất của nam diễn viên người Pháp dưới nhiều góc độ khác nhau, đặc biệt là trong những năm tháng đầu đời, khi Jean-Paul Belmondo vẫn còn là diễn viên non tay nghề, chân ướt chân ráo tập tễnh đến phim trường, chứ chưa trở thành một ngôi sao đa tài, có cả hai sở trường đóng phim tâm lý và nhập vai hành động.
Bộ sưu tập đầy giá trị trên ba thập kỷ
Sự nghiệp của Jean-Paul Belmondo cất cánh từ đầu những năm 1960 trở đi, để rồi trải dài trên hơn nửa thế kỷ. Trong 50 năm có mặt trong làng nghệ thuật thứ bảy, ông đã đóng hơn 75 bộ phim với hàng loạt đạo diễn lừng danh, từ những nhà chuyên làm phim nghệ thuật như Jean-Luc Godard (Pierrot le Fou/1965) hay là Alain Resnais (Stavisky/1974), cho tới các tên tuổi quen thuộc của dòng phim hồi hộp trinh thám như Melville (Léon Morin, prêtre /1961), Henri Verneuil (Peur sur la ville/1975), Jacques Deray (Le Marginal/1983) …
Ngoài việc đóng phim với các đạo diễn Pháp quan trọng nhất, trong đó có Louis Malle, Claude Chabrol, Claude Sautet hay Claude Lelouch, Belmondo còn tham gia vào nhiều dự án phim thương mại hơn. Dòng phim hình sự hay thể loại phim hài hành động, trong đó ông tự thực hiện các pha nhào lộn rượt đuổi, chứ không cần có diễn viên đóng thế, giúp cho Belmondo trở thành một ‘‘thương hiệu’’ hái ra tiền, thu hút hàng triệu lượt khán giả vào các rạp chiếu phim.
Chỉ cần Jean-Paul Belmondo chấp nhận một dự án quay phim, là các hãng phim có được thêm nhiều điều kiện thu hút giới đầu tư một cách dễ dàng. Đó cũng là giai đoạn hợp tác giữa Jean-Paul Belmondo với các tên tuổi chuyên làm phim với kinh phí cao như các đạo diễn Philippe de Broca (Le Magnifique/1973), Georges Lautner (Le Professionnel /1981) hay là Gérard Oury (L’As des as/1982)…
‘‘Collection Belmondo’’ được đánh giá là một bộ sưu tập có nhiều giá trị, trải dài trên hơn ba thập niên. Mạng Netflix đã thực hiện một cú đột phá ngoạn mục khi khai thác các tác phẩm này, hầu bổ sung cho tủ phim thuộc vào hàng ‘‘kinh điển’’, mà cho tới nay vẫn được xem như là nhược điểm của Netflix, nhưng lại là thế mạnh của các mạng khai thác phim trực tuyến khác của Pháp. Trong thời kỳ phong tỏa đầu tiên, Netflix đã ký thỏa thuận với hãng phim MK2 để mua quyền khai thác dòng phim François Truffaut, phim ca nhạc của Jacques Demy và các tác phẩm tiêu biểu cho phong trào ‘‘Làn sóng mới’’ (Nouvelle Vague) của Jean-Luc Godard.
50 năm phim Borsalino : Một cõi hai vua
Giờ đây, Netflix tiếp tục phát huy việc đa dạng hóa các bộ sưu tập nhằm tạo thêm nét phong phú của mình. Trong mắt của đa số khán giả Pháp, mạng phim Mỹ vẫn chủ yếu nổi tiếng nhờ vào các tác phẩm thương mại ‘‘đại trà’’ nhiều hơn là dòng phim nghệ thuật hay kinh điển, điều này lại càng quan trọng đối với giới khán giả trung niên và cao niên.
Trước khi phát hành 16 bộ phim với Belmondo trong vai chính, Netflix cũng đã từng lập một thành tích lớn khi mua lại quyền khai thác tác phẩm cực kỳ nổi tiếng của đạo diễn Jacques Deray nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày được phát hành. Đó là bộ phim ‘‘Borsalino’’ quay vào năm 1970, quy tụ hai thần tượng điện ảnh Alain Delon và Jean-Paul Belmondo trên cùng một màn ảnh lớn, cho dù hai ngôi sao màn bạc Pháp, sau đó gìn giữ quan hệ đồng nghiệp với nhau, chứ không thân thiết ở ngoài đời.
Phim ‘‘Borsalino’’ mang dấu ấn của bộ phim ‘‘một cõi hai vua’’, tập nhì của Borsalino sau đó được quay, nhưng không có sự tham gia của Bemondo và mãi đến gần ba thập niên sau, hai diễn viên này mới gặp lại nhau trên màn ảnh rộng. Giới chuyên ngành xếp kiệt tác này vào hàng phim ‘‘di sản’’ (cinéma de patrimoine). Một sự so sánh có thể hơi khập khiễng đối với người Pháp, thế nhưng trong mắt khán giả nước ngoài, thì không thành vấn đề gì. Nếu như trong số các kỳ quan kiến trúc của Pháp, đứng đầu vẫn là Tháp Eiffel và điện Versailles, thì trên lãnh vực điện ảnh, hai ngôi sao sáng chói nhất chính là Alain Delon và Jean-Paul Belmondo.
https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20201112-netflix-belmondo
Áo siết chặt các biện pháp chống khủng bố
Thanh Hà
Sau vụ tấn công tại Vienna vào đầu tháng, làm 4 người thiệt mạng, ngày 11/11/2020, chính phủ Áo công bố thêm một loạt biện pháp nhằm đối phó với nguy cơ khủng bố, đặc biệt là « bắt giữ để phòng ngừa » những người từng tham gia thánh chiến tại Trung Đông và những thành phần Hồi Giáo cực đoan.
Từ Vienna, thông tín viên đài RFI Isaure Hiace tường trình :
Hơn một tuần lễ sau vụ tấn công tại Vienna, chính phủ thông báo « nhiều biện pháp cứng rắn nhằm bài trừ mạnh mẽ hơn nữa trước các hành vi khủng bố và hiện tượng những người Hồi Giáo đi theo con đường cực đoan ». Thủ tướng Sebastian Kurz đã giải thích như trên. Theo ông, khoảng 300 người Áo đã tìm cách tham gia các tổ chức thánh chiến tại Syria hay Irak. Một nửa trong số này vẫn bị kẹt ở Trung Đông, nhưng phần còn lại, tức 150 người, đang hiện diện trên lãnh thổ Áo. Đây là những « quả bom nổ chậm » theo như đánh giá của thủ tướng Kurz.
Biện pháp chính được đề xuất liên quan đến việc bắt giữ để đề phòng hoặc dùng các phương tiện điện tử để giám sát những phần tử Hồi giáo cực đoan hiện diện tại Áo. Với những người phạm tội khủng bố, chính phủ cũng mong muốn tăng cường các phương tiện nhằm tước quốc tịch Áo của những người mang song tịch. Vienna cũng đã vừa giảm nhẹ các thủ tục hành chính cho phép giải thể các hiệp hội, đóng cửa các nhà thờ Hồi Giáo, trong trường hợp những tổ chức này bị phát hiện đi theo con đường cực đoan. Chính quyền Áo cũng sẽ cho lập một danh sách các giáo sĩ hành nghề tại Áo. Sau cùng, Vienna sẽ thành lập một quỹ để bồi thường cho các nạn nhân khủng bố. Đến đầu tháng 12 này, các biện pháp nói trên sẽ được trình bày một cách chi tiết hơn.
ASEAN cần thay đổi để bảo vệ lợi ích sống còn
Đào Nguyên Cát
Các nhà lãnh đạo ASEAN và Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) sẽ gặp nhau trực tuyến trong tuần này để tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37, Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 15 và các Hội nghị cấp cao liên quan.
Trọng tâm chính của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 sẽ bao gồm các vấn đề quan trọng như đại dịch COVID-19, vấn đề Biển Đông, tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC), tiến trình hội nhập ASEAN và nhiều vấn đề khác.
Biển Đông – tuyến đường thủy chiến lược với lưu lượng thương mại trị giá 5.000 tỷ USD mỗi năm – được cho là có trữ lượng dầu mỏ và khí đốt khổng lồ. Khu vực này cũng giàu tài nguyên thủy sản.
Trung Quốc – quốc gia đang phát triển nhanh chóng – đã và đang hành xử như một bá chủ tại Biển Đông. Bắc Kinh cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền và bãi cạn Scarborough – khu vực mà Philippines tuyên bố chủ quyền. Bắc Kinh cũng nhiều lần xâm phạm vào các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của các bên tranh chấp khác.
Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã xây dựng trái phép một số đảo nhân tạo tại Biển Đông, đặc biệt là tại quần đảo Trường Sa mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền và biến chúng thành các cơ sở quân sự, đe dọa hòa bình và an ninh của khu vực ASEAN. Các nước ASEAN và cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, đã lên án mạnh mẽ các hoạt động phi pháp và hành vi cưỡng bức của Trung Quốc đối với các nước nhỏ ở Đông Nam Á. Không hài lòng với các hành động đơn phương và gây hấn của Trung Quốc, Mỹ đã tiến hành Chiến dịch Tự do Hàng hải (FONOP) bằng cách triển khai các tàu chiến của mình tới gần các khu vực ở Biển Đông do Trung Quốc chiếm đóng trong những năm gần đây. Do vậy, căng thẳng giữa Trung Quốc và Mỹ tại Biển Đông đã gia tăng rất nhiều.
Chính vì vậy, quá trình đàm phán về Biển Đông và COC là những vấn đề nghiêm trọng đối với các nước ASEAN. Các nước ASEAN đang nhận được sự ủng hộ và đoàn kết đáng kể trong các tranh chấp ở Biển
Đông từ nhiều quốc gia. Bên cạnh Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Anh, Pháp, Đức, Canada và các quốc gia trên toàn cầu đã bày tỏ sự ủng hộ và đoàn kết với các nước ASEAN.
Tháng 5/2020, Indonesia – lãnh đạo trên thực tế của ASEAN – thừa nhận phán quyết của PCA năm 2016 là cơ sở để giải quyết các tranh chấp hàng hải. Vào tháng 9 năm nay, Philippines cũng tuyên bố rằng tất cả các tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết dựa theo UNCLOS và phán quyết năm 2016 của PCA. Anh, Đức và Pháp cũng ủng hộ phán quyết này.
5 quốc gia ASEAN có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông. Tuy nhiên, không phải lúc nào ASEAN cũng có tiếng nói thống nhất và mạnh mẽ về vấn đề này, mặc dù cả 10 nước đã nhất trí thành lập Cộng đồng ASEAN. Trung Quốc đã khôn khéo sử dụng các kẽ hở của ASEAN để chia rẽ tổ chức này. Các nước nhỏ như Campuchia và Lào đã trở thành đồng minh mạnh mẽ của Trung Quốc. Nhiều người cho rằng hai nước này đang làm việc vì lợi ích của Trung Quốc trong các cuộc họp ASEAN.
Hơn nữa, ASEAN là một tổ chức yếu kém và Ban Thư ký ASEAN bị thiếu hụt ngân quỹ hoạt động. Nhiều người đã chỉ trích Tổng thư ký ASEAN hiện tại Dato Lim Jock Hoi, người Brunei, hoạt động không hiệu quả vì tiếng nói của ông hiếm khi được lắng nghe trong đại dịch COVID-19 và các hoạt động xâm phạm bất hợp pháp của Trung Quốc tại các EEZ của các nước thành viên ASEAN tại Biển Đông.
ASEAN đang cần một cuộc đại tu. ASEAN phải là một tổ chức mạnh mẽ và hiệu quả để xử lý các thách thức của thế kỷ 21. Không nên để các nước bên ngoài lợi dụng các nước thành viên để chia rẽ ASEAN. Tổng Thư ký ASEAN phải được lựa chọn trên cơ sở thành tích và phẩm chất lãnh đạo hơn là trên cơ sở luân phiên. Cách thức hoạt động của ASEAN cần được thay đổi.
Muốn vậy, cần có sự thống nhất và đoàn kết của ASEAN. Chủ tịch ASEAN hiện nay là Việt Nam cùng phối hợp với Indonesia đang cố gắng đạt được sự thống nhất trong ASEAN. Đã đến lúc các nhà lãnh đạo ASEAN phải suy nghĩ lại về con đường tương lai của ASEAN và cải cách tổ chức này. Ban Thư ký ASEAN phải được trao quyền và tăng cường hơn nữa. Nếu cả 10 thành viên ASEAN đoàn kết, Trung Quốc có thể thay đổi hành vi hung hăng tại Biển Đông.
Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 tại Hà Nội, dưới sự chủ trì của Việt Nam, các nước ASEAN đã nêu rõ mong muốn tất cả các tranh chấp tại Biển Đông được giải quyết dựa trên luật pháp quốc tế và thông qua các cuộc đàm phán hòa bình. Các nhà lãnh đạo ASEAN phải nỗ lực nghiêm túc để cải cách ASEAN đồng thời duy trì sự đoàn kết nội khối, không nên thỏa hiệp về COC – vốn phải dựa trên các quy tắc quốc tế và ràng buộc về mặt pháp lý.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
Thượng đỉnh ASEAN: Biển Đông và đối đầu Mỹ-Trung
trong chương trình nghị sự
Trọng Nghĩa
Tại Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 37 chính thức khai mạc tại Hà Nội vào hôm nay, 12/11/2020, vấn đề Biển Đông và quan hệ ngày càng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã lại nổi cộm trong các cuộc thảo luận giữa các lãnh đạo 10 nước Đông Nam Á. Do việc dịch Covid-19 vẫn hoành hành, hội nghị vẫn diễn ra theo hình thức trực tuyến.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong phát biểu khai mạc Thượng Đỉnh ASEAN, thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, đại diện Việt Nam, nước hiện là chủ tịch đương nhiệm của ASEAN, đã tỏ ý vui mừng trước sự kiện khối ASEAN chưa bị “cuốn vào các dòng xoáy biến động thế giới và khu vực”, những cạnh tranh đang thách thức hệ thống đa phương quốc tế.
Tuy nhiên, thủ tướng Việt Nam nhấn mạnh đến các mối đe dọa phát sinh từ cách ứng xử khó lường của các quốc gia, sự cạnh tranh và đối đầu giữa các cường quốc, ám chỉ đến quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc, cũng như giữa các nước ASEAN với Trung Quốc ở Biển Đông.
Reuters nhắc lại trong một năm gần đây, tàu Trung Quốc thường xuyên xâm nhập vào các vùng đặc quyền kinh tế của các nước láng giềng, từ Việt Nam, Indonesia, cho đến Philippines, Malaysia, với mục tiêu rõ rệt là áp đặt yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên các vùng biển đó.
Hoa Kỳ là nước đã lên tiếng bênh vực các nước Đông Nam Á, khẳng đinh tính chất phi pháp của các yêu sách Trung Quốc và thường xuyên điều chiến hạm đến Biển Đông, đồng thời đưa 24 thực thể Trung
Quốc vào danh sách đen, với lý do đã tham gia xây dựng và quân sự hóa các đảo nhân tạo mà Trung Quốc nắm trong tay ở Biển Đông.
Theo Reuters, tình hình căng thẳng ở Biển Đông dứt khoát sẽ lại được thảo luận, không chỉ trong nội bộ lãnh đạo các nước ASEAN, mà cả giữa khối Đông Nam Á với các đối tác ngoài khu vực, từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, cho đến Nga, Ấn Độ, Úc…, trong khuôn khổ các Thượng Đỉnh “tay đôi” ASEAN+1, hay trong Hội Nghị Thượng Đỉnh Đông Á bao gồm khối ASEAN, 3 nước Đông Bắc Á, Úc, New Zealand cùng với Ấn Độ, Mỹ và Nga.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch Covid vẫn hoành hành trong khu vực, đặc biệt là tại hai nước Indonesia, Philippines, hay là tại Miến Điện, Thái Lan, vấn đề phối hợp và trợ giúp chống dịch cũng là một chủ đề thảo luận quan trọng.
Còn trong lãnh vực kinh tế, trọng tâm của Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần này sẽ là việc các nước ký kết Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực RCEP, một thỏa thuận tự do mậu dịch rộng lớn mà Trung Quốc muốn thúc đẩy.
Thượng Đỉnh ASEAN: Việt Nam, Philippines
liên thủ thúc đẩy hồ sơ Biển Đông
Trọng Nghĩa
Là hai nước bị Trung Quốc liên tục lấn lướt trong thời gian gần đây tại Biển Đông, Việt Nam, Philippines đã tranh thủ Hội Nghị Thượng Đỉnh ASEAN mở ra tại Hà Nội hôm nay, 12/11/2020, để yêu cầu một giải pháp hòa bình, trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế. Điều đáng chú ý là Philippines đã bất ngờ trở thành nước lên tiếng mạnh nhất trên vấn đề Biển Đông, cho dù lãnh đạo nước này thường được cho là có xu hướng hòa hoãn với Bắc Kinh.
Với tư cách chủ tịch luân phiên của ASEAN, lại là nước bị Trung Quốc lấn lướt dữ dội nhất trong thời gian gần đây, Việt Nam không thể không nêu bật vấn đề Biển Đông bị Trung Quốc tranh chấp một cách trái phép ra trước công luận khu vực và thế giới, nhân hội nghị lần này.
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị của lãnh đạo 10 nước ASEAN vào hôm nay, thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã gián tiếp đề cập đến vấn đề Biển Đông và các hành động hung hăng áp đặt yêu sách chủ quyền của Trung Quốc, khi ông ca ngợi quyết tâm mạnh mẽ của ASEAN trong việc xây dựng Biển Đông trở thành vùng biển hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn.
Thủ tướng Việt Nam đã vẽ ra một bức tranh lý tưởng về Biển Đông mà mọi người mong muốn, một nơi mà những “khác biệt, tranh chấp được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, nơi pháp luật được tôn trọng, tuân thủ và các giá trị chung được khẳng định, đề cao ý nghĩa của Công Ứớc Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) và trông đợi sớm hoàn thành Bộ Quy Tắc Ứng Xử trên Biển Đông COC hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, với Công Ước UNCLOS 1982”.
Đây là một bức tranh lý tưởng, vì hiện nay Trung Quốc bị cáo buộc là coi thường luật lệ quốc tế, để chèn ép các láng giềng ven Biển Đông, những hành vi đã được ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh nêu bật nhân hội nghị các ngoại trưởng ASEAN hôm qua. Kết luận của hội nghị ghi rõ: “Biển Đông tiếp tục là vấn đề nổi lên trong tình hình quốc tế và khu vực” với “nhiều hành động đơn phương, trong đó có quân sự hóa, đòi hỏi chủ quyền thiếu căn cứ, hành xử áp đặt vẫn tiếp diễn gây lo ngại đến hòa bình ổn định trên Biển Đông nói riêng, khu vực nói chung”.
Sau phát biểu của thủ tướng Việt Nam, trong diễn văn của mình, tổng thống Philippines đã bất ngờ lên tiếng bảo vệ phán quyết của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016 bác bỏ các yêu sách chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại Biển Đông. Theo phát ngôn viên phủ tổng thống Philippines, Harry Roque, tổng thống Rodrigo Duterte đã nhắc lại lời kêu gọi của ông về một giải pháp “hòa bình” cho tranh chấp Biển Đông, và hy vọng rằng Bộ Quy Tắc Ứng Xử sẽ được hoàn thiện càng sớm càng tốt.
Tuy nhiên, ông cũng nhắc lại phán quyết trọng tài năm 2016, khẳng định rằng đó là một “giải thích có thẩm quyền về việc áp dụng Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS… và đã trở thành một phần của luật pháp quốc tế”. Đối với ông Duterte, đó là một thực tế “mà không một quốc gia nào có thể bỏ qua, cho dù nước đó có mạnh đến đâu chăng nữa”.
Phát biểu tại Hội Nghị ASEAN của tổng thống Philippines đã gợi lại diễn văn mà ông đọc trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc vào tháng 9 vừa qua.
Theo các nhà quan sát, sau hai phát biểu nói trên của Việt Nam và Philippines, các cuộc họp trong khuôn khổ Thượng Đỉnh ASEAN lần thứ 37 này chắc chắn sẽ tiếp tục thảo luận về chủ đề Biển Đông, và trong lãnh vực này, chắc chắn Trung Quốc sẽ bị cô lập, vì lẽ đa số các đối tác lớn của ASEAN đều đã lên tiếng chỉ trích các đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc, từ Mỹ, Úc, cho đến Nhật Bản, Ấn Độ.
https://www.rfi.fr/vi/vi%E1%BB%87t-nam/20201112-asean-bien-dong-vietnam-philippines-lien-thu
Châu Á trước thềm hiệp định RCEP
Thanh Hà
Trên nguyên tắc nhân thượng đỉnh trực tuyến mở ra ngày 12/11/2020 các nước châu Á -Thái Bình Dương sẽ đặt bút ký vào Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực – RCEP. Đây là một sáng kiến của Bắc Kinh để làm đối trọng với Hiệp Định Đối Tác Xuyên Thái Bình Dương TPP của Mỹ. Lễ ký kết được dự trù vào ngày Chủ Nhật 15/11/2020.
Các thành viên tham gia gồm 10 nước thuộc Hiệp Hội Đông Nam Á cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và New Zealand. Một khi chính thức có hiệu lực, RCEP sẽ là hiệp định tự do mậu dịch quan trọng nhất thế giới. Ý tưởng đã được Bắc Kinh đề xuất từ năm 2012.
Trong cương vị chủ tịch luân phiên của ASEAN, thủ tướng Việt Nam, Nguyễn Xuân Phúc xác nhận lễ ký kết hiệp định RCEP sẽ diễn ra « trong tuần ». Bộ trưởng Thương Mại Malaysia, Mohamad Azmin Ali trong cuộc họp trực tuyến nói rõ hơn : « Sau tám năm đàm phán, với nhiều mồ hôi và nước mắt, cuối cùng chúng ta đạt đến thời điểm ký thỏa thuận vào Chủ Nhật tới đây ».
Ấn Độ từng hăng hái tham gia sáng kiến do Trung Quốc đề xuất, nhưng đã rút lui hồi năm ngoái vì lo ngại hàng rẻ Trung Quốc tràn ngập thị trường quốc gia Nam Á này. New Delhi tuy nhiên để ngỏ khả năng sau này sẽ tham gia Hiệp Định Đối Tác Toàn Diện Khu Vực.
RCEP bao gồm 15 quốc gia với GDP tương đương với 30 % tổng sản lượng toàn cầu. Kinh tế gia Rajiv Biswas, đặc trách Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc cơ quan tư vấn IHS Markit, xem hiệp định sắp được ký kết này là một « cột mốc quan trọng trên con đường tự do hóa các luồng giao thương và đầu tư » trong khu vực.
Bắc Kinh đứng sau cáo buộc
Đài Loan dùng 4 triệu can thiệp vào Séc
Lục Du
Bộ Ngoại giao (MOFA) Đài Loan hôm thứ Năm (12/11) đã bác bỏ các cáo buộc được thúc đẩy từ Bắc Kinh cho rằng Đài Bắc đã đưa cho Chủ tịch Thượng viện Séc Milos Vystrcil 4 triệu đô la Mỹ, theo Taiwan News.
Cáo buộc nói rằng chính phủ Đài Loan muốn dùng khoản tiền này để hỗ trợ một chiến dịch tranh cử tổng thống diễn ra vào năm 2023 ở Séc và “phá vỡ” mối quan hệ của quốc gia Trung Âu với Trung Quốc.
Hãng truyền thông Aktuálně của Séc hôm thứ Tư (11/11) đưa tin rằng một công ty tư vấn Thụy Sĩ có quan hệ mật thiết với chính quyền Trung Quốc là thực thể đưa ra cáo buộc. Đài Loan tin rằng chính quyền Trung Quốc là thế lực giật dây công ty Thụy Sĩ thực hiện hành vi này.
MOFA đã lên án cáo buộc và gọi đó là hành động “ngoại giao sói chiến của Trung Quốc”, mô tả các cáo buộc là “tin giả” nhằm gây ảnh hưởng đến chính trường Séc.
Theo MOFA, như những lần trước ở châu Âu, các cáo buộc của Bắc Kinh đã bị truyền thông địa phương phanh phui, làm tăng thêm nghi ngờ về âm mưu chính trị phía sau các động thái của chính quyền Trung Quốc.
Ông Vystrcil đã dẫn đầu phái đoàn quan chức Séc gồm 89 người đến thăm Đài Loan từ ngày 30/8 đến 4/9. Chuyến đi của Chủ tịch Thượng viện Séc đã thu hút sự chú ý của cộng đồng thế giới, đặc biệt là chính quyền Trung Quốc.
https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-dung-sau-cao-buoc-dai-loan-dung-4-trieu-can-thiep-vao-sec.html
Nghị Viện Hồng Kông không còn đối lập,
Mỹ đe dọa trừng phạt Trung Quốc
Thụy My
Ngày 11/11/2020, Hoa Kỳ đe dọa sẽ có những biện pháp trừng phạt mới đối với Trung Quốc, vì Bắc Kinh đã « vi phạm một cách nghiêm trọng » quyền tự trị của Hồng Kông, khi tước quyền của bốn dân biểu thuộc phe dân chủ.
Ông Robert O’Brien, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ Donald Trump, tuyên bố : « Các hành động mới đây của Bắc Kinh nhằm loại bỏ các dân biểu ủng hộ dân chủ khỏi Nghị Viện Hồng Kông rõ ràng cho thấy đảng Cộng Sản Trung Quốc đã vi phạm trắng trợn các cam kết quốc tế ».
Ông nói thêm, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục « nhận diện và trừng phạt những người có trách nhiệm trong việc triệt tiêu tự do của Hồng Kông ».
Về phần ngoại trưởng Anh Dominic Raab, ông nhấn mạnh, việc trục xuất bốn dân biểu là tấn công vào các quyền tự do của Hồng Kông đã được nêu trong Tuyên bố chung Anh-Trung, làm hoen ố tên tuổi Trung Quốc và ảnh hưởng đến sự ổn định lâu dài của Hồng Kông.
Đức, chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, cũng chỉ trích Trung Quốc muốn phá hoại đa nguyên và tự do ngôn luận, đòi Bắc Kinh phải tôn trọng quyền tự chủ của Hồng Kông như đã cam kết với quốc tế.
Hôm thứ Hai, Washington đã trừng phạt thêm bốn quan chức, trong đó có Lưu Tứ Huệ (Edwina Lau) phụ trách bộ phận an ninh của cảnh sát Hồng Kông và Lý Giang Chu (Li Jiangzhou), phó giám đốc văn phòng an ninh quốc gia của Trung Quốc tại Hồng Kông. Những người này bị cấm nhập cảnh và phong tỏa tài sản, nếu có, tại Hoa Kỳ.
Hôm qua, bốn dân biểu thuộc phe dân chủ đã bị bãi nhiệm, sau khi Bắc Kinh thông qua một nghị quyết cho phép chính quyền Hồng Kông tước quyền các dân biểu bị cho là đe dọa đến an ninh quốc gia. Ngay sau đó, toàn bộ các dân biểu ủng hộ dân chủ Hồng Kông loan báo từ chức.
Đây là đòn mới nhất đánh vào phe dân chủ, vốn đã bị tấn công liên tục từ khi Trung Quốc áp đặt luật an ninh quốc gia mới lên Hồng Kông. Nhiều nhà đấu tranh bị bắt, số khác phải đi lưu vong.
Chuyên gia Jean-Philippe Beja nhận định trên RFI : « Các dân biểu dân chủ đã hành động đúng khi từ chối tham gia trò hề này, vì rõ ràng Bắc Kinh không còn chấp nhận bất kỳ một tiếng nói phản biện nào. Chính Bắc Kinh quyết định việc siết lại không chỉ chính quyền Hồng Kông, mà nay cả Nghị Viện, và cấm đoán mọi hình thức đối lập hợp pháp. Sự kiện này vô cùng trầm trọng. Trong những điều kiện như thế, đúng là phải tự hỏi sự hiện diện của đối lập liệu có ích lợi gì ».
CNN, Reuter, Bloomberg gặng hỏi
thái độ của ĐCSTQ với chiến thắng của Biden,
đều bị từ chối: Nguyên nhân sâu xa?
Tâm Thanh
Mục lục bài viết
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chính thức công nhận Biden đắc cử
Tại sao cấp cao ĐCSTQ không công nhận chiến thắng của Biden?
Các cuộc khủng hoảng bên trong và bên ngoài đang xuất hiện
Truyền thông cánh tả “dựng lên” chiến thắng cho Biden, mong mỏi ĐCSTQ góp một lời công nhận, nhưng lại nhận về “trái đắng”. Nguyên nhân đằng sau đó là gì, 3 nỗi sợ của ĐCSTQ trong chuyện này là gì?
Kể từ ngày 9/11, báo cáo về cuộc bầu cử Hoa Kỳ đột nhiên biến mất khỏi các phương tiện truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Cho tới nay, ông Tập Cận Bình vẫn không chúc mừng “chiến thắng” của Biden. Có thể thấy ĐCSTQ cực kỳ thận trọng đối với kết quả cuối cùng của cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm nay.
Nhà bình luận Chung Nguyên (Zhong Yuan) của Epoch Times đã phân tích lý do đằng sau việc ĐCSTQ thận trọng trước tuyên bố Biden thắng cử tổng thống:
Rất nhiều phương tiện truyền thông nước ngoài tỏ ra e ngại trước cuộc họp báo của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ ngày 9/11, nó gần như đã trở thành một cuộc họp báo đặc biệt để giới truyền thông yêu cầu nhà cầm quyền Trung Quốc bày tỏ quan điểm về cuộc bầu cử của Mỹ.
Trong phần hỏi đáp tại cuộc họp báo được công bố trên trang web của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, có tổng cộng 8 câu hỏi đã được trả lời vào ngày 9/11, 5 câu hỏi trong số đó liên quan đến cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ, tất cả đều do truyền thông nước ngoài đưa ra và 3 câu hỏi không liên quan còn lại do truyền thông ĐCSTQ đưa ra.
Phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Uông Văn Bân sớm đã nhận được lệnh cần phải im lặng, tức là ông từ chối chính thức công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử của Biden. Điều này cho thấy, có thể có một cuộc khủng hoảng lớn hơn sẽ xảy ra cả ở bên trong và bên ngoài đối với ĐCSTQ.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc không chính thức công nhận Biden đắc cử
Các phóng viên CNN là những người đầu tiên hỏi trực tiếp: Sau khi hầu hết các phương tiện truyền thông Hoa Kỳ thông báo rằng, Biden đắc cử tổng thống mới của Hoa Kỳ, nhiều quốc gia đã chúc mừng Biden. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn giữ im lặng cho đến thời điểm hiện tại. Vậy thì, nguyên nhân khiến Trung Quốc trì hoãn bày tỏ lập trường là gì? Phải chăng là cảm thấy kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa chắc chắn, hay có những cân nhắc khác? Khi nào Trung Quốc sẽ gửi điện chúc mừng?
Câu trả lời của Uông Văn Bân cũng rất trực tiếp: Về câu hỏi đầu tiên, chúng tôi nhận thấy rằng, ông Biden đã tuyên bố đắc cử thành công. Chúng tôi hiểu rằng, kết quả của cuộc tổng tuyển cử sẽ được xác định theo luật và thủ tục của Hoa Kỳ. Về câu hỏi thứ hai, chúng tôi sẽ xử lý theo thông lệ quốc tế.
Các phương tiện truyền thông của ĐCSTQ có thể tránh đưa tin về cuộc bầu cử của Hoa Kỳ, nhưng Bộ Ngoại giao của ĐCSTQ không thể tránh được điều đó. Rõ ràng, Uông Văn Bân đã được các quan chức cấp cao của ĐCSTQ chỉ thị phải trực tiếp tuyên bố rằng, ông ta đang đợi “luật pháp và thủ tục của Hoa Kỳ đưa ra quyết định”. Đây là tuyên bố công khai chính thức của ĐCSTQ về cuộc bầu cử ở Hoa Kỳ. Họ không công nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử của Biden, một chiến thắng mà giới truyền thông chính thống Hoa Kỳ đã ghi nhận.
Câu hỏi thứ hai của phóng viên NBC: Mối quan hệ Trung-Mỹ hiện tại đang ở mức thấp lịch sử. Trung Quốc mong đợi những hành động cụ thể nào từ chính quyền mới của Biden để cải thiện quan hệ song phương?
Uông Văn Bân lần thứ hai khẳng định: Vừa rồi tôi đã giới thiệu lập trường của Trung Quốc về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và quan hệ Trung – Mỹ.
Câu hỏi thứ ba của Bloomberg: Sau khi Biden nhậm chức, Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện giai đoạn đầu của hiệp định kinh tế và thương mại Trung – Mỹ hay tìm cách đàm phán lại các điều khoản liên quan với Mỹ?
Uông Văn Bân lần thứ ba khẳng định: Tôi vừa nêu lập trường của Trung Quốc về các vấn đề liên quan, kể cả vấn đề về kinh tế thương mại Trung – Mỹ, đề nghị các bạn hãy hỏi các cơ quan chủ quản có thẩm quyền của Trung Quốc.
Phóng viên Reuters hỏi câu hỏi thứ tư: Biden đã tỏ thái độ bất lợi cho phía Trung Quốc trong chiến dịch tranh cử. Bây giờ Biden đã thắng cử, Trung Quốc nhìn nhận thế nào về tác động của các chính sách chính trị có liên quan của ông ấy đối với quan hệ Trung-Mỹ?
Uông Văn Bân không còn trả lời trực tiếp câu hỏi về Biden, mà chỉ nói: Tôi hy vọng chính quyền mới của Mỹ và Trung Quốc sẽ “cùng hướng tới nhau”.
Ba câu hỏi cuối cùng là những câu hỏi giả định, đó là, nếu Biden được bầu, ĐCSTQ sẽ đối đáp bước tiếp theo như thế nào?
Uông Văn đã từ chối trả lời các câu hỏi về các vấn đề cuộc bầu cử của Biden.
Phóng viên Bloomberg sau cùng đã thay đổi câu hỏi: Tháng trước, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu tại cuộc họp cấp cao của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhân kỷ niệm 25 năm Hội nghị Thế giới về Phụ nữ ở Bắc Kinh, kêu gọi thúc đẩy bình đẳng giới… Trung Quốc nghĩ việc bà Kamala Harris được bầu làm nữ phó tổng thống đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng như thế nào đến mục tiêu này?
Uông Văn Bân đã trả lời bằng ngôn ngữ Cách mạng Văn hóa: “Phụ nữ có thể nắm giữ một nửa bầu trời”, câu này chính ông Biden cũng đã dùng trong vận động tranh cử.
Trong câu hỏi, phóng viên Bloomberg đã đặt ông Tập Cận Bình lên trước, không nhắc đến Biden nữa và chuyển sang ứng cử viên phó tổng thống Harris của Biden với hy vọng tìm kiếm thêm một số thông tin.
Tuy nhiên, Uông Văn Bân luôn tuân thủ nghiêm ngặt các mệnh lệnh của cấp cao, cả ứng cử viên tổng thống Biden cũng như phó tổng thống Harris, ông đều từ chối chính thức công nhận chiến thắng của họ cuộc bầu cử.
CNN, NBC, Bloomberg và Reuters đã đưa tin công khai rằng, Biden đã đắc cử, nhưng lại chưa được phía Trung Quốc chính thức xác nhận khiến ông ấy vừa thất vọng vừa buồn bực.
Tại sao cấp cao ĐCSTQ không công nhận chiến thắng của Biden?
Về vấn đề này, tác giả Chung Nguyên có đôi lời phân tích như sau:
Bốn phương tiện truyền thông hải ngoại đặt câu hỏi liên tiếp đã tuyên bố rằng, Biden đã được đắc cử Tổng thống, họ có thể cũng biết rằng, ĐCSTQ rất mong muốn Biden sẽ được đắc cử, nhưng thái độ không công nhận hiếm hoi của ĐCSTQ khiến những bài báo trên phương tiện truyền thông này không thể tiếp tục.
Câu hỏi đầu tiên của một phóng viên CNN thực sự khá thú vị, “Bạn có nghĩ rằng kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn chưa chắc chắn, hay còn những cân nhắc khác?”
Uông Văn Bân thực ra chỉ trả lời câu hỏi đầu tiên theo lệnh của lãnh đạo ĐCSTQ, “Chúng tôi hiểu rằng kết quả của cuộc tổng tuyển cử sẽ được xác định theo luật và thủ tục của Hoa Kỳ”.
Với nội dung thứ 2 trong câu hỏi là liệu những người đứng đầu ĐCSTQ “có những cân nhắc khác không?”, Uông Văn Bân đã tránh không trả lời.
Có thể có một số khả năng cho “những cân nhắc khác” của tầng lớp cấp cao của ĐCSTQ.
Thứ nhất, ĐCSTQ lo lắng rằng Tổng thống Trump sẽ thắng trong trận chiến pháp lý và sẽ tiếp tục tái đắc cử, hơn nữa khả năng này cũng khá cao. Nếu ĐCSTQ vẫn phải đối đầu với Tổng thống Trump, việc chúc mừng Biden lúc này rõ ràng là một động thái không hay ho chút nào. Bởi vì, ĐCSTQ có khả năng dính líu đến gian lận trong cuộc bầu cử Mỹ nên họ hiểu rõ nội tình và biết rằng, sẽ không tránh khỏi cuộc điều tư pháp của Mỹ. Một khi bị phơi bày, bằng chứng về âm mưu thao túng cuộc bầu cử Hoa Kỳ của ĐSCTQ được xác thực sẽ là một kết cục tồi tệ nhất.
Thứ hai, ĐCSTQ có ý định không ủng hộ Biden trên bề mặt để che đậy những giao dịch ngầm sau lưng. Từ giữa đến cuối tháng 10, các vụ bê bối của Biden và gia tộc của ông với ĐCSTQ liên tục bị phanh phui. Nhiều phương tiện truyền thông, bao gồm cả mạng xã hội, đã cố gắng giúp Biden che đậy và ĐCSTQ cũng hoàn toàn giả vờ như không biết.
Hầu hết người Mỹ đều chán ghét thái độ phản cảm đối với chế độ ĐCSTQ, nếu ĐCSTQ vội vàng công nhận chiến thắng của Biden, điều đó có thể chứng minh một sự thật rằng, giữa họ có sự thông đồng và có khả năng sẽ dẫn đến một chuỗi các cuộc điều tra.
Bề ngoài, ĐCSTQ giả vờ không ủng hộ Biden, nhưng có thể ở sau lưng bí mật chúc mừng, liên lạc và gửi những món quà lớn tới Biden để đổi lấy những chính sách xoa dịu trá hình của Biden đối với Trung Quốc, điều này có thể làm giảm áp lực bên ngoài của ĐCSTQ và ngăn Biden rơi vào nhiều vụ bê bối hơn.
Thứ ba, ĐCSTQ lo ngại rằng, Tổng thống Trump sẽ nổi giận và sợ rằng, ông ấy sẽ phản kích một cách dữ dội hơn. Hồ Tích Tiến, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ mới đây nói rằng: “Đừng kích động hoặc chế nhạo Trump vào lúc này, để tránh làm ông ấy tức giận”, hai tháng tới là “thời kỳ rất nguy hiểm”. Đây có thể chỉ là suy đoán của Hồ Tích Tiến về tâm tư của tầng
lớp cấp cao ĐCSTQ, hoặc một số gợi ý, cũng không loại trừ việc cấp cao của ĐCSTQ để cho ông ấy đánh tiếng.
Có lẽ dựa trên 3 lo ngại này, tầng lớp cấp cao của ĐCSTQ đã quyết định không bày tỏ lập trường của mình vào lúc này, cũng như không công nhận việc Biden đắc cử.
Các cuộc khủng hoảng bên trong và bên ngoài đang xuất hiện
Cuộc bầu cử Hoa Kỳ đã tạo thêm biến số cho cuộc khủng hoảng bên ngoài của ĐCSTQ khiến họ không thể không đối phó với nó một cách thận trọng. Nếu Tổng thống Trump tái đắc cử và ĐCSTQ bị phanh phui gian lận bầu cử ở Hoa Kỳ, kết quả chúng ta có thể tưởng tượng được.
Tất nhiên, tầng lớp cấp cao của ĐCSTQ luôn mong đợi Biden sẽ đảm nhận vị trí này và có thể tiếp tục các giao dịch ở hậu trường, theo đó chế độ ĐCSTQ có thể có cơ hội thở phào. Nhưng sự che giấu đại dịch của ĐCSTQ không chỉ gây thiệt hại nặng nề cho Hoa Kỳ mà còn cho toàn thế giới, hỏi rằng quốc gia nào có thể dễ dàng từ bỏ việc truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ? Người dân của đất nước nào sẽ quên được chứ?
Hiện nay, nhiều quốc gia vẫn đang rơi vào tình trạng bùng phát dịch bệnh lần 2 trầm trọng, họ thực sự đang chờ đợi Hoa Kỳ dẫn đầu hành động hoặc trở thành người lãnh đạo liên minh truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ. Nếu Hoa Kỳ không thể đảm đương một nhiệm vụ lớn như vậy, các quốc gia khác chắc chắn sẽ chịu thêm nhiều gánh nặng, đây có thể là cơ hội lịch sử để các nước tham gia xây dựng một khuôn mẫu quốc tế mới.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của châu Âu sẽ không thay đổi, nó sẽ chỉ ngày càng đi sâu hơn. Nếu vai trò của Hoa Kỳ suy yếu, mong muốn của các nước châu Á thành lập liên minh để chống lại sự bành trướng của ĐCSTQ sẽ trở nên mạnh mẽ hơn, quan hệ đối tác giả tạo giữa Nga và chế độ ĐCSTQ cũng sẽ mất đi ý nghĩa, thậm chí đấu tranh lẫn nhau hoặc cố gắng kiểm soát Trung Á, hay trở thành trục chính của quan hệ Trung-Nga.
Việc ĐCSTQ che giấu đại dịch đã khiến Tổng thống Trump và Tổng bí thư Tập Cận Bình trở mặt hoàn toàn. Tổng thống Trump đã đứng lên đầu tiên và đánh thức thế giới, kết quả là ĐCSTQ rơi vào thế cô lập quốc tế, dẫn đến những khó khăn và mâu thuẫn nội bộ chồng chất.
Có vẻ như ông Tập Cận Bình đã thông qua Phiên họp toàn thể lần thứ năm của Ban Chấp hành Trung ương khóa 19, nhưng không có giải pháp nào cho tình trạng thất nghiệp nhiều và phục hồi kinh tế, hạn chế tài chính nghiêm trọng, ngoại hối đang thu hẹp nhanh chóng.
Cuối cùng, sau khi thiết lập “tuần hoàn quốc nội” làm trụ cột và mạnh mẽ thúc đẩy nó, nếu tầng lớp cấp cao của ĐCSTQ công nhận Biden thắng cử, liệu răng, quyết định trên có được điều chỉnh trở lại “tuần hoàn ngoại quốc” làm trụ cột không? Nếu thay đổi 180 độ, liệu có nhiều nghi ngờ trong nội bộ ĐCSTQ không? Liệu có ai nhắc lại trách nhiệm phá hủy quan hệ Mỹ-Trung và rơi vào thế cô lập quốc tế? Liệu việc truy cứu trách nhiệm trong nội bộ vì che giấu dịch có tái diễn?
Đối mặt với việc có nên thừa nhận chiến thắng của Biden hay không, ĐCSTQ đang ở trong tình thế tiến thoái lưỡng nan. Các nhà lãnh đạo cao nhất của ĐCSTQ dường như cuối cùng đã nhìn thấy một số hy vọng, nhưng nhiều cuộc khủng hoảng hơn đang xuất hiện và họ có lẽ không thể ngủ ngon.
Lịch sử đi đến ngày hôm nay, sẽ không còn cơ hội để ĐCSTQ triển hiện nữa, ĐCSTQ sắp sụp đổ, đó là chiều hướng phát triển. Dù là người Trung Quốc, người Mỹ hay người dân khác trên khắp thế giới, họ đều ở trong một thế giới này. Có lẽ một số người có thể nói bừa, muốn quyết định số phận của mình hoặc số phận của người khác. Nhưng bất kể họ ở tầng lớp hay vị trí nào trong xã hội, sự lựa chọn cuối cùng của mỗi người sẽ xác định đích đến cuối cùng của họ.
Chuyên gia Triệu: Tôi lo cho
những nguyên thủ lỡ chúc mừng ông Biden
Vũ Dương
Nếu Tổng thống Trump đảo ngược tình thế, thì có lẽ họ không biết phải cư xử thế nào với ông chủ tòa Bạch Ốc ?!
Trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020 vẫn chưa kết thúc việc kiểm phiếu và kết quả chính thức chưa được công bố, phe cánh tả và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden vào ngày 7/11 đã đơn phương tuyên bố “thắng cử”.
Lãnh đạo một số nước đã gửi lời chúc mừng đến ông Joe Biden. Những người ủng hộ Tổng thống Trump cho rằng giới truyền thông và các chính trị gia có hành động như vậy “đã quá vội vàng”.
Phản ứng với các tuyên bố thắng cử của phe Dân chủ, chiến dịch của Tổng thống Trump tuyên bố rằng cuộc bầu cử còn lâu mới kết thúc, nói rằng “ông Biden giả vờ là người chiến thắng”. Trong khi đó, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng những lá phiếu hợp lệ sẽ quyết định ai là tổng thống chứ không phải giới truyền thông.
Trong số những lãnh đạo quốc gia gửi lời chúc mừng ông Biden có Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Boris Johnson. Bất ngờ nhất là Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cũng gửi lời chúc mừng đến ông Biden. Sự việc này khiến người dân Đài Loan đưa ra ý kiến trên Facebook rằng “Lời chúc mừng của Đài Loan là quá sớm và có chút không phù hợp”.
Về việc tại sao Bắc Kinh không chúc mừng ông Biden đã dấy lên nhiều đồn đoán của ngoại giới. Đến nay, ông Tập Cận Bình vẫn chưa biểu đạt thái độ về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cũng cố tình lờ đi tuyên bố “thắng cử” của ông Biden.
Ngày 9/11, tại một cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ, một phóng viên đã hỏi về quan điểm của Bắc Kinh đối với cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và quan hệ Mỹ – Trung. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân chỉ nói rằng “Chúng tôi đã biết việc ông Joe Biden tuyên bố đắc cử. Chúng tôi biết rõ rằng kết quả của cuộc bầu cử sẽ được xác định theo trình tự và luật pháp của Hoa Kỳ. Về vấn đề Trung Quốc bày tỏ thái độ như thế nào, chúng tôi sẽ hành xử chiểu theo thông lệ của quốc tế”.
Sự thận trọng của ĐCSTQ cũng khiến một số cư dân mạng tin rằng, “Trung Nam Hải đã biết câu chuyện bên trong, vậy nên không gửi lời chúc mừng đến ông Joe Biden”.
Trên mạng xã hội Twitter, đông đảo trí thức, học giả và các nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng đã bày tỏ sự tức giận trước việc giới truyền thông cánh tả tự ý tuyên bố ông Joe Biden “thắng cử”.
Ông Triệu Sĩ Lâm (Zhao Shilin), giáo sư đã nghỉ hưu của đại học Dân tộc Trung Quốc (Minzu University of China), đã luôn đặt câu hỏi về gian lận bầu cử của đảng Dân chủ trong những ngày gần đây.
Nói về việc tuyên bố “thắng cử” của ứng cử viên Joe Biden, ông Triệu cho hay: “Tôi thực sự toát mồ hôi cho những chính trị gia đã quá nóng vội trong việc gửi lời chúc mừng đến ông Biden. Ngày càng có nhiều bằng chứng về gian lận trong cuộc bầu cử. Ngay cả Giám đốc Ủy ban Bầu cử Liên bang cũng đã chính thức tuyên bố rằng có nhiều vấn đề trong cuộc bầu cử. Tuyên bố của giới truyền thông là không hợp lệ. Lãnh đạo các nước không phải không rõ điều này. Nếu Tổng thống Trump đảo ngược tình thế, mặt mũi của họ sẽ để ở đâu? Nhất là Thủ tướng Boris Johnson của Anh”.
Bà Hà Thanh Liên (He Qinglian), nhà kinh tế học người Trung Quốc hiện đang định cư tại Mỹ cho rằng, trước mắt đã không còn là vấn đề ủng hộ hay phản đối Tổng thống Trump nữa, mà là vấn đề duy hộ Hiến pháp.
“Mặc dù tôi biết rằng đảng của ông ta (Joe Biden) sẽ đưa nước Mỹ đi theo một chiều hướng khác, chỉ cần ông ấy tuân thủ đầy đủ Luật Bầu cử Liên bang Hoa Kỳ, tranh cử một cách công bằng, để những cử tri thực sự được tham dự bầu cử, chữ không phải những ‘cử tri’ (gồm những cả cử tri ma) trong phong thư. Ngay cả khi ông ta thắng cử, tôi cũng sẽ chấp nhận”, bà Hà nói.
Một nhà kinh tế khác, Hạ Giang Binh (He Jiangbing), nói rằng: “Đảng Dân chủ mắc hai sai lầm chiến lược lớn, bây giờ đã có thể nói rõ được. Thứ nhất, họ đã rót quá nhiều phiếu bầu, [số phiếu tại] những bang chiến địa vượt quá cả [số phiếu bầu cho] ông Obama. Rõ ràng là các phiếu bầu này đã được lấp đầy một cách vô nguyên tắc, bao gồm việc dùng máy kiểm phiếu lỗi ở tiểu bang Michigan”.
Thứ hai, việc hoãn bỏ phiếu đã khiến cho vụ gian lận lên men hoàn toàn. Việc này đã khiến toàn bộ các thành viên của đảng Cộng hòa vì phải đứng trước khủng hoảng sống còn càng thêm đoàn kết vững chắc xung quanh Tổng thống Trump. Đảng Cộng hòa quyết sử dụng tài nguyên của toàn bộ đảng và bộ phận hành chính loại bỏ gian lận và tra rõ hành vi phạm tội của đảng Dân chủ. Biến khéo thành vụng, tôi thật cũng chịu thua cái đảng Dân chủ này”.
Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay do lượng lớn phiếu bầu được gửi qua đường bưu điện mà sản sinh nhiều rắc rối. Gần đây, nhiều quận ở tiểu bang Michigan đã gặp vấn đề kiểm phiếu trong cuộc tổng tuyển cử lần này. Quận Antrim của bang này xuất hiện hiện tượng 6.000 phiếu bầu của cử tri nguyên vốn bầu cho Tổng thống Trump đã được tính cho ông Joe Biden. Sau khi kiểm phiếu lại, ông Trump đã giành chiến thắng ở quận này.
Ngày 7/7, Hạ nghị sĩ đảng Cộng hòa Matt Hall, Chủ tịch Ủy ban Giám sát Hạ viện cho hay, ông đã nghe ý kiến từ nhiều nhà lập pháp rằng hàng triệu người trong bang có thắc mắc đối với quá trình bầu cử lần này, do vậy phải tiến hành điều tra.
Ngoài ra, chiến dịch Tổng thống Trump đã bắt đầu các thủ tục tố tụng pháp lý ở nhiều bang. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz hôm 8/11 khẳng định Tổng thống Trump “vẫn còn con đường dẫn đến chiến thắng”. Ông dự đoán rằng cuộc chiến pháp lý của chiến dịch Trump có thể sẽ phải kiện lên Tối cao Pháp viện.
https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-trieu-toi-lo-cho-nhung-nguyen-thu-lo-chuc-mung-ong-biden.html
0 comments