Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Đọc báo Pháp – 14/11/2020

Saturday, November 14, 2020 6:48:00 PM // ,

 Đọc báo Pháp – 14/11/2020

Bầu cử tổng thống Mỹ: Sóng gió vẫn đang chờ đợi phía trước – Thụy My

Ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng biến mất khỏi sân khấu. Donald Trump không bao giờ chấp nhận chiến bại, nhất là trước Joe Biden mà ông cho rằng không phải là đối thủ xứng tầm. Phía sau ông Trump là một đội quân cử tri trên 70 triệu người, thế nên thất bại này không phải là một trận Waterloo.

Tuy chưa có kết quả chính thức của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ ngày 03/11, nhưng báo chí cả Mỹ lẫn Pháp đã đồng thanh gọi ứng cử viên của đảng Dân Chủ là « tổng thống tân cử ». Ảnh ông Joe Biden chiếm trang nhất của tất cả các tuần báo Pháp kỳ này. L’Obs đăng chân dung Biden trên nền màu xanh của đảng Dân Chủ với câu hỏi « Liệu ông ấy có thể chữa lành được nước Mỹ ? »

Le Point nói về « Định mệnh kỳ lạ của Joe Biden ». L’Express đăng hình ông Biden ngồi trong Nhà Trắng, phía sau là cái bóng của Donald Trump bao trùm, và « Chúc may mắn ! » Tương tự, trang bìa Courrier International là hình vẽ Biden mang khẩu trang màu cờ nước Mỹ nhưng có một mái tóc vàng hoe bay ngang, chạy tựa « Liên minh Joe ».

Kết quả gây thất vọng cho cả hai phe

Tuần báo Pháp mừng rỡ : Vĩnh biệt những năm Trump, Joe Biden sẽ là tổng thống thứ 46 của Hoa Kỳ. Bên cạnh ông là Kamala Harris, người phụ nữ da màu đầu tiên vói đến chức phó tổng thống – sự kiện mà Courrier International cho là lịch sử.

Tờ báo trích dịch New York Times, nhật báo Mỹ luôn chống Trump kịch liệt, ghi nhận Joe Biden đã đạt được số phiều nhiều nhất trong lịch sử bầu cử tổng thống Mỹ, còn Donald Trump theo bén gót. Kết quả này gây thất vọng cho cả hai phe. Phía Biden từng hy vọng thắng đậm Trump và nắm được đa số ở Thượng Viện, còn những người ủng hộ Donald Trump mong một nhiệm kỳ bốn năm nữa.

Về phía các nhật báo bảo thủ, Wall Street Journal nhấn mạnh, thoạt nhìn thì cuộc bầu cử là một thất bại, nhưng nếu lạc quan một chút, thì với triển vọng Joe Biden bước vào Nhà Trắng và Thượng Viện rất có thể vẫn do Cộng Hòa nắm, thì sự chung sống hòa bình này sẽ tạo ra tương quan lực lượng thuận lợi cho cánh trung và những người ôn hòa của cả hai đảng. Theo National Review, cuộc bầu cử lần này tuy không phải là một chiến thắng, nhưng cũng chẳng phải thảm họa.

Hồi hộp như phim Hollywood

Washington Examiner cho rằng những ai lo sợ một cuộc cách mạng cánh tả ở Hoa Kỳ nay có thể ngủ yên. Nếu làn sóng xanh tràn đến, phe Dân Chủ có thể đưa thêm nhiều thẩm phán vào Tối cao Pháp viện để áp đặt những đạo luật quan trọng nhằm tái cấu trúc kinh tế và thay đổi cách sống. Hai lãnh địa Dân Chủ là Washington và Porto Rico có thể được nâng lên thành bang, như vậy Dân Chủ tự động có thêm bốn ghế ở Thượng Viện. May mắn là ý đồ này không thành.

Còn tại Hạ Viện có nguy cơ diễn ra một trận nồi da xáo thịt trong phe Dân Chủ. Các dân biểu thuộc những bang « nghiêng ngả » sẽ rất tức giận khi những ý định điên rồ của cánh tả như cắt giảm ngân sách của cảnh sát trở thành chủ đề chính. « Họ sẽ không thông qua lá thư Ông già Noel của dân biểu Alexandria Ocasio-Cortez » (khuôn mặt được cho là cực tả trong đảng Dân Chủ).

Đọc thêm : Bầu cử tổng thống Mỹ : Ba mươi chưa phải là Tết ?

Tuần báo L’Express nhận định « Bầu cử Mỹ : Hoa Kỳ luôn là bậc thầy về tạo kịch tính », phim ảnh Hollywood có đối thủ duy nhất là cuộc bầu cử tổng thống. Trong khi tại Pháp khuôn mặt người thắng cử nhất định phải hiện lên màn ảnh truyền hình vào cuối ngày bầu cử lúc 20 giờ, thì ở Mỹ số đại cử tri lần lượt được cộng thêm như tỉ số một trận bóng rổ. Cuốn phim Hitcock này làm cho cả thế giới phải hồi hộp theo.

Tờ báo so sánh : Trung Quốc có thể sẽ trở thành cường quốc hàng đầu thế giới, nhưng người dân Hoa lục không việc gì phải thức dậy vào 5 giờ sáng hôm sau để theo dõi xem những ai nằm trong số 205 ủy viên trung ương đảng.

Đường đời không bằng phẳng

Cuộc đời và sự nghiệp Joe Biden được các báo mô tả tỉ mỉ. Le Point tóm tắt : Vinh quang chính trị cùng với bi kịch gia đình : đường đời của ông cứ như là tiểu thuyết, và ở tuổi 78, chương cuối cùng vẫn chưa được viết ra. New Statesman được Courrier International trích dịch nói về « Joe Biden, người thường xuyên quay lại » (chính trường), còn L’Express ví von « Joe Biden, một người lính cứu hỏa cho nước Mỹ ».

Joseph Robinette Biden lớn lên tại Pennsylvania và Delaware, có cha gốc Anh lai Pháp sinh sống bằng cách mua bán xe hơi cũ, mẹ gốc Ireland. Bà mẹ có tính cách mạnh mẽ, từng dọa đánh một giáo viên đã chế giễu tật cà lăm (nói lắp) của con trai. Biden học không giỏi nhưng giao thiệp rộng. Trưởng văn phòng luật sư nơi ông vào làm việc dìu dắt Biden theo đảng Dân Chủ.

Sáu tuần sau khi trở thành thượng nghị sĩ trẻ tuổi nhất năm 1972, vợ và con gái ông tử nạn do tai nạn xe hơi, hai con trai bị thương khiến ông bị sốc suýt rời chính trường. Hai lần định ra tranh cử tổng thống, Joe Biden đều thất bại trong kỳ bầu cử sơ bộ, rốt cuộc năm 2008 trở thành phó tổng thống của Barack Obama. Năm 2015 Beau Biden, con trai ông qua đời vì ung thư, Joe từ bỏ tranh cử sơ bộ và ủng hộ bà Hillary Clinton. 

Khuôn mặt ôn hòa cần thiết

Biden bị chỉ trích vì một số khuyết điểm : bị cáo buộc đạo văn của Neil Kinnock (lãnh đạo Công Đảng Anh) và Robert Kennedy, hay mãi đến năm ngoái mới thôi ủng hộ tu chính án Hyde (hạn chế tài trợ liên bang cho việc phá thai trong trường hợp bị hãm hiếp, loạn luân hay nguy hiểm tính mạng). Hồi năm 1991 Biden phản đối cuộc chiến vùng Vịnh, rốt cuộc đó là một thành công của Mỹ; năm 2003 ông ủng hộ tấn công Irak nhưng lại là một chiến dịch thất bại.

Tuy không phải là nhân vật lý tưởng, Joe Biden là chính khách dày dạn kinh nghiệm và dễ gần, nên các báo đều cho rằng ông là người của tình thế. Chờ đợi đến 48 năm mới bước lên được ngôi vị tối thượng, Biden lại phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế và dịch bệnh, làm việc với Thượng Viện vẫn thuộc về Cộng Hòa và Hạ Viện chia rẽ giữa cánh trung và cánh tả. Chưa kể đến việc dù có Donald Trump hay không, xu hướng dân túy vẫn tồn tại lâu dài.

Về « phó tướng » của Biden, Los Angeles Times đặt câu hỏi « Phải chăng Kamala Harris đang trên đường đến với ghế tổng thống ? », còn Le Point cho đây là « Giấc mơ Mỹ ». Ở tuổi 56, bà đã phá vỡ nhiều lớp trần thủy tinh : phụ nữ đầu tiên là phó tổng thống và lại là người da màu, có dòng máu châu Á. Harris thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử sơ bộ nhưng ông Biden đã đưa bà lên đứng chung liên danh. Joe Biden cần một người phó là phụ nữ da đen nên đã bỏ qua việc Harris tấn công ông tơi tả khi tranh luận, cáo buộc Biden kỳ thị chủng tộc.

Thế giới chờ đợi gì ở Joe Biden ?

Khi bước vào Nhà Trắng, Joe Biden được cho là sẽ quay lại với hiệp định khí hậu Paris, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), lại bắt tay với các đối tác NATO, hủy bỏ một số sắc lệnh của Donald Trump về môi trường và y tế công. L’Obs còn mong Biden đưa ra dự luật hợp thức hóa cho 700.000 người nhập cư bất hợp pháp sống trên đất Mỹ đã lâu, lập ê-kíp tìm kiếm cha mẹ của 545 em bé bị chia tách gia đình ở biên giới Mêhicô, rút lại lệnh cấm công dân sáu nước Hồi giáo nhập cảnh.

Lần này thì cuộc chiến đấu không phải ở Irak hay Iran, mà là chiến tranh lạnh với Trung Quốc. Dưới thời Donald Trump, Bắc Kinh rất lo Washington đột ngột thay đổi chính sách với Đài Loan, dẫn đến xung đột. Trung Quốc hy vọng Joe Biden thận trọng hơn, dễ đoán định hơn, giảm bớt thuế quan, nhưng không mong sẽ có thay đổi chính sách về Biển Đông và mạng 5G.

The Economist cho rằng, các nước bạn ở châu Á của Mỹ, muốn Biden hành động cứng rắn như ông Trump chứ không như Obama. Barack Obama đã vạch ra lằn ranh đỏ trên Biển Đông, nhưng lại chẳng làm gì khi Trung Quốc vượt rào. Ngược lại chính quyền Donald Trump bác bỏ thẳng thừng yêu sách của Bắc Kinh tại vùng biển này, gia tăng sự hiện diện của Hải quân Mỹ, cam kết bảo vệ các đảo của Nhật đang bị Trung Quốc quấy nhiễu, và bán vũ khí cho Đài Loan.

Nhà cựu ngoại giao Singapore, Bilahari Kausikan nhận định, khi tổng thống Trump thông báo với Tập Cận Bình, khách mời ở Mar-a-Lago năm 2017 là ông vừa cho bắn 59 hỏa tiễn Tomahawk sang Syria vì Assad sử dụng vũ khí hóa học, Donald Trump đã vực dậy lòng tin của châu Á về sức mạnh Mỹ.

Cuộc chuyển giao quyền lực khó êm ả

Tuy trang bìa các báo đều dành cho Joe Biden, nhưng ở những trang trong, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump lại được đề cập đến nhiều hơn hẳn. L’Obs nói về « Trump, quái kiệt pop ». Tuần báo thiên tả cho rằng Donald Trump là « phát-xít kiểu mới » : ông không thoát thai từ cực hữu, không được đẩy lên chính trường bởi một liên minh quân sự và tôn giáo, tài năng diễn thuyết của ông không tập hợp những đám đông skinhead.

Theo L’Obs, Trump là « nhân vật phát-xít đầu tiên được văn hóa pop sản sinh ra ». Trước khi trở thành tổng thống, Donald Trump từng tham gia nhiều show trên màn ảnh nhỏ, nổi tiếng nhất là việc dẫn chương trình truyền hình thực tế « The Apprentice » đã giúp ông trở thành hiện thân của sự thành công đối với công chúng. Trump đóng vai chính mình trong phim « Ở nhà một mình » (Home alone) tập 2 và trong một số phim khác.

Đọc thêm : Tổng thống Trump có thể hành động gì trong hai tháng tới ?

Tuần báo cũng tỏ ra cảnh giác trước một « Trump khó đoán định ». Ông chủ Nhà Trắng không dễ dàng biến mất khỏi sân khấu. Donald Trump không bao giờ chấp nhận chiến bại, nhất là trước Joe Biden mà ông cho rằng không phải là đối thủ xứng tầm. Phía sau Trump là một đội quân cử tri trên 70 triệu người, thế nên thất bại này không phải là một trận Waterloo. L’Express dẫn lời nhà chính trị học Kyle Kopko : « Trump là một tổng thống độc đáo, nên cũng sẽ là một cựu tổng thống độc đáo ».

Luật gia Lawrence Douglas cho biết Hiến pháp Mỹ không bảo đảm việc chuyển giao quyền lực một cách hòa bình, dù có một luật năm 1964 về cơ chế chuyển tiếp. Donald Trump vẫn giữ mọi quyền hành của tổng thống cho đến phút cuối.

Hiến pháp cho ông quyền ân xá, chẳng hạn Michael Flynn, Steve Bannon, Paul Manafort – và để phòng ngừa, cả Jared và Ivanka Kushner. Còn bản thân tổng thống thì sao ? Trump có thể vận dụng tu chính án 25, tạm thời chuyển giao quyền lực cho Mike Pompeo để được ân xá rồi sau đó nắm quyền trở lại ! Donald Trump cũng sẽ thanh toán ân oán với một số người trước khi ra đi : giám đốc FBI, CIA hay bác sĩ Anthony Fauci trong tầm ngắm.

Donald Trump tiếp tục có ảnh hưởng lớn

Và đến 20 tháng Giêng có hai câu hỏi đặt ra : sẽ phải làm gì với Trump, và Trump sẽ làm những gì ? Nếu Biden muốn hòa giải, bỏ qua những sai lầm của Trump, thì cánh tả của Dân Chủ sẽ la ó ; còn ngược lại, sẽ gây phẫn nộ cho hàng triệu « fan » của Donald Trump. Hơn một chục cuộc điều tra và vụ kiện dân sự đang nhắm vào ông Trump.

Về câu hỏi thứ hai, tuy không phải chính khách chuyên nghiệp, cũng không có mạng lưới đảng phái truyền thống, nhưng Donald Trump có đông đảo người hâm mộ trung thành và 88 triệu người theo dõi trên Twitter. Chỉ cần nói một lời không hay về ông Trump là có thể bị đám đông trừng phạt. Sau hôm bầu cử, con trai ông là Donald Junior phàn nàn trên Twitter là ít có được sự ủng hộ của phía Cộng Hòa. Hai giờ 14 phút sau, bà Nikki Haley, khuôn mặt có thể ra ứng cử tổng thống năm 2024, đã tweet ngay ca ngợi ông Trump.

Đọc thêm : Dù thắng hay bại, Donald Trump cũng đã thay đổi thế giới

Đương kim tổng thống còn có nhiều ảnh hưởng hơn khi hiện diện trên truyền thông. Theo lời đồn thì sẽ có « Trump News » từ liên minh với tập đoàn Sinclair hoặc kênh cực đoan One America News Network. Chưa rời khỏi Nhà Trắng mà người ủng hộ đã hình dung Donald Trump trở lại nắm quyền năm 2024, dù lúc đó ông đã 78 tuổi. Đã có một tiền lệ : tổng thống Mỹ thứ 22 và 24 là Glover Cleveland, thất cử nhiệm kỳ thứ hai Avà bốn năm sau tái đắc cử. Trước khi rời Nhà Trắng năm 1888, ông Cleveland đã yêu cầu một cố vấn giữ gìn đồ đạc và cách trang hoàng vì sẽ còn tái ngộ. L’Obs hy vọng lịch sử sẽ không lặp lại !

https://www.rfi.fr/vi/%C4%91i%E1%BB%83m-b%C3%A1o/20201114-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-m%E1%BB%B9-s%C3%B3ng-gi%C3%B3-v%E1%BA%ABn-%C4%91ang-ch%E1%BB%9D-%C4%91%E1%BB%A3i-ph%C3%ADa-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc

Tin tổng hợp

(VnExpress) – Việt Nam dự kiến sơ tán 460.000 người dân ở sáu tỉnh để tránh bão. 

Bão Vàm Cỏ (bão số 13) là « cơn bão rất mạnh », dự báo sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh khu vực Bắc và Trung Trung Bộ từ ngày 14 đến 15/11/2020, theo công điện của thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Tất cả các sân bay và bãi biển ở những khu vực bão có thể đi qua đã bị đóng cửa từ ngày 14/11. Chỉ trong vòng hai tháng 10 và 11, Việt Nam đã đón 8 cơn bão và áp thấp nhiệt đới.

(NHK) – Trung Quốc chỉ trích Anh và Úc can thiệp vào vấn đề Hồng Kông. 

Tại buổi họp báo ngày 13/11/2020, ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, nêu đích danh Anh và Úc đã can thiệp thô bạo vào chuyện nội bộ của Trung Quốc và vi phạm các nguyên tắc cơ bản của luật lệ và quan hệ quốc tế. Luân Đôn và Canberra đều lên tiếng về việc bốn dân biểu ủng hộ dân chủ Hồng Kông bị Bắc Kinh bãi nhiệm ngày 11/11, sau đó toàn bộ các nghị sĩ dân chủ từ chức.

(Bloomberg) – 400 thủy thủ bị mắc kẹt vì bất đồng Trung-Úc. 

Ít nhất 21 tầu hàng chở than Úc với tổng trị giá khoảng 200 triệu đô la, đang neo đậu ở ngoài khơi cảng Kinh đường (Jingtang), đã không thể bốc dỡ. Trong số này có 15 tầu đã đợi từ tháng 06, số còn lại bị trì hoãn ít nhất 4 tuần, thủy thủ không được lên bờ. Một trong những lý do được phía cảng nêu ra là phòng chống virus cororna. Bloomberg ngày 13/11 lo ngại một cuộc khủng hoảng nhân đạo nếu tình hình tiếp tục kéo dài do căng thẳng ngoại giao Úc và Trung Quốc.

(AFP) – Ngoại trưởng Mỹ Pompeo công du các nước đồng minh đã “công nhận” Joe Biden. 

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đến Pháp ngày hôm nay 14/11/2020 và sau đó ghé các nước đồng minh khác, từ Thổ Nhĩ Kỳ, Gruzia, Israel, cho đến Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Qatar và Ả Rập Xê Út, vốn đã coi Joe Biden là tổng thống đắc cử của Hoa Kỳ. Vấn đề đối với ngoại trưởng Mỹ là bản thân ông đã cho thấy là ông từ chối công nhận chiến thắng của ứng viên đảng Dân Chủ. ÔngMike Pompeo cũng chỉ trích các nhà lãnh đạo quốc tế, chẳng hạn như Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, người đã vội vàng gọi điện cho Joe Biden để chúc mừng và cam kết hợp tác.

(AFP) – Belarus : Biểu tình tưởng niệm nhà đối lập chết khi bị cảnh sát câu lưu. 

Tại Hàng nghìn người biểu tình hôm qua, 13/11/2020, để tưởng niệm nhà đối Roman Bondarenko, 31 tuổi, qua đời tại bệnh viện, với nhiều tổn thương ở đầu. Nhiều nghi vấn là nhà đối lập đã bị cảnh sát đánh đập trong thời gian ông bị bắt. Tính từ đầu phong trào phản kháng chống gian lận bầu cử và đòi dân chủ, tháng 8/2020 đến nay, đã có ít nhất 4 người Belarus thiệt mạng trong các cuộc biểu tình hoặc sau khi bị cảnh sát bắt. Tuy nhiên, số người chết do bạo lực cảnh sát có thể nhiều hơn.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20201114-tin-t%E1%BB%95ng-h%E1%BB%A3p

Tạp chí đặc biệt

Bầu cử Mỹ: Trung Quốc dè dặt chúc mừng

Joe Biden, Nga im hơi lặng tiếng

Trọng Nghĩa

Thời sự nổi bật trong tuần vẫn là tình hình phức tạp tại Hoa Kỳ, với chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 03/11/2020 được khẳng định thêm, trong lúc người bị thua là tổng thống mãn nhiệm Donald Trump vẫn không công nhận thất bại, tố cáo các hành vi mà ông coi là gian lận nhưng chưa đưa ra được bằng chứng.

Tuy nhiên, bất chấp tình hình giằng co tại Mỹ, hầu hết các nước trên thế giới như đều đã công nhận ông Joe Biden là tổng thống tương lai của nước Mỹ, với những lời chúc mừng lần lượt được gởi đến người được gọi là “tổng thống tân cử” theo thông lệ tại Hoa Kỳ.

Trong số các phản ứng về cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, giới quan sát đặc biệt chú ý đến thái độ của Trung Quốc, nước đang phải chịu những đòn tấn công trên mọi mặt của chính quyền Donald Trump đương nhiệm. Sau hơn một tuần lễ im lặng, mãi đến ngày 13/11 Bắc Kinh mới chính thức lên tiếng chúc mừng ông Joe Biden, nhưng một cách rất dè dặt như phân tích sau đây của Simon Leplâtre, thông tín viên RFI tại Thượng Hải:

Thà chậm còn hơn không: Trung Quốc cuối cùng đã chúc mừng chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân hôm thứ Sáu 13 tháng 11 vừa qua đã tuyên bố: “Chúng tôi tôn trọng sự lựa chọn của người dân Mỹ. Chúng tôi gởi lời chúc mừng đến ông Biden và bà Harris.”

Đây không phải lần đầu tiên mà Trung Quốc không vội vã chúc mừng một tổng thống Mỹ vừa được bầu. Vào năm 2000, ông Giang Trạch Dân đã gởi lời chúc đến tổng thống George W. Bush một tháng sau khi ông được bầu, trong một cuộc bầu cử cũng rất bị tranh cãi.

Ngoài ra, cũng phải ghi nhận hôm thứ sáu, người lên tiếng chỉ là phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc, còn chủ tịch Tập Cận Bình vẫn chưa thấy chúc mừng tổng thống tương lai của cường quốc đứng đầu thế giới.

Có thể là Bắc Kinh lo ngại là sẽ chọc giận ông Trump khi công nhận quá sớm chiến thắng của ông Joe Biden trong lúc mà ông Trump vẫn còn đứng đầu Nhà Trắng hai tháng nữa.

Đây là khoảng thời gian đủ để ông đưa ra những trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc, bị ông xem là phần nào chịu trách nhiêm việc ông thất cử do dịch Covid-19.

Nga trong tình thế bối rối

Nếu Trung Quốc đã lên tiếng chúc mừng ông Biden, dù một cách nhạt nhẽo, thì Nga cho đến hết ngày 13/11 vẫn không thấy có phản ứng chính thức.

Theo thông tín viên của nhật báo Pháp Le Figaro tại Matxcơva, thái độ của Nga phản ánh một sự bối rối, nếu không muốn nói là một sự thất vọng khi ứng cử viên được ưa thích của họ là Donald Trump gặp thất bại.

Nhìn từ Matxcơva, đảng Dân Chủ của tổng thống tân cử có quan điểm cứng rắn hơn đối với Nga, trong lúc ông Biden là người đã từng nhiều lần công kích ông Vladimir Putin, và gần đây đã gọi Nga là “mối đe dọa chính” của nước Mỹ.

Điện Kremlin từng coi ông Biden là một trong những người đã châm ngòi cho phong trào Maidan ở Ukraina, một hồ sơ mà ông giám sát vào năm 2014, khi còn là phó tổng thống cho Barack Obama.

Matxcơva cũng rất úy kỵ đội ngũ phụ trách hồ sơ Nga của ông Joe Biden, bao gồm các chuyên gia nhiều kinh nghiệm (chẳng hạn như ông Michael Carpenter) và các nhà ngoại giao được biết đến với lập trường cứng rắn đối với ông Putin (ví dụ như bà Susan Rice).

Chuyên gia Pháp: Trump đang có những hành động “nguy hiểm”

Về nội tình chính trị Hoa Kỳ, như nói ở trên, tổng thống sắp mãn nhiệm Donald Trump vẫn kiên quyết không chấp nhận là mình đã thất bại trong cuộc bầu cử, và vẫn tiếp tục đưa ra hay phát tán những cáo buộc về điều được ông cho là “gian lận bầu cử”.

Điều đáng ngại là trái với thông lệ tại Mỹ, tổng thống Trump còn tìm cách cản trở tiến trình bàn giao quyền lực giữa hai nhiệm kỳ tổng thống, điều gần như là chưa từng thấy trong lịch sử Hoa Kỳ. Trả lời nhà báo Sylvie Noël, ban Pháp Ngữ RFI, bà Françoise Coste, chuyên gia về Đảng Cộng Hòa đồng thời là giáo sư về văn minh Mỹ tại Đại Học Toulouse Jean-Jaurès, hành động của ông Trump mang dáng dấp của một âm mưu “đảo chánh” rất nguy hiểm:

“Theo tôi, đây là một vấn đề cơ bản. Tại sao lại nói đến đảo chánh khi mà ở ngoài đường không thấy xe tăng, và cũng không thấy nhân viên FBI chận bắt những người đối lập với tổng thống ? Đúng thế ! Nhưng một cách ngấm ngầm, tế nhị, sự việc không phải là giống như một cuộc đảo chánh hay sao ?

Dẫu sao thì cho dù không phải là đảo chánh, nhưng đây chính là một mưu toan độc nhất vô nhị trong lịch sử nước Mỹ, khi một tổng thống mãn nhiệm tìm cách đảo ngược kết quả bầu cử, một trường hợp độc nhất vô nhị của một người tổng thống mãn nhiệm bị thất cử nhưng không chịu chấp nhận thất bại.

Tình hình lúc này là như thế đó. Ông Donald Trump đã biến thành người mà đầu óc không tài nào chấp nhận được thực tế là mình đã thua, một người hoàn toàn không hiểu được lịch sử của định chế tổng thống.

Tôi hoàn toàn không muốn lý tưởng hóa định chế tổng thống Mỹ, nhưng tại Hoa Kỳ, nhưng từ năm 1788 đến nay, cứ 4 năm một lần, người ta lại bầu tổng thống, bất kể tình hình ra sao, và lần nào cũng thế, người thắng thì được công nhận là thắng, còn người thua thì chấp nhận thất bại, và công việc chuyển giao quyền hành lúc nào cũng êm thắm.

Ngoại lệ duy nhất là vào năm 1860, khi ông Abraham Lincoln được bầu làm tổng thống, 11 tiểu bang miền Nam không chấp nhận kết quả bầu cử, nước Mỹ đã bùng nổ và cuộc chiến tranh Nam-Bắc đã xẩy ra. Đây là điều mà không ai muốn cho nước Mỹ ngày nay.”

Vừa rồi là nhận định của bà Françoise Coste, giáo sư về Văn Minh Mỹ tại Đại Học Toulouse Jean-Jaurès ở miền nam nước Pháp.

Trung Quốc tiếp tục xóa bỏ dấu vết dân chủ còn lại ở Hồng Kông

Tại châu Á, sự kiên nổi bật trong tuần là động thái mới nhất của Trung Quốc nhằm triệt hạ các yếu tố dân chủ hiếm hoi mà Hồng Kông còn được hưởng.

Hôm 11/11 vừa qua, toàn bộ các đại biểu ủng hộ dân chủ trong Nghị Viện Hồng Kông đã loan báo quyết định từ chức tập thể sau khi 4 người trong số họ bị chính quyền đặc khu bãi nhiệm theo “chỉ thị” trực tiếp từ Bắc Kinh, cụ thể là sau khi Quốc Hội Trung Quốc thông qua một nghị quyết cho phép hành pháp Hồng Kông loại bỏ (với hiệu lực ngay lập tức) bất kỳ đại biểu dân cử nào bị cho là gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia, chủ trương Hồng Kông độc lập hay cấu kết với nước ngoài.

Theo thông tín viên RFI Florence de Changy tại Hồng Kông, như vậy là Bắc Kinh đã thành công trong việc biến Nghị Viện Hồng Kông thành một cơ chế không còn bất kỳ tiếng nói đối lập nào:

Các đại biểu cánh dân chủ chỉ nắm giữ 19 trên tổng số 70 ghế của Nghị Viện Hồng Kông. Và hôm 11 tháng 11 vừa qua Trung Quốc đã  loại bỏ bớt 4 người trong một quyết định đơn phương.

Và như thế đến cuối ngày, 15 đại biểu còn lại của phe dân chủ đối lập đã thực hiện lời đe dọa đưa ra ngày hôm trước là đồng loạt từ chức để tỏ tình đoàn kết với 4 người bị Trung Quốc trừng phạt. Và Nghị Viện Hồng Kông hoàn toàn không còn đối lập nữa.

Lương Kế Xương (Kenneth Leung) là một trong 4 người bị Bắc Kinh loại bỏ. Ông nói: “Hôm nay là một ngày buồn cho Hồng Kông, nhưng cũng là một ngày vinh quang cho tất cả chúng tôi. Chúng tôi sẽ phải rời chức vụ của mình, nhưng sẽ có những người Hồng Kông khác tiếp tục sự nghiệp với cùng những giá trị, hoài bão, hy vọng, và tôi tin chắc là họ sẽ đấu tranh cho những giá trị cơ bản của Hồng Kông”.

Tuy nhiên cách “diễn giải” mới của Bắc Kinh đòi hỏi là tất cả nghị sĩ Hồng Kông phải là những người yêu nước (Trung Quốc), qua đó đóng cửa Nghị Viện đối với mọi đại biểu chủ trương những giá trị cơ bản như tự do dân chủ.

Ngay cả những tiếng nói ôn hòa trong phe thân Bắc Kinh cũng đánh giá rằng việc Nghị Viện không còn đối lập là một điều “không lành mạnh” đối với sự điều hành Hồng Kông.

Theo nhiều chuyên gia, Nghị Viện Hồng Kông giờ đây đã biến thành một định chế chẳng khác gì Quốc Hội Trung Quốc, bị cho là cơ quan ghi nhận và thông qua các quyết định của đảng Cộng Sản Trung Quốc.

Covid-19: Người Thụy Sĩ lách lệnh phong tỏa như thế nào

Thời sự trong tuần dĩ nhiên nổi bật với những biện pháp chống dịch với mức độ nghiêm ngặt khác nhau của các nước trên thế giới nhằm chống lại làn sóng Covid-19 thứ hai đang tràn ngập châu Âu, thậm chí làn sóng thứ ba bắt đầu dâng lên tại Mỹ.

Tại Pháp, quyết định tái phong tỏa toàn quốc đã được ban hành từ cách nay hai tuần, và hôm 12/11 vừa qua, thủ tướng Jean Castex đã loan báo kéo dài tình trạng phong tỏa thêm 15 ngày nữa, cho đến sau ngày 01/12.

Một trong những biện pháp gây tranh cãi nhiều nhất là quyết định đóng cửa các nhà hàng, quán bar, quán cà phệ, và tất cả những cơ sở thương mại, dịch vụ bị cho là không thiết yếu. Tranh cãi không chỉ bùng lên tại Pháp, mà hầu như khắp nơi có phong tỏa.

Thông tín viên RFI tại Thụy Sĩ đã ghi nhận trường hợp đặc biệt của nước này, nơi những biện pháp ban hành thuộc thẩm quyền của các bang (canton) tạo ra một số nghịch lý.

Một ví dụ điển hình là tại bang Genève, các cửa hiệu bị đóng cửa hoàn toàn, trong lúc bang Vaud lân cận vẫn hoạt động bình thường. Do việc người dân Thụy Sĩ không hề bị hạn chế đi lại, người Genève đã ồ ạt tràn qua bang Vaud để mua sắm, đẩy doanh thu các cơ sở thương mại tại đấy tăng lên 30%.

Theo thông tín viên RFI Jérémie Lanche, tường thụật từ Genève,

Chavanne de Bogis là một thị trấn nhỏ, chỉ 1.200 dân, nhưng có cảnh quan tuyệt đẹp nhìn ra hồ Léman và một trung tâm thương mại, lại ở một khoảng cách lý tưởng, chỉ cách Genève 10 phút đi bằng xe hơi. Bãi đậu xe ở đây toàn là xe mang biển số Genève.

Cô Larissa đến đây để « xả hơi », theo lời của cô: “Đúng là để cho tinh thần thảnh thơi hơn, dễ thở hơn một chút”. Philippe thì thẳng thắn hơn: Anh đến đây để mua những thứ không còn tìm thấy được ở Genève : “Thật là bất công, Chúng tôi còn phải sống nữa chứ. Ở Genève thì bảo phải đóng cửa các cửa hiệu. Được, không sao ! Thế thì chúng tôi đến đây. Chúng tôi bị gò bó, nhưng chúng tôi cũng muốn có một chút tự do. »

Trung tâm thương mại cũng thu hút khách hàng Pháp. Tỉnh Ain của Pháp chỉ cách đấy vài cây số. Đa số người bán hàng công nhận là doanh thu của họ có tăng, nhưng cũng có không ít người lo lắng, như cô Léa, nhân viên trong một cửa hiệu quần áo. Khi được hỏi tình hình này có hoàn toàn có lợi cho cô hay không thì cô lại trả lời : « Có và không, vì phong tỏa như vậy là vô ích. Khách hàng từ Genève đến đây thành ra phong tỏa ở đó không có ích gì. »

Tình hình dịch bệnh rất đáng lo ngại, ở cả bang Genève cũng như ở Vaud, với những tỷ lệ lây nhiễm thuộc loại cao nhất Châu Âu. Thế nhưng, theo luật Thụy Sĩ, chính các bang mới có quyền quyết định về các biện pháp thực hiện. Trước mắt thì các cửa hiệu ở Vaud vẫn mở, còn ở Genève thì phải chờ đến ngày 29/11.

https://www.rfi.fr/vi/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD/t%E1%BA%A1p-ch%C3%AD-%C4%91%E1%BA%B7c-bi%E1%BB%87t/20201114-b%E1%BA%A7u-c%E1%BB%AD-m%E1%BB%B9-trung-qu%E1%BB%91c-d%C3%A8-d%E1%BA%B7t-ch%C3%BAc-m%E1%BB%ABng-joe-biden-nga-im-h%C6%A1i-l%E1%BA%B7ng-ti%E1%BA%BFng

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.