Việt Nam: Đảng Cộng sản ‘tách đôi là cách đa đảng giúp ổn định, không biến loạn’
Áp dụng ngay lập tức đa đảng chính trị có thể chưa phù hợp với Việt Nam vì có thể ‘nguy hiểm’ nhưng giải pháp thay thế tạm thời để đẩy mạnh dân chủ hóa là đảng Cộng sản cầm quyền có thể tính tới việc ‘tự tách đôi’, theo một ý kiến từ Việt Nam nói với BBC.
“Phải tính đến dân chủ trong đảng Cộng sản Việt Nam đến mức độ một ngày nào đó cần phải tách đôi đảng, thay vì phải vật vã với thế lực thù địch và đảng đối lập,” từ Hà Nội nhà báo tự do Nguyễn Hữu Vinh, cựu Thiếu tá An ninh, Bộ Công an Việt Nam nói với Bàn tròn thứ Năm của BBC News Tiếng Việt hôm 01/10/2020.
“Nên tách đôi đảng có hai quan điểm khác nhau: một quan điểm cấp tiến, một quan điểm muốn giữ mãi chủ nghĩa Marx-Lenin rồi tư tưởng Hồ Chí Minh v.v….
“Một quan điểm khác kiểu như là dân chủ xã hội kiểu phương Tây chẳng hạn, cứ tách đôi ra và có những nguyên tắc ban đầu để họ tránh những cái gọi là xung đột quá mức mà đến mức độ có thể xảy ra chính biến, để làm như thế, đảng Cộng sản nên tự đặt ra mức độ đó.
“Tôi cho rằng đó là mức độ cao nhất để cứu đất nước, còn tôi phải thẳng thắn rằng nếu bây giờ nói: ngày mai cho đa đảng đi, cái đó theo tôi là nguy hiểm, nếu như nhìn bằng nhãn quan chính trị mới.”
Tại sao cho ’đa đảng ngay’ là nguy hiểm?
Khi được hỏi vì sao lại là ‘nguy hiểm’, ông Nguyễn Hữu Vinh giải thích quan điểm của mình:
“Nguy hiểm vì họ không có một sự chuẩn bị cho lực lượng đối lập, họ không có một sự chuẩn bị cho xã hội dân sự.
“Từ lâu họ vẫn dùng một cách gọi là boong-ke hoàn toàn và cái đó nguy hiểm ở chỗ đến một ngày nào đó nó bùng nổ, thì cái đó nguy hiểm vô cùng.
“Do đó, họ phải xả từ từ, phải điều chỉnh từ từ trong thể chế chính trị của họ mà điều chỉnh từ từ là như ông Hoàng Ngọc Giao vừa nói là dân chủ trong đảng
Cuối YouTube tin, 1
“Dần dần là những ai có quan điểm khác nhau thì chẳng hạn chúng ta – tức trong đảng Cộng sản – có hai luồng quan điểm khác nhau và đến một mức độ thì tách đôi ra dưới một hình thức nào đó khéo léo để cho có một lực lượng cấp tiến hơn, muốn cởi mở hơn không có chuyện chuyên chính vô sản như trước, không sử dụng vũ trang, bạo lực v.v… tương tự như các đảng dân chủ xã hội chủ nghĩa ở các nước phương Tây và Bắc Âu và tôi cho rằng là nên như thế.
“Tôi bổ sung thêm một ý nữa là chúng ta không nên chỉ nhìn vào việc dân chủ là người dân có nên được bầu lãnh đạo hay không, không nên chỉ nhìn chỗ đó, để thấy rằng xã hội này có thể thay đổi dân chủ hay không.
“Nó còn rất nhiều, vô vàn chuyện để chế độ này có thể thay đổi được vấn đề dân chủ, trong đó có vấn đề pháp luật, cái đó là điều quan trọng nhất và vấn đề tư pháp như vụ án Đồng Tâm vừa rồi chẳng hạn.
“Do đó phải thay đổi và tôi tin chắc rằng có thể thay đổi được và có thể thay đổi nhanh hơn, còn lâu nay họ có thay đổi, đưa vào luật sửa rồi, ví dụ sửa luật về tố tụng hình sự, có sửa những cái như ‘suy đoán vô tội’, đó là một bước tiến, bước tiến ấy không phải là do đảng này giỏi mà nghĩ ra, mà cái đó là do áp lực trong nước, áp lực quốc tế, phương Tây.
“Và những người đấu tranh cho dân chủ, cho pháp quyền của đất nước Việt Nam hãy nhìn vào đấy để tự hào rằng đấy là kết quả của sự đấu tranh của mình, chứ không chỉ là đảng tự thay đổi một mình đâu.”
Dân ‘bầu lãnh đạo ngay’ là bất khả thi?
Trả lời một bình luận của khán giả gửi cho chương trình nói rằng “chừng nào người dân được bầu lãnh đạo, chừng đó mới có nhân quyền”, từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển tại Hà Nội, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng nêu quan điểm:
“Bây giờ chúng ta mong muốn là người dân được bầu lãnh đạo ngay trong hệ thống chính trị Việt Nam này thì chưa thể có đâu.
“Có lẽ từng bước một, mà tôi vẫn kiên định một ý kiến là dân chủ trong đảng Cộng sản trước đã.
“Các vị bầu bí thư, các vị có hai, ba người ra ứng cử có cương lĩnh và các đảng viên bầu lấy một người từ cấp xã, lên cấp huyện, lên cấp tỉnh.
“Như thế, lúc đó mới có thể chọn được những người thực sự tài, thực sự có tâm và lúc đó những vị trí chủ chốt lãnh đạo trong đảng sẽ sang bên chính quyền để lãnh đạo các cơ quan hành pháp và kể cả các cơ quan tư pháp.
“Nếu như thế, thì đất nước cũng đã được đổi mới rất nhiều rồi.
“Còn bây giờ các vị chỉ chọn trong nhà với nhau và dựa vào tiêu chí tuổi tác để mà loại dần loại dần, thì theo tôi sẽ không chọn được người tài.
“Chỉ mong muốn làm sao dân chủ trong đảng đã, hãy thật dân chủ đi đã và điều này tôi đã tiếp xúc với rất nhiều đảng viên thường, thì họ đều mong muốn điều đó.
“Thế nhưng, dường như câu chuyện này khó quá.
“Tất cả vẫn đề cử một người và bầu đúng một người và sắp xếp hết, lúc nào cũng 100% phiếu, thì việc này như một sự trình diễn mà nhân dân càng ngày càng nhận thấy chẳng có ý nghĩa gì cả.”
Tách hai thì vẫn chỉ là ‘giả hiệu’ mà thôi?
Từ Berlin, Cộng hòa Liên bang Đức, nhà văn Võ Thị Hảo, nhà bất đồng chính kiến, nêu quan điểm của mình về các ý kiến trên.
“Tôi cho rằng không bao giờ đảng Cộng sản Việt Nam có dân chủ và kể cả có tách thành hai đảng thì đấy vẫn chỉ là giả hiệu mà thôi.
“Căn cứ là sao? Lịch sử và đường ray mà đảng Cộng sản Việt Nam đã đi và đang đi cho thấy thứ nhất là không bao giờ hy vọng điều đó.
“Điều thứ hai nữa là nếu mà có đa nguyên, đa đảng, thì không có nghĩa là Việt Nam sẽ rơi vào hỗn loạn, cuộc chiến tranh giành đẫm máu, không chắc chắn điều đó.
“Chúng ta thấy nước Nhật Bản đã hai lần cải tổ bằng những “đường ray” dân chủ và nhân quyền mà từ ngoại quốc đưa đến và tỏ ra cực kỳ là tốt.
“Nhân đây tôi xin trả lời câu hỏi của BBC nhân cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ rằng nếu tới đây, trong hai ứng cử viên Trump và Biden, có một người trúng cử, tôi sẽ nói gì với họ?
“Tôi sẽ nói rằng thứ nhất là chúc mừng vị đã thắng cử, bởi vì các vị đã thắng cử là đã trải qua một quá trình luận chiến, một quá trình được kiểm tra và so sánh rất ngặt nghèo, thì các vị mới có thể thắng cử.
“Và mặc dù phẩm chất con người của các vị thế nào, thì vẫn phải đi theo đường ray dân chủ, nhân quyền cũng như là tự do của nước Mỹ.
“Và các vị đương nhiên phải tiếp tục đảm bảo rằng các vị là một trong những người quan tâm đến hòa bình, dân chủ, tự do và nhân quyền cho nước Mỹ và cả thế giới và đương nhiên các vị phải là người dập tắt những tham vọng về độc tài, về có khuynh hướng độc tài và gia đình trị ở bất kỳ nơi đâu và ở ngay trong nước Mỹ.
“Và đối với Việt Nam, nếu Việt Nam tiếp tục là một đối tác và đồng hành với nước Mỹ trong những khía cạnh đó, thì tôi nghĩ đó là một điều tuyệt vời.”
BBC – 2 tháng 10 2020
0 comments