Tin Việt Nam – 03/10/2020
Nên duy trì thi tốt nghiệp THPT hay thay bằng hình thức khác? - Diễm Thi, RFA
Tại cuộc họp của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực vào chiều ngày 23 tháng 9 năm 2020, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đặt câu hỏi: “Thi tốt nghiệp THPT hàng năm học sinh cả nước đậu với tỷ lệ 97-98%, liệu chúng ta có nên tiếp tục tổ chức thi?” .
Đa số các thành viên Hội đồng, hiệu trưởng các trường đại học lớn và các chuyên gia vẫn muốn giữ lại kỳ thi tốt nghiệp THPT như hiện nay cho những năm tới. Riêng ông Trần Đức Cảnh, thành viên của Hội đồng nêu ý kiến không nên tiếp tục tổ chức thi tốt nghiệp THPT sau 5 năm nữa. Ông đề xuất chuyển hẳn sang học theo tín chỉ. Học sinh phải học đủ các môn bắt buộc theo tín chỉ. Thi đạt yêu cầu các môn thì đương nhiên tốt nghiệp THPT. Tín chỉ là chuẩn của thế giới.
Là một thành viên của Hội đồng Quốc gia Giáo dục và Phát triển nhân lực có tham dự buổi họp này, ông Dương Trung Quốc nêu quan điểm của ông với RFA:
Tôi cho rằng nếu làm tốt việc dạy thật, học thật thì kết quả thi tốt nghiệp THPT nó phản ảnh thực hơn. Nó sẽ giảm được những hiện tượng tiêu cực.- Ông Dương Trung Quốc
“Câu hỏi Phó thủ tướng đưa ra không phải là cái gì mới mẻ cả. Cá nhân tôi có nêu một vấn đề đơn giản thế này: Cái thời tôi đi học thì hiện tượng lưu ban rất nhiều, khá phổ biến. Điều đó cho thấy việc thi cử theo chương trình từng năm một trong quá trình học nó hết sức quan trọng. Nếu không đạt thì phải học lại cho đủ.
Quan niệm của cá nhân tôi thì đồng ý đã học thì phải thi, nhưng phải thi từng lớp một cho nghiêm chỉnh để trình độ đồng đều đúng với yêu cầu. Tôi cho rằng nếu làm tốt việc dạy thật, học thật thì kết quả thi tốt nghiệp THPT nó phản ảnh thực hơn. Nó sẽ giảm được những hiện tượng tiêu cực. Như thế việc thi cử không cần đưa ra quá nhiều giải pháp để giám sát lẫn nhau, để chống tiêu cực…”
Trước năm 2015, học sinh học hết lớp 12 phải tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT và sau đó là kỳ tuyển sinh đại học và cao đẳng cho những học sinh nào đậu phổ thông và muốn học lên nữa. Đến năm 2015, ngành giáo dục Việt Nam bắt đầu tổ chức kỳ thi trung học phổ thông quốc gia. Đây là kỳ thi 2 trong 1, được gộp lại bởi hai kỳ thi là Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Kỳ thi tuyển sinh đại học và cao đẳng.
Năm 2020, do những tác động từ đại dịch COVID-19 đến việc dạy và học ở các nhà trường, kỳ thi THPT quốc gia phải tạm dừng, trở lại là kỳ thi tốt nghiệp THPT với cách thức tổ chức tương tự kỳ thi THPT quốc gia và với mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh đại học.
PGS-TS Hoàng Dũng giảng dạy tại Trường Đại học Sư phạm TP.HCM nêu ý kiến của mình về việc có nên tổ chức thi tốt nghiệp THPT hay không:
“Về mặt toán học mà nói thì 98% đậu hay 100% đậu cũng giống nhau. 2% không có nghĩa gì cả bởi một sự sàng lọc bình thường cũng có thể cho sai số 2%. Vì thế, từ rất lâu Giáo sư Hoàng Tụy đã đề nghị bỏ thi. Nếu thi mà cứ đậu 98% thì không cần phải thi nữa. Nếu bỏ thi thì chúng ta sẽ có được rất nhiều cái lợi, tiết kiệm được hàng ngàn tỷ chứ không ít.
Nhưng ở Việt Nam thì việc bỏ thi hay không cũng sẽ tới nhưng nó tới chậm. Từ trước đến nay mọi sự thay đổi như vậy đến rất chậm. Đó là đặc trưng của xã hội. Không chỉ trong chuyện thi cử này đâu mà trong tất cả mọi thứ đều nước đến chân mới nhảy. Cái nhìn dài hạn rất hiếm.”
Thầy giáo Đỗ Việt Khoa khẳng định, năm nào làm nghiêm thì tỷ lệ đỗ thấp. Ông cho biết, năm 2006, Việt Nam lần đầu chấn chỉnh bằng cuộc vận động “hai không” thì tỷ lệ đậu trung bình cả nước chỉ đạt 56%, còn lại là trượt. Theo ông, nếu tổ chức thi thật nghiêm thì nên thi, không thì nên bỏ. Ông nói:
“Nếu mà làm nghiêm thì tỷ lệ đậu tất là thấp. Nhưng theo tôi cứ phải nghiêm. Nghiêm thì học sinh sẽ phải chăm học. Như thế tác dụng sẽ rất tốt. Nó bớt sự giả dối trong ngành giáo dục. Hiện nay cứ mặc nhiên chấp nhận sự giả dối. Quá ít người đấu tranh để có kỳ thi nghiêm túc và cũng bị vô hiệu hóa bởi tính gian dối lâu dài trong các cấp, trong người dân cho nên rất khó để chấn chỉnh.
Tôi là người từng phản ánh tiêu cực tốt nghiệp một lần năm 2006, một lần năm 2012, một lần năm 2016 và vẫn theo dõi liên tục về tình hình thi tốt nghiệp. Có thể thấy kỳ thi này chỉ nghiêm túc trong một, hai năm có chấn chỉnh sau cuộc vận động “hai không”. Sau đó vào năm 2015, khi Bộ giáo dục nhập thành kỳ thi quốc gia và tổ chức đưa giảng viên đại học xuống coi thi, thì đấy là kỳ thi nghiêm túc. Nhưng chỉ được một năm thôi. Năm sau các địa phương lại nghĩ cách gian dối để đối phó.”
Nếu mà làm nghiêm thì tỷ lệ đậu tất là thấp. Nhưng theo tôi cứ phải nghiêm. Nghiêm thì học sinh sẽ phải chăm học. Như thế tác dụng sẽ rất tốt. Nó bớt sự giả dối trong ngành giáo dục. – Thầy giáo Đỗ Việt Khoa
Cuộc vận động “hai không” mà thầy Khoa đề cập là “Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục”. Trong năm học 2006-2007, nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, đặc biệt chú trọng chất lượng thật, Bộ Giáo dục & Đào tạo đã phát động cuộc vận động này theo Chỉ thị số 33 của Thủ tướng Chính phủ về “chống tiêu cực và khắc phục bệnh thành tích trong giáo dục”.
Cuối năm 2017, Bộ Giáo dục & Đào tạo gửi công văn đến các sở giáo dục, đào tạo, các trường đại học, các học viện và các trường cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm trên toàn quốc nhắc lại Chỉ thị số 33 được ban hành từ 11 năm trước.
Một vụ tiêu cực trong thi cử có thể coi là chấn động xảy ra vào năm 2018 mà báo chí Nhà nước dùng cụm từ “Vụ gian lận thi cử 2018” hoặc “Vụ gian lận thi Trung học phổ thông Quốc gia 2018”.
Đây là vụ sai phạm trong công tác tổ chức, chấm thi ở Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018 liên quan đến hàng loạt bài thi của thí sinh được nâng điểm ở các tỉnh Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình. Trong quá trình điều tra, 11 cán bộ ngành giáo dục bị bắt tạm giam. Có tới gần 350 bài thi được nâng điểm.
Ông Dương Trung Quốc nêu thêm một yếu tố giải thích vì sao số lượng học sinh thi đậu tốt nghiệp gần đạt 100% như những năm qua:
“Tôi cho rằng nguồn nhân lực nó quyết định chuyện thi cử. Ngày xưa học hết phổ thông đã là tương đối cao rồi. Học đại học là rất cao. Tiến sĩ là chuyện hiếm hoi. Bây giờ phải có bằng đại học mới tìm được công việc bình thường cho nên nó dẫn đến áp lực phải có bằng cấp. Rồi cái bộ máy công quyền cũng đưa ra những tiêu chí bằng cấp cho các chức vụ. Chính đó là động lực không lành mạnh, không thực chất. Nó dẫn đến tình hình giáo dục bị tác động bởi những yếu tố đó.”
Duy trì hay bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT dường như vẫn là bài toán khó mà ngành giáo dục Việt Nam chưa thể giải dù đã trải qua nhiều lần sửa đổi cách thi, cách chấm…
Tăng gấp đôi mức phạt
khi hút thuốc tại nơi cấm từ ngày 15/11
Nghị định 117 vừa được Chính phủ Hà Nội ban hành quy định mức phạt 200.000 – 500.000 đồng đối với hành động hút thuốc lá tại nơi cấm hút, thay vì 100.000 – 300.000 như hiện nay. Báo Nhà nước Việt Nam loan tin ngày 2/10.
Tin cho biết, Nghị định 117 đưa ra mức phạt 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không có chữ hoặc biểu tượng ‘cấm hút thuốc lá’ tại địa điểm cấm hút thuốc lá theo quy định của pháp luật; không tổ chức thực hiện, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện đúng quy định về cấm hút thuốc lá tại địa điểm thuộc quyền quản lý, điều hành.
Bên cạnh đó, nếu nơi dành riêng cho người hút thuốc lá không có phòng và hệ thống thông khí tách biệt với khu vực không hút thuốc lá; không có dụng cụ chứa mẩu, tàn thuốc lá; không có biển báo tại vị trí phù hợp, dễ quan sát; không có thiết bị phòng cháy, chữa cháy sẽ bị phạt 5-10 triệu đồng.
Riêng trường hợp hút thuốc lá trên máy bay thực hiện theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
Những quy định nói trên sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 15/11/2020.
Đại diện Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá tại buổi hội thảo thực trạng triển khai môi trường không khói thuốc diễn ra ngày 2/10 ở Hà Nội, cho rằng hiện rất khó chế tài xử phạt người vi phạm hút thuốc lá tại địa điểm cấm. Hành vi hút thuốc tại địa điểm cấm diễn ra rất nhanh, không có bằng chứng gây khó khăn trong việc xử phạt.
Thiếu tướng Tô Ân Xô:
Vụ nâng giá ở Bạch Mai không phải vụ cuối cùng
Vụ việc nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai không phải là vụ đầu tiên, nhưng cũng không phải là vụ cuối cùng được điều tra tại các bệnh viện khác trên cả nước.
Ông Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng – người phát ngôn Bộ Công an đưa ra nhận định như vừa nêu tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 9 diễn ra chiều 2/10 tại Hà Nội và được báo Nhà nước Việt Nam loan tin cùng ngày.
Người phát ngôn Bộ Công an cho biết thêm việc mở rộng điều tra vụ việc ‘thổi giá’ thiết bị y tế tại Bệnh viện Bạch Mai sẽ căn cứ vào tài liệu thu thập được và từ lời khai của bị can.
Ông Tô Ân Xô cũng nhấn mạnh nếu có những vụ việc tương tự tiếp theo, cơ quan công an sẽ tiếp tục mở rộng điều tra.
Từ vụ việc nang giá tại bệnh viện Bạch Mai, Bộ Y tế đã yêu cầu rà soát hoạt động kiểm tra, phê duyệt giá các thiết bị và giá dịch vụ y tế điều trị tự nguyện tại các bệnh viện.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn khẳng định chủ trương xã hội hóa đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế là chủ trương đúng đắn, đã được thông qua bởi các Nghị quyết của Đảng cộng sản Việt Nam và của Quốc hội.
Theo đó, Chính phủ Hà Nội hiện đã có 2 Nghị định điều chỉnh hoạt động này. Bộ Y tế cũng có Thông tư 04 quy định về việc lắp đặt thiết bị y tế, khai thác tại các bệnh viện công.
Bên cạnh đó, quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng đã ký Chỉ thị 20, yêu cầu các cơ quan y tế trong cả nước rà soát lại việc xã hội hóa đã thực hiện ở các bệnh viện, đảm bảo quyền lợi người thụ hưởng, công khai giá dịch vụ y tế để người dân được lựa chọn sau vụ việc tại bệnh viện Bạch Mai hay vụ tiêu cực tại CDC Hà Nội.
Ông Nguyễn Trường Sơn cho biết Bộ Y tế đã xây dựng dự thảo thông tư giá dịch vụ y tế theo yêu cầu từ quý 2-2019, nhưng việc ban hành khung giá dịch vụ theo yêu cầu cần sự chấp thuận của các bộ, ngành và liên quan chỉ số giá tiêu dùng CPI.
Vẫn theo ông Sơn, đến ngày 31/12/2020, các đơn vị đều phải công bố giá thiết bị trên cổng thông tin công khai giá trang thiết bị y tế.
Đề xuất giảm thủ tục nhận gói hỗ trợ
62.000 tỷ đồng do ảnh hưởng COVID-19
Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Việt Nam trình Chính phủ Hà Nội ban hành nghị quyết sửa đổi Nghị quyết 42 và Quyết định 15 hỗ trợ lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do COVID-19, với mục đích được nói sẽ giảm thủ tục nhận gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng.
Báo nhà nước Việt Nam loan tin ngày 2/10.
Tin cho biết, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đề xuất xác định lại thời điểm lao động mất việc được hỗ trợ, tính từ ngày 1/2-1/6, thay vì từ ngày 1/4 như cũ.
Đồng thời, Bộ cũng đề xuất mở rộng người được hỗ trợ, cho lao động tạm hoãn hợp đồng, nghỉ việc không lương tại các cơ sở giáo dục dân lập, tư thục, cơ sở giáo dục công lập tự đảm bảo chi thường xuyên tất cả các cấp. Người lao động nhận hỗ trợ không quá ba tháng, mỗi tháng 1,8 triệu đồng.
Đối với doanh nghiệp trong gói vay 16.000 tỷ đồng, Bộ đề xuất bãi bỏ điều kiện ‘đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho người lao động’ và cần kéo dài hỗ trợ lao động ngừng việc tính từ tháng 4-12/2020, thay vì tính đến tháng 6/2020 như quy định cũ. Ngoài ra, doanh nghiệp được vay vốn không quá ba tháng.
Chính phủ Hà Nội vào ngày 9/4 vừa qua đã ban hành nghị quyết hỗ trợ trực tiếp người dân gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 với gói 62.000 tỷ đồng.
Theo dự kiến, khoảng 20 triệu người yếu thế được nhận hỗ trợ từ gói này. Tuy nhiên, qua 4 tháng triển khai nhưng Kho bạc Nhà nước chỉ giải ngân gần 12.000 tỷ đồng, tỷ lệ hơn 19% toàn gói.
Chính quyền Donald Trump chính thức
điều tra Việt Nam ‘thao túng tiền tệ’
Hoa Kỳ mở điều tra cáo buộc Việt Nam thao túng tiền tệ, có thể tạo ra chiến tranh thương mại mới, chỉ vài tuần trước bầu cử tổng thống Mỹ.
Mỹ-Trung đạt thỏa thuận thương mại, Việt Nam hưởng lợi
Covid-19 là cơ hội cho Việt Nam cải cách ‘thoát Trung’
Liệu Việt Nam lại trễ chuyến tàu vào tương lai?
Bầu cử Mỹ và tác hại kiểm duyệt ở Việt Nam
Loan báo của đại diện thương mại Mỹ đưa ra tối thứ Sáu, theo điều 301 của đạo luật thương mại ban hành năm 1974, cũng chính là quy trình mà Mỹ sử dụng để áp đặt thuế lên hàng Trung Quốc nhập vào Mỹ.
Đại diện Thương mại Hoa Kỳ Robert Lighthizer nói “hành vi tiền tệ bất công có thể gây hại cho lao động và doanh nghiệp Mỹ cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam, mà hàng này có thể được giảm giá giả tạo vì việc hạ giá đồng tiền”.
Cũng cùng ngày thứ Sáu, Hoa Kỳ loan báo một điều tra riêng biệt khác về việc nhập khẩu gỗ của Việt Nam.
Ông Robert Lighthizer giải thích nếu xảy ra việc “dùng gỗ phi pháp trong hàng xuất sang Mỹ thì sẽ gây hại cho môi trường và bất công cho công nhân, doanh nghiệp Mỹ”.
Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Steven Mnuchin gặp Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh hôm 23/05
Tranh cãi vấn đề tiền tệ
Trong một diễn biến khác, cũng ngày 2/10 tại Hà Nội diễn ra một họp báo thông báo kết quả Hội nghị Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương ASEAN 2020.
Tại đây, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam không phát ngôn về diễn tiến ở Mỹ.
Nhưng ông có đưa ra bình luận về chính sách tỷ giá và hoạt động can thiệp thị trường ngoại hối trong giai đoạn hậu Covid-19.
Ông Lê Minh Hưng nói với báo chí: “NHNN chưa và sẽ không bao giờ sử dụng công cụ chính sách tiền tệ như tỷ giá để tạo lợi thế cạnh tranh không công bằng trong giao dịch thương mại và quốc tế.”
Vào tháng Tám 2020, Bộ Tài chính Mỹ nói họ đã xác định rằng đồng tiền của Việt Nam đã cố tình bị định giá thấp hơn vào năm 2019 khoảng 4,7% so với đồng USD.
Theo phía Mỹ khi đó, trong năm 2019, Việt Nam đã mua ròng 22 tỷ USD ngoại hối thông qua Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, làm giảm giá tiền đồng từ 3,5% đến 4,8%.
Theo Bộ Tài chính Mỹ, việc mua USD của Việt Nam khiến tỷ giá hối đoái tiền đồng, vốn ở mức 1 USD đổi được 23.224 đồng vào năm 2019, về mức 1 USD đổi được 24.314 đồng.
Tỷ giá này thấp hơn khoảng 1.090 đồng so với mức phù hợp với tỷ giá hối đoái thực tế.
Trước đó, ngày 14/1/2020, Bộ Tài chính Hoa Kỳ ban hành Báo cáo về “Chính sách kinh tế vĩ mô và ngoại hối của các đối tác thương mại lớn của Hoa Kỳ”. Trong báo cáo đó, Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách 10 nước cần giám sát.
Còn trong báo cáo của Mỹ tháng 5/2019, lần đầu tiên Việt Nam trở thành một trong 09 quốc gia nằm trong Danh sách giám sát do đáp ứng hai tiêu chí về thặng dư thương mại song phương với Hoa Kỳ và thặng dư cán cân vãng lai.
Báo cáo tháng 5/2019 cũng nêu một quốc gia vào Danh sách giám sát sẽ tiếp tục được theo dõi trong hai kỳ Báo cáo tiếp theo.
Khi Mỹ đưa ra báo cáo tháng Giêng 2020, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nói họ sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để trao đổi, làm việc về các vấn đề mà Hoa Kỳ quan tâm.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54403339
Luật Magnisky và chế tài vi phạm nhân quyền
ở Việt Nam thế nào?
Quốc Phương
Một số nhà quan sát chính trị và nhân quyền bình luận với BBC về làm thế nào quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ có biện pháp chế tài hiệu quả hơn đối với vi phạm nhân quyền ở Việt Nam.
Đạo luật Magnitsky về chế tài nhân quyền có thể trở thành một công cụ và phương tiện hữu hiệu để quốc tế, trong đó có Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ, khi ban hành, áp dụng có thể giám sát, chế tài tốt hơn những hành vi được cho là vi phạm nhân quyền ở Việt Nam, một số nhà quan sát chính trị và nhân quyền của Việt Nam nói với BBC News Tiếng Việt.
Tuyên bố của EU về vụ xử Đồng Tâm nói lên điều gì?
Phản ứng dư luận sau khi cây bút Phạm Chí Dũng bị bắt
Nhân quyền: Chính phủ VN phải giải trình trước LHQ về ‘đe dọa công dân’
Có hi vọng giảm án cho ông Công, Chức ở phiên phúc thẩm?
Trước hết, từ châu Âu, một nhóm 64 dân biểu thuộc Liên minh châu Âu mới đây hôm 25/9/2020 đã ký một bức thư chung gửi lên Ủy ban châu Âu và Nghị viện châu Âu kêu gọi EU phải có những biện pháp cụ thể buộc Việt Nam phải tôn trọng Nhân quyền.
Trong lúc đó, có thông tin nói lãnh đạo Đức, quốc gia hàng đầu trong khối EU và đang giữ chức Chủ tịch luân phiên khối này, ủng hộ việc Liên minh châu Âu soạn lập, ban hành một đạo luật chế tài về nhân quyền mà có thể được đặt tên là đạo luật nhân quyền Magnitsky của châu Âu (European Magnitsky Act), một đạo luật mà nhiều quốc gia phương Tây đã có, nhằm chế tài, giám sát và hỗ trợ tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có châu Á.
Hôm 30/9/2020, một số nhà quan sát về nhân quyền Việt Namđưa ra bình luận của mình về các diễn biến trên, trong liên hệ với tình hình nhân quyền ở Việt Nam.
“Về điểm này thì tôi quá tán thành,” nhà báo tự do Phạm Đoan Trang, một nhà hoạt động nhân quyền từ Việt Nam, nói với BBC hôm 30/9/2020.
“Cho đến nay, chưa nhiều quốc gia và lãnh thổ ban hành Luật Magnitsky và sử dụng nó để trừng phạt những quan chức vi phạm nhân quyền ở nước khác, mới chỉ có: Mỹ, Canada, Vương quốc Anh, Gibraltar, Jersey, và ba quốc gia vùng Baltic là Estonia, Latvia và Litva,”
“Trong số này, có Mỹ, Canada và Anh là nước lớn, còn lại đều là nước nhỏ, ít có ảnh hưởng trên trường quốc tế và các chế tài trừng phạt của họ chỉ có tác động rất hạn chế.
“Canada có xu hướng làm theo đồng minh Mỹ, còn Anh thì chưa xây dựng thủ tục, quy trình nào cho việc làm hồ sơ tố cáo vi phạm nhân quyền. Suy cho cùng, chỉ còn Mỹ là quốc gia tích cực nhất trong việc sử dụng luật Magnitsky để trừng phạt tội phạm vi phạm nhân quyền và tham nhũng ở nước ngoài.
“Cho nên, nếu có thể có thêm các nước khác, như Australia (Úc) và Liên minh châu Âu ban hành luật Magnitsky, thì những quan chức vi phạm nhân quyền ở các nước độc tài như Việt Nam sẽ đối mặt với khả năng bị trừng phạt cao hơn, ở nhiều nơi hơn. Đó là điều rất tốt.”
Kỳ vọng gì về Báo cáo Đồng Tâm?
Mới đây, một báo cáo về vụ việc và phiên xử sơ thẩm Đồng Tâm tại Việt Nam soạn thảo song ngữ Việt – Anh vừa được một nhóm các nhà hoạt động công bố, khi được hỏi đâu là lý do chính, thông điệp và mục tiêu của báo cáo này và nhóm tác giả kỳ vọng gì về tác động của báo cáo, nhà báo Phạm Đoan Trang, một trong hai đồng tác giả, nhân dịp này nói với BBC:
“Tác giả Will Nguyen và tôi có vài mục tiêu chính khi thực hiện báo cáo này: Một là lưu trữ, ghi lại một biến cố bi thảm ở Việt Nam đương đại. Hai là, làm cho càng nhiều người càng tốt biết về vụ tấn công Đồng Tâm và những vấn đề luật pháp, chính trị trong tiến trình tố tụng ở Việt Nam, những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam hiện nay mà Đồng Tâm là một trường hợp tiêu biểu. Ba là, nếu có thể, đem đến một công cụ cho các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế tận dụng để vận động cho vấn đề Đồng Tâm, cho các nạn nhân của vụ Đồng Tâm.
“Thông điệp của báo cáo ngắn gọn là: Đồng Tâm là một vụ án nghiêm trọng, nhưng không phải nghiêm trọng theo cách nhìn của chính quyền, mà theo nghĩa đây là một vụ nhà nước giết dân, tấn công vào mục tiêu dân sự một cách có tổ chức và quy mô.
“Chúng tôi không đặt nhiều kỳ vọng vào tác động của báo cáo này cũng như vào cách hành xử của chính quyền Việt Nam trong vụ việc. Chúng tôi viết vì thấy mình cần phải viết, chứ không phải vì nghĩ báo cáo sẽ thay đổi được cách hành xử của chính quyền, của Bộ Công an Việt Nam, và lật lại bản án đã tuyên đối với các nạn nhân.
“Chúng tôi cũng không thể khẳng định báo cáo sẽ tác động cụ thể tới ai, với mức độ, kết quả ra sao. Chỉ có thể nói là chúng tôi rất mong nó sẽ được nhiều người dân Việt Nam trong nước cũng như ở nước ngoài tìm đọc, và giúp họ có thể hiểu về vụ Đồng Tâm một cách đầy đủ mà nhanh chóng nhất.”
‘Châu Âu và Mỹ không nói đùa’
Liên quan tới vụ xử Đồng Tâm, hôm 14/9 từ Brussels, Liên minh châu Âu đã ra một tuyên bố trong đó bày tỏ sự quan ngại về tính chất công minh, công bằng và các thực hành tố tụng của phiên sơ thẩm và đề nghị không áp dụng các bản án tử hình được tòa án Hà Nội tuyên.
Liên quan với đề xuất của nước Đức về việc EU nên có một đạo luật nhân quyền Magnisky áp dụng với không chỉ châu Âu mà còn với phần còn lại của thế giới, trong đó có châu Á và các quốc gia đang là hay muốn trở thành các đối tác hợp tác với Liên minh châu Âu, chia sẻ tiêu chuẩn của khối này, một ý kiến từ Berlin, CHLB Đức bình luận với BBC:
“Tôi đồng ý là EU nên có một đạo luật Magnitsky áp dụng tại châu Âu và bất kỳ nơi nào trên thế giới để ngăn chặn những ai tàn ác nhằm đạt được những quyền lợi cho bản thân và cho nhóm của mình, nếu không, sẽ rất là tệ,” nhà văn Võ Thị Hảo, nhà bất đồng chính kiến phát biểu tại một thảo luận Bàn tròn thứ Năm hôm 01/10.
“Và tôi nghĩ rằng 64 nghị sỹ của Liên minh châu Âu đã làm công việc đó và họ cũng quan tâm tới việc phải dừng Hiệp định thương mại tự do (EVFTA) mà EU đã ký với Việt Nam nếu Việt Nam không thực hiện những cam kết về nhân quyền, cũng như các thứ khác.
“Bây giờ họ cảnh báo như vậy và nếu Việt Nam cứ tiếp tục, không để ý gì, thì đương nhiên họ sẽ tiến tới những bước mạnh hơn, vì ở đây châu Âu không nói đùa và tôi nghĩ nước Mỹ cũng không nói đùa”.
Từ cuối tháng 12/2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã ký luật mở rộng chế tài với các cá nhân vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới, trong đó có Việt Nam.
Trong đạo luật này của Mỹ có điều luật Chịu trách nhiệm về Nhân quyền Toàn cầu Magnitsky (gọi tắt là Magnitsky Act), quy định chế tài với các cá nhân mà Hoa Kỳ cho là vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.
Theo đó, các cá nhân, quan chức ở các nước, kể cả Việt Nam, nếu bị liệt vào dạng vi phạm nhân quyền, sẽ có thể bị Hoa Kỳ hạn chế nhập cảnh hoặc đóng băng tài sản.
Magnitsky Act cũng áp dụng cho các cá nhân bị kết tội tham nhũng, biển thủ và một số tội danh khác.
Văn bản điều luật Mỹ quy định: “Tổng thống có thể áp dụng chế tài… đối với bất kỳ cá nhân nào mà Tổng thống xác quyết, dựa trên các bằng chứng đáng tin cậy, là phải chịu trách nhiệm về hành vi giết hại bất hợp pháp, tra tấn hoặc các vi phạm nghiêm trọng khác đối với quyền con người được quốc tế công nhận nhằm vào các cá nhân ở bất kỳ quốc gia nào”.
Điều luật này có hiệu lực 6 năm, nhưng chỉ có Tổng thống Mỹ là có quyền chấm dứt chế tài với một cá nhân nào đó với điều kiện phải báo cáo cho Quốc hội.
Đạo luật lúc đầu áp dụng cho Nga, sau mở rộng ra phạm vi các nước trên toàn thế giới, có nghĩa rằng các cá nhân vi phạm nhân quyền hay tham nhũng, thí dụ ở Việt Nam, nay có thể bị trừng phạt mà không liên quan quan hệ giữa hai chính phủ.
Lợi ích nếu tôn trọng nhân quyền?
Tại cuộc hội luận Bàn tròn thứ Năm hôm 01/10/2020, nhà nghiên cứu chính sách pháp luật, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao từ Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển bình luận với BBC về lợi ích của Việt Nam nếu quan tâm và tôn trọng vấn đề nhân quyền:
“Dưới góc độ của nhà nước Việt Nam, tôi nghĩ rằng nếu thực sự mong muốn cho phát triển thì dân chủ và nhân quyền như là động lực để tập hợp sức dân, đoàn kết toàn dân để phát triển.
“Còn nếu không nhìn thấy điều đó, nó để lại một hậu quả rất nguy hiểm là ngày càng tăng cường khả năng đối đầu giữa người dân với chính quyền mà cụ thể vụ Đồng Tâm vừa rồi là một ví dụ mà người dân đã bị đẩy xa ra khỏi chính quyền.”
Về vấn đề chế tài của phương Tây, liên quan đạo luật Magnitsky của Hoa Kỳ vốn có thể áp dụng với các quốc gia được xem là vi phạm nhân quyền, ông Hoàng Ngọc Giao bình luận:
“Khác với hồi xưa là chỉ một áp lực chính trị, một áp lực kinh tế, hoặc có thể cắt giảm đi một số ưu đãi về kinh tế cho nước vi phạm nhân quyền, thì hiện nay chúng ta biết là có đạo luật Magnitsky.
“Luật Magnitsky mà nước Mỹ đã thông qua cực kỳ tuyệt vời và tuyệt vời ở chỗ là người ta không nhắm vào thể chế, không nhắm vào chính phủ, người ta nhắm vào những cá nhân vi phạm nhân quyền.
“Mà chúng ta biết những cá nhân vi phạm nghiêm trọng nhân quyền đó là ở trong lực lượng công an, ở trong lực lượng ra quyết định của hành pháp và những người đó ở Việt Nam cũng như ở Trung Quốc, họ có tiền bạc, tài sản, con cái ở Mỹ rất nhiều.
“Do vậy, nếu luật Magnitsky được áp dụng, nó sẽ có hiệu lực rất lớn và nó có tính răn đe rất tốt đối với các hành vi chà đạp, vi phạm nhân quyền.
“Và tôi tin rằng nếu mà luật Magnitsky được áp dụng, thì chắc rằng không vị thẩm phán nào dám đứng ra mà xử ở vụ án Đồng Tâm như phiên sơ thẩm vừa rồi.
“Bởi vì anh sẽ bị chế tài thôi, cái này là cái rất quan trọng và rất thực tế và tôi vẫn hỏi tại sao Hoa Kỳ chưa áp dụng luật này với Việt Nam, thì đó lại quay lại câu hỏi giữa địa chính trị, an ninh khu vực và vấn đề nhân quyền, cái nào là ưu tiên đối với họ.”
‘Thủ tục yêu cầu hành động’
Liên quan các động thái từ EU về nhân quyền với Việt Nam mới đây, một nhà phân tích và quan sát chính trị Việt Nam từ Hà Nội trong dịp này nêu bình luận:
“Việc mà 64 vị nghị sỹ của nghị viện châu Âu làm thư yêu cầu, gửi cho ông Josep Borrell Fontelles – Đại diện Cấp cao về Đối ngoại và Chính sách An ninh / Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, đồng gửi tới ông David Sassoli – Chủ tịch Nghị viện Châu Âu và nhiều quan chức khác của EU và yêu cầu ba điểm liên quan chính phủ Việt Nam bắt giữ nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, vụ Đồng Tâm và hồ sơ nhân quyền của Việt Nam, là ba yêu cầu về mặt thủ tục để Nghị viện châu Âu trả lời cho họ và có hành động” Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp, nhà nghiên cứu cao cấp khách mời thuộc Viện nghiên cứu Iseas-Singapore nói với BBC hôm 30/9.
“Hành động thứ nhất là Nghị viện châu Âu cần giải thích quan điểm của mình, thứ hai là có một yêu cầu lập ra một cơ quan quan sát về việc thực hiện các quy chế về nhân quyền mà theo việc thực hiện hiệp định tự do thương mại EU-Việt Nam (EVFTA).
“Đây là một bước thủ tục nhưng chắc rằng trong một thời gian ngắn tới đây Nghị viện châu Âu sẽ phải có câu trả lời bằng hành động theo các yêu cầu của 64 vị nghị sỹ này.
“Theo tôi đây là một động thái rất mạnh, mà lần đầu tiên có một động thái mạnh như thế đối với việc bắt giữ người của chính quyền Việt Nam, đối với trường hợp của ông Phạm Chí Dũng và đối với các sự việc xảy ra quanh vụ Đồng Tâm.
“Nhân đây, tôi bình luận về câu hỏi liên quan khả năng ra Nghị quyết, để có nghị quyết thì các vị dân biểu phải có một thủ tục, mà thủ tục này 64 vị nghị sỹ đã làm rồi, công luận sẽ chờ một thời gian ngắn nữa để xem Hội đồng của Nghị viện châu Âu sẽ hành động như thế nào.
“Cũng có thể có khả năng họ sẽ ra một Nghị quyết và nghị quyết là một bước cao nhất của Nghị viện châu Âu, nhưng chúng ta nên nhớ rằng Nghị viện châu Âu có một quyền đó là quyền áp dụng các trừng phạt liên quan đến vi phạm nhân quyền.
“Cùng với Nghị viện châu Âu, thì Liên minh châu Âu cũng có thẩm quyền đó và như chúng ta biết Liên minh châu Âu gần đây, hôm 27/9/2020, đã nhắc lại việc mà tôi cho rất quan trọng là tái khẳng định quyền ra và thực hiện các trừng phạt, chế tài trừng phạt đối với các việc vi phạm nhân quyền.”
Trong một diễn biến riêng rẽ mới đây, hôm 30/9, một quan chức cao cấp của Liên Hợp quốc, bà Ilze Brands Kehris, Trợ lý Tổng thư ký LHQ về Nhân quyền, đã trình bày báo cáo về “đe dọa và trả thù” năm nay tại kỳ họp thứ 45 của Hội đồng Nhân quyền của tổ chức này.
Trong đó, bà Kehris dẫn báo cáo nói rằng Việt Nam nằm trong số các quốc gia “có tình trạng vi phạm đáng lo ngại và kéo dài trong nhiều năm”.
Tại phiên họp được LHQ phát trực tiếp từ Geneva, Thụy Sĩ, quan chức này nói:
“Nhiều báo cáo viên của LHQ đã đưa ra các cáo buộc về các cá nhân trong môi trường đàn áp kéo dài nhiều năm, được đưa vào phúc trình năm nay, chẳng hạn tại Bahrain, Burundi, Trung Quốc, Cuba, Ai Cập, Ấn Độ, Iran, Myanmar, Saudi Arabia, Uzbekistan và Việt Nam, và những quốc gia khác”.
“Trước nhiều tình hình đáng lo ngại này, chúng ta phải hợp tác để bảo tồn và mở rộng các không gian tương tác và can thiệp của Liên hợp quốc,” Trợ lý Tổng thư ký LHQ về nhân quyền khuyến nghị.
Về phần mình, từ trước tới nay, nhà nước và chính quyền các cấp của Việt Nam luôn tuyên bố nước này luôn tuân thủ các điều luật, công ước, hiệp định đã ký kết với quốc tế và khu vực về nhân quyền, cũng như tôn trọng quyền con người của công dân.
Việt Nam không có tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm mà chỉ có những người bị chính quyền xử lý pháp luật do vi phạm pháp luật và pháp luật hình sự mà thôi, quan điểm của chính quyền được nêu rõ trên các phát ngôn, báo cáo chính thức, cũng như qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông chính thống của nhà nước.
Quý vị bấm vào đường dẫn này để theo dõi một hội luận về chủ đề nhân quyền Việt Nam trong bối cảnh thời sự quốc tế hiện nay.
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54397996
Giáo viên, phụ huynh kêu chương trình
sách giáo khoa lớp 1 nặng; Bộ nói không!
Sau hơn 4 tuần áp dụng chương trình sách giáo khoa lớp 1 mới, trên mạng xã hội, nhiều phụ huynh cho biết cảm thấy vất vả khi học cùng con và nhận định chương trình khá nặng so với các em ở độ tuổi vừa bước vào lớp 1. Ngoài ra, nếu không học trước mỗi tối tại nhà, thì khi vô trường sẽ không theo kịp.
Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, không chỉ phụ huynh cảm thấy vất vả mà ngay cả với các giáo viên cũng vậy. Nhiều giáo viên dạy lớp 1 kể họ phải ‘vật lộn’ với chương trình. Nhất là vùng có đồng bào dân tộc, học sinh vào lớp 1 nhưng không thuộc bảng chữ cái, không biết cách cầm bút thì rất khó để mà dạy theo chương trình mới.
Một giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nêu tên vì lý do an ninh, khi trao đổi với RFA hôm 2/10, nhận định:
“Tôi thấy chương trình lớp một quá sức so với chương trình cũ nhiều. Ví dụ chương trình cũ mỗi ngày bé chỉ học một âm thôi, nhưng chương trình mới mỗi ngày bé phải học 3 âm, như vậy là rất khó. Ví dụ bé nào thông minh tiếp thu nhanh thì mới học tốt, còn các bé khác thì sẽ rất khó khăn trong việc tiếp thu 3 âm một ngày. Còn vấn đề đọc bài, thì lớp một chỉ nên đọc những văn bản đơn giản thôi, chỉ khoảng 2 câu, 3 câu hoặc nhiều nhất 4 câu… Nhưng sách lớp một hiện tại văn bản còn dài hơn sách lớp 2. Do đó chương trình rất nặng so với các bé lớp 1, không chỉ tiếng Việt mà những môn khác như toán hay các môn có tên gọi mới… thì cũng quá sức so với các bé.”
Tôi thấy chương trình lớp một quá sức so với chương trình cũ nhiều. Ví dụ chương trình cũ mỗi ngày bé chỉ học một âm thôi, nhưng chương trình mới mỗi ngày bé phải học 3 âm, như vậy là rất khó.
-Một giáo viên tiểu học
Theo các giáo viên lớp 1, để học được chương trình lớp 1 mới, học sinh cần được làm quen, biết cầm bút viết các chữ cái ở lớp mẫu giáo. Vì chương trình lớp 1 mới có quá nhiều chữ so với chương trình cũ, nên học từ 7 giờ sáng đến 9 giờ ra chơi thì vẫn chưa xong 2 tiết học vần. Thời gian học đánh vần không đủ, nên các em học sinh rất khó tiếp thu.
Một phụ huynh có con nhỏ đang học tiểu học ở TP.HCM, khi trả lời RFA cho biết, bây giờ thì buộc bà phải cho con đi học thêm:
“Giờ chỉ có theo thôi chứ lên tiếng sao được? Ở đây là phải chịu vậy thôi. Thường cái gì đề xuất thì mạng xã hội như Zalo, Facebook quan tâm lên tiếng. Thầy cô giáo, hiệu trưởng cũng thấp cổ bé họng thôi, chỉ có những người trên Bộ soạn sách, bán sách là có quyền.”
Theo vị giáo viên tiểu học ở Sài Gòn không muốn nêu tên, nói chung chương trình tiểu học nặng nhiều so với chương trình cải cách lúc trước. Chương trình trước không nặng nhưng học sinh học rất chắc, học được lý thuyết và vận dụng tốt. Cô nói tiếp:
“Đổi qua chương trình này thì tôi thấy rất nặng, có những bài bị dồn, đâm ra học sinh nắm không vững. Cho nên dần dần trình độ của các bé không được chắc, vững như những năm thế hệ trước, không chỉ riêng lớp 1, các lớp khác từ lớp 2 đến lớp 5 nói chung chương trình đều nặng.”
Tuy nhiên, khi trả lời báo chí nhà nước nước, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học thuộc Bộ Giáo dục – Đào tạo (GD-ĐT) lại cho biết, tới thời điểm này, Bộ GD-ĐT chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ nhà trường, giáo viên, phụ huynh học sinh hay nhà khoa học về việcchương trình học lớp 1 quá nặng. Ông cho rằng nhận định như vậy là chưa đủ căn cứ xác đáng.
Dưới góc nhìn của một phụ huynh, cô giáo ở Sài Gòn nhận xét:
“Nội dung chương trình lớp 1 mới thì hồi hè tụi tôi cũng phải đi học rồi, và từ đó đứng ở vai trò phụ huynh thì mình cũng thấy là sẽ rất khó đối với những bé có phụ huynh lao động, cách tiếp cận chữ hay âm, hay tiếp cận sớm với chững viết… thì cũng không được bằng những phụ huynh làm văn phòng có trình độ hơn. Do đó họ cũng gặp khó khăn nhiều.”
Theo ông Thái Văn Tài, chương trình lớp 1 mới có quy định chuẩn đầu ra và khung thời lượng cho năm học. Thí dụ, môn tiếng Việt lớp 1 là quy định trong một phút các em đọc được bao nhiêu từ, viết được bao nhiêu từ… Và để đạt được tiêu chuẩn ấy thì chương trình quy định môn Tiếng Việt ở lớp 1 hiện nay là 420 tiết. Ông Tài cho biết, tất cả 5 bộ sách giáo khoa được phê duyệt đều thiết kế dựa trên khung thời lượng và chuẩn đầu ra đó.
Trong khi ở chương trình lớp 1 trước đây, số tiết môn Tiếng Việt cho các em học sinh lớp 1, chỉ là 350 tiết. Chỉ môn Tiếng Việt lớp 1 đã thêm 70 tiết học mà lãnh đạo ngành giáo dục lại cho là không tăng nặng.(!?)
Trao đổi với RFA hôm 2/10 liên quan vấn đề này, Giáo sư Hồ Ngọc Đại, người nhiều năm dành nghiên cứu giáo dục tiểu học, và cũng là người biên soạn Bộ sách giáo khoa Công nghệ giáo dục, cho biết ý kiến của mình:
“Họ không hiểu gì đâu, họ khác… Họ không hiểu trong thời hiện đại này thì tiểu học là quan trọng nhất, chứ không phải đại học đâu. Tiểu học là quan trọng nhất nên phải dạy cho tiểu học ngay từ đầu tất cả một cách toàn diện như thế nào đấy. Nhà trường phải đảm bảo chức năng của nhà trường, tất cả mọi việc trẻ con phải làm xong ở trường hết. Trẻ con sống ở trường phải tự nhiên như sống ở nhà. Nhưng cách làm của họ hoàn toàn khác, họ vẫn theo cách cũ, chỉ thay chữ chỗ này chỗ khác thế thôi… Trình độ tôi biết, tôi đã bảo trước… nhưng họ đông quá nên chịu thôi… thứ hai họ vụ lợi quá nên chịu thôi.”
Trẻ lớp 1 có một việc duy nhất đó là tập đọc, tập cộng trừ trong phạm vi 10… thế thôi cho thạo đi đã. Còn lại để cho các cháu được chơi, được học các lớp kỹ năng sống như bơi lội, vui chơi giải trí.
-Thầy Đỗ Việt Khoa
Vào đầu năm 2018, Sách giáo khoa tiếng Việt 1- Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng khiến dư luận hoang mang, khi có các ô vuông, hình tròn tượng trưng cho mỗi tiếng, được cho là gây nhiều nhầm lẫn… Sau đó vào tháng 7 năm 2018, Hội đồng thẩm định quốc gia đã yêu cầu nhóm biên soạn của Giáo sư Đại chỉnh sửa một số nội dung và kết luận nếu được chỉnh sửa thì tài liệu Tiếng Việt 1 – Công nghệ giáo dục có thể là phương án lựa chọn cho học sinh và giáo viên trong tương lai.
Tuy nhiên ngày 12/9/2019 Bộ sách giáo khoa môn tiếng Việt và toán lớp 1 – Công nghệ giáo dục của Giáo sư Hồ Ngọc Đại lại bị Hội đồng thẩm định quốc gia loại ngay ở vòng thẩm định.(!?)
Trao đổi với RFA hôm 2/10, Thầy Đỗ Việt Khoa, một giáo viên từng nhiều lần lên tiếng phản đối những bất cập trong giáo dục, đưa ra nhận định:
“Thật đáng tiếc tôi chưa được xem chương trình lớp 1, tôi không biết nó nặng hay nhẹ. Thế nhưng theo quan điểm của tôi là chương trình học của Việt Nam toàn do người lớn biên soạn cho trẻ con. Người lớn chủ quan lắm, có rất ít người lớn đứng ở góc độ tâm lý của trẻ. Trẻ lớp 1 có một việc duy nhất đó là tập đọc, tập cộng trừ trong phạm vi 10… thế thôi cho thạo đi đã. Còn lại để cho các cháu được chơi, được học các lớp kỹ năng sống như bơi lội, vui chơi giải trí chứ đừng nhét cho các cháu những kiến thức nặng nề quá. Đấy là quan điểm của tôi.”
Ông Chế Quốc Long, giảng viên trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM khi trả lời RFA trước đây từng cho rằng, đối với những đứa trẻ 6 tuổi 7 tuổi, là tuổi để chơi chứ không phải để vùi đầu vô học. Theo ông, trẻ con hiện nay đã bị ép học quá sức với chương trình nặng nề, quá tải, thiên về nhồi nhét kiến thức, giết chết sáng tạo, làm cho trẻ em không thể suy nghĩ độc lập được.
Sài Gòn, Hà Nội và chủ trương
‘Bí thư không phải là người địa phương’
Thành phố Hồ Chí Minh, trong tuần đầu tháng 10 này, xuất hiện tin đồn rằng Bí thư Thành ủy khóa 13 có thể là ông Nguyễn Văn Nên.
Con đường chính trị của ông Vương Đình Huệ
Sinh năm 1957, quê ở Tây Ninh, ông Nên hiện là Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng.
Ủy viên Bộ Chính trị, đương kim Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân, được cho là nhiều khả năng sẽ nghỉ hưu sau Đại hội 13 năm 2021 do quy định tuổi tác – ông Nhân sinh năm 1953.
Thông tin về nhân sự cấp cao vẫn luôn bị hạn chế và thường chỉ được công khai vào phút chót. Vì thế tin về ông Nguyễn Văn Nên còn có thể thay đổi.
Tuy vậy, có những dấu hiệu cho thấy, nếu thay đổi nhân sự trong năm 2021, thì Bí thư Thành ủy sắp tới tại TPHCM nhiều khả năng sẽ là người có gốc từ địa phương khác đến.
Tại một cuộc họp tháng 6/2019, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính nhắc lại chủ trương chung của Đảng Cộng sản.
Đó là, luân chuyển, điều động, bố trí, sắp xếp cán bộ chuẩn bị nhân sự đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 gắn với việc bố trí bí thư cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương.
Chủ trương này xuất phát từ Nghị quyết 26 số -NQ/TW ngày 19/5/2018 của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá 12.
Nghị quyết này đặt ra mục tiêu đến năm 2020 thì sẽ “Đẩy mạnh thực hiện chủ trương bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương”.
Còn đến năm 2025 thì “Cơ bản bố trí bí thư cấp uỷ cấp tỉnh không là người địa phương và hoàn thành ở cấp huyện; đồng thời khuyến khích thực hiện đối với các chức danh khác”.
Chủ trương này là một phần trong mục tiêu, theo Nghị quyết, là xây dựng cán bộ lãnh đạo “có phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”.
Ông Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội
Định nghĩa thế nào là “người địa phương” dường như đang dựa vào Quy định số 98-QĐ/TW ngày 7-10-2017 của Bộ Chính trị.
Theo đó, người địa phương “là người sinh ra, lớn lên và trưởng thành ở địa phương đó hoặc là người đã học tập, công tác từ 20 năm trở lên ở địa phương đó”.
Tại Hà Nội, tháng 2/2020, sau khi Bí thư Hoàng Trung Hải bị kỷ luật, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ được Bộ Chính trị phân công làm Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Ông Huệ sinh năm 1957, quê ở tỉnh Nghệ An.
Thực tế là trong một năm qua, không ít tân Bí thư các địa phương là người nơi khác đến.
Có thể kể ra ông Bùi Văn Cường (bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk), bà Lâm Thị Phương Thanh (bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn), ông Nguyễn Khắc Định (bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa).
Bên cạnh đó, vẫn có trường hợp như ông Thái Thanh Quý, quê tỉnh Nghệ An, đã trở thành Bí thư Nghệ An tháng Giêng 2020.
Nhìn chung, Đảng Cộng sản từ năm 2016, dưới thời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đã phát động chiến lược “kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền, chủ nghĩa cá nhân, cục bộ địa phương, họ hàng trong công tác cán bộ”.
Vừa qua đã có số liệu công bố từ Ban Tổ chức Trung ương về Đại hội đảng bộ cấp trên cơ sở (đảng bộ cấp huyện và tương đương) nhiệm kỳ 2020-2025 diễn ra từ tháng 5/2020 đến hết tháng 8/2020.
Theo đó, tổng số Bí thư cấp uỷ bầu được là 1.141người, trong đó có 456 bí thư không phải người địa phương (chiếm 40%).
https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-54401039
Trước Đại hội đảng 13, lãnh đạo cấp cao
tăng cường chỉ trích các “thế lực thù địch”
Cao Nguyên
Tổng bí thư (TBT) Đảng Cộng sản kiêm Chủ tịch nước (CTN) Việt Nam Nguyễn Phú Trọng cùng với Tướng công an Lê Quý Vương và Tướng quân đội Ngô Xuân Lịch vào ngày 28 tháng 9 vừa qua lại cùng có những phát biểu cho rằng “thế lực thù địch, phản động” đang gia tăng chống phá, công khai và quyết liệt hơn.
Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công An Lê Quý Vương phát biểu trong Hội nghị sơ kết công tác công an Quý III/2020 tại Hà Nội rằng “Đại hội 13 là điều kiện để các thế lực thù địch, phản động gia tăng chống phá”.
Đại tướng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam đưa ra nhận định “Thế lực thù địch chống phá ngày càng công khai, quyết liệt và trực diện hơn”, trong bài viết đăng trên báo Nhân Dân ngày 28/9.
Cùng ngày, Ông TBT, CTN Nguyễn Phú Trọng tham dự Đại hội đảng Quân đội đã nhấn mạnh, yêu cầu quân đội phải tiên phong trong việc đấu tranh với cái mà ông này gọi là “quan điểm sai trái thù địch”.
Phản ứng dư luận
Liên tục các phát biểu của lãnh đạo Việt Nam về các “thế lực thù địch” như thế thu hút sự chú ý của dư luận. Trên fanpage của Đài Á Châu Tự do, phát biểu của Đại tướng Tô Ân Xô nhận được gần 400 lượt chia sẻ và 1400 bình luận. Phát ngôn của Thứ trưởng Công an Lê Quý Vương có gần 200 lượt chia sẻ và hơn 700 bình luận. Dưới đây là quan điểm của một số độc giả để lại bình luận trên fanpage của RFA:
Độc giả Cường Nguyễn nhận xét: “Hòa bình gần nửa thế kỷ rồi mà cứ còn thế lực thù địch là sao? Ai thù, ai địch? Tại sao người ta lại thù? Và tại sao người ta lại địch? Các cụ ngày xưa dạy: phải uốn lưỡi bảy lần trước khi nói.
Và “tiên trách kỷ, hậu trách nhân.” Phải hỏi mình xem mình đã làm gì để người ta thù địch? Có thế mới tiến bộ được, bằng không thì vứt.”
Độc giả Crystal: “Thôi nói thẳng ra là tuyên truyền, quản lý thất bại rồi đổ lỗi cho người ta đi. Nếu họ thực sự minh bạch thì làm gì phải sợ thế lực thù địch chứ!”
Độc giả Nguyễn Văn Hùng: “Thế lực thù địch nào, ở đâu, họ làm cái gì mà kêu là chống phá? Toàn các đồng chí phá nhau rồi gán ghép cho nhân dân. Không những đồng chí chống phá nhau, mà còn phá hoại luôn cả quê hương, giống nòi!
Nhìn chung những người dám nói lên sự thật thì sẽ trở thành thế lực thù địch ngay lập tức.”
Độc giả Hoàng Xuân Diệu: “Mấy ông áp bức người dân đến tận cùng rồi người dân phản ứng lại thì chụp mũ họ là thế lực thù địch.”
Tăng cường “tấn công” đối lập trước Đại hội đảng
Một bài viết có nội dung “chống diễn biến hoà bình” đăng trên mạng báo Biên Phòng ngày 28/9 có đoạn “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng sắp tới, các thế lực phản động, cơ hội chính trị gần đây lại giở nhiều chiêu trò tuyên truyền, xuyên tạc, kích động chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta.
“Thế lực thù địch” là cụm từ thường được đảng Cộng sản, Nhà nước và báo chí Việt Nam ám chỉ những người hay tổ chức bất đồng chính kiến với Chính phủ Việt Nam, dù là ôn hòa hay bạo động, bất kể là trong hay ngoài nước.
Luật sư Nguyễn Văn Đài, cựu Tù nhân Chính trị, từng đi tù 2 lần vì những hoạt động “phản kháng” Đảng và Nhà nước Việt Nam, tự nhận mình là “thế lực thù địch” nếu chiếu theo định nghĩa của Nhà cầm quyền.
Ông Đài cho rằng phát biểu nêu trên của những người đứng đầu nhà nước nhằm đe doạ, răn đe những ai có ý định lên tiếng chỉ trích chính quyền. Đặc biệt là trong lúc Đảng Cộng sản đang ráo riết chuẩn bị nhân sự cho khoá sau, cũng như Đại hội đảng 13 sắp tới, luôn có nhiều đồn đoán về chuyện đấu đá nội bộ, tranh giành quyền lực của lãnh đạo cấp cao:
“Các lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng sản họ muốn tỏ ra cứng rắn đối với những người phản đối. Sự nổi dậy của người dân ngày càng nhiều hơn, trên tất cả lĩnh vực đời sống xã hội.
Điều đó cũng phản ánh một thực tế là chỉ thông qua thông tin của nhà nước Cộng sản thôi, bất kỳ một trang báo nào đều có những bất cập xã hội, từ tệ nạn đến tham nhũng. Nó xảy ra gần như triền miên từ cấp trung ương cho đến địa phương.
Người dân Việt Nam đã chịu nhiều bất công rồi cho nên khi đọc những tin như vậy, rõ ràng là họ cảm thấy bất bình và tìm cách phản kháng lại, thì đó là chuyện đương nhiên. Bất bình nào đối với nhà cầm quyền Cộng sản thì họ cũng coi là một sự chống đối.
Nếu đảng Cộng sản không muốn những thế lực đối lập thêu dệt hay vẽ nên những câu chuyện theo thuyết âm mưu, thì họ cần phải công khai minh bạch tất cả, chứ đừng đưa sức khỏe của các vị lãnh đạo vào danh mục bí mật của đất nước nữa.
Nhân dân cần phải biết sức khỏe của những vị lãnh đạo có khả năng để dẫn dắt không. Nếu họ công khai minh bạch thì làm gì có chuyện thêu dệt nên những câu chuyện như vậy.”
Nhà hoạt động Nguyễn Lân Thắng cho rằng ở Đại hội Đảng lần này, chính quyền Hà Nội đang gặp nhiều khó khăn, thất bại về kinh tế và chính trị nên tìm cách “đổ lỗi” cho một thế lực mơ hồ:
“Các lãnh đạo cấp cao lo lắng cho sự tồn vong của chế độ là chuyện đương nhiên. Chuyện đấy đã từng diễn ra trong rất nhiều các kỳ Đại hội đảng, cho nên tôi cũng không ngạc nhiên lắm về bình luận của họ.
Có thể do kỳ Đại hội lần này có những khó khăn, thách thức từ những biến động về chính trị và kinh tế thế giới, cũng như như dịch COVID đã tạo ra khó khăn rất lớn cho Việt Nam.
Thế thì lãnh đạo Việt Nam trong bối cảnh phải chèo chống vốn đã rất khó khăn, bây giờ lại càng khó khăn hơn, thì cường độ và tần suất phát biểu như vậy sẽ ngày càng nhiều hơn.”
Có “thế lực thù địch” nào đủ sức lật được Đảng Cộng sản?
Luật sư Nguyễn Văn Đài cho rằng, hiện tại, chưa có một cá nhân hay tổ chức đối lập nào có đủ khả năng “lật đổ” được Đảng Cộng sản Việt Nam:
“Xét về năng lực thì hoàn toàn chưa đủ khả năng tại thời điểm này. Nhưng ngày nay với truyền thống mạng xã hội thì mọi thứ có thể thay đổi, người dân có thể tiếp cận thông tin và đến lúc họ bừng tỉnh thì mọi chuyện có thể thay đổi ngay.”
Cùng quan điểm, ông Thắng nói:
“Việc cáo buộc như vậy tôi cho rằng rất quy chụp. Rõ ràng những người dân như chúng tôi thường quan tâm đến xã hội thì cũng chỉ bằng lời nói thôi.
Cả một cái đảng cầm quyền, một bên là công an, một bên là quân đội hùng mạnh như vậy thì làm sao người dân có thể làm gì được.”
Vào ngày 1/10, Đài truyền hình Việt Nam (VTV) đã chiếu chuyên mục “Đối diện” với chủ đề “Cảnh giác với âm mưu phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”.
Nội dung bản tin này cáo buộc rằng một trong những thủ đoạn tuy không mới nhưng rất thâm độc của thế lực thù địch, đó là chiêu bài đòi “phi chính trị hóa lực lượng vũ trang”. Lâu nay nhiều lãnh đạo tại Việt Nam luôn nhắc lại nhiệm vụ của quân đội và công an là bảo vệ đảng. Hai lực lượng này được ví như ‘thanh kiếm và lá chắn’ bảo vệ chế độ.
Điểm tin trong nước sáng 3/10: Việt Nam hối thúc
nối lại đàm phán COC; Bộ Công An:
Vụ ‘thổi giá’ ở Bạch Mai không phải vụ cuối cùng
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (3/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Thêm 1 ca mắc virus Vũ Hán
Chiều 2/10, trang tin điện tử của Bộ Y tế công bố, Việt Nam ghi nhận thêm 1 ca mắc viêm phổi Vũ Hán mới, là người nhập cảnh từ Nhật được cách ly ngay.
Bệnh nhân là nữ, 24 tuổi, có địa chỉ tại Cầu Tre – Hồ Sơn – Tam Đảo – Vĩnh Phúc. Ngày 30/9, bệnh nhân từ Nhật Bản (Tokyo) trên chuyến bay VN311 về Sân bay Đà Nẵng và được lấy mẫu xét nghiệm. Ngày 2/10 cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2.
Hiện số ca nhiễm ở Việt Nam 1.096 trường hợp, trong đó 691 ca do lây nhiễm trong nước. Số trường hợp khỏi bệnh 1.020, 35 ca đã tử vong.
Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly theo dõi sức khỏe là : 15.013 người.
Trong đó cách ly tập trung tại bệnh viện là 271, cách ly tập trung tại cơ sở khác là 9.967 và cách ly tại nhà, nơi lưu trú là 4.775 người.
Việt Nam hối thúc nối lại đàm phán COC
Việt Nam muốn nối lại đàm phán để đạt Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) phù hợp với Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển và luật pháp quốc tế, theo Cổng Thông tin điện tử Bộ Ngoại giao Việt Nam.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ ở Hà Nội hôm thứ Năm 1/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Lê Thị Thu Hằng, nói nối lại đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) là ưu tiên của các nước ASEAN và Trung Quốc.
Tại cuộc họp báo, trả lời câu hỏi về lập trường của Việt Nam về công hàm ngoại giao gửi tới Liên Hiệp Quốc của Anh, Pháp và Đức, trong đó 3 cường quốc EU phản bác yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trong Biển Đông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng các nước chia sẻ nguyện vọng và mục tiêu chung nhằm duy trì ổn định, hòa bình, hợp tác và phát triển ở Biển Đông.
Cũng tại cuộc họp báo, bà Hằng nói rằng các cuộc diễn tập bắn đạn thật của Trung Quốc trên Biển Đông “phương hại” tới hòa bình và ổn định khu vực.
Bà nói các hoạt động của chính quyền Trung Quốc gần quần đảo Hoàng Sa đi ngược lại với tinh thần của Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông hiện nay, làm phức tạp thêm tình hình và không tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
Bà nhấn mạnh Công ước của LHQ về Luật Biển 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển.
Vụ sòng bạc ở quận 6: đình chỉ công tác 10 cán bộ công an
Liên quan vụ sòng bạc lớn, thông qua hình thức đá gà ăn tiền, trên đường Võ Văn Kiệt, quận 6, TP.HCM.
Hôm 2/10, theo nguồn tin từ báo Tuổi trẻ, hiện đã có 10 cán bộ công an bị đình chỉ công tác. Trong số này có 4 cán bộ công an thuộc Phòng cảnh sát hình sự (PC02) Công an TP.HCM và 6 cán bộ công an thuộc Công an quận 6.
Sau khi bị đình chỉ công tác, chờ quá trình điều tra sẽ xem xét xử lý trách nhiệm.
Sòng bạc luận 6 được lực lượng chức năng TP.HCM bắt hôm 25/9. Tại hiện trường, lực lượng chức năng bắt giữ nhiều người tham gia đánh bạc cùng tang vật khoảng 2 tỷ đồng.
Bộ Công An: Vụ ‘thổi giá’ ở Bạch Mai không phải vụ cuối cùng
Vụ việc nâng giá thiết bị y tế ở Bệnh viện Bạch Mai không phải là vụ đầu tiên, nhưng chắc chắn cũng không phải là vụ cuối cùng được điều tra tại các bệnh viện khác trên cả nước.
Đó là nhận định của Thiếu tướng Tô Ân Xô – Người phát ngôn Bộ Công an tại phiên họp báo thường kỳ của Chính phủ tháng 9 diễn ra chiều hôm 2/10 tại Hà Nội, được báo trong nước đưa tin cùng ngày.
Ông Tô Ân Xô nói thêm rằng, cơ quan điều tra đã cung cấp thông tin cho báo chí tương đối đầy đủ về vụ việc ở Bệnh viện Bạch Mai. Còn tiếp tục như thế nào, có mở rộng điều tra hay không phải căn cứ vào tài liệu thu thập được, lời khai của các bị can.
Điểm tin trong nước tối 3/10: Bộ Xây dựng chỉ rõ
nguyên nhân 600 cột điện gãy đổ
Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Bảy (3/10) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Giáo viên, phụ huynh kêu chương trình nặng; Bộ nói không
Có con đang học lớp 1, bộ sách cánh diều chị Nguyễn Thị Hương (Đông Anh – Hà Nội) chia sẻ: “Lúc đầu nghe các chuyên gia giới thiệu về chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ giảm tải nhưng gần tháng con tôi vào học lớp 1 vợ chồng tôi đã đánh vật với con nhiều tối. Thậm chí nhiều lúc dạy con không hiểu tôi còn đánh, mắng con”, theo Công Lý.
Chị Hương cũng chia sẻ thêm, cách đây 8 năm con đầu chị vào lớp 1 rất nhẹ nhàng, không đi học tiền lớp 1 nhưng cả nhà cũng không phải gồng mình học cùng con. Tuy nhiên, đến đứa thứ 2 mọi người khuyên tôi nên cho con đi học tiền lớp 1, không vào năm học chính thức con sẽ không theo kịp bạn. Tuy nhiên, tôi vẫn muốn thuận theo tự nhiên nhưng giờ tôi thấy cuộc chiến vào lớp 1 của con tôi biến tôi thành “bà phù thủy”, cứ đến giờ học tối ở nhà của con là tôi tay cầm thước, lúc không kiềm chế được tôi đã quát tháo và thậm chí đánh con vậy mà có những hôm đến 11 giờ vẫn chưa xong bài”.
Cũng có con năm nay học lớp 1, chị Nguyễn Thị Huyền (Can Lộc – Hà Tĩnh) cho biết, con mới hai tuần học con chưa kịp nhớ hết chữ cái đã phải học ghép vần. Ngày nào đi học về cô giáo cũng phát một trang giấy A4 ghi lưu ý những bài học về nhà để phụ huynh cùng ôn bài với con. Đêm nào, hai mẹ con cũng đánh vật đến 10 giờ đêm.
“Nhiều hôm, dạy mãi con không hiểu tôi đã mắng, thậm chí còn đánh và đến giờ học ở nhà với mẹ con khiếp. Nhưng vì chương trình nặng quá, nếu không ép con, thì con không biết chữ gì, không theo kịp các bạn cùng lớp cũng khổ”, chị Huyền chia sẻ.
Trước những ý kiến trên của phụ huynh, ông Thái Văn Tài, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho hay Bộ chưa nhận được phản ánh chính thức nào từ phía phụ huynh, giáo viên hay các nhà khoa học. Ông cũng khẳng định lại chương trình mới nặng hơn là chưa đủ căn cứ.
Hơn 600 cột điện gãy đổ trong bão số 5: Bộ Xây dựng chỉ rõ nguyên nhân
Báo Người lao động thông tin, Ssau vụ việc hàng trăm cột điện gãy đổ trong cơn bão số 5 vừa qua, ngày 25/9, Bộ Xây dựng đã tổ chức cuộc họp với đại diện Cục Điện lực và năng lượng tái tạo, EVN, lãnh đạo Tổng công ty Điện lực miền Trung và một số chuyên gia về xây dựng để làm rõ các vấn đề liên quan. Trong đó, các cơ quan đã tập trung làm rõ nguyên nhân cột điện gãy đổ trong thời gian qua.
Theo Bộ Xây dựng, tình trạng gãy đổ các cột điện bêtông cốt thép, trong đó có cả các cột điện bêtông cốt thép ly tâm dự ứng lực được sản xuất trong thời gian gần đây có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân khách quan là do số lượng cột điện bêtông cốt thép rất lớn, có nhiều nguồn gốc khác nhau, được xây dựng bởi nhiều chủ thể trong nhiều giai đoạn và do các tác động bất lợi như cây đổ, sạt lở đất.
Nguyên nhân chủ quan là do việc thiết kế, sản xuất, thi công lắp dựng, bảo trì còn những tồn tại, chưa đáp ứng quy định; thiếu tính toán, kiểm tra khả năng chịu lực cột điện bêtông cốt thép theo quy định của tiêu chuẩn thiết kế kết cấu bêtông cốt thép hiện hành.
Nổ nồi áp suất ở TP.HCM, một người nguy kịch
Báo Zing đưa tin, khuya 2/10, nồi hơi áp suất hấp quần áo tại một nhà xưởng ở ấp 4, xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM phát nổ.
Vụ việc khiến một phụ nữ có mặt trong nhà xưởng bị thương. Người này được chuyển đi bệnh viện cấp cứu trong tình trạng nguy kịch.
Sức ép của vụ nổ thổi bay mái tôn, cây cối, đồ đạc khiến nhiều nhà dân xung quanh bị vỡ kính.
“Lúc đó tôi đang ngủ thì tiếng nổ như bom vang lên. Cách nhà xưởng hấp quần áo hơn 20 m, nhà tôi vẫn rung lên bần bật, la phông rơi xuống. Cửa kính cũng bị vỡ”, anh Thái, một hộ dân ở gần đó, kể.
Đắk Nông: Điều tra vụ việc 3 người trong một gia đình tử vong
Vietnamplus chiều 3/10 đưa tin, các cơ quan chức năng tỉnh Đắk Nông đang điều tra về vụ 3 người trong một gia đình ở thôn Thanh Sơn, xã Nam Xuân, huyện Krông Nô tử vong chưa rõ nguyên nhân.
Theo thông tin ban đầu, chiều ngày 2/10, người thân của anh Hứa Văn K. (sinh năm 1984, dân tộc Nùng) phát hiện anh K. cùng 2 người con trai sinh năm 2011 và 2013 không có nhà. Nghi có chuyện không lành, người thân của anh này đã trình báo với cơ quan chức năng để tìm kiếm.
Đến sáng 3/10, người dân mới phát hiện anh K. và hai người con đã chết trong chòi rẫy tại thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân, cách nhà khoảng 5km.
Người bố chết trong tư thế treo cổ, trên người hai người con có nhiều vết thương ở cổ và tay. Được biết, trước đây anh K. có biểu hiện bị trầm cảm.
Hoàng đế nước Nam xưa trị tội tham nhũng thế nào?
Đã viết thơ tuyệt mệnh, người đàn ông bất ngờ khỏi bệnh ung thư máu như thế nào?
Dân Trung Quốc ăn mừng Tổng thống Trump mắc bệnh, đem hận thù đặt trên tính mạng con người
0 comments