Lòng bác ái chẳng cần nghị định hay thông tư
Đinh Yên Thảo 2020-10-23
Hình minh hoạ. Người dân xếp hàng nhận đồ cứu trợ ở Hải Lăng, Quảng Trị hôm 16/10/2020 AFP
Khi ca sĩ Thủy Tiên trong nước kêu gọi và vận động được từ người hâm mộ, người dân hơn cả 100 tỉ đồng để cứu trợ đồng bào miền Trung, Văn phòng Chính phủ đã lập tức có công văn yêu cầu cần “chấn chỉnh hoạt động tổ chức vận động, quyên góp tự nguyện…” theo đúng quy định của nghị định Chính phủ. Liệu tấm lòng người dân cũng bị “nghị định hóa” hay sao?
Khác với luật, nghị định của Việt Nam là các văn bản Chính phủ ban hành đến các cơ quan công quyền, công sở để hướng dẫn thêm về những điều chưa thành luật. Chúng có thể áp dụng trong nhiều lãnh vực hoạt động chính phủ. Tuy nhiên vì chưa thành hay không phải luật để mà buộc người dân phải tuân theo, đặc biệt trong các quyền cùng hoạt động dân sự của người dân. Nhất là những hoạt động đó mang ý hướng tốt đẹp, tích cực và mang lại lợi ích cho xã hội.
Đó là về lý, còn về tình thì khi người dân góp tiền vào quỹ từ thiện, họ bày tỏ tấm lòng đùm bọc của mình đến người hoạn nạn trong tư cách cá nhân. Họ toàn quyền trao cho cá nhân hay tổ chức nào họ tin tưởng. Khi các ca sĩ, những người nổi tiếng đã dùng uy tín và tên tuổi của mình để vận động, khuếch đại sự ủng hộ từ người dân cho hoạt động từ thiện xuất phát từ tấm lòng của mình.
Những ca sĩ, nghệ sĩ này đang hoạt động mang tính chất dân sự theo tư cách và quyền công dân, họ không thuộc tổ chức hay cơ quan chính phủ để bị ràng buộc theo thông tư, nghị định hành chính của chính phủ.
Họ chịu trách nhiệm với lương tâm, bằng uy tín của người nghệ sĩ, với lòng quý mến, ủng hộ của khán giả. Họ chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu lạm dụng tên tuổi để có hành vi thủ lợi cá nhân nếu bị chứng minh thâm lạm. Nếu có mục đích sai trái ắt những ca sĩ này đã không công bố số tiền rất lớn đã thu được như vậy.
Còn lại thì tấm lòng và tư cách công dân đáng quý của họ có gì phạm luật, có gì không thấu tình đạt lý để mà bị ngăn cấm? Và chỉ bằng uy tín, phương tiện cá nhân mà các ca sĩ này đã vận động được một khoản tiền lớn lao này đã nói lên được điều gì?
Nó cho thấy rằng dường như các cơ quan chính phủ hay truyền thông chưa đủ uy tín và sự tin tưởng để vận động được người dân ở tầm mức như vậy. Hoặc nghĩ rằng khi ngăn cấm các hoạt động cá nhân này thì những số tiền từ thiện mà người dân góp vào quỹ vận động của các ca sĩ sẽ dồn vào cho các cơ quan chính phủ, như Mặt Trận Tổ Quốc chẳng hạn. Đó là điều không chắc sẽ xảy ra bởi nếu đã tin tưởng vào các tổ chức này, thì người dân đã tự động đóng vào và không cần đến sự vận động của các ca sĩ, nghệ sĩ.
Thay vì ngăn cấm, các cơ quan truyền thông, hội Hồng Thập Tự hay các tổ chức uy tín nào đó cũng có thể mời gọi các ca sĩ, giới nghệ sĩ nổi tiếng đứng chung vào tổ chức của mình để cùng vận động người dân với mục đích thực hiện việc cứu trợ được hữu hiệu, an toàn và có tổ chức hơn. Và điều này cũng cần được thực hiện trên tinh thần thiện nguyện và hợp tác dân sự hơn là theo bất cứ áp đặt nào.
Sự thiện nguyện không chỉ là thời gian và tiền bạc, mà nó còn ở tấm lòng, ở con tim nhân ái. Khi các ca sĩ lặn lội ra đến vùng lũ lụt, đích thân trao tặng những phần quà nhỏ đến người dân, họ không chỉ mang đến cho người dân vùng lũ lụ dăm món vật dụng, lương thực cần thiết mà họ đang mang đến cho người hoạn nạn sự hy vọng và tin yêu vào tình người. Người dân miền Trung cần sự an ủi tinh thần để vượt qua mất mát, đau khổ trong cơn khổ nạn này, điều quý giá và cần thiết không kém những món quà vật chất nhận được.
Lòng yêu thương, tinh thần bác ái là sự cần thiết, nó không thể bị ràng buộc bởi nghị định hoặc thông tư. Khi lòng tốt bị gièm pha, mỉa mai, khi hoạt động bác ái bị ngăn cấm, đó là điều đáng buồn cho bất cứ xã hội hay quốc gia nào.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do
0 comments