Bản tin ngày 24-10-2020
BTV Tiếng Dân
Tin Biển Đông
Trang Dự án ĐSK Biển Đông đưa tin về tàu khảo sát Thực Nghiệm 1 của TQ, đang di chuyển trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam với mô hình bất thường, hiện đã vào vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
“Từ 3 giờ sáng 24/10, Thực Nghiệm 1 giảm tốc độ xuống 1-3 hải lý giờ tại khu vực cách đảo Phú Quý, tỉnh Bình Thuận từ 150 đến 165 hải lý về phía đông nam. Từ 7 giờ 30 đến 12 giờ cùng ngày, con tàu khảo sát/nghiên cứu Trung Quốc di chuyển theo hướng đông bắc với tốc độ liên tục thay đổi từ 1 – 9 hải lý/giờ trên hải trình khoảng 10 hải lý sau đó tăng tốc và duy trì tốc độ 6 – 7 hải lý/ giờ theo hướng đông bắc trong khoảng 15 hải lý tiếp theo. Từ 15 giờ 20 đến hiện tại (22 giờ ngày 24/10), Thực Nghiệm 1 di chuyển quay vòng với tốc độ từ 1-6 hải lý/ giờ tại vị trí cách đảo Phú Quý khoảng 150 hải lý về phía đông nam“.
Vụ tập trận gần đây nhất ở khu vực phía tây vịnh Bắc Bộ: Máy bay Trung Quốc phóng hàng chục tên lửa trên Biển Đông, VnExpress đưa tin. Đài truyền hình CCTV của TQ vừa công bố thông tin về đợt diễn tập bắn đạn thật, do lực lượng không quân, hải quân, thuộc Bộ tư lệnh Chiến khu miền Nam tổ chức ở vùng biển phía tây đảo Hải Nam trong hai ngày, 20 và 21/10, nhưng không tiết lộ vị trí cụ thể.
Liên quan đến sự kiện trên, kênh US Military có clip về lời cảnh báo ở Biển Đông: Bắc Kinh phóng hàng chục quả tên lửa trong 2 ngày.
Trên đất liền, cử tri một số tỉnh tiếp tục kiến nghị Quốc hội cần có nghị quyết về Biển Đông, theo báo Thanh Niên. Tin cho biết, cử tri các tỉnh Bình Dương, Thái Bình, TP HCM đã đề xuất Chính phủ “nghiên cứu trình Quốc hội cần có nghị quyết về Biển Đông; đề nghị Đảng và Nhà nước tiếp tục kiên quyết, kiên trì thực hiện các biện pháp phù hợp trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo, kịp thời thông tin đến nhân dân, tăng cường năng lực quốc phòng nhằm đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc”.
Mời đọc thêm: Không quân hải quân Trung Quốc tập trận, phóng tên lửa ở vịnh Bắc Bộ? (TN). – Ảnh: Phi công Trung Quốc phóng tên lửa rầm rộ tại Biển Đông (PLTP). – Ông Duterte: Không có nguồn lực để điều dân quân ra Biển Đông (PLTP). – Tăng áp lực ở Biển Đông, Mỹ đang kiểm tra ranh giới đỏ của Trung Quốc (NB&CL). – Australia chấm dứt hiện diện tại Trung Đông để tập trung vào Ấn Độ-Thái Bình Dương (VOV).
Thủ tướng diễn trò ở miền Trung
Tấm ảnh chụp một cụ bà được một nhóm công an “dìu” đi, cũng có thể là “xốc” đi, một tay công an cầm tấm bảng có chữ “Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng”, theo thông tin trên mạng xã hội là tặng nhà cứu trợ mùa mưa lũ. Nhà hoạt động Nguyễn Thúy Hạnh chia sẻ ảnh này và bình luận: “Mị dân phô quá. Nếu thực sự vì dân thì phải xử lý tận gốc cái đã gây ra lũ lụt, cụ thể là nạn phá rừng và xây thuỷ điện”.
Facebooker Bùi Văn Thuận bình luận: “Nhìn mặt cụ khó coi quá, chắc tưởng mình bị công an bắt vì lỡ mồm chửi cán bộ mấy hôm trước. Cũng có thể cụ nghĩ đám này đi ‘giải phóng mặt bằng’. Kiểu như hất hàm, mặt hằm hằm, đập bàn đe: Có ra nhận quà không thì bảo?”
Cô Nguyễn Thùy Dương, đại diện dân oan Thủ Thiêm bình luận: “Ban Tuyên Giáo và Bộ Thông Tin và Truyền Thông nên mời chuyên gia về tư vấn khâu diễn xuất, chụp ảnh. Mấy cái ảnh này thô lắm, làm ơn đừng có đưa lên nữa. Cơ quan An ninh nên xác minh cái ảnh này có phải thật, không bị cắt ghép hay không? Người bình thường chẳng ai chụp ảnh ngu như vầy hết. Bó tay luôn”.
Facebooker Võ Hồng Ly dẫn tin từ nhà báo Nguyễn Vũ Bình, cho biết: Cụ bà được “tặng” quà nói trên đã xuất hiện trong ít nhất 2 tấm ảnh khác, cũng liên quan tới chiến dịch truyền thông của báo “lề đảng” về hoạt động “cứu trợ” của nhà nước ở miền Trung.
Mời đọc thêm: Thuận lòng Dân, Dân ủng hộ. Lãnh đạo nhà nước khó chi mô…nờ (FB Lưu Trọng Văn). – Nghị định Thủy Tiên (FB Trương Châu Hữu Danh). – Tìm thấy thi thể thứ 5 tại khu vực sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 (PLVN). – Bộ trưởng Trần Hồng Hà: Thận trọng khi xây dựng các thuỷ điện nhỏ (LĐ). – Bộ trưởng Trần Hồng Hà: ‘Không nên tiếp tục phát triển thủy điện nhỏ’ (TT). – Đổ thừa cho ông trời!? (NLĐ).
Tin môi trường
Trang Hành tinh Titanic có bài cảnh báo bão số 9, cơn bão cực mạnh. Thông tin cho biết, khu vực tâm bão đổ bộ có thể từ tỉnh Bình Định đến Quảng Nam, có khuynh hướng lệch phía Nam hơn nữa. Sức gió của bão số 9 khi gần bờ có thể là từ 110 – 130km/g, giật 150km/g. Sức gió có thể giảm khi đổ bộ, xuống cấp 11, giật 12 trên thang đo Beaufort, nhưng lượng mưa sẽ rất khủng khiếp.
Cơn bão này sẽ đổ bộ vào ngày 28/10, nhưng hoàn lưu của nó đã có thể chạm đến bờ từ ngày 27/10. Bài viết đưa ra nhiều khuyến cáo, trong đó có khuyến cáo dành cho ngư dân: “Ngư dân toàn miền Trung, đặc biệt là Nam Trung Bộ và Trung Trung Bộ không được ra khơi kể từ ngày hôm nay (24/10). Từ ngày 26/10, các tàu thuyền ở Nam Trung Bộ và khu vực Quảng Nam trở vào Khánh Hòa phải vào bờ, neo giữ trong cửa sông hoặc vịnh chắn gió/ chắn sóng tốt“.
Cũng tin lũ lụt, VTC đặt câu hỏi về mưa lũ miền Trung: Thiên tai hay nhân tai?
Trong khi biến đổi khí hậu ngày càng trở thành nỗi ám ảnh toàn cầu, thì Thủ tướng “Madzê-in-Việt Nam” phát biểu: “Biến đổi khí hậu không nghiêm trọng bằng dao động ý chí”, báo Giao Thông đưa tin. Ông Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, biến đổi khí hậu “không nghiêm trọng bằng sự dao động của ý chí, bản lĩnh và niềm tin của chúng ta trước các thử thách của tự nhiên và tạo hóa”.
Biến đổi khí hậu đang tạo ra hàng loạt hiện tượng thời tiết cực đoan chưa có tiền lệ, liên tục tạo ra các kỷ lục mới về nhiệt độ, hạn hán, bão lũ… Biến đổi khí hậu đặt ra những rủi ro đến độ công dân ở một số nước châu Âu cho rằng đó phải là mối quan tâm hàng đầu của các chính phủ.
Còn ở VN, người đứng đầu chính phụ lại cho rằng còn có thứ nghiêm trọng hơn cả biến đổi khí hậu. Đó là hậu quả khi một đất nước bị một đảng độc tài kiểm soát, lại là cái đảng chiếm quyền bằng vũ lực nên chìm đắm trong tư duy cho rằng, cứ dựa vào mấy khái niệm mơ hồ như “tinh thần” thì không cần sợ trời, sợ đất.
Báo Công Thương đặt câu hỏi: Tại sao biến đổi khí hậu ở châu Á lại quan trọng ở cấp toàn cầu? Một số thảm họa đã xảy ra: “Thảm họa biến đổi khí hậu ở châu Á có thể gây ra những ảnh hưởng gợn sóng cách xa nửa vòng trái đất. Nhớ lại năm 2011 và đầu năm 2012, lũ lụt ở Thái Lan đã gây thiệt hại hàng tỷ đô la và làm gián đoạn chuỗi cung ứng trên toàn cầu. Hay việc sân bay Kansai ở miền tây Nhật Bản bị đóng cửa kéo dài nhiều ngày do bão Jebi vào tháng 9 đã khiến các nhà sản xuất phải tranh giành các trung tâm hàng hóa thay thế”.
Chuyện ở Hà Nội: Người dân Nam Sơn tiếp tục chặn xe rác, theo báo Người Đưa Tin. Sáng nay, “người dân tại xã Nam Sơn và Hồng Kỳ vẫn tiếp tục căng bạt chặn xe rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn để yêu cầu sớm nhận được tiền đền bù giải phóng mặt bằng để di dời khỏi khu vực bán kính 500 m quanh bãi rác”. Người dân địa phương cho biết, “việc chặn xe sẽ khiến rác thải trong nội thành ùn ứ, xuất hiện tình trạng nhiều điểm tập kết rác chưa được vận chuyển nhưng cũng không còn cách nào khác”.
VTC có clip về tình hình người dân chặn xe vào bãi rác ở Hà Nội: Người dân lại chặn bãi rác Nam Sơn, ngăn xe chở rác ra vào.
Chính quyền tỉnh Lâm Đồng vẫn đang loay hoay xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường ‘phá vỡ’ cảnh quan rừng ở Đà Lạt, Thông Tấn Xã VN đưa tin. Trước tình hình “ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, khu nhà máy xử lý rác đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của nhân dân; có nơi ô nhiễm môi đã và đang ‘phá vỡ’ cảnh quan rừng ở thành phố Đà Lạt”, cử tri tỉnh này đã đề nghị Bộ TN&MT sớm có phương án, biện pháp khắc phục, bảo đảm chất lượng cuộc sống cho người dân.
***
Báo Vĩnh Long có bài: Băng Bắc Cực chưa hình thành, giới khoa học cảnh báo thảm họa. Theo tin từ Guardian, “lần đầu tiên kể từ khi các nhà khoa học bắt đầu thống kê, lớp băng của Bắc Băng Dương ở Siberia vẫn chưa hình thành vào cuối tháng 10. Các nhà khoa học khí hậu cho rằng đây là tín hiệu cảnh báo về những tác động có thể xảy ra trên khắp vùng cực. Điều này có thể được gây nên bởi tình trạng nắng ấm kéo dài kỳ lạ ở miền Bắc nước Nga, cũng như sự xâm nhập của các dòng hải lưu nóng Đại Tây Dương”.
Theo đó, nhiệt độ nước biển ở khu vực này đã tăng hơn 5 độ C so với trung bình mỗi năm, dẫn đến hiện tượng lớp băng ở vùng Siberia vẫn chưa hình thành, dù Bắc Bán Cầu đã bắt đầu vào mùa đông. Nghiên cứu sinh sau tiến sĩ Zachary Labe ở ĐH Colorado bình luận: “Tình trạng biển chưa đóng băng cho tới tận lúc này của mùa thu năm nay là điều chưa từng có ở vùng Bắc Cực của Siberia”.
Cũng liên quan đến xu hướng tan băng ở Bắc Cực, các nhà khoa học cảnh báo, lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể gây ra siêu sóng thần khủng khiếp ở Alaska, theo VTC. Lời cảnh báo nói về khu vực Prince William Sound ở Alaska, “là khu vực chứng kiến sự thoái lui của sông băng, dẫn đến sự bất ổn ở một sườn núi phía trên rìa sông băng Barry. Các bức ảnh vệ tinh cho thấy băng tan trên sông băng làm xói mòn nghiêm trọng một khu vực đá lớn”.
Mời đọc thêm: 700 xe chở rác ở Hà Nội không có chỗ đổ vì người dân Nam Sơn lập chốt chặn (Tin Tức). – Bạc Liêu: Gần 12.000 tỉ đồng ứng phó với biến đổi khí hậu (LĐ). – Biến đổi khí hậu: Châu Á nhận “trái đắng” (CT). – EU thông qua chiến lược bảo vệ đa dạng sinh học (TG&VN). – Nhiệt độ bề mặt nước biển ấm trong lúc hiện tượng La Nina đang diễn ra (FB Sam Carana). – Nguy cơ sóng thần liên quan đến lớp băng vĩnh cửu ở vùng cực tan chảy (TB). – Lớp băng vĩnh cửu tan chảy có thể gây ra sóng thần mạnh ở Alaska (DT).
***
Thêm một số tin: Sắp xét xử vụ ông Trần Bắc Hà thao túng vay 3.100 tỷ đồng (VNE). – Chưa đủ tài liệu chứng minh lọt thông tin vụ Đường nhuệ (ĐV). – Dự án đường Hồ Chí Minh: Cần hơn 24.210 tỷ đồng để đầu tư 289km còn lại (VTC). – Facebook cao rao tự do ngôn luận; nhưng tại Việt Nam lại hỗ trợ kiểm duyệt! (RFA). – Brexit: EU và Anh quyết tâm đạt thỏa thuận vào giữa tháng 11 (BBC). – Chuyên gia: Covid sẽ nguy hiểm hơn vào mùa lễ hội cuối năm (VOA).
0 comments