Cử tri gốc Việt bầu cử sớm: ‘Lần này rất quan trọng’
21/10/2020
Một số cử tri gốc Việt đã đi bỏ phiếu sớm trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ nói với VOA rằng ‘cuộc bầu cử lần này đối với họ rất quan trọng,’ lá phiếu của họ rất có ý nghĩa, nên họ muốn bỏ phiếu sớm cho yên tâm.
Mặc dù còn hai tuần lễ nữa mới đến Ngày Bầu cử chính thức ở Mỹ 3/11, nhưng nhiều tiểu bang đã mở cửa phòng phiếu cho người dân bỏ phiếu sớm. Nhiều cử tri cũng chọn hình thức bỏ phiếu sớm qua thư để tránh phải tới nơi đông đúc trong mùa COVID.
Tính đến chiều ngày ngày 19/10, Dự án Bầu cử Mỹ tại Đại học Florida cho biết có hơn 29,6 triệu phiếu bầu sớm, cả bầu trực tiếp lẫn bầu qua thư, ở 44 tiểu bang và khu vực thủ đô Washington D.C. Con số này cao hơn rất nhiều so với kỳ bầu cử Tổng thống năm 2016 với 5,9 triệu phiếu bầu sớm, tính đến ngày 23/10 năm đó.
Tại những điểm bỏ phiếu sớm, nhiều người kiên nhẫn xếp hàng dài chờ đợi, đứng cách nhau những khoảng cách an toàn vì COVID.
‘Tham gia vào nền dân chủ’
Ông Nguyễn Văn Toại, một cử tri ở Bethesda, tiểu bang Maryland, là người năm nào cũng đi bầu sớm.
“Bầu sớm thì mình được nhiều thuận lợi. Thứ nhất mình bầu lúc nào cũng được, ngày nào cũng được” chứ “đến Ngày Bầu cử 3/11 giả sử như mình bị nhức đầu sổ mũi thì coi như bỏ luôn,” ông giải thích.
Kể từ khi qua Mỹ đến nay, ông Toại, người từng được học bổng của chính phủ Mỹ để theo học Tiến sĩ Kinh tế dưới thời Việt Nam Cộng hòa, cho biết ông chưa từng bỏ qua một kỳ bầu cử nào.
“Tôi nghĩ dân chủ không phải là môn thể thao mà mình đứng xem như một khán giả mà mình phải dấn thân vào nó thì mới có,” ông giãi bày.
“Người ta nói người dân như thế nào thì chính phủ như vậy. Nếu người dân không tha thiết với nền dân chủ thì chính phủ đó được bầu ra dễ trở thành độc tài,” người từng làm việc cho Ủy ban Thương mại Quốc tế của Hoa Kỳ nói.
Ông cho biết kỳ bỏ phiếu sớm lần này, ông cho phiếu vào phong bì và đem đến bỏ vào thùng phiếu đặt ở nơi cố định chứ không gửi qua bưu điện.
‘Ứng viên khác quá xa’
Ông Toại cho rằng kỳ bầu cử năm nay ‘quan trọng nhất trong nhiều năm trở lại đây’.
“Tại vì bây giờ hai người ra ứng cử Tổng thống khác biệt nhau một trời một vực, từ tư cách, đạo đức con người cho đến cách họ hành xử trong Quốc hội và ngoài đời, và trong lĩnh vực ngoại giao họ có qua niệm hoàn toàn khác biệt nhau,” ông lý giải.
Vấn đề chi phối nhiều nhất đến lá phiếu của ông trong thời điểm này là ‘tư cách đạo đức của ứng viên Tổng thống’ vàcương lĩnh ‘đảng nào thật sự quan tâm cho người lao động, đảng nào chỉ lo cho người giàu, cho Phố Wall’.
“Cùng đảng mình thì cũng có người hay, người dở, người xấu, người tốt. Còn nếu đảng bên kia có những người mặc dù trái chính kiến với mình nhưng họ là người đáng được tin tưởng thì mình cũng bầu cho họ vậy,” ông lập luận.
Ông cho biết ông bầu cho tất cả các nội dung trong phiếu bầu chứ không chỉ bầu Tổng thống. “Tất cả những vấn đề chính trị quan trọng nhất đối với mình là ở cấp địa phương,” cử tri này nhấn mạnh.
‘Tình hình lộn xộn’
Khác với ông Toại, ông Lưu Huy Cảnh, một cử tri ở hạt Fairfax, bang Virginia, chưa bao giờ đi bỏ phiếu sớm, nhưng năm nay thấy lo vì ‘nhiều cái lộn xộn’ như dịch bệnh, người ta đi bầu đông, nên ông quyết định ‘đi bỏ phiếu sớm cho nó chắc’.
Về hình thức bỏ phiếu, ông Cảnh nói: “Tôi không bao giờ bỏ phiếu qua thư cả vì tôi không tin chuyện đó.” Nhưng để tránh cảnh phải xếp hàng dài nơi đông người ngoài trời mưa nắng, ông chọn cách bỏ phiếu ở nhà, niêm phong và đem ra chỗ đặt thùng phiếu (drop-off box) để bỏ vào.
Cử tri này cho biết ông luôn tích cực đi bầu, hễ có bầu cử là ông đi, kể cả bầu cử giữa kỳ bầu Thượng viện, Hạ viện. “Nhiệm vụ của công dân là đi bầu,” ông nói.
Ông Cảnh nói lá phiếu của ông chú trọng đến dịch bệnh Covid-19 và kinh tế, còn những nội dung khác như Đạo luật chăm sóc sức khoẻ giá phải chăng (Obamacare) hay đòi quyền bình đẳng cho người da màu (Black Lives Matter) ông ‘không quan tâm’.
“Tôi muốn nước Mỹ phải hùng cường, không bị lép vế trước Trung Quốc,” ông chia sẻ.
VOA
0 comments