Bão số 9: Tất cả người sống ven biển cần được sơ tán; nhà cấp 4 có thể bị đánh sập
- 27/10/2020
Bão số 9 đã đạt cường độ cực đại vào chiều tối nay (27/10) đạt cấp 14, giật cấp 17. Ngoài gió giật, sóng biển sẽ cao từ 7-10m tùy nơi, nước biển sẽ dâng thêm 1m, gây sức càn quét rất lớn. Sơ tán là điều đang được chuyên gia khí tượng khuyến cáo hàng đầu, đối với tất cả người sống ven biển và người sống ở nơi không an toàn.
“Bão trên cấp 12 sức tàn phá rất khủng khiếp, nhà cấp 4 hầu như không thể trụ được”
Tham khảo từ Cơ quan khí tượng Philippines, nơi cơn bão số 9 (bão Molave) vừa đi qua, có gió mạnh cấp 12, nhà cấp 4 có kết cấu kém gần như bị phá hủy rất nhiều – ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết trong chiều 27/10.
Đài Nhật Bản cũng đưa ra dự báo bão số 9 mạnh nhất cấp 14 và trên đất liền gió mạnh cấp 12-13, giật cấp 15-16.
Phía Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định bão số 9 sẽ tương tự cơn bão Xangsane vào Đà Nẵng năm 2006, bão Sơn Tinh vào Nam Định năm 2012, bão Damrey năm 2017… mạnh cấp 12-13. Bão Sơn Tinh đã làm đổ tháp truyền hình Nam Định, gây phá hủy đê biển. “Nói chung, bão trên cấp 12 sức tàn phá rất khủng khiếp, nhà cấp 4 hầu như không thể trụ được”, ông Lâm đưa ra cảnh báo.
“Dự báo hiện nay, vùng trọng tâm chịu ảnh hưởng của bão là các tỉnh Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, và Bình Định với gió mạnh cấp 11-13, giật cấp 15. Nếu tình huống này xảy ra thì sức tàn phá của bão là cực kỳ khủng khiếp. Nhà cấp 4, cây cối… không thể chịu được, và đây sẽ là một trong những cơn bão mạnh nhất ở Việt Nam trong 20 năm qua”, ông Lâm nói.
Ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, nhắc lại cơn bão Damrey (bão số 12) năm 2017, gió mạnh cấp 9, giật cấp 12 đã gây ra những thiệt hại rất lớn cho các tỉnh khu vực nam Trung bộ. Nhưng dự báo, cơn bão số 9 còn có khả năng có gió mạnh lớn hơn cơn bão Damrey.
Chậm nhất tới 21h tối nay (27/10): Cần hoàn tất việc sơ tán người
Trả lời trên VTC14 chiều nay (27/10), TS Nguyễn Ngọc Huy, Cố vấn cấp cao về biến đổi khí hậu và giảm thiểu thiên tai của tổ chức Oxfam tại Việt Nam nhận định bão số 9 sẽ là một trong những cơn bão lớn nhất sẽ vào Việt Nam.
“Thậm chí có những số đo của cơn bão vượt quá những thang đo được xác định trước đây. Nó có thể mạnh hơn bão Xangsane (2006), mạnh hơn bão Damrey (2017)”, ông Huy nói.
Theo ông Huy phân tích, bão số 8 suy yếu nhanh khi vào bờ vì gặp phải áp cao của không khí lạnh, đặc biệt bờ biển của miền Trung giai đoạn đó đang thấp xuống khoảng 26-26,3 độ C, với nhiệt đó sẽ không hỗ trợ cho năng lượng của cơn bão, do đó nó sẽ phải trở thành áp nhiệt đới khi vào gần bờ.
Với bão số 9, tất cả những điều kiện đang tạo thuận lợi cho nó mạnh lên. Áp cao của không khí lạnh không còn, nhiệt độ mặt biển đã lên tới mức 27,5 – 28 độ C, thậm chí 29 độ C ở gần bờ sau khoảng hơn một tuần trời nắng và đốt nóng. Bão không gặp các sức cản trên đường đi. Tất cả những yếu tố đó tạo nên sức mạnh cho cơn bão và khó có thể giảm cấp.
Có một yếu tố làm cơn bão giảm cấp, đó là khi bão di chuyển quá nhanh, cấu trúc mây bị vỡ, phân tán. Đó chỉ là một xác suất để nó giảm cấp nhưng không thể giảm sâu.
Ông Huy cho biết với sức gió khi tiếp cận bờ với cấp 13, 14, thậm chí giật cấp 15, thì tất cả nhà lợp tôn đều có thể bị thổi bay mái, rất nhiều nhà cấp 4 có thể bị đánh sập. Đặc biệt, miền Trung trong thời gian vừa qua có rất nhiều ngôi nhà đã bị ngâm trong lụt, tường đã yếu.
“Thông điệp quan trọng nhất tôi muốn chia sẻ là: Sơ tán. Nếu xác định rằng không đủ an toàn ở nhà thấp, nhà yếu thì chúng ta phải sơ tán.” – ông Huy nhấn mạnh.
“Đối với lụt, chúng ta có thể chờ 1-2 ngày trên mái nhà để đợi cứu trợ, đợi được giải cứu. Nhưng với bão thì không. Với bão lớn như này, chúng ta không có cơ hội để đợi 1-2 ngày, thậm chí trong 1-2 tiếng cũng không thể gọi được cứu hộ. Do vậy, chủ động sơ tán trước khi bão đến nếu nhà mình không phải là nơi trú tránh an toàn.”
Vậy những ai cần sơ tán và sơ tán như thế nào?
Ông Huy cho biết thời gian bão số 9 đổ bộ sẽ sớm hơn dự kiến, vào lúc rất sớm của sáng sớm ngày mai, 28/10.
Do đó, việc sơ tán nên được hoàn thành vào 19h tối nay (27/10), chậm nhất là 21h và là sơ tán người. Ông Huy nhấn mạnh vào khoảng 8 tiếng đến 4 tiếng cuối cùng trước khi bão, chúng ta sẽ ưu tiên bảo vệ tính mạng thay vì ưu tiên bảo vệ tài sản.
“Trong việc sơ tán, chúng tôi khuyến cáo người dân tự sơ tán và sơ tán trong cộng đồng, tuyệt đối tuân theo lệnh sơ tán của chính quyền địa phương. Một điểm cực kỳ quan trọng mà tôi lưu ý là sơ tán nhưng không bỏ lại người ở phía sau. Nhóm người yếu thế cần được hỗ trợ. Với người khuyết tật, phụ nữ, trẻ em, người đơn thân, những người có hoàn cảnh neo đơn thì chính quyền địa phương, hàng xóm cần hỗ trợ.”
Một điều quan trọng, ông Huy cảnh báo: “Đối với các nhà ven biển ở vùng ven bờ, chính quyền nên áp dụng hình thức sơ tán hết, vì sóng biển sẽ cao từ 7-10m tùy nơi, nước biển sẽ dâng thêm 1m, đó là một sức càn quét rất lớn.”
Đổ bộ vào bờ biển từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi vào ngày 1/10/2006, bão Xangsane (tiếng Lào có nghĩa là con voi to) có sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13 (từ 134-149 km/h), giật trên cấp 13.Lần đầu tiên trong lịch sử ngành dự báo khí tượng thủy văn Việt Nam, rút kinh nghiệm từ bài học của cơn bão Chanchu, cơ quan chức năng đã sử dụng khái niệm cấp 13 và trên cấp 13 trong thang sức gió Beaufort.Bão làm 71 người chết và mất tích, hơn 500 người bị thương, gần 270.000 ngôi nhà bị hỏng nặng, 1.287 ha đất nông nghiệp hư hại, 65.000 gia cầm bị chết và hơn 700 thuyền đánh cá bị chìm.Ngày 4/11/2017, bão Damrey đổ bộ vào miền Trung, khiến hơn 4,3 triệu người bị ảnh hưởng, trong đó 123 người chết và mất tích, 342 người bị thương. Đây được xác định là cơn bão mạnh nhất trong hơn một thập niên trước đó.Bão Damrey và mưa lũ khiến 3.500 ngôi nhà bị phá hủy, hơn 300.000 nhà bị hư hại, gây ngập lụt nhiều diện tích lúa và hoa màu, cây ăn quả, hư hại nhiều công trình đê điều, giao thông… Tổng thiệt hại ước tính khoảng 22.700 tỷ đồng (khoảng 1 tỷ USD). Tin nhanh |
0 comments