Bão Molave áp sát Quảng Nam - Quảng Ngãi
VNExpress
Thứ tư, 28/10/2020
Sáng 28/10, bão Molave đã áp sát bờ biển từ Quảng Nam đến Phú Yên gây mưa lớn, gió mạnh quật đổ nhiều cây xanh, bảng quảng cáo...
- Bão Molave hình thành ngoài khơi Phillippines hôm 25/10
- Bão quét qua Philippines với sức gió 125 km/h khiến ít nhất hai người chết, 19 người mất tích
- Sáng 26/10, bão đi vào Biển Đông tăng lên cấp 17
- Tâm bão sẽ đổ bộ vào Quảng Ngãi khoảng 10h với cấp gió giật cấp 15 (150 km/h)
- Ngày 27/10/2020
- 8h50
Đại tá Lê Đình Hải, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146, Vùng 4 Hải quân, Chủ tịch UBND huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hoà) cho biết, bão Molave đã quét qua quần đảo 10 - 12h trưa 27/10 trước khi đổ bộ vào đất liền. Phía Bắc quần đảo bị gãy đổ một số cây tra, phong ba. Phía Nam quần đảo không bị ảnh hưởng nhiều. Do làm tốt công tác chuẩn bị nên cơ sở vật chất được đảm bảo. "Quân dân trên đảo hiện an toàn", ông Hải thông tin thêm hiện quần đảo vẫn có mưa từng cơn. Âu tàu Song Tử Tây có 30 tàu ngư dân tránh trú và 50 tàu đang neo đậu trong âu tàu Đá Tây.
- 8h30
Gió lớn dần, nhiều cây xanh ở TP Tam Kỳ ngã đổ
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam, gió mạnh hơn một giờ trước kèm theo mưa. Những ngôi nhà lợp mái tôn cảm nhận rõ từng đợt gió rít, mái nhà bị giật lên phát ra tiếng lớn. Trên nhiều tuyến phố Tam Kỳ cây xanh bị bão quật ngã. Tại đường Trần Nguyên Hãn, nhiều cây xà cừ mặc dù được chống đỡ nhưng bị bão quật ngã, gốc rễ nổi lên mặt đất. Một số tấm biển pano quảng cáo bị hất bay.
Cách thành phố Tam Kỳ 5 km, anh Võ Đình Giang, xã Ta Đàn, huyện Phú Ninh cho biết, trời đang mưa to, gió thổi mạnh, cây cối bị nghiêng ngã. "Người dân không ra khỏi nhà, họ được sơ tán đến những nhà kiên cố chờ bão qua", anh Giang nói.
- 8h30
Tâm bão cách Quảng Ngãi khoảng 85 km
Theo Trung tâm khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 8h, tâm bão Molave cách Đà Nẵng khoảng 195 km, cách Quảng Nam khoảng 125 km, cách Quảng Ngãi khoảng 85 km, cách Bình Định khoảng 112 km, cách Phú Yên 190 km. Sức gió mạnh nhất cấp 12 (115- 135 km/h), giật cấp 15.
Do ảnh hưởng của bão số 9, tại Lý Sơn đã đo được gió mạnh cấp 10, giật cấp 12.
Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20- 25 km/h.
Hai tàu cá chìm trên vùng biển Khánh Hòa, 26 ngư dân mất tích, hiện chưa liên lạc được.
- 8h10
Tại Đà Nẵng, mưa bắt đầu lớn, gió giật liên hồi. Trong căn nhà trên đường Hoàng Hoa Thám (quận Thanh Khê), anh Hiếu (29 tuổi) cảm nhận mái tôn ở tầng ba bị gió đánh vào "ầm ầm". "Tôi có cảm giác như nhà bị tốc mái một góc rồi, nhưng gió bão thế này không thể lên kiểm tra", anh nói.
Ở khu vực xung quanh, gió cũng quật nhiều cây xanh nghiêng ngả. Ở khu vực trước trường tiểu học Trần Cao Vân (trên đường Hoàng Hoa Thám), một cây bàng không được cắt tỉa trước bão có nguy cơ bị gãy trước những đợt gió lớn. Trên nhiều tuyến phố lớn như Lê Duẩn, Hàm Nghi... nhiều người không dám ra đường.
Đà Nẵng đã cấm đường từ 20h ngày 27/10. Lực lượng chức năng dựng nhiều barie ngăn cầu sông Hàn, cầu Thuận Phước, tầng 3 cầu vượt Ngã Ba Huế..., chỉ chừa lại cầu Rồng để những xe làm nhiệm vụ phòng chống bão có thể đi qua. Đêm qua, một số ngư dân ở lại tàu thuyền đã neo đậu tại âu thuyền Thọ Quang để trông coi tài sản, đã được lực lượng chức năng kiên quyết đưa lên bờ.
Họp với sở chỉ huy tiền phương tại Đà Nẵng sáng 28/10, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nói người dân yên tâm sơ tán, tuyệt đối không tự ý trở về nhà khi bão chưa tan. Chính quyền đã giao lực lương công an có trách nhiệm bảo vệ tài sản cho người dân yên tâm tránh bão; tại các điểm sơ tán, địa phương phải cung cấp đủ lương thực, nước uống cho người dân.
Phó thủ tướng đặc biệt lưu ý chính quyền cơ sở, các lực lượng phải đảm bảo an toàn cho các điểm sơ tán, nhất là tại các công trình có mảng tường kính lớn, dễ bị gió giật vỡ gây nguy hiểm.
- 8h10
Gia Lai, Kon Tum bắt đầu mưa to
Đêm qua, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai bắt đầu xuất hiện mưa nhỏ, đến sáng nay mưa nặng hạt hơn, gió to. Đường phố vắng người qua lại. Trên đường Hai Bà Trưng, một số cây đã bị ngã đổ.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh cho hơn 400.000 học sinh từ mầm non đến THPT nghỉ học một ngày để ứng phó trước tình hình diễn biến phức tạp của bão số 9.
Trong khi đó ở Kon Tum, bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 9, hơn 160.000 học sinh toàn tình được nghỉ học 2 ngày.
Nhưng tại trường THPT Duy Tân, TP Kon Tum, từ 7h sáng hàng trăm học sinh vẫn đội mưa đến lớp. Nhiều em được cha mẹ chở đến trường trong bộ áo mưa che kín. Khoảng 30 phút sau hay tin nhà trường thông báo nghỉ học, hàng trăm phụ huynh hối hả quay lại trường đón con về nhà.
- 8h00
TP Tuy Hoà, Phú Yên sáng nay mưa tầm tã, gió rít liên hồi. Những hàng cây dọc đường Nguyễn Tất Thành, Hùng Vương, Nguyễn Du... bị gió cuốn nghiêng ngả.
Quán sá, đường phố vắng vẻ, nhiều cửa hàng đóng cửa. Nhiều người dân sống trên đường Nguyễn Tất Thành căng dây, đưa lốp xe lên mái tôn để chằng chống nhà cửa.
Anh Trương Công Đồng, 41 tuổi, chủ cửa hàng sửa xe ở thành phố đóng tiệm do bão nhưng ôtô của một người đi đường thủng bánh, gọi vào điện thoại nên hỗ trợ. "Thấy họ gặp khó, mình giúp đỡ chứ hôm nay đóng cửa để đảm bảo an toàn", anh Đồng nói.
Hai xe tăng thiết giáp chở đoàn phòng chống lụt bão của Bộ Quốc phòng đã xuất phát tự Trạm 99 - TP Tuy Hòa đi kiểm tra công tác phòng chống lụt bão trên địa bàn tỉnh. Thượng tướng Trần Quang Phương - Phó chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, dẫn đầu đoàn kiểm tra.
Theo Ban chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Phú Yên, hiện chưa ghi nhận sự cố về người, nhưng có 29 xã, phường, thị trấn ở thị xã Sông Cầu, huyện Tuy An, huyện Đông Hoà, TP Tuy Hoà bị mất điện.
- 7h58
Hàng loạt cây xanh đổ ngã do gió quật trên đường Xuân Diệu, TP Quy Nhơn. Từ 7h sáng nay, toàn thành phố Quy Nhơn đã cúp điện.
- 7h37
Tại TP Tam Kỳ, Quảng Nam có mưa nhỏ, gió giật cấp 6. Gió giật từng đợt khiến cây cối uốn cong, những ngôi nhà lợp bằng mái tôn rung bật, phát ra tiếng lớn. Toàn thành phố điện đã cắt điện, trên các tuyến đường không có người qua lại. Hiện chưa ghi nhận thiệt hại nào. Tại khối phố Mỹ Thạch, phường Tân Thạnh người dân ở nhà cấp bốn di chuyển qua nhà tầng kiên cố của hàng xóm để trú ngụ.
- 7h30
Tại khu vực xã Bình Hải, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi từ 7h có gió rất lớn, liên tục đập vào mái nhà tạo thành tiếng rít. Các con đường vắng người qua lại. Nhiều dãy hàng quán ven biển bị gió cuốn tung mái che, cây đổ chắn ngang đường.
Dọc bờ biển sóng biển đánh vào bờ cao 5 m. Ông Nguyễn Khắc Hiếu, một người dân sống lâu năm ở đây cho biết mức sóng này vẫn chưa phải lớn nhất. "Nếu bão vào sóng lớn có thể hất thuyền", ông Hiếu nói.
- 7h20
Tại tỉnh Quảng Ngãi, anh Đỗ Trường Chinh (44 tuổi) ở xã Tịnh Khê đưa gia đình 5 người lên trú bão tại một khách sạn tại trung tâm TP Quảng Ngãi từ chiều 27/10. Sáng nay, anh nghe báo nước biển ở khu vựa gần nhà cao 3-4 m, tràn qua đường dân sinh. "Dù ở nơi an toàn nhưng tôi rất lo khi thấy mưa bão quá lớn. Nhà cửa ghe thuyền vẫn còn ở dưới biển", anh Chinh nói.
- 7h15
Khánh Hòa chặn xe trên quốc lộ 1A tránh bão
Quốc lộ 1A đoạn từ đèo Cổ Mã (giáp Phú Yên) tới trạm thu phí Cam Ranh đang bị chặn khiến xe cộ ùn ứ hai đầu Bắc Nam. Theo các tài xế, việc chặn xe bắt đầu từ 3h để đảm bảo an toàn, tránh xe qua lại khu vực tâm bão Movale.
- 7h05
Tại Thăng Bình, Quảng Nam, 3 tiếng trước khi bão đổ bộ, trời tạnh mưa, nhưng gió rít từng hồi. Trước cổng UBND xã Bình Minh, một số pano, biển quảng cáo bị gió làm xô lệch. Từ 6h, người dân sơ tán đã dậy ăn mì tôm, cháo, phở gói chuẩn bị sẵn. Chính quyền liên tục khuyến cáo "10h bão sẽ đổ bộ, bà con ở yên trong phòng, hạn chế đi lại". Dân quân bê thêm những tảng xi măng đúc sẵn chèn chống cửa kính, tránh gió làm va đập.
Ngồi ngoài hành lang, bà Nguyễn Thị Mau (66 tuổi, trú thôn Hà Bình) nói: "Mấy chục trận bão, năm ni mới bị ủy ban đưa đi". Đêm qua, chính quyền Bình Minh đã đưa 8 người trong gia đình bà Mau từ hầm trú ẩn sơ tán lên trụ sở uỷ ban.
- 7h00
Sáng sớm nay, tại bờ biển Quy Nhơn gió giật mạnh liên hồi. Cửa khách sạn, nhà dân gần biển rung lắc. Không một ai dám ra đường. Trên đường Xuân Diệu dọc biển, một vài cây xanh bị ngã. Sóng biển cuồn cuộn dâng cao. Tỉnh Bình Định đã có khuyến cáo người dân không được đi ra đường từ tối qua để tránh nguy hiểm.
Trong khi đó, từ tối qua, đảo Lý Sơn có gió cấp 9 - 10, sóng biển cao 4 -5. Gió lớn rít qua các hàng cây, nhà mái tôn khiến người dân lo lắng. Một số nhà dân đã bị tốc mái.
Hiện TP Quảng Ngãi bắt đầu mưa lớn, gió mạnh hơn. Các bảng quảng cáo, canh xanh rung lắc dữ dội, nhiều tấm tôn mái hiên đã bị gió thổi bay.
- 6h30
Lúc 4h sáng 28/10, tâm bão Molave cách Đà Nẵng khoảng 305 km, cách Quảng Nam 240 km, cách Quảng Ngãi 200 km, cách Phú Yên 195 km. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão cấp 13 (135-150 km/h), giật cấp 16.Dự báo trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 25 km/h.
Do ảnh hưởng của bão, tại Lý Sơn (Quảng Ngãi) đã đo được gió mạnh cấp 8, giật cấp 11. Các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Phú Yên đã có mưa to với lượng mưa phổ biến 50-120 mm.
Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20-25 km, đi vào đất liền từ Đà Nẵng đến Phú Yên với sức gió mạnh nhất cấp 12-13, giật cấp 15 sau đó suy yếu dần.
Đến 13h hôm nay, tâm bão trên đất liền các tỉnh từ Quảng Nam đến Bình Định và Bắc Tây Nguyên. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 (75-90 km/h), giật cấp 12.
- Ngày 26/10/2020
Bão Molave hình thành ngay sau bão Saude, từ một áp thấp nhiệt đới ở phía Đông Phillippines với sức gió mạnh nhất 75 km/h, cấp 8.
Bão Molave sau đó đã mạnh lên và quét qua Phillippines hôm 25/10 với sức gió 125 km/h, giật 180 km/h khiến ít nhất hai người chết và 19 người mất tích, nhiều ngôi làng ngập trong nước lũ và gần 100.000 người dân phải sơ tán.
Khi vào Biển Đông, bão Molave tiếp tục mạnh lên với sức gió 164 km/h (cấp 14, giật cấp 17) do gặp nhiều yếu tố thuận lợi như: không có chướng ngại vật, nước biển ấm, áp cao không khí lạnh suy yếu.
Cơ quan khí tượng thủy văn quốc gia nhận định Molave sẽ là cơn bão mạnh nhất 20 năm qua với ba đặc điểm nguy hiểm: tốc độ di chuyển rất nhanh, cường độ rất mạnh, phạm vi ảnh hưởng diện rộng.
Với cấp gió giật 150 km/h khi ở gần bờ, bão Molave có thể so sánh với bão Damrey đổ bộ Nha Trang năm 2017. Cơn bão ba năm trước khiến hơn 100 người chết và hàng trăm nghìn căn nhà bị hư hỏng, tổng thiệt hại khoảng 22.000 tỷ đồng ở các tỉnh Nam Trung Bộ.
Để phòng tránh thiệt hại, Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng đã thông báo cho 45.000 tàu thuyền, với 229.290 lao động biết diễn biến của bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Hôm qua, hai tàu cá Bình Định trên đường vào đất liền tránh bão bị phá nước, chìm xuống biển khiến26 ngư dân mất tích.
Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo các đơn vị đóng quân từ Hà Tĩnh đến Bình Thuận triển khai lực lượng với gần 370.000 người, hơn 3.500 phương tiện để ứng phó với bão.
Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên là các tỉnh thành được dự báo bị ảnh hưởng nặng khi bão Molave đổ bộ đều đã cấm biển. Chiều hôm qua, 6 tỉnh này đã sơ tán gần nửa triệu người.
Gia đình ở Quảng Nam đào hầm tránh bão Molave
Sáng 27/10, anh Phạm Tuấn, 39 tuổi, xã Bình Minh, huyện Thăng Bình cùng gia đình đào hầm tránh bão sâu 2 m, rộng khoảng 5 m2.
0 comments