Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Việt Nam – 12/09/2020

Saturday, September 12, 2020 6:00:00 PM // ,

Tin Việt Nam – 12/09/2020

Vì sao phiên xét xử vụ án Đồng Tâm phải rút ngắn hơn dự kiến? – Diễm Thi, RFA

Cắt ngắn phần tranh tụng
Sáng ngày 7 tháng 9 năm 2020, Tòa án Nhân dân Thành phố Hà Nội mở phiên tòa hình sự sơ thẩm xét xử 29 người dân Đồng Tâm. Họ bị cáo buộc đổ xăng thiêu chết ba sĩ quan công an mà theo cơ quan chức năng là đến làm nhiệm vụ ở xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội vào rạng sáng ngày 9 tháng 1.
Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 10 ngày. Thẩm phán Trương Việt Toàn làm Chủ tọa phiên tòa. Hai kiểm sát viên Viện Kiểm sát Nhân dân thành phố Hà Nội được phân công thực hành quyền công tố và giám sát hoạt động xét xử tại phiên tòa. Hơn 30 luật sư đăng ký tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các bị cáo tại phiên tòa.
Tuy dự kiến diễn ra 10 ngày nhưng đến chiều ngày 10 tháng 9, phiên xét xử sơ thẩm này đã kết thúc phần tranh luận và cho các bị cáo nói lời sau cùng. Hội đồng Xét xử tuyên bố nghỉ để nghị án. Dự kiến chiều thứ hai, ngày 14 tháng 9 năm 2020 tòa sẽ tuyên án.
Trước đó, chỉ sau hai ngày thẩm vấn, sáng ngày 9 tháng 9, Viện Kiểm sát nhân dân TP.Hà Nội đã đề nghị hai án tử hình với tội danh ‘Giết người’ đối với ông Lê Đình Công và ông Lê Đình Chức; án chung thân với ông Lê Đình Doanh với cùng tội danh.
Theo những người quan tâm vụ án thì một phiên tòa với 29 bị cáo, có đề nghị mức án cao nhất là tử hình, mà lại kết thúc chỉ sau bốn ngày xét xử là quá nhanh. Vậy phiên tòa có cắt ngắn quy trình tố tụng hay không?
Luật sư Hà Huy Sơn, một trong các luật sư bảo vệ pháp lý cho các bị cáo nêu quan điểm của ông:
“Theo tôi, phiên tòa kéo dài thì thường ở phần tranh tụng giữa người bào chữa với bên công tố, có cả đại diện các bên có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng. Phiên tòa này bị cắt ngắn vì không có những người đó. Điều tra viên và giám định viên cũng không được triệu tập nên không có người để cho các luật sư hỏi và chất vấn. Chính vì vậy phiên tòa bị cắt ngắn nhiều.
Trong phần đối đáp giữa luật sư và Viện kiểm sát thì Viện kiểm sát chỉ đối đáp tóm gọn có một lần thế thôi chứ không đối đáp tất cả các chất vấn của luật sư. Tôi cho rằng phần này bị cắt ngắn bởi chủ tọa. Còn các thủ tục khác thì tương đối đầy đủ.”
Luật sư Ngô Anh Tuấn cho rằng, quy trình tố tụng thì đầy đủ tất cả các bước. Vấn đề là mỗi bước diễn ra quá nhanh hoặc bị cắt bớt, chẳng hạn như phần đối đáp giữa luật sư và Viện kiểm sát. Ông giải thích:
“Phần tranh luận luôn luôn là phần người ta chờ đợi nhất trong một phiên tòa thì nó lại ngắn nhất. Đáng lẽ nó phải diễn ra một cách công bằng và dân chủ cho các bên, bên buộc tội và bên gỡ tội. Tuy nhiên bên buộc tội thì làm và nói rất ít.
Có việc này tôi cũng rất ghi nhận, đó là khi hết phần đối đáp lần đầu tiên thì vị đại diện viện kiểm sát, ông Đặng Hoàng Giang có nói rằng nếu các luật sư cần đối đáp thì chúng tôi sẵn sàng đối đáp với các luật sư.
Khi họ gợi ý như thế thì chúng tôi đối đáp rất nhiều với Viện kiểm sát. Tuy nhiên, ông chủ tọa phiên tòa bất ngờ tuyên bố họ thấy không cần thiết nữa và cắt luôn phần đối đáp của Viện kiểm sát mà không cần phải hỏi Viện kiểm sát là có muốn đối đáp tiếp hay không. Ông chủ tọa hơi vượt quá quyền của mình.”
Theo cáo trạng, mặc dù biết rõ đất cánh đồng Sênh, xã Đồng Tâm là đất quốc phòng đã được Thanh tra thành phố Hà Nội và Thanh tra Chính phủ kết luận, nhưng từ năm 2013, ông Lê Đình Kình đã cùng các ông Lê Đình Công, Bùi Viết Hiểu, Nguyễn Văn Tuyển thành lập “Tổ đồng thuận” với mục đích chiếm lại đất đồng Sênh chia nhau.
Rạng sáng 9 tháng 1 năm 2020, khi lực lượng công an đến chốt cổng làng thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bảo vệ mục tiêu theo kế hoạch đã đề ra thì ông Lê Đình Chức đẩy ba công an xuống hố và ông Lê Đình Doanh châm lửa đốt chậu xăng bưng hất xuống hố…
Vào lúc đó, tổ công tác phát hiện thấy ông Lê Đình Kình đang cầm một quả lựu đạn và hô hào chống đối nên đã bắn tiêu diệt.
Trong khi đó, theo người dân Đồng Tâm thì rạng sáng ngày 9 tháng 1 năm 2020, chính quyền Hà Nội đã huy động hàng ngàn quân có trang bị vũ khí và chó nghiệp vụ đến thôn Hoành, xã Đồng Tâm để bắt giữ những người dân phản đối việc cưỡng chế đất nông nghiệp ở khu đồng Sênh. Họ giết chết ông Lê Đình Kình và bắt đi 29 người dân.
Một luật sư khác trong nhóm các luật sư bảo vệ các bị cáo Đồng Tâm đánh giá đây là phiên tòa phức tạp với nhiều tình tiết cần làm sáng tỏ, thế nhưng phần đối đáp giữa các luật sư và Viện kiểm sát đột ngột bị cắt bởi vị chủ tọa phiên tòa. Phiên xử diễn ra quá ngắn so với dự kiến nên không có thời gian đối đáp nhiều và các luật sư chỉ hỏi được khoảng 30% những câu muốn hỏi.
Không triệu tập những người liên quan
Ngoài yêu cầu dựng lại hiện trường vụ án, các luật sư còn đề nghị triệu tập hơn 20 cơ quan và cá nhân có liên quan trách nhiệm trong sự kiện Đồng Tâm. Chẳng hạn như triệu tập ông Lương Tam Quang, Thứ trưởng Bộ công an; ông Nguyễn Đức Chung, nguyên Chủ tịch Thành phố Hà Nội; đại diện Thành ủy Hà Nội; chỉ huy của các đơn vị quân đội như Lữ đoàn 28 công binh thuộc Quân chủng Phòng quân Không quân; Công an thành phố Hà Nội; trung đoàn Cảnh sát thủ đô; Bộ Tư lệnh Cảnh sát Cơ động thuộc Bộ công an; bà Dư Thị Thành là vợ ông Lê Đình Kình và cô Nguyễn Thị Duyên là vợ bị cáo Lê Đình Uy…
Tuy vậy, vị chủ tọa phiên tòa nói rằng họ thấy không liên quan nên họ không triệu tập. Chỉ có hai cá nhân đại diện cho hai đơn vị là ông Phó chủ tịch Ủy ban xã Đồng Tâm và đại diện cho Ủy ban Nhân dân Huyện Mỹ Đức là có mặt.
Nhận xét về điều này, Luật sư Hà Huy Sơn cho rằng, theo luật thì cũng không cấm việc từ chối triệu tập nếu họ thấy không cần thiết. Nhưng để có một bản án thuyết phục thì cần phải triệu tập đầy đủ các thành phần. Phải có cả chuyên gia về các lãnh vực như chất cháy, vũ khí…. Nếu không triệu tập đầy đủ thì bản án khó mà thuyết phục được mọi người.
Cũng cùng quan điểm, Luật sư Ngô Anh Tuấn nhận xét thêm rằng, vấn đề này thuộc về mặt chủ quan của Hội đồng Xét xử. Có nghĩa là họ cảm thấy cần thiết hay không là quyền của họ. Các luật sư gỡ tội thì thấy như vậy là chưa đầy đủ và tố tụng cũng chưa đầy đủ. Nhất là việc dựng lại hiện trường. Ông Tuấn nói:
“Đối với một vụ án có chết người, có án tử hình thì nhất thiết phải dựng lại hiện trường. Tại sao người ta không làm? Thực tế là vì người ta không muốn vụ án được kéo dài. Vấn đề truyền thông thì truyền thông nhà nước có vẻ đang hụt hơi so với truyền thông mạng xã hội cho nên có thể họ không hài lòng. Việc cắt ngắn phiên tòa cũng có thể vì một trong những nguyên nhân đó.”
Theo thông tin từ các luật sư mà RFA trò chuyện, với kế hoạch của công an thành phố Hà Nội đột kích vào Đồng Tâm mà trong cáo trạng có đề cập, các luật sư đề nghị phải khởi tố tại tòa vụ án giết người mà nạn nhân là ông Lê Đình Kình theo Đơn Tố Giác Tội Phạm của bà Dư Thị Thành hồi tháng 3 năm 2020. Có ba luật sư được bà Thành viết giấy mời hỗ trợ pháp lý là Luật sư Ngô Anh Tuấn, Luật sư Đặng Đình Mạnh và Luật sư Lê Văn Hòa.
Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ Đồng Tâm, hôm 10 tháng 9, các luật sư bên gỡ tội đã đề nghị Viện Kiểm sát công bố một bản kế hoạch được cho là thuộc diện “tối mật” của Công an Hà Nội liên quan đến cuộc đột kích vào thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội hôm 9 tháng 1 năm 2020.

CSGT bị tố vụt gậy vào mặt người vi phạm:

 Công An Tuyên Quang nói gì?

Quang Minh
Ngày 11/9, trên mạng xã hội xuất hiện đoạn clip dài hơn 5 phút quay lại việc một thanh niên tố cảnh sát giao thông đã vụt gậy vào mặt vợ anh ta để dừng xe. Sau đó, thanh niên này tỏ ra bức xúc và yêu cầu tổ công tác đưa vợ mình lên cơ sở y tế…
Báo VTC đưa tin, sáng 12/9, Trung tá Đào Đức Phương – Đội trưởng Đội CSGT huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang) cho biết, đơn vị đã nắm được thông tin về vụ việc người dân tố CSGT gây thương tích và cho các cán bộ liên quan báo cáo làm rõ sự việc.
Theo Trung tá Phương, ngày 11/9, CSGT Công an huyện Chiêm Hóa thực hiện nhiệm vụ tuần tra kiểm soát tuyến đường QL3B từ thị trấn Vĩnh Lộc đi xã Yên Nguyên.
Khoảng 7h30, tổ công tác tuần tra kiểm soát tại Km 267 + 300 thuộc thôn Cầu Cả, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang thì phát hiện 2 xe máy chạy với tốc độ cao theo hướng TP. Tuyên Quang đi Chiêm Hóa.
Xe máy đi trước mang BKS 22B1-190.15 do chị Nông Thị Mai (SN 1999, trú tại xóm 6, xã Tràng Đà, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) chở theo chồng là anh Nguyễn Đức Giang đi trước. Đi phía sau là xe gắn máy do anh Nông Đức Anh (SN 2003, trú tại xóm 23, xã Kim Phú, TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang) cầm lái.
Tổ công tác nhận thấy xe 22B1-190.15 không có gương chiếu hậu và chạy với tốc độ cao, có dấu hiệu vi phạm Luật Giao thông nên anh Đoàn Như Luận – Tổ viên của Tổ công tác đã dùng gậy chỉ huy giao thông ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra.
Lúc này, chị Nông Thị Mai không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng cảnh sát giao thông mà lao thẳng xe vào vị trí anh Đoàn Như Luận đứng khiến anh Luận phải nhảy lùi về phía sau tránh và tiếp tục tăng ga bỏ chạy về hướng Chiêm Hóa.
Một lúc sau thì anh Giang chở chị Mai quay xe lại và tố CSGT vụt gậy vào mặt vợ mình. Quan sát thấy chị Mai bị thương ở vùng mặt nên tổ công tác đã đưa chị đến Trung tâm Y tế huyện Chiêm Hóa để kiểm tra vết thương và điều trị.
Trao đổi với Báo Dân Trí, Trung tá Đào Đức Phương cho biết “Hiện đơn vị đang phối hợp với Đội điều tra Tổng hợp, Công an huyện Chiêm Hóa tiếp tục điều tra, làm rõ vụ việc từ thông tin phản ánh của người dân. Chúng tôi nhất định sẽ làm rõ vấn đề này, nếu có vi phạm sẽ xử lý công khai vụ việc”

Phát hiện hai container chở lậu “chất lạ” màu đen

nghi là kim loại quý sang Trung Cộng

Tin Vietnam.- Báo Thanh niên ngày 11 tháng 9 năm 2020 loan tin, công an thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh vừa phát hiện 2 xe container chở lậu những chất lạ màu đen sang Trung Cộng tại khu vực cầu Bắc Luân 2.
Theo công an Móng Cái, 2 xe container này đã làm tờ khai những chất màu đen trong thùng chứa là giấy cuộn xuất cảng sang Trung Cộng. Tuy nhiên, trong lúc chủ xe chuẩn bị làm thủ tục tại khu vực cửa qua thì bị cơ quan nghi ngờ nên đã kiểm tra thì phát hiện bên trong những cuộn giấy là một lượng lớn bột mịn màu đen.
Đại diện Hải quan tỉnh Quảng Ninh cho biết, trên bao bì của lô hàng giấy cuộn xuất sang Trung Cộng ghi chủ hàng là Nguyễn Văn Trường, ở xã Sơn Nam, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Hiện tỉnh Quảng Ninh đã đưa mẫu của chất trên đi giám định, còn đại diện đồn Biên phòng cửa qua quốc tế Móng Cái thì đoán rằng số bột mịn trên là quặng đen.
Còn dư luận cho rằng, có thể bột mịn màu đen trên là cát đen. Theo thông tin trên internet, cát đen là hỗn hợp của loại cát mịn bóng có màu đen và có một ít từ tính, trong cát đen thường chứa nhiều các kim loại quý có giá trị như các nguyên tố đất hiếm, thori, titan, vônfram, zirconi, và các nguyên tố khác. Ở Việt Nam, cát đen đã được tìm thấy ở nhiều tỉnh Việt Nam.
An Nhiên

Đồng Tâm: Những hy sinh cần thiết

Nguyễn Hữu Vinh (Ba Sàm)
Phiên tòa sơ thẩm xét xử 29 bị cáo trong vụ án Đồng Tâm sắp kết thúc.
Sẽ có một bản án tương tự với bản cáo trạng, hay sẽ thêm chút “nhẹ tay” hơn, thậm chí không có bản án tử hình nào?
Tất cả đều phản ánh phần nào sức mạnh công luận; ở chiều ngược lại là thể hiện sự lúng túng trong thứ quyền lực tuyệt đối đang cố gia tăng trong thế ngày càng nguy ngập.
Nhớ lại vụ Cống Rộc – Đoàn Văn Vươn
Quá nhiều những bức bối, căm phẫn chồng chất từng ngày bao năm nay về đất đai khiến cả chính quyền lẫn công luận như thể đã lãng quên sự kiện chấn động nhất trong lịch sử Việt Nam hiện đại về tranh chấp đất đai 8 năm trước.
Lẽ ra nó phải là bài học lớn cho chính quyền để xử lý vụ Đồng Tâm, bởi có những tình tiết quá giống nhau giữa hai vụ án. Cũng tranh chấp đất, cũng dùng lực lượng vũ trang mở “chiến dịch” tấn công những nông dân yếu ớt, rồi thiệt hại nặng vì bị họ chống trả quyết liệt, và cũng phạm luật ở chính người nhà nước.
Có điều, với Cống Rộc, phải nói rằng ông Thủ tướng khi đó đã tỏ ra quyết đoán, tỉnh táo. Ngay mấy ngày đầu, dường như ông đã chỉ đạo chính quyền địa phương phải “nghiêm trị” kẻ chống đối chính quyền. May thay, báo chí nhà nước vào cuộc quá nhanh, mà như thể không có sự “định hướng” kịp thời nào từ tuyên giáo, đã lên tiếng bênh vực anh em nhà nông dân Đoàn Văn Vươn.
Ngoài ra, cũng phải kể đến vai trò của (cố) Chủ tịch nước Lê Đức Anh, và một số vị cựu quan chức khác, chỉ sau ít ngày đã lên tiếng phản đối chính quyền Hải Phòng trong vụ việc.
Còn dư luận bênh vực cho gia đình Đoàn Văn Vươn trên mạng tự do, của bao nhiêu nhân sĩ trí thức, cả cựu tướng công an v.v. thì khỏi phải nói.
Lập tức, Chính phủ đã “xoay trục” (?), có sự chỉ đạo địa phương, rồi một tháng sau có cuộc họp báo yêu cầu kỷ luật các cấp ở Hải phòng.
Kết cục, như một lối “giảng hòa”, cả người nhà nước lẫn những nông dân trong vụ án đều phải chịu hậu quả nhưng nhẹ hơn so với phán đoán chung.
Thế nhưng, có một thứ quan trọng không được xử lý, nên mới góp phần không nhỏ để có hôm nay – Đồng Tâm.
Lãng quên nên mới có Đồng Tâm
Thứ “lãng quên”, “không được xử lý” đó chính là về vai trò “thanh bảo kiếm của Đảng”.
Một vụ tấn công trái luật, mà chỉ chính quyền huyện Tiên Lãng phải chịu trách nhiệm, còn lực lượng công an, quân đội tham gia thì “vô can”.
Ông Đại tá Đỗ Hữu Ca lớn giọng tự ngợi ca đó là một trận “đánh đẹp”, để rồi ngay trước phiên tòa phúc thẩm xử Đoàn Văn Vươn, ông được phong hàm thiếu tướng.
Ở vụ Cống Rộc, lực lượng công an bị “mất mặt” quá nặng. Họ không những sai mà còn bộc lộ năng lực chuyên môn quá yếu kém.
Nhưng ở Đồng Tâm năm 2017, có lẽ họ còn cảm thấy “mất mặt” gấp ngàn lần. Đó chính là mấu chốt quan trọng khó tả để đem tới hậu quả 9/1/2020.
Nếu có sự kiểm điểm nghiêm khắc trong nội bộ, có chỉ đạo ở trên, có kỷ luật, thậm chí bản án cho những người tham gia tấn công vào khu nhà đất của anh em Đoàn Văn Vươn khi đó, thì chắc chắn sẽ là một cảnh báo cho lực lượng này chớ quá lạm dụng quyền lực.
Tiếc thay đã không có điều đó, thậm chí còn ngược lại.
Từ đó nảy sinh chủ quan, kiêu ngạo, để rồi khi bị “vỗ mặt”, chất “kiêu binh” nổi lên ngùn ngụt, dẫn tới tai họa chồng chất. Sai lầm nối tiếp sai lầm!
Chưa dừng ở đó, sau 9/1 lại tiếp tục những sai lầm cho tới phiên tòa sơ thẩm …
Phải chặn đứng chuỗi sai lầm
Ít nhất vụ Đồng Tâm này là sai lầm thứ ba của ngành công an ở tầm mức quốc gia, quốc tế trong ngót nửa thế kỷ qua.
Trong hai sai lầm nghiêm trọng trước đây, đều có vai trò của lãnh đạo ngành công an, nhưng đã không có việc rút kinh nghiệm nghiêm túc, không có kỷ luật nghiêm khắc. Nay không thể cứ tái diễn được.
Một câu hỏi quan trọng cần đặt ra là, liệu có hay không các cấp cao nhất của Đảng, Nhà nước tham gia quyết định “xử lý” với Đồng Tâm ngày 9/1? Và nếu có thì họ có được báo cáo đầy đủ, chính xác toàn bộ sự việc cả trước và sau vụ tấn công hay không?
Nếu CÓ thì e rằng các lãnh đạo đã một lần nữa “nương tay” với công cụ chuyên chính của mình; để rồi phải chịu búa rìu dư luận và lòng tin của dân thêm mất mát.
Nếu KHÔNG thì lúc này là thời cơ tốt nhất để thể hiện rõ sự sáng suốt, kiên quyết chỉnh đốn thứ công cụ đó.
Một câu hỏi nữa không kém phần quan trọng là có hay không chuyện lợi ích kinh tế “không trong sáng” đằng sau vụ việc Đồng Tâm (kể cả vụ Cống Rộc).
Kết quả phiên sơ thẩm, rồi phúc thẩm có thể hé lộ phần nào gợi ý cho hai câu hỏi trên. Còn sau đó, có hay không việc xử lý trong nội bộ ngành công an, sẽ góp thêm phần cho câu trả lời.
Công cuộc đấu tranh chống tham nhũng của Đảng do TBT-CTN Nguyễn Phú Trọng dẫn dắt rất cần vai trò của ngành công an, nhưng phải là lực lượng mạnh và trong sạch.
Muốn vậy, không thể cứ kiểu “đóng cửa bảo nhau”, trong khi lòng dân thì không thuận, đầy nghi ngại trước những vụ án quan chức tham nhũng bởi cách xử lý chưa triệt để.
Những hy sinh của bao nông dân, từ tiền của cho tới con người qua các vụ án này, dẫu có đớn đau, nhưng đáng trân trọng và cũng là cần thiết cho cuộc chiến chống tham nhũng, đòi hỏi nhà nước có những chính sách đúng đắn về đất đai và các quyền tự do dân chủ.
Những “mất mát” về con người của người nhà nước, ngành công an, một khi họ lạm quyền, phạm luật trong những vụ việc thế này là rất đáng phải có, để giảm bớt bức xúc trong dân, tạo lập niềm tin, hy vọng.
Chẳng lẽ chỉ người dân phải chịu hy sinh, còn người nhà nước thì cứ muốn “chiến thắng” mãi sao?
“Bảo kiếm” không được thường xuyên mài dũa, không có người điều khiển sáng suốt, “chém” không trúng kẻ thù – “giặc nội xâm”, lại vào dân lành mà mình đáng ra “phải kính trọng, lễ phép”, thì nguy to.
* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Ban bố tình trạng khẩn cấp

về sạt lở rạch Cái Sắn, An Giang

Chính quyền tỉnh An Giang ra quyết định về ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn, từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá ở phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam, vào ngày 11/9, dẫn lời của Phó Chủ tịch ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang, ông Trần Anh Thư cho biết quyết định vừa nêu được ban hành vào chiều ngày 10/9.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tỉnh a Giang, ông Trương Kiến Thọ cũng được báo giới trong nước trích lời rằng đoạn sạt lở từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng với chiều dài cảnh báo là 2.300 m từ vàm Sông Hậu đến hết ranh giới phường Mỹ Thạnh.
Đoạn sạt lở tại rạch Cái Sắn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá, được nói là đã xảy ra 4 đợt sụt lún, sạt lở từ năm 2019. Lần mới nhất xảy ra vào cuối tháng 5 vừa qua, xuất hiện sụt lún, trượt mái bờ với chiều dài 175 m, với vết nứt rộng 1-3cm, ở ngay khu dân cư sinh sống tập trung.
Chính quyền tỉnh An Giang ghi nhận lần sạt lở hồi tháng 5 gây ảnh hưởng 39 hộ dân.
Đại diện của Sở Nông nghiệp-Phát triển Nông thôn cho biết một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sạt lở tại khu vực này là do có nhiều nhà máy xay xát với nhiều phương tiện thủy lưu thông, quay đầu, làm dòng nước đập mạnh vào phía bờ An Giang gây sạt lở. Đồng thời, tình trạng sạt lở thuộc mức độ đặc biệt nguy hiểm nên đề nghị Ủy ban tỉnh An Giang ban hành tình huống khẩn cấp.

2 tàu đánh cá Việt Nam bị bắt, 11 thủy thủ bị giữ

Tin từ NARATHIWAT – Hai tàu đánh cá Việt Nam bị bắt giữ và 11 thủy thủ bị bắt vì đánh cá trái phép ở vùng biển ngoài khơi tỉnh phía Nam Thái Lan.
Ông Pol Maj Gen Sichatkhet Khruwattanaset, Tư lệnh Lực lượng Cảnh sát tuần duyên cho biết, cảnh sát tuần duyên đã phát hiện hai tàu đánh cá ở ngoài khơi vùng biển Thái Lan thuộc tỉnh biên giới phía nam trên vào hôm thứ Tư tuần này. Hai chiếc thuyền với toàn bộ thủy thủ đã được đưa vào bờ.
Các thành viên thủy thủ đoàn đã được đưa đến một trạm kiểm soát Covid-19 trước khi được giao cho đồn cảnh sát Muang giải quyết. Ông Pol Maj Gen Sichatkhet cho biết trước đó cảnh sát nhận được thông tin rằng các tàu đánh cá Việt Nam đã vào lãnh thổ Thái Lan để đánh bắt cá bất hợp pháp. (BBT)

2 nữ thực tập sinh Việt bị bắt ở Nhật

vì trộm nho mẫu đơn

Mạnh Đức
Khi bị chủ vườn phát hiện, Lieu đã cắn vào cánh tay của người quản lý khiến anh này bị thương.
Hai nữ thực tập sinh người Việt tại Nhật đã bị cảnh sát thành phố Nagano bắt giữ vì trộm nho mẫu đơn và hành hung người chủ vườn.
Theo truyền thông Nhật Bản, hai nữ thực tập sinh bị bắt là Tran Thi Lieu (32 tuổi) và Duong Thi Kim Hieu (20 tuổi). Cả hai đã lẻn vào một khu vườn ở Odanaka, thành phố Nagano, vào khoảng 10 giờ tối (giờ địa phương) hôm 6/9, để trộm những chùm nho mẫu đơn.
Đặc biệt, khi bị chủ vườn phát hiện, Lieu đã cắn vào cánh tay của người quản lý khiến anh này bị thương. Chính điều đó khiến cô bị khép thêm tội “cướp bóc gây thương tích”. Về phần Hieu, sau khi chạy thoát đã bị cảnh sát bắt lại.
“Trước khi xảy ra sự việc này, vườn của chúng tôi đã mất không ít nho. Sau nhiều ngày theo dõi, cuối cùng cũng phát hiện ra 2 cô gái nói trên”, chủ vườn cho hay.
Khai nhận với cảnh sát, hai thực tập sinh nói là vì muốn ăn nho nên đã đi hái trộm.
Nho mẫu đơn (Shine Muscat) – là giống nho đắt tiền, bán với giá khá cao ở Nhật, trung bình giá trị chỉ khoảng vài triệu đồng nhưng với những chùm nho có qua đều, đẹp,… được dùng làm quà biếu có thể lên tới hơn 10 triệu đồng.
Tại Việt Nam, giống nho này có giá khá đắt đỏ, từ 1,2 – 1,4 triệu đồng/kg.

Bộ Công an mưu cầu gì

khi gộp lực lượngbảo vệ dân phố, dân phòng,

công an xã bán chuyên nghiệp lại?

Trong phiên họp 48 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở được tổ chức sáng ngày 11/9, nhiều ý kiến về việc thống nhất 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên thành lực lượng bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở đã được đưa ra.
Dự án luật vừa nêu do Bộ Công an đề xuất, với mục đích được nói nhằm góp phần tinh gọn bộ máy và kiện toàn lực lượng, cũng như khắc phục hạn chế tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo và chồng lấn giữa 3 lực lượng quần chúng này.
Theo Tờ trình dự luật được Bộ Công an công bố trên cổng thông tin của Bộ, hiện có gần 750.000 người trong 3 lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an xã bán chuyên nghiệp gộp lại, được trang bị và sử dụng công cụ hỗ trợ, phương tiện cần thiết để thực hiện nhiệm vụ.
Ý kiến dư luận
Trao đổi với RFA từ Hà Nội vào tối 11/9, Tiến sĩ Nguyễn Quang A, nhà hoạt động xã hội dân sự nhận định về dự án luật mới mà Bộ Công an đề xuất như sau:
“Thứ nhất, đây là một sự khát quyền lực của ngành công an bởi vì họ tập trung cả những lực lượng thật sự không thuộc của họ mà chỉ là bán chính thức, dân phòng… vào thành phần chính thức của họ. Bản thân những lực lượng đấy đã nói phải giải tán từ lâu nhưng bây giờ họ lại kết hợp đưa vào lực lượng chính thống của họ. Như thế quân số của họ sẽ tăng lên, khả năng của họ sẽ tăng lên, ngân sách của họ sẽ tăng lên và như thế quyền lực của họ tăng lên.”
Đồng quan điểm nêu trên, ông Nguyễn Khắc Mai, nguyên vụ truởng Vụ Nghiên cứu, Ban Dân vận Trung ương lại đưa ra lập luận:
“Cách hiện nay nó làm là thống nhất các lực lượng vào một đầu mối như thế có cơ sở chính trị và xã hội chứ không phải bình thường, đây cũng là điều đáng lo.”
Vẫn theo ông Nguyễn Khắc Mai, sở dĩ có chuyện Bộ Công an muốn thống nhất 3 lực lượng thành 1 như vậy vì những nguyên nhân sau:
“Phải gia tăng lực lượng quân đội, công an, dân phòng ở cấp cơ sở nhằm đối phó với những tình hình hết sức phức tạp hiện nay. Một mặt có yếu tố Tàu xen vào, một mặt khác là yếu tố sự phẫn nộ của nhân dân trước những hành xử cướp bóc, cậy quyền, tàn ác các thứ thì người ta bất bình, nó lo sợ nên phải đối phó, cũng phải đối phó với nhau về phe phái ở trong đảng.”
Với góc nhìn cá nhân, một người dân tên Le Dung từ Hà Nội đã bình luận trong bài viết được đăng tải trên website của Đài Á Châu Tự Do về dự án luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở cho rằng:
“Càng nhiều lực lượng chức năng, càng có nghĩa quốc gia đó bất ổn. Giang hồ trả tiền cho công an để làm ngơ, người kinh doanh trả tiền cho công an để không bị hạch họe.”
Nội dung dự án luật
Nói rõ hơn về những nội dung liên quan đến Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở trong dự án luật đang được Quốc hội bàn thảo, Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Luật gia tại thành phố Hồ Chí Minh cho biết:
“Theo dự thảo luật thì Ủy ban Nhân dân sẽ bố trí địa điểm, nơi làm việc của lực lượng mới, đáp ứng yêu cầu bảo vệ trật tự nói chung cũng như được sử dụng con dấu, được trang bị công cụ hỗ trợ và những lực lượng này có trang bị những thiết bị để thực hiện các nhiệm vụ và có trang phục riêng. Người ta thường hay nói các lực lượng này lạm quyền nên chưa chuyên nghiệp và bài bản. Nhà nước sẽ chi trả tiền lương cho lực lượng này giống như một lực lượng bên cạnh lực lượng công an.”
Luật sư Hậu bày tỏ đồng ý với dự án luật lần này vì cho rằng với lực lượng mới được thống nhất và chịu sự quản lý của cả Bộ Công an và Ủy ban Nhân dân địa phương, lực lượng này sẽ được huấn luyện bài bản và có thái độ phục vụ tốt hơn cho nhân dân, tránh tình trạng thiếu chuyên nghiệp. Ông tiếp lời:
“Căn cứ vào Hiến pháp năm 2013 thì quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo luật định tức trong trường hợp cần thiết ví dụ như vì lý do trật tự an toàn xã hội, vì lý do an ninh quốc gia, vì sức khỏe cộng đồng thì mới hạn chế quyền công dân. Trong đó hoạt động của lực lượng công an xã này liên quan đến quyền con người, quyền công dân ở cơ sở nên việc bố trí lực lượng này sẽ cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 nhằm đảm bảo cho hoạt động giữ gìn an ninh cơ sở, đảm bảo quyền con người, quyền công dân, thực hiện đúng quy định pháp luật. Bên cạnh đó công an nhân dân cũng đã khẳng định lực lượng này là lực lượng được tổ chức tại công tác xã. Chúng ta có Luật Công an nhân dân thì bây giờ phải có Luật để 3 lực lượng này hợp nhất thành 1 tôi nghĩ sẽ tốt hơn, giúp cho việc an ninh trật tự trong xã hội sẽ tinh gọn hơn.”
Tăng hay giảm biên chế?
Phát biểu tại buổi họp ngày 11/9, Bộ trưởng Công an Tô Lâm cho hay tổng số thành viên trong Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự cơ sở sau khi được tổ chức lại sẽ có khoảng 1,5 triệu người.
Đáng chú ý, theo con số thống kê từ Bộ Công an, tổng số lượng bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở hiện nay khoảng hơn 741.500 người. Trong đó bao gồm 72.456 người trong lực lượng bảo vệ dân phố; lực lượng dân phòng có 543.095 đội viên; và lực lượng Công an xã, thị trấn không phải công an chính quy đã kết thúc nhiệm vụ công an xã và tiếp tục tham gia bảo vệ an ninh, trật tự trên địa bàn là 126.084 người.
Như vậy, sau khi thống nhất 3 lực lượng, thay vì tinh giảm biên chế thì số người trong lực lượng cơ sở mới lại tăng hơn gấp đôi. Đây cũng là điều nhiều người thắc mắc.
Giải thích về vấn đề này, Bộ trưởng Tô Lâm cho hay theo quy định của pháp luật, về phòng cháy, chữa cháy, mỗi thôn phải lập một đội dân phòng trung bình khoảng 10 người, trong khi cả nước có khoảng 180.799 đơn vị cấp thôn. Như vậy nếu thành lập hết theo quy định tổng số thành viên của lực lượng dân phòng trên toàn quốc là 1,8 triệu người.
Do đó, lẽ ra theo luật định, con số của 3 lực lực lượng bảo vệ dân phố, dân phòng và công an bán chuyên phải đạt ở mức 2 triệu người. Tuy nhiên, do lực lượng dân phòng hiện nay chỉ đạt được 23% nên mới có vẻ như quân số tăng.
Đồng thời, ông Tô Lâm cho rằng lẽ ra là 2 triệu quân nhưng khi thống nhất 3 lực lượng chỉ còn lại 1,5 triệu người, sẽ tiết kiệm cho ngân sách khoảng 150 tỷ đồng mỗi tháng.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A không đồng tình với cách giải thích của người đứng đầu Bộ Công an. Ông cho rằng cách tính tăng gấp đôi là đúng và trong thực tế sẽ không có chuyện Bộ Công an giảm biên chế.
“Hai lực lượng kia đáng lẽ phải giải tán từ lâu rồi, phải giải tán đi thì sẽ không cần ngân sách, tinh giản biên chế, giảm ngân sách. Sự kiểm soát dân cư của Việt Nam đã đến mức nghẹt thở mà còn hiện đại hóa, nâng cấp lên mức như thế thì là một chế độ mà người ta gọi là công an trị, càng ngày càng sâu rộng. Đấy là một dấu hiệu hết sức nguy hiểm cho tương lai của Việt Nam.”

Xử án Đồng Tâm:

Cơ hội, thử thách cho Đảng Cộng sản cải tổ?

Quốc Phương
Vào thời điểm vụ án Đồng Tâm đem ra xét xử tại Việt Nam, ba luật sư từ Hà Nội và Sài Gòn bình luận về bài học cần phải làm để cải cách, cải tổ luật pháp, thể chế ở Việt Nam.
Các ý kiến cũng đề cập các cấp độ hẹp từ cải cách luật pháp đất đai, cho tới cách thức ‘chiến thuật’ để cải tổ thể chế như thế nào cho phù hợp với hoàn cảnh, bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam hiện tại.
Từ Hà Nội, Luật sư Ngô Anh Tuấn, một trong các luật sư tham gia bào chữa trước tòa và bảo vệ quyền lợi cho các bị cáo trong vụ Đồng Tâm, trước hết nói với BBC về điều mà ông cho rằng cần phải làm gì để giải quyết ‘rốt ráo’ triệt để tranh chấp, khiếu nại, xung đột về đất đai, mà vụ Đồng Tâm là một ví dụ.
“Tôi nghĩ rằng chính sách đất đai, đúng như đã nói, nếu không giải quyết rốt ráo vấn đề về chính sách đất đai, không chỗ này sẽ xảy ra chỗ khác, bạo lực không nổ ra chỗ này thì sẽ nổ ra chỗ khác.
“Cho nên, nếu Việt Nam không giải quyết vấn đề căn nguyên các tranh chấp lớn hiện tại của Việt Nam từ đất đai mà ra, không sửa đổi luật đất đai và các văn bản có liên quan, sẽ không bao giờ chấm dứt được việc khiếu nại, khiếu kiện và xa hơn là các bạo lực liên quan đất đai.
“Do đó, tôi xin nói lại là phải sửa luật đất đai và các văn bản có liên quan,” ông Ngô Anh Tuấn nói với hội luận của BBC News Tiếng Việt hôm thứ Năm, 11/9/2020, không lâu ngay sau khi kết thúc phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ Đồng Tâm.
‘Mỗi nhánh quyền lực như một chân ghế’
Từ Sài Gòn, luật sư Đinh Hồng Hạnh làm việc trong lĩnh vực xã hội dân sự và các vấn đề chính sách, pháp luật liên quan định chế xã hôi này, nói:
“Về phía tôi, tư pháp là một trong những nhánh rất quan trọng cho nền dân chủ của một quốc gia. Chúng ta biết rằng lập pháp, hành pháp và tư pháp nếu như ví mỗi nhánh như một chân ghế, cả ba chân ghế đều tồi tệ, mà tập trung sửa đổi một chân ghế thì cũng không khá hơn cho sự trụ vững của cái ghế này.
“Và tôi cũng chia sẻ với các ý kiến tại hội luận là nó sẽ không chỉ là cải cách tư pháp, nó còn cải cách rất nhiều thứ nữa, đặc biệt liên qua sự độc lập, vận hành của cơ chế tư pháp.
“Nếu ngành tư pháp được cải cách, nhưng bên lập pháp, tôi nói ví dụ bên Quốc hội lại không thúc đẩy những quyền dân chủ, quyền con người khác, như là quyền tự do lập hội và quyền tự do biểu đạt của người dân, thì tôi nghĩ hệ thống tư pháp vẫn phải xử lý những vụ việc như Đồng Tâm.
“Về các câu hỏi được đặt ra liên quan cải cách các chính sách, pháp luật, đường lối về đất đai, tôi nghĩ bất kỳ người dân Việt Nam nào bị đụng chạm đến, hoặc bắt đầu có nhận thức về quyền đất đai, thì sẽ
đều là một câu hỏi lớn với người dân về quyền tư hữu, chiếm hữu và sử dụng đất đai của họ nằm ở đâu ở trong hệ thống này.
“Tôi nghĩ là nó là vấn đề đã tồn tại từ khoảng năm 1945 trở đi, với hệ thống từ miền Bắc Xã hội Chủ nghĩa. Do đó, nó là một câu hỏi mà sẽ tác động trực tiếp đến việc quyết định lựa chọn đất nước sẽ đi theo con đường nào, hoặc là áp dụng một thể chế nào, chứ không phải chỉ là câu hỏi về việc cải tổ một hệ thống hay một chính sách pháp luật.”
‘Cải cách một trụ tư pháp là không đủ’
Từ Hà Nội, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao, Viện trưởng Viện Chính sách, Pháp luật và Phát triển (thuộc Liên hiệp các hội Khoa học & Kỹ thuật Việt Nam – Vusta) chia sẻ ý kiến trên của Luật sư Đinh Hồng Hạnh và nói thêm với BBC:
“Trong thực trạng về hệ thống chính trị Việt Nam hiện nay, để trả lời những câu hỏi về cải tổ, cải cách như trên, tôi có thể nói là cực kỳ khó, kể cả về tính khả thi.
“Tôi đồng ý với ý kiến cho rằng ở thượng tầng cả ba trụ cột ấy hỏng hết rồi.
“Bây giờ cải cách một trụ tư pháp thôi thì cũng không đủ, ngay cả lập pháp hay luật pháp của Việt Nam đã ổn chưa, rồi đến cả bên hành pháp, thực thi nữa.
“Do đó, ở đây theo ý kiến cá nhân của tôi, khi chúng ta chưa thể một bước bước ngay qua được hệ thống dân chủ đa nguyên, đa đảng, thì khó có thể cải cách một cách triệt để ba nhánh quyền lực này được.
“Tuy nhiên, tôi vẫn nhìn thấy một cơ hội nho nhỏ là tất cả ba nhánh này đều chịu sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam hết, trên thực tế là như vậy.
“Thế nhưng bây giờ có ngay sự cải cách ngay trong đảng Cộng sản Việt Nam một cách dân chủ, minh bạch, công khai để người dân đánh giá, lựa chọn những người đảng viên ưu tú, trong sạch giữ các chức vụ quan trọng trong đảng, và từ việc giữ các chức vụ quan trọng đó hiện nay, hy vọng là nó sẽ có một hiệu ứng tích cực cho việc thay đổi được dần dần hệ thống lập pháp, tư pháp cũng như hành pháp.”
Biện pháp, chiến thuật cải cách thế nào?
Sau khi đề cập và phân tích về khó khăn và cả hy vọng về tính khả thi của việc cải tổ, cải cách thể chế nói trên ở Việt Nam, Phó Giáo sư Hoàng Ngọc Giao cho rằng chưa thể đòi hỏi ‘tư pháp độc lập’ được ngay, mà cần phải có bước đi có tính tình thế mà ông nhấn mạnh như một ‘chiến thuật’ chuyển tiếp.
“Nếu bây giờ chúng ta nói tư pháp hãy độc lập đi, thì làm sao độc lập được, trong lúc các thẩm phán hoàn toàn chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo về nhân sự, về mọi chuyện từ các cấp ủy đảng trong Tòa án, làm sao độc lập được? Không có độc lập được.
Đảng Cộng sản Việt Nam chi phối các quyết sách
“Cho nên có lẽ hy vọng trong thực trạng hiện nay khi chưa có dân chủ, chưa có đa nguyên, đa đảng, chưa có hệ thống chính trị như vậy, tôi rất mong muốn (nhiều đảng viên đảng Cộng sản, cũng như người dân đều mong muốn ổn định, cũng muốn sự tồn tại của đảng Cộng sản này ‘lâu’…), đảng Cộng sản cũng như những người lãnh đạo trong Bộ Chính trị ý thức được rằng cần phải dân chủ hóa trong đảng trong công tác nhân sự đi đã.
“Công khai, minh bạch công tác nhân sự trong đảng để lựa chọn những người giỏi, những người trong sạch vào các vị trí lãnh đạo trong đảng và đưa đương nhiên cũng là vị trí lãnh đạo trong chính quyền, nó sẽ tạo những hiệu ứng tích cực cho việc thay đổi, cũng như hoàn thiện hơn thể chế mà chúng ta công nhận có ba quyền nói trên và ba quyền đó có sự phân công trách nhiệm và chịu sự lãnh đạo của đảng.
“Đấy là hệ thống, hay bước đi có tính tạm thời, hay có tính chất chiến thuật, một khi điều kiện chính trị, xã hội đến và nền dân chủ của Việt Nam trưởng thành hơn, thì sẽ chuyển tiếp sang thể chế tốt hơn, lúc đó chúng ta mới nghĩ đến chuyện cải cách triệt để cả hành pháp, tư pháp và lập pháp,” ông Giao nói với BBC.

Điểm tin trong nước sáng 12/9:

Việt Nam mua hệ thống giám sát của Israel

cho tàu hải cảnh; Người Sài Gòn vật lộn sau mưa lớn

Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước sáng thứ Bảy (12/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Việt Nam mua hệ thống giám sát của Israel cho tàu hải cảnh
Việt Nam vừa chọn công ty Controp của Israel làm nhà cung cấp hệ thống giám sát cho các tàu mới của lực lượng cảnh sát biển, truyền thông Israel dẫn thông báo từ công ty Controp hôm 11/9.
Hợp đồng của Việt Nam với công ty Israel là hệ thống giám sát iSea-25HD, phiên bản đơn giản hơn của các bộ iSea30 và iSea50. Hệ thống này được đặt trong một bộ đơn nhất dành cho tàu thuyền cỡ trung bình.
Sẽ có 12 tàu cảnh sát biển được trang bị hệ thống này, trong đó có 7 tàu do nhà máy đóng tàu Hồng Hà tại Việt Nam đóng và số tàu còn lại được nhà máy L&T đóng tại Ấn Độ.
Giám đốc tiếp thị cấp cao khu vực châu Á của Controp, Dror Harari, cho biết hệ thống giám sát iSea-25HD được phát triển trong 2,5 năm qua, với hệ thống camera cả ngày và đêm, chế độ xem trực thị (LOS) liên tục, không bị gián đoạn, đảm bảo hình ảnh rõ nét ngay cả trong điều kiện khắc nghiệt trên biển như sương mù, độ ẩm cao, nước bắn…, cho phép tàu thuyền phát hiện được các vật thể nhỏ và tàu cá ở khoảng cách xa lên đến 10km và phát hiện các tàu lớn hơn lên đến 20 km.
Hiện, Israel đang trở thành nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho quân đội Việt Nam, chỉ sau đối tác truyền thống là Nga, theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI).
Người Sài Gòn vật lộn sau mưa lớn
Cơn mưa hơn một giờ chiều 11/9, khiến nhiều tuyến đường ở quận Thủ Đức như Tô Ngọc Vân, Phạm Văn Đồng, Đặng Văn Bi… ngập sâu, nhiều xe chết máy, giao thông hỗn loạn.
Giữa dòng nước cuồn cuộn trên đường Tô Ngọc Vân, anh Minh Đức (cởi trần) cùng những người dân sống bên đường ra sức kéo những chiếc xe máy lên vỉa hè. “Ở đây, cứ mưa lớn hay nhỏ cũng đều ngập hết. Mưa càng to thì nước chảy càng xiết, người dân chỉ biết cùng nhau hỗ trợ mọi người”, anh Đức nói trên VnExpress.
Đến khoảng 20h mưa ngớt nhưng kẹt xe vẫn kéo dài, phương tiện di chuyển chậm chạp qua “biển nước”.
Theo Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, hiện nay gió Tây Nam có xu hướng tăng cường độ nên mưa sẽ xuất hiện vào chiều tối. Mưa sẽ kèm giông lốc. Người dân khi đi đường cần chú ý cành cây gãy đổ, mái tôn, biển quảng cáo, vật liệu từ các công trình bay vào gây tai nạn.
Chi hàng nghìn tỷ đồng xây cầu nối TP.HCM với Đồng Nai
Báo VnExpress thông tin, ngày 11/9, Tổng công ty đầu tư phát triển và quản lý hạ tầng giao thông Cửu Long (Bộ Giao thông Vận tải – chủ đầu tư) cho biết đang đẩy nhanh việc thiết kế cầu Nhơn Trạch để năm 2021 khởi công dự án và hoàn thành năm 2024.
Cầu Nhơn Trạch bắc qua Đồng Nai nối TP.HCM, dài hơn 2 km, rộng 19,5m cho 6 làn xe, tổng vốn hơn 2.200 tỷ đồng giúp giảm áp lực giao thông và tăng liên kết vùng.
Cũng trên sông Đồng Nai, cách dự án cầu Nhơn Trạch hơn 5km, dự án cầu Cát Lái thay cho phà Cát Lái, kết nối Đồng Nai và TP.HCM, vốn đầu tư dự kiến 7.200 tỷ đồng, nhiều năm qua được người dân chờ đợi với dự kiến dài 3.782m, phần cầu chính dài 650m, quy mô 6 làn xe.
Hàng không Việt Nam mở lại đường bay quốc tế từ 15/9
Hãng hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) từ ngày 18/9 sẽ chính thức khai thác trở lại các chuyến bay quốc tế thường lệ đầu tiên sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Kế hoạch này sẽ mở đầu bằng việc thực hiện những chuyến bay một chiều từ Việt Nam đi Nhật Bản, truyền thông trong nước dẫn tin từ Vietnam Airlines loan tin ngày 11/9.
Tin cho biết, trong tháng 9, sẽ có 3 chuyến bay từ Hà Nội đi sân bay Narita ở Tokyo trong 3 ngày 18,25,30/9, còn tại TP.HCM chỉ có 1 chuyến đi Narita vào ngày 30/9.
Vietnam Airlines đang chờ quyết định chính thức của các nhà chức trách Nhật Bản về việc khai thác chuyến bay chở khách chiều từ Nhật Bản về Việt Nam.
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc sẽ sang thăm Việt Nam vào tuần sau
Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Kang Kyung-wha dự định đến thăm Việt Nam và sẽ hội đàm với người đồng nhiệm của Việt Nam về các vấn đề quan hệ song phương trong hạ tuần tháng 9.
Hãng tin Yonhap vào ngày 11/9, dẫn nguồn từ cơ quan ngoại giao cho biết thông tin vừa nêu.
Tin cho biết, Bộ trưởng Ngoại giao Kang Kyung-wha thăm Việt Nam trong 2 ngày và sẽ lên đường vào thứ Năm, ngày 17/9.
Theo lịch trình được dự kiến, bà Kang sẽ có cuộc gặp với Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và bà Kang kêu gọi Chính phủ Việt Nam đơn giản hóa quy trình nhập cảnh, hỗ trợ cho việc đi lại và làm việc giữa Hàn Quốc với Việt Nam được thuận tiện hơn.

Điểm tin trong nước tối 12/9:

Bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán 100 tuổi xuất viện;

Bộ Công thương báo thu hồi khẩn

sữa Milk Lab 1L (Úc) vì nghi nhiễm khuẩn

Tâm Tuệ
Mục Điểm tin trong nước tối thứ Bảy (12/9) của DKN xin gửi đến quý độc giả những tin sau:
Bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán 100 tuổi xuất viện
Sáng 12/9, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam xác nhận có thêm 5 bệnh nhân viêm phổi Vũ Hán nữa được xuất viện, theo tờ Sức khoẻ và Đời sống.
Trong đó đáng chú ý có nữ bệnh nhân 100 tuổi (bệnh nhân số 592, trú tại xã Duy Trung, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam). Đây là bệnh nhân lớn tuổi nhất từng được xác nhận dương tính với viêm phổi Vũ Hán ở Việt Nam.
Trước khi nhập viện điều trị viêm phổi Vũ Hán, cụ bà còn mắc các bệnh nền khác như suy tim, biến chứng suy hô hấp, nhiễm trùng huyết từ đường tiêu hóa.
Đi 3 bệnh viện mới phát hiện bị ngộ độc Pate Minh Chay
Báo Thanh Niên thông tin, ngày 12/9, Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM có thông tin về ca thứ 7 ngộ độc sau ăn Pate Minh Chay. Đó là nữ bệnh nhân 35 tuổi, ngụ Bà Rịa – Vũng Tàu.
Trước đó vào ngày 22/7, bệnh nhân ăn pate Minh Chay và sau đó về quê ở Thanh Hóa.
Sau khi xuất hiện các triệu chứng ngộ độc, bệnh nhân đến điều trị ở Bệnh viện Thanh Hóa và sau đó là Bệnh viện quân y 103 nhưng không phát hiện nguyên nhân; chỉ sau khi được chuyển đến Bệnh viện Chợ Rẫy vào ngày 25/8, bệnh nhân mới được phát hiện bị ngộ độc botulinum.
Liên quan đến vụ ngộ độc, bác sĩ Lê Quốc Hùng, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Chợ Rẫy TP.HCM) cho biết 7 bệnh nhân ngộ độc Botulinum, sau khi sử dụng pate Minh Chay vẫn chưa cai được máy thở, việc hồi phục khá khó khăn, nguy cơ để lại nhiều biến chứng như tổn thương phổi, xẹp phổi, ảnh hưởng tim mạch,…
Rạch Cái Sắn sạt lở mức đặc biệt nguy hiểm, An Giang ban bố tình trạng khẩn cấp
Truyền thông trong nước vừa cho biết chính quyền An Giang đã ra quyết định ban bố tình trạng khẩn cấp sạt lở rạch Cái Sắn, đoạn từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá ở phường Mỹ Thạnh, thành phố Long Xuyên.
Đoạn sạt lở này được đánh giá là thuộc mức độ đặc biệt nguy hiểm, đe dọa trực tiếp đến khu vực chợ Cái Sắn, khu vực dân cư sinh sống tập trung.
Nguyên nhân sạt lở rạch Cái Sắn được báo chí dẫn lời ông Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Trương Kiến Thọ nói rằng, khu vực nằm trên khúc cua, áp lực dòng chảy mạnh sát bờ vào mùa nước đổ, khu vực bờ đối diện thuộc quận Thốt Nốt, thành phố Cần Thơ, có nhiều nhà máy xay xát với nhiều phương tiện thủy lưu thông, quay đầu, làm dòng nước đập mạnh vào phía bờ An Giang gây sạt lở.
Ông Thọ nói thêm đoạn sạt lở từ rạch Năm Sú đến mương Sáu Bá trong thời gian tới sẽ diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng mức độ ảnh hưởng với chiều dài cảnh báo là 2.300 m từ vàm Sông Hậu đến hết ranh giới phường Mỹ Thạnh.
Bộ Công thương báo thu hồi khẩn sữa Milk Lab 1L (Úc) vì nghi nhiễm khuẩn
Bộ Công thương vừa yêu cầu lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, thành phố thu hồi khẩn cấp sản phẩm sữa hạnh nhân Milk Lab 1L (Milk Lab Almond Milk 1L) của Úc, Tuổi Trẻ tối 11/9 dẫn tin.
Sản phẩm cần thu hồi là sữa hạnh nhân Milk Lab 1L (Milk Lab Almond Milk 1L) do Freedom Foods (địa chỉ tại 80 Box Road Taren Point NSW 2229) sản xuất, Công ty Natural Life Sources Ltd.Co (TP.HCM) nhập khẩu về Việt Nam.
Bộ Công thương cho biết Cơ quan tiêu chuẩn thực phẩm Úc và NewZealand (đầu mối INFOSAN của Úc) đã gửi cảnh báo tới cơ quan chức năng của Việt Nam về việc sản phẩm sữa nói trên có khả năng bị nhiễm khuẩn (Pseudomonas spp). Hiện sản phẩm này đang được thông báo thu hồi tại Úc.
Trước tình hình trên, Bộ Công thương yêu cầu các cá nhân/doanh nghiệp nhập khẩu sản phẩm này phải thu hồi trở lại. Các cơ quan chức năng sẽ kiểm tra chặt đối với lô sản phẩm nói trên kể từ ngày 9/9/2020 đến khi có thông báo ngừng của Bộ Công thương.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.