Tin khắp nơi – 25/09/2020
Bầu cử Mỹ: McConnell hứa một sự chuyển giao quyền lực ‘có trật tự’
Lãnh đạo đảng Cộng hòa Mitch McConnell nói rằng sẽ có một quá trình chuyển giao ‘có trật tự’ sau bầu cử, sau khi tổng thống Trump đặt câu hỏi về tính trung thực của quy trình bỏ phiếu.
Thượng nghị sĩ hàng đầu của Mỹ nói rằng, bất kể ai thắng trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 3/11, sẽ có một lễ nhậm chức ôn hòa vào ngày 20/1/2021.
Trump không cam kết chuyển giao quyền lực một cách ôn hòa
Cập nhật thăm dò cuộc đua Trump-Biden
Tối cao Pháp viện Mỹ: Đảng Cộng hòa đủ phiếu bổ nhiệm ghế khuyết thẩm phán
Cử tri Mỹ nghĩ gì về ghế trống của Tối cao Pháp viện?
Trước đó một ngày, Tổng thống Donald Trump từ chối cam kết điều này, nói rằng “chúng ta sẽ xem điều gì sẽ xảy ra”.
Ông Trump đã nghi ngờ về việc bỏ phiếu qua đường bưu điện, nhưng giới chức khẳng định nó an toàn.
Tổng thống Trump hiện đang theo sau người thách thức ông, đảng viên Dân chủ Joe Biden, trong các cuộc thăm dò dư luận quốc gia, trong khi chỉ còn 40 ngày nữa là đến cuộc bầu cử.
Nhiều người Mỹ sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện trong năm nay so với các năm trước, do đại dịch, và ông Trump đã đặt câu hỏi về tính bảo mật của hệ thống bỏ phiếu qua thư này.
Mọi ứng cử viên tổng thống thua cuộc đều đã chấp nhận kết quả. Nếu ông Trump từ chối chấp nhận kết quả của cuộc bầu cử, thì đây sẽ là điều chưa từng xảy ra ở nước Mỹ.
Ông Biden nói rằng nếu điều này xảy ra, quân đội có thể loại ông Trump khỏi Nhà Trắng.
Đảng Cộng hòa nói gì?
“Người chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 3/11 sẽ được nhậm chức vào ngày 20/1″, ông McConnell tweet vào thứ Năm.
“Sẽ có một sự chuyển giao có trật tự giống như đã từng vào mỗi bốn năm kể từ năm 1792.”
Các nhà lập pháp khác của Đảng Cộng hòa, bao gồm đồng minh của Trump, Thượng nghị sĩ Lindsey Graham, cũng hứa hẹn một cuộc bầu cử an toàn và công bằng.
Ông Graham nói với Fox News: “Tôi có thể đảm bảo với quý vị rằng mọi chuyện sẽ diễn ra ôn hòa”, nhưng cho rằng một quyết định có thể được đưa ra tòa án tối cao Mỹ. “Nếu đảng Cộng hòa thua, chúng tôi sẽ chấp nhận kết quả. Nếu Tòa án tối cao đưa ra phán quyết có lợi cho Joe Biden, tôi sẽ chấp nhận kết quả đó.”
Thượng nghị sĩ Mitt Romney có phản ứng gay gắt hơn vào thứ Tư, nói rằng “bất kỳ ý kiến nào cho rằng một tổng thống có thể không tôn trọng Hiến pháp là điều không thể tưởng tượng và không thể chấp nhận được”.
Trump đã nói gì?
Hôm thứ Năm, ông Trump một lần nữa nghi ngờ về tính trung thực của cuộc bầu cử, nói rằng ông không chắc nó có thể “trung thực” bởi vì các lá phiếu qua bưu điện hoàn toàn là “một trò lừa đảo”.
Trước đó cùng ngày, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany cho biết ông Trump “sẽ chấp nhận kết quả của một cuộc bầu cử tự do và công bằng”.
Tổng thống đã gây ra tranh cãi vào tối thứ Tư khi một phóng viên hỏi liệu ông có cam kết chuyển giao quyền lực một cách hòa bình “thắng, thua hay hòa” cho ông Biden.
Ông Trump nói: “Tôi đã phàn nàn rất nhiều về các lá phiếu. Những lá phiếu là một thảm họa.”
Khi nhà báo phản bác rằng “mọi người đang gây rối loạn”, ông Trump xen vào: “Hãy loại bỏ những lá phiếu, và bạn sẽ có một cuộc sống rất yên bình – sẽ không có sự chuyển giao, nói thẳng ra, là sẽ có một sự tiếp diễn. “
Năm 2016, ông Trump cũng từ chối cam kết chấp nhận kết quả bầu cử mà đối thủ của ông – ứng cử viên Đảng Dân chủ Hillary Clinton – cho là một cuộc tấn công vào nền dân chủ.
Cuối cùng ông Trump được tuyên bố là người chiến thắng, mặc dù thua ba triệu phiếu phổ thông, một kết quả mà ông Trump vẫn còn nghi ngờ.
Đảng Dân chủ nói gì?
Chủ tịch Dân chủ Hạ viện Nancy Pelosi, chính trị gia quyền lực thứ ba ở Washington, nói với các phóng viên hôm thứ Năm rằng bà không ngạc nhiên về những nhận xét trước đó của ông Trump.
Bà Pelosi nói thêm rằng tổng thống “ngưỡng mộ những người đang kéo dài vai trò của họ trong chính phủ”, dẫn trường hợp ông Vladimir Putin của Nga, Kim Jong-un của Bắc Hàn và Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ.
“Nhưng tôi nhắc ông ta rằng: ông không ở Bắc Hàn, không ở Thổ Nhĩ Kỳ, không ở Nga, thưa Tổng thống … vậy tại sao ông không cố gắng một chút để tôn vinh lời tuyên thệ nhậm chức của ông.”
Phát biểu với các phóng viên tại Delaware, ông Biden cho rằng những bình luận của ông Trump về quá trình chuyển giao quyền lực là “phi lý”.
Đảng Dân chủ cũng nói rằng “chính phủ Hoa Kỳ hoàn toàn có khả năng hộ tống những kẻ vi phạm ra khỏi Nhà Trắng”.
Hôm thứ Năm, một phát ngôn viên của Biden nói với Politico rằng cựu phó tổng thống “rõ ràng, đã tham gia vào quá trình chuyển giao quyền lực một cách hòa bình trước đây” và sẽ làm như vậy sau cuộc bầu cử năm 2020.
Bản thân ông Biden đã bị những người bảo thủ cáo buộc là gây ra tình trạng bất ổn trong cuộc bầu cử khi phát biểu hồi tháng Tám: “Có ai tin rằng sẽ có ít bạo lực hơn ở Mỹ nếu Donald Trump tái đắc cử không?”
Tháng trước, bà Clinton kêu gọi ông Biden không chấp nhận thất bại sớm trong đêm bầu cử. “Tôi nghĩ điều này sẽ tiếp diễn, và tôi tin rằng ông ấy sẽ thắng nếu chúng ta không thay đổi lập trường.”
Bà đưa ra kịch bản rằng đảng Cộng hòa sẽ cố gắng “làm rối tung việc bỏ phiếu vắng mặt” và huy động một đội quân luật sư để bàn cãi về kết quả.
Những nghi ngờ về tính công bằng của cuộc bỏ phiếu vào tháng 11 xuất hiện khi một cuộc chiến chính trị khác diễn ra – về việc có hay không chỉ định một thẩm phán mới của Tòa án Tối cao trước cuộc bầu cử.
https://www.bbc.com/vietnamese/world-54215830
FBI phát hiện
7 phiếu bầu qua thư cho ông Trump bị loại bỏ
Bình luậnNguyễn Minh
Các lá phiếu được gửi qua đường thư tín nhưng đã bị loại bỏ được phát hiện ở Pennsylvania, giới chức thông báo hôm 24/9.
“Tại thời điểm này, chúng tôi có thể xác nhận rằng một số lượng nhỏ lá phiếu của quân đội đã bị loại bỏ. Các nhà điều tra đã thu được 9 lá phiếu [bị loại bỏ] tính đến nay”, Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ tại quận Pennsylvania cho biết trong một tuyên bố ban đầu.
Sau đó, trong một tuyên bố sửa đổi được đưa ra cùng ngày 17/9, văn phòng này cho biết, 7 trong số các lá phiếu đã bị loại bỏ là những lá phiếu bầu cho Tổng thống Donald Trump; còn 2 lá phiếu còn lại “đã được nhân viên bầu cử quận Luzerne đặt lại vào phong bì thư trước khi FBI thu hồi. Không xác định được nội dung của 2 lá phiếu đó”.
Các nhà điều tra liên bang, bao gồm Văn phòng Luật sư Hoa Kỳ và FBI, đã tiến hành điều tra các vấn đề tiềm ẩn sau vụ việc các lá phiếu gửi qua đường thư tín bị loại bỏ tại quận Luzerne vào 21/9, theo yêu cầu của trưởng công tố viên quận Luzerne, bà Stefanie Salavantis, một đảng viên Đảng Cộng hòa.
Trong một thông cáo báo chí, Văn phòng của bà Salavantis cho biết rằng, quản trị viên của quận đã báo cáo các vấn đề với một số lá phiếu được gửi qua đường thư mà Văn phòng Bầu cử đã nhận được vào tuần trước. Văn phòng này đã mở một cuộc điều tra trước khi báo cáo cho chính quyền liên bang.
Romilda Crocamo, trưởng công tố viên của quận, trong một tuyên bố gửi Epoch Times cho biết rằng: Shelby Watchilla, Giám đốc bầu cử quận Luzerne, đã phát hiện ra vấn đề này vào tuần trước và “ngay lập tức báo cáo những phát hiện của cô cho chính quyền”.
Các quan chức của quận Luzerne đang hợp tác điều tra nhưng không đưa ra bình luận, ông Romilda cho biết thêm.
Các đặc vụ FBI đang phối hợp với cảnh sát bang Pennsylvania tiến hành nhiều cuộc phỏng vấn và xem xét bằng chứng, văn phòng Luật sư David Freed của Hoa Kỳ cho biết.
Theo thông tin trên trang web của quận Luzerne, các cử tri là quân nhân hoặc người Mỹ ở nước ngoài có thể đăng ký và yêu cầu một lá phiếu [bầu cử] vắng mặt chính thức bất kỳ lúc nào trước cuộc bầu cử.
Quận Luzerne có dân số khoảng 317.000 người, nằm ở phía đông bắc tiểu bang Pennsylvania.
Quận này đã bầu cho ông Barack Obama trong cả năm 2008 và 2012 nhưng lại bầu cho ông Trump vào năm 2016. Tổng thống Trump đã chiến thắng cách biệt 20 điểm từ Luzerne và giành được phiếu đại cử tri của bang.
Matt Wolking, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của ông Trump, nói trên mạng xã hội về những lá phiếu bị loại bỏ rằng: “Đảng Dân chủ đang cố gắng đánh cắp cuộc bầu cử”.
Tổng thống Trump nói với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng: “Chúng ta phải cẩn thận với các lá phiếu. Những lá phiếu, đó hoàn toàn là một trò lừa đảo lớn. Bạn biết đấy, họ đã phát hiện ra. Tôi biết họ đã tìm thấy 8 lá phiếu trong một sọt đựng giấy vụn ở một số địa điểm. Họ đã tìm thấy, một tờ báo đã đưa tin rằng, họ tìm thấy rất nhiều lá phiếu ở một con sông. Tôi đoán, họ ném chúng ra ngoài nếu các lá phiếu có tên Trump trên đó”.
“Chúng ta muốn đảm bảo rằng cuộc bầu cử là trung thực và tôi không chắc là có thể hay không. Tôi không biết rằng điều đó có thể có được trước những điều đang diễn ra”, ông Trump nói thêm.
Ông Trump cũng như Tổng chưởng lý William Barr và các quan chức khác đã nhiều lần cảnh báo về các vấn đề tiềm ẩn với việc bỏ phiếu qua đường thư trong cuộc bầu cử này.
Ngày 24/9, Thư ký báo chí Nhà Trắng Kayleigh McEnany tại Washington đã chỉ ra các vấn đề từng xảy ra với việc bỏ phiếu qua đường thư, bao gồm một cuộc bầu cử thất bại ở Paterson, New Jersey và nhiều cáo buộc hình sự khác ở bang California.
“Vào năm 2016, đã có 1% số phiếu bầu bị ném ra ngoài, số phiếu bầu vắng mặt lên tới 319.000. Và nếu toàn bộ đất nước bỏ phiếu qua đường thư, bạn có thể tưởng tượng con số đó sẽ cao hơn nhiều lần”, bà Kayleigh McEnany nói trong cuộc họp báo.
Cũng trong tuần này, các khay thư cùng các lá phiếu bầu vắng mặt, được phát hiện dọc một con đường ở Wisconsin.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh
https://www.ntdvn.com/the-gioi/fbi-phat-hien-7-phieu-bau-qua-thu-cho-ong-trump-bi-loai-bo-75771.html
Nhóm ủng hộ Biden đốt cháy nhà những người
ủng hộ Tổng thống Trump ở Minnesota
Thanh Hải
Một ngôi nhà của những người ủng hộ Tổng thống Donald Trump ở Trung tâm Brooklyn, Minnesota, đã bị tấn công vào đầu giờ sáng thứ Tư (23/9). Một bản tin từ Sở Cảnh sát Trung tâm Brooklyn lưu ý rằng những người cư ngụ trong nhà có một tấm biển “Trump 2020” khá lớn đã bị phá hủy”, theo tờ Breitbart.
Deana Molla, chủ nhân của ngôi nhà bị phá hoại, đã chia sẻ những bức ảnh về vụ đốt phá và phá hoại qua Facebook. Theo cảnh sát, những kẻ tấn công đã phun sơn “Biden 2020”, “BLM (viết tắt của Black Lives Matter)” và viết hoa chữ “A” với một vòng tròn xung quanh, biểu tượng cho nhóm cánh tả Antifa.
Cảnh sát địa phương và lực lượng cứu hỏa đã giải cứu ba con chó trong cũi và bốn con chó con nằm trong một nhà để xe, vốn đã bị thiêu rụi bởi những kẻ đốt phá. Sở Cảnh sát Trung tâm Brooklyn đã treo thưởng 5.000 đô la cho thông tin có thể dẫn đến việc xác định những người chịu trách nhiệm cho vụ cháy này.
Trang Powerline bình luận về vụ tấn công:
“Rõ ràng là không phải tất cả các chứng cứ đều rõ ràng trong vụ việc. Có thể là vụ đốt phá được thực hiện bởi một nhóm nào đó không thuộc BLM hay Antifa. Nhưng khi những nhóm cánh tả này thề sẽ thiêu rụi nước Mỹ, không có gì ngạc nhiên khi nhiều người cảm thấy khả năng cao rằng chính những nhóm này đã làm những điều này”.
NASA cảnh báo quốc hội
về trạm không gian của Trung Cộng
Tin Washington DC – Lãnh đạo NASA Jim Bridenstine vào thứ Tư, 23 tháng 9, nói với Quốc Hội rằng, Hoa Kỳ cần phải duy trì sự hiện diện trên quỹ đạo Trái Đất sau khi trạm không gian quốc tế ISS ngừng hoạt động, nhằm tránh để Trung Cộng giành được lợi thế chiến lược.
Các phần đầu tiên của trạm ISS được phóng lên không gian từ năm 1998, và trạm này liên tục có phi hành gia cư trú từ năm 2000 đến nay. Trạm ISS được sử dụng như một phòng thí nghiệm không gian, và là kết quả hợp tác giữa Hoa Kỳ, Nga, Nhật, châu Âu, và Canada. Trạm ISS dự kiến sẽ hoạt động đến năm 2030. Lên tiếng trước Quốc Hội, ông Bridenstine nói ông rất lo ngại về ngày ISS ngừng hoạt động, và chính phủ cần phải chuẩn bị từ bây giờ.
NASA đang yêu cầu chính phủ cấp 150 triệu Mỹ kim cho năm tài chính 2021, để phát triển việc thương mại hóa quỹ đạo tầng thấp, là khoảng cách từ bề mặt Trái Đất đến độ cao 2,000 cây số. Ông Bridenstine nói NASA cần hợp tác với các hãng tư nhân cung cấp dịch vụ không gian thương mại, để tiếp tục hiện diện tại quỹ đạo Trái Đất. Viên chức này thêm rằng việc duy trì ưu thế của Hoa Kỳ trong không gian là hết sức cần thiết, trong bối cảnh một trạm không gian của Trung Cộng dự kiến sẽ hoạt động vào năm 2022.
Vào tháng 6 vừa qua, Trung Cộng thông báo sẽ hợp tác với 23 tổ chức từ 17 quốc gia để thực hiện các thí nghiệm khoa học trên trạm không gian này. Ông Bridenstine nói Bắc Kinh đang nỗ lực xây dựng một trạm không gian quốc tế của người Trung Cộng, và đang giới thiệu trạm không gian này với các đối tác của Hoa Kỳ. Lãnh đạo NASA nói, sau các nỗ lực đã bỏ ra, Hoa Kỳ không thể rút lui trong lĩnh vực khoa học không gian và để Trung Cộng thế chỗ. (Ngô Bảo)
https://www.sbtn.tv/nasa-canh-bao-quoc-hoi-ve-tram-khong-gian-cua-trung-cong/
Mỹ-Trung kịch liệt tố cáo nhau
tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc
Thụy My
Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hiệp Quốc Trương Quân (Zhang Jun) hôm qua 24/09/2020 trong một cuộc họp qua video của Hội Đồng Bảo An đã tấn công dữ dội Hoa Kỳ sau khi bị Mỹ lên án đã làm con virus corona lan tràn ra thế giới.
Tại cuộc họp về tương lai quản trị thế giới có sự hiện diện của nhiều nhà lãnh đạo các nước, ông Trương Quân nói : « Đã quá đủ ! Các vị đã gây ra lắm vấn đề trên thế giới. Trước khi tố cáo người khác, đâu là nguyên nhân của 7 triệu ca nhiễm và trên 200.000 người chết ở Hoa Kỳ ? ». Ông tố cáo Washington lan truyền « virus bóp méo thông tin », « nói láo » và « lừa dối ». Đồng nhiệm Nga Vasily Nebenzia sau đó lên tiếng ủng hộ.
Trong hội nghị do tổng thống Niger Issoufou Mahamadou chủ trì, với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo và ngoại trưởng, đại sứ Mỹ Kelly Craft đã nhắc lại những cáo buộc của tổng thống Donald Trump hôm thứ Ba 22/09 trước Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc. Bà nói : « Tôi rất choáng, thấy xấu hổ vì Hội đồng này, cảm thấy ghê tởm về nội dung tranh luận hôm nay », và các thành viên đã chọn việc « tập trung vào hận thù chính trị thay vì các vấn đề quan trọng được đưa ra ».
Đại sứ Mỹ nhấn mạnh : « Quyết định giấu diếm nguồn gốc con virus của đảng Cộng Sản Trung Quốc, làm giảm nhẹ sự nguy hiểm của nó và hủy bỏ hợp tác khoa học đã biến một bệnh dịch trong nước thành đại dịch trên toàn thế giới. Trầm trọng hơn nữa là quyết định này đã tước đi sinh mạng của hàng trăm ngàn người trên thế giới. Hàng trăm ngàn người ! »
Khi đại sứ Trung Quốc bắt đầu trả đũa, Kelly Craft biến mất khỏi màn hình, được thay thế bằng một nhà ngoại giao cấp thấp hơn.
Kêu gọi cải cách Hội Đồng Bảo An ít hy vọng thành hiện thực
Hội Đồng Bảo An họp hôm qua theo sáng kiến của Niger, đã nhìn nhận đại dịch corona là thách thức lớn nhất mà cộng đồng quốc tế phải đối phó kể từ khi thành lập Liên Hiệp Quốc, và cần phải phối hợp với nhau. Hoa Kỳ không gởi đại diện cấp bộ, cho thấy Washington không mấy quan tâm đến. Từ New York, thông tín viên Carrie Nooten phân tích :
« Các nhà lãnh đạo thế giới chắc chắn là đại dịch đã cho thấy nhiều lỗ hổng và làm suy yếu chủ nghĩa đa phương, đa số nghĩ rằng chỉ có biện pháp phối hợp mới chiến thắng được con virus. Phát biểu của tổng thống Tunisia Kais Sahed là sáng suốt nhất, tổng kết quan điểm của các đồng nhiệm.
Trước hết ông đề nghị mở rộng phạm vi hành động « vì hòa bình và an ninh » của Hội Đồng Bảo An sang các nhân tố gây xáo trộn nhiều nhất như các đại dịch, biến đổi khí hậu…Bên cạnh đó cần phải cải cách để tránh tắc nghẽn, như Trung Quốc và Hoa Kỳ đã làm tê liệt suốt bốn tháng khi khởi đầu đại dịch.
Trong khi chờ đợi « kinh tế thụt lùi tệ hại nhất thế kỷ », bị suy thoái 5% và tiếp theo là khủng hoảng tài chính, ông kêu gọi tình liên đới : tái cấu trúc nợ cho các nước nghèo, và tái thúc đẩy kinh tế thông qua phát triển bền vững. Tất cả đều tin rằng việc điều hành thế giới không thể như xưa, sau đại dịch Covid. »
Cam kết của Hoa Kỳ –
Hy vọng ‘cứu sống’ sông Mêkông
Việc Chính Quyền Trung Quốc xây dựng các con đập trên thượng nguồn sông Mêkông cho lợi ích riêng đang tác động tiêu cực và gây tổn hại trực tiếp đến đời sống, kinh tế và xã hội… đối với các nước hạ nguồn con sông này. Mới đây, Mỹ và 5 nước hạ nguồn sông Mêkông đã công bố khuôn khổ hợp tác đa phương mới trong bối cảnh quan ngại gia tăng về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Vấn đề sông Mêkông được đưa ra thảo luận tại Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) trong tuần qua. Bên cạnh đó, Hội nghị Bộ trưởng đối tác Mêkông-Hoa Kỳ (MUSP) lần đầu tiên cũng diễn ra, với mục tiêu nâng tầm Sáng kiến hạ nguồn Mêkông (LMI) để ứng phó với các tác động từ thượng nguồn do Trung Quốc gây ra. Cam kết của Washington đối với tương lai của LMI “như một phần của tầm nhìn chung cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.
Tờ Chinhphu cho hay, hôm 11/9, Mỹ và 5 nước hạ nguồn sông Mêkông đã công bố khuôn khổ hợp tác đa phương mới trong bối cảnh quan ngại gia tăng về ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc tại khu vực Đông Nam Á.
Tại hội nghị Quan hệ Đối tác Mêkông-Mỹ tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao Mỹ đã cam kết trao ít nhất 153 triệu USD cho Thái Lan, Myanmar, Campuchia, Việt Nam và Lào, để các nước này tiến hành một loạt dự án hợp tác như chia sẻ dữ liệu ngành thủy văn, ứng phó với thiên tai và các nỗ lực phòng chống tội phạm xuyên biên giới.
Trong một tuyên bố hôm 11/9, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thể hiện rõ hơn nữa các mục tiêu của Mỹ tại khu vực Đông Nam Á: “Chúng tôi thúc đẩy sự minh bạch và tôn trọng ở khu vực sông Mêkông, nơi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã xúi giục hành vi buôn bán vũ khí và ma túy, và đơn phương thâu tóm các con đập ở thượng nguồn, làm trầm trọng hơn nữa đợt hạn hán lịch sử”.
Sông Mêkông đang chết dần bởi những con đập chặn ngang dòng chảy
Epoch Times dẫn nguồn tin từ kênh truyền thông Hoa Kỳ cho biết mực nước ở hạ lưu sông Mê Kông gần đây đã chạm đáy mới. Ủy ban sông Mê Kông (MRC) đã đưa ra báo cáo vào tháng 8 kêu gọi Trung Quốc và các nước Đông Nam Á chia sẻ thêm dữ liệu về hoạt động của các đập thủy điện.
Theo báo cáo, hiện có 13 nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Lan Thương (Mê Kông), gồm 11 nhà máy ở Trung Quốc và 2 nhà máy ở Lào.
Báo cáo cũng cho biết, mực nước thấp sẽ tác động lớn đến Biển Hồ và Đồng bằng sông Cửu Long, gây mất cân bằng sinh thái, giảm nguồn cá, ảnh hưởng đến kinh tế xã hội.
Theo thống kê của Trung tâm nghiên cứu Stimson của Mỹ có trụ sở ở Washington, DC, hồi tháng 4 cho biết, Trung Quốc đã xây dựng các con đập trên thượng lưu sông Mêkông trong 3 thập kỷ qua, các quốc gia ở hạ lưu lo ngại rằng Trung Quốc một ngày nào đó sẽ “tắt nguồn nước”.
Các dữ liệu của Stimson cho thấy, trong 6 tháng của năm 2019, Trung Quốc nhận được một lượng mưa trên trung bình và các con đập của họ đã giữ lại một lượng nước lớn hơn bao giờ hết, trong khi các quốc gia ở hạ lưu lại bị hạn hán nặng chưa từng có. Báo cáo của Stimson chỉ ra rằng, việc Trung Quốc tích trữ lượng lớn nước đang gây ra những thay đổi thất thường và tàn khốc đối với mực nước ở hạ lưu sông Mêkông.
Cũng theo South China Morning Post (SCMP), trong tháng 4 vừa qua, một báo cáo qua chương trình Sáng kiến Hạ vùng sông Mêkông của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng có sự liên quan giữa mực nước thấp kỷ lục của sông Mêkông trong một nửa thế kỷ qua vào năm ngoái, với các hoạt động của đập thuỷ điện.
Trích dẫn báo cáo này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell hôm 4/9 cáo buộc Trung Quốc “thao túng” dòng chảy sông Mêkông vì “lợi ích riêng” trong khi các nước hạ nguồn “phải trả giá đắt”, gây nên “một thách thức cấp bách” trong khu vực.
Ông Stilwell nói rằng việc “thao túng dòng chảy dọc sông Mêkông” của Trung Quốc xảy ra trong 25 năm qua, trong đó “sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và vận hành các con đập lớn”.
Vấn đề sông Mêkông là một ví dụ cho thấy ĐCSTQ coi thường lợi ích của các nước láng giềng
Epoch Times dẫn ý kiến của ông Gregory Poling, nhà nghiên cứu của Dự án Đông Nam Á thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), một tổ chức tư vấn của Hoa Kỳ, nói trên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ rằng vấn đề Mêkông là ví dụ rõ ràng nhất về việc ĐCSTQ phớt lờ lợi ích của các nước láng giềng, lợi dụng thông tin hư giả và không minh bạch để che giấu hành động của mình. Đây là ví dụ minh hiển nhất.
Ông James Buchanan, đang là nghiên cứu sinh tại Đại học Hồng Kông và nghiên cứu các vấn đề của Thái Lan, cho biết: “Các vấn đề như Đập trên sông Mêkông cho thấy sự quan ngại trước hành động bành trướng ngày càng tăng của ĐCSTQ và sự bất an trong khu vực này. Trong khu vực này, ĐCSTQ luôn bị coi là ức hiếp các nước láng giềng nhỏ hơn. Trên thực tế, đây đang trở thành hình ảnh của ĐCSTQ trên toàn thế giới“.
Việt Nam chịu tác động nặng nề
Sông Mêkông, một trong những dòng sông dài nhất thế giới, đem lại thực phẩm, nước dùng và sự sống cho khoảng 60 triệu người dân ở 6 quốc gia khác nhau ở vừng hạ lưu con sông này.
Việc Trung Quốc ‘thao túng’ dòng chảy Sông Mêkông có tác động tiêu cực và gây tổn thương cho các nước. Theo báo cáo mới của Uỷ hội Sông Mêkông (MRC): “Việt Nam có thể bị giảm năng suất tại vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long” do lưu lượng nước thấp trên sông Mêkông có thể gây ra những tác động nghiêm trọng do mất đi tiềm năng về thủy sản và thủy lợi.
Hiện có khoảng 20 triệu người dân Việt Nam đang sinh sống tại lưu vực của hệ thống sông Cửu Long.
Báo cáo nghiên cứu tác động từ các công trình thủy điện trên dòng chính sông Mêkông của Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam công bố năm 2016 cũng cho rằng, các bậc thang thủy điện dòng chính sẽ gây nhiều tác động bất lợi ở mức lớn nghiêm trọng tới nhiều lĩnh vực và môi trường ở Việt Nam, bao gồm nguy cơ mất đi hoặc thậm chí tuyệt chủng của 10% các loài cá và thu nhập người dân có thể giảm tới 50%. Theo đánh giá này, ở Việt Nam, tổn thất hàng năm trong ngành thủy sản và nông nghiệp do các đập thuỷ điện trên dòng chính gây ra có thể lên tới 15.800 tỷ đồng (khoảng 760 triệu USD).
Theo MRC, tình trạng thiếu thông tin về những ảnh hưởng trước mắt và lâu dài của việc phát triển thủy điện ở thượng nguồn và biến đổi khí hậu sẽ khiến người dân sống ở vùng đồng bằng sông Mêkông có thể bị tổn thương do những tác động như gia tăng xâm nhập mặn, giảm phù sa bùn cát và dưỡng chất, ảnh hưởng nguồn cá di cư và thay đổi chế độ dòng chảy.
Một trong những khuyến nghị nêu trong báo cáo mới của MRC là sự minh bạch về dữ liệu và chia sẻ thông tin. Để tăng cường sự minh bạch về các hoạt động của các con đập ở thượng nguồn sông Mêkông, cũng như chứng minh sự hợp tác có tính thiện chí, MRC cho rằng Trung Quốc cần xem xét việc cung cấp dữ liệu cho các nước ở hạ lưu sông Mêkông.
Hiện nay Đồng bằng sông Cửu Long phải chịu tác động từ thượng nguồn do Trung Quốc gây ra nặng nề nhất. Độ xâm nhập mặn ở các cánh đồng đã đạt 1,6mg/l dù cách cửa biển 100km. Mùa mưa 2020, do mưa ít trên thượng nguồn sông Mêkông nên lũ về giảm ¼ so với năm 2019 và đây là mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua. Bên cạnh đó các hồ lớn ở Lào, Thái Lan, Campuchia đã giảm nguồn nước từ 30-80% sẽ thách thức cho Đồng bằng sông Cửu Long trong mùa khô 2021.
https://www.dkn.tv/thoi-su/cam-ket-cua-hoa-ky-hy-vong-cuu-song-dong-song-mekong.html
Nghị sĩ Rubio kêu gọi Mỹ tăng cường
bảo vệ Đài Loan trước sự xâm lược của Trung Quốc
Thanh Hải
Thượng nghị sĩ Mỹ Marco Rubio hôm 23/9 kêu gọi Washington nên giúp Đài Loan tăng cường khả năng phòng thủ để ngăn chặn Trung Quốc phát động một cuộc xâm lược.
Theo Focus Taiwan, trong một sự kiện của Viện Hudson, khi được hỏi liệu Đài Loan có là “điểm nóng trong quan hệ Mỹ – Trung”, thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Rubio đáp, ông cho rằng cuối cùng Bắc Kinh sẽ sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan.
Ông Rubio nói: “Tôi tin rằng cuối cùng thì đó cũng là vấn đề lằn ranh đỏ đối với Trung Quốc, và cuối cùng, nếu cần, họ sẽ sử dụng vũ lực để thực thi các yêu sách của mình đối với Đài Loan.
Nghị sĩ Rubio cho rằng Mỹ không nên giúp Đài Loan giành chiến thắng trong cuộc xung đột toàn diện chống lại Trung Quốc. Thay vào đó, Washington nên hỗ trợ để Đài Bắc “có khả năng nâng chi phí cho chủ nghĩa phiêu lưu quân sự lên đến mức mà Trung Quốc không sẵn sàng đánh đổi”.
Ông cũng cảnh báo Mỹ phải điều phối một cách cẩn trọng và không quá khiêu khích, vì điều này có thể dẫn đến động thái đáp trả của Trung Quốc vào một lúc nào đó trong tương lai.
Bình luận của thượng nghị sĩ Rubio được đưa ra trong bối cảnh quân đội Trung Quốc tiếp tục tăng cường tần suất và mức độ đe doạ quân sự đối với Đài Loan.
Trung Quốc vẫn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ chờ thống nhất và sẵn sàng dùng vũ lực nếu cần thiết. Căng thẳng giữa hai bờ eo biển tiếp tục leo thang sau khi Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Keith Krach đến Đài Loan vào tuần trước. Quân đội Trung Quốc hôm 18/9 tập trận gần eo biển Đài Loan, cùng ngày ông Krach bắt đầu các cuộc họp cấp cao tại Đài Bắc. Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn cho rằng, động thái này của Bắc Kinh khiến người dân Đài Loan cảnh giác hơn nữa và hiểu rõ hơn bản chất thực sự của đảng Cộng sản Trung Quốc.
Hôm thứ Tư (24/9), hai máy bay chống ngầm Y-8 của quân đội Trung Quốc đã tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Đài Loan. Đây là lần thứ sáu máy bay của quân Trung Quốc xâm nhập ADIZ Đài Loan kể từ ngày 17/9.
Thỏa thuận Oracle mua Tik Tok
‘đáp ứng’ cho cả Mỹ và Trung Quốc
Thỏa thuận bán TikTok cho Oracle và Walmart, nếu đúng như những gì các đối tác loan báo, ‘sẽ đáp ứng những đòi hỏi về an ninh của Mỹ và yêu cầu không chuyển giao công nghệ của Trung Quốc’, một nhà quan sát nhận định với VOA.
Trong lúc này, những chi tiết về thỏa thuận mua bán TikTok, một ứng dụng mạng xã hội thuộc sở hữu của công ty Trung Quốc giúp tạo và chia sẻ video vẫn còn rất mơ hồ, với những tuyên bố trái ngược nhau.
Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã thay đổi lập trường trước đó và nói rằng ông sẽ không phê chuẩn thỏa thuận mua bán này nếu như phía công ty Trung Quốc không bán hết cổ phần của họ.
Thỏa thuận mơ hồ
Theo thỏa thuận được loan báo hồi cuối tuần qua thì một công ty mới có tên là TikTok Global sẽ được thành lập để sở hữu và vận hành TikTok, trong đó hai công ty Mỹ là Oracle và Walmart sẽ chiếm tổng cộng 20% cổ phần. Trong khi đó, ByteDance, công ty mẹ của TikTok thuộc sở hữu Trung Quốc, cho biết họ vẫn sẽ giữ 80% cổ phần của TikTok Global cho đến khi công ty này phát hành cổ phiếu ra công chúng.
Hiện các nhà đầu tư Mỹ đang nắm 40% cổ phần của ByteDance, trong đó có ba quỹ đầu tư lớn là Sequoia Capital, General Atlantic và Coatue Management LLC. Do đó, nếu tính sở hữu của các nhà đầu tư Mỹ này trong ByteDance cùng 20% cổ phần của Oracle và Walmart thì phía Mỹ sẽ nắm sở hữu đa số của TikTok Global.
Tuy nhiên, hôm 21/9, ông Ken Glueck, phó chủ tịch điều hành của Oracle đã lên tiếng bác bỏ thông tin này của ByteDance và cho biết ByteDance sẽ không có cổ phần trong TikTok Global, theo trang mạng cnet.com.
Hiện tại vẫn chưa rõ về chi tiết hoạt động của TikTok Global mà trong đó các đối tác Mỹ và Trung Quốc sẽ kiểm soát những gì. Mới đây, chính phủ Trung Quốc ra quy định là việc bán ra nước ngoài các công nghệ trọng yếu như trí tuệ nhân tạo, vốn TikTok dựa rất nhiều để làm thuật toán, cần phải được chính phủ phê duyệt.
Theo tường thuật của Forbes thì để có thể tiến hành được thỏa thuận với Oracle và Walmart, ByteDance cần phải xin giấy phép của chính phủ Trung Quốc để ‘xuất khẩu những công nghệ cấm và bị giới hạn’. Phát ngôn nhân Bộ Thương mại Trung Quốc hôm 23/9 được Wall Street Journal dẫn lời cho biết đang xem xét đơn của ByteDance ‘theo đúng quy định’.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã đăng các bài xã luận kêu gọi chính phủ bác bỏ thỏa thuận của ByteDance với các công ty Mỹ. Tờ China Daily gọi thỏa thuận này là ‘thủ đoạn lừa đảo bẩn thỉu và giấu tay’ và rằng ‘những gì mà Mỹ đang làm với TikTok gần như là một kẻ cướp đang ép buộc một công ty hợp pháp phải làm theo một thỏa thuận giao dịch phi lý và không công bằng’.
Tổng thống Trump cáo buộc TikTok đề ra mối đe dọa an ninh đối với Mỹ vì họ ‘kiểm soát dữ liệu của 100 triệu người dùng ở Mỹ’ và có thể được sử dụng cho mục đích tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc.
‘Bán vỏ không bán ruột’
Giáo sư-Tiến sĩ Khương Hữu Lộc hiện giảng dạy chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh tại Keller Graduate School of Management, cho VOA biết sở dĩ phía bên mua chuyển từ Microsoft như lúc đầu sang Oracle và Walmart vì Microsoft muốn mua đứt toàn bộ cổ phần của ByteDance cũng như của các nhà đầu tư Mỹ, nên ByteDance không chịu.
Ông nói chính quyền Trump lúc đầu chấp nhận thỏa thuận của ByteDance-Oracle-Walmart vì họ thấy ‘giải quyết được các quan ngại về an ninh’ như là ‘phải trữ dữ liệu người dùng ở Mỹ, đặt trụ sở ở Mỹ và tuân theo luật kiểm soát an ninh mạng của Mỹ’.
“Mục đích của phía Mỹ là kiểm soát dữ liệu của TikTok thì thỏa thuận như vậy cũng thỏa đáng đối với Mỹ về mặt an ninh,” ông nói. Oracle nói rằng họ sẽ trữ dữ liệu TikTok trên nền tảng đám mây của họ.
Tuy nhiên, ông cho rằng với quy định mới của phía Trung Quốc cấm bán công nghệ trí tuệ nhân tạo ra nước ngoài thì Trung Quốc vẫn muốn ByteDance nắm giữ những thuật toán giúp cho TikTok thành công mà các đối tác Mỹ không có quyền tiếp cận. Những thuật toán trí tuệ nhân tạo này giúp TikTok hiểu hành vi người dùng và thích ứng theo sở thích và xu hướng cá nhân mỗi người dùng.
“Nếu như vậy thì giống như họ mua được cái vỏ chứ không mua được cái ruột,” Giáo sư Lộc bình luận.
“Lúc đầu Microsoft muốn mua đứt thì Trung Quốc không chịu bán vì họ không muốn từ bỏ thuật toán cho Mỹ,” ông cho biết. “Họ chẳng thà bị đóng cửa ở Mỹ chứ không bán.”
Theo Tiến sĩ Lộc, phía Trung Quốc biết đa số trong hơn 100 triệu người dùng TikTok ở Mỹ là con em trong các gia đình có lập trường bảo thủ – thành phần cử tri chủ chốt của ông Trump và Đảng Cộng hòa – nên ‘nếu ông Trump cấm TikTok sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự ủng hộ của các cử tri của ông’.
Ngoài ra, thỏa thuận này cũng hứa hẹn sẽ tạo ra thêm từ 20.000 cho đến 30.000 việc làm mới ở Mỹ nên đáp ứng sự mong đợi của ông Trump, ông Lộc nói thêm.
Theo cấu trúc sở hữu trong thỏa thuận công bố, nhà quan sát này cho rằng không có công ty Mỹ nào nắm đa số cổ phần.
“Bây giờ mặc dù phía Mỹ cộng lại mới được trên 50% nhưng mỗi lần như vậy phải có sự phối hợp của tất cả 5 công ty của Mỹ cùng đồng ý thì mới ảnh hưởng được ByteDance của Trung Quốc,” ông phân tích.
Tuy nhiên, nếu các công ty Mỹ có sự chia rẽ thì cán cân tại TikTok Global sẽ nghiêng về phía Trung Quốc, ông lưu ý.
Hiện giờ vẫn còn sự mơ hồ về vấn đề công nghệ trí tuệ nhân tạo và thuật toán của TikTok.
CNN dẫn một nguồn tin thông thạo quá trình thương thảo cho biết Oracle đòi quyền xem xét các mã nguồn và thuật toán trong khi ByteDance cho biết Oracle chỉ có quyền ‘tiếp cận giới hạn mã nguồn’ nhưng sẽ không được chuyển giao thuật toán và công nghệ trí tuệ nhân tạo, theo Forbes.
Hôm 21/9, Tổng thống Trump nhấn mạnh ‘nếu Walmart và Oracle không nắm quyền kiểm soát hoàn toàn đối với TikTok thì chúng tôi sẽ không phê chuẩn thỏa thuận này’.
Thẩm phán:
Mỹ phải bênh vực hoặc hoãn lệnh cấm TikTok
Một thẩm phán Mỹ ngày 24/9 phán quyết hoặc chính quyền Trump phải hoãn lệnh cấm các cửa hàng ứng dụng tại Mỹ cho tải ứng dụng TikTok hoặc phải đệ trình tài liệu pháp lý bênh vực việc làm đó, trước ngày 25/9.
Bộ Thương mại Mỹ ra lệnh cấm các cửa hàng ứng dụng của Apple và của Google không được cho tải xuống ứng dụng chia sẻ video TikTok từ cuối ngày Chủ Nhật 27/9. Thẩm phán liên bang Carl Nichols nói chính phủ phải trả lời yêu cầu của TikTok hoặc trì hoãn lệnh này trước vào 2 giờ rưỡi chiều 25/9.
Ngày Thứ Bảy 19/9 tuần trước, một thẩm phán liên bang tại San Francisco đưa ra một án lệnh sơ khởi chặn một lệnh tương tự của Bộ Thương mại có hiêu lực vào ngày 27/9 đối với ứng dụng WeChat của Tencent Holdings.
Bộ Thương mại nói đang tính chuyện kiện án lệnh này, nhưng luật sư của chính phủ chưa đệ đơn kháng cáo.
Các giới chức bày tỏ quan ngại nghiêm trọng là dữ liệu cá nhân của khoảng 100 triệu người Mỹ dùng TikTok được trao cho chính phủ Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Ngày thứ Bảy 19/9 Bộ Thương mại loan báo trì hoãn một tuần đối với lệnh nhắm vào TikTok, nêu lên “những phát triển tích cực mới đây” trong những cuộc thỏa luận về tình trạng các hoạt động của TikTok tại Mỹ.
TikTok nói những hạn chế này không phải là do những quan ngại an ninh quốc gia thực sự mà là những lý do chính trị liên hệ đến cuộc tổng tuyển cử sắp tới.
Cuộc tập trận chung Hoa Kỳ – Anh Quốc lớn
diễn ra ở ngoài khơi bờ biển Anh Quốc
Các quân nhân Anh Quốc và Hoa Kỳ đang tham gia cuộc tập trận chung ngoài khơi bờ biển Scotland trong tuần này.
Đoạn phim do Hải quân Hoàng gia Anh Quốc cung cấp cho thấy các chiến đấu cơ của lực lượng Anh Quốc và Hoa Kỳ hạ cánh và cất cánh từ hàng không mẫu hạm HMS Queen Elizabeth nặng 65,000 tấn vào hôm thứ Ba (23/9).
Các cuộc tập trận quân sự này, được gọi là Exercise Groupex, sẽ là một phần của Joint Warrior, một chiến dịch đa quốc gia rộng hơn và là một trong những cuộc tập trận NATO lớn nhất của châu Âu. Mười một quốc gia và hàng nghìn thành viên quân đội sẽ tham gia từ các quốc gia bao gồm Bỉ, Canada, Đan Mạch, Pháp, Lithuania, Na Uy và Bồ Đào Nha.
Groupex bắt đầu vào hôm thứ Hai (21/9), và chủ yếu sẽ diễn ra ngoài khơi bờ biển phía đông của Scotland trong khi Joint Warrior sẽ diễn ra từ ngày 4 đến ngày 15 tháng 10. (BBT)
https://www.sbtn.tv/cuoc-tap-tran-chung-hoa-ky-anh-quoc-lon-dien-ra-o-ngoai-khoi-bo-bien-anh-quoc/
Gần đến bầu cử tổng thống,
Mỹ gia tăng trừng phạt Cuba
Thụy My
Không còn khách sạn, thuốc lá hay rượu Rhum cho du khách Mỹ : tổng thống Donald Trump loan báo các biện pháp hạn chế mới đối với Cuba. Vào lúc chỉ còn vài tuần nữa đến kỳ bầu cử, tổng thống Mỹ trừng phạt thêm du lịch Cuba vốn là ngành mang lại thu nhập ngoại tệ đứng hàng thứ ba cho đảo quốc, và đã gần như tê liệt trong đại dịch.
Theo thông tín viên Domitille Piron, biện pháp này chủ yếu nhằm cắt đứt nguồn sống của chế độ La Habana, và theo phía Cuba là để làm hài lòng các cử tri ở nam Florida.
Không thể tài trợ cho chế độ « cộng sản áp bức » bằng những đồng đô la Mỹ, theo như loan báo của ông Donald Trump hôm qua về việc trừng phạt.
Từ nay các du khách Mỹ đến Cuba không còn có thể lưu trú tại các khách sạn quốc doanh, và không được mang về rượu Rhum hay xì-gà. Những biện pháp này sẽ gây tác động cụ thể về tài chính đối với
Cuba, vì tất cả các khách sạn trên đảo quốc cũng như ngành công nghiệp thuốc lá và rượu đều thuộc sở hữu Nhà nước.
Việc tham gia các sự kiện thể thao, hội nghị, hội thảo hay triển lãm tại Cuba đối với công dân Mỹ giờ đây phải xin phép.
Loan báo trên đây hiện chưa gây hậu quả gì vì biên giới Cuba vẫn còn đóng cửa do virus corona. Nhưng quyết định này được đưa ra vào lúc chỉ vài tuần nữa là đến bầu cử tổng thống Mỹ.
Cho nên đối với Cuba rõ ràng đây là món quà cho cử tri nam Florida của ông Donald Trump, nơi đa số người Mỹ gốc Cuba cư trú, và theo báo chí Nhà nước, để làm hài lòng « những tên lính đánh thuê và những khuôn mặt chống Cuba hàng đầu ở Miami ».
Thông báo này được đưa ra vài ngày sau bài diễn văn của chủ tịch Cuba, Miguel Diaz-Canel tại Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, trong đó ông tố cáo Mỹ ngày càng tăng cường phong tỏa Cuba một cách hung hăng.
Mỹ áp đặt thêm chế tài lên Iran vì vi phạm nhân quyền
Ngày 24/9, Mỹ đưa vào danh sách đen một vài quan chức và thực thể Iran bị cáo buộc vi phạm nhân quyền sâu rộng, trong đó có việc chế tài một thẩm phán liên hệ đến vụ án tử hình tại Iran.
Ngoại trưởng Mike Pompeo nói Mỹ áp đặt chế tài lên thẩm phán Seyyed Mahmoud Sadati, thẩm phán Mohammad Soltani và các nhà tù Adel Abad, Orumiyeh, và Vakilabad.
Đặc sứ Mỹ phụ trách các vấn đề Iran và Venezuela, Elliott Abrams, cho biết những chế tài nhắm vào một thẩm phán đã kết án tử hình nhà đô vât Navid Afkari. Ông Pompeo nói ông Sadati là người giám sát một trong những phiên xử ông Afkari.
Bị cáo bị xử tử trong tháng này sau khi bị kết tội đâm chết một nhân viên an ninh trong những cuộc biểu tình chống chính phủ vào năm 2012, báo chí nhà nước Iran loan tin.
Cùng có tên trong danh sách đen là nhà tù Adel Abad mà theo lời Ngoại trưởng Pompeo là nơi mà ông Afkari bị các giới chức Iran tra tấn, và nhà tù Vakilabad, nơi công dân Mỹ Michael White bị giam.
Ông Pompeo cũng chỉ trích Iran về điều mà ông mô tả là giam giữ sai trái ba người Mỹ gồm Baquer Namazi, Siamak Namazi, và Morad Tahbaz. Ngoại trưởng Mỹ cho biết Hoa Kỳ sẽ nỗ lực làm mọi cách để đưa những người này về nhà.
Trước đây trong tuần, Mỹ áp đặt chế tài mới lên Bộ Quốc phòng Iran và những người khác dính líu đến chương trình hạt nhân và vũ khí để hỗ trợ tuyên bố của Mỹ là những chế tài đối với Tehran hiện đã được khôi phục
Quốc hội Mỹ báo cáo về quan hệ đáng ngờ
giữa nhà Joe Biden với chính quyền Trung Quốc
Bình luậnNguyễn Minh
Robert Hunter Biden là con trai của cựu Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, đã thực hiện “các giao dịch đáng ngờ” trị giá hàng triệu USD với giới doanh nhân Trung Quốc thân chính quyền và quân đội Trung Quốc, theo một báo cáo mới của Quốc hội Hoa Kỳ.
Hunter Biden bắt đầu phát triển các hiệp hội với doanh nhân Trung Quốc ít nhất là từ năm 2009. Đây cũng là năm mà Hunter Biden đồng sáng lập công ty tư vấn và đầu tư Hoa Kỳ Rosemont Seneca Partners. Theo báo cáo, những mối quan hệ tài chính này “đã tăng tốc trong thời gian ông Biden là Phó Tổng thống và tiếp tục sau khi ông hết nhiệm kỳ”.
Ông Joe Biden là Phó Tổng thống trong chính quyền Obama, từ năm 2009 đến năm 2017. Ông hiện là ứng cử viên Đảng Dân chủ cho cuộc bầu cử tổng thống sắp tới vào 3/11.
Những người sáng lập khác của Công ty Rosemont Seneca Partners là Chris Heinz – con riêng của cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ John Kerry, và Devon Archer – một trong những đối tác kinh doanh của Hunter Biden.
Báo cáo của Quốc hội được công bố vào ngày 23/9, do 2 Ủy ban của Thượng viện soạn thảo, gồm Ủy An ninh Nội địa và Các vấn đề Chính phủ, cùng Ủy ban Tài chính Hoa Kỳ.
Đáp lại, phát ngôn viên chiến dịch tranh cử của Joe Biden, Andrew Bates, cho biết rằng, báo cáo của Thượng viện đang sử dụng tiền thuế của người dân để khởi động “một cuộc tấn công được xây dựng dựa trên thuyết âm mưu cánh hữu cứng rắn, vốn đã bị bác bỏ từ lâu”.
Doanh nhân thân Bắc Kinh
Hai công dân Trung Quốc trở nên nổi bật trong mạng lưới tài chính của Hunter Biden với Trung Quốc là: ông trùm dầu mỏ Trung Quốc bị thất sủng Ye Jianming và nhà tài chính gốc Á Dong Gongwen. Theo báo cáo, Dong là cộng sự kinh doanh của Ye và thực hiện các giao dịch cho các công ty của Ye.
Báo cáo cho thấy Hunter Biden đã kiếm được hàng triệu USD từ mối quan hệ với Ye và nhận được hàng triệu USD từ các công ty của Dong.
“Ye và các cộng sự của ông ấy có mối quan hệ bền chặt với các đơn vị quân đội của Trung Quốc, một số đơn vị tham gia vào các vấn đề trái với chính sách của Hoa Kỳ trong khu vực”, báo cáo của Thượng viện nêu rõ.
Ye đã thành lập CEFC China Energy – một tập đoàn dầu mỏ kiếm được hàng tỷ đô-la ở Nga, Đông Âu và một số khu vực của Châu Phi.
Công ty này đã trở thành công ty dầu mỏ tư nhân lớn nhất Trung Quốc trước khi rơi vào tầm ngắm của Bắc Kinh vào năm 2018. Ye bị điều tra vào tháng 2/ 2018 vì “nghi phạm tội phạm kinh tế” và sau đó bị bắt giam. Không rõ hiện Ye đang ở đâu. Một doanh nghiệp nhà nước đã nắm quyền kiểm soát CEFC vào tháng 3/2018.
Ngoài các hoạt động kinh doanh mờ ám, công ty dầu khí này còn thuê các cựu quan chức quân đội và tận dụng các mối quan hệ của họ để thăng tiến bản thân, theo các nguồn tin từ báo chí Trung Quốc.
Ye cũng từng là Phó Tổng Thư ký của Hiệp hội Bằng hữu Quốc tế Trung Quốc (CAIFC) từ năm 2003 đến năm 2005.
Hiệp hội này là tổ chức thuộc Phòng Chính trị (GPD) trước đây của quân đội Trung Quốc. Đây là cơ quan chính trị trong Quân ủy Trung ương – cơ quan của Đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm kiểm soát quân đội, theo một báo cáo năm 2018 được công bố bởi Ủy ban Đánh giá Bảo mật kinh tế Trung Quốc – Hoa Kỳ (USCC). GPD đã được thay thế bởi một cơ quan mới có tên là Phòng Công tác Chính trị vào năm 2016.
Theo USCC, CAIFC chịu trách nhiệm thu thập thông tin tình báo và thực hiện các chiến dịch tuyên truyền và giám sát tư tưởng.
Các giao dịch với Hunter Biden
Báo cáo mới của Thượng viện đã xác định một giao dịch “hoạt động tài chính tội phạm tiềm ẩn” vào tháng 8/2017, khi CEFC Infrastructure Investment (US) LLC (Công ty đầu tư cơ sở hạ tầng), một công ty con của CEFC China Energy (Công ty Năng lượng Trung Quốc), gửi khoản thanh toán 100.000 USD cho công ty luật Owasco của Hunter Biden có trụ sở tại Washington. Không rõ số tiền này được sử dụng để làm gì.
Một vụ việc khác mà Thượng viện đã phát hiện là “hoạt động tội phạm tài chính tiềm ẩn” diễn ra vào tháng 9/2017, khi Hunter Biden và Dong mở thẻ tín dụng tại một ngân hàng thuộc một doanh nghiệp tên là Hudson West III LLC.
Thẻ tín dụng đã được cấp cho Hunter Biden, James Biden và Sara Biden – vợ của James Biden. James Biden là anh trai của Joe Biden.
“Những người nhà Biden sau đó đã sử dụng thẻ tín dụng mà họ mở để mua các mặt hàng xa xỉ trị giá 101.291,46 USD, bao gồm vé máy bay và nhiều mặt hàng tại các cửa hàng, hiệu thuốc, khách sạn và nhà hàng của Apple Inc.”, theo báo cáo của Thượng viện
Hàng triệu USD đã chảy từ Công ty Đầu tư Cơ sở hạ tầng CEFC vào Hudson West III và sau đó là Owasco. Vào ngày 8/8/2017, Công ty Đầu tư Cơ sở hạ tầng CEFC đã chuyển 5 triệu USD vào tài khoản ngân hàng của Hudson West III. Từ ngày 8/8/2017 đến ngày 25/9/2018, Hudson West III đã gửi hơn 4,79 triệu USD dưới danh nghĩa phí tư vấn cho Owasco.
Hudson West III là 1 trong 8 tổ chức kinh doanh được của Hudson West. Báo cáo của Thượng viện cho thấy, Dong có liên hệ với 7 trong số đó. Báo cáo không nêu chi tiết về các mối liên hệ và không rõ liệu Hunter Biden có mối liên hệ với các công ty Hudson West khác hay không.
Patrick Ho – một doanh nhân Hong Kong từng là Tổng Thư ký của một công ty con của CEFC – Ủy ban Quỹ Năng lượng Trung Quốc, cũng là khách hàng của Hunter Biden tại Owasco, theo báo cáo của Thượng viện.
Ho cũng dính líu đến những hành vi sai trái của CEFC. Người này bị các công tố viên Mỹ buộc tội hối lộ các quan chức hàng đầu ở Chad và Uganda để đổi lấy cơ hội kinh doanh cho CEFC.
Vào ngày 22/3/2018, vài tháng trước khi Ho ra tòa, khoản thanh toán 1 triệu USD đã được gửi từ Hudson West III đến Owasco với danh nghĩa phí làm đại diện pháp lý cho Ho, theo báo cáo của Thượng viện.
Theo một thông cáo báo chí của Sở Tư pháp, Ho đã bị kết án 3 năm tù giam vào tháng 3/2019 với một số tội danh bao gồm rửa tiền và vi phạm Đạo luật Tham nhũng Nước ngoài. Ho được trả tự do vào tháng 6/2020, vì thẩm phán đã rút ngắn thời hạn tù của Ho với lý do thể hiện hành vi tốt.
Các ủy ban của Thượng viện cho biết, mối quan hệ tài chính giữa Hunter Biden, người nhà Biden khác và các công dân Trung Quốc “không chỉ làm tăng xung đột lợi ích mà còn làm tăng các mối quan ngại về tội phạm tài chính, gián điệp và tống tiền”.
Chiến dịch tranh cử tổng thống của ông Joe Biden vẫn chưa bình luận gì về các giao dịch này.
Ngày 24/9, Hạ nghị sĩ Jim Jordan đã gửi thư cho Giám đốc FBI Christopher Wray đề hỏi về việc liệu cơ quan này có điều tra những phát hiện nêu của báo cáo của Thượng viện, bao gồm cả các giao dịch với Trung Quốc của Hunter Biden liên quan đến hoạt động tội phạm tiềm ẩn hay không.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh
Cơn bão Beta đổ bộ mang đến mưa lớn, ngập lụt
tại khu vực bờ biển Texas
Hôm thứ ba (22/9), cơn bão Beta đã suy yếu thành áp thấp nhiệt đới khi nó đổ bộ vào đất liền tại khu vực dọc theo bờ biển Texas ở phía nam Houston. Nó đã gây ra mưa lớn, ngập lụt trên khắp các tuyến đường và buộc các nhân viên cấp cứu khẩn cấp phải tiến hành giải cứu hàng chục người dân.
Mưa lớn đã nhấn chìm các con đường, ngập xe hơi, khiến các trường học, sân vận động và cảng vận chuyển năng lượng buộc phải đóng cửa. Tình trạng ngập lụt nặng nề nhất xảy ra ở khu vực phía nam Houston, khi nước ngập lên đến nửa chiếc xe hơi.
Ông Samuel Pena, cảnh sát trưởng đội phòng cháy chữa cháy Houston cho biết, đã có hơn 60 cuộc giải cứu và di tản người dân được thực hiện trong trận lũ lụt do bão Beta gây ra. Hầu hết các cuộc giải cứu là từ các xe bị chết máy trên đường phố.
Cơn bão Beta được dự báo sẽ di chuyển về phía đông nam Texas cho đến hết thứ tư (23/9), sau đó sẽ đi qua Louisiana và Mississippi từ đêm thứ tư đến thứ sáu (25/9). Đây là cơn bão thứ ba hình thành ở Vịnh Mexico của Hoa Kỳ trong vòng chưa đầy một tháng sau 2 cơn bão Laura và Sally. (BBT)
https://www.sbtn.tv/con-bao-beta-do-bo-mang-den-mua-lon-ngap-lut-tai-khu-vuc-bo-bien-texas/
Thủ Tướng Trudeau cho biết
Canada đang đối mặt với làn sóng đại dịch thứ hai
Tin từ OTTAWA, Canada – Vào hôm thứ Tư (23/9), thủ tướng Justin Trudeau cho biết Canada bước vào làn sóng thứ hai của đại dịch coronavirus, khuyến cáo rằng quốc gia này đứng trước nguy cơ của một đợt bùng phát nếu người dân không tuân theo các hướng dẫn về sức khỏe cộng đồng.
Trong một bài phát biểu toàn quốc hiếm hoi, ông Trudeau cho biết Canada “đang ở ngã ba đường” khi làn sóng thứ hai xuất hiện ở bốn tỉnh lớn, đồng thời cho biết thêm rằng chính phủ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để giúp đất nước phục hồi sau đại dịch.
Số ca COVID-19 của Canada gia tăng đột biến trong những ngày gần đây, với trung bình 1,123 trường hợp mới được báo cáo hàng ngày trong tuần qua, so với mức trung bình hàng ngày là 380 trường hợp vào giữa tháng 8.
Một cuộc thăm dò của Abacus Data cho thấy người Canada hiện đang lo lắng hơn về COVID-19 so với hồi tháng 4. Trước đó, chính phủ thực hiện các cam kết trong Bài phát biểu, vạch ra chương trình nghị
sự cho kỳ họp quốc hội tiếp theo và cam kết sẽ khôi phục hơn một triệu việc làm bị mất trong cuộc khủng hoảng.
Theo dữ kiện mới nhất của chính phủ, tổng số ca nhiễm lên tới 147,753, trong khi 9,243 người tử vong. Hàng loạt những lời hứa và lời đề cập đến các khoản đầu tư đáng kể có thể làm đảo lộn các thị trường đang có dấu hiệu lo ngại về tình trạng gia tăng thâm hụt ngân sách và nợ. Canada mất đi thứ hạng ba-A vào tháng 6 khi Fitch hạ cấp nước này lần đầu tiên, trích dẫn việc chi tiêu này. (BBT)
https://www.sbtn.tv/thu-tuong-trudeau-cho-biet-canada-dang-doi-mat-voi-lan-song-dai-dich-thu-hai/
Vatican : Tổng trưởng Bộ Phong Thánh từ chức
Minh Anh
Chiều tối 24/09/2020, Phòng Báo chí Tòa Thánh loan tin ông Angelo Becciu, Tổng trưởng Bộ Phong Thánh đã đệ đơn từ chức và đã được Đức Thánh Cha chấp thuận.
Theo tường thuật của thông tín viên Eric Senanque tại Vatican, ông Angelo Becciu bị nghi ngờ đã thực hiện nhiều giao dịch tài chính mờ ám gây thiệt hại nặng nề cho ngân sách của Tòa Thánh.
« Thông báo này đã gây bất ngờ tại Vatican. Trong một thông cáo vỏn vẹn chỉ có hai dòng công bố chiều tối thứ Năm, Phòng Báo chí Tòa Thánh cho biết giáo hoàng Phanxicô đã chấp thuận đơn xin từ nhiệm khỏi chức vụ Tổng trưởng Bộ Phong Thánh của hồng y Giovanni Angelo Becciu.
Vị Hồng y 72 tuổi này nắm rõ guồng máy của Tòa Thánh. Trước khi nắm Bộ Phong Thánh, ông từng là Phụ tá Quốc vụ khanh Tòa Thánh, tức bộ trưởng Nội Vụ của Tòa Thánh », trong vòng 7 năm.
Nếu như hiện tại chưa có một giải thích nào về quyết định từ nhiệm này, thì mọi cặp mắt đều hướng đến một vụ tai tiếng bị tuần báo Espresso tiết lộ hồi năm 2019. Theo đó, vị hồng y này dường như đã có một vai trò chủ chốt : Thông qua Vatican mua một tòa nhà sang trọng tại Luân Đôn trị giá 160 triệu euro.
Tư pháp Vatican nghi ngờ đây là một giao dịch tài chính mờ ám với hệ quả là làm hao tốn quỹ công đức của Tòa Thánh, một khoản tiền chỉ dùng để tài trợ cho những hoạt động từ thiện của giáo hoàng trên toàn thế giới.
Một số người thân cận của hồng y Becciu, mà người đầu tiên hết là cựu thư ký riêng của ông đã bị bắt. Nếu như ông Giovanni Angelo Becciu hiện tại vẫn là hồng y, nhưng ông bị mất hết các quyền liên quan đến chức vụ của mình, nghĩa là ông sẽ không thể tham gia bầu một giáo hoàng trong trường hợp có mật nghị viện. »
Virus corona : Châu Âu kêu gọi gia tăng kiểm soát,
tình hình Việt Nam trở lại bình thường
Thụy My
3 phút
Trước tình trạng ngày càng xuất hiện nhiều ổ dịch virus corona mới, Liên Hiệp Châu Âu hôm 24/09/2020 kêu gọi các nước thành viên siết chặt các biện pháp kiểm soát « ngay lập tức » để tránh một đợt dịch thứ hai. Trong khi đó tại Việt Nam, tình hình thành phố Đà Nẵng đã trở lại bình thường kể từ 0 giờ hôm nay 25/09/2020.
Ủy viên châu Âu phụ trách y tế Stella Kyriakides tuyên bố : « Tất cả các Nhà nước thành viên cần triển khai các biện pháp ngay khi có nguy cơ xuất hiện các ổ dịch mới » : xét nghiệm, theo dõi, cách ly, gia tăng khả năng của các bệnh viện…
Bà nhận xét tại một số nước, tình hình hiện còn tệ hơn cả hồi đỉnh dịch tháng Ba, thêm vào đó là nguy cơ cúm mùa vào mùa đông sắp tới. Ủy viên y tế cũng cổ vũ các chính phủ châu Âu tuyên truyền thêm nơi giới trẻ, và đấu tranh chống bóp méo thông tin.
Nước Đức vốn được coi là mô hình chống dịch, nay đang phải đối phó với đợt lây nhiễm mới. Tại bang Bayern (Bavière theo tiếng Pháp), kể từ hôm 24/09 bắt buộc phải mang khẩu trang ở trung tâm thành phố, không được tụ tập quá 5 người. Tại Ý, vùng Campania (thuộc Napoli) cũng buộc phải mang khẩu trang. Ở Anh, nước có nhiều người thiệt mạng nhất châu Âu vì con virus, kể từ hôm qua các quán rượu, nhà hàng phải đóng cửa từ 22 giờ.
Cũng trong hôm qua tại châu Mỹ La-tinh, Brazil quyết định hoãn lại lễ hội hóa trang Rio nổi tiếng lẽ ra được tổ chức vào tháng 2/2021, vì các trường dạy samba ở Rio de Janeiro không có thời gian và cũng không còn tiền để tham gia. Brazil là nước có số người chết vì Covid thứ nhì thế giới chỉ sau Hoa Kỳ.
Riêng tại Việt Nam, kể từ 0 giờ hôm nay 25/09/2020 tình hình Đà Nẵng đã trở lại bình thường, tất cả các hoạt động bị tạm dừng để chống dịch đều đã được khôi phục. Bệnh nhân 936 là bệnh nhân Covid cuối cùng đã được ra khỏi bệnh viện dã chiến Hòa Vang từ hôm thứ Tư, sau 19 lần xét nghiệm.
Trút được gánh nặng sau hai tháng trở thành tâm dịch, Đà Nẵng vẫn khuyến cáo người dân tiếp tục thực hiện nghiêm túc « thông điệp 5K » của bộ Y Tế: Khẩu trang – Khử khuẩn- Khoảng cách- Không tập trung- Khai báo y tế.
Cũng từ 0 giờ hôm nay, tỉnh Thừa Thiên-Huế dỡ bỏ tất cả các biện pháp hạn chế người và xe cộ vào tỉnh này.
Pháp : Tấn công bằng dao tại Paris,
hai người bị thương
Thanh Phương
Hai người đã bị thương trong một vụ tấn công bằng dao tại Paris hôm nay, 25/09/2020, tại một nơi gần trụ sở cũ của tờ báo trào phúng Charlie Hebdo, vào lúc diễn ra phiên tòa xử những người có liên quan đến loạt khủng bố đẫm máu năm 2015.
Sở cảnh sát Paris, cho biết trong vụ tấn công này có hai người bị thương, trong đó một người bị thương nặng. Nghi can đã bị bắt gần quảng trường Bastille, khu trung tâm Paris, nằm không xa trụ sở cũ của tờ Charlie Hebdo. Cảnh sát đã lập một hàng rào an ninh chung quanh tòa soạn cũ của tờ báo này.
Gần như toàn bộ ban biên tập Charlie Hebdo đã bị sát hại trong vụ tấn công của khủng bố Hồi Giáo vào tòa soạn của tờ báo này hồi tháng Giêng 2015. Sau vụ tấn công đó, tòa soạn đã được dọn đến một nơi vẫn được giữ bí mật.
Viện Công tố Quốc gia chống khủng bố vừa thông báo đã mở một cuộc điều tra về « mưu toan giết người có liên quan đến một tổ chức khủng bố ».
Vụ tấn công hôm nay diễn ra trong bối cảnh ban biên tập Charlie Hebdo nhận được những lời đe dọa mới kể từ khi tờ báo này đăng lại các bức biếm họa Mohamed ngày 02/09 vừa qua, tức là ngày mở phiên xử về các vụ khủng bố 2015, sẽ kéo dài cho đến ngày 10/11. Vào đầu tuần này, trưởng ban nhân sự của tờ báo Marika Bret đã phải rời khỏi nhà riêng và được cảnh sát đưa đến một nơi bí mật, do bà nhận được những lời đe dọa rất nghiêm trọng.
Gần một trăm cơ quan truyền thông của Pháp hôm 23/09 đã đăng một bức thư ngỏ kêu gọi dân Pháp có hành động để ủng hộ quyền tự do ngôn luận.
Covid-19 : Nhiều vùng tại Pháp
phản đối siết chặt biện pháp phòng ngừa
Minh Anh
Tại Pháp, dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh trở lại. Hôm qua, 24/09/2020, chính quyền báo động số ca nhiễm mới trong vòng 24 giờ đạt một kỷ lục mới : Hơn 16.000 người. Tuy nhiên, việc chính phủ thông báo siết chặt các biện pháp phòng ngừa đã gặp phải sự phản đối của nhiều dân biểu địa phương.
Theo AFP, dịch bệnh lan mạnh tại nhiều vùng đô thị lớn. Aix-Marseille (đông nam) và đảo Guadeloupe bị đặt vào « vùng báo động tối đa ». Ngoài ra còn có 11 vùng đô thị lớn khác, trong đó có Paris cũng bị xếp vào diện « vùng báo động tăng cường ».
Trước tình hình tỷ lệ lây nhiễm tăng mạnh, chính quyền ban hành nhiều biện pháp nghiêm ngặt như đóng cửa các quán bar kể từ 22 giờ và hạn chế bán rượu. Riêng tại hai vùng « báo động tối đa », quán bar và nhà hàng sẽ bị đóng cửa hoàn toàn kể từ ngày mai, thứ Bảy 26/9. Những cơ sở tiếp đón công
chúng khác cũng sẽ bị đóng cửa, ngoại trừ những nơi nào tuân thủ nghiêm ngặt quy định an toàn dịch tễ như nhà hát kịch, bảo tàng và rạp chiếu bóng.
Quyết định này của chính quyền trung ương đã bị giới hoạt động trong lĩnh vực nhà hàng mạnh mẽ phản đối cho đấy là một « quyết định bất công ». Các dân biểu thành phố Marseille đặc biệt lên án biện pháp này là « một đòn trừng phạt tập thể » và là một « thảm họa ». Những dân biểu này cho biết sẽ cầu viện đến tư pháp để cản trở việc đóng cửa các quán bar và nhà hàng.
Thủ tướng Pháp Jean Castex, tối qua, trên đài truyền hình France 2 cho biết ông hoàn toàn chịu trách nhiệm về những quyết định trên, đồng thời cảnh báo là « không nên đùa với một cơn đại dịch » và kêu gọi một tinh thần « trách nhiệm tập thể cần thiết ». Ngoài ra, lãnh đạo chính phủ Pháp cũng cam kết có những chính sách cần thiết để hỗ trợ những doanh nghiệp bị ảnh hưởng do những quy định mới vừa ban hành.
Roland-Garros 2020 kém hào hứng ?
Trong bối cảnh này, giải quần vợt Roland-Garros, năm nay chỉ sẽ được đón 1.000 lượt khách đến xem cho mỗi trận thay vì là 5.000 như trước đây. Đây quả là một vố đau cho giải quần vợt quốc tế rất được trông đợi khi chỉ còn có ba ngày nữa là khai mạc giải đấu.
Xe đạp, “bên thắng cuộc”
trong cuộc khủng hoảng Covid 19 tại Pháp
Thùy Dương
Giai đoạn hậu phong tỏa Covid-19, trong khi nhiều ngành sản xuất lâm khủng hoảng nghiêm trọng chưa từng có, thì tại Pháp ngành công nghiệp xe đạp lại « hưởng lợi lớn », cung không đủ cầu. Từ các nhà sản xuất xe đạp cho đến cửa hàng bán xe đạp, dịch vụ cho thuê hay sửa chữa xe đều như được thổi một làn sinh khí mới …
Xe đạp lên ngôi
Trước đây, xe đạp tại Pháp chủ yếu được coi như phương tiện đi dạo chơi, thư giãn cuối tuần. Mặc dù những năm gần đây, ở các đô thị lớn, nhất là thủ đô Paris, nơi thường xảy ra ách tắc giao thông, hệ thống giao thông công cộng ngày càng quá tải, với nhiều phong trào đình công kéo dài, thì xe đạp ngày càng được ưa chuộng như một phương tiện giao thông giá rẻ, thuận tiện, tốt cho sức khỏe và không gây hại cho môi trường, giảm ách tắc giao thông, nhưng nếu so với các nước Bắc Âu thì tỉ lệ người đi lại hàng ngày bằng xe đạp tại Pháp vẫn ở mức rất thấp : 3% (so với tỉ lệ 28% ở Copenhague, thủ đô Đan Mạch).
Một cuộc cách mạng xe đạp thực ra đã bắt đầu bùng lên tại Pháp từ tháng 12/2019, khi có phong trào đình công của nhân viên công ty giao thông công cộng chống dự án cải tổ chế độ hưu trí của chính phủ Pháp. Sau khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát mạnh mẽ tại Pháp, giao thông bằng xe đạp lại đặc biệt có bước phát triển đột phá.
Theo hiệp hội Vélo & Teritoires, chỉ trong vòng vài tháng, giao thông bằng xe đạp đã có những bước tiến mà bình thường Pháp phải mất rất nhiều năm mới đạt được, đặc biệt là ở vùng Paris, một trong những nơi bị dịch bệnh gây tác hại nặng nề nhất trong cả nước. Còn ông Olivier Schneider, chủ tịch Liên Đoàn Người Đi Xe Đạp tại Pháp khẳng định ngay cả nhiều nước Bắc Âu, thủ phủ xe đạp của thế giới, cũng phải thán phục sự tiến bộ vượt bậc của Pháp và coi đó là một « điển hình » thời hậu phong tỏa.
Kể từ khi nước Pháp ra khỏi phong tỏa hôm 11/05/2020, người lao động dần trở lại công sở, số xe đạp bán được trên thị trường đều tăng vọt, kể cả xe đạp thường, xe trợ điện, xe đạp điện, xe địa hình … Chỉ trong hai tháng 05-06, số xe đạp bán ra đã tăng 117% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng không phải cứ muốn là người dân Pháp mua được xe đạp. Cung không đủ cầu ! Các cửa tiệm « cháy hàng », khách thường phải đăng ký trước khá lâu mới mua được. Xe đạp và phụ tùng sản xuất tại Pháp ngày càng được ưa chuộng trong khi trước đây, phụ tùng tại các cửa hàng bán xe đạp thường có xuất xứ từ Trung Quốc.
Zéfal là công ty chuyên sản xuất phụ tùng xe đạp từ năm 1880 tại tỉnh Loiret và hiện có hơn 100 lao động. Ngay từ cuối tháng 06, ông Roland Ducasse, giám đốc công nghiệp của hãng, đã phấn khởi phát biểu trên đài France 3 : « Chúng tôi đã tăng năng suất lên hơn gấp đôi, đặc biệt tại công xưởng này. Ngày trước, thường ở đây có 10 nhân công, nay chúng tôi cần tới 22 người. Hiện giờ năng suất của cả doanh nghiệp của chúng tôi đã tăng 120% ».
Xe đạp trợ điện và xe đạp điện dù giá cao hơn xe thường rất nhiều nhưng đỡ tốn sức cho người dùng nếu phải đi xa nên cũng « bán rất chạy », nhất là vì người mua được Nhà nước và chính quyền địa phương hỗ trợ 100-500 euro/xe. Và xe đạp điện sản xuất tại Pháp cũng được ưa chuộng hơn xe ngoại nhập. Ông David Jungels, quản lý một tiệm bán xe đạp điện, cho biết : « Những ngày đông khách, chúng tôi có thể bán được 15 chiếc (xe đạp điện). Đây là một con số lớn đối với một cửa hàng chỉ có diện tích 100m2 như chúng tôi. Ở cửa hàng của chúng tôi, mỗi chiếc xe đạp điện có giá trừ 1.000 euro trở lên, có những chiếc có giá tới 10.000 euro ».
Thợ sửa xe đạp « làm không hết việc »
Những chiếc xe đạp « bị bỏ xó » lâu nay trong kho, có khi đến vài chục năm, giờ lại được mang ra lau chùi, sửa chữa, thay thế phụ tùng để sử dụng lại. Theo ước tính, có 9 triệu chiếc xe đạp cũ vẫn còn nằm trong kho các hộ gia đình. Thợ sửa xe đạp chưa bao giờ làm việc « luôn chân luôn tay » như vậy mà cũng không thể đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Tại các cửa hàng, điện thoại reo liên hồi, khách xếp hàng chờ được sửa xe mà không tránh được tình trạng phải chờ nhiều ngày, có khi đợi đến 6-8 tuần mới đến lượt cho dù các cửa hàng đã phải tuyển thêm nhiều thợ sửa xe, tăng giờ làm việc …
Các trung tâm dạy nghề sửa xe đạp cũng phải tăng cường các khóa đào tạo cấp tốc. Tại nhiều cơ sở đào tạo, ngay từ hồi tháng 06, các khóa học 3 tháng đã được tăng tốc lên chỉ còn 20 ngày để đáp ứng nhu cầu tăng vọt của thị trường. Ngay trong giai đoạn còn phong tỏa, Nhà nước cũng khuyến khích các cửa hàng buôn bán và sửa chữa xe đạp mở cửa để phục vụ khách hàng. Công bằng mà nói, sự phát triển đột phá này phần nào là nhờ chính phủ đã triển khai chính sách hỗ trợ tiền sửa xe đạp cũ : 50 euro/xe đạp, bất kể đó là xe đạp thường, xe địa hình hay xe của trẻ em …
Bộ trưởng bộ Chuyển Đổi Sinh Thái, Elisabeth Borne, hôm 19/06 lạc quan phát biểu : « Đó là một thành công ngoài sức tưởng tượng ! Cho đến hôm nay, đã có hơn 200.000 chiếc xe được sửa chữa lại. Ban đầu, chúng tôi dự tính hỗ trợ cho việc bảo dưỡng 300.000 xe. Nhưng mọi việc tiến triển tốt đến mức tôi đã mở rộng kế hoạch lên gấp 3 lần và chúng tôi nhắm đến mục tiêu từ nay đến cuối năm sẽ có 1 triệu chiếc xe đạp được sửa chữa (…) Tôi thấy là đây là một chính sách tuyệt vời. Xe đạp vào thời nào cũng là một phương tiện đi lại đáp ứng nhiều tiêu chí, vì nó vừa không tốn kém, lại tốt cho sức khỏe. Tôi rất mừng khi thấy người dân Pháp tranh thủ tận dụng chính sách này ».
Cho đến nửa cuối tháng 08, số xe đạp được sửa với 50 euro hỗ trợ của Nhà nước đã lên đến 500.000 chiếc.
« Cung đường Corona »
Số xe đạp tham gia lưu thông tăng, kèm theo đó là những tuyến đường, làn đường liên tục được quy hoạch, bố trí tạm thời dành cho người đi xe đạp sau khi đất nước ra khỏi phong tỏa chống dịch Covid-19. Người Pháp gọi đó là Coronapistes – những cung đường Corona. Trong cả nước, đã có 1.000 km « Coronapistes » được đưa vào sử dụng, chẳng hạn ở Lyon, Marseilles, Lilles, Nice, Montpellier … Từ sau khi Pháp ra khỏi phong tỏa, giao thông trên các tuyến đường dành riêng cho xe đạp đã tăng trung bình 29%, không chỉ ở các thành phố lớn (+67% ở Paris) mà còn ở cả các vùng ven đô thị (+17%) và nông thôn (+16%). Riêng từ tháng 05 đến tháng 08/2020, các tuyến đường dành riêng cho xe đạp đã thu hút thêm 67% số xe tham gia lưu thông so với năm 2019.
Theo báo Le Parisien, chỉ trong một thời gian ngắn, Paris đã quy hoạch được 50 km « Coronapistes ». Thực ra, ngay từ trước khi xảy ra đại dịch, đô trưởng Paris, Anne Hidalgo, đã có tham vọng đưa « kinh đô ánh sáng » lên tầm « kinh đô xe đạp » của thế giới và có lẽ đây là« cơ hội vàng » để Paris hiện thực hóa tham vọng. Trên phố Rivoli, trung tâm thủ đô Paris, một làn đường đã được quy hoạch cho người đi xe đạp và rất nhanh chóng, Rivoli trở thành 1 trong 3-4 tuyến phố có lưu lượng xe đạp cao nhất châu Âu. Còn trên đại lộ Sébastopol, 1 trong những trục đường lịch sử lớn nhất Paris, trong giờ cao điểm, nhiều khi số xe đạp lưu thông trên đường còn cao hơn xe hơi.
Chủ tịch (Hội đồng dân cử) vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận), bà Valérie Pécresse, ngay từ hồi cuối tháng Tư, khi Pháp còn đang bị phong tỏa, đã hứa chi 300 triệu euro cho « RER vélo » dự án quy hoạch mạng lưới giao thông xe đạp với 9 tuyến đường giao nối nhau tương tự như hệ thống tàu xe công cộng ở vùng Paris, với tổng chiều dài 650 km. Dịch vụ cho thuê xe đạp Velib’ tại vùng Paris, vào đầu tháng 09, với gần 20.000 xe, đã ghi nhận 200.000 cuốc xe/24 giờ, nhiều gấp đôi so với cách nay 1 năm, với 400.000 người thuê bao. Còn dịch vụ cho thuê xe đạp điện Véligo với giá 40 euro/tháng, đi vào hoạt động cách nay 1 năm, với 10.000 xe, thông báo đến tháng 10 sẽ triển khai thêm 5.000 xe đạp điện, trong bối cảnh khách vẫn đang xếp hàng chờ đến lượt được thuê bao.
Không chỉ chi tiền cho các « Coronapistes », để bảo đảm an toàn cho người đi xe đạp, chính phủ còn đầu tư vào các khóa học đi xe đạp, bố trí khu vực để xe. Ban đầu, chính phủ dự chi 20 triệu euro cho kế hoạch phát triển giao thông xe đạp, nay số tiền này đã được nâng lên thành 60 triệu euro. Xe đạp đã trở thành một phương tiện giao thông hữu ích bảo đảm giãn cách xã hội, góp phần vào cuộc chiến chống virus corona. Không phải vô cớ mà ngành công nghiệp xe đạp được gọi là « bên thắng cuộc » trong khủng hoảng Covid-19.
(Theo France Info, Les Echos, Le Parisien, France Bleu)
Tổng thống Nga đến Kavkaz
giám sát các cuộc tập trận
Minh Anh
Ngày 25/09/2020, tổng thống Nga Vladimir Putin có mặt tại vùng Kavkaz để giám sát những bài thao diễn cuối cùng của đợt tập trận diễn ra ở miền nam nước Nga từ hôm 21/09/2020.
Dù là thường niên, cuộc tập trận năm nay huy động đến 80.000 người đến từ vùng biển Caspi và Hắc Hải. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh nước Nga phải đối mặt với nhiều hồ sơ nóng. Khối Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương NATO tỏ ra khá thờ ơ trước những cuộc thao diễn này.
Từ Volgograd, thông tín viên đài RFI, Paul Gogo tường thuật :
Một vùng sa mạc bụi bặm và một tràng tên lửa đầu tiên được bắn đi. Thứ Năm (24/9), trường bắn Proudboy, cách không xa Volvograd, miền nam nước Nga, trong tình trạng báo động. Pháo hạng nặng, xe tăng và trực thăng chiến đấu phải đẩy lui một kẻ thù vô hình.
Kẻ thù mà người ta không nêu tên, một số người gọi là NATO. Nhưng tại những bãi tập, từ này là cấm kỵ. Hai thành viên của khối NATO, Hoa Kỳ và Vương Quốc Anh đã điều vài trăm binh sĩ sang phía bên kia của bán đảo Crimée là Ukraina để tham gia một cuộc tập trận chưa từng có, một lời đáp trả trước các cuộc tập trận của Nga.
Nhưng bên phía Nga, ít nhất 80.000 người đã được huy động kể từ hôm thứ Hai 21/9 trong đợt tập trận liên quân này, trong đó có chỉ huy đơn vị xe thiết giáp, Alexei Malinovski.
Ông nói : « Chúng tôi thường xuyên tiến hành các bài tập này. Thời gian còn lại, chúng tôi luyện tập để sẵn sàng. Hôm nay, nhiệm vụ của chúng tôi là hỗ trợ các đội quân đang tiến lên trước một kẻ thù giả định. Cần bảo đảm cho việc tiến quân được diễn ra không có vấn đề gì »
Tại vùng biển Caspi, hải quân Nga cũng đang diễn tập với các đồng nghiệp Iran. Còn ở vùng Hắc Hải, thì có Trung Quốc, Belarus, Miến Điện và Armenia sẽ tham gia vào đợt thao diễn cuối cùng ngày hôm nay. Đích thân ông Vladimir Putin sẽ chỉ huy các cuộc tập trận này.
Nga – Belarus : Vladimir Putin tính toán những gì
về số phận Loukachenko ?
Thanh Hà
Alexandre Loukachenko trao số phận mình cho Matxcơva. Trước các làn sóng phản kháng không ngừng gia tăng từ sau cuộc bầu cử đầu tháng 8/2020 tổng thống Belarus đến Sotchi tiếp kiến tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 14/09/2020. Điện Kremlin sẵn sàng can thiệp đến mức độ nào để bảo vệ quyền lợi và ảnh hưởng của Nga tại Belarus ?
Trong cuộc trao đổi ngắn ngủi với tổng thống Nga trước ống kính truyền thông quốc tế, Alexandre Loukachenko đã sáu lần cảm ơn Matxcơva và nhấn mạnh « trong cơn hoạn nạn mới biết rõ ai là bạn mình » và ông ca ngợi nước Nga là « người anh lớn » của Belarus. Hơn một tháng trước đó, vài ngày trước cuộc bầu cử tổng thống 09/08/2020 cũng chính tổng thống Loukachenko, sau 26 năm cầm quyền, từng đích danh gọi nước Nga là « kẻ thủ số 1 » của Minsk và đã ra lệnh bắt khoảng 30 lính đánh thuê của một tổ chức tư nhân thân Nga với lý do những người này « làm khuynh đảo » Belarus. Thêm vào đó ai cũng biết là quan hệ cá nhân giữa hai ông Putin và Loukachenko rất « tồi tệ », « đôi bên không mấy tin tưởng lẫn nhau ».
Tuy nhiên điều không thể chối cãi đó là Nga luôn xem Belarus thuộc vùng ảnh hưởng của mình vậy Matxcơva sẽ can thiệp đến mức độ nào, dưới những hình thức nào và đã tính toán những gì về số phận của tổng thống Alexandre Loukachenko ?
Trả lời đài RFI, Françoise Daucé, giám đốc nghiên cứu Trường Cao Đẳng Khoa Học Chính Trị EHESS của Pháp, giám đốc Trung Tâm Nghiên Cứu CEREC về Nga vùng Kavkaz và Trung Âu nhắc lại mối liên hệ mật thiết giữa Belarus và Nga « cả về lịch sử, kinh tế lẫn văn hóa. Tuy nhiên từ năm 1991 khi Liên Xô sụp đổ Belarus tách rời khỏi mái nhà chung dưới trướng của Matxcơva. Trong những năm đầu sau khi giành lại được độc lập, tinh thần dân tộc chủ nghĩa Belarus dâng cao, Minsk khẳng định bản sắc Belarus. Nhưng khi ông Loukachenko lên cầm quyền năm 1994 màu sắc Belarus và tinh thần dân tộc chủ nghĩa đó đã phần nào chìm xuống và được thay thế bằng nguyện vọng của tân lãnh đạo Belarus muốn xích lại gần nước Nga ».
Dù vậy bang giao song phương không phải lúc nào cũng được thuận thảo. Florent Parmentier thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị trường Khoa Học Chính Trị Paris giải thích về mối bang giao phức tạp giữa Belarus với nước Nga sát cạnh.
Có 5 quốc gia bao quanh Belarus, là Nga, Ukraina, Ba Lan và hai nước Baltic là Latvia và Litva, do vậy « mỗi nước láng giềng có một cái nhìn khác nhau về Belarus. Hai nước Baltic thì muốn Minks đi theo con đường dân chủ và tự do thoát khỏi ảnh hưởng của Nga như chính Riga và Vilnius đã làm. Riêng nước Nga đã đi xa hơn cả : ngay từ 1994 Matxcơva đã có hẳn một kế hoạch đối với Belarus để giữ Minsk trong vòng kềm tỏa của Nga. Thế nhưng tổng thống Loukachenko có thái độ mập mờ, một mặt muốn dựa vào Matxcơva nhưng mặt khác Loukachenko thừa biết rằng hội nhập hoàn toàn vào nước Nga sẽ biến Belarus thành một tỉnh của nước láng giềng to lớn này và như vậy ông ta không hơn không kém là một ông tỉnh trưởng mà đó là điều Alexandra Loukachenko không mong muốn ».
Thế còn nhìn từ phía Matxcơva, tổng thống Vladimir Putin luôn xem các nước cộng hòa cũ thuộc Liên Xô là « những vùng đặc quyền » của Nga và quan điểm này theo nhà nghiên cứu Mathieu Boulègue thuộc Viện Nghiên Cứu Hoàng Gia Anh, Chatham House tại Luân Đôn, đã ít nhiều được phương Tây chấp nhận trong nỗ lực cải thiện quan hệ với Matxcơva.
Với Belarus, Nga đã tận dụng các kênh, từ ngoại giao đến kinh tế, chính trị, văn hóa và kể cả quân sự để duy trì và mở rộng thêm ảnh hưởng của Matxcơva tại quốc gia nhỏ bé này. Hiển nhiên là Nga lợi dụng thời điểm hiện tại để đòi Belarus nhượng bộ trên nhiều điểm « với một mục tiêu duy nhất và xuyên suốt từ trước tới nay đó là bảo đảm một sự tiếp nối trong chính sách đối ngoại của Nga ».
Do vậy theo Mathieu Boulègue Vladimir Putin đương nhiên đã đòi Alexandre Loukachenko nhượng bộ trên « một số điểm then chốt » và điện Kremlin biết « là có thể tận dụng tất cả các kênh từ tài chính đến chính trị và cả quân sự » để kiểm soát Belarus. Chuyên gia Pháp so sánh : trong nhãn quan của tổng thống Vladimir Putin có một khác biệt lớn giữa phong trào xuống đường tại Belarus lần này với cuộc cách mạng Maidan ở Ukraina hồi 2014 đó là người biểu tình ở Belarus không bài Nga mà chỉ đòi « một Nhà nước pháp quyền ». Tổng thống Putin dường như đã nghe thấy thông điệp này khi mà bộ Ngoại Giao Nga liên tục kêu gọi Minsk « cải tổ Hiến Pháp ».
Nga có thể can thiệp dưới hình thức nào tại Belarus ? Mathieu Boulègue giải thích, trên thực tế Nga đã hiện diện tại Belarus từ trước tới nay. Minsk lệ thuộc vào năng lượng của Nga. Các tập đoàn công nghệ vũ khí của Belarus cũng ít nhiều trong tầm kiểm soát của Nga. Đó là chưa kể có từ « 60 đến 70 % các chương trình được phát trên các kênh truyền hình tại Belarus là do Nga cung cấp, văn hóa Nga ăn sâu vào đời sống của người dân Belarus ».
Nói cách khác Matxcơva biết chắc là công luận Belarus không thù ghét gì nước Nga. Điều quan trọng giờ đây đối với Kremlin là bảo đảm « tiến trình chuyển giao quyền lực được diễn ra êm thắm để bảo đảm ổn định cho giai đoạn tiếp theo và nhất là làm thế nào để những quyền lợi của nước Nga vẫn được bảo toàn ». Vladimir Putin biết rằng quyền lực ở Minsk không mãi mãi trong tay Loukachenko và « rất có thể là đối lập Belarus sẽ lên nắm quyền. Nhưng lợi thế của Nga ở đây là : khác với trường hợp của Ukraina, dân Belarus không xuống đường để chống nước Nga hay để đòi ngả theo Liên Hiệp Châu Âu. Đòi hỏi một Nhà nước pháp quyền của đối lập Belarus không là một trở ngại đối với Matxcơva bởi trong mọi trường hợp, Nga đang nắm giữ tất cả các chìa khóa ».
Nhà nghiên cứu Florent Parmentier thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Trị trường Khoa Học Chính Trị Paris cũng cho rằng trong mắt Vladimir Putin, quyền lực tại Minks thuộc về tổng thống Loukachenko hay không, điều đó không quan trọng. Kế hoạch của Matxcơva về Belarus bao gồm 2 giai đoạn : « thời kỳ Loukachenko và hậu Loukachenko ». Chuyên gia Pháp giải thích. Chủ trương của Kremlin là mặc cả với tổng thống Belarus để « mua được với giá rẻ hay chen chân vào những tập đoàn sáng giá của Belarus mà từ trước đến nay Nga vẫn luôn nhòm ngó đến » đồng thời Vladimir Putin « gài người của mình vào các mạng lưới ở Belarus để duy trì ảnh hưởng của Nga, qua đó, đi thêm những nước cờ tiếp theo ». Theo ông Parmentier sự tồn tại của chính quyền Alexandre Loukachenko đang ở trong tay Vladimir Putin.
Seoul: Kim Jong-un xin lỗi vụ bắn quan chức Hàn Quốc
Hải Lam
Seoul hôm 25/9 cho biết, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã xin lỗi về việc một quan chức Hàn Quốc bị bắn chết hồi đầu tuần.
Theo Yonhap, ông Suh Hoon, Giám đốc An ninh Quốc gia Hàn Quốc, nói rằng trong một thông báo chính thức được gửi tới Hàn Quốc, Triều Tiên đã chuyển thông điệp của Kim Jong-un rằng ông “rất lấy làm tiếc” vì đã khiến Tổng thống Moon Jae-in và những người Hàn Quốc khác liên quan đến vụ việc phải thất vọng.
Trong thông báo gửi tới Nhà Xanh, Triều Tiên tuyên bố đã gửi cho Hàn Quốc kết quả điều tra của vụ việc. Phía Bình Nhưỡng nói rằng, người đàn ông “không rõ danh tính” đã vượt qua hải giới phía Tây trái phép và không trả lời trung thực khi bị lực lượng an ninh chất vấn. Binh sĩ Triều Tiên đã bắn hơn 10 phát súng vào người đàn ông Hàn Quốc, ở khoảng cách 40-50 mét.
Triều Tiên tuyên bố không thấy xác người đàn ông Hàn Quốc, và các binh sĩ sau đó chỉ đốt những vật liệu trôi nổi gần người này, nhằm tuân thủ hướng dẫn phòng chống dịch bệnh khẩn cấp quốc gia.
Yonhap bình luận, việc ông Suh Hoon công bố toàn văn thông báo của phía Triều Tiên là động thái bất thường.
Cũng theo Yonhap, Bộ Quốc phòng Hàn Quốc hôm 24/9 cho biết quan chức 47 tuổi thuộc Bộ Đại dương và Ngư nghiệp mất tích khỏi con tàu 499 tấn trưa 21/9 khi đang làm nhiệm vụ kiểm tra ngoài khơi đảo Yeonpyeong. Binh sĩ Triều Tiên phát hiện người này trong vùng biển của họ hôm 22/9 và bắn chết, sau đó hỏa thiêu thi thể.
Tổng thống Moon Jae-in nói việc Triều Tiên bắn chết quan chức Hàn Quốc là sự việc “chấn động” và “không thể tha thứ vì bất kỳ lý do nào”. Bộ Ngoại giao Mỹ hôm 24/9 nói với Yonhap rằng Washington ủng hộ Hàn Quốc lên án Bình Nhưỡng về vụ sát hại quan chức chính phủ Hàn Quốc và yêu cầu Triều Tiên giải thích.
https://www.dkn.tv/the-gioi/seoul-kim-jung-un-xin-loi-vu-ban-quan-chuc-han-quoc.html
Chống dịch thành công, Đài Loan lọt top 10
địa điểm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất
Bình luậnNgọc Trân
Theo thống kê từ các trang du lịch nổi tiếng, Đài Loan lọt vào top 10 địa điểm được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới trong nửa đầu năm nay.
Mặc dù Đài Loan vẫn áp dụng các biện pháp kiểm soát quốc gia, nhưng nhờ phòng chống dịch bệnh hiệu quả, số ca nhiễm viêm phổi Vũ Hán ở đây thấp hơn nhiều so với các nước Âu Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản. Qua đó, Đài Loan đã giành được sự chú ý của các du khách quốc tế. Theo thống kê từ các trang du lịch nổi tiếng, Đài Loan lọt vào danh sách top 10 địa điểm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất trên thế giới trong nửa đầu năm nay.
Theo thống kê của Trung tâm chỉ huy phòng chống dịch bệnh lưu hành (Central Epidemic Command Center), tính đến ngày 24/9, tổng số ca được chẩn đoán với viêm phổi Vũ Hán tại Đài Loan là 509 trường hợp, xếp thứ 161 trên thế giới. Đây là nước có số ca chẩn đoán nhiễm bệnh ít hơn nhiều so với các nước khác trên thế giới, dù dịch bệnh trên thế giới đang diễn ra nghiêm trọng. Nước Mỹ thống kê đã có hơn 6.93 triệu người nhiễm bệnh, Nhật Bản có hơn 80 nghìn người, Hàn Quốc có hơn 23 nghìn người.
Số liệu của trang Agoda cho biết, Đài Loan là quốc gia đứng đầu trong danh sách top 10 địa điểm du lịch được tìm kiếm nhiều nhất thế giới trong nửa đầu năm 2020. Thứ tự các nước lần lượt sau đó là Thái Lan, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Mỹ, Úc, Malaysia và Ấn Độ.
Agoda cho biết, điều này đã nói rõ sự thành công trong công tác phòng chống dịch bệnh của Đài Loan. Môi trường du lịch an toàn đã thu hút được sự tin cậy của du khách quốc tế và du khách trong nước. Ngoài ra, việc nới lỏng kiểm soát biên giới của Đài Loan từ hồi tháng 6 năm nay, cũng thu hút những du khách yêu đi du lịch, từ đó dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của ngành du lịch Đài Loan trong thời gian gần đây.
Ngoài ra, Agoda cũng công bố top 10 thành phố có lượng đặt phòng nhiều nhất trong kỳ nghỉ Trung thu sắp tới. Những lựa chọn hàng đầu của du khách bao gồm: Đài Bắc, Đài Trung và Cao Hùng. Ngoài ra, còn có các thành phố phổ biến khác như: Đào Viên, Đài Nam, Tân Trúc, Chương Hoá…
Ngọc Trân
Theo Epoch Times tiếng Trung
Khảo sát: Chỉ 2% người Đài Loan
nhận mình là ‘người Trung Quốc’
Thanh Hải
Cuộc thăm dò mới nhất của Taiwan Thinktank cho thấy chỉ 2% số người được hỏi coi mình là “người Trung Quốc”, trong khi hơn 80% ủng hộ hòn đảo tham gia các tổ chức quốc tế dưới tên”Đài Loan”.
Theo Taiwan News, trong một cuộc họp báo hôm 24/9, Phó Giám đốc điều hành của Taiwan Thinktank Doong Sy-chi cho biết những người tham gia khảo sát được yêu cầu xác định quốc tịch của mình. Kết quả cho thấy, 62,6% nói họ là “người Đài Loan”; 2,0% nói họ là “người Trung Quốc”; và 32,6% nói “cả hai”. Trong số những người chọn “cả hai”, khi được yêu cầu chỉ chọn một quốc tịch, 86% cho biết họ là “người Đài Loan”; 6,3% nói “Trung Quốc”; và 1,1% lặp lại “cả hai”.
Kết quả của cuộc thăm dò cũng cho thấy 80,5% ủng hộ việc hòn đảo tham gia vào các tổ chức và sự kiện quốc tế dưới tên “Đài Loan”, trong khi chỉ 12% phản đối. Khi được hỏi Đài Loan nên dùng tên gì khi tham gia các hoạt động đối ngoại, 51,2% trả lời “Đài Loan”, 33% trả lời “Trung Hoa Dân Quốc”, 9,7% chọn “Đài Bắc Trung Hoa”.
Ông Doong cho biết trong quá trình dân chủ hóa, Đài Loan đã trải qua ba lần chuyển giao quyền kiểm soát của đảng và tổ chức nhiều cuộc bầu cử dân chủ, và điều này đã dần hình thành bản sắc dân tộc của Đài Loan. Ngoài ra, các hành vi đe dọa liên tục gần đây của chính quyền Trung Quốc khiến tỷ lệ những người đồng tình với Trung Quốc giảm mạnh trong khi sự đồng thuận của người dân về vị thế của Đài Loan tăng cao.
Cuộc khảo sát do Taiwan Thinktank thực hiện từ ngày 15 đến ngày 17/9, phỏng vấn những người từ 18 tuổi trở lên tại 22 quận và thành phố trên cả nước qua điện thoại. Cuộc thăm dò thu thập được 1.074 mẫu hợp lệ, mức độ tin cậy là 95% và sai số lấy mẫu là +/- 3%.
Theo Taiwan News
Thanh Hải dịch và biên tập
https://www.dkn.tv/the-gioi/khao-sat-chi-2-nguoi-dai-loan-nhan-minh-la-nguoi-trung-quoc.html
Nghị sĩ dân chủ Hồng Kông phản đối
vụ Trung Quốc bắt giữ 12 nhà hoạt động
Thanh Phương
Theo hãng tin Reuters, các nghị sĩ thuộc phe ủng hộ dân chủ ở Hồng Kông ngày 25/09/2020, đã mở một cuộc biểu tình ngắn tại Hội đồng Lập pháp của đặc khu để kêu gọi trả tự do cho 12 nhà hoạt động bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ trên biển vào tháng trước, khi toan vượt biên bằng tàu sang Đài Loan.
Cảnh sát Trung Quốc cho rằng 12 nhà hoạt động nói trên, bị nghi phạm các tội liên quan đến những cuộc biểu tình chống chính quyền Hồng Kông vào năm ngoái, bị xem là đã vượt biên trái phép. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc thì gọi họ là “những thành phần ly khai”.
Trước khi diễn ra cuộc họp của Hội đồng Lập pháp về khắc phục hậu quả kinh tế của dịch Covid-19, hôm nay, khoảng 10 nghị sĩ thuộc phe đối lập dân chủ đã hô và giương khẩu hiệu : “Trả tự do ngay lập tức cho 12 công dân Hồng Kông”. Cuộc biểu tình ngắn này đã khiến phiên họp của Hội đồng Lập pháp khai mạc trễ hơn dự kiến.
Chính phủ Hồng Kông đã tuyên bố không thể can thiệp cho các nhà hoạt động bị bắt và những người này phải được xử lý theo pháp luật ở Trung Quốc trước khi được trở về Hồng Kông. Chính quyền Hoa Lục khẳng định là “các quyền chính đáng” của 12 người bị bắt sẽ được bảo vệ theo đúng luật pháp Trung Quốc.
Theo hãng tin Reuters, chuyến vượt biên bất thành của 12 nhà hoạt động Hồng Kông sang Đài Loan phản ánh mối lo sợ của nhiều người dân tại đặc khu, vì họ thấy Trung Quốc quyết tâm ngăn chận mọi hành động nhằm thúc đẩy dân chủ tại trung tâm tài chính này.
Trong khi đó, theo hãng tin AFP, hôm qua, một phát ngôn viên của lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrel cảnh báo là vụ câu lưu nhà hoạt động Hoàng Chi Phong ( Joshua Wong ), một tuần trước khi diễn ra một cuộc họp thượng đỉnh châu Âu, đang gây tổn hại cho sự tin cậy của Liên Hiệp Châu Âu vào Trung Quốc.
Theo lời phát ngôn viên của ông Josep Borrel, “vụ câu lưu Hoàng Chi Phong là vụ mới nhất trong một loạt vụ bắt giữ đáng lo ngại các nhà hoạt động dân chủ từ mùa hè đến nay”
Nhà hoạt động trẻ 23 tuổi đã bị câu lưu trong vài tiếng đồng hồ hôm qua với tội danh “tụ tập trái phép”, vì đã tham gia một cuộc biểu tình vào tháng 10 năm ngoái ở Hồng Kông.
Trên nguyên tắc, trong hai ngày thứ 5 và thứ 6 tuần này, các lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu họp lại để bàn về các mối quan hệ chiến lược với Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng cuộc họp đã được dời lại đến ngày 1 và 2/10 do dịch Covid-19.
AFP nhắc lại là để phản đối việc Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia ở Hồng Kông, các nhà lãnh đạo Liên Hiệp Châu Âu đã quyết định hạn chế việc xuất khẩu sang Hồng Kông những thiết bị có thể được dùng để giám sát và đàn áp người dân ở đặc khu này. Họ cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình Hồng Kông trong hai cuộc họp trực tuyến với chủ tịch Trung Quốc Tập Cập Bình ngày 24/06 và 14/09 vừa qua.
Trung Quốc xóa bỏ dần
quyền tự do báo chí ở Hồng Kông
Thanh Phương
Trung Quốc vừa tiến thêm một bước trong việc xóa bỏ quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, một trong các quyền tự do mà người dân đặc khu này còn được hưởng.
Hôm Thứ Ba 22/09/2020, cảnh sát Hồng Kông vừa công bố quyết định kể từ nay sẽ không công nhận thẻ nhà báo do các hiệp hội phóng viên địa phương cấp, mà chỉ công nhận là phóng viên những người làm việc cho các báo được chính phủ cấp phép hoặc làm việc cho báo chí quốc tế. Cụ thể là các phóng viên của Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông HKJA và Hiệp hội Phóng viên nhiếp ảnh Hồng Kông HKPPA không còn được cảnh sát công nhận là « đại diện truyền thông ». Nói cách khác, với việc cảnh sát thu hẹp khái niệm « đại diện truyền thông », như vậy là kể từ nay hàng trăm nhà báo bị tước bỏ quyền đưa tin.
Khi đưa ra quyết định nói trên, cảnh sát Hồng Kông viện lý do là đã có nhiều « nhà báo giả hiệu » cản trở hoặc tấn công nhân viên công lực, cho nên họ phải xác định lại thế nào là « đại diện truyền thông ». Bộ Ngoại Giao Trung Quốc hôm qua dĩ nhiên đã ra tuyên bố ủng hộ việc cảnh sát Hồng Kông siết chặt quản lý báo chí tại đặc khu này. Trên mạng Facebook hôm nay, đặc khu trưởng Lâm Trịnh Nguyệt Nga (Carrie Lam) cũng đã tuyên bố ủng hộ quyết định của sảnh sát Hồng Kông và khẳng định cơ chế mới này hoàn toàn « khách quan và cởi mở », không hề làm sói mòn quyền tự do báo chí ở Hồng Kông.
Thế nhưng, đối với các tổ chức báo chí của Hồng Kông, quy định mới sẽ hạn chế hoạt động của những nhà báo tự do và nhà báo-sinh viên đồng thời làm tăng nguy cơ bị bắt giữ đối với những người này. Chính các nhà báo đó đã ghi lại những hình ảnh gây ấn tượng mạnh nhất của các cuộc biểu tình đòi dân chủ vào năm ngoái ở đặc khu hành chính. Một số sinh viên cho biết, khi đến theo dõi, đưa tin cho các tờ báo sinh viên, họ đã bị bắt ngay tại nơi biểu tình, vì bị nghi là phạm các tội, trong đó có tội « bạo loạn »
Theo Hiệp hội Nhà báo Hồng Kông, việc cảnh sát thu hẹp khái niệm « đại diện truyền thông » được phép đến theo dõi các sự kiện công cộng, chẳng hạn như các cuộc biểu tình, sẽ hạn chế việc giám sát hành động của các nhân viên công lực. Một điều đặc biệt gây phẫn nộ cho các hiệp hội báo chí ở Hồng
Kông, đó là cảnh sát đã phá lệ, đơn phương ra quyết định nói trên mà không hề tham khảo ý kiến của giới báo chí, như vẫn làm cho tới nay.
Về phần Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài ở Hồng Kông FCC, tổ chức này hôm 24/09/2020 cho rằng biện pháp nói trên là « một bước mới trong việc xóa bỏ dần quyền tự do báo chí ở Hồng Kông, vì nó trao cho cảnh sát quyền được quyết định ai được phép theo dõi đưa tin về hành động của cảnh sát ». FCC cũng bày tỏ quan ngại là những người không được công nhận là phóng viên sẽ có nguy cơ bị bắt về tội « tụ tập trái phép » và « bạo loạn ».
Cho nên, 8 tổ chức truyền thông Hồng Kông, 7 trường báo chí và FCC đã ký một bức thư chung kêu gọi chính quyền đặc khu rút lại quyết định của cảnh sát về việc thu hẹp khái niệm « đại diện truyền thông ». Riêng HKJA cho biết đang xem xét khả năng kháng cáo quyết định này.
Mặt khác, tuy vẫn công nhận phóng viên của báo chí quốc tế, Bắc Kinh lại đang giới hạn thêm hoạt động của các phóng viên này. Ngày 23/09, Văn phòng bộ Ngoại Giao Trung Quốc đặc trách về Hồng Kông đã ra thông cáo cảnh cáo Câu lạc bộ các thông tín viên nước ngoài ở Hồng Kông FCC phải « ngưng can thiệp vào công việc nội bộ của đặc khu hành chính này » nhân danh quyền tự do báo chí, hay với « bất cứ lý do nào ». Ấy là chưa kể việc cấp visa cho các phóng viên nước ngoài trong những tháng gần đây đã bị trì hoãn, thậm chí một nhà báo Ailen đã bị từ chối cấp visa sau gần 6 tháng chờ, mà không hề được cho biết lý do.
Bắt Hoàng Chi Phong, chính quyền Hong Kong
tiếp tục kiếm cớ đàn áp các nhà hoạt động dân chủ
Bình luậnDu Miên
Luật sư của Hoàng Chi Phong cho biết, nhà hoạt động ủng hộ dân chủ nổi tiếng của Hong Kong đã bị bắt vào ngày 24/9 vì bị cáo buộc tham gia vào một “cuộc họp trái phép” vào tháng 10/2019, liên quan đến luật chống đeo khẩu trang của chính quyền Hong Kong.
Trao đổi với AFP, luật sư của anh là ông Jonathan Man cho biết: “[Hoàng Chi Phong] bị cáo buộc tham gia một cuộc hội họp bất hợp pháp vào ngày 5/10 năm ngoái, khi hàng trăm người biểu tình để phản đối lệnh cấm đeo khẩu trang mà chính quyền ban hành”. Ông Man nhấn mạnh rằng nhà hoạt động đã bị bắt khi được triệu tập tới sở cảnh sát vì một vụ án khác mà anh ấy hiện đang bị xét xử.
Theo một bài đăng từ tài khoản Twitter chính thức của Hoàng, anh cũng bị bắt vì vi phạm “luật chống khẩu trang hà khắc” của Hong Kong. Luật này có hiệu lực vào ngày 5/10 nhưng luôn bị cáo buộc là trái với hiến pháp của Hong Kong.
Nội dung cụ thể của bài đăng như sau: “[Hoàng Chi Phong] bị bắt khi đang trình báo với Sở Cảnh sát Trung tâm vào khoảng 1 giờ chiều ngày hôm nay. Vụ bắt giữ có liên quan đến việc tham gia vào một cuộc tụ họp trái phép vào ngày 5/10 năm ngoái. Anh bị cáo buộc là đã vi phạm luật chống khẩu trang hà khắc”.
Vài giờ sau đó, Hoàng Chi Phong đã được tại ngoại, theo The Guardian. Anh cũng truyền tải một thông điệp đặc biệt tới giới truyền thông rằng, cộng đồng quốc tế nên bớt quan tâm tới các nhà hoạt động nổi tiếng như anh, mà thay vào đó nên chú ý nhiều hơn tới 12 người Hong Kong đang bị giam giữ tại đại lục. Anh cũng kêu gọi chính quyền Bắc Kinh trả tự do cho 12 người này, sau khi họ bị cáo buộc cố gắng chạy trốn khỏi Hong Kong bằng thuyền để đến Đài Loan tị nạn.
Nhà hoạt động xã hội kỳ cựu 71 tuổi Koo Sze-yiu cũng bị bắt vì tham gia hoạt động “tụ họp bất hợp pháp” vào ngày 5/10 chống lại lệnh cấm đeo khẩu trang, phóng viên Xinqi Su của AFP đưa tin.
Theo thông tin từ The Guardian, ông Koo hiện đang điều trị ung thư giai đoạn cuối và vốn có lịch khám bệnh vào chiều ngày 24/9. Truyền thông địa phương đưa tin, lần cuối ông Koo bị giam giữ trước đó là vào hồi tháng Sáu vì tội danh xúc phạm quốc kỳ Hong Kong.
Cảnh sát đã xác nhận vụ bắt giữ, nói rằng 2 nhà hoạt động bị buộc tội “cố ý tham gia một cuộc tụ họp trái phép”, đồng thời lưu ý rằng Hoàng Chi Phong đã vi phạm luật cấm đeo khẩu trang của Hong Kong, tờ South China Morning Post đưa tin.
Theo cảnh sát, dự kiến 2 nhà hoạt động sẽ phải trình diện tại Tòa án Sơ thẩm Quận Đông vào ngày 30/9.
Vụ bắt giữ Hoàng Chi Phong gần nhất làm gia tăng con số các cáo buộc tụ họp bất hợp pháp hoặc các hành vi phạm tội mà anh và các nhà hoạt động khác đang phải đối mặt liên quan đến các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ năm ngoái. Các cuộc biểu tình này chính là lý do khiến Bắc Kinh áp đặt luật an ninh quốc gia sâu rộng vào ngày 30/6 vừa qua.
Vụ bắt giữ nhà hoạt động diễn ra chỉ vài tuần sau khi ông trùm truyền thông Hong Kong Jimmy Lai, một người dám thẳng thắn chỉ trích gay gắt Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), bị bắt theo luật an ninh quốc gia mới, với cáo buộc thông đồng với “lực lượng nước ngoài hoặc các yếu tố bên ngoài”.
Hoàng Chi Phong từng là một vị khách thường xuyên đến Washington. Anh đến đây để kêu gọi Quốc hội Hoa Kỳ ủng hộ phong trào dân chủ của Hong Kong và chống lại sự siết chặt của Bắc Kinh đối với Hong Kong – trung tâm tài chính toàn cầu. Các chuyến thăm của Hoàng đã thu hút sự phẫn nộ của Bắc Kinh. Chính quyền độc tài này cho rằng anh đại diện cho “bàn tay đen” của các thế lực nước ngoài muốn thâm nhập vào nội bộ Trung Quốc.
Nhà hoạt động 23 tuổi đã giải tán nhóm ủng hộ dân chủ Demosisto của mình vào tháng Sáu, chỉ vài giờ sau khi Quốc hội Trung Quốc thông qua luật an ninh quốc gia cho Hong Kong mà bỏ qua cơ quan lập pháp địa phương của đặc khu này.
Tin tức về việc bắt giữ Hoàng Chi Phong đã vấp phải nhiều chỉ trích.
“Vụ bắt giữ #JoshuaWong (Hoàng Chi Phong), một trong những nhân vật hàng đầu của phong trào dân chủ [tại] #HongKong, là một ví dụ khác về cuộc tấn công dân chủ và nhân quyền của [chính quyền] Trung Quốc thông qua đàn áp chính trị. #StandWithHongKong (Sát cánh cùng Hong Kong)”, Đại hội Uyghur Thế giới viết trên Twitter.
Nhà lập pháp người Anh Iain Duncan Smith đã mô tả vụ bắt giữ nhà hoạt động trẻ tuổi là “cuộc đàn áp chính trị trần trụi”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Anh bày tỏ quan ngại sâu sắc trước vụ bắt giữ, và nhận định đây là “một ví dụ khác của việc chính quyền Hong Kong nhắm vào các nhà hoạt động” dân chủ, The Guardian đưa tin.
“Chỉ Kafka và những người độc tài mới tự hào khi @joshuawongcf bị bắt — vì [lý do anh ấy] vi phạm những luật pháp vi phạm các tiêu chuẩn của [nhân quyền tại Trung Quốc và Hong Kong]”, Giám đốc Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Trung Quốc Sophie Richardson viết trên Twitter.
Du Miên
Các trại đào tạo nghề hàng loạt trá hình
ở Tây Tạng bị quốc tế lên án
Bình luậnNguyễn Minh
Ngày 22/9, một nhóm các nhà lập pháp quốc tế đã lên án Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) vì áp đặt một chương trình đào tạo nghề hàng loạt ở Tây Tạng giống với hệ thống đang được sử dụng ở Tân Cương.
Trong một tuyên bố, Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) kêu gọi các chính phủ điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc, đồng thời xử phạt những người chịu trách nhiệm về các hoạt động tồi tệ này.
Tuyên bố này đi kèm với một báo cáo của IPAC làm rõ thông tin về “một hệ thống lao động cưỡng bức phổ biến rõ ràng ở Tây Tạng” do ĐCSTQ thiết lập.
ĐCSTQ gọi đó là Chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Chương trình này “gợi nhớ một cách đáng lo ngại về việc đào tạo nghề cưỡng chế và chuyển giao lao động hàng loạt do chính quyền Trung Quốc áp đặt với người Duy Ngô Nghĩ ở Tân Cương”, bản tuyên bố cho biết.
Chuyển lao động dư thừa ở nông thôn sang ngành công nghiệp là một phần quan trọng trong động lực thúc đẩy nền kinh tế và giảm nghèo của Trung Quốc. Tuy nhiên, các nhóm nhân quyền nhận định rằng, ở những khu vực như Tân Cương và Tây Tạng, nơi có phần lớn dân số là người dân tộc và lịch sử bất ổn, thì các chương trình này đặt trọng tâm thái quá vào đào tạo tư tưởng thay vì đào tạo nghề. Đồng thời, việc đưa ra hạn ngạch của chính phủ và quản lý theo kiểu quân đội cho thấy, việc chuyển đổi nghề này có tính cưỡng chế.
Học giả Trung Quốc Adrian Zenz cùng tham gia viết báo cáo của IPAC nói rằng, chương trình đào tạo là “cuộc tấn công mạnh nhất, rõ ràng nhất và có chủ đích vào sinh kế truyền thống của người Tây Tạng mà chúng ta đã thấy kể từ Cách mạng Văn hóa”.
Báo cáo đã được chứng thực bởi một cuộc điều tra của Reuters được công bố vào ngày 22/9.
Các nhà lập pháp cho biết, bản báo cáo của IPAC cho thấy rằng, bất chấp những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp “các quyền cơ bản của con người”.
Các nhà lập pháp viết: “Chúng tôi cùng lên án mạnh mẽ những hành vi này và kêu gọi chính phủ Trung Quốc dừng những hành động tàn bạo này ngay lập tức”.
Trong một tuyên bố với Reuters, Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã phủ nhận việc liên quan đến lao động cưỡng bức và cho biết, Trung Quốc là một quốc gia có nền pháp trị và người dân tham gia lao động hoàn toàn tự nguyện, kèm theo đó chính phủ Trung Quốc cũng có những khoản bồi thường thích đáng.
IPAC kêu gọi các chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu theo Đạo luật trừng phạt Magnitsky đối với những người chịu trách nhiệm, đồng thời điều chỉnh những tư vấn về rủi ro cho các doanh nghiệp để họ có thể tránh mua phải hàng hóa do lao động cưỡng bức sản xuất.
IPAC cũng yêu cầu các chính phủ kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về tình hình của người dân Tây Tạng và cử đặc phái viên của Liên Hợp Quốc đến Tây Tạng để điều tra các cáo buộc về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc.
Cuộc điều tra đã nhận được sự tán thành từ nhiều quốc gia, với 63 chữ ký ủng hộ đại diện cho Úc, Canada, Liên minh Châu Âu, Nhật Bản, New Zealand, Hoa Kỳ và 10 quốc gia Châu Âu.
Cũng trong ngày 22/9, Hạ viện Hoa Kỳ đã “thống nhất” thông qua Đạo luật Phòng chống Lao động Cưỡng bức của người Duy Ngô Nhĩ. Đạo luật này sẽ “ngăn chặn một số hoạt động nhập khẩu hàng hoá từ Tân Cương và áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với những người liên quan đến vi phạm nhân quyền”.
Nguyễn Minh
Theo Epoch Times tiếng Anh
Bắc Kinh áp chính sách lao động Tây Tạng,
các nhà lập pháp quốc tế lên tiếng
Lục Du
Một nhóm các nhà lập pháp quốc tế hôm thứ Ba (22/9) đã lên án gay gắt Bắc Kinh vì lực lượng này đang áp đặt một chương trình đào tạo nghề hàng loạt cho người Tây Tạng tương tự như những gì họ làm ở Tân Cương, theo Epoch Times.
Trong một tuyên bố, Liên minh Liên nghị viện về Trung Quốc (IPAC) kêu gọi các chính phủ trên thế giới điều tra các báo cáo về lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc và xử phạt những cá nhân liên đới trách nhiệm.
Tuyên bố này của IPAC nêu bật việc chính quyền Trung Quốc đang cho triển khai “một hệ thống lao động cưỡng bức phổ biến và rõ ràng ở Tây Tạng”.
Bắc Kinh nói rằng họ đang thực hiện kế hoạch giảm nghèo ở Tây Tạng bằng cách chuyển đổi lực lượng lao động ở nông thôn, biến những người nông dân thành công nhân sau một khoảng thời gian đào tạo nghề. Tuy nhiên các nhóm nhân quyền nói rằng các chương trình dạy nghề của chính quyền Trung Quốc cho người dân Tây Tạng lại chú trọng quá mức vào các bài học định hướng tư tưởng.
Ngoài ra, việc chính phủ giao hạn ngạch chuyển đổi lao động cho các địa phương ở vùng Tây Tạng cũng như việc quản lý học viên học nghề theo kiểu quân đội cho thấy chính sách này của Bắc Kinh có yếu tố cưỡng chế.
Học giả Trung Quốc Adrian Zenz, tác giả của báo cáo “Hệ thống đào tạo nghề theo kiểu quân sự của Tân Cương được áp dụng cho Tây Tạng”, nói rằng, theo quan điểm của ông, chương trình chuyển đổi lao động của Bắc Kinh là “cuộc tấn công mạnh nhất, rõ ràng nhất và có chủ đích vào sinh kế truyền thống của người Tây Tạng mà chúng ta được chứng kiến kể từ Cách mạng Văn hóa”.
Các nhà lập pháp IPAC nói rằng bản báo cáo của ông Zenz cho thấy: bất chấp những chỉ trích từ cộng đồng quốc tế, Bắc Kinh vẫn tiếp tục lạm dụng “các quyền cơ bản của con người”.
Các nhà lập pháp viết: “Chúng tôi thống nhất lên án mạnh mẽ những hành vi này và kêu gọi chính phủ Trung Quốc ngăn chặn ngay lập tức những hành động tàn bạo này”.
IPAC cũng kêu gọi các chính phủ áp đặt các biện pháp trừng phạt có mục tiêu theo đạo luật Magnitsky đối với những người liên quan tới chính sách chuyển đổi lao động ở Tây Tạng và sửa đổi khuyến cáo về rủi ro đối với các doanh nghiệp để họ không mua hàng hóa do lao động cưỡng bức ở Trung Quốc sản xuất.
IPAC cũng đề nghị các chính phủ yêu cầu Bắc Kinh dỡ bỏ hạn chế tiếp cận Tây Tạng để công đồng quốc tế tiến hành một cuộc điều tra quốc tế độc lập về tình hình của người dân Tây Tạng. Họ cũng đưa ra đề xuất rằng cần có một đặc phái viên của Liên Hợp Quốc điều tra các cáo buộc lao động cưỡng bức và đàn áp sắc tộc ở Trung Quốc.
Bắc Kinh tiếp tục đàn áp
giáo sĩ Công giáo ngẩng cao đầu trước ĐCSTQ
Lục Du
Các nhà chức trách của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tiếp tục bắt giam và làm mất tích các linh mục và giám mục Công giáo từ chối gia nhập các nhà thờ do ĐCSTQ kiểm soát.
Các báo cáo gần đây chỉ ra rằng các giáo sĩ chọn ở ngoài quỹ đạo của Hiệp hội Công giáo Yêu nước Trung Quốc (CPCA) đã bị chính quyền quản thúc tại gia hoặc mất tích.
Kể từ khi ĐCSTQ giành được chính quyền bằng bạo lực ở Trung Quốc vào năm 1949, tín ngưỡng tâm linh là một trong những mục tiêu đàn áp chính của lực lượng này.
Đối với những người Công giáo, các tín hữu đã bị chia rẽ, một bên là những người muốn đi theo Vatican và phần còn lại là những người chọn theo quỹ đạo của CPCA, do ĐCSTQ kiểm soát.
Hai năm trước, ĐCSTQ và Vatican đã ký kết một thỏa thuận tạm thời về việc bổ nhiệm các giám mục tại Trung Quốc. Mặc dù các điều khoản của thỏa thuận đã được giữ bí mật, nhưng có vẻ như Vatican đã đồng ý rằng CPCA sẽ đề xuất các linh mục cho vị trí giám mục, và giáo hoàng chọn trong danh sách đó để bổ nhiệm.
Theo UCA News, sau thỏa thuận gây tranh cãi giữa Rome và ĐCSTQ, các giáo sĩ “ngầm”, tức những người không tham gia CPCA, được khuyến khích gia nhập giáo hội hoặc nhà thờ nằm dưới sự quản lý của chính quyền Trung Quốc, điều này cho thấy ĐCSTQ thao túng toàn diện CPCA.
Mặc dù vậy, nhiều giáo sĩ ngầm vẫn dứt khoát từ chối quỹ đạo của CPCA. Trước tình hình này, Vatican nói rằng một số giáo sĩ có thể chọn không tham gia CPCA vì lý do lương tâm. Tuy nhiên, những người chọn độc lập với ĐCSTQ thấy quyền tự do tín ngưỡng của họ bị đe dọa.
Một linh mục ở Giáo phận huyện Yujiang, tỉnh Giang Tây, nói với Bitter Winter rằng ông đã bị giới chức địa phương triệu tập ba lần chỉ trong hai tuần.
“Họ nói với tôi rằng tôi sẽ bị cấm cử hành Thánh lễ nếu Tôi từ chối tham gia [CPCA]”, vị linh mục cho biết. “Họ thậm chí còn đe dọa sẽ trừng phạt tôi theo Luật An ninh Quốc gia nếu tôi làm vậy”.
UCA News cũng trích dẫn trường hợp của Giám mục Lu Xinping ở thành phố Nanking, thủ phủ của tỉnh Giang Tô, bị cấm cử hành thánh lễ và bị quản thúc tại gia.
Tại tỉnh Phúc Kiến, Linh mục Liu Maochun của Giáo phận Mindong đã bị Văn phòng Các vấn đề Tôn giáo bắt giữ. Theo Asia News, sau khi mất tích vài tuần, ông Liu đã trở về nhà vào ngày 18/9.
Tin tức về các linh mục bị quản thúc được đưa ra chỉ vài ngày trước khi thỏa thuận giữa Vatican và ĐCSTQ hết hạn vào tháng Mười.
Kể từ khi Vatican ký thỏa thuận với ĐCSTQ, nhiều linh mục đã tố cáo sự sách nhiễu của chính quyền vì họ từ chối gia nhập CPCA. Thậm chí đã có hàng chục báo cáo cho thấy ĐCSTQ đã trực tiếp phá bỏ các nhà thờ của những tín hữu không gia nhập CPCA.
Theo BL
Máy bay chiến đấu của Trung Quốc xâm nhập
không phận Đài Loan ít nhất 46 lần
trong vòng một tuần
Bình luậnThùy Minh
Máy bay ném bom và máy bay chiến đấu của Trung Quốc đã bay vào không phận của Đài Loan ít nhất 46 lần từ ngày 17/9 đến ngày 24/9, đây là sự leo thang của hành động hung hăng quân sự khiến Đài Bắc tức giận.
Cuộc xâm nhập mới nhất diễn ra vào ngày 24/9, khi một máy bay chống tàu ngầm của Trung Quốc tiến vào không phận Đài Loan, Bộ Quốc phòng Đài Loan thông báo.
Cũng trong ngày 24/9, phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc Tan Kefei đã xác nhận trong một cuộc họp báo truyền hình rằng hai tàu sân bay Sơn Đông và Liêu Ninh, đã cùng nhau thực hiện các cuộc huấn luyện và thử nghiệm ngoài khơi, nhưng không tiết lộ địa điểm cụ thể.
Truyền thông Đài Loan bày tỏ lo ngại rằng các cuộc thử nghiệm có thể nhằm chuẩn bị cho các hành động chống lại hòn đảo này.
Căng thẳng đã gia tăng trong những tháng gần đây giữa Đài Bắc và Bắc Kinh. Chế độ Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan dân chủ tự trị là một phần lãnh thổ của mình và sẽ sử dụng vũ lực nếu cần.
Ngày 21/9, Bắc Kinh gia tăng thái độ thù địch, bằng cách tuyên bố không có đường trung tuyến nào trên eo biển Đài Loan ngăn cách Trung Quốc đại lục và không phận Đài Loan khi khẳng định rằng tất cả không phận ở đó thuộc về Bắc Kinh.
Các máy bay chiến đấu của Đài Loan và Trung Quốc thường quan sát đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan và không bay qua nó, mặc dù không có thỏa thuận chính thức nào giữa Đài Bắc và Bắc Kinh về việc này và quy tắc này được tuân thủ một cách không chính thức.
Nhưng ông Vương Văn Bân, phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết tại một cuộc họp báo ngày 21/9: “Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc không thể xâm phạm. Không có cái gọi là đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan”.
Phát biểu này đã nhận được chỉ trích từ chính phủ Đài Loan.
Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn sau đó đã đến thăm một căn cứ không quân ở đảo Bành Hồ, nằm ở giữa eo biển Đài Loan, để bày tỏ sự cảm kích đối với quân đội Đài Loan. “Làm sao chúng ta có thể để người khác khoe khoang trong vùng trời của mình?” bà nói vào thứ Ba, ngày 22/9.
Các cuộc xâm nhập không phận
Chính quyền Trung Quốc và Đài Loan không có biên giới hợp pháp ở eo biển này, nhưng nhìn chung hai bên đã tuân thủ chính sách đường trung tuyến kể từ năm 1954.
Kể từ năm 2016, Đài Loan cho biết Trung Quốc đã tiến hành 5 cuộc xâm nhập vào không phận, bao gồm hai lần vào ngày 18 và 19/9. Đài Loan đã điều chiến đấu cơ để chặn.
Trước đó, vào ngày 5/9, Đài truyền hình quân sự nhà nước Trung Quốc cũng đăng một video dài 3 phút về cuộc tập trận đổ bộ chung do lực lượng đổ bộ, thủy quân và không quân thực hiện tại vùng biển gần tỉnh Quảng Đông phía nam nước này— không xa Đài Loan.
Sự khuấy đảo của Trung Quốc đã khiến Bộ Quốc phòng Đài Loan đưa ra một tuyên bố mạnh mẽ vào 20/9: Tuy quân đội Đài Loan “sẽ tuân thủ nguyên tắc không khiêu khích…nhưng chắc chắn sẽ chống trả một khi bị tấn công”.
Thủ tướng Đài Loan Su Tseng-chang cũng lên án hành động của Bắc Kinh khi phát biểu trước các phóng viên hôm thứ Ba, ngày 22/9: “Đài Loan là một quốc gia có chủ quyền và độc lập… Trung Quốc tiếp tục gây rối cho Đài Loan bằng cách gửi máy bay chiến đấu và tàu chiến, gây thiệt hại cho hòa bình và ổn định khu vực. Đây không phải là những hành động mà một quốc gia có trách nhiệm nên làm”.
Sau khi phát ngôn viên Trung Quốc Vương Văn Bân đưa ra tuyên bố phủ nhận về đường trung tuyến trên eo biển Đài Loan, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Joseph Wu đã nói với truyền thông trước Diễn đàn Đầu tư Liên minh Châu Âu 2020 tại Đài Bắc ngày 22/9 rằng phát biểu của ông Vương là “ngang bằng với việc phá hủy hiện trạng của eo biển Đài Loan”.
Ông Wu cũng kêu gọi quốc tế lên án chính quyền Trung Quốc vì những hành động khiêu khích của họ.
Các chướng ngại vật chống đổ bộ cũ được đặt trên một bãi biển trên đảo Kim Môn của Đài Loan đối diện với Trung Quốc vào ngày 19/4/2018. (Carl Court / Getty Images)
Các chướng ngại vật chống đổ bộ cũ được đặt trên một bãi biển trên đảo Kim Môn của Đài Loan đối diện với Trung Quốc vào ngày 19/4/2018. (Carl Court / Getty Images)
Hỗ trợ của Hoa Kỳ
Bắc Kinh bày tỏ sự tức giận trước chuyến thăm của một quan chức cấp cao Hoa Kỳ tới Đài Bắc bằng các cuộc tập trận.
Khi được hỏi về hoạt động của Trung Quốc, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm ngày 18/9 đã cáo buộc hành động hung hăng của Bắc Kinh.
Trung Quốc đã rất tức giận khi Mỹ tăng cường hỗ trợ Đài Loan, bao gồm hai chuyến thăm của các quan chức hàng đầu, một vào tháng 8 của Bộ trưởng Y tế Alex Azar và một vào tuần trước của ông Keith Krach, Thứ trưởng Ngoại giao về các vấn đề kinh tế.
Hoa Kỳ là nước không có quan hệ ngoại giao nhưng ủng hộ mạnh mẽ hòn đảo này. Hiện Hoa Kỳ đang có kế hoạch bán vũ khí mới cho Đài Loan.
Thùy Minh
Theo Epoch Times Tiếng Anh
0 comments