Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin khắp nơi – 11/09/2020

Friday, September 11, 2020 6:29:00 PM // ,

 Tin khắp nơi – 11/09/2020

Joe Biden lại gây sửng sốt vì trích dẫn nhầm số liệu

Thuần Dương

Sau khi nói người da đen phát mình ra bóng đèn điện, ông Biden lại khiến dư luận chú ý vì tăng số liệu binh sĩ Mỹ chết do viêm phổi Vũ Hán lên gấp 850 lần.

Ứng cử viên tổng thống năm 2020 của Đảng Dân chủ Hoa Kỳ, Joe Biden mới đây lại nhầm lẫn khi đưa ra tuyên bố có hơn 6.000 binh sĩ Hoa Kỳ đã chết vì đại dịch viêm phổi Vũ Hán (COVID-19 ). Trước đó, ông Biden đã từng mắc nhiều lỗi trích dẫn số liệu và thông tin không chính xác, thậm chí gây sửng sốt cho nhiều người khi khẳng định nước Mỹ đã có 120 triệu người chết vì viêm phổi Vũ Hán.

Tờ Fox News của Mỹ ngày 10/9 đưa tin, trong cuộc vận động tranh cử tổng thống Mỹ cho Đảng Dân chủ ở Warren, bang Michigan, ông Biden một lần nữa mắc lỗi trong bài phát biểu và trích dẫn sai số liệu về số quân nhân Mỹ tử vong trong dịch viêm phổi Vũ Hán. Ông Biden cho biết quân đội Mỹ đã xác nhận 118.984 trường hợp nhiễm bệnh và 6.114 người đã tử vong.

Sau khi vụ việc xảy ra, nhóm chiến dịch của Biden đã nhanh chóng đưa ra một tuyên bố nói rằng trong bài phát biểu của mình, Biden đã vô tình trích dẫn số liệu các trường hợp viêm phổi đã được xác nhận và số người chết ở bang Michigan thay vì dữ liệu từ quân đội Mỹ. Tính đến ngày 9/9, chỉ có 7 người trong quân đội Hoa Kỳ đã chết vì bệnh viêm phổi Vũ Hán.

Phó Giám đốc Phản hồi nhanh của Biden, Michael Gwin cho biết trong một tuyên bố với Fox News rằng: “Để tôn vinh sự phục vụ của họ (quân nhân Hoa Kỳ), Phó Tổng thống mang theo bên mình mỗi ngày một tấm thẻ ghi chi tiết số người Mỹ đã hy sinh cho đất nước chúng tôi ở Iraq và Afghanistan, và thường trích dẫn con số đó để ghi nhận sự hy sinh của họ”.

Trước đó, Biden đã bị chỉ trích vì trích dẫn số liệu thống kê khó hiểu. Vào tháng 6 năm nay, trong một chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ ở Pennsylvania, ông Biden cho rằng 120 triệu người ở Hoa Kỳ đã chết vì virus trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán. Vào thời điểm đó, ông Biden nói, “Mọi người không có việc làm, họ không biết đi đâu và họ không biết phải làm gì (để đối phó với dịch bệnh). Hiện chúng ta có hơn 120 triệu người đã chết vì COVID-19”.

Tính đến ngày 9/9, Mỹ chính thức ghi nhận hơn 190.000 ca tử vong do viêm phổi Vũ Hán, là quốc gia có số ca tử vong do viêm phổi Vũ Hán cao nhất thế giới.

Tổng thống Trump đã tweet trên mạng xã hội của mình: “Joe Biden đang rất bối rối. Các bạn ơi, trạng thái tinh thần của ông ấy không tốt. #BarelyThereBiden”.

Trong chiến dịch tranh cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2020, Biden đã mắc nhiều lỗi ngôn từ trong các bài phát biểu của mình. Steve Guest đã tweet rằng trong chiến dịch tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ vào hồi tháng Hai, ông Biden cũng đã từng nói rằng 150 triệu người Mỹ chết vì bạo lực súng đạn.

Vào ngày 3/9, giờ địa phương Hoa Kỳ, trong chuyến thăm đến Kenosha, Wisconsin, ông Biden tuyên bố rằng bóng đèn điện được phát minh bởi một người da đen, Thomas Edison không phải là người phát minh ra bóng đèn.

Biden nói: “Tại sao không dạy lịch sử trong lớp lịch sử? Thực tế, người da đen đã phát minh ra đèn điện chứ không phải người da trắng tên là Edison”.

Edison được cho là người đầu tiên phát minh ra đèn điện và dây tóc bóng đèn có tuổi thọ 1.200 giờ sử dụng. Theo hồ sơ của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Edison đã nhận được bằng sáng chế cho bóng đèn sợi đốt vào năm 1879 và 1880. Người da đen mà Biden nói có thể là Lewis Howard Latimer. Theo tiểu sử của Viện Công nghệ Massachusetts (MIT), ông đã nộp đơn xin cấp bằng sáng chế cho một phiên bản cải tiến của bóng đèn sợi đốt vào năm 1881, có thể có tuổi thọ cao hơn Edison. Từ quan điểm sử dụng, 1.200 giờ là 50 ngày, ngắn hơn nhiều so với tuổi thọ của bóng đèn sợi đốt hiện đại.

Latimer từng làm việc tại công ty đối thủ của Edison. Theo tiểu sử MIT, Latimer là con của một cựu nô lệ và là một cựu chiến binh của Hải quân Liên minh, ông là thành viên của Đại sảnh Danh vọng các nhà phát minh quốc gia (National Inventors Hall of Fame). Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) gọi ông là thành viên da đen duy nhất của nhóm nghiên cứu “Những người tiên phong của Edison” và đã làm việc với Edison từ năm 1884.

Nhưng ông không phải là nhà phát minh ra bóng đèn điện.

Theo Fox News

Phụng Minh tổng hợp

https://www.dkn.tv/the-gioi/joe-biden-lai-gay-sung-sot-vi-trich-dan-nham-so-lieu.html

 

Bầu cử 2020: Microsoft nói ‘Tin tặc Nga, TQ, Iran

nhắm vào Trump và Biden’

Microsoft cho biết tin tặc có quan hệ với Nga, Trung Quốc và Iran đang tìm cách rình mò những người và nhóm liên quan đến cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2020.

Các tin tặc Nga từng gây ảnh hưởng đến chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ năm 2016 lại tiếp tục hoạt động lần này.

Microsoft nói “rõ ràng là các nhóm hoạt động ở nước ngoài đã tăng cường nỗ lực của họ” nhắm vào cuộc bầu cử.

Cả hai chiến dịch tranh cử của Tổng thống Donald Trump và đảng viên Dân chủ Joe Biden đều nằm trong tầm ngắm của những kẻ tội phạm mạng.

Tin tặc Nga thuộc nhóm Strontium đã nhắm vào hơn 200 tổ chức, trong đó nhiều tổ chức có liên quan đến các đảng chính trị của Mỹ – cả đảng Cộng hòa và Dân chủ, Microsoft nói trong một tuyên bố.

Cũng những hacker này đã nhắm vào các đảng phái chính trị của Anh, Microsoft cho biết, nhưng không nói rõ đảng nào.

Strontium còn được gọi là Fancy Bear, một đơn vị tấn công mạng được cho là có liên kết với tình báo quân sự Nga, GRU.

Biden chủ trương gì về những quan tâm chính của cử tri?

Cập nhật kết quả thăm dò về cuộc đua giữa Trump và Biden

Microsoft còn nói gì?

Tom Burt, phó chủ tịch phụ trách bảo mật khách hàng của Microsoft cho biết: “Tương tự như những gì chúng tôi đã quan sát vào năm 2016, Strontium đang khởi động các chiến dịch thu thập thông tin đăng nhập của mọi người hoặc xâm phạm tài khoản của họ, có lẽ để hỗ trợ thu thập thông tin tình báo hoặc làm cản trở hoạt động”.

Microsoft nói tin tặc Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công nhắm vào các cá nhân có liên quan đến chiến dịch của ông Biden, trong khi tin tặc Iran nhắm vào những người có liên quan đến chiến dịch của Trump.

Quanh các bài báo nói ông Trump chế nhạo quân đội Mỹ

Luật sư cũ tố Trump ‘là trùm giang hồ và kẻ phân biệt chủng tộc’

Theo Microsoft, hầu hết các cuộc tấn công mạng đều không thành công. Các cuộc tấn công cũng không nhắm vào các nhóm xử lý hệ thống bỏ phiếu.

Ông Burt nói: “Những gì chúng tôi đã thấy giống với các hình thức tấn công trước đây, không chỉ nhắm mục tiêu vào các ứng viên và nhân viên chiến dịch tranh cử mà còn vào cả những người mà họ tham khảo ý kiến về các vấn đề quan trọng.

“Những hoạt động này cho thấy các cá nhân và tổ chức dính dáng đến chính trị có nhu cầu tận dụng các công cụ an ninh miễn phí hoặc chi phí thấp để bảo vệ mình khi chúng ta gần đến ngày bầu cử.”

Microsoft báo cáo rằng các nhóm hacker Trung Quốc đã thực hiện các cuộc tấn công vào tài khoản email cá nhân của những người có liên quan đến chiến dịch của ông Biden, cũng như vào”ít nhất một nhân vật quan trọng trước đây từng liên kết với chính quyền Trump”.

“Những nhân vật quan trọng” trong cộng đồng ngoại giao quốc tế, các tổ chức học thuật và tổ chức chính sách cũng được cho là mục tiêu của nhóm hacker Trung Quốc, được gọi là Zirconium.

Nhóm hacker Iran có tên Phosphorus đã không thành công khi tìm cách truy cập tài khoản của các quan chức Nhà Trắng và nhân viên chiến dịch tranh cử của ông Trump từ tháng Năm đến tháng Sau năm nay.

Microsoft không thể xác định mục tiêu của tin tặc Nga, Trung Quốc và Iran. Hồi tháng Sáu, Google cho biết họ đã phát hiện các nỗ lực tấn công mạng tương tự của Trung Quốc và Iran.

Phó thư ký báo chí quốc gia chiến dịch Trump Thea McDonald cho biết: “Chúng tôi là một mục tiêu lớn, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi thấy các hoạt động độc hại nhắm vào chiến dịch hoặc nhân viên của chúng tôi.”

Một quan chức chiến dịch tranh cử của Biden cho biết: “Chúng tôi đã biết ngay từ đầu chiến dịch rằng chúng tôi sẽ phải hứng chịu những cuộc tấn công như vậy và chúng tôi đã chuẩn bị cho việc này”.

Báo cáo được phát đi một ngày sau khi một người tố giác tại Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ cáo buộc rằng ông ta đã bị áp lực để phải hạ thấp nguy cơ Nga can thiệp vào Hoa Kỳ vì nó “làm cho hình ảnh của tổng thống xấu đi”.

Can thiệp bầu cử – một vấn đề lưỡng đảng

Phân tích của Nada Tawfik, phóng viên BBC Bắc Mỹ

Năm 2016, những nỗ lực của Nga nhằm gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử nhanh chóng bị chính trị hóa và bị một số người ủng hộ tổng thống cho rằng nó là trò lừa bịp. Phát hiện của Microsoft nêu bật thực tế rằng can thiệp bầu cử là một vấn đề lưỡng đảng, cả đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ đều gặp rủi ro.

Bước vào cuộc bỏ phiếu quan trọng năm 2020, không chỉ các cơ quan tình báo, mà cả khu vực tư nhân cũng quan tâm và hành động để ngăn chặn các mối đe dọa đối với tiến trình dân chủ.

Nhưng họ chẳng làm được gì nhiều nếu không có hành động của chính phủ. Tom Burt đã đưa ra quan điểm trong một bài viết của mình, khuyến khích Quốc hội thông qua ngân sách bổ sung của tiểu bang để bảo vệ cơ sở hạ tầng bầu cử.

Sau đó, ông đã đi xa hơn, khuyến khích các quốc gia đảm bảo hòa bình và an ninh không gian mạng thông qua các sáng kiến toàn cầu, bao gồm một sáng kiến đang được tiến hành tại Liên Hợp Quốc.

Chính quyền Trump phản ứng như thế nào?

Quan chức mạng hàng đầu của Bộ An ninh Nội địa, Christopher Krebs, cho biết cảnh báo của Microsoft đã xác nhận những gì cộng đồng tình báo Mỹ đã tuyên bố.

Ông Krebs nói: “Điều quan trọng cần nhấn mạnh là không có [mục tiêu] nào liên quan đến việc duy trì hoặc vận hành cơ sở hạ tầng bỏ phiếu và không có tác động nào được xác định đối với các hệ thống bầu cử.

Trước đó, hôm thứ Năm, chính quyền Trump đã buộc tội một công dân Nga âm mưu can thiệp vào tiến trình chính trị của Hoa Kỳ.

Bộ Tài chính Mỹ cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với một nhà lập pháp Ukraine có liên hệ với Moscow, Andrii Derkach, người bị cáo buộc có các âm mưu can thiệp tương tự.

Ông Derkach bị cáo buộc đã tung ra các đoạn ghi âm có chỉnh sửa nhằm bôi nhọ đảng viên Đảng Dân chủ Joe Biden. Các bản ghi âm đã được Tổng thống Donald Trump nhắc đi nhắc lại nhiều lần.

Người Ukraine này đã gặp luật sư riêng của Tổng thống Mỹ, Rudy Giuliani, tháng 12 năm ngoái.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54113721

 

Cận kề hạn chót, Tổng thống Trump tuyên bố

không gia hạn cho TikTok

Đại Nghĩa

Tổng thống Donald Trump cho biết ông sẽ không gia hạn thời gian quá hạn chót 15/9 để hãng ByteDance của Trung Quốc bán mảng kinh doanh tại Mỹ của ứng dụng TikTok.

“Chúng tôi sẽ đóng cửa TikTok ở đất nước này vì lý do an ninh, hoặc nó sẽ được bán. Sẽ không có việc gia hạn thời hạn TikTok”, Tổng thống Trump nói với các phóng viên hôm 10/9 trước khi lên chuyến bay tới Michigan để vận động bầu cử.

Trước đó, các quan chức đã cân nhắc xem liệu có nên cho TikTok thêm thời gian để thu xếp việc bán các hoạt động của ứng dụng tại Mỹ cho một công ty bản địa Mỹ hay không.

Chủ sở hữu TikTok có thể sẽ không đáp ứng được thời hạn 15/9 của Tổng thống Trump trong việc có được thỏa thuận thoái vốn hoạt động tại Mỹ. Bởi vì các quy định mới của chính quyền Trung Quốc đang gây khó khăn cho các cuộc đàm phán với các đối tác mua như Microsoft và Oracle.

TikTok bị cuốn vào cuộc đụng độ giữa hai cường quốc khi tổng thống Trump tiếp tục tăng cường chiến dịch gây sức ép lên Trung Quốc. Các quan chức Mỹ đã chỉ trích các hoạt động bảo mật và quyền riêng tư lỏng lẻo của ứng dụng này, cho thấy dữ liệu người dùng được thu thập thông qua ứng dụng có thể được chia sẻ với chính quyền Trung Quốc.

Cũng có thông tin cho biết ĐCSTQ có thể lợi dụng TikTok thu thập danh tính của thanh niên Mỹ, từ đó tạo phiếu bầu giả can thiệp cuộc bầu cử tháng 11. Giới chức tình báo Mỹ cho hay Trung Quốc muốn Biden đắc cử.Microsoft từ chối bình luận.

 

Các bên vẫn đang chạy đua để đưa ra một thỏa thuận sơ bộ với Nhà Trắng trước thời hạn 15/9. Ngay cả khi đạt được thỏa thuận các bên thì nó chỉ có hiệu lực với sự đồng ý của phía chính quyền Trung Quốc. Cũng có thể ByteDance sẽ phải rút khỏi thỏa thuận vì không thể làm hài lòng cả hai chính quyền, các đối tác mua và cả các cổ đông.

https://www.dkn.tv/the-gioi/can-ke-han-chot-tong-thong-trump-tuyen-bo-khong-gia-han-cho-tiktok.html

 

Mỹ có vũ khí hạt nhân bí mật,

Putin và Tập Cận Bình đều không biết?

Bình luậnNgọc Trân

Nhà văn Mỹ Bob Woodward nói, Tổng thống Trump (TT Trump) từng tiết lộ rằng nước Mỹ đang sở hữu vũ khí hạt nhân tối tân bí mật, ngay cả các đối thủ cũng không biết. Woodward cho biết ông đã xác nhận thông tin này từ một nguồn giấu tên trong quân đội Mỹ.

Nhà báo người Mỹ Robert Upshur Woodward dự kiến ngày 15/9 tới sẽ xuất bản cuốn sách có tên “Cơn thịnh nộ” (Rage). Cuốn sách cũng đề cập đến nội dung trên.

Trong cuốn sách, Robert Woodward nói TT Trump đã tiết lộ với ông rằng: “Tôi đã xây dựng một hệ thống vũ khí hạt nhân, đây là hệ thống vũ khí trước đây Mỹ chưa từng có. Chúng ta có thứ mà trước đây bạn chưa từng được nghe hoặc nhìn thấy, Putin và Tập Cận Bình cũng lần đầu tiên nghe thấy, vũ khí chúng ta có là không thể tưởng tượng nổi”.

Tờ Washington Post đưa tin ông Woodward đã xác nhận với quân đội Mỹ rằng họ có một hệ thống vũ khí mới bí mật, nhưng không cung cấp thêm chi tiết.

Theo ấn phẩm quốc phòng ‘Nhiệm vụ và Tôn chỉ’, vũ khí mới bí mật mà TT Trump đề cập đến có thể là đầu đạn hạt nhân W76-2. Vũ khí này được công bố vào tháng 2/2018, thuộc loại đầu đạn hạt nhân nhỏ, nhưng phóng đi được từ tàu ngầm.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào tối ngày 9/9, Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ ông Robert O’Brien đã được các phóng viên hỏi về vũ khí bí mật mà TT Trump đề cập đến.

“Tôi sẽ không đề cập đến nội dung ông ấy nói”, ông Brien nói với người dẫn chương trình Bret Baier của Fox News. “Nhưng bạn có thể yên tâm rằng việc sản xuất quân sự của chúng tôi sẽ luôn được đặt lên hàng đầu, cho dù đó là Lockheed F-117A Chim ưng đêm (Lockheed F-117 Nighthawk) trong quá khứ hay máy bay ném bom B-2, F-22, F-35, chúng tôi sẽ luôn đặt lên hàng đầu. Hơn nữa chúng tôi cũng luôn có những thứ mà đối thủ không biết”.

“Tổng thống chưa đề cập đến bất kỳ hệ thống vũ khí cụ thể nào”, ông Brien tiếp tục. “Nhưng các bạn có thể yên tâm rằng, chúng tôi có thể bảo vệ nước Mỹ khỏi bất kỳ kẻ thù hay mối đe dọa nào, bởi vì chúng ta có những nhà phát triển và những công trình nghiên cứu quân sự xuất sắc”, ông Brien nói.

Ngọc Trân

Theo Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/my-co-vu-khi-hat-nhan-bi-mat-putin-va-tap-can-binh-deu-khong-biet-70004.html

 

Không chỉ ‘rước sói vào nhà’, tài phiệt phố Wall

nỗ lực biến Mỹ thành ‘con tin tài chính của Trung Quốc’

Bình luậnLê Minh

Bất chấp căng thẳng Trung – Mỹ leo thang, cũng như các cảnh báo an ninh quốc gia về dòng tiền từ Mỹ đổ vào các doanh nghiệp quân đội mờ ám Trung Quốc, các “sói già tham lam Phố Wall” đã đạt được một loạt thỏa thuận giao dịch với Trung Quốc. Trong suốt lịch sử, chính Phố Wall đã vận động hành lang cho mọi lợi ích của Trung Quốc tại Mỹ và thế giới…

Dòng tài chính từ quỹ quản lý tài sản của Mỹ vẫn đổ vào Trung Quốc

Một số tổ chức tài chính quyền lực nhất của Phố Wall đang đẩy mạnh nỗ lực để đạt được các thỏa thuận với Trung Quốc, ngay cả khi mối quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington trở nên khó khăn.

BlackRock, công ty quản lý tài sản lớn nhất thế giới, tháng trước đã nhận được sự chấp thuận cho quan hệ đối tác với một ngân hàng quốc doanh ở Trung Quốc. Vài ngày sau, Vanguard, một nhà quản lý tài sản của đối thủ, cho biết họ sẽ chuyển trụ sở khu vực của mình đến Thượng Hải, trong khi Citigroup trở thành ngân hàng Mỹ đầu tiên nhận được giấy phép lưu ký quỹ tại nước này.

Ngoài ra, cũng đã xuất hiện thông tin về kế hoạch của JPMorgan Chase để mua lại đối tác địa phương của mình trong một doanh nghiệp quỹ Trung Quốc.

Các động thái mới được đưa ra khi Bắc Kinh thực hiện các bước hướng tới tự do hóa thị trường vốn rộng lớn nhưng được bảo vệ nghiêm ngặt của mình. Điều này cho thấy rằng, đằng sau sự bùng nổ của căng thẳng Mỹ-Trung trước cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11, hai cường quốc này vẫn chưa tiến đến việc “tách rời” trong các dịch vụ tài chính.

“Ở bất cứ nơi nào bạn thấy [ở Trung Quốc] đều có rất nhiều tiền, và còn nơi nào khác trên thế giới có cơ hội như thế này để đến và quản lý số tiền đó?” Stewart Aldcroft, Chủ tịch Châu Á của Cititrust, một chi nhánh của Citigroup cho biết. “Thành thật mà nói thì không có ở đâu cả”.

Ngành quản lý quỹ được xem là một phần của một loạt các dịch vụ mang lại cơ hội “hợp tác và cùng có lợi” trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố vào tháng Giêng.

Các cải cách của Trung Quốc có hiệu lực trong năm nay, có nghĩa là lần đầu tiên các công ty nước ngoài có thể sở hữu hoàn toàn các doanh nghiệp của riêng họ (tại Trung Quốc) trong lĩnh vực quỹ tương hỗ[đang phát triển nhanh chóng] của Trung Quốc. Theo dự báo của Deloitte, các quỹ đã đăng ký công khai có thể nắm giữ tài sản 3,4 tỷ USD vào năm 2023.

Casey Quirk, một công ty tư vấn, ước tính Trung Quốc sẽ vượt qua Vương quốc Anh để trở thành thị trường quỹ lớn thứ hai thế giới vào năm 2023.

Peter Alexander, người sáng lập Z-Ben Advisors, một công ty tư vấn có trụ sở tại Thượng Hải, cho biết: “Chúng tôi biết ý định của Trung Quốc là mở cửa thị trường và lý do họ làm điều đó không phải vì họ quá hào hoa. Thay vào đó, Trung Quốc muốn hưởng lợi từ ‘thông lệ tốt nhất’ của Hoa Kỳ”.

Ông Aldcroft trích dẫn chuyến thăm cách đây sáu năm của các quan chức cấp cao tại Ủy ban Điều tiết Chứng khoán Trung Quốc tới Citi và SFC, cơ quan quản lý chứng khoán của Hong Kong. Ông nói: “Họ thấy sự cạnh tranh mà các công ty nước ngoài có thể mang lại là một sự tiến triển rất lành mạnh”.

Ngành công nghiệp quỹ tương hỗ của Trung Quốc vẫn còn sơ khai. Goldman Sachs ước tính chỉ 7% tài sản hộ gia đình của đất nước là trong cổ phiếu và quỹ tương hỗ, so với 32% ở Mỹ. Hai phần ba tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc là tài sản và gần một phần năm được giữ bằng tiền mặt và tiền gửi.

Kiếm lời từ thị trường tài chính bất ổn, mờ ám và không có tự do

Thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng đang trong tình thế nguy hiểm khi ngày càng nhiều cảnh báo rủi ro vỡ bong bóng giống năm 2015. Đến cả phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc cũng đã bày tỏ lo ngại trong năm nay, khi các chỉ số tăng mạnh. Sự thay đổi thất thường về giá đã làm dấy lên lo ngại đối với các nhà đầu tư bình thường rằng thị trường có thể gặp nguy hiểm.

Shen Jiahong, một nhà đầu tư bán lẻ tại Thượng Hải ở độ tuổi 40, cho biết: “Đối với chúng tôi, các nhà đầu tư bán lẻ không có kiến ​​thức tài chính chuyên nghiệp, thật khó để đạt được lợi nhuận”. Do đó, thay vì mua cổ phiếu riêng lẻ, cô chủ yếu mua các quỹ tương hỗ, được đánh giá dựa trên thứ hạng trên WeChat, một dịch vụ nhắn tin.

Mối quan tâm của các công ty nước ngoài không chỉ giới hạn ở việc bán quỹ tương hỗ. BlackRock gần đây đã nhận được quyền sở hữu hoàn toàn hoạt động kinh doanh quỹ tương hỗ của riêng mình, nhưng quan hệ đối tác mới với Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Temasek của Singapore cũng sẽ cho phép BlackRock có chỗ đứng trong thị trường quản lý tài sản của Trung Quốc, vốn bị chi phối bởi các ngân hàng trong nước.

Trung Quốc trong tháng này đã phê duyệt Citibank là ngân hàng đầu tiên cung cấp các dịch vụ giám sát như lưu trữ hồ sơ, thanh toán thương mại và xử lý thu nhập.

Vào tháng 3, Morgan Stanley đã nhận được sự chấp thuận để nắm quyền sở hữu đa số trong các liên doanh chứng khoán Trung Quốc của mình. JPMorgan gần đây đã được phép trở thành ngân hàng nước ngoài đầu tiên sở hữu hoàn toàn hoạt động kinh doanh hợp đồng tương lai tại Trung Quốc, bên cạnh việc nắm quyền kiểm soát hoạt động kinh doanh quỹ tương hỗ của Trung Quốc thông qua chi nhánh quản lý tài sản của mình.

Jamie Dimon, chủ tịch và giám đốc điều hành của ngân hàng, cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg tại Bắc Kinh vào năm 2018 rằng công ty của ông sẽ “xây dựng ở đây trong 100 năm”.

“Một ngày nào đó, bạn có thể sẽ có một tòa tháp ở đây trông giống như tòa tháp chúng tôi có ở New York”, ông Dimon nói.

Việc giành thị phần có thể không dễ dàng. Hugh Young, người đứng đầu khu vực châu Á của Standard Life Aberdeen, cho biết các nhà quản lý tài sản quốc tế đang chống lại một số đối thủ cạnh tranh “cố thủ” trong nước Trung Quốc.

Ông nói thêm rằng nhiều công ty nước ngoài đang cố gắng củng cố sự hiện diện của họ trên thị trường để hưởng lợi từ việc tự do hóa dòng vốn, khi chính quyền Trung Quốc nới lỏng kiểm soát đối với lượng tiền hộ gia đình và các công ty được phép chuyển ra nước ngoài.

Ông Alexander đồng ý rằng “vận hành tiền Trung Quốc trên toàn cầu” là “chén thánh” cho các công ty nước ngoài – nhưng Bắc Kinh sẽ không cho phép họ thống trị trong quá trình đó. Ông nói: “Người Trung Quốc sẽ ra nước ngoài và mua một ai đó”.

Kiếm lời cao từ Trung Quốc

Các ngân hàng Phố Wall đã thu được hàng trăm triệu khoản phí từ các nhóm người Trung Quốc bán cổ phần ở New York và Hong Kong vào năm 2020. Mức doanh thu phí tư vấn này đang bị đe dọa khi Washington cho biết sẽ loại bỏ các công ty này khỏi thị trường Mỹ.

Phí ngân hàng Mỹ thu từ các đợt phát hành lần đầu ra công chúng IPO, bán cổ phiếu tiếp theo và trái phiếu chuyển đổi do các công ty Trung Quốc phát hành, bao gồm nhà bán lẻ JD.com và tập đoàn công nghệ NetEase đã tăng khoảng 24% so với một năm trước ở mức 414 triệu USD, theo dữ liệu từ Refinitiv. Họ chiếm 43% trong tổng số phí 958,9 triệu USD, chỉ cao hơn thị phần của các ngân hàng Hoa Kỳ một năm trước.

Morgan Stanley và Goldman Sachs đứng đầu danh sách, lần lượt thu được 151 triệu USD và 74 triệu USD trong năm nay. “Cặp đôi” này từng là nhà bảo lãnh vào tháng 7/2020 cho đợt IPO Nasdaq trị giá 1,5 tỷ USD của Li Auto, một công ty khởi nghiệp xe điện của Trung Quốc. Cả hai cũng đang bảo lãnh phát hành 1,9 tỷ USD trong tuần này trên Sàn giao dịch chứng khoán New York cho cơ sở kinh doanh nhà ở Trung Quốc KE Holdings.

Jason Elder, một đối tác của công ty luật Mayer Brown cho biết: “Hoạt động IPO diễn ra mạnh mẽ ở cả Mỹ và Hong Kong”.

Elder cho biết thêm rằng mức phí ngày càng tăng phù hợp với hoạt động niêm yết tại Trung Quốc vào năm 2020. Hoạt động tăng trưởng diễn ra trong bối cảnh quan hệ Mỹ-Trung xấu đi nhanh chóng trong năm nay.

Chính quyền Trump đã đề xuất buộc các công ty Trung Quốc hủy niêm yết khỏi các sàn giao dịch chứng khoán của Mỹ trừ khi các cơ quan quản lý có quyền truy cập vào kiểm toán của họ. Sự ủng hộ đối với các tiêu chuẩn như vậy được phổ biến rộng rãi, khi Thượng viện đã nhất trí thông qua một dự luật để thiết lập các yêu cầu tương tự vào tháng 5/2020.

Trong năm nay, Tổng thống Donald Trump cũng đã ra lệnh cho Quỹ hưu trí liên bang chính không được đầu tư vào các công ty Trung Quốc, bao gồm cả những công ty niêm yết ở Hong Kong. Nhưng các chủ ngân hàng và luật sư IPO cho biết tính thanh khoản sâu rộng của thị trường Mỹ và mức độ bao phủ của các nhà phân tích toàn diện hơn, có nghĩa là Phố Wall vẫn là điểm đến chính trong mắt nhiều công ty khởi nghiệp Trung Quốc. Các quy định huỷ niêm yết được đưa ra cũng sẽ mất thời gian để thực hiện.

“Tôi không nghĩ rằng có bất cứ sự thay đổi nào trong quan điểm của các công ty Trung Quốc về việc niêm yết ở đâu”, một chủ ngân hàng đầu tư cấp cao cho biết.

Benjamin Quinlan, giám đốc điều hành của công ty tư vấn dịch vụ tài chính Quinlan & Associates có trụ sở tại Hong Kong, cho biết trong hầu hết năm, cả chủ ngân hàng Phố Wall và khách hàng của họ đều tỏ ra bất an nghiêm trọng bởi thái độ thù địch ở Washington đối với các công ty Trung Quốc tại Mỹ.

Ông Quinlan nói: “Chỉ trong vài tuần gần đây, bạn mới thấy điều này trở thành mối quan tâm lớn”.

Ông đặc biệt chỉ ra các lệnh trừng phạt gần đây cũng như lệnh điều hành của Tổng thống Mỹ Donald Trump vào tuần trước nhắm vào các ứng dụng từ các tập đoàn công nghệ Trung Quốc Tencent và ByteDance.

Ông nói: “Tôi nghĩ các ngân hàng sẽ trở nên cảnh giác hơn rất nhiều” trong việc đưa các công ty Trung Quốc vào thị trường Mỹ. Nhưng hầu hết các ngân hàng đầu tư lớn nhất của Mỹ cũng duy trì sự hiện diện đáng kể ở Hong Kong , nơi họ có thể tiếp tục kiếm được lợi nhuận cao từ các hoạt động niêm yết chứng khoán của Trung Quốc.

Ông Elder nói rằng ngay cả khi các tập đoàn Trung Quốc ngừng niêm yết ở Mỹ, hầu hết các ngân hàng hàng đầu của Phố Wall vẫn sẽ được hưởng một dòng doanh thu ổn định từ các hoạt động niêm yết quy mô lớn ở Hong Kong, vốn thường dành một lượng phát hành lớn cho các nhà đầu tư của Mỹ.

“Các giao dịch lớn nhất, dựa vào các nhà đầu tư quốc tế và Hoa Kỳ, cũng có xu hướng tỷ lệ thuận với các cơ hội thu phí lớn nhất”, ông nói thêm.

Phố Wall – kẻ rước sói vào nhà

Trên thực tế, một số giám đốc điều hành hàng đầu của Phố Wall đã hoạt động như những người vận động hành lang của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong nhiều năm.

Ngoài việc vận động cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton cho phép ĐCSTQ gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Phố Wall còn tìm cách thuyết phục Nhà Trắng không gán cho Trung Quốc là một “kẻ thao túng tiền tệ”.

Thời báo New York đưa tin rằng cả hai cựu Tổng thống George W. Bush và Barack Obama đều quan tâm đến việc chỉ định Trung Quốc là một kẻ thao túng tiền tệ, nhưng Phố Wall luôn phản đối. Nỗ lực của cả ông Bush và Obama cuối cùng đều thất bại.

Tại sao Phố Wall giúp Trung Quốc tránh bị chỉ định là kẻ thao túng tiền tệ?

Nếu Mỹ chỉ định Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ và nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế, chính phủ Mỹ sẽ dễ dàng can thiệp hơn vào hoạt động của các tổ chức tài chính Mỹ. Chẳng hạn, Nhà Trắng sẽ có thể cấm các quỹ của Mỹ mua các khoản nợ của Mỹ do các công ty Trung Quốc ở Hong Kong phát hành.

Các phương tiện truyền thông cũng đưa tin rằng Phố Wall đã sử dụng quyền lực chính trị của mình ở Mỹ để tác động đến chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc, chẳng hạn như can thiệp vào các cuộc đàm phán thương mại Mỹ – Trung.

Ngoài ra, nhiều công ty Mỹ, bao gồm cả các ông lớn trong ngành dược phẩm cũng đang liên tục “truyền máu” cho ĐCSTQ.

Thời báo Phố Wall gần đây đã trích dẫn số liệu các quỹ hưu trí Trung Quốc đầu tư vào các doanh nghiệp Trung Quốc, và cho biết số liệu của doanh nghiệp Trung Quốc không hề minh bạch. Thậm chí, có doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ đã làm giả báo cáo doanh thu.

Thời báo Phố Wall đã cay đắng thốt lên “Mỹ đã trở thành con tin tài chính của Trung Quốc”. Hiển nhiên, nguyên nhân là vì lòng tham và rất nhiều “khuất tất” đằng sau các quyết định đầu tư như vậy.

Lê Minh

https://www.ntdvn.com/kinh-te/khong-chi-ruoc-soi-vao-nha-tai-phiet-pho-wall-no-luc-bien-my-thanh-con-tin-tai-chinh-cua-trung-quoc-69942.html

 

Trung Quốc đã xâm nhập vào giáo dục phổ thông

 của  Hoa Kỳ thông qua Tổ chức giáo dục uy tín

Bình luậnNguyễn Minh

“Đảng Cộng sản Trung Quốc đã chọn một tổ chức được kính trọng và có uy tín, Tổ chức Hội đồng Đại học, để đạt được quyền truy cập mà nó có thể không bao giờ có được hoàn toàn bằng cách làm việc trong các tổ chức mà người Mỹ biết và tin tưởng”, nhà nghiên cứu cấp cao của Hiệp hội Học giả Quốc gia Hoa Kỳ nói.

Tổ chức Hội đồng Đại học (The College Board) đã hợp tác chặt chẽ với Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) trong hơn một thập kỷ qua, cho phép Bắc Kinh tác động đến việc giảng dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc trong các lớp học từ lớp 1 đến lớp 12 (K-12) trên khắp Hoa Kỳ, theo một báo cáo mới của Hiệp hội Học giả Quốc gia Hoa Kỳ (NAS).

Hội đồng Đại học là một tổ chức phi lợi nhuận có trụ sở tại New York nổi tiếng với việc tổ chức các kỳ thi chuẩn hóa SAT và AP cho việc xét tuyển đầu vào của các trường đại học.

Báo cáo được công bố vào ngày 6/9 cho thấy rằng, tổ chức này đã phối hợp với ĐCSTQ để thiết kế khóa học văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc đầu vào cho các trường trung học, đã giúp Trung Quốc giành quyền kiểm soát việc đào tạo giảng dạy tiếng Trung ở Hoa Kỳ, đồng thời quảng bá mạnh mẽ các Viện Khổng Tử và lớp học Khổng Tử do Bắc Kinh tài trợ.

Liên quan đến chương trình ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc, các Viện và lớp học Khổng Tử đã bị chỉ trích nặng nề về vai trò của nó trong việc truyền bá tuyên truyền của chính quyền Trung Quốc và đàn áp tự do ngôn luận trong các trường đại học và từ bậc tiểu học đến trung học (hệ thống K-12).

“[Chính quyền] Trung Quốc đã cố gắng xây dựng toàn bộ hệ thống giáo dục trước khi công chúng nắm bắt được những gì đã xảy ra”,  tác giả báo cáo và nhà nghiên cứu cấp cao của NAS, bà Rachelle Peterson cho biết tại buổi ra mắt trực tuyến của báo cáo do chương trình “American Thought Leaders” của The Epoch Times tổ chức.

Bà Peterson cũng cho biết: “ĐCSTQ đã chọn một tổ chức được kính trọng và có uy tín, Tổ chức Hội đồng Đại học, để đạt được quyền truy cập mà nó có thể không bao giờ có được hoàn toàn bằng cách làm việc trong các tổ chức mà người Mỹ biết và tin tưởng”.

Những phát hiện này được đưa ra trong bối cảnh ĐCSTQ đang bị giám sát ngày càng chặt chẽ vì những nỗ lực nhằm gây ảnh hưởng đến các trường đại học Mỹ, cũng như chiến dịch đánh cắp công nghệ và nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Theo báo cáo, vào năm 2003, Hội đồng Đại học đã làm việc với Bắc Kinh để thiết kế một khóa học tiếng Trung cho kỳ thi đầu vào, trong đó chính phủ Trung Quốc chi trả một nửa trong số 1,37 triệu USD chi phí phát triển. Đổi lại, ĐCSTQ có thể ảnh hưởng đến nội dung được dạy trong khóa học trung học, và thúc đẩy việc giảng dạy bằng chữ Hán giản thể, bà Peterson cho biết. Sau khi ĐCSTQ lên nắm quyền ở Trung Quốc, chính quyền này đã tạo ra và áp đặt việc sử dụng tiếng Trung giản thể vào những năm 1950 nhằm xóa bỏ văn hóa truyền thống trong chữ Hán phồn thể (chính thể). Chữ Hán phồn thể hiện vẫn được sử dụng ở Đài Loan và Hong Kong.

“Kết quả là, sinh viên Hoa Kỳ học tiếng Trung sẽ không thể đọc được những tác phẩm cổ, truyền thống mà Mao Trạch Đông tìm cách thay thế”, bà Peterson nói.

Tổ chức Hội đồng Đại học cũng giúp ĐCSTQ đào tạo các giảng viên người Mỹ dạy tiếng Trung bằng cách hợp tác với tổ chức này để tổ chức Hội nghị Ngôn ngữ Trung Quốc toàn quốc. Đây là cuộc họp thường niên lớn nhất của các giáo viên tiếng Trung  tại Hoa Kỳ. Nhà tài trợ chính của hội nghị do Hội đồng Đại học tổ chức là Hanban, một văn phòng thuộc Bộ giáo dục Trung Quốc vốn giám sát các Viện Khổng Tử trên khắp thế giới.

Bà Peterson mô tả mối quan hệ hợp tác này “có lẽ là một trong những khoản đầu tư hiệu quả nhất của chính phủ Trung Quốc vào giáo dục Hoa Kỳ”, điều này đã cho phép ĐCSTQ “thu hút hiệu quả thị trường về giảng dạy tiếng Trung ở cấp độ giáo dục tiểu học đến trung học (K-12) tại Hoa Kỳ”.

Tại hội nghị năm 2014, Giám đốc điều hành của Hội đồng Đại học, David Coleman đã gọi Hanban là “mặt trời” còn Hội đồng Đại học là “mặt trăng” và “rất vinh dự được nhận ánh sáng” phán chiếu từ “mặt trời”, theo báo cáo.

Hội đồng Đại học cũng hợp tác với văn phòng Hanban trong “Chương trình Giáo viên Khách mời Trung Quốc”, chương trình này tạo ra “một hệ thống giáo viên Trung Quốc do chính phủ tuyển chọn để vào các trường từ tiểu học đến trung học (K – 12) của Mỹ”, bà Peterson nói. Chương trình giáo viên thỉnh giảng đã đưa hơn 1.650 giáo viên Trung Quốc đến Hoa Kỳ kể từ năm 2006.

Ngoài ra, Hội đồng Đại học đã tài trợ cho 20 Viện và Phòng học Khổng Tử. Theo báo cáo của tiểu ban Thượng viện Hoa Kỳ. Tính đến năm 2019, đã có hơn 500 lớp học Khổng Tử  trên khắp các trường tiểu học đến trung học. Theo ước tính của NAS, hiện có khoảng 67 Viện Khổng Tử tại các trường đại học Hoa Kỳ.

Vào tháng Tám, Bộ ngoại giao Hoa Kỳ đã liệt kê Trung tâm Hoa Kỳ của Viện Khổng Tử, một tổ chức có trụ sở tại D.C. chuyên quảng bá các Viện và lớp học Khổng Tử, là một phái bộ nước ngoài khi nói rằng tổ chức này là một phần của “bộ máy tuyên truyền và ảnh hưởng toàn cầu” của ĐCSTQ. Ngoại trưởng Mike Pompeo gần đây bày tỏ hy vọng rằng tất cả các Viện Khổng Tử sẽ bị đóng cửa vào cuối năm nay.

Bà Peterson cho biết, chiến dịch mở rộng tầm ảnh hưởng của ĐCSTQ liên quan đến việc “cung cấp những khoản tiền khổng lồ” cho các cơ sở giáo dục của Hoa Kỳ.

Bà nói: “Hội đồng quản trị, các trường cao đẳng và đại học, các tổ chức khác đã cảm thấy vô cùng thuận tiện khi được chính phủ Trung Quốc đồng chọn vì họ đang được trả thù lao hậu hĩnh”.

Tổ chức Hội đồng Đại học hiện vẫn chưa đưa ra bình luận về báo cáo.

NAS kêu gọi Quốc hội yêu cầu Hội đồng Đại học cắt đứt quan hệ với ĐCSTQ như là một điều kiện để được nhận được tài trợ của chính phủ liên bang. Hội đồng Đại học đã nhận được 116 triệu USD tài trợ của chính phủ liên bang kể từ năm 2008, báo cáo cho biết.

NAS cũng kêu gọi đóng cửa các lớp học Khổng Tử và thay thế bài kiểm tra Văn hóa và Ngôn ngữ Trung Quốc đầu vào và Hội nghị Ngôn ngữ Trung Quốc Quốc gia. NAS khuyến nghị các Bộ giáo dục và Bộ quốc phòng thiết lập một nhóm công tác để xây dựng một bài kiểm tra văn hóa và ngôn ngữ Trung Quốc thay thế.

Hai bộ này vẫn chưa có phản hồi về khuyến nghị này của NAS.

Nguyễn Minh

Theo Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/trung-quoc-da-xam-nhap-vao-giao-duc-pho-thong-cua-hoa-ky-thong-qua-to-chuc-giao-duc-uy-tin-69908.html

 

Ông Pompeo tiếp tục vạch trần

thói ‘đạo đức giả’ của Bắc Kinh

Lục Du

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã chỉ ra thói đạo đức giả của Bắc Kinh trong một phát biểu phản ứng quyết định của Nhân dân Nhật báo, tờ báo của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã từ chối đăng một bài viết của ông Terry Branstad, Đại sứ Hoa Kỳ tại Trung Quốc.

Ông Pompeo cho biết, trong một bức thư gửi tới Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Trung Quốc, tờ Nhân dân Nhật báo đã đưa ra “lời than thở” có ý trách cứ Mỹ đối xử thiếu công bằng với Bắc Kinh, và lấy đó làm lý do để từ chối bài viết của ông Terry Branstad.

Bài viết bị từ chối của ông Branstad có tiêu đề “Thiết lập lại mối quan hệ dựa trên sự công bằng”. Trong bài viết này, ông Bradstad lưu ý rằng Bắc Kinh đã thu lợi từ việc khai thác xã hội cởi mở của Hoa Kỳ, đồng thời ngăn cản các quan chức Hoa Kỳ, bao gồm cả ông Branstad, tự do tương tác với người Trung Quốc. Và chính quyền Trung Quốc gần đây cũng đặt ra các hạn chế đối với các nhà báo Mỹ đưa tin ở Đại lục.

“Phản ứng của Nhân dân Nhật báo một lần nữa cho thấy sự sợ hãi của Đảng Cộng sản Trung Quốc trước quyền tự do ngôn luận và tranh luận trí tuệ nghiêm túc, cũng như cho thấy thói đạo đức giả của Bắc Kinh khi họ phàn nàn về [việc Mỹ] đối xử thiếu công bằng và có đi có lại với nước khác”, ông Pompeo nói trong một tuyên bố vào ngày 9/9.

Ông Pompeo đã lấy ví dụ để chỉ ra rằng ngược lại với điều Nhân dân Nhật báo “than thở”, Hoa Kỳ đã cư xử rất công bằng với ông Thôi Thiên Khải, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, trong khi đó Bắc Kinh lại không làm được điều tương tự với đại sứ Mỹ.

Theo ngoại trưởng Mỹ, ông Thôi được thoải mái bày tỏ quan điểm với truyền thông Hoa Kỳ, bằng chứng là đại sứ Trung Quốc, chỉ tính từ đầu năm tới nay, đã trả lời phỏng vấn độc quyền và xuất bản 5 bài viết trên các tờ báo lớn của Mỹ như Washington Post, CNN và CBS.

Trong phát biểu của mình, ông Pompeo cũng kêu gọi Bắc Kinh hãy tạo điều kiện cho các nhà ngoại giao phương Tây “tiếp xúc trực tiếp với người dân Trung Quốc”. Ngoài ra, Bắc Kinh nên ngừng đe dọa và quấy rối cả các nhà báo nước ngoài và Trung Quốc, những người mà theo ngoại trưởng Mỹ đang cố gắng phục vụ tốt công chúng.

Ông Branstad, trong bài viết của mình, cũng đã chỉ ra cách làm ăn thiếu công bằng của các công ty Trung Quốc, khi họ tham gia thị trường chứng khoán Hoa Kỳ nhưng lại từ chối tuân theo các quy tắc kiểm toán của Hoa Kỳ, những quy định mà bất cứ công ty nào tham gia thị trường này đều phải tuân thủ.

Bên cạnh đó, ông Bradstad cũng đề cập trong bài viết của mình việc một số sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc cũng đã đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ để làm lợi cho Bắc Kinh trong khi đang học tập hoặc làm việc tại các trường học, công ty hoặc viện nghiên cứu của Hoa Kỳ.

Ông Branstad cũng chỉ trích một luận điểm tuyên truyền của Trung Quốc rằng Hoa Kỳ đang cố gắng “kiềm chế” sự trỗi dậy của Trung Quốc, theo đại sứ Mỹ, tuyên bố như vậy là “hoàn toàn sai lầm”.

Ông Brandstad cũng lấy ví dụ để minh chứng rằng cách chính phủ Mỹ cư cử với người Trung Quốc là công bằng, những người không làm tổn hại Hoa Kỳ được chào đón, và ngược lại sẽ bị từ chối nhập cảnh hoặc trừng phạt.

“Tại các trường đại học của chúng tôi, chúng tôi tiếp tục chào đón phần lớn sinh viên Trung Quốc, nhưng chúng tôi đã thực hiện hành động từ chối cấp thị thực cho những người đánh cắp tài sản trí tuệ và kết quả nghiên cứu của Hoa Kỳ”, ông Bradstad viết.

Theo Epoch Times

https://www.dkn.tv/the-gioi/ong-pompeo-vach-tran-thoi-dao-duc-gia-cua-bac-kinh.html

 

Hải quan Hoa Kỳ thu giữ

hàng loạt sản phẩm Apple giả từ Trung Quốc

Bình luậnNguyễn Minh

Các nhân viên Hải quan Hoa Kỳ ở Los Angeles đã thu giữ 16.620 sản phẩm Apple giả trong một lô hàng được chuyển đến gần đây từ Trung Quốc.

Bên trong lô hàng là 2.400 cặp tai nghe không dây giả AirPods và 14.220 cáp sạc Lightning giả, theo một tuyên bố ngày 9/9 từ Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Hoa Kỳ (CBP). Lightning là thương hiệu độc quyền của máy tính và đầu nối nguồn do Apple thiết kế.

Tổng giá trị bán lẻ đề xuất cho hàng thật của những mặt hàng này là 651.780 USD (hơn 15,10 tỷ VNĐ).

Hải quan Hoa Kỳ đã phát hiện ra những sản phẩm Apple giả này khi đang kiểm tra 2 lô hàng cập cảng biển Los Angeles / Long Beach vào ngày 2/7 và 15/7.

Giám đốc Hải quan Hoa Kỳ tại Los Angeles, ông Carlos C. Martel cho biết: “Mỗi lần người tiêu dùng mua phải hàng giả, thì một công ty hợp pháp sẽ mất doanh thu. Điều này có nghĩa là lợi nhuận và việc làm của Hoa Kỳ bị mất theo thời gian”.

Trung Quốc vẫn là nguồn cung cấp hàng giả hàng đầu vào thị trường Mỹ. Theo thống kê từ Bộ An ninh Nội địa Hoa Kỳ, Hải quan Hoa Kỳ đã thực hiện 27.599 vụ bắt giữ trong năm tài chính 2019. Số hàng hóa này có thể có giá bán lẻ ước tính hơn 1,5 tỷ USD (hơn 34,76 nghìn tỷ VNĐ) nếu là hàng thật.

Đồng hồ và đồ trang sức chiếm 15% trong số 27.599 vụ bắt giữ, tiếp theo là quần áo và phụ kiện với 14%. Điện tử tiêu dùng chiếm 10%, tương đương 2.681 vụ bắt giữ.

Trong số những vụ thu giữ vào năm ngoái, 13.293 vụ, tương đương 48%, liên quan đến các chuyến hàng có nguồn gốc từ Trung Quốc; tiếp theo là Hong Kong với 9.778 vụ thu giữ, tương đương 35%.

Giám đốc Hải quan Hoa Kỳ tại cảng biển Los Angeles / Long Beach, ông Donald R. Kusser cho biết: “Hàng điện tử giả không được kiểm tra an toàn chặt chẽ như các mặt hàng hợp pháp, và thường rất nguy hiểm”.

“Người tiêu dùng cần hết sức thận trọng khi họ mua đồ điện tử từ những nguồn không hợp pháp”.

Hải quan Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều vụ bắt giữ từ Trung Quốc trong vài tháng qua.

Cũng tại Los Angeles, Hải quan đã chặn một lô hàng từ Trung Quốc vào tháng Sáu có chứa 16.340 chiếc váy ngủ của phụ nữ, là những sản phẩm nhái mang logo của Gucci, Facebook và Instagram. Những chiếc váy giả này sẽ có tổng giá bán lẻ đề xuất hơn 5,4 triệu USD (hơn 125 tỷ VNĐ) nếu chúng là hàng thật.

Vào ngày 27/7, các quan chức Hải quan ở Chicago thông báo rằng, họ đã thu giữ tổng cộng 19.888 giấy phép lái xe Hoa Kỳ giả mạo trong các lô hàng riêng biệt từ ngày 1/1 đến ngày 30/6. Phần lớn các lô hàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc và Hong Kong, trong đó có một số đến từ Anh và Hàn Quốc.

Tại Cincinnati vào ngày 14/8, Hải quan đã thu giữ 7.500 vỏ điện thoại giả và 2.040 nắp trước điện thoại giả trong 3 lô hàng đến từ Trung Quốc. Vỏ và nắp trước được dán nhãn Apple hoặc Samsung, và các lô hàng được gửi cho các cá nhân ở Laredo, Texas và El Salvador.

Vào ngày 25/8, Hải quan Hoa Kỳ thông báo gần đây đã thu giữ 62 chiếc nhẫn vô địch thể thao giả ở Chicago. Những chiếc nhẫn này được tìm thấy trong một lô hàng có xuất xứ từ Thượng Hải và được gửi đến một cửa hàng ở Aurora, Illinois. Nếu xác thực, những chiếc nhẫn này sẽ có tổng giá trị là 93.600 USD (gần 2,17 tỷ VNĐ).

Trong số 62 chiếc nhẫn giả, có 37 chiếc nhẫn Superbowl của 3 đội trong Liên đoàn Bóng Bầu dục quốc gia: Washington Redskins, Denver Broncos và St. Louis Rams. Số nhẫn còn lại là của các đội trong các giải đấu thể thao khác — NBA (Hiệp hội bóng rổ quốc gia), MLB (Giải bóng chày nhà nghề) và NHL (Liên đoàn khúc côn cầu quốc gia) —chẳng hạn như Chicago Cubs, Pittsburgh Pirates, Boston Celtics, Cleveland Cavaliers và Philadelphia Flyers .

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/the-gioi/hai-quan-hoa-ky-thu-giu-hang-loat-san-pham-apple-gia-tu-trung-quoc-69843.html

 

Washington khởi động

Quan hệ Đối tác Mekong- Hoa Kỳ

Hôm 11/9, Thứ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ Stephen Biegun và Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh đồng chủ tọa Hội nghị Bộ trưởng Đối tác Mekong-Hoa Kỳ (MUSP) lần đầu tiên, với mục tiêu nâng tầm Sáng kiến Hạ nguồn Mekong (LMI), để ứng phó với các tác động từ thượng nguồn do Trung Quốc gây ra.

Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Hội nghị MUSP khẳng định cam kết của Washington đối với tương lai của LMI “như một phần của tầm nhìn chung cho một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và cởi mở”.

“Chúng tôi cùng nhau hợp tác để tìm ra các giải pháp cho những thách thức đang nổi lên thông qua Quan hệ đối tác Mekong-Hoa Kỳ”, Phái đoàn Hoa Kỳ tại ASEAN cho biết trên Facebook hôm 11/9.

Quan hệ Đối tác MUSP bao gồm 6 thành viên là Hoa Kỳ, Thái Lan, Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam.

Hội nghị cấp bộ trưởng đầu tiên của MUSP xem xét những tiến bộ đạt được trong khuôn khổ LMI và thảo luận về các hướng đi trong tương lai cho quan hệ Mekong-Hoa Kỳ.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Thái Lan, Quan hệ Đối tác MUSP được nâng tầm từ sự hợp tác kéo dài một thập kỷ trong khuôn khổ LMI, do Hoa Kỳ khởi xướng vào năm 2009, với mục tiêu chính là thúc đẩy phát triển công bằng, bền vững và bao trùm ở tiểu vùng sông Mekong.

“Hội nghị cũng bàn các cách thức để giảm thiểu tác động của đại dịch COVID-19 và đảm bảo phục hồi kinh tế. Cuộc họp cũng sẽ tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trong khuôn khổ MUSP, bao gồm kết nối kinh tế, quản lý nước bền vững, năng lượng và tài nguyên thiên nhiên, quản lý nguồn nhân lực và an ninh phi truyền thống ở tiểu vùng sông Mekong”, Bộ Ngoại giao Thái Lan cho biết.

Vào tháng 7, Thứ trưởng Biegun phát biểu tại một phiên điều trần tại Thượng viện rằng khu vực sông Mekong có tầm quan trọng chiến lược đối với Hoa Kỳ. “Chúng tôi đang làm việc với các nước Mekong để đảm bảo sự phát triển bền vững và an ninh năng lượng, ngay cả khi Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tiếp tục xây dựng các con đập trên diện rộng và đe dọa an ninh lương thực của các nước láng giềng ở hạ lưu dọc sông Mekong”.

Ông Beigun nhấn mạnh rằng khu vực hạ nguồn Mekong là trọng tâm trong Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ, và là một phần thiết yếu trong hợp tác của Hoa Kỳ với ASEAN.

XEM THÊM:

Hoa Kỳ nâng tầm mục tiêu cho Sáng kiến ​​Hạ lưu sông Mekong

Tháng 4 vừa qua, một báo cáo qua chương trình Sáng kiến Hạ vùng sông Mekong (LMI) của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho rằng có sự liên quan giữa mực nước thấp kỷ lục của sông Mekong trong một nửa thế kỷ qua vào năm ngoái, với các hoạt động của đập thuỷ điện.

Trích dẫn báo cáo này, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell hôm 4/9 cáo buộc Trung Quốc “thao túng” dòng chảy sông Mekong vì “lợi ích riêng” trong khi các nước hạ nguồn “phải trả giá đắt”, gây nên “một thách thức cấp bách” trong khu vực.

Ông Stilwell nói rằng việc “thao túng dòng chảy dọc sông Mekong” của Trung Quốc xảy ra trong 25 năm qua, trong đó “sự gián đoạn dòng chảy tự nhiên nghiêm trọng nhất xảy ra đồng thời với việc xây dựng và vận hành các con đập lớn”.

https://www.voatiengviet.com/a/washington-khoi-dong-quan-he-doi-tac-mekong-hoa-ky/5579757.html

 

Mỹ quyết quy trách thủ phạm đầu độc lãnh đạo đối lập Nga

Hoa Kỳ ngày 10/9 báo với Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc sẽ hợp tác với các đồng minh để quy trách những người chịu trách nhiệm vụ đầu độc chính trị gia đối lập Nga Alexei Navalny, bao gồm ‘hạn chế nguồn quỹ của các hoạt động xấu xa.’

“Nga trong quá khứ từng dùng chất độc thần kinh thuộc nhóm Novichok. Người dân Nga có quyền bày tỏ quan điểm mà không sợ bị trả thù bất cứ kiểu gì,” phó đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Cherith Norman-Chalet phát biểu tại phiên họp của hội đồng về vũ khí hóa học ở Syria.

Ông Navalny hiện được chữa trị tại bệnh viện Charite ở Berlin sau khi ngã bệnh trên một chuyến bay nội địa Nga vào tháng trước. Đức nói ông bị đầu độc bằng một chất độc thần kinh thời Xô Viết, chất Novichok. Moscow nói không thấy bằng chứng ông Navalny, 44 tuổi, bị đầu độc.

“Chúng tôi yêu cầu Nga hợp tác đầy đủ với cuộc điều tra của cộng đồng quốc tế,” bà Norman-Chalet nói trước hội đồng. “Dù bằng chứng đưa tới đâu, chúng tôi cũng sẽ làm việc với các đồng minh và cộng đồng quốc tế để quy trách các thủ phạm, kể cả qua việc hạn chế nguồn quỹ của các hành động xấu xa.”

Đại sứ Nga tại Liên hiệp quốc Vassily Nebenzia phát biểu ngay sau phó đại sứ Mỹ nhưng không đề cập đến ông Navalny.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-quy%E1%BA%BFt-quy-tr%C3%A1ch-th%E1%BB%A7-ph%E1%BA%A1m-%C4%91%E1%BA%A7u-%C4%91%E1%BB%99c-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-nga/5579406.html

 

Bộ Tư Pháp nói Hoa Kỳ đang buộc tội 57 người

 liên quan đến gian lận tiền trợ cấp trong đại dịch

Tin từ Washington – Hôm thứ Năm (10 tháng 9), các cảnh sát liên bang đã buộc tội 57 người ăn cắp 175 triệu Mỹ kim của chương trình trợ cấp cho các tiểu thương giúp vượt qua đại dịch, và cũng cho biết đang theo dõi thêm hàng trăm người khác với nghi ngờ gian lận.

Các viên chức cho biết họ đã xác định được 500 cá nhân có thể đã lừa đảo Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) trị giá 660 tỷ Mỹ kim và trong nhiều trường hợp, các nhóm tội phạm đã hợp tác với nhau để ăn cắp tiền của chương trình.

Theo các viên chức, Bộ Tư pháp và các cơ quan khác sẽ tập trung vào loại hình hoạt động tội phạm có tổ chức này. Các viên chức tin rằng số tiền bị chiếm đoạt từ chương trình “rất lớn” nhưng không cho biết thống kê cụ thể.

Tuần trước, một ủy ban của quốc hội đã xác định được hàng chục nghìn khoản tiền vay trong số 5.2 triệu khoản vay của chương trình có thể đã bị lừa đảo chiếm đoạt hoặc sử dụng sai mục đích.

Tuần này, JPMorgan Chase & CoJPM.N, ngân hàng cho vay gần 30 tỷ Mỹ kim trong chương trình PPP, cho biết họ đang làm việc với cảnh sát liên bang sau khi xác định các trường hợp khách hàng “lạm dụng” tiền trợ cấp. Cảnh sát đã và đang làm việc với các bên cho vay để xác định các khoản vay có vấn đề, và hôm thứ Năm (10 tháng 9) họ nói rằng họ đang sử dụng kỹ thuật phân tích dữ kiện tân tiến để điều tra các vụ gian lận doanh nghiệp và bảo hiểm để nhanh chóng đánh dấu các đối tượng phạm pháp. (BBT)

https://www.sbtn.tv/bo-tu-phap-noi-hoa-ky-dang-buoc-toi-57-nguoi-lien-quan-den-gian-lan-tien-tro-cap-trong-dai-dich/

 

Đại dịch coronavirus

thay đổi lễ tưởng niệm 11/9 tại New York

Trong bối cảnh đại dịch coronavirus hoành hành, nhiều nghi lễ của người Mỹ đã bị thay đổi ít nhiều, và lễ tưởng niệm ngày 11/9 cũng không phải là một ngoại lệ. Năm nay, lễ kỷ niệm 19 năm sau vụ tấn công ngày 11/9 sẽ được đánh dấu bởi hai nghi lễ tại quảng trường tưởng niệm và một góc gần Trung tâm Thương mại Thế giới. Việc gia đình các nạn nhân đọc tên những người đã khuất như truyền thống mọi năm đã được hoãn lại.

Theo KTLA 5 đưa tin, tại New York, chùm ánh sáng kép rọi lên tòa tháp đôi trong vụ tấn công gần như bị hủy bỏ vì lý do an toàn trong bối cảnh đại dịch. Sở Cứu hỏa New York kêu gọi các thành viên không nên tham gia tưởng niệm để giữ an toàn cho cá nhân. Một số gia đình nạn nhân thông cảm trước những thay đổi này, nhưng một số khác lại lo lắng rằng đại dịch đã khiến cam kết “Không bao giờ lãng quên” trở nên mờ nhạt.

Đài tưởng niệm gần thị trấn Shanksville đang điều chỉnh độ dài của buổi lễ kéo dài 90 phút thông thường, bằng cách loại bỏ các đoạn nhạc xen kẽ. Phát ngôn viên của đài tưởng niệm cho biết, tên của 40 người thiệt mạng sẽ được đọc nhưng chỉ bởi một người thay vì nhiều thành viên trong gia đình. Hiện Ngũ Giác Đài vẫn chưa lên kế hoạch chi tiết cho lễ kỷ niệm 11/9 năm nay. (BBT)

https://www.sbtn.tv/dai-dich-coronavirus-thay-doi-le-tuong-niem-11-9-tai-new-york/

 

BS Fauci khuyên dân Mỹ nên ẩn mình

chống Covid trong mùa Thu, Đông sắp tới

Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Hoa Kỳ, bác sĩ Anthony Fauci, nói rằng Hoa Kỳ cần chuẩn bị tinh thần để trải qua những tháng Thu, Đông đầy khó khăn sắp tới trong cuộc đấu tranh chống lại dịch Covid-19, giữa lúc mùa cúm sắp tới, theo The Hill và đài CNN.

Phát biểu tại một cuộc hội thảo với các bác sĩ của Đại học Harvard, ông Fauci nói:

“Chúng ta phải lui vào ở ẩn để qua được mùa thu và mùa đông năm nay bởi vì đây không phải là chuyện dễ dàng.”

Ông Fauci, Giám đốc Trung tâm Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, tiếp tục cảnh báo rằng chớ nên đánh giá thấp khả năng tiếp tục gây tàn phá của dịch Covid-19.

Bác sĩ Fauci, nhà nghiên cứu bệnh AIDS hàng đầu thế giới trong thập niên 1980, so sánh dịch Covid-19 với những ngày đầu trong cuộc đấu tranh chống siêu vi HIV gây bệnh AIDS, khi hội chứng này xuất hiện nơi vài người đàn ông đồng tính để rồi vài thập niên sau, lây nhiễm và giết chết hàng triệu người.

Bác sĩ Fauci nói:

“Chúng ta đã trải qua tình huống này. Đừng bao giờ, chớ bao giờ đánh giá thấp sức tàn phá của một đại dịch. Và cũng đừng tìm cách chỉ nhìn thấy mặt tích cực của mọi chuyện.”

Bác sĩ Fauci đưa ra bình luận này sau khi nhà báo Mỹ Bob Woodward công bố các băng ghi âm thâu các cuộc phỏng vấn với Tổng Thống Trump, trong đó ông Trump thừa nhận đã cố tình coi nhẹ đại dịch Covid-19 trong những tháng đầu tiên sau khi virus xuất hiện, bởi vì ông không muốn dân chúng “hoảng loạn.”

Tại buổi hội thảo hôm thứ Năm, bác sĩ Fauci nói thêm rằng các cuộc thử nghiệm vaccine đang “tiến triển rât tốt”, và ông lặp lại tiên đoán của ông rằng có nhiều khả năng sẽ có một vaccine trước cuối năm nay, hoặc đầu năm 2021.

Ông Fauci cũng nhắc nhở rằng nhiều thành phố khác nhau sẽ chứng kiến sự gia tăng đột biến của các ca nhiễm virus sau ngày Lễ Lao Động vào cuối tuần qua. Chuyên gia này tuần trước nói rằng nước Mỹ bước vào mùa thu với các ca lây nhiễm Covid-19 “cao không thế chấp nhận được.

Tình hình Covid-19

Đài CNN tường trình rằng gần 30 tiểu bang Mỹ ghi nhận xu hướng đi xuống của các ca lây nhiễm Covid-19, nhưng có nhiều khả năng tình hình sẽ xấu đi trở lại.

Theo các dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, kể từ khi dịch bệnh Covid-19 khởi phát, các ca lây nhiễm giờ đã vượt mức 6 triệu 300,000 ca, và có ít nhất 191.789 ca tử vong. Đó là chỉ tính các ca lây nhiễm được ghi nhận chính thức, nhưng con số thực tế có thể cao hơn nhiều. Rất nhiều người mắc Covid-19 mà không có triệu chứng, theo Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh -CDC, ước lượng tới 40% người bị nhiễm không có triệu chứng.

Nhiều người khác đã từng lâm bệnh, nhưng không được xét nghiệm.

Đài CNN dẫn lời bác sĩ Deborah Birx, phối hợp viên toán đặc nhiệm chống Covid-19 của Tòa Bạch Ốc, hối thúc dân chúng nên xét nghiệm Covid-19 nếu họ tiếp xúc với nhiều người khác mà không có biện pháp phòng chống.

CDC giờ ước tính rằng tới ngày 3/10 năm nay, con số tử vong vì Covid-19 tại Hoa Kỳ sẽ vượt quá mức từ 205.000 tới 217.000 ca.

https://www.voatiengviet.com/a/fauci-khuyen-dan-my-nen-an-minh-chong-covid-trong-mua-thu-dong-sap-toi/5580137.html

 

Covid-19 : Trump vất vả

chống đỡ các tiết lộ của Bob Woodward

Thanh Phương

Những tiết lộ trong cuốn sách của nhà báo Bob Woodward tiếp tục gây khó khăn cho tổng thống Mỹ Donald Trump. Hôm qua, 10/09/2020, ông Trump đã một lần nữa vất vả giải thích vì sao ông đã cố tình giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của dịch Covid-19. Nhưng phe Dân Chủ một lần nữa chỉ trích cách mà tổng thống Mỹ đối phó với dịch bệnh, đồng thời cáo buộc ông đã gây ra cái chết của hàng ngàn công dân Mỹ cho dù đã ý thức điều đó.

Từ Washington, thông tín viên Anne Corpet gởi về bài tường trình :

« Tại sao ông đã nói dối với dân Mỹ ? Một phóng viên của kênh truyền hình ABC đặt câu hỏi. Tìm cách chống đỡ, tổng thống Trump đáp lại : «  Câu hỏi của ông, cái cách mà ông đặt câu hỏi thật đáng xấu hổ, đáng sự xấu hổ cho đài ABC, cho chủ của ông ».

Nhưng nhà báo này nhất quyết vẫn đặt câu hỏi đó và cuối cùng ông Donald Trump phải trả lời : «  Tôi đã muốn chứng tỏ có một mức độ tin tưởng rất cao, tôi muốn tỏ cho thấy tôi là một lãnh đạo mạnh mẽ và đất nước chúng ta, bằng cách này hay cách khác, sẽ ra khỏi khủng hoảng này. Đại dịch lẽ ra đã không xảy ra, đó chính là lỗi của Trung Quốc, chứ không phải của ai khác. Lẽ ra Trung Quốc không được để điều đó xảy ra ».

Donald Trump thường hay đỗ lỗi cho người khác, thế nhưng ông chống đỡ ngày càng khó khăn. Những tiết lộ trong cuốn sách của Bob Woodward đang giúp thêm củi lửa cho chiến dịch tranh cử của phe Dân Chủ. Ứng cử viên Joe Biden hôm qua cho biết ông thấy ghê tởm thái độ của tổng thống Mỹ và lên án một hành vi gần như mang tính hình sự của lãnh đạo hành pháp Hoa Kỳ .

Tuy là đối thủ của nhau trong cuộc vận động tranh cử, tổng thống Cộng Hòa Donald Trump và ứng cử viên Dân Chủ Joe Biden hôm nay sẽ thay phiên đến nơi xảy ra các vụ khủng bố 11/09/2001, cụ thể là ở New York và ở Shanksville, bang Pennsylvania, để tưởng niệm các nạn nhân. Hai ông sẽ không chạm mặt nhau và được cho là sẽ cố tránh làm ảnh hưởng ngày kỷ niệm các vụ khủng bố đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200911-covid-19-trump-v%E1%BA%A5t-v%E1%BA%A3-ch%E1%BB%91ng-%C4%91%E1%BB%A1-c%C3%A1c-ti%E1%BA%BFt-l%E1%BB%99-c%E1%BB%A7a-bob-woodward

 

Viện nghiên cứu dịch bệnh Mỹ:

Toàn cầu đối mặt với ‘tháng 12 chết chóc’

Bình luậnMinh Thanh

Dịch viêm phổi Vũ Hán sẽ có đợt khảo nghiệm nghiêm trọng vào tháng 12 tới đây?

Một báo cáo của Đại học Y khoa Washington dự đoán rằng khi Bắc bán cầu bước vào mùa đông, số ca tử vong trên toàn thế giới do nhiễm dịch trong “Tháng mười hai chết chóc” sẽ lên tới gần 30.000 người mỗi ngày.

Viện Đo lường và Đánh giá Sức khỏe của Đại học Washington, Hoa Kỳ (IHME) chỉ ra rằng tổng số tất cả các ca tử vong do viêm phổi ở Vũ Hán dự kiến ​​sẽ lên tới 2,8 triệu vào ngày 1/1/2021. Trong đó, từ nay đến cuối năm sẽ có khoảng 1,9 triệu số ca tử vong. Số người chết trong tháng 12 sẽ lên tới gần 30.000 người mỗi ngày. Tỷ lệ tử vong ở Canada cũng sẽ tăng gần gấp 3 lần.

Ông Christopher Murray, Giám đốc Viện IHME, cho biết đây là dự đoán đầu tiên trên thế giới về tình hình dịch viêm phổi Vũ Hán ở nhiều quốc gia. Tháng 12 sẽ là tháng ‘tử vong’, đặc biệt là ở Trung Á, Châu Âu và Hoa Kỳ.Một phần nguyên nhân tại sao mô hình dự đoán của Viện cho rằng số người chết sẽ tăng mạnh là do các ca lây nhiễm ở bán cầu Bắc tăng theo mùa. Nếu tình hình kéo dài, các quốc gia ở Bắc bán cầu sẽ chứng kiến ​​nhiều trường hợp mắc bệnh hơn vào cuối mùa thu và mùa đông năm nay.

Ông Murray nói rằng khi thời tiết chuyển lạnh, người dân ở Bắc bán cầu nên cẩn thận hơn vì virus Corona Vũ Hán sẽ lây lan mạnh hơn hơn trong thời tiết lạnh.

Tiên tri của cậu bé Ấn Độ: thảm họa nghiêm trọng hơn vào tháng 12

Từ tháng 8 năm 2019, cậu bé người Ấn Độ đã từng dự đoán đợt bùng phát bệnh viêm phổi ở Vũ Hán, vào tháng 4 năm 2020 cậu lại tiên tri rằng một thảm họa nghiêm trọng hơn bệnh dịch này sẽ xảy ra vào tháng 12 tới.

Cậu bé 14 tuổi tên Abhigya Anand này là một nhà chiêm tinh. Vào tháng 8 năm 2019, cậu đã xuất bản một bộ phim ngắn có tựa đề “Nguy hiểm nghiêm trọng cho thế giới từ tháng 11 năm 2019 đến tháng 4 năm 2020″ (Severe Danger To The World From Nov 2019 To April 2020). Trong đoạn phim ngắn này, cậu nói rằng trong khoảng thời gian này sẽ có dịch bệnh quy mô lớn ở tất cả các nơi trên thế giới, và toàn thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng nghiêm trọng.

Cậu cũng nói rằng các nước “giàu có” sẽ bị ảnh hưởng kinh tế nặng nề – điều này có thể dẫn tới suy thoái kinh tế đáng lo ngại trong tương lai.

Dự đoán của cậu bé Anand gần như trùng khớp với mốc thời gian diễn ra dịch bệnh viêm phổi Vũ Hán, khiến nhiều cư dân mạng bàng hoàng.

Vào tháng 4 năm nay, Anand đã đăng một đoạn phim ngắn mang tên “Tương lai của Thế giới 2020-21″ (Future of The World 2020-21), một lần nữa dự đoán tương lai dựa trên chiêm tinh học.

Cậu dự đoán rằng một thảm họa khác sẽ xảy ra vào ngày 20/12/2020, còn tồi tệ hơn cả dịch viêm phổi Vũ Hán, và tác động của thảm họa này sẽ còn kéo dài đến tháng 3/2021.

Cậu cũng dự đoán rằng có thể xuất hiện nhiều loại virus hơn, và với suy thoái kinh tế, cậu cũng đề cập đến khả năng xuất hiện siêu vi khuẩn.

Cậu nói rằng mọi người không biết ai đã gây ra virus, nhưng có khả năng là Chúa đang giảm bớt tội nghiệp của con người.

Minh Thanh

Theo Secretchina

https://www.ntdvn.com/the-gioi/vien-nghien-cuu-dich-benh-my-toan-cau-doi-mat-voi-thang-12-chet-choc-70018.html

 

Chính quyền Trump cân nhắc

hoãn nhận người tị nạn

Các giới chức Mỹ đang cân nhắc hoặc là đình hoãn hoặc là giảm hơn nửa việc nhận người tị nạn trong năm tới giữa các cuộc kiện tụng chính sách của Tổng thống Donald Trump về người tị nạn và tình trạng bấp bênh do đại dịch COVID-19 gây ra, một giới chức cao cấp cho biết.

Phương án đình hoãn nhận người tị nạn, một trong các phương án đang được bàn tính, sẽ khiến một số hoặc toàn bộ đơn xin tị nạn có thể bị đóng băng cho tới khi vụ kiện sắc lệnh 2019 của ông Trump về người tị nạn được giải quyết ‘ở mức độ chung quyết,’ giới chức vừa kể nói.

Hiện vẫn chưa rõ khi nào vụ kiện đó sẽ được giải quyết, đặc biệt là nếu vụ này lên đến Tối cao Pháp viện, một tiến trình có thể mất nhiều tháng hay lâu hơn nữa.

Tổng thống thường ấn định mức thu nhận người tị nạn thường niên lúc khởi đầu năm tài chánh mỗi năm và chính quyền Trump chưa loan báo kế hoạch cho năm tài khóa 2021 vốn bắt đầu vào ngày 1/10.

Số người tị nạn được nhận tối đa bị cắt xuống còn 18.000 trong năm nay, thấp nhất kể từ khi chương trình bắt đầu vào năm 1980. Cho tới nay, gần một nửa số này được vào nước Mỹ trong lúc Mỹ tăng cường rà soát và đại dịch virus corona làm trì hoãn các chuyến bay.

Giới chức cao cấp vừa kể cho biết cho dù đơn từ năm 2021 không bị trì hoãn đi nữa thì số người tị cao nhất được nhận sang năm vẫn có thể bị giảm dưới mức hiện hành.

Ông Trump và các phụ tá cao cấp nói người tị nạn có thể là mối đe dọa cho an ninh quốc gia và rằng việc tái định cư nên tìm những nơi gần với quốc gia nguyên quán của người tị nạn thì hơn.

Chính quyền Trump cũng lập luận rằng việc tái định cư người tị nạn có thể tốn kém cho cộng đồng địa phương dù những ai ủng hộ người tị nạn bác bỏ luận cứ này.

Những phương án khả dĩ hiện vẫn còn đang trong vòng tranh luận và chưa đạt quyết định cuối cùng, giới chức này nhấn mạnh.

Đối thủ tranh cử năm nay với ông Trump là ông Joe Biden của đảng Dân chủ hứa nâng mức nhận người tị nạn lên 125.000 mỗi năm nếu ông đắc cử tháng 11 năm nay. Tuy nhiên, ông Biden không cho biết thời biểu hành động như thế nào và các nhà hoạt động cho rằng có thể mất nhiều năm mới trở lại mức như trước thời ông Trump.

Thảo luận của chính quyền liên quan đến ‘quota’ về người tị nạn có sự tham gia của các giới chức Bộ Ngoại giao, Bộ An ninh Nội địa và Ngũ Giác Đài, phối hợp với Hội đồng An ninh Quốc gia Tòa Bạch Ốc, theo nguồn tin của Reuters.

https://www.voatiengviet.com/a/ch%C3%ADnh-quy%E1%BB%81n-trump-c%C3%A2n-nh%E1%BA%AFc-ho%C3%A3n-nh%E1%BA%ADn-ng%C6%B0%E1%BB%9Di-t%E1%BB%8B-n%E1%BA%A1n/5579385.html

 

Ít nhất 10 người thiệt mạng

trong đám cháy gây chết chóc ở California

Con số tử vong trong các đám cháy rừng ở California lại tăng khi một bà mẹ xác nhận con trai 16 tuổi của bà nằm trong số những người thiệt mạng khi một cơn bão lửa quét qua nhiều ngôi làng ở chân dãy núi Sierra Nevada trong tuần này.

Bà Jessica Williams nói với đài CBS13 ở Sacramento rằng xét nghiệm DNA đã xác nhận con trai tuổi teen của bà, tên Josiah, đã chết.

Trước đó, bà nhiều lần khẩn thiết yêu cầu con – lúc đó đang mất tích, hãy gọi điện thoại về nhà.

Hiện không rõ liệu Josiah được tính vào số 10 ca tử vong vì cháy rừng, hay trong số 16 người bị liệt kê là mất tích mà chính quyền địa phương báo cáo.

Trên khắp tiểu bang, các khuyến cáo về nguy cơ cháy rừng cấp độ cao nhất từng được công bố vì thời tiết khô, nóng, gió mạnh mới đây đã được hạ cấp.

Chỉ cách đây 1, 2 ngày, đám cháy North Complex quét qua chân dãy núi Sierra Nevada lan nhanh tới mức các toán chữa lửa gần như bị bao trùm, cư dân địa phương phải chạy thục mạng tới một cái ao, và thị trấn Berry Creek, có 525 dân, và nhiều cộng đồng khác bị cháy rụi.

Hôm thứ Năm, cảnh sát trưởng quận hạt Butte, Đại úy Derek Bell, cho biết đã phát hiện được 7 thi thể, nâng số tử vong lên tới 10 ca nội trong vòng 2 ngày. Ít nhất có 4 người bị bỏng nặng đang được điều trị tại bệnh viện.

Nhân viên cảnh sát điều tra đang tìm kiếm xác người trong các cuộc tìm kiếm trên khắp các khu vực bị cháy cùng với một toán nhân chủng học từ Đại học Chico, Đại úy Bell cho biết.

Hơn 2000 căn nhà và nhiều kiến trúc khác đã bị thiêu rụi trong các đám cháy đã bắt đầu bùng lên cách đây vài tuần do sét đánh gây ra tại khu vực cách thành phố San Francisco khoảng 201 km về hướng đông-bắc.

Số tử vong cuối cùng, theo AP, sẽ cao hơn nhiều.

Trong số những người còn mất tích có bà Sandy Butler và chồng bà. Hai ông bà trước đó đã gọi điện cho con trai, cho biết họ đang cố chạy tới một cái áo để tránh đám cháy.

“Chúng tôi vẫn hy vọng và cầu nguyện có tin vui”, cháu dâu của ông bà, Jessica Fallon, nói. Jessica coi ông bà Butler như ông bà của chính mình. Cô nói:

“Tất cả mọi thứ đều có thể thay thế được, nhưng mạng sống của ông bà chúng tôi thì không. Thà tôi mất tất cả còn hơn là mất ông bà. Họ là chất keo gắn bó gia đình này”.

Cô Fallon nói cô đã gọi điện thoại cho các bệnh viện để tìm ông bà Butler. Cho tới đêm thứ Năm 10/9, gia đình cô chưa có tin gì về thân nhân của mình.

https://www.voatiengviet.com/a/it-nhat-10-nguoi-thiet-mang-trong-dam-chay-o-california/5580114.html

 

Hoa Kỳ tưởng niệm sự kiện 11 tháng 9 giữa dịch Covid

Người dân Mỹ kỷ niệm biến cố 11/9/2001 với các buổi lễ được điều chỉnh vì các biện pháp ngừa Covid-19, dẫn tới hai lễ tưởng niệm khác nhau trong cùng ngày thứ Sáu 11/9/2020, đài CNBC và CNN tường trình.

Tại New York, nơi các cuộc tấn công khủng bố xảy ra cách đây 19 năm về trước, một cuộc tranh cãi về các biện pháp an toàn chống dịch Covid-19 dẫn tới hai lễ tưởng niệm khác nhau, một tại quảng trường 11 tháng 9 ở Trung tâm Thương mai Thế giới, và một buổi lễ song song tại một góc phố gần đó.

Tại thủ đô Washington, lễ tưởng niệm tại Ngũ Giác Đài bị hạn chế tới mức ngay cả gia đình của các nạn nhân cũng không đươc dự, mặc dù nhiều nhóm nhỏ có thể tới thăm đài tưởng niệm đặt tại đó trễ hơn trong ngày.

Cả Tổng thống Trump lẫn đối thủ chính trị của ông, ứng cử viên Tổng thống Joe Biden, đều tới thăm Đài tưởng niệm Chuyến bay 93 gần Shanksville, bang Pennsylvania, trong ngày 11/9, nhưng vào thời điểm khác nhau.

Tòa Bạch Ốc cho biết ông Trump sẽ phát biểu tại lễ kỷ niệm vào buổi sáng 11/9, trong khi ông Biden sẽ tới nghiêng mình trước những người đã hy sinh trên chuyến bay 93 vào buổi chiều, sau khi ông đến dự lễ vinh danh các nạn nhân tại Đài tưởng niệm 9/11 ở New York.

Theo đài CNBC, kỷ niệm ngày 11/9 trở nên vô cùng phức tạp trong một năm mà Hoa Kỳ phải cùng lúc ứng phó với dịch Covid-19, tự vấn lương tâm về nạn kỳ thị sắc tộc trong nước, và chuẩn bị chọn một nhà lãnh đạo có thể vạch ra con đường tiến tới phía trước.

Bất chấp những thử thách đó, các gia đình chịu nỗi đau 11 tháng 9 nói điều quan trọng là đất nước phải dừng lại vài giây để tưởng niệm gần 3000 nạn nhân đã bị sát hại tại trung tâm thương mại thế giới, cũng như tại Ngũ Giác Đài và gần Shankville vào ngày 11/9/2001, biến cố đã thay đổi chính sách của Mỹ, thay đổi nhận thức về sự an toàn và sinh hoạt hàng ngày, đặc biệt tại những nơi từ phi trường tới các tòa nhà dùng làm văn phòng làm việc.

Thứ Sáu 11/9/2020 đánh dấu lần thứ nhì Tổng thống Trump dự lễ kỷ niệm biến cố 11/9 tại Đài Tưởng niệm Chuyến bay 93, nơi ông đọc diễn văn vào năm 2018. Ứng cử viên Tổng thống Biden đã phát biểu tại lễ khánh thành Đài Tưởng niệm này vào năm 2011, thời ông còn là Phó Tổng thống.

Mặc dù cả Tổng thống Trump và ứng viên Tổng thống Joe Biden đều tập trung vào lễ tưởng niệm, ý nghĩa chính trị của chuyến thăm Shanksville được nêu bật vì cả hai đối thủ chính trị đều tranh thủ sự ủng hộ tại bang Pennsylvania, một trong các bang chiến lược.

Năm 2016, ông Trump chiến thắng sít sao tại bang Pennsylvania với tỷ lệ phiếu chênh lệch chưa tới 1%.

Qua năm tháng, lễ kỷ niệm biến cố 11/9 đã trở thành một ngày dành cho việc thiện nguyện, nhưng năm nay vì dịch Covid-19, tổ chức Ngày Tình nguyện Quốc gia 11/9 khuyến khích dân chúng hãy đóng góp tài chính hoặc tình nguyện làm những việc có thể làm được tại nhà.

https://www.voatiengviet.com/a/hoa-ky-tuong-niem-su-kien-11thang9-giua-dich-covid/5580073.html

 

B-52 Mỹ và cuộc chiến tranh tình báo NATO-Nga

trên Biển Đen

Mai Vân

Ngày 04/09/2020, Mỹ lại cho oanh tạc cơ chiến lược B-52H bay đến vùng Ukraina gần Biển Đen. Và một lần nữa, Nga lại điều tiêm kích lên theo dõi và ngăn không cho máy bay Mỹ tiến vào không phận Nga. Tuy nhiên lần này không có sự cố nào như vụ việc hôm 28/08 khi 2 chiếc Su-27 của Nga áp sát một chiếc B-52 Mỹ bay trên Biển Đen trong một thao tác bị Mỹ đánh giá là nguy hiểm.

Theo giới chuyên gia phân tích quân sự, hoạt động của B-52 Mỹ kết hơp với phi cơ của các thành viên khác trong khối NATO  tại khu vực Biển Đen và vùng sát biên giới Nga không đơn thuần là một động thái phô trương uy lực, mà còn có mục tiêu quan trọng hơn: Do thám hệ thống phòng không của Nga.

Trong hai bài viết liên tiếp ngày 04/09 và 30/08, chuyên gia phân tích quân sự David Axe của tạp chí Mỹ Forbes đã không ngần ngại cho rằng các phi vụ mà B-52 Mỹ thực hiện ở vùng không phận gần biên giới Nga thực ra là một cái bẫy mà NATO và Mỹ giăng ra để thu thập thông tin tình báo về hệ thông phòng không Nga ở châu Âu nói chung và ở khu vực Biển Đen nói riêng.

Nga rơi vào bẫy ?

Trong bài viết ngày 04/09 mang tựa đề: “Một chiếc B-52 Mỹ lại đặt một cái bẫy tình báo khác để gài phía Nga”, chuyên gia quân sự của tạp chí Forbes đã trở lại sự cố ngày 28/08 giữa một chiếc B-52H của Mỹ với hai chiến đấu cơ Su-27 của Nga để khẳng định rằng trongthực tế chiếc B-52 chỉ là mồi nhử của một cái bẫy mà Nga đã rơi vào.

Theo David Axe, cái bẫy đó đã được lên kế hoạch cẩn thận, dựa trên tiền đề là khi oanh tạc cơ chiến lược Mỹ xuất hiện trong khu vực, dứt khoát là Nga phải kích hoạt hệ thống phòng không của họ.

Do vậy, cùng lúc với việc cho B-52 đi vào vùng nhậy cảm, Mỹ đã bố trí gần đấy 2 chiếc máy bay dọ thám điện tử của Mỹ RC-135V/W Rivet Joint, thường được Mỹ và Anh sử dụng để theo dõi hoạt đông không quân của địch thủ.

Không Quân Mỹ chỉ có 17 chiếc RC-135V/W, còn Không Quân Anh 3 chiếc. Việc NATO sử dụng hai chiếc trong cùng một chiến dịch đủ cho thấy tầm quan trọng của hoạt động này đối với Liên minh.

Trong lúc 2 chiếc Su-27 bay lên chặn đường chiếc B-52, hai phi cơ do thám Mỹ đã tiến hành thu thập những dữ liệu bổ ích về hệ thống cảm biến và liên lạc của Nga, những thông tin cho phép đánh giá năng lực phòng thủ của Nga.

Forbes ghi nhận là tình huống trên đã được lập lại một lần nữa hôm 04/09. Khi một chiếc B-52 bay ngang qua Ukraina và sát cạnh Biển Đen, chỉ cách nơi đóng quân của Nga ở bán đảo Crimée vài dặm, thì vào cùng một thời điểm, một cặp phi cơ do thám RC-135V/W lại bay trên Biển Đen, ở một khoảng cách đủ để thu thập tín hiệu từ các ra đa theo dõi chiếc B-52.

Qua những sự kiện kể trên, David Axe kết luận là Mỹ và các đồng minh trong NATO không chỉ phô trương lực lượng, mà hoạt động của B-52 và máy bay do thám RC-135V/W là giúp thu thập thông tin chiến lược về lực lượng Nga tại Crimée cũng như ở chung quanh Crimée. Nếu chiến tranh nổ ra, các dữ liệu này có thể giúp vô hiệu hóa hay tiêu diệt hệ thống phòng không của Nga trong khu vực.

Các phản ứng đáp trả của Nga, không chỉ qua việc đưa chiến đấu cơ ngăn chặn trên không, mà còn qua các động thái trên biển và trên đất liền cũng cung cấp cho các chiếc máy bay do thám RC-135V/W rất nhiều dữ liệu quan trọng.

Một bài tập phòng không quan trọng đối với Nga

Theo tạp chí Forbes, dĩ nhiên là hoạt động thu thập thông tin tình báo của Mỹ và NATO cũng là một cơ hội đối với Nga. Vì không phải lúc nào mà Nga có dịp theo dõi, săn đuổi, ngăn chặn oanh tạc cơ Mỹ bay diễn tập trên không phận Crimée.

Đối với David Axe, Nga thừa biết là mình bị phi cơ Mỹ theo dõi. Các chiếc B-52 và RC-135 thường bay với hệ thống truyền tín hiệu nhận dạng được bật lên, có nghĩa là máy bay xuất hiện trên màn ảnh hệ

thống kiểm soát không lưu dân sự, cho dù không loại trừ khả năng máy bay giám sát của NATO tắt hệ thống truyền tín hiệu khi hoạt động.

Để đối phó với các hoạt động của phi cơ Mỹ và NATO, Nga đã có nhiều biện pháp. Trong lần hoạt động thứ 2 của chiếc B-52 hôm 04/09 vừa qua chẳng hạn, một trong 5 chiếc máy bay dọ thám Tu-214 của Không Quân Nga đã cất cánh từ căn cứ gần Matxcơva và bay đến Biển Đen, đến nơi hầu như trong cùng một thời điểm với chiếc B-52 và RC-135. Chiếc Tu-214 này có lẽ có nhiệm vụ hỗ trợ cho các liên lạc vô tuyến giữa các lực lượng Nga theo dõi máy bay NATO.

8 chiến đấu cơ Nga gồm 4 chiếc Su-27 và 4 chiếc Su-30 cũng bay lên để bám theo chiếc B-52 Mỹ.

Theo David Axe, chuyện lực lượng Nga sẵn sàng chấp nhận sự hiện diện của máy bay dọ thám NATO cho thấy là đối với Matxcơva, kinh nghiệm mà họ gặt hái được trong việc huy động lực lượng phòng không quan trọng hơn là thông tin bị tiết lộ cho các nhà phân tích của NATO trong tiến trình phản ứng.

Tóm lại phi vụ do B-52 và 2 chiếc RC-135 thực hiện là chiến thuật thu thập thông tin rất lớn của NATO, nhưng đồng thời là một bài tập phòng không quan trọng cho Nga.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200911-b-52-my%CC%83-va%CC%80-cu%C3%B4%CC%A3c-chi%C3%AA%CC%81n-tranh-ti%CC%80nh-ba%CC%81o-nato-nga-tr%C3%AAn-bi%C3%AA%CC%89n-%C4%91en

 

Covid-19 : Gần 10 ngàn ca nhiễm trong 24 giờ qua,

Thanh Hà

Trưa nay (11/09/2020) tổng thống Emmanuel Macron chủ trì cuộc họp “Hội đồng Quốc phòng” chuẩn bị ban hành một số các biện pháp mới ngăn chận đà virus corona lây lan. Số ca nhiễm trên toàn quốc không ngừng gia tăng. Chính phủ luôn luôn phải cân nhắc giữa hai ưu tiên là y tế và lợi ích kinh tế của đất nước.

Riêng trong ngày 10/09/2020 Tổng Cục Y Tế ghi nhận thêm 9.843 bệnh nhân. Bộ trưởng Y Tế Olivier Véran cho rằng với số ca dương tính không ngừng đi từ kỷ lục này đến kỷ lục khác, số bệnh nhân thuộc diện “trầm trọng” đương nhiên sẽ phải tăng lên. Từ cuối tháng 6/2020 đến nay, số ca phải đưa vào các phòng hồi sức lần đầu tiên đụng ngưỡng 600.

Số ca dương tính với virus corona tăng nhanh tại các vùng Paris và phụ cận, ở khu vực gần thành phố Marseille, miền nam nước Pháp. Cơ quan y tế trong vùng Nouvelle Aquitaine, gần thành phố Bordeaux ngày 11/09/2020 báo động trong 10 ngày qua số bệnh nhân phải nhập viện đã “tăng lên gần gấp đôi” đang từ 85 lên thành 147. Giáo sư Philippe Juvin, trưởng khoa cấp cứu bệnh viên Georges Pompidou, Paris, trên đài truyền hình BFM TV bày tỏ lo ngại với đà lây nhiễm tăng nhanh như hiện tại, “trong ba tuần lễ nữa thôi, bệnh viện tại một số vùng có nguy cơ bị quá tải“.

Sau cuộc họp của Hội đồng Quốc phòng bao gồm Hội đồng Khoa học chống Covid-19 và một số bộ trưởng liên quan vào trưa nay, tổng thống Macron sẽ đưa ra một số “quyết định phác họa ra đường hướng chống dịch cho những tuần lễ sắp tới”, theo như thông báo của chính nguyên thủ Pháp. Chủ tịch Hội đồng Khoa học cố vấn cho chính phủ, ông Jean –François Delfraissy cách nay hai hôm cho rằng chính phủ sẽ “bắt buộc phải đưa ra một số quyết định khó khăn“.

Báo chí Paris tiết lộ, chính phủ tăng cường các biện pháp bảo vệ những người cao tuổi hoặc những người đã mang nhiều bệnh nền và dễ trở thành nạn nhân của virus corona. Hiện tại một số tổ chức y tế yêu cầu bắt trẻ em từ 6 tuổi trở lên cũng phải đeo khẩu trang. Sau cùng, có nhiều khả năng thời gian bị cách ly hiện đang được ấn định là 14 ngày sẽ được thu ngắn lại còn 7.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200911-covid-19-g%E1%BA%A7n-10-ng%C3%A0n-ca-nhi%E1%BB%85m-trong-24-gi%E1%BB%9D-qua-ph%C3%A1p-h%E1%BB%8Dp-h%E1%BB%99i-%C4%91%E1%BB%93ng-qu%E1%BB%91c-ph%C3%B2ng

 

Tổng thống Pháp và lãnh đạo 6 nước Nam Âu

dọa trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ

Thanh Phương

Sau nhiều tuần căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ ở vùng đông Địa Trung Hải, tổng thống Pháp Emmanuel Macron hôm qua, 10/09/2020, đã họp với lãnh đạo 6 nước Nam Âu tại đảo Corse của Pháp. Mục tiêu của cuộc họp là đạt được một lập trường thống nhất cho cuộc họp thượng đỉnh châu Âu về hồ sơ Thổ Nhĩ Kỳ trong khoảng hơn 10 ngày nữa.

Từ Ajaccio, đảo Corse, đặc phái viên Anne Soetemondt tường trình: 

« Trong bản tuyên bố kết thúc hội nghị, lãnh đạo 7 nước Nam Âu họp tại Ajaccio đã tái khẳng định quyết tâm nối lại đối thoại với Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn đe dọa ban hành các biện pháp trừng phạt Ankara.  

Tuy nhiên, tổng thống Macron, mà chỉ cách đây vài tuần còn bị cô lập trên hồ sơ này, đã tránh không nói đến chữ « trừng phạt ». Ông nhấn mạnh nhiều hơn đến sự cần thiết phải nối lại đối thoại. Nguyên thủ Pháp tuyên bố : « Mục tiêu của chúng ta đó là tái lập mối quan hệ bình thường để giúp phục hồi ổn định trong khu vực, cùng với Thổ Nhĩ Kỳ đạt được việc chấm dứt các hành động đơn phương. Tôi cũng tin tưởng rằng trao đổi giữa Liên Hiệp Châu Âu với Thổ Nhĩ Kỳ sẽ có lợi cho cả hai bên ». 

Trên tuyến đầu cùng với Chypre trong cuộc khủng hoảng này, thủ tướng Hy Lạp Kyriacos Mitsotakis thì có giọng điệu gay gắt hơn. Ông cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải chấm dứt những hành động và lời lẽ hung hăng. Thủ tướng Hy Lạp còn nói là, nếu không thể có đối thoại xây dựng, vấn đề sẽ được đưa ra trước Tòa án Quốc tế La Haye.  

Không có thái độ hiếu chiến như thế, các đối tác Malta, Ý, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha nhấn mạnh sự cần thiết toàn thể Liên Hiệp Châu Âu có một tiếng nói chung trong cuộc họp thượng đỉnh hai ngày 24 và 25/09 bàn riêng về căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ »

Cũng tại cuộc họp thượng đỉnh ở đảo Corse hôm qua, thủ tướng Hy Lạp đã kêu gọi Liên Hiệp Châu Âu đặt trọng tâm vào khủng hoảng di dân sau vụ cháy trại tị nạn Moria trên đảo Lesbos của Hy Lạp hôm thứ Ba và tối thứ Tư vừa qua. Hôm nay, bộ trưởng Nội Vụ Đức vừa thông báo là 10 nước Liên Hiệp Châu Âu sẽ tiếp nhận  khoảng 400 di dân vị thành niên không có cha mẹ đi theo, được di tản khỏi đảo Lesbos sau vụ cháy nói trên. Hôm nay, hàng ngàn người xin tị nạn tại đây vẫn sống trong cảnh màn trời chiếu đất, chính phủ Hy Lạp thì không đủ khả năng để giúp đỡ họ và các nước châu Âu thì đang cố tìm các giải pháp cho thảm cảnh này.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200911-t%E1%BB%95ng-th%E1%BB%91ng-ph%C3%A1p-v%C3%A0-l%C3%A3nh-%C4%91%E1%BA%A1o-6-n%C6%B0%E1%BB%9Bc-nam-%C3%A2u-d%E1%BB%8Da-tr%E1%BB%ABng-ph%E1%BA%A1t-th%E1%BB%95-nh%C4%A9-k%E1%BB%B3

 

Pháp xuất khẩu

nhiều sản phẩm điện ảnh, truyền hình

Tuấn Thảo

Phim hoạt hình, phim tài liệu và phim truyền hình nhiều tập. Theo thứ tự, đó là những sản phẩm truyền thông của Pháp được xuất khẩu mạnh trong năm qua. Các nước Âu Mỹ vẫn là những khách hàng quen thuộc của Pháp, bên cạnh đó sự phát triển của các mạng dịch vụ trực tuyến cũng giúp cho các chương trình truyền hình Pháp chinh phục thêm khán giả ở những châu lục khác.

Theo bản báo cáo thường niên do cơ quan TV France International (TVFI) và Trung tâm Điện ảnh Quốc gia (CNC) công bố hồi đầu tuần, nước Pháp đã xuất khẩu mạnh các sản phẩm điện ảnh và truyền hình trong năm qua. Đây là lần thứ ba, ngành thính thị ở Pháp bội thu nhờ bán sản phẩm trên thị trường quốc tế : 325 triệu euro trong năm 2019 (tức tăng 18% so với năm trước), 325 triệu rưỡi euro trong năm 2017. Mức thấp nhất là vào năm 2018 với 278 triệu, trong khi năm kỷ lục vẫn là năm 2016 với hơn 336 triệu euro.

Về đầu trên danh sách các sản phẩm ăn khách nhất vẫn là thể loại phim hoạt hình, với mức doanh thu cao tới 77 triệu rưỡi euro. Trong vòng nhiều năm liền, các hãng phim hoạt hình Pháp tiếp tục tỏa sáng trên thị trường quốc tế. Với lối tiếp cận cũng như nhãn quan khác hẳn với tập đoàn Disney của Mỹ, Ghibli Geneon hay Toei Animation của Nhật, ngành hoạt hình Pháp với hơn 130 công ty lớn nhỏ nhờ lối sáng tạo phong phú đa dạng, đã biết đi ngược lại với những kiểu mẫu nhất định hay công thức rập khuôn.

Nhiều tựa phim hoạt họa đã trở nên quen thuộc với thành phần khán giả tí  hon tại nhiều châu lục như hai chú thỏ con ‘‘Molang & Simon’’, chuyến phiêu lưu của Bọ rùa và Mèo đen ‘‘Ladybug & Chat Noir’’, hay là câu chuyện ‘‘PyjaMasques’’ của Yoyo, Gluglu và Bibou có khả năng biến thành ba siêu anh hùng tí hon khi bận bộ đồ ngủ pyjama vào lúc nửa đêm ….. Thế giới tưởng tượng của các nhân vật dễ thương dành cho con nít ấy lại trở thành những thương hiệu ăn khách, hái ra tiền với hàng loạt ‘‘fan nhí’’ do được phổ biến hàng ngày trên các kênh tivi chuyên chiếu phim hoạt họa dành cho thiếu nhi.

Phim hoạt hình không chỉ ăn khách dưới dạng nhiều tập chiếu trên kênh truyền hình, mà còn trở thành những dự án có tầm vóc khi được phóng tác dưới hình thức phim lẻ, dành cho màn ảnh lớn. Đó là trường

hợp của bộ phim hoạt hình Yakari, của hai đạo diễn Xavier Giacometti và Tony Genkel, dựa theo bộ truyện tranh nổi tiếng cùng tên. Nhân vật cậu bé da đỏ Yakari đã ra đời cách đây nửa thế kỷ dưới hai ngòi bút Thụy Sĩ Derib & Job. Bộ truyện này gồm tổng cộng 40 tập đã bán được hơn 5 triệu bản trên thế giới và từng đoạt giải thưởng lớn nhân hai kỳ liên hoan truyện tranh Angoulême vào năm 1982 và năm 2006. Do bộ truyện Yakari từng được dịch sang 23 thứ tiếng, cho nên nhân vật này rất quen thuộc với khán giả châu Âu, chẳng hạn như  ở Đức, Yakarki từng được chuyển thể lên sân khấu thành vở nhạc kịch ‘‘Yakari, Freunde fürs Leben’’ (Suốt đời làm bạn).

Nay được phóng tác thành phim truyện dành cho màn ảnh lớn vào mùa hè năm 2020, tác phẩm này do ba nước Đức, Bỉ và Pháp hợp tác sản xuất, với sự tham gia của Trung tâm Điện ảnh Quốc gia (CNC). Nội dung bộ phim dựa vào tập truyện tranh đầu tiên khi Yakari cưỡi ngựa hoang mustang và khám phá ra tài năng thiên phú của mình, đó là nói chuyện và hiểu được các loài thú vật. Tuy ra đời cách đây 50 năm, nhưng nhân vật Yakari hơn bao giờ hết, lại có thông điệp gần gũi với những mối quan tâm trong xã hội thời nay qua các chủ đề như bảo vệ các loài động vật hoang dã, khám phá nét đẹp hùng vĩ của thiên nhiên qua góc nhìn vừa tầm của một chú bé da đỏ.

Thành công không kém là thể loại phim tài liệu của Pháp với doanh thu xuất khẩu tăng đến hơn 47 triệu euro trong năm 2019, tức đã tăng 40% so với cùng thời kỳ năm 2018. Theo cơ quan TV France International (TVFI), công ty chuyên quảng bá các chương trình của Pháp ở nước ngoài, phim tài liệu của Pháp tiếp tục thu hút nhiều khách hàng cũng như giới bỏ vốn đầu tư, thông qua các thỏa thuận  hợp tác sản xuất để giành lấy quyền ưu tiên phân phối cho các thị trường của từng châu lục. Nhìn chung, khách hàng mua phim tài liệu của Pháp đặc biệt yêu chuộng dòng phim lịch sử, di sản, kiến trúc. Các bộ phim tài liệu dưới dạng trinh thám hình sự hay điều tra của ngành tư pháp cũng rất ăn khách, đưa khán giả vào thế giới của các nhân chứng trong các vụ án động trời, hay là theo dõi câu chuyện các tội phạm bị kết án tù chung thân một cách ‘‘oan uổng’’.

Khán giả ghiền xem thể loại hình sự, hẳn chắc đã từng nghe tới loạt phim gồm 5 tập phim tài liệu‘‘World’s Most Wanted’’ do hai hãng phim tài liệu của Pháp hợp tác sản xuất với mạng Netflix, đưa khán giả lần theo vết tích của những tội phạm bị truy nã gắt gao nhất trên thế giới. Sự thành công của loạt phim này một lần nữa công nhận xu hướng thịnh hành trong ngành làm phim tài liệu ở Pháp hiện nay. Tài liệu hình sự là một một trong những sản phẩm bán chạy nhất vào lúc nhiều quốc gia có thêm kênh truyền hình (theo mô hình của Mỹ) dành riêng cho thể loại này.

Cuối cùng trên bảng xếp hạng, tuy không ăn khách bằng hai thể loại hoạt hình và tài liệu, nhưng các bộ phim truyện của Pháp dưới dạng phim lẻ hay phim bộ cũng đạt tới một mức doanh thu khả quan là 46 triệu rưỡi euro trong năm 2019, và như vậy xấp xỉ mức xuất khẩu của dòng phim tài liệu. Theo cơ quan TVFI chuyên quảng bá các chương trình của Pháp trên thị trường quốc tế, các kênh truyền hình Pháp không ngần ngại mở lại hợp tác với các hãng phim lớn để hoàn tất các dự án quan trọng trong năm 2021.

Tuy nhiên, tình hình của dịch Covid-19 đã tác động mạnh mẽ đến cả hai ngành điện ảnh và truyền hình Pháp, buộc các nhà sản xuất phải chọn lựa những dự án khả thi nhất, vào lúc doanh thu đến từ việc khai thác trực tiếp hay bán tác quyền đang sụt giảm.

Giới chuyên ngành vẫn hy vọng rằng Pháp tiếp tục cho ra đời những dự án xuất sắc tương tự như ‘‘Dix pour Cent’’ (Call My Agent trong tiếng Anh) hay là ‘‘Le Bureau des Légendes’’ tên gọi của Văn phòng mật vụ trong Tổng cục An ninh Đối ngoại của Pháp, cũng như bộ phim truyền hình nhiều tập ‘‘Léna, rêve d’étoile’’ giấc mơ của một diễn viên múa trở thành ngôi sao ballet (tựa tiếng Anh là ‘‘Find Me in Paris’’) đều là những sản phẩm ăn khách ở nước ngoài. Có như vậy, giới sản xuất phim truyền hình Pháp mới hy vọng tìm lại mức xuất khẩu kỷ lục lên tới  63,7 triệu euro trong năm 2017.

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200911-pha%CC%81p-xu%C3%A2%CC%81t-kh%C3%A2%CC%89u-nhi%C3%AA%CC%80u-sa%CC%89n-ph%C3%A2%CC%89m-%C4%91i%C3%AA%CC%A3n-a%CC%89nh-truy%C3%AA%CC%80n-hi%CC%80nh

 

Covid-19, cú đòn làm điêu đứng ngành du lịch Paris

Thùy Dương

Kỳ nghỉ hè, mùa du lịch cao điểm, đã qua. Giờ là lúc chính quyền và giới du lịch tổng kết về tình hình quý 6 tháng đầu năm 2020, trong bối cảnh dịch bệnh từ đầu năm đã làm ngành « kinh tế xanh » khốn đốn. Vốn là niềm tự hào, biểu tượng của ngành du lịch Pháp, Paris lại lãnh « cú đánh » mạnh hơn, bị thiệt hại dai dẳng hơn nhiều vùng du lịch khác trong cả nước.

Ngày 27/08/2020, trong cuộc họp tổng kết 6 tháng đầu năm hoạt động du dịch của thủ đô Pháp và cả vùng Ile-de-France (Paris và vùng phụ cận), bà Valérie Pécresse, chủ tịch Hội đồng (dân cử) vùng Ile-de-France, nhấn mạnh dịch bệnh Covid-19 đã gây « những tổn thất nặng nề » cho ngành du lịch, lĩnh vực vốn thường mang lại 500.000 việc làm và đóng góp 7-8% thu nhập cho cả vùng.

Ba nỗi lo lớn

Sau khi Paris đoạt danh hiệu thủ đô du lịch thế giới vào năm 2019, dịch Covid-19 đã làm doanh thu du lịch 6 tháng đầu năm 2020 của Paris sụt giảm 6,4 tỉ euro và mất 14 triệu khách so với cùng kỳ năm 2019. Vắng bóng khách du lịch nước ngoài, mất khách doanh nhân và thiếu hụt khách nội địa, theo ông Didier Arino, tổng giám đốc của Protourisme, cơ quan chuyên nghiên cứu và tư vấn về du lịch, giải trí và khách sạn, đó là 3 nỗi lo của các nhà làm du lịch Paris.

Với sự tê liệt của giao thông hàng không quốc tế, số khách ngoại quốc đến Paris đã giảm 68%, trong khi du lịch Paris phụ thuộc phần lớn vào nhóm du khách này, nhất là khách Mỹ và Trung Quốc. Trong năm 2019, khách nước ngoài chiếm đến 90% khách thăm Paris trong kỳ nghỉ hè. Trong thời gian qua, du khách quốc tế đến vùng Paris chủ yếu là khách châu Âu láng giềng gần như Đức, Anh, Áo, Hà Lan, Bỉ, Tây Ban Nha. Việc Paris quyết định hủy hàng loạt sự kiện quốc tế quy mô lớn, trong đó có Triển lãm xe hơi thế giới, Triển lãm công nghiệp hoàn cầu Global Industrie, Hội chợ công nghệ cao VivaTech, Hội chợ trò chơi điện tử Paris Games Week, cũng góp phần khiến vùng Paris mất nhiều khách.

Không chỉ vậy, lượng khách nội địa cũng giảm tới 54%. Theo kết quả một cuộc thăm dò ý kiến người Pháp hồi đầu hè, cho dù 90% người được hỏi dự định đi nghỉ hè trong nước, nhưng chỉ có 10% hướng đến các chuyến du lịch nơi đô thị. Giờ đây, người Pháp thích về nông thôn, lên núi, đi về miền biển hơn là đến chốn phồn hoa như Paris. Chốn thị thành không chỉ gợi nhắc cho du khách về thời kỳ phong tỏa bí bách mà còn đồng nghĩa với nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Về du lịch doanh nhân, trước hè, Paris đã phải hủy hoặc hoãn 2/3 trong tổng số 300 sự kiện do Viparis tổ chức tại 9 khu tổ chức sự kiện trong vùng Paris, trong đó có Cung Triển Lãm Versailles và Cung Hội Nghị Palais de Congrès. Chẳng hạn, triển lãm về không gian làm việc, Workspace Expo, theo dự kiến ban đầu khai mạc vào ngày 01/09 nhưng đã bị đẩy lui đến tháng 03/2021. Triển lãm thời trang may sẵn Who’s Next dự kiến diễn ra từ ngày 03 đến ngày 07/09 cũng đã bị hoãn. Ngược lại, nhiều doanh nghiệp lớn nước ngoài đã kêu gọi người của công ty « tránh xa » các sự kiện tại vùng Paris để đề phòng nguy cơ lây nhiễm bệnh.

Thất bại đã được dự báo

Tuy nhiên, không phải chờ đến bây giờ nhà chức trách và giới du lịch mới biết về hậu quả nặng nề của virus corona đối với ngành du lịch Paris. Trên thực tế, ngay từ khi kỳ nghỉ hè mới bắt đầu hồi đầu tháng 07, các chuyên gia đã dự báo hoạt động của ngành du lịch sẽ giảm hơn một nửa trong hai tháng 07-08, vốn là mùa du lịch cao điểm nhất trong năm. Đầu tháng 07, ông Christophe Decloux, người đứng đầu Ủy ban du lịch Paris Ile-de-France khẳng định vùng Paris đã mất đến 15 triệu du khách tính từ đầu năm, thiệt hại lên đến 8 tỉ euro.

Ngày 13/07, thời điểm theo thường lệ Paris đón rất đông du khách nước ngoài, trong chuyên mục Thông tin kinh tế của đài France 24, nhà báo Christophe Dansette giải thích : « Không, các du khách vẫn chưa trở lại (Paris). Phố xá vẫn vắng tanh vắng ngắt trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong số những người Paris đi nghỉ hè, có nhiều người đã đi sớm do nghỉ bắc cầu dịp Quốc Khánh Pháp 14/07. Thủ đô Paris thì lại vắng bóng du khách nước ngoài, nhất là khách Mỹ và Trung Quốc. Đây chính là nhóm du khách chi tiêu nhiều nhất.

Theo một nghiên cứu hồi năm 2018 của vùng Paris, kết quả nghiên cứu này cho đến nay chắc cũng không thay đổi nhiều lắm, thì một du khách Pháp tiêu 83 euro/ngày. Số tiền chi tiêu của du khách Mỹ cao đúng gấp đôi so với khách Pháp. Khách châu Á và Trung Đông tiêu khoảng 200 euro/ngày. Như vậy, chúng ta có thể hiểu là những người sống bằng nghề du lịch như trong các ngành khách sạn, nhà hàng và kinh doanh hàng hiệu mùa hè năm nay gặp khó khăn đến thế nào. Sở Du Lịch Paris dự báo hoạt động của ngành du lịch trong tháng 07 và tháng 08 sẽ giảm 50-70% so với cùng kỳ năm ngoái ».

Mặc dù Ủy ban du lịch vùng Paris ghi nhận hoạt động du lịch của Ile-de-France đã có dấu hiệu khởi sắc vào mùa hè, nhưng riêng Paris thì không. Du khách Pháp và người dân các nước láng giềng châu Âu, dường như sau một thời gian bị phong tỏa gò bó, muốn hướng đến các hoạt động thăm thú ngoài trời, ở những không gian rộng lớn, thoáng đãng nơi ngoại ô hơn là các hoạt động khám phá văn hóa, bảo tàng, triển lãm … ngay ở nội đô Paris.

Hai điểm thăm quan đông khách nhất Paris trong 6 tháng đầu năm 2020 là bảo tàng Louvre, kho báu nghệ thuật của nước Pháp, vốn là bảo tàng thu hút đông khách nhất thế giới (1 triệu 730 ngàn khách) và cung điện Versailles (918.147 khách). Nhưng nếu tính theo tỉ lệ khách so với cùng kỳ năm 2019, thì số lượt khách đến thăm hai công trình này giảm lần lượt 72% và 64,4%. Trong số 10 công trình văn hóa lịch sử hút khách nhất Paris từ tháng 01 đến tháng 06 còn có Bảo tàng lịch sử tự nhiên, Khải Hoàn Môn, điện Panthéon – nơi vinh danh các vĩ nhân của nước Pháp … Tuy nhiên, nhìn chung lượng khách đều giảm từ 58,3% (Đại điện Grand Palais) đến 73,3% (nhà thờ Sainte-Chapelle).

Khách sạn siêu sang – nạn nhân đầu tiên

Xét theo lĩnh vực kinh doanh, khách sạn, quán bar và nhà hàng là ba lĩnh vực bị tác động nhiều nhất. Trong đó, các palace, khách sạn siêu sang là những nạn nhân đầu tiên vì phục vụ chủ yếu giới doanh nhân nước ngoài và những khách hàng giàu có, chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật, Trung Quốc, Trung Đông, Brazil và Nga. Nhà báo Christophe Dansette cho biết thêm :

« Cứ 2 khách sạn thì có 1 khách sạn cho rằng đóng cửa, tận dụng biện pháp hỗ trợ đặc biệt về trợ cấp thất nghiệp bán phần sẽ đỡ tốn kém hơn là mở cửa khách sạn. Đây là quyết định của nhiều khách sạn 5 sao và 11 trong tổng số 12 palace ở Paris. Chỉ có palace La Réserve – palace nhỏ nhất ở thủ đô với 40 phòng và phòng suite nằm ngay gần phủ tổng thống Pháp là đã mở cửa trở lại. Chủ palace đã đặt cược vào việc mở cửa lại khách sạn ngay từ khi nước Pháp vẫn chưa ra khỏi phong tỏa, từ ngày 05/05. Khách hàng của họ thuộc giới doanh nhân.

Theo phụ trách truyền thông của palace này, trước hết đó là vì chủ của khách sạn muốn làm việc trở lại và cho những nhân viên đang hưởng chế độ trợ cấp thất nghiệp bán phần làm việc trở lại. Hiện giờ, tỉ lệ kín phòng của họ là 64% vào những ngày trong tuần và 40% vào ngày nghỉ cuối tuần. Tất cả khách hàng của họ đều đến từ các nước châu Âu. Palace này hoạt động trong những điều kiện khó khăn, vì thường là khách đặt phòng vào phút chót. Paris, thủ đô du lịch của thế giới hồi năm ngoái, đang chờ đợi du khách trở lại nhưng những người bi quan nhất cho rằng du khách nước ngoài sẽ chưa trở lại đông trước năm 2023 ».

Còn theo số liệu của Ủy ban du lịch vùng Paris, trong hai tháng 06-07, hơn 50% khách sạn trong nội đô Paris vẫn đóng cửa. Những cơ sở còn hoạt động ghi nhận tỉ lệ phòng có khách lưu trú chỉ đạt 30%. Còn ở các vùng ngoại ô, hoạt động của các khách sạn có vẻ khởi sắc hơn một chút với 70% khách sạn hoạt động đón khách và tỉ lệ kín phòng đạt 40%. Trong bối cảnh này, ông Quentin Michelon, hiệp hội du lịch Ahtop nhấn mạnh : « Không ai có thể dự báo về khả năng trụ lại được của các khách sạn Paris ».

Ban đầu, một nửa số nhà kinh doanh trong lĩnh vực nhà trọ và khách sạn hy vọng từ nay đến cuối tháng 10/2020 thì hoạt động sẽ được cải thiện, nhờ nguồn du khách Pháp và các nước châu Âu lân cận. Tuy nhiên, trước tình hình số khách đặt vé máy bay quốc tế đường dài trong khoảng từ tháng 09 đến tháng 12 đã giảm 80%, không mấy ai còn giữ vững tinh thần lạc quan, nhất là khi một số nước láng giềng như Đức và Bỉ lại xếp Pháp vào danh sách « vùng đỏ » - vùng có nguy cơ lây nhiễm cao.

Các nhà làm du lịch lo âu vì làm ăn thất bát, chỉ có người dân Paris là hài lòng về « một mùa hè không du khách ». Kẻ khóc người cười ! Thoát khỏi « cơn lốc xoáy du khách », thoát khỏi « vũ điệu valse » bất tận của những chiếc vali bị kéo lê trên hè phố, người dân Paris khoan khoái tận hưởng nhịp sống êm đềm, những khoảnh khắc tĩnh lặng hiếm có. Thảnh thơi khám phá những « viên ngọc » trong lòng một Paris « quen mà lạ, lạ mà quen », nhưng không phải mất thời gian chen chúc xếp hàng, không phải chịu cảnh xô bồ của những đoàn du khách đông nghịt, là một cơ may hiếm có của người dân thành Paris, mặc cho nỗi lo làm ăn thất bát của các nhà làm du lịch.

(France 24, France Bleu, AFP, Echo touristique)j

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A1p/20200911-covid-19-c%C3%BA-%C4%91%C3%B2n-l%C3%A0m-%C4%91i%C3%AAu-%C4%91%E1%BB%A9ng-ng%C3%A0nh-du-l%E1%BB%8Bch-paris

 

Cảnh sát Nga muốn thẩm vấn

nhà đối lập Navalny tại Đức

Thanh Hà

Cục Giao Thông trực thuộc bộ Nội Vụ Nga ngày 11/09/2020 yêu cầu chính quyền Berlin cho phép các nhà điều tra Nga cùng với phía Đức trực tiếp tham gia các cuộc thẩm vấn nhà đối lập Alexei Navalny. Giới y khoa Đức khẳng định đối thủ chính trị của điện Kremlin bị đầu độc bằng chất Novitchok. Nhà đối lập Nga đã ra khỏi tình trạng hôn mê từ hôm Thứ Hai đầu tuần.

Cục Giao Thông trực thuộc bộ Nội Vụ Nga có nhiệm vụ điều tra sơ khởi về nguyên nhân dẫn tới việc ông Navalny phải nhập viện hôm 20/08/2020 trong tình trạng nguy kịch và sau đó ông Navalny được đưa sang Đức điều trị. Trong thông cáo cơ quan này nói rõ muốn đặt thêm một số câu hỏi với ông Navlny trong khuôn khổ cuộc điều tra sơ khởi.

Phía Nga đã yêu cầu được tiếp cận toàn bộ hồ sơ y tế của Alexei Navany và đến nay các giới chức y tế Nga luôn khẳng định không tìm thấy bất kỳ một chất độc nào trong các mẫu xét nghiệm. Matxcơva cho rằng “những cáo buộc ông Navalny bị đầu độc hoàn toàn không có cơ sở” đồng thời chỉ trích chính quyền Berlin gây trở ngại cho các hợp tác làm sáng tỏ vụ việc.

Đích thân thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng về vụ nhà đối lập Nga bị đầu độc bằng chất độc thần kinh Novitchok do quân đội Nga phát triển. Phương Tây cũng quy kết trách nhiệm của chính quyền Vladimir Putin trong vụ này. Từ nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) hay Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc đều kêu gọi Matxcơva cho mở điều tra độc lập về vụ này.

Alexei Navalny lãnh đạo một tổ chức chống tham nhũng và ủng hộ các ứng cử viên cấp địa phương đối chọi với các ứng viên của đảng cầm quyền Nước Nga Thống Nhất trong tay tổng thống Putin. Theo đánh giá của AFP, chiến thuât này đã khá thành công trong cuộc bầu cử lập pháp Nga hồi tháng 9/2019. Navalny và phe ủng hộ ông đang kỳ vọng gặt hái được những thành công tương tự trong cuộc bầu cử cấp vùng, sắp diễn ra vào ngày Chủ Nhật 13/09/2020.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200911-c%E1%BA%A3nh-s%C3%A1t-nga-mu%E1%BB%91n-th%E1%BA%A9m-v%E1%BA%A5n-nh%C3%A0-%C4%91%E1%BB%91i-l%E1%BA%ADp-navalny-t%E1%BA%A1i-%C4%91%E1%BB%A9c

 

Những điều Việt Nam cần làm

 cho diễn đàn khu vực ASEAN lần này

Đặng Hoài Phong

Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), chính thức ra đời ngày 25-7-1994 tại Bangkok, Thái Lan với 18 nước thành viên sáng lập tham gia (trên cơ sở sáng kiến do Viện Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ASEAN (ASEAN – ISIS) đề xuất). Mục tiêu ban đầu của ARF là duy trì đối thoại và trao đổi ý kiến về các vấn đề cùng quan tâm trong lĩnh vực chính trị – an ninh, xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo quy định của ASEAN, các hội nghị trong khuôn khổ ARF gồm: Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ARF, Hội nghị cấp Thứ trưởng ngoại giao và các Hội nghị Nhóm (cấp vụ) về các biện pháp xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa, cứu trợ thiên tai, chống khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia, an ninh biển, không phổ biến vũ khí hạt nhân, giải trừ quân bị. Vì thế, sự ra đời của ARF đã trở thành Diễn đàn chính trị – an ninh lớn nhất khu vực. ARF đã xác định phát triển tiệm tiến theo 3 giai đoạn: xây dựng lòng tin, ngoại giao phòng ngừa và xem xét phương cách giải quyết xung đột. Diễn đàn này hoạt động trên cơ sở các nguyên tắc đồng thuận và phương thức của ASEAN.

ARF lần này với sự tham gia của 27 nước (trong đó có Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia…) để bàn về các vấn đề an ninh tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương dự kiến diễn ra vào ngày 12/9 dưới sự chủ trì của Việt Nam – nước chủ tịch ASEAN năm nay.

ARF năm nay dự kiến sẽ diễn ra dưới hình thức trực tuyến, theo đó, ngoại trưởng của 27 quốc gia sẽ tìm hiểu cách thức ASEAN thúc đẩy vai trò trung tâm đối với chủ đề và các ưu tiên trong năm Việt Nam đảm đương chức Chủ tịch ASEAN.

Hiện nay, ASEAN đang phải đối mặt với nhiều thách thức cấp bách, bao gồm vấn đề Biển Đông, tình trạng khủng hoảng trong lưu vực sông Mekong và sự bùng phát đại dịch COVID-19. Do đó, nếu các quốc gia thành viên không ưu tiên lợi ích khu vực, ASEAN có thể bị các cường quốc lớn hơn thao túng để thúc đẩy lợi ích của họ trong khu vực.

Việt Nam cần cố gắng làm được những điều sau đây, vì một ASEAN gắn kết và chủ động thích ứng:

Tạo sự đoàn kết để tập trung vào lợi ích khu vực

Trước tiên, Việt Nam cần giúp các quốc gia thành viên ASEAN nhận thức được rằng mỗi nước cần ưu tiên các lợi ích của khu vực Đông Nam Á. Bởi vì nếu mỗi quốc gia đều chạy theo lợi ích riêng, các quốc gia riêng lẻ sẽ có xu hướng nghiêng về cường quốc này hay cường quốc khác. Hành vi này đi ngược lại nguyên tắc độc lập của ASEAN. Nếu không có đoàn kết nội khối, ASEAN có thể bị các cường quốc lớn hơn thao túng và chia rẽ nhằm thúc đẩy lợi ích của họ trong khu vực.

Cải cách thể  chế ASEAN

Việt Nam có nhiệm vụ thúc đẩy cải cách thể chế của ASEAN để khối có thêm ảnh hưởng và sự tôn trọng trên thế giới. Các chuẩn mực truyền thống xuất phát từ “Phương thức ASEAN” là nhằm hỗ trợ việc thực

hiện các mục tiêu bên trong và bên ngoài. Chuẩn mực đã hơn 50 năm tuổi này cần được cải cách khẩn cấp và một cuộc xem xét trong nội bộ khối về Hiến chương ASEAN trên thực tế đã bị trì hoãn từ lâu.

Việt Nam cũng nên cân nhắc đề nghị ASEAN xem xét lại nguyên tắc “không can thiệp” và “ra quyết định dựa trên sự đồng thuận”. Những nguyên tắc này hạn chế vai trò của ASEAN khi ứng phó với các đối thủ địa chính trị và kiểm soát động lực an ninh của khu vực.

Ví dụ, ARF – một trong những cơ chế hợp tác đa phương hàng đầu của ASEAN, vẫn thiếu năng lực để thực thi khuôn khổ “các quy tắc đối với hành vi được chấp nhận”.

Về vấn đề Biển Đông, ASEAN nên tránh phụ thuộc vào việc ra quyết định “dựa trên sự đồng thuận”, vốn cho phép thành viên sử dụng quyền phủ quyết của mình để làm suy yếu quyết định của đa số các quốc gia thành viên.

Thẳng thắn trao đổi các vấn đề nhạy cảm

Việt Nam nên khuyến khích các quốc gia thành viên ASEAN đánh giá lại các mục tiêu và nguyên tắc của khối, đồng thời có các hành động quyết đoán để đảm bảo khối có thể thúc đẩy hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á một cách hiệu quả.

Để làm được điều này, Việt Nam nên hỗ trợ các quốc gia thành viên thảo luận các vấn đề an ninh quan trọng, thay vì để mỗi nước “giấu diếm” và chờ thời gian khắc phục vấn đề – một thực trạng tồn tại lâu nay trong ASEAN.

Đối với các vấn đề nhạy cảm như biên giới quốc gia, Việt Nam nên khuyến khích ASEAN ngăn chặn các sự hiểu lầm và làm giảm mức độ căng thẳng. Hiện tại, ASEAN vẫn còn quá thiếu phản ứng về các tranh chấp biên giới, cũng như thiếu các chính sách thúc đẩy hòa bình và ổn định khu vực.

Việt Nam cần cố gắng khôi phục các cơ chế quản lý xung đột của ASEAN, chẳng hạn như Hội đồng Cấp cao của Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (Hiệp ước Bali), để giải quyết căng thẳng biên giới giữa các quốc gia thành viên trong khuôn khổ ASEAN.

Cân bằng quan hệ Mỹ – Trung

Gần đây, Mỹ-Trung liên tục đụng độ trong một loạt vấn đề – từ thương mại, an ninh quốc gia, đại dịch COVID-19 đến tranh chấp biển đảo khu vực. Do vậy, quan hệ căng thẳng giữa hai cường quốc này sẽ phủ bóng lên ARF lần này. Chính vì vậy, Việt Nam cần đảm bảo ASEAN có khả năng nắm bắt các diễn biến địa chính trị. Có những xu hướng cho thấy sự thay đổi trật tự quốc tế hiện nay.

Trật tự quốc tế, được xây dựng dựa trên việc thực thi quyền lực của Mỹ kể từ khi Chiến tranh Thế giới II kết thúc, bao gồm một tập hợp các thể chế, quy tắc và chuẩn mực chung hiện đang bị lung lay một phần do sự phát triển của chính người tạo ra nó. Trong khi đó, Trung Quốc tuyên bố muốn thúc đẩy “một kiểu quan hệ quốc tế theo trật tự mới”. Bối cảnh này đặt ra những câu hỏi quan trọng cho ASEAN.

Trung Quốc đang tiếp tục trỗi dậy. Các ưu tiên chiến lược của Bắc Kinh trong thế kỷ XXI là: trở thành một cường quốc toàn cầu, thiết lập một trật tự thế giới mới mà Bắc Kinh là người lãnh đạo. Thống nhất Đài Loan; Mở rộng vùng kiểm soát và ảnh hưởng tại biển Đông và biển Hoa Đông.

Cùng với phần còn lại của ASEAN, một mặt, Hà Nội cần tiếp tục tương tác với Bắc Kinh theo hướng xây dựng. Trung Quốc không chỉ là trung tâm trong chương trình nghị sự an ninh hiện nay của khu vực, mà còn đảm bảo tính sống còn của bất kỳ khuôn khổ an ninh nào ra đời trong tương lai. ASEAN phải nhận thức được thực tế này. Nhưng mặt khác, ASEAN phải thể hiện rõ ràng quan điểm, không được gửi cho Trung Quốc các thông điệp mơ hồ, chung chung về sự ủng hộ của khối đối với luật pháp quốc tế. ASEAN nên chính thức hóa lập trường chung của mình, như trong trường hợp phán quyết của tòa trọng tài ở La Hay vào tháng 7/2016.

Trong bối cảnh an ninh khu vực đang có dấu hiệu bất ổn hơn, Việt Nam nên để Mỹ tiếp tục can dự vào khu vực để kiểm soát sự trỗi dậy của Trung Quốc. ASEAN nên xem xét lại chính sách nêu trong Tuyên bố chung của Hội nghị thượng đỉnh đặc biệt ASEAN-Mỹ -  Tuyên bố Sunnylands, trong đó nhấn mạnh nguyên tắc tôn trọng tự do hải hành và an ninh trên biển, cùng những nội dung khác.

Ngoài ra, Việt Nam nên tăng cường sự tham gia của ASEAN bằng cách thúc đẩy các thể chế đa phương. ASEAN phải cố gắng đạt được điều gì đó giống với phong cách “chủ nghĩa đa phương hiệu quả” của Liên minh châu Âu – một trật tự dựa trên quy tắc tự do nhấn mạnh chủ quyền chung, cùng giải quyết vấn đề và phối hợp hành động để đạt được hòa bình, an ninh và thịnh vượng.

Với việc Việt Nam làm Chủ tịch ASEAN năm nay, ASEAN cần được đảm bảo chắc chắn rằng Đông Nam Á không trở thành “sân sau” của bất kỳ ai và sẽ không có cường quốc bên ngoài nào được phép áp đặt bất kỳ chính sách hoặc sáng kiến nào có hại cho lợi ích chung của khu vực, cho dù đó là Mỹ hay là Trung Quốc.

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

https://www.rfa.org/vietnamese/news/blog/what-vn-can-do-in-arf-09112020101758.html

 

Tuyên bố chung AMM 53

đề cập thích đáng vấn đề Biển Đông

Tuyên bố chung Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN được đưa ra vào ngày 10 tháng 9 đã đề cập rất thích đáng đến vấn đề Biển Đông.

Đây là phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng với báo giới trong cùng ngày. Theo lời Ông Nguyễn Quốc Dũng thì như mọi năm vấn đề Biển Đông vẫn là một nội dung hết sức quan trọng của hội nghị. Vấn đề này thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực cũng như bên ngoài.

Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Quốc Dũng của Việt Nam cho rằng tuyên bố chung còn thể hiện mong muốn Khối ASEAN và Trung Quốc sớm đạt được Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) có chất lượng, tổng thể và phù hợp với luật pháp quốc tế; đặc biệt là Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.

Ngoại trưởng các nước ASEAN khẳng định giá trị của UNCLOS làm cơ sở để các bên giải quyết tranh chấp và thực hiện dự thảo COC.

Ông Nguyễn Quốc Dũng cũng trả lời báo giới khi được hỏi về thông tin mà ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin đưa ra là đàm phán COC sẽ được nối lại muộn nhất là vào tháng 11 tới đây, Thứ trưởng ngoại giao Việt Nam Nguyễn Quốc Dũng bày tỏ hy vọng điều đó sẽ xảy ra và Philippines sẽ chủ động tạo được điều kiện cho các nước liên quan có thể gặp nhau.

Philippines hiện là nước điều phối quan hệ ASEAN- Trung Quốc và đang đứng ra chủ trì đàm phán COC.

https://www.rfa.org/vietnamese/news/vietnamnews/vietnam-deputy-fm-says-joint-communique-shows-asean-s-solidarity-on-regional-international-issues-09112020073541.html

 

Hội nghị thượng đỉnh châu Á

diễn ra trong bối cảnh mâu thuẫn Mỹ – Trung

Tin từ HÀ NỘI, Việt Nam – Vào hôm thứ Tư (9/9), các ngoại trưởng Đông Nam Á khởi động một loạt các hội nghị thượng đỉnh trong khu vực, dự kiến sẽ tìm kiếm sự hợp tác để chống lại các mối đe dọa toàn cầu và cố gắng xoa dịu cuộc cạnh tranh ăn miếng trả miếng giữa Hoa Kỳ và Trung Cộng khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành quyền ảnh hưởng.

Nga, Nhật Bản, Úc, Nam Hàn và Ấn Độ nằm trong số các quốc gia khác tham gia từ xa một sự kiện do Việt Nam tổ chức, bao gồm một diễn đàn an ninh 27 quốc gia, khi mối quan tâm gia tăng về tình trạng khẩu chiến và xung đột, cũng như về việc các quốc gia khác bị cuốn vào cuộc xung đột.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cộng sản Việt Nam, ông Phạm Bình Minh, cho biết vai trò của luật pháp quốc tế và các thể chế đa phương đang bị “thách thức nghiêm trọng”. Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ cho biết Ngoại trưởng Mike Pompeo tham gia cùng một số quốc gia từ Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) 10 thành viên và “nhiều đối tác khác” trong việc nêu lên sự lo ngại về những “hành động gây hấn” của Trung Cộng ở Biển Đông.

Phát ngôn viên Morgan Ortagus của bộ cho biết ngoại trưởng Pompeo và một số quốc gia bày tỏ lo ngại về việc Trung Cộng áp đặt luật an ninh quốc gia mới đối với Hồng Kông, bắt giữ các sinh viên ủng hộ dân chủ, hoãn các cuộc bầu cử của lãnh thổ này và loại các ứng cử viên bầu cử ủng hộ dân chủ. (BBT)

https://www.sbtn.tv/hoi-nghi-thuong-dinh-chau-a-dien-ra-trong-boi-canh-mau-thuan-my-trung/

 

Tướng Mỹ: Triều Tiên cho phép

bắn người vượt biên để ngăn Covid-19

Hải Lam

Chỉ huy quân đội Mỹ tại Hàn Quốc hôm 10/9 nói rằng chính quyền Triều Tiên lệnh cho quân đội bắn người vượt biên để chặn dịch Covid-19 tràn sang từ Trung Quốc, theo AFP.

Tại hội thảo trực tuyến hôm 10/9 do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) tổ chức, tướng Robert Abrams, tư lệnh Lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK) nói rằng Triều Tiên đã thiết lập “vùng đệm mới”, cách Trung Quốc 1-2 km.

“Họ triển khai lực lượng đặc nhiệm ở đó …  Các lực lượng tác chiến được lệnh bắn (người vượt biên)”, ông nói.

Bình Nhưỡng đã đóng cửa biên giới với Trung Quốc từ tháng 1 để ngăn dịch Covid-19. Tới tháng 7, truyền thông nhà nước Triều Tiên đưa tin nước này đã nâng tình trạng khẩn cấp lên mức cao nhất. Tới nay, Bình Nhưỡng chưa xác nhận ca nhiễm Covid-19 nào.

Tướng Abrams nói thêm, việc đóng cửa biên giới đã làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt kinh tế Mỹ áp lên Triều Tiên liên quan đến chương trình vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cũng đang chật vật đối phó hậu quả của bão Maysak. Theo truyền thông nước này, 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy hoặc ngập lụt.

Do đó, vị quan chức Mỹ dự đoán Bình Nhưỡng sẽ khó có hành động khiêu khích lớn trong tương lai gần, dù họ vẫn có thể phô diễn nhiều loại vũ khí trong lễ kỷ niệm 75 năm thành lập đảng Lao động Triều Tiên vào tháng 10.

“Chính quyền, đặc biệt là quân đội của họ, đang chủ yếu tập trung hồi phục đất nước và giảm thiểu mối đe dọa từ Covid-19. Chúng tôi chưa thấy dấu hiệu nào về những hành động gây hấn”, tướng Abrams nói thêm.

Theo AFP

Hải Lam dịch và biên tập

https://www.dkn.tv/the-gioi/tuong-my-trieu-tien-cho-phep-ban-nguoi-vuot-bien-de-ngan-covid-19.html

 

Điều tra chấn động! Sự mất tích bí ẩn của dân

Hồng Kông và nguồn nội tạng dồi dào ở Đại lục

Hương Thảo

“Khi tôi nhận được chứng cứ đầu tiên, sống lưng tôi lạnh ngắt!”

Gia Ô Minh, một cựu doanh nhân Hoa lục hiện ở Hoa Kỳ, đã mạo hiểm đến thăm nhiều bệnh viện quân y ở Trung Quốc từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019. Ông đã tới các bệnh viện lớn như Bệnh viện Cảnh sát Vũ trang và bí mật ghi lại bằng chứng đầu tiên cho thấy các bệnh viện tại Đại lục liên quan đến mổ cướp nội tạng sống. Để vạch trần bằng chứng ra quốc tế, Ô Minh đã trốn sang Thái Lan, và đến Hoa Kỳ vào ngày 27/1/2019.

Khi Ô Minh nhận lời phỏng vấn độc quyền với chương trình “Trân Ngôn Chân Ngữ” của Epochtimes vào ngày 8/9, ông đã mang theo một video bí mật điều tra mới nhất. Một phụ nữ lớn tuổi được ghép gan tại một bệnh viện Hoa lục cho biết, năm ngoái bà đã chỉ phải đợi một tuần và chi 400.000 nhân dân tệ (khoảng 1,3 tỷ đồng) để hoàn thành ca phẫu thuật. Bà vô tình tiết lộ rằng năm ngoái có “nhiều người hiến tạng hơn“. Bà ấy cũng nói, “Phải là nội tạng của một người khỏe mạnh, thì bác sĩ mới có thể cấy ghép nó cho bạn“.

Cuộc điều tra của Ô Minh cho thấy kể từ năm ngoái, đặc biệt là kể từ khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đàn áp biểu tình Hồng Kông, “nguồn nội tạng gan, thận và các nội tạng khác nhiều phi thường” tại các bệnh viện Hoa lục. Liên kết với việc những người biểu tình mất tích ở Hồng Kông, ông không thể không đặt câu hỏi, “Hãy nghĩ về những nội tạng này. Tất cả chúng đến từ đâu?“

Đề cập đến yêu cầu kiểm tra sức khỏe toàn dân từng bị người dân Hồng Kông chất vấn, ông nói: “Từ góc độ nhân quyền, quyền riêng tư cá nhân, tôi nghĩ chúng ta nên duy trì thái độ thận trọng. Chúng ta phải nhìn rõ chủng loại sự việc. Cá nhân tôi nhận thức rõ, tôi khỏe mạnh, không cần đi khám này nọ mà sao các vị lại lưu DNA của tôi“.

Việc Ô Minh tận mắt chứng kiến ở Hoa lục trong quá khứ, thân chinh từng trải những kinh nghiệm, có thể tạo cơ sở để người Hồng Kông đưa ra những nhận định và lựa chọn đúng đắn.

Mạo hiểm lẻn vào bệnh viện để tìm kiếm bằng chứng, cảnh sát có vũ trang đứng gác cổng khoa cấy ghép tạng của bệnh viện

Ô Minh, 46 tuổi, vốn là một doanh nhân thành đạt ở Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Công ty thời trang của ông có hơn 100 nhân viên, và công ty gián tiếp điều động 6 nhà cung cấp quốc doanh với hơn 1.000 nhân viên.

Ô Minh bắt đầu tu luyện Pháp Luân Công vào năm 1997, và sự nghiệp của ông cũng ngày càng thăng hoa. Năm 1999, Tập đoàn Giang Trạch Dân của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) bắt đầu đàn áp Pháp Luân Công một cách bất hợp pháp. Ô Minh, vì không từ bỏ đức tin của mình, đã bị giam giữ bất hợp pháp 4 lần và bị lao động cải tạo bất hợp pháp trong 12 năm. Ông đã bị tra tấn dã man, kể cả bị giật

điện, treo cổ, nhốt trong lồng sắt và không được ngủ trong thời gian dài, “tất cả những người bình thường đều không thể chịu nổi; một số người xung quanh tôi, đều bị bức hại đến chết“.

Cuộc đàn áp phi nhân tính không làm chùn bước ý chí kiên định của Ô Minh. Từ cuối năm 2018 đến đầu năm 2019, ông đã mạo hiểm đến thăm một số bệnh viện đại lục. Chiếc máy ghi âm bí mật được giấu trong người ông đã ghi lại những bằng chứng quý giá về việc mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ. Ông thẳng thắn nói rằng, theo suy nghĩ của người bình thường, ban đầu thật khó tin rằng đây là hành vi của chính phủ.

“Khi một con người trong tình trạng còn sống, không tiêm thuốc mê mà cắt lấy nội tạng người ta, (bất kỳ) người bình thường nào cũng cảm thấy không thể tin được, tôi cũng không dám tin”.

Gia Ô Minh

Sau khi tờ Epoch Times vạch trần hoạt động mổ cướp nội tạng sống của ĐCSTQ vào năm 2006, các phương tiện truyền thông đã phơi bày và đưa tin trong những năm gần đây rằng nhiều quốc gia ở Châu Âu và Hoa Kỳ đã thông qua các động thái lên án ĐCSTQ. Nhưng cuộc điều tra bí mật của Ô Minh cho thấy, hoạt động thu hoạch nội tạng sống trong các bệnh viện lớn ở Hoa lục, bệnh viện thuộc hệ thống quân đội và cảnh sát vũ trang không có dấu hiệu thu hẹp. Trước cổng Bệnh viện 309 Quân Giải phóng Nhân dân có tấm biển lớn “Trung tâm ghép tạng toàn quân”, cổng vào khoa ghép của bệnh viện có lực lượng bảo vệ và cảnh sát vũ trang.

“Việc quản lý cấy ghép nội tạng ở Trung Quốc rất hỗn loạn. Chi phí ghép tạng cực thấp, lợi nhuận cực cao và hắc ám trùng trùng. Họ thậm chí còn làm thêm giờ, cấy ghép khẩn cấp, và bệnh viện thường khuyến mại với giá thấp“.

“Tại Bệnh viện 309 Bắc Kinh, Bệnh viện Đa khoa Cảnh sát Vũ trang, Bệnh viện 307, bao gồm cả Bệnh viện Nhân dân Đại học Bắc Kinh, về cơ bản, một ca ghép thận là khoảng 350.000 nhân dân tệ“. Ô Minh nói, nếu bạn đưa cho bác sĩ điều trị 50.000 đến 100.000 nhân dân tệ, thì “ông ta sẽ lập tức tìm ngay cho bạn. Bạn căn bản không cần phải đợi”.

“Họ cũng có thể ghép gan-thận kết hợp và ghép tụy-thận kết hợp. Theo họ, trung bình một bác sĩ trẻ đã thực hiện hơn 800 ca ghép gan kiểu này, và nhiều người trong số họ đã thực hiện hàng nghìn ca. Cái này chúng tôi có hình ảnh có sự thật, bao gồm cả video, bao gồm tên, tiểu sử và ảnh của các bác sĩ đó“.

Theo điều tra của Ô Minh, người lớn tuổi nhất được ghép thận là 78 ​​tuổi và người trẻ nhất là 3 tháng tuổi. Có lần ông đến thăm một bà cụ không báo trước ở bệnh viện 301, nhờ đó ông được biết một đứa trẻ được ghép thận. Trong quá trình phẫu thuật, do bị đào thải và những lý do khác, đứa trẻ đã phải ghép 3 quả thận. “Họ chỉ chuyên tìm nội tạng của trẻ em để cắt. Họ có thể tìm thấy ba quả thận phù hợp trong hai ngày, cứ quay đi quay lại như thế. Bạn nghĩ (nội tạng) đến từ đâu?“

Việc hiến tạng của Bệnh viện Chữ Thập Đỏ chỉ là vỏ bọc

“Tại đây tôi không dám khẳng định, bởi vì tôi làm gì cần phải có chứng cứ. Nhưng tôi thấy nguồn nội tạng này khẳng định là bất thường“. Nguồn tạng của các bệnh viện lớn hoặc chính thức thường từ: hiến tặng tự nguyện, tử tù, tai nạn giao thông tình cờ.

Ô Minh đã đặc biệt đến bệnh viện Chữ Thập Đỏ, giả vờ rằng ông muốn lấy nội tạng hiến tặng. Nhân viên ở đó chủ động nói, “chúng tôi chỉ treo tấm biển lên thôi, căn bản không khai triển nghiệp vụ này”. Điều khiến ông thấy nực cười hơn nữa là, nguồn nội tạng hiến tặng ở Nam Kinh, Bắc Kinh và những nơi khác, bằng cách gọi điện hoặc đích thân kiểm chứng là không có: “Thật nực cười, họ căn bản không có bất kỳ nội tạng hiến tặng nào. Bạn có nghĩ xem nội tạng của họ cuối cùng thì đến từ đâu?“

Ô Minh đã mang một đoạn video bí mật ghi lại cuộc điều tra cho chương trình “Trân Ngôn Chân Ngữ”. Một phụ nữ lớn tuổi được ghép gan nói rằng bà đã đợi một tuần để hoàn thành ca phẫu thuật vào năm ngoái và tiết lộ rằng năm ngoái đã có “nhiều người hiến tạng hơn“.

Đoạn video ghi lại cảnh giới y học Hoa lục ghép cặp phổi của Trần Tịnh Du từ Vô Tích gây sốc.

“Cuộc điều tra của chúng tôi phát hiện ra rằng, năm ngoái, đặc biệt là kể từ khi ĐCSTQ đàn áp Hồng Kông, Hồng Kông đã mất tích rất nhiều người, đương nhiên năm ngoái những nội tạng này rất nhiều, bạn hãy nghĩ xem chúng đến từ đâu đây?” Ô Minh nói.

Năm nay nhóm của Trần Tịnh Du, phó giám đốc Bệnh viện Nhân dân Vô Tích thuộc Đại học Y, đã thực hiện ghép phổi cho một ca viêm phổi Vũ Hán. ĐCSTQ nói rằng nội tạng là từ Quảng Đông, “Cũng có báo cáo về một số thủ thuật khác, tất cả nội tạng đều lấy từ Quảng Đông“.

Theo điều tra của Ô Minh, việc hiến tạng của Trung Quốc chỉ đơn thuần là vỏ bọc hình thức. “Ông ta đang ở đây để chờ ghép phổi. Sẽ có người hiến ngay chứ? Cư dân mạng sẽ cười nhạo: Chắc [Trung Quốc] có quá nhiều người tốt việc tốt phải không? Bạn cần gì, người khác sẽ đến quyên góp nội tạng cho bạn, ném cho bạn một cặp phổi rồi bỏ đi. Có thể được không?“

Kể từ khi những cuộc biểu tình dân chủ ở Hồng Kông nổ ra từ năm ngoái, hơn 9.000 người Hồng Kông đã bị bắt và vô số người đã mất tích. Vào tháng 11 năm ngoái, tờ báo “The Sun” của Anh đã đăng tải một đoạn video cho thấy một nhóm thanh niên biểu tình bị trói tay sau lưng trên một chuyến tàu MTR. Đồng thời, một số video cũng được lan truyền trên Facebook và Twitter, trên tuyến đường sắt phía Đông Hồng Kông, đã nghe thấy tiếng la hét của phụ nữ từ một đoàn tàu có cửa sổ kính bị che kín bằng vải đen. Thế giới bên ngoài lo lắng rằng những người Hồng Kông trẻ tuổi này có thể bị đưa đến các trại tập trung ở Trung Quốc.

“Hồng Kông đã mất quá nhiều người vào năm ngoái, và ĐCSTQ không đưa ra câu trả lời rõ ràng. Những người này giờ ở đâu? Có rất nhiều video cho thấy những người này đã bị kéo đến Hoa lục“, Ô Minh lo lắng nói, “ĐCSTQ báo cáo về một số trường hợp nguồn tạng đến từ Quảng Đông. Bạn nghĩ xem, nó thực sự có thể là vậy. Liệu chúng có thể được lấy từ những trẻ em và học sinh bị mất tích từ Hồng Kông?“

“Đôi khi chúng tôi tìm ra manh mối để khám phá vấn đề, vì nó liên quan quá lớn. Tôi cũng hy vọng rằng những người xem chương trình của chúng tôi, những công dân Hồng Kông, bao gồm những nhân sỹ chính nghĩa, cũng có thể điều tra sự việc này“.

Hãy sớm vạch trần ác đảng đang hãm hại loài người và cứu vãn sinh mệnh

“Nó quá tà ác, quá tà ác, tà ác đến mức không thể tà ác hơn nữa, dùng từ tà ác hay từ vô sỉ, bạn cũng căn bản không thể hình dung nổi”, Ô Minh nói, “Đó chỉ là vì bạn không tin nổi. Không có điều gì mà nó (ĐCSTQ) không dám làm”.

Lẻn vào bệnh viện, mạo hiểm để có được thông tin trực tiếp, Ô Minh mô tả rằng khi ông phát hiện ra sự tồn tại thực sự của nạn mổ cướp nội tạng sống, ông đã “lạnh sống lưng”, biết rằng bằng chứng này sẽ khiến ông gặp nguy hiểm. “Ở Trung Quốc, tôi không dám nói về điều này với bất kỳ ai“. “Với một đoạn video được quay lén, tôi bắt đầu hành trình trốn chạy của mình. Tôi phải chạy khỏi Trung Quốc, sau đó đến xã hội tự do của Mỹ để đưa sự thật này ra ánh sáng“.

Trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, sau khi những người Do Thái bị Đức quốc xã đàn áp chạy sang Hoa Kỳ, họ đã vạch trần tình trạng đàn áp người Do Thái trong các trại tập trung của Đức. “Lúc đó không ai tin rằng việc này sao có thể xảy ra được. Nhưng những điều này càng sớm được mọi người chú ý thì có thể sẽ cứu được càng nhiều mạng sống hơn“.

Đến Hoa Kỳ, Ô Minh đã nhận nhiều cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông quốc tế, và đã làm chứng trước Quốc hội Hoa Kỳ rằng: “Tôi có thể kể những điều này, nhưng rất nhiều người, họ không bao giờ có thể kể về cuộc đàn áp tàn khốc mà họ đã phải chịu. Đó không phải là điều sâu thẳm mà mỗi người chúng ta đều nên nghĩ đến sao?“

Ô Minh nói rằng bệnh viện tại Hoa lục có thể hoàn thành việc tìm kiếm các bộ phận cơ thể người và hoàn thành cấy ghép trong vòng một tuần, “điều đó có nghĩa là nó có một ngân hàng khổng lồ về gen người và nhóm máu người, phải không?”. “Ở Trung Quốc, bạn hãy nghĩ đến các học viên Pháp Luân Công, những tín đồ Cơ đốc giáo, những người Hồi giáo ở Tân Cương, và cả những người bất đồng chính kiến, tại sao ĐCSTQ lại thu thập ADN, nhóm máu và mẫu máu của những người này trước? Điều này không phải là rất có vấn đề sao?!“

Có thể thấy trước rằng hành động tà ác của ĐCSTQ có thể mở rộng đến Hồng Kông, dân tộc Nội Mông, hoặc thậm chí toàn bộ người dân Trung Quốc. “Tất cả sinh mạng dưới chế độ ĐCSTQ có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào”.

“Những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt ngày nay, thực sự là vượt qua những quan điểm chính trị. Chúng ta phải lý giải được rằng, sự uy hiếp của ĐCSTQ là toàn cầu. Nếu nó ăn mòn và thành công ở một khu vực, nó sẽ uy hiếp bất kỳ khu vực nào, từ đó mang đến họa nạn mang tính hủy diệt”.

Quá trình thực hiện sứ mệnh đầy căng thẳng cùng trách nhiệm nặng nề vẫn đang ở phía trước

Đi sâu vào hang cọp, khám phá sự thật về việc thu hoạch tạng sống, tính mạng của Ô Minh bị đe dọa từng giây. Ông cho biết nhiệm vụ và trách nhiệm của bản thân là giữ mình không bị gục ngã trong “nỗi sợ hãi”. “Sợ hãi thực ra là bẩm sinh, ai cũng kinh sợ, ai cũng sợ hãi. Vậy dũng khí của tôi đến từ đâu? Đó là nhờ tu luyện, tôi có đức tin, tôi tu luyện Pháp Luân Đại Pháp, và Đại Pháp không ngừng cho tôi dũng khí. Đó là một điều chính nghĩa, một điều chân chính, và tôi nên kiên định thực hành một điều như vậy”.

“Bởi vì tôi có thể đã thực sự phơi bày nó, và ngày càng nhiều người hơn trong xã hội quốc tế đã nhận ra nó, từ bỏ tà ác, từ bỏ Trung Cộng, và cuối cùng mọi người sẽ đoàn kết cùng nhau để giải thể nó“.

Kêu gọi cảnh sát Hồng Kông đừng làm vật tế thần cho ĐCSTQ

Trong chương trình, ông cũng đặc biệt cảnh báo cảnh sát Hồng Kông không nên đồng hành cùng ĐCSTQ làm điều ác và trở thành vật tế thần của họ: “Hãy nhìn xem ĐCSTQ đã làm gì? Loại chính quyền nào mà các vị vẫn duy hộ nó? Các vị vẫn cầm gậy [đánh người Hồng Kông]. Hôm nay tôi đã xem đoạn video cảnh sát quật ngã một bé gái 12 tuổi xuống đất. Các vị vẫn đi hiệp đồng với cái chính quyền này. Nếu các vị vẫn giúp nó, các vị liệu đang làm gì đây?“

“Các vị cần biết ĐCSTQ là loại thể chế thế nào. Mọi người đều đang công kích nó. Các vị vẫn còn vì kiếm được chút tiền trong tay? Nó giúp các vị thăng quan và trở nên giàu có? Đồng tiền dơ bẩn đó liệu có đáng không? Hãy nghĩ về nó, đây không phải là vấn đề nên suy nghĩ thấu đáo sao? Khi một ngày nào đó công lý đến, các vị có thể bị treo cổ. Vì vậy, đừng bao giờ làm những điều này“.

Ngoài ra, Gia Ô Minh cũng rất khâm phục những người Hông Kông không sợ ức hiếp, cường quyền và tàn bạo, vẫn kiên cường đòi công lý. “Lòng dũng cảm phi thường như vậy thực sự là anh hùng và được cả thế giới, trong đó có tôi, ngưỡng mộ“, “Người Hồng Kông không cô đơn. Tôi ngưỡng mộ họ. Họ là lương tâm của Hồng Kông, là xương sống của Hồng Kông“.

Ông tin rằng người Hồng Kông sẽ không từ bỏ việc theo đuổi tự do và dân chủ, “[Người Hương Cảng] đã đi đầu trong cuộc đấu tranh cho tự do và dân chủ ở Trung Quốc và thế giới. Đây là nguồn cảm hứng to lớn cho phong trào tự do và dân chủ của Hoa lục, cũng là hình mẫu và cổ động cho mọi người”.

Theo Huang Caiwen và Liang Zhen, Epoch Times

Hương Thảo biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/dieu-tra-chan-dong-su-mat-tich-bi-an-cua-dan-hong-kong-va-nguon-noi-tang-doi-dao-o-dai-luc.html

 

Phi cơ chiến đấu Trung Cộng

tiếp cận Đài Loan lần thứ hai

 trong bối cảnh căng thẳng gia tăng

Tin từ Đài Bắc, Đài Loan – Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết, các phi cơ chiến đấu của Trung Cộng đã tiếp cận Đài Loan vào ngày thứ Năm (10/9), và Bộ Quốc Phòng thúc giục Trung Cộng ngừng “phá hoại hòa bình khu vực” trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên eo biển Đài Loan. Bắc Kinh luôn tuyên bố Đài Loan là lãnh thổ của Trung Cộng, và tổ chức nhiều cuộc tập trận quân sự gần hòn đảo này trong những tuần gần đây.

Bộ Quốc phòng cho biết phi cơ chiến đấu Su-30 và phi cơ vận tải Y-8 nằm trong số các phi cơ Trung Cộng đi vào vùng nhận dạng trên không của Đài Loan ở phía tây nam quốc gia này vào sáng thứ Năm (10/9). Bộ này cho biết thêm, Đài Loan đã điều phi cơ để ngăn chặn phi cơ Trung Cộng, đồng thời cho biết nó có thể nhanh chóng theo dõi “chuyển động của kẻ thù”.

Đài Loan đã nhiều lần phàn nàn rằng Trung Cộng đang tăng cường các mối đe dọa quân sự trong những tháng gần đây khi thế giới đối phó với đại dịch coronavirus.

Trung Cộng luôn cố gắng đưa hòn đảo dân chủ này vào quyền kiểm soát của họ, dù cho thậm chí phải sử dụng đến cả vũ lực. Bắc Kinh thường nói rằng các cuộc tập trận như vậy không có gì bất thường và được thiết kế để thể hiện quyết tâm bảo vệ chủ quyền của họ. Đài Loan đang tiến hành các cuộc thử nghiệm vũ khí bắn đạn thật ngoài khơi bờ biển phía đông và đông nam của quốc gia này.

Tổng thống Đài Loan Thái Anh Văn khuyến cáo về nguy cơ gia tăng xung đột trên khu vực Biển Đông đang tranh chấp và xung quanh Đài Loan, đồng thời nói rằng cần phải duy trì liên lạc để giảm nguy cơ tính toán sai lầm. (BBT)

https://www.sbtn.tv/phi-co-chien-dau-trung-cong-tiep-can-dai-loan-lan-thu-hai-trong-boi-canh-cang-thang-gia-tang/

 

Trung Quốc điều 50.000 quân

và 150 chiến đấu cơ sát biên giới Trung – Ấn

Bình luậnMinh Thanh

Sau khi biên giới Trung – Ấn lần đầu lại nổ súng sau 45 năm, gần đây, theo truyền thông Ấn Độ, Trung Quốc đã điều  50.000 quân và 150 máy bay chiến đấu dọc theo biên giới . Có vẻ như ít nhất 3 máy bay ném bom đã được triển khai. Phía Ấn Độ cũng triển khai máy bay chiến đấu tuần tra suốt ngày đêm.

Theo Eurasian Times of India, mặc dù phía Ấn Độ đã chiếm ba vị trí chiến lược: núi Heiding ở phía bắc và nam của hồ Pangong Tso, đèo Rechin và Rezang, căng thẳng giữa Ấn Độ và Trung Quốc vẫn chưa được chấm dứt. Lực lượng Không quân Ấn Độ đã liên tục triển khai các máy bay chiến đấu đến tuyến kiểm soát với tần suất tuần tra mỗi giờ một lần, để giám sát thường xuyên các doanh trại của quân đội Trung Quốc.

Đồng thời, các lực lượng vũ trang Ấn Độ cũng được triển khai tại các khu vực chiến lược này và đã thiết lập các vị trí để theo dõi chặt chẽ tình hình bên phía Trung Quốc.

Bài báo cho biết, bên cạnh việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho vấn đề biên giới, New Delhi cũng cam kết bảo vệ an ninh cho quân đội Ấn Độ ở khu vực biên giới. Hiện Ấn Độ vẫn tiếp tục đối thoại với quân đội Bắc Kinh và đồng thời tiến hành các cuộc triển khai chiến lược quân sự.

Phía Ấn Độ đã triển khai các máy bay chiến đấu MiG đến phía bắc của khu vực tranh chấp, các trại gần ranh giới kiểm soát cũng có máy bay chiến đấu Sukhoi 30, máy bay chiến đấu MiG 29 và trực thăng tấn công Apache. Hải quân cũng đã tiếp tục phái P-8 Poseidon tuần tra trên biển.

Bài báo cho biết động thái của quân đội Ấn Độ khiến quân Trung Quốc căng thẳng, và đã điều động nhiều chiến đấu cơ và quân đội đến 4 doanh trại của Trung Quốc ở đó.

Một số kênh truyền thông Ấn Độ dẫn nguồn tin từ chính phủ Ấn Độ cho biết, quân đội ĐCSTQ đã triển khai hơn 50.000 binh lính và một lượng lớn thiết bị hạng nặng trên Đường kiểm soát thực tế (LAC), trong đó có 150 chiến cơ. Dù quân đội Ấn Độ đã chuẩn bị đầy đủ, nhưng ở giai đoạn này vẫn chưa lên tới mức xung đột toàn diện.

Ngày 8/9, Quân khu Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã công bố một bộ ảnh, cho thấy dường như Trung Quốc đã triển khai ít nhất 3 máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải Y-20 tới biên giới. Lục quân cũng đã tham gia ‘huấn luyện trú tại cao nguyên’, đều có liên quan tới Tây Tạng .

Có thông tin cho rằng, máy bay ném bom H-6 có tầm phạm vi hoạt động 2.500 km và có thể mang tên lửa không đối đất hoặc tên lửa hành trình chống hạm hạng nặng.

Theo South China Morning Post, một lữ đoàn thuộc Quân đoàn 77 của ĐCSTQ cũng đã tiến hành các cuộc diễn tập phòng không bắn đạn thật ở phía tây bắc khu vực sa mạc. Thông thường phía tây bắc khu vực sa mạc đại diện cho vùng Tân Cương, gần với Ladakh, Ấn Độ, nơi xảy ra tranh chấp giữa hai bên.

Tân Hoa Xã đã tung những hình ảnh của sự kiện này vào ngày 7/9, sau khi 2 bên đầu tiên nổ súng sau 45 năm.

Trung Quốc và Ấn Độ đã đụng độ ở khu vực biên giới từ tháng 5/2020. Vào giữa tháng 6 đã xảy ra đụng độ đẫm máu nhất trong 45 năm trở lại đây. Vụ đụng độ khiến ít nhất 20 lính Ấn Độ thiệt mạng và 76 lính  bị thương, tuy nhiên, Trung Quốc không công bố con số thương vong.

Hai bên đôi khi báo cáo bổ sung quân số và vũ khí quân dụng. Vào ngày 29 và 30/8, xung đột lại nổ ra giữa Trung Quốc và Ấn Độ trên hồ Bangong. Có thông tin cho rằng quân đội ĐCSTQ đã cố gắng thay đổi hiện trạng ở bờ nam hồ Bangong. Phía Ấn Độ đã ra tay trước, chiếm một số vùng quan trọng.

Ngày 7/9, có tin quân đội Trung Quốc bắt cóc 5 thiếu niên Ấn Độ đang đi săn ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc và Ấn Độ. Hai người trong số họ trốn thoát và chạy về làng để cầu cứu. Sau đó, các thành viên trong gia đình họ kêu cứu và tìm kiếm người thân mất tích trên mạng Internet. Điều này khiến các cấp cao nhất của quân đội Ấn Độ hoảng hốt.

Cùng ngày, tiếng súng nổ ra ở biên giới Trung – Ấn, đã phá vỡ nguyên tắc không nổ súng vốn được hai phía âm thầm cam kết với nhau trong 45 năm. Kết quả là tình hình ở biên giới Trung – Ấn đã nóng lên trở lại.

Người dẫn chương trình của Epoch Times, ông Đường Hạo, phân tích rằng, khi ĐCSTQ đối mặt với khó khăn cả bên trong và bên ngoài, thì cách thông thường là nên tránh xung đột. Vậy tại sao ĐCSTQ lại phải gia tăng xung đột ở biên giới Trung – Ấn? Có thể lãnh đạo ĐCSTQ muốn lợi dụng cuộc chiến để tạo uy, do ông ta chắc chắn không dám gây chiến với Hoa Kỳ, cũng không thể khiêu khích Nga ở phía bắc và đồng minh Bắc Triều Tiên. Do vậy, cuối cùng, ĐCSTQ đã chọn gây xung đột ở biên giới Ấn Độ.

Do khu vực này cách xa bờ biển và quân đội Hoa Kỳ, xung đột ở đây sẽ không gây ra động tĩnh lớn. Hơn nữa với địa hình ở núi cao hiểm trở, nếu xung đột thực sự nổ ra, thì sẽ không có điều kiện địa lý thích hợp cho xung đột trực tiếp trên quy mô lớn.

Đối với vấn đề ở biên giới Trung – Ấn, ngoài việc chuyển hướng sự chú ý, thì nó cũng có thể giải tỏa cảm xúc trong quân đội; đó là để quân đội ĐCSTQ biết rằng chính quyền thực sự có dũng khí “dám chiến đấu”.

Ông Đường Hạo nói đùa, thật không may, các chiến sĩ ĐCSTQ thực sự rất xui xẻo, hai cuộc xung đột từ cuối tháng 8, bao gồm cả tháng 6 trước đó, binh lính Ấn Độ đều chiếm thế thượng phong. Ông cho

biết có cảm giác như ĐCSTQ cưỡi trên lưng hổ khó xuống khi hiện đang triển khai binh lực dày đặc ở biên giới và tìm kiếm đường đi xuống.

Minh Thanh

Theo NTDTV

https://www.ntdvn.com/the-gioi/trung-quoc-dieu-50000-quan-va-150-chien-dau-co-sat-bien-gioi-trung-an-70005.html

 

Trung Cộng và Ấn Độ đồng ý

giải tán các binh sĩ ở biên giới đang tranh chấp

Tin Từ Bắc Kinh/NEW DELHI – Trung Cộng và Ấn Độ cho biết họ đồng ý xoa dịu căng thẳng ở biên giới Himalaya đang bị tranh chấp của họ và thực hiện các bước để khôi phục “sự hòa bình và ổn định” sau cuộc họp ngoại giao cao cấp ở Moscow.

Trong một tuyên bố chung, hai quốc gia cho biết vào hôm thứ Năm (10/9), Ủy viên Quốc vụ Trung Cộng Vương Nghị và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Ấn Độ S. Jaishankar gặp nhau tại Moscow và đạt được sự đồng thuận 5 điểm, bao gồm các thỏa thuận rằng tình hình biên giới hiện tại không có lợi cho họ và quân đội hai bên nên nhanh chóng giải tỏa và xoa dịu căng thẳng.

Thỏa thuận này, được ký kết bên lề cuộc họp của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải, xuất hiện sau một cuộc đụng độ ở khu vực biên giới ở phía tây dãy Himalaya vào đầu tuần này. Cổ phiếu của các công ty liên quan đến quốc phòng ở Trung Quốc giảm vào đầu hôm thứ Sáu sau thông tin này, với Chỉ số Công nghiệp Quốc phòng Quốc gia CSI giảm 1.2% và đang trên đà đạt mức giảm hàng tuần mạnh nhất kể từ ngày 12 tháng 10 năm 2018.

Cổ phiếu của Công ty Công nghiệp nặng Tongyu giảm đến 16.4%. Trung Cộng và Ấn Độ cáo buộc lẫn nhau về hành vi nổ súng chỉ thiên trong cuộc đối đầu, vi phạm giao thức không sử dụng súng được duy trì từ lâu ở đường biên giới nhạy cảm.

Vào hôm thứ Sáu (11/9), Bộ Ngoại giao Trung Cộng cho biết ông Vương Nghị thông báo với ông Jaishankar trong cuộc họp rằng “điều cấp thiết là phải ngừng ngay lập tức các hành động khiêu khích như nổ súng và các hành động nguy hiểm khác vi phạm các cam kết mà hai bên đưa ra”. (BBT)

https://www.sbtn.tv/trung-cong-va-an-do-dong-y-giai-tan-cac-binh-si-o-bien-gioi-dang-tranh-chap/

 

Trung Quốc đang mất đi

các đối tác thương mại ‘có giá trị nhất’

Bình luậnThủy Tiên

Một nghiên cứu mới cho thấy các quốc gia cảm thấy “tiêu cực nhất” đối với Trung Quốc cũng là các đối tác thương mại quan trọng nhất của nước này. Có vẻ như Bắc Kinh đã tự “đâm đầu vào ngõ cụt”?

Trong 3 năm gần đây, căng thẳng giữa Trung Quốc và các quốc gia khác đã leo thang, bao gồm chiến tranh thương mại với Hoa Kỳ, xung đột biên giới với Ấn Độ, vấn đề hàng hải với một số quốc gia Đông Nam Á ở Biển Đông, cáo buộc gián điệp công nghiệp liên quan đến Huawei, Vương quốc Anh và phản ứng của các nước phương Tây khác đối với luật an ninh quốc gia ở Hong Kong và tranh cãi xung quanh nguồn gốc của virus Corona chủng mới…

Kẻ thù của Trung Quốc là ai? Trung Quốc có thể dựa vào bạn bè ở mức độ nào?

Với sự phụ thuộc mạnh vào khu vực quốc tế trong nền kinh tế Trung Quốc, đây là những câu hỏi quan trọng cần xem xét. Các biện pháp trừng phạt thương mại, như trước đây, có thể được sử dụng để trừng phạt Trung Quốc. Nếu các biện pháp trừng phạt như vậy được thực hiện, thương mại quốc tế của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng ở mức độ nào?

Chúng tôi đã lấy 26 đối tác thương mại lớn, chiếm 80% tổng thương mại của Trung Quốc (loại trừ Đài Loan do dữ liệu không thống nhất và Hong Kong do hàng hóa Trung Quốc được tái xuất khỏi thành phố).

Chúng tôi đã xếp 24 quốc gia còn lại dựa trên mối quan hệ của họ với Trung Quốc bằng cách sử dụng dữ liệu lớn, và đã thống kê được số lượng các bài báo trên Financial Times và South China Morning Post, trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 6/2020, chứa các cảm xúc tiêu cực như “căng thẳng”, “bất đồng”, “tranh chấp”, “buộc tội” và “chiến tranh” liên quan đến Trung Quốc và các đối tác thương mại.

Chúng tôi phân loại “cảm xúc” của các quốc gia đối với Trung Quốc:

Các quốc gia có hàm ý tiêu cực lớn nhất: màu đỏ;

Các quốc gia ở mức trung bình: màu vàng;

Các quốc gia có ít hàm ý tiêu cực: màu xanh lá cây.

Các nước màu đỏ (tiêu cực về Trung Quốc) – Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đức, Nga, Ấn Độ và Vương quốc Anh – chiếm 30% tổng thương mại của Trung Quốc.

Các nước màu vàng (trung bình)- Hàn Quốc, Úc, Việt Nam, Brazil, Singapore, Ả Rập Xê Út, Pháp, Canada và Ý – chiếm 24% tổng thương mại của Trung Quốc.

Các nước màu xanh (ít tiêu cực)- Malaysia, Thái Lan, Hà Lan, Indonesia, Mexico, Philippines, UAE, Nam Phi và Chile – chiếm 14% tổng thương mại.

Tiếp theo, chúng tôi đánh giá xuất khẩu và nhập khẩu của Trung Quốc liên quan đến các nhóm quốc gia này, có 11 danh mục sản phẩm chiếm 1/2 tổng nhập khẩu của Trung Quốc và 17 danh mục sản phẩm chiếm 1/2 tổng xuất khẩu của Trung Quốc.

Trung bình, Trung Quốc nhập khẩu khoảng 17% các sản phẩm này từ các nước màu đỏ, trong khi 30% và 11% nhập khẩu lần lượt từ các nước màu vàng và xanh lá cây.

Trung Quốc xuất khẩu trung bình 39% các mặt hàng này sang các nước màu đỏ, nhưng chỉ 16% và 13% tương ứng với các nước màu vàng và xanh lá cây.

Nói cách khác, khi nói đến nhập khẩu, các nước màu vàng và xanh lá cây nhiều hơn đáng kể. Các quốc gia màu đỏ là điểm đến xuất khẩu quan trọng.

Các sản phẩm nhập khẩu chính bao gồm chất bán dẫn, dầu thô, linh kiện máy tính, quặng sắt, khí đốt tự nhiên và ô tô. Các nước màu vàng có khả năng cung cấp các sản phẩm này cho Trung Quốc. Lấy ví dụ về chất bán dẫn: khoảng 10,6% nhập khẩu chất bán dẫn của Trung Quốc là từ các nước màu đỏ, so với 29,1% từ các nước màu vàng và 13,2% từ các nước xanh lá cây.

Đối với ô tô, gần 82% hàng nhập khẩu của Trung Quốc đến từ các nước màu đỏ. Mặc dù các nước vàng và xanh có dung lượng thị trường nhưng Trung Quốc sẽ khó phân bổ lại cầu của mình một cách nhanh chóng.

Xuất khẩu của Trung Quốc chủ yếu là máy móc và thiết bị vận tải cũng như quần áo. Ví dụ về máy vi tính và máy tính xách tay. Hơn 48% xuất khẩu loại sản phẩm này của Trung Quốc đến các nước màu đỏ trong khi chỉ có 11,2% và 15,7% được chuyển đến các nước màu vàng và xanh lá cây.

Một ví dụ điển hình khác là giày dép. Khoảng 45% xuất khẩu giày dép của Trung Quốc đến các nước màu đỏ trong khi chỉ có 12,1% và 12,4% đến các nước màu vàng và xanh lá cây.

Trong cả hai ví dụ này, các nước màu vàng và xanh lá cây không có khả năng hấp thụ hàng xuất khẩu của Trung Quốc. Chỉ sau khi hợp nhất quy mô thị trường của các nước vàng và xanh, các nước này mới có thể hấp thụ 10 trong số 17 loại sản phẩm.

Phân tích trên ngụ ý như sau:

Thứ nhất, việc Trung Quốc leo thang căng thẳng trong các mối quan hệ quốc tế với các quốc gia không bao giờ là một ý kiến ​​hay. Trong trường hợp của Trung Quốc, “thù địch” với Hoa Kỳ và các mối quan hệ không mấy dễ chịu với Anh, Nhật Bản, Ấn Độ và Úc, tất cả đều “quá nhiều” từ góc độ kinh tế học quốc tế.

Thứ hai, các mối quan hệ quốc tế mạnh mẽ với EU ở phía Tây và ASEAN ở phía Nam của Trung Quốc đã trở nên suy yếu. Các mối quan hệ Trung Quốc – Châu Âu và Trung Quốc – Đông Nam Á có từ nhiều thế kỷ trước, và hiện đang trên đà bị “vấy bẩn” và khó phục hồi.

Thứ ba, vì xuất khẩu của Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi những căng thẳng này so với nhập khẩu, nên nước này đang chú trọng thị trường tiêu dùng nội địa. Tuy nhiên, với việc gần 1 tỷ người Trung Quốc “không có quyền tiêu dùng”, kế hoạch “tăng trưởng kinh tế dựa trên tiêu dùng nội địa” của Chủ tịch Tập có nguy cơ “phá sản”. Thị trường tiêu dùng nội địa yếu kém này không thể thay thế thị trường của các nước màu đỏ.

Các nhà phân tích chiến lược của Rand Corp đưa ra kết luận cho rằng “rất có thể xảy ra” khả năng: Một Trung Quốc “trì trệ” không giải quyết được tình trạng nghèo đói trên diện rộng và suy thoái môi trường, đồng thời không quản lý được các cuộc khủng hoảng bên ngoài.

Và thế giới ‘“không cẩn nổ một phát súng nào, ĐCSTQ cũng sẽ… tự đánh bại chính mình”!

Tác giả: Tiến sĩ Bala Ramasamy là giáo sư kinh tế và phó hiệu trưởng tại Trường Kinh doanh Quốc tế Trung Quốc Châu Âu (CEIBS). Tiến sĩ Wu Howei là giảng viên kinh tế học tại CEIBS. Tiến sĩ Matthew Yeung là phó giáo sư tại Trường Kinh doanh và Quản trị Lee Shau Kee thuộc Đại học Mở Hong Kong.

Thủy Tiên

https://www.ntdvn.com/kinh-te/ke-thu-cua-trung-quoc-cac-doi-tac-thuong-mai-co-gia-tri-nhat-69902.html

 

Trung Quốc nói tài khoản Twitter của đại sứ

bị tấn công, sau khi ‘thích’ một video ‘người lớn’

Bình luậnNguyễn Minh

Một số người dùng phát hiện ra rằng tài khoản Twitter chính thức của Đại sứ Lưu Hiểu Minh “thích” một video dài 10 giây về hành vi tình dục từ một tài khoản Twitter chuyên đăng về chủ đề người lớn.

Đại sứ quán Trung Quốc tại Vương quốc Anh đã tuyên bố rằng tài khoản Twitter chính thức của Đại sứ Lưu Hiểu Minh đã bị tấn công, sau khi tài khoản này ‘thích’ một video clip “người lớn” trên mạng xã hội.

Tài khoản của vị đại sứ này với 85.700 người theo dõi, đã thu hút sự chú ý vào sáng ngày 9/9 khi một số người dùng phát hiện ra rằng tài khoản này ‘thích’ một video dài 10 giây về hành vi tình dục từ một tài khoản Twitter chuyên đăng về chủ đề người lớn.

Luke de Pulford là thành viên của Ủy ban Nhân quyền của Đảng Bảo thủ Anh, đã đăng một ảnh chụp màn hình làm bằng chứng để cảnh báo người dùng về phát hiện này.

“CẢNH BÁO: KHÔNG ĐỌC ĐIỀU NÀY NẾU ĐANG ĂN”, nhà hoạt động nhân quyền viết.

Ông Pulford bình luận về bài đăng của mình khiến Đại sứ Trung Quốc bị “bẽ mặt”: “Tôi cảm thấy [việc đưa ra phát hiện này] cũng hơi quá. Nhưng sau đó tôi nhớ đến các trại tập trung đang giam giữ người Duy Ngô Nhĩ và tình hình ở Hong Kong và tôi nhanh chóng vượt cảm giác đó của mình”, ông Pulford nói và đề cập đến vấn đề vi phạm quyền tự do ở Tân Cương và Hong Kong.

Giám đốc điều hành của tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch của Anh, ông Benedict Rogers viết trên twitter: “Cảm ơn Chúa, ông ấy [Đại sứ Lưu Hiểu Minh] đã chặn tôi [trên twitter]. Đó là những gì ông ấy làm với thời gian của mình, khi ông ấy không truyền bá sự giả dối hoặc quấy rối các nhà phê bình!”.

Hành vi trực tuyến bất thường của Đại sứ Lưu đã được phản ánh rộng rãi trước khi tài khoản này xoá trạng thái “thích” cho một bài đăng khiêu dâm trên Twitter.

Vài giờ sau, đại sứ quán Trung Quốc đưa ra một tuyên bố giận dữ, trong đó có nội dung “Gần đây, một số phần tử chống Trung Quốc đã tấn công một cách ác ý vào tài khoản Twitter của Đại sứ Lưu Hiểu Minh và sử dụng các phương pháp hèn hạ để lừa dối công chúng”.

Đại sứ quán Trung Quốc “lên án mạnh mẽ hành vi đáng ghê tởm như thế này” và đã thúc giục Twitter “điều tra kỹ lưỡng và xử lý vấn đề này một cách nghiêm túc”, tuyên bố cho biết, và thêm rằng “Đại sứ quán có quyền thực hiện các hành động tiếp theo”.

The Epoch Times đã liên hệ với Twitter về cáo buộc hack tài khoản của vị Đại sứ Lưu Hiểu Minh, nhưng hiện chưa nhận được phản hồi.

Ông Lưu, 64 tuổi, là đặc phái viên hàng đầu của Bắc Kinh tại Anh từ năm 2009. Ông thường xuyên xuất hiện trên truyền hình Anh công kích những người chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) và chống lại những lời chỉ trích về vấn đề vi phạm nhân quyền tồi tệ của chính quyền này.

Kể từ khi gia nhập Twitter vào năm 2019, ông Lưu đã sử dụng tài khoản trên mạng xã hội này để tấn công những người chỉ trích các chính sách của Bắc Kinh ở Tân Cương và Hồng Kông; bênh vực gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc Huawei; và ca ngợi phản ứng của chính quyền Trung Quốc đối với đại dịch virus Corona Vũ Hán.

Giống như các mạng xã hội khác của Hoa Kỳ, Twitter bị cấm ở Trung Quốc và công dân Trung Quốc không được tự do sử dụng mạng xã hội này, ngay cả khi họ đi du lịch nước ngoài. Vào tháng 1, một sinh viên của Đại học Minnesota đã bị giam giữ tại Trung Quốc và bị kết án 6 tháng tù vì đã đăng bài trên twitter khi ở Mỹ.

Nhưng ĐCSTQ đã tích cực sử dụng Twitter và các mạng xã hội khác của Hoa Kỳ để tăng cường các chiến dịch mở rộng tầm ảnh hưởng của mình ở phương Tây.

Trong những tháng gần đây, các nhà ngoại giao Trung Quốc đã tích cực lên Twitter để quảng bá chế độ ĐCSTQ là một tấm gương mẫu mực trong các nỗ lực toàn cầu nhằm ngăn chặn virus Corona Vũ Hán, đồng thời đưa ra những tuyên bố vô căn cứ rằng virus này không bắt nguồn từ Trung Quốc. Vào tháng Ba, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố trên tài khoản Twitter của mình rằng, virus đã được quân đội Mỹ mang vào Vũ Hán, khiến các nhà lập pháp Mỹ kêu gọi Twitter cấm các quan chức ĐCSTQ tham gia mạng xã hội này.

Vào tháng Sáu, Twitter thông báo rằng, họ đã gỡ bỏ hơn 170.000 tài khoản có liên quan đến ĐCSTQ vì đã đưa ra các nội dung tuyên truyền về đại dịch, các cuộc biểu tình ở Hong Kong và các cuộc biểu tình Black Lives Matter ở Hoa Kỳ.

Tháng 8/2019, Twitter cũng đã truy quét hàng trăm tài khoản có liên hệ với Bắc Kinh chuyên phỉ báng phong trào biểu tình ủng hộ dân chủ ở Hong Kong.

Nguyễn Minh

Theo The Epoch Times

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/trung-quoc-noi-tai-khoan-twitter-cua-dai-su-trung-quoc-o-anh-bi-tan-cong-sau-khi-thich-mot-video-nguoi-lon-69878.html

 

Trung Quốc đe dọa bán phá giá trái phiếu Mỹ:

Chuyên gia nói ‘Cứ tự nhiên!’

Đại Nghĩa

Theo phân tích, muốn làm tổn thương đồng đô la, cuối cùng Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng nặng nề trong khi đồng đô la sẽ phục hồi nhanh chóng nhờ động thái của các ngân hàng trung ương các nước.

Ngày 10/09/2020, Giáo sư Gordon Chang, chuyên gia về Trung Quốc có bài viết đăng trên trang của Viện Gatestone sau khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tỏ ý sẽ bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ. Sau đây là phần chính của bài viết:

ĐCSTQ công khai nói về một vụ vỡ nợ của Mỹ… thực chất là tuyên bố có ý định hủy hoại nền kinh tế Mỹ. Washington nên đánh trả.

Vào ngày 3/9, Thời báo Hoàn Cầu, tờ báo của ĐCSTQ, đưa tin rằng Bắc Kinh “có khả năng” sẽ bán một số hoặc tất cả các khoản nắm giữ trong Kho bạc Hoa Kỳ. Quan trọng hơn, bài báo cho rằng Hoa Kỳ có thể lần đầu tiên vỡ nợ.

Chính quyền Trung Quốc chắc chắn đang cố gắng gây bất ổn cho Mỹ, và có vẻ như họ sắp tuyên chiến kinh tế toàn diện với Mỹ. Bắc Kinh đã sẵn sàng. Do đó, câu hỏi đặt ra cho chính quyền Trump là liệu Mỹ có nên tấn công trước hay không.

Đúng, điều đó nên xảy ra và Washington nên tấn công Bắc Kinh hết sức có thể. Một cuộc tấn công ác độc [từ Trung Quốc] tạo ra một phản ứng áp đảo [từ Mỹ].

Tờ Hoàn Cầu viết: “Trung Quốc có thể giảm dần lượng nắm giữ trái phiếu kho bạc Mỹ xuống còn khoảng 800 tỷ USD từ mức hơn 1 nghìn tỷ USD hiện tại. Thâm hụt liên bang của Mỹ tăng cao sẽ làm tăng rủi ro vỡ nợ và chính quyền Trump vẫn đang tiếp tục cuộc tấn công dồn dập về Trung Quốc, các chuyên gia cho biết”.

Tờ báo Trung Quốc sau đó dẫn lời Zhou Maohua từ Ngân hàng Everbright của Trung Quốc: “Không vỡ nợ trước đây không có nghĩa là nó sẽ không vỡ nợ trong tương lai. Rủi ro đang tích tụ với các khoản nợ tăng cao và triển vọng kinh tế sụt giảm ở Mỹ”

Đúng vậy, các khoản nợ đang “tăng lên”. Kết quả là, giá trị đồng đô la tăng trong hai năm đã kết thúc vào tháng Ba. Cảm ơn Trung Quốc vì sự đảo ngược vận may của đồng bạc xanh. Thâm hụt ngân sách liên bang cao do các biện pháp cứu trợ virus Vũ Hán và kỳ vọng rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giữ lãi suất ở mức cực thấp đã làm suy yếu đồng tiền của Mỹ.

Vâng, thưa ông Zhou, nền kinh tế Mỹ đã “xuống dốc”, chịu mức sụt giảm nghiêm trọng 31,7% so với GDP quý trước trong quý II năm nay. Tuy nhiên, Hoa Kỳ không còn xuống dốc nữa. Ngược lại, Mỹ hiện đang nhanh chóng phục hồi. Nền kinh tế có thêm 1,8 triệu việc làm trong tháng 7 và 1,4 triệu việc làm trong tháng trước. Hầu hết các chỉ số đều cho thấy sự tăng trưởng mạnh mẽ trong quý tiếp theo.

Ví dụ, ước tính mới nhất của Fed tại Atlanta vào ngày 3/9, dự báo tăng trưởng GDP 29,6%. Những dự đoán về một “siêu chữ V” trong Ngày Lao động của Tổng thống Trump, cho thấy một sự phục hồi giống như tên lửa không thể quá xa mốc dự đoán.

Trong mọi trường hợp, ĐCSTQ công khai nói về một vụ vỡ nợ của Mỹ là hoàn toàn không chấp nhận được. Những lời nói của họ là không có cơ sở, mang theo ác ý và về cơ bản là một tuyên bố về ý định phá hủy nền kinh tế Mỹ.

Washington nên đánh trả.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã bỏ qua các hành vi tội phạm và các hành vi thương mại mang tính săn mồi khác của Trung Quốc. Họ hy vọng Trung Quốc sẽ tự “cải biến” mình theo các quy tắc của nền kinh tế toàn cầu.

Thật không may, những hy vọng đó đã bị tiêu tan khi Bắc Kinh ngày càng gia tăng hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Mỹ và tiếp tục vi phạm thương mại và các nghĩa vụ khác. Không có cách nào, dù nịnh bợ hay ngợi ca, để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận các thỏa thuận và chuẩn mực.

Trong trường hợp này, “phân tách” trở nên hấp dẫn, như tổng thống Trump đã thảo luận trong cuộc họp báo Ngày lễ Lao động. “Chúng ta đã mất hàng tỷ đô la và nếu chúng ta không làm ăn với họ, chúng ta sẽ không mất hàng tỷ đô la”.

Lý do tách rời của Trump có thể không được ủng hộ trong lý thuyết kinh tế cổ điển – rằng thâm hụt thương mại không nhất thiết phải chuyển thành “tổn thất” và không được coi là tốt hay xấu. Nhưng cuối cùng ông ấy đã đúng về thiệt hại kinh tế mà Trung Quốc đã gây ra và những gì nên làm.

Trước tiên, tách rời có nghĩa là đưa ngành sản xuất trở lại Mỹ, điều bắt đầu diễn ra chậm chạp từ khi Tập Cận Bình cai trị Trung Quốc. Họ bắt đầu đẩy các công ty nước ngoài ra rìa, khi các công ty sản xuất hàng hóa gần gũi với nhu cầu khách hàng, và do chênh lệch về chi phí sản xuất của Trung Quốc và Mỹ thu hẹp.

Bây giờ, tốc độ phân tách đã tăng lên. Thuế quan của Tổng thống Trump được áp đặt như một biện pháp khắc phục hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ, đã thuyết phục nhiều doanh nghiệp rằng, xích mích và sự không chắc chắn trong thương mại Mỹ-Trung sẽ chỉ trở nên ngày càng tồi tệ hơn.

Ngoài ra, Bắc Kinh năm nay đã tăng gấp đôi mức độ không đáng tin khi là một thành viên trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Ví dụ, vào tháng 3, Trung Quốc đã đe dọa ném nước Mỹ vào một “biển virus corona”, cụ thể hơn là cắt nguồn cung cấp thiết yếu như dược phẩm và đồ bảo hộ y tế.

Mối đe dọa không khiến người Mỹ sợ hãi và khiến Tổng thống Trump buộc phải hành động.

Chẳng hạn như lệnh hành pháp ngày 6/8 của ông yêu cầu mua các loại thuốc “thiết yếu” từ các doanh nghiệp Hoa Kỳ. Các quốc gia khác, bao gồm cả Nhật Bản, cũng đang đi theo hướng tương tự, cũng cố gắng đưa các công ty của họ ra khỏi Trung Quốc.

Trump có thể đẩy nhanh sự ra đi của các doanh nghiệp khỏi đất Trung Quốc bằng các biện pháp thuế quan và hành chính, như tăng cường kiểm tra hải quan, được thiết kế để ngăn hàng hóa do Trung Quốc sản xuất vào Mỹ.

Việc mất quyền tiếp cận thị trường Hoa Kỳ sẽ làm rung chuyển Trung Quốc. Năm ngoái, thặng dư thương mại hàng hóa của Trung Quốc so với Mỹ lên tới 81,8% tổng thặng dư thương mại hàng hóa của nước này, cho thấy sự phụ thuộc rất lớn vào thị trường Mỹ.

Tổng thống Trump đã sử dụng quyền hạn theo Đạo luật Quyền lực Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế năm 1977 và thậm chí Đạo luật Giao dịch với kẻ thù năm 1917. Ông có thể ra lệnh cho các công ty Mỹ chấm dứt các thỏa thuận hợp tác kỹ thuật với Trung Quốc, cấm đầu tư vào thị trường Trung Quốc và chấm dứt bán tất cả các sản phẩm công nghệ.

Trung Quốc có thể không hồi phục nổi sau những hành động như vậy. Một ví dụ cụ thể: Tinh hình hiện cho thấy rằng Huawei, công ty mà sáu tháng trước được cho là sẽ chiếm lĩnh mạng 5G của thế giới, có thể sớm phải ngừng giao thiết bị mạng vì họ đang gặp khó khăn trong việc mua chip. Mặc dù hiện là nhà bán điện thoại thông minh lớn nhất thế giới nhưng Huawei sẽ phải chấm dứt sản xuất. Công ty Trung Quốc thông báo rằng việc sản xuất chip Kirin, để sử dụng trong các thiết bị di động của họ, sẽ ngừng vào ngày 15/9 này.

Tất cả điều này đưa chúng ta trở lại mối đe dọa của Thời báo Hoàn cầu về việc bán tháo trái phiếu kho bạc Hoa Kỳ. Các quan chức Trung Quốc đã nói đến việc bán phá giá trái phiếu Mỹ – cái gọi là “lựa chọn hạt nhân” – ít nhất là từ giữa năm 2008.

Nhiều người Mỹ đã bị đe dọa, nói rằng Washington không thể chống lại Bắc Kinh vì họ sở hữu trái phiếu kho bạc Mỹ. Tuy nhiên, đó là một mối đe dọa rỗng tuếch mặc dù theo số liệu của Bộ Tài chính, Trung Quốc là nước nắm giữ trái phiếu lớn thứ hai của Mỹ, với 1,074 nghìn tỷ USD.

Các quan chức Trung Quốc đã không thể thực hiện vì một số lý do. Ví dụ, nếu họ bán trái phiếu Mỹ, họ sẽ nhận lại được đô la, vì 100 % nghĩa vụ của nước Mỹ được tính bằng đồng tiền USD. Nếu các quan chức Trung Quốc có ý định làm tổn thương Mỹ, họ phải chuyển tiền bán được sang các loại tiền tệ khác. Việc chuyển đổi đó sẽ đẩy giá trị của các loại tiền tệ khác đó lên mức trần và các ngân hàng trung ương ở các quốc gia đó sẽ phải cân bằng lại giá trị. Nói cách khác, họ sẽ phải giảm giá trị đồng tiền của mình bằng cách mua lại… đô la.

Kết quả thực sự của việc Trung Quốc thực hiện lời đe dọa là để các nghĩa vụ của Bộ Tài chính Hoa Kỳ vào tay các quốc gia thân thiện hơn với Hoa Kỳ. Đúng vậy, người Trung Quốc có thể gây xáo trộn trên thị trường toàn cầu trong vài tuần, nhưng kết quả cuối cùng của nỗ lực của họ sẽ là một Hoa Kỳ không còn cảm thấy nể nang gì những người Trung Quốc cộng sản nữa.

Hơn nữa, bất kỳ động thái nào đột ngột tấn công đồng đô la bằng cách bán trái phiếu sẽ có xu hướng khiến đồng Nhân dân tệ trở nên đắt đỏ bất thường. Từ đó sẽ giết chết lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc, vốn vẫn là trụ cột của nền kinh tế nước này.

Trung Quốc đã bán khoảng một nghìn tỷ đô la trái phiếu Mỹ kể từ giữa năm 2014, để hỗ trợ giá trị đồng tiền của mình và không có ảnh hưởng gì đến thị trường toàn cầu hoặc khả năng vay của Mỹ.

Quyền lực của ĐCSTQ phụ thuộc vào việc liên tục mang lại sự thịnh vượng cho người Trung Quốc, vì vậy tổ chức đó chỉ tồn tại khi có sự cho phép của Hoa Kỳ. Sau lời đe dọa của Thời báo Hoàn cầu vào tuần trước, đã đến lúc rút lại sự cho phép đó bằng cách cắt đứt hợp tác thương mại, đầu tư và kỹ thuật.

Vì vậy, Trung Quốc muốn bán trái phiếu của Mỹ ư? Cứ tự nhiên.

Bài viết chỉ thể hiện quan điểm của tác giả.

Đại Nghĩa biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/trung-quoc-de-doa-ban-pha-gia-trai-phieu-my-chuyen-gia-noi-cu-tu-nhien.html

 

Chuyên gia: Đập Tam Hiệp vô dụng với

hầu hết các loại lũ,

 ý tưởng thiếu thực tế sao chép từ Liên Xô

Phụng Minh

Chức năng hồ chứa Tam Hiệp thiếu tính thực tế, chỉ dựa vào một câu của Stalin mà không được tính toán đầy đủ, nên không có khả năng ngăn lũ, thậm chí có thể làm nó trầm trọng hơn.

Theo báo cáo từ các phương tiện truyền thông chính thức của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), đã có 5 trận lũ lụt lớn ở Trung Quốc kể từ mùa lũ năm nay. Tuy nhiên, một số trận lũ lụt cục bộ đã không được báo cáo, ví dụ, gần đây trên Internet đã tiết lộ rằng lũ lụt xối xả và lở đất đã xảy ra ở nhiều nơi ở Tứ Xuyên vào cuối tháng Tám. Ngoài ra, một số cư dân mạng đăng tải video cho rằng lũ lụt ở An Huy do xả lũ của các hồ chứa khiến nhiều vùng vẫn bị ngập trong lũ 40 ngày sau đó.

Hồ chứa của Dự án Tam Hiệp đóng vai trò gì trong trận lũ sông Dương Tử vào năm 2020? Tác động của đập Tam Hiệp đối với mực nước sông tự nhiên là thế nào? Các loại lũ ở sông Dương Tử là gì? Tại sao vào thời điểm quan trọng, các hồ chứa lớn nhỏ trên sông Dương Tử không phải để tích lũ mà là xả lũ? Tại sao người dân Trung Quốc đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả chống lũ của các hồ chứa? Phóng viên Visiontimes đã phỏng vấn Tiến sĩ Vương Duy Lạc, một chuyên gia nổi tiếng về sinh thái học và công trình thủy điện ở Đức và làm rõ các câu hỏi trên.

Dự án đập Tam Hiệp của Tôn Trung Sơn là để cải thiện kênh hàng hải chứ không phải để ngăn lũ

Ông Vương Duy Lạc cho biết: “Vào thời điểm đó, không giống như nhiều tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) nói rằng Chính phủ Quốc dân đảng không làm gì thời Trung Hoa Dân Quốc. Từ khi chính phủ nhà Thanh sụp đổ đến khi thành lập Chính phủ quốc dân, kinh tế phát triển nhanh chóng, và Trung Quốc nhanh chóng chuyển đổi từ một xã hội phong kiến nông nghiệp khép kín sang giai đoạn công nghiệp hóa”.

“Tứ Xuyên và lưu vực sông Dương Tử cũng phát triển nhanh chóng. Nó không giống như những gì đại lục mô tả. Ví dụ, vào năm 1939, sông Dương Tử chỉ toàn là thuyền gỗ, loại thuyền thon dài … Có những thứ như vậy, những năm 1930 thuyền sông 3.000 tấn từ Thượng Hải đến Trùng Khánh cũng đã có, nhưng tương đối lâu, phải đợi mực nước tương đối cao mới di chuyển được. Vào mùa khô, mực nước tương đối thấp, nơi khúc sông tương đối nông, nên phải nhờ người kéo mới có thể qua được. Nói cách khác, có những con tàu hơn 3.000 tấn có thể đi qua vào thời điểm đó. Con tàu dòng Đông Phương Hồng mà Đặng Tiểu Bình đã đi vào năm 1980 chính là loại 3.500 tấn, gần như cùng thời với loại những năm 1930″.

Vương Duy Lạc đã đề cập đến việc Trung Quốc không chỉ phát triển kinh tế tương đối nhanh trong thời Trung Hoa Dân Quốc, mà còn làm rất nhiều việc trên sông Dương Tử. “Nếu mọi người thích coi Dự án Tam Hiệp như một giấc mơ thế kỷ, thì Quốc dân đảng cũng đã lên kế hoạch cho Dự án Tam Hiệp. Chính quyền ĐCSTQ sau đó đã sao chép nó. Ví dụ, Dự án Cát Châu Bá hoàn toàn là sao chép từ kế hoạch hồ chứa của chính phủ Quốc dân đảng. Kế hoạch phát triển Dự án Tam Hiệp ban đầu là xây dựng 7 trạm thủy điện, tất cả đập ở trạm đều tương đối nhỏ, tuy nhiên, khi Quốc dân đảng đưa ra kế hoạch, họ chưa thực hiện việc xây dựng hồ chứa nước Tam Hiệp để kiểm soát lũ lụt, hoàn toàn không có chuyện đó”.

“Tôn Trung Sơn lần đầu tiên đề xuất xây dựng Dự án Tam Hiệp để cải thiện kênh hàng hải. Vì ở đoạn eo sông Tây Lăng, giữa sông có nhiều đá hơn và dòng nước cũng hỗn loạn hơn. Vào mùa khô, mực nước tương đối thấp, nên ông muốn xây một con đập thấp, như đập Địa Châu hiện nay, khiến cho đường sông sâu hơn một chút, để tàu bè có thể qua lại trong nhiều năm. Sau đó, ông nói rằng tiện thể theo cách này chúng ta cũng có thể tạo ra điện”.

Năm 1981, chưa có đập Tam Hiệp, lũ lớn hơn năm 2020 nhưng vì sao mực nước lại thấp hơn năm nay?

Vào thời điểm xảy ra trận lũ thứ 5 vào cuối tháng 8 năm nay, lưu lượng nước ở trạm Thốn Than đạt 74.600 mét khối mỗi giây. Theo Vương Duy Lạc, vào năm 1981, cách đây 39 năm, lưu lượng lũ lớn nhất ở Thốn Than đạt 85.700 mét khối / giây, nhiều hơn năm nay 11.100 mét khối / giây. Mực nước cao nhất là 191,41 mét, thấp hơn năm nay 0,21 mét.

“Trận lụt năm 1981, lúc đó ở Trùng Khánh mưa to 6 ngày, trận lũ thứ 5 trong năm nay đến, Trùng Khánh trời quang mây tạnh, mấy ngày không có mưa. Năm 1981 thì không có đập Tam Hiệp. Vâng, tôi để câu hỏi này để khán giả suy nghĩ, tại sao lưu lượng lũ năm 1981 lớn nhưng mực nước lũ lại thấp hơn năm nay? Nguyên nhân do đâu? Hãy suy nghĩ xem”.

Chính xác thì hồ chứa được sử dụng để làm gì?

Vào ngày 15/7 năm nay, Tuần báo Tin tức Kinh tế thuộc Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc đã đăng một bài báo có tên “Ba câu hỏi về Tam Hiệp”. Trong bài có nhiều câu đáng kinh ngạc, chẳng hạn như “Tam Hiệp không sợ bom nguyên tử”, “Tam Hiệp ngâm mình trong nước, càng ngâm càng chắc”, “Tam Hiệp được thiết kế để đối phó với trận lụt 10.000 năm mới có một lần”. Bài báo cũng đề cập đến chức năng chính của hồ chứa Dự án Tam Hiệp là giải quyết nhu cầu sử dụng nước của con người, tích trữ nước vào những lúc nước cao hoặc lũ lụt, và biến chúng thành nguồn tài nguyên nước quý giá trong những lúc khô hạn. Nói cách khác, chức năng của hồ chứa nước của con đập là chứa nước lũ và biến chúng thành nguồn nước vào mùa khô để tưới tiêu và cấp nước.

Về lý do tại sao đến nay người Trung Quốc vẫn nhận thức như thế về hồ chứa nước Tam Hiệp, ông Vương chỉ ra: “Thực ra đoạn văn này xuất phát từ một cuốn sách do Stalin viết. Năm 1950, Mao Trạch Đông đã cử một phái đoàn bảo vệ nguồn nước Trung Quốc sang Liên Xô để học hỏi kinh nghiệm. Đoạn này được viết trong ‘Các vấn đề kinh tế xã hội chủ nghĩa của Liên Xô’ của Stalin, và Trung Quốc cầm về liền xem nó như chân kinh. Có nghĩa là bây giờ chúng ta có một hồ chứa, đem tích nước lũ lụt vào và sử dụng trong thời gian hạn hán, đây là chức năng của hồ chứa”.

“Hồ chứa nước muốn phát huy tác dụng này thì phải có rất nhiều điều kiện. Ví dụ, hồ đập Aswan có dung lượng lưu trữ lớn, hay như hồ chứa Tân An, có dung tích chứa hơn gấp đôi lưu lượng hàng năm. Tức là hồ chứa này phải có điều kiện kỹ thuật rất quan trọng, dung tích chứa phải lớn, nếu dung tích chứa không đủ lớn thì sẽ không thể hoàn thành điều mà chúng ta đã nói trước đó là trữ lũ và biến chúng thành nguồn nước cho các thời kỳ khô hạn”.

“Năm nay chúng ta thấy rằng Tam Hiệp là một điểm lưu trữ nước trong các trận lũ lụt 1, 2, 3 và 4, sau đó được giải phóng, tích lũy một ít và lại giải phóng, vì dung lượng lưu trữ của nó không đủ lớn. Đây là khía cạnh kỹ thuật của Dự án Tam Hiệp. Những thứ rất chết người. Vì vậy, những kẻ tung hô Dự án Tam Hiệp luôn sử dụng lý thuyết này hay lý thuyết nọ, dữ liệu này nọ để lừa bịp người dân Trung Quốc. Chỉ cần giải thích rõ, bụng của hồ chứa Tam Hiệp quá nhỏ, không thể chứa được nhiều dòng nước như vậy…”

Vì sao người dân đặt nhiều kỳ vọng vào hiệu quả chống ngập của Dự án Tam Hiệp?

Mọi người hiện đang bàn luận về Dự án Tam Hiệp trong trận lũ này, và dường như họ chưa thấy tác dụng chống lũ nào hiệu quả. Vậy tại sao người ta lại đặt nhiều kỳ vọng vào Dự án Tam Hiệp? Vương Duy Lạc cho rằng điều này là do trước khi Dự án Tam Hiệp được khởi động và trong toàn bộ quá trình ra quyết định của Dự án Tam Hiệp cho đến ngày nay, những người được gọi là học giả và chuyên gia của ĐCSTQ đã liên tục lừa dối người dân Trung Quốc và chào hàng lợi ích phòng chống lũ lụt của Dự án Tam Hiệp này.

“… Ví dụ như Lý Bằng đã nói, sẽ không có thảm họa lũ lụt nào sau dự án Tam Hiệp. Tổng công trình sư của dự án Tam Hiệp Lục Hữu Mi cũng nói rằng sau dự án Tam Hiệp sẽ không có thảm họa lũ lụt nữa. Ông ấy đã qua đời cách đây một thời gian. Hoặc Trịnh Thủ Nhân, cha đẻ của đập Tam Hiệp, cũng nói rằng miễn là có đập Tam Hiệp, sẽ không có lũ lụt”.

Trong trận lụt năm 1991, Vạn Lý đã đưa ra vấn đề là nếu không xây đập, Trung Quốc sẽ ở trong địa ngục, phải xây đập để không có lũ lụt trong tương lai. Năm 1991, Lý Bá Ninh đã viết một bức thư và chuyển nó cho Giang Trạch Dân… Sau đó rất nhiều bài báo tuyên truyền về Dự án Tam Hiệp đã xuất hiện. Những bài báo của Nhân dân nhật báo đăng trên trang nhất trong hai tuần liên tiếp, tất cả đều là

những bài báo được xuất bản bởi những người có tiếng nói ở Trung Quốc, nói rằng Dự án Tam Hiệp ngăn lũ lụt, sản xuất điện và cải thiện việc vận chuyển, hệu quả kinh tế tốt nên bỏ tiền ra đầu tư ngay. “Người dân Trung Quốc chấp nhận quan điểm này, và một khái niệm vững chắc đã hình thành trong đầu mọi người, nghĩ rằng sau Dự án Tam Hiệp, mọi thứ sẽ tốt đẹp. Vì vậy, mọi người đều đặt nhiều kỳ vọng vào chức năng chống lũ lụt của Dự án Tam Hiệp”, ông Vương lý giải.

Có ba loại lũ ở sông Dương Tử, hiệu quả kiểm soát 3 loại này của đập Tam Hiệp đều hạn chế hoặc thậm chí làm lũ tồi tệ hơn

Về đặc điểm của lũ sông Dương Tử, Vương Duy Lạc đã đề cập cụ thể đến ông Lục Khâm Khản trong cuộc phỏng vấn. Ông Lục Khâm Khản là người đầu tiên đưa ra khái niệm 3 loại lũ ở sông Dương Tử, trong đó 2 loại Dự án Tam Hiệp không có tác dụng gì và 1 loại có tác dụng hạn chế. Ông Lục đã nghiên cứu sông Dương Tử từ những năm 1930.

Lũ ở trên thượng nguồn như cơn lũ số 5 năm nay, nếu có đập ở đó giữ nước lại, thế nước càng lớn, khiến khi xả nước lũ sẽ càng tồi tệ hơn đối với khu vực hạ lưu. Lũ ở hạ nguồn như trong năm 2019, không phải đến từ thượng lưu của Tam Hiệp, nên con đập cũng không có tác dụng gì. Còn loại lũ trên toàn lưu vực như năm 1954 thì đập Tam Hiệp càng có ít tác dụng ngăn lũ loại này. Do dung tích hồ chứa của Dự án Tam Hiệp quá nhỏ và tổng lượng lũ thời điểm đó quá lớn, dung tích hồ của Dự án Tam Hiệp chỉ bằng 1/10 tổng lượng lũ. Vậy thì con đập cũng chẳng có mấy tác dụng.

Dự án Tam Hiệp làm thay đổi độ dốc của sông, mực nước bị nâng lên 113 mét, chặn dòng xả

Vương Duy Lạc chỉ ra thêm, người thứ hai cần nhắc đến là Quách Lai Hỷ, lưu học sinh Liên Xô. Ông Quách đã nhìn thấy một vấn đề vào thời điểm đó. Ông nói rằng về mặt địa lý, Dự án Tam Hiệp đã thay đổi độ dốc thủy lực của các con sông tự nhiên, và con đập đã nâng mực nước tự nhiên lên 113 mét. Điều này không tốt cho việc xả lũ.

Ông Quách đã từng gặp kỹ sư trưởng của Văn phòng trù bị Tam Hiệp họ Hà trong phòng họp của Quốc vụ viện, ông muốn nói chuyện về vấn đề này, nhưng vị kỹ sư trưởng nói với ông rằng Bộ trưởng Tiên Chính Anh không cho phép thảo luận về vấn đề này.

Theo ông Quách, đập Tam Hiệp đã làm thay đổi trạng thái tự nhiên và điều kiện tự nhiên, nâng mực nước tự nhiên lên hơn 100 mét, nâng cao đường nền lũ và làm cho dòng chảy chậm lại.

Theo Li Jingru, Visiontimes

Phụng Minh biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/chuyen-gia-dap-tam-hiep-vo-dung-voi-hau-het-cac-loai-lu-y-tuong-thieu-thuc-te-sao-chep-tu-lien-xo.html

 

Tài liệu nội bộ: Trung Quốc kiểm tra

‘phòng không nhân dân’, phát hiện hàng loạt tham nhũng

Bình luậnĐông Phương

Các tài liệu nội bộ của Nội Mông cho thấy, chính quyền Trung Quốc đang bí mật chuẩn bị cho chiến tranh, cùng hàng loạt vụ tham nhũng của các tổ chức, cơ quan nhà nước như Hội chữ thập đỏ Trung Quốc, v.v.

Báo cáo của thanh tra thành phố Hulunbuir: Rò rỉ hàng chục tấn tài liệu mật chưa bị tiêu hủy

Từ ngày 27/3 đến ngày 28/5/2020, Đoàn thanh tra số 3 của Ủy ban thành phố Hulunbuir (Hô Luân Bối Nhĩ) ở Nội Mông, Trung Quốc đã tiến hành điều tra theo thông lệ đối với Cục Cơ yếu Bảo mật của Thành ủy (sau đây viết tắt là Cục Cơ yếu Bảo mật), Ủy ban Quản lý Giám sát Tài sản Nhà nước của Chính quyền Nhân dân Thành phố (sau đây viết tắt là Ủy ban Tài sản Nhà nước), Cục Thống kê Thành phố (sau đây viết tắt là Cục Thống kê) và Phòng Tài chính của Chính quyền Nhân dân Thành phố (sau đây viết tắt là Phòng Tài chính).

Trong bản “Báo cáo tình trạng”, Đoàn thanh tra số 3 chỉ ra rằng, vấn đề chính được phát hiện là “có kẽ hở trong việc quán triệt thực hiện các quyết định và triển khai của đảng ủy cấp trên”. Đó là: “Cục Cơ yếu Bảo mật không đáp ứng tiêu chuẩn tiêu hủy tài liệu mật” và “còn hàng chục tấn tài liệu mật trong thời kỳ đại dịch viêm phổi corona vẫn còn lưu trữ trong kho chưa được tiêu hủy kịp thời”; Ủy ban Tài sản Nhà nước thay mặt chính quyền thành phố thực hiện trách nhiệm của người cấp vốn nhưng chưa làm tròn nhiệm vụ; Cục Thống kê không quan tâm đúng mức đến các mắt xích yếu kém trong công việc; Phòng Tài chính không hiệu quả trong việc giải quyết các rủi ro tài chính địa phương.

Nhà bình luận chính trị đương thời Lý Lâm Nhất (Li Linyi) phân tích điều này và nói rằng, do Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) che giấu dịch bệnh, khiến người ta ảo tưởng rằng đến cuối tháng 3 dịch bệnh ở đại lục đã không nghiêm trọng nữa. Ông Lý cho rằng, báo cáo kiểm tra ở Nội Mông cho thấy thời gian dịch bệnh mới chỉ vài tháng mà số tài liệu mật tồn đọng lên tới hàng chục tấn. Điều đó cho thấy có bao nhiêu mờ ám bên trong nội bộ ĐCSTQ và sự bấp bênh của chính quyền này.

Hulunbuir kiểm tra kỹ lưỡng “hệ thống phòng không nhân dân”

Những căng thẳng do vụ phóng tên lửa của ĐCSTQ vào Biển Đông và các biện pháp đối phó của Hoa Kỳ đã trở thành tâm điểm của dư luận. Mặc dù gần đây, luận điệu của các kênh truyền thông chính thức của ĐCSTQ về chiến tranh với Hoa Kỳ đã chuyển từ nóng sang lạnh, các tài liệu thanh tra Nội Mông mà Epoch Times thu được cho thấy rằng ĐCSTQ đang bí mật chuẩn bị cho chiến tranh.

Bốn tháng trước, Ủy ban thành phố Hulunbuir của ĐCSTQ đã cử một số đoàn công tác đến kiểm tra hệ thống phòng không nhân dân (PKND) trong phạm vi quản lý của họ. Hệ thống PKND là hệ thống phòng không do ĐCSTQ tổ chức người dân xây dựng để ngăn chặn các cuộc tấn công trên không.

Thành phố Hulunbuir đã cử đi 10 đoàn thanh tra và họ nộp lên tổng cộng 11 bản báo cáo, trong đó có 3 bản về các dự án phòng không nhân dân.

Sau khi tiến hành thanh tra Cục Nhà ở và Xây dựng (Văn phòng PKND) của thành phố Hulunbuir, quận Hailar (Hải Lạp Nhĩ) và Kỳ tự trị Evenk (Ngạc Ôn Khắc), Đoàn thanh tra số 8 phát hiện ra rằng, “tổng số lượng các dự án phòng không nhân dân dưới lòng đất thiếu nghiêm trọng, hệ thống bảo vệ và hỗ trợ còn yếu”, thành phố Hulunbuir và Kỳ tự trị Evenk không có công trình PKND tự xây dựng, kỳ Trần Barga (Trần Ba Nhĩ Hổ) và 4 kỳ khác của thành phố Hulunbuir đến nay vẫn không có công trình PKND dưới đất.

Đoàn thanh tra số 8 chỉ ra rằng kể từ năm 2013 đến nay, thành phố Hulunbuir đã nghiệm thu “3 dự án phòng không nhân dân 11.700 mét vuông”, “còn cách rất xa với mục tiêu chỉ định 354.000 mét vuông theo Dự án quy hoạch phòng không nhân dân 10 năm”.

Một điểm mang tính đặc sắc của chính quyền Trung Quốc là, các dự án PKND được ĐCSTQ coi là sự nghiệp quốc phòng, nhưng Cục Nhà ở và Xây dựng của chính quyền địa phương lại thực hiện thành một giao dịch quyền lực và tiền bạc, “có nhận kinh phí nhưng không xây dựng”.

Đoàn thanh tra phát hiện 75% số dự án PKND được phê chuẩn từ năm 2013 – 2019 là hạng mục đã được cấp kinh phí, Cục Nhà ở và Xây dựng đã “biến nhiều công trình phòng không nhân dân thành các khoản trưng thu”. Đoàn thanh tra cũng chỉ ra rằng, Phòng PKND của thành phố đã tự ý phê duyệt xây dựng, giảm và miễn thuế, lấy các loại lý do để giảm hoặc miễn 101.380.800 nhân dân tệ (khoảng 343,67 tỉ VND) chi phí cho PKND ; chủ đầu tư “muốn xây thì xây, muốn hoãn thì hoãn”.

Kết quả kiểm tra của Đoàn thanh tra số 9 đối với Phòng PKND ở thành phố Mãn Châu Lý (Manzhouli), thành phố Trát Lan Đồn (Zhalantun) và kỳ Arun (A Vinh) cũng tương tự như trên.

Ngoài ra, Đoàn thanh tra của đảng ủy và Đoàn thanh tra đặc biệt về vấn đề tham nhũng hệ thống PKND của thành ủy Yakeshi (Nha Khắc Thạch) đã tiến hành kiểm tra chung, phát hiện ra rằng “công trình PKND [ở Yakeshi] rõ ràng không thể theo kịp nhu cầu của thời đại”, chẳng hạn như “từ năm 2010 đến nay, diện tích PKND mới được xây dựng ở thành phố Yakeshi chỉ có 16.000 mét vuông, mới đạt được 4,6% diện tích cần xây dựng”.

Hội chữ thập đỏ ĐCSTQ “xác định đối tượng cần được cứu trợ không chính xác”

Đại dịch năm nay cũng một lần nữa phơi bày vấn đề tham nhũng và uy tín của Hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ. Điều này một lần nữa trở thành tiêu điểm chú ý của ngoại giới.

Năm nay, thành phố Hulunbuir đã cử Đoàn thanh tra số 10 đến “điểm huyệt” và kiểm tra các Hội chữ thập đỏ của thành phố Hulunbuir, quận Hailar, thành phố Yakeshi và thành phố Zhalantun.

Đoàn thanh tra nhận thấy rằng, uy tín của Hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ “cần được cải thiện khẩn cấp”. Ví dụ: trong thời gian đại dịch, tài khoản WeChat chính thức của “Hội Chữ thập đỏ Hulunbuir” chỉ nhận được tối đa 86 lượt xem. Hay kể từ năm 2013 đến nay, hòm quyên góp của Hội Chữ thập đỏ Hulunbuir chỉ quyên góp được 33.700 nhân dân tệ (khoảng 114,2 triệu VND), quận Hailar chỉ quyên góp được 108.600 nhân dân tệ (khoảng 368 triệu VND), thành phố Yakeshi chỉ quyên góp được 21.600 nhân dân tệ (khoảng 73,2 triệu VND) và Hội chữ thập đỏ Zhalantun chỉ quyên góp được 5.400 nhân dân tệ (khoảng 18,3 triệu VND).

Báo cáo của đoàn thanh tra đã tiết lộ một phần lý do khiến Hội Chữ thập đỏ ĐCSTQ mất uy tín.

Đoàn thanh tra số 10 phát hiện ra rằng, Hội Chữ thập đỏ Hulunbuir đã “cứu trợ 3.297 người trong tình cảnh khốn khổ kể từ năm 2013, bao gồm 2.619 nhân viên trong các cơ quan và tổ chức chính phủ, chiếm 79,4% số người được cứu”, những người dân khốn khổ thực sự có thu nhập thấp được cứu trợ chỉ có 373 người, “chiếm 11,3% số người được cứu trợ”.

Điều đáng nói là các quan chức ĐCSTQ đã chủ yếu sử dụng số tiền quyên góp được của Hội Chữ thập đỏ để “giải cứu” các nhân viên trong đảng và chính phủ. Loại hành vi hủ bại lợi dụng lòng tốt của người Trung Quốc dưới chiêu bài từ thiện này đã được đoàn thanh tra ĐCSTQ nói giảm nói tránh thành “xác định đối tượng cần được cứu trợ không chính xác”.

Hơn nữa, biên bản thanh tra cho thấy, các khoản quyên góp của người dân thông qua Hội Chữ thập đỏ không được gửi đến những người đang có nhu cầu cấp bách, mà được Hội Chữ thập đỏ giữ lại trong một thời gian dài.

Tài liệu quan trọng của các đơn vị ngành than “thất thoát có chọn lọc”

Từ ngày 30/3 đến ngày 10/6/2020, Đoàn thanh tra số 4 đã kiểm tra Ủy ban Cải cách và Phát triển, Cục Công nghiệp và Công nghệ Thông tin, Cục Tài nguyên Thiên nhiên, Chi cục Môi trường sinh thái, Cục Quản lý Ứng phó Khẩn cấp, Cục Quản lý Giám sát Thị trường và các đơn vị chủ chốt khác liên quan đến khoáng sản than của thành phố Mãn Lý Châu, kỳ Trần Barga và quận Jalainur (Trát Lãi Nặc Nhĩ), phát hiện ra rằng các bộ phận này có vấn đề tham nhũng nghiêm trọng và quản lý hỗn loạn.

Trong báo cáo, đoàn thanh tra đặc biệt chỉ rõ các đơn vị đầu mối liên quan đến khoáng sản than đã làm “thất thoát có chọn lọc các tài liệu quan trọng theo từng giai đoạn”.

Ví dụ, ở kỳ Trần Barga, tài liệu quan trọng trước năm 2002 của Cục Tài nguyên than, tài liệu quan trọng trước năm 2006 của Cục Bảo vệ môi trường, tài liệu và hồ sơ lưu trữ các mỏ than nhỏ từ năm 2002 – 2006 của Cục Kinh tế đều đã bị mất.

Nhà bình luận chính trị Lý Lâm Nhất phân tích rằng, dưới sự cai trị của ĐCSTQ, các nguồn tài nguyên công cộng vốn thuộc về người dân Trung Quốc và các hồ sơ liên quan thường sẽ bị hư hỏng hoặc biến mất một cách bí ẩn. Ví dụ, kho thóc do ĐCSTQ bảo quản thường bốc cháy trước khi bị điều tra. Các tài liệu do Epoch Times tiết lộ cho thấy, điều này cũng đúng đối với các mỏ than thuộc quyền quản lý của ĐCSTQ.

Ông Lâm cho rằng, đoàn thanh tra đã đi đến kết luận mang ý vị sâu xa là “thất thoát có chọn lọc các tài liệu quan trọng theo từng giai đoạn”, ngụ ý rằng phải có một số thủ đoạn đằng sau việc “mất có chọn lọc”. Qua đó cho thấy rằng, ngay cả nội bộ ĐCSTQ cũng không thể chịu nổi hành vi tham nhũng không có giới hạn của chính người của mình nữa, nên phải giết gà dọa khỉ để cảnh cáo.

Báo cáo thanh tra về ngành than: Tham nhũng hoành hành ở địa phương

Thành phố Hulunbuir cũng đã cử Đoàn thanh tra số 5 đi kiểm tra các đơn vị chủ chốt khác liên quan đến khoáng sản than ở thành phố Ergun (Ngạch Nhĩ Cổ Nạp), kỳ tự trị dân tộc Daur-Morin Dawa và kỳ tự trị Orequen (Ngạc Luân Xuân). Đoàn thanh tra phát hiện nội bộ địa phương tham nhũng hoành hành; các đơn vị liên quan đến than “quản lý và giám sát hàng ngày mất kiểm soát”, “cán bộ, đảng viên trong lĩnh vực than thường xuyên vi phạm pháp luật, kỷ luật”, “dựa vào doanh nghiệp để xơi tái doanh nghiệp”, “dẫn đến làm thất thoát quyền khai thác của nhà nước”.

Chẳng hạn, báo cáo thanh tra cho thấy trong thời gian dài, những người phụ trách lĩnh vực liên quan đến than và cán bộ công chức tại khu vực kỳ tự trị Orequen đã ký hợp đồng giả và trực tiếp chuyển nhượng quyền khai thác cho các công ty tư nhân. Trong quá trình tái cơ cấu doanh nghiệp than, sự chuyển nhượng mù quáng đã dẫn đến tình trạng các doanh nhân tư nhân lừa đảo tài sản nhà nước.

Đoàn thanh tra số 6 đã kiểm tra các đơn vị chủ chốt liên quan đến khai thác than ở thành phố Yakeshi, kỳ tự trị Evenk, kỳ Tân Barga Tả và kỳ Tân Barga Hữu, phát hiện ra rằng “việc giám sát không chặt chẽ đã gây thất thoát tài sản nhà nước”. Ví dụ, trong quá trình chuyển giao Tập đoàn Than Ngũ Cửu (Wujiu Coal Group Co,.Ltd.) cho Công ty Cổ phần Tân Đại Châu (Sundiro Holding Co., Ltd.) vào năm 2006, thông tin báo lên rằng “vì tài nguyên của mỏ thứ ba đã cạn kiệt nên không được tham gia đánh giá.” Tuy nhiên, báo cáo trữ lượng năm 2009 cho thấy mỏ thứ ba vẫn đang được khai thác.

Đoàn Thanh tra số 6 phát hiện các đơn vị liên quan đến than “thiếu giám sát gây thất thoát tài sản nhà nước” và để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nghiêm trọng liên tiếp. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)

Đoàn Thanh tra số 6 phát hiện các đơn vị liên quan đến than “thiếu giám sát gây thất thoát tài sản nhà nước” và để xảy ra nhiều vụ tai nạn chết người nghiêm trọng liên tiếp. Hình ảnh chụp màn hình bản báo cáo của thanh tra. (Epoch Times)

Đoàn thanh tra số  6 cũng phát hiện các đơn vị liên quan đến than không thực hiện các quy định an toàn sản xuất tại chỗ, dẫn đến có tổng số 54 người chết trong các vụ tai nạn an toàn mỏ than kể từ năm 2000. “Trong đó, 14 người chết trong một vụ tai nạn lớn ở mỏ than Hồng Kỳ năm 2002, mỏ than Yakeshi số 1 xảy ra tai nạn nghiêm trọng khiến 22 người chết vào năm 2003”.

Đông Phương

Theo Epoch Times

https://www.ntdvn.com/trung-quoc/tai-lieu-noi-bo-trung-quoc-kiem-tra-phong-khong-nhan-dan-phat-hien-hang-loat-tham-nhung-70002.html

 

Tiếp tục đàn áp nhân quyền,

Bắc Kinh bắt giữ giám đốc nhà xuất bản

Hương Thảo

Một nữ giám đốc nhà xuất bản ở Trung Quốc đã bị chính quyền bắt giữ vì ủng hộ những người bất đồng chính kiến. Theo Taiwan News, đây là ví dụ mới nhất về việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) luốn cố gắng bịt miệng những người phản biện.

Bà Huỳnh Tiêu Nam và chồng là Tần Chân, người đồng điều hành công ty xuất bản Ruiya Books, đã bị cảnh sát Bắc Kinh bắt vào hôm thứ Tư (9/9) với cáo buộc điều hành doanh nghiệp bất chính, tờ SCMP dẫn lời vợ chồng luật sư Thượng Bảo Quân cho biết.

Tuy nhiên, ông Hứa Chương Thuận, học giả và cựu giáo sư luật tại Đại học Thanh Hoa, đánh giá việc chính quyền bắt giữ vợ chồng bà Huỳnh là có động cơ chính trị, về bản chất là do vợ chồng bà lên tiếng ủng hộ ông.

Ông Hứa đã bị giam giữ vào tháng Bảy với cáo buộc ‘gạ tình gái mại dâm’, nhưng nhiều người tin rằng ông bị bắt vì liên tục chỉ trích các quan chức của ĐCSTQ, điều đã khiến ông bị mất việc tại trường đại học danh tiếng.

“Tất cả những năm qua bà Huỳnh đã đứng lên vì những người bị đàn áp. Đây là lúc chúng ta kêu gọi công lý cho bà ấy”, bà Hứa Thái Hà, cựu giảng viên Trường Đảng Trung ương ĐCSTQ, người bị khai trừ đảng vì gọi ông Tập Cận Bình là “trùm xã hội đen”, nói.

Bà Huỳnh, 46 tuổi, là một nhân vật hoạt động tích cực trong lĩnh vực nghệ thuật ở Trung Quốc. Bà đã tổ chức nhiều sự kiện cho các học giả và nghệ sĩ có tiếng nói độc lập trong những năm qua. Bà cũng đã lên tiếng bênh vực Trần Thu Thực, một luật sư và nhà hoạt động nhân quyền Trung Quốc, người đã bị bắt trong đại dịch viêm phổi Vũ Hán vì đưa tin phơi bày sự thật và chỉ trích cách phản ứng với dịch bệnh của chính phủ Trung Quốc.

Theo Taiwan News

https://www.dkn.tv/the-gioi/tiep-tuc-dan-ap-dan-chu-bac-kinh-bat-giu-giam-doc-nha-xuat-ban.html

 

Bắc Kinh nghiên cứu công nghệ ‘điều khiển não’,

nhiều nạn nhân của thí nghiệm mờ ám lên tiếng

Phụng Minh

Quan chức Trung Quốc từng công khai nước này có lợi thế trong nghiên cứu điều khiển não vì có dân số đông và nhiều người mắc bệnh não. Thời gian gần đây nhiều người được cho là nạn nhận của thí nghiệm đã xuất hiện.

Theo thông tin công khai, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã tiến hành nghiên cứu công nghệ ” điều khiển não bộ ” trong ít nhất 20 năm tại các cơ quan nghiên cứu khoa học và quân sự, theo Epoch Times.

Các trường đại học cùng các đơn vị khác cũng đã tham gia. Trong những năm gần đây, ngày càng có nhiều người Trung Quốc tiết lộ tên thật của họ rằng họ là nạn nhân của các thí nghiệm “điều khiển não”, họ bị quấy rối bởi “truyền âm thanh trong não” mỗi ngày 24 giờ, chịu tổn hại lớn về thể chất và tâm lý.

Thăm dò về Dự án “Kiểm soát trí não” của ĐCSTQ

Kể từ thế kỷ 21, nhiều quốc gia trên thế giới đã coi nghiên cứu khoa học não bộ là một lĩnh vực phát triển quan trọng và đã liên tiếp xây dựng các kế hoạch khoa học não bộ và tích hợp chúng vào các lĩnh vực công nghệ nano, sinh học, thông tin… Đồng thời, các công nghệ tương tác hiệu quả, bao gồm não-máy tính, tương tác não-não và công nghệ điều khiển, truyền tín hiệu não-não được sản xuất. Cách chiến đấu truyền thống của chiến tranh đã được thay đổi.

Liên quan đến việc quân đội áp dụng kỹ thuật này, cổng thông tin chính thức của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã đăng một bài báo nhan đề “Kiểm soát não: Đỉnh cao của điều khiển chiến tranh” vào tháng 2/2017, nói rằng “Con người là yếu tố quyết định kết quả của chiến tranh. Nếu có thể điều khiển và nắm quyền điều khiển bộ não con người, thì có thể đánh bại kẻ thù mà không cần chiến

đấu”; “Chúng ta phải thiết lập một chiến lược quân sự và một hệ thống an ninh quốc gia dựa trên yếu tố cốt lõi là bộ não để ngăn chặn các vấn đề chưa xảy ra”.

Vào ngày 15/1/2019, cơ quan ngôn luận của ĐCSTQ Tân Hoa xã đã đăng bài báo “Con đường giành chiến thắng bằng vũ khí điều khiển não” từ Tin tức Quốc phòng Trung Quốc, khẳng định rằng “khoa học và công nghệ não có giá trị quân sự to lớn” và “mục đích của vũ khí điều khiển não là thay vì phá hủy cơ thể kẻ thù, sẽ chinh phục ý chí của kẻ thù, điều này có nghĩa là cách để giành chiến thắng trong một cuộc chiến là từ ‘sát thương’ đến ‘thao túng’. Công nghệ điều khiển não mới không yêu cầu cấy chip vào não người, mà chỉ cần sóng điện từ, ánh sáng và sóng âm thanh, mùi vị… đều có thể trở thành phương tiện truyền thông tin.

ĐCSTQ bắt đầu phát triển mạnh mẽ công nghệ “điều khiển não bộ” từ khi nào?

Theo thông tin và báo cáo công khai chính thức, các nhà khoa học Trung Quốc đã đến Thụy Điển để tham gia cuộc họp làm việc lần thứ tư của Dự án não người vào tháng 10/2001 và trở thành thành viên thứ 20 của dự án. Tại thời điểm đó, Bệnh viện quân đội 301, Đại học Công nghệ Đại Liên, Đại học Chiết Giang, Học viện Khoa học Trung Quốc và các đơn vị khác đã tham gia Dự án Não người và công tác tin học thần kinh, đạt được nhiều kết quả nghiên cứu khoa học trong nghiên cứu cơ bản và lâm sàng, ở một lĩnh vực có thể đã đạt đến trình độ tiên tiến quốc tế.

Năm 2012, Viện khoa học phóng xạ quân y và Phòng nghiên cứu phóng xạ y học đã xuất bản bài báo “Vũ khí kiểm soát ý thức và thiết lập cơ sở dữ liệu hình ảnh hành vi”.

Bài báo giới thiệu rằng vũ khí kiểm soát ý thức được thực hiện bởi con người, có thể điều khiển con người từ các khía cạnh thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác, cảm xúc, tiềm thức, giấc mơ… và khiến con người cảm thấy tức giận, sợ hãi, xấu hổ, hối hận… cuối cùng khiến nạn nhân rơi vào trạng thái tinh thần tồi tệ suốt ngày, thậm chí dẫn đến việc tự tử. Vũ khí kiểm soát ý thức có thể được thực hiện thông qua các phương pháp vật lý, hóa học và không-thời gian tác động trực tiếp đến ý thức con người.

Bài báo cũng nói rằng kiểm soát ý thức trước tiên phải chọn một nhóm người cụ thể, sau đó thông qua phân tích hành vi, thiết lập cơ sở dữ liệu về thị giác, thính giác, xúc giác, vị giác, khứu giác và các hành vi khác, sau đó ngân hàng dữ liệu sẽ được chia thành tấn công hay phòng thủ và nghiên cứu theo y học phòng hộ và triển khai vũ khí thương tổn.

Năm 2015, “Dự án não bộ Trung Quốc” đã được Quốc vụ viện phê duyệt và được xếp vào danh sách “các dự án khoa học và công nghệ lớn liên quan đến sự phát triển trong tương lai của Trung Quốc”. Năm 2016, “khoa học não bộ và nghiên cứu về não bộ” được xác định là đề cương “Kế hoạch 5 năm lần thứ 13”, là một trong những đề tài, dự án đổi mới khoa học và công nghệ lớn. Đầu năm 2017, “Nghiên cứu khoa học não bộ và tương tự não” được coi là một trong những dự án thí điểm được khởi động trong “Đề án lớn về đổi mới khoa học và công nghệ 2030” đã khởi động thí điểm và bước vào giai đoạn chuẩn bị kế hoạch triển khai dự án.

Vào tháng 6/2018, Mạng quân sự Trung Quốc đăng bài viết “Chiến tranh trong tương lai có thể dùng vũ khí điều khiển bằng não bộ”. Bài báo cho biết rằng “dấu vân tay” sóng não của mỗi người là duy nhất. Sử dụng đặc điểm duy nhất của họ, các mã đặc trưng của sóng não người được thu thập và lưu trữ trong máy tính, sau đó thị giác, thính giác, ngôn ngữ, tình cảm được phần mềm đặc biệt “dịch” ra. Các tín hiệu hoạt động thần kinh chẳng hạn như cảm xúc thực sự sẽ được phân tích để “đọc suy nghĩ” của người ta.

Bài báo cho biết việc phát triển vũ khí điều khiển não cũng đòi hỏi phân tích dữ liệu lớn của hàng nghìn mẫu sóng não trong cơ sở dữ liệu để có được sự tương ứng giữa đặc điểm tâm lý và hình dạng sóng não. Sau đó, các chuyên gia sử dụng sóng điện từ và các phương tiện khác để truyền tín hiệu cụ thể đến cơ thể con người, và vũ khí điều khiển não có thể âm thầm thay đổi trạng thái cảm xúc của con người, cuối cùng đạt được các mục tiêu quân sự cụ thể.

Dữ liệu thông tin não bộ con người đến từ đâu?

Vậy, làm thế nào để các bộ phận nghiên cứu khoa học của ĐCSTQ có được những mẫu sóng não khổng lồ để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn?

Theo thông tin trên trang web chính thức của Viện Khoa học Trung Quốc, tháng 9/2002, hơn 40 chuyên gia có liên quan ở Trung Quốc đã thảo luận về tình hình nghiên cứu não bộ trong và ngoài nước và cách đối phó với tình hình quốc tế ở Tương Sơn, họ đề xuất tham gia Dự án não người quốc tế với “đặc điểm Trung Quốc” và “phát huy thế mạnh của riêng mình”.

Nhật báo Khoa học và Công nghệ, tờ báo chính thức của Bộ Khoa học và Công nghệ ĐCSTQ đã đăng một bài báo vào tháng 3/2017 phỏng vấn Mã Lan, đại biểu của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc và là hiệu trưởng Viện Khoa học não của Đại học Phúc Đán. Mã Lan giới thiệu rằng Trung Quốc có nhiều

thuận lợi trong việc nghiên cứu não bộ, vì “Trung Quốc có dân số đông và số lượng bệnh nhân mắc bệnh não rất lớn, là nguồn cung cấp dồi dào nguồn lực cho nghiên cứu não bộ”.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ liệu những bệnh nhân mắc bệnh não đang tìm cách điều trị có phải trải qua những cảm xúc tiêu cực khác nhau, chẳng hạn như tức giận, sợ hãi, xấu hổ, ân hận… được thu thập trong nghiên cứu để xây dựng một cơ sở dữ liệu lớn hay không.

Ngoài ra, một bài báo được xuất bản bởi Viện khoa học phóng xạ quân y và Phòng nghiên cứu phóng xạ y học đã đề cập rằng việc kiểm soát ý thức trước hết phải lựa chọn những quần thể cụ thể để kiểm soát, chưa biết cá thể nào sẽ trở thành đối tượng thí nghiệm và họ có biết và đồng ý tham gia hay không.

Các nạn nhân kiểm soát não chống lại sự ngược đãi

Trong những năm gần đây, một số lượng lớn những người tự xưng là nạn nhân của điều khiển não đã xuất hiện trên khắp đất nước, nhiều người trong số họ thông báo rằng mình đã bị điều khiển não do “truyền âm thanh trong não”.

Các “nạn nhân” của thí nghiệm kiểm soát não lên tiếng (ảnh do nhân vật cung cấp cho Epoch Times).

Theo người bị hại Diêu Đa Kiệt thống kê, “những người cùng bị nạn” giống anh ít nhất đến từ 19 tỉnh và 3 thành phố trực thuộc Trung ương. Từ năm 2000 đến những năm gần đây, biên độ tuổi của các nạn nhân đã mở rộng, từ trẻ em đến người già và họ làm việc trong các ngành nghề khác nhau. Những người này được mô tả là có những điểm chung sau đây, được cho là phù hợp với trạng thái não bộ bị điều khiển.

Đầu tiên, họ có thể nhận được tiếng nói trong não của mình, và họ sẽ bị sỉ nhục, lạm dụng bằng lời nói hoặc nhận được các chỉ dẫn như tự làm hại bản thân trong vòng 24 giờ;

Thứ hai, bị cưỡng chế nhập tâm vào nỗi buồn, sợ hãi, tuyệt vọng và những cảm xúc khác;

Thứ ba, sẽ nhiều lần nhớ lại những điều sai trái, sai lầm mà mình đã từng làm, tự mình gièm pha những chuyện tốt đẹp.

Thứ tư, bị ép rơi vào một “giấc mơ nhân tạo” tiêu cực mà có thể phân biệt rõ ràng nó với những giấc mơ bình thường;

Thứ năm, có các cơ co giật khó giải thích, không thể tập trung, không định hướng được, thường xuyên cảm thấy ngột ngạt, đau tức ở ngực, nghe thấy tiếng động như tiếng ve kêu, tạp âm, da có cảm giác nóng như kim châm, tê cục bộ.

Ngoài ra, do tất cả những điều này chỉ xảy ra với nạn nhân, những người xung quanh không thể hiểu, thậm chí lầm tưởng họ có vấn đề về tâm thần nên hầu hết nạn nhân đều bị cô lập, bơ vơ.

Trong những năm gần đây, các nạn nhân của việc kiểm soát não bộ đã xuất hiện theo nhóm, liên tục báo cáo vụ việc với các cơ quan công an khác nhau và báo cáo vấn đề với các cơ quan khiếu nại các cấp, yêu cầu vụ án được mở ra và giải quyết. Tuy nhiên, đánh giá từ các phản hồi hiện nay, việc bảo vệ quyền lợi vẫn còn nhiều khó khăn.

Các bức ảnh do người trong cuộc cung cấp, dẫn qua Epoch Times.

Theo Zhang Bei, Epoch Times

Phụng Minh biên dịch

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-nghien-cuu-cong-nghe-dieu-khien-nao-nhieu-nan-nhan-cua-thi-nghiem-mo-am-len-tieng.html

 

Bắc Kinh mua chuộc dân cùng tham gia đàn áp

các nhóm đức tin

Phương Đình

Bitter Winter mới đây đã tiết lộ cách các quan chức Trung Quốc thưởng tiền cho những người cung cấp thông tin về những nhà thờ không nằm trong danh sách quản lý của chính quyền. Đây là một trong những chiến dịch đàn áp tôn giáo mới nhất của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).

Theo tạp chí Tự do tôn giáo và Nhân quyền Trung Quốc, Cơ quan Dân tộc và Tôn giáo (ERAA) huyện Cố Thủy, tỉnh Hà Nam, tháng Tám vừa qua đã đưa ra thông báo khuyến khích người dân thu thập hình ảnh, video, băng ghi âm và các tài liệu liên quan tới các “địa điểm sinh hoạt tôn giáo bất hợp pháp”.

Thông báo hứa thưởng 500 nhân dân tệ (khoảng 70 đô la) cho mỗi thông tin hoặc tài liệu tố giác.

Thông báo cũng xác định, tất cả các cơ sở thờ tự không có giấy chứng nhận đăng ký và không được cơ quan quản lý tôn giáo chấp thuận đều bị coi là “địa điểm hoạt động tôn giáo bất hợp pháp”.

Kể từ khi ĐCSTQ giành được chính quyền thông qua vũ lực vào năm 1949, tôn giáo và tín ngưỡng luôn là một trong những mục tiêu chính của cuộc các cuộc đàn áp. Để kiểm soát các tín đồ, lực lượng này đã thành lập các tổ chức tôn giáo “thay thế” dưới quyền của họ.

Để thay thế các nhà thờ Cơ đốc chính thống, từ năm 1954, ĐCSTQ đã thành lập cái gọi là Hội thánh Tin lành Thống nhất (còn gọi là Hội thánh Tam tự). Không giống như các nhà thờ Cơ đốc trong các xã hội tự do, tại Trung Quốc, ĐCSTQ bổ nhiệm đảng viên Cộng sản vào các vị trí lãnh đạo cũng như mục sư của các nhà thờ Cơ đốc.

Đó cũng là lý do tại sao nhiều tín đồ Cơ đốc tại Trung Quốc từ chối đến những nhà thờ như vậy và họ đã tự lập ra các nhà thờ Tin lành được gọi là “nhà thờ tư gia”. Tuy nhiên, thuật ngữ đó theo Bitter Winter mô tả là không chính xác, vì những nhà thờ này có thể có đến hàng triệu thành viên.

Cũng theo Bitter Winter, phần lớn tín đồ Tin lành Trung Quốc đều sinh hoạt trong các nhà thờ tư gia này.

Ngoài Cơ đốc giáo, các nhóm tôn giáo và tín ngưỡng khác cũng bị đàn áp dã man ở Trung Quốc.

Ngay sau khi chính quyền phát động chiến dịch này, các hội thánh “tư gia” đã bị chủ của những ngôi nhà mà họ thuê làm nơi sinh hoạt tín ngưỡng đơn phương cắt hợp đồng cho thuê tài sản.

“Một phần vì lo sợ, một phần vì nghe theo tuyên truyền của chính quyền, chủ nhà đã từ chối cho chúng tôi thuê tài sản của cô ấy và đuổi chúng tôi đi”, một thành viên của nhà thờ “tư gia” cho biết.

Một thành viên khác của nhà thờ “tư gia” nói rằng ĐCSTQ “sẽ không dừng lại [việc đàn áp] cho đến khi nó loại bỏ tất cả các niềm tin tôn giáo”.

Vào ngày 9/9, hơn 300 tổ chức nhân quyền quốc tế đã cáo buộc ĐCSTQ là thủ phạm của hàng loạt các chiến dịch đàn áp nhân quyền và kêu gọi cộng đồng quốc tế cần có hành động đối với Bắc Kinh.

Thông báo của ERAA được đưa ra vào thời điểm mà những chỉ trích đối với hành vi bất hảo của ĐCSTQ ngày càng trở nên gay gắt, đặc biệt sau khi Bắc Kinh bị phơi bày các hành vi đàn áp nhân quyền ở Hồng Kông, Tân Cương và cuộc bức hại các học viên Pháp Luân Đại Pháp (còn gọi là Pháp Luân Công).

Mới đây, luật sư nhân quyền hàng đầu của Anh, ông Geoffrey Nice QC đã kêu gọi thành lập một tòa án độc lập ở London để điều tra về việc liệu những vi phạm nhân quyền của chính quyền Trung Quốc đối với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ có cấu thành tội diệt chủng hay tội ác chống lại loài người hay không.

Ông Nice từng là chủ tọa trong phiên tòa truy tố cựu Tổng thống Nam Tư Slobodan Milosevic tại Tòa án Hình sự Quốc tế, năm ngoái, ông Nice cũng làm chủ toạ tại một Tòa án độc lập xét xử tội ác cưỡng bức mổ cướp nội tạng của tù nhân lương tâm ở Trung Quốc. Toà án này đã xác định việc cưỡng bức mổ cướp nội tạng được chính quyền Trung Quốc hậu thuẫn để trục lợi đã diễn ra ở Trung Quốc trong nhiều năm và “với quy mô lớn”.

Phán quyết của Tòa án này đã xác nhận, thị trường mô và các bộ phận cơ thể người được hậu thuẫn bởi chính quyền Trung Quốc. Tòa án kết luận rằng “hàng ngàn người vô tội đã bị giết để cung cấp cho thị trường nội tạng, từng bộ phận thân thể bị cắt ra khi họ vẫn còn sống. Thận, gan, tim, phổi, giác mạc và da của họ biến thành hàng hóa để bán”.

Tòa án Trung Quốc cũng phát hiện ra rằng những nội tạng bị mổ cướp chủ yếu có nguồn gốc từ các tù nhân lương tâm bị giam cầm trong các nhà tù, phần lớn trong số họ là học viên Pháp Luân Công.

Theo The BL

https://www.dkn.tv/the-gioi/bac-kinh-gia-tang-dan-ap-cac-nhom-duc-tin-nam-ngoai-vong-tay-cua-dcstq.html

 

Thái Lan hủy bỏ một phần dự án

thuộc Vành đai Con đường của Bắc Kinh

Đại Nghĩa

Bắc Kinh ngày càng cô lập khi Thái Lan là đồng minh mạnh nhất tại Biển Đông.

Theo tờ Eur Asean Times, Thái Lan đang âm thầm nhưng kiên quyết đẩy lùi Bắc Kinh. Không chỉ hoãn việc mua hai tàu ngầm từ Trung Quốc, Thái Lan cũng đã từ chối đề xuất của Trung Quốc về việc xây dựng kênh đào Kra nối Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương trong khuôn khổ Sáng kiến Vành đai Con đường.

Sau sự phẫn nộ của người Thái trước ý định mua hai tàu ngầm trị giá 724 triệu USD từ Trung Quốc, chính phủ Thái Lan hiện đã trì hoãn thương vụ này.

Đơn đặt hàng thêm hai tàu ngầm đã được ủy ban nghị viện phê duyệt trong tháng 8 với giá 723,9 triệu USD – một động thái khiến dư luận phẫn nộ khi Thái Lan đang đối diện với tình trạng kinh tế suy giảm.

Anucha Burapachaisri, người phát ngôn của chính phủ cho biết: “Hải quân sẽ đàm phán với Trung Quốc để trì hoãn thêm một năm nữa”.

Ông nói thêm: “Thủ tướng đã quyết định dành ưu tiên cho mối quan ngại của công chúng trước nền kinh tế [trì trệ]”.

Như các kênh truyền thông đã đưa tin, Trung Quốc đã đề xuất xây dựng kênh đào Kra cắt ngang qua đoạn dải đất hẹp khu vực miền nam Thái Lan. Nó thể hiện nỗ lực của Trung Quốc trong tham vọng kiểm soát khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Con kênh dài 120km này là một phần không thể thiếu trong sáng kiến ​​Con đường Tơ lụa trên biển của Trung Quốc, một bộ phận quan trọng của dự án Vành đai Con đường.

Eo biển Malacca nối Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương, là một trong những tuyến đường nhộn nhịp nhất với 84.000 tàu bè qua lại hàng năm, chiếm khoảng 30% lưu lượng thương mại đường biển toàn cầu, nhưng hiện đang bị tắc nghẽn. Bằng cách xây dựng kênh đào Kra, Trung Quốc sẽ có thể cắt giảm cả thời gian và khoảng cách vận chuyển và bỏ qua eo biển Malacca vốn hiện đang khá đông đúc và thường xuất hiện nạn hải tặc. (hình dưới)

Nhưng Thái Lan hiện đang ngần ngại đối với việc triển khai dự án kênh đào này.

“Mối quan tâm thực sự là nó [Kênh đào Thái Lan] sẽ tiếp tục làm suy yếu nền độc lập của các nước Đông Nam Á nghèo như Myanmar và Campuchia, những quốc gia sở hữu các xã hội dân sự tương đối yếu, và rất dễ bị Trung Quốc can thiệp. Điều này chắc chắn gây nguy hiểm cho Thái Lan”, theo một báo cáo trên tờ Foreign Policy.

Tham gia dự án Vành Đai và Con Đường đồng nghĩa việc gánh rủi ro sập bẫy nợ của Bắc Kinh.

Giới chức Hoa Kỳ đã phản đối mạnh mẽ sáng kiến ​​này, Phó Tổng thống Hoa Kỳ Mike Pence từng thẳng thừng chỉ trích rằng đó là con đường không thể quay đầu hòng trói chặt các nước khác. “Ngoại giao bẫy nợ” chính là chiêu bài mở rộng sức ảnh hưởng toàn cầu của Bắc Kinh, theo Reuters.

Chính quyền Tổng thống Trump cũng lên án sáng kiến ​​“một vành đai một con đường” khi cho phép các nước đối tác vay tiền từ ĐCSTQ để chi trả cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng của các nhà thầu Trung Quốc mà các nước đối tác đó căn bản không có khả năng chi trả. Khi các nước đối tác không có khả năng hoàn trả nợ, Bắc Kinh sẽ nhân cơ hội này để cướp đoạt nguồn tài nguyên chiến lược của họ.

Mới đây, có nguồn tin cho biết Lào buộc phải giao phần lớn quyền kiểm soát mạng lưới điện quốc gia cho một công ty Trung Quốc để tránh vỡ nợ.

Trước đó, Chính phủ Sri Lanka đã phải giao cảng biển chiến lược Hambantota cho Trung Quốc thuê với thời hạn 99 năm vì không thể trả được nợ.

Bên cạnh vấn đề bẫy nợ, dự án kênh đào cũng tiềm ẩn khả năng gây ra khá nhiều hủy hoại với môi sinh.

Giải pháp thay thế

Theo Bloomberg, thay vì tiến hành dự án eo biển Kra gây tranh cãi, Thái Lan đang cân nhắc một giải pháp khác.

Theo Bộ trưởng Giao thông vận tải Thái Lan Saksiam Chidchob, nước này đang có kế hoạch phát triển hai cảng biển nước sâu ở hai bên bờ biển khu vực phía nam, kết nối chúng bằng các tuyến đường cao tốc và đường sắt để vận chuyển hàng hóa. “Cây cầu đất liền” dài 100km này sẽ thay thế dự án kênh đào.

Chính phủ đã phê duyệt ngân sách 75 triệu baht (2,4 triệu USD) để nghiên cứu việc xây dựng hai cảng biển và 90 triệu baht (3 triệu USD) nữa để khảo sát dự án xây tuyến đường cao tốc và đường sắt nối hai cảng biển.

https://www.dkn.tv/the-gioi/thai-lan-tri-hoan-thoa-thuan-quoc-phong-huy-bo-du-an-vanh-dai-con-duong-cua-bac-kinh.html

 

Ấn Độ và Trung Quốc

sẽ nhanh chóng chấm dứt căng thẳng ở biên giới

Ấn Độ và Trung Quốc đã đồng ý “nhanh chóng xuống nước” trong bối cảnh căng thẳng dâng cao sau khi có vụ nổ súng tại vùng biên giới tranh chấp và cáo buộc về các vụ bắt cóc.

Bộ trưởng ngoại giao hai nước gặp hôm thứ Năm ngày 10/9 và nói hai bên sẽ làm dịu căng thẳng.

Binh sỹ hai phía thỉnh thoảng có xung đột dọc đường biên được vạch định không rõ ràng, khu vực được gọi là Đường Kiểm soát Thực tế.

Cả hai bên đều cáo buộc phía kia đã vào khu vực lãnh thổ của mình, và các vụ đụng độ đôi khi gây chết người.

Trong một thông cáo chung, hai nước láng giềng nói “tình hình hiện nay không có lợi cho nước nào”.

“Vì thế, họ nhất trí rằng quân đội vùng biên của cả hai phía sẽ tiếp tục đối thoại, nhanh chóng xuống thang, giữ khoảng cách và làm dịu căng thẳng,” bản thông cáo chung viết. Thông cáo này được Bộ trưởng ngoại giao S Jaishankar và người đồng nhiệm Trung Quốc Vương Nghị cùng tuyên bố.

Họ nói thêm hai bên sẽ thực hiện các biện pháp nhằm “gìn giữ và đẩy mạnh hòa bình và sự bình yên”, nhưng không nói rõ thêm các biện pháp đó là gì.

Hai bên đã có thỏa thuận cấm việc sử dụng vũ khí dọc biên giới.

Trung Quốc cáo buộc quân Ấn Độ nổ súng ‘khiêu khích’

Sau ‘thắng lợi chiến thuật’ ở Himalayas, Ấn Độ sẽ họp với Trung Quốc

Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc ‘xâm phạm biên giới’

Nhưng quan hệ song phương xuống cấp trong những ngày gần đây, sau khi Trung Quốc hôm thứ Ba cáo buộc quân Ấn Độ đã băng qua biên giới trái phép và nổ các phát súng chỉ thiên “khiêu khích” đối với quân biên phòng tuần tra Trung Quốc.

Ấn Độ bác bỏ cáo buộc này, và nói lực lượng biên phòng Trung Quốc bắn chỉ thiên và chính họ mới là phía “trắng trợn vi phạm thỏa thuận.”

Một ngày trước đó, quân đội Ấn Độ đã báo cho quan chức Trung Quốc có tin năm thường dân Ấn Độ bị quân Trung Quốc bắt cóc tại khu vực gần biên giới có tranh chấp.

Sau đó Trung Quốc xác nhận với một bộ trưởng Ấn Độ rằng những người dân này đã được tìm thấy và phía Trung Quốc đang thu xếp để trao trả họ cho giới chức Ấn Độ.

Quan hệ hai nước hết sức căng thẳng hồi tháng Sáu khi 20 binh sỹ Ấn Độ bị giết trong một cuộc đụng độ bạo lực với quân đội Trung Quốc. Truyền thông Ấn Độ nói các binh sỹ này đã bị “đánh đến chết”.

Hồi tháng Tám, Ấn Độ cáo buộc Trung Quốc gây căng thẳng quân sự ở đường biên hai lần trong một tuần. Trung Quốc phủ nhận cả hai lần, và nói căng thẳng là “hoàn toàn” do lỗi của Ấn Độ.

Đường kiểm soát thực tế LAC được vạch không rõ ràng. Vì khu vực có sông, hồ và núi có tuyết phủ, ranh giới của LAC có thể thay đổi.

Quân lính cả hai bên – đại diện cho hai quân đội thuộc hàng lớn nhất thế giới – đã đụng độ nhiều lần. Ấn Độ đã cáo buộc Trung Quốc điều hàng ngàn quân đến thung lũng Galwan ở Ladakh và nói Trung Quốc xâm chiếm 38.000 km vuông lãnh thổ của nước này.

Đã có nhiều vòng đàm phán giữa hai nước trong ba thập kỷ qua, nhưng mâu thuẫn về biên giới vẫn chưa được giải quyết.

Hai nước có chiến tranh một lần hồi 1962, khi Ấn Độ bị thua cuộc.

‘Một tuyên bố ngạc nhiên’

Vikas Pandey, BBC News, Delhi

Tuyên bố này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh hai nước có những lời chỉ trích mạnh mẽ lẫn nhau trong vài ngày qua.

Nhiều nhà phân tích cho rằng khả năng có xung đột vũ trang tăng lên trong những ngày qua vì cả Delhi và Bắc Kinh đều cáo buộc phía kia đã nổ súng và vi phạm thỏa thuận cấm dùng vũ khí ở biên giới.

Vì thế, tuyên bố này gây ngạc nhiên và cho thấy các cuộc đàm phán không chính thức đã thành công – ít nhất là tới lúc này.

Nhưng cả hai nước trước đây đã từng có sự đồng thuận, nên những tuyên bố kiểu này không đảm bảo sẽ có hòa bình lâu dài ở biên giới.

Tuy vậy, những diễn tiến mới nhất cũng đem lại sự thở phào nhẹ nhõm cho cả hai bên, khi họ phải đối mặt với nhiều vấn đề ở các bình diện khác.

Ấn Độ đang vật lộn với số ca nhiễm Covid-19 tăng nhanh và nền kinh tế thu hẹp. Còn với Trung Quốc, hòa bình ở biên giới với Ấn Độ, dù là tạm thời, cũng có nghĩa họ đỡ phải chiến đấu thêm một trận trên diễn đàn quốc tế.

https://www.bbc.com/vietnamese/world-54116897

 

Ấn Độ cấp tốc tái vũ trang

trước mối đe dọa Trung Quốc

Trọng Nghĩa

Cho dù hai ngoại trưởng Ấn Độ và Trung Quốc đã ra một thông cáo chung vào hôm nay, 11/09/2020 khẳng định sẽ xuống thang tranh chấp tại vùng biên giới trên bộ giữa hai nước dọc theo dãy núi Himalaya, tình hình căng thẳng bùng lên từ nhiều tháng nay sẽ chưa thể lắng dịu.

Ngay sau vụ 20 binh sĩ Ấn Độ thiệt mạng trong một cuộc cận chiến với linh Trung Quốc hôm 15/06 tại vùng biên giới, Ấn Độ đã hết sức lo ngại trước nguy cơ bị yếu thế về quân sự so với Trung Quốc,và đã tăng tốc độ hiện đại hóa quân đội, cho dù nền kinh tế đang bị dịch Covid-19 tác hại nặng nề.

Vỏn vẹn một tuần sau vụ binh sĩ Ấn Độ bị lính Trung Quốc giết hại, bộ trưởng Quốc Phòng Ấn Độ Rajnath Singh đã bay ngay sang Matxcơva để đúc kết hợp đồng mua 33 chiến đấu cơ  MiG-29 và Sukhoi 30, cũng như hiện đại hóa đội chiến đấu cơ gồm 59 chiếc MiG-29 hiện hữu.

Chỉ từ tháng 6 đến nay, số tiền mà Ấn Độ chi ra để mua vũ khí lên đến hơn 6,1 tỷ euro, từ 156 xe bọc thép chở lính, đến tên lửa hành trình, tên lửa không đối không cho Hải Quân và Không Quân, 106 máy bay huấn luyện…

Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Figaro, cơn sốt mua thiết bị kể trên nêu bật nhu cầu hiện đại hóa trang thiết bị của quân đội Ấn Độ, mà một số do Nga sản xuất đã có từ thời chiến tranh lạnh.

Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ quả là vẫn tăng đều đặn hàng năm, lên đến 59 tỷ euro vào năm nay 2020, nhưng 60% trong số này lại được dùng để trả lương và hưu bổng cho 5 triệu quân nhân, trong đó có đến 3,2 triệu người đã về hưu ! Phần đầu tư cho thiết bị do đó đã bị ảnh hưởng, và từ nhiều năm nay, các đơn vị quân đội luôn than phiền về việc thiếu đạn dược và phụ tùng thay thế.

Vấn đề đặt ra cho Ấn Độ là việc hiện đại hóa cần phải đi đi song song với sự phát triển ngành công nghiệp vũ khí trong nước. Thế nhưng Ấn Độ lại lệ thuộc vào việc nhập khẩu vũ khí.

Theo Viện Nghiên cứu Hòa bình SIPRI ở Stockholm, Ấn Độ là nước đứng hàng thứ nhì thế giới về nhập khẩu vũ khí trong giai đoạn từ 2015 đến 2019. Để ngăn chặn xu hướng này, bộ Quốc Phòng Ấn Độ, hôm 09/08 vừa qua đã ra lệnh cấm nhập 101 loại phương tiên, thiết bị, như trực thăng chiến đấu loại nhẹ, tàu ngầm…

Chuyên gia về các vấn đề quốc phòng Bharat Karnad, thuộc trung tâm tham vấn Center for Policy Research ở New Delhi đã tỏ ý lo ngại: “Sự lệ thuộc vào vũ khí nước ngoài sẽ khiến đất nước bị bó tay khi nổ ra khủng hoảng. Tung ra những chiến dịch có cường đô cao sẽ nhanh chóng tạo ra tình trạng thiếu hụt đạn dược và linh kiện vì Ấn Độ không có khả năng sản xuất những thiết bị đó tại chỗ”.

Việc New Delhi cấp tốc mua thêm vũ khí, đồng thời tìm cách tăng cường sản xuất trong nước, thể hiện qua lệnh cấm mua một số thiết bị làm được trong nước, cho thấy là New Delhi chuẩn bị cho một cuộc khủng hoảng lâu dài với Trung Quốc.

Theo giới phân tích, nhu cầu tái võ trang đã đến với Ấn Độ vào một thời điểm hoàn toàn không thuận lợi. Quốc gia đông dân thứ hai trên hành tinh này đang phải vất vả đối phó với đại dịch Covid-19, vốn đã đẩy nền kinh tế nước này vào vòng suy thoái, với GDP đã giảm đến 23,9% vào quý hai vừa qua, mức giảm nặng nhất trong các nước nhóm G20. Trong năm 2020, tăng trưởng kinh tế Ấn Độ có thể tuột giảm từ âm 6 đến âm 14%.

Các khó khăn về ngân sách như vậy đã được thấy trước trong lúc mà Ấn Độ thực hiện một kế hoạch hiện đại hóa trang thiết bị quân sự cực kỳ tốn kém, lên 130 tỷ đô la, vì nước này không chỉ cần máy bay mà còn cần đến tàu ngầm, chiến hạm, súng ống…

https://www.rfi.fr/vi/ph%C3%A2n-t%C3%ADch/20200911-%E1%BA%A5n-%C4%91%E1%BB%99-c%E1%BA%A5p-t%E1%BB%91c-t%C3%A1i-v%C5%A9-trang-tr%C6%B0%E1%BB%9Bc-m%E1%BB%91i-%C4%91e-d%E1%BB%8Da-trung-qu%E1%BB%91c

 

Ấn – Nhật ký hiệp ước quân sự

khi căng thẳng Trung Quốc gia tăng

Hương Thảo

Nhật Bản và Ấn Độ đã ký kết một hiệp ước quân sự cho phép họ trao đổi nguồn cung và hỗ trợ hậu cần trong bối cảnh căng thẳng với Trung Quốc ngày càng leo thang, theo Taiwan News ngày 11/9.

Theo tờ Hindustan Times, Thỏa thuận mua lại và phục vụ chéo (ACSA) giữa các lực lượng vũ trang Ấn Độ và Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đã được ký kết giữa Đại sứ Nhật Bản Satoshi Suzuki và Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Ajay Kumar tại New Delhi hôm thứ Tư (9/9). Hiệp ước sẽ cho phép quân đội hai nước tiếp cận các căn cứ của nhau để tiếp tế và  dịch vụ trong quá trình huấn luyện song phương, gìn giữ hòa bình, hoạt động nhân đạo và các hoạt động khác mà hai bên đã thỏa thuận.

Thủ tướng Nhật Shinzo Abe và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có cuộc điện đàm kéo dài 30 phút hôm thứ Năm (10/9), hai bên hoan nghênh việc ký kết thỏa thuận và cho biết họ sẽ thúc đẩy hợp tác chặt chẽ hơn giữa các lực lượng tại thực địa.

Các nguồn cung cấp và dịch vụ trong phạm vi hiệp ước bao gồm thực phẩm, nước, các dịch vụ vận tải, bao gồm xăng dầu, máy bay, thông tin liên lạc và dịch vụ y tế, quần áo, các trang thiết bị, phụ tùng và linh kiện dư cũng như các dịch vụ sửa chữa và bảo dưỡng, theo tờ Hindustan Times. Hiệp ước sẽ có hiệu lực trong 10 năm và sẽ tự động được gia hạn thêm một thập kỷ nữa trừ khi một trong hai quốc gia quyết định chấm dứt hiệp ước này.

Theo Times of India, Ấn Độ đã có các thỏa thuận tương tự với Mỹ, Úc, Pháp, Hàn Quốc và Singapore.

Thủ tướng Abe cho biết Ấn Độ và Nhật Bản đang nỗ lực hướng tới việc xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở, đồng thời chỉ ra mối quan hệ đối tác chiến lược và toàn cầu đặc biệt giữa hai nước trong số những thành tựu chính trong quan hệ song phương. Trong cuộc gọi, Abe cũng thông báo ngắn gọn với Thủ tướng Modi về quyết định từ chức vì lý do sức khỏe, mà Thủ tướng Ấn Độ đã trả lời bằng cách cảm ơn sự lãnh đạo của ông Abe và vì tăng cường mối quan hệ song phương, theo tờ  Japan Times.

Trước đó, Mỹ cũng lên tiếng về ý định thành lập liên minh như NATO để đối phó Trung Quốc. Theo đó Washington đang dự tính chính thức hóa mối quan hệ quốc phòng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương chặt chẽ hơn với Ấn Độ, Nhật Bản và Australia – để tạo nên một “Bộ Tứ” – một cơ cấu tương tự Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)

https://www.dkn.tv/the-gioi/an-nhat-ky-hiep-uoc-quan-su-khi-cang-thang-trung-quoc-gia-tang.html

 

Ấn Độ – Mỹ – Israel: Liên minh ba ‘cường quốc

công nghệ’ gạt bỏ công nghệ 5G của Trung Quốc

Bình luậnĐức Duy

Ấn Độ, Israel và Hoa Kỳ đã bắt đầu hợp tác trong lĩnh vực phát triển thế hệ công nghệ mới tiếp theo, đây được xem là bước bắt đầu của liên minh “ba cường quốc công nghệ” này. Xem ra, công nghệ 5G của Trung Quốc sẽ có thể “không còn chỗ đứng”.

“Chúng tôi không thể cho phép bất kỳ quốc gia nào thống trị công nghệ này hoặc sử dụng nó để thống trị các quốc gia khác”, Phó Giám đốc Bonnie Glick của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết, và nhấn mạnh rằng hợp tác trong 5G chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và là bước đầu tiên trong liên minh ba bên.

Sáng kiến ​​ba bên trong lĩnh vực phát triển và công nghệ này được khởi xướng bởi Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm lịch sử của ông tới Israel ba năm trước vào tháng 7 năm 2017.

“Bởi vì chúng tôi sẽ hợp tác trong khoa học, nghiên cứu và phát triển để đưa ra các thế hệ công nghệ tiếp theo, những thứ mà mọi người thậm chí không thể tưởng tượng được chúng có thể là gì. Nhưng bằng cách hợp tác chính thức, chúng tôi sẽ thúc đẩy nó”, bà Glick nói trong một cuộc phỏng vấn sau diễn đàn Mỹ-Ấn-Israel (gồm các cuộc thảo luận về hợp tác chiến lược, công nghệ và phát triển được tổ chức vào tuần trước).

Tham dự hội nghị thượng đỉnh này còn có Đại sứ Israel tại Ấn Độ Ron Malka và người đồng cấp Sanjeev Singla.

Bà Glick nói: “Vào tháng 7/2020, tôi đã chủ trì một cuộc thảo luận với một số nhà tài trợ về 5G và phát triển kỹ thuật số. Đối với tôi, điều cực kỳ quan trọng là Ấn Độ và Israel là một phần của cuộc thảo luận đó. Và cuộc thảo luận phong phú hơn nhờ những đóng góp của họ”.

Gạt bỏ công nghệ 5G của Trung Quốc

Tờ The Economic Times của Ấn Độ ngày 12/8 cho biết, Liên đoàn Thương nhân Ấn Độ mới đây đã gửi một lá thư tới Bộ trưởng Bộ Điện tử và Công nghệ Thông tin Ấn Độ Prasad, yêu cầu chính phủ chính thức loại trừ Huawei và ZTE khỏi hoạt động xây dựng mạng 5G của Ấn Độ.Ngày 13/8, trang mạng Business Standard đưa tin, Ấn Độ đã loại 2 công ty công nghệ của Trung Quốc là Huawei và ZTE khỏi kế hoạch triển khai mạng 5G của nước này.

Tờ Jerusalem Post của Israel ngày 14/8 dẫn một thông báo trên trang mạng của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Israel chuẩn bị tham gia “Mạng lưới sạch” của bộ này, được công bố hồi đầu tháng 8, với mục đích tìm cách bảo vệ các tài sản quốc gia và bí mật cá nhân “trước những cuộc xâm nhập của các nhân tố thâm hiểm độc đoán, chẳng hạn từ Trung Quốc”.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo mở rộng sáng kiến Mạng lưới sạch. Washington đã thúc giục Israel và các đồng minh khác không cho phép các công ty Trung Quốc tham gia vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng lớn của mình, viện dẫn mối lo ngại về an ninh quốc gia và bí mật cá nhân.

‘Tam giác công nghệ’ là bước khởi đầu của hợp tác ba bên

Tam giác công nghệ (Thung lũng Silicon – Tel Aviv – Bangalore) đều đã nổi tiếng là những trung tâm công nghệ sáng tạo hàng đầu thế giới.

Bà Glick nhấn mạnh: “Vì vậy, việc ba quốc gia của chúng ta hợp tác về 5G theo cách cởi mở, tương tác, đáng tin cậy và an toàn là đúng. Chúng ta không thể cho phép bất kỳ quốc gia nào thống trị công nghệ này hoặc sử dụng nó để thống trị các quốc gia khác”.

Javier Piedra, Phó trợ lý quản trị viên Văn phòng Châu Á tại USAID, cho biết trong trường hợp của Ấn Độ và Israel, họ có “mối quan hệ đồng cấp”, luôn tìm cách hợp tác để thúc đẩy các hoạt động tương ứng của nhau; và có thể tận dụng các mục tiêu chung, nguồn lực và lợi thế để thúc đẩy khả năng tự lực trên toàn cầu.

Ông nói: “Chúng tôi tiếp tục tạo tiền đề để phát triển quốc tế hơn nữa theo ba bên, bất cứ khi nào có thể. Quan hệ đối tác của chúng tôi với Israel và Ấn Độ, dựa trên mối quan hệ đồng cấp của chúng tôi, cho thấy tầm quan trọng của việc hợp tác cùng nhau trong các vấn đề liên quan đến nước, quản lý nước và an ninh”.

Nissim Reuben, trợ lý giám đốc Viện Châu Á Thái Bình Dương (API) tại Ủy ban Người Do Thái Mỹ, cho biết một nền kinh tế Ấn Độ mạnh, thịnh vượng, sôi động và có khả năng phục hồi là ưu tiên hàng đầu của nhiều quốc gia, đặc biệt là Mỹ và Israel.

Để đạt được mục tiêu đó, Ấn Độ cần liên tục cập nhật các kỹ thuật quản lý nông nghiệp, nước và nước thải, một lĩnh vực mà Cơ quan Phát triển Mashav của Israel có thể đóng vai trò quan trọng với sự hỗ trợ của USAID.

Ông Reuben nói: “Chúng tôi hy vọng có thể ủng hộ việc thành lập các trung tâm y tế xuất sắc Mỹ-Israel ở Ấn Độ tương tự như 29 trung tâm xuất sắc về công nghệ nông nghiệp do Mashav thành lập ở Ấn Độ. Phát triển kỹ năng, đổi mới và khởi nghiệp, hợp tác nước và năng lượng tái tạo sẽ là các lĩnh vực vận động hợp tác ba bên khác của các tổ chức của chúng tôi ở Mỹ”.

Đức Duy

https://www.ntdvn.com/kinh-te/an-do-my-israel-lien-minh-ba-cuong-quoc-cong-nghe-gat-bo-cong-nghe-5g-cua-trung-quoc-69795.html

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.