Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Chế tạo vac-xin ngừa Covid-19 : Không thể đốt cháy giai đoạn

Friday, September 11, 2020 6:21:00 PM // ,

 RFI


Ống đựng vac-xin của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca. Hình minh họa ngày 09/09/2020.Ống đựng vac-xin của tập đoàn dược phẩm AstraZeneca. Hình minh họa ngày 09/09/2020. REUTERS - DADO RUVIC

Thanh Phương
5 phút

Vào lúc mà số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn cầu đã vượt qua ngưỡng 900.000, cả thế giới đang sốt ruột chờ đợi một vac-xin ngừa bệnh dịch này, thế nhưng một thông tin từ Luân Đôn hôm qua, 09/09/2020, đã khiến mọi người thất vọng tràn trề : một trong những cuộc thử nghiệm lâm sàng mà cộng đồng quốc tế đặt nhiều hy vọng nhất đã phải tạm ngưng.

Tập đoàn dược phẩm Anh-Thụy Điển AstraZeneca, đối tác của đại học danh tiếng Oxford, đã phát hiện là vac-xin của họ có thể đã gây một phản ứng phụ nghiêm trọng ở một trong những người tình nguyện tham gia thử nghiệm lâm sàng. AstraZeneca cho biết họ đã tự động tạm ngưng cuộc thử nghiệm để nhờ một ủy ban độc lập đánh giá về sự an toàn của vac-xin.

Theo giáo sư David Lo, Đại học California Riverside, được hãng tin AFP trích dẫn hôm 09/09, trước đó người ta đã phát hiện các phản ứng phụ của vac-xin như sốt, đau nhức…, còn bây giờ AstraZeneca đã phải tạm ngưng thử nghiệm có nghĩa là đã có một phản ứng phụ nghiêm trọng hơn thế.

Trả lời AFP, Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) cho biết việc tạm ngưng thử nghiệm lâm sàng một vac-xin không phải là chuyện hiếm khi xảy ra. Tổ chức này tuyên bố : « Chúng tôi hài lòng khi thấy là tính nghiêm túc khoa học của các thử nghiệm được bảo đảm và các quy định, chuẩn mực được tôn trọng trong việc phát triển các vac-xin ».

Vấn đề là việc AstraZeneca quyết định tạm ngưng thử nghiệm có thể làm chậm trễ một trong những dự án chế tạo vac-xin tiến xa nhất hiện nay, cùng với các dự án của hai tập đoàn Mỹ Moderna và Pfizer. Các tập đoàn này đang tuyển mộ hàng chục ngàn người tình nguyện tham gia để thử nghiệm hiệu quả và tính an toàn của vac-xin ngừa Covid-19.

Cho tới nay, cả ba tập đoàn đều cho biết họ hy vọng sẽ đạt được kết quả từ đây đến cuối năm nay hoặc đầu năm tới. Thậm chí họ đã bắt đầu sản xuất trước hàng triệu liều để khi có được kết quả thử nghiệm vac-xin là có thể tung ra thị trường ngay lập tức. Riêng tập đoàn AstraZeneca đã ký trước hợp đồng bán hàng trăm triệu liều vac-xin cho rất nhiều nước trên thế giới, nhiều hơn các đối thủ cạnh tranh.

Về phần Liên Hiệp Châu Âu, khối này vừa thông báo đã ký thêm một thỏa thuận sơ bộ để mua 200 triệu liều vac-xin do liên minh giữa hai tập đoàn Đức-Mỹ Biontech/Pfizer phát triển. Trước đó, Liên Âu đã ký các thỏa thuận tương tự với các tập đoàn Sanofi-GSK, Johnson & Johnson, CureVac, Moderna et AstraZeneca. Thế nhưng, đột nhiên, AstraZeneca thông báo tạm ngưng thử nghiệm vac-xin của họ.

Tuy vậy, cùng với đà lây lan của virus corona, cuộc chạy đua chế tạo vac-xin ngừa Covid-19 đang tăng tốc. Theo tổng kết mới nhất của WHO, được công bố hôm qua, hiện đang có 35 vac-xin « ứng viên » đang được thử nghiệm lâm sàng trên khắp thế giới, trong đó có 9 vac-xin đã hoặc sắp bước vào giai đoạn 3, tức là giai đoạn chót của thử nghiệm, khi mà hiệu quả của vac-xin được thử nghiệm ở quy mô lớn trên hàng ngàn người tình nguyện.

Vào đầu tháng 8, Nga thông báo đã phát triển thành công một vac-xin « đầu tiên » ngừa Covid-19 được đặt tên là Spoutnik V và chính quyền thành phố Matxcơva cũng đã thông báo bắt đầu thử nghiệm vac-xin này trên 40.000 người dân thủ đô. Tuy nhiên, các nhà khoa học trên thế giới tỏ vẻ hoài nghi về vac-xin của Nga, nhất là vì khi được thông báo, vac-xin này vẫn chưa được thử nghiệm giai đoạn chót. Chỉ có ở Venezuela, tổng thống Nicolas Maduro vừa thông báo là trong tháng này sẽ nhận lô vac-xin đầu tiên của Nga để thử nghiệm lâm sàng. Vac-xin của Trung Quốc, do tập đoàn Sinovac chế tạo, thì hiện đang được thử nghiệm giai đoạn 3 ở Brazil và được cho là « đạt kết quả rất khả quan ». Một vac-xin khác của Trung Quốc cũng đang được thử nghiệm ở Peru.

Nhìn chung, theo dự báo của WHO, phải đến giữa năm 2021 mới có thể có một vac-xin để chích ngừa một cách đại trà. Nhưng ngay từ bây giờ, phải chuẩn bị cho khả năng đó. Ngoài việc chế tạo một vac-xin hiệu quả và an toàn, còn phải sản xuất ồ ạt ống chích (bơm tiêm) để chích ngừa Covid-19 cho hàng tỷ người trên thế giới. Tập đoàn Ấn Độ Hindustan Syringes, một trong những nhà sản xuất ống chích lớn nhất thế giới đang gia tăng sản xuất. Hiện giờ mỗi năm tập đoàn này sản xuất 700 triệu ống chích loại dùng một lần, nay họ dự trù nâng sản lượng lên 1 tỷ đơn vị/năm. WHO dự báo đến cuối năm 2021 hoặc đầu năm 2022, nhu cầu về ống chích vac-xin ngừa Covid-19sẽ vượt quá 10 tỷ đơn vị.

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.