Hải Ngoại Ngày Nay


LIÊN KẾT HẢI NGOẠI YỂM TRỢ QUỐC NỘI ĐẤU TRANH

GIẢI THỂ CHẾ ĐỘ ĐỘC TÀI VIỆT CỘNG

GIẢi TRỪ HIỂM HỌA XÂM LĂNG TRUNG CỘNG

Tin Biển Đông – 02/09/2020

Wednesday, September 2, 2020 7:30:00 PM // ,

 Tin Biển Đông – 02/09/2020

Mỹ tăng cường thách thức tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông

Hai máy bay ném bom B-1B của Không lực Mỹ hôm 21/7 cất cánh từ đảo Guam bay về phía Biển Đông. Hai máy bay phản lực này bay thấp qua tàu sân bay USS Ronald Reagan và các chiến hạm hộ tống vốn đang hoạt động gần đó trong vùng Biển Philippines, theo hình ảnh được quân đội Mỹ công bố.

Hoạt động này nằm trong khuôn khổ tăng cường thách thức của chính quyền Trump đối với Đảng Cộng sản đương quyền tại Trung Quốc và đối với tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết hải lộ chiến lược quan trọng này.

Trong khi các giới chức cao cấp của ông Trump phát động một chiến dịch ngoại giao và công kích nhắm vào Bắc Kinh, Bộ Quốc Phòng Mỹ đang vận dụng hỏa lực của máy bay ném bom tầm xa được vũ trang đầy đủ trong lúc tìm cách chống lại nỗ lực của Bắc Kinh muốn kiểm soát các vùng biển ngoài khơi Trung Quốc.

Kể từ cuối tháng 1, máy bay ném bom B-1B và B-52 của Mỹ, thường hoạt động từng đôi một, đã bay 20 chuyến qua các hải lộ quan trọng trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Nhật Bản, theo các tuyên bố của Không lực Mỹ và các giới chức giữ nhiệm vụ truyền thông,

Những phi vụ này, các nhà phân tích quân sự nói, dùng để gởi một tín hiêu rõ ràng: Hoa Kỳ có thể đe dọa hạm đội Trung Quốc và những mục tiêu trên đất liền bất cứ thời điểm nào, từ các căn cứ xa xôi, không cần phải điều động các tàu sân bay và những chiến hạm đắt tiền khác trong tầm bắn của kho phi đạn to lớn của Bắc Kinh.

Để đáp ứng với sự lớn mạnh về quân sự của Trung Quốc, Ngũ Giác Đài đã phối hợp một số vũ khí xưa cũ nhất với một số loại tân tiến nhất: Máy bay ném bom thời Chiến tranh Lạnh và phi đạn tàng hình tiên tiến nhất. Máy bay siêu âm B1-B đi vào hoạt động lần đầu tiên vào năm 1986; máy bay mới nhất trong

loại B-52 được chế tạo dưới chính quyền Kennedy. Tuy nhiên những loại máy bay này có thể mang theo một số lượng khổng lồ vũ khí chính xác.

Một máy bay B-1B có thể mang theo 27 phi đạn tàng hình tầm xa mới chống chiến hạm, được đưa vào sử dụng vào năm 2018 và có thể tấn công các mục tiêu trong vòng 600 km, theo các giới chức Mỹ và Phương Tây.

Các chiến lược gia quân sự Phương Tây cảnh báo là xung đột giữa hai cường quốc hạt nhân có thể khó chế ngự.

Trong một vụ xung đột với Trung Quốc, đáp ứng nhanh chóng từ lực lượng máy bay ném bom có thể là thiết yếu trong khi Hoa Kỳ và các đồng minh vội vã tăng cường hải quân đến Thái Bình Dương để đẩy mạnh hạm đội Mỹ trú đóng tại vùng này vốn có số lượng vượt trội hơn Trung Quốc, theo đánh giá của các sĩ quan quân đội Mỹ và Phương Tây hiện tại chức hay đã về hưu.

Một nữ phát ngôn viên của Không lực Mỹ ở Thái Bình Dương, Đại úy Veronica Perez, nói Không lực Mỹ đã gia tăng công bố nhiệm vụ của các máy bay ném bom để trấn an đồng minh và đối tác về cam kết của Washington đối với an ninh toàn cầu, ổn định khu vực, và một vùng Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở.

“Dù sự thường xuyên và phạm vi những hoạt động của chúng ta thay đổi căn cứ trên môi trường hoạt động hiện hành, Mỹ có sự hiện diện quân sự bền vững và hoạt động thường xuyên trong vùng Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương,” bà nói.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc không đáp yêu cầu bình luận.

https://www.voatiengviet.com/a/m%E1%BB%B9-t%C4%83ng-c%C6%B0%E1%BB%9Dng-th%C3%A1ch-th%E1%BB%A9c-tuy%C3%AAn-b%E1%BB%91-ch%E1%BB%A7-quy%E1%BB%81n-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c-%E1%BB%9F-bi%E1%BB%83n-%C4%91%C3%B4ng/5566924.html

 

Trừng phạt Mỹ về Biển Đông

 đe dọa Con Đường Tơ Lụa của Trung Quốc

Mai Vân

Ngày 26/08/2020 vừa qua, Mỹ ban hành một loạt biện pháp trừng phạt mới nhắm vào Trung Quốc, đưa thêm 24 tâp đoàn Trung Quốc vào Danh sách các thực thể (Entity List), một danh sách đen bao gồm các công ty bị cấm giao dịch với doanh nghiệp Mỹ. Lý do được bộ Thương Mại Mỹ chính thức đưa ra là các tập đoàn này đã có “vai trò hỗ trợ quân đội Trung Quốc xây dựng và quân sự hóa các đảo ở Biển Đông mà quốc tế lên án”.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát đã thấy rằng động thái của Washington sẽ có tác động vượt ra ngoài Biển Đông vì sẽ ảnh hưởng đến các tập đoàn Trung Quốc có vai trò thiết yếu trong việc đẩy mạnh sáng kiến Con Đường Tơ Lụa Mới của Bắc Kinh.

Trong bài phân tích ngày 27/08/2020 mang tựa đề rất hình tượng: “Với những biện pháp trừng phạt mới nhất, Mỹ đang phủ bóng trên Vành Đai và Con Đường Trung Quốc”, chuyên san Nhật Bản The Diplomat đã nêu bật ví dụ của đại tập đoàn Xây Dựng Giao Thông Trung Quốc (CCCC), một tác nhân chủ chốt trong các công trình bồi đắp đảo nhân tạo tại Trường Sa, nhưng cũng có một vai trò thiết yếu trong đề án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc.

Con Đường Tơ Lụa Mới trong tầm nhắm của Mỹ

Theo nhận định của The Diplomat, nếu bộ Thương Mại Mỹ chỉ tập trung trên mục tiêu trừng phạt các thực thể và cá nhân Trung Quốc dính líu đến các hoạt động quân sự hóa Biển Đông, thì giới chức ngoại giao Mỹ không ngần ngại gợi lên mục tiêu thứ hai là đánh vào dự án Một Vành Đai Một Con Đường của Bắc Kinh.

Khi loan báo quyết định đưa 24 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, bộ trưởng Thương Mại Mỹ Wilbur Ross chẳng hạn đã nhấn mạnh rằng: “Các đơn vị bị nhận dạng đã đóng một vai trò đáng kể trong việc giúp Trung Quốc xây dựng một cách khiêu khích các đảo nhân tạo đó (ở Biển Đông) và phải gánh chịu trách nhiêm”.

Nhật báo Mỹ The Washington Post, đã ghi nhận rằng tác hại cụ thể của các biện pháp trừng phạt được loan báo đối với các công ty Trung Quốc bị đưa vào sổ đen sẽ không cao vì nhìn chung họ không làm ăn nhiều với các công ty Mỹ. Một viên chức chính quyền Hoa Kỳ đã gợi lên doanh số vỏn vẹn 5 triệu đô la trong vòng 5 năm qua.

Tuy nhiên, theo tờ báo Mỹ, mục tiêu của biện pháp không đơn thuần là trừng phạt các công ty Trung Quốc bị liệt vào sổ đen, mà là để răn đe các nước có nhiều giao dịch với các thực thể đó. Một viên chức cao cấp thuộc bộ Ngoại Giao Mỹ đã xác định rằng lệnh trừng phạt có nhiều mục tiêu khác nhau, và ngoài việc “buộc kẻ xấu phải trả giá”, còn có việc “khuyến khích tất cả các bên và định chế cũng như chính phủ trên thế giới nhận thức rõ rủi ro và xem xét lại việc kinh doanh, giao dịch” với các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc bị nêu tên.

Theo The Diplomat, chính vì mục tiêu răn đe đó mà Tập Đoàn Xây Dựng Giao Thông Trung Quốc – China Communications Construction Company (CCCC) bị đưa vào danh sách và được chính ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nêu đích danh.

Trong thông cáo về quyết định đưa 24 thực thể Trung Quốc vào danh sách đen, ngoại trưởng Mỹ đã mô tả tập đoàn Trung Quốc như sau: “CCCC dẫn đầu việc nạo vét đáy biển để xây dựng các tiền đồn Trung Quốc ở Biển Đông và cũng là một trong những nhà thầu hàng đầu mà Bắc Kinh sử dụng cho chiến lược chung Một Vành Đai Một Con Đường. Tập đoàn này và các chi nhánh đã can dự vào việc tham nhũng, tài trợ kiểu ăn cướp, hủy hoại môi trường và các hoạt động tàn phá khác trên toàn thế giới. Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa không được phép dùng CCCC và những tập đoàn Nhà nước khác làm vũ khí để áp đặt một lịch trình bành trướng”.

Tóm lại, đối với The Diplomat, bên cạnh mục tiêu được công bố là trừng phạt về tội xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông, các viên chức ngoại giao Mỹ đã ám chỉ  một mục tiêu khác: đánh vào Sáng Kiến Vành Đai và Con Đường (BRI) bằng cách chĩa mũi dùi vào một tập đoàn Nhà nước Trung Quốc ở vị trí trung tâm của đề án.

CCCC là một doanh nghiệp khổng lồ trong số các tập đoàn Nhà nước Trung Quốc. Theo trang web của tập đoàn thì họ là một đại tập đoàn trong ngành xây dựng và thiết kế cảng ở Trung Quốc, công ty hàng đầu về đường sắt, về nạo vét, đứng hàng thứ nhì thế giới về khối lượng nạo vét. Do đó, không có gì là lạ khi CCCC hiện diện trong nhiều đề án tại hải ngoại trong khuôn khổ sáng kiến Một Vành Đai Một Con Đường.

Mở rộng răn đe

Theo The Diplomat, ý định tấn công vào Con Đường Tơ Lụa Mới còn thể hiện qua việc Mỹ đưa thêm 5 trong số 34 công ty con (hay chi nhánh) của CCCC vào sổ đen mà đa số đều trực tiếp tham gia vào đề án BRI ở hải ngoại. Ví dụ, Công ty nạo vét CCCC Dredging vào năm 2016 đã ký hợp đồng 328 triệu đô la cho công trình nạo vét, xây dựng ở Philippines cho Cebu International và Bulk Terminal Project.

Nhưng nhìn rộng hơn thì Washington hy vọng tạo hệ quả gây ớn lạnh đối với những chi nhánh không bị đưa vào danh sách, như tập đoàn cảng China Harbor Engineering Company (CHEC).

CHEC đang chịu trách nhiệm hai đề án cực lớn tại Sri Lanka, thường được xem là tấm quảng cáo cho BRI. CHEC đứng sau hợp đồng 1,4 tỷ đô la để xây cảng Colombo New Port City và cũng dính đến đề án trị giá 1,5 tỷ đô la về cảng Hambantota, sau đó chuyển lại cho một tập đoàn Trung Quốc khác, China Merchants Port Holdings, để gán nợ. CHEC cũng tham gia vào nhóm CITIC Consortium trong đề án cảng sâu ở Kyaukpyu, Miến Điện (5,4 tỷ đô la).

Các công trình tại Sri Lanka cũng như tại Miến Điện đã làm Ấn Độ và Hoa Kỳ lo ngại trước việc Trung Quốc tài trợ cho hạ tầng cơ sở cảng ở Ấn Độ Dương, thiết lập “chuỗi trân châu” của Trung Quốc bằng cách sử dụng hạ tầng cơ sở dân sự ở các quốc gia khác quanh Ấn Độ Dương cho mục tiêu chiến lược của Bắc Kinh.

Không chỉ cảng, CCCC còn dấn thân vào những công trình lớn nhất nhằm xây dựng đường xe lửa và đường bộ trong đề án BRI.

Ở Đông Nam Á, đề án đường xe lửa phía đông của Malaysia – East Coast Rail Link – được xem là quan trọng nhất của BRI tại đây. Đó là chưa kể đến các dự án của CCCC tại châu Phi, như đề án tuyến xe lửa Mombasa-Nairobi-Naivasha của Standard Gauge Railway ở Kenya và đường vành đai Addis Ababa ở Ethiopia, hay xa lộ nối liền Ethiopia và láng giềng Djibouti cùng hải cảng chiến lược tại đây.

Tập đoàn cũng vươn đến châu Âu. Tại Ý, nước đã tham gia BRI từ tháng 3/2019, CCCC sẽ giúp nâng cấp hạ tầng cơ sở các hải cảng Genoa và Trieste. Tập đoàn Trung Quốc cũng xây một phần đường xe lửa Budapest-Belgrade, mà Trung Quốc muốn qua đó phô trương công nghệ hỏa xa của mình ở châu Âu.

Rõ ràng, với việc CCCC hiện diện mọi nơi, vấn đề răn đe các quốc gia giao dịch với tập đoàn không dễ. Nhưng với chính quyền Trump nghiêng về việc trừng phạt từng tập đoàn Trung Quốc cá thể, để đạt kết mục tiêu chiến lươc trong cuộc tranh đua Mỹ -Trung, thì cũng nên chờ đợi xem công ty con nào khác của CCCC sẽ bị đưa vào danh sách Entity List trong tương lai.

https://www.rfi.fr/vi/qu%E1%BB%91c-t%E1%BA%BF/20200902-tr%C6%B0%CC%80ng-ph%E1%BA%A1t-m%E1%BB%B9-v%C3%AA%CC%80-bi%C3%AA%CC%89n-%C4%91%C3%B4ng-%C4%91e-do%CC%A3a-con-%C4%91%C6%B0%E1%BB%9Dng-t%C6%A1-l%E1%BB%A5a-c%E1%BB%A7a-trung-qu%E1%BB%91c

0 comments

Leave a comment

Powered by Blogger.